Quyền Lực Thứ Tư - Chương 19
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
158


Quyền Lực Thứ Tư


Chương 19


Báo

NEWS CHRONICLE

Ngày 25 tháng Mười, 1951

CHURCHILL DẪN ĐẦU KẾT QUẢ BẦU CỬ

“Và ngài sẽ thanh toán thế nào, thưa ngài Armstrong?” Người nhân viên nhà đất hỏi.

“Đại úy Amstrong”.

“Xin lỗi, thưa đại úy Amstrong”.

“Tôi trả bằng séc”.

Amstrong đã mất mười ngày để tìm chỗ ở thích hợp, và anh chỉ đồng ý thuê ngắn hạn một căn hộ ở Stanhope Gardens khi người nhân viên cho biết có một thiếu tướng về hưu đang sống ở tầng trên.

Việc tìm một văn phòng thích hợp còn làm anh mất nhiều thời gian hơn, vì cần có một địa chỉ để thuyết phục Julius Hahn rằng Amstrong đã làm nghề xuất bản lâu năm.

Sau khi John D. Wood hỏi xem anh định thuê nhà với giá bao nhiêu, công việc được giao cho một nhân viên cấp dưới.

Hai tuần sau, Amstrong đã có một văn phòng thậm chí còn nhỏ hơn căn hộ của anh ở Stanhope Gardens. Mặc dù không hoàn toàn đồng ý với sự mô tả của ngưòi nhân viên về căn phòng rộng 308 feet vuông, có một khu phụ ở tầng trên là lý tưởng, hoàn hảo và có một không hai, song nó có hai ưu điểm : nằm trên phố Fleet và anh có đủ tiền thuê ba tháng đầu.

“Xin ngài vui lòng ký tên vào đây, thưa đại úy Armstrong”.

Anh mở nắp chiếc bút Parker mới và ký vào bản hợp đồng.

“Tốt rồi. Còn đây là nơi làm việc của ngài”, người nhân viên nói trong khi đợi mực khô. “Tiền thuê nhà, như ngài đã biết, là 10 bảng một tuần, một phần tư số tiền này có thể trả sau. Có lẽ ngài sẽ vui lòng cho tôi tấm séc 130 bảng”.

“Tôi sẽ cho nhân viên của tôi mang tới, muộn nhất là chiều nay”, Armstrong nói trong khi sửa lại chiếc nơ trên cổ.

Người nhân viên ngập ngừng một lát, sau đó bỏ tờ hợp đồng vào cặp. “Tôi chắc mọi sự sẽ ổn, thưa đại úy Armstrong”, ông ta nói và đặt mấy chiếc chìa khóa lên trên những quyển sách.

Armstrong tin chắc rằng khi Hahn quay số FLE6093 và nghe thấy giọng nói “Thưa ngài, Công ty Truyền thông Armstrong xin nghe”, ông ta sẽ không thể biết được là nhà xuất bản của anh chỉ có một căn phòng, hai chiếc bảng, một tủ đựng tài liệu và một máy điện thoại mới lắp đặt. Và trong cụm từ “một trong số những nhân viên của tôi” thì chỉ có từ một là đúng. Tuần trước, Sally Carr đã về London và trở thành trợ lý riêng của anh vào sáng sớm hôm nay.

Armstrong không thể đưa ngay tờ séc cho ngưòi nhân viên môi giới nhà đất vì anh chỉ vừa mới mở tài khoản ở ngân hàng Barclay, và ngân hàng chưa thể cấp séc cho anh chừng nào họ chưa nhận được khoản tiền chuyển đã hứa từ Holt & Co ở Berlin. Trên thực tế, việc anh là đại úy Armstrong MC, như anh đang cố thuyết phục họ, đã không gây được ấn tượng gì với người quản lý.

Khi tiền cuối cùng cũng đã được chuyển tới, viên quản lý đã cho người thư ký phụ trách tài khoản của anh biết rằng sau cuộc gặp gỡ mà ông ta mong đợi, số tiền hơn 217 bảng 9 silinh 6 xu một chút đã được gửi vào tài khoản của đại úy Armstrong.

Trong khi chờ số tiền chuyển đến, Armstrong liên hệ với Stephen Hallet tại văn phòng của anh ta tại Lincoln’s Inn Fields và đề nghị đăng ký cho Công ty Truyền thông Armstrong là công ty tư nhân. Việc này khiến anh tốn mất 10 bảng nữa.

Ngay khi công ty vừa thành lập, một hóa đơn không thể thanh toán được đã nằm trên bàn của Sally. Trong thời gian này số tiền trong tài khoản của Armstrong không đủ để mua một tá rượu vang đỏ, vì vậy anh mời Hallet làm luật sư cho công ty.

Khi khoản tiền được gửi tới, Armstrong tính toán là sau khi trả hết nợ nần, anh chỉ còn chưa đầy 40 bảng trong tài khoản. Anh nói với Sally từ nay cô đừng thanh toán bất kỳ hóa đơn nào quá 10 bảng chừng nào họ chưa nhận được phiếu đòi tiền ít nhất là ba lần.

Charlotte đã mang bầu đứa thứ hai được sáu tháng, gặp Dick ở London ít ngày sau khi anh thuê căn hộ ở Knightbridge. Khi lần đầu tiên nhìn thấy tận mắt căn hộ bốn buồng này, nàng chẳng hề bình phẩm gì về chuyện nó quá chật hẹp so với căn hộ rộng rãi của họ ở Berlin. Nàng chỉ cảm thấy thật hạnh phúc vì đã thoát khỏi nước Đức.

Khi đi đi về về bằng xe buýt, Armstrong thường tự hỏi liệu đến bao giờ mình mới có được một chiếc xe riêng, cùng tài xế. Khi công ty đã được đăng ký, anh bay tới Berlin và khiến Hahn phải miễn cưỡng cho vay 1.000 bảng. Anh quay trở về London với tờ séc và một tá bản thảo đã hứa là sẽ được dịch trong vòng vài ngày, và rằng tiền sẽ được hoàn trả ngay sau khi anh ký được hợp đồng với nhà xuất bản nước ngoài đầu tiên. Song anh phải đối mặt với một vấn đề mà anh không thể thú nhận với Hahn. Cho dù Sally đã tốn nhiều giờ điện thoại cố gắng thu xếp một cuộc hẹn với chủ tịch những nhà xuất bản khoa học hàng đầu ở London, cô đã nhanh chóng nhận ra rằng cánh cửa của những người này đã không sẵn mở ra cho đại úy Armstrong MC như cái cách mà họ đã làm được ở Berlin.

Vào những buổi tối khi anh lê bước vào nhà trước lúc nửa đêm, Charlotte thường hỏi anh về tình hình công việc. Chưa khi nào tốt hơn đã thay cho từ tuyệt mật. Nhưng nàng không thể không để ý thấy rằng những chiếc phòng bì màu nâu mỏng dính thường xuyên rơi vào thùng thư của họ, và hình như chúng đều được nhét vào chiếc ngăn kéo ngay bên cạnh mà chẳng được mở. Khi nàng bay đi Lyon để sinh đứa con thứ hai, Dick đã đảm bảo rằng cho đến khi vợ trở về anh sẽ ký được bản hợp đồng lớn đầu tiên.

Mười ngày sau, trong khi Armstrong đang đọc lời phúc đáp cho bức thư mà anh nhận được lúc sáng thì có tiếng gõ cửa. Sally vội vàng ra mở và chạm trán ngay với người khách hàng đầu tiên của họ. Geoffrey Bailey, người Canada, đại diện cho một nhà xuất bản nhỏ ở Montreal. Kỳ kèo từng đồng một, cuối cùng anh ta đã đồng ý nhận những bản thảo của ba nhà khoa học Đức. Khi dịch xong chúng và tin rằng sách sẽ bán được, anh ta đã trở lại với một tờ séc và ký hợp đồng bản quyền trên 3 quyển đó ở Canada và Pháp. Armstrong gửi tiền vào ngân hàng, nhưng chẳng buồn hồi âm cho Julius Hahn về vụ giao dịch này.

Nhờ có Bailey, khi Charlotte về đến Heathrow sáu tuần sau đó với bé Nicole trong tay, Dick đã ký thêm được hai hợp đồng nữa với hai nhà xuất bản ở Tây Ban Nha và Bỉ. Nàng rất ngạc nhiên khi thấy anh đã kiếm được một chiếc Dodge lớn, vẫn với Benson sau tay lái. Anh đã không nói với vợ rằng chiếc Dodge đang trong tình trạng bấp bênh, và rằng không phải cuối tuần nào anh cũng có thể trả nổi lương cho Benson.

“Nó gây ấn tượng cho các khách hàng”, anh nói, và đảm bảo với vợ là công việc đang ngày càng trôi chảy. Nàng cố bỏ qua thực tế là một số câu chuyện của anh đã đổi khác kể từ khi nàng đi xa, và những chiếc phong bì màu nâu chưa mở vẫn còn nguyên trong ngăn kéo.

Song nàng vẫn cảm động khi anh nói rằng đại tá Oakshott đã trở về London, đã tới thăm anh và hỏi xem liệu biết ai có thể cho người lính già ấy một công việc.

Armstrong là người thứ năm Oakshott tìm gặp, và không một ai trong số bốn người trước tỏ ra sẵn sàng giúp đỡ những người ở tuổi ông. Ngay ngày hôm sau Oakshott đã được nhận vào làm ở Công ty Truyền thông Armstrong với mức lương 1.000 bảng một năm, mặc dù tài khoản hằng tháng của ông không phải bao giờ cũng được tăng thêm đúng hạn.

Khi ba bản thảo đầu tiên đã dược xuất bản ở Canada, Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha, ngày càng có nhiều nhà xuất bản bắt đầu tìm đến, và sau đó rời khỏi văn phòng của Armstrong, mang theo bản danh sách đánh máy dài của tất cả những cuốn sách đã có bản quyền.

Khi Armstrong bắt đầu che giấu sự gia tăng của số vụ giao dịch, anh giảm bớt các chuyến đi đến Berlin, cho đại tá Oakshott thế vào chỗ của mình và giao cho ông một nhiệm vụ mà chẳng ai thèm ghen tị là phải giải thích cho Julius Hahn vì cớ gì tiền được chuyển chậm trễ như vậy. Oakshott tiếp tục tin vào tất cả những gì Armtrong nói với ông – xét cho cùng, không phải họ đã phục vụ trong cùng một trung đoàn hay sao? – và vì đôi khi, Hahn cũng đã làm như thế.

Nhưng ngoại trừ sự may mắn hiếm hoi với những nhà xuất bản nước ngoài, Armstrong vẫn không gặp may trong việc thuyết phục một nhà xuất bản hàng đầu của nước Anh mua bản quyền xuất bản những cuốn sách của mình. Sau nhiều tháng nghe những câu trả lời “Tôi sẽ gặp anh sau, đại úy Armstrong”, anh bắt đầu tự hỏi không biết anh phải tốn bao nhiêu lâu nữa để mở được cánh cửa cho phép anh gia nhập ngành xuất bản Anh.

Việc ấy đã tới vào một tối tháng Mười, khi Armstrong đánh dấu chéo vào địa chỉ của tờ Globe và tờ Gazette – hai tờ báo hằng ngày ăn khách nhất – thì Sally nói với anh rằng một nhà báo của tờ The Times đang chờ ở máy. Armstrong gật đầu.

“Tôi sẽ chuyển máy cho đại úy Armstrong”, cô nói.

Armstrong băng qua căn phòng và đón lấy chiếc ống nghe từ tay cô. “Tôi là Dick Armstrong, chủ tịch Công ty Truyền thông Armstrong. Tôi có thể giúp gì cho ngài?”

“Tôi là Neville Andrade, phóng viên khoa học của tờ The Times. Gần đây tôi có nhận được từ một nhà xuất bản Pháp một trong những ấn phẩm của Julius Hahn, có tiêu đề Nước Đức và bom nguyên tử, và tò mò muốn biết còn bao nhiêu bài báo khác đã được ngài dịch.

Sau một giờ trò chuyện qua điện thoại, Armstrong đã kể cho Andrade câu chuyện về cuộc đời anh và hứa rằng trưa mai người lái xe của anh sẽ mang bản danh sách hoàn chỉnh các bài báo đến cho anh ta.

Sáng hôm sau, anh đến văn phòng muộn do cái mà người London thường gọi đùa là “món cháo đậu Hà Lan” (ý nói sương mù dày đặc). Sally cho biết cô đã nhận được bảy cú điện thoại trong vòng 20 phút. Do chuông điện thoại lại reo, cô chỉ vào bàn làm việc của anh. Một tờ The Times đang mở ra ở trang khoa học. Armstrong ngồi xuống và bắt đầu đọc bài viết dài của Andrade về bom nguyên tử và, mặc dù thua trận, các nhà khoa học Đức vẫn bỏ xa các nước khác trong nhiều lĩnh vực như thế nào.

Chuông điện thoại lại reo, nhưng anh vẫn không hiểu tại sao Sally lại muốn anh lưu tâm tới bài báo này, cho mãi tới khi anh nhìn thấy đoạn cuối của nó. “Những thông tin chủ yếu do đại úy Armstrong, người quản lý bản quyền dịch mọi ấn phẩm của nhà xuất bản giàu uy tín Julius Hahn, nắm giữ”.

Những ngày sau đó, cụm từ “Chúng tôi sẽ gặp anh sau, đại úy Armstrong” đã chuyển thành “Tôi chắc là chúng ta có thể hơp tác với nhau, Dick ạ”.

Và anh bắt đầu lựa chọn nơi sẽ xuất bản những bản thảo và phát hành tạp chí của anh. Những người mà khi trước anh không thể gặp được thì giờ đây đã mời anh ăn trưa ở Garrick, thậm chí, khi gặp anh, họ không làm gì hơn là chỉ cho anh thấy rằng anh nên trở thành một thành viên của họ.

Đến hết năm đó Armstrong cuối cùng cũng đã trả 1000 bảng và đại tá Oakshott không thể thuyết phục được Hahn lâu hơn nữa rằng ngài chủ tịch công ty của ông vẫn chưa tìm được người để ký kết hợp đồng. Oakshott vui mừng vì Hahn không biết chiếc Dodge đã được thay thế bằng chiếc Benley, và rằng Benson giờ đây đã diện bộ đồng phục màụ xám bảnh chọe cùng chiếc mũ lưỡi trai. Điều mới nhất là Armstrong đã tìm được một văn phòng thích hợp với một nhân viên thạo việc, vì vậy anh đã giữ được công việc chạy đều. Khi tầng trên và tầng dưới của anh bỏ không, anh đã ký hợp đồng cho thuê lại chỉ trong vòng vài giờ.

Trong buổi họp mặt hằng năm của Trung đoàn North Staffordshire ở tiệm cà phê Royal, Armstrong đã gặp thiếu tá Wakeham và phát hiện ra là Peter vừa được giải ngũ, đang muốn tìm một công việc trong phòng nhân sự của Tuyến đường sắt lớn miền Tây. Anh đã mất cả một buổi tối rảnh rỗi để thuyết phục anh chàng này rằng Công ty Truyền thông Armstrong là nơi có triển vọng tốt hơn nhiều. Và đến hôm thứ Hai thì Peter đã trở thành người quản lý cho anh.

Khi Peter đã yên vị, Amstrong bắt đầu những chuyến đi khắp thế giới, từ Montreal đến New York, Tokyo, Christchurch, bán các bản thảo của Hahn, và luôn đòi những khoản tiền đặt cọc lớn. Anh bắt đầu gửi tiền vào nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau, khiến cho thậm chí ngay cả Sally cũng không dám chắc vào một lúc nào đó công ty có bao nhiêu tiền gửi và gửi ở những đâu. Mỗi khi trở về Anh, anh lại thấy rằng số nhân viên ít ỏi của mình hoàn toàn không thể theo kịp với những đơn đặt hàng ngày một tăng. Và Charlotte thì làm anh mệt mỏi bởi những lời than phiền về chuyện bọn trẻ đã lớn…

Khi hợp đồng cho thuê toàn bộ tòa nhà ở phố Fleet được đưa ra, anh lập tức chộp ngay lấy nó. Giờ đây ngay cả những người khách hàng đa nghi nhất, một khi đã đến thăm văn phòng mới của anh, đều phải thừa nhận rằng đại úy Armstrong là một đối tác làm ăn đáng tin cậy. Tiếng đồn về sự thành công của anh đã lan tới Berlin, song những bức thư của Hahn đòi được biết chi tiết số lượng sách bán qua các nước, đòi được ký vào các hợp đồng ngoài nước và kiểm tra các tài khoản đã bị cố tình phớt lờ.

Đại tá Oakshott, người được tùy ý báo cáo, đã khiến cho mối nghi ngờ của Hahn ngày càng tăng khi nói theo giọng điệu của Armstrong, rằng công ty gặp khó khăn trong việc làm hòa vốn, bị đối xử ngày càng giống như một cậu bé đưa thư, cho dù trên thực tế, ông đã được chỉ định làm phó chủ tịch công ty. Nhưng mặc dù Oakshott dọa xin từ chức và Stephen Hallet cảnh báo rằng anh ta đã nhận được thư của một luật sư của Hahn ở London dọa chấm dứt quan hệ hợp tác của họ, Armtrong vẫn bình chân như vại. Anh tin rằng chừng nào luật pháp còn ngăn Hahn đi ra khỏi nước Đức, ông ta sẽ không có cách nào khám phá ra được đế chế của anh đã lớn mạnh như thế nào, và vì vậy một nửa thực lãi hiện nay sẽ là bao nhiêu.

Trong những tuần chính phủ Winston Churchill trở lại nắm quyền vào năm 1951, mọi hạn chế đối với việc đi lại của các công dân Đức được bãi bỏ. Armstrong không hề ngạc nhiên khi được Oakshott cho biết Hahn và Schultz sẽ tới London trong chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên của họ.

Sau cuộc thảo luận kéo dài với KC và Gray’s Inn, hai người Đức đã vẫy taxi đến phố Fleet để gặp người cộng sự hải ngoại của họ. Tuổi tác không làm Hahn mất đi thói quen đúng giờ, và Sally đã dẫn họ lên văn phòng mới rộng thênh thang của Dick, hy vọng họ bị ấn tượng mạnh bởi những hoạt động nhộn nhịp đang diễn ra xung quanh.

Họ bước vào phòng làm việc của Armstrong và được chào đón bằng một nụ cười rộng mở mà cả hai đều nhớ rõ. Shultz bị sốc bởi cơ thể đồ sộ của viên đại úy và không chú ý đến chiếc nơ sặc sỡ trên cổ anh.

“Chào mừng những ngưòi bạn cũ thân thiết của tôi.” Armstrong mở đầu, giang rộng đôi cánh tay như một con gấu lớn. “Thật lâu quá rồi”. Anh ngạc nhiên khi thấy đáp lại chỉ là một thái độ lạnh nhạt, rồi dẫn họ đến chỗ ngồi tiện lợi bên cạnh bàn làm việc của một cộng sự, sau đó anh quay lại chiếc ghế cao, cho phép anh nhìn họ từ trên xuống. Sau anh là bức tuờng có treo tấm ảnh lớn chụp cảnh Thống chế Marshal Montgomery đang đính huân chương Chữ thập lên ngực áo chàng đại úy trẻ.

Khi Sally đã rót xong cà phê Brazil vào những chiếc tách sứ cho hai người khách, Hahn không bỏ phí thời gian, nói với Armstrong – bằng cái giọng như thể ông ta muốn hỏi ý kiến anh – về mục đích chuyến đi của họ. Ông ta chỉ ngừng bài diễn văn được chuẩn bị công phu của mình khi một trong 4 chiếc máy điện thoại trên bàn đổ chuông. Armstrong vồ lấy máy, và Hahn cho rằng anh sẽ hướng dẫn cho cô thư ký của anh nghe mọi cuộc điện thoại về sau. Nhưng thay vì thế lại là cuộc đàm thoại sôi nổi bằng tiếng Nga. Ngay khi anh vừa kết thúc thì lại có điện thoại, và anh lại nói bằng tiếng Pháp. Hahn và Schultz che giấu nỗi bực bội và kiên nhẫn đợi Armstrong nói chuyện điện thoại xong.

“Tôi thành thật xin lỗi”, Armstrong nói sau khi cuối cùng cũng đã đặt chiếc máy điện thoại thứ ba xuống, “nhưng như các ông thấy đấy, những cái của nợ này chẳng bao giờ ngừng réo chuông cả. Và năm mươi phần trăm các cuộc gọi đó”, anh nói thêm với một nụ cười rạng rỡ, “là nhân danh các ông”.

Hahn hầu như bắt đầu nói lại bài diễn văn của mình, trong khi Armstrong mở ngăn kéo, lấy ra hộp xì gà Havana, một hình ảnh chưa bao giờ những người khách của anh nhìn thấy trong vòng 10 năm qua. Anh đẩy chiếc hộp qua bàn. Hahn xua tay từ chối và Schultz miễn cưỡng làm theo.

Hahn cố bắt đầu lần thứ ba.

“Tiện thể”, Amstrong nói, “Tôi đã đặt bàn cho bữa trưa ở nhà hàng Savoy Grill. Người ta chỉ thuộc về người ta khi ăn ở Grill”. Anh tặng thêm cho họ một nụ cười tươi tắn nữa.

“Chúng tôi không rảnh để ăn trưa”, Hahn nói cộc lốc.

“Nhưng chúng ta có rất nhiều chuyện để nói”, Armstrong cố nài, “nhất là những chuyện cũ”

“Chúng ta có rất ít chuyện để nói”, Hahn sẵng giọng, “và chuyện cũ thì lại càng ít”.

Armstrong im lặng giây lát.

“Tôi rất tiếc phải báo cho anh biết, đại úy Armstrong”, Hahn nói tiếp, “là chúng tôi đã quyết định hủy bỏ thỏa thuận giữa chúng ta”.

“Không thể như thế được”, Armstrong kêu lên, “chúng ta có một thỏa thuận được ràng buộc về pháp luật”.

“Rõ ràng là anh chưa đọc bản cam kết”, Hahn lạnh lùng. “Nếu đã đọc, hẳn anh phải hiểu quá rõ về những hình phạt do việc không làm tròn những cam kết về tài chính với chúng tôi”.

“Nhưng tôi đang định làm…”

“Trong trường hợp không thanh toán đầy đủ, sau mười hai tháng tất cả mọi quyền lợi của người cộng tác ở nước ngoài sẽ được tự động trả về cho công ty mẹ”. Hahn nói cứ như thể ông ta đã chôn giấu điều này tự đáy lòng.

“Nhưng tôi có thể làm rõ mọi cam kết của tôi ngay bây giờ”, Armstrong nói, không tin chắc là mình có thể làm được.

“Điều ấy không ảnh hưởng gì đến quyết định của tôi”, Hahn nói.

“Nhưng hợp đồng quy định rằng các ông phải báo cho tôi bằng văn bản trước chín mươi ngày”, Armstrong nói, nhớ lại một trong những điều mà Stephen Hallet gần đây đã nhấn mạnh.

“Chúng tôi đã làm điều đó mười một lần”, Hahn đáp lại.

“Tôi không nhớ là tôi đã nhận được một thông báo nào như vậy”, Armstrong nói. “Vì vậy tôi…”.

“Ba cái cuối cùng trong số đó”, Hahn nói tiếp, “đã được gửi tới văn phòng này, và việc giao chúng đã được ghi lại”.

“Điều đó không có nghĩa là chúng tôi đã nhận được chúng”.

“Tất cả các bản thông báo đó đều được thư ký riêng của anh hoặc đại tá Oakshott ký nhận. Yêu cầu cuối cùng của chúng tôi đã được chuyển bằng tay cho luật sư của anh, Stephen Hallet, mà theo tôi biết là người đã thảo bản hợp đồng gốc.”

Lại một lần nữa Armstrong im lặng.

Hahn mở chiếc cặp cũ kỹ mà Armstrong còn nhớ rõ, lấy ra những bản sao của ba tài liệu, ông đặt chúng lên bàn trước mặt người đồng sự cũ của mình. Sau đó ông lấy ra tài liệu thứ tư.

“Bây giờ tôi sẽ cho anh thời hạn một tháng, yêu cầu anh trả cho tất cả các ấn phẩm, ảnh hoặc tài liệu thuộc quyền sở hữu của anh đã được chúng tôi cung cấp trong hai năm qua, cùng số tiền là 170.000 bảng để bù đắp tiền bản quyền của chúng tôi. Các nhân viên kế toán của chúng tôi đều xem đây là con số định giá khá xác đáng”.

“Chẳng lẽ sau tất cả những gì tôi đã làm cho ông, ông không thể cho tôi một cơ hội nào hay sao?” Armstrong nài nỉ.

“Chúng tôi đã cho anh quá nhiều cơ hội”, Hahn nói, “và cả hai chúng tôi”, ông gật đầu về phía người cộng sự, “đều đã đến tuổi không thể vung phí thời gian để hy vọng anh sẽ tôn trọng những cam kết của mình.”

“Nhưng làm sao ông có thể sống được, nếu thiếu tôi?” Armstrong gặng hỏi.

“Khá đơn giản”, Hahn nói. “Sáng nay chúng tôi đã ký một thỏa thuận được đại diện bởi một nhà xuất bản rất có uy tín của Macmillan, với người mà tôi chắc là anh rất quen. Chúng tôi sẽ đăng thông báo về kết quả này trong cuốn “Người bán sách” thứ tư tới, nhờ vậy các khách hàng ở Anh, Mỹ và các nước khác sẽ hiểu ra rằng anh không còn là đại diện của chúng tôi nữa”.

Hahn đứng lên. Schultz làm theo. Armstrong nhìn hai người đi ra mà không nói một lời nào. Trước khi họ đến cửa, anh quát lên sau lưng họ, “Luật sư của tôi sẽ nói chuyện với các ông!”.

Khi cánh cửa đóng lại, anh chậm rãi bước tới bên cửa sổ. Anh nhìn chăm chăm xuống đường và không động đậy cho đến khi thấy họ vào taxi. Khi họ đã đi khỏi anh quay trở lại ghế, cầm lấy chiếc điện thoại gần nhất và quay số. Một giọng nói quen thuộc trả lời, “Trong bảy ngày tới, ngài có thể thu xếp mua mọi cổ phần Macmillian” Anh dập máy, sau đó gọi cuộc thứ hai.

Stephen Hallet chăm chú nghe khách hàng của mình thuật lại đầy đủ cuộc gặp gỡ với Hahn và Schultz. Anh ta không hề ngạc nhiên về thái độ của họ, vì gần đây anh đã báo cho Armstrong biết về yêu cầu hủy bỏ mà anh nhận được từ luật sư của Hahn ở London. Khi Armstrong kể xong, anh chỉ có một câu hỏi : “Anh nghĩ tôi có thể thu xếp việc này trong bao lâu? Vì trong vài tuần tới tôi phải thu hồi một số khoản nợ lớn”.

“Một năm, có lẽ là mười tám tháng, nếu anh quyết tâm đưa họ ra tòa”.

Hai năm sau, sau khi Armstrong đã nắm chắc mọi người, bao gồm cả Stephen Hallet, anh và Hahn đưa nhau ra tòa.

Hallet đã thảo một văn bản dài trong đó Armstrong đồng ý trả cho Hahn mọi tài sản, gồm tài liệu xuất bản, các bản kẽm, bản quyền, hợp đồng và hơn một phần tư trong số một triệu cuốn sách từ cửa hàng của anh ở Watford. Anh cũng trả đầy đủ số tiền 75 000 bảng và thỏa thuận dứt khoát về số lợi nhuận trong năm năm qua.

“Ơn Chúa, cuối cùng chúng ta cũng được giải thoát khỏi hắn”, đó là tất cả những gì Hahn đã nói khi bước ra khỏi Tòa thượng thẩm ở Strand.

Một ngày sau khi thỏa thuận được ký kết, đại tá Oakshott xin thôi việc ở Công ty Armstrong mà không giải thích lý do. Ba tuần sau đó ông chết vì một cơn đau tim. Armstrong không có thời gian để dự đám tang, vì vậy anh cho Peter Wakeham, phó Chủ tịch mới, đến thay mặt anh.

Ngày diễn ra đám tang Oakshott, Armstrong đang ở Oxford để ký hợp đồng thuê lâu dài một toà nhà lớn tại vùng ngoại ô thành phố.

Trong hai năm tiếp đó, thời gian Armstrong ở trên máy bay nhiều hơn ở trên mặt đất, khi anh đi khắp thế giới gặp các tác giả đang làm việc cho Hahn, cố gắng thuyết phục họ hủy bỏ hợp đồng và gia nhập vào Công ty Armstrong. Anh thấy rõ là không nên làm việc đó ở Đức, nhưng điều này được bù đắp bởi sự độc quyền ở nước Nga mà đại tá Tulpanov đã có thể tạo ra, và nhiều hợp đồng được Armstrong thực hiện ở Mỹ trong những năm Hahn không thể đi ra nước ngoài.

Nhiều nhà khoa học, những người hiếm khi ra khỏi phòng thí nghiệm của mình, hãnh diện bởi cách tiếp cận riêng của Armstrong cùng triển vọng sẽ được tiếp xúc với số độc giả mới mẻ và đông đảo trên khắp thế giới. Họ thường chẳng có khái niệm gì về giá trị thương mại thực tế của nghiên cứu của họ, và rất sung sướng ký vào bản hợp đồng được thảo sẵn. Sau khi chuyển hoạt động tới Headley Hall, Oxford, họ thường cho rằng đây là một trong những con đường liên kết vói trường đại học.

Một khi họ đã ký vào thỏa thuận, thường là ủy thác toàn bộ hoạt động trong tương lai cho Armstrong để đổi lấy một khoản tiền trả trước nực cười, họ sẽ không bao giờ nghe được gì từ phía anh nữa. Những thủ đoạn này đem lại cho Công ty Armstrong khoản lợi nhuận 90.000 bảng một năm sau khi anh và Hahn chia tay, và một năm sau tờ Manchester Guardian đã bầu Richard Armstrong là Nhà thương mại trẻ tuổi của năm. Charlotte nhắc rằng anh đã gần 40 tuổi. “Đúng vậy”, anh thừa nhận “nhưng đừng quên là các địch thủ của anh đã bắt đầu trước anh 20 năm”.

Khi đã thu xếp xong Headley Hall, ngôi nhà ở Oxford của họ, Dick thấy là anh đã nhận được rất nhiều lời mời tham dự các sự kiện của trường. Hầu hết những lời mời này đều bị anh bỏ qua, vì anh biết tất cả những gì người ta muốn chỉ là tiền của anh. Nhưng sau đó, Allan Walker đã viết thư tới. Walker là Chủ tịch Câu lạc bộ Lao động trường đại học Oxford, và ông muốn biết liệu đại úy Armstrong có tài trợ cho một bữa tiệc chiêu đãi được ủy ban của Hugh Gaitskell, nhà lãnh đạo phe đối lập tổ chức hay không. “Tôi đồng ý”, Dick nói, “với một điều kiện: Tôi sẽ ngồi cạnh ông ta”. Sau đó anh tài trợ cho mọi cuộc đến thăm trường bởi người phát ngôn Công đảng, và trong vòng vài năm anh đã gặp mọi thành viên của cái nội các vô hình và một số quan chức nước ngoài, bao gồm cả Thủ tướng Israel, David Ben Gurion, người đã mời anh tới Tel Aviv và đề nghị anh quan tâm tới những người Do thái đã không được may mắn như anh.

Sau khi Allan Walker rời bỏ chức vụ, ông liền xin làm việc cho Công ty Truyền thông Armstrong. Vị Chủ tịch ngay lập tức bổ nhiệm ông làm trợ lý riêng vì vậy ông có thể khuyên anh nên làm thế nào để mở rộng ảnh hưởng chính trị của mình. Đề xuất đầu tiên của Walker là anh nên tiếp quản tờ tạp chí Isis ốm yếu của trường, mà, như thường lệ, đang gặp khó khăn về tài chính. Với một khoản đầu tư nhỏ, Armstrong đã trở thành người anh hùng của phái tả, và không chút ngượng ngùng dùng tờ tạp chí để thúc đẩy mục đích riêng của bản thân. Ảnh anh thường xuyên xuất hiện trên trang bìa, song do những biên tập viên của tờ tạp chí thường chỉ kéo dài một năm, và không biết liệu họ có tìm được một nguồn thu nhập khác hay không, chẳng một ai trong số họ phản đối.

Khi Harold Wilson trở thành người lãnh đạo Công đảng, Armstrong bắt đầu thực hiện những bài diễn văn trước công chúng với sự ủng hộ của ông; những người nhạo báng cho rằng đó chỉ là vì người của Đảng Bảo thủ chẳng có việc gì để làm với anh. Anh không khi nào thất bại trong việc làm cho những người phát ngôn của Công đảng biết rằng anh rất vui mừng được gánh vác mọi khoản thua lỗ của Isis, chừng nào nó còn khuyến khích thế hệ sinh viên Oxford tiếp tục ủng hộ Công đảng. Một số chính khách thì thấy phương pháp này khá sống sượng. Song Armstrong bắt đầu tin rằng Công đảng lên nắm quyền ở chính phủ kế nhiệm, anh có thể sử dụng sự giàu có và ảnh hưởng để thực hiện giấc mộng mới của anh – trở thành ông chủ một tờ báo phát hành trên toàn quốc.

Trên thực tế, anh bắt đầu lo ngại về một người có thể ngăn cản anh.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN