Quo Vadis - Chương 74
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
167


Quo Vadis


Chương 74


Ông Petronius đã không nhầm. Hai hôm sau, chàng Nerva trẻ tuổi, người lúc nào cũng tốt bụng và tận tuỵ với ông, phái một nô lệ giải phóng đến Cumae mang theo tin tức về tất cả những gì đang diễn ra trong hoàng cung.

Cái chết của Petronius đã được phán quyết. Ngay chiều hôm sau người ta sẽ phái một viên xentunion mang tới lệnh bắt ông phải dừng lại ở Cumae chờ chiếu chỉ, rồi vài ngày sau, một điệp sứ khác sẽ mang tới cho ông bản án tử hình.

Với vẻ bình thản không một chút xao động, Petronius nghe hết mọi tin tức của người nô lệ giải phóng, rồi nói:

– Ngươi hãy mang về cho chủ ngươi một chiếc bình quý của ta mà ngươi sẽ được giao trước lúc lên đường. Hãy thưa lại với ngài rằng ta thành tâm cảm ơn ngài, vì như thế này ta có thể ra tay trước khi có bản án.

Và đột nhiên ông bật cười, như người vừa chợt nảy ra một dự định tuyệt diệu, vui sướng trước khi bắt tay vào thực hiện.

Ngay chiều hôm ấy, nô lệ của ông toả đi mời tất cả các vị cận thần nam và nữ đang có mặt tại Cumae đến dự tiệc ở cái biệt thự tuyệt đẹp của con người mẫu mực về trang nhã này.

Còn ông, suốt mấy giờ buổi chiều, ông ngồi viết trong thư viện, sau đó ông đi tắm, ra lệnh mặc cho mình một bộ vextiplic, rồi phong lưu, thanh nhã, tuyệt vời như các vị thần, ông ghé qua phòng tiệc xem xét việc chuẩn bị với con mắt của một nhà sành sỏi, sau đó ông ra vườn, nơi bọn tiểu đồng cùng các thiếu nữ Hi Lạp trẻ trung mua hoa ở vùng đảo về đang tết những vòng hoa hồng cho dạ tiệc.

Nét mặt ông không hề gợn một chút ưu tư. Gia nhân chỉ nhận biết được rằng bữa tiệc này sẽ là một cái gì đó đặc biệt, thông qua việc ông ra lệnh ban những phần thưởng khác thường cho những người khiến ông hài lòng và xử phạt nhẹ nhàng những kẻ không làm ông vừa ý, cùng những ai trước đó đã đáng bị quở phạt. Ông ra lệnh trả tiền trước một cách hào phóng cho bọn xướng ngâm và ca công. Và sau hết, ông ngồi trong vườn dưới bóng cây dẻ gai, nơi ánh mặt trời rọi qua tán lá đan thành những mảng sáng trên mặt đất, rồi cho gọi nàng Eunixe đến.

Nàng tới, vận bộ y phục màu trắng, với một nhành sim thơm trên mái tóc, trông tuyệt vời như một tiên nữ Kharyta. Ông cho nàng ngồi cạnh, rồi khẽ chạm mấy ngón tay vào thái dương nàng, ông ngắm nhìn nàng với một tình yêu mến nồng nàn, như cái nhìn của một người sành nghệ thuật chiêm ngưỡng một pho tượng thần được hiện hình dưới bàn tay của một bậc nghệ nhân trác việt.

– Eunixe, – ông bảo nàng, – em có biết rằng đã từ lâu em không còn là nô tỳ nữa?

Nàng ngước đôi mắt trầm tĩnh xanh thẳm như sắc da trời nhìn ông, khẽ lắc đầu phản đối:

– Em mãi mãi là nô tỳ, thưa ông chủ. – nàng đáp.

– Song có thể em không biết rằng, – ông Petronius tiếp lời, – cả toà biệt thự này cùng các nô tỳ đang tết vòng hoa nơi kia và tất cả mọi thứ khác, cả ruộng đồng lẫn gia súc, từ hôm nay sẽ thuộc về em.

Nghe thấy thế, Eunixe bỗng dịch ra xa ông, và bằng giọng nói âm vang một nỗi lo lắng bất chợt, nàng hỏi:

– Sao người lại nói với em điều ấy, thưa ông chủ?

Rồi nàng xích lại gần và đăm đắm nhìn ông, mắt chớp kinh hoàng. Giây lát sau, mặt nàng trắng bệch như màu vải trắng, còn ông vẫn tiếp tục mỉm cười, mãi sau mới buông một tiếng gọn lỏn:

– Phải!

Một giây im lặng bao trùm, chỉ có làn gió nhẹ khe khẽ xao động lá dẻ gai.

Ông Petronius hoàn toàn có thể cho rằng trước mặt ông đang là một pho tượng tạc bằng đá cẩm thạch trắng.

– Eunixe, – ông nói, – ta muốn được chết một cách thanh thản.

Thiếu nữ nhìn ông với nụ cười đau đớn, thì thầm:

– Em xin vâng, thưa ông!

Buổi tối, khách khứa, những kẻ hơn một lần được dự tiệc tại nhà ông Petronius và hiểu rằng so với những buổi tiệc ấy thì ngay cả đến tiệc của Hoàng đế cũng tỏ ra buồn chán và thô thiển – bắt đầu lũ lượt kéo tới, song không một ai thoáng có ý nghĩ rằng đây sẽ là bữa tiệc(1) cuối cùng. Quả tình cũng có nhiều người biết rằng trên đầu vị cận thần trang nhã này đang vần vũ những đám mây đen thất sủng của Hoàng đế, song chuyện ấy đã từng xảy ra biết bao nhiêu lần và cũng đã biết bao nhiêu lần ông Petronius biết cách xua tan những đám mây đen ấy chỉ bằng một hành động khôn khéo hoặc một lời nói mạnh bạo, khiến cho không một ai có thể ngờ rằng lần này mối nguy hiểm nghiêm trọng đang đe doạ ông. Vả chăng, nét mặt vui vẻ và nụ cười đầy vẻ vô lo của ông khiến người ta càng tin vào điều ấy. Trong những đường nét thiên thần của mình, nàng Eunixe tuyệt sắc, được ông thổ lộ rằng muốn được chết thanh thản, người mà mỗi lời ông nói đều là lời phán quyết, vẫn giữ được vẻ bình thản, duy chỉ trong đồng tử của nàng có một thứ ánh sáng khác lạ mà người ta có thể đọc thành nỗi hân hoan. Ở cửa vào phòng tiệc, những tiểu đồng tóc bọc trong lưới vàng đặt những vòng hoa hồng lên đầu khách, và theo phong tục, canh sao cho họ bước qua ngưỡng cửa bằng chân phải. Trong gian phòng lớn thoang thoảng mùi hoa đồng thảo; ánh sáng lung linh trong những chiếc đèn nhiều màu sắc làm bằng thuỷ tinh Alekxanđria. Đứng bên các ghế dài là những thiếu nữ Hi Lạp có nhiệm vụ xoa dầu thơm vào bàn chân cho khách. Kề bên tường, bọn nhạc công đàn tranh và các ca công thành Aten đang chờ hiệu lệnh của viên quản ca.

Những thức ăn đựng đầy trên bàn tiệc choáng lộn vẻ xa hoa, song cái vẻ lộng lẫy kia không gây cảm giác nặng nề cho một ai và cũng không khiến ai phải khó chịu, dường như tự nó đã toát lên vẻ trang nhã. Cùng với mùi hoa đồng thảo, sự vui vẻ và thoải mái tràn ngập trong phòng. Bước vào đây, khách không hề cảm thấy có sự cưỡng bức hay mối đe doạ nào treo lơ lửng trên đầu như cái không khí thường có trong các buổi tiệc của Hoàng đế, nơi mà ngay cả những lời tán dương không đủ độ tâng bốc hay không đúng chỗ đối với một khúc ca hay một bài thơ cũng có thể phải được trả giá bằng tính mạng. Tim các thực khách càng thêm phấn khích trước quang cảnh đèn nến sáng choang, những chiếc độc bình quý mỏng manh, những bình rượu nho ướp lạnh trong lớp vỏ tuyết trắng xoá, cùng các món sơn hào hải vị. Những câu chuyện bắt đầu râm ra như tiếng đàn ong bay quanh cây táo đang rộ hoa, chỉ thỉnh thoảng mới bị gián đoạn, bởi một dịp cười rộ lên vui vẻ, bởi tiếng xuýt xoa tán thưởng hay một cái hôn thành tiếng quá kêu được đặt lên một bờ vai trắng muốt.

Trong khi uống rượu nho, khách khứa đều gẩy từ mỗi cốc ra vài giọt rượu để hiến dâng lên các vị thần linh bất tử, cầu họ phù hộ cho chủ nhân. Có hề chi đâu chuyện nhiều người trong đám thực khách không hề tin vào thần thánh. Phong tục và tín ngưỡng buộc phải thế. Nằm bên cạnh Eunixe, ông Petronius tham gia vào những câu chuyện thời sự ở Roma, về những đám ly dị mới nhất, về tình ái, chuyện trăng hoa, về các cuộc đua xe, về chàng Xpikulux, người mới nổi bật trên đấu trường trong thời gian gần đây, về những quyển sách mới ra đời ở nhà Atraktux và Xezius. Vừa gẩy những giọt rượu nho, ông vừa nói rằng ông chỉ gẩy rượu dâng hiến bà chúa Sip, người lớn tuổi và vĩ đại nhất trong tất cả các thần, người duy nhất bất tử, vĩnh hằng, đầy quyền lực.

Câu chuyện của ông giống như một tia nắng mặt trời đang nhảy nhót, mỗi lúc lại chiếu vào một đối tượng mới, giống như một hơi gió mùa hạ làm xao động hoa lá trong vườn. Lát sau, ông gật đầu ra hiệu cho viên quản ca, và theo hiệu lệnh của anh ta, những cây đàn tranh khe khẽ lên tiếng, rồi những giọng hát trẻ trung hoà theo. Sau đó, các vũ nữ đảo Kox, những người đồng hương với nàng Eunixe, bắt đầu phô diễn những tấm thân hồng hào dưới lượt vải the trong suốt. Cuối cùng, một thầy bói Ai Cập tiên đoán tương lai cho khách dựa trên chuyển động của những con cá tráp sặc sỡ màu sắc cầu vồng đang bơi lội tung tăng trong một chiếc bình pha lê.

Khi họ đã chán những trò vui ấy, ông Petronius hơi nhổm người dậy trên chiếc gối Xyri của ông và cất tiếng nói với vẻ không mấy hào hứng:

– Thưa các bạn! Hãy lượng thứ cho tôi vì trong tối vui mà lại ngỏ lời cầu khẩn này cùng các bạn: xin mỗi vị hãy vui lòng nhận một chiếc tách này làm quà, và trước tiên, xin hãy để rơi vài giọt rượu dâng lên các vị thần cầu phúc cho tôi.

Những chiếc tách quý của ông Petronius lóng lánh ánh vàng, ánh ngọc và những hình trạm chổ tuyệt xảo, nên mặc dầu chuyện ban phát quà tặng là chuyện thường tình ở Roma, trái tim các thực khách vẫn tràn ngập nỗi hân hoan. Một số người bắt đầu cảm ơn và lớn tiếng ca tụng ông; số khác trầm trồ rằng cả đến thần Jupiter cũng chưa bao giờ ban phát cho các vị thần trên núi Olimpơ món quà nào quý đến thế; cũng có những kẻ còn ngần ngại chưa dám nhận một món quà vượt xa mọi mực thước thông thường.

Còn Petronius, ông nâng cao chiếc bình cổ quý giá vô song, rực rỡ muôn ánh hào quang như sắc cầu vồng và nói:

– Bình rượu này tôi xin dâng lên bà chúa Sip, cầu cho từ nay không một kẻ nào còn được chạm đôi môi vào đây, không một bàn tay nào còn được rót rượu từ chiếc bình này để dâng hiến nữ thần nữa!

Rồi ông ném mạnh chiếc bình quý xuống sàn nhà rải đầy hoa kỵ phù lam màu tím, và khi nó vỡ tan thành vô vàn mảnh vụn trước những cặp mắt bàng hoàng của những người chung quanh, ông nói tiếp:

– Các bạn thân mến! Hãy vui lên đi thay vì kinh ngạc! Sự già nua bất lực là bạn đồng hành buồn thảm của những năm tháng cuối cùng của đời người. Song tôi sẽ chỉ cho các bạn một tấm gương tốt cùng một lời khuyên tốt: các bạn đừng nên chờ đợi chúng, mà trước khi chúng kịp đến, hãy ra đi như tôi sẽ ra đi!

– Ngài muốn làm gì vậy? – vài giọng lo lắng hỏi.

– Tôi muốn được vui, được uống rượu nho, được nghe âm nhạc, được ngắm những đường nét thiên thần mà các bạn trông thấy cạnh tôi đây, rồi sau đó được thiếp đi với mái đầu mang vòng hoa này. Tôi đã có lời từ biệt với Hoàng thượng và không hiểu các bạn có muốn nghe những gì tôi đã viết cho Người hay chăng?

Nói đoạn, ông rút ra từ dưới chiếc gối màu tía ra một bức thư rồi cất tiếng đọc, bức thư đó như sau:

“Tâu Hoàng thượng, tôi biết rằng Hoàng thượng đang nóng lòng trông đợi nên tôi đến, rằng trái tim bạn bè trung thành của Người đang ngày đêm nhớ thương tôi. Tôi biết rằng Hoàng thượng sẵn lòng ban thưởng cho tôi bao bổng lộc và trao cho tôi chức tổng quản cấm quân, còn Tygelinux thì Người sẽ bắt hắn phải làm cái việc mà các thần đã muốn hắn phải làm khi sinh tạo hắn ra: làm một tên quản la trên đất đai của Hoàng thượng, những đất đai mà Người được hưởng quyền thừa kế sau khi đã đánh thuốc độc Đomixia. Song xin Người hãy lượng thứ cho tôi, vì thề có Hađex, chốn địa ngục đang thấp thoáng hình bóng của Thái hậu, hoàng hậu và hoàng đệ của Người cũng như hương hồn ông Xeneka, tôi không thể đến chầu Hoàng thượng được. Bạn thân mến của tôi ơi, đời người là một kho báu vô song, mà tôi là kẻ biết lựa tìm trong ấy những thứ ngọc ngà quý nhất. Song trong cuộc đời cũng có những thứ mà tôi không thể chịu đựng lâu hơn được nữa. Ồ, xin chớ vội nghĩ rằng tôi không chịu đựng nổi việc bạn đã giết cả mẹ lẫn vợ cùng em, việc bạn đã đốt trụi Roma và đẩy đi Ereb tất cả những người trung thực ở quốc gia này! Không phải đâu, thưa chắt đích tôn của thần Kronox! Cái chết vốn là khẩu phần chia theo đầu người, vả chẳng đâu có thể trông chờ ở bạn một hành động nào khác thế. Song, phải chịu hỏng tai thêm bao năm nữa vì tiếng hát của bạn, phải nhìn đôi giò khẳng khiu của bạn vung vẩy trong vũ điệu Pirei, phải nghe tiếng đàn của bạn, lời ngâm xướng của bạn cùng các bản trường ca của bạn – thì hỡi chàng thi sĩ tội nghiệp của vùng ngoại ô ơi, những điều ấy quả là vượt quá sức chịu đựng của tôi và khiến tôi muốn chết. Roma phải bịt tai khi nghe bạn, thế giới cười mỉa mai bạn, còn tôi, tôi không muốn và cũng không thể chín mặt ngượng vì bạn lâu hơn được nữa! Bạn thân yêu của tôi! Đối với tôi, tiếng gào hú của con chó ba đầu Xerber – dù là gần giống tiếng hát của bạn – vẫn còn dễ nghe hơn, vì lẽ chưa bao giờ tôi phải là bạn của nó và tôi cũng không có nghĩa vụ phải xấu hổ vì giọng của nó. Mạnh khoẻ nhé nhưng xin đừng ca hát, cứ giết chóc đi nhưng xin chớ làm thơ, hãy đầu độc nữa đi chứ đừng cố múa may, đốt phá tràn lan đi nhưng đàn tranh đừng gẩy – đó là lời chúc và cũng là lời khuyên bằng hữu cuối cùng mà arbiter elegantiarum gửi tới bạn”.

Các vị thực khách kinh hoàng, bởi họ hiểu rằng giá Nerô có bị mất cả quốc gia đi chăng nữa, thì đối với ngài ngón đòn ấy còn ít độc địa hơn. Họ cũng hiểu rằng người viết bức thư này sẽ phải chết và một nỗi lo sợ cho chính mình vây lấy họ, bởi vì họ đã nghe đọc bức thư kia.

Nhưng ông Petronius bật cười thoải mái và vui vẻ, dường như đó chỉ là một trò đùa vô tội nhất, rồi đưa mắt lướt qua những người có mặt, ông lại cất tiếng nói:

– Các vị hãy vui lên và hãy xua đuổi nỗi âu lo. Chẳng ai phải tự khoe là đã được nghe bức thư này, còn tôi, có lẽ khi nào rỗi rãi, tôi sẽ khoe nó với ông lão Kharon.

Rồi ông ra hiệu cho vị danh y Hi Lạp và chìa cánh tay cho ông ta. Chỉ trong nháy mắt, người thầy thuốc Hi Lạp đã quần một mảnh bằng vàng quanh tay ông và mở mạch máu ở khuỷu tay. Máu vọt ra, toé lên chiếc gối lót đầu và cả người Eunixe. Nàng đỡ lấy đầu ông Petronius, cúi xuống phía ông và nói:

– Người ơi, người nghĩ là em sẽ bỏ mặc người chăng? Dù các thần có ban cho em sự bất tử, dù Hoàng đế có nhường cho em quyền trị vì cả thế gian này chăng nữa, em cũng vẫn nguyện đi cùng người!

Petronius mỉm cười, hơi nhổm người lên, chạm môi vào đôi môi nàng rồi đáp:

– Em hãy đi cùng ta!

Rồi ông nói thêm:

– Em quả là yêu ta, hỡi nữ thần của ta!

Nàng chìa cho nhà danh y cánh tay hồng hào của mình, và giây lát sau, máu nàng bắt đầu tràn ra, hoà vào dòng máu của ông.

Ông Petronius ra hiệu cho người quản ca, tiếng đàn tranh và giọng hát lại vang lên, đầu tiên người ta ca bản Hormođiox, sau đó vang lên một khúc ca của Anakreontơ, trong đó thi sĩ phàn nàn rằng ông nhặt được trước cửa nhà mình một đứa trẻ lạnh tái đã khóc hết cả hơi, con đẻ của nữ thần Afrođyta, ông mang nó vào nhà, sưởi ấm, hong cho khô đôi cánh, thế mà đứa bé vô ơn ấy lại dùng một mũi tên vàng xuyên thủng trái tim ông để trả ơn, và từ đó ông mất đi sự yên tĩnh.

Còn họ, tựa người vào nhau, đẹp như hai thiên thần, vừa nghe hát vừa mỉm cười trong khi người họ cứ nhợt nhạt dần đi. Khi bài ca kết thúc, ông Petronius ra lệnh mang thêm rượu nho và thức ăn ra, rồi ông lại trò chuyện cùng các thực khách ngồi cạnh về những câu chuyện tầm phào nhưng dễ yêu mà người ta vẫn thường nói với nhau trong các bữa tiệc. Ông gọi nhà danh y Hi Lạp lại, ra lệnh tạm thắt lại mạch máu một lúc, vì ông cho rằng ông cảm thấy buồn ngủ và muốn được hiến cho thần ngủ Hipnox thêm một lần nữa trước khi thần chết Tanatox ru ông vào giấc ngủ thiên thu.

Ông thiếp đi, khi tỉnh dậy đầu người thiếu nữ đã ngả trên ngực ông như một đoá hoa màu trắng. Ông bèn tựa đầu nàng vào gối để ngắm nàng lần nữa. Sau đó, người ta lại mở mạch máu ra cho ông.

Đáp lại cái gật đầu của ông, các ca công bắt đầu ngân nga một bài ca khác cũng của Anakreontơ, đàn tranh chỉ khẽ đệm theo để không át mất lời ca. Petronius mỗi lúc thêm nhợt nhạt, song khi những thanh âm cuối cùng vừa lắng đi, ông còn ngoảnh lại nhìn các thực khách một lần cuối và nói:

– Các bạn ơi, hãy thừa nhận rằng, cùng với chúng tôi, đã chết đi cả…

Song ông chưa kịp nói hết, bằng một cử động cuối cùng, tay ông ôm lấy Eunixe, đầu ông ngật ra gối và qua đời.

Nhưng nhìn hai tấm thân trắng ngà tựa những pho tượng tuyệt vời ấy, các thực khách đều hiểu rõ rằng, cùng với hai con người kia đã chết đi những gì còn sót lại cho thế giới của họ, đó là thi ca và cái đẹp.

Chú thích:

(1) Nguyên văn: symposion (La Tinh) – bữa tiệc có tính chất giải trí, trong đó người ta có thể thảo luận về một chủ đề nào đó.

ĐOẠN KẾT

Thoạt đầu, cuộc nổi loạn của các chiến đoàn người Gan dưới sự thống lĩnh của Vinđekx không có vẻ gì nguy hiểm lắm. Hoàng đế mới có ba mươi mốt tuổi đời và không một ai dám ngờ rằng thế gian sẽ thoát khỏi cơn ác mộng đang khiến nó nghẹt thở. Người ta nhớ lại rằng trong các chiến đoàn, ngay từ những thời Hoàng đế trước, cũng đã hơn một lần xảy ra bạo động, nhưng chưa có cuộc bạo động nào kéo theo việc thay ngôi trị vì. Thời Tyberius, Đruxux đã dập tắt cuộc khởi loạn của các chiến đoàn Panon, còn Germannikux – các chiến đoàn sông Ranh. “Vả chăng ai là người có thể thay Nerô nắm quyền trị vì cơ chứ – người ta bảo nhau, – một khi các con cháu của Hoàng đế Auguxt thần thánh đều đã bị chết trong thời ngài trị vì?” Những kẻ khác trông lên pho tượng khổng lồ tạc hình ngài như dũng sĩ Herkulek bất giác nghĩ rằng không một sức mạnh nào có thể đánh gục nổi một thế lực nhường kia. Cũng có cả những kẻ đâm ra nhớ ngài kể từ khi ngài đi Akhai, bởi vì Heliux và Politetex, những kẻ mà ngài giao cho toàn quyền nhiếp chính đối với Roma và Italia, còn thống trị một cách đẫm máu hơn cả ngài.

Không một ai dám chắc vào tính mạng và của cải của mình. Luật lệ thôi không còn bảo vệ được ai nữa. Đã tắt ngấm đi nhân cách và phẩm hạnh, đã lỏng lẻo những giường mối gia đình, và những trái tim thảm hại không còn dám hi vọng nữa. Từ Hi Lạp vang dội tin tức về những thắng lợi của Hoàng đế và hàng nghìn vương miện mà ngài đoạt được, về hàng nghìn địch thủ mà ngài đã chinh phục. Thế giới có vẻ như một cuộc cuồng hoan duy nhất, đẫm máu và nực cười, nhưng đồng thời cũng nẩy sinh ý nghĩ rằng đã chấm dứt phẩm hạnh và những việc nghiêm túc, đã sang thời của vũ, của nhạc, của xa hoa và máu, và từ đây trở đi cuộc sống sẽ cứ trôi đi như thế. Chính Hoàng đế, kẻ mà cuộc nổi loạn đã mở đường cho những cuộc cướp đoạt mới, cũng chẳng hề quan tâm gì tới các chiến đoàn bạo loạn cùng Vinđekx, thậm chí ngài còn thường xuyên biểu lộ niềm vui sướng của mình về chuyện ấy. Ngài cũng chẳng muốn rời Akhai, và mãi tới khi Heliux mang tin tới cho ngài rằng nếu chậm hơn nữa có thể sẽ mất chính quyền, ngài mới lên đường đi Neapon.

Nhưng tại đấy, ngài lại chơi đàn và ca hát, bỏ ngoài tai những diễn biến ngày càng nghiêm trọng hơn của sự kiện. Tygelinux chỉ hoài công giải thích cho ngài rằng những vụ bạo động trước kia của các chiến đoàn không có thủ lĩnh, còn hiện nay cầm đầu vụ nổi loạn là một người thuộc dòng dõi của các vị vua Aquitan, hơn nữa lại là một chiến sĩ lừng danh và giàu kinh nghiệm. “Nơi đây, – Nerô nói, – dân chúng Hi Lạp đang lắng nghe ta, chỉ có họ mới biết lắng nghe, chỉ có họ mới xứng với tiếng hát của ta mà thôi”. Ngài bảo rằng nghĩa vụ số một của ngài là quang vinh và nghệ thuật. Nhưng khi có tin báo rằng Vinđekx đã tuyên cáo rằng ngài chỉ là một tên nghệ sĩ quèn, ngài liền bật dậy và lên đường quay về Roma. Những vết thương mà ông Petronius đã gây ra cho ngài, được hàn kín miệng trong thời gian ở Hy Lạp, nay lại há hoác ra trong trái tim ngài, ngài những muốn đòi công lý ở Nguyên lão viện trước một sự xúc phạm ghê gớm nhường kia.

Trên đường đi, ngài trông thấy một nhóm tượng đúc bằng đồng tạc một chiến sĩ người Gan bị một hiệp sĩ La Mã đánh gục, ngài bèn coi đó là một điềm lành, và kể từ đó, nếu như ngài có nhắc tới những chiến đoàn nổi loạn và Vinđekx thì chỉ để cười giễu họ mà thôi. Cuộc hành trình tiến vào thành phố của ngài làm lu mờ tất thẩy những gì người ta từng chứng kiến xưa nay. Ngài tiến vào trên chính cỗ xe mà hoàng đế Auguxt xưa kia đã từng ca khúc khải hoàn. Người ta đã phá bỏ một cánh cung hý trường để mở lối vào cho đám diễu hành. Viện Nguyên lão, các hiệp sĩ, những đám đông người không kể xiết ào ra đón ngài. Những bức tường thành rung lên trong tiếng kêu: “Xin kính chào Hoàng đế Auguxt, xin kính chào thần Herkulex! Xin kính chào thánh thượng, người vô song, vị thần của thế giới Olimpơ, của thế giới Pyty, vị thần bất tử”. Theo sau ngài, người ta mang những vòng chiến thắng, tên các thành phố mà ngài đã từng ca khúc khải hoàn và tên của các vị vô địch mà ngài đã từng chinh phục được kẻ trên những chiếc bảng lớn. Chính Nerô cũng thoả mãn trong cơn say sưa, ngài hỏi các cận thần, lễ ca khúc khải hoàn của chính Xêzar có ra gì chăng so với cuộc khải hoàn này của ngài? Ngài không sao nhét nổi vào đầu cái ý nghĩ rằng có kẻ nào đó trong đám người không bất tử lại dám vung tay lên chống lại vị bán thần vô địch như ngài. Ngài cảm thấy quả thực mình là người của thế giới Olimpơ, và do vậy ngài hoàn toàn bất khả xâm phạm. Nhiệt tình và sự điên cuồng của đám đông kích động cho cơn điên của chính ngài. Quả thực, trong cái ngày khải hoàn ấy, có thể nghĩ rằng không chỉ riêng Hoàng đế và thành phố mà cả thế giới cũng hoàn toàn mất trí.

Không ai nhìn thấy cái vực thẳm dưới những đống hoa và vòng hoa. Ngay trong buổi tối hôm ấy, những hàng cột và các bức tường của các thần miếu được viết đầy những dòng chữ, trong đó người ta kể ra những tội trạng của Hoàng đế, đe doạ ngài sẽ phải chịu một cuộc trả thù đã sắp tới gần và chế giễu ngài với cái danh nghĩa nghệ sĩ. Người ta truyền khẩu câu nói: “Hắn còn hát cho tới khi hắn đánh thức những con gà trống (Gallos)”. Những tin đồn đáng sợ bắt đầu lan truyền khắp thành phố và lớn lên đến những chừng mực khủng khiếp. Nỗi lo sợ chế ngự đám cận thần. Trong nỗi phấp phỏng không hiểu tương lai sẽ cho thấy điều chi, người ta không dám thốt ra những lời chúc tụng, những hi vọng, không dám cả đến cảm và nghĩ.

Riêng ngài vẫn chỉ sống tiếp tục với nhà hát và âm nhạc. Ngài quan tâm tới những nhạc cụ mới tìm thấy và chiếc đàn oorgan nước mà người ta mang ra thử ở Palatyn. Trong cái trí óc đã hoá thành trẻ con, không có năng lực để khuyên nhủ hay thực hiện một hành động nào, ngài vẫn hình dung rằng những dự kiến các cuộc viễn chinh vươn xa vào tương lai sẽ đảo ngược được nỗi nguy hiểm. Những kẻ gần ngài nhất, khi thấy ngài chỉ cố lo lắng, tìm tòi một cách biểu đạt chính xác nhất để miêu tả nỗi đe doạ thay vì cố gắng tìm biện pháp và quân đội, bắt đầu nản lòng. Những người khác nghĩ rằng ngài cố tìm cách làm điếc tai mình và chung quanh bằng những trích dẫn lê thê, chứ thực ra trong lòng ngài cũng đầy lo sợ và hoảng hốt.. Quả thực những việc làm của ngài cũng trở nên nóng nẩy thế nào ấy. Mỗi ngày lại có hàng nghìn dự định khác nhau lướt qua đầu óc ngài. Chốc chốc ngài lại bật dậy để chạy trốn mối tai ương, ngài ra lệnh đóng gói chất lên xe những chiếc đàn tranh và đàn luýt, ra lệnh cho các nữ tỳ ăn mặc như những nữ kỵ sĩ, nhưng đồng thời ngài bật dậy cũng để kéo các binh đoàn từ phương Đông trở về. Thỉnh thoảng ngài lại nghĩ rằng không phải bằng một cuộc chiến tranh mà bằng chính tiếng hát ngài có thể dẹp tan cuộc nổi loạn của các chiến đoàn Gan. Và tâm linh ngài sung sướng mỉm cười trước cảnh sẽ diễn ra sau lúc ngài dùng tiếng hát thu phục lòng binh lính: những người lính chiến đoàn sẽ vây quanh ngài, lệ dưng dưng trong mắt, còn ngài sẽ ngâm cho họ nghe đoạn epinicium, rồi sau đó, một thời hoàng kim sẽ bắt đầu đối với ngài cũng như đối với La Mã. Đôi khi ngài lại kêu gào đòi máu, đôi khi ngài lại tuyên bố sẽ thành lập đại đế chế ở Ai Cập; ngài nhớ lại các thầy bói đã tiên đoán cho ngài quyền trị vì tại Jerusalem, hoặc ngài xúc động khi nghĩ rằng ngài sẽ là một ca sĩ lang thang kiếm miếng bánh mì của thiên hạ, và các thành phố cùng các đất nước sẽ không còn thờ kính ngài như một vị Hoàng đế, chúa tể trái đất, mà như một ca công mà nhân loại chưa từng sản sinh ra nổi từ trước tới nay.

Và cứ thế ngài tung hoành, điên loạn, ca hát, thay đổi ý định, thay đổi các trích đoạn, biến cuộc sống của ngài và của thế gian thành một giấc mơ viển vông, vớ vẩn và kinh khủng nào đó, thành một chuyện cười chơi huyên náo hợp lại từ những ngôn từ phóng đại, những dòng thơ vớ vẩn, những tiếng rên rỉ, nước mắt và máu, trong lúc đám mây đen ở phía tây mỗi ngày một lớn dậy và mạnh lên. Quá mức rồi, hài kịch của lũ hề rõ ràng đã tới lúc hạ màn.

Khi tin tức về Ganba và việc Tây Ban Nha tham gia cuộc khởi loạn vang tới tai ngài, ngài nổi cơn điên. Ngài đập đổ các cốc tách, lật đổ bàn tiệc và ra những mệnh lệnh mà cả Heliux lẫn Tygelinux cũng không dám thực hiện. Giết sạch những người xứ Gan sinh sống tại Roma, sau đó đốt thành phố một lần nữa, thả hết dã thú từ các chuồng thú ra, dời đô đến Alekxanđria – đối với ngài thẩy đều là những việc vĩ đại, đáng thán phục và dễ thực hiện. Song những ngày quyền lực vô biên của ngài đã qua đi rồi, và ngay cả những kẻ cùng cộng tác với ngài gây nên những tội ác xưa kia cũng bắt đầu nhìn ngài như nhìn một thằng điên.

Cái chết của Viđekx cùng sự bất hoà giữa các chiến đoàn có vẻ khiến cho cán cân ngả trở lại về phía ngài. Lại những tiệc rượu mới, những cuộc khải hoàn mới, những bản án mới được tuyên cáo tại Roma, thì đột nhiên một đêm kia, một kị sĩ cưỡi con ngựa sùi bọt mép từ trại cấm binh phóng vội tới, báo tin rằng ngay trong thành phố binh lính cũng đã dựng cờ khởi nghĩa và đã tuyên bố rằng Granba là Hoàng đế.

Hoàng đế đang ngủ khi người báo tin phóng đến, ngài tỉnh dậy, vô vọng gọi bọn vệ sĩ đêm đêm vẫn canh gác cửa phòng. Trong cung điện đã hoàn toàn trống rỗng. Chỉ còn bọn nô lệ đang cướp phá tại những góc xa nhất những gì có thể cướp được dễ dàng. Nhưng sự xuất hiện của ngài đã khiến chúng hoảng sợ, ngài lang thang một mình suốt trong cung, khiến cung điện tràn ngập những tiếng kêu kinh hoàng và tuyệt vọng.

Cuối cùng những nô lệ giải phóng: Faon, Xpirux và Epafrođyt cũng tới cứu ngài. Họ muốn ngài đi trốn và bảo rằng không còn một giây phút nào để phí hoài nữa, song ngài hãy vẫn còn ảo vọng. Thế nếu như ngài khoác áo tang để lên tiếng trước nguyên lão viện thì liệu viện nguyên lão có thể nào từ chối được chăng những giọt lệ cùng bài nói của ngài? Thế nếu như ngài sử dụng toàn bộ nghệ thuật hùng biện, toàn bộ tài diễn thuyết và khả năng diễn viên, thì liệu có kẻ nào trên đời có thể cưỡng nổi ngài chăng? Lẽ nào người ta lại chẳng phong cho ngài chí ít cũng chức tổng quản toàn Ai Cập.

Vốn quen với những lời tán tụng, bọn họ hãy còn chưa dám phản đối thẳng thừng, họ chỉ cảnh cáo rằng trước khi ngài kịp tới Forum, có thể dân chúng đã xé xác ngài thành muôn mảnh, và doạ rằng, nếu ngài không ngồi ngay lên ngựa thì họ sẽ bỏ mặc ngài.

Faon hứa sẽ giấu ngài trong toà biệt thự của y nằm bên ngoài cổng thành Nomentan. Lát sau họ cùng lên ngựa và dùng áo choàng trùm kín đầu phóng về cuối thành phố. Đêm đã nhạt. Trên đường phố đang bao trùm một không khí náo động báo trước sự trọng đại của thời điểm. Binh lính đi lẻ tẻ hoặc thành từng toán nhỏ tản mác khắp thành phố. Đến gần trại binh, trông thấy một xác chết, ngựa của Hoàng đế đột ngột nhảy dạt sang một bên. Chiếc áo trùm đột ngột tuột khỏi đầu người cưỡi ngựa, và người lính đang đi lướt qua cạnh ngài vào giây phút ấy nhận ra vị chúa tể, song bối rối vì cuộc chạm trán bất ngờ, anh ta lại chào ngài theo tư thế quân nhân. Phóng qua gần trạm cấm binh, họ nghe thấy những tiếng kêu chào đón Ganba. Rốt cuộc Nerô cũng hiểu ra rằng giờ chết đang tới gần. Ngài bị chế ngự bởi một nỗi kinh hoảng và sự cắn rứt lương tâm. Ngài nói rằng ngài trông thấy trước mặt một thứ bóng đen mang hình thù một đám mây đen kịt, trong đám mây đó nhô ra những bộ mặt người mà ngài nhận ra đó là mẹ, là vợ, là em trai. Răng ngài đánh lập cập vì sợ hãi, tuy vậy cái linh hồn diễn viên hài kịch của ngài hình như vẫn còn nhận ra một vẻ đẹp nào đó trong cái đáng sợ của giờ phút ấy. Là một vị chúa tể toàn quyền của trái đất để rồi bị mất đi tất cả – chuyện ấy đối với ngài là một tuyệt đỉnh của bi kịch. Và trung thành với bản thân mình, ngài đóng cho đến phút chót vai chính trong vở bi kịch ấy. Ngài nổi cơn say trích cú và một nỗi thèm khát si mê để những người có mặt phải ghi nhớ những vần thơ ấy cho hậu thế. Chốc chốc ngài lại nói rằng ngài muốn chết và ngài gọi tên Xpikulux, kẻ giết người dẻo tay nhất trong hàng ngũ các đấu sĩ. Chốc chốc ngài lại đọc thơ: “Mẹ ta, phu nhân ta và cha ta đang gọi ta chịu chết!”. Tuy nhiên trong lòng ngài thỉnh thoảng vẫn bừng lên những ánh chớp hi vọng trống rỗng và ngây thơ. Ngài vừa biết rằng cái chết sắp đến vừa không chịu tin vào nó.

Họ thấy cổng thành Nomentan đang mở. Đi tiếp nữa, họ lướt qua gần Oxtrianum, nơi ông Piotr đã từng thuyết giảng và rửa tội. Đến rạng sáng họ về tới biệt thự của Faon.

Đến đó, các nô lệ giải phóng không giấu ngài thêm nữa, rằng đã tới lúc phải chết, ngài bèn ra lệnh đào cho mình một cái hố và nằm ra đất để người ta có thể đo thật chính xác. Nhưng khi nhìn thấy đất bị hất lên, ngài lại kinh hoàng. Cái mặt bự mỡ của ngài tái nhợt, trán ngài đầm đìa những giọt mồ hôi mang hình những giọt sương mai. Ngài bắt đầu lần lữa. Bằng một giọng nói run rẩy của các nghệ sĩ, ngài tuyên bố rằng chưa tới lúc, rồi ngài lại đọc thơ. Cuối cùng ngài yêu cầu được thiêu xác. “Một nghệ sĩ nhường này đang chết!” – ngài lặp lại dường như kinh ngạc.

Trong khi ấy, một điệp sứ của Faon phóng về báo tin viện nguyên lão đã tuyên án và parricida sẽ phải được xử tội theo phong tục cổ xưa.

– Phong tục đó thế nào? – Ngài hỏi với đôi môi trắng nhợt.

– Người ta sẽ xóc chàng nạng vào người rồi hành cho đến kỳ chết, xác sẽ quăng xuống sông Tyber. – Epafrođyx đáp gọn lỏn.

Ngài bèn phanh áo choàng chỗ ngực:

– Thế là đến lúc rồi! – Ngài nói và ngước nhìn trời.

Rồi ngài lặp lại lần nữa:

– Một nghệ sĩ nhường này đang chết!

Đúng vào lúc ấy vang lên tiếng vó ngựa. Đó là một viên xenturion dẫn đầu một toán lính để lấy đầu Ahenobarbux.

– Nhanh lên kia! – bọn nô lệ giải phóng kêu lên.

Nerô đặt lưỡi dao vào cổ, nhưng ngài chọc dao bằng bàn tay run sợ và rõ ràng không bao giờ ngài dám đâm sâu lưỡi dao. Khi ấy Epafrođyx đột ngột đẩy mạnh tay ngài, lưỡi dao thọc lên đến tận đầu, đôi mắt ngài lồi hẳn ra ngoài, kinh khủng, to thô lố đầy kinh hoàng.

– Tôi mang tới cho Người sự sống đây! – viên xentunion tiến vào và kêu to lên.

– Chậm mất rồi.- Nerô đáp lại bằng giọng khàn đặc.

Rồi ngài thêm:

– Đó mới là lòng trung thành.

Trong nháy mắt cái chết đã bao trọn đầu ngài. Máu từ cái cổ to bự phun thành một dòng đen kịt lên những đoá hoa vườn. Hai chân ngài bắt đầu dũi dũi đất. Và ngài yên nghỉ.

Hôm sau, nàng Akte trung thành quấn xác ngài vào những tấm vải quý và thiêu trên đống lửa rắc đầy các loại hương liệu.

Và thế là qua đi Nerô, như đã qua đi cơn lốc, giông bão, hoả hoạn, chiến tranh hay một cơn ác mộng, còn nhà thờ lớn của ông Piotr cho tới nay vẫn đang ngự trị thành đô và thế giới từ trên cao nguyên Vatykan.

Và ngày nay, dựa theo cổng thành Kapen cũ, mọc lên một nhà thờ nho nhỏ với dòng chữ đã hơi bị nhoà nhạt: “Quo Vadis, Domine?”.

HẾT

PHỤ LỤC

Các địa danh, nhân vật lịch sử và thần thoại, trong sách này được phiên âm từ tiếng Ba Lan, có khác chút ít với cách viết thông thường. Để tiện theo dõi, người dịch soạn thêm phần phụ lục và sử dụng các chữ viết tắt sau đây: HL – Hy Lạp, LM – La Mã, AC – Ai Cập, tcn – trước công nguyên vv…

AFROĐYTA (HL) – nữ thần tình yêu và sắc đẹp, sinh ra từ sóng biển, vợ của Hefaixtox, mẹ của Erox, lễ vật dâng hiến, bồ câu, hoa hồng, sim thơm; thần miếu chính; Patox (ở đảo Sip), Kaiđox (Tiểu Á), Koryntơ; LM: Venux.

AGAMEMNON – nhân vật trong Iliat, vua Argox, con Atreux, thủ lĩnh dân Akhai gần thành Tơroa, cha của Higenia, Elektra và Orextex.

AGRYPA, tức AGRYPINA TRẺ (16-59) – vợ hoàng đế LM Klauđius, đầu độc chồng để đưa con trai là Nerô lên ngôi, bị giết theo lệnh Nerô.

AKHAI – tên gọi của HL, hồi ấy là một tỉnh của LM, theo tên vùng đất nằm phía tây bác Poloponedơ, nơi cư trú của bộ tộc cùng tên.

AKTEON (HL) – chàng thợ săn, vì trông thấy nữ thần Artemiđa đang tắm nên bị trừng phạt, chính đàn chó của chàng xé xác chủ.

ALEKXANĐER, tức Alekxanđer Đại Đế (356-323 t.c.n) – vua xứ Maxeđônia, học trò của Aryxtotelex, chinh phục vương quốc Ba Tư, tạo dựng một đế quốc hùng mạnh, mở đầu thời kỳ cường thịnh của HL, kéo dài từ 330 t.c.n đến khi LM chinh phục (30 t.c.n).

ALEKXANĐRIA – thành phố nằm ở châu thổ sông Nin, trên bờ Địa Trung Hải, do Alekxanđer Đại Đế dựng lên (332 hoặc 331 t.c.n), từ đó là thủ phủ của AC, trung tâm đời sống văn hóa và tinh thần của HL một thời.

ALKMENA (HL) – vợ của Amfitrion, do ăn ở với thần Zeux nên sinh ra dũng sĩ Horaklex.

AMFITRYTA (HL) – vợ của Poxeiđon, thường ngự trên cỗ xe có hình vỏ sò rập rờn trên sóng biển.

ANAKREONT (thế kỷ VI t.c.n) – thi sĩ trữ tình HL, quê ở Teox (Tiểu Á), tác giả của những bản tình ca và bi ca nổi tiếng.

ARBAN – nhóm núi lửa đã tắt ở miền trung Italia, cao nhất là ngọn Faete (956 m), phong cảnh kỳ thú, với những hồ nước đẹp trên đỉnh, sườn núi là các vườn nho.

ANTIOKHIA – thành phố cổ phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, cố đô của người Xelenxvđ, một trong những thành bang lớn nhất của đế quốc LM.

APIX – con bò thiêng liêng trong thần thoại AC, được xem là hóa thân của thần Ptah thờ tại Memphix.

APOMONIUS (thế kỷ III t.c.n) – một trong những nhà hình học lớn nhất thời cổ đại, đã phát triển lý thuyết tiết diện conic, đưa ra nhiều thuật ngữ khoa học được dùng cho đến ngày nay.

ARGOX (HL) – cha nàng DDanaac, ông của dũng sĩ Perxeus.

ARYXTOTELEX (384-322 t.c.n) – triết gia HL, nhà bác học toàn diện nhất thời cổ đại.

ARYXTYĐEX (khoảng 540-467 t.c.n) – nhà chính trị thành Aten, chủ trương dân chủ ôn hòa, một trong các thủ lĩnh chính của cuộc chiến tranh Ba Tư, nổi tiếng chính trực.

AXKLEPIOX (HL) – thần sư nghề thuốc, con trai Apolon, biểu tượng con rắn quấn quanh chiếc gậy đi đường, lễ vật tế hiến, gà sống và chó, trung tâm thờ cúng, Epiđaur (Peloponedơ), đảo Kox; LM: Exkulap.

ATTAN – tức Attalox III (171-133 t.c.n) – vua xứ Pergamen, trong di chiếu chuyển giao quốc gia cho LM.

AUGUXT – tức Oktavian Auguxt (63 t.c.n) – hoàng đế LM đầu tiên (từ năm 27), cháu và con nuôi của Xezar; có công hỗ trợ khoa học, văn học và nghệ thuật.

BAAN – theo thần thoại của người Kananei (thuộc nhóm Xemit) là vị thần của sự sinh sôi nẩy nở, được thờ hình con bò đực.

BAKHUX – tên La Tinh của thần Bakhox tức DDionixxox, thần rượu nho, con trai của Zeux và Xemela.

BATAVI – một chủng người German cư trú vùng cửa sông Ranh, từ cuối thế kỷ I t.c.n, thần phục LM.

BERENIKA (khoảng 258-220 t.c.n) – vợ của Ptoloneus III; theo truyền thuyết, mái tóc của nàng dâng cho nữ thần Afrođyta được mang lên trời và biến thành một chòm sao.

BITYNIA – xứ cổ vùng tây bắc Tiểu Á, khoảng 297-77 t.c.n là một quốc gia độc lập, sau nhập vào đế quốc LM.

BRUTUX (54-42 t.c.n) – chính trị gia, triết gia khắc kỷ và nhà hùng biện LM; chống lại Xezar, bị giết gần Filipi năm 42 t.c.n.

BRYTANIA – tên gọi theo kiểu Xentơ của nước Anh, xuất phát từ tên bộ tộc người cô Bryt sinh sống ở đó.

BRYTANIK (41-55) – con trai hoàng đế Klauđius, bị Agrypina tước quyền thừa kế và bị Nerô đầu độc.

ĐANAE – con gái vua Argox, thần Zeux biến thành trận mưa vàng xuống ăn ở với nàng sinh ra chàng Perxeus.

ĐEMETER (HL) – nữ thần của mùa màng, hạt giống, đất trồng trọt, mẹ của Perxefona; trung tâm thờ cúng: Eleuxix; LM: Xerex.

ĐEMOKRYT xứ Abdderra (460-370 t.c.n) – triết gia HL, một trong những đại diện tiên tiến của tư tưởng duy vật cổ đại, người đề xuất thuyết cấu tạo nguyên tử của thế giới.

ĐIANA (LM) – nữ thần rừng rú và muông thú, của mặt trăng và sự sinh sôi; thần hộ mệnh cho phụ nữ; trung tâm thờ cúng; khu rừng gần Aryxia trên bờ hồ Nemi; HL: Artemiđa.

ĐIOGENEX (khoảng 413-323 t.c.n) – triết gia HL, một trong những đại diện chính của trường phái xinic; đề xuất tư tưởng sống hoà hợp với thiên nhiên và tự mình thực hiện tư tưởng đó.

ĐIOKLEXIAN (245-313?) – hoàng đế LM, do quân đội đưa lên ngôi; cải tiến hệ thống tiền tệ, thuế và quân đội.

ĐIRKE (HL) – vợ của Likox, vua người Tebơ, do hành hạ Antiopa, mẹ của Amlion và Zetox, bị hai chàng trừng phạt bằng cách cho bò xéo chết.

ĐOMIXIAN (51-96) – hoàng đế LM (từ 81), con trai Vexpazian; bành trường quyền thống trị của LM ở Brytania, xây dựng tuyền phòng thủ dọc sông Đunai và sông Ranh.

EĐYP (HL) – con trai vua Laiox và bà Jokaxta, giết cha lấy mẹ làm vợ mà không biết; sau khi biết, tự chọc mù mắt và đầy ải thân mình.

ENEAS – người bảo vệ thành Tơroa, con Ankhizex và Afrođyta; sau khi thành Tơroa thất thủ, lưu đày, đến cư trú tại Laxium (Italia), được coi là cụ tổ của người LM; nhân vật chính trong trường ca Enciđa.

EPIĐAUR – thành phố cổ phía nam HL, trung tâm thờ cúng Axklepiox.

EPIKTET (50-130?) – triết gia LM, theo chủ nghĩa khắc kỷ.

EPIROX – vùng đất lịch sử, hiện là một tỉnh ở tây bắc HL, trên bờ Egiê.

EREB (HL) – cõi âm, xứ sở người chết, vương quốc của thần Hađex.

FUTERPE (HL) – một trong các thi thần, đỡ đầu cho thơ trữ tình.

EXKULAP (LM) – xem Axklepiox.

EXQUILINUX – đồi ở cổ LM, ban đầu là khu nghĩa địa, sau là khu phố người nghèo; trong thời kỳ các hoàng đế LM trở thành khu vườn tư và các công trình xây dựng tráng lệ.

FATUM (LM) – nữ thần định mệnh; HL: Ananke.

FEBA hay FEBUX – biệt danh của thần Aponlon (tỏa sáng); ở LM được dùng song song với tên gọi Aponlon.

FLAVIUS – dòng họ các hoàng đế LM (69-96): Vexpanzian, Tytux và Đomixian; cố gắng được thiết lập và củng cố biên giới đế quốc LM.

FORTUNA (LM) – nữ thần số phận và điều may mắn; biểu tượng: bông lúa, vòng tròn, phần đuôi tàu; thần miếu chính: Prenexte và Auxium.

FORUM – tức Forum Romanum – quảng trường chợ chính và cổ nhất ở Roma, nằm trong thung lũng giữa các đồi Palatyn, Kapitol và Quirinal, trung tâm chính trị và tôn giáo của thế giới LM hồi ấy; tại đây có nhiều thần miếu (Xatunơ, Vexta), nhiều khải hoàn môn, các tòa nhà công sở; ngày nay là tổ hợp các phế tích bảo tàng.

FRYGIA – đất nước cổ đại nằm phía tây Tiểu Á, xứ sở của Frygi, tộc người thuộc ngữ hệ Ấn-Âu; thế kỷ VIII-VI t.c.n. Là quốc gia độc lập, sau đó bị xâm chiếm bởi đế quốc Ba Tư, Maxeđonia, Xyri, Pergamin và từ năm 133 t.c.n thuộc về LM.

GALILEA – đất nước thời cổ đại, nơi cư trú của người Gan, tộc người thuộc hệ Xentơ; xứ Galia nội Anpơ, miền đất bắc Italia, bị LM xâm chiếm thế kỷ III t.c.n; xứ Galia ngoại Anpơ, vùng gần Pháp-Bỉ ngày này, bị Xezar chiếm năm 58-51 t.c.n; toàn bộ Galia nhanh chóng bị LM hóa.

GERMANIA – đất nước cổ đại nằm phía đông sông Ranh và bắc sông Đunai, xứ sở người German; vào thế kỷ I chia thành hai tỉnh của LM: German thượng và German hạ.

GERMANIK (15 t.c.n-19) – thủ lĩnh LM, cháu Tyberius, chồng Agrypina già, cha Agrypina trẻ và Kaligula; chiến đấu chống người German, hòa hoãn với người Patơ.

GONGOTA – còn gọi là Cannvaria – ngọn đồi gần Jeruxalem, theo kinh thánh là nơi hình thành chúa Jexu.

GORGIAX (475-375 t.c.n) – triết gia HL, lý luận gia về thi ca, có xu hướng ngả theo chủ nghĩa hoài nghi.

HAĐEX (HL) – vương quốc âm ty của những người chết bao bọc bởi sông Xtykx hoặc sông Akheron, có các sông Koktytox, lễ tế và Flageton cắt ngang; xứ Hađex có địa ngục Tarta là ngục khổ hình và cánh đồng Elizei là xứ sở của những người chính trực đã chết.

HARMOĐIOX (nửa thế kỷ VI t.c.n) – quý tộc HL, cùng với Arixtigeton chống lại bạo chúa Piđyxtratyđ và bị hy sinh, được thờ cúng như mẫu mực của người trừ khử bạo chúa; hiện có tượng tại Aten.

HERATE (HL) – nữ thần của các tà thuật và bùa phép, nữ chúa của lũ ma quỷ, nữ thần của các ngã ba, ngã tư đường; được hình dung là ba vị thần giáp lưng nhau, tay cầm đuốc.

HEKUBA (HL) – vợ vua Priam, mẹ của 19 đứa con, trong đó có Hektor, Paryx, bị mất cả 19 con trong cuộc bảo vệ thành Tơroa.

HELENA (HL) – người đàn bà đẹp nhất HL, con gái của Zeux và Leđa, vợ Menelaox; việc nàng bị chàng Paryx bắt đi là nguyên nhân làm nổ ra cuộc chiến tranh Tơroa.

HELIOX (HL) – thần mặt trời, con trai của Hyperion và Tea, anh của Xelona và Eox, thường ngự trên cỗ xe vàng thắng bốn con ngựa bạch; trung tâm thờ cúng: Rođox; LM: Xol.

HENLAĐA – vùng đất cổ phía nam Texalia, từ thế kỷ VII t.c.n trở thành tên gọi chung cho HL.

HERAKLEA – cố đô của AC vào khoảng thể kỷ XXII t.c.n, hiện còn phế tích thờ thần Harxafex.

HERAKLIT (khoảng 540-480 t.c.n) – triết gia HL, người thành Efedơ, được coi là cha đẻ của biện chứng pháp, theo chủ nghĩa duy vật của trường phái triết học luôn xem lửa trong chuyển động liên tục là nguyên tố cấu tạo nên giới tự nhiên.

HERAKLEX hay HERKULEX (HL) – anh hùng, con trai của Zeux và Ankinea, thực hiện 12 kỳ tích, được mang tên núi Olimpơ và trở thành bất tử.

HEXPERIA (HL) – con gái Hexperox, cùng thần Atlax sinh ra các tiên Herperyđa.

HORAXIUS (65-8 t.c.n) – thi sĩ trữ tình LM, nổi tiếng vì các bi kịch, tác phẩm Thư gửi Pizon (thường được gọi là nghệ thuật thi ca) có ảnh hưởng lớn đến lý luận văn học Âu Châu trước thế kỷ XIX.

IBER – chủng tộc không rõ nguồn gốc, thời cổ đại cư trú ở phần phía đông bán đảo Iberia; người ta cho rằng đó là tổ tiên của người Baxk.

ILION – thành phố cổ ở phía tây bắc bờ biển Tiểu Á, thường được xem là thành Tơroa huyền thoại.

IL (HL) – người yêu của Zeux, bị Hera ghen, biến thành con cừu vàng giao cho Argux canh giữ.

IZYĐA (AC) – vợ Ozyryx, mẹ của Horux, nữ thần của các lực lượng sáng tạo, nữ chúa của thế giới người chết.

JEHOVA, tức JANVE – đầu tiên chỉ là một vị thần của các bộ tộc Ixraen sau đó trở thành vị thần duy nhất của đạo Do Thái, Thượng Đế.

JUNONA (LM) – vợ Jupiter, nữ thần đỡ đầu những người mẹ và vợ, vị thần hộ mệnh cho thành đô và đế quốc LM; HL: Hera.

JUDEA – tên gọi một tỉnh LM (từ năm 6), trước kia vốn là một tiểu vương quốc Do Thái phía nam Palextin.

KALABRIA – vùng đất phía nam Italia, trên bán đảo cùng tên, trồng nho, ôliu, nuôi dê và cừu; thủ phủ: Katađanô.

KALEĐONIA – tên LM của vùng phía bắc Brytania, nơi cư trú của người Piktơ, ngày nay vẫn là tên dùng trong thi ca để chỉ xứ Scotlen.

KALIGULA (12-41) – hoàng đế LM (từ 37), con của Germanik và Agrypina già, hoang phí vô độ.

KAMPANIA – vùng đất phía nam Italia, trên bờ biển Tyrene; thủ phủ là Neapol, có ngọn núi lửa Vezonius.

KAPITON – một trong 7 ngọn đồi của Roma, thời cổ vốn là cứ điểm phòng thủ, sau trở thành trung tâm tôn giáo của thành đô với thần miếu chính: Jupiter Kapiton (thờ cả thần Junona và Minerva).

KAPUA – thành phố của miền Kampania, trên bờ sông Volturnơ.

KARTAGINA – một thành bang thời cổ đại ở Bắc Phi, thành lập từ năm 817 t.c.n; thế kỷ VII-VIII t.c.n là nước rất hùng mạnh, sau khi bị LM tàn phá và chinh phục trong cuộc chiến tranh Panix (264-146 t.c.n); thủ phủ của các tỉnh trấn LM ở Châu Phi.

KAXTOR và PONLUKX – hai anh em sinh đôi, con của Zeux và Leđa; các vị thần bảo trợ cho các thủy thủ và những người đang chiến đấu; biểu tượng điển hình của tình anh em ruột thịt.

KHALĐEYA – tên gọi Babilon trong thời kỳ Babilon mới (nửa trước thiên niên kỷ I t.c.n).

KHARON (HL) – người lái đò chở hồn qua sông Xtykx hoặc Akhêrôn ở cõi âm đến xứ sở Hađex, mỗi linh hồn phải trả một đồng obon (mà người ta đặt vào miệng người chết khi liệm).

KHARYTA (HL) – ba tiên nữ duyên sắc, con gái của Zeux; đỡ đầu các công việc lao động trí óc và nghệ thuật; LM: Graxie.

KERKE, tức Xiếcxê (HL) – nữ phù thủy trên đảo Ajaj đã giam chàng Ođyxe một năm ròng, biến các bạn chàng thành lợn bằng chiếc đũa thần.

KLAUĐIUS (10 – 54 t.c.n) – hoàng đế LM (từ 41), cháu Tyberius; có công cải tổ bộ máy hành chính, xây cảng ở Oxtia, mở rộng các quyền công dân, nhưng chịu ảnh hưởng nhiều của đám cận thần (Narxyz, Paulax) và cả hai vợ (Mexalina và Agrypina trẻ).

KLEOPATRA (69-3 t.c.n) – nữ hoàng cuối cùng của AC (từ năm 51 t.c.n), nổi tiếng về sắc đẹp và học vấn; năm 47 nhờ Xezar lấy lại được quyền bính; sau khi Xezar chết lấy Antonius; tự tử sau trận thảm bại tại Akxium.

KLIO (HL) – thi thần, đỡ đầu khoa lịch sử; biểu tượng cuộn giấy chỉ thảo.

KONKHIĐA – tên gọi vùng đất phía đông nam bờ Hắc Hải, thời cổ đại là thuộc địa của người HL; theo thần thoại HL, Konkhiđa là đích chuyến đi của con thuyền Argo.

KOLOSEUM – nhà hát vòng lớn nhất thế giới, được các hoàng đế Flavius dựng tại Roma vào nửa cuối thế kỷ I, sử dụng đến cuối thế kỷ VI.

KORYNT – thành phố ở HL, trên eo biển cùng tên, có thần miếu Aponlon.

KOX – đảo núi đá của HL, gần bờ biển Tiểu Á, nổi tiếng về nghề trồng nho và ôliu, các nguồn suối nước nóng, nhiều di tích thời cổ đại.

KXENOFANEX tức Kxenolont (430 – 355 t.c.n) – sử gia HL, học trò của Xokratex.

LEĐA (HL) – vợ vua Tynđara; thần Zeux biến thành thiên nga xuống ăn ở với nàng, sinh ra một hoặc hai trứng, nở ra Helena, Koxtox và Ponlukx.

LIGI hay LUGI – liên bộ tộc Xentơ-German (cũng có một số nhà sử học xem họ vào các bộ lạc Xlavơ), khoảng thế kẻ I-II cư trú tại vùng núi Xuđét và sông Vixoa, tức là thuộc lãnh thổ Ba Lan ngày nay.

LIZYP (thế kỷ IV t.c.n) – một trong những nhà điêu khắc vĩ đại nhất, người xứ Xukion, tác giả các tượng bán thân và toàn thân của Alekxanđer Đại Đế và các tượng Heraklex, Famexe, Hermex.

LUKAN (39-65) – thi sĩ LM, tác giả bản anh hùng ca Pharxalia về cuộc nội chiến giữa Xezar và Pompeius, trong đó tác giả đoạn tuyệt với các nguyên tắc của anh hùng ca cổ đại.

LUKREXIUS (95-55 t.c.n) – thi sĩ và triết gia LM, đại diện và là người truyền bá cho học thuyết của Epikar, mà những nguyên tắc chủ yếu được ông trình bày trong thiên trường ca triết học De reum natura.

MARKOMAN – bộ tộc Đông German, thời kỳ đầu công nguyên đã tạo ra một liên minh chính trị hùng mạnh ở vùng lãnh thổ Taec và Moravia ngày nay, do Marbođ lãnh đạo; bị LM đánh bại trong cuộc chiến tranh 166-178.

MARX (LM) – thần chiến tranh, tuy nhiên cũng có quan hệ với nghề nông, cha của Romulux và Remux; là vị thần lớn thứ ba của LM bên cạnh Jupiter và Remux; biểu tượng: ngọn giáo; HL: Arex.

MEMNON (HL) – thủ lĩnh người Etiopia, con trai của Eox, bị Asinlex giết chết trước thành Tơroa.

MIĐAX (nửa sau thế kỷ VIII t.c.n) – vua Frygia, nhân vật của nhiều huyền thoại khác nhau, trong đó nổi tiếng nhất là việc ông được thần Đionizox ban cho phép hễ chạm tay vào vật gì là vật ấy biến thành vàng, vì vậy suýt nữa ông bị chết đói, ông từ bỏ mọi tài sản.

MITRA – vị thần của người Iran, chuyên phù hộ cho các vị quân vương và chiến sĩ, thần mặt trời; sau này được thờ cả ở LM.

NARXYZ (HL) – chàng trai có sắc đẹp tuyệt vời, do từ chối tình cảm của Echo, bị trừng phạt phải lòng hình ảnh của chính mình và chết trong nỗi khát khao, biến thành hoa thủy tiên.

NAUZYKA – theo Ođyxe, nàng là con gái của vua Alkionox; nhờ nàng, nữ thần Atena đưa Ođyxous tới nhà cha nàng.

NEAPON, tức Napoli – thành phố Italia, trên bờ vịnh cùng tên, dưới chân núi lửa Vezuvius, thủ phủ vùng Kampania.

NERÔ (37-68) – hoàng đế LM (từ 54), con trai Agrypina trẻ, thủ phạm giết chết Brytanik, mẹ đẻ và vợ (Oktavis); trút tội đốt Roma cho các tín đồ Thiên Chúa và khủng bố họ một cách tàn bạo.

NIOBE (HL) – con gái thần Tantal, vợ Amfion; do khoe khoang về số con cái của mình, xúc phạm đến nữ thần Latona, bị Aponlon và Artemiđa bắn chết hết đàn con; quá đau khổ nên hóa đá; là biểu tượng của lòng thương tiếc con cái.

NORICUM – vùng đất phía đông Ampơ thời cổ do người Ilir cư trú, sau đó đến các bộ tộc Xentơ, trong đó có người Noric (IV-III t.c.n), khoảng năm 15 t.c.n bị LM chinh phục.

NUMĐIA – đất nước thời cổ ở Bắc Phi (vùng đông bắc Angiêri ngày nay); từ giữa thế kỷ III t.c.n hai vương quốc Numiđia Đông và Tây sát nhập; từ năm 46 t.c.n thuộc về LM.

OREXTEX (HL) – con trai Agamemnon và Klitaimextra, anh Elektra, theo ý chí của thần Aponlon trả thù cha, giết mẹ và Egixt.

ORFEUS (HL) – ca công, nhạc công và thi sĩ người Trak, nhờ nghệ thuật của mình suýt giải thoát được cho vợ là nàng Euryđyka khỏi âm ty của Hađex.

ORONT, hay Asi – sông ở Tây Nam Á chảy ra biển Địa Trung Hải.

OXTIA – vùng gần Roma, sau này thành thương cảng và quân cảng, phát triển mạnh trong khoảng thế kỷ I t.c.n – II t.c.n, hiện còn nhiều phế tích nổi tiếng.

OZYRYX (AC) – vị thống lĩnh và người phân xử người chết, vị thần tái sinh của tự nhiên là anh ruột và là chồng của Izyđa, cha Horox, bị Xet giết chết, sau nhờ Izyđa lại hồi sinh.

PALATYN – đồi cổ ở LM, được xem là chiếc nôi của thành phố Roma; trong thời kỳ cộng hòa là khu phố của các công dân giàu có; từ thế kỷ I là cung điện của các hoàng đế LM.

PANONIA – một tỉnh của LM, hình thành trên vùng đất nằm giữa sông Đunai và sông Xava từ năm 35 t.c.n, sau khi LM chinh phục người Panon.

PARKA (LM) – đầu tiên chỉ có một nữ thần Parka chuyên lo việc sinh nở, sau đó do tiếp thu thần thoại HL nên biến thành 3 vị thần số mệnh.

PARMENIĐEX (540-470 t.c.n) – triết gia HL, người sáng lập trường phái Eleit, phản đối mọi sự chuyển động và biến đổi của thế giới.

PARNAX – dẫy núi đá vôi ở trung HL, cao tới 2457 m; theo thần thoại HL, là một trong các thi đàn của các vị thi thần và Aponlon.

PARDOX – đảo núi của HL, trên biển Egic, nổi tiếng về nghề trồng nho, ôliu và nhiều đá cẩm thạch đẹp.

PARTIA – thời cổ đại vốn là một tỉnh của Ba Tư, nằm ở đông bắc Iran, do người Patơ cư trú, từ giữa thế kỷ III t.c.n, là quốc gia phát triển, đến thế kỷ II-I t.c.n suy vong dần; từ năm 226 thuộc Ba Tư.

PARYX – nhân vật của Iliat, con trai của Priam và Hekuba, chồng thứ hai của Helena.

PAVEN (8-97) – theo Tân ước, là công dân LM (tên thực là Saven), giác ngộ đạo Thiên Chúa, sau đó đi truyền đạo ở Tiểu Á và Nam Âu, được gọi là sứ đồ của các dân tộc; nhà lý luận đầu tiên về học thuyết và nền tảng chính trị – xã hội của đạo Thiên Chúa; được xem là thánh.

PENTELIKON – dẫy núi ở HL, gần Aten, cao đến 1109 m, nơi khai thác đá cẩm thạch từ thời cổ đại.

PERXEFONA, tức Kora (HL) – nữ thần của hạt giống nẩy mầm, con của Zeux và Đemeter, bị Hađex bắt cóc, trở thành nữ chúa của âm ty, hàng năm có một thời kỳ lên mặt đất sống với mẹ; LM: Prozerpina.

PERXEUS (HL) – con trai Zeux và Đanae, chống Amđromeđa; người giết chết ác quỷ Međula.

PETRONIUS (?-66) – thi sĩ trào phúng LM, cố vấn các vấn đề nghệ thuật của Nerô; tác giả cuốn tiểu thuyết phong tục Satyricon (chỉ còn lại một phần), được coi là một trong những tác giả tiểu thuyết đầu tiên của nhân loại.

PIOTR (?-64) – theo Tân ước là vị Sứ Đồ được Chúa Jexu phong đạo chức cao nhất trong đạo Thiên Chúa, do vậy thường được gọi là vị giáo hoàng đầu tiên và thờ như một vị thánh.

PIRRON xứ Eliđa (365-275 t.c.n) – triết gia HL, người đề xướng chủ nghĩa hoài nghi, nhấn mạnh đến các vấn đề mỹ học; ông cho rằng điều kiện để đạt đến sự thanh tĩnh và thản nhiên trước các tai ương là không bị lệ thuộc vào các quan niệm của xã hội.

PLATON (427 – 347 t.c.n) – triết gia HL, tác giả hệ thống duy tâm khách quan đầu tiên.

PLAUTUX (250-184 t.c.n) – tác gia hài kịch LM, tác giả gần 130 vở kịch, chủ yếu phóng tác lại kịch của người HL.

PLINIUS, tức Plinius Già (23-79) – văn sĩ và quan chức cao cấp LM; tác phẩm bách khoa toàn thư lịch sử tự nhiên của ông là một trong những tài liệu quan trọng để nghiên cứu nghệ thuật cổ đại.

POMPEIUS (106-48 t.c.n) – thủ lĩnh LM, người tiêu diệt bọn hải tặc ở Địa Trung Hải, chiếm Pontơ và Xyria; bị thua trong chiến tranh với Xezar tại Farxalox.

POMPONIUS MELA (thế kỷ I) – nhà địa lý LM, tác giả quyển sách giáo khoa đầu tiên về địa lý bằng tiếng Latinh De orbiss situ libritres, được soạn dựa theo những kiến thức của người HL.

PONKLUX – xem KAXTOR.

POPPEA XABINA (?-65) – tuyệt thế giai nhân, vợ thứ hai của Nerô, kẻ đã gây ra cái chết cho mẹ và vợ trước của Nerô; theo truyền thuyết bị Nerô giết trong một cơn giận dữ.

PRAKXYTELEX (nửa đầu thế kỷ UV t.c.n) – một trong những nhà điêu khắc xuất sắc nhất của HL thời cổ đại.

PROTAGORAX (480-410 t.c.n) – triết gia HL, bạn của Peryklox.

PROTEUS (HL) – thần biển, theo Ođyxe là người chăn đàn hải cẩu của thần Poxayđon.

PXYSE (HL) – công chúa, bị Afrođyta săn đuổi vì quá xinh đẹp; tình yêu giữa Pxyse và Erox là đề tài cho tiểu thuyết Erox và Pxyse của Apuleius.

ROĐOX – đảo núi của HL, lớn nhất trong quần đảo Xporađa Nam; thủ phủ là thành phố cùng tên, hiện còn di tích các công trình thời cổ đại, một trong 7 kỳ quan thế giới.

XABIN – dẫy núi đá vôi ở đông bắc Roma, có ngọn Pixeto cao 1287 m.

XATYR (HL) – thần của sự sinh sản và được mùa, nửa người nửa dê (vì vậy thường được gọi là Dương thần), thường đi cùng thần Đionizox; LM: Fauna.

XENEKA, tức Xeneka Trẻ (3-65 t.c.n) – thi sĩ, triết gia, nhà hùng biện LM, thầy dạy Nerô, tác phẩm chính có các đối thoại triết học theo tinh thần chủ nghĩa khắc kỷ, thơ trào phúng và chính vở bi kịch.

XENONOP – bộ tộc thuộc hệ Xentơ, thời cổ đại sinh sống ở Italia (thế kỷ IV t.c.n), sau đó cứ trú ở xứ Galia.

XERAPIZ (AC) – vị thần cứu rỗi và hồi sinh, chúa tể của âm ty, thần hộ mệnh cho người đi biển.

XERBER (HL) – chó ngao ba đầu canh giữ cổng âm ty Hađex; bắt được nó và mang lên dương thế là một trong mười hai kỳ tích của Heraklex.

XEVOLA JULIUS (102 hoặc 100-44 t.c.n) – thủ lĩnh LM, nhà văn; đánh chiếm xứ Galia, xưng độc tài sau khi thắng trong cuộc chiến với Pompeius (49-45 t.c.n).

XKOPAX và GOMORA – hai thành phố huyền thoại ở Palextyn trên bờ Từ hải; theo kinh thánh bị Chúa trời trừng phạt bằng “lửa và lưu huỳnh” do vô luân.

XOFOKLEX (196-406 t.c.n) – tác giả bi kịch HL, người hạn chế bớt vai trò của thần linh, nhấn mạnh đến các nhân vật trần thế, viết khoảng một trăm hai mươi bi kịch (chỉ còn lại có bảy).

XOKRATEX (439-399 t.c.n) – triết gia Hl, thầy dạy Platon; chủ nghĩa tuyệt đối, xem điều tốt, phẩm hạnh, hạnh phúc và chân lý một.

XPARTA – thành phố ở HL, trong thung lũng sông Evrotax, thời cổ là thủ đô của quốc gia Lakonia hùng mạnh, đối chọi với thành Aten.

XYXILIA – đảo lớn ở Địa Trung Hải, có ngọn núi lửa Etna, thời cổ đại (từ 241 t.c.n) là thuộc địa của LM.

TANAGRA – thành phố cố ở vùng trung HL nổi tiếng về đồ gốm nhiều màu.

TYBER – sông chảy qua Roma, dài 405 km.

TYBERIUS (42 t.c.n-37) – hoàng đế LM (từ 14), cố gắng giữ hòa bình và trật tự trong nước; đa nghi, chịu ảnh hưởng của cận thần.

TYTUS (39-81) – hoàng đế LM (từ 79), con trai Vexpazian; kết thúc cuộc chiến tranh chống Do Thái, triệt phá Jeruxalem (70).

VERGILIUS (70-19 t.c.n) – thi sĩ LM; tác phẩm chính: Trường ca Eneiđ bản anh hùng ca dân tộc, sáng tác theo kiểu anh hùng ca Homer.

VEXPAZIAN (9-79) – hoàng đế LM (từ 69), người thiết lập vương triều Flavius; thủ lĩnh trong chiến tranh Do Thái (66-70), hỗ trợ khoa học và nghệ thuật, phát triển xây dựng.

VEXTA (LM) – nữ thần coi giữ ngọn lửa quốc gia; nơi thờ cúng: Thần miếu hình tròn ở Roma, tại Forum Romanum; HL: Hextia.

ZENON (336-264 t.c.n) – triết gia HL, người sáng lập trường phái khắc kỷ (khoảng 301-300 t.c.n).

ZETHOX (HL) – Con trai của Zeux và Antiopa, anh Amfion cùng em trả thù mẹ.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN