Phán Quan - Chương 7: Tấm gương
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
156


Phán Quan


Chương 7: Tấm gương


Người khác chẳng thể biết được linh hồn một con “búp bê” đang trải qua chấn động mạnh cỡ nào.

Cụ già còn bận dỗ dành đứa cháu quái gở của mình.

Ông ta chậm chạp đi tới trước tủ, khuôn mặt không có ngũ quan thò qua. Ở khoảng cách gần như vậy, cho dù là ai cũng sẽ rùng mình, nhưng mà Văn Thời quen rồi.

Rất nhiều chủ nhân của lồng đều có hình dạng người không ra người quỷ không ra quỷ, tựa như trong hồi ức của đa số người, bản thân họ luôn không có tướng mạo. Hơn nữa đây là khúc mắc, là sự băn khoăn vương vấn của ông ta. Khi người bị trói buộc trong những thứ này sẽ thường quên mất chính mình là ai, dáng vẻ như nào.

“Ông nhìn giúp cháu rồi nhé.”  Cụ già lại đi về bên mép giường vỗ đầu đứa bé trai, âm thanh già nua thều thào, giọng nói lại cực kỳ thong thả, “Không có người đâu, đừng sợ.”

Thằng nhóc sợ hay không thì không biết nhưng Hạ Tiều mặc váy nằm trên giường lại run rẩy.

“Đi, xuống tầng chơi với ông.” Cụ già nói.

Tròng mắt đen láy của bé trai vẫn láo liên nhìn chòng chọc Văn Thời như cũ, mãi nửa ngày mới miễn cưỡng gật đầu.

“Cháu muốn chơi gì nào? Nói cho ông nghe.”

“Rối gỗ.” Đứa bé nói, “Ông dạy con làm rối gỗ được không.”

Cách nói chuyện của nó rất kỳ quái, không có ngữ khí và âm điệu, bất kể là hỏi chuyện hay là gọi to đều không hề lên xuống, giống như một đường thẳng cứng ngắc.

Nếu buộc phải hình dung mức độ thì là “Trống rỗng”.

Ông lão dạy nó: “Như thế không đúng, âm cuối phải lên cao, được không?”

Đứa bé trai u ám nhìn chằm chằm ông ta, gần như lặp lại y hệt: “Được không?”

Ông lão: “Đúng rồi.”

Đứa bé trai bắt đầu lặp lại: “Làm rối gỗ, được không?”

“Được không?”

“Được không?”

Giống một kiểu làm nũng quái dị.

Nếu là người nhát gan nghe thấy, chắc sẽ bị dọa đến mức nước mắt văng tung tóe mất.

Cụ già dường như không tình nguyện dạy nó cái này, thế nhưng cuối cùng vẫn thỏa hiệp sau một tràng lặp lại liên tục đó, ông ta thở dài nói: “Được, đi thôi, đi làm rối gỗ nào.”

Bé trai cực kỳ vui vẻ nhưng nét mặt nó chậm một nhịp, vài giây sau mới thong thả nhếch môi.

Nó ngoan ngoãn kéo cụ già rời đi, vừa bước hai bước đột nhiên quay đầu lại, vẫn giữ dáng vẻ cười nhếch miệng xách Hạ Tiều trên giường theo.

Văn Thời: “…..”

Cửa phòng đóng sầm, Văn Thời bắt đầu chuyển động.

Hắn thử bước hai bước, kết quả không khống chế tốt, bước hụt rớt khỏi tủ, xém nữa ngã dạng háng.

“Đũy….”

Văn Thời quỳ rạp trên đất, nhịn đầy một bụng toàn lời mắng chửi.

Cơ thể búp bê Tây Dương nhồi toàn bông là bông nên ngã xuống như thể gãi ngứa. Chỉ có đồ trang sức như cúc áo đập xuống sàn nhà bằng gỗ vang lên tiếng “cạch” mà thôi.

Cũng may tiếng động không lớn, đôi ông cháu dày đặc quỷ khí kia không nghe thấy.

Vóc người Văn Thời cao ráo nên trước giờ chưa từng chịu qua nỗi khổ chân ngắn. Cộng thêm cơ thể búp bê quá mềm khó mà dùng sức khiến hắn cố mãi mới lật người ngồi dậy được.

Là một người trưởng thành với phạm vi hứng thú vô cùng hạn hẹp, hắn đương nhiên không tìm hiểu về loại búp bê Tây Dương này và cũng không có hứng thú với nó. Nhưng trong ấn tượng, khi thứ đồ chơi này ngồi thì cặp chân ngắn thẳng tắp luôn dạng thành hình chữ V.

………

Hắn hiện tại đang ngồi tư thế phèn ỉa đó.

Điều vui mừng nhất chính là…hắn không mặc váy.

Xúc động quá má ơi.

Nhưng mà quần yếm màu hồng nhạt thiểu năng bỏ mẹ.

Văn Thời cúi đầu đánh giá một phen, lòng đầy ghét bỏ, không muốn nhìn nó lần hai.

Hắn tựa lưng vào chân giường cho đỡ mỏi, sau đó ngẩng đầu nhìn ngăn tủ đặt mình ban nãy, lập tức bị kinh ngạc. Bởi vì số lượng con rối thật sự quá nhiều.

Cái tủ chiếm hơn nửa mặt tường, từ trên xuống dưới tổng cộng bốn ngăn, tất cả đều bày con rối.

Có kiểu Tây như hắn và Hạ Tiều, cũng có một ít kiểu Trung Quốc, chỉ là những con kiểu Trung Quốc đều không có mắt.

Nhìn lướt một vòng, Văn Thời cũng âm thầm tha thứ cho Tạ Vấn.

Dù sao hắn cũng là người hiểu chuyện.

Nói về thuật con rối, con rối được tạo ra tốt nhất chỉ khác với người thường ở việc thiếu mất linh tướng. Vì thế nó trở thành thứ dễ bám lên nhất, trình độ gà mờ như Tạ Vấn dẫn bọn họ bám lên búp bê Tây Dương là điều dễ hiểu.

Thật ra bám lên ảnh chụp cũng dễ, nhưng trong căn phòng này không có tấm ảnh nào. Có lẽ cụ già không có thói quen trưng bày nên cất đi hết rồi.

Điểm này khá giống Văn Thời. Ảnh chụp của hắn trải dài nhiều năm, dáng dấp lại không hề thay đổi, nếu mà trưng ra không khéo sẽ hù dọa người khác.

Văn Thời ngồi nghỉ ngơi trong chốc lát rồi cử động tay chân, cố gắng thích ứng dần với con búp bê nhồi đầy bông này….sau đó đi tìm người.

Hắn gọi một tiếng về phía tủ đựng búp bê: “Tạ Vấn?”

Nói thật, hành vi nói chuyện với búp bê này thật sự bại não lắm luôn.

Hắn nhẫn nhịn, gọi khẽ: “Tạ Vấn?”

Trong phòng lặng ngắt như tờ, không có bất kì tiếng đáp lại nào.

“Người đâu rồi?”

“Đừng có giả chết.”

“………”

Kiên nhẫn của Văn Thời cạn sạch, hắn đang định cao giọng gọi một câu thì tiếng bước chân “bịch bịch” xuất hiện ngoài cửa phòng, kèm theo lời dặn dò của cụ già dưới tầng.

Cụ già nói: “Lấy thêm một cuộn bông con nhé.”

Giọng nói của đứa bé vang lên ngoài cửa phòng: “Dạ.”

Văn Thời ngó trái ngó phải không tìm được chỗ ẩn núp, cuống cuồng trượt vào trong gầm giường.

Trong tình huống thông thường, một đứa bé bảy tám tuổi muốn dọa người cũng không có gì đáng sợ, nhưng ở trong lồng thì chưa chắc.

Nói thẳng ra, lồng chính là nỗi tiếc nuối, căm hận, ghen tỵ, ham muốn, sợ hãi….sâu tận đáy lòng của một người nào đó. Sự xâm nhập của bất cứ ai cũng đều là hành vi xúc phạm đối với chủ nhân của lồng, kể cả phán quan.

Cho nên kẻ xông vào lồng có thể gặp nguy hiểm, bất cứ thứ gì bị quấy rầy đều sẽ mang tính công kích.

Giống như lúc trước Văn Thời gặp phải “Hạ Tiều” giả, đó là sự răn đe đối với kẻ xâm nhập, đại diện cho sự bài xích trong tiềm thức của chủ lồng.

Trước khi chưa hiểu rõ tình huống, Văn Thời không muốn tự tìm rắc rối cho bản thân.

Chiếc giường kiểu cũ, bốn chân rất cao, ga giường bằng vải lông sẫm màu phủ xuống bốn góc, giống như tấm màn che chắn kín gầm giường.

Văn Thời ngồi bên trong chờ đứa bé cầm cuộn bông rời đi.

Nhưng căn phòng vô cùng tĩnh lặng, từ đầu tới cuối không vang lên tiếng dép lê “loẹt xoẹt”.

Văn Thời đợi một hồi, cảm thấy có gì đó sai sai.

Hắn chống tay xuống sàn nhà quay đầu lại, lập tức thấy đôi mắt to tròn của thằng bé. Không biết nó bò xuống gầm giường từ khi nào, cứ thế ngồi chồm hổm ở sau lưng Văn Thời nhìn hắn không chớp mắt: “Tớ thấy cậu rồi nha.”

“……..”

25 năm chưa làm lại nghề cũ, Văn Thời thở dài, ngoảnh đầu định bò ra khỏi gầm giường.

Bản lĩnh của hắn thì nhanh nhẹn thật, nhưng mẹ nó tay đã ngắn chân còn ngắn hơn, thế là ngã sml ở trong gầm giường! Mắt thấy thằng bé vươn tay, hắn vội với lấy chân giường mượn lực trượt vào gầm tủ búp bê.

Chỗ này vừa thấp vừa chật, thằng nhóc kia không chui vào được.

Hắn nhìn thằng nhóc nằm bò trên sàn nhà, ngón tay màu trắng theo khe hở bắt đầu lần mò, càng mò càng nhanh.

Móng tay của nó không dài nhưng cọ lên sàn nhà kêu ken két, vụn gỗ bắn tung tóe khắp nơi, có vài mẩu dằm đâm vào thịt, tuy nhiên nó như thể không biết đau, chỉ một lòng muốn bắt bằng được con búp bê Văn Thời.

Cho tới khi dưới tầng vang lên một loạt tiếng động ồn ào, không biết xảy ra chuyện gì.

Cụ già kêu một tiếng, đứa bé trai mới dừng tay lại.

Như thể chưa từng xảy ra chuyện ban nãy, nó đứng dậy đi ra cửa xỏ dép, tiếp đến chạy vào tìm kiếm cuộn bông trong ngăn kéo, sau đó gọi “ông ơi” rồi hối hả xuống tầng.

Văn Thời dưới kệ tủ bị lãng quên.

Hắn đợi một lúc mới bò ra khỏi gầm tủ.

Đứa bé rời đi khá vội vàng nên quên đóng cửa phòng. Văn Thời nhân cơ hội đi ra, ló đầu nhìn xuống từ lan can cầu thang.

Cách trang trí trong nhà rất truyền thống, giữa phòng khách dưới tầng đặt một bộ bàn ghế bát tiên, trên bàn bày đủ một đống tay chân rời rạc của rối gỗ, dùi đục lỗ và bông gòn rải rác.

Con rối Hạ Tiều nằm ngay bên cạnh bàn, chắc hẳn vừa nãy đôi ông cháu kia đang làm rối gỗ ở đấy nhưng hiện giờ không thấy người đâu.

Văn Thời bước xuống mấy bậc thang, phát hiện bọn họ đang quét mảnh thủy tinh trong góc giống như đánh vỡ thứ gì đó.

Hai ông cháu dọn dẹp nửa ngày mới xong, sau đó quay về ngồi bên bàn bát tiên.

Cụ già cầm cơ thể rối gỗ chỉ vào vị trí giữa lưng nói với cháu trai: “Sợi dây đầu tiên nhất định phải xỏ qua đây, chỗ khác không được.”

“Vì sao ạ?” Đứa bé hỏi.

Ông ta vân vê sợi dây nói: “Không phải ông từng giảng cho cháu rồi à, trước đây có vài người rất lợi hại, làm ra rối gỗ rất linh, giống y đúc người thật.”

Đứa bé lúc này giống hệt như những đứa trẻ bình thường, nó hỏi: Giống hệt thật hả ông? Như mấy con trong phòng con ạ?”

Khoảnh khắc đó cụ già tựa như muốn nói điều gì, nhưng cuối cùng lại thôi, ông ta cứ ngồi im, không biết là đang bần thần hay đắn đo chuyện gì.

Lát sau ông ta bảo: “Dọa con thôi, phải cực kỳ lợi hại mới được.”

Chuyện này Văn Thời là người hiểu nhất.

Trong thuật con rối, người mới nhập môn chỉ có thể làm ra những con vật mua vui như chó mèo chim thỏ vân vân, kiên trì nhiều lắm khoảng một hai phút là hết tác dụng.

Còn người tinh thông như bọn Thẩm Kiều có thể tạo ra nhiều thứ hơn, già trẻ gái trai hay muôn thú đều có thể dễ dàng điều khiển.

Người càng lợi hại thì thời gian “sống” của con rối càng lâu.

Nhưng đa số chỉ có thể kiên trì mười ngày nửa tháng, người có thể giữ trong khoảng thời gian dài hơn thường chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Văn Thời cũng được tính là một trong những kẻ “đếm trên đầu ngón tay”, mỗi tội hắn thiếu linh tướng nên phải chịu khá nhiều hạn chế.

Đứa bé trai vẫn tò mò hỏi: “Ông còn chưa giải thích vì sao không thể xỏ dây vào chỗ khác trước?” 

Ông cụ hù dọa nó: “Bởi vì chỗ này rất quan trọng, nếu không xỏ chỗ này thì con rối sẽ sống dậy.”

Bé trai “à” một tiếng.

Văn Thời không biết ông già nghe được chuyện này từ đâu nhưng đúng là vậy thật. Tất cả vị trí trái tim của con rối đều có một ấn ký, đa số là khôi lỗi sư tự đánh dấu, giống như họa sĩ đóng con dấu lên phần đề chữ trên bức vẽ.

Nếu như muốn phá hỏng con rối của khôi lỗi sư khác thì xuyên một sợi dây qua ngực là được.

Thật ra là cùng một quy luật với con người.

Nhưng khi lưu truyền trong dân gian, mấy lời này liền biến thành đủ loại kiêng kỵ kì quái như ông cụ nói.

Văn Thời nghe một chốc đâm ra chán, thế nên đi dạo một vòng trên tầng.

Hắn định đi tìm Tạ Vấn, nhưng chạy khắp tầng hai cũng không thấy bóng dáng anh ta, lại không thể trực tiếp gọi tên nên đành từ bỏ, trốn trong góc phòng chứa đồ chờ tới nửa đêm.

Thời gian trong lồng trôi qua rất nhanh, chẳng mấy chốc trời đã tối mịt.

Căn nhà này trơ trọi trong núi cách biệt với đời, ban đêm càng tĩnh lặng chẳng khác gì một căn nhà bị bỏ hoang nhiều năm.

Cửa phòng bé trai khép hờ, bên trong im ắng tĩnh lặng đến mức không nghe thấy cả tiếng hít thở.

Văn Thời lẳng lặng bước qua, dọc theo cầu thang đi xuống tầng một, phòng ngủ của ông cụ nằm ở tầng này.

Cả buổi sáng, ngoại trừ lúc đi tìm Tạ Vấn thì hắn đều quan sát hai ông cháu. Đây là lồng của ông cụ, hắn đoán được sơ sơ khúc mắc của ông cụ có liên quan tới đứa cháu trai, nhưng cụ thể là gì thì chưa rõ.

Hắn định tranh thủ đêm tối lẻn vào phòng ông cụ nhìn xem.

Lúc đi ngang qua phòng khách, Văn Thời nghe thấy một giọng nói thều thào, nhẹ như hồn ma bóng quế: “Anh ơi…anh….”

“Anh, em nè, quay đầu nhìn em đi….”

Văn Thời: “……”

Hắn lần theo giọng nói đi tới bộ bàn ghế bát tiên kia, thấy Hạ Tiều đang nằm chèo queo trên ghế.

“Anh đi đâu thế?” Hạ Tiều khẽ hỏi.

“Vào phòng ông cụ xem thử.” Văn Thời đáp rồi hỏi lại cậu: “Cậu thấy Tạ Vấn đâu không?”

“Không ạ, anh ta không ở trong đống búp bê đó à?”

Văn Thời nói: “Không có.”

Hạ Tiều: “Thế người ở đâu?”

Văn Thời: “Có quỷ mới biết.”

Chắc không phải đưa hai người bọn họ vào xong bản thân lại không vào được đấy chứ?

Văn Thời đắn đo suy nghĩ, với cái trình độ gà mờ của Tạ Vấn thì có khi thế thật.

Thật ra trình độ của phán quan có thể đoán được khi họ đi vào tâm lồng. Cách đơn giản là bám vào con rối, ảnh chụp như bọn họ, phức tạp hơn một chút thì bám vào gương, tiếp đó là bức tranh. Còn mấy thứ khác….càng không giống người sẽ càng khó, càng khống chế được nhiều đồ vật thì càng lợi hại.

Khoảng thời gian ở trạng thái tốt nhất của Văn Thời, hắn thậm chí có thể khống chế toàn bộ tâm lồng.

Nhưng đó là đã từng.

Có Văn Thời ở đây, Hạ Tiều cuối cùng cũng dám nhúc nhích.

Cậu ngọ nguậy ngã khỏi ghế, vừa xiêu xiêu vẹo vẹo cố đứng thẳng vừa thầm thì: “Cẩn thận cẩn thận…..không được phát ra tiếng ồn.”

Văn Thời nghe thấy mà cạn lời, “Không tới mức khoa trương thế đâu.”

“Cần chứ.” Hạ Tiều xách váy nghiêm túc nói: “Mấy thứ trong nhà này mẫn cảm ghê lắm, lỡ đụng vào xíu thôi là vỡ tan tành ngay, cái ấm trà pha lê hồi chiều đột nhiên vỡ đó anh.”

“Ấm trà?”  Văn Thời sửng sốt, chợt nhớ ra buổi chiều khi thằng nhóc kia định bắt mình, ông cụ dưới tầng không cẩn thận đánh vỡ thứ gì đó.

“Cậu bảo ấm trà đột nhiên rơi vỡ?”

“Vâng!”

Văn Thời buồn bực đang định hỏi lại hai câu, khóe mắt đột nhiên xuất hiện một bóng người màu trắng.

Hắn lập tức ngừng cuộc trò chuyện quay đầu nhìn sang, thấy đó là một tấm gương lớn đặt chếch ngay cạnh cửa phòng ngủ ông cụ. Bóng người lặng lẽ đứng thẳng vừa rồi ở ngay trong gương.

Hạ Tiều không dám nhúc nhích.

Văn Thời nhấc chân đi qua, hắn đi tới trước tấm gương vươn tay chạm lên mặt kính, định thử xem bên trong có gì cổ quái hay không.

Bỗng nhiên giọng điệu cười cợt của Tạ Vấn vang lên ngay trước mặt: “Đừng dí gần như vậy, cặp mắt to tròn trong veo như thủy tinh của cậu dọa người ta sợ lắm đó.”

Văn Thời: “…..”

Mả cha mày…..

Hắn lùi về sau một bước, đang định chửi thành tiếng thì thấy được chính mình trong gương.

Đôi mắt của búp bê Tây Dương vừa to vừa tròn, lông mi dài cong lên, sóng sánh như nước, cộng thêm cái quần yếm…..

Hắn nhìn còn sợ bỏ mẹ.

Sợ được hai giây thì tỉnh táo nhận ra…..

Thằng khốn Tạ Vấn này đưa được bản thân vào gương mà lại đi nhét bọn họ vào búp bê, mẹ mày làm người đéo ai làm thế???

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN