Papillon - Người Tù Khổ Sai
Chương 40: Quán ăn và bướm
Chúng tôi đã thu xếp xong việc này, Indara bán hết chỗ vàng chúng tôi có được. Ông bố già ngạc nhiên thấy tôi không đụng đến những mẩu vàng vụn mà ông cho con gái để hai chúng tôi cùng dùng. Ông nói:
– Tôi cho anh chị để anh chị xài. Của hai anh chị đấy, anh chị sử dụng thế nào tùy ý, không phải hỏi tôi, anh chị cứ việc làm.
Kể ra ông “bố vợ phù thủy” của tôi cũng không đến nỗi nào. Cô nàng của tôi là loại đặc biệt rồi, vừa là nhân tình, vừa là vợ, vừa là bạn. Không có chuyện cãi cọ vì tôi nói gì nàng cũng “vâng”. Nàng chỉ hơi khó chịu chút xíu khi tôi xâm vú cho các bạn đồng hương của nàng. Thế là tôi đã trở thành chủ tiệm ăn “Thắng Lợi”, nằm trên đường Water Street đúng ngay giữa bến cảng Georgetown.
Quých nấu bếp, anh thích vậy đó, đó là nghề của anh. Anh cụt đi chợ và nấu “mì hoành thánh” một thứ mì Tàu. Món đó làm như sau: lấy tinh bột mì, trộn với lòng trắng trứng rồi nhào cho nhuyễn. Đống bột được nhào khô rất lâu, rất kỹ, nhào bột rất nặng, đến nỗi anh cụt phải nhảy lên trên đống bột, đùi tựa vào một cây gậy nhẵn bóng gắn chặt ở giữa bàn. Một đùi gác lên trên cái gậy, cánh tay độc nhất nắm chắc lấy cái gậy đó, anh nhảy một chân quanh bàn để nhào bột. Làm như vậy có được một thứ bột hồ nhẹ rất ngon. Sau cùng, cho thêm chút bơ vào, vị của nó tuyệt vời. Quán này, chủ trước bị vỡ nợ, đã nhanh chóng nổi tiếng.
Indara có một cô gái ấn trẻ và rất xinh tên là Daya phụ giúp, đã phục vụ đông đảo khách hàng cứ xô đến tiệm chúng tôi để nếm món ăn Tàu. Tất cả dân tù vượt ngục đều tìm đến. Ai có tiền thì trả, ai không có thì mời ăn không. Quých nói “Cho người đói ăn sẽ gặp vận may”. Chỉ có một điều phiền phức: hai cô phục vụ (trong đó có Indara) lại quá hấp dẫn. Cả hai đều phô bày đôi vú trần dưới làn áo voan mỏng. áo của hai cô lại xẻ bên hông từ đùi đến gót chân. Những khi cử động, hai cô để lộ hết chiều dài của đôi chân, lên đến tận đùi. Lính thủy Mỹ, Anh, Thụy Điển, Canada và Na Uy có ngày đến ăn hai lần để được ngắm cảnh ấy. Các bạn tôi gọi tiệm ăn của tôi là tiệm ăn của những kẻ nhòm gái. Tôi là đại diện chủ. Đối với tất cả mọi người tôi là “ông chủ”. Không có quầy thu tiền, người chạy bàn đưa tiền cho tôi, nhận tiền xong tôi bỏ túi, khi cần tôi lấy tiền lẻ ra thối lại.
Tiệm ăn mở cửa từ tám giờ tối đến năm sáu giờ sáng hôm sau. Không cần phải kể ai cũng biết rằng vào khoảng ba giờ đêm, tất cả bọn đĩ điếm trong khu đã kiếm khá tiền trong đêm đều kéo kép hay khách của chúng đến tiệm chúng tôi ăn món gà cà-ry hay rau xà lách với mầm đậu. Khách có uống bia nữa, nhất là bia Anh, rượu rhum mía của địa phương rất ngon, soda hay cô-ca cô-la. Vì quán là điểm hẹn của dân Pháp vượt ngục, tôi đã trở thành người giúp nơi ẩn náu, là cố vấn, là người phân xử, là bạn tâm sự của tất cả dân tù đày ở đây. Nhưng tình trạng đó cũng làm tôi nhiều lần gặp chuyện rắc rối.
Một người chuyên sưu tập bướm đã cắt nghĩa cho tôi nghe cách săn bướm trong rừng. Trước hết anh ta cắt hình một con bướm trong một miếng bìa cứng rồi dán vào đấy đôi cánh một con bướm thuộc cái giống mà anh định săn. Tấm bìa được gắn vào đầu một cây gậy dài một mét. Khi săn bướm tay anh cầm gậy và cử động làm sao cho bướm giả có vẻ như đang bay lượn. Anh phải săn ở những khoảng trống, có ánh nắng trong rừng. Anh phải biết giờ nở trứng của từng loại bướm. Có những loài chỉ sống được bốn mươi tám giờ. Và mỗi khi ánh nắng chiếu vào chỗ quang đãng, những con bướm mới nở lao vào vùng ánh sáng đó, để tìm bướm cái cho thật nhanh. Khi chúng thấy con bướm mồi, từ rất xa, chúng ập đến. Nếu con bướm mồi là bướm đực, thì bướm đực sẽ lao đến để đánh. Thế là anh cứ việc dùng cái vợt nhỏ cầm ở tay trái để bắt bướm. Cái lưới vợt có một chỗ thắt có làm người săn bướm có thể cứ tiếp tục bắt thêm bướm mà không sợ những con đã lọt lưới bay đi mất. Nếu con mồi làm bằng cánh của bướm cái, thì cái con đực cũng tìm đến để ấp con cái và kết quả vẫn là một.
Bướm đẹp nhất là loại bướm hay bay đêm nhưng vì chúng thường va phải các vật chướng ngại cho nên rất khó bắt được con nào còn đôi cánh nguyên vẹn. Hầu hết cánh của loại bướm này đều bị sứt nham nhở. Đối với loại bướm đêm, phải lên tận gần ngọn một cây cao, rồi giăng một tấm vải trắng to lồng trong khung, đằng sau để một cây đèn đất thật sáng. Những con bướm đêm to, sải cánh, dài từ mười lăm đến hai mươi centimét, bay dính vào tấm vải trắng. Thế là chỉ cần đè lên ngực nó thật nhanh cho nó chết ngạt. Phải làm sao nó không dấy dụa, nếu không cánh của nó sẽ bị hư hại và kém giá trị. Tôi có một cái tủ kính nhỏ trong đó có những bộ sưu tập bướm, ruồi, rắn nhỏ và dơi hút máu. Hàng tôi có không đủ bán cho khách cho nên giá rất cao.
Một người Mỹ chỉ cho tôi thấy một con bướm phía sau cánh màu xanh biếc có ánh thép, phía trên thì màu lơ nhạt. Người đó bằng lòng trả tôi năm trăm đô-la nếu tôi có được một con bướm thuộc loại này mà lại là lưỡng tính. Tôi kể lại với người săn bướm, anh ta nói có một lần, anh đã có trong tay một con này, rất đẹp, được người ta trả năm mươi đô-la, sau nhờ một người sưu tập đứng đắn khác anh ta mới biết là một mẫu bướm như vậy trị giá đến hai ngàn đô-la.
– Thằng Mẽo ấy muốn xỏ anh đấy, anh Papillon ạ. Nó coi anh là đồ ngốc. Cứ cho là món hàng hiếm đó chỉ đáng giá một ngàn năm trăm đô-la, thì nó cũng lợi dụng được sự ngớ ngẩn của anh mà lãi to.
– Cậu nói đúng, đấy là một thằng xỏ lá. Hay ta chơi lại nó một vố!
– Làm thế nào?
– Chẳng hạn như gắn vào thân một con bướm cái đôi cánh một con bướm đực hoặc ngược lại. Cái khó là làm sao gắn mà không ai nhìn ra được.
Sau nhiều lần làm thử thất bại, chúng tôi đã gắn được rất khéo, hai cánh một con đực vào thân một con cái đẹp tuyệt trần, chúng tôi đút những đầu cánh nhọn vào một đường rạch nhỏ xíu rồi gắn lại bằng nhựa balata. Nó dính rất chặt, có thể cầm đôi cánh dán nhựa mà nhấc cả con bướm lên. Dù có tinh mấy cũng không sao nhận ra được: Chúng tôi lồng kính con bướm này cùng nhiều bướm khác trong một bộ sưu tập thông thường giá hai mươi đô la, làm như tôi không quan tâm đến nó.
Chúng tôi tính không trật chút nào. Chàng Mỹ vừa để ý thấy đã trơ tráo cầm hai mươi đô la trong tay để mua bộ sưu tập đó của tôi. Tôi trả lời y là tôi đã nhận bán rồi, một người Thụy Điển đã mua cả hộp, và món này là của người ấy. Trong hai ngày, gã người Mỹ cầm cái hộp lên tay đến mười lần. Sau không chịu nổi, y nói với tôi:
– Tôi mua con bướm ở giữa hai mươi đô la, còn anh giữ lại tất cả.
– Con bướm ấy có gì khác thường vậy? – Và tôi chăm chú xem xét rất kỹ. Rồi tôi reo lên – Nhưng mà này, đây là bướm lưỡng tính mà.
– Ông nói gì vậy? Ừ, đúng thật, trước tôi chưa dám chắc, người Mỹ nói. Trông qua kính, không rõ lắm. Ông cho phép nhé?
Y xem xét kỹ cơn bướm, rất tỉ mỉ, rồi nói: “ông bán bao nhiêu?”
– Có lần chẳng phải ông đã nói với tôi rằng thứ mẫu hiếm này đáng giá năm trăm đô la sao? – Tôi đã nhắc đi nhắc lại với nhiều người săn bướm rằng tôi không muốn lợi dụng sự không hiểu biết của người đã bắt được con bướm này. – Nếu vậy thì giá là năm trăm đô hay là thôi.
– Tôi mua, ông cứ giữ nó cho tôi. Đây, tôi mang theo có sáu mươi đô la, tôi đặt trước coi như việc mua bán thế là xong. Ông cho tôi một tấm giấy biên nhận, mai tôi sẽ đem nốt tiền lại, ông nhớ lấy con bướm này ra khỏi hộp nhé.
– Được rồi, tôi sẽ để riêng nó ra chỗ khác. Biên nhận của ông đây.
Đúng giờ mở cửa tiệm, chàng trai giòng giống Lincoln* (*Lincoln Abraham là tên tổng thống thứ 16 của Mỹ) đã có mặt. Y lại xem xét con bướm lần này với một cái kính lúp, tôi sợ hết hồn khi y xem mặt sau con bướm. Thỏa mãn rồi, y trả tiền, đặt con bướm vào một cái hộp y mang theo, đòi tôi làm cho y một giấy biên nhận khác rồi ra đi.
Hai tháng sau tôi bị cảnh sát bắt. Đến Sở cảnh sát, cảnh sát trưởng giải thích bằng tiếng Pháp cho tôi hay là tôi bị bắt vì có một người Mỹ tố cáo tôi đã lường gạt ông ta.
– Về chuyện một con bướm mà ông gắn cánh, – cảnh sát trưởng nói. – Do việc làm gian trá đó nên ông mới bán được năm trăm đô-la.
Hai giờ sau, Quých và Indara đã đến sở với một luật sư nói tiếng Pháp rất thạo. Tôi nói với luật sư là tôi không biết gì về bướm cả, tôi không phải là người chuyên săn bướm, cũng không sưu tập bướm. Tôi bán những hộp sưu tập bướm là bán giúp những người săn bướm vốn là khách hàng của cái tiệm ăn của tôi, rồi chính người Mỹ kia đòi mua và đặt giá trước là năm trăm đô-la, chứ không phải tôi nài bán cho ông ta, và nếu đấy đích thực là một con bướm thuộc loại như ông ta nói thì chính ông ta mới là người đi lừa, vì ông đã có được một vật trị giá hai ngàn đô-la.
Hai ngày sau, tôi ra trước tòa. Luật sư của tôi kiêm cả việc phiên dịch cho tôi. Tôi nhắc lại luận cứ của tôi. Một điều lợi cho luật sư của tôi là ông có một cuốn Catalogue có kê giá bướm các loại. Một con bướm như thế được định giá trong sách là trên một ngàn năm trăm đô-la. Gã người Mỹ kia phải chịu tiền phí tổn của phiên tòa. Thêm vào đó y phải trả tiền thù lao cho luật sư của tôi cộng hai trăm đô-la nữa. Dân anh chị và dân ấn tập trung lại để ăn mừng tôi được thả về, bằng một chầu rượu cất lấy. Toàn bộ gia đình Indara đều đến tòa án xem xử. Mọi người đều tự hào vì trong gia đình – sau khi tôi được xử trắng án – có một siêu nhân. Bởi họ không bị bịp, họ biết thừa là chính tôi đã gắn cánh con bướm.
Cuối cùng chúng tôi phải bán tiệm ăn đi, việc ấy tất nhiên sẽ phải tới. Indara và Daya quá đẹp, và cái kiểu thoát y đó, lúc nào cũng chỉ bắt đầu hé ra rồi không đi xa hơn, lại càng làm cho các thủy thủ đầy máu nóng phát điên lên, còn hơn cả khi được thấy một cảnh trần truồng thật sự. Các cô nhận thấy là càng để nửa kín nữa hở gần mũi các thủy thủ bao nhiêu, thì càng được tiền puốc-boa nhiều bấy nhiêu, cứ nhoài người trên bàn ăn là các cô không bao giờ tính đúng được tổng số tiền, hay thối đủ được tiền lẻ. Sau thời gian trưng bày bộ ngực làm chàng lính thủy mê mẩn hoa cả mắt, các cô mới đứng thẳng lên hỏi: “Còn tiền puốc-boa nữa?”. “À, chết suýt quên”, tội nghiệp cho mấy anh chàng ấy. Họ rất hào phóng, những gã dại gái ấy, lửa tình được nhen lên nhưng không bao giờ được thỏa mãn, không còn biết trời đất gì nữa.
Một hôm xảy ra một việc mà tôi đã lường từ trước. Một thằng cha cao to tóc hung, mặt đầy tàn nhang nhìn bộ đùi hở hang chưa thỏa, vừa thoáng thấy bóng chiếc quần lót hắn đã đưa tay ra và những ngón tay thô bạo của hắn kẹp chặt cô bé Nam Dương của tôi như trong cái ê-tô. Tay đang cầm một bình nước bằng thủy tinh, cô bé phang cả bình vào đầu nó. Bị đánh như vậy nó giật mạnh cái quần lót rồi gục xuống, tôi vội chạy đến để nâng nó dậy trong khi các bạn nó lại tưởng tôi đến đánh nó, nên chưa kịp làm gì, tôi đã bị một quả đấm trời giáng đúng giữa mắt. Không biết thằng cha lính thủy kiêm bốc-xơ ấy thật sự bênh bạn hay chỉ muốn chơi một vố thật đã đời cho chồng người đẹp ấn phải chịu trách nhiệm này! Có trời biết được! Dù sao tôi cũng nhận được một cú đấm thẳng vào mắt.
Qúa tin vào thắng lợi, nó đã đứng thủ thế trước mặt tôi và quá: “Đánh nào, đánh đi, mày”. Tôi đá phốc vào hạ bộ nó, tiếp theo là một cái húc nhãn hiệu Papillon, nó đã nằm thẳng cẳng. Trận đánh nhau trở thành một cuộc loạn đả. Anh cụt từ trong bếp xông ra cứu tôi, anh cầm cái gậy làm mì hoành thánh vụt tứ tung. Quých cầm một cái phuốc- sét dài có hai chạc đâm lia lịa vào đám đông. Một tên lưu manh dân Paris chuyên dự các buổi khiêu vũ theo nhạc trường Lappe đã về hưu dùng một ghế tựa làm vũ khí. Indara có lẽ bị bó tay vì mất xi-líp nên chẳng tham gia vào cuộc chiến. Kết cục là năm gã người Mỹ bị thương nặng ở đầu, hai gã khách bị những vết đâm có hai lỗ do phuốc-sét của Quých gây ra ở nhiều chỗ trên thân thể, máu đổ tùm lum. Một viên cảnh sát da đen người Brazzaville chặn ở cửa không cho ai ra.
Thật là may, vì vừa lúc ấy một chiếc xe jeep của Quân cảnh tới. Chân đi ghệt trắng dùi cui giơ cao, họ định dùng võ lực ào vào tiệm ăn, và trông thấy các thủy thủ của họ máu me bê bết như vậy chắc chắn là họ sẽ trả thù. Nhưng người cảnh sát da đen đã đẩy toán quân cảnh lui, tay cầm gậy chắn cửa và nói : “Đã có cảnh sát Hoàng Gia đây”. Và khi cảnh sát Anh tới, chúng tôi mới phải lên xe chở tội phạm để về sở cảnh sát, chỉ một mình tôi mắt bị đánh sưng húp híp, còn không ai trong bọn tôi bị thương, nên không ai tin được là chúng tôi đánh nhau để tự vệ một cách chính đáng. Sáu ngày sau, trong phiên xử quan tòa chấp nhận luận điểm của chúng tôi, và cho chúng tôi được tự do trừ Quých bị ba tháng tù vì đánh người có thương tích.
Cũng khó bào chữa nổi vô số những vết thương hai lỗ mà Quých đã ban phát rất rộng rãi cho các đối thủ của anh ta. Sau đó, trong nửa tháng trời có đến sáu vụ ẩu đả, chúng tôi cảm thấy không thể nào kéo dài được nữa. Bọn lính thuỷ nhất định không chịu coi chuyện này như đã kết thúc, những khách mới lại cứ tiếp tục đến, làm sao phân biệt được ai là bạn của kẻ thù của chúng tôi, ai không phải? Vậy là chúng tôi đã bán tiệm ăn, với giá rẻ hơn lúc mua. Quả tình tai tiếng đến như vừa rồi thì khách mua cũng chẳng được bao nhiêu.
– Anh cụt ơi, ta làm gì bây giờ?
– Trong khi chờ Quých được thả, ta cứ nghỉ ngơi đã. Cũng không thể lấy lại chiếc xe ba gác với con lừa được vì ta đã bán các thứ đó cùng các mối mua hàng rồi. Tốt nhất là không làm gì, cứ nghỉ, sau sẽ hay.
Quých đã được về. Anh kể lại rằng họ đối xử với anh cũng tử tế. Có một điều phiền là anh ta phải ở cạnh hai tù nhân bị án tử hình. Và người Anh lại có cái thói dở là: họ báo cho tội nhân biết bốn mươi lăm ngày trước khi thi hành án là họ sẽ bị treo cổ ngày nào, giờ nào và Nữ Hoàng đã bác đơn xin ân xá của họ. Thế là cứ mỗi sáng, Quých kể hai người tử từ cứ réo lên với nhau: “Lại qua đi một ngày nữa rồi, Johnny ơi, chỉ còn từng này ngày nữa thôi”. Và người tử tù kia không ngớt chửi tòng phạm của y suốt cả buổi sáng. Ngoài chuyện đó ra, Quých được yên ổn và được trọng nể.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!