Phế Đô - Chương 38
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
77


Phế Đô


Chương 38


Ông già lại lấy ra một hộp nhỏ bằng gỗ bồ kết, mở hộp lấy ra một quyển sổ chép tay chỉ có bốn tờ, rồi ghé sát vào tai Mạnh Vân Phòng thì thầm. Mạnh Vân Phòng nói:

– Không sao, tôi còn phải ngồi xe máy của chú em đi về. Khi nào có tiến triển tôi sẽ đến ngay.

Ông già bảo:

– Anh không phải đến, chiều mai có lẽ tôi sẽ sang bên anh.

Hia người chia tay ra khỏi thôn. Mạnh Vân Phòng nói:

– Chi Điệp ơi, anh cảm thấy ông già như thế nào?

Trang Chi Điệp đáp:

– Tôi không thích hạng người này, quỷ quyệt lắm!

Mạnh Vân Phòng nói:

– Ông ấy đề phòng anh đấy, tôi không nói tên anh ra. Ông ấy đã lạnh nhạt với anh.

Trang Chi Điệp nói:

– Lần này thì anh mù cả hai mắt.

Mạnh Vân Phòng đáp:

– Cũng chẳng biết vè này thật hay giả, mình có chuyển hoá được lời vè hay không? Nếu cả hai mắt mù tịt, có lẽ Hạ Tiệp sẽ bỏ mình mà đi.

Trang Chi Điệp nói:

– Chẳng phải anh đã tra cho chị ấy rồi. Chị ấy chỉ tái giá có một lần phải không nào?

Mạnh Vân Phòng đáp:

– Cho dù không bỏ đi, thì cũng đối xử với mình chẳng ra sao. Lúc đó anh luôn đến thăm mình nhé?

Trang Chi Điệp đáp:

– Không sao, nếu chị ấy như thế thật, thì tôi đưa anh đến am ni cô, Tuệ Minh đối với anh chẳng tốt đấy sao?

Mạnh Vân Phòng nói:

– Chị ấy lên chức giám viện thì khác trước rồi. Để có khoản tiền trích cho am, mình đã giới thiệu chị ấy với Hoàng Đức Phúc. Bây giờ có việc gì chị ấy trực tiếp đi tìm Hoàng Đức Phúc, gặp mình chỉ đọc A Di Đà Phật, trở thành người cửa Phật chính cống rồi.

Trang Chi Điệp cười bảo:

– Đương nhiên người ta là người cửa Phật, tôi chỉ sợ anh đã phá thân Phật của người ta.

Mạnh Vân Phòng chỉ cười hì hì không nói gì. Nhìn cái cười với dáng vẻ như vậy của Mạnh Vân Phòng, trong lòng Trang Chi Điệp có phần không thoải mái, hình tượng của Tuệ Minh mặc áo cà sa óng ánh đã mấy lần hiện ra trước mắt, suýt nữa xe máy lao xuống rãnh nước cạnh đường. Đến ngoài cửa Bắc, trước mặt là đường sắt vắt ngang, Trang Chi Điệp đột nhiên hỏi:

– Đây là Đạo Bắc phải không nhỉ?

Mạnh Vân Phòng trả lời:

– Vâng, đây là Đạo Bắc đấy.

Trang Chi Điệp hỏi:

– Đường Thượng Kiệm ở đâu nhỉ?

Mạnh Vân Phòng đáp:

– Đi vào cửa Bắc rẽ về phía đông một đoạn là đến.

Trang Chi Điệp bảo:

– Tuyệt quá, tôi dẫn anh đi gặp một người đàn bà.

Mạnh Vân Phòng nói:

– Anh còn gửi ở đấy một người đàn bà ư?

Trang Chi Điệp mắng:

– Câm ngay cái mồm thối của anh lại đi!

Thế là Trang Chi Điệp nói đến chuyện của Chung Duy Hiền, lại nói đến địa chỉ của A Lan ghi cho, đi qua đây tại sao không tạt vào hỏi xem A Lan đã gửi thư giúp chưa? Hỏi thăm tình hình ở Túc Châu như thế nào? Nói tới mức Mạnh Vân Phòng cứ khen Trang Chi Điệp tốt bụng rối rít. Hai người đi đến Đường Thượng Kiệm lại chính là khu vực cư trú của người tỉnh Hà Nam. Vừa bước vào ngõ Phổ Tế là giống như đi trong hành lang của một toà nhà lớn, hai bên gần như đều là mặt tiền một gian hai gian hoặc cao hoặc thấp. Bếp than nấu cơm, chum vại đựng nước sạch, sọt đựng rác, nhất loạt để dưới sàn cửa sổ và cửa ra vào. Người qua lại không thể không nhìn trước ngó sau, bước cẩn thận để khỏi va vào cái này cái kia, ba người không thể sóng vai dăt tay đi hàng ngang được. Có ai ở phía trước đi đến cũng phải nghiêng người tránh sát vào tường, hơi thở của đối phương toả ra, ngửi thấy cả mùi thuốc lá hay mùi tỏi. Trang Chi Điệp và Mạnh Vân Phòng đỗ xe máy trước đầu ngõ, đang buồn không có nơi để, lại sợ mất, thì mấy bà già đang chơi bài ở đầu ngõ lên tiếng bảo:

– Cứ để đấy không sao đâu, trộm cắp nào trong thành Tây Kinh dám đến đây chứ!

Mạnh Vân Phòng hỏi:

– Vậy thì lạ đấy. Lẽ nào Cục trưởng cục công an ở ngõ này?

Bà già đáp:

– Đừng có nói Cục trưởng ở đây, ngay đến trưởng phòng cũng không ở ngõ này. Ngõ chật hẹp thế này, cửa ra vào đối diện với cửa ra vào, cửa sổ đối diện với cửa sổ, kể cắp trốn ở đâu chứ? Đầu ngõ chúng tôi ngồi đây đánh bài, cuối ngõ cũng kê bàn chơi mạt chược, kẻ cắp vào lối này, sao ra được lối kia!

Trang Chi Điệp nói:

– Một ngõ một gia đình, hay lắm, xin hỏi bà có biết chị gái A Lan ở gian nào không ạ, người An Huy ấy mà.

Bà già hỏi:

– Người An Huy à? Ở đây làm gì có người An Huy nhỉ?

Một bà già khác nói:

– Vợ Mục Gia Nhân chẳng phải người An Huy là gì?

Bà già này hỏi:

– Sao anh không nói là vợ của người Hà Nam hả? Vợ của Mục Gia Nhân thì sao lại không biết. Chị ấy có một cô em gái đến đây ở khá lâu rồi. Đó là hai bông hoa của ngõ này. Các anh ở đâu vậy? Là họ hàng hay bạn học?

Mạnh Vân Phòng đáp:

– Dạ, cũng làm việc với nhau.

Bà già đáp:

– Nhà số hai mươi bảy, nhớ nhé, nhà số hai mươi bảy, nhà số hai mươi bảy sát cửa. nhà số hai mươi chín, đừng có vào nhà số hai mươi chín đấy. Giờ này vợ chồng mới cưới nhà số hai mươi chín đang ngủ, chớ đẩy cửa vào mà ê mặt đấy.

Hai người cùng cười, bước đi rồi vẫn còn nghe thấy bà già đang nói:

– Cái nhà họ Mục kể cũng lạ, đời nọ nối đời kia, thằng chồng đứa nào cũng cục mịch xấu như ma, mà con vợ thì đứa nào cũng xinh đẹp như tiên sa.

Hai người lần tìm theo số nhà, nóng bức như đi vào bếp lò. Một người đàn bà cởi trần, trạc hơn năm mươi tuổi, mái tóc rối bung, búi tó lên đỉnh đầu, trán lấm tấm rôm, song lại rắc đầy phấn trắng, hai cái vú lép kẹp như quả mướp treo lủng lẳng trước ngực, đứng trước một cửa sổ kéo kín rèm gọi vào:

– A Quí ơi, A Quí ơi, A Quí ơi, mi chết rồi hả?

Trong nhà lâu lắm không có tiếng trả lời, sau cùng có tiếng đàn bà nói vọng ra:

– A…A…A…Quí không ở…ở…ở…ự…ự…ự…!

Trang Chi Điệp lúc đầu không hiểu tại sao giọng nói lại đứt quãng như vậy, sau đó nghe người đàn bà cởi trần kia chửi:

– Bảo cho mà biết, trời oi bức nóng hầm hập, mà kéo kính rèm cửa sổ như thế, các người không sợ bụng mọc rôm ư? Các người đang bận ta đi đây, lát nữa xong việc bảo A Quí cho vay âu tương ta kho cá nhé?

Trang Chi Điệp cũng biết rõ ẩn ý trong giọng nói đó, tủm tỉm cười. Đi mãi đến giữa ngõ, thấy một người đàn ông ngồi xổm ở cửa nhà số hai mươi bảy giặt quần áo, Trang Chi Điệp hỏi:

– Đây là nhà số hai mươi bảy hả anh?

Người đàn ông trả lời:

– Vâng, nhà số hai mươi bảy.

Trang Chi Điệp lại hỏi:

– Có phải A Lan ở đây không anh?

Người đàn ông ngẩng đầu, còn đang nhìn hai người, thì ở trong nhà có tiếng hỏi vọng ra:

– Ai vậy? A Lan đang ở trong này.

Người đàn ông dịch chậu quần áo ra để hai người đi vào. Vừa bước vào đã nhìn thấy một người đàn bà mặc quần áo ngủ đang ngồi trên giường đôi, ôm đầu gối cắt móng chân, bàn chân nhỏ xinh xắn, mười móng chân nhuộm màu đỏ. Chị ta ngẩng đầu lên, song không phải A Lan. Mạnh Vân Phòng đưa danh thiếp ra và giới thiệu:

– Đây là nhà văn Trang Chi Điệp, ấy ấy quen A Lan.

Người đàn bà tụt ngay xuống giường, đưa mắt chăm chăm nhìn Trang Chi Điệp rồi bảo:

– Chao ơi, hôm nay là ngày gì, mà nhân vật to lớn thế này đến thăm? – chị ta vừa vơ chiếc áo sơ mi trên giường mặc vào người, vừa nói – Kìa, sao các anh không ngồi xuống đi? Gia Nhân ơi, anh xem ai đến nhà mình này, sao anh đực mặt ra thế, không rót nước mời khách đi. Đây là chồng em.

Mục Gia Nhân quay đầu lại cười, mặt rất đen, song răng lại trắng,tay bám đầy bọt xà phòng. Người đàn bà liền nói:

– Các anh xem chồng em đấy, anh ấy chỉ biết ở nhà nào giặt, nào vò, chẳng có chí khí gì, để các anh cười chê!

Mục Gia Nhân đỏ mặt tía tai, mồ hôi nhễ nhại, ngượng nghịu, lủng bủng đáp:

– Anh không giặt, em cũng có giặt đâu!

Chị vợ đáp:

– Anh nói thế hả, nếu anh tài giỏi như ngài Điệp đây thì em ngày nào cũng hầu hạ anh đi sáng tác, chẳng cần anh động đến một cọng rác trong nhà.

Trang Chi Điệp liền nói dàn hoả:

– Tôi quý hoá đến vậy ư? Trong gia đình, tôi vẫn thường xuyên nấu cơm và giặt quần áo đấy.

Người đàn bà nói:

– Sao lại thế được? Vậy thì chị nhà sai rồi. Chị ta mệt cơ thể một chút, nhưng mệt người không sao cả, mệt lòng mới là cái mệt chết người các anh ạ!

Mục Gia Nhân rót trà xong, vẫn ngồi một bên cười. Chị vợ cầm cầm cái quạt quạt cho Trang Chi Điệp và Mạnh Vân Phòng, phân bua nhà chật, không có quạt điện. Chồng chị là nhân viên thiết kế bản vẽ của đội xây dựng, ngồi vẽ bản vẽ trên cái bàn kia, đứa con thì làm bài tập trên bàn máy khâu, hễ bật quạt điện một cái là đồ đạc trong nhà bay tứ tung, cho nên chị không mua quạt điện. Trang Chi Điệp thấy ngượng để chị ta quạt cho mình, liền cầm cái quạt tự quạt lấy. Người đàn bà hỏi:

– Các anh tìm A Lan à? Em là chị thứ hai của A Lan. Em tên là A Xán. Hôm ấy A Lan về có nói với em về ngài, em còn không tin cơ. Em bảo nhận vật to thế cho mi gặp mặt à? Sau đó A Lan về, cầm theo thư của ngài, bảo là phu nhân của ngài đem đến, nhờ em gửi cho chị cả, lúc đấy em mới tin. Nhưng em không hiểu, tại sao lại nhờ chị cả em gửi thư trở lại Tây Kinh?

Trang Chi Điệp nói rõ ngọn nguồn rồi hỏi:

– Ở bên Túc Châu có tin gì không ạ?

A Xán đáp:

– Có một người đàn bà là Tuyết Thuỵ Mai, đầu tiên dạy học ở trường trung học số 1, bị qui là phái hữu mấy chục năm, sau khi sửa sai được ba năm thì đã chết từ lâu rồi.

Nghe vậy Trang Chi Điệp bất giác đau lòng, anh nghĩ chỗ dựa tinh thần Chung Duy Hiền hoàn toàn trông cậy vào Tuyết Thuỵ Mai, nếu ông ấy biết người đã chết, ông sẽ gục đổ hoàn toàn. Trong chốc lát anh nói:

– Vân Phòng này, anh chớ có nói chuyện này với ai nhé. A Xán cũng không được nói đấy. Người nói vô tình, song không biết một khi đã đến tai ông tổng biên tập, là sẽ lấy mất mạng của ông đó. Bây giờ xem ra, tôi phải tiếp tục thay Tuyết Thuỵ Mai viết thư cho Chung Duy Hiền. A Xán giúp tôi gửi cho chị cả, nhờ chị ấy thay cho một phong bì khác, viết địa chỉ gia đình chị ấy vào rồi gửi trở lại Tây Kinh. Nếu không, tổng biên tập Chung Duy Hiền vẫn gửi thư theo địa chỉ cũ, mấy lá thư trước không gửi trả lại có lẽ bị thất lạc, nếu lại gửi trả về một hai lần nữa, thì ông Hiền sẽ sinh nghi.

– Ngài Điệp có tấm lòng thiện như vậy thì em còn từ chối làm sao được? nếu ngài đã viết thư, ngài có thì giờ thì đem đến, hay để em đến nhà ngài nhận cũng được.

Trang Chi Điệp nói:

– Đâu dám để em phải chạy đi chạy lại, chỗ tôi cạnh đơn vị A Lan cũng gần thôi, tôi cứ đưa cho A Lan được mà.

A Xán nói:

– Thế cũng được, chỉ có điều gần đây A Lan thường không đến nhà máy, chả là em nó bận thiết kế nhà vệ sinh công cộng, suốt ngày long đong lật đật.

Trang Chi Điệp hỏi:

– Thiết kế vẫn chưa xong à?

A Xán nói:

– Ai biết đâu đấy, có mỗi cái nhà vệ sinh công cộng mà em nó làm cẩn thận như thiết kế hội trường lớn nhân dân không bằng! Mấy hôm nay về bảo, ông Vương chủ nhiệm hai ba hôm lại điệu đi, nhưng phương án thì chưa quyết định, buồn đến mức em nó về nhà leo lên gác nằm, cơm cũng chẳng ăn.

Đến bây giờ Trang Chi Điệp mới để ý ở góc tường có một cái thang, leo lên thang là một cái gác, A Lan ở trên gác đó.

Anh nói:

– Trên gác kia có lẽ mát hơn.

– Đâu có mát, trên gác nóng nực lắm. Trên ấy có cửa sổ, vốn có thể thông gió, nhưng ở trước mặt cũng có nhà gác nhỏ, hai người đàn ông sống độc thân ở đó, nên A Lan đành phải đóng cửa sổ. Ở trên gác phải đi khom, lại thiếu ánh sáng, ngày nào em cũng nấu canh đậu xanh cho em nó uống. Em bảo mi mau mau lấy chồng đi, lấy anh nào khá giả vào, để khỏi phải chịu tội mãi ở đây. Em nó chỉ nói, em đang thế này, hễ lấy chồng vào là chẳng làm gì được nữa, coi như chấm dứt. Ôi, khi em còn trẻ cũng hăng hái hơn em nó bây giờ. Hiện giờ chẳng làm nên công tích gì, chẳng phải vẫn đang sống đó sao?

Giữa lúc đó, có người dùng xe ba bánh chở than cục đi qua ngõ, chậu giặt quần áo để trước cửa đã chắn mất lối đi, họ cất gịong bảo bê giúp chậu giặt vào. Mục Gia Nhân vội chạy ra bê chậu, tiện tay xách luôn xô nước vào nhà, chiếc xe lọc cọc đi qua, lại xách xô nước ra cửa. Mục Gia Nhân không có việc gì, cũng không có chuyện để nói, lại tiếp tục vò giặt quần áo trong chậu. A Xán liền sai chồng đi mua mấy thứ ăn về mời khách uống rượu. Trang Chi Điệp vội vàng từ chối, nhưng đã bị A Xán đốp luôn:

– Chê chúng tôi không lo nổi một bữa rượu sao? Hay là chê ở đây bẩn?

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN