Phía Bên Kia Nửa Đêm - Chương 15: Athens 1946
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
144


Phía Bên Kia Nửa Đêm


Chương 15: Athens 1946


Con người tạo dựng nên một số thành phố, một số thành phố tạo dựng nên con người. Athens là một chiếc xe đã chịu đựng chiếc búa thời gian nhiều thế kỷ nện xuống.

Thành phố đã bị chiếm đóng và phá hoại bởi người Saracen, người Anglo, người Turk, và sau đó mỗi lần như vậy nó lại kiên nhẫn sống lại. Athens nằm ở cực nam của đồng bằng lớn Attica ở trung tâm, và dốc thoai thoải về phía vịnh Saronic ở hướng tây nam và nhìn sang phía đông là tỉnh Hymettus hùng vĩ. Bên dưới lớp mốc meo của thành phố người ta còn thấy một làng quê đầy những ma quỷ ngày xưa và một truyền thống phong phú với những vinh quang đời đời, tại đây các công dân của thành phố này sống trong khung cảnh quá khứ cùng hiện tại. Thật là một thành phố đầy những điều ngạc nhiên, những phát hiện và xét đến cùng là một thành phố đầy những ẩn số.

Larry ra phi trường Hellenikon để đón chuyến bay của Catherine. Nàng trông thấy chàng đi vội trên đoạn đường dốc, nét mặt hăm hở phấn khởi khi chàng chạy lao về phía nàng. Chàng trông đen và gầy hơn so với lần cuối cùng nàng gặp, nhưng coi bộ chàng được cởi bỏ những ưu tư căng thẳng.

– Anh nhớ em lắm, Cathy ạ. – Chàng nói vậy khi nhấc bổng nàng trên đôi cánh tay.

– Em cũng nhớ anh lắm.

Khi nàng nói ra điều này, nàng nhận thấy điều đó có ý nghĩa nhiều đối với nàng. Nàng đã quên mất cái ấn tượng mạnh mẽ về thân xác mà Larry gây cho nàng sau một thời gian lâu lâu họ không gặp nhau và cứ mỗi lần như vậy nó lại khiến nàng thêm đau đớn.

– Bill Fraser phản ứng ra sao khi hắn nghe tin này? – Larry hỏi nàng khi chàng giúp nàng làm thủ tục hải quan.

– Anh ấy rất vui vẻ trước việc này.

– Hắn không có con đường nào khác – Larry nói, mỉa mai.

Catherine nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa nàng và Bill Fraser. Ông nhìn thẳng vào nàng, sững sờ:

– Thế là em sắp sang sống ở Hy Lạp? Những tại sao em lại phải như vậy?

– Như vậy mới phù hợp với tờ hôn thú của em – Nàng nhẹ đáp.

– Anh muốn hỏi rằng tại sao Larry không thể kiếm được việc làm ngay ở đây, Catherine?

– Em không biết lý do tại sao, anh Bill ạ. Hầu như không có chỗ nào yên ổn cả. Nhưng nếu anh ấy sang Hy Lạp làm việc, có lẽ anh ấy cảm thấy công việc suôn sẻ ở bên đó.

Sau những phản ứng ban đầu, Fraser xử sự rất đẹp. Ông tạo mọi điều kiện cho nàng và nhắc đi nhắc lại rằng nàng cần quan tâm đến hoạt động của công ty, ông nói:

– Em sẽ không đi vắng mãi mãi, phải không?

Catherine nhớ lại lời của Bill trong lúc nàng đứng nhìn Larry thu xếp cho một nhân viên khuân vác chuyển hành lý của nàng ra một chiếc xe du lịch.

Chàng nói chuyện với người nhân viên bằng tiếng Hy Lạp. Catherine rất ngạc nhiên trước khiếu ngoại ngữ dễ dàng của Larry.

– Em đợi rồi em sẽ gặp Constantin Demiris – Larry bảo nàng – Ông ta đúng là một ông vua. Hầu như tất cả các vị chúa tể ở châu Âu phải dành thời gian để nghĩ cách làm như thế nào để cho ông ta được vui lòng.

– Em mừng là anh thấy mến ông ấy.

– Và ông ấy cũng mến anh đấy.

Nàng chưa từng bao giờ thấy chàng vui vẻ, phấn khởi như bây giờ. Thật là một điềm tốt.

Trên đường tới khách sạn, Larry miêu tả cuộc gặp gỡ lần đầu tiên của chàng với Demiris. Larry đã được một người tài xế ăn vận sắc phục riêng ra tận sân bay đón. Larry yêu cầu được đi xem một lượt đội phi cơ của Demiris và người tài xế đã lái xe đưa chàng tới một nhà khổng lồ chứa máy bay ở tận cuối phi trường. Có ba chiếc phi cơ tất cả và Larry đã khảo sát từng chiếc một với cặp mắt xét nét. Chiếc Hawker Siddeley là chiếc rất đẹp, chàng mong mỏi được ngồi sau tay lái để điều khiển nó bay lên trời.

Chiếc thứ hai là chiếc Piper có sáu chỗ ngồi trong điều kiện hảo hạng. Chàng ước tính nó có thể dễ dàng bay với tốc độ ba trăm dặm một giờ. Chiếc phi cơ thứ ba là chiếc L-5 hai chỗ ngồi đã cải tiến dùng cho dân sự, lắp động cơ Lycoming, đây là loại máy bay dùng để bay những đoạn đường ngắn rất thuận lợi. Thật là một đội phi cơ tư hùng hậu. Sau khi Larry khảo sát xong, chàng quay lại với người tài xế đang đứng theo dõi chàng. Larry nói:

– Được cả. Thôi ta đi.

Người tài xế lái xe đưa chàng tới một biệt thự ở Varkiza, một khu ngoại ô sang trọng ở cách Athens hai mươi lăm cây số.

– Em không thể nào tưởng tượng nổi chỗ của Demiris sang đến thế nào – Larry bảo Catherine.

– Thế nào hả anh? – Catherine háo hức hỏi.

– Không thể nào tả xiết. Nó rộng chừng mười acre với những cổng điện, người gác, chó becgiê và cái khối nhà đó. Biệt thự này bên ngoài là một cung điện còn bên trong là một bảo tàng. Nó có bể bơi trong nhà, có một sân khấu và một phòng chiếu phim. Một ngày nào đó em sẽ được thấy tất cả.

– Ông ta có dễ mến không? – Catherine hỏi.

– Có thể tin chắc như vậy – Larry mỉm cười – Anh đã được đối xử như một thượng khách. Có lẽ do tiếng tăm trước đây nên anh được như vậy.

Thực ra Larry đã phải ngồi đợi trong phòng tiền sảnh nhỏ ba giờ đồng hồ để chờ được gặp Constantin Demiris. Trước những hoàn cảnh thông thường khác, Larry chắc đã nổi khùng trước sự khinh thị này, song chàng hiểu rằng cuộc gặp gỡ này sẽ quyết định rất quan trọng cho nên chàng thấy hồi hộp nhiều hơn là bực tức. Chàng kể cho Catherine về tầm quan trọng của công việc này đối với chàng, song chàng không hề nhắc tới việc chàng đã phải lao vào công việc này gần như tuyệt vọng. Năng lực ưu việt nhất ở chàng là ở nghề lái máy bay mà nếu thiếu nó, chàng sẽ cảm thấy trống rỗng. Dường như cuộc đời chàng chìm nghỉm trong vực sâu những cảm xúc chưa dự kiến trước được và rồi những áp lực đè lên chàng sẽ lớn vô cùng chàng không thể nào chịu được. Tất cả đều phụ thuộc vào công việc này.

Ba giờ trôi qua, cuối cùng người quản gia bước vào và tuyên bố rằng ngài Demiris sẵn sàng tiếp chàng. Ông ta đưa Larry vào một phòng tiếp tân rộng cứ như trong cung điện Verseilles. Bốn bức tường lung linh ánh màu vàng, xanh lam và xanh lục với những tấm thảm Beauvais treo bằng những panel bằng gỗ hồng. Trên sàn nhà là một tấm thảm Savonnerie hình trái xoan tuyệt đẹp, bên trên cao là một chùm đèn pha lê De Roche và bằng đồng đỏ Doré.

Ở lối vào phòng thư viện có một đôi cột bằng đá mã não màu xanh lục với những chữ hoa bằng đồng mạ vàng. Riêng các thư viện cũng rất trang nhã do một nghệ nhân bậc thầy trang trí, các bức tướng được trạm trổ đóng khung gỗ. Ở giữa một bức tường có một chiếc kệ bằng đá cẩm thạch trắng với những trang trí mạ vàng. Trên đó có hai bức tường nhỏ xinh đẹp bằng đồng của Philippe Caffleri. Từ đỉnh kệ cho đến tận trần nhà nhô ra một tấm gương chạm trổ với một bức tranh của Jean Honoré Fragonard. Qua một cửa sổ thấp kiểu Pháp để ngỏ, Larry trông thấy một cái sân trống rất rộng nhìn ra một khuôn viên có nhiều tượng và giếng phun nước. Ở một phía xa của thư viện có một chiếc bàn rất to kiểu Bureau Flat (bàn giấy phẳng) và đằng sau nó là một chiếc ghế có tựa lựng cao oai vệ được phủ nệm Aubusson. Đằng trước bàn là hai chiếc ghế lót nệm Gobelin.

Demiris đang đứng gần bàn chăm chú nghiên cứu một tấm bản đồ lớn Mercator treo trên tường, đính trên đó là hàng chục chiếc đinh ghim màu. Ông quay lại khi nhìn thấy Larry bước vào, rồi xòe tay ra, nói bằng một giọng rất khó phân biệt:

– Constantin Demiris.

Larry đã từng nhìn thấy những bức hình chụp ông ta đăng trên các tạp chí lâu đời, song không một tấm hình nào cho thấy hết sức sống sôi sục của con người này.

– Vâng, tôi biết – Chàng bắt tay ông ta – Tôi là Larry Douglas.

Demiris nhìn thấy Larry liếc mắt lên tấm bản đồ trên tường.

– Đế quốc của tôi đấy. Mời ông ngồi.

Larry ngồi xuống một chiếc ghế đối diện với chiếc bàn.

– Tôi được biết ông và Ian Whitestone đã từng bay cùng nhau trong không lực Hoàng gia.

– Vâng.

Demiris dựa lựng vào ghế, chăm chú ngó nhìn Larry.

– Ian đánh giá ông rất cao.

Larry mỉm cười:

– Tôi đánh giá anh ta cũng rất cao. Anh ta mới thật là phi công cừ khôi.

– Anh ta cũng nói về ông như vậy, duy chỉ có điều là anh ta dùng chữ “đại tài”.

Larry lại có cảm giác ngạc nhiên như chàng đã có lúc gặp Whitestone lần đầu tiên nêu ra đề nghị về công việc.

Rõ ràng là hắn ta đã tạo ra trước Demiris một hình ảnh hùng vĩ về chàng, điều này không cân xứng với quan hệ giữa chàng và Whitestone trước đây. Larry nói:

– Tôi chỉ là phi công tốt. Công việc của tôi đòi hỏi phải như vậy.

Demiris gật đầu:

– Tôi rất thích những người làm tốt công việc của mình. Ông có thấy rằng đa số mọi người trên đời không tốt trong công việc của họ không?

Larry thú thật:

– Về chuyện đó, tôi không bao giờ nghĩ tới cả.

– Thế mà tôi lại hay suy nghĩ – Ông cười nhạt – Đối tượng công việc của tôi là con người. Phần lớn mọi người chán ghét công việc họ đang làm, ông Douglas ạ. Đáng lẽ phải tìm nhiều cách khác nhau để đi sâu vào những gì họ thích, họ lại cứ luẩn quẩn suốt đời giống như một đám sâu bọ không có trí khôn. Tìm được một người yêu thích công việc của mình không phải là dễ. Hầu như chắc chắn rằng nếu ta phát hiện ra một người như vậy, thì người đó phải thuộc loại người thành đạt.

– Tôi thiết nghĩ đúng là như vậy – Larry khiêm tốn.

– Ông không phải là người thành đạt.

Larry nhìn thẳng vào Demiris, bỗng trở nên thận trọng:

– Ông Demiris ạ, điều đó còn tùy thuộc ở chỗ ông định nói thành đạt về phương diện nào.

Demiris nói trắng ra rằng:

– Tôi muốn nói rằng trong chiến tranh ông đã hành động xuất sắc, song trong hoà bình ông thực hiện công việc không được tốt lắm.

Larry cảm thấy cơ bắp ở hàm dưới của chàng thắt lại.

Chàng cảm thấy như đang như bị người ta châm chọc, song chàng vẫn kiềm chế cơn giận dữ. Đầu óc chàng đang căng ra cố tìm một cách nói nào đây để giành lấy cái công việc mà chàng đang rất tha thiết. Demiris chăm chú quan sát, đôi mắt đen màu ôliu lặng lẽ dõi theo, không bỏ qua một chi tiết nào trên người chàng.

– Ông Douglas, công việc của ông với hãng Pan American gặp trắc trở gì vậy?

Larry nhận thấy ông ta cười gằn, nụ cười mà chàng không thích chút nào:

– Tôi không thích cái ý kiến cho rằng ngồi một xó mười lăm năm trời để đợi trở thành phi công bay kép.

– Vì vậy ông đã nện người thủ trưởng của ông chứ gì.

Larry tỏ ra ngạc nhiên:

– Ai đã kể cho ông chuyện đó?

Demiris vội nói ngay:

– Thôi đi ông Douglas. Một khi ông đã đến làm việc cho tôi, mỗi lần bay cùng với ông là tôi đặt sinh mạng của tôi trong tay ông đấy. Bộ ông tưởng tôi có thể thuê ông mà không biết hết mọi điều về ông sao? Ông đã bị sa thải hai nơi nữa sau khi ông bị hãng Pan American sa thải – Demiris nói tiếp – Đó là một hồ sơ không hay ho gì.

Larry lại nổi giận đùng đùng, đập lại ngay:

– Chuyện đó không liên quan gì đến năng lực của tôi. Một công ty kinh doanh trì trệ, còn công ty kia thì không được ngân hàng cho vay đâm ra phá sản. Tôi vẫn là một phi công hạng cừ.

Demiris ngắm nhìn chàng một lát, sau đó tủm tỉm cười nói:

– Tôi biết ông rồi. Ông chấp hành kỷ luật không được tốt chứ gì?

– Tôi không muốn bị những đứa ngu xuẩn, hiểu biết còn tồi tệ hơn tôi, lại ra lệnh cho tôi.

– Tôi tin rằng tôi không thuộc loại người như vậy – Demiris thản nhiên nói.

– Chừng nào ông không có ý bảo tôi điều khiển các máy bay của ông như thế nào, ông Demiris ạ.

– Không, đó là công việc của ông. Ông còn có một nhiệm vụ nữa là đảm bảo đưa tôi đến chỗ tôi cần đến, một cách có hiệu quả, thuận tiện và an toàn.

Larry gật đầu:

– Tôi sẽ hết sức cố gắng, thưa ông Demiris.

– Tôi tin là như vậy – Demiris nói – Ông đã đi thăm các phi cơ của tôi rồi?

Larry cố không lộ rõ sự ngạc nhiên trên nét mặt:

– Vâng.

– Ông có thích chúng không?

Larry không giấu được nhiệt tình của mình:

– Đẹp tuyệt trần.

Demiris cũng tỏ ý tán đồng với vẻ nhiệt tình hiện trên nét mặt chàng.

– Ông đã từng bay loại Hawker Siddeley bao giờ chưa?

Larry lưỡng lự một lát, định khoác lác một chút rồi lại thôi.

– Chưa ạ.

Demiris gật đầu:

– Vậy theo ông, ông có thể học nhanh được không?

Larry cười:

– Nếu ông có sẵn phi công nào, chỉ cần rảnh rỗi chục phút chỉ vẽ cho tôi là xong.

Demiris nghiêng người ra phía trước đan chặt những ngón tay dài, gày gò vào nhau.

– Tôi có thể chọn ra một phi công từng quen thuộc với tất cả các máy bay của tôi.

– Song ông không nên làm như vậy, bởi ông sẽ còn có những máy bay mới nữa, và rồi ông cần đến một người nào đó có thể thích nghi với những cái ông sẽ mua.

Demiris gật đầu, nói:

– Ông nói đúng. Người tôi cần tìm ở đây là một phi công… một phi công thực thụ… một con người biết lấy việc điều khiển máy bay là việc hạnh phúc nhất đời.

Đến lúc này Larry tin chắc rằng công việc sẽ giao vào tay chàng. Larry không hề biết được rằng chỉ một chút xíu nữa là chàng không được người ta thuê mướn. Sự thành công rất nhiều ở Constantin Demiris lại chính nhờ vào bản năng hết sức tinh nhạy trước những rủi ro, chính cái bản năng này đã phục vụ đắc lực cho ông khiến ông ít khi dám coi thường nó. Khi Ian Whitestone đến báo cho ông hay rằng anh ta xin thôi việc thì trong đầu óc Demiris vang lên hồi chuông báo động rất bình tĩnh. Điều đó là một phần do phong thái của Whitestone. Anh ta hành động không được tự nhiên và có vẻ bồn chồn như thế nào đó. Anh ta khẳng định với Demiris rằng vấn đề ở đây không phải ở tiền bạc.

Anh ta có một cơ hội để gây dựng nên một doanh nghiệp với người em rể ở Sydney và anh ta sẽ cố gắng thử sức xem sao. Sau đó anh ta giới thiệu một người phi công khác.

– Ông này là một người Mỹ, song chúng tôi đã từng bay với nhau trong không lực Hoàng gia Anh, ông ta không chỉ giỏi, mà là đại tài, ông Demiris. Tôi không biết một phi công nào tài hơn ông ta.

Demiris lặng lẽ ngồi nghe Ian Whitestone tiếp tục ca tụng phẩm cách của người chiến hữu cũ, ông cũng cố xét xem, có chỗ nào sai lệch không. Cuối cùng ông phát hiện ra Whitestone có phần hơi nhiều lời, song có lẽ đó là vì anh ta lúng túng trước việc từ bỏ công việc quá đột ngột.

Demiris là người không bao giờ bỏ qua dù là những chi tiết nhỏ nhất khi có điều kiện đến tay, cho nên ông đã làm nhiều cú phôn tới mấy nước khác nhau sau khi Whitestone ra đi. Trước khi kết thúc buổi chiều đó, Demiris đã được khẳng định là có ai đó đã đóng góp tiền tài trợ cho Whitestone trong một công ty điện tử nhỏ ở Australia cùng với người em rể của anh ta. Ông cũng đã nói chuyện với một người bạn ở Bộ không quân Anh và hai giờ sau ông nhận được một báo miệng về Larry Douglas.

Người bạn ông cho biết: “Y ở dưới đất thì hơi lập dị, song là một phi công kiệt suất”. Sau đó Demiris đã gọi điện thoại sang Washington và New York và được cung cấp ngay những tin tức mới nhất về hoàn cảnh hiện nay của Larry Douglas.

Mọi chuyện bề ngoài dường như diễn ra hoàn toàn đúng như chúng cần phải có. Tuy nhiên Constantin Demiris vẫn cảm thấy một điều gì đó áy náy mơ hồ, một điều không hay. Ông thảo luận với Noelle và nêu ra ý kiến có lẽ ông sẽ cung cấp thêm tiền cho Ian Whitestone để giữ anh ta ở lại. Noelle chăm chú lắng nghe, sau đó bảo:

– Thôi. Cứ để cho hắn đi, anh Costa ạ. Còn nếu hắn đã giới thiệu viên phi công Mỹ này với lời lẽ hay ho như vậy thì để em thử tay nghề của y xem sao.

Và thế là cuối cùng ông chấp nhận chàng.

Từ lúc Noelle biết rằng Larry Douglas đang trên đường tới Athens, nàng không còn tâm trí nào để nghĩ đến những chuyện khác. Nàng nhớ lại bấy nhiên năm trời trôi qua, nghĩ đến việc lập các phương án một cách tỉ mỉ, kiên trì, tấm lưới giăng ra chậm chạp, dai dẳng, và nàng tin rằng Constantin Demiris chắc cũng phải hãnh diện về nàng nếu như ông biết chuyện. Noelle lại nghĩ thật là chớ trêu. Giá như nàng không gặp Larry có thể nàng đã được hạnh phúc bên Demiris. Họ bù đắp cho nhau rất hoàn hảo, cả hai người đều say mê quyền lực và biết cách sử dụng quyền lực. Họ là những người nổi trội hơn những người thường khác. Họ là chúa tể, sinh ra để thống trị. Xét đến cùng họ không bao giờ chịu thua, bởi vì họ có một lòng kiên trì sâu sắc và như rất bí ẩn. Họ có thể mai phục vĩnh viễn. Song bây giờ, đối với Noelle, việc mai phục đó coi như đã chấm dứt.

Noelle bỏ ra cả ngày nằm trên chiếc võng trong vườn để kiểm lại cái kế hoạch của nàng, đến lúc vầng thái dương lặn ở phía trời tây, nàng cảm thấy thoả mãn: Nàng nghĩ thầm. Xét về một phía cạnh nào đấy, nàng lấy làm tiếc là trong sáu năm qua đã dành quá nhiều thời gian vào những phương án phục thù của nàng. Dường như nó trở thành động cơ cho từng phút giây nàng tỉnh táo, nó khiến cho cuộc đời nàng thêm nhựa sống, thêm hứng khởi, và bây giờ chỉ trong vài tuần ngắn ngủi nữa vấn đề sẽ đi đến chỗ kết thúc.

Còn lúc này, khi nằm trong khu vườn xanh tươi, yên tĩnh lúc chiều tà, mặt trời lặn dần trên đất Hy Lạp, và những đợt gió hiu hiu bắt đầu thổi. Noelle không biết được rằng chuyện đó lại đang bắt đầu.

Đêm trước hôm Larry tới, Noelle không tài nào ngủ được Nàng nằm thao thức suốt, nhớ lại Paris, nhớ lại con người đã mang lại cho nàng tiếng cười, rồi lại tước đi mất của nàng. Nàng có cảm giác như đứa con của Larry nằm trong bụng nàng, nó chiếm lĩnh cơ thể nàng cũng giống như cha nó chiếm lĩnh tâm trí nàng. Nàng nhớ lại cái buổi trưa hôm đó trong căn nhà ảm đạm ở Paris và cơn đau đớn do chiếc mắc áo nhọn bằng kim loại xoáy mỗi lúc một sâu và trong da thịt nàng cho đến khi nó chạm đến đứa bé thì cơn đau ê ẩm không thể chịu được đã khiến nàng phát cuồng lên và dòng máy tuôn ra xối xả không ngừng. Nàng nhớ lại tất cả những chuyện này và làm chúng sống trở lại. Cả sự đau đớn, sự thống khổ và niềm uất hận…

Năm giờ sáng, Noelle thức dậy, vận quần áo, nàng ngồi trong phòng nhìn ra ngoài, ngắm mặt trời như quả cầu lửa khổng lồ nhô lên trên biển Aegean. Nó gợi cho nàng nhớ đến một buổi sáng khác ở Paris, lần đó nàng cũng dậy rất sớm, vận quần áo và đợi Larry. Chỉ khác là lần này y sẽ tới đây. Bởi vì nàng đã dự kiến rằng y thể nào cũng sẽ phải tới. Noelle trước đây cần y đến thế nào, thì Larry bây giờ cũng cần đến nàng như vậy, cho dù y chưa nhận ra được điều này.

Demiris gởi tới phòng Noelle một tin nhắn rằng ông muốn nàng đến dùng bữa điểm tâm với ông, song nàng cảm thấy phấn khích quá, nàng e rằng thái độ của nàng sẽ gây cho ông tò mò. Đã từ lâu rồi nàng nhận thấy ở Demiris có một sự tinh nhạy như một con mèo. Ông không bỏ qua một chi tiết nào. Cho nên, một lần nữa Noelle tự nhủ là nàng phải hết sức thận trọng. Nàng muốn quan tâm đến Larry theo cách riêng của nàng. Nàng đã suy tính rất lao lung về chuyện sẽ sử dụng Constantin Demiris như một công cụ mà ông không hề hay biết. Nếu như ông phát hiện ra điều này, chắc ông sẽ không thú gì.

Noelle uống nửa tách cà phê Hy Lạp loại đặc và ăn nửa chiếc bánh mới làm còn nóng sốt. Nàng chẳng thấy mùi gì cả. Tâm trí nàng còn đặt cả ở cuộc gặp mặt sẽ diễn ra trong vài ba giờ nữa. Nàng đã chú ý trang điểm một cách đặc biệt và chọn kỹ chiếc váy sẽ mặc và nàng biết là hôm nay nàng rất đẹp.

Quá mười một giờ một phút, Noelle nghe thấy tiếng xe hơi dừng lại ở trước nhà. Nàng hít một hơi thở sâu cố trấn tĩnh nỗi hồi hộp, sau đó từ từ đi về phía cửa sổ. Larry Douglas bước ra khỏi ra. Noelle theo dõi chàng tiến về phía cửa trước. Dường như năm tháng đã biến đâu hết cả hai người đang trở lại những tháng ngày ở Paris. Larry có phần nào chín chắn hơn trước, chiến tranh và đời sống đã làm cho chàng thêm những nếp nhăn mới trên mặt, song những nét đó chỉ làm cho chàng thêm đẹp hơn. Khi Noelle đứng ngắm chàng qua cửa sổ, cách xa gần chục mét, nàng vẫn có cảm giác một sức hút động vật, vẫn thấy sự thèm khát cũ, mỗi lúc một dâng cao, xen lẫn với lòng căm thù cho tới khi nàng cảm thấy phấn chấn thì lúc đó gần như đạt tới cực điểm. Nàng liếc nhanh nhìn lại mình trong gương một lần cuối, sau đó đi xuống lầu để gặp con người mà nàng sẽ tiêu diệt.

Khi bước xuống thang, Noelle tự hỏi không biết phản ứng của Larry sẽ thế nào khi chàng gặp lại nàng. Liệu y có bốc phét với bạn bè của y, thậm chí có thể kể lể với vợ y rằng Noelle Page đã có một thời yêu y mê mệt không?

Nàng tự hỏi như vậy cũng giống như nàng đã tự hỏi nàng trăm lần trước đây, liệu y có làm sống lại những kỷ niệm kỳ diệu của những ngày đêm họ chung sống bên nhau ở Paris không? Và liệu y có ăn năn trước những việc mà y đã gây ra cho nàng không? Làm cách nào để y dằn vặt trước một sự thật là nàng đã trở thành một nhân vật nổi tiếng khắp thế giới, trong lúc đó thì cuộc đời riêng của y đầy rẫy những thất bại cỏn con. Noelle muốn được thấy điều đó trong đôi mắt của Larry lần đầu tiên họ lại giáp mặt nhau sau gần bảy năm trời.

Khi Noelle xuống tới phòng khách thì cửa trước cũng vừa mở và người quản gìa đưa chàng vào. Larry đang trừng trừng ngắm nhìn sảnh rộng mênh mông, vẻ kinh hoàng, chàng quay lại và trông thấy Noelle. Chàng nhìn nàng một hồi lâu, mặt tươi hẳn lên khi được chiêm ngưỡng một phụ nữ xinh đẹp.

– Chào bà – Chàng nói lịch thiệp – Tôi là Larry Douglas. Tôi có một cuộc hẹn với ông Demiris.

Trên mặt chàng không thấy xuất hiện một dấu hiệu gì chứng tỏ rằng chàng đã nhận ra nàng. Không một dấu hiệu nào.

***

Catherine ngồi trên xe hơi chạy dọc các phố xá Athens về khách sạn của họ, nàng kinh ngạc trước những đống hoang phế và tượng đài liên tục xuất hiện xung quanh họ.

Nàng thấy ở đằng trước một cảnh tượng ngoạn mục, đền Parthenon bằng đá cẩm thạch trắng nổi cao trên đỉnh đồi Acpropolis. Khách sạn và các dinh thự công sở ở khắp nơi, tuy nhiên Catherine có cảm giác kỳ quặc rằng những công trình mới chỉ có tính chất tạm bợ, nhất thời, trong khi đền Karthinon sẽ vĩnh viễn bất tử giữa bầu không khí trong vắt.

– Hùng vĩ đấy chứ? – Larry cười nói – Cả cái thành phố này đều như vậy. Một đống hoang tàn khổng lồ và rất đẹp.

Họ đi ngang qua một công viên lớn ở trung tâm thành phố với những vòi phun nước uốn éo ở công viên. Hàng trăm chiếc bàn với những cột màu xanh và da cam xếp dọc công viên. Bầu trời giăng giăng trên đầu họ như một tấm bạt xanh lớn.

Đây là quảng trường Nhấm Nháp(1) – Larry bảo.

– Cái gì cơ?

– Tên thực của nó là quảng trường Hiến Pháp. Song dân chúng thường ngồi ở bàn này suốt ngày uống cà phê Hy Lạp và ngắm nhìn sự đời diễn ra.

Hầu như ở khối nhà nào cũng có những quán cà phê ngoài trời ở các góc phố người ta bán những bọt biển mới bắt được. Đâu đâu cũng thấy người bán hoa, các quán hoa của họ đầy những loại hoa màu sắc rực rỡ.

Catherine nhận xét:

– Thành phố này trắng quá cho nên thật chói chang.

Căn phòng kép ở cửa khách sạn rộng và duyên dáng, trông ra quảng trường Syntagina, một quảng trường rộng ở giữa thành phố. Trong phòng có bầy nhiều hoa và một bát to đựng nhiều trái cây tươi ngon.

Sau khi đi xem một lượt căn phòng, Catherine bảo:

– Em thích lắm.

Người trực tầng đặt những chiếc valy của nàng xuống.

Larry cho hắn tiền puốc boa, thằng bé nói:

– Parapobe.

– Parakelo – Larry đáp lại.

Thằng bé đi xa, khép cửa lại đằng sau nó.

Larry tiến lại, choàng tay ông lấy Catherine.

– Chúc mừng em đã tới Hy Lạp.

Chàng háo hức hôn nàng và áp sát toàn thân chàng vào người nàng. Nàng cảm nhận chàng đã nhớ nàng vô cùng, nàng thầm mừng như vậy. Chàng đưa nàng vào phòng ngủ.

Trên chiếc bàn gương có một gói nhỏ, để lộ ra một chiếc hộp nhỏ, bên trong là một con chim bé xíu chạm bằng ngọc. Larry bận như vậy mà vẫn nhớ đến quà.

Catherine rất cảm động. Dù sao con chim này cũng là một tấm bùa, một điềm lành cho thấy mọi việc tiến hành suôn sẻ rằng những chuyện quá khứ đến dây là chấm dứt.

Trong lúc họ ân ái, Catherine thầm cầu nguyện, tỏ lòng biết ơn vì nàng được nằm trong vòng tay người chồng mà nàng yêu dấu vô cùng, được sống ở một trong những thành phố thú vị nhất thế giới và bắt đầu một cuộc đời mới. Chàng Larry cũ lại đây rồi, và toàn bộ vấn đề của họ chỉ là làm sao củng cố cho cuộc hôn nhân của họ thêm bền chặt. Không có gì có thể khiến họ tổn thương được.

Sáng hôm sau Larry thu xếp với một công ty nhà cửa tới đưa Catherine đi xem một số căn nhà. Nhân viên đi cùng nàng là một người thấp lùn, da đen sẫm, ria mép dầy, tên là Dimitropolous. Ông ta nói liến thoáng bằng một thứ ngôn ngữ mà ông tin là tiếng Anh hoàn hảo, nhưng trong đó xen vào những từ Hy Lạp thỉnh thoảng lại kèm một cụm từ tiếng Anh mà không tài nào hiểu được nghĩa là gì.

Catherine cũng đành tùy thuộc vào ông ta thôi (sau này trong nhiều tháng nàng cũng thường áp dụng cách ứng xử như vậy) nàng đề nghị ông nói thật chậm để nàng có thể chọn ra một số từ tiếng Anh và cố đoán xem ông ta định diễn đạt cái gì.

Địa điểm thứ tư ông đưa nàng tới là một căn nhà gồm bốn phòng sáng sủa, chói chang ánh nắng, sau này được biết nó nằm ở khu Kolonski một khu ngoài ô sang trọng ở Athens, với những ngôi nhà cư dân đẹp đẽ và những cửa hiệu lộng lẫy.

Tối hôm đó, khi Larry trở về khách sạn, Catherine kể cho chàng nghe về căn nhà đó và hai ngày sau họ dọn đến nhà mới.

Larry đi vắng suốt ngày nhưng chàng cố gắng có mặt ở nhà để ăn bữa chính với Catherine. Bữa chính ở Athens là vào quãng chín đến mười hai giờ trưa. Từ hai giờ đến năm giờ mọi người nghỉ ngơi, các cửa tiệm mở đến tận khuya. Catherine cảm thấy hoàn toàn bị thành phố này cuốn hút. Đến đêm thứ ba ở Athens, Larry đưa về một người bạn mới, đó là Bá tước George Pappas, người Hy Lạp tuổi trạc bốn lăm đầy hấp dẫn, dáng người cao gầy, mái tóc đen, nhưng điểm bạc hai bên thái dương. Ở ông ta có một vẻ đạo mạo kiểu cổ, hơi kỳ dị khiến Catherine thấy thích. Ông ta đưa họ đến ăn ở một nhà hàng nhỏ ở khu phố cổ Plaka rộng vài ba acre, dốc về phía trung Athens, với những ngõ hẻm ngoằn nghèo, những bậc thang cũ kỹ, sụt lở dẫn đến những ngôi nhà nhỏ xây dựng từ thời cổ Thổ Nhĩ Kỳ thống trị Hy Lạp và thành phố Athens còn là một làng quê. Khu Palaka là khu có những kiến trúc quét vôi trắng nằm rải rác đây đó, có những quầy bán hoa quả tươi, mùi cà phê rang thơm lừng trong không khí, những con mèo gầm gừ và những cuộc ẩu đả huyên náo phố xá, ấn tượng của khu này thật là quyến rũ. Catherine nghĩ: ở những thành phố khác thì những khu như thế này đã trở thành một ổ chuột rồi. Thế mà ở đây lại là một tượng đài.

Cái nhà hàng mà Bá tước Pappas đưa họ tới là nhà hàng lộ thiên nằm trên nóc một ngôi nhà nhìn ra khắp thành phố. Những người bồi phục vụ ở đây ăn mặc quần áo sặc sỡ

– Bà muốn dùng gì? – Ông bá tước hỏi Catherine.

Nàng xem kỹ bản thực đơn đầy lạ lùng và lúng túng:

– Ông làm ơn đặt món ăn giúp tôi. Tôi e rằng tôi gọi nhầm ra tên ông chủ tiệm cũng nên.

Bá tước Pappas đặt một tiệc thịnh soạn, ông ta chọn ra hàng loạt món ăn để Catherine có dịp nếm đủ mọi thứ.

Họ ăn món Dolmades, thịt băm viên cuộn trong lá nho, mousaka, món thịt nhồi cá béo ngậy, stiffado, thịt thỏ rô ti với hành – (mãi đến khi nàng ăn được một nửa, nàng mới biết món này là món gì, và từ đó nàng không dám ăn nữa) và món taramosalata là món xà lách Hy Lạp trộn trứng, dầu ôliu và chanh. Ông Bá tước gọi một chai retsina.

– Đây là rượu vang bản địa của chúng tôi – Ông giải thích như vậy.

Ông ngồi ngắm Catherine nếm thử loại rượu này một cách thú vị. Nó có vị gắt của dứa. Catherine phải nhắm mắt nhắm mũi mới uống nổi. Nàng giật thót cả người. Ăn món gì bây giờ cũng đều mất ngon cả.

Trong lúc họ ăn, có ba nhạc công chơi nhạc Bozoukia. Tiếng nhạc vui vẻ, yêu đời và dễ gây cảm hứng, ba người ngồi ngắm những người khác bắt đầu đứng dậy bước ra sàn nhẩy theo tiếng nhạc. Điều khiến Catherine kinh ngạc là tất cả những người nhảy đều là nam giới và họ nhảy tuyệt vời. Nàng ngồi xem một cách thích thú.

Mãi đến hơn ba giờ sáng họ mới ra về. Ông bá tước lái xe đưa hai vợ chồng về căn nhà mới của họ. Ông hỏi:

– Bà đã đi xem phong cảnh thành phố chưa?

– Thực ra là chưa. – Nàng thừa nhận – Tôi còn đợi Larry có thời gian nghỉ đã.

Ông bá tước quay sang Larry:

– Có lẽ trong lúc ông chưa tham gia được, tôi cứ đưa bà Catherine đi xem vài ba nơi trước, được không?

– Thế còn gì bằng – Larry đáp – Miễn là việc đó không quá phiền hà cho ông.

– Tôi rất vui lòng được làm việc đó – Ông bá tước đáp, rồi quay sang Catherine – Bà có nhận tôi là người hướng dẫn cho bà không?

Nàng nhìn ông và chợt nhớ đến Dimitropolous, người nhân viên công ty nhà cửa, vóc dáng nhỏ bé, nói tiếng Anh liến thoắng, líu ríu chẳng nghe rõ gì.

– Tôi rất mong được như vậy – Nàng đáp lại một cách chân thành.

Mấy tuần tiếp sau đó là những tuần tuyệt diệu. Sáng nào Catherine cũng sắp sắp xếp nhà cửa, đến chiều, nếu Larry đi vắng thì ông Bá tước lại đến đón nàng đi xem phong cảnh.

Họ đã tới núi Olimpia. Ông bá tước kể:

– Đây là nơi diễn ra những trò thể thao Olimpia đầu tiên. Những ngày hội đó được tổ chức hàng năm kéo dài trong một ngàn năm liền, bất chấp các cuộc chiến tranh, dịch bệnh, nạn đói.

Catherine ngạc nhiên đứng ngắm cảnh hoang phế của một vũ đài lớn, nàng nghĩ đến những cuộc thi đấu huy hoàng đã từng được tổ chức tại đây trong những thế kỷ, nàng nghĩ đến những thắng lợi và thất bại.

– Nếu nhận xét những sân đấu ở Eton thì nơi đây thật là chỗ khởi thủy cho tinh thần thượng võ.

Ông Bá tước cười lớn:

– Tôi e rằng sự thực sẽ phần nào làm cho bà ngạc nhiên đấy.

Catherine chăm chú nhìn ông:

– Tại sao vậy?

– Cuộc thi xe chiến mã lần đầu tiên tổ chức ở đây đã có sắp đặt trước.

– Sắp đặt trước?

Ông Bá tước kể tiếp:

– Đúng thế đấy. Có một ông hoàng giàu sụ tên là Pelops lúc đó đang ân hận với đối thủ của mình. Họ quyết định tổ chức một cuộc thi xe chiến mã để xác định xem ai thắng ai thua. Đêm trước cuộc thi Pelops đã thay bánh xe ở xe đối thủ của mình. Khi cuộc thi bắt đầu dân chúng có mặt ở đây tung hô người mình yêu mến. Ở vòng đầu chiếc xe của đối thủ đã bị văng bánh, xe lật nhào. Đối thủ đã bị mắc giữa dây cương và bị ngựa lôi đi đến chết. Pelops về đích thắng cuộc.

– Thật là kinh khủng – Catherine nói – Thế họ đã làm gì với hắn ta?

– Quả thực đó là đoạn ô nhục nhất trong lịch sử. Ông Bá tước đáp – Ngày nay thiên hạ ai cũng biết hành động của Pelops. Y được coi là anh hùng vĩ đại và trên một trần tường lớn trên đền thờ Zeus ở Olimpia người ta vẫn đắp hình để suy tôn y. Hiện nay vẫn còn đó – Ông mỉm cười chua chát – Có lẽ tên đểu cáng này đã giễu thêm và sống sung sướng mãi sau đó. Trên thực tế – Ông nói thêm – Cả một vùng ở phía nam Corinth được gọi theo tên của y là Peloponnesus.

– Hoá ra tội ác không bị trừng phạt ư? – Catherine thắc mắc.

Mỗi khi Larry có dịp rảnh, chàng cùng Catherine đi xem thành phố. Họ phát hiện ra những nhà hàng tuyệt vời mà ở đó họ có thể bỏ ra nhiều giờ để mặc cả và những nhà hàng bé nhỏ họ có thể ăn theo ý thích. Larry tỏ ra là một người vui vẻ, hấp dẫn đáng mến và Catherine thầm nghĩ rằng việc nàng bỏ công việc ở Hoa Kỳ để đi theo chồng sang Hy Lạp là hoàn toàn thoả đáng.

Còn đối với Larry, chàng cũng chưa bao giờ được hạnh phúc đến như vậy. Công việc làm với Demiris thật là một giấc mơ trong cuộc đời chàng. Tiền lương rất hậu, song Larry không quan tâm đến những điều đó lắm. Điều chàng quan tâm nhiều là những chiếc phi cơ kỳ diệu mà chàng đang điều khiển. Để học lái chiếc Hawker Siddeley chàng mất đúng một tiếng đồng hồ và với năm chuyến bay nữa là chàng hoàn toàn làm chủ được nó. Phần lớn thời gian Larry bay cùng với Paul Metaxas, chàng phi công người Hy Lạp thấp bé, vô tư lự của Demiris. Metaxas rất ngạc nhiên trước việc Ian Whitestone đột ngột ra đi, rồi anh lại thấy lo lắng trước việc tìm người thay chân cho Whitestone: Anh đã từng nghe nhiều chuyện về Larry Douglas, song anh không tin Larry giống như hình ảnh qua các câu chuyện kể lại. Tuy nhiên, Douglas tỏ ra là có nhiệt tình thực sự đối với công việc mới mẻ của chàng và lần đầu tiên Metaxas bay cùng chàng, anh ta nhận thấy quả thực Larry là một phi công xuất chúng.

Dần dần Metaxas bớt phần cảnh giác và hai người trở thành đôi bạn thân thiết.

Mỗi khi không bay, Larry lại giành thời gian để nghiên cứu từng khuyết tật riêng của mỗi chiếc máy bay. Sau khi làm xong, chàng có thể điều khiển chúng lão luyện hơn bất kỳ phi công nào đã từng bay chúng trước đây.

Sự phong phú của công việc khiến cho Larry thêm say mê: chàng thường đưa các nhân viên của Demiris đi công du tới Brindisi, Corfu và Rome, hoặc đón rước khách rồi đưa họ tới hòn đảo riêng của Demiris để dự tiệc tùng hoặc đến nhà ván của ông ở Thuỵ Sĩ để truợt tuyết. Chàng đã quen với việc lái máy bay cho những nhân vật mà chàng thường xuyên thấy chân dung của họ trên các trang nhất của các báo chí, rồi chàng thích thú kể lại những chuyện về họ cho Catherine nghe. Chàng lái máy bay chở Tổng thống của một nước vùng Balkan, chở thủ tướng Anh, một ông vua dầu lửa Ả Rập và toàn bộ các cung phi của ông ta. Chàng đã chở những danh ca opera, một đoàn múa Balê và cả một đoàn diễn viên trong một vở kịch của hãng Broadway trình diễn ở London chỉ duy nhất có một buổi mừng ngày sinh của Demiris. Chàng đã chở các chánh án toà án tối cao, một thượng nghị sĩ và cựu Tổng thống Hoa Kỳ. Trong suốt chuyến bay Larry dành phần lớn thời gian ngồi trong buồng lái, song thỉnh thoảng chàng cũng ghé qua cabin để kiểm tra lại xem các hành khách có được thoải mái dễ chịu không. Thỉnh thoảng chàng cũng nghe đôi đoạn trong những cuộc thảo luận giữa các trùm tư bản về những công ty hỗn hợp đang đe doạ vận mệnh của kẻ khác hoặc việc buôn bán chứng khoán. Lẽ ra chàng có thể lợi dụng được những tin tức mà chàng nghe lỏm được song chàng chẳng quan tâm gì. Cái mà chàng bận tâm nhiều lại là chiếc máy bay chàng đang bay, sao cho nó mạnh mẽ, sống động và nằm dưới sự kiểm soát của chàng.

Phải hai tháng sau Larry mới lái máy bay cho Demiris. Họ đang ở trên chiếc Piper. Larry lái máy bay chở ông chủ của mình từ Athens tới Dubrovnik. Đó là một ngày trời đầy mây, có tin báo gió bão gìật từng cơn dọc trên đường bay. Larry đã cẩn thận vạch ra một lộ trình ít gặp gió bão nhất, song không khí vẫn đầy những vùng gió xoáy không tài nào tránh nổi.

Một giờ sau khi ra khỏi Athens chàng đã bật đèn báo thắt dây lưng an toàn và nói với Metaxas:

– Bình tĩnh, Paul nhé. Chuyến bay này có thể là thử thách cả sự nghiệp của chúng ta đấy.

Larry lấy làm ngạc nhiên khi thấy Demiris xuất hiện trong buồng lái, nói:

– Cho tôi vào chỗ các anh nhé.

– Xin ông cứ tự nhiên – Larry đáp – Chuyến bay này sẽ khó khăn đây.

Metaxas nhường chỗ cho Demiris để cho ông ngồi vào đó. Larry lúc này chỉ muốn có người phi công bay kép của mình ngồi cạnh để khi có sự cố gì thì còn phản ứng cho kịp, tuy nó là máy bay của Demiris.

Trận bão kéo dài gần hai tiếng đồng hồ. Larry lái vòng quanh một núi mây khổng lồ cuồn cuộn dâng lên ở trước mặt họ một màu trắng dễ chịu song cũng đầy đe doạ.

– Đẹp quá chừng – Demiris bình phẩm.

– Những đám mây này chết người đấy – Larry nói – Mây tích điện đấy – Lý do mà chúng trông đẹp đẽ và bồng bềnh như vậy vì có gió ở bên trong thổi thốc lên. Máy bay mà lọt vào trong đó thì chỉ không đầy mười giây là bị xé tan tành. Người ta có thể vọt lên hoặc rơi xuống ba chục ngàn foot trong không đầy một phút và không còn điều khiển được máy bay của mình nữa.

– Tôi tin rằng anh sẽ không cho việc đó xảy ra – Demiris bình tĩnh đáp.

Gió quật vào máy bay, cố đẩy nó sang một phía song Larry vật lộn để nắm quyền điều khiển chiếc máy bay.

Chàng quên cả Demiris đang có mặt ở đó, tập trung toàn bộ chú ý vào chiếc máy bay chàng đang lái và vận dụng mọi kỹ năng mà chàng biết từ trước tới giờ. Cuối cùng họ đã ra khỏi vùng bão tố. Larry quay lại, lau mồ hôi và nhận thấy Demiris đã rời buồng lái từ bao giờ. Metaxas đang ngồi trên ghế.

– Paul ạ, chuyến bay đầu tiên với ông chủ khốn nạn thế đấy! – Larry than thở – Mình có lẽ sẽ bị rầy rà đây.

Chàng đang cho máy bay hạ cánh xuống một sân bay nhỏ nằm giữa vùng đồi núi ở Dubrorvnik thì Demiris xuất hiện ở buồng lái, ông bảo với Larry:

– Ông đã nói có lý. Tôi thấy hài lòng vì ông rất tài nghệ qua những việc ông đã làm.

Rồi Demiris bước ra.

Một buổi sáng Larry đang chuẩn bị cho một chuyến bay sang Marốc, Bá tước Pappas gọi điện thoại tới xin đề nghị được đưa Catherine đi chơi xe hơi về vùng nông thôn.

Larry nhất định bảo nàng phải đi.

– Bộ anh không ghen? – Nàng hỏi.

– Ghen với ông Bá tước? Larry cười rũ rượi.

Và Catherine bỗng hiểu ra cả. Trong suốt thời gian nàng với ông Bá tước đi chơi với nhau, ông ta chưa có một hành vi nào không đúng với nàng, thậm chí nhìn nàng một cách gợi tình cũng không. Nàng hỏi:

– Ông ấy bị bệnh đồng tính luyến ái?

Larry gật đầu:

– Chính vì vậy anh mới để cho em được ông ấy chăm sóc ân cần như vậy.

Ông Bá tước đến đón Catherine rất sớm, rồi họ khởi hành theo hướng nam về vùng đồng bằng Thessaly rộng rãi. Những người phụ nữ nông dân ăn vận quần áo đen bước dọc trên đường, trên lưng buộc những bó củi nặng trĩu Catherine thấy vậy hỏi:

– Tại sao nam giới không làm những công việc nặng nề này thay cho họ?

Ông Bá tước nhìn nàng bằng một cách nhìn thích thú rồi đáp:

– Phụ nữ không muốn nam giới làm những việc đó bởi vì họ muốn chồng họ khoẻ khoắn lúc ban đêm để làm những việc khác.

Catherine chua chát nghĩ thầm: âu cũng là một bài học cho tất cả chúng ta.

Đến lúc chiều tà họ tới vùng núi Pindus trông ghê rợn với những mỏm đá vươn lên cao tận trời. Con đường bị tắc nghẽn bởi một đàn cừu được một người thợ cừu và một con chó săn gầy ốm chăn dắt. Bá tước Pappas phải dừng, đợi cho đàn cừu tản ra khỏi đường. Catherine ngắm nhìn con chó cắn vào chân những con cừu đi lạc đường bắt chúng đi vào hàng và theo hướng mà con chó muốn dắt dẫn.

Catherine tỏ ý thán phục:

– Con chó cứ như người vậy

Ông Bá tước nhìn nàng rất nhanh. Trong cái nhìn đó có điều gì đó khiến nàng thấy khó hiểu. Nàng hỏi:

– Sao vậy?

Ông Bá tước ngập ngừng:

– Câu chuyện này không hay ho gì.

– Yên chí, thần kinh tôi vững lắm.

Ông Bá tước kể:

– Đây là một vùng hoang dã. Đất đai ở đây toàn sỏi đá, cằn cỗi. Mùa màng có tốt nhất cũng chỉ được lèo tèo chút đỉnh mà thôi, mà nếu thời tiết xấu thì chẳng thu hoạch được gì, đói to ngay lập tức – Giọng ông lạc hẳn đi.

Catherine vội nhắc:

– Ông cứ kể tiếp đi.

– Cách đây vài năm có trận bão lớn xảy ra tại đây, mùa màng hỏng hết cả. Mọi người cạn hết thức ăn. Toàn bộ lũ chó chăn cừu vùng này đã nổi loạn. Chúng bỏ các trang trại và tụ tập thành một đàn rất lớn – Ông kể tiếp, song cố giữ giọng nói không mang vẻ kinh hãi – Chúng bắt đầu tiến công các trang trại.

– Và giết hết cừu? – Catherine hỏi dồn.

Im lặng một lúc, ông ta đáp:

– Không. Chúng cắn xé và ăn thịt các người chủ của chúng.

Catherine sửng sốt nhìn ông.

– Người ta phải phái quân đội liên bang từ Athens về đây lập lại sự cai trị của con người. Mất gần một tháng.

– Thật là ghê rợn.

– Nạn đói đã gây ra những chuyện ghê rợn như vậy – Bá tước Pappas khe khẽ nói.

Đàn cừu đã qua hết con đường. Catherine ngó nhìn lại con chó chăn cừu một lần nữa và thấy rùng mình.

Nhiều tuần lễ trôi qua, nhiều điều dường như lạ lùng, xa cách với Catherine giờ đây đã trở nên quen thuộc với nàng. Nàng nhận thấy mọi người đều cởi mở thân thiện.

Nàng biết những chỗ để mua bán, chợ búa và cửa tiệm mua quần áo ở phố Voukourestiou. Hy Lạp là một xứ sở kỳ lạ và người ta phải thư giãn và hưởng thụ nếp sống đó.

Không một ai vội vã gì, nếu bạn có hỏi đường ai đó họ có thể dẫn bạn đến tận nơi. Hoặc khi bạn hỏi đường có xa không thì anh ta sẽ nói “Dnos cigarou dromos”, mà Catherine hiểu rằng “hút hết một điếu thuốc lá”. Nàng đã đi khắp các phố, xem khắp thành phố và uống thứ rượu vang thẫm âm ấm giữa ngày hè ở Hy Lạp.

Catherine và Larry đã đến thăm vùng Mykonos với những chiếc cối xay gió sặc sỡ màu sắc và thăm Melos, nơi người ta đã tìm ra bức tượng thần Vệ nữ ở Milo. Song nơi mà Catherine thích nhất vẫn là Paros, một hòn đảo duyên dáng, xanh tươi với một ngọn núi nhô cao, đỉnh phủ đầy hoa. Khi chiếc thuyền của họ cập đảo, một người hướng dẫn đứng sẵn ở bến. Anh ta hỏi xem họ có cần anh đưa đường lên đỉnh núi bằng la không, và thế rồi họ trèo lên hai con la gầy trơ xương. Catherine đội một chiếc mũ rơm rộng vành để tránh ánh nắng gay gắt. Họ cưỡi la trèo lên con đường dốc gần tới đỉnh núi, có những phụ nữ vận đồ đen gọi to “Kelimera” và trao cho Catherine những món quà làm bằng cỏ tươi, da cừu thuộc để gài lên vành mũ của nàng. Sau hai giờ cưỡi la, họ tới một cao nguyên, đây là một khu đồng bằng đẹp đẽ có nhiều cây to với hàng triệu bông hoa nở đầy rất ngoạn mục. Người hướng dẫn dừng la lại để họ được ngắm cảnh sắc trăm hồng ngàn tía thật kỳ lạ.

– Nơi này được gọi là thung lũng Bướm – Người hướng dẫn giải thích bằng một thứ tiếng Anh nhát gừng.

Catherine nhìn quanh song không thấy một con bướm nào. Nàng hỏi:

– Tại sao người ta gọi như vậy?

Gã hướng dẫn toe toét cười, gần như hắn đang đợi câu hỏi này của nàng. Hắn bảo.

– Tôi sẽ cho bà thấy.

Hắn tụt xuống khỏi con la và nhặt một cành cây gẫy. Hắn tiến đến một cái cây và dùng cành cây gẫy đập thật mạnh vào đó. Trong chớp mắt những “bông hoa” trên hàng trăm cây bỗng bay tán loạn mang theo màu sắc sặc sỡ trên trời để những cái cây trơ ra đó. Không gian bỗng tràn ngập hằng hà sa số những con bướm đủ màu sắc tươi vui chập chờn nhảy múa trong ánh nắng.

Catherine và Larry kinh ngạc ngắm nhìn. Gã hướng dẫn đứng ngây người, ngắm họ, mặt hắn lộ vẻ tự hào như thể hắn cảm thấy hắn đang là người tạo nên cái phép màu huyền diệu mà họ đang được chiêm ngưỡng. Đó là một trong những ngày đẹp nhất trong đời Catherine, và nàng thầm nghĩ nếu như nàng có thể chọn lựa một ngày hoàn hảo nhất để nàng sống lại với nó, thì ngày đó chính là ngày nàng đã sống với Larry ở Paros.

***

– Này, sáng hôm nay chúng ta có một thượng khách đấy nhé – Paul Metaxas cười vui vẻ với Larry – Đợi đó rồi sẽ được gặp nàng.

– Ai thế?

– Noelle Page, cô bồ nhí của ông chủ. Anh có thể ngắm chán thì thôi, nhưng chớ có đụng vào mà chết đấy.

Larry Douglas chợt nhớ ra phút giây thoáng qua mà chàng đã chạm mặt người đàn bà đó tại nhà Demiris ngay sáng hôm chàng tới Athens. Nàng thật là một hoa khôi trông rất quen, có lẽ đó là vì chàng đã từng thấy nàng trên màn bạc, trong một bộ phim của Pháp mà Catherine đã có lần lôi bằng được chàng đi xem. Chẳng cần phải nhờ đến người khác dậy chàng những phép tắc về sự tự vệ này.

Cho dù thế giới này thiếu đi những người đàn bà nhiệt tình, chàng cũng sẽ không láng cháng lại gần cô bồ của Constantin Demiris làm gì. Larry say sưa với công việc của mình, chàng chẳng dại gì có hành động ngớ ngẩn để phá hoại công việc đó. Có lẽ chàng sẽ xin chữ ký của nàng đem về cho Catherine làm kỷ niệm là đủ.

Chiếc ô tô đưa Noelle ra phi trường đã phải giảm tốc mấy lần vì những tốp công nhân đang sửa đường, song Noelle lại thấy thích những lần trì hoãn như vậy. Kể từ sau lần chạm mặt ở nhà Demiris, đây sẽ là lần đầu tiên nàng gặp lại Larry Douglas. Noelle bị chấn động mạnh trước những gì đã xảy ra. Hay nói cho chính xác hơn là trước những gì đã không xảy ra.

Trong hơn sáu năm qua Noelle đã tưởng tượng ra hàng trăm cách khác nhau về cuộc tái ngộ này: Nàng đã từng diễn đi diễn lại cảnh này trong óc. Chỉ có một điều duy nhất nàng không bao giờ nghĩ tới là Larry có thể không nhớ ra nàng. Cái sự kiện quan trọng nhất trong đời nàng hoá ra chẳng có nghĩa lý gì đối với chàng so với một vụ gian díu rẻ tiền, một trong hàng trăm vụ khác. Được rồi, trước khi nàng thanh toán với hắn, hắn phải nhớ ra nàng.

Larry đang đi ngang qua phi trường, tay cầm kế hoạch bay thì cũng là lúc chiếc ô tô dừng lại trước chiếc máy bay khổng lồ và Noelle Page bước ra khỏi xe. Larry tiến đến bên chiếc xe, vui vẻ nói:

– Xin chào tiểu thư Page. Tôi là Larry Douglas. Tôi sẽ đưa cô cùng với những người khách của cô sang Canres.

Noelle quay lại và bước ngang qua chàng như thể chàng không hề có mặt tại đó. Larry đứng ngây người, lúng túng nhìn theo.

Ba mươi phút sau, những người hành khách khác, có chừng chục người, đã lên đủ trên máy bay, Larry và Paul cho máy bay cất cánh. Họ đưa nhóm người này tới Cote d Azur và ở đó họ sẽ được đón lên chiếc du thuyền của Demiris. Chuyến bay dễ dàng ngoại trừ gặp một đợt gió xoáy bình thường ở ngoài khơi bờ biển phía Nam nước Pháp vào mùa hè. Larry hạ cánh rất nhẹ nhàng và cho máy bay chạy trên đường băng tới chỗ có mấy chiếc xe hơi đang trực sẵn để đón khách. Larry rời máy bay cùng với người phụ lái nhỏ bé, bướng bỉnh. Noelle bước thẳng đến chỗ Metaxas, không thèm ngó ngàng gì tới Larry, nàng nói bằng một giọng khinh miệt:

– Anh Paul ạ, cái người phi công mới ấy mà, lái máy bay tài tử quá. Anh nên cho anh ta mấy bài về cách bay nhé.

Rồi Noelle bước vào xe, bỏ mặc Larry đứng ngây ra sững sờ, uất hận.

Chàng tự nhủ con mụ này thật là con quỷ cái, có lẽ hôm nào đó xấu trời chàng sẽ cho con mụ một trận. Song sự việc liên tiếp xảy ra một tuần sau đó đã khẳng định cho chàng thấy là chàng đang gặp một vấn đề nghiêm trọng.

Theo lệnh của Demiris, Larry đón Noelle ở Oslo lên máy bay rồi đưa nàng sang London. Lần này, Larry vạch ra một kế hoạch hết sức chu đáo. Ở phía Bắc có một vùng không khí áp suất cao, có thể có sấm chớp ở phía đông. Larry theo một một lộ trình đi tắt qua những khu vực này và chuyến bay kết thúc suôn sẻ. Chàng đưa máy bay xuống đúng chỗ hạ cánh trong khu vực ba điểm, rồi cùng với Metaxas đi vào cabin. Noelle Page đang tô môi son. Larry lễ phép nói:

– Tôi hy vọng chuyến bay này tiểu thư ưng ý chứ, tiểu thư Page?

Noelle liếc nhìn chàng một lúc, mặt nàng không bộc lộ một tình cảm gì, sau đó nàng quay sang Paul Metaxas:

– Lúc nào tôi cũng cảm thấy bồn chồn khi bay trên máy bay do người lái tồi điều khiển.

Larry đỏ bừng mặt. Chàng định nói thì Noelle lại bảo với Metaxas:

– Anh hãy nhắc cho anh ta nhớ rằng từ nay về sau bao giờ tôi hỏi han đến anh ta thì anh ta mới được đáp lại lời tôi.

Metaxas lúng túng, muốt nước bọt.

– Dạ vâng, thưa tiểu thư.

Larry hằm hằm nhìn Noelle, đôi mắt chàng bốc lửa giận dữ theo nàng khi nàng đứng dậy, rời khỏi máy bay.

Chàng muốn vả vào mặt nàng, song chàng biết làm như vậy thì coi như là chấm dứt một sự nghiệp. Chàng yêu thích công việc này hơn bất kỳ những công việc nào trước đây, và chàng cố kiềm chế không để một một chuyện rủi ro gì xảy ra. Chàng hiểu rằng một khi chàng bị sa thải thì cũng có nghĩa đây là lần cuối cùng chàng được lái. Không, chàng sẽ phải hết sức thận trọng.

Khi Larry về đến nhà, chàng đem mọi chuyện vừa xảy ra kể lại với Catherine.

– Cô ta kiếm chuyện với anh hoài – Larry bảo.

– Cô ta có vẻ tai quái đấy – Catherine đáp – Larry anh có làm gì để cô ta mếch lòng không?

– Anh chưa nói với cô ta trọn một chục từ.

Catherine nắm lấy tay chồng, an ủi:

– Anh cứ yên tâm. Chẳng mấy chốc là anh sẽ khiến cô ta phải say mê cho mà xem.

Hôm sau trong một chuyến Larry chở Constantin Demiris đi công cán ngắn ngày sang Thổ Nhĩ Kỳ, Demiris lại vào buồng lái và ngồi vào chỗ của Metaxas. Ông hất tay bảo người lái phụ đi ra chỗ khác để Larry và ông còn lại một mình trong buồng lái. Họ ngồi yên lặng một hồi theo dõi những đám mây trắng nhỏ đập vào máy bay thành những hình kỷ hà học.

– Tiểu thư Page không ưa gì ông đâu – Cuối cùng Demiris lên tiếng.

Larry cảm thấy hai bàn tay chàng nắm chặt vào cần điều khiển, chàng phải chủ tâm nới lỏng tay ra. Chàng cố giữ giọng bình tĩnh:

– Cô ấy có nói lý do tại sao không ạ?

– Nàng bảo là ông đã thô lỗ với nàng.

Larry định mở miệng phản đối, sau đó chàng suy tính phải tìm cách khác.

– Xin lỗi. Tôi sẽ cố gắng thận trọng hơn, thưa ông Demiris – Chàng nói đều đều.

Demiris đứng dậy.

– Thôi được. Tôi tin rằng ông sẽ không làm cho tiểu thư Page phiền lòng nữa – Đoạn ông rời khỏi buồng lái.

Không bao giờ nữa? Larry cố vắt óc nghĩ xem chàng có thể làm gì để nàng mếch lòng không. Có thể nàng không thích “típ” của chàng. Cũng có thể nàng ghen tức vì Demiris tin yêu chàng, song điều đó nghe chừng vô lý. Tất cả những lý do Larry nghĩ đến đều không thoả đáng. Song rõ ràng Noelle cố tìm cách để sa thải chàng.

Larry nghĩ đến chuyện bị mất việc, lại phải ngồi khai những tờ đơn như cậu học trò khốn khổ, lại những cuộc phỏng vấn, lại chờ trực, và lại những giờ phút đằng đẵng cố giết thời gian trong những quán rượu rẻ tiền, bên lũ đĩ điếm tạm bợ. Chàng nhớ đến việc Catherine kiên nhẫn, sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện thế mà sao chàng lại căm ghét nàng đến vậy. Không, chàng không thể nào lặp lại những chuyện như thế một lần nữa. Chàng không thể chịu nổi một thất bại nữa.

Vài ngày sau trên một trạm dừng chân ở Beirut, Larry đi ngay qua một rạp chiếu bóng và để ý thấy một bộ phim đang chiếu do Noelle Page thủ vai chính. Chàng bốc đồng vào xem phim, có ý để chuẩn bị xoi mói bộ phim và diễn viên chính trong phim, song Noelle diễn quá xuất sắc khiến chàng hoàn toàn bị nàng lôi cuốn từ đầu đến cuối.

Một lần nữa chàng lại có một tình cảm kỳ lạ là thân thiện với nàng. Sáng thứ hai sau, Larry lái may bay chở Noelle Page cùng một số bạn kinh doanh của Demiris đi Zurich.

Larry đợi đến khi Noelle Page còn lại một mình, chàng mới tiến lại gần. Chàng thấy ngần ngại khi bắt chuyện với nàng bởi chàng nhớ đến câu nói cảnh cáo của nàng gần đây nhất, song chàng xác định rằng cách duy nhất để xoá đi sự ác cảm của nàng là thái độ cư xử hoà nhã của chàng.

Tất cả các cô đào đều có tính thích được tâng bốc, thích nghe người ta khen về diễn xuất tốt, vì vậy lúc này chàng tiến lại gần và tỏ ra hết sức lịch thiệp:

– Xin lỗi tiểu thư Page, tôi xin có vài lời muốn bày tỏ rằng cách đây vài hôm tôi có được xem tiểu thư đóng trong một bộ phim. Đó là phim Khuôn mặt thứ ba. Có lẽ tiểu thư là một trong những tài tử xuất sắc nhất mà tôi từng xem từ trước tới nay.

Noelle nhìn chàng một lát rồi đáp:

– Tôi muốn tin rằng ông là một nhà phê bình giỏi hơn một phi công, song tôi không tin lắm là ông có được hiểu biết cũng như khiếu thẩm mĩ tốt.

Đoạn nàng bỏ đi.

Larry đứng như mọc rễ ở đó, chàng cảm thấy bị choáng váng bất ngờ. Đồ con đượi! Thoáng trong giây lát chàng có ý định đi theo cô ta và nói toẹt cho cô ả rõ nhưng ý nghĩ thật của mình, song chàng biết rằng nếu làm như vậy chàng sẽ rơi vào cái bẫy của cô ả. Không. Từ nay trở đi chàng chỉ biết công việc của chàng và tìm cách lánh xa cô ta, càng xa càng tốt.

Trong mấy tuần sau đó Noelle thường đi trên máy bay do chàng lái. Larry không hề nói năng gì với nàng và chàng cố hết sức thu xếp sao cho nàng không thể chạm mặt chàng. Chàng không bao giờ ra buồng hành khách, để cho Metaxas làm nhiệm vụ thông báo những tin tức cần thiết cho các hành khách. Không thấy Noelle có ý kiến gì nữa Larry thấy mừng thầm là chàng đã tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề. Nhưng…

Một buổi sáng, Demiris cho gọi Larry tới biệt thự của ông:

– Tiểu thư Page sẽ bay sang Paris giả quyết một chuyện cơ mật giúp tôi. Tôi muốn ông đi hộ vệ cho nàng.

– Vâng, thưa ông Demiris.

Demiris quan sát chàng một lát, định nói thêm điều gì, sau đó ông thay đổi ý kiến, nói gọn lỏn:

– Có vậy thôi.

Vì Noelle là hành khách duy nhất trên chuyến bay sang Paris cho nên Larry quyết định dùng chiếc phi cơ Piper. Chàng sắp đặt để Paul Metaxas ra săn sóc xem Noelle ngồi có được thoải mái không, còn chàng ngồi lại ở buồng lái, cố tránh mặt trong suốt chuyến bay. Khi họ hạ cánh, Larry tiến lại phía ghế nàng ngồi, nói:

– Thưa tiểu thư Page, ông Demiris có yêu cầu tôi đi kèm cô trong thời gian cô lưu lại Paris.

Nàng ngước nhìn chàng, vẻ khinh miệt:

– Được thôi. Nhưng đừng có để tôi thấy là ông quanh quất bên cạnh tôi.

Chàng gật đầu, lạnh lùng.

Họ đi ô tô riêng từ sân bay Orly vào thành phố. Larry ngồi ở hàng ghế trước cùng với tài xế, còn Noelle ngồi ở ghế sau. Trong suốt chuyến đi vào thành phố nàng không hề nói một câu nào. Trạm dừng chân đầu tiên của họ là Parisbas, Ngân hàng Paris và des Bas. Larry đi cùng Noelle vào khu sảnh và ngồi đợi nàng được người ta đưa vào văn phòng của chủ tịch ngân hàng sau đó lại xuống nhà hầm nơi có những két tiền được lưu giữ. Noelle đi vào trong đó chừng ba mươi phút, sau đó nàng quay trở lại, nàng đi thẳng qua chỗ Larry không nói một lời. Chàng trừng trừng nhìn theo một lúc, sau đó cũng quay ra, đi theo nàng.

Trạm dừng thứ hai của họ là ở phố Faubourg – St. Honoré. Noelle cho xe về nghỉ. Larry đi theo nàng vào một tiệm bách hoá và đứng ở xa xa đợi nàng chọn hàng để mua, sau đó nàng trao cho chàng những gói đồ để chàng xách giùm. Nàng đi mua hàng ở hàng chục tiệm khác nhau: đến Hermes mua ví và dây lưng, đến Guerlain mua nước hoa, đến Celine mua giày dép, cho tới khi Larry tay xách nách mang bị lôi đi xềnh xệch khắp nơi khắp chốn. Khi họ bước ra khỏi tiệm Celine, trời bắt đầu đổ mưa.

Khách bộ hành vội vã tìm chỗ trú ẩn. Noelle ra lệnh:

– Ông đợi tôi ở đây.

Larry đứng nhìn theo nàng biến vào trong một nhà hàng ở phía bên kia phố. Chàng đã đứng ngoài mưa tầm tã suốt hai tiếng đồng hồ, hai tay ôm đầy đồ, thầm rủa nàng và rủa bản thân mình đã hứng chịu thái độ bất nhã của nàng. Chàng đã bị mắc bẫy, không cách nào thoát ra được. Và chàng thấy trước một chuyện chẳng lành, rằng thế nào chàng cũng còn gặp những điều thậm tệ hơn.

***

Lần đầu tiên Catherine gặp Constantin Demiris là tại biệt thự của ông. Larry đi tới đó để trao cho ông một gói đồ chàng đã mang từ Copenhaghen về và Catherine cũng theo chàng đến đó. Nàng đứng ở ngoài phòng tiếp tân rộng bát ngát ngắm nhìn một bức tranh thì cửa bỗng xịch mở và Demiris bước ra. Ông ngắm nhìn nàng một lát rồi bảo:

– Bà có thích tranh của Nomet không, bà Douglas?

Catherine xoay người lại đối diện với con người huyền thoại mà nàng đã nhiều lần được nghe nói tới. Nàng có hai cảm tưởng tức thì: một là Constantin Demiris cao lớn hơn so với nàng hình dung và cái sức mạnh oai vệ toát ra ở ông thật là dữ dội. Nàng kinh ngạc khi thấy ông biết tên nàng và biết nàng là ai. Ông hỏi Catherine có thích nước Hy Lạp không, rằng căn nhà của nàng có tiện nghi không và cứ mạnh dạn cho ông biết nàng có cần ông giúp đỡ gì để cho thời gian nàng lưu lại trên đất Hy Lạp được thoải mái. Thậm chí ông còn biết cả (điều này thì Chúa biết) việc nàng thích sưu tập những mẫu chim muông nhỏ xíu. Ông bảo:

– Tôi bắt gặp một mẫu. Tôi sẽ gửi đến tặng bà.

Larry xuất hiện, chàng cùng với Catherine ra về.

– Em có thấy mến ông Demiris không? – Larry hỏi.

– Ông ấy thật hấp dẫn – Nàng đáp – Thảo nào anh thích làm việc cho ông ấy cũng phải.

– Anh sẽ còn làm việc cho ông ta – Giọng của chàng có vẻ chua chát khiến Catherine khó hiểu.

Ngày hôm sau một con chim bằng sứ được chuyển đến cho Catherine.

Sau đó Catherine còn gặp Constantin Demiris hai lần nữa, một lần nàng đi xem đua ngựa cùng Larry và lần thứ hai vào dịp lễ Giáng sinh, ông Demiris có tổ chức một bữa tiệc tại biệt thự của mình. Mỗi lần ông lại làm cho nàng bị say mê theo một kiểu riêng. Catherine nghĩ thầm, xét cho cùng Constantin Demiris hoàn toàn là người xuất chúng.

Vào tháng tám lễ hội ở Athens bắt đầu. Trong hai tháng liền người ta diễn kịch, ballet, opera, hoà nhạc tại thành phố này. Tất cả các hoạt động đó đều diễn ra ở nhà hát Herodes Atticus, một nhà hát cổ ngoài trời ở ngay dướu chân khu quần thể Acropolis. Catherine đã cùng với Larry đi xem nhiều vở kịch, và nếu chàng đi vắng thì nàng cùng Bá tước Pappas. Còn thú vị nào bằng được xem những vở kịch cổ điển diễn trong bối cảnh độc đáo do chính con cháu của tác giả đã sáng tác nên vở kịch đó.

Một buổi tối sau khi Catherine và Bá tước Pappas đi xem vở Medea trở về, họ nhắc đến Larry.

– Ông ấy là người hấp dẫn đấy – Bá tước bảo – Một Polymechanos!

– Nghĩa là gì?

– Từ này khó dịch lắm – Ông Bá tước nghĩ một lát – Nó có nghĩa là “phong phú về mưu kế”.

– Ông định nói là “nhiều trí xảo”?

– Phải, nhưng còn ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Đó là loại người luôn luôn có sáng kiến mới, có phương án mới.

– Polymechanos – Catherine bảo – Vậy là chàng trai của tôi là như vậy.

Trên đầu họ là một vầng trăng tròn vành vạnh, đẹp đẽ như làm bằng sáp: không khí ban đêm ấm áp, đầy mùi nhựa thơm. Họ đi bộ ngay qua khu Poaka về phía quảng trường Onionia. Khi họ vừa định sang đường thì một chiếc ô tô phóng nhanh ở chỗ quẹo góc phố, lao thẳng vào họ. Bá tước phải kéo Catherine lại khỏi bị tai nạn.

– Quân khốn khiếp! – Ông rít lên đằng sau chiếc ô tô đang biến mất.

– Ở đây hình như tài xế nào cũng chạy như thế cả? – Catherine nhận xét.

Bá tước Pappas cười gượng gạo:

– Bà có biết lý do tại sao không? Người Hy Lạp không có giai đoạn chuyển tiếp sang dùng xe hơi. Họ cứ đinh ninh rằng họ vẫn đang cưỡi lừa.

– Ông nói giỡn?

– Đáng tiếc là tôi nói thật đấy Catherine ạ, nếu bà muốn hiểu nội tâm con người Hy Lạp thì đừng có đọc những sách hướng dẫn mà hãy đọc các bi kịch cổ điển Hy Lạp. Thực tế là chúng tôi vẫn mang tính chất man rợ. Chúng tôi vẫn mang nhiều tình cảm say đắm, những niềm vui to lớn và những nỗi buồn sâu xa và chúng tôi không biết cách che giấu những tình cảm đó bằng vẻ bề ngoài văn minh tinh tế.

– Tôi không tin rằng đó là một điều xấu – Catherine đáp.

– Có lẽ đúng vậy. Song nó làm méo mó thực tế. Mỗi khi người nước ngoài quan sát chúng ta, họ không nhìn thấy đúng thực chất cái họ nhìn thấy, giống như nhìn một ngôi sao xa vậy. Người ta không nhìn đúng ngôi sao đó mà nhìn thấy hình ảnh quá khứ của nó.

Họ đã tới quảng trường. Họ đi qua một dãy cửa hiệu nhỏ có bảng treo bên ngoài cửa sổ “Đoán hậu vận”.

– Đây có nhiều thầy tướng số quá nhỉ? – Catherine hỏi.

– Dân tộc chúng tôi rất mê tín.

Catherine lắc đầu:

– Tôi không tin như vậy.

Họ tới một tiệm rượu nhỏ. Trên cửa sổ có mổt tấm biển viết tay: BÀ PIRIS, ĐOÁN HẬU VẬN.

– Bà có tin ở phù thủy, đồng cốt không? – Bá tước Pappas hỏi.

Catherine nhìn lại xem ông có giễu cợt nàng không.

Vẻ mặt ông vẫn nghiêm nghị.

– Chỉ ở xứ Halloween thôi.

– Tôi nói phù thủy không có nghĩa là những chuyện như chổi rác, mèo đen hoặc ấm nước sôi réo đâu(2).

– Thế ông nói về cái gì?

Ông gật đầu về phía tấm biển:

– Bà Piris là một phù thủy. Bà ta đoán được mọi chuyện quá khứ và tương lai đấy.

Ông nhận thấy sự hoài nghi trên nét mặt của Catherine, Bá tước Pappas nói:

– Tôi sẽ kể cho bà nghe một câu chuyện. Cách đây nhiều năm, ông Cảnh sát trưởng ở Athens là Sophocle Vasilly. Ông ấy là bạn tôi và tôi đã dùng ảnh hưởng của mình để giúp anh ấy vào chức vụ đó. Vasilly là một người rất trung thực. Có nhiều kẻ muốn hủ hoá ông ta, song vì ông ta là người có bản lĩnh, họ quyết định tìm cách diệt ông ta.

Ông nắm tay Catherine, họ sang đường đi về phía công viên.

– Một hôm Vasilly đến báo cho tôi biết ông ấy vừa bị người ta ám hại. Ông là một người dũng cảm, song vụ ám hại này khiến ông phải đề phòng bởi nó do một kẻ phóng đãng có thế lực và tàn bạo sắp đặt. Người ta đã cắt cử thám tử đi theo dõi kẻ phóng đãng kia và bảo vệ Vasilly, song ông vẫn có cảm giác bồn chồn rằng ông không còn sống được bao lâu nữa. Vì thế ông tìm đến tôi.

Catherine say sưa nghe, nàng hỏi dồn:

– Thế ông đã làm gì?

– Tôi khuyên ông ấy đến nhờ bà Piris bói cho một quẻ.

Ông nói đến dây thì im lặng, cố căng óc ra nhớ lại những ký ức xa xôi.

Catherine cuối cùng phải hỏi:

– Ông ấy có đến không?

– Sao? À có. Bà ta cho Vasilly biết là cái chết sẽ nhanh chóng và bất ngờ đến với ông ấy, bà ấy còn nhắc ông phải cảnh giác với một con sư tử vào giữa trưa. Ở Hy Lạp làm gì có sư tử trừ mấy con già khú đế ở sở thú và những con sư tử bằng đá mà bà trông thấy ở Delos.

Catherine cảm thấy giọng nói của ông mỗi lúc một thêm căng thẳng.

– Vasilly đã đến tận vườn thú để kiểm tra lại xem các chuồng sư tử có an toàn không, ông ta còn hỏi cặn kẽ xem gần đây người ta có mang thêm con dã thú nào đến Athens không. Không có một con nào.

Một tuần trôi qua, không thấy chuyện gì xảy ra. Vasilly cho rằng bà lão phù thủy kia đã nhầm và ông ta vì quá mê tín nên mới tin vào bà lão đó. Một buổi sáng thứ bảy tôi ghé qua đồn cảnh sát để thăm ông ta. Hôm đó là ngày sinh của đứa con trai lên bốn của ông. Chúng tôi dự định sẽ đi chơi bằng tàu thủy tới Kyron để làm lễ mừng cho đứa trẻ.

Tôi đến trước trụ sở cảnh sát đúng lúc đồng hồ của Toà thị chính điểm mười hai tiếng. Tôi vừa bước vào cửa thì một tiếng nổ dữ dội từ bên trong toà nhà dội ra. Tôi vội chạy vào văn phòng của Vasilly – Giọng ông trở nên cứng đơ lúng túng – Văn phòng không còn một thứ gì nguyên vẹn – kể cả Vasilly cũng thế?

– Thật là kinh khủng – Catherine lẩm bẩm.

Họ bước tiếp, song im lặng một lúc lâu rồi Catherine mới hỏi:

– Nhưng bà phù thủy vẫn nhầm. Ông ta có bị chết vì sư tử đâu – Không, đúng như vậy đó. Cảnh sát điều tra kỹ những việc đã xảy ra. Như tôi đã kể với bà rằng hôm đó là ngày sinh nhật của con trai ông ta. Trên bàn làm việc của Vasilly có một đống quà mà ông định sẽ mang về cho con trai. Có kẻ đã mang đến một đồ chơi làm quà cho đứa trẻ và đã đặt trên bàn làm việc của Vasilly.

Catherine cảm thấy mặt cắt không còn hột máu:

– Một con sư tử đồ chơi.

Bá tước Pappas gật đầu.

– Đúng! Hãy thận trọng với con sư tử vào buổi trưa.

Catherine rùng mình:

– Tôi thấy sởn gai ốc.

Ông nhìn xuống nàng vẻ thông cảm:

– Bà Piris không phải là loại người đoán hậu cho vui đâu.

Họ đi ngang qua công viên và đến phố Piraios. Có một chiếc taxi không có khách chạy ngang qua. Ông Bá tước vẫy tay và mười phút sau Catherine đã về đến nhà.

Trong lúc chuẩn bị đi ngủ, nàng đã kể lại cho Larry nghe câu chuyện vừa rồi. Và khi nàng kể, nàng lại thấy sởn gai ốc. Larry ôm ghì lấy nàng, ân ái, song phải một hồi rất lâu Catherine mới ngủ thiếp được.

Chú thích:

(1) chơi chữ, đúng ra là Constiution (hiến pháp) và Costipation (táo bón). Chúng tôi tạm dịch như vậy

(2) Những điều mê tín thông thường (Người dịch)

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN