[Pháp Y Tần Minh Hệ Liệt] Người Giải Mã Tử Thi
Chương 12-2: Vụ án thứ mười hai – Mảnh xác chốn núi hoang Phần 2
*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Cảnh báo trước khi đọc: Đây là phần mô tả rất chi tiết việc giải phẫu thi thể, một số hình minh họa sẽ được đặt ở cuối để ai muốn xem thì xem, ai sợ quá không muốn xem thì có thể tự động bỏ qua. Hai bức hình đầu chỉ là hình quần áo bình thường nên vẫn đủ khoảng cách để ai chạy còn kịp. Tuy nhiên phần chữ cũng đủ làm nhiều thứ muốn trào ra rồi, chế nào đang ăn và có trí tưởng tượng đặc biệt phong phú thì nên cân nhắc thật kỹ trước khi đọc. Nếu các chế đã quyết tâm bỏ qua cảnh báo, vậy hãy tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình =))))) Dù thế nào thì em cũng đã hi sinh bản thân, đối mặt với chữ nghĩa và hình minh họa, mà thực ra hình minh họa không ghê lắm đâu, chỉ là hình dùng trong y học thôi, ban đầu bí quá em còn định dùng hình trong ẩm thực học =)))))))) Hãy thương tâm hồn bé nhỏ này, giờ là 2 giờ đêm thứ bảy, lúc tối em còn vừa ăn lòng nướng huhu =)))))))))
Sau khi ăn cơm tối, chúng tôi đến phòng lưu giữ vật chứng của Cục công an huyện. Kỹ thuật viên ở đây rõ ràng đã tốn nhiều công sức với quần áo của người chết. Họ cầm ra hai túi nhựa, bên trong toàn là những mảnh quần áo nhỏ. Trên thi thể không thể bám nhiều mảnh nhỏ như vậy, những mảnh này đều do kỹ thuật viên cẩn thận thu thập trên quãng đường từ bãi tha ma đến tận nơi tìm thấy thi thể.
Sư phụ và tôi lại chơi trò ghép hình. Chúng tôi ngồi xổm dưới đất, cố gắng hết sức ghép từng mảnh quần áo lại với nhau. Quần áo của người chết nhanh chóng dẫn ra đầu mối.
Xem xét quần áo của nạn nhân, tính từ trên trở xuống, phần ngực bụng bị rách nhiều nhất, những vị trí này không thể chắp nối hoàn chỉnh do không thể tìm được hết mảnh rách. Chỉ có hai cánh tay và sau lưng là còn hoàn chỉnh, không bị xé nát. Theo những gì chúng tôi chắp nối được, cơ bản có thể kết luận rằng: Vào thời điểm người này tử vong có mặc quần lót viền ren màu đen, áo lót màu vàng, bên trong mặc quần bông và áo bông dày màu xanh lam, quần ngoài màu đen, thân trên mặc áo len mỏng màu xanh lá thêu hoa đen, chân đi tất trắng và đi giày vải màu vàng.
“Các cậu cho rằng những thứ quần áo này không có giá trị phá án phải không?” Trong phòng mở điều hòa rất ấm, khiến sư phụ phải vừa lau mồ hôi trên trán vừa hỏi.
Mấy anh kỹ thuật viên mù mờ lắc đầu.
“Tôi cảm thấy chúng rất có giá trị.” Sư phụ cẩn thận nhìn từng thứ áo quần, nói: “Thứ nhất, từ quần áo có thể thấy đây là một cô gái trẻ.”
“Chuyện này chúng tôi đã suy đoán từ liên hợp xương mu, người đó là một cô gái khoảng 27 tuổi.” Bác sĩ Lý tỏ ra rất thất vọng với suy đoán của sư phụ, bèn vội vã cắt lời thầy.
Sư phụ không quan tâm chuyện bị bác sĩ Lý ngắt lời, nói tiếp: “Thứ hai, hãy nhìn chỗ này.”
Chúng tôi chụm đầu vào xem, thấy sư phụ ghép hai mảnh nhỏ lại, hiện rõ nhãn hiệu “OLAER”. Mảnh này có thể nằm ở đoạn chốt mở áo lót, nói cách khác, đây là mác áo lót. Giờ các anh đi tìm hiểu thử xem loại áo ngực này hay được tiêu thụ ở khu vực nào.”
Đây là một cách tìm kiếm nguồn gốc thi thể, chính là xác định phạm vi tiêu dùng từ đó khoanh vùng nơi người chết sinh sống. Điều tra viên đứng bên cạnh liền gật đầu.
“Thứ ba, người chết hẳn là sống tại nông thôn. Tuy rằng kiểu dáng quần áo tương đối mốt, nhưng mặc cùng với nhau lại không hợp.”
Tôi bội phục sư phụ sát đất, đàn ông trung niên hơn bốn mươi tuổi còn am hiểu thời trang như vậy, còn biết hợp hay không nữa.
Sư phụ nói tiếp: “Quan trọng là quần áo của người chết đều là nhãn hiệu tạp nham, chất lượng kém, chứng tỏ cô ấy cũng không có điều kiện tài chính. Đặc biệt cần chú ý đến đôi giày vải, chúng không phù hợp với độ tuổi của nạn nhân. Nhưng nếu cô ấy sống ở nông thôn thì việc đi giày vải lại rất bình thường, vì so với các loại giày khác, giày vải là loại tiện đi đường mòn trên núi hơn cả.
“Thứ tư,” sư phụ nói, “Hung thủ đã lưu giữ xác một thời gian.”
“Giữ xác?” Suy đoán này khiến chúng tôi cảm thấy hơi bất ngờ.
“Đúng vậy. Khi nghe nói thi thể đã phân hủy mạnh, tôi liền thấy rất kỳ quái. Bây giờ nhiệt độ thấp nhất trong núi có thể đạt dưới 10ºC, nấm mồ này được phát hiện vào ngày 10 tháng 12, thi thể được tìm thấy vào ngày 18 tháng 12. Chỉ trong tám ngày ngắn ngủi, với nhiệt độ như vậy thì không thể xuất hiện hiện tượng phân hủy mạnh.” Sư phụ nói, “Thế nên người này hẳn là chết được khoảng một tháng rưỡi mới bị di dời thi thể, hung thủ vốn định chôn xác cô ấy, nhưng lại bị thú hoang lôi ra từ nấm mồ đào đắp qua loa.”
“Chết được một tháng rưỡi ấy ạ? Có thể dựa vào độ phân hủy của thi thể mà suy đoán thời gian tử vong chính xác đến thế sao?” Tôi đưa ra nghi vấn.
“Căn cứ vào trạng thái quần áo của cô ấy, tôi càng thêm khẳng định rằng hung thủ đã lưu giữ thi thể trong một khoảng thời gian.” Sư phụ nói, “Mặc quần áo như vậy căn bản không thể chịu đựng được mùa đông lạnh giá. Mùa đông ở vùng núi này bắt đầu từ cuối tháng 10, cho nên vào tháng 10 hẳn là sẽ mặc kiểu quần áo đó. Tính ra từ lúc chết đến lúc được phát hiện là khoảng một tháng rưỡi.”
“Hung thủ đặt thi thể trong nhà hắn sao?” Tôi kinh ngạc nói, “Có biến thái quá không?”
“Có lẽ không phải đặt trong nhà.” Sư phụ nói, “Sở dĩ vùng này lạnh là vì có gió lớn, dù trong phòng không có hệ thống sưởi thì nhiệt độ cũng cao hơn bên ngoài rất nhiều. Thi thể sẽ phân hủy mạnh hơn nữa nếu đặt trong phòng với khoảng thời gian lâu như vậy. Tức là rất có thể hung thủ giấu thi thể ở bên ngoài, như vườn nhà chẳng hạn. Bởi vì qua thời gian dài, thi thể thối rữa, mùi thối dần trở nên nồng nặc, hung thủ biết không thể giấu ở nhà mình nên mới mang ra chỗ khác chôn.”
“Nhưng suy đoán này có tác dụng gì với việc điều tra?” Tôi nghĩ việc hung thủ có giấu xác hay không cũng chẳng giúp chúng tôi khắc họa được kẻ bị tình nghi.
“Việc đó có tác dụng với điều tra phá án hay không thì phải tổng hợp với kết quả khám nghiệm tử thi ngày mai.” Sư phụ nói, “Quan trọng là tìm ra nguyên nhân tử vong, cộng thêm quá trình giữ xác, có khả năng trợ giúp được công tác phá án.”
“Nguyên nhân tử vong kết hợp với quá trình giữ xác? Phải suy đoán thế nào đây?” Tôi nghĩ nát óc vẫn chẳng ra.
Sư phụ cười, không trả lời câu hỏi của tôi. Thầy cầm chiếc áo len màu xanh lá của nạn nhân lên nhìn kỹ. Phần áo phía trước hoàn toàn bị xé nát, cơ bản không thu thập được mảnh rời nào, bề mặt xung quanh nhuốm đầy máu, nhưng sau lưng áo lại vô cùng nguyên vẹn, khiến cho chiếc áo trông như kiểu áo cài cúc đằng trước.
Sư phụ chỉ một lỗ thủng đằng sau lưng, nói: “Giờ tôi nói đến điều thứ năm. Thứ năm, các anh thấy lỗ thủng này thế nào?”
Tôi nhìn lại gần, nói: “Cái này chắc không có giá trị gì, nửa cái áo đã bị xé nát, sau lưng có lỗ thủng thì nói lên điều gì chứ?”
Sư phụ lắc đầu, “Thứ nhất, quanh chỗ quần áo bị xé nát đều nhuốm máu, hẳn là máu chảy ra khi thú hoang cắn xé thi thể. Nhưng lỗ thủng sau lưng này không có máu, hơn nữa vị trí rất riêng biệt, có lẽ không phải do thú hoang cắn. Thứ hai, nhìn phần rìa của lỗ thủng đi.”
Sư phụ đưa kính lúp của thầy cho tôi. Tôi dùng nó nhìn thật kỹ lỗ thủng, nói: “Bề mặt vết rách không phẳng, còn… a, là rỉ sắt!” Hóa ra xung quanh lỗ thủng bám đầy rỉ sắt.
“Đúng vậy, một lỗ thủng còn mới, xung quanh dính toàn rỉ sắt, chắc là lỗ thủng này bị đinh móc phải, hơn nữa còn là mới móc vào chưa quá lâu.”
“Điều đó có ý nghĩa gì ạ?” Tôi hỏi.
“Hiện giờ vẫn chưa có ý nghĩa. Nhưng phải nhớ kỹ vấn đề này, có khi về sau lại cần dùng.”
Một hai ba bốn năm, lên núi nắm con hổ[1]. Sư phụ chỉ cần xem xét quần áo đã đưa ra được năm điểm suy đoán. Dù không thể liên kết năm suy đoán này lại với nhau, cũng chẳng thể tạo nên suy đoán nào có giá trị, nhưng lại củng cố thêm niềm tin phá được án rồi về quê ăn Tết.
Ngủ một giấc ngon lành, ngày hôm sau chúng tôi chạy xe đến nhà xác Thu Lĩnh, bắt đầu tiến hành khám nghiệm từ thi.
Từ đêm qua thi thể đã được bỏ ra khỏi tủ để rã đông. Nhà xác Thu Lĩnh có phòng giải phẫu pháp y đạt chuẩn, trong phòng được trang bị quạt thông gió và điều hòa tân tiến, có tác dụng làm tan đá, khử mùi hôi thối rất hiệu quả. Nhưng khi bác sĩ Lý lấy chìa khóa mở cửa phòng giải phẫu ra, chúng tôi vẫn bị một luồng mùi tanh thối xông cho gần chết.
Tôi day day mũi theo bản năng, đưa mắt nhìn bàn giải phẫu.
Trên bàn giải phẫu là một đống gì đó đen thùi lùi, đứng ở cửa không thể nhìn ra được. Sư phụ lôi tôi đến gần mới nhìn rõ.
Vừa trông thấy, toàn thân tôi đã nổi da gà.
Kì thật nếu đó là một bộ xương khô hoặc một thi thể thối rữa mạnh thì tôi lại chẳng sợ lắm. Điều đáng sợ đó là loại nửa xương trắng nửa thịt thối như thế này. Cỗ thi thể khiến người ta không đành lòng nhìn.
Quần áo bám trên thi thể đã bị cắt xuống, chỉ còn lại một cái xác trần trụi, nửa thịt nửa xương. Phần mềm ở nửa người dưới mất gần hết, xương đùi trắng hếu được đèn mổ chiếu vào trông thật u ám đáng sợ, một ít cơ thịt vẫn bám ở bắp đùi nhìn cực kỳ nhức mắt. Phần đầu cũng đã thành xương trắng, trong hốc mắt đen ngòm có thể thấy tròng mắt khô quắt. Hàm răng trên dưới trơ không khốc, vì chẳng còn cơ thịt níu giữ mà ngoác ra như đang thét gào vì một sinh mệnh đã chết.
Đỉnh chóp sọ có một lỗ hổng lớn, cái đầu có vẻ thiếu mất một phần ba. Xung quanh lỗ hổng có những đường gãy xương tỏa ra như tia nắng mặt trời, từ lỗ hổng có thể thấy bên trong hoàn toàn không còn não, quanh lỗ hổng dính những mảnh màng não cứng vỡ nát.
Phần mềm ở cánh tay còn nguyên vẹn, nhưng phân hủy trương phình to đến gấp đôi cánh tay người thường, dưới ánh đèn chỉ thấy đen đúa lại ánh lên màu xanh, tĩnh mạch hiện rõ dưới da, trông như mạng nhện thô to chằng chịt màu xanh đen. Phần mềm sau lưng cũng còn nguyên, nhưng toàn bộ phần mềm trước ngực bụng gần như mất hết, có vẻ là do thú hoang cắn xé tạo thành tổn thương sau khi chết, nhìn rõ được thành bụng bên trong. Thi thể từng được giải phẫu, xương ngực đã bị tháo rời, che lên lồng ngực như một cái nắp đậy. Ngực bên phải còn nửa bầu vú, máu me nhầy nhụa rũ trên lồng ngực. Khoang bụng thiếu phần mềm thành bụng và màng bao nội tạng, phần còn lại nằm ngổn ngang trong khoang bụng. Một đoạn ruột còn vắt hẳn ra bên ngoài thi thể.
“Lúc đầu ở hiện trường trông nội tạng cũng thế này à?” Sư phụ hỏi.
“Đúng vậy.” Bác sĩ Lý nói, “Nhìn hiện trường chỉ muốn lộn mửa, lúc chúng tôi lôi từ lùm cây ra, thi thể bị lật úp người xuống, ruột gan bên trong văng hết ra ngoài như hất bát cơm, mất đến nửa ngày mới gom được hết nội tạng vào khoang bụng, sau đó đặt vào túi đựng thi thể mang về.”
“Các anh giải phẫu thi thể rồi à?”
“Có cần mổ xẻ gì đâu.” Bác sĩ Lý đáp, “Trừ mở lồng ngực, còn lại khoang bụng cũng chẳng cần mổ, nội tạng bày hết ra đấy rồi. Chúng tôi cũng đã nhìn phần sọ não, hẳn là bị thú hoang cắn xé, não không còn, cũng chẳng cần mở sọ làm gì.”
“Còn lưng?” Sư phụ hỏi, “Phần mềm trên lưng vẫn còn nguyên đó thôi.”
“Lưng à?” Bác sỹ Lý lắc đầu, “Phương pháp giải phẫu thông thường đâu có giải phẫu phần lưng. Mà xem xét phần lưng cũng chẳng thấy gì.”
“Sao anh biết là không có gì?” Sư phụ nói, “Phương pháp thông thường đúng là không có phần lưng, nhưng thi thể này đã chẳng còn gì để khám nghiệm, vậy tại sao không giải phẫu lưng? Biết đâu lại có phát hiện mới thì sao?”
Bác sỹ Lý không nói gì, nhưng có thể thấy anh ta không phục lắm.
“Chúng ta xem phần lưng trước đi đã.” Sư phụ nói xong, liền dùng màng bọc nilon bọc lấy phần bụng khuyết thiếu, phòng ngừa nội tạng lại rơi lòng thòng ra bên ngoài. Sau đó chúng tôi hợp lực lật thi thể lại, để nó nằm sấp xuống.
Do đã bị phân hủy mạnh, lại qua quá trình đông lạnh và rã đông, hiện giờ phần lưng nhìn ướt rượt, có thể thấy rõ những bọc khí thối rữa. Chúng tôi cẩn thận cắt mảng da lưng, tách cơ thang và cơ lưng rộng. Đột nhiên chúng tôi phát hiện được một vệt đỏ rất rõ ràng vắt từ vai trái sang vai phải.
Sư phụ nhìn kỹ dấu vết khắc sâu vào cơ thịt trên lưng này, quay đầu ra sau nói với bác sĩ Lý: “Chẳng phải anh khẳng định rằng không tìm được gì sao?”
“Đây là cái gì ạ?” Tôi hỏi.
“Đây là xuất huyết sâu vào cơ thịt, chứng tỏ người này khi còn sống bị đè một lực mạnh vào đằng trước, đằng sau tì vào một vật gì đó, dẫn đến hình thành hiện tượng xuất huyết như vậy.”
“Cũng chẳng nói lên điều gì đúng không?” Bác sỹ Lý nói.
“Các anh nhìn kỹ, vết xuất huyết này rất thẳng, không gấp khúc, không có sự thay đổi màu sắc, chứng tỏ vật bị tì lên là một vật không gồ ghề.” Sư phụ nói, “Tức là chứng minh dấu vết này xuất hiện khi người chết bị đè lên một vật có mép thẳng.”
“Là cưỡng hiếp ư?” Bác sỹ Lý hỏi.
“Tại sao cứ phải là cưỡng hiếp?” Sư phụ nhíu mày, “Quần áo của người này vẫn hoàn chỉnh, không có dấu hiệu cũng như căn cứ để cho rằng đó là cưỡng hiếp. Nếu chặn, bóp, khống chế từ phía trước mặt thì vẫn có thể đè lực xuống đúng chứ?”
“Nhưng người này không có triệu chứng ngạt thở.” Bác sĩ Lý nói.
“Không có triệu chứng ngạt thở chứng tỏ nạn nhân không bị bóp chết, nhưng không chứng minh rằng cô ấy không bị chặn giữ.” Sư phụ sửa lại lỗi logic của bác sĩ Lý.
Bác sĩ Lý nhún vai, “Được thôi, cứ cho là bị chặn, vậy có thể giải thích điều gì?”
“Vật có mép thẳng ví dụ như tủ, giường, bàn.” Sư phụ nói tiếp, “Đây đều là vật dụng trong nhà. Nếu ở trong rừng sâu núi cả thì chỉ có đá tảng gồ ghề. Chứng tỏ người này bị tấn công trong nhà, chứ không phải bị cướp hại trên đường.”
Tôi cảm thấy phân tích này của sư phụ rất quan trọng, nạn nhân bị làm hại ở trong nhà, cũng có nghĩa là cô ấy và hung thủ có quan hệ. Nhưng bác sỹ Lý không cho là đúng, anh ta lắc đầu, tỏ vẻ chẳng hứng thú với phân tích này.
Giải phẫu lưng xong, chúng tôi lật thi thể lại, dùng gạc lau đi máu dính trên thi thể.
“Vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân tử vong hả?” Sư phụ vừa nói vừa lấy gạc lau khu vực xung quanh lỗ hổng trên xương sọ.
“Vẫn chưa, nội tạng không bị tổn thương, có thể thấy phần mềm cũng vậy. Xương móng trong họng không gãy, triệu chứng ngạt thở không quá rõ ràng. Cho nên chúng tôi không có cách nào suy đoán được nguyên nhân tử vong.” Bác sỹ Lý nói, “Nhưng không rõ nguyên nhân tử vong cũng không phải vấn đề. Với điều kiện thi thể như thế, không tìm ra cũng là bình thường.”
Sư phụ nhíu chặt mày, rõ ràng rất khó chịu với lời lấp liếm của bác sỹ Lý. Thầy lau màng xương một lúc rồi nói, “Tại sao không phải là chấn thương sọ não dẫn đến tử vong?”
“Da đầu không còn, não cũng mất, màng não cứng chỉ còn mảnh nhỏ, nhìn qua những mảnh đó thấy không có máu đọng. Chúng tôi không khẳng định là không phải chấn thương sọ não, nhưng cũng không có căn cứ phán đoán là chấn thương sọ não.” Bác sỹ Lý đáp.
“Sao lại không có căn cứ?” Sư phụ chỉ vào lỗ hổng trên xương sọ, “Trên xương sọ có vết gãy vỡ lớn như vậy, chẳng lẽ không thể dẫn đến cái chết?”
“Vết gãy này không chứng minh được gì mới phải chứ?” Bác sỹ Lý nói, “Chúng tôi cho rằng đó là do thú hoang cắn vỡ xương sọ.”
“Thú dữ đúng là có khả năng cắn vỡ xương sọ cứng rắn.” Sư phụ đáp, “Nhưng trung tâm những vết nứt vỡ này nằm ở đỉnh chóp. Tức là điểm lực nằm ở đỉnh đầu, đối xứng với đỉnh đầu là cổ, anh nói xem thú hoang cắn như thế nào? Trong trường hợp cắn vỡ sọ thường thấy nhất, hàm trên của thú dữ đặt ở một bên như phần trán, phần sau đầu, phần thái dương… còn hàm dưới đặt ở bên đối xứng, như vậy mới có thế cắn xuống được. Nhưng nếu một hàm đã đặt trên đỉnh đầu, vậy hàm còn lại đặt ở đâu? Cắn như thế nào?”
Lý thuyết này nghe quá phức tạp, không dễ giải thích rõ ràng, nên sư phụ nắm tay trái lại làm xương sọ, tay phải giả làm miệng thú dữ mà diễn tả.
Nhìn khuôn mặt mờ mịt của bác sỹ Lý, tôi biết anh ta nghe cũng không hiểu.
Sư phụ lại chỉ tiếp vào những đường gãy xương tỏa ra xung quanh lỗ hổng trên xương sọ, “Ngoài ra, ở chỗ xương sọ bị thiếu này hẳn là xương đã bị dập nát, sau đó da đầu mất hết khiến cho những mảnh xương này rơi ra. Nếu như bị răng cắn thì làm sao có đường nứt vỡ tỏa ra như vậy? Loại nứt vỡ này chỉ thường thấy khi bị vậy tày đánh trực tiếp, lực truyền ra xung quanh dẫn đến nứt vỡ kiểu đó.”
Bác sỹ Lý hiểu được những lý thuyết này, tỏ ra rất xấu hổ. Nghe sư phụ nói vậy, tôi thấy suy đoán bị thú hoang cắn của bọn họ thật nực cười.
[1] “Một hai ba bốn năm, lên núi nắm con hổ” là lời một ca khúc thiếu nhi tên là “Bài ca năm ngón tay”. Ở đây cũng có nghĩa chơi chữ vì đội pháp y đi vào vùng núi tìm bắt hung thủ.
Chú thích hình ảnh:
Bộ quàn áo bông giữ ấm mùa đông trông như thế này, ở Việt Nam mình thì có vẻ chuộng xài quần hơn là áo, mặc vào mấy hôm đại hàn rất chi là ấm. Phải chú thích vì sợ các bạn miền Nam không cần mặc bao giờ sẽ khó liên tưởng.
Từ sâu thẳm trái tim chu đáo mình nghĩ rằng có thể sẽ có các anh đàn ông đọc bộ truyện này, nên đành phải tung hình mác áo lót để các anh dễ hiểu. Hãy có trái tim như mình =))))))))))
Đây là hình minh họa cho màng bao nội tạng, phần mềm trong thành bụng và phần ruột. Trong lĩnh vực ẩm thực, phần màng bao nội tạng có một cái tên khác, nhưng iem sẽ không nói, để nghệ thuật ẩm thực được trường tồn =)))))))))))
Hình minh họa cho cơ thang và cơ lưng rộng.
Hình minh họa xương móng (hyoid bone) trong cổ họng
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!