Phế Đô - Chương 31
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
106


Phế Đô


Chương 31


Nguyễn Tri Phi nói:

– Chị thảo hiền lương thiện như vậy, thì tôi xấu hổ không có chỗ nào mà dung thân được nữa!

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

– Anh không cần phải thế. Xét cho cùng cậu ta chỉ biết anh, nhưng lại là học trò của Trang Chi Điệp kia mà!

Nguyễn Tri Phi hỏi:

– Chi Điệp lại viết gì vậy? Chỉ ngồi ở nhà viết chẳng khác gì tu hành, viết bao nhiêu mới đủ hả? Chị cũng không tha anh ấy đến chỗ tôi xem ca múa cho vui, tôi còn có việc nhờ anh ấy đấy.

Ngưu Nguyệt Thanh lập tức bảo:

– Thật chứ, anh đến nhà gọi anh ấy đi xem ca múa nhé. Mấy hôm nay anh ấy đang chán nản, ngồi ở nhà thấy cái gì cũng trái mắt, anh em rủ nhau đi xem ca múa, có lẽ gỡ bỏ được buồn chán đấy.

Nguyễn Tri Phi được Ngưu Nguyệt Thanh gửi gắm và cũng có việc cần Trang Chi Điệp giúp, trước bữa cơm trưa hôm ấy, đã đánh xe đến đón Trang Chi Điệp ra khách sạn Đường Hoa ăn cơm, sau đó về phòng làm việc ở gác một của ngôi nhà của Nguyễn Tri Phi. Đây là ngôi nhà cỡ vừa, ba tầng. Đoàn ca múa của Nguyễn Tri Phi đã thuê nhiều năm. Tầng hai tầng ba bố trí nơi ở cho nhân viên đoàn ca múa. Gác một xây ba gian thông liền nhua làm nơi dàn dựng chương trình, mấy gian còn lại làm phòng làm việc và phòng khách tạm thời. Trong phòng làm việc, Nguyễn Tri Phi và Trang Chi Điệp đã uống mấy chén trà Tiên hào mây mù ba Sơn, Nguyễn Tri Phi liền hỏi chiều nya có muốn đi xem ca múa ở hội trường một nhà máy lớn ở ngọai ô phía đông không. Phi bảo, nhà máy lớn này có một sản phẩm được giải thưởng huy chương bạc ở thủ đô, trên tỉnh mở hội mừng công cho nhà máy. Đoàn ca múa của họ đến đây biểu diễn góp vui. Trang Chi Điệp hỏi biểu diễn chương trình gì, có phải lại những tiết mục đã xem hôm trước? Nguyễn Tri Phi bảo chương trình gần như thế, chỉ thay một vài diễn viên mới. Trang Chi Điệp liền gạt phắt ý định đi xem biểu diễn. Nguyễn Tri Phi liền vỗ tay bảo:

– Mình mong Điệp không đi! Chiều nay mình phải theo đoàn xuống nhà máy, Điệp cứ ở đây rượu ngon có người đưa đến, thuốc lá thơm hút thoải mái, Điệp phải giúp mình viết một luận văn.

Nguyễn Tri Phi liền nói rõ. Đoàn kịch cũ của anh hiện nay bình xét chức nắng,anh tuy xin nghỉ không ăn lương, đứng ra thành lập đoàn ca múa, nhưng đoàn ca múa lại không thể bình xét chức danh một cách nghiêm chỉnh, anh vẫn phải bình xét ở đơn vị cũ. Trang Chi Điệp hỏi:

– Như anh hiện nay, còn bình xét chức năng làm cóc gì?

Nguyễn Tri Phi đáp:

– Tiền cũng cần chức danh cũng cần. Chức danh cũng là danh phận mà! Xã hội bây giờ, quyền có thể chuyển đổi thành tiền, danh phận cũng có thể chuyển đổi thành tiền. Cũng giống như Trang Chi Điệp ấy, có đại danh rồi thì bài sẽ được đăng trên báo chí, được đăng rồi, chẳng phải sẽ có nhuận bút đó sao?

Trang Chi Điệp nói:

– Danh phận của tôi là do tôi viết văn mà có đấy chứ. Trong đoàn kịch, anh đã giữ chức danh gì?

Nguyễn Tri Phi đáp:

– Mình đã từng quản lý quần áo diễn viên. Chỉ riêng trang phục khử tẩy vết ố mồ hôi như thế nào, viết thành luận văn về điểm này, là có thể bình xét một chức cao. Điệp biết không, diễn viên trên sân khấu ra mồ hôi, diễn xong quần áo không thể giặt, thông thường bằng cách phun rượu lên để phơi khô đi, song phơi khô rồi thường có vết ố, quần áo lại bị nhăn, nhưng mình có một bí quyết: phun rượu xong gấp luôn cho vào hòm bỏ đấy,để rượu từ từ bốc hơi làm sạch vết ố mồ hôi.

Trang Chi Điệp cười bảo:

– Phải viết bí quyết này thành luận văn ấy ư? Tôi không viết nổi!

Nguyễn Tri Phi ngẩn người ra một lúc lâu mới bảo:

– Bí quyết, bí quyết, thật ra là nói rõ một chút xíu này a mà. Nhưng mù tịt không biết gì, thì mất đi hàng trăm đồng. Theo mình được biết, thì hiện nay trong cả nước, những người bảo quản quần áo không ai biết đến ngón này đâu.

Trang Chi Điệp nói:

– Vậy là việc anh xin đăng ký độc quyền.

Nguyễn Tri Phi bảo:

– Nếu bình xét về mặt quản lý quần áo không thành, thì mình bình xét về biểu diễn.

Trang Chi Điệp hỏi:

– Anh đã từng diễn những gì?

Nguyễn Tri Phi đáp:

– Chưa diễn gì, nhưng mình có những ngón kỹ thuật người khác không ai có, là ngón kỹ năng gia truyền, khi bố mình còn sống đã dạy mình, chỉ có điều sau đó đoàn kịch không chia vai diễn cho mình mà thôi. Ví dụ tròn diễn quạt, cái quạt kia không phải để quạt mát, mà có tác dụng đặc biệt, nó từ đạo cụ mà trở thành trình thức biểu diễn, diễn biến thqành một môn kỹ xảo nghệ thuật.

Trang Chi Điệp nóiL

– Có phải anh nói võ thì quạt bụng, văn thì quạt ngực, hoà thượng thì quạt ống tay, đạo thì quạt cổ áo, người già thì quạt râu, người mù thì quạt mắt, thầy giáo thì quạt ghế ngồi, vai hề thì giơ cánh tay bằng vai?

Nguyễn Tri Phi hỏi:

– Điệp cũng hiểu biết chuyện đó à?

Trang Chi Điệp đáp:

– Đây là kỹ thuật nhà nghề của anh ư?

Nguyễn Tri Phi hỏi:

– Điệp biết trò chơi quạt, biết luôn cả trò “thuỷ phái” chứ? Thế nào là “vươn”, thế nào là “tung”, thế nào là “mang”, thế nào là “tránh”, thế nào là “lượn”, thế nào là “xoay”, thế nào là “xông”?

Trang Chi Điệp đáp:

– Tôi không biết.

Nguyễn Tri Phi nói:

– Chắc chắn Điệp không biết. Càng không biết trò nhe nanh múa vuốt. Đừng nói Điệp không biết hiện nay trong giới Tần Xoang ở Tây Kinh hỏi có ai biết không nào? Tại sao không diễn “Chung Quỳ gả em gái”, “Sông ứ bùn”, “Phán âm tào”, không ai nắm được công của trò nhe nanh múa vuốt đâu mà!

Khỏi nói đến trò nhe nanh múa vuốt, ngay đến nghe, cũng là lần đầu tiên Trang Chi Điệp mới nghe nói đến cái tên đó. Anh hỏi:

– Thế anh biết chứ?

Nguyễn Tri Phi đáp:

– Đương nhiên biết chứ. Điệp viết luôn cho mình bài luận văn chơi trò nhe nanh múa vuốt như thế nào nhé? Được chứ?

Trang Chi Điệp đáp:

– Tôi chưa nhìn thấy bao giờ viết thế nào được? Cho dù anh chưa biểu diễn trên sân khấu, thì anh cứ chơi cho tôi xem một lượt, tôi chỉ việc ghi lại, có lẽ tài liệu này sẽ có ích cho việc bình xét chức năng của anh đấy!

Nguyễn Tri Phi bảo chơi trò này phải có cái răng lợn, biết tìm đâu ra bây giờ? Nhưng rồi ồ ồ vỗ tay lên trán, chạy về buồng ngủ của mình ở gác ba, cầm đến một tập giấy đã ngả vàng, bảo:

– Được rồi, được rồi,trong này viết các loại hình trò nhe nanh múa vuốt.

Trang Chi Điệp cầm lên xem thì ở trên có chữ, có hình của tranh vẽ, Nguyễn Tri Phi bảo:

– Đây là chữ bố mình viết ngày xưa, khi còn sống ông giữ kín không cho ai biết, chỉ giữ cho mình. Sao Điệp không viết lại hộ mình, coi như một luận văn hả? dứt khóat Điệp phải giúp mình việc này. Bây giờ Điệp nằm xuống đây ngủ một giấc, chiều nay phiền Điệp giúp cho, tối nay mình mời đi uống rượu mật rắn.

Trang Chi Điệp cười bảo:

– Tôi có thể giúp anh, nhưng Nguyễn Tri Phi nhà anh cũng là nhân vật có tiếng tăm trong thành Tây Kinh, thì ra là loại ma ngày giã chày gỗ như thế ư?

Nguyễn Tri Phi cũng cười bảo:

– Điệp viết văn cứ luôn luôn định lưu danh muôn thưở, còn mình không có dã tâm như Điệp, mình là con ma sống làm náo loạn sự trời, thành thì thành, không thành thì thôi, nếu mặc thì mặc áo da, không mặc thì cởi trần.

Buổi chiều, Nguyễn Tri Phi quả nhiên dẫn một đoàn diễn viên trai gái ăn mặc sặc sỡ đi biểu diễn. Trang Chi Điệp ngủ một giấc trở dậy viết lại tài liệu kỹ thuật trò chơi giơ nanh múa vuốt. Vốn lòng dạ để tận đẩu tận đâu, định gạt bỏ buồn phiền, nhưng đọc kỹ mấy tờ giấy ấy, lại cảm thấy thú vị vô cùng, đã biết được những bộ phận vận dụng chủ yếu của trò chơi giơ nanh múa vuốt, một là lưỡi hai là răng, ba là má, cần phải nắm vững một nhổ, hai điều chỉnh, ba khống chế. Phóng răng lại chia thành ghép góc trong hai răng và ghép góc giữa hai răng, loại hình của nó có răng cuốn lưỡi, răng chỉ mắt, răng so le đơn, răng cắm phẳng, răng gắn kép, răng sừng dê, răng ngà voi, răng hai móc câu, răng cánh yến đảo, răng yến song phi.

Khi chép xong tất cả, Nguyễn Tri Phi vẫn chưa về, liền một mình ra khỏi nhà, xuyên qua một con ngõ hẹp đi lang thang đến chợ rau gần đó. Chợ rau là nơi người đông nghìn nghịt, rất ồn ào bụi bặm. Trang Chi Điệp thơ thẩn bổ túc mắt một chầu, thì nhìn thấy một người bán than ở một góc đường đang nghĩ cách xếp chồng than cốc sao cho có nhiều khe hở, rồi từ từ kéo chiếc xe cải tiến đến cửa một hiệu phở cao giọng mặc cả với chủ hiệu đang hoà bột. Chủ hiệu đòi cân, người bán than cứ đòi bán cả một xe, chủ hiệu liền bước đến lắc mạnh càng xe, xe than bỗng xẹp xuống chỉ còn một nửa. Chủ hiệu đã làm hỏng chuyện cố ý xếp giả của người bán than, hai bên to tiếng cãi nhau, cãi chán thì ẩu đả. Kết quả bột mì trắng đã bắn lên khuôn mặt đen của người bán than, than đen đã bôi lên khuôn mặt trắng của chủ hiệu, mặt đen mặt trắng, cả hai khuôn mặt đều chảy máu. Trang Chi Điệp thấy chán ngán, bỗng nhiên cảm thấy người hơi lành lạnh, ngẩng đầu nhìn trời, thì ra mặt trời đã bị mây che lấp, hơn nữa mây kia đang cuồn cuộn kéo đến mỗi lúc đen kịt, có vẻ sắp mưa đến nơi. Trang Chi Điệp quay trở về, gió đã nổi lê, nhiều người trong chợ cũng tản đi khắp nơi. Trên ngã tư đầu ngõ càng hỗn loạn. Trang Chi Điệp liền nhìn thấy ở cạnh cửa hàng bán thịt ở đầu đường có một người phụ nữ đang cúi xuống chọn một bộ tim phổi lợn. Dáng người phụ nữ cao cao, thân hình mảnh dẻ, mặc một chiếc váy màu tím than, cái mông cúi xuống rất tròn trĩnh, mà sợ gió thổi tốc lên, đã kẹp gấu váy giữa hai chân, đôi chân đi giày cao gót, thon gầy như con hạc. Trang Chi Điệp thầm nghĩ: “Thông thường những người đàn bà xấu, khi cúi xuống mông đít chỉ là dạng củ ấu, còn những cái mông xinh xắn như thế này, chắc phải là loại đàn bà xinh đẹp. Nhưng thường những ai nhìn dáng đàng sau hấp dẫn, thì khuôn mặt lại đáng tiếc, không được vừa ý cho lắm, không biết người phụ nữ này thế nào?”. Trang Chi Điệp bước tới, quay đầu nhìn một cái, thì lại là vợ Uông Hy Miên, liền cười hì hì. Vợ Uông Hy Miên nghe thấy tiếng cười, cũng ngẩng đầu lên, lập tức lên tiếng:

– Điệp đấy à? Sao anh cũng ở đây? Anh nhìn thấy em trước rồi phải không?

Trang Chi Điệp đáp:

– Tôi đang bụng bảo dạ, đây là đàn bà con gái nhà nào, xinh đẹp như thế, mà phải đi mua phổi lợn về ăn, vậy thì ông chồng quả là đồ khốn bị cắm sừng, nào ngờ người tôi mắng lại là Uông Hy Miên.

Vợ Uông Hy Miên nói:

– Em mua cho mèo đấy, đâu có phải để cho người ăn! Lâu lắm không gặp anh, vừa rồi gặp mẹ của Mạnh Tẫn, chị ấy bảo anh bị đau chân, em định ngày mai đi thăm anh, nào ngờ anh đã đi khắp nơi, thì ra lời đồn không đúng.

Trang Chi Điệp nói:

– Có bị chân đau, nay đã khỏi rồi. Mạnh Tẫn là ai? Mẹ Mạnh Tẫn sao biết được tôi bị đau chân?

Vợ Uông Hy Miên đáp:

– Mạnh Tẫn là con trai của Mạnh Vân Phòng. Có thể cậu ta nghe bố nói rồi về nói lại với mẹ.

Trang Chi Điệp hỏi:

– Em có chuyện gì đến chỗ chị ấy? Chị ấy vẫn khoẻ chư?

Vợ Uông Hy Miên trả lời:

– Chỉ một hai câu không hết chuyện ấy.

Nói rồi nhận chỗ phổi tim lợn được người bán hàng gói tử tế, trả xong tiền quay lại bảo:

– Đến nhà em nhé? Hy Miên lại đi Quảng Châu, ở nhà chỉ có mẹ chồng và người giúp việc. Em sẽ gói vằn thắn cho anh ăn, em còn cho anh xem con mèo của em nữa.

Trang Chi Điệp nói:

– Tôi ở chỗ Nguyễn Tri Phi đang viết giùm anh ấy mấy thứ, anh ấy đi vắng chưa về, có đi cũng phải nói với anh ấy một tiếng.

Trong khi nói thì trên trời có một tiếng sấm chát chúa, hai người sợ giật nảy mình. Vợ Uông Hy Miên nói:

– Trời này sắp mưa đến nơi rồi, hạn hán cả một mùa hè, cũng nên mưa một trận chứ!

Trên chợ rau, người cuống cuồng như đàn ong, tìm đường ẩn náu. Vợ Uông Hy Miên phải lim dim mắt lại, bắt đầu nhổ bụi bay vào miệng. Trang Chi Điệp bảo:

– Trời sắp mưa rồi, chúng ta vào chỗ Tri Phi ngồi một lúc đã.

Vừa dứt lời thì những hạt mưa to bằng đồng xèng lộp bộp lào rào tuôn xuống. Hai người vội vã chạy vào con ngõ hẹp, như con mèo vươn mình tháo chạy trong làn mưa dày đặc như dệt cửi. Vợ Uông Hy Miên chạy chậm, Trang Chi Điệp sốt ruột đưa tay ra kéo. Người phụ nữ nhẹ quá dường như bị nhấc bổng. Vào đến phòng làm việc của ngôi nhà gác thì hai người ướt sũng như gà ngã xuống ao

Hai người ngồi trong nhà, tiếng sấm ở ngoài trời càng dồn dập, trời bỗng dưng tối sầm lại, cùng với ánh chớp sáng trắng ở ngoài cửa sổ, bóng tối trắng bệch ra, rồi lập tức đen như mực. Lại một tràng sấm dữ dội giáng xuống, dường như sấm đánh ngay trong sân nhà, cửa sổ và cửa chính rung lên bần bật, chợt nghe thấy có cái gi1 rơi xuống ở tường sân ngoài cửa sổ. Trang Chi Điệp định giật công tắc điện, lại sợ đường dây ở ngoài nhà dẫn sấm sét vào nên châm nửa cây nến trên bàn cháy lên rồi hỏi vợ Uông Hy Miên:

– Có sợ không?

Vợ Uông Hy Miên đáp:

– Có anh ở đây thì còn sợ gì. Rồng định đến bắt, thì bắt cả hai đi.

Vợ Uông Hy Miên nói rồi lấy khăn tay lau nước mưa trên đầu. Cái váy ướt hết, váy áo ướt dính vào người, mỏng và sáng như giấy đủ để nói cho Trang Chi Điệp biết tấm thân kia đang phập phồng, phập phồng. Trong khi Trang Chi Điệp nhìn mình, vợ Uông Hy Miên kéo kéo váy áo ướt dính trên người, nét mặt thèn thẹn ửng đỏ, sau đó ngồi dịch sát vào chỗ có ánh nến. Trang Chi Điệp chuyển sang chuyện khác, anh hỏi:

– Em vừa nói em đến chỗ mẹ của Mạnh Tẫn. Cuộc sống của chị ấy thế nào? Mấy năm nay tôi không gặp chị ấy?

Vợ Uông Hy Miên đáp:

– Đàn bà không có đàn ông là con cua không có càng. Mạnh Tẫn lại đã lớn, nghịch ngợm lắm, giống y hệt Mạnh Vân Phòng. Mấy hôm trước em gặp chị ấy trên phố, trông tiều tuỵ đáng thương lắm, hễ nói chuyện là khóc lóc. Em hỏi sao mấy năm rồi chị không tìm một người? Chị ấy lại khóc, bảo đàn bà góa bốn mươi tuổi, còn đi đâu tìm được đàn ông nữa, tuổi trẻ còn khó nữa là đã luống tuổi lại có con, một cháu Mạnh Tẫn còn quản chẳng nổi, thêm một đứa nữa, không hợp nhau, thân chẳng được, chửi chẳng được, càng thêm chuyện rắc rối với Mạnh Tẫn. Em đồng ý tìm giúp chị ấy một người, vừa may về nhà dò hỏi, ở cạnh nhà em có một người họ hàng, là kỹ sư, vợ mới chết năm kia, con cái đều công tác ở xa, há chẳng thich hợp hay sao? Hôm nay sẽ đi nói với chị ấy.

Trang Chi Điệp nói:

– Em tốt bụng thế. Chị ấy mũi hơi tẹt, gặp lần đầu cảm thấy hình thức kém một chút, không biết anh kỹ sư kia coi trọng dáng người hay coi trọng cuộc sống?

Vợ Uông Hy Miên nói:

– Không dám chắc được điều ấy. Khi anh kỹ sư gặp em, em cũng nói thế, anh ấy bảo hơi kém em một chút thì anh ấy niệm Phật luôn.

Trang Chi Điệp liền cười:

– Chị ấy bằng được nửa em thì Mạnh Vân Phòng đã không cắt đứt!

Vợ Uông Hy Miên nói:

– Anh chỉ được cái bán bêu em. Khi còn trẻ có lẽ em còn được, bây giờ khọm lắm rồi, lại hay ốm yếu gầy như que củi.

Trang Chi Điệp đáp:

– Đâu có, ở nhà anh thường lấy em ra so sánh với Ngưu Nguyệt Thanh. Ngưu Nguyệt Thanh bảo, Uông Hy Miên người ta có tiền, không biết mua cho vợ ăn quả trẻ mãi không già gì thế nhỉ?

Vợ Uông Hy Miên cười không thành tiếng, nước mắt chảy ròng ròng. Trang Chi Điệp chợt trở nên lúng túng nói:

– Tôi nói thật mà. Em gầy thì có gầy tí chút, tôi nghĩ em đừng nên lúc nào cũng nghĩ bản thân là một nồi nước đun không sôi, phải nghe lời bác sĩ, nhưng cũng không thể tin cả. Thầy thuốc thì bao giờ chẳng bảo trong không khí có bao nhiêu bao nhiêu vi khuẩn, vậy thì người ta luôn phải ngậm cái mồm à?

Vợ Uông Hy Miên nói:

– Uông Hy Miên đã mua cho em thuốc bổ này thuốc bổ kia, nhưng em biết nguyên nhân căn bệnh của em đâu chứ!

Chị Miên khịt khịt mũi, hai mắt lại đỏ hoe, rưng rưng nước mắt. Trang Chi Điệp không dám hỏi tiếp, đưa khăn mặt cho chị lau nước mắt, cố ý dùng giọng nói vui đùa bảo:

– Hy Miên lại đi Quảng Châu tổ chức triển lãm tranh của anh ấy hả? Anh ấy điên rồi hay sao thế, tay đã đấm phương bắc chân còn đá phương nam ư?

Chị Miên đáp:

– Đâu có phải tổ chức triển lãm tranh, đi bàn một vụ buôn bán tranh ấy mà. Anh không biết đấy thôi, mấy năm nay nhà em cũng mắc một chứng bệnh.

Trang Chi Điệp hỏi:

– Bệnh gì thế? Anh ấy người đen gầy, song tinh thần thì có khi còn hăng hái hơn tôi đây!

Chị Miên đáp:

– Có bệnh thật đấy, viêm gan B, nhưng siêu vi trùng chưa phá đến gan, thuộc dạng có nhiễm vi rút viêm gan B.l

Trang Chi Điệp nói:

– Ái chà, việc này bên ngoài không ai biết đâu.

Chị Miên bảo:

– Anh ấy bảo không được nói với bất cứ ai, chỉ ngấm ngầm uống thuốc. Nhưng đã nhiễm bệnh này không chữa được trong ngày một ngày hai đâu. Nói một câu để anh vui đùa, mấy năm nay anh ấy không hôn em bao giờ. Một hai tháng mới có một lần tiếp xúc, thì vẫn phải đi capốt.

Trang Chi Điệp liền thầm nghĩ, Uông Hy Miên bị nhiễm viêm gan B thật, hay là cố tình giả vở có bệnh? Nếu thật, thì ở ngoài người ta đồn anh ấy thế này thế kia với người đàn bà khác, vậy thì chẳng phải đã hai người đàn bà khác, và cũng làm nặng thêm căn bệnh của mình hay sao? Mà bà vợ ở nhà thì đang ở độ tuổi như sói như hổ, mấy năm không được hôn, ăn nằm với nhau, thì lại đeo bao cao su, người vợ này ai cũng bảo hưởng sung sướng không bao giờ tận, song cũng khổ sở như thế này sao?

Chị Miên bảo:

– Em nói với anh Miên, anh đã có bệnh thì cứ ở nhà yên tâm dưỡng bệnh, nhưng anh ấy cứ mỗi năm có đến sáu tháng sống xa nhà, hàng tháng gởi tiền về. Bây giờ sẵn tiền đây, song tiền có thể mua được nhà ở, liệu có mua được gia đình không? Có thể mua được thuốc, liệu có mua được sức khoẻ không? Có thể mau được món ăn sang, liệu có thể mua được sự ham muốn ăn không? Có thể mau được giường, liệu có thể mua được giấc ngủ không?

Chị Miên nói xong nhìn ra ngoài cửa sổ. Ngoài trời đã tối hẳn, sấm vẫn còn đang xâu chuỗi ầm ầm, mưa gió đan xen. Đột nhiên chị ưỡn thẳng người nói:

– Chi Điệp này, em không nên nói với anh những điều này. Nói những điều ấy ở đây không đúng chỗ. Em vốn định thường đến nhà anh nói chuyện, mấy lần đi đến giữa đường lại quay về, sao lại đi quấy rối cuộc sống yên tĩnh của người khác kia chứ? Hôm nay gặp anh, muốn mời anh về nhà chơi, xem xem con mèo của em. Hiện nay em chi là con mèo sống. Nào ngờ trận mưa này lại dẫn chúng ta đến đây nói chuyện nhiều đến thế. Đã nói đến mức này, thì em cũng phải hoàn thành một ước nguyện ôm ấp xa xưa.

Trang Chi Điệp sốt sắng hỏi:

– Ước nguyện gì vậy? Mấy năm nay tôi cũng ít đến bên ấy. Nghĩ lại cũng có lỗi với em, từ nay về sau có chuyện gì cần tôi làm, tôi sẽ hết sức cố gắng.

Vợ Miên hỏi:

– Anh nói thật lòng chứ?

Trang Chi Điệp đáp:

– Tôi nói dối thì tối nay sẽ bị sấm sét đánh chết.

Vợ Miên nói:

– Anh đừng nói vậy. Sấm sét đánh chết anh, thì em cũng chẳng thiết sống nữa. Chuyện này nói ra cũng khiến anh buồn cười. Thời còn trẻ, có tổ chức một buổi toạ đàm văn học ở Tây Kinh, anh phát biểu ý kiến trên bục giảng, em làm người nghe ở bên dưới. Đây là lần đầu tiên em gặp anh, không hiểu sao chợt nảy ra một ý nghĩ. Nếu em lấy chồng, không phải anh em không lấy. Sau đó thì quen biết anh, tìm cách tiếp xúc với anh, song trước mặt anh em không nói ra được. Em nhờ một người bạn nói rõ tâm tư của mình với Cảnh Tuyết Ấm để chị ấy chuyển đến anh. Nhưng Cảnh Tuyết Ấm lại cười nhạt nói: “Cô ta nghĩ đẹp nhỉ, nói đến tôi đây cơ à?”. Bạn em nói lại với em lời của Cảnh Tuyết Ấm, em nghi quá, không bao lâu thì nghe tin, thì ra anh và Cảnh Tuyết Ấm yêu nhau, em buồn không chịu nổi. Nhưng về sau, được biết anh và Cảnh Tuyết Ấm không thành, mà lại thành với Ngưu Nguyệt Thanh, em đã khóc một trận. Khóc xong còn đến thăm nhà anh một lần, thấy Ngưu Nguyệt Thanh vừa xinh đẹp vừa nết na, thì trái tim em hoàn toàn tuyệt vọng, em mới cưới Uông Hy Miên. Bây giờ chúngta đều đã lớn tuổi, tối nay lại nói nhiều chuyện thế này, nên em bày tỏ nỗi lòng này với anh. Em không cần anh phải nói gì nữa, em chỉ muốn cuối cùng coi như em đã hoàn thành một việc, trong lòng không còn canh cánh nữa mà thôi.

Trang Chi Điệp ngồi đực ra như gỗ đá, ngạc nhiên đến mức không nói nổi một câu. Anh nhớ lại tỉ mỉ những năm tháng từ khi quen biết người đàn bà này cho đến hiện giờ, có niềm cảm khái đáng tiếc và hối hận vô hạn. Anh nhìn người đàn bà trước mặt, đôi môi run rẩy, nhưng lại nói:

– Em không muốn anh nói, em không muốn!

Trăm ngàn lời nói trong anh đã hoá thành một tiếng thở dài thườn thượt.

Hai người cứ ngồi như thế không nói gì, bỗng hành lang có tiếng ồn ào, tiếp theo là tiếng Nguyễn Tri Phi:

– Chi Điệp ơi, vẫn còn ở đây chứ? Thế mới là bạn!

Cửa mở ra một cái, vợ Uông Hy Miên liền đứng lên nói:

– Chi Điệp xứng đáng là bạn, anh cũng xứng là bạn! Bắt người ta làm việc cho mình, người thì bỏ đi, cơm cũng để đói, cứ mất hút! Nhờ một người coi nhà có lẽ cũng phải trả tiền chứ?

Nguyễn Tri Phi nói:

– Vừa giờ còn bảo xứng đáng là bạn, bây giờ thì thôi nhé! Nếu không có em ở đây, liệu Chi Điệp có thật thà ở lại không?

Trang Chi Điệp lấy khăn mặt lau nước mưa trên đầu cho Nguyễn Tri Phi và bảo lúc chiều gặp vợ Uông Hy Miên ở chợ rau, lại gặp trận mưa nên chạy về đây ngồi nói chuyện. đến bao giờ vẫn chưa ai ăn uống gì. Nguyễn Tri Phi vội vàng xin lỗi, anh bảo biểu diễn xong, nhà máy lại mời cơm. Ban đầu định về ngay, nhưng người ta cứ giữ lại cùng ăn, chẳng lẽ lại bỏ đi, thì còn mặt mũi nào, đành phải ở lại. nói xong gọi một diễn viên trên gác xách ăng gô ra quán cơm mua cơm và thức ăn đem về.

Ăn xong, Nguyễn Tri Phi xem bài luận văn đã chép xong, đương nhiên sung sướng hết chỗ nói, lấy rượu nhà ra, ba người cùng uống. Vợ Uông Hy Miên bảo chị phải về, Trang Chi Điệp cũng định đi. Nguyễn Tri Phi bảo chờ tạnh cơn mưa, anh gọi thuê hai xe con đích thân đưa về. Uống hơn nửa chai rượu, cả ba người đều đỏ mặt và lấm tấm mồ hôi, song mưa vẫn chưa ngớt, ngược lại sấm sét vẫn ầm ầm dai dẳng và dầy hơn. Nguyễn Tri Phi nói:

– Mưa to thế này tại sao cứ đòi về cơ chứ?

Phòng làm việc này có thể ngủ một người, phòng bên cạnh không có người, giường nệm cũng sạch sẽ có thể ngủ thêm được một người nữa. Trang Chi Điệp bảo:

– Tôi thì được, còn xem chị Miên.

Vợ Uông Hy Miên nói:

– Hy Miên không ở nhà, em đi một mình quen rồi, chỉ không yên tâm con mèo.

Nguyễn Tri Phi bảo:

– Thế thì dễ thôi, tôi gọi điện thoại cho hai gia đình. Ngưu Nguyệt Thanh bảo tôi kéo Trang Chi Điệp ra khỏi nhà, tôi không sợ chị ấy mắng tôi rủ rê Chi Điệp ra khỏi nhà chơi bời lằng nhằng. Còn chỗ nhà Miên tôi bảo bà chăm coi con mèo cẩn thận thôi mà!

Chị Miên nói:

– Anh nói giúp nhất định phải cho mèo ăn đêm một bữa, trong tủ lạnh có con cá, xẻ làm đôi cho hai bữa.

Nguyễn Tri Phi thốt lên:

– Chà chà, Miên nuôi mèo như nuôi chồng không bằng.

Nói xong lên gác gọi điện thoại.

Ba người vừa nói chuyện vừa uống nốt nửa chai rượu kia thì đêm đã về khuya. Nguyễn Tri Phi thấy đầu nặng trình trịch, nói:

– Đi ngủ sớm một chút nhé!

Nói xong rồi mở khoá phòng bên cạnh hỏi ai ngủ bên này nhỉ? Trang Chi Điệp vào xem chăn nệm, thấy ở đây sạch sẽ hơn bên kia, bảo chị Miên ngủ ở đây. Nguyễn Tri Phi liền chỉ phòng vệ sinh ở đâu, nước ở đâu, kể lể ra từng thứ, rồi loạng choạng bước lên gác. Bỗng chốc hành lang trở nên vắng vẻ.

Trang Chi Điệp đi xách nước cho mình và cũng xách một xô cho vợ Uông Hy Miên, bảo:

– Em rửa rồi đi ngủ, đêm nay trời mát sẽ ngủ ngon đấy. Sáng mai tôi gõ cửa, mình ra khách sạn nhà Lão Tôn ăn bánh bao thịt dê.

Nói rồi về phòng mình đóng cửa, lau rửa trong chậu nước rồi ngủ. Trang Chi Điệp uống được rượu. Tuy chai rượu anh uống đến một nửa, song vẫn không chao đảo, ngược lại còn vô cùng hưng phấn. Nằm trên giường nghe một lúc tiếng mưa, liền nghĩ đến vợ Uông Hy Miên. Đối với người đàn bà ấy, trong mười năm qua anh luôn có cảm tình tốt, song không dám có quá nhiều ý nghĩ đối với người ta, chỉ có một niềm tương tư, một chiều thầm kín ở sâu trong trái tim. Sau khi nghe vợ Miên tâm sự thì ra cô ấy cũng đem lòng yêu quý mình. Mồm nhắc lại lời cô ấy vừa nói, bảo anh không cần nói gì nữa, trở mình một cái cố gắng quên không nghĩ đến cô ấy. Nhưng bảo không nghĩ mà vẫn cứ nghĩ, tại sao lại không nghĩ nhỉ? Thế là anh so sánh người đàn bà ấy với Ngưu Nguyệt Thanh, với Đường Uyển Nhi. So sánh đi, so sánh lại, toàn thân bì bích khó chịu.

Anh không bật đèn châm nến chỉ mặc áo xuống giường đi đi lại lại trong căn phòng một lát, mở cửa đứng ngoài hành lang. Trong hành lang tối như bưng, trong lòng hoang mang, lại vào nhà vệ sinh tiểu tiện, nào có gì đâu mà thải ra, trở lại liền gõ cánh cửa đang đóng im ỉm kia. Vợ Uông Hy Miên ở bên trong hỏi vọng ra:

– Ai thế?

Trang Chi Điệp đáp:

– Anh đây.

Trong bóng tối, nhắm mắt lại, đứng nép vào cửa. Vợ Miên hỏi:

– Có việc gì vậy? Xin chờ một chút.

Chiếc cửa sổ nhỏ dán giấy báo phía trên cửa sáng lên, nghe rõ vợ Uông Hy Miên đi ra mở then cửa, song không mở cửa ra. Sau đó bảo:

– Anh vào đi.

Trang Chi Điệp đẩy cửa vào, thì người đàn bà ấy đã khóac áo ngồi trên giường, nửa người phía dưới đắp tấm chăn đơn. Vợ Uông Hy Miên hỏi:

– Anh có nghe con mèo nhà ai đang kêu trên gác không? Có lẽ em nghĩ đến con mèo của mình chăng?

Trang Chi Điệp ấp úng:

– Anh, anh…

Rồi đóng cửa lại, đi đến đứng bên cạnh người phụ nữ chân tay đã trở nên lúng túng. Người đàn bà biết rõ chuyện, khe khẽ nói:

– Anh Chi Điệp ơi…

Trang Chi Điệp cuối cùng đã cúi người ôm chặt đầu vợ Uông Hy Miên, nghẹn ứ giọng:

– Anh không ngủ được. anh…

Liền áp sát cái miệng ướt rượt vào cặp môi mỏng của người đàn bà. Trong khoảnh khắc người đàn bà cũng giơ tay ôm chặt Trang Chi Điệp. Toàn thân vặn vẹo trong không gian, chiếc chăn đơn rơi sang một bên, để lộ rõ thân hình trần truồng chỉ mặc mỗi cái xi líp màu cánh sen bé tí tẹo, trông như một con cá mỹ nhân. Trang Chi Điệp để cả giày bước phứa lên giường. Nhưng trong phút chốc người đàn bà bình tĩnh lại, đưa tay ra ngăn và nói:

– Chi Điệp ơi, không được đâu, làm thế là không hay. Anh có lỗi với Ngưu Nguyệt Thanh, em cũng có lỗi với Uông Hy Miên…

Trang Chi Điệp vẫn đòi bằng được, nhưng người đàn bà đã cuốn chăn lên người, ánh mắt van nài. Trang Chi Điệp liền sững người không động đậy. Người đàn bà liền chỉnh quần áo lại cho anh rồi bảo anh ngồi xuống, nói:

– Trước kia em đã từng yêu anh, từ nay về sau cũng khó không yêu anh, nhưng chúng mình đừng nên làm như thế, làm thế đều không có ích lợi gì đối với anh đối với em. Nếu anh cũng yêu em, chờ khi cả hai đều đã già, cũng chẳng phải em thành tâm nguyền rủa đâu, nếu Uông Hy Miên chết trước em, Ngưu Nguyệt Thanh cũng chết trước anh, thì chúng ta lại làm vợ chồng. Nếu anh và em đều chết trước hai người, thì cũng là số mệnh. Số mệnh quả có thế thật, thì anh và em không làm trái được, thì cũng không cần cố chấp. Nếu không thì anh và Uông Hy Miên đều là danh nhân. Hơn nữa anh và em cũng từ đây một đêm chồng vợ, ân nghĩa trăm ngày, rồi lại mỗi người một ngả, tiếp tục sống với người của mình, vậy thì càng không có cuộc sống yên ổn nữa đâu!

Vợ Uông Hy Miên nói, cười gượng, lau những giọt nước mắt chực rơi xuống cho Trang Chi Điệp, lấy từ ngực áo ra một đồng tiền bằng đồng có cột một sợi dây, nói:

– Vừa giờ anh cũng nhìn thấy đồng tiền này chứ? Em đeo nào là nhẫn vàng, vòng tay vàng, vòng tai vàng, song em không đeo dây chuyền vàng, mà là em không bỏ được đồng tiền này. Đây là đồng tiền em thuận tay nhặt được ở sàn cửa sổ nhà anh hôm em sang nhà anh thăm Ngưu Nguyệt Thanh. Em nghĩ em đã không có được anh thì em phải đeo một thứ của anh trên người. việc này cho đến bây giờ Uông Hy Miên chưa biết, hôm nay em nói hết với anh và trao nó lại cho anh. Đây không phải là vật cũ trả lại nguyên vẹn, mà là em đã đeo nó trên người mười mấy năm nay, nó đã thấm đậm mồ hôi của em, mỡ của em, hơi người của em, hoàn toàn trở thành hồn vía của em, trao cho anh cũng để cho anh biết em là người đàn bà như thế nào.

Vợ Uông Hy Miên lấy đồng tiền ra trao cho Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp đeo luôn dây vào cổ song lại ngậm đồng tiền nơi miệng, nước mắt chảy ròng ròng, định đi ra, nhưng ra tới cửa, lại dừng chân quay đầu nhìn vợ Uông Hy Miên. Vợ Uông Hy Miên tay ấn vào bụng, mặt nhăn nhó. Trang Chi Điệp hỏi:

– Em thấy khó chịu chỗ nào?

Chị Miên đáp:

– Em thấy khó chịu, căn bệnh cũ ấy mà. Cứ xúc động một cái là dạ dầy lại co giật. Anh về ngủ đi.

Trang Chi Điệp định nói, để anh xoa bóp cho, nhưng không nói ra miệng, tay đưa vào bụng cởi cái gì đó lấy ra túi thuốc bảo vệ sức khoẻ thần công của Mạnh Vân Phòng cho anh, anh nói:

– Em đeo cái này vào.

Vợ Uông Hy Miên mỉm cười, gật gật đầu, nhận túi thuốc, nhìn Trang Chi Điệp bước ra cửa.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN