Nỗi Buồn Chiến Tranh
Chương 14
PHẢI VIẾT THÔI? KIÊN THƯỜNG TỰ NHỦ MỘT cách nghiêm trang và quả quyết, một cách thôi thúc và nôn nóng như thế, như thể thầm hô lên một khẩu hiệu để giục lòng mình, những khi anh một mình đi trên đường phố ban đêm. Những đêm âm u buồn thảm đầu óc tối sầm tuyệt vọng, như đêm nay, như nhiều đêm.
Phải viết thôi. Đời anh từ bấy lâu nay còn gì hơn là viết, mặc dù là viết khổ viết sở, như đập đầu vào đá, như là tự tay tước vụn trái tim mình, như là tự lộn trái con người mình ra. Nhưng ấy thực là tồn duy nhất, là phần còn lại của tâm hồn đã bao lâu rồi ngợp đi trong buồn thương và tủi nhục. Viết cho đến khi không còn được nữa. Cho tới khi ngay cả phần còn lại cũng bị nhận chìm đi thì xin thề là sẽ biết đường mà tự xử. Còn bây giờ, những lúc lờ mờ cảm thấy sự vô nghĩa lý của những giờ dằng dặc triền miên cặm cụi bên bàn viết thì Kiên ra đường, ra với thành phố đêm khuya của anh. Nhất là những đêm không điện, từng mảng rộng của Hà Nội bị nuốt đi trong đêm. Đêm tối đen, hoang vu như đêm đồng nội. Và thêm nữa mưa gió rét mướt. Trong cái buồn của đêm đen thành phố anh như thấy được cảm thông, nỗi buồn riêng dường như dịu đi.
Đôi khi lò mò đi trong những ngõ hẻm câm lặng như hang sâu lòng anh lại chợt bừng lên cảm giác ngọt ngào nao nức như thể đang đứng trước một khoảng trời rộng mở. Một ý tưởng lơ vơ có thể được làn gió lùa dọc phố bốc mạnh lên như một cánh buồm.
Phải viết thôi. Viết để quên đi, viết để nhớ lại. Viết để có một cứu cánh, một niềm cứu rỗi, để mà chịu đựng, để giữ lòng tin, để mà còn muốn sống. Cần phải viết về những người thân yêu cũng như về những con người xa lạ hàng ngày nườm nượp qua đường vô tình trở thành những chứng nhân của cuộc đời nhau. Viết về những khoảng trời khác nhau, tương phản nhau trong đời sống và trong tâm hồn, về những mái nhà, những tổ ấm, về thành phố mẹ đẻ… có biết bao số phận, biết bao nhiêu nông nỗi đời người thấp thoáng trong bóng tối đêm mưa, dưới những mái hiên, lướt ngang những cột đèn góc phố. Tiếng chân người bước trong vắng tối phố dài nghe như âm vang của im ắng, như tiếng bước chân của suy nghĩ. Một chiếc xích lô phủ bạt bóng loáng nước mưa đạp qua không tiếng động. Một cặp ôm nhau trong cái bốt của cảnh sát điều khiển giao thông. Tiếng gà gáy mơ hồ trong góc phố. Một quãng đường tối câm đột nhiên có điện trở lại, đèn bật sáng, bừng lên từng đợt như bị gió thổi bạt đi. Lá bàng rụng xuống một tiếng khô giòn. Còn lá sấu mặc dù ướt át vẫn đuổi nhau vùn vụt trên vỉa hè. Kiên cảm thấy mình đang đi trong quãng lặng của bản nhạc lớn lao và trong đêm tối phố phường anh cảm thấy rõ mình đang sống. Sống một cánh thôi thúc, một cách đầy giục giã, bất chấp cuộc đời tham lam không trí nhớ, bất chấp sự trì trệ của đời sống thị dân không ký ức, không ước mơ. Phải viết thôi, phải viết thôi.
Ở góc phố nọ, Kiên dừng lại trước một cửa hiệu bầy bán một mình giữa canh khuya. Vừa mải mê vừa lơ đễnh, anh ngắm những mặt hàng lụa bày trong tủ kính. Rất nhiều màu sắc và tất thảy đều dịu nhẹ gợi cảm giác êm ái, tinh khiết và trang nhã lạ thường.
– Chọn mua đi chú ơi? Một giọng trẻ măng tinh nghịch mời chào, và Kiên nom thấy sau quầy gương mặt thanh tú phơn phớt phấn hồng của cô bé chủ tiệm – phụ nữ bọn cháu ấy mà, ở mọi lứa tuổi chẳng ai là không thích mê khi được làm quà bằng thứ hàng này.
Kiên mỉm cười, nhưng mà anh hơi thẹn vì đã nhận ra đây là quầy bán toàn đồ của phụ nữ. Thật không ngờ lại đẹp đến thế, tinh xảo đến như vậy. Hẳn là vẻ mặt anh lúc này, nom phải đặc biệt tỉnh lẻ. CÔ bé khúc khích cười tán:
– Tuyệt, đúng không chú? Có thể ví như những lượt da trời buổi sớm ý…
Trên vỉa hè, trong bóng tối đẫm hơi mưa, Kiên rảo bước, và hồi lâu trước mắt anh thú thực cứ phấp phới dập dờn những món đồ lụa mặc bên trong đẹp không thể nào ngờ được ấy của người phụ nữ thời đại mới. Tự nhiên anh nhớ tới mấy cô giao liên người Miên ở vùng Tây đắc-rệt, họ xài coóc-xê như đồ trang sức: mặc ra bên ngoài áo cánh. Mà nói gì tận xứ đó, ở Quảng Bình hồi bọn anh hành quân qua, trong ba lô tay nào có trữ loại phụ tùng ấy của phái đẹp thì hầu như muốn gì được nấy, các cô thanh niên xung phong chiều hết. Phải, các cô gái thời bọn anh quả là thua kém thời nay. Và, ôi chao như hồi năm 73, thật tức cười, tiểu đoàn anh nhận lầm phải một đợt quân trang nữ, áo ngắn cũn, quần lại xẻ bên hông, song kỳ khôi nhất là mỗi bộ thế đều có kèm cả “xích líp phụ tùng”. Lính tráng gọi đùa là đồ gia giảm. Cứng ngang mo cau, thật sự là giáp che ngực, và lục thẫm, lục nhạt hệt như những con cánh cam. Đấy là chuyện hài song cũng có những chuyện kinh khủng. Bao giờ cũng thế, từ sự nhỏ nhặt nhất trong đời sống con người thời đó cũng có những chuyện đau đớn kèm theo. Những chuyện không thể quên, nhưng không dám nhớ tới…
Kiên bước qua đường. Dưới cột đèn trước cửa một hiệu ăn anh thấy một người ăn mày đang đứng co ro, tay giấu trong nách, rạp xuống ngẩng lên vái người qua đường và cất giọng ống bơ rỉ kêu van một cách tự tin:
“Xin hãy để mắt quan tâm đến tình cảnh người khác một phút đồng chí ơi! Xin hãy nhớ tới những miền đang lụt lội, đồng chí”.
– Ăn mày mà lập trường gang thép gớm chưa? Mẹ kiếp, cái dân An Nam nhà mình chỉ giỏi chống ngoại xâm chứ đến ăn xin cũng chẳng biết đường – một ông bệ vệ diện bành tô quắp một ả áo lông đi từ trong quán ra, lên giọng – ê, hạ lập trường xuống, thì cho.
Ả áo lông cười rú lên như bị cù. Kể cũng buồn cười thật. Một lúc nào đó mình sẽ dùng đến cảnh này, tự nhiên Kiên nghĩ thế. Có thể sẽ viết rằng thằng cha bệ vệ kia và người ăn xin là bạn cũ của nhau. Thậm chí là đồng đội. Mà cũng có thể… Nhưng, vớ vẩn chưa kìa.
Kiên nghĩ sao lại lạc sang nghĩ đến chuyện này? Mọi ý bị xáo trộn lên, không còn mạch lạc gì, mọi tình cảm và suy tư như cố hòa vào nhau để làm mờ nhòa cái điều chủ yếu đang ám ảnh, giày vò tâm trạng. Tuy nhiên, anh cũng biết, chính những ý nghĩ đứt đoạn, thiếu ăn nhập không đầu, không đuôi, thấy gì nghĩ nấy này đã luôn giúp anh sao lãng khỏi những đau đớn quá sức tưởng tượng của tâm hồn.
Trong đêm, những cảnh tượng của mê cung thành phố lướt loáng thoáng qua tâm trí Kiên như những con tính nhẩm rời rạc, chẳng mấy ý nghĩa nhưng chắp nối tình cờ với nhau thành chuỗi số vô tận. Nhiều hôm những con tính nhẩm nhặt nhặt trên đường đã dẫn dụ anh đi lang thang cả đêm. Dần dần cũng thành ra như một nhu cầu nó tạo cho anh cảm giác tò mò êm ái đối với đời sống thường nhật tối tăm, bơ phờ và chán ngấy. Anh có thể kiên nhẫn uể oải đi theo một bộ hành nhìn thấy tình cờ phía trước, lòng dòng qua hết phố này đến phố khác hàng giờ cho đến khi y khuất vào sau khung cửa một ngôi nhà. Anh cố hình dung tướng mạo và sắc diện cuộc đời một con người chỉ qua tấm lưng, anh hình dung mình nhập thân vào cuộc đời của họ, những con người sống quay lưng lại với tất cả.
Ngày trước, trai đất thánh gặp nhau trong rừng, mắc võng nằm cạnh nhau, nhiều khi suốt đêm sa đà vào toàn những chuyện phố xá. Phố này ở đâu, phố kia ở đâu, phố nào chỉ độc một số nhà, phố nào có nhiều số nhà nhất, phố nào dài nhất, ngắn nhất, cổ nhất, vì sao lại gọi là chợ Đuổi, dân nào ở Hà Nội chuyên làm chả nhái, quán cà phê nào đáng vào nhất… Năm 72, Kiên, cùng A trinh sát với Thắng “đầu bò” – ba đời đạp xích lô kiếm cơm ở Hàng Cỏ – Vậy mà “đầu bò “phải chịu Kiên là thông thạo Hà Nội hơn hắn”. Không một tên lính Thăng Long nào rành rẽ những chi tiết thị thành lặt vặt nhất bằng Kiên. Anh có thể miêu tả không sai một nhánh nhỏ nào trong khối chằng chịt các phố Hàng. Ai có thể biết được bằng Kiên rằng Hà Nội có bao nhiêu hồ to hồ nhỏ, đường Khâm Thiên có bao nhiêu ngõ, con gái phố nào đẹp nhất, rạp Thái Bình Dương thường chiếu phim cấm vào những tối nào, bằng cách nào sắm được vé. Chẳng ai ngờ rằng những tri thức phố xá ấy của Kiên là do nhặt nhạnh được trong chiến tranh, do anh trải qua nhiều đơn vị, gặp nhiều lính gốc Hà Nội, chứ bản thân anh trước khi đi bộ đội chỉ là một thằng bé học trò, ít chơi bời bát phố. Cuộc đời quân ngũ và những năm tháng mịt mù nơi rừng sâu núi đỏ đã làm cho anh yêu tha thiết thành phố mẹ đẻ của mình.
Thế nhưng giờ đây niềm đam mê quang cảnh thị thành đã phai lạt đi nhiều. Có lẽ, quả thật, càng ngày anh càng khó nhận ra Hà Nội của mình, không phải vì thành phố đã thay đổi gì nhiều mà vì trong lòng anh, phía sau đôi mắt, đã có quá nhiều biến động. Anh gắn bó với đường phố chủ yếu là nhờ những kỷ niệm. Dường như cuộc sống ngày hôm nay anh thấy đang diễn ra xung quanh chỉ có tác dụng duy trì trong anh một thế năng không mất đi đối với quá khứ.
Cái cảm giác hòa nhập, cảm giác đồng điệu ngày mới quân ngũ trở về anh thường cảm thấy khi đi trong phố xá giữa mọi người giờ đây không còn nữa. Ám ảnh cô đơn luôn bám gót Kiên, nỗi cô đơn không của riêng anh mà của cả đám đông. Nỗi cô đơn của cả một dòng người. Sự cô đơn của nghèo nàn và đơn lẻ lồ lộ phơi bầy trong các số phận đồng loạt, lầm lùi đi bên nhau nối nhau thành dòng nước quẩn. Niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ đều cùn mòn, nhạt nhẽo và vô ích, lập lòe tối sáng như những chùm đèn xanh đỏ nhấp nháy trước các cửa hiệu. Cho nên, đi trên đường phố như để tìm một nguồn quên lãng mà rốt cuộc lại rơi vào với nỗi buồn. Luôn luôn Kiên nhận thấy rằng, tất cả, cả anh, cả mọi người đang để trôi di uổng phí những giây phút bồi hồi, những khoảnh khắc xao xuyến tình người nhất trong một đêm và trong một cuộc đời. Luôn luôn, khi di trên đường phố. trong đầu anh thường bất chợt lóe lên một ý nghĩ. “Phải đi khỏi đấy thôi”. Bóng tối đen kịt. Gió hú trên cao… “Đi thôi”.
Bất giác anh hình dung thấy Đồi Mơ trong cái vắng lặng của buổi chiều tà tháng năm, cái tươi mát mới lạ, cái xưa cũ xa vời và trong cảm giác êm đềm tuyệt diệu của làn gió từ bìa rừng và mặt sông, của vườn cây đằng sau nhà mẹ Lành. Sao Hôm lấp lánh trên nền trời ngả tím. Nỗi khát khao được về náu thân ở xó rừng buồn thảm, tươi đẹp ấy của đất Nhã Nam làm trái tim Kiên tan nát đi vì tuyệt vọng và vì hạnh phúc. Khi đời anh đã hết thì vẫn còn một nơi, vẫn còn một người chờ anh tại chính chốn mà từ đó anh ra đi lập nghiệp… Rồi anh lại nhớ tới những ngày xuân, khi toàn quân B3 từ vùng duyên hải Phan Rang hành quân ngược lên đèo Ngoạn Mục, qua thủy điện Đa Nhím, qua Đơn Dương, Đức Trọng, xuống Di Linh để ra đường 14 đi xuống Lộc Ninh, quặt trở lại để đánh vào Tây Sài Gòn kết thúc chiến tranh. Cuộc hành quân muôn một trong đời lính bộ binh, vùn vụt tiến quân bằng xe cơ giới xuyên qua đất trời vô tận của thảo nguyên… Khi bình minh đến trên đồng cỏ, quân lính tỉnh dậy trên xe mặt bạc đi vì gió và vì sương, hỏi nhau đêm qua đã vượt qua được những vùng đất nào, bây giờ đang ở đâu đây…
Sung sướng tự hào vì tốc độ của chiến thắng. Hạnh phúc. Ngỡ ngàng. Ngây ngất.
Phải đi thôi? Phải đi thôi… Tới một góc tối ở xế Bờ Hồ, Kiên tạt vào “Caffé de la Hiên”, một quán đêm bí ẩn nép mình rất kín đáo ở đầu một ngõ hẻm. Đã đi phất phơ ban đêm thì bao giờ anh cũng ghé vào đây. ở đây anh có những kỷ mềm. Và nếu cần có thể dễ dàng thu lượm thêm nhiều những kỷ niệm nữa. Với lại ở đây người ta không nhạc nhọt làm ầm ĩ lên, cũng không màu mè chuyện văn chương thơ phú như ở các quán quanh hồ Thuyền Quang đầy rẫy các ông bà thi sĩ. “Hê lô, bộ binh?” – Tay chủ quán mập ú mũi cà chua hằn rõ ba múi toét cười chào Kiên. Y bưng đến bàn Kiên một tách cà phê, đĩa hạt hướng dương Tàu và nửa chai…
– Người lính có thích bạn cùng bàn không? – Y trịnh trọng.
– Không. Nhưng thế nào, dạo này thêm cả món ấy nữa à?
– Hì, hì… tư duy mới.
Trong không khí chật chội đầy hơi ẩm và khói thuốc, Kiên ngồi nhâm nhi tách cà phê và lười nhác ngẫm nghĩ. ở các bàn khác người ta thầm lặng chơi “ba cây”, rầm rĩ chuyện mánh mung và hút thứ gì đó lờ mờ mùi vị cần sa. Xa xa, trên mặt hồ hiện lên một ngôi sao xanh mờ có vẻ huyền ảo. Chắc là một ngọn đèn ở đầu cầu Thê Húc.
Hồi đầu hòa bình, tay chủ tiệm không béo mà gầy như cái xe điếu. Y cũng là lính giải ngũ, mò đâu từ bên Lào về với cái mặt sốt rét cơn thâm xịt. Y mở quán. Và dạo đó người ta gọi đây là câu lại bộ Cựu chiến binh. Khách khứa toàn là quân sĩ về “hoàn kiếm”, phần lớn chưa công ăn việc làm, chưa định hình cuộc sống mới, và như người ta nói, là còn chưa lại hồn. Người này mách người kia, dần dần tụ lại với nhau ở đây, cùng nhau nướng sạch vào túi trung sĩ chủ tiệm những đồng bạc “cửa rừng”.
Ở đây, bên cốc rượu, họ lớn tiếng kể về những bước đi chập chững vào đời dân sự. Những chuyện bây giờ thì đã nhàm tai nhưng hồi đó thì thật không sao tin nổi, lại được kể bằng giọng lính, làm cho ai nghe cũng phải cay đắng cười đến rũ rượi và điên cuồng nốc rượu. Ở đây cũng có thể nhận được những chỉ dẫn và mách bảo tận tình về nơi có thể kiếm việc làm, về cách lo lót bọn nha lại để xin nhập tịch, xin trợ cấp thương tật, xin vào học lại ở trường đại học, xin trở về xí nghiệp cũ…
Nhưng nói chung đây là nơi tụ tập giải sầu, gặp gỡ hàn huyên, nói chung là những sự cố kết ủy mị. Tại chỗ Kiên đang ngồi dạo trước là “chốt” cố định của Vượng tồ, một cựu binh thiết giáp, nhà ở sau ga, “đã từng bốn năm trời lái T54 hoành hành ở Miền Đông!”. Có lẽ Vượng là nhân vật đầu tiên thuộc loại người mà về sau Kiên gặp rất nhiều, loại người không tài nào nhấc chân ra khỏi miệng hố chiến tranh, loại người bị những ức ký quá kinh khủng đè bẹp và làm cho suy đốn. Hồi mới theo bạn bè tới quán này, Vượng uống không nhiều, lành và rụt rè lại to con quá khổ nên trông quá tồ.
– Em đang nhờ anh em chạy lo cho một chân lái xe – Anh chàng khoe với Kiên – Xe tải, xe con, xe khách đều được Tàu lu cũng được. Cốt là em được nắm tay lái, được chuyển động trên mặt đường thôi. Em chẳng uống. Ngồi vui với các anh thôi.
Bẵng đi một thời gian, lính tráng kinh hoàng thấy Vượng lù lù xuất hiện ở cửa quán, râu ria lồm xồm, mắt đỏ ké, bước khật khưỡng, môi nở nụ cười ngơ ngác, “tôi bỏ lái rồi các chiến hữu ạ. Bây giờ là rượu lái tôi”‘ Và bắt đầu từ đó, Vượng như ngồi lì ở đờ la Hiên một góc riêng, luôn luôn một chai với ba thứ đồ nhắm.
Thỉnh thoảng hứng chí, Vượng lại gào lên một khúc quân ca hoặc một bài hát tục tĩu nào đấy của đời lính.
– Cạn với tớ một li, chàng bộ binh – Hắn ồm ồm gọi – Không thích tớ à? Hay sợ tớ hết xèng? – Đừng lo, cạn đi? Không có chúng tớ làm đếch gì mà các cậu trở thành “bộ binh giỏi nhất thế giới” như các vị tướng tá nhà ta khoe? Hãy uống mừng đòn đột phá của chiến xa đi!
Thật không ngờ một tráng sĩ hùng dũng như thế thuở nào lại trở chứng, biến mình thành mớ giẻ rách như vậy. Người ta bảo hắn mắc chứng “ngợp mặt đường” nhưng đúng ra thì còn tồi tệ hơn: Vượng không chịu nổi xóc?
Xóc mạnh ổ gà, ổ trâu, chồm nẩy lên thì còn chịu được – Vượng kể – chứ mà những đoạn nhún nhảy, êm êm, mềm mềm, nhũn nhũn là tớ ọe liền, nôn chóng mặt đến buông cả tay lái. Đêm về không ngủ được. Ngủ lại gào lên như bị cắt tiết. Thế là tửu. Mà tửu vào thì còn lái chó gì được nữa. Mà tớ còn bị cái thói căm ghét kẻ bộ hành và xe đạp… Cứ thấy người láng cháng trước đầu xe là hết kiên nhẫn. Phải cố sức kìm mới khỏi dận ga thúc ba đờ xốc vào họ. Các cậu hẳn thấy cảnh tăng cán người rồi chứ? Nặng thế mà thân xe vẫn bị xương thịt con người mềm mại đội kích lên một chút. Ngồi trong xe, ở tay lái thì càng nhạy cảm hơn với cái sự hơi rướn lên ấy. Biết rất rõ xe đang lướt trên những thân người chứ không phải mô đất, gộc cây hay là cục gạch. Như cái túi đẫy nước thẳng người vỡ đánh bép một cái và đẩy nhẹ băng xích lên. Ối giời ơi? – Vượng rên lên, mặt méo đi – Những cảnh như thế cán cả vào tôi khi ngủ. Các cậu không hiểu như thế là thế nào đâu… Hồi bọn tớ tràn qua Xuân Lộc đuổi đánh bọn lính sư đoàn 18, ở các rãnh xích đầy những thịt với tóc. Giòi lúc nhúc. Thối khẳn. Xe chạy tới đâu ruồi bâu tới đấy… cái chủ yếu là… thoát khỏi ngủ mê . . .
Vượng đã uống cho tới ngày đổ bệnh, quỵ hẳn. Những người khác có lẽ cũng chẳng hơn gì. Câu lạc bộ rã đám dần. Các thân phận tơi tả tan tác. Trong số những nhân vật bộ tịch mờ ám ngồi trong quán lúc này khối tay là thành viên hội cựu chiến binh thuở ấy nhưng làm sao mà nhận ra nổi họ nữa. Cũng như Kiên thôi, anh còn gì giống với bản thân mình. Và tay chủ quán kia nữa. Kiên róc rượu. Một ả tóc xù, bận áo Na-tô cồm cộm những túi với phecmơtuya, sặc mùi nước hoa Tàu, lướt sát qua bàn. Gặp mắt Kiên, ả lượn vòng lại, ngồi thả người xuống bên cạnh anh.
– Đừng ám lâu nhé! – Kiên giao hẹn.
– Không thích em à?
– Sao không kiếm một chỗ khác?
– Còn một chỗ khác à?
Ả “bớp” bật cười. Răng sứt, lợi đen sì. Không cười nom còn tạm. Của này tuổi làm gì đã được hai mươi.
– Rét quá, – Ả than – Anh uống một mình à? Mà giời ơi, định mời em thứ độc dược này à? ê, anh béo đúp Ma-xim?
– Rượu chè không tốt cho các cô bé đâu.
– Có anh là bé con ấy!
Ả đưa tay xuống gầm bàn lần đùi Kiên. Ờ? – Ả thốt lên rụt tay lại, khẽ cười. Kiên nhếch mép.
– Ôi, chán phè ông anh? Em không phải là một con ngốc. Em là một con bớp có bằng cấp đấy thưa anh. Xin ông anh biết cho là đang đối tửu với nữ sinh viên đấy ạ. Anh đừng lỡm em. Em chả say đâu… ối giời, chán phè anh giai. Thôi, uống đi?
Cả đời Kiên uống nhiều nhưng chỉ vài lần say đáng sợ. Một lần trong cái bar của Air France trong Tân Sơn Nhất đêm ba mươi tháng Tư. Một lần chính ở cái tiệm này đây. Cách đây gần chục năm rồi. Một ngày đen tối. Tay chủ tiệm chắc vẫn còn nhớ. Hồi đó hắn chưa béo ú ra như thế này. Cô nhóc này dạo đó có lẽ còn ở tuổi đứng mút kem ở tiệm Hồng Vân. Một ngày đen tối. Anh đã đánh thành thương tật một con người.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!