Qua Một Đời Chồng - Phần 13: Để anh lo
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
3701


Qua Một Đời Chồng


Phần 13: Để anh lo


Tôi cứ tưởng Vũ lên tầng nói chuyện với người yêu chắc sẽ lâu nhưng không ngờ chỉ mấy phút sau đã thấy hai người đi xuống. Cô gái kia ôm chặt lấy cánh tay anh, vẻ mặt thanh thuần và ngập tràn yêu thương nhìn Vũ:
– Anh đã khỏi thật chưa đấy? Em thấy người anh vẫn nhiều vết phát ban lắm.
– Anh khỏi rồi, chiều đến bệnh viện truyền mấy chai nước nữa là ổn thôi.
– Hay là buổi trưa em ở đây ăn cơm với anh nhé, chiều vào viện với anh luôn. Anh ở trong đấy một mình, lỡ có cần gì thì lại không có ai.
– Em không phải đi làm à? Anh không sao đâu.
Tôi đang lau nhà gần đấy, nghe bọn họ nói chuyện cũng không tiện nên định vào trong bếp để tránh mặt, không ngờ vừa đi được mấy bước đã thấy cô ấy gọi:
– Chị ơi, chị nấu cơm xong chưa ạ? Có món gì thế chị?
– Tôi nấu sắp xong rồi. Có canh cá khoai với cả sườn chua ngọt.
– Em mang thịt băm anh Vũ thích, để trong cạp lồng ấy, chị dọn cả cơm em với nhé.
Tôi thấy Vũ định nói gì đó nhưng rồi lại thôi, còn cô gái kia thì cứ quấn lấy tay anh ríu rít nói chuyện, bọn họ trông giống một đôi tình nhân hạnh phúc, nhìn kiểu gì cũng thấy rất vừa lứa xứng đôi. Bữa trưa, tôi dọn đồ ăn ra nhưng ngại không dám ngồi xuống nên tìm cớ ra ngoài nghe điện thoại, lúc quay vào thấy cả hai người đã ngồi vào bàn nhưng vẫn chưa ai ăn.
Vũ thấy tôi đi vào thì nói:
– Phương lại đây ngồi ăn luôn đi.
Tôi thấy người yêu anh đã cầm đũa sẵn, còn bát đũa của anh thì vẫn để yên lặng dưới bàn, chẳng hiểu sao lúc đó trong đầu lại xuất hiện một ý nghĩ có vẻ hơi viển vông, đó là nãy giờ hai người họ chưa ăn cơm là vì anh vẫn chờ tôi.
Tôi cố gắng gượng cười, không từ chối được nên đành ngồi xuống cùng bọn họ:
– Ngại quá, em ra ngoài nghe điện thoại. Hai người cứ ăn trước đi chứ.
– Bọn em đợi chị ăn cùng cho vui đấy. Chị Phương ngồi đi.
Trong lúc ăn cơm, thỉnh thoảng ba người chúng tôi cũng trò chuyện những câu đơn giản, ví dụ như tôi hỏi cô gái kia tên gì, cô ấy hỏi lại tôi năm nay bao nhiêu tuổi. Tôi thấy tính cách của Thúy cũng rất được, cô ấy tuy con nhà giàu nhưng cũng không có vẻ khinh thường tôi, mà cũng dễ gần dễ chịu, lại hiền hòa vui vẻ, kiểu người như thế rất hợp với anh.
Đang nói chuyện vui vẻ thì bỗng dưng Thúy hỏi tôi:
– Chị Phương quê ở đâu? Có gần Hà Nội không?
– Cũng gần gần, cách có hơn 80km thôi.
– Thế là Hưng Yên hay Nam Định, quê nội của anh Vũ cũng ở Nam Định đấy.
– Thế à? Quê tôi cũng gần gần đấy.
Tôi cũng ậm ừ cho qua vì sợ nói ra thì Thúy lại nghĩ tôi với anh có nhiều thứ trùng hợp rồi nghi ngờ, với cả bây giờ cũng chẳng biết Vũ có còn nhớ tôi, nói ra lại thêm phức tạp nên thôi.
– Chị đã có gia đình chưa? Chắc mới lên Hà Nội thôi nhỉ?
– Tôi có rồi.
Khi tôi nói xong câu này, động tác gắp thức ăn của Vũ hơi dừng lại một chút, sau đó lại trở về bình thường như chưa có gì. Thúy cười cười:
– Em nhìn chị vẫn còn eo lắm, nhìn không nhận ra là đã có chồng rồi đâu.
– Thế à? Chắc tại tạng người tôi bé. Thúy ở bên Cầu Giấy à? Đi sang bên này có xa không?
– Đi mất hơn nửa tiếng ấy, nhưng hôm sau cưới rồi em dọn về đây ở, đỡ phải chạy đi chạy lại, hôm nào nhớ bố mẹ thì về thăm thôi.
Dứt câu, cô ấy lại xúc một thìa thịt băm đầy vào bát của Vũ, rất tự nhiên nói với anh:
– Anh nhờ.
– Ừ. Ăn đi, em sắp đến giờ đi làm rồi đấy.
– Hôm nay em xin nghỉ mà, em vào viện với anh.
– Chiều anh còn ít việc nữa, em cứ đi làm đi, khi nào xong việc anh gọi.
Thúy thấy anh nói thế cũng có vẻ hơi phụng phịu, nhưng khi ăn xong vẫn nghe lời Vũ trở về chỗ làm. Đầu giờ chiều anh lại ra viện đi truyền nước, lúc đi ngang qua bếp thấy tôi vẫn đang tất bật lau lau rửa rửa, anh dừng lại một lát rồi nói:
– Bình thường buổi chiều mấy giờ em về?
– Năm giờ anh ạ.
– Giờ đó anh có ít việc sang bên Hà Nội, đợi anh về rồi anh đưa về luôn nhé.
Tôi dừng tay lau rửa, ngẩng đầu lên nhìn anh. Lâu lắm mới đối diện với ánh mắt của Vũ ở cự li gần như vậy, tim tôi lại bắt đầu đập loạn cả lên, thành ra ngước lên xong lại vội vàng cụp mắt xuống:
– Thôi, em toàn đi xe bus cho tiện. Anh không cần đưa em về đâu.
Vũ nghe xong, không hề nói những lời miễn cưỡng tôi mà chỉ cười:
– Em sang nấu cơm giúp anh, anh tiện đường đưa em về. Như thế là hòa nhỉ?
Trước đây khi còn đi học, tôi cũng có nói một câu y hệt như thế. Lúc đó anh cho tôi sách nâng cao mà tôi lại chẳng có gì để cảm ơn anh cả, thế nên hôm gặp nhau ở cổng trường, tôi thấy anh đứng một mình nên bảo:
“Anh cho em sách, em tiện đường đưa anh về. Như thế là hòa nhỉ?”
Chớp mắt cái mà đã gần tám năm trôi qua rồi đấy, giờ nghe lại câu này tự nhiên tôi lại có cảm giác như tôi và anh vẫn giống ngày xưa, vẫn như hai người bạn với nhau, chưa từng trưởng thành mà cứ mãi đơn giản thuần khiết như ngày đó.
Chiều hôm ấy, đúng năm giờ xe anh đã về đến trước cổng, thấy tôi lếch thếch từ bên trong đi ra, Vũ hạ kính xuống bảo tôi:
– Em lên xe đi, anh đưa về.
Chẳng hiểu do thái độ của anh dễ gần hay tôi bị mắc bệnh mê trai đẹp mà cũng chẳng nỡ từ chối, leo lên xe để anh chở về. Giờ đó tắc đường, cầu Chương Dương tắc cứng nên chúng tôi đi mãi đi mãi mà không sang được đến bên kia. Cả hai chúng tôi không có ai nói chuyện, tôi thì say xe nên bịt khẩu trang ngồi nhìn người đi đường, anh cũng lẳng lặng điều khiển xe nhích từng centimet trong dòng người, không cần hỏi nhưng vẫn lặng lẽ mở cửa kính xe xuống cho tôi.
Ngồi trên ô tô xịn mà mở cửa kiểu này, khói bụi với cả một đống âm thanh hỗn tạp bên ngoài kiểu gì cũng lùa vào bên trong rất khó chịu. Tôi định bảo tôi không sao đâu, anh kéo cửa kính xe lên đi, nhưng mà chưa kịp nói thì Vũ đã lên tiếng trước:
– Em ở chỗ nào?
– Anh cho em xuống bến xe bus ở ngã tư gần cầu Long Biên ấy, em bắt xe về Mỹ Đình.
– Tiện đường, giờ anh cũng qua Mỹ Đình, anh đưa về luôn.
Tôi biết chẳng có sự tiện đường nào tình cờ như thế cả, mà anh lại đang ốm, để anh mất công đưa về tôi thấy áy náy lắm. Đi mười mấy kilomet liền chứ có ít đâu.
– Anh đang ốm, đi như thế về lại ốm thêm ra đấy. Thôi để em bắt xe bus về thôi.
– Bệnh viện truyền cho mấy chai nước lại khỏe như bình thường rồi. Bây giờ đi mấy vòng Mỹ Đình – Long Biên cũng được, mỗi tội sợ bị công an bắt vì mua đường nhiều quá thôi.
Nói chuyện duyên kiểu này thì tôi chịu thôi, không phản bác lại được, mà cũng chẳng có bản lĩnh để tìm ra được cách từ chối, cuối cùng đành ngồi yên trên xe để anh chở về. Khi chúng tôi về gần đến Mỹ Đình thì bác Hòa gọi điện thoại đến cho tôi, bác ấy không biết Vũ đang ngồi cạnh nên cứ tự nhiên nói:
– Thằng Vũ có ăn được không cháu? Nó đỡ sốt chưa?
– Anh ấy đỡ rồi bác ạ, cả ngày hôm nay ra viện truyền nước.
– Ừ, thế may quá. Cháu chịu khó ở chăm nó thêm mấy hôm giúp bác nhé, bác làm ba ngày cho thằng chú rồi lên.
Tôi quay sang nhìn anh, thấy anh vẫn tập trung lái xe chứ không ý kiến gì, cuối cùng đành gật đầu:
– Vâng ạ.
– Tốt quá, cảm ơn cháu nhé. Giúp bác nhé. À, cháu dặn nó, bảo là cái thuốc sủi trong tủ là thuốc hạ sốt. Sốt thì uống vào chứ ngủ cũng không hết được đâu nhé. Mọi lần nó sốt toàn bảo đi ngủ để hạ sốt. Rõ khổ, ngủ mà hết sốt được thì cần uống thuốc với đi bác sĩ làm gì cho tốn tiền.
Tôi nghe bác Hòa nói thế cũng thấy buồn cười, nhưng mà có anh đang ngồi đây nên chỉ “Vâng” một tiếng rồi cúp máy. Sau khi truyền đạt lại hết lời bác Hòa dặn cho anh nghe, Vũ cũng bật cười:
– Bác ấy lúc nào cũng nghĩ anh còn trẻ con.
– Bác Hòa lo cho anh mà.
– Bác ấy ở nhà anh lúc anh còn bé tý. Sau anh về Nam Định, bà nội nuôi mấy năm, khi bà nội mất anh lại lên đây ở với bác ấy.
Nghe xong câu này, tôi ngạc nhiên quay sang nhìn anh. Bà nội anh tôi có gặp một lần rồi, nhìn đẹp lão với cả hiền lắm, mấy năm rồi không gặp anh nên tôi cũng không để ý, không ngờ bà trông còn khỏe thế mà mới có mấy năm đã không còn nữa rồi.
– Bà mất rồi hả anh?
– Ừ, vừa học xong cấp 3 thì bà mất.
– Vâng.
– Mấy lần anh cũng về quê, nghe nói mẹ em mất cách đây ba năm.
Vũ nhìn tôi qua gương chiếu hậu, ánh mắt anh trầm lặng chiếu lên gương mặt tôi, giọng nói trầm trầm:
– Mấy năm qua em sống thế nào? Vẫn tốt chứ?
Từ khi mẹ tôi mất, chưa từng có một ai, kể cả họ hàng, bạn bè hay gia đình chồng cũ của tôi hỏi thăm một câu, chứ đừng nói là nói mấy lời quan tâm chân thành như thế này. Vũ vẫn như cũ, ít nói nhưng sâu sắc, khi gặp nhau anh đã nhận ra rồi nhưng không vồ vập hỏi han khiến cho tôi ngượng vì cuộc sống của mình bây giờ mà cứ dần dần trò chuyện với tôi và quan tâm tôi.
Cách anh cư xử giống như những người bạn chứ không phải quan hệ chủ – tớ, càng không phải hỏi thăm theo kiểu đã lâu không gặp, dăm ba câu chuyện làm quà thông thường. Anh lúc nào cũng khiến tôi thoải mái và có cảm giác bình thường nhất, mà cũng có lẽ vì thế mà năm xưa tôi luôn thích anh, cho đến bây giờ vẫn bị tính cách này của anh làm rung động mãi không thôi.
– Vâng, em vẫn bình thường anh ạ. Cũng không nghĩ là sau mấy năm lại được gặp anh ở đây. Thấy anh sống tốt thế, em cũng mừng.
– Em bây giờ đang học thêm gì? Có học gần đây không?
– Em ôn lại đại học. Buổi tối học thêm tiếng anh anh ạ.
– Vẫn quyết tâm thi vào Luật đấy hả?
– Vâng, ước mơ của em mà.
Ngày trước tôi thích Đại học Luật cực kỳ, dân khối C hồi ấy toàn theo đuổi Luật vì có mỗi Luật là “ngon nhất” thôi. Bây giờ, bảy năm sau tôi vẫn quyết chí thi Luật, muốn ra trường làm ngành tư pháp, muốn tham dự các phiên tòa giống như trên tivi vẫn hay xem ấy.
– Cố lên cô Luật sư tương lai. Đường Nguyễn Chí Thanh đang đợi em.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì khoảng năm 2008, lũ con gái bọn tôi còn thích thi Luật là bởi vì trường Luật nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, thời điểm ấy vẫn được mệnh danh là con đường đẹp nhất Việt Nam. Bây giờ tuy đường đã không còn đẹp như xưa nữa nhưng có một người vẫn còn nhớ điều ấy. Tôi nhìn dòng người qua lại như thoi đưa trên đường, cười một cái thật thoải mái:
– Cảm ơn anh. Nếu trượt số 87 thì em qua Star Café ở 60 Nguyễn Chí Thanh làm phục vụ cũng được.
Vũ nghe xong cũng quay lại nhìn tôi, cũng khẽ cười!!!
Trong suốt quãng đường từ đó về nhà, chúng tôi hỏi han nhau mấy câu đơn giản như bạn bè bình thường, tôi không hỏi anh chuyện khi nào kết hôn với Thúy, anh cũng không đề cập đến chuyện hôn nhân của tôi. Dần dần, sự dè dặt và ngượng ngùng trong tôi cũng vì sự tinh tế và nhẹ nhàng của anh mà vơi đi không ít.
Ngày hôm sau, sáng sớm tôi lại lếch thếch sang Long Biên với tình trạng hai mắt thâm quầng thiếu ngủ, người ngợm uể oải như không còn tý sức sống nào. Hôm qua về xong tôi chỉ kịp ăn một bát mì rồi đi học tiếng Anh, đêm về lại ôn đề nữa nên hai giờ sáng mới lên giường, lẽ ra đã ngủ được mấy tiếng rồi nhưng chẳng hiểu sao cứ nghĩ đến mấy việc xảy ra mấy hôm nay, tôi lại chẳng tài nào chợp mắt nổi. Thức trắng hết cả một đêm.
Lúc tôi sang đến nơi thì gặp xe của anh từ trong nhà đi ra, đụng nhau ở ngay cổng, anh vẫn chuẩn bị sẵn một nụ cười tươi rói trên môi nhìn tôi:
– Em sang rồi à?
– Vâng, anh đi ra viện ạ?
– Không, anh đi làm. Buổi trưa em có nấu cơm không?
– Có ạ.
– Ừ, hôm nay anh làm ở gần đây, trưa anh về.
– Vâng.
Như bình thường thì chỉ cần bảo một câu: “Trưa em nấu cơm đi nhé, trưa anh về ăn đấy”, nhưng với anh, bao giờ cũng lịch sự hỏi tôi “trưa có nấu cơm không”, tôi bảo có nấu thì anh cũng mới bảo “trưa anh về”. Chỉ mấy câu đơn giản thế thôi mà cũng có thể cho người khác có được cảm giác được tôn trọng.
Tôi dọn dẹp xong nhà mới chỉ gần chín giờ sáng, lúc đó vẫn còn sớm nên định tranh thủ lôi sách ra ôn rồi lát nữa mới nấu cơm, không ngờ đọc được một lúc thì mắt tôi ríu lại, sau đó lăn ra ngủ quên lúc nào không biết.
Khi tôi tỉnh dậy đã hơn mười hai giờ trưa, ở đối diện, rèm cửa phòng khách đã được kéo lại từ bao giờ, sau lưng còn vang lên những tiếng lạch cạch rất nhỏ. Trong bếp, Vũ đang loay hoay nấu nướng cái gì đó, người thì cao ráo mà đeo tạp dề như thế làm tôi cảm thấy hơi buồn cười.
Tôi đi lại gần, nhìn thấy anh đang nấu chỗ thức ăn lúc nãy tôi vừa sơ chế, nồi canh trên bếp sôi sùng sục mà Vũ còn dở tay cắt cắt thái thái, chưa kịp bỏ rau vào, mới lên tiếng nói:
– Anh về từ lúc nào thế ạ? Anh để đấy em nấu cho.
– Anh sắp nấu xong rồi. Em cứ ra ghế ngồi đi, tý nữa nấu xong anh gọi.
Tôi chẳng biết bây giờ tôi là người giúp việc hay anh là người giúp việc nữa, làm gì có kiểu chủ làm còn tớ ngồi nhìn như thế, mà nhìn anh lóng ngóng thế kia chắc là chưa có kinh nghiệm nấu nướng gì cả, tôi mà ra ghế ngồi thật thì lương tâm cũng cắn rứt không yên.
Tôi lấy rổ rau bỏ vào nồi hộ anh, rồi lại tiện miệng nói chuyện:
– Sao anh không gọi em. Những việc này để em làm cho, anh đang bị ốm cứ nghỉ ngơi đi chứ.
– Anh đang tích lũy kinh nghiệm, sau bác Hòa nghỉ rồi chắc phải tự nấu nướng thôi.
– Lúc ấy kiểu gì anh cũng có vợ rồi, không phải lo đâu. Khi ấy vợ nấu.
– Theo em đàn ông thì biết nấu cơm tốt hơn hay không biết nấu cơm tốt hơn?
– Đối với đàn ông, cái nào cũng tốt cả. Nhưng mà anh chỉ cần kiếm tiền thôi, việc bếp núc cứ để vợ lo.
Nghe câu này anh mới ngừng tay, quay sang nhìn tôi cười. Trán của anh lấm tấm mồ hôi, bộ dạng có vẻ hơi chật vật vì nấu nướng nhưng nụ cười vẫn ấm áp và tỏa nắng rực rỡ như mọi lần tôi vẫn thấy:
– Anh thấy đàn ông nên vừa kiếm được tiền vừa nấu được cơm thì tốt hơn. Anh đang tích lũy kinh nghiệm để có thể làm được cả hai việc ấy một lúc đây. Việc nấu cơm hôm nay cứ để anh lo.

Yêu thích: 3.3 / 5 từ (7 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN