Quo Vadis - Chương 16
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
127


Quo Vadis


Chương 16


Tuy thế lão Khilon mãi không xuất hiện, đến nỗi rốt cuộc Vinixius cũng không biết nên nghĩ về chuyện ấy ra sao nữa. Chàng hoài công lặp đi lặp lại với bản thân rằng muốn đi đến kết quả mong muốn và chắc chắn thì việc tìm kiếm phải được tiến hành từ từ. Dòng máu của chàng cũng như bản tính xốc nổi đều khùng lên chống lại tiếng nói lý trí. Không làm gì cả, chỉ chờ đợi, ngồi bó tay, là một điều quả trái ngược với tính cách của chàng, đến độ chàng không sao thừa nhận được nổi. Bản thân việc chạy lùng khắp hang cùng ngỏ hẻm của thành phố trong tấm áo choàng thâm của nô lệ vốn vô vọng, nên với chàng đó chỉ là chuyện đi tìm kiếm sự bất lực của chính mình và không sao có thể khiến chàng thỏa mãn. Những người nô lệ giải phóng của chàng, những kẻ vốn nhanh nhẹn mà chàng ra lệnh đi tìm kiếm, đã tỏ ra trăm lần tháo vát hơn lão Khilon. Trong khi đó, bên cạnh tình yêu mà chàng cảm thấy đối với Ligia, trong lòng chàng còn nảy sinh thêm sự cay cú của một con bạc muốn được cuộc. Bao giờ Vinixius cũng thế cả. Ngay từ những năm thơ ấu, chàng đã làm mọi việc mà chàng muốn với sự say sưa của một người không thể hiểu nổi rằng chuyện gì đó có thể không thành, rằng cần phải từ bỏ một điều gì đó. Quả thực, sự hà khắc của quân đội đã kịp thời đóng cương trong thói quen phóng túng của chàng, song nó cũng gieo vào chàng niềm tin chắc rằng một một mệnh lệnh mà chàng ra cho những kẻ dưới quyền đều nhất nhất phải được thực hiện, còn thời gian dài sinh sống tại phương Đông, giữa những con người nhu nhược quen với sự vâng chịu kiểu nô lệ đã khiến chàng tin rằng đối với chàng, cái “tôi muốn” là không hề có giới hạn. Cho nên, giờ đây lòng tự ái của chàng bị rướm máu nghiêm trọng. Thêm nữa, có một điều gì đó trong những mâu thuẫn trong sự kháng cự và ngay cả trong việc trốn chạy của Ligia cũng khiến chàng không sao hiểu nổi, một điều bí ẩn nào đó mà chàng phải vò đầu bứt tai để tìm cách lý giải. Chàng cảm thấy Akte nói thật, rằng chàng không phải là kẻ mà Ligia cảm thấy vô tình. Nhưng nếu vậy thì tại sao nàng lại đặt cảnh vô gia cư và sự bần hàn lên trên tình yêu của chàng, lên trên cả những âu yếm và cuộc sống trong ngôi nhà viên mãn của chàng? Chàng không sao tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi ấy, ngược lại chàng đi vào một cảm giác mơ hồ rằng giữa chàng và Ligia, những thứ quan niệm của hai người, giữa thế giới của chàng cùng ông Petronius với cái thế giới khác biệt của Ligia và bà Pomponia Grexyna, có một sự khác biệt nào đó, có một sự hiểu lầm nào đó sâu như vực thẳm không thể nào khỏa lấp nổi. Khi ấy chàng cảm thấy mình sẽ phải mất Ligia, và chỉ cần nghĩ tới điều đó thôi là chàng mất nốt chút thăng bằng cuối cùng mà ông Petronius muốn giữ lại trong lòng chàng. Có những phút giây chàng không sao hiểu nổi mình yêu Ligia hay căm thù nàng, chàng chỉ biết rằng cần phải tìm bằng được nàng, thà mặt đất cứ nuốt chửng chàng đi còn hơn để chàng không được nhìn thấy và chinh phục được nàng nữa. Với sức mạnh của trí tưởng tượng, đôi khi chàng trông thấy nàng rõ ràng như nàng đang đứng trước mặt chàng, chàng nhớ lại từng lời chàng nói với nàng cũng như từng lời được nghe nàng nói. Chàng cảm thấy nàng gần gũi, cảm thấy nàng đang ở trên ngực chàng, trong vòng tay của chàng và trong lúc ấy dục vọng bừng bừng như ngọn lửa chế ngự lòng chàng. Chàng yêu nàng và gọi tên nàng. Và khi nghĩ rằng chàng đã từng được nàng yêu, rằng nàng đã từng có thể vui lòng thực hiện tất cả những gì chàng đòi hỏi, thì chàng lại sa vào một nỗi nuối tiếc nặng nề vô hạn, và một niềm âu yếm mênh mông như một làn sóng vô bờ tràn ngập trái tim chàng. Song cũng có lúc chàng tái nhợt người đi trong sự điên cuồng, chàng khoái trá nghĩ đến những nỗi nhục nhã và những cực hình mà chàng sẽ bắt Ligia phải chịu đựng khi tìm ra nàng. Chàng không những chỉ muốn có nàng mà muốn có nàng như một kẻ nô tì bị chà đạp, đồng thời chàng lại cảm thấy rằng, nếu như người ta bắt chàng phải chọn lựa: hoặc trở thành nô lệ của nàng hoặc là trọn đời vĩnh viễn không được gặp nàng nữa, thì chàng thà trở thành nô lệ của nàng còn hơn. Có những ngày chàng nghĩ tới những vết hằn mà đòn roi sẽ để lại trên thân thể trắng hồng của nàng, đồng thời chàng lại muốn được hôn lên những lằn roi ấy. Đôi khi chàng chợt nghĩ rằng hẳn chàng sẽ rất sung sướng nếu giết chết nàng.

Trong chia ly, trong mệt mỏi, bấp bênh và giằng xé giày vò, chàng tổn hao sức khỏe và cả vẻ đẹp. Chàng trở thành một ông chủ tàn bạo và thiếu suy xét. Đám nô lệ – thậm chí cả những người nô lệ được giải phóng – run rẩy bước lại gần chàng, và khi những hình phạt vô cớ trút xuống người họ, những hình phạt vừa nhẫn tâm vừa vô lý, thì họ thầm căm ghét chàng. Cảm thấy được điều đó và cảm nhận được sự cô đơn của mình, chàng lại càng trả thù họ nhiều hơn nữa. Giờ đây chàng chỉ còn tự kiềm chế đối với mỗi mình lão Khilon vì e rằng lão sẽ ngừng những cuộc tìm kiếm của lão lại, còn lão – hiểu ra điều ấy – lão bắt đầu khống chế chàng và ngày càng vòi vĩnh nhiều hơn. Lúc đầu, cứ mỗi lần đến, lão lại đoán chắc với Vinixius rằng công việc trôi chảy trơn tru và nhanh chóng, nhưng giờ đây chính lão lại vẽ thêm khó khăn ra, và tuy không ngừng cam đoan về kết quả của việc tìm kiếm song lão cũng không hề giấu giếm rằng việc này hẳn còn kéo dài lâu nữa.

Cuối cùng, sau những ngày dài chờ đợi, lão mới dẫn xác tới với bộ mặt như đưa đám, đến nỗi chàng trai tái người đi khi thoạt trông thấy lão, chàng nhảy vọt đến và chỉ còn đủ sức để hỏi một câu:

– Không có nàng trong đám tín đồ Thiên chúa sao?

– Có chứ, thưa ngài – Khilon đáp – nhưng trong đám bọn họ tôi lại gặp cả thầy thuốc Glaukox.

– Ngươi nói gì thế? Đó là thằng nào?

– Thưa ngài, vậy ngài quên mất ông cụ già đã cùng tôi từ Neapolix tới Roma, người mà để bảo vệ, tôi đã bị mất hai ngón tay này, khiến tôi không cầm được bút nữa. Bọn đạo tặc cướp vợ con ông ta và đã dùng dao đâm ông ta. Tôi đành phải để ông ta đang hấp hối nằm lại trong một quán trọ ở Minturnae và đã than khóc ông ta rất lâu. Than thay! Tôi vừa biết rằng ông ta vẫn sống tới ngày nay và hiện đang thuộc về họ đạo Thiên chúa Roma.

Vinixius không sao hiểu nổi lão nói gì mà chỉ hiểu được một điều rằng cái lão già Glaukox nọ là một vật chướng ngại trong việc tìm kiếm Ligia, nên có ghìm cơn giận đang cuộn sôi lên trong lòng, chàng bảo:

– Nếu ngươi đã từng bảo vệ lão ta thì lão sẽ phải hàm ơn và giúp đỡ ngươi chứ?

– Ôi, thưa ngài hộ dân quân tôn quý! Ngay cả đến các thần linh không phải bao giờ cũng biết hàm ơn còn nói chi tới người trần thế. Vâng! Nhẽ ra lão ta phải biết ơn tôi. Nhưng than ôi, đó lại là một lão già đầu óc kém cỏi bị tuổi tác và những niềm phiền muộn làm mờ mịt đi mất rồi, vì thế không những lão không mang ơn tôi, mà tôi còn được chính xác các đồng đạo của lão cho hay rằng lão lên án tôi đã thỏa thuận với lũ cướp và chính tôi là nguyên nhân và gây ra những bất hạnh của lão. Đó chính là cái phần thưởng mà tôi được trả cho hai ngón tay bị mất.

– Đồ vô lại, ta chắc rằng mọi sự đúng như lời lão ta nói! – Vinixius thốt lên.

– Vậy ra ngài biết nhiều hơn cả lão ta đấy, thưa ngài – Khilon đường hoàng đáp lại – vì lão ta chỉ dám ngờ rằng mọi sự diễn ra như thế mà thôi tuy nhiên điều đó cũng không ngăn cản lão kêu gọi dân Thiên chúa trả thù tôi một cách tàn bạo. Hẳn lão đã thực hiện, ngay chuyện đó và bọn kia chắc chắn sẽ giúp lão. May thay, lão không biết tên tôi, còn trong nhà nguyện, nơi chúng tôi gặp nhau, thì lão không trong thấy tôi. Tôi thì nhận ra lão ngay và thoạt tiên tôi muốn ôm chân lấy lão. Chỉ có sự chín chắn và thói quen cân nhắc từng bước đi đã ghìm tôi lại. Sau khi rời nhà nguyện tôi bắt đầu dò hỏi về lão và những người quen biết lão nói cho tôi hay rằng đó là một kẻ bị người bạn đường từ Neapolix phản bội… Nếu không thế thì tôi đã chẳng hay rằng lão đã kể chuyện ấy.

– Chuyện ấy ta không hề quan tâm. Nói xem ngươi thấy gì trong nhà nguyện.

– Ngài không quan tâm đến, thưa ngài, nhưng tôi lại quan tâm như quan tâm đến mạng sống mình vậy. Tôi muốn rằng khoa học của tôi sẽ trường thọ hơn tôi nên tôi thà từ bỏ những giải thưởng mà ngài hứa tặng cho tôi hơn là chịu thiệt mạng vì một cô gái ma quái mạt hạng này; không có cái đó, thì vốn là một triết gia chân chính tôi cũng vẫn biết cách sống và tìm tòi chân lý thiêng liêng.

Song Vinixius đã sát lại gần lão, nét mặt dữ tợn, chàng gằn giọng nói:

– Thế ai bảo với mày rằng tử thần sẽ đến gặp mày từ tay lão Glaukox sớm hơn từ tay ta? Mày có biết lát nữa đây người ta sẽ đào mồ chôn xác mày ngay trong vườn nhà ta hay không, hả đồ chó?

Vốn hèn nhát, Khilon nhìn Vinixius và chỉ trong chớp mắt lão hiểu ra ngay rằng chỉ cần thêm một lời thiếu ý tứ nữa thôi là lão sẽ mất mạng vô phương cứu chữa.

– Tôi sẽ tìm nàng, thưa ngài, tôi sẽ tìm bằng được nàng! – lão vội vã kêu lên.

Im lặng bao trùm, chỉ nghe tiếng thở gấp gáp của Vinixius và tiếng hát xa xa của những người nô lệ đang làm lụng trong vườn.

Mãi một lát sau, để ý thấy viên võ quan trẻ tuổi đã phần nào bình tĩnh lại, gã Hi Lạp mới dám lên tiếng.

– Tử thần vừa lướt qua sát cạnh tôi, nhưng tôi đã nhìn thần bình thản như chính Xocratex vậy. Không thưa ngài, tôi không hề nói rằng tôi từ chối việc tìm kiếm nàng thiếu nữ, tôi chỉ muốn thưa cùng ngài rằng giờ đây việc tìm kiếm nàng gắn liền với mối nguy hiểm vô cùng to lớn cho tôi. Có lúc ngài đã từng nghĩ rằng trên đời không hề có ông già Euryxius, nhưng rồi chính mắt ngài lại mục kích thấy là đứa con trai của cha tôi nói là đúng sự thật. Ấy thế giờ đây ngài lại ngờ rằng tôi bịa ra cái lão Glaukox nọ. Than ôi! Giá như lão ta chỉ là một điều bịa đặt, giá như tôi có thể đi lại hoàn toàn yên ổn giữa đám dân Thiên chúa giáo thì tôi xin nhường ngay lại cái con mụ nô lệ già nua tôi nghiệp tôi vừa mua ba hôm trước đây hòng bảo đảm cho tuổi già và sự tật nguyền của tôi. Nhưng lão Glaukox hiện đang sống thưa ngài, và chỉ cần một lần lão trông thấy tôi thì chắc ngài sẽ không bao giờ được trong thấy tôi nữa, và khi ấy ai sẽ là kẻ tìm ra nàng trinh nữ cho ngài?

Đến đây lão im lặng lau nước mắt rồi nói tiếp:

– Khi Glaukox còn sống thì làm sao tôi có thể đi tìm nàng, nếu như bất cứ lúc nào tôi cũng có thể trạm chán lão, một khi chạm trán lão tôi sẽ chết mất xác và cùng với tôi, việc tìm kiếm sẽ chỉ là công cốc.

– Ngươi định dẫn tới chuyện gì? Có cách gì không chứ? Ngươi muốn làm gì? Vinixius hỏi.

– Chính Aryxtotelex dạy chúng ta, thưa ngài, rằng cái nhỏ phải hy sinh cho cái lớn, còn vua Priam thường nói rằng tuổi già là một cái ách nặng nề. Ách nặng của tuổi già cùng những nỗi bất hạnh đã từ lâu dày vò Glaukox, nặng nề đến nỗi cái chết sẽ là hạnh phúc đối với lão. Vì rằng theo ngài Xeneka, cái chết là gì nếu không phải là một sự giải thóat?…

– Ngươi hãy làm hề với Petronius chứ đừng làm hề với ta, hãy nói toạc ra ngươi muốn gì?

– Nếu như đức hạnh lại là trò hề thì xin các vị thần linh hãy cho tôi làm hề mãi mãi. Thưa ngài, tôi muốn trừ khử lão Glaukox vì một khi lão còn sống thì cả tính mạng tôi lẫn công cuộc tìm kiếm đều là chuỵên nguy hiểm triền miên.

– Vậy hãy thuê một bọn nào dùng gậy đập chết lão ta đi, ta sẽ trả tiền cho.

– Bọn chúng sẽ xé xác ngài mất thôi thưa ngài, rồi sau này chúng sẽ lợi dụng điều bí mật ấy. Bọn vô lại ở Roma nhiều như cát trong các đấu trường, nhưng ngài hẳn không tin là bọn chúng sẽ lên giá như thế nào nếu có một con người lương thiện cần thuê mướn bọn chúng. Không đâu, thưa ngài hộ dân quân tôn quý! Nếu như đám vigin tóm được lũ cướp trong lúc chúng đang giết người thì sao? Chắc chắn là bọn này sẽ khai ra ai là kẻ đã thuê chúng và ngài sẽ bị phiền phức đấy. Còn tôi thì bọn chúng sẽ không chỉ ra được vì tôi sẽ không nói cho chúng biết tên. Ngài sẽ sai lầm nếu không tin tôi, vì dù có bỏ qua không tính đến sự đứng đắn của tôi đi nữa, thì xin ngài hãy nhớ cho rằng chuyện này còn dính dáng đến hai thứ khác: đó là thân xác tôi và phần thưởng mà ngài đã hứa cho tôi.

– Ngươi cần bao nhiêu?

– Tôi cần chẵn một nghìn đồng xexlecxi, vì thưa ngài, xin ngài hãy lưu ý hộ cho là tôi phải tìm bằng được một bọn vô lại trung thực, những kẻ mà khi đã cầm tiền sẽ không biến mất tăm mất dạng. Tiền nào của ấy mà! Giá như có chút gì đó dành cho tôi để lau những giọt lệ sầu mà tôi sẽ phải đổ ra để thương khóc lão Glaukox thì lại càng hay lắm. Xin các thần hãy chứng giám cho rằng tôi yêu lão ta biết bao. Nếu như ngày hôm nay tôi nhận được một nghìn đồng xexlecxi thì chỉ hai ngày nữa thôi, linh hồn của lão ta sẽ phiêu du dưới địa ngục Hađex, và mãi tới lúc đó họa chăng lão mới có thể nhận ra là tôi yêu quý lão biết chừng nào, nếu như linh hồn còn giữ được trí nhớ và biết suy nghĩ. Ngay ngày hôm nay tôi sẽ thuê người và sẽ bảo với họ rằng từ tối mai trở đi, cứ mỗi ngày sống của lão Glaukox tôi sẽ trừ đi một trăm xexlecxi. Tôi cũng đã nghĩ ra một kế mà tôi cho là tuyệt diệu.

Vinixius lại một lần nữa hứa sẽ cho lão số tiền lão đòi nhưng chàng cấm lão không được nói gì thêm nữa về lão Glaukox, rồi chàng hỏi xem lão có mang đến thêm tin tức gì mới hay chăng, thời gian vừa rồi lão ở đâu, nhìn thấy những gì và có phát hiện ra điều gì không. Song lão Khilon không có gì nhiều nhặn để báo cho chàng. Lão đã đến thăm hai nhà nguyện nữa và đã chăm chú quan sát tất cả mọi người, nhất là đàn bà con gái, nhưng không thấy người nào có vẻ giống Ligia cả. Dân Thiên chúa đã coi lão là người của mình, và từ khi lão cho tiền chuộc con trai của Euryxius thì họ tôn kính lão như một người nối gót đấng Crixtux. Qua họ lão được biết rằng một vị cao đạo là thánh Paven xứ Tarxu hiện đang có mặt tại Roma, ông đang bị giam vì có lời kiện cáo của bọn Do Thái. Lão định sẽ làm quen với ông.

Song có một tin khác còn khiến cho lão vui mừng hơn nữa, đó là tin vị thầy cả cao chức nhất toàn đạo, vốn là tông đồ của chính đấng Crixtux, người được Đức Chúa trao trọng trách cai quản dân Thiên chúa toàn thế giới, chẳng bao lâu nữa cũng sẽ tới Roma. Dĩ nhiên hết thảy người dân Thiên chúa giáo đều muốn được gặp ông và nghe ông thuyết giáo. Sẽ có những cuộc họp mặt lớn, và chính lão – Khilon – cũng sẽ có mặt, hơn nữa, lão đưa cả Vinixius cùng đến dự, vì trong đám đông dễ giấu mặt hơn. Chắc hẳn khi ấy họ sẽ tìm thấy Ligia. Một khi lão Glaukox đã bị trừ khử thì việc kia chẳng còn gì nguy hiểm cả. Trả thù thì hiển nhiên là dân Thiên chúa cũng biết trả thù, nhưng nói chung họ vốn là những người ôn hòa.

Đến đây, lão Khilon bắt đầu kể lại với vẻ hơi ngạc nhiên là chưa ở đâu lão từng thấy bọn họ làm những chuyện dâm ô tồi bại, đánh thuốc độc giếng nước và các bể phun, là kẻ thù của loài người, thờ cúng lũ cừu hoặc ăn thịt trẻ con. Không! Không! Những thứ đó lão chưa hề trông thấy. Chắc chắn trong bọn họ cũng sẽ có những kẻ sẵn sàng trừ khử lão già Glaukox vì tiền, nhưng như lão hiểu, giáo lý của họ không hề khuyến khích tội phạm, ngược lại khuyên người ta phải tha thứ cho những điều bị xúc phạm.

Vinixius nhớ lại những lời của bà Pompania Crexyna nói với chàng tại nhà Akte và nói chung những lời của lão Khilon được chàng vui sướng lắng nghe. Mặc dù bề ngoài thì những tình cảm của chàng đối với Ligia có vẻ như thù ghét, nhưng chàng nhẹ cả người khi nghe nói rằng cái giáo lý mà nàng và bà Pompania tuân theo không phải là cái thứ giáo lý tội các mà cũng chẳng hề vô luân thường đạo lý. Tuy nhiên chàng cảm giác mơ hồ rằng chính nó, chính cái lòng ngưỡng mộ đầy bí ẩn đối với Đức Chúa Crixtux xa lạ với chàng ấy, đã tạo nên ranh giới giữa chàng với Ligia, chàng vừa sợ vừa căm ghét cái giáo lý ấy.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN