Núi Rộng Sông Dài - Phần 7
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
1070


Núi Rộng Sông Dài


Phần 7


Trước kia tôi cứ nghĩ Hà Nội này rộng thế, người với người lướt qua nhau chưa chắc đã gặp lại lần hai, thế nhưng đến bây giờ mới biết, người mà tôi đã gặp trong căn tin bệnh viện, người đã cho tôi gói kẹo gừng vào ngày hôm đó, hóa ra lại là anh trai của Duy.
Tôi ngẩn ra nhìn anh ta mấy giây rồi mới lúng túng nhoẻn miệng cười:
– Vâng, em chào anh ạ.
Duy giới thiệu ngược lại:
– Anh, đây là bạn của em. Hôm trước em có kể cho anh rồi đấy, em ấy tên là Chi Mai.
Người đàn ông kia liếc tôi, gật đầu một cái:
– Ừ. Chào em.
Thái độ của anh ta rất điềm tĩnh bình thản, không vồ vập cũng không nhiệt tình, chẳng rõ có nhận ra tôi hay không. Tôi thì chờ thêm mấy giây không thấy anh ta nhắc gì đến chuyện cũ nên cũng thôi, không đả động nữa.
Duy kéo ghế đối diện cho anh trai, cười bảo:
– Sao anh bảo ra luôn mà bây giờ mới ra thế? Bọn em chờ cả tiếng rồi, cứ tưởng anh không ra.
– Ở công ty có việc đột xuất, bận quá nên quên gọi. Chờ lâu sao không ăn trước đi, đợi anh làm gì?
– Em sợ Mai đói nên cũng định bảo ăn trước, nhưng em ấy cứ khăng khăng đợi anh đấy. Bảo có ba người, đã hẹn anh rồi thì đợi anh ra ăn luôn.
Tôi cười:
– Anh Giang làm việc đến bây giờ chắc đói rồi đúng không? Ở đây có súp cua, bọn em gọi ba bát rồi. Anh có muốn ăn thêm gì nữa không?
– Không cần đâu, ăn thế đủ rồi. Hai đứa muốn ăn thêm thì gọi đi.
– Bọn em cũng ăn chừng ấy thôi ạ.
Bàn ăn ở vỉa hè là bàn nhựa, khá nhỏ, tôi với Duy ngồi thì cũng tạm gọi là vừa vặn, nhưng anh Giang rất cao, chân dài nên ngồi ở ghế nhựa cảm thấy không hợp tý nào. Quan trọng nhất là phía anh ta ngồi xuôi hướng gió, mùi gỗ nhàn nhạt cùng hương thơm nắng mới thoang thoảng bay qua mũi tôi.
Trong lúc chờ súp cua lên, Duy mới nói:
– À mà quên hỏi, hôm nay em đi phỏng vấn đội PCCC nào đấy?
– Đội PCCC ở Ba Vì anh ạ. Xong về làm bản tin, chắc thời sự hôm nay chiếu rồi đấy, nãy giờ em cũng quên béng đi, không mở ra xem.
– Để tối về xem lại cũng được mà. Em có lên sóng không, hay chỉ ghi hình bên đội PCCC thôi?
– Có, hôm nay cũng quay cả mặt em mà.
– Thế hả? Mặt xinh như này thì tối anh phải lưu lại bản tin đó mới được, ngày nào cũng mở ra xem.
Nói đến đây, Duy cười cười quay sang nhìn anh Giang:
– Anh, Mai làm phóng viên của đài truyền hình đấy. Anh làm quen với cô ấy đi, sau này biết đâu lại có dịp Mai đến công ty của anh để phỏng vấn đấy.
– Đài truyền hình nào?
– Đài truyền hình XXX ấy.
– Thế thì có đến một lần rồi.
– Ơ, thế ạ?
Giang không trả lời mà chỉ nhìn tôi, lúc này tôi mới cảm thấy ngờ ngợ về thân thế người đàn ông trước mặt. Ban đầu không nghĩ là sẽ trùng hợp như thế, nhưng nếu tên đầy đủ của Duy là Võ Minh Duy, thì anh trai của anh ấy hẳn sẽ phải họ Võ tên Giang nhỉ?
Chẳng lẽ là Võ Đặng Trường Giang? Giám đốc của Trường Thịnh?
Tôi định lên tiếng, nhưng Duy đã hỏi trước:
– Đài truyền hình chỗ em có đến công ty anh Giang phỏng vấn một lần rồi à? Có phải em đến không đấy? Công ty anh ấy là công ty Trường Thịnh ấy.
– À… thế thì đúng là em rồi. Mấy tháng trước em có đến đó một lần để lấy tin về ứng dụng AI do công ty Trường Thịnh phát triển, lúc đó không gặp anh Giang, chỉ nghe nói giám đốc của Trường Thịnh tên Giang thôi.
– Ừ, đúng rồi, anh Giang là giám đốc Trường Thịnh mà, anh ấy cũng tạo ra ứng dụng AI dùng để chẩn đoán trong y khoa luôn đấy.
– Thế ạ? Thế thì tính ra anh Giang cũng là người hơi hơi quen rồi.
– Ừ đấy, không những hơi hơi quen, sau này còn quen thân hơn nữa kia. Lúc đó em có muốn phỏng vấn thì cứ gọi trực tiếp cho anh ấy nhé, bình thường anh ấy không nhận phỏng vấn, nhưng người quen thì chắc anh ấy nhận đấy.
Tôi cười, tạm thời bây giờ không có ý định phỏng vấn, nhưng lại muốn nói một tiếng “Cảm ơn”. Công ty Trường Thịnh, nói cách khác là người ông tên Giang này đã tài trợ chi phí chữa trị ung thư cho tôi, giúp tôi có được một tia hy vọng giữa lúc khốn đốn bệnh tật, thậm chí sau đợt điều trị còn bảo nhân viên mang đến rất nhiều sữa cho tôi tẩm bổ.
Tôi rất biết ơn, nhưng nói ra trước mặt Duy những điều ấy cũng ngại, vả lại, cũng chưa chắc Giang đã biết hồ sơ do Trường Thịnh bốc thăm trúng là tôi, cho nên tôi chỉ lịch sự chào hỏi lại một tiếng:
– Em chào anh ạ. Nghe tên anh lâu rồi nhưng giờ mới chính thức được gặp anh.
Giang nhìn bàn tay đang chìa ra của tôi rồi lại nhìn tôi, chậm rãi bắt tay:
– Là bạn của Duy thì đừng khách sáo.
– Vâng. Tại vì trước em có tìm hiểu về anh rồi, giờ anh lại là anh trai của anh Duy nên em thấy ngạc nhiên. Không nghĩ là gặp được anh ở đây.
Giang mỉm cười, bình thản rút tay về:
– Tìm hiểu gì về tôi thế?
– À, không phải về đời sống cá nhân đâu ạ. Đợt trước đài truyền hình chỗ em định mời anh tham dự talkshow nên có tìm các tài liệu về sự nghiệp của anh trước. Nhưng sau đó không mời được anh nên chương trình phải gác lại số đó anh ạ.
– Đợt vừa rồi tôi hơi bận, không tham dự được.
– Vâng, không sao. Chương trình talkshow trò chuyện với người có tầm ảnh hưởng trong xã hội mỗi tháng sẽ có 4 số, đợi đến khi anh sắp xếp được thời gian thì chắc đài bên em sẽ tiếp tục mời lại lần nữa đấy ạ.
Chắc tại vì công ty Trường Thịnh có ý nghĩa rất lớn đối với tôi, cho nên khi nói chuyện tôi cứ theo thói quen nói quá lịch sự, ngay cả Duy cũng phải bật cười:
– Hôm nay đi ăn thôi mà, có phải phỏng vấn đâu mà em nói một câu là “ạ”, nói hai câu là “ạ” thế. Cứ bình thường đi, anh của anh nhìn thế thôi chứ không khó tính đâu, đừng sợ.
– À… vâng, tại em hay quen miệng. Nhìn thấy người nổi tiếng lại cứ nghĩ mình đang đi phỏng vấn.
– Ôi cái bạn Mai này.
Duy bật cười, giơ tay xoa đầu tôi:
– Người nổi tiếng gì mà người nổi tiếng, ngồi ở đây thì anh ấy cũng là người bình thường, là anh trai của anh thôi.
– À vâng.
– Ăn đi em, súp cua sắp nguội hết rồi. Cả anh Giang nữa, chắc đói rồi phải không, ăn thôi ăn thôi.
Trong lúc ăn, thỉnh thoảng Duy có hỏi anh Giang về mấy việc lặt vặt ở nhà, sau đó lại nói đến mấy chuyện kinh doanh gần đây của Trường Thịnh, hỏi anh trai mình dạo này đang nghiên cứu loại công nghệ nào. Tôi không muốn xen vào chuyện của anh em họ nên nói rất ít, chỉ thỉnh thoảng góp vui vài ba câu.
Lúc ăn xong, tôi định đứng dậy trả tiền nhưng anh Giang lại thanh toán trước rồi. Tôi gại nhưng Duy bảo:
– Kệ anh ấy, có 3 bát súp cua thôi mà, để anh ấy trả.
– Nhưng hôm nay em bảo em mời mà. Để anh ấy trả em ngại lắm.
– Không phải ngại đâu, anh ấy nhiều tiền lắm, giàu hơn hai đứa mình nhiều. Để anh ấy trả thì anh ấy không nghèo đi được đâu.
Vừa nói đến đó thì anh Giang cũng đi về phía bọn tôi, Duy hỏi anh ấy hôm nay có về nhà không, anh Giang chỉ nói tối nay vẫn phải ở lại công ty làm việc, bảo hai người bọn tôi cứ về trước. Duy gật đầu:
– Anh đi gì đến đây thế?
– Đi bộ.
– Có cần em chở về luôn không?
– Công ty ngay gần đây, anh đi tắt qua mấy con ngõ về cho tiện. Cứ về đi.
– Vâng.
Nói đến đây, Duy mới quay sang tôi:
– Mai đứng đợi anh ở đây nhé? Anh đi lấy xe.
– Vâng, anh cứ đi đi.
Duy cười cười, bảo tôi sợ thì cứ đứng cạnh anh Giang, đợi anh ấy đi lấy xe một lát rồi quay lại. Giờ ấy đường phố vẫn còn đông người, mà tôi cũng chẳng phải tiểu thư cành vàng lá ngọc gì nên không cần ai bảo vệ cả, tôi nói với người đàn ông kia:
– Anh cứ về trước đi, em đứng đây một mình cũng được ạ.
Giang không đáp, chỉ ngẩng đầu nhìn con đường dày đặc xe cộ phía trước, im lặng một lát mới nói:
– Quen em trai tôi bao lâu rồi?
– Dạ? À… em quen anh Duy hơn nửa năm rồi ạ.
– Quen nó với mục đích gì?
Câu hỏi này làm tôi khá bất ngờ, ban đầu chỉ nghĩ anh ta có ý tốt quan tâm, không ngờ không phải như vậy.
Tôi hơi mất tự nhiên đáp:
– Không có mục đích gì cả anh ạ. Bọn em tình cờ gặp nhau ở bệnh viện rồi quen nhau thôi. Anh Duy tốt bụng, với cả thân thiện nữa, nên ai cũng dễ thân quen cả.
– Ừ. Cũng vì tính tốt bụng của nó nên trước giờ mới hay bị người khác lợi dụng. Quen mấy người bạn gái, người thì lừa tiền, người thì lừa tài sản, cuối cùng thiệt thòi nhất vẫn là em trai tôi.
Nói đến đây, anh ta lạnh lùng quay đầu nhìn tôi, ánh mắt vừa đen vừa sâu, có cảm giác không thể nào chạm tới đáy được:
– Tôi không muốn lặp lại những việc đó lần nữa, cho nên bất kể cô có mục đích gì thì cũng nên bỏ đi, cô hiểu ý tôi không?
– Em nghĩ anh đang hiểu nhầm rồi ạ.
Tính tôi không hay để bụng những lời nói không tốt của người khác, nhưng bởi vì tôi thật sự quý Duy, tôi không muốn người thân của anh ấy hiểu lầm mình nên nói:
– Em với anh Duy là bạn bè, em cũng chưa bao giờ có ý định lừa tiền hay lừa tài sản gì của anh ấy cả. Gia cảnh của anh ấy như thế nào em cũng không biết.
– Không biết? Thế đồng hồ nó đeo cô biết chứ? Theo như lời bạn cô nói là đồng hồ Cartie trị giá vài tỉ ấy.
– Gì ạ?
Anh ta không đáp, đáy mắt sắc bén chỉ lặng lẽ quan sát từng biểu hiện trên gương mặt tôi. Còn tôi thì mất một lúc mới nhớ ra lúc trước tôi với Linh có đứng dưới sân bệnh viện, giọng nó rất to, miệng cứ oang oang nói trông Duy cũng giàu, đeo đồng hồ Cartie trị giá vài tỉ. Lúc đó bọn tôi chỉ nói vui thôi, không ngờ anh ta lại nghe được.
Há miệng mắc quai nên tự nhiên tôi đuối lý, biết không thuyết phục nhưng vẫn nói:
– À, lúc đó là bọn em nói đùa thôi. Từ khi quen anh Duy đến giờ, em chưa nhận bất cứ một món quà giá trị lớn nào từ anh ấy cả. Nếu anh không tin, anh có thể hỏi anh Duy ạ.
– Tôi nói rồi, tôi không quan tâm mục đích của cô là gì. Nhưng nếu tôi biết cô lợi dụng em tôi, mọi chuyện sẽ không chỉ là nói miệng như thế này, cô hiểu không?
– Vâng.
Tôi cười, nhưng cảm giác trong lòng lại rất tệ, có lẽ vì tôi nghèo, gia cảnh không tốt lại bệnh tật, đến tiền chữa bệnh cũng phải nhờ đến người khác giúp đỡ cho nên quen Duy, ai cũng sẽ gắn cho tôi cái mác lợi dụng anh ấy. Tôi không trách, chỉ cảm thấy buồn thôi.
– Dù sao cũng cảm ơn anh.
– Vì chuyện gì?
– Vì mấy gói kẹo gừng trong căn tin.
– Tiện tay thôi.
– Vâng. Không còn gì nữa thì em đi trước đây.
Nói rồi, tôi xách túi đi về hướng bãi đỗ xe, nhưng chân vừa bước được hai bước thì cổ tay đã bị nắm lấy rồi lôi lại phía sau. Tôi bị đau nên kêu một tiếng:
– Anh làm gì thế?
Vừa dứt lời thì một người phụ nữ đạp xe chở gánh hàng rong sượt qua người tôi, chị ấy cũng phải tránh tôi nên loạng choạng, đống nồi niêu buộc ở sau xe bị xóc nên kêu loảng choảng, nước nóng bắn ra tung tóe.
Bà ấy đã đi lên vỉa hè còn trợn mắt quay lại nhìn tôi mắng:
– Đi đứng cái kiểu gì đấy, mù mắt à mà không thấy người khác đang đi.
Tôi cũng lười nói lại, chỉ nhìn một cái rồi thôi. Lúc quay đầu thấy Giang vẫn đang nắm cổ tay tôi, bàn tay anh ta rất lớn, có vết chai, khi cọ vào da thịt khiến tôi cảm thấy ngưa ngứa.
Tôi giật mình rút tay về:
– À…xin lỗi.
Anh ta phủi phủi tay, mặt mày lạnh tanh:
– Cô không có miệng mắng lại à?
– Không đáng để mắng lại. Với cả có mắng bà ấy cũng không nghe.
Chúng tôi vừa nói đến đó thì Duy cũng lái xe đến, anh ấy hạ kính xuống, cười toe toét:
– Có xe đỗ chắn phía sau, em không ra được, phải gọi bảo vệ mãi mới đi được đấy. Hai người chờ có lâu không?
Tôi mất tự nhiên đáp:
– Không, mới có mười mấy phút mà, không lâu lắm.
– Ừ, anh cứ sợ em đứng chờ mỏi chân. Em lên xe đi. Anh chở em về.
– Vâng.
– Anh Giang tự về nhé, bọn em về trước đây.
Người đàn ông kia gật đầu, cũng không đợi bọn tôi đi trước đã quay người đi vào con ngõ nhỏ ngay gần đó. Tôi ngồi trên xe cứ liếc qua gương chiếu hậu nhìn anh ta, cho đến khi khuất hẳn rồi, Duy mới nói với tôi:
– Em đừng sợ anh ấy. Anh ấy tốt tính lắm, chỉ là ít nói thôi.
– À… vâng. Em không sợ đâu, anh đừng lo.
– Ban nãy hai người nói gì thế?
– Nói mấy chuyện linh tinh về anh thôi. Anh Giang hỏi em với anh quen nhau thế nào, quen ở đâu. Em bảo anh đến làm nhiệm vụ ở bệnh viện nên quen.
– Thế hả? Anh ấy quan tâm anh nên mới hỏi đấy. Tại bố anh mất sớm, ở nhà chỉ có anh ấy gánh vác, anh lại là em út nữa, nên anh ấy hay lo cho anh. Như kiểu lo thay cho phần bố ấy.
– Vâng. Người thân mà, phải lo cho nhau chứ. Anh ấy trưởng thành sớm nên suy nghĩ khác lứa tuổi của mình.
– Ôi, ông già ấy mà. Năm nay mới 34 chứ bao nhiêu, thế mà lúc nào cũng cứ lừ lừ, lạnh như cục đá, ai tiếp xúc cũng sợ mất dép.
Tôi cũng cảm thấy vậy, anh ta có kiểu lạnh lùng và sắc bén của người làm kinh doanh, có sự dạn dĩ thâm trầm của đàn ông trưởng thành, nhưng một người thâm sâu như thế sẽ dễ dọa người khác sợ.
Tôi cười đáp:
– Anh yên tâm, em vẫn còn dép đây. Tối nay chưa bị mất chiếc nào cả.
Duy nghe thế cũng bật cười:
– Ừ, không sợ là được rồi. Nếu anh ấy có nói gì em thì em cũng đừng để trong lòng nhé, hoặc là phải nói cho anh biết, để anh xử anh ấy.
– Anh ấy chỉ bảo anh đào hoa, trước có mấy cô người yêu thôi.
– Làm gì có, anh ấy nói linh tinh đấy.
Thực ra, chuyện Duy bị lừa hay lợi dụng là việc riêng của anh ấy, tôi không tò mò nên cũng không hỏi, chỉ kiếm cớ lảng sang việc khác:
– À, em có quà cho anh này.
Tôi lấy ra từ trong túi một chiếc hộp vuông màu đỏ, đợi đến khi xe dừng lại ở trước ngõ nhà tôi mới bảo Duy mở ra. Nhìn thấy sợi dây chuyền nhỏ bằng bạc, mặt hình chữ nhật khắc hình vẽ chibi lính cứu hỏa, Duy ngạc nhiên một lúc rồi bật cười:
– Đẹp thật. Em mua được cái này ở đâu thế?
– Em đặt người ta khắc đấy. Rẻ lắm, không phải đồ đắt đâu. Nhưng mà anh vẫn phải giữ cẩn thận đấy nhé, mất là không làm được cái thứ 2 đâu đấy.
– Phải giữ cẩn thận chứ, đồ của người anh thích tặng mà.
Đây là lần đầu tiên Duy nói thích tôi, trước kia tôi cứ nghĩ chỉ cần anh ấy thực sự chân thành, tôi sẽ thử mở lòng ra một lần. Nhưng sau khi nghe được những lời nói của người đàn ông tên Giang kia, tôi ngẫm lại mới thấy mình không xứng. Ít nhất là bây giờ không xứng với một người tử tế và hiền lành như Duy.
Cuối cùng, tôi chọn cách lảng tránh:
– Anh thích là được rồi. Trời hình như sắp mưa rồi đấy, anh về đi không mưa.
– Mai.
– Dạ.
Duy bỗng dưng cầm tay tôi, lúc đối diện với ánh mắt của anh ấy, tôi đã nhìn thấy trong đó có rất nhiều đấu tranh và lưỡng lự.
Thế nhưng cuối cùng anh ấy vẫn không dám tiến thêm một bước, Duy không dám ôm tôi, chỉ nhìn tôi thật lâu rồi nói:
– Hôm nay anh rất vui.
– Vâng. Em cũng thế.
– Em… ngủ ngon nhé.
Tôi phì cười, lặng lẽ rút tay về rồi nói:
– Vâng, em vào nhà sẽ ngủ ngon. Anh về đi, lái xe cẩn thận, về đến nơi thì nhắn tin cho em nhé.
– Anh biết rồi.
Tối hôm đó, Duy về đến đơn vị vẫn nhắn tin cho tôi, nhưng tôi ngại nên chỉ đáp qua loa vài tin rồi bảo đi ngủ.
Có điều, tôi cứ nằm thao thức mãi vẫn chẳng thể nào ngủ được. Tôi từng nghe người ta nói khi thích một người thì khi ở gần sẽ có cảm giác mong chờ hồi hộp, nhưng lúc tôi đặt tay lên tim, nghĩ đến những chuyện vừa rồi ở trên xe, lòng vẫn bình yên đến không một gợn sóng.
Có lẽ giữa tôi và Duy vẫn thiếu một thứ gì đó, có thể là thời gian, cũng có thể là một thứ cảm xúc nào đó mà tạm thời tôi không thể định hình được. Nhưng dù sao thì tôi cũng không muốn tiếp tục lún quá sâu vào mối quan hệ này, thứ nhất vì tôi không tự tin, thứ hai vì rào cản gia đình Duy quá lớn, quen một người mà bị coi thường như vậy sẽ khiến tôi mệt mỏi.
Bởi thế cho nên những ngày sau đó tôi quyết định trốn tránh, mỗi lần Duy gọi điện thì tôi luôn nói mình bận, anh ấy hẹn đi chơi tôi cũng kiếm cớ từ chối. Cho đến lần tôi từ chối thứ 10 thì anh ấy nói:
– Hôm trước gặp anh của anh, anh ấy nói gì em à?
– Không, sao anh lại hỏi thế?
– Vì từ hôm đó đến giờ anh thấy em thay đổi. Mai, không phải em bận, mà là em không muốn gặp anh đúng không?
– Không phải thế đâu.
Tôi biết, người đàn ông tên Giang kia đã chăm sóc Duy từ nhỏ đến lớn, giống như tôi nuôi thằng Tép. Giữa bọn họ là một mối quan hệ không thể đong đếm được, không chỉ là ruột thịt, mà còn sâu sắc và nặng ân tình hơn cả ruột thịt.
Tôi không muốn vì mình mà hai anh em Duy mâu thuẫn nên nói:
– Hôm đó anh Giang không nói gì với em cả, bọn em chỉ nói mấy việc linh tinh thôi. Với cả dạo gần đây em sắp nhập viện làm hóa trị lần 2 nên phải cố sắp xếp xong công việc, bận thật.
– Thật không?
– Thật mà.
– Em không ghét anh Giang đấy chứ?
– Không ghét, em đảm bảo.
– Ừ, thế thì lần hóa trị này anh không đưa em nhập viện được, để anh ấy đưa em nhập viện nhé.
Nói đến đây, giọng Duy hơi buồn buồn, giống như có chút không nỡ:
– Anh bị điều chuyển đến đơn vị ở Hà Tĩnh, hơi xa Hà Nội nên không chăm sóc em thường xuyên được. Nếu em không ghét anh trai anh thì thời gian tới cần gì cứ bảo anh ấy được không? Có người chăm sóc em thì anh mới yên tâm.

Yêu thích: 4 / 5 từ (26 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN