Ông Cố Vấn - Người Bị Giết Và Kẻ Giết Người
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
115


Ông Cố Vấn


Người Bị Giết Và Kẻ Giết Người



1.

Hy vọng cuối cùng của Nhu đã tắt. Trong ngày, Đài phát thanh Sài Gòn nhiều lần loan báo tên của Tôn Thất Đính nằm trong hàng ngũ những tướng lãnh đảo chính. Nhưng Nhu vẫn cho rằng Đính đang thực hiện kế hoạch cũ do Nhu đã hoạch định: hễ có kẻ nào móc nối đảo chính là cứ sáp vô, để tới phút cuối cùng sẽ lật lại thế cờ. Tới giờ phút này, rõ ràng là không phải như vậy.

Dinh Gia Long đã ở vào tình thế tuyệt vọng. Lực lượng bảo vệ khu vực chỉ còn thưa thớt. Đơn vị đóng tại Sở thú còn 80 người. Binh lính đóng trong thành Cộng hòa thương vong nhiều vì đại bác, cũng không còn hơn số đó. Một lực lượng nhỏ biệt động quân đóng tại nhà bưu điện. Mấy đơn vị trực tiếp bảo vệ dinh tuy còn nguyên vẹn, nhưng đều không có công sự chiến đấu. Toàn bộ những lực lượng này sẽ không đủ sức chống cự qua đêm nay nếu phía đảo chính tiếp tục sử dụng trọng pháo và cho quân ào ạt tiến vào. Phía đảo chính đã nắm được cả binh chủng không quân và thiết giáp. Họ có thể dùng trọng pháo bắn thẳng vào dinh Gia Long nếu cuộc chiến đấu kéo dài… Nhu thấy đành phải thực hiện đến kế sách cuối cùng, một điều mà y không hề muốn.

Nhu mở cánh cửa sắt ra khỏi hầm, lên lầu gặp Cao Xuân Vỹ. Suốt từ lúc tiếng súng bắt đầu nổ, chỉ còn viên phó tổng thủ lĩnh Thanh niên cộng hòa này vẫn gắn bó bên y.

Nhu hỏi Vỹ:

– Tình hình chung quanh dinh ra sao?

– Từ đây ra Sở thú và ra chợ Bến Thành vẫn yên.

– Phải đi thôi.

– Ông cố vấn đã trình với tổng thống chưa?

– Tôi sẽ nói với cụ ngay bây giờ. Anh chuẩn bị sẵn sàng nhé!

– Dạ… Ông cố vấn nói giùm với cụ dùng tạm xe chở hàng để rời khỏi dinh, đi một quãng sẽ thay xe.

– Không có chuyện chi.

Nhu quay xuống hầm bảo viên sĩ quan cận vệ của Diệm tạm ra ngoài. Diệm ngồi lặng thinh, hai má chảy xệ, vẻ chán nản tột độ.

Nhu ghé lại ngồi bên nói:

– Anh và em cần phải rời khỏi dinh Gia Long vài ngày. Lát nữa, quân đảo chính hạ xong thành Cộng hòa sẽ đánh vô đây. Chúng sẽ dùng pháo và thiết giáp, lực lượng phòng vệ không giữ nổi. Nếu giờ không đi ngay, lát nữa e kẹt.

Diệm ngồi nhìn Nhu chốc lát rồi hỏi:

– Đi mô?

– Vô Chợ Lớn. – Nhu ngập ngừng một lúc rồi nói tiếp – Em nghĩ, anh nên lánh tạm vô nhà thờ hay tu viện ít hôm, em đi tiếp lên Lâm Đồng. Trên đó đã gọi điện về, tình hình vẫn yên. Ta vẫn còn nắm được Quân khu 1 và Quân khu 2. Nguyễn Khánh và Đỗ Cao Trí đều cam kết trung thành. Với hai quân đoàn, các tướng sẽ dẹp yên bọn đảo chính, khôi phục lại tình hình như cũ.

Diệm ngồi thừ người, rồi lắc đầu:

– Vô nhà thờ không nên… êm không nói làm khi, có sao sau này sẽ phiền lụy tới các cha.

– Dạ, nếu vậy ta ở tạm một nhà dân. Em đã chuẩn bị một nơi rất kín đáo, không để ai biết. Ta phải đi ngay, trong chốc lát còn tạm yên.

– Đi thì đi… Nhưng tôi ở đâu thì chú cũng ở đó.

Nhu biết không thể thuyết phục Diệm ngay một lúc bèn quay lên lầu, bảo Vỹ:

– Cụ không chịu vô nhà thờ. Giờ cứ đến tạm một nhà dân rồi tính sau.

– Nếu vậy tôi phải gọi điện cho Phước chuẩn bị. Cụ và ông cố vấn di trước, tôi sẽ tới sau ngay.

Nhu gọi một sĩ quan lấy hành trang. Hành trang của Nhu đã được chuẩn bị từ trước, gồm một sồ quần áo cải trang để đi lại ở vùng nông thôn và miền núi. Nhu đã có kinh nghiệm từ những năm xưa khi trốn từ Hà Nội về Phát Diệm rồi qua Lào. Viên sĩ quan thực hiện lệnh của chủ một cách kín đáo. Nhưng khi Nhu trở lại hầm thì cả một không khí nhộn nhịp. Nhiều sĩ quan tùy viên cận vệ, bác sĩ, cả người lão bộc, đang vây quanh Diệm, bàn chuyện ai đi, ai ở lại.

Diệm nói:

– Đi một đứa thôi. Đi nhiều không nên.

Đại úy Thọ nói:

– Các anh đều có vợ, có con cả, tôi chỉ có một thân một mình, các anh ở lại, tôi đi theo cụ, có chết cũng không sao.

Ông bõ già đưa Diệm một chiếc cặp da lớn. Thọ vội đỡ chiếc cặp da từ tay Diệm. Ông bõ già lại đưa tiếp cho Diệm chiếc can. Diệm ngẩn ngơ như người mất hồn. Mọi người bịn rịn đứng nhìn theo Diệm, Nhu cùng với hai viên sĩ quan cận vệ rời khỏi dinh.

Để khỏi bị phát hiện, Diệm và Nhu được Vỹ bố trí đi trên một chiếc xe chở hàng nhỏ. Chiếc xe lăn qua cửa ngách của dinh phía đường Pasteur, rẽ qua đường Lê Thánh Tôn, rồi phóng về Chợ Lớn. Trung tá Phước, phó đô trưởng phụ trách nội an, theo điện thoại của Vỹ, đã chờ sẵn với một chiếc xe du lịch, mời mọi người chuyển xe rồi tự tay lái đưa về nhà một gia đình Hoa kiều.

Vì kế hoạch thay đổi nên tới giờ phút chót, Mã Tuyên mới biết sắp được đón những người cầm đầu Việt Nam cộng hòa tới lánh nạn tại gia đình mình. Diệm và Nhu trước đây chưa hề quen biết Mã Tuyên. Cao Xuân Vỹ bố trí cho họ tới gia đình này vì Mã Tuyên đã được Vỹ chọn làm thủ lãnh Thanh niên cộng hòa tại Chợ Lớn.

Mã Tuyên lật đật ra cửa rước khách vào nhà. Mã Tuyên xua vội vợ con khỏi tầng lầu, sửa soạn giường mùng đón khách quý.

Diệm và Nhu hỏi thăm chủ nhân vài câu, rồi lên lầu. Mã Tuyên cấm vợ con không ai được tới nơi khách ở, tự mình thức suốt đêm pha trà ngon, bưng nước phục dịch khách. Ông “lãnh kiều” chưa hề biết gì về biến cố ngày hôm nay tại Sài Gòn vì mải mê công việc buôn bán. Lòng hiếu khách của Mã Tuyên đã mang lại cho ông ta sau đó 4 năm tù và toàn bộ tài sản bị tịch biên. Theo lời nói lại, trong suốt 4 năm ở tù, ông ta không có một lời oán thán.

Một xe trang bị máy truyền tin đỗ ở gần nhà Mã Tuyên, giữ liên lạc giữa Diệm với dinh Gia Long, thành Cộng hòa và những nơi khác. 2.

Lúc 12 giờ đêm, Lâm Văn Phát đưa quân vào chiếm thành Cộng hòa. Binh lính tại đây đã bị dội khoảng 400 trái đại bác, sau khi biết tổng thống đã rời khỏi dinh Gia Long, bèn bảo nhau “tùy nghi di tản” trước đó nửa giờ. Ngay trong đêm đó, Phát được Hội đồng tướng lĩnh đề bạt từ đại tá lên thiếu tướng.

Tôn Thất Đính thấy binh lính tham gia đảo chính đã quá mỏi mệt, đề nghị với Hội đồng tướng lĩnh cho nghỉ vài giờ đề bổ sung trang bị, đạn dược, chuẩn bị tiếp tục tiến công dinh Gia Long trước khi trời sáng. Hội đồng tướng lãnh đồng ý, nhưng nhắc Đính cần cố gắng giải quyết sớm vì trận đánh đã quá kéo dài.

Lúc 3 giờ sáng ngày 2 tháng 11, một sĩ quan từ dinh Gia Long gọi điện thoại cho Trần Thiện Khiêm, đề nghị đừng bắn phá dinh, vì tổng thống và ông cố vấn đã rời khỏi đây. Trong quá trình đảo chính, Khiêm đã có đôi lúc dao động vì thấy thương Diệm. Khiêm ngầm bảo trung tá Phạm Ngọc Thảo đi tìm Diệm, lát sau mới nói cho Hội đồng tướng lĩnh biết tin này.

Các tướng lĩnh sững sờ.

Viên đại tá Conien tức điên người:

– Các ông phải tìm ra Diệm và Nhu với bất kỳ giá nào!

Những sĩ quan ở dinh Gia Long nhiều lần được những người đảo chính gọi điện thoại khuyên đầu hàng.

Lúc 5 giờ sáng, phía trước dinh xuất hiện một lá cờ trắng.

Xe thiết giáp và bộ binh của quân đảo chính tiến vào. Hai chiếc xe đi đầu lần lượt bị bắn nổ tung. Một số lính đảo chính bị gục dưới làn đạn. Có những binh lính bảo vệ Phủ tổng thống đứng khuất, không nhìn thấy cờ trắng xuất hiện trước dinh, nên vẫn nổ súng. Cuộc chiến đấu diễn ra trong ít phút. Lính phòng vệ vội hạ súng khi đã rõ lệnh của những người chỉ huy. Trong số họ chỉ có một người chết. Đó là một viên trung úy sau khi thấy quân đảo chính tiến vào, tưởng mọi chuyện đã xong, tung tăng từ trong nhà đi ra hành lang, đã ngã gục vì mấy viên đạn súng ngắn của những sĩ quan còn bực dọc.

Nguyễn Văn Thiệu từ dinh Gia Long báo cáo về, không tìm thấy cả Diệm và Nhu. Theo nguồn tin tại chỗ, Diệm và Nhu có thể đã trốn sang nhà thờ Đức Bà hoặc vào Chợ Lớn.

Một số toán binh lính và sĩ quan lập tức được phái đi lùng sục ở những nơi này.

Không khí đại bản doanh của quân đảo chính đầy lo âu. Có người nói Diệm và Nhu đã cho đào một đường hầm bí mật thông từ dinh Gia Long sang nhà thờ Đức Bà. Nhiều người lo nếu anh em Diệm đã trốn vào Chợ Lớn, thì không dễ gì tìm ra giữa thành phố đầy người Hoa, đông như kiến và rất nhiều đường ngang, ngõ tắt này.

Nếu chiếm được dinh Gia Long mà không bắt được Diệm, Nhu thì tình thế của các tướng lãnh đảo chính vẫn còn rất chênh vênh. 3.

Cứ một lát, Diệm lại bảo Đỗ Thọ gọi điện về dinh Gia Long, lúc thì chuyển lời “tổng thống cảm ơn các con đã hết lòng bảo vệ tổng thống”, lúc thì nhắc lại lệnh “chiến đấu đến cùng, không để dinh lọt vào tay quân đảo chính”.

Nhu nói với Diệm:

– Lực lượng quân đảo chính rất mạnh. Thành Cộng hòa đã mất, dinh Gia Long chỉ còn mấy đại dội, giữ làm sao được!

Diệm thôi không nhắc lại lệnh này nữa.

Nhu lại khuyên Diệm nên tạm lánh ít ngày, Nhu sẽ lên cao nguyên, gấp rút tổ chức lực lượng phản công ngay để khôi phục lại tình hình. Nhu nói nếu Diệm không muốn vào tu viện thì có thể về quân đoàn 4, nương tựa tạm vào Huỳnh Văn Cao, chờ tới lúc tình hình biến chuyển. Nhu nghĩ là nếu chẳng may Diệm bị bắt, tính mạng của Diệm cũng sẽ được an toàn, còn mình rơi vào tay chúng, chắc sẽ bị trừ khử ngay. Nhưng Diệm nhất định không chịu vào nhà tu, chỉ nói:

– Anh em sống chết có nhau. Chú ở đâu, tôi ở đó!

Nhu đành bàn với Diệm, khuyên Diệm nên cải trang thành một người dân lao động, cùng với Nhu đi ngay trong đêm lên Lâm Đồng. Quần áo Nhu đã chuẩn bị sẵn. Người dẫn đường sẽ là trung tá Phước. Kế hoạch này Nhu đã bàn kỹ với Vỹ. Diệm một mực từ chối cải trang:

– Mình là tổng thống, hành vi phải đàng hoàng, trá hình, chui lủi coi sao được!

Rồi Diệm làm mặt giận dỗi.

Nhu bỏ ra đứng ngoài bao lơn, hồi lâu quay vào:

– Em đã trình bày hết mọi lẽ với anh, nhưng anh không ưng. Giờ mọi việc do nơi anh định đoạt.

Diệm trở nên vui vẻ, nhìn đồng hồ, rồi nói:

– Bữa ni là ngày lễ Các Thánh, chú và tôi tắm rửa, thay quần áo rồi vô nhà thờ.

Diệm quay lại hỏi đại úy Thọ:

– Gần đây có nhà thờ nào không?

Thọ đáp:

– Bẩm cụ, có nhà thờ Cha Tam.

Diệm tắm xong, giục Nhu đi tắm và thay quần áo.

Trời mờ mờ sáng, Diệm và Nhu đều mặc hai bộ đồ lớn màu xám. Diệm mời Mã Tuyên tới, ngỏ lời cảm ơn đã được gia đình tiếp đón rất chu đáo, rồi chào để ra di.

Viên đại úy cận vệ của Nhu đã được cho về từ tối hôm qua. Chỉ còn Thọ ở lại với hai người. Diệm bảo Thọ:

– Đánh xe tới nhà thờ.

Đường phố chưa có người qua lại.

Trong ngôi nhà thờ nhỏ, đèn nến đã sáng trưng vì bữa nay là ngày lễ trọng, nhưng chưa có một ai.

Cha chánh xứ bước ra, nhận ngay thấy Diệm và Nhu. Cha đã chăm chú theo dõi tình hình đảo chính, và hiểu rõ hoàn cảnh hiểm nghèo của hai người.

Cha chánh xứ mời tổng thống và ông cố vấn làm lễ trước.

Diệm và Như quỳ bên nhau ở hàng ghế thứ nhất, bắt đầu đọc kinh xưng tội. Vẫn như mọi lần, Đỗ Thọ đứng sau lưng. Anh ta theo đạo Phật nên không hiểu gì về kinh kệ.

Buổi lễ kéo dài khoảng 15 phút. Diệm đứng dậy, có vẻ thanh thản sau khi đã làm tròn nhiệm vụ đối với Chúa. Nhu uể oải đứng lên theo.

Diệm kéo nhẹ Nhu ra bên tường nhà thờ. Diệm nói:

– Đi đâu bây chừ cũng gây liên lụy. Ta sẽ gọi điện thoại cho Hội đồng tướng lãnh tới đón mình tại đây.

Nhu sầm mặt, cúi đầu, nói với vẻ miễn cưỡng:

– Việc này tùy ý anh.

Diệm lại rói:

– Anh nghe ý chú nhiều, nhưng anh cảm thấy mệt mỏi lắm rồi.

Nhu im lặng.

Phía ngoài nhà thờ, trên sân dã có người đi vào. Giáo dân bắt đầu tới làm lễ. Nhu đưa mắt nhìn qua cách cửa nhà thờ hé mở rồi nói với Diệm:

– Mình vào gặp cha chút xíu.

Không chờ ý kiến của Diệm, Nhu đi thẳng về phía bàn lễ nơi cha chánh xứ đang đứng. Diệm thong thả đi theo.

Khi tới chỗ cha chánh xứ, Nhu còn đang im lặng như để lựa lời thì Diệm đã nói:

– Ông cố vấn và tôi tới quá đường đột làm phiền cha. Xin thưa với cha là sau đây chúng tôi sẽ đi tiếp.

Cha chánh xứ chau mày rồi nói:

– Thưa tổng thống và ông cố vấn, không có gì phiền, xin đừng nghĩ điều đó. Nhà thờ là nước Chúa, ai tới cũng được, không cứ gì tổng thống và ông cố vấn. Xin mời hai ông yên tâm ở lại đây, ra đi lúc này lắm phần nguy hiểm.

Diệm nói:

– Cảm ơn cha, tôi không thấy có gì là nguy hiểm cả. Cá nhân tôi, tôi dâng trọn cho ý Chúa và Mẹ Ma-ri-a, nhưng tôi vẫn còn là nguyên thủ quốc gia, tôi còn trách nhiệm với dân.

– Xin tổng thống và ông cố vấn không nên e ngại. Tổng thống và ông cố vấn ra đi lúc này vô cùng nguy hiểm…

Giáo dân đã lục tục kéo vào trong nhà thờ. Cha chánh xứ mời Diệm và Nhu vào nhà xứ nghỉ tạm, chờ mình làm lễ xong sẽ quay lại.

Vào nhà xứ, Diệm tìm ngay chỗ đặt máy điện thoại, và quay số gọi về Bộ Tổng tham mưu.

Đầu dây đằng kia là tiếng của Trần Văn Đôn. Diệm nói:

– Tôi đã quyết định từ chức, nhưng đề nghị các ông làm theo dúng hiến pháp, tôi sẽ trao quyền lại cho phó tổng thống hoặc chủ tịch cơ quan lập pháp.

Đôến đáp:

– Tôi cần trao đổi việc này với Hội đồng tướng lãnh…

– Tôi sẽ chờ…

Một lát Đôn trả lời:

– Việc ông xin từ chức bây giờ là quá muộn. Hội đồng tướng lãnh cách mạng yêu cầu ông phải đầu hàng vô điều kiện. Sau đây, ông nên xin cùng gia đình ra cư trú tại nước ngoài. Chúng tôi sẽ bảo đảm an toàn tính mạng cho ông và gia đình.

– Tôi là một tổng thống được dân bầu ra. Tôi sẵn sàng từ chức công khai và sẵn sàng rời đất nước ra đi. Nhưng tôi yêu cầu dành cho tôi danh dự xứng đáng với một tổng thống hợp hiến.

– Hội đồng quân sự đã kiên quyết khước từ đề nghị này của ông.

Diệm im lặng giây lát rồi lại nói:

– Tôi đồng ý đầu hàng… Tôi đã nhiều năm làm tổng tư lệnh quân đội, tôi xin được đầu hàng quân đội theo nghi lễ nhà binh.

– Chúng tôi không thể thỏa mãn ông về điều đó. Ông đã treo cờ trắng ở dinh Gia Long trá hàng, làm hy sinh một số sĩ quan nên không có danh dự gì hết! Ông hiện giờ ở đâu?

– Tôi hoàn toàn không biết gì về chuyện đó… Thôi được rồi… Cảm ơn…

Diệm bỏ máy, vẻ mặt nặng nề.

Cha chánh xứ từ nhà thờ lật đật đi vào. Hình như cha đã rút ngắn buổi lễ.

Với thái độ lo lắng, cha chánh xứ nói:

– Xin tổng thống và ông cố vấn nghĩ lại. Chính tôi sẽ đưa tổng thống và ông cố vấn tới một nơi an toàn nhất. Không thể ra đi bây giờ…

Diệm và Nhu đều ngồi im lặng. Hồi lâu Nhu nói:

– Thưa cha, tổng thống nói vậy, nhưng chúng con không đi đâu nữa. Dầu sao cũng phải liên lạc với các tướng lãnh để bàn về việc ra đi của tổng thống cho đúng nghi lễ quốc gia.

Cha chánh xứ nói:

– Vào lúc này, tổng thống và ông cố vấn không nên gặp ngay các tướng lãnh, rất không có lợi. Nếu hai ông không đồng ý tỵ nạn trong tu viện hoặc nhà thờ, tôi xin đưa hai ông tới tỵ nạn tại tòa Đại sứ Pháp hoặc Đại sứ Trung Hoa dân quốc.

Khi đó Diệm mới nói với một thái độ kiên quyết:

– Xin cảm ơn cha, tôi không có tội gì với dân và quốc gia này, tôi thấy không có lý do gì phải lẩn tránh…

Mọi người ngồi đó đều hiểu rằng không thể nào lay chuyển được ý Diệm. 4.

Tại đại bản doanh của quân đảo chính. Tiếng chuông điện thoại réo.

Đại tá Đỗ Mậu cầm máy và xưng tên.

Đầu dây đằng kia, có tiếng người nói:

– Thọ đây, thưa chú.

Đại úy Thọ đang đi theo Diệm vốn là cháu ruột của Đỗ Mậu. Viên đại tá mừng rỡ:

– Chú mày ở đâu đó? Ông cụ đi đâu rồi?

– Thưa chú, tổng thống muốn nói chuyện với tướng lãnh. Tổng thống muốn gặp tướng Trần Thiện Khiêm.

Thọ đã nhận lệnh của Diệm là cố sao gặp cho được Trần Thiện Khiêm.

– Tướng Khiêm đang trực ở đây. Chú mày muốn nói gì thì nói.

Đỗ Mậu chuyển ngay máy cho Khiêm.

Thọ nói:

– Tôi được lệnh của tổng thống liên lạc và báo với Hội đồng tướng lãnh là tổng thống hiện đang ở tại nhà thờ Cha Tam, Chợ Lớn. Hội đồng tướng lãnh cử đại diện đem xe rước tổng thống về Bộ Tổng tham mưu.

Khiêm vội đáp:

– Được rồi, qua sẽ trình lên trung tướng chủ tịch. Nói với tổng thống yên tâm, sẽ có tướng lãnh xuống.

Cả sở chỉ huy xôn xao. Giờ nên xử trí với Diệm, Nhu cách nào?

Ý kiến rất khác nhau.

Tướng Đôn nói:

– Giữ lại một thời gian rồi trục xuất cả ra nước ngoài, như cách ở Nam Triều Tiên đã làm với Lý Thừa Vãn.

Trần Thiện Khiêm và Đỗ Mậu tán thành.

Có người nói:

– Chỉ nên tha Diệm, còn Nhu thì giữ lại, đưa ra tòa.

Một người khác:

– Phải đưa ra tòa cả hai.

Tướng Nguyễn Ngọc Lễ đưa ra một ý kiến khác:

– Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc!

Mai Hữu Xuân lập tức tán thành.

Đôn hỏi Conien:

– Bây giờ làm sao đưa họ ra khỏi đây? Ông có cách nào giúp chung tôi không?

Conien suy nghĩ rồi nói:

– Việc này rất phức tạp. Nếu muốn đưa Diệm ra nước ngoài, phải xin cấp một chiếc máy bay đường dài, có thể là ở căn cứ Mỹ tại Okinawa. Phải mất ít nhất 24 giờ. Rồi lại còn vấn đề là đưa anh em Diệm đi đâu? Chính quyền Kennedy khó có thể chấp nhận họ vì sợ dư luận Hoa Kỳ gây rắc rối. Nếu tìm một nơi khác thì cần thăm dò về ngoại giao. Sẽ phải mất thời gian. Các tướng lĩnh đảo chính phải giữ an toàn cho họ đến khi họ được đưa ra khỏi đất nước…

Minh Lớn từ đầu tới giờ vẫn ngồi im lặng, nêu ý kiến:

– Cứ bắt về đây đã. Xử trí cách nào sẽ tính sau.

Mọi người tán thành.

Minh Lớn đề cử đưa Mai Hữu Xuân đi bắt Diệm về. Số người đi cùng Mai Hữu Xuân khá đông, có đại tá Quán, đại tá Lãm, thiếu tá Nghĩa. Trước lúc khởi hành, Minh Lớn cử thêm viên sĩ quan cận vệ của mình là đại úy Nhung, người chiều hôm trước vừa bắn chết hai anh em Lê Quang Tung.

Trong đoàn xe đi đón Diệm, Nhu có hai xe bọc thép. Đại úy Nhung ngoái đầu nhìn Minh Lớn khi xe bắt đầu chuyển bánh. Minh Lớn kín đáo giơ hai ngón tay. 5.

Diệm và Nhu đang ngồi đọc kinh tại nhà thờ Cha Tam. Chợt có những tiếng súng vang lên phía ngoài.

Nhu ngoái đầu nhìn lại, thấy hai chiếc xe thiết giáp tiến vào sân nhà thờ, vội ngừng đọc kinh đứng dậy. Diệm vẫn quỳ đọc cho hết kinh rồi mới đứng lên.

Một sĩ quan tiến vào, mở rộng cánh cửa nhà thờ. Hai bên sân nhà thờ đã có hai hàng sĩ quan đứng túc trực, chĩa họng súng vào nhà thờ như sẵn sàng nhả đạn.

Đại tá Lắm bước vào trong lúc Diệm và Nhu cùng đi ra. Theo sau là cha chánh xứ. Lắm giơ tay chào theo kiểu nhà binh, rồi lễ phép tránh sang bên nhường bước.

Ra tới thềm, Diệm dừng bước nghe Lắm báo cáo ý kiến của Hội đồng tướng lãnh đón hai người về Bộ Tổng tham mưu. Lắm vẫn giữ thái độ cung kính. Diệm gật đầu rồi quay sang Nhu như muốn nhường lời. Nhu đưa mắt nhìn toàn bộ quang cảnh, nói với giọng giận dữ:

– Tổng thống là tổng thống của dân chứ có phải tù binh đâu, tại sao các anh lại đưa xe bọc thép đến đón?

Mặt Diệm bắt đầu đỏ gay. Lắm lúng túng không biết nói sao.

Mai Hữu Xuân từ phía ngoài tiến vào, nói đỡ:

– Chúng tôi phải đưa xe bọc thép tới đón tổng thống và ông cố vấn phòng ngừa những kẻ khiêu khích.

Diện nói:

– Thiếu tướng đưa ông cố vấn và tôi về qua dinh Gia Long rồi hãy lên Bộ Tổng tham mưu.

– Vì lý do an ninh, không thể chiều ý tổng thống được.

Diệm cúi đầu, mắt chớp chớp. Xuân giục:

– Mời cụ và ông cố vấn lên xe cho.

Dứt lời, Xuân quay lưng bước đi.

Hai sĩ quan lập tức tiến lại đẩy Diệm về phía xe thiết giáp.

Nhu ném ngay mẩu thuốc lá đang cầm trong tay vào mặt một viên đại úy, rồi lao tới xô tiếp một viên đại úy khác. Viên đại úy này lập tức rút khẩu ru-lô chĩa thẳng vào Nhu. Diệm quắc mắt nhìn, khiến viên đại úy vội nhét khẩu súng trở lại bao, nói dằn giọng:

– Chúng tôi mời quý vị lên xe. Giờ này không còn ai là tổng thống, cố vấn nữa. Nếu quý vị từ chối, chúng tôi buộc lòng phải dùng những biện pháp cứng rắn.

Thấy Nhu xô xát với mấy viên đại úy, những binh lính đi theo đã quây thành một vòng vây với những nòng súng carbin chĩa thẳng vào Nhu.

Diệm nắm vai áo Nhu:

– Thôi chú! Chúng mình đi hè!

Tướng Xuân lánh mặt, ngồi xa bên kia đường.

Khi cửa xe thiết giáp mở ra, nhìn thấy những xoong, nồi, đồ dùng để bừa bãi, mắt Nhu như tóe lửa. Nhu lại thét:

– Các anh để tổng thống đi xe nào? Sao lại xe này?

Nhu bị một viên sĩ quan đẩy ngã chúi vào trong xe. Diệm bước lên xe với vẻ từ tốn.

Những chiếc xe thiết giáp rú máy quay đầu rời nhà thờ.

Cha xứ đứng nhìn theo bàng hoàng như còn chưa tin những gì đã hiện ra ngay trước mắt mình.

Đoàn xe lao ầm ầm về phía Sài Gòn, bỗng dừng lại trên đường Hồng Thập Tự. Đại tá Lắm hét vào máy truyền tin:

– Ai cho lệnh dừng lại.

– Thưa đại tá, kẹt xe lửa – Xe đi đầu đáp lại.

Đại úy Nhung từ trên một chiếc xe Jeep bỗng tụt xuống, nhảy lên chiếc xe thiết giáp Diệm, Nhu đang ngồi.

Đoàn xe lửa ầm ầm chạy qua. Nghe đâu đây có những tiếng súng nổ mơ hồ. 6.

Trần Văn Đôn chuẩn bị hai căn phòng ở cạnh văn phòng của Bộ Tổng tham mưu cho Diệm và Nhu ở tạm.

Mọi người đều ngóng chờ đoàn xe đi đón tổng thống trở về. Chủ tịch Hội đồng tướng lãnh Dương Văn Minh chốc chốc lại ra bao lơn ngó xuống.

Cuối cùng, đoàn xe đã xuất hiện trước cổng Bộ Tổng tham mưu, rồi chạy vào dừng lại trên sân cờ.

Đại úy Nhung từ trên một chiếc M.113 nhảy xuống đầu tiên. Một cánh tay áo của y ướt đẫm máu. Y nhìn lên lầu. Minh Lớn đang đứng tại bao lơn, giơ cao hai tay chào mừng chiến thắng. Nhung rảo bước theo kịp Mai Hữu Xuân đang bệ vệ đi về phía bậc thềm ngôi nhà của Bộ Tổng tham mưu.

Mọi người đều ngơ ngác vì chưa thấy Diệm và Nhu. Một viên tướng nhìn ống tay áo đầy máu của Nhung, hất hàm hỏi Xuân:

– Sao vậy?

Xuân nhún vai đáp bằng tiếng Pháp:

– C⬙est comme ça![1]

Ngoài sân, một số tướng tá đã nhanh chóng xúm lại quanh một chiếc xe thiết giáp, cửa vừa được mở ra. Bất giác, một số người giơ tay lên vành mũ. Nằm trong xe là xác Diệm và xác Nhu, đều đẫm máu. Tướng Khiêm sa sầm mặt. Đỗ Mậu vùng vằng:

– Các anh phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.

Minh Lớn lạnh lùng nhún vai bỏ đi.

Trần Văn Đôn nghe tin Diệm vả Nhu đều đã chết, hấp tấp đi tìm Minh Lớn.

Đôn vào văn phòng, thấy Minh Lớn đang ngồi với mấy sĩ quan. Đại tá Quán, một người trong đoàn vừa đi về mặt tái xám, ngồi gục đầu xuống bàn.

Đôn hỏi:

– Vì sao cả tổng thống và ông cố vấn đều chết?

– Họ chết thì làm sao? – Minh Lớn đay lại.

Vừa lúc đó, Mai Hữu Xuân bước vào. Y nhìn Minh Lớn, rập mạnh gót giầy báo cáo:

– Mission accomplie![2]

Trên sân cờ, những binh lính thiết giáp đã khiêng hai cái xác từ trong xe đặt xuống nền đất, chuẩn bị ra về. Những đám máu trên người Diệm, Nhu đã trở thành màu đen. Một viên hạ sĩ móc túi lấy chiếc khăn tay, phủ lên mặt Diệm rồi lên xe. 7.

Sài Gòn sôi động. Dân chúng ùa vào dinh Gia Long tàn phá nốt những gì binh lính đảo chính còn để sót. Sinh viên, học sinh nô nức kéo nhau đi phá những trụ sở đảng Cần lao, Thanh niên cộng hòa, Phụ nữ liên đới… Ảnh của Diệm cùng với những khẩu hiệu bị xé nát vứt trên đường. Những ông chủ hộp đêm hân hoan vì được trở lại hành nghề công khai, không còn bị cấm đoán.

Xúc động lớn nhất về cái chết của Diệm lại xảy ra ở Nhà Trắng. Tổng thống Mỹ nhận được tin này trong lúc ông ta đang họp với Maxwell Taylor, một người vẫn ủng hộ Diệm, và một số trợ lý. Người ta thấy Kennedy mặt nhợt đi, hốt hoảng đứng dậy, nhảy bổ ra khỏi phòng họp. Ngay sau đó, tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn được lệnh báo cáo gấp cho tổng thống những chi tiết về cái chết của Diệm.

Cabot Lodge đang vui vẻ trước thắng lợi của cuộc đảo chính, vội gọi điện thoại cho Conien. Conien không còn ở đại bản doanh của quân đảo chính, đã trở về nhà riêng và đi ngủ. Y bật dậy sau khi nhận lệnh, lao vào Bộ Tổng tham mưu gặp Minh Lớn, nói luôn:

– Washington yêu cầu cho biết vì sao Diệm lại chết?

Minh Lớn mặc dù với thân hình hộ pháp và sức khỏe của một nhà thể thao, vẫn mệt rũ người, đang lo chưa biết nên giải quyết thế nào với hai cái xác còn nằm trước sở chỉ huy. Thoạt đầu, Minh Lớn ngơ ngác trước thái độ nghiêm trọng của Conien. Hắn đã có mặt ở đây từ đầu đến cuối. Hắn đâu mới chỉ gặp mình lần đầu? Ở trại Lê Văn Duyệt, hắn đã thúc giục mình làm sớm, phải chiến thắng bằng mọi giá vì danh dự của nước Mỹ nằm trong việc có lật đổ được Diệm hay không. Sáng nay, hắn vừa nói những gì… Bây giờ, hắn lại hỏi mình như một người mới ở đâu tới…? Nhưng rồi Minh Lớn cho là Conien đang đóng một vai kịch. Chính quyền Mỹ không muốn bị tai tiếng về cái việc làm thường được coi là “bẩn thỉu” này. Bề ngoài, họ vẫn nói là không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam. Họ cần phải có bằng chứng là không dính líu vào cái chết của Diệm. Và họ muốn có mình trong màn kịch. Mình cũng nên nói một câu cho xong…

Minh Lớn đáp:

– Ông ta tự sát.

– Ở đâu?

Câu hỏi tiếp theo của Conien khiến Minh lúng túng, ậm ờ rồi đáp:

– Ở nhà thờ, và…

Conien dồn luôn:

– Tôi nghĩ không phải như vậy… Là một người Công giáo, tôi xin nói để ông biết, nếu hôm qua một linh mục đã làm lễ misa cho ông Diệm thì ông ta không thể nào tự sát! Đây chính là việc của ông…

Bị hoàn toàn bất ngờ, Minh Lớn không kịp phản ứng, nói quanh:

– Nếu ông không tin, ông có thể xuống nhìn mặt ông ta. Ông ta đang còn nằm ở đây.

– Tôi không cần xem. Người ta có thể dựng lên ngàn lẻ một những chứng cớ để giải thích. Nhưng tôi cho rằng không thể giấu được sự thật. Khi mọi người đã biết rõ sự thật này, xin ông đừng cho tôi là kẻ đã tiết lộ.

Minh Lớn hiểu đây không phải là một người bạn đến rủ mình cùng chơi một màn kịch, bắt đầu nổi đóa:

– Tôi không thể nói về một việc mà tôi không chứng kiến. Nếu những người thừa hành không làm đúng theo mệnh lệnh của tôi thì tôi không chịu trách nhiệm! Suốt thời gian đó, cả ông và tôi đều ngồi đây. Tôi nói chi, cũng như ông nói chi, chúng ta đều không phải là những người điếc! Nếu ông cứ tiếp tục hỏi theo cách vừa rồi thì tôi buộc phải nhắc lại với ông chuyện đứa con hoang giết cha để lấy tiền của Dostoyevski, chắc ông cũng đã đọc… – Minh ngần ngừ rồi lại nói tiếp – Khi người anh hỏi thằng em tại sao lại giết cha thì nó trả lời: chính anh đã xui tôi đó! Và khi ra tòa ra sao, chắc ông vẫn nhớ…

Conien tái mặt lại. Nhưng rất nhạy cảm, y biết nếu cũng nổi nóng lúc này sẽ chẳng giải quyết được gì, y đấu dịu:

– Washington cũng như chúng ta đều phải tìm một giải pháp trước những dư luận sẽ có thể có ở Mỹ cũng như những nơi khác. Chúng ta cần một sự giải thích mà mọi người có thể chấp nhận.

– Tôi không thể nói gì hơn những điều đã nói trước khi có kết luận của một cuộc điều tra. Ông biết… cuộc điều tra sẽ vô cùng phức tạp…

Sẽ không bao giờ có một phiên tòa xét xử vụ giết người này. 8.

Lúc 5 giờ sáng ngày 3 tháng 11, Conien gọi điện thoại cho Minh Lớn và Đôn. Y chuyển lời của Cabot Lodge mời Minh và Đôn, những nhà lãnh đạo của Hội đồng quân sự cách mạng, tới gặp ở đại sứ quán Mỹ.

Chuyện vặc nhau ngày hôm trước với Conien còn khiến cho Minh Lớn băn khoăn. Hai người bàn nhau cử Kim đi thay. Nếu Cabot Lodge hỏi, Kim chỉ cần nói mình không biết gì về việc đó.

Đại sứ Mỹ ra tận cửa đón Kim. Thái độ tươi vui của ông ta hứa hẹn một cuộc gặp gỡ không có gì căng thẳng.

Cabot Lodge đưa Kim vào phòng khách, rượu đã để sẵn. Hắn nâng cốc chúc mừng và ca ngợi thành công tốt đẹp của Hội đồng quân sự trong việc lật đổ chính quyền Diệm. Cabot Lodge nói đã báo cáo đầy đủ mọi hoạt động của Hội đồng với tổng thống Kennedy, và tin chắc chính quyền mới sẽ được Mỹ tiếp tục viện trợ. Cabot Lodge cũng nhắc qua, người Mỹ đã tỏ ra xúc động sâu sắc trước cái chết của Diệm và Nhu, nhưng không đưa ra lời trách cứ nào. Vẻ mặt Cabot Lodge hết sức hân hoan, phấn chấn. Đến lúc đó, Kim mới tin chắc không phải mình bị gọi tới để lục vấn, và mình đang ngồi trước đại sứ Mỹ với tư cách là người chiến thắng.

Cabot Lodge vừa hoàn tất một công vụ cực kỳ khó khăn.

Sự phản ứng của Nhà Trắng đối với cái chết của Diệm, Nhu không làm y phải lo lắng. Cái chính là danh dự của nước Mỹ đã được bảo vệ! Mấy anh tướng nổi loạn này có hơi quá tay. Nhưng vấn đề Diệm và Nhu do đó cũng được giải quyết một cách triệt để. Tổng thống Mỹ chắc cũng nghĩ như vậy. Cabot Lodge chỉ còn một chút băn khoăn. Cabot Lodge đã đoan chắc với Kennedy sau cuộc đảo chính, Nam Việt Nam sẽ có một chính phủ ít bí bét hơn. Lời nói ấy vào lúc đó chỉ nhằm củng cố quyết tâm của tổng thống. Nhưng lúc này, y thấy không dễ gì. Trong những người tiến hành cuộc đảo chính, không nhìn thấy ai hơn những kẻ họ vừa giết hại. Chẳng lẽ Nolting, Harkin, Taylor, Komer… đã nói đúng? Nhưng đó là vấn đề sẽ xét sau.

Cabot Lodge đang vui, rất vui, vì đã làm được một nhiệm vụ rất khó khăn do tổng thống ủy thác, vì đã chiến thắng những đối thủ sừng sỏ của mình ở đây cũng như ở chính quốc!… —

[1] Như vậy đó!

[2] Nhiệm vụ hoàn thành!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN