Papillon - Người Tù Khổ Sai - Chương 29: Trở lại đảo Royale
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
142


Papillon - Người Tù Khổ Sai


Chương 29: Trở lại đảo Royale


Như vậy quả thật là nhờ một phép màu mà tôi được trở lại đảo Royale với chế độ phạm nhân chịu án bình thường. Tôi rời Royale ra với một án tám năm tù cấm cồ và nhờ liều thân cứu cho một người bị nạn, mười chín tháng sau, tôi lại được trở về. Tôi đã gặp lại các bạn cũ: Dega, vẫn làm kế toán, Galgani đi phát thư, Garbonieri, đã được trắng án sau vụ tôi vượt ngục, Graldet, Bourset thợ mộc, cùng hai anh em Đẩy Xe: Naric và Quenier, Chatal ở bệnh xá, người đã đồng lõa với tôi trong chuyến vượt ngục đầu tiên, và Maturette vẫn ở đảo Royale làm phụ y tá. Tất cả bọn lục lâm vùng rừng núi đảo Corse cũng còn cả đây: Essari, Vicioli, Cesari, Razori, Fosco, Maucuer và Chapa đã từng làm cho La Griffe bị chết chém vì câu chuyện chứng khoán ở Marseille. Tất cả các minh tinh của những vụ tội phạm từ năm 27 đến năm 35 đều còn tại đây.

Marino, người đã giết Dufréne, vừa chết bệnh cách đây một tuần. Ngày ấy, lũ cá mập đã được một bữa thịnh soạn. Một chuyên viên bậc nhất về đá quý của thủ đô Paris đã được dọn cho chúng chén. Barrat, biệt danh là “Nữ diễn viên”, còn là nhà triệu phú kiêm vô địch quần vợt ở Limoges, kẻ đã giết một người tài xế cùng cậu bạn thân, quá thân là khác, của y. Barrat là trưởng phòng thí nghiệm và là dược sĩ của bệnh viện đảo Roycale. Một bác sĩ có tính hay bông lơn nói rằng, ở đảo, người ta bị bệnh lao theo quyền cọ vế. Tóm lại, việc tôi trở về đảo Royale chẳng khác nào một phát đại bác. Tôi trở lại nhà giam những kẻ cứng đầu, vào một buổi sáng thứ bảy. Gần như ai nấy đều có mặt đông đủ, và mọi người không từ ai, đều đến chào tôi, hết sức niềm nở. Cả cái anh thợ sửa đồng hồ, vốn câm nín không nói bao giờ từ cái buổi sớm trứ danh mà anh ta suýt bị chết chém vì nhầm lẫn, cũng đến chào tôi.

– Thế nào, các bạn, khỏe cả chứ!

– Khỏe cả, Papi ạ, hoan nghênh cậu đã trở về.

– Chỗ của cậu vẫn còn đấy, Grandet nói. Từ khi cậu đi vẫn để trống.

– Cảm ơn tất cả. Có gì mới không?

– Có một tin vui.

– Gì vậy?

– Đêm qua, trong nhà xí, trước mấy cái ống thoát nước, người ta đã tìm thấy thằng cha dạo nọ treo lên ngọn dừa để rình và tố giác cậu, bị giết chết. Chắc một người bạn thân của cậu vì không muốn để cập gặp mặt thằng cha ấy đã tiết kiệm hộ cậu cái việc ấy.

– Tớ rất muốn biết cậu đó là ai để cảm ơn.

– Chắc sẽ có ngày cậu ấy sẽ nói ra với cậu thôi. Vào giờ điểm danh sáng nay, người ta thấy thằng cha ấy bị một nhát dao vào tim. Chẳng ai trông thấy hay nghe thấy gì cả.

– Thế là hơn. Còn bài bạc ra sao?

– Vẫn vậy. Chỗ của cậu vẫn còn đấy.

– Hay lắm. Thế thì có thể bắt đầu sống trở lại cái cảnh khổ sai chung thân rồi. Chả biết chuyện này sẽ chấm dứt ra sao và vào lúc nào.

– Papi này, thật tình bọn tớ choáng người đi khi biết là cậu phải lãnh tám tấm lịch. Bây giờ cậu đã trở về đây, tớ nghĩ rằng trên đảo này, không ai lại có thể từ chối, không chịu giúp đỡ cậu về bất cứ việc gì, dù mạo hiểm đến mấy.

– Ông chỉ huy gọi anh đấy, – một tên lính da đen nói.

Tôi theo hắn ra.

Ở vọng gác, có vài tên cảnh sát nói vui vài câu với tôi. Tôi theo tên đến gọi tôi và gặp thiếu tá Prouillet.

– Khỏe chứ, Papillon?

– Thưa chỉ huy, khỏe.

– Tôi mừng thấy anh được đặc xá, và tôi cũng khen anh về hành động can đảm của anh đối với đứa con gái nhỏ của người bạn đồng sự của tôi.

– Xin cảm ơn ông.

– Tôi giao cho anh việc chăn trâu cho đến lúc anh được trả về với việc đổ thùng và được quyền đi câu.

– Nếu không có gì phiền đến ông nhiều quá tôi xin tuân lệnh.

– Đấy là việc của tôi. Giám thị của xưởng không còn ở đây, còn tôi trong ba tuần nữa, tôi cũng về Pháp. Thế là mai, anh đến nhận việc nhé.

– Thưa chỉ huy, tôi không biết cảm ơn ông bằng cách nào.

– Bằng cách chờ một tháng nữa rồi hãy tìm cách vượt ngục, được không? – Prouillet vừa cười vừa nói.

Trong phòng giam, tôi thấy vẫn những người ấy, với cách sinh hoạt hàng ngày vẫn như trước khi tôi đi. Những dân mê cờ bạc thuộc một loại người riêng biệt, chỉ suy nghĩ và sống vì bài bạc. Những ai có một thằng “bạn trẻ” thì cùng ở, cùng ăn, cùng ngủ với nó. Đấy là những cặp vợ chồng thật sự, và sự đam mê cùng tình yêu giữa đàn ông với nhau chiếm hết tâm tư của họ, cả ngày lẫn đêm. Cũng có những cảnh ghen tuông, những dục vọng không kiềm chế nổi, làm cho “chồng” và “vợ”, cứ rình mò lẫn nhau và gây ra những vụ giết người không sao tránh khỏi nếu một trong hai “vợ chồng” chán người kia và bay đi tìm những mối tình mới.

Tuần qua, vì người đẹp Charlie (tức Barrat), một tù nhân da đen tên là Simplon đã đâm chết một người tên là Sidero. Đây là người thứ ba bị Simplon đâm chết do yêu Charlie. Tôi về trại mới được vài giờ đã có hai thằng cha đến tìm tôi.

– Này, Papillon, tôi muốn biết Maturette có phải là của anh không?

– Hỏi để làm gì?

– Tôi có lý do riêng của tôi.

– Anh hãy nghe tôi nói. Maturette đã vượt ngục đi với tôi một chuyến dài 2500 kilômét, và cậu ấy đã xử sự như một người đàn ông chân chính. Tôi chỉ nói với anh có vậy thôi.

– Tôi muốn biết cậu ấy có thuộc về anh không?

– Không, tôi không hề biết Maturette trong vấn đề tình dục. Tôi quý trọng cậu ấy như một người bạn thân, ngoài ra, tôi không quan tâm đến cái gì hết trừ phi có ai muốn hãm hại cậu ấy.

– Nếu có ngày cậu ấy là vợ tôi thì sao?

– Lúc đó nếu cậu ấy bằng lòng, thì tôi không xen vào làm gì. Nhưng nếu anh hăm dọa cậu ấy để buộc cậu ấy theo anh, thì anh sẽ có chuyện với tôi đấy.

Những kẻ đồng tình luyến ái thì dù bị động hay chủ động, đều như nhau, vì cả hai loại người đó khi đã đam mê rồi thì chẳng còn nghĩ đến cái gì khác.

Tôi đã gặp cậu người Ý có cái plan bằng vàng cùng đi một chuyến tàu với tôi. Cậu ta đến chào tôi. Tôi hỏi:

– Cậu vẫn ở đây à?

– Tôi đã xoay đủ cách. Mẹ tôi gửi cho tôi 12000 francs, thằng lính lấy công sáu ngàn, tôi chi mất bốn ngàn để khỏi bị nhốt, tôi lại được đưa đi chiếu X quang ở Cayenne rồi cũng chẳng được việc gì. Sau đấy tôi lại bị buộc tội là đã làm một người bạn bị thương. Anh biết nó đấy, nó là Razori, dân kẻ cướp đảo Corse đấy.

– Ừ! rồi sao nữa?

– Nó thỏa thuận với tôi, nó tự gây ra một vết thương ở bụng, và tôi sẽ ra tòa án binh với nó, nó thì là người buộc tội, còn tôi là người có tội. Bọn tôi còn không được lên đảo nữa. Chỉ có 15 ngày là xong hết. Tôi lãnh án sáu tháng cấm cố. Ấy là chuyện ở năm ngoái. Anh còn không biết tôi ở đấy nữa cơ Papi ơi, tôi chịu hết nổi rồi. Tôi muốn tự vẫn đi cho xong.

– Thà chết trong một chuyến vượt ngục còn hơn, ít ra cậu được chết tự do.

– Anh nói đúng, tôi đã sẵn sàng để làm đủ mọi việc. Anh có tính chuyện gì, cho tôi biết với nhé.

– Đồng ý.

Cuộc sống ở đảo Royale cứ tiếp tục. Và tôi đã đi chăn trâu.

Tôi phải trông một con trâu đực tên là Brutus. Nó nặng hai tấn, khét tiếng là dữ: nó đã giết hai con trâu đực. Viên giám thị Angosti, chuyên trách phần công việc này, nói với tôi: “Đây là lần cuối cùng. Nó còn giết một con nữa là phải thịt nó thôi”. Sáng nay, tôi làm quen với Brutus. Anh chàng da đen người Martnique vẫn chăn dắt nó, phải ở lại một tuần để chỉ dẫn cho tôi. Tôi đã kết thân được với Brutus ngay từ đầu bằng cách đái vào mũi nó: cái mũi to và dài của nó ưa liếm chất mặn. Rồi tôi cho nó vài trái xoài ương mà tôi hái được ở vườn bệnh viện. Tôi thắng nó vào một chiếc xe bò thô sơ, xứng với cái xe bò cổ lỗ của các đời Vua Lười Biếng xa xưa, và dắt nó đi.

Trên xe, có một thùng ton-nô chứa ba ngàn lít nước. Công việc của tôi cùng anh bạn Brutus là xuống bờ biển, đổ nước vào thùng rồi chở lên cái dốc khủng khiếp này đến tận bãi bằng. Tối đó, tôi mở nắp cho nước chảy vào các cống rãnh cuốn cho hết chất bẩn còn lại từ buổi sớm. Tôi bắt đầu làm từ sáu giờ, khoảng chín giờ thì xong việc. Sau bốn ngày, anh chàng người Martinique tuyên bố là tôi đã có thể xoay xở một mình được. Chỉ có một chuyện phiền: năm giờ sáng, tôi đã phải bơi đi tìm Brutus trốn trong ao, vì nó không muốn làm việc. Điểm yếu của nó là ở lỗ mũi cho nên tôi đặt một cái vòng xuyên qua mũi nó, và thường xuyên buộc với một đoạn dây dài 50 phân. Khi tôi tìm được nó, nó lủi đi, lặn xuống nước rồi nhô lên ở một chỗ xa hơn.

Đôi khi tôi mất cả tiếng đồng hồ mới tóm được nó trong cái ao nước tù hãm hôi tanh, đầy những sâu bọ và hoa súng. Tôi cáu kỉnh rủa một mình: “Đồ khốn nạn. Đồ mặt dày? Cứng đầu cứng cổ đến thế nữa! Mày có chịu ra không thì bảo!” Nó chỉ chịu nghe khi tôi đã nắm được sợi xích của nó. Còn chửi rủa, nó cóc cần. Nhưng cuối cùng, khi nó ra khỏi ao thì nó lại trở thành bạn của tôi. Tôi có hai cái can trước kia đựng mỡ, nay dùng để chứa nước ngọt. Tôi bắt đầu tắm cho hết nước nhớp nhúa ở ao. Khi tôi sát xà-phòng và kỳ cọ cấn thận cho mình rồi, còn lại đến hơn nửa thùng nước ngọt, tôi lấy nắm xơ dừa để cọ rửa cho Brutus. Tôi kỳ cọ thật kỹ những chỗ kín của nó, vừa cọ vừa dội nước. Thế là Brutus cọ đầu vào tay tôi rồi tự nó đến đứng trước càng xe. Không bao giờ tôi dùng gậy nhọn thúc nó đi như anh chàng người Martinique vẫn làm. Chắc nó cũng biết ơn tôi, vì với tôi, nó rảo bước nhanh hơn.

Có một con trâu cái nhỏ rất đẹp mê Brutus. Nó luôn đi bên cạnh chúng tôi. Khác với anh chàng kia, tôi không xua đuổi nó, tôi để cho nó hôn Brutus và theo chúng tôi đi bất cứ đâu. Ví dụ, khi chúng hôn nhau, tôi không phá bao giờ, và Brutus đã chịu ơn tôi, vì nó đã kéo ba ngàn lít nước với một tốc độ nhanh không ngờ. Hình như nó muốn dành lại khoảng thời gian nó đã làm mất đi những khi dừng lại liếm láp Marguerite (đó là tên con trâu cái). Hôm qua, trong buổi điểm danh sáu giờ, có một câu chuyện bê bối nho nhỏ do Marguerite gây ra. Hình như anh chàng da đen người Martinique đã leo lên một bức tường thấp và ở đó ngày nào chàng ta cũng hôn hít Marguerite. Bị lính gác bất ngờ tóm được, cậu ta lĩnh mười ngày xà-lim. Về tội “giao cấu với súc vật”. Theo đúng quy chế chính thức. Thế mà hôm qua, khi điểm danh, Marguerite lại dẫn xác vào trại, cô nàng đi ngang qua hơn sáu chục người và đến trước anh chàng da đen, cô nàng chổng mông lại, giơ đít ra cho chàng kia. Ai nấy đều cười phá lên và chàng da đen xấu hổ đến xám mặt.

Mỗi ngày tôi phải ba lần di chuyển nước. Lâu nhất là việc chờ hai người phụ tôi đổ nước vào đầy thùng chứa, nhưng công việc cũng khá nhanh. Đến chín giờ, tôi đã xong việc, được quyền đi câu. Tôi đã liên minh với Marguerite để kéo Bratus ra khỏi ao. Cứ gãi vào tai là cô ta nghé ọ, nghe giống như thằng ngựa cái động đực. Và Brutus tự động lên khỏi ao. Tuy tôi không phải tắm rửa cho mình nữa, tôi vẫn cọ rửa cho nó, còn cẩn thận hơn trước. Sạch sẽ, không còn bị mùi hôi hám của nước ao tù bám suốt đêm trong lúc nó ngủ ở ao, nó càng được Marguerite ưa thích hơn và điều đó làm cho nó linh hoạt hẳn lên. Từ bờ biển đi lên, lưng chừng dốc, có một khoảng bằng; ở đấy có một hòn đá to. Brutus quen nghỉ xả hơi năm phút ở chỗ đó, tôi lấy đá chèn bánh xe lại: làm như vậy, nó yên tâm nghỉ ngơi hơn.

Nhưng buổi sáng hôm đó, một con trâu khác, tên là Danton, cũng to như Brutus, nấp sau những cây dừa nhỏ chỉ có lá không, bởi vì đây là một vườn ươm cây. Chờ sẵn chúng tôi tại đấy, Danton xồ ra tấn công Brutus. Con này nhảy sang bên, tránh được cú đánh, con kia đụng phải cái xe. Một bên sừng của nó cắm vào thùng ton-nô. Danton cố hết sức để gỡ sừng ra, tôi tháo dây thắng cho Brutus ra khỏi càng xe. Thế là Brutus chạy lấy đà lên phía trên cao, ít ra cũng chừng 30 mét rồi phi nước đại lao vào Danton. Không biết vì sợ hay do tuyệt vọng, trước khi con trâu của tôi tới được chỗ nó, con Danton đã giật được sừng ra khỏi thùng tuy một mẩu sừng bị gãy còn mắc tại đấy, nhưng Brutus không hãm lại kịp thời nên xô vào và lật đổ cái xe.

Đến đây tôi được chứng kiến một chuyện kỳ quái nhất. Brutus và Danton đã chạm sừng vào nhau mà không xô đẩy nhau, chúng chỉ cọ cặp sừng kếch xù của chúng vào nhau thôi. Dường như chúng nói với nhau, nhưng chúng lại không kêu rống lên mà chỉ thở phì phò. Con trâu cái từ từ leo lên dốc, theo sau là hai con đực Thỉnh thoảng hai con này dừng lại, cọ đầu và đan sừng vào nhau.Thấy lâu lắc quá, Marguerite rên rỉ một cách uể oải rồi lại đi về phía bãi bằng ở trên đảo. Hai con vật khổng lồ kia vẫn đi song hàng, theo sau. Sau ba lần dừng lại với những nghi thức như vậy, chúng tôi đã lên tới bãi bằng. Chỗ chúng tôi đứng lại ở trước cây đèn pha là một khoảng trống dài chừng ba trăm mét. Một phía là trại tù, bên trái và bên phải là hai tòa nhà của bệnh viện: một cho tù nhân, một cho cảnh binh. Danton và Brutus vẫn đi phía sau cách hai mươi bước. Còn Marguerite, nó bình thản đến giữa khoảng đất và dừng lại. Hai con trâu thù địch tiến lên ngang nó. Thỉnh thoảng nó lại rống lên một tiếng dài nghe ai oán và rõ ràng là khêu gợi. Hai con kia lại chạm sừng vào nhau một lần nữa nhưng lần này tôi có cảm giác là chúng thật sự nói chuyện với nhau vì lẫn với hơi thở của chúng, có cả những âm thanh chắc chắn là có một ý nghĩa nào đó.

Sau cuộc nói chuyện này, một con trâu chậm chạp đi về phía bên phải, còn con kia về phía trái. Chúng đến đứng tận hai đầu khoảng trống. Marguerite vẫn đợi ở chính giữa. Tôi hiểu ngay: đây là một cuộc quyết đấu tay đôi theo đúng thể thức, được cả hai phía chấp nhận, trong đó con trâu cái sẽ là chiến lợi phẩm. Con trâu cái non tơ cũng có vẻ đồng ý, nó còn tỏ ra hãnh diện chẳng kém hai chàng mê gái sắp đánh nhau vì cô nàng. Marguerite cất tiếng rống lên hai con trâu đực mới lao vào nhau. Trong đoạn đường mà mỗi con vượt qua, mỗi phía dài độ một trăm năm mươi mét, không cần phải kể rằng cái khối nặng hai ngàn ki-lô của chúng được nhân lên gấp bội với tốc độ chạy của chúng. Hai cái đầu va phải nhau, mạnh đến nỗi cả hai chết lặng đi đến năm phút. Con nào cũng khuỵu xuống.

Brutus đã hồi sức lại trước và dậy được, nó phi về chỗ cũ. Cuộc chiến đấu kéo dài hai giờ. Lính gác muốn giết chết Brutus, nhưng tôi không chịu, và đến lúc chạm sừng. Danton bị gẫy rời hẳn đoạn sừng bị hỏng khi mắc vào thùng ton-nô. Nó bỏ chạy, Brutus đuổi theo. Cuộc chiến đấu còn kéo dài sang ngày hôm sau. Chúng chạy qua chỗ nào: vườn tược, nghĩa địa, xưởng giặt, thì chỗ đó bị tàn phá tan tành. Chỉ sau khi đã quần nhau suốt đêm, mãi tận sớm hôm sau, lúc bảy giờ sáng, Brutus mới dồn được Danton vào chân tường lò sát sinh ở gần bờ bể và tại đấy, nó đã dùng sừng đâm thủng bụng con Danton. Để kết thúc hẳn địch thủ, Brutus lăn đi lăn lại hai lần để cho sừng xoáy sâu vào bụng con Danton và con này đã ngã gục xuống chết, trong một suối máu lẫn với lòng ruột. Cuộc chiến đấu giữa hai con vật khổng lồ làm Brutus kiệt sức đến nỗi tôi phải đỡ sừng cho nó, nó mới đứng lên được. Nó loạng choạng rời khỏi nơi ấy theo con đường ven bờ biển và con Marguerite đã tới đi bên nó, dùng cái đầu không có sừng của mình để đỡ cái cổ đồ sộ của anh bạn thắng cuộc.

Tôi không được chứng kiến đêm tân hôn của chúng, vì tên lính gác coi đàn trâu đổ tội cho tôi là đã cởi dây thắng cho Brutus nên tôi bị mất việc chăn trâu. Tôi xin được gặp chỉ huy để nói chuyện về Brutus.

– Chuyện xảy ra thế nào vậy, Papillon? Phải giết Brutus thôi, nó nguy hiểm quá. Nó đã giết mất ba con trâu tốt rồi.

– Thưa, tôi đến để xin ông hãy cứu lấy Brutus. Người gác trông coi việc trồng trọt, chuyên lo lũ trâu không hiểu gì hết. Xin ông cho phép tôi được kể lại là Brutus đã tự vệ chính đáng ra sao.

Viên trại trưởng mỉm cười:

– Tôi nghe đây.

– Như vậy, như ông chỉ huy đã thấy, con trâu của tôi bị tấn công trước. – Sau khi kể các chi tiết, tôi kết luận như vậy. – Hơn thế nữa, nếu tôi không cởi dây cho Brutus thì con Danton đã đâm chết nó mà nó không thể chống đỡ được vì nó còn bị buộc vào càng xe.

– Đúng vậy- trại trưởng nói.

Vừa lúc đó người gác kia tới.

– Xin chào thiếu tá. Còn Papillon, tôi đang tìm anh, vì sáng nay anh đi trên đảo như đi làm vậy, mà anh lại không có việc làm.

– Thưa ông Angosti, tôi đi ra để xem có thể ngăn không cho hai con trâu đánh nhau được không, nhưng chẳng may, cả hai con đã điên tiết lên cả rồi.

– Có thể là như thế, nhưng bây giờ anh không chăn trâu nữa, tôi đã nói với anh rồi. Vả lại, sớm chủ nhật này, cũng phải mổ nó để lấy thịt cho trại giam.

– Ông không làm thế được.

– Anh không thể ngăn tôi đâu.

– Tôi không thể ngăn ông nhưng thiếu tá ngăn được. Nếu thế cũng chưa đủ tôi sẽ nhờ bác sĩ Germain Guibert can thiệp để cứu Brutus.

– Anh xen vào chuyện này để làm gì?

– Vì chuyện này có dính dáng đến tôi. Chính tôi chăn dắt con trâu, và nó là bạn của tôi.

– Trâu mà là bạn của anh à? Anh giỡn với tôi đấy hả?

– Ông Angosti, xin phép ông, ông cho tôi nói một chút chứ?

– Thì cứ để cho anh ta bênh vực con trâu của anh ta xem, – Ông thiếu tá nói.

– Được, anh nói đi.

– Ông có tin là súc vật cũng nói với nhau được không, ông Angosti?

– Sao lại không, nếu chúng muốn giao thiệp với nhau?

– Nếu vậy thì Brutus và Danton đã cùng thỏa thuận là sẽ đấu với nhau.

Rồi tôi kể lại sự việc một lần nữa, từ đầu đến cuối.

– Trời đất quỷ thần – viên gác người Corse nói. – Anh thật đến là kỳ cục, Papillon ạ. Anh thu xếp làm sao với Brutus thì làm, nhưng lần sau nó còn giết một con nào nữa, thì không ai, kể cả thiếu tá, có thể cứu được mạng nó. Tôi lại để anh đi coi trâu vậy. Nhưng phải bắt Brutus làm việc đi.

Hai ngày sau, chiếc xe đã được thợ ở công xưởng sửa lại, và Brutus, với cô vợ chính thất là Marguerite kèm bên, lại tiếp tục công việc chuyên chở nước hàng ngày. Còn tôi, mỗi lần đến nơi nghỉ, khi chiếc xe đã được chèn đá cẩn thận, tôi lại hỏi, “Danton đâu rồi, Brutus?” Và con vật khổng lồ kia, kéo mạnh chiếc xe, chân bước lâng lâng, với tư thế của kẻ chiến thắng, đi một mạch về tới nơi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN