Papillon - Người Tù Khổ Sai - Chương 10: Trinidad
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
113


Papillon - Người Tù Khổ Sai


Chương 10: Trinidad


Chim trời đã báo cho chúng tôi biết đã sắp tới đất liền trước khi chúng tôi trông thấy đất liền rất lâu. Vào khoảng bảy giờ rưỡi sáng, một đàn chim đã bay đến lượn vòng xung quanh thuyền chúng tôi. “Đến rồi, các bạn ơi, đến rồi? Chúng mình đã hoàn thành được phần đầu của cuộc vượt ngục, phần khó nhất. Tự do vạn tuế!” Cả ba đứa chúng tôi đều bộc lộ nỗi vui mừng của mình bằng những tiếng reo hò, những lời cảm thán trẻ thơ. Mặt chúng tôi đều trát đầy mỡ ca-cao (chiếc tàu vừa gặp có cho chúng tôi một ít để bôi những chỗ bị bỏng nắng cho đỡ rát).

Đến khoảng chín giờ thì trông thấy đất liền. Một ngọn gió mát rượi nhưng không mạnh lắm nhanh chóng đưa chúng tôi vào bờ trên một mặt biển khá phẳng lặng. Mãi đến khoảng bốn giờ chiều chúng tôi mới nhìn thấy những chi tiết của một hòn đảo dài viền những ngôi nhà trắng chụm lại thành từng khóm nhỏ, trên chóp đảo mọc đầy những rặng dừa. Chưa trông rõ đây là một hòn đảo hay là một bán đảo, mà cũng chưa rõ mấy khóm nhà kia có người ở hay không. Phải đến hơn một tiếng đồng hồ nữa mới nhìn thấy những bóng người đang chạy ra cái bãi cát mà thuyền chúng tôi đang tiến vào.

Không đầy hai mươi phút sau, một đám đông hỗn tạp đủ màu sắc đã tụ tập lại Cả cái làng nhỏ bé này đã ra bãi biển hết, không còn sót một ai, để tiếp đón chúng tôi. Về sau chúng tôi được biết rằng đây là làng San Fernando. Cách bờ ba trăm thước tôi bỏ neo. Neo ăn ngay lập tức. Tôi làm như vậy một phần là đẻ xem thử phản ứng của dân làng ra sao, và cũng để thuyền khỏi bị thủng khi chạm đáy, nếu đáy biển ở đây bằng san hô. Chúng tôi hạ buồm và chờ đợi. Một chiếc xuồng nhỏ bơi ra phía chúng tôi. Trên xuồng có hai người da đen ngồi chèo và một người da trắng đội mũ cối kiểu thuộc địa.

– Xin hoan nghênh các vị khách mới đến Trinidad, – người da trắng nói bằng tiếng Pháp rất sõi. Hai người da đen cười niềm nở, phô hết hai hàng răng trắng muốt.

– Xin cám ơn ngài về những lời lẽ tốt đẹp của ngài. Đây bãi là san hô hay là cát ạ?

– Cát đấy các ông có thể vào tận bờ mà không ngại gì cả.

Chúng tôi kéo neo lên, và sóng biển từ từ đẩy chúng tôi vào bờ cát. Thuyền vừa chạm đất thì có mười người lội xuống nước kéo thẳng một mạch chiếc thuyền lên bãi. Họ ngắm nghía chúng tôi, giơ tay sờ chúng tôi một cách thân ái, mấy người đàn bà da đen hay ấn độ gì đấy phác những cử chỉ mời mọc. Ai ai cũng muốn mời chúng tôi về nhà: người da trắng biết nói tiếng Pháp giảng giải cho chúng tôi như vậy. Maturette bốc một nắm cát và đưa lên môi hôn. Thế là cả đám người reo hò nhảy nhót như điên như dại. Sau khi tôi nói rõ tình trạng của Clousiot cho người da trắng biết, ông ta liền sai người khiêng cậu ấy về nhà ông ta, gần ngay bãi biển. Ông ta nói rằng chúng tôi có thể để nguyên đồ đạc trên thuyền cho đến mai, không có ai động đến đâu.

Mọi người đều gọi tôi là “captain” (“thuyền trưởng”), tôi cười lớn khi nghe mình được đề bạt như vậy. Ai cũng nói với tôi: “Good captain, long ride on smal boat!” (Thuyền trưởng giỏi, chuyến đi thì xa mà thuyền thì nhỏ thế!”). Đêm đã xuống. Sau khi yêu cầu họ đẩy thuyền lên cao hơn chút nữa và buộc nó vào một chiếc thuyền to hơn nhiều đang nằm giữa bãi, chúng tôi đi theo người da trắng (ông ta là người Anh) về nhà ông. Đó là một ngôi bungalow thuộc loại thường thấy ở bất cứ vùng đất nào thuộc Anh; vài ba bậc thềm bằng gỗ, một cái cửa ra vào có chăng lưới sắt.

Tôi vào theo người Anh, Maturette đi sau lưng tôi. Bước vào nhà, tôi trông thấy Clousiot ngồi trên một chiếc ghế bành, cái chân bị gãy kê trên một chiếc ghế, đang ba hoa chích chòe với một thiếu phụ và một cô con gái.

– Đây là vợ tôi và con gái tôi, – người Anh nói. Tôi còn một đứa con trai nữa đang đi học ở Anh.

– Xin các ông tự coi là thượng khách của nhà này, người thiếu phụ nói bằng tiếng Pháp.

– Mời các ông ngồi, – cô con gái vừa nói vừa đem lại cho chúng tôi chiếc ghế bành bằng mây đan.

– Cám ơn bà, cám ơn cô, xin các vị đừng tự làm phiền nhiều quá vì chúng tôi.

– Sao lại thế ạ? Chúng tôi rất biết các ông từ đâu đến, xin các ông cứ yên tâm, và tôi xin nhắc lại: các ông là thượng khách trong nhà này.

Chủ nhân là một trạng sư, gọi là master Bowen, có văn phòng luật sư ở Port of Spain, thủ đô của đảo Trinidad, cách đây bốn mươi cây số. Họ dọn ra cho chúng tôi một ấm trà pha sữa, một đĩa bánh mì nướng phết đường, một đĩa bơ và một hũ mứt. Đây là buổi tối đầu tiên chúng tôi được làm người tự do, tôi sẽ không bao giờ quên buổi tối này. Không có một lời nào nhắc tới quá khứ của chúng tôi, không có lấy một câu hỏi tò mò nào có thể làm cho chúng tôi ngượng ngập: họ chỉ hỏi xem chúng tôi lênh đênh mất mấy ngày trên biển và chuyến đi có vất vả gì không, Clousiot có đau lắm không, chúng tôi có muốn họ đi đăng ký với cảnh sát địa phương ngay ngày mai hay để đến ngày kia, chúng tôi có còn ông cụ bà cụ không, có vợ con gì không. Nếu chúng tôi muốn viết thư cho người thân, họ sẽ đi bỏ thư cho… Còn biết nó với các bạn những gì nữa: đó là một cuộc đón tiếp hết sức đặc biệt, của dân đảo ngoài bãi biển cũng như của cái gia đình đầy thiện ý chân thành đối với ba người bôn tẩu.

Master Bowen gọi điện thoại cho một ông bác sĩ để hỏi ý kiến ông ta về người bị thương. Bác sĩ dặn là đến chiều mai phải đưa người ấy đến bệnh viện tư của ông để soi X-quang xem cần phải làm gì. Master Bowen lại gọi điện đến Port of Spain cho vị chỉ huy Đạo Quân Cứu thế (Salvation Army). Ông này hứa là sẽ chuẩn bị cho chúng tôi một căn phòng trong khách sạn của Đạo, bao giờ thích đến thì đến, và dặn chúng tôi giữ thuyền cho cẩn thận nếu nó còn tốt, vì chúng tôi sẽ cần đến nó để ra đi. Ông ta hỏi xem chúng tôi là tù khổ sai hay là dân bị đày biệt xứ. Chúng tôi trả lời là tù khổ sai. Điều đó hình như làm cho ông bác sĩ hài lòng.

– Các ông có muốn tắm táp, cạo mặt không? – cô con gái nói. – Nhất là các ông đừng từ chối nhé, không có chút gì phiền hà cho chúng tôi đâu. Trong phòng tắm đã có sẵn mấy bộ đồ để thaỵ Tôi hy vọng các ông sẽ mặc vừa.

Tôi vào tắm, cạo râu, chải đầu cẩn thận rồi trở ra trong một bộ trang phục tươm tất: quần xám, sơ-mi trắng, giầy tennics, bít tất trắng. Một người ấn Độ gõ cửa ngoài. Anh ta cầm một cái gói lớn, đưa cho Maturette, nói rằng bác sĩ được biết tôi vóc người xấp xỉ bằng bác sĩ cho nên dễ mượn áo quần, nhưng Maturette thì vóc người bé nhỏ, mà trong nhà ông luật sư không có ái bé nhỏ như thế, cho nên không thể mặc nhờ của ai được, ông ta phải gửi gói áo quần số nhỏ này tới. Nói xong, người ấn Độ cúi mình chào chúng tôi theo tập quán của người theo đạo Hồi, và lui ra. Đứng trước một lòng nhân hậu lớn lao như vậy, tôi biết nói sao để các bạn hiểu được nỗi xúc động không sao tả nỗi đang tràn ngập lòng tôi lúc bấy giờ? Clousiot được cho đi ngủ trước, còn năm người chúng tôi ngồi giờ lâu trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề khác nhau. Điều làm cho hai người phụ nữ quan tâm hơn cả là chúng tôi định sẽ làm lại cuộc đời ra sao. Không ai đả động đến quá khứ, chỉ toàn chuyện hiện tại và tương lai.

Master Bowen lấy làm tiếc rằng Trinidad không chấp nhận cho những người vượt ngục định cư trên đảo. Ông phân trần rằng ông đã có mấy lần xin nhà chức trách trên đảo chấp nhận biện pháp này cho một vài người nhưng chưa bao giờ được chấp thuận. Cô con gái nói tiếng Pháp y hệt người Pháp, không thua gì cha cô, không bao giờ phát âm sai hay có giọng lơ lớ. Cô ta tóc vàng, mặt đầy tàn nhang, tuổi chừng từ mười bảy đến hai mươi (tôi không dám hỏi xem cô bao nhiêu tuổi). Cô nói:

– Các ông hãy còn trẻ lắm; cả một quãng đời dài đang đợi các ông. Tôi không biết các ông đã làm gì nên tội mà bị xử như vậy, và không muốn biết. Nhưng đã có đủ can đảm để lao ra biển trên một con thuyền nhỏ bé như vậy để đi một hành trình dài và nguy hiểm như vậy, thì tất nhiên các ông sẵn sàng trả bất cứ giá nào để được sống tự do và đó là một điều rất đáng phục.

Đêm hôm ấy, chúng tôi đã ngủ đến tám giờ sáng mới dậy. Bàn ăn đã dọn sẵn. Hai người phụ nữ nói với chúng tôi một cách rất tự nhiên rằng Master Bowen đã đi Prot of Spain đến chiều mới về, có đem theo những tài liệu cần thiết để vận động cho chúng tôi. Con người ấy đã đi khỏi nhà trong khi có ba tên tù khổ sau vượt ngục đang ở đấy: đó là một bài học có một không hai đối với chúng tôi. Ông ta muốn nói với chúng tôi: “Các ông là những con người bình thường, lành mạnh; các ông có thể thấy tôi tin các ông như thế nào khi tôi mới tiếp xúc với các ông có mười hai tiếng đồng hồ mà đã để cho các ông ở lại trong nhà một mình với vợ con tôi. Sau khi đã nói chuyện với ba ông, tôi đã thấy rõ rằng ba ông là những con người hoàn toàn đáng tin cậy, đến mức các ông không thể nào có một hành vi, một cử chỉ hay một lời lẽ nào đáng trách ở nhà tôi, cho nên tôi đã để các ông ở trong nhà tôi như những người bạn cũ.”

Cách bày tỏ lòng tin cậy này đã làm cho chúng tôi rất cảm động. Tôi không phải là một người trí thức có thể miêu tả lại cho bạn đọc – nếu một ngày kia cuốn sách này sẽ có người đọc – với sức truyền cảm cần thiết, với đầy đủ tính hùng biện, để bạn đọc hiểu hết cái cảm giác tự trọng lớn lao… không phải: cái cảm giác trong sáng và mãnh liệt của kẻ thấy mình được phục hồi, nếu không phải là được bước vào một cuộc sống mới. Lễ rửa tội tưởng tượng ấy, cuộc tẩy rửa thanh cao ấy, cuộc nâng cao con người tôi lên trên đống bùn nhơ mà tôi đã sa vào, cái cách thức mà người ta đã dùng để chỉ qua một ngày đã trao cho tôi một trách nhiệm thực sự ấy, vừa rồi đã làm cho tôi biến thành một con người khác một cách giản dị đến nỗi cái mặc cảm của người tù khổ sai khiến cho người ta còn nghe thấy tiếng xiềng xích ngay cả khi đã được trả tự do và luôn luôn có cảm giác như có ai đang theo dõi mình, đến nỗi tất cả những gì tôi đã trông thấy, đã trải qua và đã chịu đựng, tất cả những gì đã xô tôi đến chỗ trở thành một con người tật nguyền, thối nát, luôn luôn nguy hiểm cho mọi người, bề ngoài thì phục tùng một cách thụ động nhưng bất cứ lúc nào cũng có thể biến thành một kẻ nổi loạn hung hãn khủng khiếp, tất cả- những cái đó giờ đây bỗng biến mất như do một phép thần thông.

Xin cám ơn Luật sư Bowen, vị trạng sư của Hoàng gia, cám ơn ông đã làm cho tôi trở thành một con người khác trong một thời gian ngắn ngủi như vậy! Người con gái có mái tóc vàng óng, có đôi mắt xanh như biển khơi ở xung quanh, đang ngồi với tôi dưới rặng dừa mọc quanh nhà cha cô. Những giàn hoa giấy đỏ, vàng và tím nhạt đang nở rộ làm cho mảnh vườn có được cái thi vị cần thiết cho giờ phút này.

– Ông Henri ạ (cô gọi tôi là Monsieur. Đã bao nhiêu lâu rồi không ai còn gọi tôi là Monsieur nữa!), như ba tôi đã nói với ông hôm qua, một sự thiếu thông cảm đầy bất công của nhà cầm quyền Anh không cho phép các ông ở lại đây: thật đáng tiếc. Họ chỉ cho các ông mười lăm ngày để nghỉ ngơi rồi lại ra đi. Sáng sớm hôm nay tôi vừa ra xem chiếc thuyền của các ông, nó quá nhỏ bé và mong manh đối với cuộc viễn hành đang chờ đợi các ông. Ta hãy hy vọng rằng các ông sẽ đến được một đất nước có tinh thần mến khách hơn xứ sở chúng tôi và cũng hiểu biết người hơn. Tất cả các đảo thuộc Anh đều hành động giống nhau trong những trường hợp tương tự. Nếu trong chuyến đi sắp tới ông phải khổ sở nhiều, tôi xin ông đừng oán giận những người dân ở trên các đảo đó; người dân không phải là người chịu trách nhiệm về cách quan niệm này. Đây là những mệnh lệnh xuất phát từ nước Anh, do những người không hiểu biết gì về các ông ban hành. Địa chỉ của ba tôi là 101 Queen Street, Port of Spain, Trinidad. Tôi xin ông, nếu sau này Chúa muốn rằng ông có điều kiện làm như vậy, tôi xin ông viết cho chúng tôi vài dòng để chúng tôi được biết số phận của các ông.

Tôi cảm động đến nỗi không còn biết trả lời ra sao nữa. Bà Bowen đến cạnh chúng tôi. Đó là một người đàn bà đẹp trạc bốn mươi tuổi, tóc màu hạt dẻ vàng, mắt màu xanh ngọc thạch. Bà mặc một chiếc áo dài trắng rất giản dị, thắt một cái giải trắng, chân đi một đôi dép màu lá mạ.

– Thưa ông, chồng tôi đến năm giờ mới về. Ông ấy đang vận động các ông có thể đi xe của nhà chúng tôi lên thủ đô mà không có cảnh sát đi kèm. Nhà tôi cũng muốn làm thế nào để các ông khỏi ngủ qua đêm đầu tiên ở Sở Cảnh sát Port of Spain. Người bạn bị thương của ông sẽ đến thẳng bệnh viện tư của một bác sĩ bạn nhà tôi, còn ông và cậu em ít tuổi kia sẽ đến Khách sạn của Đạo quân Cứu thế.

Maturette đi đâu về, ra vườn gặp chúng tôi, cậu ấy kể là vừa ra chỗ để thuyền: có một đám người hiếu kỳ đang đứng quanh. Mọi vật trên thuyền đều y nguyên, không có ai động đến. Trong khi xem xét chiếc thuyền, mấy người hiếu kỳ tìm thấy một viên đạn giắt vào đít thuyền, ở phía dưới bánh lái. Một người trong bọn họp xin phép Maturette giữ viên đạn làm kỷ niệm. Cậu ta trả lời: “captain, captain”. Người thổ dân hiểu rằng muốn thế phải xin ông thuyền trưởng, anh ta nói: “Sao không thả mấy con rùa ra”.

– Các ông có rùa à? – Cô con gái hỏi. – Thế thì ra xem đi.

Chúng tôi cùng ra chỗ để thuyền. Giữa đường, một cô bé thổ dân xinh đẹp cầm lấy tay tôi một cách hết sức tự nhiên. “Good afternoon” – đám người nhiều màu sắc ấy cùng nói một lượt.

Tôi bắt hai con rùa ra rồi hỏi cô con gái chủ nhà: “Bây giờ thế nào nhỉ? Ném xuống biển nhé? Hay là cô đem về để trong vườn ấy, cô có thích không?”.

– Cái bể ở cuối vườn đựng nước biển. Ta sẽ nuôi chúng nó trong cái bể ấy, như vậy tôi sẽ có được chút kỷ niệm của các ông.

– Phải đấy.

Tôi đem tất cả những vật để trong thuyền ra phân phát cho những người dân đảo có mặt ở đấy, trừ cái địa bàn, mớ thuốc lá, con dao, cái rựa, cây rìu, mấy tấm chăn và khẩu súng lục mà tôi gói kín trong chăn: không ai trông thấy nó. Đến năm giờ chiều Master Bowen về.

– Thưa các ông, mọi việc đều đã dàn xếp xong xuôi. Chính tôi sẽ đưa các ông đến thủ đô. Ta sẽ đưa ông bạn bị thương vào bệnh viện trước, rồi sau đó ta sẽ ra khách sạn.

Chúng tôi xếp cho Clousiot nằm ở ghế sau của chiếc xe. Tôi đang cảm ơn cô con gái thì bà mẹ đến, tay xách một chiếc va-lị Bà nói:

– Xin ông nhận cho mấy bộ quần áo của nhà tôi, chúng tôi xin biếu ông với tất cả tấm lòng thành.

Tôi còn biết nói gì trước một lòng nhân hậu đầy tình người như thế!

– Cảm ơn ông bà, cảm ơn vô cùng.

Chúng tôi lên xe ra đi. Đó là một chiếc xe hơi tay lái đặt bên phải. Đến sáu giờ kém mười lăm chúng tôi đã đến bệnh viện. Nó được gọi là bệnh viện Saint- George. Mấy người y tá đặt Clousiot lên cáng và đưa vào một gian phòng có một người thổ dân đang ngồi trên giường. Bác sĩ đến. Ông bắt tay Bowen, rồi bắt tay chúng tôi. Ông không nói được tiếng Pháp, nên nhờ ông luật sư nói lại với chúng tôi rằng Clousiot sẽ được chăm sóc chu đáo, và chúng tôi có thể đến thăm anh bao nhiêu cũng được.

Chúng tôi lại lên xe ông Bowen đi qua thành phố. Chúng tôi đều trầm trồ trước quang cảnh những dãy phố sáng trưng dưới ánh điện, xe hơi và xe đạp qua lại tấp nập. Những người da trắng, da đen, da vàng, Ấn Độ, thổ dân, chen vai thích cảnh trên các vỉa hè của cái thành phố Port of Spain xây dựng toàn bằng gỗ. Đến khách sạn của Đạo quân Cứu thế, một tòa nhà chỉ có tầng dưới xây bằng đá còn các tầng trên đều bằng gỗ, được đặt ở một vị trí khá đẹp trên một quảng đường sáng trưng mà ở lối vào tôi có thể đọc thấy mấy chữ Fish Market (Chợ cá), ông thống lĩnh Đạo quân Cứu thế tiếp chúng tôi cùng với toàn bộ Ban tham mưu của ông gồm có những hội viên cả nam lẫn nữ.

Ông có biết một ít tiếng Pháp, còn thì mọi người đều nói với chúng tôi bằng tiếng Anh. Chúng tôi không hiểu được bao nhiêu, nhưng gương mặt họ tươi cười ánh mắt họ niềm nở đến nỗi chúng tôi đều biết chắc đó là những lời lẽ đầy tình thân ái. Người ta đưa chúng tôi lên một căn phòng ở tầng thứ ba, có ba cái giường – cái thứ ba dành sẵn cho Clousiot – ăn thông với một căn buồng tắm có để sẵn xà phòng và khăn mặt cho chúng tôi dùng. Sau khi đưa chúng tôi về phòng, ông thống lĩnh nói:

– Nếu các ông muốn dùng bữa, đến bảy giờ, tức nửa tiếng nữa, các ông có thể dự bữa ăn tối chung của khách sạn.

– Thôi ạ, chúng tôi không đói.

– Nếu các ông muốn đi dạo phố, xin các ông cầm lấy hai đồng dollars tiền Antilles này để uống chén cà phê hay ly trà. Nhất là xin các ông đừng đi lạc. Khi nào muốn về khách sạn, xin các ông hỏi đường bằng mấy chữ đơn giản: “Salvation Army, please!”.

Mười phút sau chúng tôi đã ra phố. Chúng tôi đi trên vỉa hè, chen vai thích cánh với khách qua đường. Chẳng ai nhìn ngó chúng tôi, chẳng ai để ý đến chúng tôi. Chúng tôi thở thật sâu, bồi hồi thưởng thức những bước đi tự do đầu tiên trong một thành phố. Sự tin cậy thường xuyên đã khiến người ta để cho chúng tôi đi tự do trong một thành phố khá lớn như thế này làm cho chúng tôi hởi lòng, và không những đem lại cho chúng tôi lòng tự tin, mà còn soi sáng thêm cho chúng tôi hoàn toàn ý thức được rằng không đời nào mình lại có thể phụ lòng tin ấy.

Maturette và tôi đi chầm chậm giữa đám đông. Chúng tôi thấy cần chen vai thích cánh với họ, được họ chen lấn xô đẩy, được họ đồng hóa thành một bộ phận của họ. Chúng tôi vào một quán bao gọi hai cốc bia. “Two beers, please” – mấy tiếng đó có gì lạ đâu? Phải, nó nghe tự nhiên hoàn toàn. ấy thế mà chúng tôi vẫn thấy có cái gì hoang đường, huyễn hoặc khi một người con gái Anh điêng đeo cái vỏ ốc vàng trong mũi nói với chúng tôi sau khi dọn bia ra: “Half a dollar, sir”. Nụ cười của cô gái với hàm răng như chuỗi ngọc trai, đôi mắt to màu đen tím hơi xếch ở bên khóe, mái tóc huyền xõa ngang vai, chiếc yếm hơi hở ở chỗ đôi vú bắt đầu, đủ cho người ta đoán được vẻ đẹp tuyệt vời của đôi vú ấy, những thứ vặt vãnh và toàn hoàn tự nhiên đối với mọi người ấy đối với chúng tôi lại là những chuyện thần tiên huyền ảo. Ơ kìa, Papi, không phải đâu, không thể như thế được, chẳng lẽ đang là một xác chết còn sống, mà một tên tù khổ sai chung thân, mà bỗng dưng đùng một cái đã hóa thành một người tự do sao?

Vừa rồi là Maturette trả tiền bia, cậu ta chỉ còn nửa dollar. Bia mát rượi uống đã lắm. Maturette bàn: “Uống thêm cốc nữa nhé?” Cái việc uống liền một lúc hai chầu bia tôi thấy là không nên:

– Kìa, Maturette, cậu mới được thực sự tự do có chưa đầy một tiếng đồng hồ mà đã muốn say sưa be bét rồi?

– Ồ! Em xin anh, Papi, anh đừng nói quá lời! Uống hai cốc bia mà anh gọi là say sưa be bét?

– Có thể cậu có lý, nhưng tôi cho rằng nếu đứng đắn thì không nên vồ lấy những lạc thú trước mắt. Theo tôi nên nhấm nháp từng tí một thì hơn là nhai ngấu nhai nghiến. Vả lại tiền có phải của mình đâu.

– Vâng, đúng thế thật, anh có lý. Ta sẽ học sống tự do theo kiểu nhỏ giọt, như thế xứng đáng hơn.

Chúng tôi rời khách sạn đi ra dãy phố lớn chạy suốt từ đầu đến cuối thành phố – gọi là Watters Street. Và chúng tôi hân hoan với những chuyến tàu điện qua lại, với những con lừa kéo xe, những chiếc xe hơi, những ánh đèn điện quảng cáo ở các rạp chiếu bóng và các quán rượu ban đêm, với những đôi mắt của các thiếu nữ da đen hay ấn Độ vừa nhìn chúng tôi vừa cười, đến nỗi chúng tôi không hề có chủ đích mà cũng đã ra đến cảng từ bao giờ không biết.

Trước mặt chúng tôi là những chiếc tàu thủy đèn thắp sáng trưng, những chiếc thuyền du lịch với những tên gọi diệu huyền: Panama, Los Aggeles, Boston, Québec; những chiếc tàu chở hàng: Hamburg, Amsterdam, London, và chạy dài dọc bờ xây, xếp hàng san sát vào nhau, là những quán ăn, quán rượu, quán bar đầy những khách nam nữ đang ăn, uống, nói, cười, lớn tiếng cãi cọ với nhau. Bỗng nhiên một nhu cầu không sao cường nổi giục giã tôi trà trộn vào đám đông này, chen vai thích cánh với những con người có lẽ cũng phàm tục, nhưng lại đầy sức sống. ở sân hiên một quán bar có những dãy thùng nước đáp ướp nào sò, nào nhím biển, nào tôm càng, nào “dao biển”, nào trai, nào vẹm, cả một cuộc trưng bày những món ăn hải sản ngon lành cám dỗ người qua đường.

Những chiếc bàn tải khăn ca-rô trắng chen đỏ, phần nhiều đều có khách ngồi, như đang chào mời chúng tôi. Những cô gái da nâu nhạt, nét mặt thanh tú, loại con gái lai da đen nhưng không còn giữ lại một nét nào của chủng tộc negroid, thân hình bó chặt trong những bộ coóc-xê đủ màu cổ hở rất rộng, đang đứng chào hàng, lại càng khiến cho người ta muốn thưởng thức các thứ đó hơn nữa. Tôi đến cạnh một cô gái, nói:

– French money good? (Tiền Pháp tốt không?) – vừa nói vừa đưa ra một tờ giấy bạc một ngàn francs.

– Yes, I change for you (Tốt, tôi đổi giúp ông).

Cô ta cầm lấy tờ giấy bạc rồi mất hút trong căn phòng chật ních những người. Một lát sau cô ta trở lại, nói: “Come here (đến đây”), rồi dẫn tôi đến chỗ quầy tính tiền. Có một người Tàu đang ngồi đấy.

– Ông là người Pháp?

– Vâng.

– Đổi một ngàn francs à?

– Vâng.

– Đổi hết ra dollars Artilles à?

– Vâng.

– Hộ chiếu đâu?

– Không có.

– Thẻ thủy thủ?

– Không có.

– Giấy nhập cảnh?

– Không có.

– Được.

Người tàu nói mấy tiếng với cô gái, cô ta nhìn căn phòng một thoáng rồi đến cạnh một người dáng dấp như một thủy thủ, đội một cái mũ cát-kết giống như cái của tôi, có một vành lon kim tuyến và một cái mỏ neo, rồi dẫn hắn đến cạnh quầy tính tiền. Người tàu nói:

– Giấy căn cước anh đâu?

– Đây.

Thế là người Tàu thản nhiên như không làm một tờ phiếu đổi một ngàn francs mang tên người lạ mặt, bảo hắn ký vào, xong đâu đấy cô gái cầm cánh tay hắn lôi đi. Chắc chắn là người kia không sao biết được việc gì đang xảy ra. Còn tôi thì nhận hai trăm năm mươi dollars Antilles trong đó có năm mươi dollars bằng giấy ăn một và ăn hai dollars. Tôi đưa cho cô gái một dollar, chúng tôi đi ra ngoài và ngồi vào bàn gọi đủ các thứ món hải vị và mấy chai rượu vang trắng loại mạnh, chén một bữa ngon tuyệt trần.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN