Núi Rộng Sông Dài - Phần 9
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
1090


Núi Rộng Sông Dài


Phần 9


Khi tôi rút phong bì ra đặt lên bàn làm việc của anh ta. Giang chỉ cau mày liếc qua một cái:
– Ý gì?
– Ý như lần trước tôi nói. Tôi không muốn bị gắn cái mác lợi dụng người khác, tiền của anh tài trợ tôi cầm sẽ không ngủ được. Trước mắt tôi chỉ có chừng này nên trả anh trước, số còn lại tôi sẽ sắp xếp trả anh sau. Nếu anh không phiền thì cho tôi trả theo từng tháng được không?
Lúc nói những lời ấy, tôi cứ nghĩ anh ta kiểu gì cũng sẽ không đồng ý, hoặc ít nhất cũng phải soi mói hạch họe gì đó. Thế nhưng, Giang hình như đã quá mệt nên chỉ đưa tay lên xoa mặt, sau đó đẩy lại phong bì về phía tôi:
– Cầm đi.
– Tôi đã mang đến đây rồi, anh…
Còn chưa nói hết câu, anh ta đã ngắt lời:
– Số tiền này cứ coi như Trường Thịnh cho cô vay trong vòng 10 năm, trong vòng 10 năm này không lấy lãi. Hết 10 năm cô trả lại là được.
Tự nhiên anh ta tốt đột xuất nên tôi ngạc nhiên, ngẩn ra mấy giây mới hỏi:
– Sao tự nhiên anh lại cho tôi vay?
– Giữa tôi với cô chỉ có một lý do thôi. Tôi vì em trai tôi, cô không muốn nhận tiền tài trợ, thế thì kiếm tiền trả lại là được.
– Anh không sợ tôi không trả à?
– Thì sao? Chẳng lẽ cô định viết giấy nợ à?
Tất nhiên, nếu Trường Thịnh tài trợ miễn phí cho tôi thì tôi sẽ cảm thấy mình nhận không nổi, nhưng nếu anh ta cho tôi vay 10 năm thì lại khác, có vay có trả, không phải nặng lòng chuyện ngửa tay xin tiền ai. Thế nên tôi nói:
– Ừ, tôi viết giấy nợ cho anh.
– Để lúc khác đi.
– Thế thì khi nào tôi viết xong thì tôi mang đến sau nhé. Hoặc tôi gửi mail đến.
– Tùy cô.
Anh ta không muốn nói chuyện nữa, tôi cũng không dài dòng nên chỉ chào một tiếng rồi đi về. Lúc vừa ra đến thang máy thì gặp một cô gái từ trong đó đi ra, thấy tôi, cô ta cứ nhìn chòng chọc:
– Nhân viên mới à?
– Không. Tôi đi nhầm tầng.
– Biết tầng mấy không?
– Không biết ạ.
Nói rồi, tôi đi vào thang máy, cô ta cũng không hỏi nữa, nhưng ánh mắt cứ dán chặt vào người tôi, nhìn đến mức tôi phát nóng cả gáy, mãi đến khi thang máy bắt đầu đi xuống rồi mới thôi.
Tôi nghĩ cô ta là quản lý hay nhân viên cấp cao gì ở Trường Thịnh, thấy tôi nửa đêm xuất hiện ở đây chắc sợ tôi ăn trộm, bọn họ đề phòng người lạ cũng chẳng có gì sai cả, mỗi tội, khi tôi vừa bước ra ở tầng 1 thì cũng thấy thang máy bên cạnh kêu “Ting” một tiếng, tiếp theo là giọng cô gái kia:
– Này.
Tôi quay đầu lại hỏi:
– Có chuyện gì thế?
– Đưa túi của cô đây cho tôi kiểm tra.
Tất nhiên tôi hiểu tại sao cô ta muốn kiểm tra, nhưng cô ta không nói rõ ràng nên tôi vẫn phải hỏi:
– Cô kiểm tra làm gì thế? Có chuyện gì thì cô cứ nói, nếu cần thiết tôi sẽ đổ đồ trong túi ra cho cô xem.
– Nếu cần thiết sẽ đổ đồ ra á? Vừa đổ vừa giấu thì ai biết được. Tóm lại cứ đưa túi đây tôi kiểm tra.
– Cô là bảo vệ toà nhà này à? Hay là ai ạ?
– Tôi là người có thể kiểm tra túi xách của cô đấy. Nửa đêm cô đến Trường Thịnh làm gì? Cô ăn trộm gì ở đó? Lấy gì thì đưa ra đây.
– Tôi không ăn trộm gì cả. Cô không có bằng chứng thì đừng nói người khác như thế.
– Đừng nói thế á? Cô không phải là người của công ty, mà từ 6h chiều muốn lên được tầng 5 thì phải có thẻ. Cô không có thẻ sao lên được? Cô đi thang bộ lên để tìm đồ ăn trộm đúng không?
Nói đến đây, cô ta dùng ánh mắt khinh bỉ liếc tôi từ đầu đến chân một lượt, nhìn thật kỹ cái túi tôi đeo rồi nói một cách mỉa mai:
– Quần áo toàn đồ hàng chợ, cái loại trông nghèo rớt mùng tơi như cô không ăn trộm thì cũng là ăn cắp thôi. Còn già mồm cãi thì tôi báo công an đấy, khôn hồn thì nộp ra đây.
Ở dưới tầng 1 toà nhà là một siêu thị bình dân, còn có cả một công ty chuyên cung cấp nước đóng chai. Mọi người thấy cô gái kia cứ oang oang nói tôi ăn trộm như vậy thì đều ngoái đầu lại nhìn.
Tôi xấu hổ, cũng tự ái nữa nên nói:
– Thế thì cô báo công an đi, để họ đến kiểm tra. Không có bằng chứng đừng vu khống người khác.
– Vu khống gì? Muốn biết trộm thật hay không thì đưa túi xách ra đây là biết ngay thôi. Ở toà nhà này không thiếu mấy đứa vừa nghèo, vừa trộm cắp lại vừa mặt dày như cô đâu, loại như cô tôi gặp nhiều rồi, đừng có to họng cãi cùn, đưa túi đây.
Tôi thấy cô ta vô lý, tự nhiên tự lành đòi kiểm tra túi người khác, nếu nghi ngờ thì cứ báo bảo vệ để họ kiểm tra mới đúng. Đằng này lại đứng trước mặt rất nhiều người làm ầm lên rồi sỉ nhục tôi, khiến tôi rất bực mình. Tôi bảo:
– Tôi không đưa, cô muốn kiểm tra thì báo bảo vệ lại kiểm tra, không thì báo công an. Cô không có quyền gì để kiểm tra tôi cả.
– Tóm lại là mày không đưa đúng không?
– Ừ.
Nói rồi, tôi xách túi định đi khỏi đó, nhưng cô ta cũng xông lại giằng lấy túi của tôi, tôi gan lì không đưa thì bị cô ta cho một tát xây xẩm cả mặt mày:
– Tao bảo mày bỏ ra. Con ăn trộm này, bỏ ra.
– …
– Mày không bỏ ra tao cho mày cái tát nữa bây giờ, bỏ ra.
Bình thường, mấy đứa con gái thế này tôi còn vác lên vai chạy được mấy vòng, nhưng bây giờ làm hoá trị 2 lần xong tôi yếu, ăn một cái tát thôi đã thấy không thở được rồi.
Tay chân tôi cứng lại, cứ nắm chặt quai túi, cô ta giằng mãi không được mới túm tóc tôi, nhưng trên đầu tôi là tóc giả, cô ta vừa giật một cái thì cả bộ đã rơi ra, cùng lúc ấy chiếc túi tôi đeo cũng rách tươm, đồ đạc văng vương vãi khắp nơi.
Khi thấy cái đầu trọc hếu của tôi, mọi người xung quanh lập tức ồ lên một cách rất vô duyên, sau đó là tiếng trẻ con chỉ trỏ rồi khóc thét. Cô gái kia cũng khựng lại, trợn tròn măt nhìn tôi, tất cả đều nhìn tôi như kiểu không phải một con người, mà là một thứ lạc loài kinh tởm từ đâu xuất hiện vậy.
Lúc ấy, tôi có cảm giác xấu hổ đến cùng cực, chỉ muốn kiếm một cái lỗ nào mà chui xuống. Tôi đẩy người phụ nữ kia ra, gằn lên một tiếng:
– Bỏ ra.
Cô ta lúng túng vứt toẹt bộ tóc giả của tôi xuống đất, tôi cũng lập tức ngồi sụp xuống, vơ toàn bộ đồ đạc của mình nhét lại vào trong túi.
Bên tai tôi có rất nhiều tiếng người xôn xao vang lên:
– Đừng khóc nữa con, đừng nhìn nữa, không sợ đâu, mẹ thương, mẹ thương.
– Sao con gái con lứa mà lại cạo trọc đầu như thế? Nhìn đầu bóng lọng ghê quá.
– Túi sao không có tiền mà lại toàn thuốc thế nhỉ? Hay là bị u.ng th.ư.
– Có phong bì tiền rơi ra kìa, hay là đúng cô ta vào đây để ăn trộm tiền?
Cô gái kia lúc này cũng nhìn thấy phong bì tiền rơi dưới đất, tôi chưa kịp nhặt thì cô ta đã giằng lấy trước, giơ lên cao:
– A đúng rồi nhé, mày vào đây để ăn trộm tiền nhé. Trông nghèo rách như mày thì lấy đâu ra nhiều tiền thế này, chỉ có ăn trộm thôi. Mọi người ơi, tất cả làm chứng cho tôi nhé, cái con đầu trọc này ăn trộm tiền ở công ty Trường Thịnh bị tôi bắt được nhé.
– Đó không phải là tiền ăn trộm, đó là tiền của tôi. Trả đây cho tôi.
– Không ăn trộm thì mày lấy đâu ra chừng này tiền? Sao trong túi mày chỉ có mấy đồng tiền lẻ mà phong bì lại có nhiều tiền? Từ đầu đến chân mày không có cái gì giá trị, mày lấy đâu ra chừng này tiền? Mày vào đây ăn trộm tiền đi chữa bệnh đúng không? Đi, đi với tao ra công an, hôm nay tao báo công an để người ta bỏ tù mọt gông mày.
Nói đến đây, cô ta lại xông đến túm tay tôi lôi đi xềnh xệch, ngực tôi lúc này lại càng thêm đau buốt, phổi căng đến mức sắp vỡ ra, tôi muốn giằng ra nhưng không có nổi sức để giằng, đúng lúc này, bỗng dưng lại có một bàn tay nắm lấy cổ tay còn lại của tôi, mạnh mẽ lôi tôi về.
Một giọng đàn ông vừa cứng rắn vừa quen thuộc vang lên:
– Làm cái gì thế?
– Ơ… anh Giang.
Cô gái kia ngẩn ra một lúc rồi mới lúng túng chỉ tôi:
– Lúc nãy em bắt gặp nó lên công ty của anh, em nghi ngờ nó ăn trộm nên mới theo đến đây. Anh xem, nó ăn trộm bao nhiêu tiền của công ty anh đây này.
Cô ta vừa nói vừa giơ phong bì ra, ý nói đó là chứng cứ. Giang cũng nhận ra phong bì này, đầu mày bất giác cau chặt:
– Cô lấy bằng chứng nào nói người ta ăn trộm?
– Đây này. Anh nhìn xem, nó ăn mặc toàn đồ rẻ tiền, cái túi của nó cũng là đồ mua ở chợ, nó còn bị bệnh nữa, làm gì có nhiều tiền như thế? Nó đi từ công ty anh ra với phong bì tiền nhiều thế thì chỉ có là ăn trộm thôi.
– Tôi hỏi cô bằng chứng ở đâu.
– Dạ? Thì… thì anh nhìn nó xem, nó bị bệnh, chắc ăn trộm tiền đi chữa bệnh. Bằng chứng là phong bì đây này.
– Không có bằng chứng, chỉ suy luận từ bộ não không có tý nếp nhăn nào của cô rồi kết luận người ta ăn trộm, tôi thấy cô mới là người bị bệnh đấy. Bệnh thích vu khống người khác.
– Ơ… anh nói gì thế?
Khi nghe những lời này, tất cả mọi người đều tròn xoe mắt nhìn Giang, ngay cả tôi đang đau muốn c.hế.t cũng kinh ngạc đến há hốc cả miệng.
Anh ta thì mặt không đổi sắc, lạnh lùng nói từng chữ:
– Nghe không rõ à?
– À… không phải. Anh hiểu nhầm rồi, em chỉ thấy cô ta cứ lén lén lút lút nên nghĩ cô ta là ăn trộm thôi ạ.
– Cô nghĩ? Nghĩ sao không để trong đầu đi, đằng này cô cướp tiền từ túi người ta rồi quay ngược lại nói người ta ăn cắp, đó không phải vu khống thì là gì?
Cô gái kia bị nói đến cứng họng, mặt mày nghệt ra không đáp được câu gì. Cô ta đỏ mắt nhìn Giang một hồi mới ấp úng nói:
– Nhưng em chỉ muốn tốt cho công ty anh thôi mà. Em thấy cô ta cứ lén lén lút lút nên nghi ngờ. Dù sao kiểm tra vẫn còn hơn không chứ. Lỡ cô ta lấy mất gì thì sao? Em chỉ muốn tốt cho anh thôi.
– Ai cần cô muốn tốt cho tôi?
– Anh…
– Công ty tôi có hệ thống báo chống trộm, két bảo mật cũng khoá 3 lớp, trộm có vào cũng không lấy nổi một xu, khỏi cần cô nghi ngờ thay.
Nói đến đây, anh ta chìa tay ra:
– Đưa phong bì đây.
Mặt cô ta đỏ bừng, mím chặt môi đưa lại phong bì đó cho Giang.
Tôi thấy cô gái đó ăn mặc rất đẹp, trang điểm cũng đẹp, so với người u.ng th.ư như tôi thì như trời với vực vậy. Đứng trước người đẹp, lẽ ra đàn ông phải thương hoa tiếc ngọc mới đúng. Thế nhưng người đàn ông đứng bên cạnh tôi thì hoàn toàn trái ngược, anh ta chẳng thèm để tâm, ngược lại, sau khi lấy phong bì còn thẳng thừng nhét lại vào tay tôi, sau đó ngồi xổm xuống, nhặt mấy món đồ hỗn độn của tôi rơi dưới đất.
Đến bộ tóc giả vừa bẩn vừa rối của tôi, Giang còn nhặt lên rồi phủi phủi mấy cái. Cô gái kia thấy vậy mới ấm ức nói:
– Sao anh lại bênh người không quen thế? Em mới là người thân của anh cơ mà? Em lo anh bị mất tiền nên mới làm thế, sao anh lại mắng em?
– Cô là người thân của tôi bao giờ?
– Mẹ anh nói nhận em làm con dâu rồi mà.
– Thế thì cô về nhận người thân với mẹ tôi đi.
Nói đến đây, anh ta đứng dậy, đưa túi cho tôi cầm rồi kéo tôi đi thẳng.
Chẳng biết có phải vì vẻ mặt của anh ta dễ doạ người hay không mà khi chúng tôi đi qua, tất cả mọi người đều im bặt rồi tự động nhường đường, đến cả trẻ con cũng không dám khóc.
Khi đến bãi đỗ xe, không khí thoáng đãng nên tôi bắt đầu thở được, đầu óc cũng tỉnh táo hơn, lúc này mới thấy cổ tay có cảm giác nong nóng ngưa ngứa rất khó tả. Tôi giật tay khỏi tay Giang, nói:
– Tôi tự đi được rồi.
Anh ta hơi khựng lại, ngẩn ra mấy giây rồi nhanh chóng thu tay về:
– Thở được chưa?
– À… tôi thở được rồi.
Tôi định hỏi “Sao anh biết vừa rồi tôi không thở được?”, nhưng nghĩ mặt mình xanh mét như thế, hỏi cũng hơi thừa thãi nên tôi thôi.
Sau khi hít vào mấy hơi dài, tôi mới nói:
– Trả tóc giả cho tôi đi.
– Bẩn rồi, vứt đi.
– Không, vẫn dùng được, tôi chải lại là dùng được.
– Bẩn rồi. Tôi đền cho cô cái khác.
– Không liên quan đến anh, sao anh phải đền?
– Thay mặt cho cô ta đền.
Tôi lắc đầu:
– Cô ấy không phải người thân của anh, anh không cần đền, để tôi chải lại rồi dùng là được rồi. Nếu không dùng được thì cho tôi địa chỉ của cô ta, tôi đến tận nơi bắt đền.
Nghe xong câu này, Giang mới ngẩng lên nhìn tôi, anh ta nhìn một hồi, đầu mày nhẹ nhàng giãn ra, chẳng biết tôi có nhìn nhầm hay không mà còn thấy khoé miệng anh ta cong cong, tựa như đang giấu một ý cười:
– Gan to như thế sao lúc nãy không cãi lại?
– Cãi rồi, nhưng bị đánh phủ đầu quá sớm nên chưa phản công lại được. Hôm nay tôi về ngủ một giấc để dành sức, hôm nào khoẻ khoắn thì đến bắt đền cô ta sau.
Giang ngoảnh đầu đi, hừ lạnh một tiếng:
– Lúc đó bị đánh như hôm nay thì đừng có gọi tôi.
– Anh yên tâm, tôi không gọi đâu.
Nói đến đây, tôi nhoẻn miệng cười:
– Hôm nay cảm ơn anh nhé. Không có anh chắc phải lên đồn công an một chuyến rồi.
– Khỏi cảm ơn, cô có lên đến đồn công an, em trai tôi cũng gọi tôi lên đón cô về thôi. Giải quyết từ khâu này cho nhanh.
Anh ta đưa mái tóc giả đã được phủi sạch cho tôi, nói:
– Đi, tôi đưa cô về.
Tôi cầm lại bộ tóc giả, cúi xuống nhìn mới thấy anh ta đã phủi sạch, hình như ban nãy vừa nói chuyện với tôi, tay anh ta vừa làm thì phải.
Một cơn gió thu nhẹ nhàng thổi tới, mùi gỗ và nắng nhàn nhạt từ anh ta hoà cùng với mùi rượu, thoang thoảng bay qua cánh mũi tôi. Có lẽ vì tôi thích mùi này, cũng có thể vì gió rất mát nên dễ khiến tâm trạng người ta dễ chịu, cảm giác xấu hổ và tủi thân của tôi nhanh chóng được xua đi.
Tôi lẽo đẽo đi theo anh ta đến bãi đỗ xe, để Giang đưa tôi về nhà. Suốt chặng đường, ngoài việc nói địa chỉ, chúng tôi cũng không trò chuyện thêm gì cả, mãi đến khi đến đầu ngõ khu tôi trọ, tôi mới bảo:
– Ngõ nhỏ lắm, không đi được, anh dừng ở đây thôi.
Giang gật đầu, dừng xe lại rồi lấy từ trong hộc đồ ra một tuýp thuốc, đưa cho tôi:
– Cái này là Duy đưa cho tôi. Tôi không dùng, cho cô.
– Cái gì vậy?
– Nó tưởng ai cũng dễ bị thương như nó.
Tôi cúi đầu, nhìn kỹ mới thấy đó là một hộp thuốc của nước ngoài, có ghi điều trị các vết thương ngoài da và làm tan những mảng bầm tím. Có lẽ vì Duy làm nhiệm vụ hay bị thương nên mới mua loại này, sau đó thì cho anh trai.
Vì là đồ của Duy, giá trị cũng nhỏ nên tôi không ngại, thoải mái nhận lấy:
– Cảm ơn anh. Tôi cũng có cái này cho anh.
Tôi lấy từ trong chiếc túi bị đứt quai của mình ra một chai nước giải rượu, cái này tôi thủ sẵn từ lâu rồi, làm phóng viên mà, thỉnh thoảng cũng phải gặp người này người kia nên trong người hay có sẵn.
Tôi đưa cho anh ta, lần này, đến lượt Giang hỏi:
– Gì đấy.
– Nước giải rượu. Anh cho tôi đồ của anh, tôi cho anh lại đồ của tôi. Chúng ta hoà nhau.
Anh ta nhìn nhìn chai nhựa trên tay tôi rất lâu, chẳng biết có nghi ngờ tôi bỏ gì vào đó không, nhưng lúc sau cuối cùng cũng đưa tay nhận lấy.
Tôi biết anh ta sẽ không nói “Cảm ơn” nên cũng chẳng chờ đợi, chỉ bảo “Tôi về đây”, sau đó mở cửa xuống xe.
Lúc vào đến phòng, soi gương mới thấy mặt mũi tôi đúng là khủng khiếp, bị đánh có một cái thôi mà mặt mày tím đen hết cả lại. Tôi biết cô gái kia không có sức đánh tôi nặng đến thế, đến lúc tra google mới biết thì ra hoá trị xong, lượng tiểu cầu trong cơ thể bị giảm nhiều khiến cơ thể dễ bị bầm tím hơn.
Trông tôi thảm như thế, chẳng trách người đàn ông kia mới đưa cho tôi lọ cao tan vết thâm đó.
Mặc dù đã thoa cao rồi nhưng ngày hôm sau mặt tôi vẫn đen xì, đến đài truyền hình phải bịt kín như Ninja. Linh vừa từ miền nam về đã phi qua chỗ tôi, tru tréo nói:
– Làm gì mà mày bịt như ninja thế? Giơ mặt ra đây tao xem nào. Tao mang quà từ miền nam về cho mày đây này. Tháo khẩu trang ra rồi ăn.
– Để đó tối tao ăn. Mày về sao không báo thế? Bảo mai mới về cơ mà?
– Tao làm xong sớm rồi về sớm với mày trước một ngày đấy.
Vừa nói, nó vừa kéo khẩu trang trên mặt tôi, nhưng vừa nhìn thấy mảng đen là nó thôi, lẳng lặng hít vào một hơi dài. Đến buổi chiều ra về, Linh mới hỏi lại lần nữa:
– Sao hôm trước mặt không đen mà hôm nay lại đen thui thế hả? Ngã ở đâu?
– Bị đập mặt vào cánh cửa.
– Tao bảo mày rồi, chưa khoẻ thì đi lại làm gì, cứ nằm ở nhà nghỉ đi, khoẻ hẳn đi đã. Thấy chưa? Người vẫn như tờ giấy, thổi cái là bay ấy mà dám đi làm.
Tôi quen bị nó cằn nhằn rồi, cũng không để bụng mà chỉ nói:
– Vài hôm là hết, có gì đâu. Mà tao hỏi này.
– Ừ, sao?
– Hôm trước mày nói với tao là mày biết ông giám đốc công ty Trường Thịnh đúng không?
– Ừ, hồi xưa ông ấy học trường tao mà. Hơn tao gần chục khoá, nhưng nổi tiếng lắm. Mấy lần đi kỷ niệm trường còn gặp cơ. Sao thế? Mày đến Trường Thịnh phỏng vấn, ông ấy hấ.p diêm mày à?
– Tiên sư, đầu óc mày có thể trong sáng tý đi được không?
– Ừ, nhưng sao? Hay là ông ấy gạ tình mày.
– Ông ấy là anh trai anh Duy.
Tôi nghĩ nếu lúc đó mồm nó đang uống nước, chắc hẳn nó sẽ phun đầy ra mặt tôi rồi. Linh nghe xong thì trợn tròn xoe mắt nhìn tôi:
– Đùa gì đấy? Ông Giang là anh trai ông Duy á?
– Mày học cùng trường mà không biết à?
– Không, thiên hạ chỉ đồn mỗi ông Giang ngon zai, học giỏi, chứ có đồn gia phả ông ấy có mấy đời đâu mà tao biết.
– Ừ, thì ông ấy là anh trai anh Duy đấy. Lần trước tao nói anh Duy nhờ anh trai mang cháo đến, là anh Giang đấy.
– Ôi m.ẹ, ngon thế. Mày giới thiệu cho tao đi, tao hốt ông này liên hoan xác th.ịt một bữa.
Tôi không nhịn được phì cười, cười to quá nên đau cả một bên mặt, lại nhăn nhăn nhó nhó. Tôi ôm mặt nói:
– Mày không hốt nổi đâu. Tính tình khó ưa như khỉ, đến người đẹp năn nỉ khóc lóc ông ấy còn không thèm liếc kìa.
– Ai năn nỉ khóc lóc?
– Tao biết đâu, không biết tên, chỉ biết là trông kiểu tiểu thư con nhà giàu, vừa kiêu vừa chảnh nữa.
– Có phải con này không?
Con bạn tôi hóng hớt, đang lái xe mà tấp hẳn vào lề, mở facebook ra rồi tìm nick, lát sau giơ đến cho tôi:
– Nhìn xem đúng con này không? Tên facebook là Lê Minh Uyên đây này.
Tôi xem facebook thấy ảnh chụp app nhiều, nhưng nét thì không lệch đi đâu được, kéo xuống thấy cô ta chia sẻ cuộc sống đi du lịch sang chảnh, dùng toàn hàng hiệu, đúng kiểu con nhà giàu.
Tôi gật đầu:
– Ừ, chính nó đấy.
– Ôi tao lạ quái gì con này, học cùng khoá tao chứ đâu. Bám ông Giang dai như đỉa, mỗi lần họp trường là nó cứ rú lên “Anh Giang, anh Giang”, còn khoe với mọi người ông Giang là người yêu của nó, như con đ.iê.n.
– Thế hả?
– Ừ, mà ông Giang không thích nó đâu, giọng chua như mẻ thế chỉ có mấy đứa trẻ trâu thích thôi. Mà mày gặp cả ông Giang, cả nó à?
– Ừ, thì qua đến Trường Thịnh đặt lịch talkshow thì tình cờ gặp.
– Không biết ông Giang này có người yêu chưa nhỉ? Nhà ông Duy đúng là lạ đấy, ông anh thì lạnh lùng, ông em thì ngược lại, vừa hiền vừa ngoan. Nhưng gu tao thì đếch phải hiền ngoan, gu tao phải như ông Giang kia.
Sau đó nó bắt đầu lải nhải về việc đàn ông như Giang là kiểu đàn ông trưởng thành, tài giỏi, lạnh lùng nhưng như thế mới quyến rũ, còn bảo có cơ hội thì phải lừa anh ta uống say rồi kéo lên giường thẩm qua một bữa. Tôi thì không có hứng như vậy, chỉ thầm nhủ trong lòng: quyến rũ đâu không thấy, chỉ thấy anh ta khó ở thôi, người gì mà tính tình còn khó hơn khỉ!
Sau hôm đó, tôi có viết giấy nợ cho Giang, thời hạn vay nợ là 10 năm và có tính lãi. Viết xong, tôi có gửi mail đến hòm mail riêng của anh ta nhưng không nhận được hồi âm.
Tôi nghĩ anh ta bận việc, có lẽ cũng ít check mail người lạ nên định để đến khi anh ta tham dự talkshow rồi nói lại, nhưng không ngờ lại gặp được Giang sớm hơn dự định.
Hôm ấy, bên Văn phòng chính phủ có tổ chức một buổi làm việc giữa Chính phủ và các doanh nghiệp, hầu như đều là các doanh nghiệp trẻ có những bước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây, tôi cũng được lãnh đạo cử đi lấy tin.
Tôi đến từ rất sớm, hầu như là để phỏng vấn và quay phim để về dựng bản tin. Lúc đang phỏng vấn một anh giám đốc doanh nghiệp thủy sản thì thấy Giang cùng mấy người đàn ông nữa đi đến.
Anh ta khẽ liếc về phía tôi, nhưng chỉ nhìn đúng một giây rồi quay đầu đi, tiếp tục nói chuyện với mấy người trong đoàn. Tôi phỏng vấn xong cũng đi vào theo, nhưng lúc ngang qua một ngã rẽ lại nghe tiếng người thì thầm.
– Này, thằng Giang bên Trường Thịnh ấy, lát nữa nó đại diện cho khối doanh nghiệp lên trả lời Phó thủ tướng, định tính thế nào?
– Thế nào là thế nào? Kệ nó thôi chứ biết làm thế nào?
– Mấy năm nay công ty nó phát triển như thế, giờ đứng lên phát biểu rồi quay lên thời sự thì chẳng được truyền thông miễn phí à? Cả khối doanh nghiệp đều được đi gặp Phó thủ tướng, sao chỉ mình nó được ưu ái lên phát biểu?
– Thế ông định sao?
– Tôi nói ông nghe nhé.
Hai người họ thì thầm gì đó, tôi không nghe được, nhưng chuyện chơi xấu nhau trên thương trường này thì tôi không lạ gì nữa. Bình thường sẽ không can thiệp, nhưng lần này thì khác, Giang dù sao cũng là anh trai của Duy, cũng là người từng giúp tôi, thế nên tôi mới lục tìm số của anh ta rồi nhắn đi một tin:
– Hôm nay anh lên phát biểu à? Cẩn thận nhé, có người định chơi xấu.
Lúc vào trong hội trường rồi vẫn không thấy anh ta nhắn lại, tôi nghĩ Giang không biết số tôi, nhưng thông báo vậy thì anh ta cũng tự biết rồi. Thế nhưng hóa ra lại không phải.
Trước lúc làm việc có nhân viên đến rót nước, bình thường cốc của mọi người sẽ úp, nhưng cốc của Giang thì lại ngửa sẵn. Tất cả mọi người đều nghĩ do sơ suất của khâu tổ chức nên không ai để ý đến, anh ta cũng không bận tâm, sau đó cũng có uống mấy ngụm.
Trong lúc Phó Thủ tướng đang làm việc với doanh nghiệp, hai cậu quay phim tác nghiệp, tôi không được phỏng vấn nên chỉ đứng yên lặng một góc quan sát, lúc tình cờ đưa mắt về phía Giang, đột nhiên lại thấy mặt anh ta tái xanh, bàn tay cầm bút cũng run lẩy bẩy.
Tôi biết ngay là anh ta có chuyện rồi, nhưng cuộc đối thoại với Chính phủ hôm nay vừa trang trọng lại vừa trang nghiêm, tôi không thể tự tiện đi lại hỏi anh ta làm sao được. Tôi lại lấy điện thoại ra nhắn một tin nữa:
– Có vấn đề gì thế? Tôi ở bên góc trái gần cửa, cần gì thì nói với tôi.
Sau đó, tôi vừa định bấm nút gửi đi thì đã đến lượt Giang đứng dậy trả lời Phó Thủ tướng. Mấy gã giám đốc doanh nghiệp kia cứ nghĩ anh ta sẽ không đứng dậy được, tôi cũng nghĩ vậy, nhưng cuối cùng vẫn thấy Giang đứng lên, sống lưng thẳng tắp. Anh ta trả lời Phó Thủ tướng rành rọt từng chữ, ánh mắt vừa dứt khoát, vừa nghiêm túc, lại mang theo sự kính trọng và lịch sự, lúc trình bày về các sản phẩm mà những doanh nghiệp trong nước đã đóng góp trong một năm qua, tôi nhìn thấy được trong đôi đồng tử đen thẫm ấy như chứa đựng cả một bầu trời quảng đại.
Giọng anh ta tông trầm, nói về lĩnh vực nào cũng vừa đủ, cách trả lời cũng rất am hiểu và sâu sắc, Giang bình tĩnh đến mức tôi còn tưởng ban nãy người mặt mày xanh mét, tay cầm bút không vững là ai khác chứ không phải là anh ta. Ở hội trường này đây, anh ta đứng giữa rất nhiều giám đốc của các doanh nghiệp lớn nhưng không hề bị lu mờ đi, ngược lại, có lẽ vì đẹp trai và giỏi nên tôi có cảm giác anh ta như một ngôi sao chói lọi.
Lúc Giang trả lời xong, cả hội trường đều vỗ tay rần rần, hai gã giám đốc kia cũng vỗ tay, ngoài mặt thì cười nhưng có lẽ trong lòng đang âm thầm nghiến răng nghiến lợi.
Tôi cũng không gửi đi tin nhắn vừa rồi nữa, chỉ lặng lẽ xóa đi rồi tiếp tục lắng nghe nội dung buổi làm việc, thỉnh thoảng ghi một số nội dung quan trọng vào sổ. Lát sau ngẩng lên lại thấy mặt Giang càng ngày càng tái, anh ta phải nắm chặt cạnh bàn để ngồi vững, những khớp xương hằn lên trắng bệch.
Cũng may là chương trình không còn dài, chỉ hơn 30 phút sau là kết thúc. Mọi người lên chụp ảnh lưu niệm cùng với Phó Thủ tướng, sau đó lại ra sảnh chụp tiếp, cả hội trường mấy trăm người chen chúc nhau đi ra, tôi thì ngại đông người xô đẩy nên cố ý đi cuối.
Khi mọi người gần như đã ra hết khỏi hội trường, tôi mới nhìn thấy người đàn ông kia vẫn im lặng ngồi mãi một chỗ, có vài người giám đốc đến hỏi anh ta, nhưng Giang vẫn cúi đầu nhìn điện thoại, nói có việc cần phân công cho cấp dưới, bảo bọn họ ra trước.
Sau khi mấy người đó vừa đi khỏi chỗ của anh ta, tôi thấy điện thoại mình rung lên. Mở ra thì thấy số đuôi 99999 rep một tin:
– Đến đây đỡ tôi!

Yêu thích: 4.6 / 5 từ (18 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN