Nỗi Buồn Chiến Tranh
Chương 17
MỘT THỜI GIAN DÀI SAU KHI PHƯƠNG ĐÃ dứt tình và ra đi hẳn, tối tối song song với ánh điện bên buồn Kiên, ngọn đèn bị bỏ quên trong phòng nàng vẫn thầm lặng sáng lên, sáng thâu đêm, âu sầu rọi qua khe cửa như là một niềm lãng quên không ngừng canh cánh. Nhiều bận đi từ ngoài phố về, nhác thấy làn ánh sáng của Phương còn vương lại ấy, Kiên giật mình. Nhất là những tối đã ngà ngà. Loạng choạng, anh dừng bước ở hanh lang trước cửa phòng nàng, gõ cửa. Gõ mãi, riết róng điên rồ. Vi say. Vì dở hơi. Vì đau buồn nặng như gang. Nỗi đau; còn hơn là một nỗi đau, át cả rượu, ngấm vào lòng, mãnh liệt và choáng ngợp, sâu thẳm như thể mọi sự xuất thần, như là một niềm cảm hứng. Từ nay thiếu vắng Phương. Hiện thực hàng ngày sẽ thừa ra. Anh sẽ mất hết mọi rung cảm với nhịp sống đời thường hiện nay. Chỉ còn có hồi tưởng là cơ sở cua nhận thức. Và nỗi đau buồn, và niềm nhớ thương sẽ biến thành ngọn nguồn của mơ mộng, đưa anh đạt tới những trải nghiệm tối tăm sâu thẳm nhất của trí tưởng tượng. Kể từ ngày Phương từ bỏ anh, hằng đêm Kiên mất ngủ vì những chuỗi dài giấc mơ kể lại chính cuộc đời anh nhưng bằng những lời kể kỳ lạ. Vô tận những đoạn đời khác biệt, so le nhau hàng năm trời đã đột nhiên hiện ra cùng một lúc, đan xen, lồng vào nhau trên cùng một thời điểm của hồi tưởng, tạo nên trong ký ức của Kiên những vùng không gian mới, những vùng quá khứ chưa từng có.
Tâm hồn anh trong đau khổ, dường như đã biến hình. Có vẻ như giờ đây anh lại một lần nữa bắt đầu yêu, một tình yêu mới, một tình yêu khác nữa với Phương nhưng lẫn trong những trang chưa từng được giở ra của dĩ vãng. Và một cuộc chiến tranh khác. Một thời buổi bão táp khác. Dưới một bầu trời khác của quá khứ. Hồi đó đã lâu lắm rồi… Một kỷ niệm thân yêu nhưng sao mà xa xôi và buồn.
Bấy giờ Kiên và Phương mới mười sáu tuổi, vừa học xong lớp chín. Năm một chín sáu tư. Kiên nhớ là tháng Tám, đầu tháng Tám… Đoàn trường Chu Văn An tổ chức cắm trại ở Đồ Sơn. Cả những học sinh chưa phải đoàn viên như Phương và Kiên cũng được tham gia.
Mấy hôm đầu thời tiết xấu. Biển động, và mưa suốt ngày. Nhưng rồi một chiều mây quang ra, trời bừng nắng. Cả bọn sung sướng rút khỏi khách sạn để ra dựng lều ngoài bãi biển. Những lều vải sặc sỡ như những cái nấm màu mọc dọc hàng phi lao. Tối đến đốt lửa trại liên hoan văn nghệ. Cảnh tượng thật vui. Đống lửa cất cao ngọn, soi rực một vùng bãi cát. Bia hơi, rượu mùi, tiếng phong cầm, tiếng ghi ta, đơn ca, rồi đồng ca “Biển cả mênh mông, sóng vỗ nhịp thân tàu…” Mọi người say sưa hát. Tiếng trò chuyện và tiếng ca tạo thành hòa âm ồn ào mềm mại bên cạnh bóng đen siêu phàm cô độc của biển. Đêm tới khi nào không hay. Mọi người lăn ra ngủ, chui vào lều hoặc là ngả mình ngủ ngay trên bãi. Bên đống lửa đã thu nhỏ và thấp ngọn xuống chỉ còn Kiên với Phương thức, ngồi cạnh nhau. Suốt tối, Phương không hát chỉ đệm dàn cho các bạn. Cũng rất ít trò chuyện nom có vẻ bồn chồn.
– Sao mà buồn thế – Kiên hỏi – có chuyện gì phải không?
– Biển làm sao ấy, sờ sợ thế nào. Kiên có nhận thấy không?
Biển phả vào bờ hơi thở mát lạnh và tinh khiết. Khơi xa ầm ì. Những vệt sóng bạc. Biển đêm khuya, tím đen và óng ánh, như một cơ thể hùng vĩ mang trên vai khối nặng huy hoàng của cả một trời sao cuối hè. Kiên ném thêm nắm cành khô vào lửa. Phương bật nhẹ dây đàn ghi ta, chậm rãi phác một giai điệu, song không hát. Có những bước chân thong thả, chắc nịch đang tiến tới. Một ngọn đèn pin rê rê. Mấy bóng đen dừng lại ở bờ phi lao. Một người tách ra, bước vào trong vòng sáng dập dờn màu đỏ nhạt của ngọn lửa.
– Tại sao không dập lửa đi hả? – Người đó dằn giọng.
– Dập à? Tại sao hả anh? – Kiên ngạc nhiên ngước nhìn khuôn mặt thô rắn, nghiêm nghị của người lính thủy cao lớn vai đeo súng trường – Bọn chúng em đốt lửa trại mà anh!
– Ném cát vào, dập đi!
– Nhưng sao ạ?
– Sao giăng gì? Đã có lệnh truyền từ đầu tối, không nghe gì cả à? Bao nhiêu thứ đèn lửa dọc bãi biển phải dập tắt hết. Lệnh thế đấy? Thi hành đi, đừng vặn vẹo. Cấm là cấm, lệnh quân sự
– Thế có cấm hát không, anh ơi? – Phương hỏi xen vào.
Người lính nhìn Phương, nét mặt dịu đi. Anh hạ súng và ngồi xuống bên đống lửa.
– Không, hát thì ai cấm. Dù thế nào thì tiếng hát vẫn phải còn. Em sẽ hát kỷ niệm bọn anh một bài chứ?
Hai người nữa trong tổ tuần tra bước tới, ngồi xuống trong vòng ánh sáng, lặng lẽ nhìn Phương.
– Ôi em hỏi thế thôi chứ, có định hát đâu ạ – Phương nguẩy vai, cười, lắc đầu.
– Hát đi em! – Một anh lính thủy nói, giọng buồn buồn khang khác – hát để giã từ mà. Từ giã bọn anh. Từ giã biển. Ngày mai… Chẳng giấu các bạn làm gì: Chiến tranh rồi! Chiến tranh với Mỹ.
– Ơ đã chắc chắn đâu? Còn xa, còn trừu tượng lắm mà. Đừng hãi, em. Hát cho vui thôi mà.
– Vâng… Phương thì thào run rẩy, mặt tái đi.
Ngồi thẳng lên, áp nhẹ cây đàn vào lòng, Phương đưa những ngón tay thon thả lần lần chầm chậm lên phím. Sau một lát lặng im như để tự trấn tĩnh và để lựa những cảm xúc của lòng mình. Phương thở một hơi dài, ngẩng đầu lên. hất bỏ tấm khăn van choàng trên vai rồi cất tiếng hát. Bài ca ngay lập tức như xuyên một mũi tên vào tâm hồn người nghe. Kiên cảm thấy máu cuộn lên trong tim và lệ trào lên mắt. Bài ca dường như sầu muộn nhưng dần dần dâng lên, lớn lên mãi tràn rộng ra như làn gió lộng thổi. “Trên thế giới này từ nay, ngọn gió phũ phàng nào sẽ thổi…”, Phương hát. Trong lời và nhất là trong giai điệu bài ca nghe chứa chất cả niềm say mê lẫn nỗi đau buồn trước thời cuộc. Những ước mơ nồng cháy và những tiên cảm đau xót. Trong giọng hát của Phương như đều đều hơi thở tâm hồn của một lớp thanh niên được sinh ra ở đời chỉ cốt dành cho cuộc chiến tranh bắt đầu từ ngày hôm ấy. Trên khuôn mặt nghiêm nghị của một trong ba người linh nước mắt nặng nề ứa ra dưới cặp lông mày nhíu lại. Chiến tranh! Chiến tranh! ấy chính là tiếng gầm của biển trong suốt đêm bốn rạng mồng năm tháng tám. Bãi cát dài hình vòng cung ầm ầm sóng xô. Đột ngột hai đốm lửa bay chéo ra từ cùng một điểm trên trời tách thành hai làn chớp biếc vụt sa xuống. Những người ngủ trong bãi cát và ngủ trong lều vải đã thức cả dậy tới quây quần bên đống lửa đã lụi. Tất cả đều im lặng. dường như cùng nín thở. Khi tiếng hát ngừng rồi mọi người vẫn như bất động. Phương buông đàn, đứng đậy, bước di, khuất vào trong đêm. Kiên lặng lẽ đi theo sau, men theo hàng phi lao. Dưới chân cát ẩm và lạnh. lập lòe những ngọn đèn xanh đom đóm. Phương dừng lại, tựa lưng vào thân cây, hai tay đưa về phía Kiên. Tối đen không thể trông thấy nhưng Kiên cảm nhận được cử chỉ đắm đuối lần đầu tiên ấy của một mối tình…
– Mãi mãi chúng mình sẽ không rời xa nhau chứ Kiên? Và khi chết cũng chết ở bên nhau nhé – Thầm thì Phương rủ rê.
Đêm ấy, tuồng như cứ chốc chốc lại có sao đổi ngôi. Màn sao như rơi rụng dần. Và về gần sáng một cơn dông kéo tới đen trời. Biển nặng nề sóng.
– Nhưng sao lại chết? Chiến tranh: Từ nay mới thật là sống?
– Thật là sống à… Có lẽ thế. Nhưng chỉ sợ chúng mình sẽ không kịp sống và yêu… Không kịp, đã mất hết!
Hai đứa dắt tay nhau, chạy theo hàng phi lao, trở về nơi cắm trại. Lều trại tan tác. Cát bay mù mịt. Những tấm chăn bị gió cuốn vơ đi. Dây căng lều bị giằng đứt. Các cọc néo bị nhổ bật cả lên. Mưa trút xuống bờ biển xám. Bắt đầu từ đêm ấy. dông tố đen ngòm một thời. Từ đêm ấy bắt đầu những sự kiện ghê gớm.
Mùa hè năm sau Kiên vào bộ đội. Mùa thu lên đường. Gọi là đi B dài, nhưng anh không ra đi một mình, mà với Phương. Đi nốt với nhau những cây số cuối cùng của mối tình đầu.
Từ bấy đến giờ, hai mươi mấy năm trời. Hồi ấy đất nước vẫn còn ở mé bờ bên kia của thời đại này. Bây giờ thì có thể nói là một đất nước khác rồi. Và Kiên, Kiên cũng đã trở thành một con người khác. Chỉ riêng Phương cô gái mắt nâu, long lanh bất tử, kiều mị và điên rồ của anh, thì dẫu bao nhiêu phong trần, dâu bể vẫn chẳng làm thay đổi được nàng. Bất chấp những núi non tội lỗi, bất chấp những tai tiếng xấu xa, những điều kinh khủng, mà từ nhiều năm nay đời đã gắn vào cho tên tuổi của nàng, với Kiên, Phương vĩnh viễn ở ngoài thời gian, vĩnh viễn trong trắng, vĩnh viễn tuổi thanh xuân.
Đêm ấy hơn hai mươi năm về trước, tàu qua Phủ Lý không dừng lại, thúc lên một hồi còi não nùng. Đường ray cong ngả về hướng biển. Như lạc trên đường trường vô định, đoàn tàu sầm sầm lao đi. Và chẳng những Phủ Lý mà hình như cả Nam Định cả Ninh Bình đều đã lùi lại phía sau.
– Càng thích? CÓ vẻ như lấy làm mừng vì đã lỡ bước Phương ôm lấy vai Kiên thì thầm – Càng lạc xa càng tốt. Xem thử bom rơi đạn nổ nó thế nào nào.
– Nhưng. . . làm thế nào quay ra? – Kiên ấp úng.
– Thì, Phương có định ra đâu. Cùng nhau và bên nhau. Ai cấm chúng mình!
Giờ đây khi mường tượng lại, Kiên vẫn có cảm giác rằng, cuộc hành trình liều mạng ấy là một câu chuyện được tưởng tượng ra bên lề ký ức chiến tranh của anh chứ không phải là một sự thật được nhớ lại. Dường như trước khi mở ra những trang nặng nề hiện thực đời lính, trí nhớ được phép hão huyền một lần chót.
Đêm ấy, tàu không dừng ở một ga lớn ga nhỏ nào chỉ đôi lần đỗ nhanh vài phút trong bóng đêm giữa đồng trống, vậy mà người từ đâu chẳng biết cứ lèn lên toa. Bộ đội, thanh mến xung phong tụt tạt, lạc ngũ và cả dân thường, dân buôn, cả bọn trộm cướp đường trường. Như là tàu chợ. Đèn pin quét, diêm thuốc bừa phứa. Mùi khói. Hơi người. Cái góc êm ái của Kiên và Phương cứ hẹp dần.
– Đồng Giao-ao-ao… rồi chưa đới-ới-ới – Một giọng rất thảm hú lên. Gió đêm lùa qua thành toa hống hoác.
Nhịp tàu xóc, dồi lắc dập dềnh.
– Đi đến chỗ chết mà phải đi đến là xa nhỉ, – Phương khẽ cười thì thầm. – Không ngủ nổi à, Phương?
– Buồn ngủ nhưng mà khó ngủ ghê cơ.
– Cố ngủ đi, ngày mai…
– Nhỡ không có ngày mai?
– Đừng nói thế… nhắm mắt lại, đếm từ một…
Một ngày mai chói chang tai họa đang kề tới, có lẽ thế. Song đêm tối còn trùng điệp, tàu vẫn chạy mải miết. Tiếng bánh xe rũa đều đều trên đường ray.
– Ừ Thì cùng đếm nhé. Hay là thôi… ta cùng mơ một giấc mơ, Kiên ạ.
– Mơ gì bây giờ?
– Mơ gì, Kiên thì thật. Thế mà cũng hỏi… Nằm dịch vào Kìa, chẳng ai thấy đâu…
Có lẽ là giấc ngủ êm ái nhất đời cũng là bình yên cuối cùng nên rất nhiều năm sau giấc ngủ đó vẫn còn thức trong tiềm thức Kiên.
Sau chiến tranh, từ mặt trận trở về trên chuyến tàu Thống Nhất đông chật lính giải ngũ, đêm cuối cùng của hành trình Kiên hầu như không ngủ. Bên cạnh, nằm cùng võng với anh là Hiền cô gái phế binh người Nam Định có đôi mắt to hiền hậu, u buồn cũng cả đêm không ngủ, thì thầm trò chuyện, về gần sáng mới thiếp đi. Tàu qua Thanh Hóa trong ánh bình minh. Gỡ mình khỏi vòng tay của Hiền, Kiên hơi nhổm lên trên võng, đưa mắt nhìn ra cửa sổ. Cảnh đường trường lươn lướt trôi qua như những cái chớp mắt, lặng lẽ điểm nhanh lại một điều gì hằng in trong ký ức. Đồng ruộng, gò đống, sương mù, các lũy tre làng những vườn dừa, ao chuôm, các triền đồi, những bãi sông… thưa thớt, mông lung, lành mạnh dưới bầu trời ban mai nhàn nhạt thâm thấp, mùa thu. Bất giác, Kiên nghe thấy trong câu chuyện sầu tẻ đơn diệu của các bánh xe hỏa giọng nói thì thào của giấc ngủ xưa. Gương mặt Hiền mờ đi. Hướng hành trình như ngược lại. Cái tuổi mười bảy hiện lên trong tiếng gió và tiếng bánh xe. Cái tuổi mười bảy, cái đêm hôm ấy…
Trong đêm ấy, trên đoàn tàu ấy, bên bờ tai họa và giữa cảnh rối ren, Kiên và Phương chắc chắn là hai kẻ quá giang liều chết nhất. Say sưa, mù quáng, phóng túng và cả tin, buông mình hoàn toàn theo ngẫu hứng, quấn chặt lấy nhau cả hai đều mê mẩn mịt mù trong mông mị êm đềm ngây dại. Trong vòng tay Kiên, Phương mềm mại cựa quậy, ngoan ngoãn duỗi mình ra hay cuộn mình lại, thoải mái, buông lơi, dại dột. Sung sướng, dễ chịu như đang ở trên cu-pê một toa khách hạng nhất, hai đứa lúc thì nằm áp má vào nhau, lúc nằm úp thìa, thanh thản, hài hòa và kỳ quặc, tách biệt khỏi trái đất. Sự ôm ấp động chạm gần gũi có thể đã có lúc kích lên trong Kiên một cảm giác bất chợt nào đó, nhưng cơn rạo rực như thể một lưỡi dao chỉ tuốt khỏi vỏ được nửa chừng đã bị chững lại, bối rối, dịu xuống, nhòa đi, lửng lơ.
– Kìa anh… Sợ gì… hãy…
Tiếng thì thầm của Phương như những hạt bụi lấp lánh trong khoảng không tối đen và thỉnh thoảng lọt được vào trong ký ức của Kiên.
– Hai đứa mình, Kiên ơi… Có thể đến khi chết đi vẫn còn trong trắng. . . Vậy mà chúng mình yêu nhau biết là ngần nào…
Áp mặt vào mình Phương, Kiên trôi qua nhiều giấc mơ. Những giấc mơ nối chuỗi, mịt mờ, triền miên vô định như là bản thân cuộc hành trình của hai đứa…
“Chiến tranh tình yêu của tôi!” – Kiên nghĩ.
– Máy bay?
– Bỏ mẹ rồi anh em ơi?
Rú lên. Hét. Ầm lên. Thất thanh. Đoàn tàu như hụt bước. Tấm màn nhung của giấc ngủ bị xé toang. Trời còn tối. Tàu còn đang chạy. Cả toa nháo nhào.
– A a a a?… – Cả toa nấc lên.
Một cái gì dó kinh khủng, rùng rợn rống lên làm cho không gian méo lệch, đổ giạt xuống. Kiên choáng váng, lật đật chồm xốc dậy, thần kinh toạc ra trong cảm giác đã đầu lìa khỏi cổ.
– Báo động – Một giọng nam cao gào lên tuyệt vọng, vô nghĩa – Dừng tàu lại-ại…
Máy bay lượn vòng, Tiếng động cơ phản lực khoan thủng thinh không. Kiên bị ép di vào góc rồi lại bị xô bật ra, bị đẩy dúi tới cửa toa. Một người va vào anh. Rồi một người nữa. Nỗi khiếp sợ lan đi rùng rùng. Bấn loạn, rối bời, hung dữ. Cửa toa rầm rầm mở rộng ra. Các guốc hãm rít lên nhưng tàu vẫn chưa dừng. Phát điên lên. người ta xô nhau: tuồn tuồn lao vào vực thẳm tối om ngoài tàu, gieo những tiếng hừ hự, huỳnh huỵch rất nặng xuống nền đường.
“Phương!” – “Kiên!”. Bây giờ anh mới sực nhớ tới Phương. Anh bám tay vào tấm ván bên mép cửa cố ghì mình lại. “Phương?”. Anh lại gào, giọng lạc đi, bị át đi trong tiếng máy bay sà sát sàn sạt. Các tăng-bông va rầm rầm. Đoàn tàu nghiến răng cố dừng lại. Kinh hoàng vì để lạc mất Phương, thất đảm vì động cơ phản lực quá rùng rợn. Kiên như bị xẻ đôi người.
“Kiên…!” – Tiếng thét bật lên từ mộc góc toa không phải từ góc ban nãy. Tiếng thét đứt nghẹn như thể bị vặn chéo đi. Không chắc đã là Phương. Không chắc là gọi tên anh. Kiên ngoắt đầu nhìn lui vào bóng tối phía sau. Đúng khoảnh khắc ấy, ở lưng trời bỗng bục ra những tiếng như tiếng mở nút chai. Một luồng thác trắng rợn người ào qua Kiên lùa vào cửa toa. Máy bay hú chói óc. Dưới ánh pháo sáng lòng toa như một cái nhà kho bị đảo tung. Mọi vật hiện lên rõ mồn một nhưng tái nhợt, ma quỷ như hình thù trong phim âm bản. Phương nằm sấp trên sàn, Kiên nhìn thấy thế, hai tay nàng chống xuống như đang cố nhổm dậy, mặt ngước lên, đôi mắt mở to dại đi trước làn ánh sáng vừa òa vào. Tóc nàng đổ xõa ra. Nhưng, Kiên ngây cứng toàn thân. Anh không hiểu. Anh không tin vào mắt mình. Bởi vì… miệng Phương, anh thấy đang bị một bàn tay to xù bịt chặt. Trong tiếng rú của máy bay bổ nhào, trong cảm giác một cái chết tan xương đang trực diện lao thẳng xuống, mất trí đi vì khiếp sợ, Kiên thậm chí không hiểu tại làm sao lại có một thân hình đen trũi kềnh càng nào đó đang nằm đổ ập lên người Phương như vậy, lại đang dùng tay bóp lấy mặt nàng như vậy, ý nghĩa của cảnh tượng thô bạo đó, anh chỉ kịp thấy là nó bất thường. Ngu xuẩn và đớn nhát, Kiên há hốc miệng ra định kêu mà chẳng biết là định kêu cái gì. Thình lình, một ánh chớp lóe lên làm cho các bóng người trước mắt Kiên vụt đen sì đi. Kinh hoàng, Kiên buông tay khỏi mép cửa sổ và có một cử chỉ như định ngồi thụp xuống.
Và chới với ngã ngửa, anh văng khỏi cửa toa. Lưng bị đập mạnh, người nảy lên, Kiên lăn lông lốc. Ngực đập phải một vật gì rất cứng, đau lịm, anh ngất đi. Nhưng còn Phương, còn Phương! – Ý nghĩ gào lên một cách muộn màng, lay anh, thúc anh, buộc anh phải tỉnh lại.
Ngực đau, miệng ứ đầy một cái gì âm ấm mằn mặn, Kiên nhổ và gắng hết sức bình sinh nhổm dậy. Ta-luy nền đường sắt cao và dốc. Kiên trượt ngã. Buồn nôn. Mắt hoa tít. Máu lại ứa ra ở mép. Trên nền đường sắt đoàn tàu như đã chết trong ánh rạng đông không một bóng người bỗng huýt vang một hồi còi. Kiên lảo đảo đứng dậy, mím môi, chật chà chật chưỡng, leo lên dốc. Phanh hơi nhả phì phì. Chật vật, Kiên đẩy hé cửa toa ra, định leo lên. Nhưng không phải toa này. Toa sau cũng không phải. Bối rối, ngó trước ngó sau, Kiên không nhận biết nổi toa nào là toa của mình và Phương.
Chợt, rầm một tiếng, tàu giật mạnh các nối toa, và rùng rùng chuyển bánh. Với hai đầu máy nó dấn tốc độ lên khá mau. Các toa lần lượt diễu qua. Tiếng bánh sắt rít xèo xèo như những vết bỏng. Cuối cùng Kiên đành nhảy lên bậc cửa của đầu máy hộ tống. Mấy người thợ máy quần áo dính đầy dầu mỡ, đen bóng, nhìn Kiên, không nói gì. Mặt họ cũng lấm lem, những cặp mắt trắng dã, lông mi bị tô viền rất đậm. Anh thợ trẻ sục mạnh xẻng vào đống than đá rồi gạt tấm che miệng lò, hất than vào bụng lửa rừng rực. Bác thợ cả giật còi, tiếng còi xé tai. Hơi nước trắng xóa nóng hổi tỏa ra… Một cái gì đó trong Kiên như thể chính linh hồn anh, rùng mình. Mọi thứ trước mắt run lên, quay tít và nảy chồm. Ngoài cảm giác bất lực, cảm giác kém cỏi, non yếu dện run người, trong lòng Kiên còn tấy lên một tình cảm chưa từng có trong cuộc đời bấy lâu hầu như vẫn hoàn toàn thơ dại, đó là nỗi đau!
Tái đi, nét mặt anh như thể bị phá ra, và tê dại, toàn thân anh cơ hồ muốn sụp xuống. Anh thợ trẻ buông vội xẻng, đỡ lấy Kiên và dìu anh ngồi xuống sàn. Anh ta quay ngược bao tay lại lau nhẹ dưới cằm Kiên. Trên cái bao tay cứng quèo đen nhẻm than, Kiên nhìn thấy máu mình.
– Can đảm lên cháu! – Người thợ già bảo Kiên – Đã ăn thua gì. Vừa rồi, mới chỉ là một tiếng huýt gió của chiến tranh thôi mà.
Trong sương mù, trời đã sáng. Điếng người, Kiên sực nhớ tới cái điều có lẽ đang xảy ra ở toa tàu phía trên kia. Chiến tranh trong phút chốc đã không còn là như anh vẫn tưởng. Nỗi đau đầu tiên trong đời lính, hầu như mơ hồ, hầu như không có thật, bám riết lấy Kiên. Chính là từ đấy, từ lúc bị giằng bật ra khỏi Phương, đời Kiên bắt đầu thực sự đẫm trong máu, trong thương đau, trong thất bại. Dẫu rằng, trong suốt mười năm sau đấy với khẩu tiểu hên trong tay, anh đã luôn luôn ở hàng đầu quân xung kích, cùng đồng đội từng bước kiên trì vượt qua ngàn dặm của cuộc kháng chiến lớn lao đầy những thăng trầm để đạt tới đỉnh cao thắng lợi, dẫu rằng đã từng được tắm mình trong hạnh phúc của thời thanh xuân giữa gió bão chiến trường với bao niềm đam mê choáng ngợp lòng người, tâm hồn Kiên ngay sau cảm nhận dầu tiên về tính chất hung tàn của đời sống thời chiến đã là một tâm hồn chết lặng đi, không thể ngóc đầu lên được nữa.
Thực ra thì trong chiến tranh Kiên được hưởng nhiều may mắn hơn là trong thời bình, bởi vì trong chiến tranh anh đã được sống, chiến đấu, trưởng thành lên bên những người đồng chí thật tốt. Tuy nhiên, giá của sự may mắn ấy là anh đã lần lượt mất hết những người bạn, người anh em, người đồng đội chí thiết nhất.
Họ bị giết ngay trước mắt Kiên hoặc là đã chết ngay trong vòng tay anh. Nhiều người đã chết để gỡ cho tính mạng Kiên. Nhiều người hy sinh bởi lỗi lầm của anh. Trong đêm đen của hồi tưởng, Kiên nhìn đăm đăm vào bóng tối như nhìn vào cõi âm và lần lượt thấy lại họ, những con người tuyệt vời, những con người xứng đáng hơn ai hết quyền được sống trên cõi dương này nhưng đã lẳng lặng chấp nhận quy luật đơn giản của chiến tranh: mình chết thì bạn mình sống? Vào buổi sáng của ngày 30-4, tức là vào những thời khắc cuối cùng của cuộc chiến, khi cùng phân đội thọc sâu của trung đoàn tấn công dãy lầu Lăng Cha Cả, đã có một giây Kiên chần chừ. Và một giây ấy của Kiên đã lấp bằng tính mệnh của Từ, người đội viên trinh sát cuối cùng còn cùng Kiên đánh được tới Sài Gòn. Kiên đã chần chừ khi từ khung cửa sổ hình vòm của tầng trệt tòa lầu vang lên những tràng súng máy mà lẽ ra phải câm bặt rồi sau nhiều trái M79 vọt vào phòng. Khứng lại và hơi né ngang, Kiên chậm bước trong một phần tích tắc không cảm thấy được. Nhưng, thế là Từ đã thoắt lên trước, áp tới khung cửa dành cho Kiên. Loạt đạn của tên lính không thể trúng Kiên được nữa, dù anh chỉ sau Từ có nửa bước chân. Dòng máu đặc sệt của Từ vọt tóe vào mặt Kiên thay cho một tiếng thét, thay cho một lời giục giã… Cũng gần giống như thế, trên tầng ba của Nha cảnh sát Buôn Ma Thuộc, Oanh đã che chắn cho Kiên khỏi hứng phải loạt đạn của kẻ bắn lén mặc váy mà hai người đã sơ ý để cho sống.
Cũng giống như Cừ đã nổ súng bắn chặn cả một trung đội địch cho nhóm trinh sát của Kiên thoát thân sau cú đột nhập không thành vào sở chỉ huy lữ dù ba trên đèo Phượng Hoàng. Cũng chính trong lần trinh sát không may ấy, sau khi đã mất Cừ, Kiên còn mất thêm Thịnh “nhớn” và Tâm.
Kiên nhớ, hôm ấy do bị truy đuổi ráo riết, phải chạy vòng vo nên sáng ra rồi ba người mới xuống được chân đèo phía bên Khánh Dương. Kiệt sức, ba đứa nghỉ lấy hơi dưới lòng một con mương xói giữa rừng le. Tâm xé áo ra băng vết thương trên đầu Thịnh.
Kiên ngồi tựa vào vách đất, gục mặt xuống đầu gối. Rã rời anh kéo khẩu tiểu liên ra khỏi vai để nằm lên sỏi. Địch ở trên đèo và quân ta ở Khánh Dương đang đấu pháo. Không khí rung lên những tiếng nổ, rộ lên những tràng súng máy và cuồn cuộn những cột lửa, nhưng ở rừng le nằm giữa hai chiến tuyến này có vẻ khá yên.
– Trung đội, thế là còn không đầy một mâm? – Kiên rên rỉ.
– Buồn làm đếch gì. Kiên! – Tâm nói – Hẵng cứ biết là cánh mình gặp may… Thoát được thế này nghĩ thật khó tin…
– Thì cũng nhờ Cừ… may cái nỗi gì…
Đất bỗng lở xuống rào rào. một bóng đen hắt xuống lòng khe. Kiên ngạc nhiên ngó lên. Giật bắn mình: một thằng dù?
– Đứng dậy!
Ba phát đạn nảy tung đất ngay sát bàn tay Kiên khi anh định chộp lấy khẩu AK. Tên dù đứng choãi chân trên bờ, cười nụ, nhìn họ. Cầm cập run lên, Kiên đứng dậy. Mắt anh không thể rời khỏi cái họng đen ngòm của khẩu AR15 đang chĩa thắng vào ngực mình. Tâm và Thịnh cũng từ từ nhấc người dậy, tay đưa lên. Ba khẩu AK nằm lỏng chỏng dưới chân. Tên dù cao lớn, trẻ trung, tóc dài cợp, mũ nồi đỏ dắt ở cầu vai, hai tay áo xắn cao, bộ quân phục loang lổ bám bụi đất đỏ quạch. Hắn mỉm cười, đưa đưa mũi súng, ngón tay trỏ khuýp trong vòng cò. Kiên đứng ngây người, chết lặng, chờ những viên đạn sắp phá tan lồng ngực chẻ nát xương cốt và khoan thủng lưng cho máu anh phụt ra. Trống ngực nện thùm thùm: cổ nghẹn ngào co giật làm đầu anh lắc lư một cách thảm hại.
– Đừng bắn. ông…! Tôi… chúng tôi xin hàng! – Tâm rên rỉ. Tên ngụy thích chí bật cười. Hắn đưa ngón tay ngoặc ngoặc:
– Lên đây! Lẹ lên! Đù cha tụi bây… hề hề… Ba thằng lận.
Ba người lập cập, hu ríu xô vào nhau, sợ hãi, ngoan ngoãn.
– Lẹ lên! – Tên ngụy gầm gừ.
– Ngay bây giờ. Ngay bây giờ đây! Đừng bắn…! – Tâm hớt hải nói và chen vượt lên trước Kiên.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!