Quo Vadis - Chương 4
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
135


Quo Vadis


Chương 4


Petronius đã giữ đúng lời hứa. Hôm sau, sau cuộc thăm viếng Khowryzotemix, tuy ngủ cả ngày, nhưng đến chiều tối ông ra lệnh cho cáng đến cung điện Palatyn và chuyện kín với Nerô. Do kết quả của cuộc trò chuyện đó, ngày hôm sau nữa, trước cửa nhà ông Plauxius xuất hiện một viên xenturion cầm đầu một toán lính cấm vệ hơn mười tên.

Đó là một thời kỳ phấp phỏng và kinh hoàng. Thường thường, các vị sứ giả loại này là người mang tới sự chết chóc. Chính vì vậy, kể từ lúc viên xenturion gõ búa vào cửa nhà ông Aulux và tên cai quản gian chính sảnh báo tin bọn lính đã kéo đến trước gia môn thì sự kinh hoàng trùm lên cả gia đình. Gia đình quây chung quanh vị lão tướng, vì ai cũng nghĩ rằng mối nguy hiểm này treo lơ lửng trên đầu ông trước hết. Choàng tay ghì chặt lấy chồng, bà Pomponia nép sát vào người ông, đôi môi tái nhợt của bà run lên bần bật, thốt ra những lời lẩm bẩm. Ligia mặt nhợt nhạt, hôn mãi tay ông, còn chú bé Aulux thì túm chặt lấy chiếc áo toga của ông. Từ các hành lang, từ các phòng trên gác và các phòng ở của gia nhân, từ nhà ở của đám gia nô, từ nhà tắm, từ nhưng gian buồng ở phía dưới, từ khắp mọi xó xỉnh trong nhà, nô lệ và nô tỳ túa cả ra. Nghe rõ tiếng than vãn: “heu heu me miserum”(1). Đàn bà khóc nức nở, một số người đã bắt đầu cào cấu mặt mày hoặc lấy khăn trùm kín đầu.

Chỉ riêng mình vị lão tướng, bao năm nay từng quen nhìn thẳng vào mặt cái chết là vẫn bình tĩnh, riêng khuôn mặt đại bàng hơi ngắn của ông như hóa đá. Sau khi đã làm lặng bớt những tiếng ồn ào và ra lệnh cho đám gia nhân tản đi, ông nói:

Hãy buông tôi ra nào, bà Pomponia. Nếu như ngày tận thế đã đến với tôi thì chúng ta cũng hãy còn thì giờ để vĩnh biệt nhau kia mà.

Và ông nhẹ nhàng đẩy bà ra, còn bà thì thốt lên:

Số mạng của ông cũng chính là số mạng của tôi đó, ông Aulux ơi!

Rồi quỳ thụp xuống, bà bắt đầu cầu nguyện một cách khẩn thiết, dường như chỉ có nỗi lo sợ cho sự sống còn của sinh linh thân yêu mới khiến bà bắt đầu cầu nguyện khẩn thiết đến thế.

Ông Aulux bước ra gian chính sảnh thông thiên, nơi viên xenturion đang chờ ông. Đó là Kaius Haxta, nguyên là một kẻ dưới quyền và một chiến hữu của ông từ cuộc chiến tranh Brytania.

– Xin kính chào tướng quân – ông ta nói – Tôi mang tới cho ngài mệnh lệnh và lời chúc sức khỏe của Hoàng thượng, còn đây là lệnh tiễn và ngự phù chứng tỏ rằng tôi đến đây nhân danh Người.

– Đa tạ Hoàng thượng về lời chúc và xin phụng mệnh Hoàng thượng – ông Aulux đáp – Xin chào ngài Haxta, xin ngài hãy nói xem ngài mang đến chiếu chỉ về chuyện gì vậy?

– Kính thưa ngài Aulux Plauxius. – Haxta bắt đầu – Hoàng thượng biết rằng trong nhà ngài hiện có con gái của vua người Ligi, kẻ mà từ thửa sinh thời của hoàng đế Klaudius hiển linh, vua nước ấy đã nộp cho người La Mã làm tin, rằng dân Ligi sẽ không bao giờ vi phạm biên giới của đế quốc ta. Hoàng đế Nerô thần thánh sẽ biết ơn ngài, thưa tướng quân, vì suốt ngần ấy năm ngài đã cho cô công chúa ấy được hưởng lòng mến khách tại gia, song Hoàng thượng không muốn phiền gia đình ngài lâu hơn nữa, đồng thời Hoàng thượng cho rằng, vốn là con tin, nàng phải được đặt dưới sự chăm lo của chính Hoàng thượng cùng nguyên lão viện, vì vậy Hoàng thượng truyền cho ngài hãy giao lại nàng cho tôi đây.

Là một người lính, một người đàn ông đã được tôi luyện dạn dày, ông Aulux không thể cho phép mình bộc lộ sự bất bình, không phàn nàn, không thốt ra những lời vô nghĩa đối với mệnh lệnh, song trán ông hằn lên nét nhăn của cơn cuồng nộ và nỗi đớn đau. Đã có lúc, những đạo quân Brytania từng phải run rẩy trước cái nhíu mày như thế, thậm chí ngay cả lúc này đây, trên nét mặt Haxta cũng hiện lên một nỗi hãi hùng. Song bây giờ đứng trước chiếu chỉ, ông Aulux cảm thấy mình bất lực. Suốt một hồi lâu ông nhìn chằm chằm vào lệnh tiễn và ngự phù, rồi ngước mắt lên nhìn viên xenturion tuổi tác, ông nói với giọng đã bình tĩnh trở lại:

– Hỡi Haxta, xin hãy chờ cho một lát ở chính sảnh, đứa con tin ấy sẽ được giao cho ngài.

Sau những lời ấy, ông đi sang đằng kia ngôi nhà, đến phòng làm việc được gọi là oecus, nơi bà Pomponia Grexyna, nàng Ligia và chú bé Aulux đang lo lắng hãi hùng chờ ông tới.

– Sẽ không có ai phải chết hay bị đày đi đảo xa đâu – ông nói – song sứ giả cũng vẫn là kẻ mang tới điều bất hạnh. Chuyện về con đấy, Ligia ạ.

– Về Ligia ư? – bà Pomponia kêu lên kinh ngạc.

– Chính vậy – ông Aulux đáp.

Rồi quay sang phía nàng, ông nói:

– Ligia con, con được nuôi nấng trong gia đình chúng ta như một đứa con ruột thịt, cả ta lẫn bà Pomponia đều yêu con như con rứt ruột đẻ ra. Nhưng chính con cũng biết đấy, con không phải là con gái của chúng ta. Con là con tin mà dân tộc con đã nộp cho La Mã, và việc chăm lo cho con thuộc về Hoàng đế. Giờ đầy Hoàng đế bắt con rời khỏi nhà chúng ta đấy.

Vị thủ lĩnh nói bình tĩnh, nhưng bằng một giọng kỳ lạ khác thường. Nghe những lời ông nói Ligia chớp mắt, dường như nàng không sao hiểu nổi ông nói gì. Gò má bà Pomponia thì trắng nhợt ra. Ở các cửa phòng thông từ ngoài hành lang vào phòng tiệc lại lấp ló những bộ mặt kinh sợ của đám nô tỳ.

– Ý muốn của Hoàng thượng phải được thực hiện, ông Aulux nói.

– Ông Aulux! – Bà Pomponia kêu lên, ôm chầm lấy Ligia, dường như bà muốn che chở cho nàng – thà là để cho con nó được chết đi còn hơn.

Còn Ligia ép sát vào ngực bà nức nở lặp đi lặp lại: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!” bởi nàng không sao thốt ra được lời nào khác nữa.

Trên mặt ông Aulux lại xuất hiện ra nét giận giữ pha lẫn nỗi đớn đau.

– Giá như tôi chỉ có một thân một mình trên đời – ông nói buồn bã – tôi sẽ không bao giờ chịu nộp con một khi nó còn sống: Họ hàng của tôi sẽ có thể dâng lên thần Jo Liberator những đồ tế hiến cho chúng tôi. Nhưng tôi không có quyền giết chết cả bà lẫn thằng bé nhà ta, kẻ có thể sống được tới những ngày hạnh phúc hơn… Ngay ngày hôm nay tôi sẽ xin yết kiến Hoàng thượng và cầu xin Người thay đổi quyết định. Người có chịu nghe lời tôi hay không – tôi không biết. Còn con Ligia, ta cầu cho nó luôn được bằng an và hãy nhớ rằng cả ta lẫn bà Pomponia bao giờ cũng cầu Thượng đế ban phước cho cái ngày con được nhập vào tổ ấm của chúng ta.

Nói xong, ông đặt tay lên đầu nàng, song mặc dầu ông cố tỏ ra bình tĩnh, lúc Ligia hướng đôi mắt đầm lệ lên nhìn ông rồi ôm lấy tay ông mà áp chặt môi nàng vào đó, thì trong giọng nói của ông vẫn run lên nỗi đau xót của sâu thẳm của người cha.

– Từ biệt con, hỡi niềm vui sướng của chúng ta, hỡi ánh sáng trong mắt chúng ta! – ông thốt lên.

Rồi ông vội vàng quay trở lại gian chính sảnh thông thiên để tránh không cho nỗi xúc động thắng thế, nỗi xúc động không xứng với người La Mã, với một vị tướng.

Trong khi ấy, bà Pomponia đưa Ligia về phòng ngủ, cố an ủi nàng, động viên, cổ vũ nàng và nói những lời ngụ ý kỳ lạ trong ngôi nhà này, nơi mà ngay cạnh đấy, trong khám thờ sát kề bên, vẫn có điện thờ ông Táo và lò lửa, trên đó ông Plauxius – người vốn vẫn trung thành với phong tục cổ xưa – vẫn thường hiến lễ các loại lễ vật dâng lên các vị thần. Thời thử thách đã tới rồi. Ngày trước, Virginius đã tự tay đâm thủng ngực đứa con gái ruột thịt của ông để tránh cho nàng khỏi rơi vào tay Appius: Thời xa xưa hơn nữa, nàng Lukrexia cũng đã dùng cái chết để tránh khỏi nỗi ô nhục. Ngôi nhà của Hoàng đế là hang ổ của sự ô nhục, của điều dữ, của tội ác. “Song chúng ta, Ligia con, chúng ta lại hiểu rõ vì sao chúng ta không có quyền tự hại bản thân mình!…”. Chính thế! Thứ luật lệ mà cả người thuận theo khác biệt hơn, to lớn hơn, thiêng liêng hơn, nó cho phép tự vệ chống lại sự dữ và nỗi ô nhục, dù sự tự vệ ấy phải đánh đổi bằng mạng sống hay bằng nhục hình. Ai trong chốn ô uế bước ra mà vẫn trong sạch, thì công tích của kẻ ấy càng lớn hơn. Trái đất là một chốn đầy ô uế như thế, song may mắn làm sao, đời người lại chỉ là một chớp mắt mà thôi, và từ nấm mộ của mình con người sẽ được phục sinh để sau đó không còn có Nerô trị vì nữa, mà sẽ là Đấng Nhân Từ, thay cho nỗi xót đau sẽ là niềm vui sướng, thay cho những giọt lệ sẽ là các hội vui.

Rồi bà bắt đầu nói về bản thân mình. Phải! Bà vốn bình thản, nhưng trong lồng ngực bà nào thiếu những vết thương đau đớn. Này đây, ông Aulux của bà vẫn chưa được giác ngộ để đón nhận ánh sáng. Bà cũng không được phép giáo dục đứa con trai thuận theo chân lý. Nếu cứ nghĩ rằng tình trạng ấy có thể sẽ bị kéo dài cho tới khi chấm dứt cuộc đời, rất có thể cho tới giây phút phải biệt ly họ mãi mãi, thì điều đó còn trăm lần đau đớn và kinh khủng hơn so với sự sinh ly tạm thời mà giờ đây cả hai cùng phải chịu đựng trong nỗi đau xót. Thậm chí, bà không hình dung nổi làm sao bà có thể hạnh phúc được dù là ở trên Thiên đường, nếu thiếu chồng và con. Biết bao đêm bà đã khóc, bao đêm bà thức trắng để nguyện cầu, để ăn mày ơn phước và tình thường. Bà vẫn hiến dâng nỗi đau của mình lên Đức Chúa và đợi chờ tin tưởng. Thậm chí giờ đây, khi tai họa một lần nữa giáng xuống đầu bà, khi mệnh lệnh của kẻ bạo chúa cướp đi của bà mái đầu thân yêu này, mái đầu mà ông Aulux đã gọi là “ánh sáng” của đôi mắt, lòng bà vẫn tin tưởng vì bà biết rằng còn có một sức mạnh vĩ đại hơn bạo lực của Nerô, rằng Đấng Nhân Từ còn mạnh hơn sự độc ác của y.

Và bà ghì chặt hơn nữa mái đầu của thiếu nữ vào ngực mình, còn cô gái từ từ khuỵu xuống úp mặt vào hai đầu gối bà, giấu đôi mắt vào những nếp gấp của cái áo dài peplum của bà, nàng cứ lặng lẽ quỳ như thế hồi lâu, khi đứng lên, nét mặt nàng đã hơi có vẻ bình tâm trở lại.

– Mẹ ơi, con thương mẹ, thương cha và em con, nhưng con biết rằng có chống cự cũng chẳng ích gì mà còn làm hại cả nhà. Song con xin thề với mẹ rằng, khi về cung Hoàng đế, con sẽ không bao giờ quên những lời mẹ dặn.

Nàng ôm ghì lấy bà một lần nữa, rồi sau đó, cả hai bước sang phòng tiệc, nàng bắt đầu từ giã chú bé Aulux, cụ già người Hy Lạp là gia sư của nàng, bà nhũ mẫu đã từng chăm bẵm nàng, cùng tất cả gia nô.

Một nô lệ người Ligi cao to lực lưỡng, mà người trong nhà thường gọi là Urxux, kẻ hồi trước đã cùng với mẹ Ligia, cùng với nàng và đám kẻ hầu người hạ đi tới trại lính La Mã làm con tin, giờ đây chợt quỳ phục dưới chân nàng, rồi quay sang cúi gập người trước mặt bà Pomponia mà nói:

Thưa đômina! Xin hãy cho tôi được đi cùng cô chủ của tôi để được phục vụ và bảo vệ cô trong cung Hoàng đế.

– Ngươi không phải là đầy tớ của chúng ta, mà là của Ligia – bà Pomponia Grexyma nói – song không biết liệu người ta có để cho ngươi được vào cung Hoàng đế hay không? Và ngươi định bảo vệ cô chủ ngươi bằng cách nào cơ chứ?

– Tôi không biết, thưa đômina, tôi chỉ biết rằng trong tay tôi thì sắt thép cũng phải gãy vụn như củi gỗ mà thôi…

Vừa lúc đó, ông Aulux Plauxius tới và sau khi rõ chuyện không những ông không hề phản đối ý nguyện của bác Urxux mà lại nói thêm rằng chính họ không có quyền giữ bác ta ở lại. Họ trao trả Ligia với tư cách là con tin như Hoàng đế đã phán thì họ có bổn phận phải hoàn trả lại toàn bộ đám tùy tùng của nàng để chúng cùng nàng đến lĩnh nhận sự che chở của Hoàng đế. Nói tới đây, ông thì thầm với bà Pomponia rằng, dưới danh nghĩa đoàn tùy tùng có thể cho thêm nàng bao nhiêu nô tỳ mà bà cho là vừa phải cũng được, vì viên xenturion sẽ không thể không nhận họ.

Đối với Ligia, đó thật là điều đáng mừng. Bà Pomponia cũng vui hơn vì có thể lựa chọn những kẻ sẽ hầu hạ nàng theo ý muốn của chính bà. Vì vậy, ngoài bác Urxux ra, bà còn chọn người đảo Sip giỏi chải tóc và hai nô tỳ người Germania chuyên phục vụ việc tắm rửa. Bà chỉ chọn toàn những người đã giác ngộ giáo thuyết mới, thậm chí cả bác Urxux cũng đã quy theo giáo thuyết này từ vài năm nay. Bà Pomponia có thể tin tưởng ở sự trung thành của đám người này và vì vậy bà vui sướng nghĩ rằng những hạt giống của chân lý sẽ được gieo chính ngay trong cung Hoàng đế.

Bà còn viết vài chữ cho nàng Akte, một nô tỳ mới được giải phóng của Nerô, nhờ nàng đỡ đầu Ligia. Mặc dù bà chưa trông thấy Akte tại các cuộc họp hội cũng những tín đồ theo giáo thuyết mới – nhưng bà nghe họ nói rằng nàng Akte không bao giờ từ chối giúp đỡ họ và chính nàng cũng đã từng say mê đọc những bức thư của Đức Paven từ Tarxu. Bà cũng biết rằng người nô tỳ trẻ trung mới được giải phóng này luôn sống trong những nỗi buồn triền miên, rằng nàng là người khác hẳn những kẻ phái yếu khác sống trong nhà Nerô và nói chung nàng là một vị thiên thần của cung điện.

Haxta nhận lời sẽ tự tay trao bức thư ấy cho Akte. Và vì cho rằng việc một nàng công chúa con vua có đám tùy tùng theo hầu là một chuyện đương nhiên. Ông ta cũng không hề cản trở việc mang họ cùng đi về cung điện. Có chăng, ông ta chỉ ngạc nhiên là tại sao đám tùy tùng lại ít ỏi đến thế. Song ông yêu cầu họ phải nhanh chân lên để tránh khỏi bị đánh giá rằng đã thiếu mẫn cán trong khi thi hành mệnh lệnh. Giờ phút chia ly đã tới. Mắt bà Pomponia và mắt Ligia lại nhòa lệ. Một lần nữa, ông Aulux lại đặt tay lên đầu nàng, rồi lát sau, được tống tiễn bởi tiếng kêu gào của chú bé Aulux – chú đang vung hai nắm tay nhỏ bé của mình lên đe dọa viên xenturion – toán lính đưa Ligia về cung Hoàng đế.

Vị lão tướng cũng ra lệnh chuẩn bị kiệu cho mình, rồi đóng cửa lại với riêng mình bà Pomponia trong phòng tranh(2) kề bên phòng tiệc, ông nói:

– Hãy nghe tôi nói đây, hỡi bà Pomponia! Tôi đến đây xin gặp Hoàng đế, mặc dù tôi nghĩ rằng chỉ vô ích mà thôi, và dù rằng lời nói của ngài Xeneka giờ đây cũng chẳng ý nghĩa gì đối với Hoàng đế, tôi cũng sẽ đến cả chỗ ngài Xeneka nữa. Bây giờ, bọn Xofronius, Tygelinus, Petronius hay cả Valynius nữa đều là lũ người có quyền thế hơn hơn nhiều… Còn nếu nói về Hoàng đế, thì có lẽ trong đời chưa bao giờ y được nghe nói tới dân tộc Ligi, nên nếu như y đòi phải trả Ligia với tư cách là một con tin thì chẳng qua là có kẻ nào khác đã xui y làm việc đó. Chẳng khó khăn gì cũng có thể đoán ra kẻ nào đã làm chuyện ấy.

Bà bỗng ngước mắt nhìn ông.

– Petronius ư?

– Phải.

Sau một giây im lặng, vị thủ lĩnh nói tiếp:

– Hậu quả của việc để cho một kẻ trong lũ người thiếu lương tâm và lòng thành kính được qua ngưỡng cửa nhà mình là như thế đó. Đáng nguyền rủa thay cái giây phút mà thằng Vinixius đặt chân vào nhà ta. Chính hắn đã kéo Petronius tới đây. Tội nghiệp con Ligia, vì thực ra chúng đâu có cần tới con tin, chúng chỉ cần tỳ thiếp mà thôi.

– Vì giận dữ, vì cuồng nộ do bất lực, vì thương xót cho đứa con nuôi, tiếng nói của ông lão trở nên phều phào nhiều hơi gió hơn lúc thường. Suốt một hồi lâu, ông có cưỡng lại mình, chỉ có những nắm đấm xiết chặt của ông cho thấy cuộc đấu tranh nội tâm ấy mới nặng nề làm sao.

– Cho tới nay tôi vẫn thờ kính các thần – ông bảo – nhưng lúc này đây tôi cho rằng không hề có một vị thần nào hết, thống trị thế giới chỉ có duy nhất một tên hung thần, điên khùng, ma quái, tên là Nerô thôi!

– Ông Aulux! – Bà Pomponia cất tiếng nói – Nerô chỉ là một nắm tro tàn trước Đức Chúa mà thôi!

Ông lão sải những bước dài trên sân đá hoa của phòng bày tranh. Trong đời, ông đã từng có những hành động lớn lao kỳ vĩ song chưa gặp nỗi bất hạnh nào đáng kể, vì thế ông chưa quen chịu đựng chúng. Người lính già này gắn bó với Ligia thiết tha hơn là ông tưởng và giờ đây ông không sao chấp nhận được ý nghĩ rằng ông đã vĩnh viễn mất nàng. Thêm nữa, ông cảm thấy bị làm nhục. Bàn tay mà ông vốn khinh bỉ đã chiến thắng ông, trong khi ông cảm thấy sức lực của mình chẳng là gì cả so với bạo lực của bàn tay ấy.

Mãi sau, rốt cuộc ông cũng nén được cơn giận đang xáo trộn trong -đầu óc và nói:

– Tôi cho rằng Petronius cướp con bé đi không phải là để cho Hoàng đế vì chắc chắn hắn không muốn trêu gan Poppea. Vậy thì hoặc là để cho hắn, hoặc cho Vinixius. Ngay trong ngày hôm nay tôi phải tìm biết được điều đó.

Lát sau, kiệu đưa ông đi về phía cung điện Palalyn. Còn lại mỗi mình, bà Pomponia bèn sang phòng cậu bé Aulux cậu vẫn đang khóc thương chị và đang hằm hè đe dọa Hoàng đế.

Chú thích:

(1) Hơ, hơ, bất hạnh thay! – (La tinh)

(2) Nguyên văn: Pinakoteka – phòng trưng bày những bức danh họa cổ trong các gia đình quý tộc.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN