Ông Cố Vấn - Chiến Dịch Địa Lôi
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
41


Ông Cố Vấn


Chiến Dịch Địa Lôi



1.

McGahee chẳng vui vẻ gì khi y được cử sang chi nhánh CIA tại Sài Gòn.

Với ngoài 20 năm trong nghề, y hiểu từng tế bào mục ruỗng của CIA. Y biết những mưu đồ tàn bạo, những thủ đoạn gian manh, cũng như tính kém hữu hiệu của cái tổ chức đã phá hoại rất nhiều tiền của và thanh danh nước Mỹ. Khi còn một ít năm nữa sẽ được về hưu, thì người ta đưa y tới nơi nước sôi lửa bỏng này mà nhiều bạn bè y đã ngán ngẩm bỏ cuộc. Một công vụ chẳng hứa hẹn điều gì tốt lành để kết thúc cuộc đời nghề nghiệp đầy rẫy những “sự lừa dối khủng khiếp”[1].

McGahee tới Sài Gòn vào tháng 10-1968, khi Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã hiểu không thể dùng sức mạnh quân sự để giành chiến thắng ở Việt Nam. Các bạn đồng nghiệp của y tại đây, với trên chục ngàn cộng tác viên, đã khẳng định thêm một lần nữa những gì đã trở thành thuộc tính của CIA. Không nhân viên CIA nào lọt được vào một cơ quan đầu não của đối phương, kể cả ở cấp tỉnh. Họ không bao giờ nắm được một chủ trương chiến lược quan trọng. Một ví dụ gần nhất là cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân.

Y càng chán ngán khi thấy Sài Gòn đã khác hẳn 8 năm trước khi y tới đây lần đầu. Y còn giữ trong ký ức một thành phố yên tĩnh, êm đềm với những người phụ nữ mặc áo dài tha thướt, hương thơm của những chợ hoa, những trái cây nhiệt đới, kể cả những món ăn ngon với đồ gia vị Á đông, đã tạo cho nó một bầu không khí lôi cuốn huyền diệu. Sài Gòn ngột ngạt những người tị nạn chiến tranh từ nông thôn đổ vào. Những cô gái đã chuyển sang mặc áo cộc tay và váy ngắn. Đúng hơn, nó đã trở thành một trại lính. Đi tới đâu cũng gặp lính Mỹ và lính Việt quần áo lôi thôi lếch thếch, và nhức óc vì những chiếc xe tải nhà binh đầy bụi đất phóng với tốc độ rợn người.

Đêm đêm, y ngồi trơ trọi trong căn phòng của một tòa biệt thự ở gần Sài Gòn. Những bức tường quét vôi vàng xỉn. Bức tranh tĩnh vật vẽ mấy bông hoa chẳng mấy tự nhiên. Đồ đạc nghèo nàn, với chiếc bàn gỗ ghép, mấy chiếc ghế đệm và một cái đi-văng. Cái giá sách trống trơn. Chiếc cát-xét lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần bài hát “Thế giới mới đẹp làm sao” và bản nhạc “Ngày tận thế” từ một băng nhạc của người chủ cũ để lại.

Hàng tuần, y soạn báo cáo gửi về chi nhánh CIA ở Sài Gòn, có khi còn gửi cả về tổng hành dinh CIA. Y viết những điều rút ra từ đống tài liệu do những điệp viên cung cấp, mà y biết phần lớn là dối trá. Thoạt đầu, y đọc một cách lơ đãng những báo cáo của bộ phận phản gián về một chiến dịch họ đã tiến hành từ nhiều tháng, được dặt tên là “Địa Lôi”, nhằm phát hiện một mạng lưới gián điệp Bắc Việt Nam lọt vào tận giới chóp bu của chính phủ Thiệu. Nhưng rồi trong đám giấy tờ đầy rối rắm, với nhiều tác giả rất kém văn hóa, con sói già bỗng thấy hơi hướng của con mồi. Một số báo cáo khẳng định Huỳnh Văn Trọng, phụ tá đặc biệt của tổng thống Thiệu, là điệp viên Cộng sản! Có những báo cáo lại nhấn mạnh Trọng chỉ là một nhân vật tương đối mới, và hoàn toàn không phải là nhân vật chính. Cầm đầu mạng lưới là Vũ Ngọc Nhạ, một nhà hoạt động Công giáo đáng kính trọng, cố vấn đặc biệt của tổng thống Thiệu, và cũng là bạn thân của ông ta. Một số báo cáo khác khẵng định nhiều nhân vật tai to mặt lớn và nhiều sĩ quan quân đội cũng đang làm việc cho Việt Cộng. McGahee dần dần lần ra được một đường dây.

Y thuyết phục người bạn đồng nghiệp của mình là Herman[2] phải ra tay. Tính chất nghiêm trọng của vụ án làm Herman run. Y bàn chùn:

– Theo mình thì nên chờ đợi một cách khôn ngoan.

– Vụ này đã rõ, nếu không làm sớm sẽ tuột khỏi tay.

– Có thể là một vụ khiêu khích của Cộng sản! Cậu thử hình dung chuyện gì sẽ xảy ra nếu cảnh sát đặc biệt bắt các nhân vật cao cấp đó, sau mới vỡ lẽ là họ vô tội? Chuyện đó sẽ gây phản ứng ra sao ở đây và bên nước Mỹ chúng ta? Huỳnh Văn Trọng vừa qua thăm Mỹ. Ông ta đã gặp gỡ những đại biểu quốc hội và cả những nhà lãnh đạo cơ quan an ninh của ta. Không, cần phải rất thận trọng. Biện pháp đầu tiên tốt nhất là hãy gửi một bức điện về tổng hành dinh xem phản ứng ra sao…

Langley[3] phản ứng một cách rất khó chịu khi nhận được bản báo cáo đầu tiên của McGahee. Đúng như Herman dự đoán, tổng hành dinh bảo nên dẹp chuyện đó lại. Con sói già tiếp tục đề đạt. Langley nói: “Chắc là Cộng sản khéo đánh lừa, chớ có vội vàng đưa ra những biện pháp quyết liệt”. McGahee vẫn kiên trì không chịu lui. Cuối cùng, Langley đồng ý một cách miễn cưỡng cho phép kết thúc chiến dịch “Địa Lôi” với những lời đe dọa không lấy gì là làm kín đáo.

2.

Cả tháng nay, Thiệu nhiều lúc muốn điên đầu vì tên CIA núp dưới danh nghĩa một sĩ quan liên lạc giữa Tòa đại sứ Mỹ với Phủ tổng thống.

Từ trung tuần tháng Chạp năm 1968, CIA đặt vấn đề với Thiệu là có một lưới điệp viên của Trung ương tình báo Bắc Việt nằm trong Phủ tổng thống. Thiệu gọi Trần Văn Hai, giám đốc Tổng nha cảnh sát quốc gia, tới phúc trình về chuyện này. Hai báo cáo nhiều tháng nay, cơ quan an ninh đã theo dõi Thắng, một phần tử bị bắt giữ nhiều lần vì tình nghi là điệp viên cộng sản, thấy những dấu hiệu Thắng đang tiếp tục làm việc cho tình báo Bắc Việt, và Thắng có liên hệ rất mật thiết với phụ tá Phủ tổng thống Huỳnh Văn Trọng. Thắng thường đi lại với một người là “anh Tư”, có thể là từ mật khu xuống. Trọng cũng có quan hệ với Tư qua trung gian của Thắng. Chính Thắng đã yêu cầu, thuyết phục cha Trần Ngọc Nhuận kiến nghị lên tổng thống làm tê liệt bọn mật vụ Cần lao cũ đang giúp việc đắc lực cho CIA. Huỳnh Văn Trọng được nhận xét là trong quá khứ đã có những hoạt động cơ hội và hoạt đầu. Cơ quan an ninh đã tiến hành những biện pháp quan sát chặt chẽ các phần tử nghi vấn.

Thiệu biết hoạt động này do CIA trực tiếp chỉ đạo. Ngay sau đó, CIA thường xuyên cung cấp cho cho Thiệu những báo cáo về vụ này. Danh sách những người bị nghi vấn có liên quan ngày càng nhiều, và trở nên rối mù. Nguyễn Văn Hướng cũng bị nghi ngờ. Nhưng Thiệu chỉ bàng hoàng thực sự khi thấy “ông giáo” xuất hiện trong danh sách.

Đơn vị S2/B thuộc khối cảnh sát đặc biệt ráo riết tiến hành kế hoạch đưa mật viên vào những nơi có phần tử bị tình nghi đang làm việc. Cho mật viên bám sát, theo dõi, thiết lập hệ thống giám thị những cuộc tiếp xúc, những quan hệ của những đối tượng, sưu tầm bằng chứng, sử dụng các dụng cụ điện tử thính thị và máy “khám phá nói dối”.

Bọn mật vụ bỏ khá nhiều tiền thuê một ngôi nhà tiếp giáp với nơi Thắng ở tại đường Bạch Đằng. Đây là nơi điều hành việc kiểm thính. Một máy thu phát tin điện tử Mercury bỏ túi, có khả năng hoạt động liên tục 33 ngày đêm, được đặt giấu trong phòng khách nhà Thắng. Trong quá trình theo dõi, xảy ra một sự cố. Tên mật vụ được trao nhiệm vụ đặt máy nghe trộm, dính vào một vụ án mạng. Hắn giết một bà già, đoạt một số nữ trang rồi bỏ trốn. Người chủ ngôi nhà tới trình cảnh sát hiện tượng mờ ám của người thuê nhà. Ông ta nhận thấy lúc nào y cũng đóng kín cửa không bao giờ nấu ăn, và lặng lẽ làm một việc gì bên trong. Báo chí đã đánh hơi thấy chuyện này. Kế hoạch theo dõi có thể vì đó mà vỡ lở. Toàn thể cơ cấu cảnh sát đặc biệt được báo động để đối phó. Chúng tung người đi ráo riết lùng bắt tên mật vụ. Hắn hoảng sợ, phải ra trình diện. Chúng quyết định thủ tiêu hắn trong nhà giam. Cảnh sát tư pháp giải thích là hung thủ ăn năn vì tội trạng của mình đã tự vẫn. Tên mật vụ chết đi mang theo cả bí mật về ngôi nhà có thiết kế dụng cụ kiểm thính. S2/B lại có thể tiếp tục công việc mà không lo vỡ lỡ.

Tuy nhiên, cuộc điều tra của CIA và cảnh sát đặc biệt không thu thập được kết quả gì nhiều, ngoài một danh sách ngày càng dài những người có quan hệ với Thắng và Trọng. Việc đặt máy nghe trộm ở nhà Thắng cũng đạt rất ít kết quả. Thắng có thói quen hay mở máy cát-xét thu thanh và vô tuyến truyền hình kể cả trong lúc ngồi nói chuyện. Từ những cuốn băng thu được, chỉ lọc ra được một số tiếng đứt quãng đáng chú ý: “… liên lạc từ Tây Ninh… Anh Tư nhắn…”. Rồi nhân vật “anh Tư” biến mất.

Thiệu đặc biệt quan tâm tới trường hợp của “ông giáo”. Các báo cáo ghi nhận Hai Long có nhiều quan hệ với những phần tử bị nghi vấn như Thắng, Hòe, Trọng. Anh đã bị giam giữ 3 năm ở trại Tòa Khâm Huế vì tình nghi Việt Cộng. Hai Long trong lời khai ở trại Tòa Khâm cũng tự nhận trước đây đã tham gia quân đội Bắc Việt, đã vào Đảng Cộng sản và làm thị ủy ở Thái Bình. Thiệu đã biết những chuyện về quá khứ của Hai Long. Đây chỉ là một giai đoạn ngắn ngủi trong cuộc đời anh từ hồi còn trẻ. Cẩn và Nhu còn biết rõ những điều đó hơn, nhưng đã dùng anh. Hơn thế, Hai Long là người thân tín của cả Đức cha Lê và cha Hoàng, những người thầy chống Cộng! Không thể đặt nghi vấn vì sự quan hệ rộng rãi của anh với những con chiên. Nhiều việc anh làm là do chính Thiệu yêu cầu…

Thiệu quyết định tự bản thân mình kiểm tra Hai Long. Bằng chứng cụ thể nhất là cuốn băng ghi âm thu được ở nhà Thắng. Thiệu bảo cha Nhuận chuyển cho Hai Long cuốn băng, và thăm dò phản ứng của anh. Nếu Thắng là đồng bọn với Hai Long, khi biết Thắng đã bại lộ, Hai Long chỉ còn cách chạy trốn. Và anh sẽ không thoát. Hai Long đã trả cha Nhuận cuốn băng như một vật không hề có liên quan tới mình, nói đây chỉ là một cuốn băng thu hỏng. Thiệu đã quan sát, theo dõi kỹ Hai Long, vẫn không nhận thấy dấu hiệu gì đáng nghi ngờ. Thiệu bắt đầu nghĩ hay là CIA đang tìm cách chặt tay chân mình để thực hiện một mưu đồ nào đó của Mỹ? Y chưa biết xử lý chuyện này ra sao.

Nhưng tới tháng gần đây thì CIA ở Sài Gòn tỏ thái độ kiên quyết, yêu cầu Thiệu phải giải quyết vụ này. Họ bảo đó là quyết định của Langley…

Tên nhân viên CIA nhận trách nhiệm liên lạc với phủ tổng thống vốn đã trở thành bồ bịch của Thiệu. Qua y, Thiệu tránh được những cuộc chạm mặt không vui vẻ gì với Bunker. Y lại là người tính tình cởi mở, dễ chịu. Nhưng giọng nói của y bữa nay trở nên gay gắt:

– Không thể trì hoãn hơn nữa, đã tới lúc phải sập bẫy. Dổng thống cần biết: bây giờ mới làm là quá muộn. Tên cầm đầu đã rời khỏi Sài Gòn từ cuối tháng 3!

– Những bằng chứng cùng với sự điều tra riêng của tôi khiến tôi rất phân vân.

– Chúng tôi hiểu chuyện này dính tới những nhân vật chóp bu nên đã rất thận trọng. Chính ông Dale Waites đã phải trực tiếp dùng máy kiểm tra thành thật Polygraph Toast để làm phối kiểm Z.23, người điều tra vụ này.

– Chứng cớ còn quá ít ỏi!

– Ông không hiểu về nghiệp vụ. Những bằng chứng đã là quá đủ để bắt hết bọn chúng, buộc chúng phải thú nhận toàn bộ tội lỗi.

– Nếu cùng một lúc bắt cả cố vấn đặc biệt, phụ tá đặc biệt của tổng thống thì uy tín của tôi sẽ ra sao?

– Uy tín của ông sẽ được củng cố thêm vì đã phát hiện được những tên điệp viên nguy hiểm nhất của Cộng sản.

– Nhưng một chuyện ầm ĩ sẽ là đòn nặng giáng vào thanh danh của chánh phủ! Tôi đề nghị một cách giải quyết, nếu cần sẽ bắt ngay tất cả những phần tử bị nghi vấn, nhưng riêng ông Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng sẽ được đưa ra khỏi Phủ tổng thống, ta sẽ giải quyết với họ khi họ không còn dính líu chi tới chánh phủ, chỉ còn là những công dân bình thường.

– Họ không bao giờ là công dân chiểu theo hiến pháp của các ông! Họ chỉ là những tên gián điệp nguy hiểm đã lộ mặt, phải bắt tất cả cùng một lúc, hoặc để cho họ chạy thoát! Không thể có biện pháp nào khác, và không thể trì hoãn thêm.

– Thôi dược, có thể bắt cả Huỳnh Văn Trọng, nhưng bắt Vũ Ngọc Nhạ sau, vì Nhạ là một lãnh tụ Thiên chúa giáo ở miền Nam.

– Nhạ chính là tên cầm đầu nguy hiểm nhất mà chúng tôi cần bắt trước tiên!

– Các ông cũng cho tôi đủ thời gian giải quyết với các cha?

Tên CIA vung nắm đấm gí sát vào mũi Thiệu:

– Mẹ kiếp! Ông sẽ làm hỏng hết! Làm sao chúng tôi có thể bù lại những tổn thất nhân mạng và tiền của nếu như bọn gián điệp Cộng sản đầy rẫy khắp nơi mà không có biện pháp hữu hiệu nào chống lại chúng…?

Thiệu chỉ còn nói thêm một đôi câu yếu ớt, rồi đầu hàng.

Ngày 29 tháng 6, Trần Văn Hai vào Phủ tổng thống gặp Thiệu nhận những huấn thị cần thiết.

Ngày 14 tháng 7, một cuộc họp được tổ chức tại Văn phòng khối cảnh sát đặc biệt, đi tới những quyết định như sau:

“Đơn vị S2/B chịu trách nhiệm bắt toàn thể những phần tử được phát hiện trong một đêm.

Dùng những nhân viên tinh khôn nhất đặt bẫy tại nhà của Lê Hữu Thúy tức Thắng, Vũ Ngọc Nhạ tức Hai Long, Vũ Xuân Hòe, Huỳnh Văn Trọng và tại các trạm giao liên ở cầu Bình Lợi và ở Chợ Lớn, kể cả những vùng bất an ninh giữa nơi đồng trống không có dân cư, dù phải đổi bằng máu..

Đơn vị S2/B sẵn sàng thẩm vấn suốt đêm, liên tục, kết quả tới đâu trình tới đó để phối hợp khai thác tin tức.

Mỗi biệt đội tình báo cử về Trung ương 6 nhân viên và một xe Jeep dùng vào việc truy nã, phục kích, bao vây lục soát và canh giữ can phạm…”.

3.

Hai Long bừng tỉnh vì tiếng gõ cửa gấp bên ngoài.

Vợ anh đang còn nhè nhẹ lay vai anh. Đã lâu chị mới thấy chồng ngủ một giấc ngon lành như vậy.

– Ba nó dậy di!

Anh khẽ bấm vào tay ra hiệu cho chị. Tiếng đập cửa gấp hơn. Đúng là bắt đầu rồi. Anh chợt thấy thương vợ vô chừng. Đã mấy lần anh định nói với chị về mối nguy hiểm đang đe dọa mình. Nhưng rồi anh vẫn im lặng. Anh muốn kéo dài được chừng nào hay chừng ấy niềm vui ít ỏi của những ngày họ được sống bên nhau. Đã tới lúc kết thúc. Anh ghé vào tai vợ nói thật nhỏ:

– Em và các con ở nhà cứ bình tĩnh. Chúng sẽ không làm gì được anh đâu.

Phía ngoài có tiếng quát to:

– Mở cửa mau, cảnh sát tới kiểm tra sổ gia đình đây.

Bác Kỳ ở nhà ngoài đã ra mở cửa. Vợ chồng Hai Long và các con đều ngồi dậy.

Một tên vừa bước vào hỏi:

– Ông Vũ Ngọc Nhạ đâu?

Tiếng bác Kỳ đáp:

– Ông Nhạ ở nhà trong.

Hai Long lên tiếng:

– Tôi mặc quần áo ra ngay đây.

Nhưng không đợi anh đi ra, một toán chừng sáu, bảy tên đã sục vào trong nhà. Một số tên trố mắt nhìn cảnh nhà quá bần bách của anh – Gia dình ông cố vấn của tổng thống! Hai đứa con nhỏ ngủ chung một giường với bố mẹ. Hai đứa lớn hơn ngủ trên hai tấm phản kê hai góc nhà. Chỉ có độc một cái bàn làm việc. Trên bàn, giấy tờ thư từ để ngổn ngang bên những chồng sách tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Latin xếp ngay ngắn. Dường như chủ nhân đêm nay làm việc khuya. Chúng không biết đây là sự dàn cảnh sẵn của anh chờ đón những biến cố bất thường.

Viên dại úy sẵng giọng nói:

– Ông Vũ Ngọc Nhạ bị xét nhà. Mời ông tới Tổng nha Cảnh sát vì tội buôn hàng lậu. Nhân viên công lực tiến hành khám xét, tịch thu tất cả những giấy tờ và đồ lưu trữ. Mời ông Nhạ bận quần áo ra xe ngay về Tổng nha.

Chúng vơ vét tất cả những sách báo, giấy tờ, thư từ trên bàn và bắt đầu lục lọi khắp nhà. Tên đại úy và hai tên cảnh sát áp giải Hai Long ra xe.

Một chiếc xe Jeep đỗ sát vỉa hè bắt đầu nổ máy. Tên đại úy đưa chiếc còng số 8 toan khóa tay Hai Long. Anh phản đối:

– Tôi chưa bị kết án, không có hành động chống đối nhân viên công lực làm nhiệm vụ thì không được xâm phạm tới con người tôi.

Tên đại úy cười nhạt:

– Vụ này quá rõ rồi, quá chín mùi, đã bám sát từ hơn một năm, nay kết thúc cho khỏi tốn thêm thời giờ và công sức. Tiếc rằng không chờ được tên đầu sỏ quay lại mà hốt trọn ổ.

Hắn cứ tra chiếc còng vào tay Hai Long và đẩy anh lên xe. Hai Long nhìn lại thấy còn mấy tên vẫn ở trong nhà. Chắc chúng tiếp tục khám xét và sẽ phục tại đây, hy vọng chộp thêm người của ta. Những việc chúng làm sẽ vô ích.

Chiếc xe Jeep chạy về Nha cảnh sát đặc biệt.

Phạm Văn Cung, chủ sự, đang ngồi đợi tại văn phòng tư pháp. Cung là đảng viên Đại Việt, cùng hệ phái với Nguyễn Văn Kiểu và Nguyễn Văn Hướng. Y đứng lên chào anh một cách lễ phép, rồi nói:

– Đại úy mở khóa cho ông Nhạ… Ông thông cảm, đây là việc bất đắc dĩ phải làm trong khi đi đường.

Chờ Hai Long ngồi xuống ghế xong, viên chủ sự nói tiếp:

– Bây giờ xin ông khai cho một bản lý lịch đầy đủ theo mẫu đã có sẵn. Đề nghị ông coi qua, nếu có chi cần hỏi, tôi xin nói rõ.

Hắn đưa anh một tập giấy có những đề mục đã in sẵn. Hai Long cẩn thận lần đọc từng tờ. Cung kiên nhẫn ngồi chờ. Xem xong, anh nói:

– Tôi không có điều gì phải hỏi.

Cung đi ra. Còn một mình anh trong căn phòng rất yên tĩnh, các cửa đều đóng kín mít. Hai chiếc đèn néon bật sáng suốt ngày đêm.

Không việc gì phải vội vàng. Hai Long chỉ kết thúc công việc vào cuối buổi sáng hôm sau. Anh khai mình là một tín đồ Thiên chúa giáo, đạo dòng, thủa nhỏ học ở tu viện, lớn theo giám mục Lê Hữu Từ hoạt động cho Tổng bộ tự vệ Công giáo ở Pháp Diệm rồi vào quân đội Pháp, cùng rút với quân đội viễn chinh Pháp vào Nam, qua Pháp một thời gian, rồi lại trở về Sài Gòn làm phụ tá cho Đức cha Lê và cha Hoàng. Được Đức cha Lê đồng ý, anh nhận làm phụ tá cho cố vấn Ngô Đình Nhu. Chính quyền Diệm đổ, theo sự phân công của giáo hội, anh vào Phủ tổng thống làm cố vấn đặc biệt cho đương kim tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Anh trao bản khai cho viên chủ sự. Y bảo anh cứ ở lại chờ ý kiến cấp trên của hắn.

Hai Long ngồi suốt buổi chiều trong căn phòng vắng lặng, suy nghĩ về những khả năng xấu nhất có thể đến với mình. Từng lúc, anh lại nghe tiếng chân bước nhộn nhịp bên ngoài. Có lần, anh nghe rõ giọng một tên Mỹ nói tiếng Việt: “Làm từng người một!”. CIA đang trực tiếp chỉ huy vụ này, và cuộc thẩm vấn đã bắt đầu rồi.. Không biết có những ai bị bắt? Theo lời tên đại úy lúc nửa đêm, chúng đã theo dõi hơn một năm. Và hắn nói “không thể chờ tới lúc tên đầu sỏ quay lại”… Như vậy, chúng biết khá nhiều. Nhưng anh vẫn chưa có cơ sở để đánh giá tình hình lưới đã lộ tới đâu.

Gần tối, một tên cảnh sát mở cửa, bảo anh:

– Mời ông Nhạ sang gặp ông chủ nhiệm ở phòng làm việc riêng.

Cung ngồi chờ anh với bản lý lịch đặt trên bàn. Y đẩy những tờ giấy về trước mặt anh. Cách nói của y vẫn lễ phép nhưng giọng nói đã trở nên lạnh nhạt, khó chịu:

– Tôi phải trả lại ông bản khai này. Ông đại tá Trần Văn Hai, giám đốc tổng nha, chê ông là không biết điều, là không có đảm lược nhìn nhận việc mình làm, phủ nhận một sự thực mà ông đại tá phải khâm phục. Ông đại tá lấy lễ độ và thông cảm đối với ông, nhưng ông lại lừa gạt và khinh miệt ổng! Tôi có lời khuyên ông nên nhìn nhận lại việc đã làm. Tổ chức của ông, chúng tôi đã giám thị chặt chẽ từ một năm nay, nay đã tới ngày tính sổ. Công việc này chúng tôi coi như đã thanh toán xong! Affaire réglée! Cần khóa sổ!

– Tôi đã viết dúng sự thật.

– Ông tiếp tục ngoan cố thì chúng tôi phải dùng sức mạnh!

– Nếư đó là quyền của các ông…

– Ông cần suy nghĩ kỹ và khai cho thiệt đi. Không có cách nào khác đâu.

Nói dứt lời, hắn lẳng lặng đứng dậy đi ra.

Tên công an ban nãy quay trở lại, đưa Hai Long trở về căn phòng anh đã ngồi cả ngày hôm nay.

Chúng cứ để Hai Long ngồi một mình cho tới quá nửa đêm.

4.

Vẫn tên cảnh sát lúc chập tối bước vào. Nhưng lần này hắn sẵng giọng:

– Đi theo tôi!

Hắn dẫn anh tới một căn phòng khá lớn, chỉ có một chiếc bàn vuông với bốn cái ghế. Vẻ trống trải của nó tạo nên một không khí lạnh lẽo.

Đã có ba người ngồi ở ba cạnh bàn. Ngoài viên chủ sự mà anh đã gặp, còn có thêm hai người mới là Tước, chánh sở, và Cò Nhi, trưởng ban thẩm vấn. Nét mặt Cung trở nên lạnh như tiền. Viên chánh sở lên tiếng trước:

– Theo lệnh thượng cấp, chúng tôi phải làm nhiệm vụ. Chúng tôi rất kính trọng ông đã hy sinh tất cả cho lý tưởng mà ông theo đuổi, nhưng phải thi hành phận sự.

Lời nói mở đầu của Tước bao hàm ý đe dọa. Hai Long hỏi lại:

– Thượng cấp của các ông là ai? Có phải là ông Thiệu không?

Tước dằn từng tiếng:

– Thân phận ông bây giờ như cá nằm trên thớt, còn làm “le” cái chi! Cả tổ chức tình báo chiến lược của ông đang nằm gọn trong tay chúng tôi. Ông đã khai thật hoạt động của ông về mặt quốc gia, tôi không cần biết phần này. Ông phải khai về hoạt động Cộng sản của ông! Yêu cầu ông làm nhanh, rõ ràng, chi tiết. Xong việc của chúng tôi, ông lại tiếp tục hoạt động cho Cộng sản cũng không sao! Phải đụng tới thân thể ông là điều vạn bất đắc dĩ. Ông được dành chút thời giờ suy nghĩ trước khi chúng tôi tiến hành thẩm vấn.

Tước cùng Cò Nhi đứng lên đi ra ngoài. Chúng tới phòng tên Mỹ cố vấn cho Tổng nha Cảnh sát hội ý. Còn lại mình Cung ngồi với Hai Long. Y lại tiếp tục phủ dụ:

– Các ông ủng hộ tổng thống Thiệu rất đắc lực, các ông phá tổng thống cũng không biết thế nào mà lường. Các ông đi hàng hai, hàng ba, cái đó là đường lối của các ông, chúng tôi trọng tự do tư tưởng. Nhưng về mặt chánh quyền, chúng tôi phải chặn đứng và phá vỡ mọi tổ chức, mọi hoạt động chống phá chánh quyền hiện hữu. Làm chánh trị thì tù đày không có nghĩa lý gì! Các ông Trần Văn Ân, Phan Quang Đán, Phan Khắc Sửu… đã từng bị tù đày chung thân, khổ sai, tử hình, nhưng khi ra tù các vị ấy làm bộ trưởng, quốc trưởng… Ông là bạn của tổng thống. Ông làm chánh trị lại tính mọi nước cờ. Mặc dù ông có phải ra tòa, có bị tù dày, nhưng là tù chánh trị, thời thế thay đổi, ra tù làm lớn mấy hồi! Đại tá Trần Văn Hai và chúng tôi bắt ông, chúng tôi cũng e ngại cho bản thân. Ai bảo đảm tính mạng cho chúng tôi bây giờ và sau này? Chúng tôi thừa hành lệnh thượng cấp, chớ không hề thù hằn ganh ghét ông. Tôi biết trong hiện tình đất nước, ông dám đi nước cờ cao. Chúng tôi không đủ tài đủ sức ngăn ông hoặc khuyến cáo ông thay đổi chánh kiến. Chúng tôi chỉ mong ông thông cảm mà “gia ơn” cho chúng tôi có phận nhờ. Tôi xin thề với ông là tôi không kỳ thị Bắc Nam, không kỳ thị tôn giáo…

Đã một ngày trôi qua mà sao bọn chúng vẫn chập chờn, chưa thẳng tay với mình, Hai Long tự hỏi. Chúng thanh minh, cầu khẩn. Chúng e ngại thế lực của mình bây giờ và sau này ư? Hay chúng còn chờ đợi cái gì? Chờ thêm chứng cớ qua lời khai của những người khác? Hay chờ một kẻ nào đó bật đèn xanh trước lúc ra tay…? Phải thăm dò viên chủ sự này xem, khi còn nói chuyện được với y, vì sao mình bị bắt, tổ chức đã vỡ tới đâu… Hai Long nói:

– Tôi là một tín đồ Thiên chúa giáo, là dân Bắc di cư. Tôi bị bắt đã hơn một ngày. Khối Thiên chúa giáo và khối di cư tất nhiên sẽ có phản ứng vì người của họ bị bắt. Kể cả Cộng sản và Mặt trận Giải phóng cũng có thể phản ứng vì đường lối hoạt động của chúng tôi phù hợp với đường lối sách lược của họ lúc nảy. Những việc tôi đã làm đều vì giáo hội, có sự khuyến cáo của Giáo hoàng, của Đức Hồng y Spellman, hoặc theo yêu cầu của tổng thống. Có những việc tối mật, phức tạp vì liên quan tới vận mệnh quốc gia hoặc cá nhân đương kim tổng thống. Tới giờ phút này, tôi quả thực chưa hiểu vì sao mình lại bị bắt?

Cung rút từ trong cập ra một bản danh sách in ronéo, đặt trước mặt anh:

– Đây là bản “phong thần”, có tên ông trong đó.

Những người trong danh sách được xếp theo thứ tự A, B, C. Có nhiều người anh đã biết, hoặc nghe nói, như An, Chất… rồi tới Hòe… Tên anh có một gạch chì đỏ bên dưới. Ruật, Thúy (tức Thắng), lần lượt xuất hiện trong bản danh sách. Anh nhận ra đây là những người đã bị bắt ở trại Tòa Khâm. Hiếu và Tá Đen như xuất hiện bằng xương bằng thịt trước mằt anh.

Hai Long trao trả viên chủ sự bản danh sách:

– Tôi biết mặt số người này hồi ở trại Tòa Khâm thời ông Diệm.

Cung lần giở tập hồ sơ, rồi đưa tiếp cho anh một số bản giấy viết tay. Đây là báo cáo của bọn mật vụ đã bám sát anh trên nhiều chặng đường, những cuộc gặp gỡ với các cha cố, với những nơi có quan hệ, với anh em trong lưới. Anh đánh giá được mức lộ liễu nghiêm trọng của mình và tổ chức.

Viên chủ sự nói không úp mở:.

– Những người trong tổ chức đều bị chúng tôi bắt hoặc bao vây, giám sát chặt chẽ rồi. Không yêu cầu ông khai báo những ai có chân trong tổ chức, mà chỉ cần nói rõ công tác và chức vụ của từng người theo yêu cầu thẩm vấn. Thượng cấp ra lệnh cho chúng tôi phải kết thúc nhanh vụ án. Chúng tôi sẽ được khen thưởng lớn nếu làm vừa lòng thượng cấp. Ông không thể chối bỏ được những điều đã quá rõ ràng. Vì vậy tôi nói rằng ông nên “gia

ơn” cho bọn tôi…

Hai Long hiểu đây là những lời động viên cuối cùng của bọn chúng trước khi vào cuộc thẩm vấn.

Một lát Cò Nhi quay lại. Y đứng dừng trước cửa, gật đầu đưa mắt cho viên chủ sự ra ngoài. Từ khi viên trưởng ban thẩm vấn xuất hiện, hắn vẫn chưa nói một lời.

Cả hai tên quay vào. Cò Nhi bắt đầu lên tiếng. Giọng hắn trầm và cục cằn:

– Ông đứng dậy, đi theo tôi!

Anh tưởng hắn đưa mình tới nơi thẩm vấn. Nhưng hắn đưa anh xuống dãy nhà giam, mở khóa cửa sắt, đẩy anh vào một căn xà lim tối đen và lạnh ngắt.

5.

Hai Long định thần, nhận ra trong xà lim còn một người khác. Một ý nghĩ nảy ra trong anh như một phản ứng tự nhiên, phải chăng một người của chúng cài vào để thăm dò anh?

Người nằm trên sàn xi măng hỏi anh với giọng ngái ngủ:

– Mới vô ư? Còn ai nữa không?

– Mình tôi thôi.

– Đêm nay họ còn nhét vô nữa. Nghe nói công an đang bắt một vụ lớn lắm. Ngày hôm nay, những anh ở đây đều phải chuyển chỗ. Họ nhét bảy, tám người vô một xà lim, dành chỗ cho người sắp tới.

– Anh bị bắt lâu chưa? – Hai Long hỏi.

– Ba tháng rồi. Họ thẩm vấn xong, tôi đã ký cung, chỉ chờ ngày ra tòa.

– Vì tội gì vậy?

– Tôi ở Bình Dương, bị bắt vì làm cán bộ nông hội cho Giải phóng. Còn anh, họ bắt anh vì tội chi?

– Tình nghi chính trị.

Hai Long nằm xuống bên anh ta. Người đó đưa cho anh một chiếc ca:

– Nếu anh quen gối đầu thì dùng tạm cái này.

Chiếc ca âm ấm. Nó vừa rời khỏi đầu anh ta.

– Anh gối bằng chi?

– Tôi không có gối cũng không sao, quen rồi.

Chiếc ca dù cứng, nhưng có nó vẫn hơn. Người nằm bên lại hỏi:

– Họ thẩm vấn anh chưa?

– Chưa. Chắc cũng sắp rồi.

– Phải gắng chịu qua mấy trận đầu. Anh nào nhát đòn vội khai sớm, càng khai nó càng đánh dữ để moi thêm.

Anh cảm thấy đây là một người bạn. —

[1] Xem Ralph McGahee, “Sự lừa dối khủng khiếp” (Deadly deceits).

[2] Bí danh do McGahee đặt trong cuốn sách để tránh đụng tới nhân vật thực.

[3] Nơi đặt trụ sở Tổng hành dinh của CIA

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN