Nỗi Buồn Chiến Tranh - Chương 8
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
125


Nỗi Buồn Chiến Tranh


Chương 8


NHIỀU THÁNG VÀ Có LẼ NHIỀU NĂM ĐÃ TRÔI qua. Từng đêm lần hồi, cần mẫn và do dự, bản thảo tiểu thuyết của Kiên đầy dần lên và dần đến đoạn kết, song đồng thời cũng như thể mỗi ngày một thêm dang dở. Những chương sau là những điệp khúc của các chương trước. Những khung cảnh và những tình tiết đã có tự phần đầu rốt cuộc lại đang chờ Kiên ở phần chót. Tuy nhiên ấy là bởi dòng trôi của tiểu thuyết này nó như thế, tự nó chứ không phải tự Kiên. Tác phẩm tự nó cấu trúc nên thời gian của nó, tự định hướng, chọn luồng và tự chọn lấy một bến bờ. Còn Kiên anh chỉ là người viết, bền bỉ và lặng lẽ hòa nhập thân phận mình vào cộng đồng số phận các nhân vật. Nói chung anh hết sức thụ động, hầu như trở thành bất khả tri trước các trang viết của chính mình. Mạch truyện nó thế nào thì buông thẻo như thế, anh như hoàn toàn cam chịu cái lô giốc bí ẩn của trí nhớ và trí tưởng tượng.

Bắt đầu vào tiểu thuyết, ánh đuốc ‘hồi ức đã đưa Kiên lạc sâu trong mê cung, vòng vo trong muôn ngóc ngách rồi lại dẫn anh về với những rừng rậm hoang vu của thì quá khứ. Lại sông Sa Thầy, đèo Thăng Thiên, truông Gọi Hồn, hồ Cá Sấu… những địa danh tù mù như tên tuổi sông núi của cõi âm. Rồi lại cuộc đời chiến đấu của trung đội trinh sát với những khúc buồn vui tình đồng đội, những thống khổ thời trận mạc hòa cùng bao lạc thú tuổi trẻ. Và theo dòng tiềm thức con đường của tiểu thuyết lại nhập vào với chặng đường hành hương sau chiến tranh của đội thu nhặt hài cốt tử sĩ, chặng đường xa nối những nấm mồ bộ đội tản mát vương rắc trên hầu hết khắp liền non cao Cánh Bắc Tây Nguyên. Quá trình tập hợp lại những nhân vật đã chết làm nên cuộc sống của từng trang bản thảo. Có thể nói không khí truyện của Kiên là bầu không khí của những khu rừng tăm tối, ngùn ngụt tử khí và lam chướng, mờ mịt bóng yêu tà. Những di vật và những bộ xương mủn nát được vớt lên từ đáy những rừng cây ấy.

Cũng từ bóng tối của rừng sinh ra những huyền thoại, những truyền thuyết về cuộc đời của những người lính thường, những người làm nên thi hứng, làm nên cốt truyện, cho Kiên giọng văn, nhịp điệu câu chữ và cả nhịp sống của từng từ. Có thể thấy trước là chẳng mấy người trong số các nhân vật của cuốn tiểu thuyết được như Kiên sống đến ngày thắng lợi. Ngay từ đầu họ đã phải hành động quyết liệt để không lập tức bị nhận chìm tăm tích vào những huống cảnh chiến trận kinh hoàng, những cảnh huống mà cầu trời cho đừng bao giờ có ai đó trên đời này lại một lần nữa phải lâm vào. Họ bị cái chết rình rập, săn đuổi, xô dồn vào thế mất còn chỉ trong nháy mắt và trong tấc gang. Họ bị giết từng người một hoặc là hàng loạt, bị bắn gục tại chỗ hay bị thương mất máu chết dần, chưa kể tới bao nhiêu kiểu đọa đày khác, chưa kể những cơn ác mộng hủy diệt tâm hồn và lột trần nhân tính.

Có lẽ rất ít người cầm bút đương thời nào chứng kiến nhiều cái chết và thấy phải nhiều xác chết đến như Kiên. Vì thế sách anh đầy rẫy tử thi. Những xâu lính Mỹ trẻ măng mình mẩy không chút sây sát, ngồi ngả đẩu vào vai nhau thiu thiu giấc ngủ ngàn năm dưới những ngách hầm ngầm bị tống thủ pháo. Những lính dù trang phục vằn vện nằm phơi nắng trong các lùm bụi lúp xúp ven rừng Kờ Leng, thản nhiên trương phình lên, thản nhiên chịu đựng lũ ruồi, bầy dòi và mùi da thịt khắm lặm của mình. Và ai đã đọc Kiên thì đều có dịp hình dung những trận mưa cẳng chân, bàn tay rơi lịch bịch lẹt bẹt xuống đồng cỏ voi bên bờ sông Sa Thầy vào lúc rạng mơ sau suốt một đêm B52 liên tục chần. có thể tận mắt ngắm sườn đồi Xáo Thịt sau ba ngày huyết chiến nom y hệt một mái nhà lợp bằng thây người. Có thể thậm chí giật bắn mình khi thấy một người lính nọ đạp phải mìn nhảy cẫng lên ngọn cây như được chắp cánh… Những cái chết “của Kiên” đa dạng, nhiều màu vẻ, giàu sắc khí và sinh động hơn người. Anh như thể là một người lính không còn sống từ trong lòng đất và từ trong các giấc mơ lên tiếng kể cho ta nghe về sự sống chết; kể về phút lìa đời và thậm chí kể về cuộc đời sau khi đã bị giết.

– Các bạn hãy tin tôi: trong lòng cái chết không phải là địa ngục khủng khiếp – một linh hồn trong truyện đã nói như thế với những người sống – Trong lòng cái chết vẫn là cuộc sống, dĩ nhiên là một kiểu khác của cuộc sống kia. Trong lòng cái chết ta có được sự bình yên, sự thanh thoát và tự do chân chính. . .

Đối với Kiên thì người chết vừa mơ hồ vừa sâu xa hơn người sống. Họ cô đơn, trầm lắng và kỳ diệu, như ảo ảnh. Và đôi khi hương hồn người chết trận hóa thành những âm thanh chứ không phải là những hình bóng. Bản thân Kiên thì chưa từng nhưng anh em khác trong đội hài cốt thì đã từng nghe thấy người chết đàn và hát. Chuyện xảy ra ở chân đèo Thăng Thiên họ bảo thế… Khi bóng tối vùi kín rừng cây trong hẻm núi thì từ đáy rừng phủ lá mục tiếng hát thì thào dâng lên, có cả tiếng đàn ghi-ta hòa theo nữa hoàn toàn hư, hoàn toàn thực “… Năm tháng vinh quang khổ đau bất tận…”, lời và giai điệu bài ca vô danh ấy giản dị và huyền bí nên mỗi người nghe ra mỗi khác, song không ai là không nghe thấy. Cuối cùng, sau mấy đêm lắng nghe người ta đã định vị được chỗ đất có hồn’ người. Trong tấm tăng bó xác xương cốt đã hóa mùn cả, riêng cây đàn ghi ta tự tạo của người chết thì còn nguyên vẹn.

Chẳng biết có phải là do hư cấu thêm không mà người ta kể rằng khi vốc xương mủn và cây đàn vừa được đưa lên từ đáy huyệt thì tất cả những ai có mặt đều nghe thấy vang lên trong lòng rừng những âm điệu bi tráng của bài ca ấy. Sau đó thì vĩnh viễn tắt bặt. Bài ca chắc là đã mãi mãi lìa bỏ khu rừng.

Tất nhiên đấy là một huyền thoại. Hình như có bao nhiêu nấm mồ vô danh và bộ xương đã mất lai lịch thì có bấy nhiêu huyền thoại cùng với hằng hà dị bản hợp lại thành kho tàng những truyện truyền kỳ về sự nghiệp thiêng liêng đau khổ của người lính chống Mỹ, một sự nghiệp vừa được ghi nhớ vĩnh hằng vừa không ngừng bị lãng quên.

Kiên nhớ: ở thung lũng Mo Rai bên bờ sông Sa Thầy một hôm tổ của anh đào trúng một ngôi mộ kết. MỘ nổi lên như một đụn mối lớn trên vuông đất cao gần dốc bờ sông. Chỗ này ngay giữa mùa mưa lũ cũng không bị ngập. Thế nhưng thật khó lòng mà hiểu nổi nguyên nhân vì sao mặc dù chẳng trong quan ngoài quách, chẳng ướp thuốc tẩm dầu, thi thể người chết lại sống như thế. Nằm trong một cái túi nilông dày giống bao đựng xác của quân Mỹ nhưng trong suốt, người chiến sĩ như là vẫn còn đang thở, mắt nhắm lại ngủ say, khuôn mặt đẹp đẽ trẻ trung vẻ trang nghiêm trầm mặc, da thịt tuồng như còn ấm, bộ đồ tô châu thậm chí còn nguyên độ bóng và nếp là. Nhưng chỉ phút chốc cái túi đã đục trắng, mù mịt như dây khói, rồi sau đó như chói lên một đạo hào quang và một cái gì đấy vô hình đã siêu thoát. Màu trắng đục tan nhanh, cái túi xẹp xuống và trong đó bày ra trọn vẹn một bộ hài cốt màu vàng sạm. Kiên và mọi người sững lặng, xúc động đến bàng hoàng. Không ai bảo ai tất cả đều quỳ xuống, đưa cao tay lên với theo bóng hồn thiêng liêng người đồng đội đã về thần. Đúng lúc bấy giờ trên vòm trời bao la, cuồn cuộn gió mây miền cánh Bắc, một đàn thiên đường cánh đen vừa từ hướng biển lên, đội hình chữ V đều tăm tắp, nhịp nhàng vỗ cánh, thong thả và trang trọng bay vượt qua miền núi non trùng điệp.

– Nhưng mà nếu không lần ra được tên tuổi của họ thì cuộc đời chúng ta sẽ mãi mãi bị cái chết của họ đè nặng.

Đội trưởng thu nhặt hài cốt của sư đoàn, một trợ lý chính sách đã lâu niên, trọn cả binh nghiệp chôn chặt vào độc một nhiệm vụ lo khâm liệm và mai táng, vẫn thường nói thế như là đưa ra một lời nguyền cho anh em trong đội.

Nhưng chẳng cần đến lời nguyền ấy thì cũng như Kiên hầu hết anh em ở đội hài cất đã ra khỏi chiến tranh với một tâm hồn tràn ngập bóng tối tang thương, oan khốc của bao nhiêu là cuộc đời còn hoặc đã mất sạch tên tuổi.

“- Tên tuổi anh ta tôi không biết, chỉ biết anh ta là lính của liên đoàn 6 biệt động quân; người Nam hay Bắc hay Trung cũng chả biết vì anh ta chỉ rên, rên thì dân xứ nào cũng một giọng như nhau. Tay Phán, một trinh sát của trung .đoàn 24, quê ở Hải Phòng, kể cho Kiên nghe – Bấy giờ là cuối mùa mưa đầu mùa khô năm 69, một mùa mưa ra sao chả cần phải nói, anh cũng biết rồi đấy. Đại đội của anh ta và đại đội của tôi sống mái với nhau một trận mưa hòa máu ở đầu lối lên đèo Thăng Thiên. Chẳng thắng chẳng thua, cả hai đều tan nát nhừ tử. Và bất chấp trong tầm pháo có cả đồng minh, tụi Mỹ từ trên đèo nã đại bác xuống suốt hai giờ liên tục. Ngớt pháo, Con ma ào tới bỏ bom. Tôi nhào vào một hố 155, kịp thoát lượt bom phát quang. Rồi bom bi nổ xay nổ nghiến. Tôi nằm chết dí. Và chính lúc đó thì anh ta lộn sấp xuống uỵch đè lên tôi như súc gỗ. Điên lên vì sợ tôi rút dao thí liền hai nhát vào ngực áo rằn ri, vào bụng một nhát nữa, rồi vào cổ. Anh ta kêu ằng ặc, giãy đành đạch, mắt trợn lên. Bấy giờ tôi mới biết là anh ta bị thương từ trước lúc ăn dao. Mảnh bom chém lìa một bàn chân, người đầm đìa máu, miệng anh cũng ứa máu, hai tay run bần bật ôm lấy chỗ ruột đang phòi ra nghi ngút hơi nóng. Tôi chẳng biết làm thế nào, nom khủng khiếp quá và thương tâm quá. Tôi nhét ruột vào bụng cho anh ta, rồi xé áo để băng. Nhưng toàn những vết thương tàn bạo. Máu chẳng cầm được bao nhiêu. Phải nói là anh ta khỏe như voi, người khác thì hết ngáp rồi nhưng anh ta càng lúc càng to miệng rên rỉ, nước mắt tuôn ròng ròng. Tôi run sợ đến thấu tim, và xót thương nữa. Khi đó trận oanh tạc đã dứt. Không còn tiếng súng cá nhân, chỉ còn tiếng mưa mỗi lúc một mau “- Mày nằm đây một lát nhé” – Tôi lay vai anh ta bảo – “Tao lên tìm ít vải và bông băng. Sẽ quay lại ngay”. Anh ta ngừng rên và chớp chớp mắt nhìn tôi, mặt ướt ròng ròng nước mưa, nước mắt với máu, tôi leo lên khỏi hố. Khu rừng nát bét. Ta địch đều đã dạt ra khỏi vùng bị bắn phá. Tìm quanh tìm quẩn mãi, tôi nhặt được một túi cứu thương còn đầy bông băng. Lập tức quay trở lại với anh ta… Nhưng, tôi ngu quá! – Phát rên lên. Lắc đầu. Im lặng một lúc rồi lại rầu rĩ kể – Tôi ngu quá? Trời đã tối sập. Mưa lụt trời. Rừng thì sụp đổ, ngổn ngang cây cối bị đốn hạ và đáy rừng tanh bành hàng trăm hố bom, hố pháo. Cái hố của tôi với thằng ngụy ở dưới đó đâu rồi? Trời thì mưa kinh khủng là mưa. Nước tràn từ núi xuống réo oà ồ. Rừng tối đen lại rất mau. Ngụy ơi! Ngụy ơi! – Tôi gọi, lồng lên chạy tìm cuống quít. Ngã òm xuống một hố, thấy rằng nước đã qua đầu gối, nghĩa là nếu ngồi thì ngập ngực… Mưa ngất trời. Nghĩ đến cảnh ngộ của anh ta lòng tôi đau đớn cuồng thắt. Suốt đêm tôi mò mẫm lăn lộn lần tìm. Càng lúc càng hụt hơi, kiệt sức, bất lực. Sáng ra, mưa có phần ngớt, những cảnh tượng bày ra trước mắt làm tôi sầm tối mặt mày. Tất cả các hố bom, hố pháo đều là những huyệt nước đầy phè. Kinh hoàng, tôi lao đầu chạy, có nhẽ khi ấy tôi đã phát rồ. Cứ tưởng tượng cái chết từ từ man rợ không kém cái chết của người bị sa hố lầy đã đến với anh ta: nước ngập bụng dâng lên vai, tới cổ, chấm cằm, chạm vành môi, rồi nhân trung, kề ngang hai lỗ mũi… Và bắt đầu sặc. Anh ta hẳn là hy vọng kinh khủng tôi sẽ hiện lên ở giây chót… Nhưng thậm chí. . . Và rốt cuộc thì anh ta đã ngồi chết như thế ở cái hố nào? Bao năm qua, cứ nhìn cảnh mưa lũ là tim tôi lại như bị thọc dùi. Tôi nhớ tới con người ấy, nhớ tới sự ngu ngốc bạo tàn của tôi. Thà rằng tôi giết phứt ngay anh ta. Đằng này. . . là người thì không ai đáng phải chịu một nhục hình như tôi đã bắt anh ta phải chịu’.

Không biết rằng đến nay, sau bấy nhiêu năm sống bình yên, lòng Phán đã nguôi được hay chưa nỗi dằn vặt? Cái người ngồi chết trong hố nước có còn ngoi ngóp nổi lên trong tâm trí anh không? – Kiên vẫn thường hỏi vậy như là tự hỏi mình.

Nỗi buồn chiến tranh trong lòng người lính có cái gì tựa như nỗi buồn của tình yêu, như nỗi nhớ nhung quê nhà, như biển sầu lúc chiều buông trên bến sông bát ngát. Nghĩa là buồn, là nhớ, là niềm đau êm dịu, có thể làm cho người ta bay bổng lên trong thời gian quá khứ, tuy nhiên với điều kiện không được dừng nỗi buồn chiến trận lại ở cụ thể một điểm nào, một sự việc nào, một con người nào, bởi vì khi dừng phắt lại thì không còn là nỗi buồn nữa mà là sự xé đau trong lòng, và nhất là đừng có nhớ chạm tới những cái chết. Cho đến mãn đời Kiên còn nhớ tới Quảng, người tiểu đội trưởng đầu tiên của mình. Bấy giờ là mùa khô năm 66, chiến dịch Đông Sa Thầy, và Kiên còn là lính mới, lần đầu dự trận. Suốt ba ngày đêm ác liệt quần nhau với bọn Ngựa bay, Kiên theo sát Quảng, được Quảng lẫn dắt, kèm cặp và thực chất là che chắn cho. Đứng, nằm, lăn, bắn, vọt tiến, chạy, nhất nhất Kiên theo Quảng. Nhưng rồi Quảng bị đốn ngã trên đường vận động chiến, khi toàn đại đội đang băng qua vùng rừng le dưới đồi 300 để áp sát bọn Mỹ đang từ trực thăng đổ xuống. Một trái cối 106 nổ tung gần như dưới chân, nhấc Quảng lên, quăng bổng theo đường vòng cung rồi giáng quật xuống. Kiên quỳ cạnh anh, luống cuống không biết băng thế nào. Bụng rách trào ruột. Nhưng tiều đáng sợ là xương xẩu dường như gãy hết, mạng sườn lõm vào, tay lủng liểng, và hai đùi tím ngắt. Thế mà Quảng chỉ lịm đi một lúc. Có lẽ vì quá đau đớn nên tỉnh lại ngay. Vốn là một dân chài quê Móng Cái, Quảng cực khỏe, to cao, thô thiển và tốt bụng, tính tình liều lĩnh, trầm lặng, giờ đây anh rống lên:

– Đừng chạm vào tao . . . đừng băng nữa . . . Oa ô. . . đừng. . . a…

Kiên vẫn loay hoay tìm cách bó nẹp hai đùi của Quảng.

– Thôi ôi thôi. . . Giời ơi . . . ? Quảng nấc, mép ứa máu. Lịm đi một lát, Quảng cựa cựa đầu và lại mở mắt.

– Kiên… Kiên… -Kiên? Bắn anh đi em… – Quảng khóc khe khẽ và gầm lên hung tợn – Bắn?

– Kiên, tao hạ lệnh cho mày giết tao mau! Trời ơi? Trời ơi bắn đi mà em, bắn? bắn! Mẹ mày chứ, bắn đi, giời?!

Trận đánh rung chuyển rừng cây. Kình? Kình! Kình! ‘ Cối nã dồn dập. Tiếng reo hò dội tới qua màn khói. Kiên run cầm cập nhưng vẫn cố băng bó cho Quảng. Vừa gắng gượng nhẹ tới quá mức có thể Kiên vừa âm thầm hy vọng có thể là tiểu đội trưởng sẽ ngất đi mà nhãng khỏi cái đau rùng rợn đang dày xéo cả lên chính cả bản thân Kiên. Nhưng cái chết như muốn nhất định bắt Quảng phải tỉnh để chịu đến cùng sự hành hạ cua nó.

Lát sau lại một trận pháo nữa dập tới cấp tập trong vài phút, xé toang vạt rừng thưa và lấp đầy đất lên hai người. Mãi sau Kiên mới moi được Quảng lên: Vẫn sống, vẫn tỉnh, mồm ứa máu nhưng còn thở, sủi bong bóng đỏ, mắt mở trừng như muốn mà không nhắm lại được Và môi vẫn mấp máy gượng nói. Kiên cúi sát xuống, nghe:

– Thương anh đừng bắt lê lết mãi… Anh khổ quá rồi, xương gãy hết cả, ruột nữa… đứt hết… – Cái giọng lào thào lí nhí như thể tiếng của loài kiến mà đầy vẻ tâm

tình của Quảng làm Kiên rùng rợn, ớn lạnh – Cho anh được chết đi… một phát thôi mà… là xong… nào?

Kiên giật mình. Bất ngờ, cực lẹ thu hết tàn lực, Quảng đưa cánh tay chưa gãy lên rút thoắt quả u-ét Kiên cài bên hông.

– Nào . . . ! – Quảng cao giọng hầu như đắc thắng, hoan hỉ và cả cười lên nữa, ha ha, khàn khàn dễ sợ – Ha hà… nào, lùi mau! Kiên, lùi xa ra, nào! Hà hà… ha ha ha

ha. . . Kiên nhỏm dậy lùi, lùi, lùi, mắt dán vào cái mỏ vịt và vụt quay lưng, lao đầu chạy, chạy lướt qua cái lùm le gãy nát ngút khói. Ha ha ha… Tiếng cười cuồng loạn nức nở rượt sát sau lưng… ha ha ha ha…

Tôi nghĩ, có lẽ là loài quỷ rừng hay cười mà người Triêng gọi là ma ỏm. Hay là quỷ cùi? Nhưng không phải người cười là cái chắc. Rũ rượi. Sằng sặc. Vọng ra dưới đồi 300.

Chín năm sau, một người trong tổ hài cốt, khi nghe thấy tiếng cười điên rồ vọng lên từ phía đồi 300 bên bờ sông Sa Thầy, vào buổi chiều tối đã ngỡ rằng mình nghe thấy yêu quái. Anh ta hồi hộp kể. Mọi người xúm quanh, sa sầm.

– Chỉ cất lên trong chốc lát, nhưng tiếng cười làm tôi lạnh hết người. Nhưng mà tôi cứ thử liều lần về hướng phát ra tiếng cười. Chợt gặp một cái tràng hẹp khoanh một khoang giữa rừng. Mẹ kiếp, và tôi thấy gì… một túp lều Thoảng gió qua tôi ngửi thấy mùi khét và mùi sắn nướng. Nghĩa là người. Nhưng… Các cậu hiểu không, trước cửa lều trong ánh nhá nhem tôi thấy một hình thù lồm xồm lông lá, đúng hơn là râu tóc quá dài, cởi trần, trần truồng đang ngồi trên một thân cây đổ nhìn thẳng về chỗ bụi cây tôi đang núp. Và tôi thấy, một quả lựu đạn các bạn ạ ở trong tay hắn. Tôi bò lui. Hình như có làm động cành cây nên con ma để ý hơn, nó đứng lên, chăm chú nhìn, và đi tới. Tôi bật lên vùng chạy. Lập tức tiếng cười kinh dị khi nãy lại cất lên đuổi theo tôi.

– Hay là “xà niên”? – Một người phỏng đoán.

– Nhưng xà niên sao lại có vũ khí, với lại họ đâu có ở lều cũng không phải tàn tích của một bản làng nào vì chẳng hề có vết tích nương rẫy nào ngoài cái rẫy tự giác của lính ta. Mà nhất là người không ai cười như thế.

– Hay là thằng Tùng, anh Kiên?

– Tùng nào?

– Tùng điên chứ Tùng nào, ở vệ binh trung đoàn ấy, anh quên à. Nó hóa điên và bỏ vào rừng khi trung đoàn mình về chốt gần ngã ba đường 90 hồi năm 71 ấy. Rất gần khu vực này.

– À, Tùng. . . nhớ rồi . Cũng chả biết chừng, thằng đó lên cơn toàn cười. Nghe rất ớn. Người ta bảo rằng trong rừng có những mạch suối ma, uống phải nước của những mạch đó có thể mắc đủ thứ bệnh, kể cả bệnh điên. Nhưng Tùng thì điên do bị một viên bom bi lọt vào não, bác sĩ trung đoàn bảo thế.

Kiên nhớ là lần ấy trung đoàn bộ bị oanh tạc. Nhiều người chết và bị thương. Riêng Tùng hoàn toàn lành lặn. Chỉ có điều là Tùng kêu đau đầu lắm. Y tá cho thuốc cảm, chẳng thuyên giảm, càng đau. Rồi một buổi đêm các lán của cả trung đoàn bộ bị lay thức vì tiếng cười của Tùng. Phải rồi, chuyện đó xảy ra ở vùng này đây. Mọi người tổ chức vây lùng để đưa Tùng về cứu chữa. Nhưng người bệnh lẩn tránh rất tài. Thỉnh thoảng từ một lùm cây anh ta bật cười như để chọc giỡn mọi người, nhưng mà tiếng cười ảo não và thương tâm vô cùng. Vờn đuổi, truy sục cả tháng trời rồi đơn vị đế mất dấu tích của Tùng. Cậu ta mất hút vào rừng thẳm. Người ta bảo rằng, viên bi đã không chịu nằm yên ở một góc não mà trườn chạy, luồn lách đưa cơn điên vào tất cả những ngõ ngách trong đầu óc Tùng. . .

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN