Phong Thủy - Trộm Mộ
Chương 1 Câu Chuyện Gia Đình:
Ông tổ tôi tên Vũ Đức Huyền, tự Địa Tiên, sinh ra ở vùng Sơn Nam[1], gia đình phiêu bạt và đến định cư tại Hà Tĩnh. Ông tổ Vũ Đức Huyền xuất thân bần hàn, mẹ của ông lại bị mù lòa từ khi ông còn nhỏ. Ông là một người con có hiếu, nhưng gia đình quá nỗi cực khổ. Để có tiền mua thuốc chữa mắt cho mẹ, ông đi ở không công cho một vị thầy lang bên Trung Quốc sang hành nghề bốc thuốc chữa bệnh. Thấy ông là người con hiếu thảo, hiền lành, hành xử khôn khéo, khôi ngô nhanh nhẹn, thầy lang đã đưa ông theo sang Trung Quốc làm người giúp việc. Vốn tư chất thông minh lại cần cù chịu khó, ông đã học lỏm được nghề cắt thuốc chữa bệnh mù mắt. Có một hôm, sau khi lên núi hái thuốc, đang trên đường về ông cứu và chữa khỏi đôi mắt cho một thầy địa lí. Thầy địa lí này vốn là người ở vùng khác, đến đây để xem phong thủy cho một vị huyện lệnh. Trên đường về nhà gặp sơn tặc, chúng không những cướp hết của cải mà còn hủy đi đôi mắt của ông, vì sợ ông tiết lộ vị trí của chúng. Sau khi được cứu giúp và chữa trị cho đôi mắt, thầy địa lí thấy ông khôi ngô, sáng dạ liền xin phép vị thầy lang được đưa ông đi để đền đáp công ơn.
Ông thầy địa lý tên Sở Hạnh Thiên, nổi tiếng khắp hai miền Triết – Giang thời bấy giờ. Sau một thời gian theo học, ông tổ Vũ Đức Huyền như cá gặp nước chẳng mấy chốc đã nắm bắt được những tinh hoa của bộ môn phong thủy, về dương trạch (chuyên về nhà cửa, dinh thự, chỗ ở cho người sống) và về âm trạch (định vị, an táng người chết dựa trên la bàn). Cả đời Hạnh Thiên ngao du thiên hạ, bốn bể là nhà để chọn được mảnh đất tốt nhất cho gia chủ. Ông không có con cái nên đã tận tâm truyền dạy mọi kiến thức về phong thủy cho Đức Huyền, coi Huyền như đệ tử trân truyền của mình.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, Đức Huyền rời Đại Việt đã tròn mười năm, lo lắng cho mẹ già cao tuổi mà không có ai phụng dưỡng, ông xin phép thầy về cố hương để báo đáp công ơn sinh thành của mẹ. Thầy Hạnh Thiên đồng ý cho ông về quê cũ đồng thời cũng dùng một phép thử, xem Địa Tiên đã nắm bắt được nội dung của nghề phong thủy đến đâu. Hạnh Thiên chôn 100 đồng xu xuống cát, yêu cầu Địa Tiên phải dùng hương cắm xuống đất để tìm 100 đồng xu đó. Đức Huyền nhanh chóng cắm trúng vị trí của 99 đồng xu và 1 đồng xu chỉ lệch sang vài tấc. Thấy vậy, thầy Hạnh Thiên phải thốt lên: “Từ nay nghề phải truyền sang nước Nam rồi”. Để hạn chế điều này ông đã ra một điều kiện với Địa Tiên rằng: “Những kiến thức mà Địa Tiên học được về phong thủy không được truyền lại cho con cháu. Nếu làm trái, gia tộc con cháu sẽ gánh phải hậu họa khôn lường”. Địa Tiên đồng ý, xin nghe theo lời dặn của sư phụ, từ biệt nơi xứ người về với quê cha đất tổ, với người mẹ hiền đang ngày đêm mong chờ con.
Sau mười năm bôn ba xứ người, học được những tinh hoa về y học và phong thủy học từ nơi được coi là cội nguồn của các kiến thức đó, ông đã chữa được mắt cho mẹ, đồng thời hành nghề địa lí, lấy vợ sinh con ổn định sự nghiệp, nhưng lúc nào cũng canh cánh trong lòng về lời dặn của sư phụ khi từ biệt. Nhờ tài năng thiên bẩm, chẳng mấy chốc danh tiếng của ông đã vang xa khắp một dải miền ven biển từ Yên Bang đến Thuận Hóa, được mọi người phong “Thánh địa lý”. Có lẽ, việc khiến ông nổi danh như vậy xuất phát từ một lần ông đến làng Hành Thiện ở Nam Định, thấy làng có hình con cá chép đang bơi ra biển lớn, phù sa mỗi ngày lại một bồi thêm làm làng phát hưng trù phú. Chỉ hiềm một nỗi, con cá chép này lại không có mắt nên không thể phát khoa danh. Người làng nghe thế, vội vàng giữ Vũ Huyền lại mời ông ăn cơm, hậu đãi trà rượu. Thấy dân làng an cư lạc nghiệp, sống hiền hậu, phúc đức, siêng năng chịu khó, nên đã chỉ cho dân làng đào một cái giếng lớn làm mắt cho con cá chép, từ đó dân làng phát khoa danh, nhất là họ Đặng.
Từ ngày trở về cố hương, thấm thoát cũng đã mấy chục năm. Cụ Đức Huyền giờ đây cũng đã sắp về với đất mẹ. Nghe theo lời di huấn của sư phụ, cụ không truyền lại thuật phong thủy cho con cháu. Nhưng vì sợ rằng thuật phong thủy Đại Việt lụi bại, cụ đã viết cuốn Địa lý Tả Ao[2] (vì thế sau này thường gọi là cụ Tả Ao) gồm ba phần: Bát Đại Hoàng Tuyền, Long Thượng Bát Sát và Thủy Pháp. Cuốn sách là những tinh hoa về thuật phong thủy: khí và hình, thế sông và núi, xem đất làm nhà, táng mộ người chết, xây dựng cung điện,…
[1] Một địa danh cũ có từ thời Hậu Lê : xứ Sơn Nam gồm các phần đất của các tỉnh phía nam đồng bằng bắc bộ như Hưng Yên, Hà Nam , Nam Định , Ninh Bình
[2] Tả Ao hay Tả Ao tiên sinh, là nhân vật làm nghề địa lý phong thuỷ nổi tiếng ở Việt Nam. Ông được cho là tác giả của một số cuốn sách Hán Nôm cổ truyền bá thuật phong thủy của Việt Nam. Trong dân gian tương truyền nhiều giai thoại cổ về hành trạng thuật phong thủy của ông ở các làng xã Việt Nam thời xưa. Tả Ao có quê ở làng Tả Ao, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!