Quo Vadis - Chương 71
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
145


Quo Vadis


Chương 71


Rốt cuộc thời gian của hai vị Sứ Đồ cũng hết. Nhưng dường như để kết thúc sự nghiệp, vị ngư ông thánh thiện còn vớt thêm hai linh hồn ngay cả trong nhà ngục. Hai người lính Proxexxux và Martynianux canh giữ ông trong nhà ngục Mamertyn đã chịu lễ rửa tội. Sau đó là giờ phút khổ hình. Lúc ấy, Nerô không có mặt tại Roma. Bản án đó Heliux và Politetex, hai nô lệ giải phóng mà hoàng đế giao cho quyền trị vì Roma trong thời gian ngài vắng mặt, phán quyết. Chúng bắt đức Đại Sứ đồ trước tiên phải chịu đòn theo đúng luật lệ quy định, rồi hôm sau chúng mang ông ra tường thành, tới đồi Vatykan, nơi ông sẽ chịu xử đóng đinh câu rút. Binh mính ngạc nhiên trước đám đông người tụ tập ngay trước cổng nhà ngục, vì theo ý chúng, cái chết của một kẻ tiện dân, hơn nữa lại là một tên ngoại quốc, không đáng phải quan tâm nhiều đến thế, bởi bọn chúng không hiểu rằng đám người kia không phải là những người tò mò mà chính là các tín đồ muốn đưa tiễn đại Sứ Đồ đến nơi hành hình. Sau giờ ngọ, cổng nhà ngục mở và ông Piotr hiện ra giữa một toán lính cấm vệ. Mặt trời đã hơi ngả về phía Oxtia, hôm ấy là một ngày thanh tĩnh và đẹp trời. Vì tuổi tác, ông Piotr bị bắt phải vác cây thập tự, người ta nghĩ rằng ông không thể mang nổi, ông cũng không bị chọc nạng vào cổ để khỏi làm ông khó đi. Ông bước đi khoan thai và các tín đồ có thể nhìn ông rất rõ. Khi giữa đám mũ trụ bằng sắt của binh lính hiện ra mái đầu bạc trắng của ông, đám đông òa lên khóc, nhưng tiếng khóc lặng đi ngay lập tức, vì nét mặt cụ già xiết bao bình thản và sáng lên một niềm sướng vui, khiến cho tất cả mọi người đều hiểu rằng đó không phải là một nạn nhân đến nơi chịu hành hình mà là một người chiến thắng đang ca khúc khải hoàn.

Và quả đúng như thế. Vị lão ngư thường ngày vẫn nhẫn nhục và còng lưng, lúc này bước thẳng người, tầm vóc hơn đám binh lính, đầy vẻ trang trọng. Chưa bao giờ người ta thấy ở ông ngần ấy vẻ uy nghi. Ngỡ như đó là một vị quốc vương đang đi giữa chúng dân và binh lính. Từ mọi phía đều bang lên những tiếng nói: “Thánh Piotr đang đi gặp Đức Chúa kia kìa!”. Tất thẩy mọi người dường như quên bẵng rằng nhục hình và cái chết đang chờ ông. Họ bước đi trong sự chăm chú trọng thể, nhưng cũng trong nỗi yên lòng bởi họ cảm thấy rằng từ khi có cái chết trên đồi Gongota đến nay, chưa từng có điều gì vĩ đại hơn và nếu cái chết kia chuộc tội cho toàn thế giới, thì cái chết này sẽ chuộc tội cho thành đô.

Dọc đường, mọi người dừng bước ngạc nhiên nhìn cảnh cụ già nọ, còn các tín đồ thì đặt tay lên vai họ và nói bằng giọng bình tĩnh: “Các người hãy trông Đức Chúa Crixtux và đã từng truyền bá tình yêu thương trên thế gian”. Mọi người trầm ngâm suy nghĩ rồi họ bước đi và tự nhủ thầm: “Phải lắm, con người này không thể là kẻ không công minh”.

Dọc đường, những tiếng huyên náo và kêu gọi của đường phố lặng đi. Đám rước đi giữa những ngôi nhà vừa dựng, giữa những hàng cột trắng phau của các thần miếu, bên trên là vòm trời xanh thẳm, đắm say và cao vợi. Họ bước đi trong im lặng, thỉnh thoảng chỉ lách cách tiếng vũ khí của binh lính hoặc tiếng những lời cầu nguyện thì thầm. Ông Piotr lắng nghe tiếng cầu nguyện và mặt ông, mỗi lúc một sáng bừng lên niềm vui sướng, vì đôi mắt ông cố lắm mới có thể nhìn trọn được hàng nghìn những tín đồ mới kia. Ông cảm thấy rằng ông đã hoàn thành sứ mệnh của đời mình và biết rằng cái chân lý mà suốt đời ông truyền bá như một làn sóng đã trùm lên tất cả, không một thứ gì có thể kìm hãm nó được nữa rồi. Nghĩ thế, ông ngước mắt nhìn lên trời và nói: “Chúa ơi, Người bảo tôi phải chiếm lĩnh cái thành phố bá chủ thế gian này, tôi đã chiếm lĩnh nó. Người bảo tôi phải đặt nơi đó thủ đô của Người, vậy tôi đã đặt. Chúa hỡi, giờ đây nó đã là thành phố của Người, còn tôi đang đến cùng Người đây, bởi tôi đã làm việc quá mệt rồi”.

Đi qua cạnh các thần miếu ông bảo chúng: “Các người sẽ là thánh đường của Đức Chúa Crixtux”. Nhìn thấy những đám người đông đúc di động trước mắt, ông nói cùng họ: “Con Cháu của các người sẽ là tôi tớ của Đức Chúa Crixtux”. Ông bước đi với cảm giác của một sự nghiệp đã hoàn thành, ý thức được công sức của mình, ý thức được lực lượng, thỏa mãn và vĩ đại. Binh lính đưa ông qua cầu khải hoàn(1) và vô tình họ cho ông bằng chứng của một cuộc khải hoàn, rồi đi xa nữa về phía Naumakhia và hý trường. Đám tín đồ từ khu Zatybre nhập vào đoàn người và đám rước của dân chúng đông đến nỗi rốt cuộc viên Xenturion chỉ huy toán cấm vệ cũng hiểu ra rằng y đang đưa một vị đại tăng lữ nào đó có đám tín đồ vây quanh, y đâm ra lo lắng bởi số binh lính quá ít ỏi. Nhưng không hề có một tiếng kêu phẫn nộ hay tức tối nào vang lên trong đám đông. Những nét mặt bị chế ngự bởi sự lớn lao của thời khắc, trang trọng và đầy chờ mong, vì một số tín đồ nhớ lại rằng khi Đức Chúa qua đời, mặt đất nứt nẻ cả ra vì kinh hoàng, những người chết từ dưới mồ choàng dậy, họ nghĩ rằng có thể giờ đây cũng sẽ xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng nào đó giống như thế, những dấu ấn sẽ khiến cho cái chết của vị Sứ Đồ không bị những thế kỷ mai sau xóa nhoà đi. Thậm chí những người khác nữa còn bảo rằng: “Biết đâu Đức Chúa lại chẳng chọn đúng giờ chết của ông Piotr để giáng thế từ trên trời cao như Người đã hứa và lập toàn phán xét thế gian”. Và với tâm tư ấy, họ cầu nguyện lòng nhân từ của Đấng Cứu Thế.

Nhưng bốn chung quanh vẫn yên tĩnh. Đồi núi hình như đang sưởi ấm và nghỉ ngơi trong ánh nắng mặt trời. Cuối cùng, đám rước dừng lại khoảng giữa hý trường và đồi Vatykan. Binh lính lúc này bắt đầu đào hố, một số tên khác đặt cây thập tự, búa và đinh xuống đất chờ, còn đám đông lúc nào cũng im lặng và tập trung thì quỳ cả xuống bốn chung quanh.

Với mái đầu ngập trong ánh sáng và những tia màu vàng, đức Sứ Đồ quay lại nhìn thành phố lần cuối cùng. Từ xa, hơi thấp xuống phía dưới, có thể trông thấy dòng sông Tyber sáng lấp lánh, bờ bên kia là cánh đồng thần Marx, cao hơn nữa là lăng của Auguxt, thấp phía dưới là các nhà tắm mà Nerô bắt đầu dựng lên, thấp hơn nữa là nhà hát Pomponius, phía sau chúng, chỗ trông thấy chỗ bị khuất sau những công trình xây dựng khác là Xaepta Julia, vô sô các hàng hiên, thần miếu, hàng cột, những tòa nhà chống chất lên nhau, và cuối cùng, tận tít phía xa, là những ngọn đồi mọc đầy nhà cửa, cái tổ khổng lồ con của con người mà biên giới của nó đã bị khuất trong làn sương mù màu xanh lơ, cái tổ của tội ác nhưng cũng của sức mạnh, tổ của sự điên cuồng, nhưng cũng của trật tự, nó là đầu não của thế giới và tai ách của thế giới, nhưng đồng thời cũng là luật lệ và sự yên hòa của thế giới, hùng mạnh vô song, bất khả chiến bại và vĩnh hằng.

Còn ông Piotr, có binh lính vây quanh, nhìn thành phố như vị chúa tể, một quốc vương nhìn di sản của mình. Và ông nói: “Đó là thành phố của tôi và đã được chuộc tội”. Và không một ai, không riêng gì những người trong đám binh lính đang đào hố chôn cây thập tự, mà ngay cả trong đám tín đồ, đoán được rằng quả thực vị chúa tể của thành phố kia đang đứng giữa bọn họ, rằng bao hoàng đế qua đi, bao làn sóng những kẻ dã man sẽ tràn qua, nhiều thế kỷ cũng qua, nhưng cụ già kia vẫn không ngừng trị vì ở chốn này.

Mặt trời ngả hơn nữa về phía Oxtia, trở thành to tướng và đỏ rực. Toàn bộ phương trời tây cháy lên một ráng đỏ vô biên. Binh lính tiến lại gần ông Piotr để cởi quần áo ông.

Ông vừa cầu nguyện vừa vươn thẳng người lên và đột ngột giơ cao tay phải. Những kẻ hành hình sững lại như bị thôi miên bởi hình dáng ông, các tín đồ cũng nín thở, họ ngỡ rằng ông muốn nói điều chi, im lặng bao trùm.

Còn ông, đứng trên một mô đất cao, giơ tay phải làm dấu thánh ban phước trong giờ lầm chung:

– Urbi et orbi!(2).

Cũng chính vào buổi chiều tuyệt vời ấy, một toán lính khác đưa ông Paven xứ Tarxu theo đường cái Oxtia đến chỗ được gọi là Aquae Sanvia. Theo sau ông cũng có một đám tín đồ, những người đã được ông cải đạo và khi nhận ra những người quen, ông dừng lại trò chuyện cùng họ, vì vốn là một công dân La Mã, ông được bọn lính đối xử ưu ái hơn nhiều. Ra khỏi cổng thành Tergemin, ông gặp nàng Plautynia, con gái của tổng quản Flavius Xabinux và khi thấy khuôn mặt trẻ trung của nàng chan chứa lệ, ông bảo: “Hỡi Plautynia, con gái của Cứu Rỗi Đời Đời, hãy yên tâm mà đi. Con chỉ cần cho ta mượn tấm choàng mạng để người ta bịt mắt ta lúc lên đường dến với Đức Chúa”. Rồi cầm lấy tấm mạng, ông bước tiếp, mặt chan chứa niềm vui sướng, như người thợ đã lao động cật lực cả một ngày đang trở về nhà. Những ý nghĩ của ông cũng như những ý nghĩ của ông Piotr hoàn toàn bình tĩnh và ôn hoà hệt như bầu trời chiều hôm ấy. Mắt ông đăm chiêu ngắm nhìn vùng đồng bằng trải dài trước mặt, nhìn núi Anban đang ngập trán ánh sáng. Ông nghĩ miên man về những chuyến đi, về công việc và những cuộc chiến đấu mà ông đã thắng, về những ngôi nhà thờ mà ông đã dựng nên trên tất thảy những vùng đất và vùng biển, và ông nghĩ rằng ông xứng đáng được nghỉ ngơi. Ông cũng đã hoàn thành sứ mệnh. Ông cảm thấy gió dữ đã không thổi tung được những hạt giống ông gieo. Ông ra đi với niềm tin vững chắc rằng trong cuộc đấu tranh mà chân lý của ông đã được tuyên bố cho toàn thế giới hay, cái chân lý kia sẽ chiến thắng và lòng ông tràn ngập một niềm yên tĩnh vô biên.

Con đường đến chỗ hành hình khá xa và chiều đang xuống. Những ngọn núi ngả sau màu đỏ tía, chân núi từ từ chìm vào bóng đêm. Những đàn súc vật đang quay trở về nhà. Đây đó đang bước đi những toán nô lệ mang dụng cụ trên vai. Bọn trẻ con đang đùa chơi trước những ngôi nhà hai bên đường, tò mò nhìn toán lính đi ngang qua. Trong buổi chiều này, trong bầu không khí vàng rực trong suốt kia, không những chỉ có sự bình lặng và đắm say mà dường như còn có một hòa âm nào đó đang từ mặt đất dâng cao lên bầu trời. Ông Paven lắng nghe hòa âm ấy và trái tim ông tràn ngập niềm vui sướng khi nghĩ rằng ông cũng đã từng góp được vào nhạc âm kia một thanh âm chưa từng có từ trước đến nay, thiếu thanh âm ấy, cả trái đất sẽ chỉ như “một tiếng trống vang” mà thôi.

Và ông nhớ lại, ông đã từng răn dạy con người tình yêu thương, ông đã nói cho họ hay rằng dù họ có ban phát tài sản cho những người nghèo, dù họ có nắm được mọi thứ tiếng cùng mọi điều bí mật, mọi học thuyết của cõi đời này, họ sẽ cũng chẳng là gì nếu không có tình yêu thương, một tình yêu thương rộng lượng nhẫn nại, không gây điều xấu, không cầu người ta phải thờ kính, chịu đựng tất cả mọi chuyện, tin tưởng tất cả mọi người, bao dung tất cả, trường tồn tất cả.

Những năm tháng đời ông đã trôi đi trong việc dạy dỗ mọi người cái chân lý ấy. Giờ đây ông tự nhủ: “Có sức mạnh nào bẻ gục được nó, có thứ gì thắng nổi nó không? Làm sao hoàng đế có thể bóp nghẹt nó được, dù y có số chiến đoàn gấp hai ngần ấy những thành phố và biển cả, đất nước và tộc người?”.

Và như một người chiến thắng, ông đi nhận phần mình.

Cuối cùng, đám rước bỏ đường lớn rẽ về hướng đông theo một con đường hẻm tới nguồn suối Xanvia. Vầng mặt trời đỏ rực đã chìm trong lau lách. Đến bên nguồn suối, viên Xenturion cho lính dừng lại, vì đã đến lúc rồi.

Ông Paven vắt chiếc mạng của Plautynia qua vai, chiếc chàng mạng mà ông sẽ dùng bịt mắt mình, để lần cuối cùng ông ngước đồng tử tràn ngập một nỗi bình thản vô biên nhìn ráng chiều vĩnh viễn và cầu nguyện. Phải! Giờ phút đến kia rồi, nhưng ông đang trông thấy trước mắt con đường lớn bằng ánh ráng chiều dẫn thẳng lên trời, ông tự nhủ thầm trong lòng những lời mà trước đây, với cảm giác mình đã hoàn thành và cái kết cục đang tới gần, ông đã từng viết: “Tôi đã từng vấp một cái vấp tốt lành, lòng tin tôi vẫn gìn giữ, sự nghiệp đã hoàn thành, và cuối cùng cũng dành cho tôi là vòng hoa công lý”.

Chú thích:

(1) Pons Triumphalis (Latinh – chú thích của tác giả).

(2) Latinh: Thành phố (tức Roma) và thế giới! – Lời ban phước trọng thể nhất của các giáo hoàng, thường chỉ được nói ra tại nhà thờ lớn mang tên thánh Piotr ở Vatykan.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN