Ông Tôi 22 Tuổi - Chương 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
125


Ông Tôi 22 Tuổi


Chương 2


Dịch: Hân Di

***

– Huyết áp?

– Bình thường.

– Nhịp tim?

– Bình thường.

….

Trong cơn mơ màng, Đường Tam Bàn nghe bên tai có tiếng người nói chuyện và đủ thứ tiếng trên xe cứu thương.

Giống như được đưa đến bệnh viện.

Đáng lẽ ra ông nên chạy xa hơn chút nữa, vậy thì sẽ không bị người khác phát hiện, còn chạy tới cứu mình.

Không biết hai người kia thế nào.

Cầu trời cho hai người kia không có vấn đề gì, nếu không ông sẽ hối hận tới chết mất.

Ông hơi hé mắt ra, muốn nhìn xem có phải hai người kia cũng đang ở trong bệnh viện hay không. Ông vừa mở mắt ra đã nghe thấy tiếng điều dưỡng nói:

– Bác sĩ, bệnh nhân tỉnh rồi!

Trong chốc lát, mí mắt của ông bị người ta vạch lên, một luồng sáng chói lòa chiếu tới khiến ông tỉnh táo trong nháy mắt.

– Này thanh niên, thử cử động tay chân xem nào.

Hở? Thanh niên? Đường Tam Bàn nhìn ông bác sĩ chưa quá năm mươi tuổi trước mặt đang gọi ông là “thanh niên”, ông trông trẻ đến thế sao?

Đường Tam Bàn rất nghe lời thử nhúc nhích tay chân.

Bác sĩ nhìn ông một chút, lại nhìn các chỉ số trên máy móc, thở phào nhẹ nhõm:

– Cậu cứ nằm tiếp đi, bị sặc nhiều nước thế mà tỉnh lại được đã quá may mắn rồi.

– Bác sĩ…

Đường Tam Bàn vừa cất tiếng, trong tai ong ong khiến ông nghe giọng mình như giọng một thanh niên trẻ tuổi:

– …Còn hai người kia đâu?

– Họ cũng được đưa tới bệnh viện, tôi cũng không biết tình hình cụ thể, lát nữa tôi sẽ đi khám qua.

Đường Tam Bàn hơi yên lòng nghĩ mình chìm xuống nước trước, hẳn là tình trạng của họ sẽ không nghiêm trọng hơn mình.

Đường Tam Bàn được đưa vào phòng bệnh bình thường để theo dõi. Ông chờ một lúc thì thấy có điều dưỡng tới thu dọn hai giường bệnh bên cạnh, lát sau có người được đẩy vào, nhưng lại là hai người trẻ tuổi, không phải hai người đã cứu ông.

– Cô điều dưỡng, tôi không sao đâu. Cô nghe tôi nói lớn tiếng thế này, có giống người bị bệnh không? Cô cho tôi về đi, về muộn đào sẽ héo hết mất.

Hà Đại Tiến nhớ tới sọt đào bị ông quăng giữa đường, không muốn phải chờ đợi.

Cô điều dưỡng nghiêm túc nói:

– Bây giờ cậu vừa mới ổn định lại, không được đi đâu cả. Cậu ở đây theo dõi thêm, bao giờ bác sĩ nói có thể xuất viện mới được về.

Hà Đại Tiến cuống lên:

– Nếu vậy đào sẽ héo hết!

Cô điều duỡng nghe ông liên tục nhắc tới đào, đào, buồn cười đáp:

– Vậy cũng không được.

Cô thấy Hà Đại Tiến mặc quần áo cũ nát, nghĩ lại, an ủi ông:

– Cậu là người làm việc nghĩa hiệp, nằm viện không mất tiền, đừng lo lắng.

– Cái gì?

Hà Đại Tiến bối rối chốc lát, rồi bỗng hiểu ra, xấu hổ đỏ mặt:

– Tôi có tiền mà.

– Ừ, ừ, ừ.

Điều dưỡng không tranh cãi với ông nữa, treo bình truyền dịch lên rồi dặn dò họ thay quần áo bệnh nhân, sau đó đi ra ngoài.

Trong phòng bệnh rộng rãi chỉ còn ba người họ, không một ai thay quần áo, cũng không ai nói gì, hơn nửa đêm, trong phòng bệnh vô cùng yên tĩnh.

Lát sau, Đường Tam Bàn vừa định chợp mắt thì thấy người bệnh ở giường số ba muốn rút kim truyền, vội vàng khuyên:

– Cậu thanh niên, cũng chỉ là đào thôi mà, mai đi lấy cũng không muộn. Thân thể quan trọng nhất, đừng ỷ mình còn trẻ mà coi thường sức khỏe như thế. Đừng giống tôi, bảy tám mươi tuổi, bệnh đầy người.

Tống Kim nằm ở giường giữa vểnh tai nghe xong, nhìn lại thấy chỉ là một cậu thanh niên béo chừng hai mươi tuổi, chợt thấy buồn cười:

– Cậu cũng chẳng lớn hơn cậu ta là bao, còn gọi cậu ta là cậu thanh niên? Lại còn bảy tám mươi tuổi? Cậu thật kỳ lạ.

Đường Tam Bàn hỏi lại:

– Sao lại không thể nói thế? Tôi năm nay đã bảy mươi hai, cậu còn phải gọi tôi là ông nội đó.

Tống Kim bật cười:

– Năm nay tôi cũng bảy mươi hai tuổi, sinh vào tháng giêng, cậu lớn tuổi hơn tôi được chắc?

Hà Đại Tiến nhìn qua nhìn lại hai người, rõ ràng đều là hai thanh niên, nói gì mà bảy mươi hai tuổi. Người bảy mươi hai tuổi là ông mới đúng.

Đường Tam Bàn vừa tỉnh lại, trong tai còn đang ong ong, trong lòng thì lo lắng. Ông đi giày vào, cầm chai dịch truyền đi vào nhà vệ sinh. Sau khi đi vệ sinh xong, ông sẽ đi hỏi điều dưỡng xem hai người vừa cứu ông giờ thế nào.

Ông vừa vào nhà vệ sinh, còn chưa cởi quần, liếc mắt thấy bóng người trong gương không giống mình. Ông nhíu mày, lùi lại một bước, nghiêng đầu ngó vào trong gương, bất chợt thấy một gương mặt trẻ tuổi.

Bịch.

Chai dịch truyền trong tay rơi xuống đất.

– Aaaaa…

Đường Tam Bàn hét lên. Đây không phải ông ta! Không phải! À không đúng, là ông, nhưng là ông năm mươi năm về trước, lúc còn xuân xanh.

Ông vẫn nhận ra dáng vẻ mập mạp khi đó của mình.

Tiếng hét của Đường Tam Bàn làm Tống Kim và Hà Đại Tiến giật nảy, hai người nghĩ rằng cậu béo kia đã xảy ra chuyện gì nên vội vàng chạy tới, quên cả đi giày. Còn chưa kịp đỡ Đường Tam Bàn dậy thì hai người nhìn thấy hình ảnh của mình trong gương.

– AAAAAA

Ba người hét toáng lên, chân mềm nhũn, ngồi phịch xuống đất, nhìn chằm chằm người trong gương, không thể tin nổi.

Gặp ma rồi!

Gặp ma rồi!!!

Ở trong gương, cả ba người đều là thanh niên hai mươi tuổi, không có một lão già nào!

Cái gì mà bảy mươi hai, cùng lắm là chỉ hai mươi hai tuổi. Bọn họ đã trở lại thời thanh niên hết.

Hà Đại Tiến run run rẩy rẩy đứng dậy lau lau tấm gương, vẫn là một khuôn mặt trẻ tuổi. Tống Kim cũng đứng lên, giả vờ vặn vòi nước, rồi vẩy lên mặt Hà Đại Tiến.

Hà Đại Tiến ngơ ngác, tức giận nói:

– Ông vẩy nước vào tôi làm gì hả?

– Đây là sự thật sao? – Tống Kim ngạc nhiên: – Tôi trẻ ra rồi.

Đường Tam Bàn còn đang ngơ ngác trên mặt đất nói:

– Tôi cũng thế.

– Tôi cũng vậy. – Hà Đại Tiến sờ sờ đầu, phát hiện tóc vẫn còn đây, chưa bị hói, không hiểu sao trong lòng ông bỗng được an ủi một chút.

Không đúng, đây không phải lúc nghĩ đến cái này.

– Chờ chút. – Tống Kim nhìn chằm chằm Đường Tam Bàn hồn nhiên to xác hỏi: – Ông chính là người nhảy sông tối nay?

– Ừ… Ông là người cứu tôi à?

Tống Kim cả giận mắng:

– Tôi là người bị cái tên béo chết bầm nhà ông kéo xuống sông!

Hà Đại Tiến không để ý tới những chuyện này, ông ngồi sụp xuống đất, ôm đầu nói:

– Xong rồi, giờ sao tôi về nhà được, vườn của tôi…

Đường Tam Bàn cũng đầy nuối tiếc, xót xa:

– Tôi muốn chết mà…

Tống Kim cười khẩy:

– Về cái gì mà về, chết cái gì mà chết. Mấy thằng ngu này, chúng ta đã trở lại thời thanh xuân rồi. Đây là phần thưởng trời ban. Chúng ta phải tận dụng cơ hội này, dùng những hiểu biết về thế giới tương lai của mình để kiếm thật nhiều tiền mới đuợc. Nhanh, nhanh, nhanh, đi mua vé số, mua bất động sản nhanh.

Kế hoạch to lớn hoành tràng của ông còn chưa nói xong, bỗng tiếng chuông điện thoại quen thuộc vang lên. Ông ngẩn ngơ ló đầu nhìn ra phòng bệnh, thấy màn hình chiếc điện thoại di động của mình đặt trên bàn đang sáng lên. Ông đờ đẫn nhìn cẩn thận căn phòng này.

Đèn LED, máy móc hiện đại, còn có TV màn hình tinh thể lỏng trên tường.

– Khôngggggggggg

Tống Kim đạp cửa một cái, cũng ôm đầu ngồi bệt xuống đất:

– Mọe nó, vẫn là năm 2018!

Ông cho là đã trở về năm mươi năm về trước, ông sẽ trở thành nhà tiên tri. Thì ra đều là mơ mộng hão huyền rồi.

Hà Đại Tiến hỏi:

– Năm 2018 không tốt à?

– Tốt cái gì? – Tống Kim mắng: – Ông có dùng được thẻ căn cước không? Có dùng được sổ hộ khẩu không? Có thể quẹt thẻ ngân hàng không?

Hà Đại Tiến lập tức lắc đầu quầy quậy. Đường Tam Bàn nhận ra tình hình hiện tại không ổn, mặt mày méo xệch, hỏi:

– Vậy chúng ta nên làm gì bây giờ?

– Chạy thôi. Đợi khi cảnh sát tới điều tra mấy người làm việc nghĩa, chúng ta sẽ từ anh hùng trở thành tội đồ.

Đường Tam Bàn nghiêm túc nói:

– Chúng ta có thể nói mình bị mất trí nhớ.

Suýt nữa Tống Kim đạp ông một cái:

– Xem ít phim truyền hình sến sẩm thôi!

_______

Ba người lén lén lút lút lẻn ra khỏi bệnh viện, cực lỳ nhếch nhác, ngay cả điện thoại di động cũng không dám mang theo, Tống Kim rất khó chịu.

Hà Đại Tiến và Đường Tam Bàn đi theo ông, hỏi:

– Bây giờ chúng ta đi đâu?

– Về bờ sông trước đi, thẻ ngân hàng của tôi để trên xe, ít nhất phải có tiền mới sống được.

Tống Kim nói thêm:

– Tôi vừa suy nghĩ kỹ, chúng ta đột nhiên trở nên trẻ trung như thế này, chắc chắn phải có yếu tố tình cờ nào đó.

Đường Tam Bàn suy nghĩ một chút rồi nói:

– Có phải con sông kia có phép thuật không? Hay là chúng ta thử nhảy xuống sông lần nữa xem sao?

– …Ông im miệng!

Tống Kim không hề muốn dẫn theo hai người đồng đội thế này chút nào, căn bản không thể lo nổi.

Hà Đại Tiến nói:

– Tôi đồng ý quay về bờ sông trước.

Là một tổng giám đốc mấy chục năm trời, Tống Kim đã quen được người khác nghe theo răm rắp, nên vui vẻ nói:

– Ủng hộ tôi là chính xác đấy.

Vừa dứt lời, Hà Đại Tiến nói:

– Đào của tôi vẫn còn ở đó, tôi phải tìm cách chuyển tới cho em vợ mới được, làm người phải giữ chữ tín.

Tống Kim đơ người. Trời đất quỷ thần ơi, đồng đội kiểu gì thế này, không đáng tin chút nào, chẳng có chút đồng lòng với kế hoạch gì cả. Chờ trở lại bờ sông, ông sẽ tách khỏi bọn họ, mỗi người một ngả.

Bệnh viện cách bờ sông khá xa, ba người đi bộ hơn nửa tiếng mới trở về bờ sông Trường Sinh. Lúc tới bờ sông cũng sắp rạng sáng. Đường Tam Bàn mệt đến ngất ngư, nhưng Tống Kim và Hà Đại Tiến không hề mệt mỏi chút nào.

“Tuổi trẻ thật là tốt.” Hai người thầm nghĩ.

Nếu không bị trở thành người vô gia cư (*), họ bằng lòng trở về tuổi này. Tuổi xuân xanh phong độ, hăng hái, lưng chưa mỏi, chân chưa run, ăn ngon ngủ tốt, thật tốt biết bao.

(*) người vô gia cư: Nguyên văn 黑户 – hắc hộ, nghĩa là những người không có sổ hộ khẩu, không có giấy tờ tùy thân.

Đáng tiếc, thực tế quá tàn khốc. Cho dù hiện nay họ không còn là những ông lão mắt mờ, tay run, cầm đũa không nổi, nhưng họ vẫn phải mau chóng tìm cách trở về cuộc sống bình thường, nếu không nhà họ sẽ rối tung lên như canh hẹ mất.

Bờ sông trống trải đìu hiu, đừng nói xe của Tống Kim, đến xe ba bánh của Hà Đại Tiến và xe đạp điện của Đường Tam Bàn cũng chẳng thấy đâu. Chỉ còn mấy quả đào lăn lóc dưới sườn đê là dấu vết duy nhất còn sót lại, đang tỏa mùi hương nhàn nhạt.

– Thôi hỏng! Chắc là xe của chúng ta bị cảnh sát kéo đi rồi. – Tống Kim nói.

Đường Tam Bàn vội hỏi:

– Vậy giờ chúng ta phải làm thế nào?

– Làm sao tôi biết được. – Tống Kim gắt gỏng: – Tôi cũng chẳng phải thần tiên!

Hà Đại Tiến đã đi nhặt đào, cũng chẳng nhặt được mấy quả, vì phần lớn đều bị rơi dập nát hết. Ông ôm mấy quả đào dập trước ngực, quay trở về hỏi:

– Có ăn đào không? Đào dập hết rồi, không đưa đi được nữa.

Tống Kim chê:

– Còn có tâm trạng ăn cơ à?

Đường Tam Bàn cười hì hì, lấy mấy quả đào, vừa ăn vừa nói:

– Có chứ sao không.

Trong khi Tống Kim nghĩ cách, thì Hà Đại Tiến và Đường Tam Bàn ngồi dưới đất ăn đào. Ăn hết mấy quả, Hà Đại Tiến nói:

– Cũng chẳng còn cách nào, không về nhà được, cũng không ở nhà nghỉ được. Tôi biết một cái hang núi, tuy hơi ẩm ướt nhưng ba người chúng ta có thể ở được.

– Hang núi? Ông không sợ chúng ta bị người ta tố cáo là gián điệp rồi bắt lại à?

– Vậy biết làm sao giờ?

Đường Tam Bàn cũng gật đầu nói:

– Đúng vậy, không có thẻ căn cước, không thể thuê nhà nghỉ được.

Tống Kim nhíu mày suy nghĩ một chút rồi nói:

– Mau móc hết tiền trong túi ra xem có bao nhiêu nào?

Hà Đại Tiến chỉ còn một cái túi tiền, một cái khác đã bị rơi mất từ hồi nào. Đây là một cái túi rất cũ kỹ, vốn là có hoa văn, nhưng mang theo người nhiều năm, lại qua nhiều lần giặt giũ nên hoa văn mất hết, nó trở thành một chiếc túi màu trắng vừa cũ nát lại vừa mỏng manh.

Ông dốc hết trong túi ra được một nắm tiền nhăn nheo, rách rưới, đếm đi đếm lại:

– Một trăm hai mươi ba đồng.

Tống Kim chế giễu:

– Nghèo rớt mồng tơi.

Ông lại hỏi Đường Tam Bàn:

– Còn ông?

– Bốn trăm lẻ bảy đồng.

Tống Kim kêu lên:

– Hai người đúng là nghèo rớt!

– Bây giờ là thời đại không cần tiền mặt, ai lại còn mang theo nhiều tiền trên người nữa. – Đường Tam Bàn hỏi: – Vậy còn ông?

– Không có.

– Hả?

Tống Kim nói:

– Bình thường tôi đều quẹt thẻ, có mang tiền đâu.

Hà Đại Tiến châm chọc ngay:

– Ông thật không biết xấu hổ. Không một xu dính túi mà cũng dám chê bọn tôi nghèo rớt.

Tống Kim hầm hừ, xếp tiền cho ngay ngắn rồi nói:

– Năm trăm ba mươi đồng, không đủ một bữa cơm.

Hà Đại Tiến trừng mắt:

– Có thể dùng hai tháng đấy!

Tống Kim cũng trợn mắt hỏi:

– Hai tháng? Ở đâu tiêu được trong hai tháng thế?

– Ở trong thôn của tôi, gạo tự trồng, rau dưa cũng tự trồng, thỉnh thoảng ăn một bữa thịt, một tháng chắng tiêu hết bao nhiêu tiền.

– Thế bây giờ ông có gạo à? Có rau dưa à?

Hà Đại Tiến im lặng một lát, rồi làu bàu:

– Vậy cũng không đến mức không ăn nổi một bữa cơm.

Ầm. Ầm.

Sấm sét đánh đì đùng, báo hiệu cơn mưa rào sắp tới, khiến ba người không còn tâm trí đâu mà cãi vã.

Đường Tam Bàn không muốn bị ướt mưa trong ngày hè này, ông béo không hề thích cảm giác ướt át chút nào. Ông hỏi:

– Hay là chúng ta đừng vội tính chuyện ăn uống, trước hết nghĩ cách giải quyết vấn đề chỗ ở đi.

Tống Kim nói:

– Năm trăm cũng không đủ thuê nhà nghỉ một đêm. Quan trọng là chúng ta không có thẻ căn cước, nên không tài nào thuê được. Bây giờ đi đâu cũng phải có thẻ căn cước.

Lời này bỗng nhắc nhở Hà Đại Tiến điều gì, ông nói:

– Chờ chút, tôi biết có một chỗ không cần thẻ căn cước.

Căn nhà đất bỏ hoang sau nhà ông chính là lựa chọn tốt nhất! Không phải con dâu cả của ông bảo cho thuê không cần giấy tờ à, tiền thuê chỉ cần ba trăm đồng, rất thích hợp.

Ông vui vẻ vỗ tay một cái, nói:

– Đi nào, các chiến hữu, chúng ta đi “ích cốc” đi!

– Hở?

Tai Đường Tam Bàn còn đang ong ong, không nghe rõ, hỏi lại:

– Đít? Đít gì cơ?

Tống Kim rốt cuộc không thể nhịn được nữa, đạp ông một cái:

– Nhấc cái đít to của ông lên!

Vô văn hóa!

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN