Quả Phụ
Phần 2
Cuối cùng, tôi vì sự kiên trì của Trinh, cũng đành chịu ở lại, định bụng sáng mai đợi bà nguôi giận sẽ trở về. Bởi dù sao tôi cũng là dâu nhà người ta, huống gì cuộc sống này là do chồng tôi đem đến, anh không còn thì tôi phải thay anh gánh mọi chuyện, phụng dưỡng bố mẹ anh.
Chỉ là có điều tôi không ngờ đến, mới sáng sớm ngày hôm sau, khi tôi vừa sở soạn cho bé Nhím đến trường đi học xong thì chuông điện thoại vang lên, nhìn cái tên hiện trên màn hình trong lòng có chút bất an mà nghe máy:
– Dạ, bác gọi cháu có chuyện gì không?
– Quyên, thế ở nhà có chuyện gì? Mẹ mày đang gọi điện ầm ĩ cho các bác nói mày hư hỏng, bỏ nhà đi theo trai. Bác qua nhưnh thấy mày không có nhà, đồ đạc cũng đem đi rồi, là thế nào?
Tôi nghe vậy mà cả người chết sững:
– Không phải đâu bác, cháu vừa cho con Nhím đi học, giờ cháu về luôn.
Nói rồi tôi liền tắt máy, nhìn xung quanh thấy 1 chiếc taxi bên đường liền vội vàng chạy sang.
Đường phố mỗi ngày 1 đông, vào giờ cao điểm người đi làm, trẻ em đi học, xe cộ tấp nập với đủ hỗn tạp âm thanh.
Tôi vì gấp gáp cũng chẳng để ý nhiều cứ thế băng qua đường, sau đó là tiếng còi vang kéo dài, cả người giật mình khựng lại liền cảm nhận được 1 lực mạnh đâm thẳng vào khiến tôi ngã xuống đường.
Đầu óc có chút choáng váng mà bên tai cũng bắt đầu vang lên vài tiếng xì xào:
– Đi qua đường mà không để ý gì cả.
– May xe người ta đi chậm, chứ đi nhanh là xong rồi đấy.
Tôi chống cổ tay xuống đường để gượng dậy mới thấy chân tay có chút xước sát, lúc này 1 bóng người từ trên chiếc xe bước xuống đi lại chỗ tôi mà lên tiếng:
– Cô không sao chứ? Tôi có bấm còi mà cô không nghe.
Tôi vội vàng đứng dậy nhìn người trước mặt, là 1 người đàn ông độ tuổi khoảng 30, ăn mặc lịch sự, nét mặt cũng khá ưa nhìn.
Tôi nhìn anh ta rồi lại nhìn về phía chiếc xe đang đỗ ở kia mà nói:
– Thật xin lỗi, tôi có chuyện vội quá, xe của anh có sao không?
Anh ta đưa mắt nhìn tôi 1 lượt rồi vẫn điềm đạm nói:
– Xe thì không có gì, nhưng cô bị chảy máu kìa, có cần tôi đưa đi kiểm tra?
Nghe anh ta nói vậy tôi cũng vội vàng xua tay:
– Không sao, nếu xe anh không việc gì thì tốt rồi. Tôi có việc phải đi trước, thật xin lỗi!
Dứt lời tôi cũng quay người đi đến chỗ chiếc tãi đang đỗ kia mà ngồi vào. Người đàn ông kia thấy vậy cũng trở lại xe của mình rồi nổ máy rời đi.
2 chiếc xe ở 2 hướng ngươjc chiều lướt qua nhau, tôi cũng thật chẳng thể ngờ được sự vô tình đụng mặt này, 2 người xa lạ rồi bỗng chốc hoá nặng lòng.
Tôi trở về nhà, thấy cánh cửa cổng mở toang, vội vã trả tiền taxi rồi mở cửa bước xuống, cũng may là sáng nay có mượn của cái Trinh chút tiền.
Còn chưa kịp bước chân đến cửa, đã nghe thấy tiếng mẹ chồng tôi nói vọng ra bên ngoài:
– Bác không phải bênh con đấy, mọi chuyện em và cả con Hạnh đều nhìn thấy hết. Đấy, nó đi từ tối hôm qua đến giờ đã về đâu. Càng ngày càng lộ bản chất thối nát.
Tôi đi vào bên trong, nhìn thấy bác Bích – chị gái mẹ chồng tôi đang ngồi ở ghế phòng khách, bác cũng thấy tôi nên liền nói:
– Đây, nó về rồi đây này. Quyên, vào nói rõ mọi chuyện, bác thật sự không nghĩ mày có thể làm chuyện như thế.
Tôi bước vào, nhìn thấy bà cũng chào 1 tiếng:
– Mẹ, bác!
Vừa dứt lời, bà liền liếc xéo tôi 1 cái rồi lên giọng mỉa mai:
– Tôi không phải là mẹ cô, nhà này cũng không phải là cái chợ mà thích đi thì đi, thích về thì về.
Tôi nghe vậy trong lòng uất ức khủng khiếp, tôi quá hiểu tính bà, cũng đã biết chắc nếu tôi không về bà kiểu gì cũng mượn cớ đấy làm ầm ĩ. Chỉ là cái Trinh hôm qua giữ chân tôi bằng được, lại thêm cả bé Nhím cứ đòi đi, mà tôi chắc rằng dù mẹ con tôi có ngồi ngoài cửa cả đêm thì bà cũng chẳng quan tâm. Nhưng nếu không ở yên 1 chỗ thì bà lại có trăm cái cớ để trách móc.
Phận làm dâu như tôi còn chẳng bằng 1 người dưng. Người dưng người ta sẽ chẳng phải cam chịu hay phải cố làm vừa lòng ai, còn tôi phải nhẫn nhịn nhưng thế này không được, thế kia không xong rốt cuộc lại biến mình thành 1 kẻ tôi tớ thấp hèn, không có tiếng nói lại còn không có chỗ dựa. Chồng mất, cuộc sống tôi từ đó cũng chông chênh với căn nhà này.
Tôi đi lại phía bà, vẫn cố giữ lễ nghĩa mà nói:
– Mẹ, con xin lỗi vì chuyện đêm qua không về, nhưng vì con Nhím nó khóc quá, đêm lại lạnh, mà mẹ không chịu mở cửa con sợ nó ốm nên mới đưa nó đến nhà cái Trinh ngủ tạm 1 đêm!
Bà nghe vậy liền bĩu môi 1 cái rồi lên tiếng:
– Thôi, cô không phải trình bày, cái nhà này không chứa nổi cô đâu.
Bác Bích nãy giờ im lặng lúc này mới nhìn tôi nói:
– Quyên, chuyện là thế nào? Mới sáng sớm mở mắt mà mẹ mày đã đi rêu rao với mọi người là mày trai trên gái dưới, bác không tin nên mới chạy qua đây.
Tôi nghe vậy cũng trả lời bác:
– Từ ngày cưới anh Hoàng đến giờ đã 4 năm, cháu dám thề độc để nói rằng cháu không làm gì có lỗi với nhà mình. Hôm qua là chú Đại có đến nhà tìm mẹ cháu, nhưng ông ta đê tiện muốn cưỡng bức cháu thì bị cháu lấy cốc đánh lại. Nhưng ông ta lại nói với mẹ cháu là cháu dụ dỗ ông ấy, mẹ cháu cũng chỉ là hiểu lầm cháu thôi.
Bác Bích nghe vậy cũng quay sang nhìn mẹ chồng tôi:
– Lại cái thằng Đại ấy, tao cũng không ưa gì nó, nhìn mặt là biết loại mất dạy rồi, ban bè, anh em gì với loại đấy.
Bà thấy bách bênh tôi cũng liền đáp trả:
– Bác biết gì mà nói, chính mắt con Hạnh nó còn nhìn thấy.
– Con Hạnh nhà mày cũng tử tế lắm chắc, mày còn không hiểu tính nó à. Sống thế nào mới bị chồng bỏ, nhà chồng đuổi.
Có lẽ đụng chạm đến con gái của bà nên bà tức giận quát lớn:
– Đấy không phải là việc của bác.
Chị Hạnh ngồi gần đấy cũng xấc xược chen vào:
– Bác Bích, bác ăn nói cho cẩn thận, cháu sống làm sao? Bác lo về mà dạy con bác ấy, đừng sang đây nói mỉa mai người khác.
Bác Bích gương mặt cũng trở nên khó coi, tức giận đứng dậy rồi nói:
– Tao cũng không quản chuyện nhà mày nữa. Con Quyên không cần phải hầu hạ nhà nó, dọn ra ngoài 2 mẹ con mà ở, để xem được mấy ngày nó có gọi mày về hay không. Tao dám chắc không chịu nổi qua 1 tuần.
Nói rồi bác cũng hậm hực bỏ về, còn tôi đứng đấy cũng chỉ biết nhìn bà mà nói:
– Mẹ, con biết suốt những năm qua mẹ cũng không ưa gì con, con cũng hiểu lý do vì sao mẹ phải như vậy. Nhưng dù sao 4 năm qua, con cũng đã thay anh Hoàng làm trọn cả bổn phận thay anh ấy. Chuyện hôm qua con không có gì cảm thấy là con làm sai trái, mẹ không tin, con cũng đành chịu. Nếu vì chuyện đấy mà mẹ không muốn nhìn thấy con nữa, thì 2 mẹ con con sẽ chuyển ra ngoài ở. Chỉ là còn 2 ngày nữa là giỗ của anh Hoàng, con muốn xin phép qua giỗ rồi sẽ dọn đi, với cả vẫn mong thi thoảng có thể đưa cháu đến thăm và chơi với ông bà.
Bà nghe tôi nói vậy nét mặt cũng có vẻ xuôi rồi trả lời:
– Được rồi, dù sao cô cũng là vợ của thằng Hoàng nên lo chuẩn bị giỗ cho nó xong xuôi đi, thi thoảng về thắp nó nén nhang còn ông bà này không cần cô phải thăm nom.
Nói rồi bà cũng liền đứng dậy bỏ lên phòng, chị Hạnh lại nằm dài ra chiếc ghế sofa mở tivi lên xem 1 cách thản nhiên.
Dù sao tôi cũng sẽ chuyển ra ngoài nên cũng chẳng đôi co với chị ta làm gì nữa.
Tôi đi lên trên tầng, đến phòng thờ gia tiên, thắp mỗi bàn 1 nén nhang rồi dừng trước di ảnh của anh mà đỏ hoe mắt nhìn.
Mùi hương nồng xộc thẳng vào khoang mũi đến cay xè, khói hương thoang thoảng lại đủ khiến tôi ứa nước mắt, cổ họng bỗng chốc nghẹn đắng lại:
– Hoàng, em xin lỗi, đã chẳng thể làm trọn di nguyện của anh!
Mọi thứ trước mắt tôi bắt đầu nhoè đi, nhưng gương mặt của anh trong di ảnh vẫn còn in rõ.
Cảnh tượng kinh hoàng của ngày hôm ấy 1 cách vô thức kéo về, hiện hữu trước mắt.
“….
– Chồng, mua vậy là đủ chưa?
Tôi ngồi sau xe vòng tay lên ôm anh rồi nhìn đống túi đồ treo ở trước mà hỏi.
Hoàng vẫn điềm đạm lái xe máy hướng về phía trước mà trả lời tôi:
– Thế thôi, vợ còn muốn ôm cả hàng người ta về à? Với cả đồ của bố mẹ trước giờ anh lo đầy đủ, có thiếu gì đâu.
– Thì bây giờ em về làm dâu, nên cũng muốn thay chồng làm thôi. Chỉ sợ mua mà mẹ không ưng, còn bố thì dễ tính nên em không lo.
– Yên tâm, mẹ sẽ thích. Dù sao cũng là con dâu mua, mẹ sẽ không chê đâu.
Tôi nghe vậy lại cười cợt nói đùa:
– Nếu chê thì em đổ tại chồng chọn nhé.
Anh cũng chẳng vừa mà đáp lại tôi:
– Sao vợ khôn thế? Anh trước giờ chưa làm gì để mẹ phải chê đâu.
– Thế ý chồng là sao? Không nhận chứ gì?
Thấy tôi có vẻ giận dỗi, anh liền cười hoà:
– Được rồi, nhận, nhận! Vợ thay anh chăm lo bố mẹ, vậy anh sẽ dành hết thời gian chăm lo vợ.
Lời vừa nói xong, phía trước là 1 quả bóng lăn ra, ngay sau đó, 1 đứa trẻ khoảng 5-6 tuổi chạy đến chẳng nhìn trước nhìn sau.
Mặc dù vợ chồng tôi đi không quá nhanh, nhưng phản xạ khiến anh vội vàng bóp phanh lại, cuối cùng xe bị trượt bánh ngã xuống đường.
Người mẹ của đứa trẻ hốt hoảng chạy ra ôm lấy con mình mà đi vào, còn tôi lúc đó chẳng kịp trở tay liền bị 1 lực hắt mạnh ra xa, 1 giây sau đó âm thanh “RẦM” lớn vang lên, tôi chỉ kịp nhìn thấy 1 chiếc xe container lao đến kéo cả chiếc xe máy vào trong gầm….nhưng tôi không thấy anh đâu cả, tiếng phanh “kít” bắt đầu kéo dài cả cung đường.
Hai đôi mắt đỏ ngàu trợn to hết cỡ, tôi lồm cồm đứng dậy chạy đuổi theo chiếc xe kia mà gào lên:
– DỪNG LẠI ĐI……LÀM ƠN…..ANH HOÀNG….!
Chiếc xe kéo lê đến khoảng 20m mới có thể dừng lại, cả người tôi run rẩy chạy đến phía đầu, nước mắt cứ ào ạt chảy ra nhìn xuống chiếc xe máy đã nát bét còn ở trong gầm, mà ở dưới nó, cánh tay kia, màu của chiếc áo tôi chẳng thể nào nhầm lẫn được.
Tôi vội vàng ngồi xuống, cảnh tưởng máu me phút chốc khiến bầu trời chuyển sang đỏ ngàu, sợ đến nỗi nói cũng không thành câu:
– Anh Hoàng….anh Hoàng….ai đó giúp chồng tôi với….gọi xe cấp cứu đi….làm ơn….!
Mọi người xung quanh bắt đầu xúm lại đông, vài người hỗ trợ để kéo anh ra nhưng có lẽ sự biến dạng của chiếc xe máy và khoảng không nhỏ hẹp của gầm container khiến mọi việc trở nên khó khăn, người dân đã phải gọi đội cứu trợ đến để kích gần xe lên.
Cả quá trình tôi như kẻ điên ngồi trên đường khóc, cả người xước xát cũng chăng để ý nữa, ấy vậy mà có vài lời nói vô tâm của người qua đường càng khiến tim tôi nghẹt thở:
– Chết rồi, sống sao nổi nữa!
– Ôi trời ơi, nhìn kìa….kinh quá….!
– Thôi, không hi vọng cứu được đâu, bị cuốn vào gầm kéo lê thế cơ mà.
– Thấy bảo là tự ngã xuống đường, xe lao đến chỉ kịp đẩy chị vợ ra nên mới bị đâm. Số chị vợ may thế!
Những lời nói ấy cứ vang lên bên tai càng khiến tôi trở nên ám ảnh, tôi khóc gào lên đến độ ngất đi, mọi người phải đưa vào viện.
Chỉ khi tỉnh lại ở trong phòng bệnh, mới nhận được tin chồng tôi cũng đã chết trên đường đưa đi cấp cứu, mà chẳng kịp để lại 1 câu từ biệt.
Còn tôi vẫn nhớ như in lời cuối cùng của anh nói với tôi: “Vợ thay anh chăm lo bố mẹ, vậy anh sẽ dành hết thời gian chăm lo cho vợ”
Hơn thế nữa, anh đã dành hết cả cuộc sống cho tôi, tôi chỉ muốn dùng nó để làm trọn di nguyện của anh, nhưng có lẽ……….
Nước mắt đã rơi mỗi lúc 1 nhiều, tôi đưa tay lên quẹt ngang đi nó, cố kéo mình về thực tại.
Nhìn chằm chằm vào di ảnh của anh mà nghẹn ngào nói:
– Dù sao 4 năm qua, em đã làm hết lòng mình, chí ít ra em cũng không cảm thấy áy náy với anh. Hoàng….em sắp phải rời khỏi nhà của chúng ta rồi….cũng sẽ rời khỏi những ước mơ mà trước đó chúng ta cùng nhau vẽ ra…..thật có chút không cam tâm, nhưng có lẽ sẽ tốt hơn. Anh ở dưới đấy, hãy bảo vệ cho gia đình mình nhé!
Tôi cảm nhận được 1 cơn gió thoảng lùa qua khung cửa sổ nhỏ rồi quấn lấy thân tôi, chỉ khẽ gượng cười nhìn di ảnh anh 1 cái rồi quay người trở xuống nhà.
Đi vào phòng của mình, muốn tranh thủ thu dọn 1 chút, hôm qua hành lý chỉ đều là quần áo, đồ đạc vẫn còn để ở đây.
Chỉ là khi tôi kiểm tra và lục tung mọi thứ, mới phát hiện không tìm thấy số tiền tiết kiệm để riêng lúc phòng thân liền vội vàng chạy ra ngoài hỏi:
– Chị Hạnh, hôm qua chị dọn đồ của em, có thấy cái ví em để dưới chồng quần áo không?
Chị ta nhìn tôi vẻ mặt tỉnh bơ mà trả lời:
– Ví nào? Tao biết đâu? Đồ của mày tao đem hết ra cho mày, không thấy cái vì nào cả.
– Không thể nào. Em để dưới chồng quần áo ở ngăn trên của tủ, bây giờ tìm không thấy.
Tôi vừa nói xong, chị ta đứng bật dậy nhìn tôi quát lớn:
– Ý mày là sao? Mày bảo tao lấy trộm của mày à?
– Không phải, em chỉ hỏi chị có thấy ở đâu không, vì hôm qua là chị dọn đồ của em.
– Hôm qua không phải mình tao dọn, có cả mẹ nữa đấy, mày lên mà hỏi mẹ xem mẹ có lấy không?
Chị ta vừa nói xong thì tiếng ở trên tầng vọng xuống:
– Lấy cái gì?
Tôi thấy bà từ trên đi xuống, định nói thì chị Hạnh liền chen ngang:
– Nó mất ví tiền, đang bảo con với mẹ lấy của nó.
Bà vừa nghe vậy liền quay sang nhìn tôi bằng nét mặt giận dữ:
– Nhà này không có thói trộm cắp, tiền mày để đâu giờ mất lại đổ vạ cho nhà này là sao? Tao cho mày về ở thêm vài ngày để có thời gian thu xếp mà mày còn trở mặt thế à? Đúng là nuôi ong tay áo.
Tôi nhìn bà vội vàng trả lời:
– Con không có ý đó, con chỉ hỏi chị Hạnh có nhìn thấy không thôi. Để con thử vào tìm lại.
Nói rồi tôi cũng đi về phòng, 1 lần nữa lục tìm lại tất cả nhưng kết quả vẫn như vậy.
Bất lực và mệt mỏi ngồi phịch xuống giường, uất ức muốn khóc lớn mà chỉ có thể nhẫn nhịn.
Số tiền đấy là tiền đi làm tôi tiết kiệm được trước khi cưới. Về sau anh mất, mẹ chồng tôi không cho đi làm, bắt tôi ở nhà dọn dẹp cơm nước nên số tiền ấy tôi phải cất riêng để phòng thân.
Suốt những năm qua không đi làm tôi cũng làm gì có tiền, chi tiêu sinh hoạt bằng vốn của anh để lại rồi tiền cưới của 2 đứa. Tiền chỉ ra chứ không vào nên tôi phải rất tiết kiệm, ăn chăngr dám ăn, mặc không dám mặc.
Chỉ là năm nay bé Nhím bắt đầu đi học nên mọi thứ cũng tốn kém hơn, số vốn ấy cũng gần hết rồi, mà tiền tiết kiệm của tôi cũng không cánh mà bay, lần này ra đi thực sự là 2 bàn tay trắng.
Tôi đi lại phía bàn trang điểm, lấy chìa khoá ở trong ngăn kéo mở chiếc hộp nhỏ đặt ở trên bàn ra, lấy trong đó mấy tờ tiền, đếm đi đếm lại cũng chỉ còn 8 triệu với vài trăm lẻ, tiền này tôi dùng chi tiêu nên để ở ngoài cho tiện lấy.
Cuối cùng tiền để ngoài thì chẳng mất lại mất số đang cất giữ kia.
Sót của, uất ức rồi cũng đành ngậm đắng nuốt cay cho qua chỉ vì muốn có thể làm cho anh cái giỗ cuối cùng vì tôi biết lần đi này khó lòng mà trở lại được.
Đi lại phía tủ quần áo mở ra, cũng may hôm qua còn để sót lại vài thứ, tôi lấy 1 bộ rồi đi vào phòng tắm rửa, thay cái bộ quần áo bẩn thỉu vì sự va chạm hồi sáng, xong xuôi tôi ra ngoài dắt xe đi chợ.
Vừa đi vừa tính về sau sẽ thế nào, không cẩn thận va phải 1 chiếc xe đang đi sang khiến cả 2 ngã xuống đường, ngày hôm nay quả thực đen đủi mà.
– Đi đứng kiểu gì thế?
Đối phương tức giận gắt nhẹ, là giọng nói của 1 cậu con trai còn khá trẻ, gương mặt cũng sáng nhưng trông bộ cũng hách dịch lắm.
Tôi vội vàng dựng xe lên rồi nhìn cậu ta nói:
– Xin lỗi, đường đông quá nên tôi không để ý. Cậu có sao không?
Cậu ta dựng lại xe, phủi qua quần áo rồi ngắm nhìn chiếc xe SH của mình mà nói:
– Đông thì cũng phải nhìn trước sau chứ? Vỡ cái yếm xe rồi đây này.
Tôi nghe vậy liền đi lại nhìn, đúng thật là đã bị vỡ, có chút ái ngại nhìn cậu ta nói:
– Xin lỗi, thay cái này hết bao nhiêu tiền tôi gửi cậu.
Cậu ta không trả lời tôi, cứ nhìn chăm chăm cái xe trông có vẻ xót của lắm. Tôi thấy vậy cũng ngó nghiêng xung quanh, thấy có hành sửa xe bên đường lại lên tiếng:
– Bên kia có hàng sửa xe, cậu đẩy sang đó thay hết bao nhiêu tôi gửi.
Cậu ta nghe vậy cũng nhìn sang, không nói gì liền đẩy xe sang, tôi thấy vậy cũng đi xe của mình theo sau.
Dù sao cũng là lỗi do mình nên tôi cũng đành phải có trách nhiệm, cậu ta đẩy xe vào trong nhà, tôi liền nói với ông chủ:
– Cái yếm này bị vỡ, thay hết nhiều không bác?
Ông chủ nhìn qua rồi trả lời tôi:
– Cái này hàn lại rồi sơn được mà. Còn nếu thay hàng chính hãng thì 480k.
Tôi nghe vậy cũng có chút xót tiền, còn chưa định nói thì cậu ta lên tiếng:
– Hàn rồi sơn lại đi.
Ông chủ nghe vậy cũng gật đầu:
– Ừ, hàn rồi sơn cho rẻ, bác làm như mới cho mày luôn.
Tôi nghe vậy cũng thầm cảm ơn rồi nói:
– Vậy hết nhiều không bác?
– 250k nhé.
– Dạ, vậy bác sửa hộ cháu.
Tôi nhìn sang bên kia đường rồi vội vàng lấy tiền trong túi ra đưa cho bác ấy:
– Cháu gửi tiền bác trước, cháu sang chợ 1 lúc.
Ông chủ nhận tiền rồi gật đầu, tôi lại tiếp lời:
– Cho cháu gửi xe đây nhé.
– Ừ, đi đi!
Nói rồi tôi lại nhìn cậu con trai đang chăm chú nhìn chiếc xe của mình kia rồi nói:
– Tôi gửi tiền rồi, cậu ở đây chờ nhé.
Không biết cậu ta có nghe thấy hay không mà cũng chẳng thèm nhìn tôi 1 cái.
Tôi thấy vậy cũng đành nhún vai cho qua rồi chạy sang bên chợ mua thức ăn.
Sau khi xong xuôi, tôi trở lại cửa hàng sửa xe đã chẳng thấy cậu ta và chiếc xe còn ở đó nữa, lại thấy ông chủ đang lúi húi sửa gì đó ở xe của tôi nên vội vàng hỏi:
– Bác làm gì thế? Cậu con trai kia đâu rồi ạ?
Ông loay hoay 1 lúc rồi đứng dậy nhìn tôi nói:
– Cậu ta không sửa, thay cái mới xong rồi đi rồi. Cậu ta thấy xe của cháu cũng hỏng nên bảo bác sửa luôn.
Nói rồi ông lấy trong túi quần ra vài tờ tiền khi nãy tôi đưa kèm 1 tờ giấy nhỏ rồi nói tiếp:
– Tiền của cháu cậu ta không lây, mà tiền sửa xe này cậu ta cũng trả rồi, dặn bác trả lại tiền cho cháu.
Tôi cũng khác ngạc nhiên nhận lại tiền rồi nhìn tờ giấy nhỏ trên đấy có ghi vài chữ: “Lần sau đi đường mở to mắt ra mà nhìn nhé chị gái. Không ai tốt bụng như em đâu, chị may mắn đấy!”
Khi đọc được hàng chứ ấy, tôi không nghĩ đến sau này tôi lại là người thay đổi số phận của cậu ta, và sự ảnh hưởng của cậu ta lại vô cùng lớn đối với cuộc sống của tôi.
Tôi bỗng chốc nhận ra có 1 câu nói: “Đời người không ai tắm 2 lần trên 1 dòng sông”, rồi sẽ có 1 ngày, tôi chẳng còn là tôi của bây giờ nữa.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!