Quỷ Kiếm Vương
Chương 13: Kỷ niệm hồng
Mặt trời đỏ ối đang chui từ lòng đại dương lên ở phương đông.
Mặt biển phẳng lặng, chỉ có những gợn sóng lăn tăn, màu xanh của nước đang được nhuộm hồng một góc bởi ánh hồng của mặt trời.
Chợt mặt nước biển xao động, những làn sóng nhỏ chạy đuổi nhau vào tận mé cát.
Một bãi cát trắng mịn chạy dài dọc mé nước, phía trong bãi cát là một cánh rừng có nhiều hoa lạ ngát hương.
Nơi cuối bãi cát là ghềnh đá với những tảng đá dị hình, hay những đống đá lộ thiên thật ngoạn mục.
Mặt trời vừa lên khỏi mặt nước.
Trên những tảng đá phẳng lì, một nàng công chúa vừa nhìn cảnh rạng đông vừa nói:
– Trầm ca! Trầm ca có nhận thấy cảnh rạng đông nơi hải đảo này đẹp lắm không?
Chàng thiếu hiệp ngồi ở một mỏm đá gần đó không ai khác hơn là Trầm Kha.
Chàng trả lời:
– Đã hai hôm nay rồi tôi vẫn ra bãi biển này thật sớm để ngắm cảnh rạng đông thật đẹp của hải đảo này.
Như vậy….
Chàng chưa nói dứt câu thì nàng công chúa Chiêu Nhã Quyên đã chận lời:
– Trầm ca! Trầm ca đã nhận Chiêu Nhã Quyên này là tiểu muội sao Trầm ca không xưng là ca ca có phải dễ nghe hơn không?
Đang nói chưa hết ý, bỗng Chiêu Nhã Quyên chận lời, Trầm Kha ngỡ là có việc gì, không ngờ nàng nói vậy.
Trầm Kha mỉm cười ấp úng:
– Vâng! Tôi….
à….
ca ca….
sẽ chiều theo ý tiểu muội.
Nàng nheo mắt vui vẻ đáp:
– Có thế chứ! Nếu không….
– Nếu không thì sao?
– Thì….
– Thì tiểu muội khóc.
Trầm Kha bỗng bật người dậy la hoảng:
– Thôi thôi, tiểu muội đừng có khóc, đừng có khóc….
Nghe vậy Chiêu Nhã Quyên bỗng bật cười thật hồn nhiên.
Một vài đợt sóng xô dạt vào tảng đá chỗ hai người ngồi làm tung tóe bọt trắng xóa.
Những tia nắng đầu tiên lấp lánh dưới sóng nước như muôn vạn con rắn vàng.
Chiêu Nhã Quyên rời tảng đá bước lần xuống bãi cát rồi nói:
– Trầm ca, chúng ta tản bộ dọc bãi biển cho vui đi.
Chàng chỉ gật đầu rồi bước song song với nàng.
Đi được một khoảng, Chiêu Nhã Quyên bỗng thở dài não nuột, nên Trầm Kha liền hỏi:
– Có điều gì buồn sao tiểu muội thở dài ngao ngán quá vậy?
Nàng đưa ánh mắt buồn vời vợi nhìn Trầm Kha rồi lại cúi đầu xuống tiếp tục bước đi và giọng nàng đều đều:
– Đã ba ngày qua rồi, ba ngày được quen biết với Trầm ca nên tiểu muội nghĩ đến một ngày nào đó Trầm ca rời xa Phù Sơn đảo này thì tiểu muội sẽ buồn biết mấy.
Trầm Kha nghe vậy trong lòng chợt rúng động.
Chàng cũng là người bằng xương bằng thịt và cũng có quả tim như mọi người nên làm sao chàng không rung động trước mối chân tình của một nàng công chúa đẹp như tiên nga.
Song, chàng đành làm ngơ vì chàng tự nghĩ về nhiệm vụ của chàng đối với mối gia thù chưa trả hết.
Chỉ một số kẻ thù bị chàng hạ sát, còn lại nhiều tên mà chàng chưa tìm được.
Vì thế chàng tự kềm chế để tình cảm của chàng không bị lôi kéo, chẳng những làm dang dở nhiệm vụ thiêng liêng của chàng mà còn làm khổ lụy một kiếp hồng nhan hương sắc.
Cũng vì nghĩ vậy mà chàng liền an ủi nàng:
– Hợp tan là chuyện thường có gì đâu tiểu muội phải quá bi lụy làm gì?
Ca ca cũng muốn lưu lại trên hải đảo thần tiên này lắm, song mối gia thù còn nặng hai vai, nên không thể nào lưu lại trên đảo này mãi được.
Chiêu Nhã Quyên vụt đứng lại quay sang hỏi Trầm Kha:
– Thế ra Trầm ca định rời hải đảo này ngay à?
Chàng lắc đầu mỉm cười:
– Đâu phải thế, vì ca ca đã hứa với Đảo vương là sẽ dự đại lễ phục hưng Phù Sơn đảo sẽ tổ chức vào hai ngày nữa.
– Nếu thế, Trầm ca định sau ngày lễ ấy thì sẽ rời hải đảo phải không?
Chàng do dự chưa biết nói làm sao thì nàng đã tiếp:
– Hay là có cuộc hẹn nào quan trọng mà Trầm ca không thể vắng mặt được?
– Điều ấy….
Chàng bỏ dở câu nói nên Chiêu Nhã Quyên càng nghi ngờ.
Nàng nói giọng giận hờn:
– Phải rồi, làm gì Trầm ca dám lỡ hẹn với giai nhân phải không ca ca?
Trầm Kha nói nhanh:
– Gừm….
ừm….
ừm….
– Đâu phải, đâu phải vậy, tiểu muội chớ nói thế!
– Hứ! Như vậy là Trầm ca không thật với tiểu muội rồi!
– Ca ca nói thật mà.
– Vậy thì ca ca hứa sẽ không rời Phù Sơn đảo này đi.
– Chuyện ấy….
chuyện ấy không thể được.
Nàng hờn dỗi thật sự:
– Phải mà, tiểu muội nói có đâu sai, Trầm ca chê tiểu muội thì thôi vậy….
– Nàng thốt xong, liền phóng người lao đi vào trong mé rừng.
Trầm Kha không ngờ sự việc xảy ra như vậy, nên chàng chợt bàng hoàng trong giây lát, rồi mới phóng người theo về phía công chúa Chiêu Nhã Quyên.
Băng qua một đoạn rừng, thì cây cối trở nên um tùm hơn, mà Chiêu Nhã Quyên băng mình chạy vào.
Trầm Kha vừa tăng tốc độ khinh công vừa gọi:
– Tiểu muội! Tiểu muội! Công chúa Chiêu Nhã Quyên hơi khựng lại nhưng rồi nàng vẫn tiếp tục chạy nữa, song chậm hơn.
Đến sát nàng, Trầm Kha liền nói:
– Tiểu muội hãy dừng chân, ca ca có đôi lời muốn nói.
Nghe giọng thành thật của chàng, Chiêu Nhã Quyên liền ngừng lại, quay nhìn chàng với đôi mắt chứa chan tình cảm.
Trầm Kha không dám chính diện nhìn vào đôi mắt nàng lâu, nên chàng liền nói:
– Tiểu muội phải tin lời thành thật của ca ca….
điều ấy….
Chàng vừa mới nói tới đó, đột nhiên Chiêu Nhã Quyên hét lên thất thanh:
– Á! Trầm ca.
Nàng vừa hét vừa nhào tới ôm Trầm Kha thì cùng lúc này một tiếng gầm vang lên:
Rồi tiếp theo là một bóng thú thật lớn, từ trong bụi rậm gần đó phóng ra chụp lấy hai người.
Nhưng, khi công chúa Chiêu Nhã Quyên ôm chầm lấy Trầm Kha, thì chàng cũng đã hiểu sự việc nên theo đà của nàng, Trầm Kha cùng nàng lăn luôn mấy vòng.
Do đó con thú đành chụp vào khoảng không nên nó lỡ đà nhào tới một khoảng nữa mới quay lại gầm gừ.
Trong lúc đó, Trầm Kha và Chiêu Nhã Quyên đã đứng sừng sững trước mặt nó.
Song nàng công chúa vẫn còn sợ hãi nên nắm chặt cánh tay Trầm Kha.
Trong giây phút này, nàng đã trở về với con người thuần túy của một nàng công chúa chứ không phải là một trang nữ hiệp.
Bởi lẽ tình cảm của nàng đang dạt dào với chàng trai vừa quen biết trong mấy ngày qua, nhưng đã ghi đậm hình bóng vào quả tim trong trắng của nàng.
Thấy vậy, Trầm kha gỡ nhẹ tay nàng ra, chàng an ủi:
– Tiểu muội, con thú này thuộc về loại hổ tinh chứ không phải loại thường.
Vậy tiểu muội hãy bước ra phía kia để ca ca lột da nó tặng cho Đảo vương như ca ca đã lột da con bạch gấu để may áo cho tiểu muội vậy đó.
Nàng không phản đối, nhưng dặn dò:
– Trầm ca, theo tiểu muội hình như con hổ này là con hổ của Viên Thiết Khải nuôi dạy nó, nên Trầm ca phải cẩn trọng vì nó nguy hiểm vô cùng.
Chàng nhếch mép cười nhẹ:
– Nó trả thù cho chủ nó đấy! Chàng vừa thốt xong, tức thì con hổ đập đuôi phóng tới chụp vào người chàng.
Trầm Kha liền tràn người sang bên tả thì lập tức con hổ cũng đổi chiều quay sang bên tả của chàng mà tiếp đòn tấn công.
Trầm Kha thật không ngờ con hổ tinh khôn và đổi bộ quá lẹ làng nên buộc lòng chàng phải nhún người vút lên cao.
Nhưng khi chàng vừa đáp xuống phía sau lưng con hổ, và chàng vừa quay lại thì con hổ cũng đã quay lại như chàng và nó tìm cách tấn công chàng bằng lối dò dẫm thế tấn công chứ không vội vàng như lúc đầu.
Chàng nghĩ thầm:
– Con hổ này khôn quá, huấn luyện được như thế này thật lắm công phu.
Rồi chàng tự nhủ:
– Hay là ta phải khắc chế nó để tặng cho công chúa thì hay biết mấy.
Nghĩ vậy nên chàng liền chú tâm vào việc giao đấu với con hổ.
Nhưng vừa lúc này, con hổ chụp vào mé tả của chàng nên Trầm Kha liền bước lách sang mé hữu.
Đột nhiên con hổ lập tức quăng hai chân sau bấu vào mặt chàng.
Không chậm trễ, Trầm Kha liền thối lui ra sau hai bước lớn đồng thời khi hai chân sau của con hổ vừa chụp hụt rơi xuống đất thì chàng lập tức phi thân ngồi ngay vào lưng nó.
Hai chân như hai gọng kềm sắt siết chặt lưng nó, tả quyền và hữu quyền, chàng kềm chặt đầu nó và siết từ từ.
Con hổ bị thế khóa bất ngờ nó cố gắng vùng vẫy nhưng vô hiệu.
Nó thở hồng hộc, gầm lên vang cả một góc rừng.
Bỗng nhiên, nó ngã nghiêng người xuống một cách hết sức lanh lẹ, và vì thế phá giải được thế khóa của Trầm Kha, buộc lòng chàng phải rời nó để thoát ra ngoài.
Nhưng cơn giận dữ làm cho con hổ điên tiết lên.
Nó gầm lên một tiếng lớn rồi phóng vào tấn công chàng tới tấp.
– Hịch! Con hổ văng ra gần một trượng bởi ngọn cước của Trầm Kha song chàng không cố tình giết nó nên không nhằm vào chỗ nhược của nó.
Bị một đòn tuy không vào chỗ nhược nhưng đã làm cho nó đau đớn khiếp sợ.
Nó lừ đừ xông vào tấn công Trầm Kha một lần nữa.
Nhưng cũng như lần trước, nó bị chàng tống cho một quyền bay xa gần hai trượng thật đau đớn.
Vừa lúc đó chàng nói thật lớn:
– Tiểu muội hãy kiếm cho ca ca mấy sợi mây rừng.
Chiêu Nhã Quyên chưa hiểu chàng dùng vào việc gì thì đã nghe có tiếng người trả lời:
– Khỏi! Khỏi! Ta có mấy sợi nhuyễn thanh long đây, có phải tiểu điệt muốn trói con hổ này phải không?
Trầm Kha vừa giao đấu với con hổ vừa trả lời:
– Thúc thúc cho tiểu điệt mượn đi.
Lúc này Bá Đồng nhi đã hiện diện tại đấu tràng.
Lão nói lớn:
– Tiểu điệt có biết cách dạy hổ không?
– Không!
– Vậy thì hãy bắt nó trói lại, để đó thúc thúc dạy cho.
Vừa nói lão vừa tung cuộn dây nhắm quấn vào hai chân trước của con hổ và chàng gạt mạnh qua một bên.
Con hổ bị mất đà phải ngã về phía mặt của chàng.
Và tiếp liền đó, Trầm Kha liền nhập nội, tả chưởng của chàng đè giữa lưng nó, còn tay kia chàng truyền lực để xử dụng sợi dây quấn vào hai chân sau của con hổ một cách hết sức khéo léo.
Những động tác này, chàng hành động thật khéo léo và nhanh như ánh chớp nên con hổ đành chịu trận.
Song nó vùng vẫy cố gắng bứt sợi dây để thoát thân.
Nhưng loại nhuyễn thanh long đây là gân của loại rồng xanh, một loại báu vật của thế gian, một khi đã bị cột bằng loại này thì càng vùng vẫy dây càng siết chặt hơn nên con hổ cố gắng vùng vẫy chừng nào, nó càng bị sợi dây gân rồng siết chặt hơn.
Vì được huấn luyện nên con hổ khôn ngoan, nó nhận biết càng vùng vẫy càng nguy hại hơn, nên nó đành nằm im lìm trên mặt đất mà nhe răng gầm gừ uất hận.
Bá Đồng Nhi đứng cạnh Trầm Kha, cùng nhìn con hổ một cách thích thú.
Lão liền lấy ra mấy hườn thuốc màu xanh rồi nói với Trầm Kha và Chiêu Nhã Quyên cũng đứng cạnh đó:
– Loại thuốc này cho nó uống vài hườn là có thể dạy dỗ dễ dàng.
Trầm Kha hỏi ngay:
– Nhưng nếu hết chất thuốc thì nó có ngoan ngoãn nữa không hay nó vẫn trở lại thú tánh hung hăng của nó?
Bá Đồng Nhi xua tay phân bua:
– Đâu phải vậy, dược liệu này là để đánh thức hiền tính của nó và dễ huấn luyện.
Sau khi huấn luyện xong cho nó uống một loại dược liệu khác để nó ghi nhớ những sự huấn dạy.
– Nhưng bao nhiêu lâu thúc thúc có thể dạy nó thuần thục được?
– Nếu một con thú mới vừa bắt từ rừng về thì ít nhất phải ba mươi ngày, song con thú này đã được dạy dỗ rồi, song nó nhớ chủ cũ mà hung bạo, nay ta chỉ việc đưa nó về nẻo chính nên chỉ cần vài ba hôm là được.
– Ồ! Vậy thì hay quá!
– Tại sao vậy?
– Tiểu điệt muốn trong ngày lễ phục hưng sắp tổ chức đây chúng ta dùng thần hổ này để tặng Đảo Vương và công chúa để có thêm một tay chân đắc lực.
– Vậy thì tuyệt lắm! Tiểu điệt cứ giao nó cho thúc thúc rồi mọi sự đều như ý.
– Vậy tiểu điệt xin giao nó cho thúc thúc đấy.
– Được rồi cứ để nó đó, tiểu điệt cứ du ngoạn cùng công chúa đi.
Chiêu Nhã Quyên quay sang nói với Bá Đồng Nhi:
– Xin cảm ơn lão bá.
Bá Đồng Nhi vừa xua tay vừa nói:
– Không! Không! Đừng cảm ơn lão, mà hãy cảm ơn anh chàng đã cùng công chúa lăn lòng vòng dưới đất kia.
Công chúa Chiêu Nhã Quyên thẹn thùng:
– Lão bá này kỳ quá à….
Nàng vừa nói vừa quay người chạy tuôn ra nơi bãi biển.
Trầm Kha chưa biết tính sao, nên chỉ biết đứng yên hết nhìn Chiêu Nhã Quyên rồi quay ra nhìn Bá Đồng Nhi một cách ngỡ ngàng.
Thấy vậy Bá Đồng Nhi nói như thét:
– Ơ! Thằng nhỏ này, sao khờ quá vậy.
Hãy chạy theo ngay đi.
Chàng ngượng nghịu chưa biết tính sao thì lão ta lại giục:
– Hãy đi đi! Còn đứng đó làm gì?
Trầm kha ấp úng:
– Cái này….
Bá Đồng Nhi vung quyền miệng cười hì hì:
– Cứ việc đi! Cứ việc đi….
Thấy không thể cãi khác hơn được nữa nên Trầm Kha phóng người vút theo Chiêu Nhã Quyên mất dạng.
Bá Đồng Nhi đứng nhìn theo với nụ cười xa xôi.
Lão lẩm bẩm:
– Ai biết được chuyện ngày mai.
Rồi lão bước đến trước mặt con hổ, tay vừa dùng quyền chọc nó gầm gừ miệng thì nói:
– Mầy sẽ uống mấy hườn thuốc này là ngoan ngoãn ngay.
Nói xong lão còn chọc cho con hổ mở lớn miệng rồi nhanh như chớp, tay lão vẫy tới, tức thì mấy hườn thuốc bắn vào tuốt trong cổ họng con hổ, nên nó vội ngậm miệng lại và mấy hườn thuốc chui tuột vào bụng ngay.
Bá Đồng Nhi cười híp mắt nói một mình:
– Hổ này uống thuốc ngoan lắm.
Rồi lão nhìn chung quanh tiếp lời:
– Cứ nằm đây đi! Ta đi chốc lát sẽ trở lại ngay.
Nói xong lão nhún người như vệt khói khuất vào phía cuối cánh rừng….
oo Rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi….
Những ngày êm đềm của chàng trai anh tuấn cũng qua đi….
Mỗi lần chia tay là mỗi lần thêm lưu luyến, buồn bã….
Trên con thuyền từ Phù Sơn đảo nhắm hướng đất liền Trung Nguyên, ngoài những tay chèo lực lưỡng để đưa hai ân nhân của hải đảo xa xôi ấy là Trầm Kha và Bá Đồng Nhi.
Những người chèo thuyền đều hăng hái và là một vinh hạnh cho họ để tiễn ân nhân.
Ở mũi thuyền, Trầm Kha ngồi nhìn xa xôi, như còn lưu luyến bao ý niệm với những ngày trên hải đảo.
Thấy vậy, Bá Đồng Nhi liền bước đến gợi chuyện:
– Tiểu điệt à! Thúc thúc thấy tiểu điệt còn nhớ nhung hải đảo lắm phải không?
Trầm Kha giật mình lắc đầu:
– Không không, tiểu điệt chỉ nhớ đến ngày mà Bá Hầu Viên Thiết Khải bị chính tay tiểu điệt hạ sát để làm lễ tế vong hồn phụ mẫu….
– Ồ! Hôm ấy, chắc chắn linh hồn của nhị vị anh liệt ấy cũng về chứng kiến cho đứa con chí hiếu như tiểu điệt….
Nhưng chuyện ấy làm gì để cho tiểu điệt âu sầu quá vậy.
Trầm Kha chống chế:
– Quả thật như vậy đó thưa thúc thúc….
Vốn tính hay đùa nghịch nên Bá Đồng Nhi không muốn ai buồn bã song lão rất thương mến Trầm Kha, dầu chỉ mới gặp chàng không lâu.
Lão quay qua gợi chuyện khác:
– Tiểu điệt à! Trầm Kha vừa quay nhìn lão vừa đáp:
– Thưa thúc thúc có điều chi dạy bảo?
Bá Đồng Nhi cười khì khì hai tay xoa vào nhau, lão nói:
– Không có điều chi quan trọng song thúc thúc muốn hỏi tiểu điệt một vài điều.
– Có gì thúc thúc cứ nói.
– Tiểu điệt nhận thấy dân chúng Phù Sơn đảo như thế nào?
Chàng không chút do dự đáp:
– Dân chúng ở đây thật hiền lành chất phác mà hiếu khách quá.
Ngay cả vị Đảo vương cũng vậy.
Bá Đồng Nhi tiếp lời:
– Còn công chúa Chiêu Nhã Quyên thì thế nào?
Trầm Kha ấp úng:
– Cái đó thì….
– Thì thế nào?
– Khó nói quá!
– Tại sao?
Trầm kha biết rằng nếu không nói thế nào cũng bị Bá Đồng Nhi phá quấy nên chàng mỉm cười, giọng bình thản:
– Đối với công chúa Chiêu Nhã Quyên thì nàng rất tốt.
Những kỷ niệm hồn nhiên đáng nhớ.
Nhưng….
– Nhưng thế nào?
– Tiểu điệt là thân phiêu bạt, nhiệm vụ báo thù còn nặng hai vai nên không thể dừng bước giang hồ để vui riêng cho bản thân.
Tiểu điệt nhận thấy công chúa Chiêu Nhã Quyên quá ưu ái đối với tiểu điệt, nên chỉ e ngại rằng nàng sẽ khổ lụy tội nghiệp.
Bá Đồng Nhi gật gù:
– Tiểu điệt luận rất phải, chắc cũng vì thế mà lúc chia tay tiểu điệt nhất quyết không để công chúa Chiêu Nhã Quyên và Đảo vương đưa tiễn.
Trầm Kha nhìn xa xôi:
– Thà thế còn hơn, chứ gây thêm nhiều kỷ niệm càng làm cho nàng khổ nhiều.
Rồi chàng đổi sang chuyện khác.
Chàng hỏi Bá Đồng Nhi:
– Thúc thúc còn nhớ ngày lễ phục hưng của họ không?
Bá Đồng Nhi nói ngay:
– Làm sao quên được một ngày đầy cảm động….
– Có điều làm mọi người sửng sốt là con hổ đã được thúc thúc huấn luyện thật khôn ngoan.
Lão vỗ tay đánh đốp một cái rồi nói:
– Phải rồi! Vị Đảo vương có vẻ thích chí với con hổ ấy lắm.
– Đúng vậy! Vì từ nay nó sẽ là tên dũng sĩ sẵn sàng bảo vệ cho Đảo vương một cách hữu hiệu.
– Ngày hôm đó thật là linh đình phải không tiểu điệt.
– Đó là điều tất nhiên vì cảnh quê hương trở về với họ thì thử hỏi ai không vui mừng.
Bá Đồng Nhi nét mặt có vẻ quan trọng nhìn ra sóng biển mênh mông rồi nói:
– Chúng ta tuy có giúp họ nhưng đối với chúng ta không có đáng gì, vậy mà họ lại dựng tượng để nhớ công ơn của chúng ta đời đời.
Trầm Kha cũng góp ý liền:
– Thúc thúc nói phải đấy! Khi tiểu điệt nhìn thấy hai bức tượng của thúc thúc và tiểu điệt làm tiểu điệt ngượng nghịu hết sức.
– Thúc thúc già chừng này rồi mà cùng một tâm trạng như tiểu điệt ở lúc đó vậy.
Câu chuyện cứ thế mà một già, một trẻ mải miết hàn huyên suốt những ngày lênh đênh trên biển cả mênh mông.
Rồi những ngày ấy cũng qua.
Đến một buổi sáng nọ, bỗng Bá Đồng Nhi reo lên:
– Đất liền kia rồi! Lúc này Trầm Kha cũng nối lời:
– Chúng ta có thể vào bờ khỏi phải nhọc những người này vào nơi ấy sợ gây phiền phức.
Bá Đồng Nhi gật đầu, thì Trầm Kha quay sang tìm người chỉ huy của đám người chèo thuyền này và nói:
– Những ngày qua chúng tôi đã làm nhọc lòng quí vị, giờ đây chúng tôi muốn được tự chúng tôi chèo chiếc thuyền con vào trong lục địa và xin chia tay cùng qúi vị tại nơi này.
Vị chỉ huy kia không dám bàn lời nào, chỉ biết vâng lệnh nên bỏ một chiếc thuyền nhỏ xuống rồi nói:
– Chúng tôi ngàn đời nhớ ơn nhị vị ân nhân nên không dám làm trái ý nhị vị, và chúng tôi chỉ mang lòng thành thật kính chúc nhị vị an lành.
Tất cả những người chèo thuyền đều bịn rịn lúc Bá Đồng Nhi và Trầm Kha xuống thuyền nhỏ để vào bờ.
Trầm Kha nói lớn:
– Kính nhờ qúi vị chuyển lời cám ơn nồng nhiệt của chúng tôi đến vị Đảo vương, công chúa Chiêu Nhã Quyên, Triều thần và toàn thể dân chúng ở Hải đảo đã dành cho chúng tôi những cảm tình nồng hậu nhất trong những ngày qua.
Rồi chiếc thuyền nhỏ rời xa, xa dần chiếc thuyền lớn mà vẫn thấy những bàn tay vẫy chào lưu luyến vung đều.
Chiếc thuyền đã khuất mất dạng, Hoàng hôn đã rũ xuống….
Hai ngày sau….
Trên đường tới Thanh Thiên Viện, là một trang viện tọa lạc trong vùng Thanh Sơn Hà, một chàng áo xám nón rộng vành lầm lũi phi thân.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!