Ông Cố Vấn - Nguyễn Khánh Chỉnh Lý
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
141


Ông Cố Vấn


Nguyễn Khánh Chỉnh Lý



1.

Trong số những nhân vật chủ chốt cầm đầu cuộc đảo chính, Trần Thiện Khiêm là người tới Bình An sau cùng. Thái độ của Khiêm cũng khác hẳn những tướng lãnh đã tới trước đó. Khiêm mặc thường phục, đến nhà thờ vào buổi tối. Người lái xe cho Khiêm là Khổng Tiến Giác, linh mục tuyên úy của Bộ Tổng tham mưu. Cha Hoàng chỉ trao đổi với Khiêm chừng 15 phút rồi cho người đi mời Hai Long tới.

Hai Long gặp Khiêm lần đầu. Khiêm người cao lớn, tóc cắt ngắn, có dáng dấp một tướng quân sự. Diệm trước đây rất ưa những người chỉ huy quân sự có mẽ ngoài như thế này.

Cha Hoàng giới thiệu hai người làm quen với nhau, rồi nói với Khiêm:

– Việc chính trị thì thiếu tướng phải bàn với ông giáo đây. Tòa thánh đã khuyến cáo các giám mục và linh mục không tham gia vào chính trị. Ông giáo là thầy tu xuất nên đỡ phải e ngại. Thiếu tướng bàn với ông giáo cũng như bàn với tôi…

Cha Hoàng ngần ngừ giây lát rồi nói tiếp:

– Ông giáo ngày trước là cố vấn chính trị của ông cố vấn Ngô Đình Nhu, một “Cần lao gộc”, với ông thiếu tướng coi như người nhà, tôi không cần giấu giếm.

Hai Long không hiểu đôi bên đã trao đổi với nhau những gì. Anh biết Khiêm một thời được coi như “con gái” của gia đình họ Ngô.

Khiêm nói:

– Lần đầu hân hạnh gặp ông giáo, nhưng tôi đã nghe nói nhiều về ông giáo. Tôi vừa trình bày với cha Tổng, bữa nay tới Bình An cùng cha Khổng Tiến Giác, để xin những lời chỉ giáo về tình hình chính trị hiện thời.

Hai Long nhũn nhặn.

– Xin mời thiếu tướng cứ tiếp tục câu chuyện với cha Tổng cho tôi được cùng nghe.

Khiêm đưa mắt nhìn quanh rồi nói:

– Đảo chính vừa qua theo tôi là khó tránh, vì những người trong gia đình tổng thống đã phạm phải nhiều sai lầm. Nhưng một số tướng tá âm mưu sát hại tổng thống là điều quốc dân cũng như Quân lực Việt Nam cộng hòa không thể dung thứ. Tổng thống do quốc dân bầu ra, lại là một nhà lãnh đạo nhân đức, liêm khiết, không dễ gì tìm được người thứ hai. Chính việc sát hại tổng thống đã mang lại hậu quả là tình hình chính trị rối nát hiện nay. Những người chủ mưu giết tổng thống vì lo sợ trách nhiệm của mình, nên đi từ sai lầm này qua sai lầm khác. Họ đang tiếp tục triệt hạ những người tuy tán thành đảo chính vì thấy cần có những cải cách trong việc điều hành chính quyền, nhưng không tán thành việc sát hại tổng thống. Tướng Đính là người có công đầu trong cuộc đảo chính, nhưng khi nghe tin tổng thống bị giết thì không kìm được đau thương, đập máy điện thoại, kêu khóc, giờ bị kiềm chế. Tướng Đỗ Mậu không tán thành việc sát hại tổng thống nên bị Hội đồng quân sự tìm mọi cách vô hiệu hóa. Tôi biết rõ họ đang trù liệu những việc làm vô cùng nguy hại cho quốc gia và cho Thiên chúa giáo. Vì vậy phải tới xin gặp cha Tổng và ông giáo để cùng bàn bạc, ngõ hầu tìm một giải pháp cứu nguy cho chế độ và cho giáo hội…

Khiêm ngừng lời, nhấp một ngụm nước trà, dường như muốn thăm dò phản ứng của những người đối thoại.

Hai Long nói:

– Những điều thiếu tướng vừa trình bày có quan hệ tới vận mệnh quốc gia và giáo hội, đã là người có trách nhiệm thì không thể không quan tâm và lo lắng. Cha Tổng đã coi thiếu tướng như người trong nhà, vậy thiếu tướng còn điều gì xin cứ cho biết tiếp để chúng tôi được bàn bạc cùng chia sẻ trách nhiệm.

Mặt Khiêm đanh lại:

– Tôi biết tướng Minh Lớn đang định xóa bỏ toàn bộ ấp chiến lược để dâng cả vùng nông thôn Việt Nam cộng hòa cho Cộng sản, tiếp đó sẽ mở đường hòa giải với Bắc Việt. Ai cũng biết Minh Lớn, tướng Đôn, tướng Kim đều là những người thân Pháp, mà chủ trương của Pháp là muốn trung lập hóa Nam Việt Nam. Điều nguy hại cho giáo hội Thiên chúa giáo là cả 3 nhân vật này đều là những người theo Phật giáo, họ đang liên kết chặt chẽ với Phật giáo để dưa đạo Phật thành quốc giáo.

– Nếu như vậy thì tình hình rất nguy hiểm. – Hai Long nói.

– Có chắc họ dám làm như vậy không? – Cha Hoàng hỏi

– Tôi chịu trách nhiệm về những điều đã trình bầy vừa rồi.

– Nhưng còn Mỹ? Mỹ sẽ không để cho họ làm! – Hai Long nói với sự đồng tình của cha Hoàng.

– Thưa cha và ông giáo, đó chính là những điều người Mỹ hiện nay hết sức lo lắng.

Cha Hoàng trừng mắt:

– Vậy thì không thể để cho chúng yên. Các ông đã trù liệu những biện pháp chi?

– Thưa cha Tổng, phải lật đổ cả nhóm Minh Lớn, Đôn, Kim, Xuân và cả Đính. Đính tuy bị cánh Minh Lớn không ưa, nhưng vẫn có quyền lực trong tay và là một tên hoạt đầu rất nguy hiểm.

– Các ông có lực lượng để làm việc đó không?

– Thưa cha, đã định làm việc lớn thì không thể không trù tính lực lượng. Một ngày gần đây, người cộng tác với tôi sẽ tới ra mắt cha Tổng. Hiện nay, chúng tôi chỉ còn thiếu sự ủng hộ của Bình An nói riêng và khối giáo dân nói chung. Chúng tôi biết rõ uy tín của cha Tổng, nếu được cha Tổng đồng tình thì khối Công giáo cũng sẽ đồng tình. Tuy nhiên, chúng tôi cũng còn hơi e ngại về phía Phật giáo vì Phật giáo có gắn bó quyền lợi với những người đang nắm quyền hành.

– Ông thiếu tướng cho biết việc có gấp không? – Hai Long hỏi.

– Chúng tôi cần hoàn tất thêm một số động tác chuẩn bị, nhưng việc này không thể để kéo dài.

– Tôi nghĩ rằng người Mỹ không muốn sau cuộc đảo chính vừa qua, lại có những chuyện xảy ra ầm ĩ.

– Dạ… – Khiêm mỉm cười – Đúng như ông giáo vừa nói, chúng tôi đã trù liệu những biện pháp êm thấm nhất, miễn là đạt tới mục đích.

– Như lời cha Tổng, Tòa thánh Vatican không muốn giáo hội Việt Nam dính líu vào chuyện chính trị, nhưng vì trách nhiệm với quốc gia và giáo hội, trước một tình hình nghiêm trọng như ông thiếu tướng vừa trình bầy, chúng tôi với tư cách là những người công dân Công giáo, sẽ không thể khoanh tay ngồi im. Chỉ mong ông thiếu tướng cùng với những người cộng sự thông báo kịp thời mọi diễn biến để chúng tôi kịp có những hành động phối hợp.

Cha chánh sứ pha thêm một bình trà mới sau khi chiếc xe của khách rời khỏi nhà thờ Bình An.

Cha Hoàng nói:

– Thầy thấy những điều tướng Khiêm vừa nói là thật hay hư?

– Có phần thật, nhưng cũng có phần cần chờ xem thêm mới rõ là thật hay hư. Phần thật là nội bộ Hội đồng rối bét, nghi ngờ nhau, đang mưu tính hất cẳng nhau. Ta đã đánh giá giải pháp Minh và Thơ vừa rồi của Mỹ chỉ là một giải pháp tạm thời. Khiêm đã gián tiếp tự giới thiệu y là người của Mỹ, nếu bây giờ Mỹ định thay đổi con bài, thì cũng có lý. Mấy anh tướng trẻ này sẽ không dám ho he gì nếu không có Cabot Lodge đứng sau lưng. Nhưng vẫn phải chờ nghe thêm.

– Người cộng sự với Khiêm là ai?

– Khiêm vẫn cặp kè với Thiệu, nhưng chưa biết có phải là Thiệu nay là một người khác.

– Thời gian qua, trừ Minh Lớn; Đôn, Kim, Xuân đều đã tới đây. Như bây giờ ta ủng hộ Khiêm thì nên có thái độ như thế nào đối với họ?

– Ta sẽ ủng hộ cả họ cũng như ta vừa ủng hộ Khiêm. Miễn là họ phải cam kết thông báo kịp thời cho ta những dự kiến của họ, để ta lo công việc của ta. Công việc của ta là do Tòa Khâm sứ và Vatican quyết định.

– Mấy ngày gần đây, các thầy ở Phật giáo vẫn liên tiếp chạy tới Bình An…

– Ta phải giữ chắc liên minh lâu dài với Phật giáo. Nếu Mỹ gạt Minh, Đôn thì Phật giáo chẳng được gì sau vụ vừa qua. Điều quan trọng đối với ta là những nhà lãnh đạo Phật giáo cũng như các tướng lãnh, phải thông báo kịp thời cho ta những dự kiến hành động của họ. Con thấy làm được như vậy là đúng với tinh thần khuyến cáo của Đức Khâm sứ bữa trước.

Cha Hoàng gật gù. Cha với cái điếu cầy, thong thả thông điếu, tra thuốc, châm lửa, rít một hơi dài, rồi ngồi lơ mơ nhìn làn khói.

Ông lẩm bẩm:

– Mình làm cái lễ truy diệu vừa qua rất đúng. Tay Khiêm tới đây một lời “cha Tổng”, hai lời “cha Tổng”, chắc là nghe cánh tướng tá đi về thuật lại buổi lễ… Bọn Mỹ quá ngu về chính trị! Người Pháp không bao giờ quên Công giáo trong mọi chính sách của họ ở Việt Nam. Từ khi xong việc tới nay, không còn thấy mặt Lu[1] Conien!

– Thưa cha, con nghĩ sớm muộn rồi họ cũng phải tới, kể cả những người cao hơn Lu Conien nhiều.

– Phải làm cho Cabot Lodge mở mắt ra! – Cha Hoàng bỗng thốt lên với giọng bực bội.

2.

Hai ngày sau, 7 giờ sáng, một chiếc xe Jeep sơn màu trắng từ phía Chợ Lớn chạy vào, dừng lại trước nhà thờ Bình An.

Từ trên xe, nhảy xuống hai người mặc quân phục. Một người thấp và béo tròn, mang lon trung tướng, đội chiếc mũ bê-rê màu huyết dụ có hai dải đen lủng lẳng sau gáy. Bộ mặt phì nộn của viên tướng có một vẻ hài hước với bộ râu nhỏ và nhọn ở cằm, vểnh ngược như râu dê. Đi theo y là một người cao gầy, mặc quân phục trắng, đeo lon đại tá.

Viên trung tướng nhanh nhẹn đi vào văn phòng, niềm nở bắt tay Hai Long như những người đã quen biết lâu ngày. Hai Long mời hai người ngồi, rồi đi gọi cha Hoàng.

Chiều hôm trước, viên đại tá gầy gò, Albert Nguyễn Cao, đã tới gặp Hai Long, nhờ bố trí cho cuộc hội kiến giữa cha Hoàng, ông giáo với trung tướng Nguyễn Khánh. Nhân vật thứ hai của màn kịch mới đã lộ mặt. Hai Long nhận lời rồi báo lại với cha Hoàng. Cha Hoàng cau mặt:

– Thằng này như chó đái chạy rông khắp nơi, giờ nó mới vác mặt tới đây. Nó đã tới cả Toà Khâm sứ, Tòa Tổng giám mục, các Đức cha đều đánh trống lảng. Thầy Thích Tâm Châu cũng khoe với mình, tướng Nguyễn Khánh có tới tìm.

– Thưa cha, cả Khiêm và Khánh chắc đều đã bán mình cho Mỹ, ta cứ gặp, xem Cabot Lodge muốn gì. Mình đã có sách lược của mình.

– Cũng nói vậy thôi, còn gặp thì cứ gặp…

Đã được Hai Long chuẩn bị trước, cha Hoàng ra tiếp khách một cách vui vẻ.

Khánh tươi cười, không đắn đo như Khiêm, vào việc ngay với vẻ hoạt bát:

– Trình cha Tổng và ông giáo, được nghe ông Khiêm về thuật lại cuộc hội kiến bữa trước, tôi quá mừng, nên xin vô Bình An ngay. Cha Tổng và ông giáo đã biết rõ thiếu tướng Khiêm và tôi. Trong Hội đồng tướng lãnh, ông Khiêm thân cô, thế cô, hồi đó lại chưa phải là cấp tướng, còn tôi thì ở quá xa. Nếu tôi có mặt ở đô thành, không khi nào để họ làm những việc quá bậy. Có làm thì có sai, sai thì cải, chớ đâu có lại đi làm việc lật đổ, sát nhân! Ai thương ông Minh, ông Đôn bằng tổng thống? Giờ giết tổng thống, có khác chi con giết cha! Ai sai với Đức cha Lê, cha Tổng, với Tổng bộ tự vệ Phát Diệm ta bằng ông Nhu? Nhưng các cha vẫn lấy tình thương của Chúa mà đối xử lại, để cho ông Nhu thấy sai lầm mà tự sửa. Đức cha Lê và cha Tổng còn cử cả phụ tá thân tín của các ngài tới giúp anh em tổng thống lo liệu mọi việc trong ngoài. Bữa nay gặp cha Tổng, tôi xin có một ý kiến khác với ông Khiêm bữa trước. Tôi không chỉ xin cha Tổng ủng hộ cho việc làm trước mắt, mà xin cha Tổng thương cho lâu dài. Mọi việc đối nội, đối ngoại, chính trị, quân sự sau này đều xin cha Tổng chỉ giáo cho.

Cha Hoàng ngồi nghe có vẻ bùi tai. Ông tươi mặt, hỏi Khánh:

– Việc trước tính trước, việc sau tính sau. Việc lớn trước mắt các ông đã chuẩn bị được tới đâu? Lực lượng có đủ chưa?

– Thưa cha, về lực lượng thì khỏi lo. Mấy vị cầm đầu đảo chánh đâu có quân quyền trong tay! Mấy ổng chỉ chuyên đi móc nối, mượn tay người khác mần rồi “tọa hưởng kỳ thành”! Toàn là những anh bất nhân, bất nghĩa, được cá phá nơm! Tướng tá, binh sĩ lập được công, đều bị họ e sợ, nghi kỵ, gạt bỏ. Nên bây giờ, họ tay trắng vẫn hoàn tay trắng! Những chiến tướng nắm quân là ông Khiêm và tôi.

– Vậy thì còn điều chi phải e ngại?

– Thưa cha, điều tôi còn e ngại chính là sự đồng tình của dân chúng, mà ở miền Nam này, nói dân chúng chính là nói tới các tôn giáo.

– Tôi biết ông trung tướng đã tới Tòa Khâm sứ và Tòa Tổng giám mục, ý kiến các đấng bề trên ra sao?

Mắt Khánh đảo nhanh, rồi y nói:

– Tôi tới gặp Đức Khâm sứ và Đức Tổng giám mục chỉ với tính chất trình diện, để có đường tới gặp cha Tổng, tránh điều tiếng sau này khi đã được cha Tổng giúp đỡ.

Cha Hoàng vẫn tiếp tục giọng mát mẻ:

– Thầy Thích Tâm Châu cũng nói với tôi, ông trung tướng có tới tìm!

– Thưa với cha Tổng, đó chỉ là thăm viếng xã giao, chớ đâu dám nói những lời gan ruột như bữa nay.

– Các tướng Đôn, Kim, Xuân đi với Phật giáo nhưng vẫn thường xuyên tự thân tới hoặc cho người chạy tới Bình An.

– Dạ… Họ bắt cá hai tay. Tôi biết rõ điều đó không qua mắt cha Tổng và ông giáo. Chúng tôi hiểu được những điều mà họ còn chưa hiểu. Chính cha Tổng mới là người thảo ra bản tuyên ngôn của các tôn giáo ủng hộ Hội đồng tướng lãnh cách mạng. Chỉ cần được cha Tổng ủng hộ là tất cả các tôn giáo khác cũng ủng hộ. Hơn nữa, họ không thể nào xóa tội ác giết hại những con chiên ngoan đạo của Thiên chúa giáo.

Biết cha Hoàng vẫn còn tự ái vì Khánh chậm tới Bình An, sợ ông nói quá đà hỏng việc, Hai Long lên tiếng:

– Những điều trung tướng vừa cho biết thêm khiến cha Tổng và chúng tôi yên tâm hơn để cùng các vị hoàn thành việc lớn và tính chuyện lâu dài. Nhưng qua lời ông Khiêm bữa trước thì cha Tổng còn đôi chút phân vân. Đối tượng của hai vị hơi đông. Có thể cùng một lúc hạ bệ cả 5 tướng Minh, Đôn, Kim, Xuân, Đính hay nên làm dần dần cho êm ả?

Nguyễn Khánh lại bắt đầu hoạt bát và tự tin:

– Chúng tôi dư sức hạ bệ tất cả cùng một lúc dưới hình thức một cuộc phản đảo chánh, và sẽ tiến hành rất êm ả, không gây đổ máu, không có cả tiếng súng. Cha Tổng và ông giáo hẳn đã thấy, vì sao cả một cuộc đảo chánh lớn như vậy, được hoạch định từ Mỹ quốc, cuối cùng lại đưa ông Nguyễn Ngọc Thơ lên làm thủ tướng! Đó chẳng qua chỉ là cái đệm. Giờ phải quẳng cái đệm đi cho rồi… Người Mỹ chủ trương như vậy. Nhưng, đã được cha Tổng và ông giáo nhận lời cùng lo chung việc lớn, thì tôi phải trình bày thiệt hết… Người Mỹ còn cân nhắc xem có nên xóa sạch ngay một lúc tất cả, hay là để lại một con cá to sau khi đã chặt hết vây đuôi.

Hai Long lái buổi nói chuyện đi vào bàn bạc công việc. Khánh cam kết sẽ thông báo kịp thời mọi dự kiến của những người đang chuẩn bị phản đảo chính, và sẽ cộng tác chặt chẽ với Phát Diệm về mọi mặt sau này khi y đã nắm được quyền lực. Ngược lại, cha Hoàng theo sự gợi ý khéo léo của anh, đã hứa sẽ ủng hộ về chính trị và tinh thần đối với cuộc phản đảo chính, vì quyền lợi của quốc gia và của giáo hội. Khánh không tiện qua lại nhà thờ Bình An nhiều, nên đề nghị mối liên lạc mật thiết giữa những người cầm đầu phản đảo chính với cha Hoàng sẽ được thực hiện qua trung gian giữa linh mục Khổng Tiến Giác, phụ tá của Khiêm, và đại tá Albert Nguyễn Cao, phụ tá của Khánh, với Hai Long.

Khi Nguyễn Khánh ra về rồi, cha Hoàng lầm bầm:

– Thằng Mỹ ngu thật là ngu! Sao một việc lớn như thế, vậy mà Công giáo từ mình tới Tòa Khâm sứ đều không biết chút nào!

– Thưa cha, phải làm cho họ thấy, nếu không cho ta biết thì ta vẫn cứ biết, không một việc nào trên chính trường miền Nam mà họ có thể hoàn tất nếu thiếu sự tham gia của Công giáo miền Nam và của giáo dân Phát Diệm!

Qua buổi nói chuyện, anh nhận thấy Mỹ đã chọn xong lá bài chính trị mới để thay thế những kẻ cỏ quá trình gắn bó nhiều với Pháp, không được tin cậy. Những con bài được Cabot Lodge chấm, quá tồi! Khánh bộc lộ rõ tính chất tham lam, thiển cận, hoạt đầu, luồn lách trơn tuột như rắn. Sự cộng tác giữa Khánh và Khiêm chỉ có tính chất tạm thời. Khiêm thâm trầm, nhiều mưu đồ; Khánh thủ đoạn, luôn luôn dìm người khác, không để cho ai hơn mình. Không thể có sự hợp tác lâu dài giữa hai con người như vậy. Anh đã có đủ cơ sở nhận định một sự thay đổi nhân sự sắp diễn ra trong chính quyền miền Nam để báo cáo về Trung tâm.

3.

Cuộc đảo chính lật đổ chế độ Diệm đã đưa hàng loạt người vào nhà tù, nhưng cũng không ít người được ra khỏi trại giam để nhường chỗ cho những kẻ mới tới. Đó là những chính trị gia, những tướng tá, linh mục, nhà sư, sinh viên, Phật tử, giáo dân… trước đây đã dính líu, hoặc bị tình nghi dính líu vào những vụ chống đối, đảo chính định lật đổ chế dộ Diệm. Trong số người được “giải phóng”, có cả những người đang sống lưu vong ở nước ngoài, như Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông, Phạm Phú Quốc, Nguyên Văn Cử… và một số người bị chính quyền Diệm buộc phải rời khỏi đất nước vì tội thân Pháp từ năm 1955, như tướng Nguyễn Văn Vỹ, trung tá Trần Đình Lan.

Để duy trì địa vị mới của mình, những người cầm đầu cuộc đảo chính, ngoài chức vụ thủ tướng phải dành cho Nguyễn Ngọc Thơ theo chỉ thị của Mỹ, đã chia nhau nắm những vị trí quan trọng. Mình Lớn được thăng thưởng đại tướng, vừa là quốc trưởng, vừa là chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng. Trần Văn Đôn trở thành trung tướng, bộ trưởng bộ Quốc phòng. Tôn Thất Đính, như lời mặc cả trước đây với tòa đại sứ Mỹ, trở thành bộ trưởng bộ Nội vụ. Mai Hữu Xuân được đề bạt lên thiếu tướng, làm tổng giám đốc Tổng nha Cảnh sát kiêm đô trưởng Sài Gòn.

lúc 3 giờ sáng ngày 30 tháng Giêng, một đêm đầu mùa khô oi ả, những hồi chuông điện thoại liên tiếp đã dựng Trần Văn Đôn khỏi giường ngủ. Viên đại úy trợ lý của Đôn báo cho y biết biệt thự đã bị nhiều binh lính bao vây và đang tìm cách đột nhập. Đôn vội quay số điện thoại gọi cho anh rể mình là tướng Lê Văn Kim:

– Đằng anh có chuyện chi không? Một số binh lính đang bao vây nhà tôi.

Kim trả lời, giọng hốt hoảng:

– Nhà này cũng vậy. Bọn lính tráng này rất lạ mặt. Chú hỏi Đính xem sao. Bảo Đính phải can thiệp ngay.

Đôn gọi diện thoại tiếp cho Đính.

Giọng Đính ngái ngủ, ngơ ngác:

– Bọn chúng tính mần chuyện chi hề? Tui sẽ tới anh ngay coi tình hình ra răng.

Đôn vừa đặt ống nghe xuống thì chuông điện thoại lại réo.

Đầu dây đằng kia là tiếng Nguyễn Văn Vỹ, một viên tướng sống lưu vong nhiều năm, mới từ Pháp về.

Vỹ la hoảng:

– Nguy quá, anh Đôn ơi! Nhiều nhân viên bảo vệ dân sự vừa xông vào nhà tôi, tước vũ khí của những người bảo vệ. Họ bắt trung tá Trần Đình Lan đưa đi đâu rồi!

Trần Đình Lan cũng là một sĩ quan lưu vong mới từ Pháp về cùng với Vỹ.

Đôn cảm thấy một tai họa đã tới, vội mặc quần áo rồi bảo viên đại úy trợ lý mở cửa, nói với những binh lính đang bao vây nhà, cử người chỉ huy vào gặp mình.

Một viên trung úy thuộc lực lượng bảo vệ dân sự tiến vào nhà.

Đôn hỏi:

– Vì sao giữa đêm khuya, trung úy lại đưa binh lính tới đột nhập biệt thự của tôi.

– Tôi được lệnh của ông Minh Lớn đưa binh lính tới tăng cường cho lực lượng bảo vệ tại đây.

Đôn không tin vào lời của anh ta, quay máy điện thoại hỏi Minh Lớn. Minh Lớn đáp với giọng mệt mỏi:

– Một số sĩ quan cấp dưới của chúng ta đang có những hành động kỳ quặc… Chúng ta sẽ bàn về việc này ở chỉ huy sở.

Minh lớn bỏ máy.

Vài phút sau, Đính gọi điện thoại báo cho Đôn biết mình vừa được tin tướng Khánh và tướng Khiêm đang tiến hành một cuộc đảo chính.

Đôn còn đang bàng hoàng thì một viên sĩ quan thuộc lực lượng cảnh sát chiến đấu, đeo lon thiếu tá bước vào. Y giơ tay chào, rồi nói:

– Tôi được lệnh của chủ tịch Hội đồng quân sự tới đón trung tướng về sở chỉ huy Bộ Tổng tham mưu. Xin trung tướng lên đường ngay cho, tình hình rất gấp, xe đang chờ ở ngoài.

Đôn miễn cưỡng rời khỏi nhà, bước lên chiếc xe của cảnh sát. Xe chạy qua nhà Minh Lớn. Đôn nhìn thấy biệt thự của Minh Lớn cũng có binh lính và cả xe bọc thép bao vây.

Đôn hỏi viên thiếu tá:

– Tại sao nhà ông Minh Lớn cũng bị vây?

Viên thiếu tá đáp:

– Đó là lực lượng bảo vệ tăng cường… Chủ tịch Hội đồng quân sự đang chờ ông ở sở chỉ huy lữ đoàn dù. Tôi sẽ đưa trung tướng tới đó.

Tại sở chỉ huy Lữ đoàn dù, Đôn được dẫn tới một dãy nhà ngang. Nhìn vào một căn buồng có lính gác bên ngoài, Đôn nhìn thấy Xuân đang ngồi trong đó với bộ mặt xám ngoét. Y hiểu vì sao cảnh sát đã đưa mình tới đây. Người chỉ huy họ là Xuân đã bị cầm tù. Và y đang cùng chịu chung một số phận. Đôn được mời vào một căn phòng kế liền nơi Xuân đang ngồi. Một người lính tới đứng chặn cửa ra vào.

Sáng ngày mồng 1, Đính, rồi Kim cũng lần lượt được đưa tới. Nhìn một sĩ quan đứng trên sân, Đôn nhận ra đại tá Nguyễn Chánh Thi, người cầm đầu cuộc đảo chính Diệm bất thành năm 1960, lưu vong ở Campuchia mới trở về. Đôn bảo người lính gác mời đại tá Thi vào gặp mình.

Đôn hỏi Thi:

– Đề nghị đại tá cho biết tại sao chúng tôi lại bị giam giữ ở đây như những người thường phạm?

Nguyễn Chánh Thi lạnh lùng trả lời:

– Tôi chỉ đơn thuần thi hành mệnh lệnh của cấp trên mà thôi! Trung tướng ráng đợi thêm ít phút, trung tướng Nguyễn Khánh sẽ tới gặp.

Nhưng rồi cho tới hết buổi trưa, không hề thấy ai tới.

Đến 2 giờ chiều ngày hôm đó, cả bốn viên tướng bị đưa lên ngồi chung trong một chiếc xe, do Nguyễn Chánh Thi áp tải, rời sở chỉ huy Lữ đoàn dù, chạy ra sân bay Tân Sơn Nhất. Chiếc xe dừng lại bên một máy bay vận tải quân sự đã chờ sẵn.

Đại tá Thi mời bốn viên tướng lên máy bay.

Vừa bước lên thang máy bay, tướng Đính vừa quay đầu lại nói với viên đại tá bằng giọng cay cú:

– Quả đất tròn, rồi có ngày lại gặp nhau!

4.

Cũng rạng ngày 30 tháng Giêng, trên Đài phát thanh Sài Gòn phát bản tuyên cáo của Nguyễn Khánh, giải thích vì sao phải tiến hành cuộc “chỉnh lý”, tên gọi của cuộc phản đảo chính: “Từ ba tháng nay, tình hình suy sụp về mọi mặt, chính quyền tỏ ra bất lực và phản cách mạng. Một số viên chức chạy theo thực dân và Cộng sản. Do đó, một lần nữa quân đội lại phải đứng lên can thiệp…”.

Hội đồng quân nhân cách mạng ra quyết định chấm dứt nhiệm vụ của ban chấp hành hội đồng, thành lập ngày 1-11-1963, cách đó vừa tròn 3 tháng; và thay thế bằng một Hội đồng quân sự cách mạng được cải tổ do Nguyễn Khánh làm chủ tịch.

Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ bị bắt. Người ta nhìn thấy binh lính dẫn ông già vào sân cột cờ Bộ Tổng tham mưu, hai tay bị trói bằng một chiếc thắt lưng da. Nhưng rồi ông ta cũng được trả lại tự do sau khi đã đệ đơn xin từ chức cùng với toàn bộ nội các.

Bốn tướng Đôn, Xuân, Kim, Đính bị đưa ra miền Trung, quản thúc tại bãi biển Mỹ Khê. Mười ngày sau, họ được gọi tới sở chỉ huy Hải quân tại Đà Nẵng gặp chủ tịch mới của Hội đồng quân sự cách mạng.

Nguyễn Khánh gặp riêng từng người.

Khánh chỉ tiếp 3 tướng Kim, Đính, Xuân mỗi người từ 30 tới 45 phút. Riêng cuộc gặp tướng Đôn kéo dài một giờ rưỡi.

Khánh ngồi gồi chễm chệ trên chiếc ghế bành, nói với một giọng đầy uy quyền:

– Tôi thay mặt Hội đồng quân sự cách mạng báo để ông biết, các ông bị truất phế và đưa về đây quản thúc vì đã phạm vào tội thực thi một chính sách trung lập, mở đường cho việc bắt tay với Cộng sản.

Đôn cãi lại:

– Sự buộc tội này hoàn toàn vô căn cứ. Tôi đề nghị ông chủ tịch đưa ra những bằng chứng cụ thể.

– Hội đồng đã nắm được rất nhiều bằng chứng. Chỉ tạm kể một việc, các ông đã bất chấp sự can ngăn của nhiều ủy viên trong Hội đồng, đưa tướng Nguyễn Văn Vỹ và trung tá Trần Đình Lan về nước!

– Tôi không nhận thấy có sự liên quan nào giữa điều buộc tội của Hội đồng với việc cho phép hai ông Vỹ và Lan về nước.

– Tướng Vỹ bị trục xuất khỏi Việt Nam cộng hòa vì ông ta là người của Pháp. Người Pháp đã nuôi dưỡng tướng Vỹ suốt từ năm 1955 tới nay, trả lương hậu hĩnh cho ông ta, để ông ta tiếp tục làm việc cho mình. Ai còn không biết Pháp đang đi đôi với Việt Cộng chủ trương trung lập hóa miền Nam Việt Nam? Hội đồng đã biết rõ ông Lan có những quan hệ chặt chẽ với những tổ chức chính trị ở Pháp cũng như ở Việt Nam hoàn toàn đối lập với chế độ. Hội đồng còn nhiều bằng chứng là ông Lan đã dùng nhiều tiền của Pháp mua chuộc nhiều người đi theo sự nghiệp và mưu đồ của ông ta.

– Tôi khẳng định điều ông chủ tịch vừa nói là hoàn toàn sai lầm. Tôi biết rõ ông Lan không có tiền của nào đem theo khi về nước. Chính gia đình tôi đã phải cho ông Lan vay một số tiền mặt để mua một số ít đồ dùng thiết yếu cho cá nhân.

Khánh đập bàn:

– Ông cần biết điều hơn… Nếu không kiếm được chứng cớ cụ thể để chứng minh cho những điều đã buộc tội các ông, thì có thể tạo ra những chứng cớ đó. Không khó lắm đâu!

Đôn ngồi đực ra. Khánh lại nói tiếp:

– Các ông cần hiểu, các ông đã phạm vào những tội ác rất lớn đối với đất nước, gây căm phẫn cho mọi người. Bắt các ông, đưa các ông đi quản thúc, chính là tôi đã cứu sinh mệnh cho các ông. Cần nhớ tới những nạn nhân của các ông là ông Diệm, ông Nhu… Thậm chí ngay lúc này, tôi có thể để cho người ta giết các ông một cách rất dễ dàng. Các ông chết cũng không oan uổng gì! Đã giết người, mà là người bị giết lại là tổng thống, thì phải đổi mạng, có chi đâu!

Hồi lâu Đôn mới nói:

– Cá nhân tôi không hề có chủ trương sát hại tổng thống. Chuyện này có nhiều nguyên do. Nếu hội đồng nhận thấy chúng tôi có những sai lầm thì xin đưa chúng tôi ra xét xử trước tòa án, ở đó chúng tôi sẽ trả lời những người buộc tội xem trách nhiệm thuộc về ai?

– Nhưng tổng thống cương vị cao trọng hơn ông nhiều, không có tội tình gì, đã không hề được đưa ra tòa xét xử trước khi các ông hành quyết!

Đôn hiểu rằng mình không thể cãi nổi với Khánh. Y đành ngồi im. Nhưng Khánh vẫn chưa chịu buông tha:

– Riêng cá nhân, tôi không tin ông và ông Đính là những người chủ trương trung lập, nhưng một số cộng sự của tôi, họ muốn buộc các ông tội đó. Họ không ưa ông vì ông là người say mê đi tìm những lạc thú cá nhân.

– Tôi tưởng những chuyện riêng về đời tư của tôi không liên quan gì tới chủ trương trung lập?

– Khi người ta đã muốn như vậy thì mọi việc đều có liên quan…

Và Khánh tiếp tục hỏi Đôn những câu xoáy vào cái chết của Diệm, Nhu, tiếp đến những chuyện không hay ho gì trong đời tư của Đôn. Tới lúc thấy đối thủ của mình rõ ràng là đã có thái độ khuất phục, Khánh mới nói:

– Tôi hiện thời là chủ tịch Hội đồng quân sự cách mạng, là tổng tham mưu trưởng quân đội, nhưng quyền lực vẫn bị hạn chế, vì tôi chỉ là người tới giờ phút cuối cùng mới tham gia vô công cuộc này… Các ông cũng phải khôn ngoan tự cứu lấy mình. Vừa rồi, hỏi chuyện từng người thì thấy các ông không thống nhất với nhau…

Đôn hiểu rõ sinh mệnh của mình đã nằm trong tay Khánh. —

[1]tức Lucien

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN