Nỗi Buồn Chiến Tranh - Chương 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
140


Nỗi Buồn Chiến Tranh


Chương 2


– Đồ cứt đái? Kiên chửi gằn và xiết cò.

Điểm xạ AK bắn gần đến nỗi tên ngụy bật khỏi gốc cây như bị búng đi.

– Má… á á… – Kẻ bị giết a á rú lên thất thanh.

Kiên rùng mình nhảy xổ tới. Đạn từ các gốc cây quạt châu lại. Mặc, Kiên nghiến răng, đứng phơi ra chúc họng súng xuống, điên cuồng nã từng phát, từng phát đóng đanh lên cái thân xác còn nóng hổi sức sống đang oằn oại đau đớn trong cơn rùng giật giãy chết. Máu phọt tóe lên ướt ống quần Kiên. Rồi, hai bàn chân in dấu đỏ lòm lên cỏ, anh lại từ từ đi thẳng đến những tên thám báo khác đang núp bắn, súng kẹp bên sườn một cách hờ hững, ngực áo phanh rộng. Không sợ hãi, không nổi hung lên. Mệt mỏi âm thầm, vậy đấy…

Vậy mà trưa hôm nay người ta lại triệu Kiên lên ban quân lực trung đoàn để thông báo anh được xếp vào danh sách đi học dài hạn. Trường sĩ quan lục quân và hiện chỉ chờ quyết định của sư đoàn nữa là sẽ lên đường ra Bắc.

– Đánh nhau còn xơi, chả biết đến bao giờ mới mãn cuộc, trưởng ban quân lực rầu rĩ nói khàn khàn – Phải giữ giống không thì tiệt. Sau vụ thu hoạch thất bát dù có đói nhăn vẫn phải chọn những hạt thóc tốt nhất cho mùa sau… Khi các cậu học xong trở về thì bọn tớ, lớp cán bộ chỉ huy hiện nay chả chắc còn sót mống nào. Trung đoàn và nói chung chiến tranh là do chính các cậu xoay vần.

Kiên làm thinh. Vài năm trước có lẽ anh đã lấy làm hãnh diện và vui mừng coi đây là một hạnh vận nhưng bây giờ thì không, bây giờ thì xin đủ. Chẳng những không muốn mà chắc chắn chẳng bao giờ đi học, chịu trở thành hạt giống cho những vụ mùa chiến tranh liên miên. Anh chỉ muốn được yên thân, chết một cách yên thân, yên với số phận con sâu cái kiến của chiến tranh. Anh chỉ có thể sống và chỉ có thể vui lòng chết trong hàng ngũ những người lính thường mà một trong những đặc trưng góp phần tạo lên sức mạnh vô địch của họ ở mọi chiến trường là tính chất nghĩa quân nông dân giản dị, dịu hiền có cách nhìn đời nhân hậu và rõ ràng sẵn sàng chịu mọi tai họa của chiến tranh tuy nhiên không bao giờ là những người chủ chiến…

Đằng sau có tiếng chân ai đó đang đi tới, nhưng Kiên không ngoảnh lại. Người nọ bước đến bên anh, lặng lẽ ngồi xuống. Lúc này ở rừng tre bên kia suối bóng tối dường như đã ken dày. Hoàng hôn nhòa mịt. Ngày mưa ngắn ngủi lụt chìm.

– Ngồi câu đấy à? – Người nọ lên tiếng.

– Ừ! – Nhạt nhẽo, Kiên nhìn sang. ấy là Can, A trưởng A2, một anh chàng bé nhỏ, còm nhom, quê ở “cầu tõm”. Can cầu tõm.

– Dùng mồi gì thế?

– Giun, với nước bọt – Kiên đáp uể oải, nhổ chắt qua kẽ răng – thấy bảo đang sốt cơ mà, mò ra dầm mưa làm gì vậy?

– Chưa được con nào à?

– Ờ, câu để mà câu ấy mà – Kiên lầm bầm. Quỷ thật, anh nghĩ. Y hẳn lại chực tâm sự chi đây. Anh chúa ghét nghe ai bộc bạch sự tình riêng tư ngóc ngách. Nếu cả trung đội vào những ngày toàn sự cực khổ này đều đến tìm anh để bày tỏ nỗi nọ niềm kia thì chắc chắn anh phải đâm đầu xuống thác thôi.

– Ngoài Bắc cũng đang mưa to lắm, – Can gợi chuyện giọng ủ ê – Đài họ loan thế, bảo là to chưa từng thấy. Quê tôi lại lụt mất.

Kiên ậm ừ. Mưa mau hơn. Không khí se lạnh. Sắp tối hẳn tới nơi rồi.

– Nghe nói anh sắp được ra Bắc học phải không? – Can hỏi.

– Ừ, – Kiên đáp, sa sầm – mà sao?

– Không. Hỏi thế thôi. Mừng cho anh.

– Mừng à? Kiên cười gằn, và rành rọt văng một câu rõ tục.

– Không, đừng nghĩ là tôi tỵ Kiên. Thành thật đấy. Anh không ưa tôi, nhưng chẳng lẽ không hiểu lòng dạ tôi chút nào sao? Ai trong anh em mình được sống, ra Bắc cũng là đáng mừng cả. Cứ ra đi rồi tính sau. Kệ. Miễn là không ngỏm trong mùa khô tới. Trời cho thì cứ nhận. Anh đã chịu đựng nhiều. Với lại anh là con nhà trí thức, không đáng phải chết. Với lại, nói thực chẳng ai muốn chết, đúng không?

– Ai mà muốn chết, thực thế. Nhưng chẳng tự ý trách nó được, càng không thể trút nó lên vai người khác. Tớ chả đi đâu mà cậu phải mừng hộ tớ.

– Còn tôi thì bấy lâu vẫn ngóng một cơ hội. Thú thực là tôi vẫn mơ đợt học sĩ quan này. Chứ sao, tôi ít tuổi hơn anh. Đã tốt nghiệp 10. Huân chương chiến công. Tôi rất gắng tu dưỡng, chính anh cũng biết đấy. Tôi hoàn thành nhiệm vụ, không cãi cấp trên, không rượu, không hồng ma, không đánh bài, xúc gái, văng tục cũng không. Hóa ra công cốc. Thành thật là không tỵ, chỉ buồn. Thành thật là tôi rất muốn sống. Đã sống gì đâu. Nhưng tôi sẵn sàng mất tuốt chỉ để có một tuần ở ngoài Bắc.

– Nếu thế để tớ bảo quân lực họ sang tên – Kiên mỉa mai – Chứ đừng kêu càm ràm nữa. Về lán mà nằm đi!

– Không, đừng nói vậy, Kiên? Tôi nói vậy là nói thực tình chứ có ý gì đâu. Tôi sẽ tự cứu lấy mình. Chỉ thế thôi. Tôi không sợ chết, nhưng cứ bắn mãi giết mãi thế này thì chết hoại tình người. Dạo này đêm nào tôi cũng mộng thấy mình chết và tôi bơi ra khỏi xác biến thành con ma cà rồng đi hút máu người. Anh còn nhớ trận Plây-cần năm 72 không. eo nhớ cảnh thây người la liệt trong khu gia binh không? Máu tới bụng chân, lội lõm bõm… Tôi vẫn tự nhủ là tránh giết người bằng dao và lê, nhưng mà quen tay mất rồi. Thế mà hồi nhỏ tôi đã suýt thi đỗ vào trường dòng đấy.

Kiên tò mò nhìn Can. Trong quân ngũ thỉnh thoảng lại thấy tòi ra vài tay dị giáo kiểu này. Tâm hồn bấn loạn, ngôn ngữ độc thoại rối mù, họ bị thực cảnh chiến tranh đầy ải tàn nhẫn, làm cho suy sụp sâu sắc cả thể xác lẫn tinh thần. Nhưng lạ lùng là bao nhiêu năm chiến đấu bên nhau, Kiên chưa thấy Can dài dòng triết lý, chỉ thấy ở Can một bản chất con nhà nông thích hợp tuyệt đối với cảnh địa ngục chiến hào. Đã mang thân làm thằng lính B3 mà lại hay kêu rên và mau nước mắt thì khốn nạn càng thêm khốn nạn Can ạ. Kiểu này, cậu phải ra khỏi làng trinh sát thôi.

– Tôi thường tự hỏi, – Can lại tiếp tục dòng tâm sự não nề – Mình vào đây làm gì khi để mẹ già ở nhà cơ cực không nơi nương tựa, ngày đêm than khóc nhớ con… Hồi tôi vào lính, làng đang lụt, vất vả lắm tôi mới dìu được mẹ tôi lên đê. Mẹ tôi cứ van tôi tìm cách mà trốn đừng để người ta triệu tập. Nhưng lủi sao nổi cơ chứ. Anh tôi đã đi rồi, đáng lẽ tôi được miễn coi như con độc, mà ở xã họ không chịu. Bao thằng khốn nạn ung dung hưởng lộc chiến tranh chỉ con cái nông dân là phải dứt lòng ra đi bỏ lại đằng sau cảnh mẹ già màn trời chiếu đất. . . cho nên, Kiên ạ , cho nên. . .

Bất đồ Can òa khóc, gục mặt xứng đầu gối, bả vai và mảng lưng trần gầy guộc, ướt loáng bần bật run. Kiên thu cần câu, đứng dậy, cau mày nhìn xuống Can, nói:

– Cậu ngửi truyền đơn của nó hơi nhiều đấy. Vô phúc mà có kẻ báo lên trên thì rồi đời. Tớ đang nghĩ, hay là cậu đang rắp ranh “tút”?

Không ngẩng lên, Can nói, giọng bị nuốt đi trong tiếng mưa và tiếng suối:

– Thì thế chứ sao. Tôi đi… Tôi biết anh là người tốt, sẽ hiểu, nên tôi tìm anh để qua anh xin có lời từ biệt anh em…

– Mày điên rồi, Can! Một là mày không có quyền làm thế, hai là tút làm sao nổi. Sẽ bị tóm. Rồi tòa án binh, ăn đạn, càng vô phúc hơn. Nghe tao, bình tâm đi. Tao sẽ kín miệng, sẽ không ai biết.

– Ba lô tôi ém sẵn trong rừng rồi.

– Tao không để mày đi dâu. Về lán ngay, cố chịu đựng một thời gian nữa. Chẳng chóng thì chày cũng phải hết chiến tranh chứ?

– Không. Tôi đi. Thắng hay thua, kết thúc mau hay kết thúc chậm, với tôi chẳng nghĩa lý gì nữa. Để cho tôi đi! – Can nấc lên – Đời tôi tàn rồi, nhưng dù thế nào tôi cũng phải gặp lại mẹ, phải nhìn thấy làng tôi… Anh sẽ không cản đâu, có phải không? Lẽ nào anh sẽ cản?

– Hãy nghe tao, Can! Đi thế này là tự sát và nhục nhã lắm.

– Sát, thì tôi đã sát quá nhiều rồi, có tự sát thì cũng chẳng biết ghê tay đâu. Thành thật đấy. Còn nhục?

Can từ từ đứng dậy, đối diện, nhìn thẳng mắt Kiên.

– Cả đời đi đánh nhau, thú nhật, tôi chả thấy cái trò này là có gì vinh. Nhưng do hy vọng nên vẫn còn chịu đựng. Về quê, càng khốn nạn, tôi biết. Người ta chẳng để cho sống đâu. Nhưng mấy đêm vừa rồi tôi toàn mê thấy mẹ tôi gọi tôi… Có nhẽ anh tôi đã chết mà mẹ tôi thì khổ não lâm bệnh rồi chăng. Không thể nấn ná, vì suất học sĩ quan là của anh… Tôi phải lần về quê. Chỉ mong anh em trong trung đội thương tình, thông cảm. Sẽ chẳng ai tóm nổi tôi lại nếu như chính anh em trinh sát không truy đuổi. Nhất là anh, Kiên ạ, anh thả cho tôi đi thì tôi sẽ đi được… Tôi đành mang tội lỗi với anh em… Quê tôi thì anh biết rồi đấy… Hà Nam, Bình Lục… mai sau mà có dịp…

Trong bóng tối, Can đưa bàn tay lạnh ngắt, móp nước nắm cổ tay Kiên. Hồi lâu, Kiên gạt tay Can ra và quay lưng bỏ đi không nói một lời. Can đứng ở lại bờ suối. Về gần tới lán, Kiên như sực tỉnh, sững lại, vụt bỏ cần câu giỏ cá anh lao người chạy trở lui.

– Can… an… an? – Kiên gọi, lắng nghe, rồi lại gọi gào lên – Can ơi? ơi ơi ơi… Đợi với… ới… ới?

Suối lũ rền rĩ. Mưa tầm tã trong bóng đêm. Tối tăm, ẩm ướt, hoang rợn, đất trời như bị bưng kín, bị đè nghẹt. Kiên bật khóc. Anh không hiểu nổi lòng mình, không tự chủ được, nước mắt cứ ứa ra mãi. Bấy giờ, mặc dù nạn đào ngũ lan rộng khắp trung đoàn, chẳng khác nào những cơn ói mửa làm ruỗng nhiều trung đội, không thể chắn giữ, ngăn bắt nổi, nhưng riêng trường hợp Can trên vẫn truy lùng ráo riết. Người ta sợ rằng Can sẽ trốn sang vùng địch mang theo những bí mật về hướng hành quân của toàn đoàn. Sau nhiều ngày lội rừng sục sạo, vệ binh trung đoàn đã tìm thấy kẻ đào tẩu. Chẳng ở đâu xa, họ tìm thấy Can ở hẻm Tò Vò, cách cụm lán của trung đội trinh sát không đầy hai giờ băng rừng. Từ đấy về được Bình Lục còn xa lắm, vời vợi cách trở…

Đến cuối tháng Chín, vài ngày trước khi trung đoàn nhổ neo rời Gọi Hồn, lính tráng nhận được thư nhà, đợt thư từ duy nhất của suốt cả mùa mưa. Riêng đội trinh sát chỉ được độc một lá. Lại là gửi cho Can. Thư của bà mẹ. “… cả xóm Gò hôm nay chung vui cùng mẹ may mắn bắt được thư con, mẹ liền biên ngay thư này mong các bác quân bưu thương tình chuyển chóng tới con để con hay rằng lẽ ra thì mẹ chết rồi mà nay còn sống là nhờ nhận được thư con đấy con ơi – Bà mẹ viết – Con ơi, từ ngày phải giấy của đơn vị anh con báo tử về rồi xã làm truy điệu rồi giao bằng Tổ quốc, con ơi, mẹ ngày đêm sản xuất tăng gia cày cấy, ngày đêm cẩu trời khấn phật, cầu ông bà tổ tiên, cầu thầy, anh con phù hộ độ trì cho con ở nơi linh lửa được cùng anh em tất cả bình an…”.

Kiên đọc đi đọc lại. Tờ thư run lật phật, nhòa trong mắt anh. Can chết rồi còn đâu. Bữa đó vệ binh chỉ lượm được cái xác. Cái xác lở loét, ốm o như xác nhái bị dòng lũ xô tấp lên một bãi lau lầy lụa. Mặt của xác chết quạ rỉa, miệng nhét đầy bùn và lá mục, nom cực kỳ tởm. Và thối quá thể là thối, cái thằng bê quay (đảo ngũ) chết tiệt ấy, người lính vệ binh đã tự tay chôn Can kể lại với đám trinh sát. “Hai cái hố mắt của nó trông như hai cái tăng xê ( hố cá nhân, hố tránh bom), mà chưa chó gì đã mọc rêu xanh lè, rõ ghê?”, nói rồi hắn nhổ toẹt.

Từ đó chẳng ai nhắc tới Can nữa, chẳng ai tìm hiểu vì sao Can chết: bị giết hay bị kiệt sức giữa luồng nước lũ, hay là tự sát, mà cũng không ai thèm kết tội Can làm gì nữa. Tên tuổi, hình hài một con người đã từng vào sinh ra tử không kém cạnh ai và vốn hoàn toàn không phải đồ tồi đã đột ngột chìm nghỉm đi. Chỉ riêng Kiên là không sao gột hẳn được Can ra khỏi tâm trí. Đêm đêm anh nghe thấy Can trở về thì thào ngay bên võng, lặp đi lặp lại cuộc chuyện trò nhạt nhẽo ở bờ suối chiều hôm nào. Tiếng thì thào chuyển dần thành tiếng nức nở, thành tiếng nấc nghẹn y như là tiếng nước sặc lên trong họng kẻ sắp sửa chết chìm.

“Hồn bơi ra khỏi xác biến thành con ma cà rồng…”

Kiên rùng mình nhớ lại lời Can. Và cứ mỗi lần quỳ xuống trước bàn thờ các liệt sĩ của trung đội giấu mọi người, Kiên thầm thào khấn gọi linh hồn Can, người anh em khốn khổ, bạc phước ra đi trong nhục nhã chẳng được ai đoái hoài, hiểu đỡ cho chút ít nỗi niềm, kể cả anh…

Trong suốt nhiều tháng trời a qua, cùng anh em ở đội thu nhặt hài cốt tử sĩ Kiên đã đi qua hầu suất miền Cánh Bắc, lần lượt trở về với vô vàn những trận đánh lớn nhỏ và các anh đã lặng lẽ tìm thấy biết bao thành viên bị quên lãng của đại gia đình những người tử trận. Dưới lòng sâu đất ấm của đại ngàn họ chung nhau một số phận. Không có người vinh kẻ nhục không người hùng kẻ nhát, không có người đáng sống và kẻ đáng chết. Chỉ người tên tuổi còn đó, người thì thời gian đã xóa mất rồi, và người thì còn chút xương, người chỉ đọng chút bùn lỏng. Sau những nhát xẻng, đáy huyệt tối tăm lộ ra và lan hơi thở cuối cùng của người đã khuất phủ lên, nhập vào Kiên. Theo dần năm tháng những luồng sinh khí chết ấy đã đậm lại trong lòng anh, hòa vào tiềm thức trở thành bóng tối của tâm hồn anh. Dằng dặc trôi qua trong hồi ức của Kiên vô vàn những hồn ma thân thiết, lẳng lặng âm thầm kéo lê mãi trong đời anh nỗi đau buồn chiến tranh.

Đêm, thật lạ lùng, một đêm có lẽ là kỳ ảo nhất trong hằng hà bao nhiêu đêm tối của đời anh. Gần như toàn bộ cuộc đời chiến đấu với cả một đạo quân những người đã chết mà anh từng gặp gỡ trong chiến trận đã trở về với anh qua những cánh cửa vòm cuốn mờ tối của giấc mơ dài không dứt. Âm vang của ngày tháng đã qua như những chuỗi sấm nguồn xa tắp làm tâm hồn anh từng lúc một hoặc sôi sục, hoặc nhói đau, hoặc ngưng lặng đi.

Gần sáng, rùng mình Kiên chợt tỉnh và anh nghe thấy từ đáy giấc chiêm bao vừa tắt một tiếng hú dài, buồn đau, ghê rợn khoan xoay qua anh, ngân vọng lên như tiếng vọng truyền giữa hai bờ núi. Định nhỏm dậy, nhưng lập tức kìm mình, nằm yên trên võng, Kiên nhắm mắt cố đưa tâm trí hút theo tiếng hú ấy. . .

Chuyện xảy ra cũng ở Gọi Hồn này, bên suối này cũng vào mùa mưa năm ngoái, mùa mưa cuối cùng của cuộc chiến tranh. Tiếng hú cất lên từ thung lũng bên kia núi nhưng dội sang tận bên này. Tiếng hú của loài ma núi, người ta bảo thế, nhưng Kiên thì Kiên biết ấy là tiếng gọi của tình yêu. Hồi đó, phải, chính là ở đây, trong mưa rơi buồn thảm, trung đội trinh sát “nông trường 3” đã sống một thuở yêu đương say đắm lạ lùng.

Mối cuồng si bí ẩn, đầy tội lỗi và có một không hai bắt đầu ra sao, nhen lên từ ai, đã ôm cuốn lấy những ai vào vòng tay của nó, Kiên hầu như không biết. Chẳng may anh đã ở vào số một vài người bị cuộc tình ấy xa lánh. Kiên nhớ: đơn vị về dựng lán ở ngã ba suối dưới chân núi được một đêm, hai đêm, đêm thứ ba thì đã linh cảm thấy có sự khác thường lẩn lút diễn ra trong phân đội. Thực ra không phải là linh cảm mà là Kiên đã nghe thấy, và thoáng nhìn thấy.

Đêm ấy như thường tình, tháng tám, mưa to, và chốc ánh chớp lại phá thinh không tăm tối và dữ dội dựng đứng rừng lên trong khoảng khắc. Sau ba ngày li bì sốt đến tối hôm ấy Kiên dứt cơn, mệt nhọc, bải hoải và suốt đêm mất ngủ. Bứt rứt trong lòng, gần sáng anh mặc áo tơi, xách súng đi kiểm tra một lượt các lán. Đất rừng lầy lội, phù thũng. Kiên co người lại trong tấm áo tơi lá, súng đeo thõng, bước dò dẫm.

Đến gần lán tiểu đội một, Kiên chững lại. Tiếng cười. Rõ ràng là anh vừa nghe thấy ai đó cười, tiếng cười khanh khách. Ai ở trung đội có thể cười kiểu ấy cơ chứ? không chừng thằng nào động hớn mà bắt chước giọng đàn bà cũng nên, nghe ma quái quá, anh nghĩ và hấp tấp anh bước vội tới cửa lán. Hội cờ bạc đã tan từ lâu. Bên trong tối mò. Nhưng không có tiếng ngáy. Im lặng đáng ngờ. Không nén được Kiên sẵng giọng hỏi chõ vào:

– Ai trong ấy vừa cười đấy ?

– Gì đấy, Kiên? – Giọng Thanh tỉnh khô ngay lập tức cất lên – Ai cười đâu? Hay là trời cười?

– Rõ ràng mà lại. Đừng ỡm ờ. Con khỉ! – Kiên gắt – tao không vì sốt mà ù tai đâu Thanh nhé.

– Thì đấy, trung đội trưởng vào kiểm tra xem đứa nào cười?

Mẹ kiếp, chẳng lẽ ở Gọi Hồn này lại có ma thật? Kiên cáu sườn bỏ đi. Tuy nhiên tiếng cười lúc nãy nghe rất thật tiếng, lanh lảnh, trong vắt. Tiếng cười con gái hẳn hoi. Không phải ma, không phải ai mê sảng. Thình lình, Kiên cứng người, dừng phắt lại. Trong một giây, tim ngừng đập. Dưới làn chớp làm quắc sáng cả đám lau bà ven suối, Kiên nhìn thấy lồ lộ trong nháy mắt một người con gái đang đi chếch qua trước mặt anh. Cô ta ở trần, Kiên nhớ rõ như thế, da dẻ loáng sáng lên như nước sông, mái tóc xõa, quấn vào lưng vào đùi.

– Ai, đứng lại? – Kiên thét và bước né sang bên, lên súng – Năm? Không có tiếng trả lời. Mưa to át tiếng chân bước. Đúng lúc này sấm sét câm tịt và bao nhiêu làn chớp đều tắt lịm.

– Đứng lại không tao bắn? – Kiên điên tiết – Năm?

– Cộng bống Tôi, Thịnh đây, anh Kiên?

– Cái gì? Kiên sững sờ – Sao lại Thịnh?

– Phiên tôi gác mà – Rành rành giọng Thịnh “con” – có chuyện gì?

– Mày vừa đi với đứa nào? Kiên sừng sộ.

– Không. . . Ai cơ?

– Thế vừa nãy không thấy gì à?

– Không… Mà sao thế? Anh làm sao thế ?

Kiên chửi. Chó thật, anh nghiến răng. Như trêu ngươi. Vòm trời lại liên tiếp bùng chớp. Chỉ có mưa chăng, chỉ có dòng suối cuồn cuộn, chỉ có cây cối rũ rượi. Rừng lầm lì cau có. Thịnh cởi trần, vận quần đùi, co ro ướt át đứng trước mặt Kiên.

– Khốn khổ rồi, khốn khổ rồi đây. . . ! – Kiên rên lên – Chẳng biết là cái họa gì đây?

Kiên lê bước trở về lán, nằm vật lên võng. Linh cảm về một tai họa khôn lường đang đến với cuộc đời trung đội nặng nề bóp nghẹt trái tim anh. Không, anh không nhìn nhầm, nghe nhầm, nhưng đấy là ma hay là người?

Sáng hôm sau, cả Thịnh cả Thanh chả đả động gì đến chuyện hồi đêm. Những người khác thì càng có vẻ như không hay biết có sự bất thường nào hết. Nhưng Kiên cảm thấy rõ ràng một sự bí ẩn đồng lõa giữa họ với nhau. Anh không tức, chỉ buồn. Lần đầu tiên anh bị đồng đội cho ra rìa. Tuy nhiên anh im lặng, tuyệt đối không đả động gì tới điều bí ẩn ấy của anh em. Trong mọi cuộc họp hành kiểm điểm anh chẳng một lần nhắc nhở chuyện đó. Thế nhưng tội lỗi vẫn tái diễn, Kiên biết. Chỉ có điều từ khi anh bị phát hiện, những bóng ma đàn bà không lẻn tới chỗ trung dội nữa mà chính cánh trinh sát mò đến động của họ. Về đêm… nửa đêm… lặng lẽ có những cái bóng đen trườn khỏi võng, nhón bước ra khỏi lán, kín đáo đánh tiếng thông đồng với người khác, rồi lẹ làng theo nhau mất hút trên con đường mòn không dấu vết chạy men một dòng suối nhánh dẫn sâu vào lòng núi tối tăm đắm dưới mùa mưa như thác đổ. Và đêm nào cũng thế, vào lúc mấy cái bóng nọ nhỏm dậy khỏi võng rục rịch với nhau ở ngoài suối chuẩn bị lên đường là Kiên lại một lần chợt tỉnh giấc. Anh nằm im. Tiếng thì thào… tiếng chân giẫm lụp búp trên bùn… Giọng nói của người gác. . . một ai đó trượt chân ngã . . . tiếng cười cố nén . . . Có đêm những cái bóng ở lán bên cạnh, song có đêm là từ lán của anh, từ chiếc võng mắc sát anh. Có đêm mưa nặng nề xối dội, có đêm vội vã từng cơn rào rào, mà cũng chẳng đêm nào là đêm chuyện đó chẳng diễn ra. Ướt át lầy lội nhơn khổ… Và nhiều giờ sau khi các gã trai lần về, thở hổn hển, be bét bùn và run rẩy trong cái mát lạnh của trận mưa phùn ban mai thì Kiên cũng đã thức dậy, nhưng vẫn thế anh nằm im lặng nghe ngóng đếm từng bước chân rón rén, để rốt cuộc được trút một hơi thở phào mừng rằng may thay cả bọn đã bình yên trở về. Chính vào những lúc đó Kiên nghe thấy tiếng hú mà người ta bảo là của loài ma núi. Nghe thật buồn, thê thảm, nhưng Kiên biết đấy là tiếng lòng, người nam người nữ gọi truyền theo vách núi để tạm biệt nhau và để hẹn ước. Dĩ nhiên Kiên biết không phải là cả phân đội, cả mười ba người, song anh thừa biết không phải chỉ có ba cái bóng nhất định nào đấy trong bấy nhiêu đêm đã thường xuyên đi và về trên con đường hiểm trở dẫn sang bên kia núi, mặc dù ở bên đó, Kiên biết, dưới cái lũng âm u, hoang vắng nọ, trong khu trại tăng gia của huyện đội 67 đã nhiều năm bị bỏ quên trên bờ thác nước ấy chỉ có mỗi ba cô gái, chỉ ba cô mà thôi đang sống và đang hàng đêm chờ đợi, mong ngóng bước chân người lai vãng. Biết hết, và vì thế, lý ra là chỉ huy, anh cần ngăn chặn hiện tượng vô kỷ luật quá quẩn này, cần phải, như người ta thường nói, uốn nắn, chấn chỉnh, lập lại nề nếp khuôn khổ, đạo đức tác phong, cẩn phải thẳng tay kéo đội viên của mình thoát khỏi tình trạng mê mẩn chẳng khác nào bị chài ếm, cần phải… Song trái tim, trái tim của anh, trái tim thực thụ của người lính chiến không đời nào cho phép anh ra tay hành động như vậy. Không những nó năn nỉ anh mà trái tim anh nó buộc anh phải im lặng, buộc anh phải hết lòng cảm thông. Chứ còn biết làm thế nào khác được, thực thể trước tiếng gọi man sơ, hoang dã ấy của tuổi thanh xuân?

Hồi đó chỉ trừ anh và Can, còn cả đội trinh sát đều ở dưới tuổi đôi mươi, cho nên thử hỏi rằng… thực thể thử hỏi rằng… Vả chăng, chỉ anh về đêm . . . khi ngủ. . . những giấc mơ đậm đặc cảm giác, nóng bỏng và ngọt lịm như mật ứa ra trào lên lấp đầy cõi mộng mị. Trong những đêm mưa ấy, từ giữa miền không gian xa xanh sâu thẳm khuất chìm sâu sương mù ký ức, người con gái của thành phố quê hương lại hiện lên và bước tới với anh trong bóng hình tiên nữ mờ ảo. Cả người gai lên, xương thịt chờn rợn, run rẩy, rung động trong nỗi khát khao thèm muốn được hưởng tới độ tột cùng cảm giác xúc tiếp êm ái, choáng ngợp, đáng kinh hãi với cái hình hài yêu dấu, mong manh, mềm mại như cánh hồng ấy. “Hai đứa mình có khi chết đi vẫn còn trong trắng… Vậy mà chúng mình yêu nhau biết là dường nào…”, những lời ấy của Phương văng vẳng làm tim anh thắt đau. Mới mười bảy tuổi, thuở đó cả hai đứa còn biết chừng nào là vụng dại. Giá như… “Nhưng hãy nghĩ nhanh đến một cái gì khác đi, hãy nghĩ đến một cái gì khác?” – Tâm tưởng anh thổn thức kêu lên. Lúc anh tỉnh giấc và nghe tiếng chân của các bạn mình từ bên kia núi trở về thì ngoài vòm rừng trời đã ửng sáng. Trong lán của bọn anh, ngoài mùi thơm của hồng ma còn thoang thoảng, là lạ một làn hương ngây ngây, dìu dịu, không có thật và không đàn ông, không lính tráng một chút nào, vương vấn mơ hồ, u uẩn trên tóc, trên áo, trong gió…

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN