Rừng Son - Chương 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
127


Rừng Son


Chương 2


Sự lộng lẫy của tuần lễ thời trang đến rồi đi, các rạp được gập lại và cất đâu đó trong kho vải. Và thành phố trở lại nhịp điệu thường ngày của công việc, công việc, và lại công việc.

Trong khu trước đây là kho hàng ở Manhattan trên Phố 26 gần ngay Đại lộ 5, căn nhà Healy ở trong trạng thái lộn xộn thường nhật của nó. Trong căn hộ chưa-hoàn-thành-xong-hẳn từng là nhà của Wendy Healy, Shane chồng cô, ba đứa con của họ, và một tập hợp những cá, rùa, và chuột lang trong ba năm qua, những băng giấy đủ màu từ bữa tiệc sinh nhật tuần trước vẫn treo trên trần nhà ngoài hành lang. Sàn nhà vương vãi đầy bong bóng đã teo lại. Một đứa bé chập chững mặt đỏ bừng, không phân biệt được là trai hay gái, đứng hét trên sofa. Còn bên dưới là một thằng nhóc tóc đen đang vừa bò vừa cố phá chiếc xe cứu hỏa màu đỏ bằng kim loại bằng cách nện liên tục xuống sàn gỗ cứng đã toác ra.

Cửa phòng tắm bật ra, và Wendy Healy, kính đeo lệch, túm chặt chiếc kimono Nhật quanh người, chạy vụt vào phòng. Cô bế đứa chập chững lên bằng một tay, và giật cái xe cứu hỏa đỏ bằng tay kia. “Tyler!” cô mắng thằng nhỏ. “Chuẩn bị đi học đi!”

Tyler nằm sấp xuống và ôm đầu.

“Tyler…” Wendy nói vẻ cảnh cáo.

Không có phản ứng gì. Wendy túm lấy phần sau chiếc áo pyjama của nó rồi kéo nó dậy.

“Mẹ nói xin con đi,” Tyler bình tĩnh nói.

Wendy lắc nhẹ đứa chập chững trong khi cố phán đoán tâm trạng của Tyler. Nó chỉ mới sáu tuổi và cô không muốn chịu thua nó. Nhưng nếu có thể bắt nó vào phòng mặc quần áo, thì chịu nhục tí cũng đáng.

“Được rồi,” cô thở dài. “Xin con đấy.”

“Xin con gì cơ?” Tyler nói vẻ tự tin chiến thắng.

Wendy đảo mắt. “Xin con vào phòng và chuẩn bị đi học.”

Mặt thằng nhỏ ánh lên vẻ láu cá. “Trả tiền đi,” nó nói.

“Cái gì?” Wendy hỏi, miệng há hốc.

“Trả tiền cho con đi,” nó đáp, ra vẻ kẻ cả và chìa tay ra.

Wendy nhăn nhó. “Bao nhiêu?” cô hỏi.

“Năm đô.”

“Ba.”

“OK.” Họ bắt tay và Tyler chạy vào phòng, sung sướng vì vừa thắng mẹ thêm một lần nữa.

“Tiền,” đứa nhỏ nói. Đứa bé là con gái, được mười bảy tháng, và Wendy thề từ đầu tiên nó nói là “tiền” chứ không phải “mẹ”. Nhưng ta làm gì được cơ chứ?

“Tiền. Đúng rồi con yêu. Tiền. Một thứ tốt,” Wendy vừa nói vừa bước vào phòng ngủ. Như phần còn lại của căn hộ, nó chỉ được trang trí những vật dụng cần thiết, vậy mà vẫn toát ra vẻ lộn xộn ghê gớm. “Tiền là một thứ tốt, đúng không con yêu?” cô nói đầy chủ ý, chĩa ánh mắt vào chồng mình là Shane. Anh này vẫn còn nằm trên giường.

“Em đang cố nói gì với anh à?” Shane hỏi.

Ôi trời ơi. Nghe cái giọng kiểu đó là cô biết anh lại sắp sửa nổi cáu. Cô không biết mình có thể chịu đựng anh bao lâu nữa. Kể từ hồi Giáng sinh năm ngoái, tính đến giờ là cũng một năm rồi, tâm trạng anh thay đổi từ hay quên tới hằn học, như thể kiểu gì đó anh đã trở thành con tin trong chính cuộc đời mình vậy.

“Anh giúp em một tay được không cưng?” cô hỏi, giọng chỉ hơi lộ vẻ khó chịu. Cô đeo lên mặt một vẻ hồ hởi giả tạo. Cô muốn hét vào mặt anh. Nhưng sau mười hai năm lấy nhau, cô biết Shane phản ứng không hay lắm khi phụ nữ điên tiết. Nếu cô hét lên, anh chỉ càng trở nên lì lợm hơn mà thôi.

Shane ngồi dậy, nhăn nhó, duỗi tay, và ngơ ngẩn ngáp. Mặc cho sự thật rằng anh chỉ là một tên khốn và cô cáu anh, Wendy đột nhiên thấy yêu anh dào dạt. Shane thật sự rất bảnh trai và vô cùng gợi cảm. Và nếu không phải đang ôm đứa bé, chắc hẳn cô sẽ cố làm tình với anh. Nhưng cô không thể khen thưởng cho hành vi tồi tệ của anh bằng cách thổi kèn cho anh được. “Tyler hỗn ghê luôn,” cô nói. “Mà em không thấy Magda đâu…”

“Chắc nó ở trong phòng, khóc lóc,” Shane thờ ơ nói.

“Chúng ta bị trễ mất thôi,” Wendy nói.

“Bà-tên-bà-ấy-là-gì đâu rồi?”

“Bà Minniver,” Wendy nói, sửa cho anh. “Em không biết. Em đoán chắc bà ấy cũng đến trễ. Thời tiết chán kinh… Anh bế con được không? Để em tắm một cái?”

Cô đẩy đứa bé cho anh. Đứa bé túm lấy mái chóc lỉa chỉa thời trang của anh (Shane đã cấy tóc bảy năm trước, cô trả tiền cho vụ này) và thích thú giật. Trong khi Shane, thích thú không kém, cọ mũi với nó. Wendy dừng lại, cảm động bởi hành động tình cảm ấm áp của cha và con gái – có ông bố nào có thể tốt hơn Shane không? – nhưng tình cảm lập tức tan tành khi Shane nói, “Hôm nay em phải đưa bọn nhỏ đến trường. Anh có buổi họp.”

“Họp gì?” Wendy nghi ngờ hỏi. “Họp gì vào lúc chín giờ sáng?”

“Chín rưỡi. Nhưng ở nhà hàng. Vì thế từ trường bọn nhỏ đi sang đầu bên kia thành phố thì không kịp.”

“Anh họp sau không được à?”

“Không, Wendy,” anh nói, giả vờ tỏ ra kiên nhẫn, như thể anh đã giải thích cho cô việc này rất nhiều lần trước đây rồi. “Họp với nhà thầu. Và thanh tra công trình. Em có biết để có được một cuộc họp với mấy tay này khó khăn thế nào không? Nếu em muốn anh đổi thì anh sẽ đổi thôi. Nhưng rồi ít nhất phải hai tháng nữa nhà hàng này mới mở cửa được. Nhưng thế thì có làm sao, tiền của em mà.”

Ôi trời ơi, cô nghĩ. Giờ anh ta sắp sửa dỗi đấy. “Tiền của chúng ta, Shane ạ,” cô dịu dàng nói. “Em đã nói với anh hàng triệu lần rồi. Tiền em kiếm là cho gia đình mình. Cho chúng ta. Anh và em.” Nếu tình huống này bị đảo ngược, nếu anh mới là người kiếm tất cả tiền bạc và cô không làm được một xu, cô sẽ không muốn chồng cô giơ nó lên đầu mình và nói tất cả tiền là của anh. Cô dừng lại. “Em chỉ nghĩ… có lẽ anh không thích làm nhà hàng này lắm. Có lẽ anh nên quay lại viết kịch bản…”

Chuyện này như là vẫy lá cờ đỏ trước mặt con bò. “Mẹ kiếp, Wendy,” anh quát. “Em muốn gì chứ?”

Cô dừng lại, và cứng hết cả hàm lại. Việc đầu tiên cô nghĩ đến là cô muốn được đi nghỉ mà không có anh và bọn trẻ. Nhưng cô nhanh chóng nhận ra mình không muốn đi nghỉ, cô chỉ muốn làm thêm phim. Nếu thực sự thành thực, cô muốn một trong những phim bộ phim của cô giành giải Phim Xuất sắc nhất tại giải Oscar (đến bây giờ, năm phim của cô đã được đề cử nhưng chưa có cái nào được), và cô muốn bước trên thảm đỏ và lên sân khấu cảm ơn mọi người (“Và đặc biệt tôi muốn cám ơn người chồng thân yêu của tôi, Shane, mà không có sự hỗ trợ của anh ấy, tôi không thể làm được việc này”, và sau đó được ca ngợi. Nhưng rồi cô khẽ nói, “Em chỉ muốn anh hạnh phúc, Shane ạ,” và một giây sau: “Để tất cả chúng mình đều hạnh phúc.”

Cô vào phòng tắm, mở vòi nước, và đứng dưới vòi hoa sen. Chúa ơi, cô nghĩ. Cô phải làm cái quái gì với Shane đây?

Cô chớp mắt dưới làn nước nóng, mò mẫm tìm chai dầu gội đầu, và giơ cái chai lên tận mặt để nhìn, may là vẫn còn ít dầu gội. Cho dầu lên tóc, cô tự hỏi mình có thể làm gì thêm nữa để giúp Shane. Suy cho cùng, anh là một người đàn ông đã trưởng thành. Anh ba mươi chín tuổi đầu rồi. (Mặc dù nói chung là anh trông trẻ hơn tuổi. Trẻ hơn rất rất nhiều. Cô thích nói đùa anh là đứa con thứ tư của cô.) Anh đang phát điên lên vì bước sang tuổi bốn mươi? Hay thực sự là do chuyện tiền nong, và do Shane ít nhất mười năm rồi không tự kiếm được đồng nào?

Nhưng chuyện này chả có gì mới lạ. Cô đã hỗ trợ cho anh kể từ ngày họ gặp nhau cách đây mười lăm năm. Cô là nhân viên phát triển ở một xưởng phim, còn anh sẽ là nhà làm phim cỡ lớn. Không phải đạo diễn, mà là nhà làm phim. Anh trẻ hơn cô ba tuổi. Vào lúc đó là chuyện khá táo bạo. Một phụ nữ hai mươi bảy tuổi yêu một anh chàng hai mươi tư, và anh đẹp trai đủ để làm diễn viên. Nhưng việc diễn xuất thì không trí thức lắm. Nó nằm dưới tầm anh. Anh sống chung với ba anh chàng trong một căn nhà trên phố đi bộ ở Santa Monica, không có lợi lắm cho một mối quan hệ (hay thậm chí cho chuyện yêu đương). Vì vậy hai tuần sau anh chuyển tới ở với cô. Anh là, như anh nói, một thiên tài sáng tạo. Cô thì thực dụng. Cô không quan tâm. Anh thật điển trai. Và ngọt ngào. Nhưng luôn hơi nhạy cảm. Anh viết kịch bản và cố kiếm tiền để độc lập làm phim. Cô giúp anh. Mất hai năm và 300.000 đô la để làm được bộ phim, rồi anh đi Sundance, và nó cũng đình đám chút đỉnh, rồi họ lấy nhau.

Nhưng rồi, đúng theo kiểu Hollywood điển hình, chẳng có gì xảy ra cả. Shane liên tục viết kịch bản, mà chẳng cái nào được dựng thành phim. Sự thật là, chúng không hay ho gì cho lắm, một việc cô giữ riêng cho mình. Cô tự nhủ việc đó chả quan trọng. Anh ủng hộ cô và là một người cha vĩ đại và họ vui vẻ, vì thế cô không quan tâm. Và vì những lý do mà cô không bao giờ hiểu rõ nổi, sự nghiệp của cô cứ thăng tiến vù vù. Trên thực tế, lúc này cô có một sự nghiệp vĩ đại, nhưng cô không muốn bám vào đó. Vị trí của cô quan trọng chỉ vì nó có nghĩa là họ không phải lo chuyện tiền nong, mặc dù cô thầm lo chuyện tiền bạc suốt. Cô lo mình sẽ bị đuổi, hay bị mất sạch tiền, và rồi họ sẽ làm gì? Và giờ Shane, đã đi từ viết kịch bản sang tiểu thuyết (không xuất bản), đang cố mở một nhà hàng. Cô đã bỏ ra 250.000 đô. Cô không biết nhiều lắm về dự án đó vì không có thời gian. Nó chắc hẳn là một thảm họa. Nhưng rồi cô có thể khấu trừ tiền từ thuế…

Cô bước ra khỏi vòi hoa sen, đúng lúc đó Shane bước vào phòng tắm đưa cho cô chiếc điện thoại di động. Cô tò mò nhìn anh.

“Josh gọi,” anh nói, mặt nhăn nhó.

Cô thở dài khó chịu. Josh là một trong ba trợ lý của cô. Một gã hai mươi ba tuổi hợm hĩnh chẳng buồn che giấu sự thật rằng anh ta nghĩ mình mới chính là người ở vị trí của cô. Cô đã cố nói rõ với Josh rằng buổi sáng sớm là thời gian dành cho gia đình. Và cô sẽ không nhận điện thoại trước chín giờ sáng dù cho là khẩn cấp. Nhưng Josh chẳng bao giờ chịu nghe, và thường gọi cô ít nhất ba lần từ lúc bảy rưỡi đến chín giờ mười lăm, khi cô đến văn phòng.

Cô vừa đưa điện thoại lên tai vừa lau chân. “Mới sớm ra, như mọi khi, Josh nhỉ,” cô nói.

Một khoảng im lặng nhất thời như thể là lời buộc tội. Với Josh có vẻ là không thể hiểu được khi người ta có thể có cuộc đời khác ngoài công việc. Và nếu thế thật, thái độ của anh ta có vẻ nói rằng, họ không nên ở trong vị trí có quyền lực – đặc biệt là ở trên anh ta.

“Vic-tor Mat-rick vừa gọi,” Josh nói, phát âm từng âm tiết để nhấn mạnh. “Tôi nghĩ chắc hẳn chị sẽ nghĩ việc đó quan trọng.”

Mẹ kiếp, cô muốn hét lên. Mẹ kiếp, mẹ kiếp, mẹ kiếp. Victor Matrick là CEO của Splatch-Verner, và giờ sở hữu Parador Pictures, nơi cô làm chủ tịch hãng phim này.

“Cậu nói gì với ông ta?”

“Tôi bảo ông ta rằng lúc này chị không rảnh, nhưng tôi sẽ cố gọi cho chị.” Anh ta dừng lại. “Giờ tôi có nên gọi lại cho ông ta không?”

“Chờ tôi một giây nhé?” Cô quấn khăn quanh ngực và vội ra khỏi phòng tắm, qua căn bếp không vách ngăn. Bà Minniver đã đến và đang cáu kỉnh cho bọn nhỏ ăn bánh với pho mát kem. Một cách thần kỳ, Tyler và Magde đều đã mặc sẵn quần áo để đi học. “Chào buổi sáng,” bà Minniver càu nhàu nói, bằng cái giọng người Anh nuốt từ của bà. Bà ta hưởng lương 150.000 đô một năm. Và Wendy thường thích đùa là trong khi hầu hết các vú em được trả 100.000 đô thì giọng của bà Minniver đáng giá thêm 50.000 đô. Wendy vẫy tay chào rồi vội vào căn phòng nhỏ ở phía sau mà họ gọi là văn phòng. Bên trong kê một chiếc bàn kim loại, một máy tính mới toanh, vài hộp đồ chưa khui, đồ chơi, đủ loại DVD, một máy tập thể dục lớn (dùng một lần), và ba đôi ván trượt tuyết. Cô ngồi xuống chiếc ghế xoay mềm mại. “Giờ cậu có thể gọi cho Victor rồi đấy,” cô nói vào điện thoại. Chiếc khăn rơi ra và cô nhìn xuống ngực mình. Chúa ơi ngực cô thực sự xệ xuống rồi. Chúng từng là niềm tự hào và niềm vui của cô. Bây giờ chúng giống hai quả lê lớn đã bị dẹp. Cô sẽ phải nghiêm chỉnh cân nhắc việc nâng ngực…

“Tôi đã gọi Victor Matrick cho chị,” giọng nửa cạnh khóe, nửa nịnh bợ của Josh vang lên ở đầu bên kia.

“Xin chào, Victor,” cô nồng nhiệt nói.

“Tôi hy vọng không làm phiền cô,” Victor dịu dàng nói.

“Không hề.”

“Bộ phim chúng ta đang chiếu. The Spotted Pig. Tôi nghĩ không biết phim đó tôi đưa đứa cháu đi xem được không?”

Cái quái gì thế này? Ông ta đang nói chuyện quỷ gì thế? “Tôi nghĩ còn tùy cháu ông bao tuổi, Victor ạ,” cô thận trọng nói. Có lẽ nào ông ta lại không biết chút gì về bộ phim này? “Nó là phim hài lãng mạn lớn chúng ta làm để công chiếu vào tháng Mười hai…”

“Vậy nó không phải là phim dành cho thiếu nhi,” Victor nói.

“Khônggg,” Wendy cẩn thận nói. “Nó là phim hài lãng mạn lấy tâm điểm là một nhà hàng sành điệu ở West Village. Jenny Cadine và Tanner Cole là diễn viên chính…”

“Tôi biết Jenny Cadine đóng phim đó, và tôi cứ thắc mắc tại sao cô ta lại đồng ý đóng vai một con lợn,” Victor kêu lên, và (ơn Chúa, Wendy nghĩ) bật cười ầm ĩ.

“Đó là điều mà tôi chắc hầu hết dân Mỹ sẽ muốn được xem, nhưng thực ra Victor ạ, ‘The Spotted Pig’ là tên nhà hàng.”

“Ừ, Wendy,” Victor nói, bình tĩnh lại sau khi cười xong, “Tôi mong được gặp cô lúc năm giờ.”

“Vâng, Victor. Năm giờ,” cô dịu dàng nói, muốn hét lên. Việc trình chiếu đã được lên lịch vào lúc bốn giờ trong hai tuần qua.

“Tôi nghĩ phim chiếu lúc bốn giờ chứ,” Josh rít lên giận dữ, ngay khi Victor gác máy. Theo thủ tục thì trợ lý cũng nghe điện thoại, để họ có thể ghi chép lại trong cuộc nói chuyện nếu cần thiết.

“Đúng vậy,” Wendy mỉa mai nói. “Nhưng giờ, tôi đoán là năm rồi. Vậy anh sẽ phải gọi cho tất cả mọi người báo là đổi giờ.”

“Nhỡ họ không đến được thì sao?”

“Họ sẽ đến, Josh ạ, tin tôi đi. Cứ bảo họ là Victor Matrick đổi giờ.” Cô gác máy và ngồi ngả người ra trên ghế, khẽ rên lên. Đã bao năm nay, mọi người luôn bảo rằng Victor Matrick, mà tất cả đều gọi là Lão Già, sẽ phát điên, và cuộc điện thoại sáng nay có vẻ là bằng chứng. Đó là tất cả những gì cô cần: Nếu Victor hóa điên và buộc phải từ chức CEO, công ty sẽ đưa ai đó lên thay ông ta và cô chắc chắn sẽ là người đầu tiên bị sa thải. Người nào ở vị trí của cô luôn luôn bị vậy. Dù cô có làm tốt đến mức nào, chủ tịch của Parador Pictures sẽ là một lựa chọn phù phiếm cho vị CEO mới. Và rồi cô sẽ làm gì? Chuyện gì sẽ xảy đến với con cô? Với Shane?

Mẹ nó chứ, cô vừa nghĩ vừa nhặt khăn lên. Thế nghĩa là cô sẽ phải làm việc chăm chỉ hơn nữa, và cô sẽ phải khéo léo trong chuyện này. Chắc hẳn họ sẽ thay Victor bằng người trong nội bộ. Thế nghĩa là cô sẽ phải bắt đầu lấy lòng các chủ tịch bộ phận và các CEO vị trí thấp hơn Victor. Thời điểm không thể tệ hơn. Parador sản xuất mười sáu bộ phim một năm. Tất cả số đó cô đều quản lý – từ khâu mua bản quyền đến tư liệu, đến thuê người viết kịch bản và đạo diễn, diễn viên và đội sản xuất, tới chi phí, đi xem phim trường và địa điểm, xem tin tức hàng ngày và đưa các ghi chú cho biên tập viên, rồi quyết định về quảng cáo, kế hoạch chi phí và sản xuất, rồi cuối cùng, dự các buổi công chiếu. Nhưng trên tất cả những điều vừa liệt kê, lúc này cô đang ở trong khâu sản xuất một bộ phim mà cô coi là quan trọng nhất trong sự nghiệp cô. Nó tên là Ragged Pilgrims, và theo kế hoạch sẽ bắt đầu quay trong hai tháng nữa. Ragged Pilgrims là một Phim Lớn – bộ phim mà mọi người trong ngành này mơ được làm một ngày nào đó – loại phim những người như cô sống vì nó, là lý do đầu tiên khiến ta muốn gia nhập vào ngành điện ảnh. Nhưng ngay lúc này, Ragged Pilgrims như một đứa bé con. Nó cần được liên tục chú ý – tắm rửa, cho ăn, và thay tã – nếu muốn nó sống sót được sang giai đoạn tiếp theo của cuộc đời. Cô chẳng có thời gian cho việc buôn chuyện vớ vẩn…

Điện thoại của cô lại reo và khi nhìn số, cô biết lại một cú khác từ tòa nhà Splatch-Verner. Victor gọi lại cho cô? “Aloooo?” cô vui vẻ nói.

“Wendy à?” một giọng nhỏ cẩn trọng vang lên từ đầu dây bên kia. “Miranda đây. Miranda Delaney? Trợ lý của Nico O’Neilly…?” Cô ta nói như thể cô ta có cả ngày (mà có thế thật, Wendy nghĩ), và cô vội đáp, “Ừ, Miranda, cô khỏe không?”

“Tôi khỏe…” Miranda chậm rãi nói. Và rồi, hắng giọng: “Nico muốn tôi hỏi chị xem hôm nay chị có đi ăn trưa được không. Ở nhà hàng Michael’s?”

“Ồ đúng. Ăn trưa,” Wendy nói. Cô quên béng mất chuyện ăn trưa và đã định hủy do buổi chiếu phim, nhưng cô nhanh chóng đổi ý. Nếu Victor tiêu tùng, sự ủng hộ của Nico sẽ là vô giá. Nhất là khi Nico đang thăng tiến tại Splatch-Verner, đang ngầm nhắm vào chức chủ tịch toàn bộ bộ phận tạp chí, thế nghĩa là chỉ ở dưới ngay Victor ở mức độ quyền lực. Cô chỉ hy vọng Nico sẽ giành được chức đó trước khi Victor loạn trí.

***

Ngồi thẳng lưng phía sau chiếc xe Town Car trên đường đến sân bay dành cho máy bay lên thẳng East Side, Nico O’Neilly nghĩ mình đang ở trong trạng thái bình tĩnh tuyệt đối. Cô mặc sơmi đen nhún bèo làm tôn nước da vàng bóng. Và bộ vest váy màu xanh nước biển thẫm được may ở Paris bởi một trong những thợ may đặc biệt của Victory. Bộ vest tuy giản dị nhưng thật ra không phải vậy. Và vẻ đẹp của nó nằm trong sự vừa vặn, được may đo khít tuyệt đối với cơ thể cô. Cô có ít nhất năm mươi lăm bộ thế này (một vài bộ là vest quần), may bằng đủ loại vải từ lụa trắng tới tuýt nâu. Thế nghĩa là cô không bao giờ tăng một cân. Nhưng cũng có nghĩa là cô không bao giờ phải lo chuyện buổi sáng mặc gì. Sự nhất quán về quần áo của cô tạo cho nhân viên và đồng nghiệp cảm giác luôn biết rằng họ sẽ đạt được gì với cô, và tạo cho cô cảm giác yên ổn trong tâm hồn biết rằng mỗi ngày đều bắt đầu hệt như nhau.

Ôi Chúa ơi, cô nghĩ.

Lúc này chiếc xe đang ở trên đường FDR, cô quay đầu nhìn ra những tòa nhà màu nâu ảm đạm kéo dài liên tục dọc đường xe chạy. Lòng cô chùng xuống khi nhìn thấy tất cả những thứ giống hệt nhau như thế, và đột nhiên cô có cảm giác trống rỗng.

Cô cựa mình khó chịu trên ghế. Trong năm vừa rồi, cô đã bắt đầu trải nghiệm những giây phút trống rỗng tuyệt vọng như thế này, như thể không gì thực sự có ý nghĩa, không gì sẽ thay đổi, không còn gì mới mẻ cả. Và cô có thể thấy đời mình trải ra trước mặt. Ngày dài vô tận kế tiếp ngày hôm trước, mà về cơ bản ngày nào cũng giống hệt ngày nào. Trong khi đó, thời gian vẫn trôi đi, và tất cả những gì đang xảy ra với cô là cô già đi và bé nhỏ đi. Rồi một ngày cô sẽ không to hơn một dấu chấm, rồi cô cứ thế mà biến mất. Bùm! Như một cái lá nhỏ cháy rụi dưới một cái kính lúp dưới mặt trời. Những cảm giác này làm cô choáng váng, bởi trước kia cô chưa bao giờ thấy chán đời. Cô chưa bao giờ có thời gian để mà chán đời. Cả cuộc đời cô, cô đã phấn đấu và phấn đấu để trở thành một thứ, đó là chính cô – thực thể Nico O’Neilly. Và rồi, một buổi sáng, thời gian đuổi kịp cô và cô thức dậy, nhận ra mình ở đó. Cô đã đến đích của mình. Và cô đã có mọi thứ mình cố gắng hết sức vì chúng: một sự nghiệp hoành tráng, một người chồng yêu thương (chà, đại khái thế) mà cô kính trọng, và một đứa con gái mười một tuổi cô yêu quý.

Lẽ ra cô phải phấn khích lắm. Nhưng thay vào đó, cô thấy mệt mỏi. Như tất cả những thứ này thuộc về ai đó khác.

Cô nhấc gót giày cao gót lên nhấn thật lực xuống một ngón chân của bàn chân bên kia. Cô sẽ không nghĩ như thế này. Cô sẽ không cho phép vài cảm giác bất chợt, mơ hồ làm cô chán nản.

Đặc biệt không phải sáng nay, mà cô tự nhắc mình, là rất quan trọng với sự nghiệp của cô. Trong ba tháng vừa qua, cô đã nỗ lực để có được cuộc hẹn gặp với Peter Borsch, CEO mới của Huckabees, một chuỗi bán lẻ khổng lồ có vẻ sẵn sàng chiếm cả thế giới. Huckabees không quảng cáo trên tạp chí của cô, nhưng không có lý do nào chuyện đó không nên thay đổi. Với cô, đây là chuyện hiển nhiên. Nhưng cô lại là người duy nhất trong bộ phận tạp chí đã nghĩ đến chuyện tiếp cận Huckabees, một công ty mà hầu hết mọi người ở Splatch-Verner coi là “bình dân.” Tuy vậy, Nico không phải là kẻ hợm hĩnh, và cô đã theo dõi sự nghiệp của Peter Borsch bao năm nay qua những bài báo trên tờ Wall Street Journal. Peter là loại đàn-ông-của-mọi-người. Nhưng anh ta cũng đã tốt nghiệp từ trường Harvard Business School – nơi anh ta được học bổng toàn phần. Khi Peter được đưa lên chức CEO, cô chắc chắc anh ta sẽ đưa ra những thay đổi lớn, và cô muốn được ở trong pha hành động từ lúc ban đầu. Nhưng chỉ để có được một buổi gặp mặt, cô cũng đã phải ve vãn Peter hàng tuần liền, gửi thư viết tay cho anh ta, rồi các bài báo, sách vở cô nghĩ anh ta có thể quan tâm, bao gồm cả một bản cuốn Binh pháp bản in đầu tiên rất quý hiếm. Và cuối cùng, chỉ năm ngày sau, Peter đã đích thân gọi và đồng ý gặp cô.

Nico lấy hộp phấn bỏ túi ra và soi gương nhìn khuôn mặt được trang điểm. Sắp xếp một cuộc gặp thế này không hẳn là một phần trong công việc của cô (về mặt lý thuyết nó nằm trong phần việc của sếp cô, Mike Harness). Nhưng sáu tháng trước, Nico đã quyết định rằng cảm giác tồi tệ mà cô đang trải qua gần đây đơn giản là hậu quả của cảm giác bị kẹt cứng. Được làm tổng biên tập tạp chí Bonfire thì rất tuyệt vời, đầy kích thích và phấn chấn. Nhưng cô giữ vị trí này đã sáu năm rồi, từ hồi ba mươi sáu tuổi, khi cô trở thành tổng biên tập trẻ nhất trong lịch sử năm mươi năm của tạp chí này. Và không may là thành công cũng như sắc đẹp: Nó cũng không phấn khích gì mấy sau khi nó ở trong nhà được năm ngày, đi tất bẩn. Và vì vậy cô đã quyết chí mình sẽ thăng tiến trong công ty. Vị trí lớn nhất là CEO của Splatch-Verner. Nhưng để giành được việc đó, cô phải đoạt được vị trí ngay bên dưới nó đã, bằng cách trở thành người đứng đầu bộ phận tạp chí. Vật ngáng đường duy nhất là sếp của cô, Mike Harness. Ông này đã thuê cô sáu năm trước. Nhưng còn có một nguyên tắc này nữa: chưa một người phụ nữ nào giành được vị trí CEO ở bất kỳ bộ phận nào ở Splatch-Verner. Và đã đến lúc có người làm được việc đó.

Và cô định sẽ là người đầu tiên.

Chiếc Town Car chạy qua một khoảng trống có hàng rào thép gai bao quanh sân máy bay lên thẳng, và dừng lại cách chiếc máy bay trực thăng Sikorsky vài mét. Chiếc máy bay đang bình yên đậu trên sân. Nico ra khỏi xe và bắt đầu sải bước về phía máy bay. Tuy nhiên, trước khi tới nơi, cô đột nhiên dừng lại, ngạc nhiên bởi nghe tiếng một chiếc xe khác đang chạy đến phía sau cô. Cô quay đầu lại thấy một chiếc Mercedes màu xanh thẫm đang chạy vụt qua cổng.

Không thể nào, cô nghĩ, tức giận pha lẫn với khổ sở, và sốc. Chiếc Mercedes là của Mike Harness, CEO và chủ tịch Verner Publications. Đương nhiên cô đã nói với Mike về buổi gặp này – vài lần, thực tế là thế, và thậm chí còn gợi ý ông ta nên đến. Nhưng Mike đã chế giễu gạt bỏ ý tưởng này, khăng khăng rằng ông ta có chuyện làm ăn quan trọng hơn phải tham dự ở Florida. Việc ông ta không có mặt ở Floria và xuất hiện ở sân máy bay chỉ có nghĩa một điều: Ông ta đang cố cướp toàn bộ công lao dàn xếp cuộc gặp gỡ này.

Nico nheo mắt lại nhìn Mike ra khỏi xe. Mike, người cao ráo, mới ngoài năm mươi và nước da màu đồng không tự nhiên do sử dụng sản phẩm tự làm rám da quá nhiều, bắt đầu bước về phía cô với vẻ mặt bẽn lẽn. Không nghi ngờ gì ông ta biết cô khó chịu. Nhưng trong một tập đoàn như Splatch-Verner, nơi mọi thứ ta nói, làm, và thậm chí mặc rất dễ bị phán xét, việc không bộc lộ cảm xúc ra ngoài luôn là thứ bắt buộc. Nếu lúc này cô đương đầu với Mike, cô sẽ bị coi là đồ bỉ ổi. Nếu cô to tiếng, họ sẽ cho là cô bị thần kinh. Và rồi mọi người sẽ bàn tán chuyện cô đã mất nó như thế nào. Thay vào đó, cô chỉ nhìn Mike với một nụ cười hơi bối rối. “Tôi rất xin lỗi, Mike,” cô nói. “Ai đó chắc hẳn đã lên lịch nhầm. Trợ lý của tôi đã lên lịch máy bay trực thăng năm hôm trước cho cuộc gặp với bên Huckabees.”

Thế sẽ đá quả bóng sang lại sân của ông ta, cô nghĩ. Ông ta sẽ phải thừa nhận đang xía vào cuộc gặp của cô. “Sau tất cả những gì chúng ta đã bỏ ra để có được cuộc gặp mặt này, tôi quyết định mình nên đi cùng và đích thân gặp tay Borsch này,” Mike nói. Và rồi đi gặp Victor Matrick và bảo rằng ông ta đã tự mình thu xếp cuộc gặp này thế nào chứ gì, Nico nghĩ, im lặng giận dữ.

Cô gật đầu, mặt cô bình thường trở lại, hoàn toàn bình thản. Hành động dối trá của Mike thật là ghê gởm nhưng không có gì đáng ngạc nhiên. Thuần túy là công việc làm ăn như mọi khi với những giám đốc tại Splatch-Verner, nơi về cơ bản mọi thứ cứ chạy chừng nào ta còn thành công. “Thế đi thôi,” cô điềm tĩnh nói, và leo lên bậc thang vào máy bay. Khi ngồi xuống chiếc ghế da, cô nghĩ mình đã mất đến ba tháng để sắp xếp cuộc hẹn này với Peter Borsch thế mà chỉ trong ba phút Mike đã phá tan tành. Mike ngồi xuống cạnh cô, cứ như thể hoàn toàn không có chuyện gì xảy ra trên đời và nói, “Này, cô có nhận thư báo mới nhất của Victor không? Ông ta thực sự đang mất trí rồi nhỉ?”

“À, ừm,” Nico thờ ơ nói. Thư báo kia là một e-mail Victor Matrick đã gửi cho toàn bộ nhân viên liên quan đến chuyện rèm che cửa sổ. “Tất cả rèm che cửa sổ phải được kéo chính xác ra giữa mỗi cửa sổ, hay chính xác ba feet, bốn inch từ bậu cửa tính lên.” Như hầu hết các CEO, Victor, đã hơn bảy mươi tuổi hay có lẽ thậm chí tám mươi, kỳ quặc khét tiếng. Cứ vài tháng ông ta lại làm một chuyến đi không thông báo trước qua các hành lang tòa nhà Splatch-Verner, và kết quả là những thư báo này. Do tuổi tác và hành vi kỳ quặc của ông ta, gần như tất cả các giám đốc đều tin rằng Victor bị điên, và không thể tại chức lâu hơn nữa. Nhưng họ nói thế đã năm năm nay rồi, và Nico không nhất thiết phải đồng ý theo. Chắc chắn là Victor Matrick bị điên, nhưng không phải theo kiểu mà mọi người nghĩ.

Nico cầm một tờ Wall Street Journal lên và mở ra đánh tách một cái. Gần như các giám đốc hàng đầu ở Splatch-Verner đều nhắm vào vị trí của Victor, gồm cả Mike. Và một giám đốc chuyên gây rắc rối khác, Selden Rose. Selden Rose là chủ tịch bộ phận cáp, và dù ông ta với Wendy ở vị trí ngang nhau, Wendy luôn lo rằng Selden Rose đang cố bành trướng địa phận của mình và chiếm trọn bộ phận của cô. Nico không tin chắc về chuyện Seldon Rose. Nhưng ở một công ty như Splatch-Verner, bất cứ ai có quyền lực cũng có khả năng chống lại bạn chỉ trong một giây. Làm công việc hàng ngày của mình thôi không đủ, ta còn phải bỏ ra phần lớn thời gian để bảo vệ vị trí của mình trong khi ngấm ngầm lên mưu kế để thăng tiến.

Nico nhìn xuống tờ báo, vờ chăm chú vào một câu chuyện về kinh doanh bán lẻ. Cô đoán Mike không bao giờ tưởng tượng nổi chính cô muốn chức CEO của Splatch-Verner. Với những mưu đồ phức tạp và sức ép khổng lồ của nó, đó không phải là loại công việc mà hầu hết phụ nữ – hay đàn ông – ham muốn. Nhưng Nico không xấu hổ với tham vọng của mình. Và hai mươi năm cuộc đời làm việc trong tập đoàn đã khiến cô tự tin rằng mình có thể làm bất cứ công việc nào không hề thua kém bất cứ người đàn ông nào – mà thậm chí còn tốt hơn.

Nhìn Mike mà xem, cô nghĩ, liếc sang ông ta. Ông ngả người về phía trước trên ghế, đang hét gì đó với viên phi công về thể thao qua tiếng ồn ầm ầm của động cơ mà viên phi công vừa mới khởi động lên. Trong tập đoàn đầy những người đàn ông như Mike – những người đàn ông không có vẻ thông minh hay thú vị xuất chúng gì, nhưng là người biết chơi trò chơi như thế nào. Họ biết đặt mình cùng với những người đàn ông quyền lực khác như thế nào. Họ luôn vui vẻ và trung thành. Họ là “đồng đội”. Họ tiến lên trên nấc thang tập đoàn nhờ vào việc biết phải hôn vào mông ai và hôn vào lúc nào. Nico thường nghi ngờ rằng Mike trở thành CEO và chủ tịch của Verner Publications là bởi vì ông ta luôn có cách lấy lòng được Victor Matrick. Ông này ám ảnh bởi đủ loại thể thao, thi đấu, và vé để đi tới tất cả các sự kiện thể thao lớn, mà đương nhiên Mike cũng thường tham dự.

Mike Harness không phải là người duy nhất biết cách chơi trò chơi. Cô nghĩ một cách cáu giận. Một vài năm trước, cô cảm thấy khó chịu với ý nghĩ cố đoạt lấy vị trí của sếp mình, đặc biệt một ông sếp như Mike, người nhìn chung là khá biết điều. Nhưng năm vừa qua, hành vi của Mike với cô đã thay đổi. Ban đầu thì khó thấy, phê bình lúc họp hành, rồi trắng trợn hơn, khi ông ta cố tình bỏ cô ra khỏi danh sách những người phát biểu tại cuộc họp toàn thể tập đoàn diễn ra hai lần một năm. Và bây giờ là chuyện này, cô nghĩ: cố đoạt cuộc gặp gỡ của cô với Huckabees – một cuộc gặp tự bản thân Mike sẽ không bao giờ có khả năng nghĩ ra nổi, mà thậm chí nếu có, thì sẽ không có khả năng thu xếp được.

Máy bay tròng trành rời khỏi mặt đất, và Mike quay lại với cô. “Tôi vừa đọc một câu chuyện về Peter Borsh và Huckabees trên tờ Journal,” Mike nói. “Đây là một cơ hội tốt. Borsch thực sự có thể trở nên có ích.”

Nico mỉm một nụ cười lạnh nhạt với ông ta. Bài báo xuất hiện cách đây hai ngày. Và sự thật rằng Mike sẽ biến việc này như là toàn bộ ý tưởng của ông ta khiến lòng cô tràn ngập sự khó chịu. Cô không còn tránh được tình huống hiện thực rằng Mike đang cố chèn ép cô. Trong vài tháng qua ông thậm chí còn cố sa thải cô. Việc ông ta xuất hiện vào sáng nay rõ ràng là một lời tuyên bố chiến tranh công khai. Từ giờ trở đi, hoặc là cô hoặc ông ta. Nhưng nhiều năm làm ở tập đoàn đã dạy cô phải biết che kín cảm xúc, không bao giờ để đối thủ biết mình đang nghĩ gì, hay mình đang định làm gì với họ nếu cần thiết. Cô gấp tờ báo lại và vuốt thẳng váy. Điều Mike không biết là cô đã đi các bước đánh bại ông ta rồi.

Một tháng trước, khi trợ lý của cô tìm ra được bản in đầu tiên của cuốn Binh pháp, cô đã đi gặp chính Victor Matrick để xin phép đặc biệt được chi trả cho cuốn sách, giá hơn một ngàn đô. Đương nhiên, cô đã phải giải thích tại sao cô cần cuốn sách và những nỗ lực của cô cho đến lúc bấy giờ. Và Victor đã khen ngợi cô có “phương án tiếp cận sáng tạo.” Trớ trêu là nếu Mike không bỏ tên cô ra khỏi danh sách diễn giả cho cuộc họp tập đoàn, chắc hẳn cô đã không xem xét việc đánh sau lưng ông ta. Nhưng không cho tên cô vào là một sự lăng mạ công khai khiến mọi người đã bàn tán hàng tuần trời trước và sau vụ đó. Nếu Mike muốn nghiền nát cô, lẽ ông ta phải khôn khéo hơn, cô nghĩ.

Nhưng Mike đã phạm một sai lầm. Và giờ tất cả những gì cô làm là giỡn chơi cùng ông ta. Nếu cuộc gặp với Huckabees diễn ra tồi tệ, sẽ là lỗi của Mike. Nếu nó diễn ra tốt đẹp, và Mike thực sự có đi tới gặp Victor, Victor sẽ ngay lập tức hiểu chuyện gì đang diễn ra. Không có gì qua được đôi mắt vàng xanh đáng sợ của Victor. Và Victor sẽ không thích cái việc Mike cư xử thấp hèn đến thế.

Những suy nghĩ này, cộng với việc khi nhìn thấy đường chân trời mờ ảo trước mặt, khiến cô cảm thấy con người chiến đấu ngày xưa của mình quay lại. Khi chiếc máy bay sà xuống thấp, qua những tòa cao ốc giống hệt một khu rừng những thỏi son môi, Nico cảm thấy một sự phấn khích gần giống với kích thích tình dục, mà mỗi lần nhìn thấy cảnh bê-tông-và-sắt-thép quen thuộc cô đều cảm thấy thế. Thành phố New York vẫn là nơi tuyệt vời nhất trên thế gian này, cô nghĩ, và chắc chắc là một trong ít nơi trên thế giới mà những người phụ nữ như cô không chỉ sống sót được mà còn cai trị. Và khi chiếc máy bay sà xuống thấp trên Cầu Williamsburg, cô không thể ngăn mình nghĩ, “Mình làm chủ thành phố này.”

Hay trong bất cứ trường hợp nào, cô định như vậy, và sẽ chóng thôi.

***

Máy pha cà phê phát ra tiếng ùng ục thỏa mãn của một sinh vật đang đổ sạch phần ruột của nó đi khi phun nước qua lưới lọc xuống bình chứa.

Ngay cả cái máy pha cà phê của cô cũng hạnh phúc hơn cô, Victory chán chường nghĩ, rót chỗ chất lỏng đắng nghét vào một cái cốc trắng giản dị.

Cô hé mắt nhìn đồng hồ trên tường, không hẳn muốn nhắc mình mấy giờ rồi. Đã mười một giờ sáng và cô vẫn ở nhà, vẫn mặc bộ pyjama bằng lụa xanh Trung Hoa in hình những chú cún con ngộ nghĩnh. Bộ quần áo này có khi là một loại truyện hài nào đó của người Trung Quốc, cô nghĩ. Vì không có gì người Trung Quốc thích bằng việc ăn thịt người bạn thân nhất của con người.

Mà việc này cũng thích hợp đến trớ trêu, cô nghĩ, cho ba thìa đường to vào cốc cà phê. Trong ba tuần vừa rồi, cô có cảm giác mình đã ăn thịt chính mình. Ngoại trừ trong trường hợp của cô, cô đã bị khạc ra.

Cô đã cố thử làm gì đó mới mẻ, nhưng rồi mọi nỗ lực của cô đều bị từ chối. Thế giới là một nơi thật sự tàn ác.

Cô cầm cốc lên và lang thang ra khỏi bếp, qua phòng đọc với giá sách xây âm trong tường và chiếc tivi màn hình phẳng, qua hành lang, và xuống bậc thềm vào trong phòng khách chìm bên dưới với một lò sưởi đốt gỗ. Căn hộ này được đại lý môi giới nhà đất gọi là “một viên ngọc quý nhỏ,” và nhìn lên trần nhà cong cong dài mười hai foot, treo một chùm đèn pha lê Baccarat cổ tuyệt mỹ, cô tự hỏi mình còn đủ khả năng sống ở đây bao lâu nữa.

Công ty của cô bây giờ chính thức đang gặp khủng hoảng.

Một bậu cửa sổ dài chạy dọc chiều dài cửa sổ Pháp trông ra đường, và cô mệt mỏi ngồi xuống. Trong suốt hai tuần rưỡi qua, cô đã đi du lịch, rời khỏi thành phố ba ngày sau show diễn tệ hại khủng khiếp của mình. Và trên chiếc bàn ăn bằng gỗ dái ngựa nhỏ vẫn chất gọn gàng những tờ báo phê bình show diễn của cô. Giới phê bình không tử tế. Gần một tháng đã trôi qua, nhưng cô vẫn nhớ từng lời gay gắt: “Không thành công,” “Lạc lối,” “Đáng thất vọng,” và tệ hơn, “Ai mà sẽ mặc những thứ quần áo này cơ chứ, mà nếu có, thì họ sẽ mặc ở đâu?” và rồi cú đá: “Victory Ford là người làm giải trí chứ không phải là một nhà thiết kế thời trang. Một sự thật đã trở nên rõ như ban ngày với bộ sưu tập mới nhất khi cô nỗ lực thiết kế thời trang cao cấp…” – những từ ngữ đó cứ ám vào cô như một mùi hôi. Cô biết rất nhiều nghệ sĩ không đọc bài phê bình tác phẩm của họ, nhưng Victory không làm thế được. Cô không thể cho phép bản thân quay lưng khỏi hiện thực phũ phàng. Biết sự thật và đối diện với nó thì tốt hơn. Lẽ ra cô nên vứt hết đống phê bình đó đi, nhưng cô giữ chúng lại cùng những bài báo khác về mình, và ngày nào đó cô sẽ đọc lại chúng và bật cười. Và nếu cô không cười nổi, thì cũng không có gì quan trọng, vì cô sẽ không là một nhà thiết kế nữa. Và nếu cô không phải là nhà thiết kế, thì cũng không có gì quan trọng, vì cô sẽ chết.

Cô vừa nhìn ra ngoài cửa sổ vừa thở dài. Có lẽ cô đã già quá rồi nên không thể nhìn thế giới này theo hai màu đen trắng nữa, không thể vẫn tin rằng nếu cô không thể là một nhà thiết kế thời trang, thì thà chết còn hơn. Nhưng cô đã cảm thấy như thế suốt cả đời mình, từ giây phút khi cô tám tuổi và ngồi trong phòng đợi ở một phòng khám nha sĩ, cầm tờ Vogue lên lần đầu tiên (nha sĩ của cô, sau này cô nhận ra, chắc hẳn là nữ tính hơn cô tưởng nhiều). Và nhìn vào các trang thời trang đó, đột nhiên cô như được chuyển sang một thế giới khác – một nơi dường như có vô số những khả năng, nơi mọi thứ ta tưởng tượng đều có thể xảy ra. Và rồi cô tiếp tân đã gọi tên cô. Và cô đã nhìn lên, giật bắt mình khi thấy mình ngồi trên chiếc ghế nhựa xanh trong một phòng nhỏ với bốn bức tường màu vàng đất. Và mọi chi tiết trong căn phòng đều to phồng lên và cô ngộ ra. Đột nhiên cô thấy mình sinh ra để làm việc gì. Cô sẽ là một nhà thiết kế thời trang. Đó là định mệnh của cô.

Dĩ nhiên, cô là một kẻ dở hơi, nhưng hồi đó cô không biết điều đó. Hồi đó khi còn nhỏ, và hàng sau năm sau, cô đã cho rằng mọi người đều giống cô – và giống cô, họ biết chính xác mình sinh ra là để làm gì với cuộc đời mình. Ngay cả khi lên mười, cô nhớ mình đã mạnh bạo bảo với những đứa trẻ khác rằng cô sẽ là một nhà thiết kế thời trang, ngay cả khi cô không hề có ý niệm bằng cách nào để làm được thế hay nhà thiết kế thời trang thực sự làm gì…

Và có lẽ sự ngu ngốc thời thanh xuân là một thứ tốt lành, cô nghĩ, đứng dậy và bước đi bước lại trên tấm thảm Oriental trước lò sưởi. Nó đã cho phép cô mạnh bạo theo đuổi giấc mơ điên rồ của mình, theo những cách mà bây giờ cô sẽ không dám làm.

Cô lắc đầu, thân thương nhớ lại những ngày mới ở New York. Khi đó mọi thứ mới mới mẻ lắm sao, và thật phấn khích. Cô có rất ít tiền, nhưng cô không sợ – chỉ có một nơi duy nhất để đi, và chỉ có thế. Ngay cả từ những ngày đầu tiên ở New York, thành phố này đã có vẻ thông đồng với giấc mơ của cô. Mới tám tuổi, cô chuyển tới New York học ở F.I.T[1]. Và một ngày – là một ngày đầu thu, thời tiết vẫn hơi ấm nhưng đã có hơi thở của mùa đông trong không khí, một ngày giống như hôm nay – cô đi tàu điện ngầm và một phụ nữ hỏi cô đã mua cái áo khoác cô đang mặc ở đâu. Victory nhìn mái tóc phẩy lai và bộ vest mặc-vì-thành công của người phụ nữ, mặc cùng với sơmi có cà vạt may nhỏ may liền, hồi đó đang là mốt, mà mạnh dạn nói rằng, “Nó là của tôi. Tôi là nhà thiết kế thời trang.”

[1] Học viện thời trang danh tiếng nhất nước Mỹ.

“Nếu cô là nhà thiết kế thời trang,” người phụ nữ nói, như thể bà ta không tin cô (và tại sao bà ta phải tin cơ chứ, Victory nghĩ – cô gầy gò và ngực phẳng như một thằng con trai, và trông còn trẻ hơn cái tuổi mười tám rất nhiều) – thì cô nên đến gặp tôi.” Người phụ nữ mò mẫm trong chiếc túi Louis Vuitton của mình (Victory không bao giờ quên được chiếc túi đó – cô nghĩ nó rất hợp thời trang.) và đưa cho cô một tấm thiếp. “Tôi là người chuyên nhập hàng ở cửa hàng thời trang. Đến gặp tôi lúc mười giờ sáng thứ Hai và mang theo bộ sưu tập của cô.”

Victory không có bộ sưu tập nào cả, nhưng cô sẽ không để chuyện đó ngáng đường mình. Việc gặp gỡ kỳ diệu với người phụ nữ kia – Myrna Jameson là tên bà ta – đã xảy ra lúc năm giờ chiều thứ Tư. Đến tám giờ rưỡi sáng ngày thứ Hai (cô chỉ có đủ thời gian để tắm một cái rồi đứng dậy đi tới Garmen District lúc mười giờ), Victory đã có bộ sưu tập đầu tiên gồm sáu món đồ, bao gồm cả cái áo khoác. Cô dành toàn bộ năm ngày và toàn bộ tiền thuê nhà – 200 đô – để vẽ thiết kế, mua vải, và may từng mẩu lại bằng chiếc máy may bố mẹ đã tặng cô làm quà tốt nghiệp. Cô làm việc suốt ngày đêm, tranh thủ vài tiếng ngủ trên chiếc sofa cũ nát mà cô lấy từ ngoài phố về. Hồi đó thành phố rất khác – nghèo và đổ nát – được giữ cho sống chỉ nhờ bởi sự quyết tâm cứng cỏi và sự hoài nghi lạnh lùng của những người dân cư ngụ của nó. Nhưng bên dưới lớp đất là chủ nghĩa lạc quan màu hồng với những khả năng. Và trong khi cô làm việc, cả thành phố dường như hồi hộp theo cô. Cô cắt và may trên nền tiếng còi ô tô trộn lẫn với tiếng gào thét và tiếng nhạc vô tận từ các radio. Khả năng thất bại chưa bao giờ nảy ra trong tâm trí cô.

Myrna Jameson là người nhập hàng vào cho Marshall Field’s, cửa hiệu mua sắm Chicago nổi tiếng, và văn phòng của bà nằm ở một tòa nhà rộng thênh thang trên Đại lộ 7 và Phố 37. Garment District giống như một khu chợ Ả Rập. Đường phố đầy những cửa hàng nhỏ chứa đầy vải vóc, đồ may, cúc, féc-mơ-tuya và quần áo lót phụ nữ. Những chiếc xe tải nằm chờ xả khói vào không khí trong khi công nhân đẩy từng cuộn vải và lông qua đám đông đầy người. Dân móc túi, người đi đường, và gái điếm chầu chực ở cửa lối vào tòa nhà. Còn Victory ôm chặt cái túi đựng bộ sưu tập có sáu món đồ vào ngực, tưởng tượng đến cảnh trớ trêu sau khi làm việc chăm chỉ đến thế để rồi lại bị cướp sạch.

Văn phòng của Myrna Jameson gồm hai phòng nằm ở giữa một hành lang dài, ảm đạm, sàn có vải sơn lót. Trong phòng đầu tiên có một phụ nữ trẻ với khuôn mặt như một con ong đang tức tối, móng tay dài đang bấm điện thoại lách tách. Văn phòng của Myrna nằm sau cánh cửa mở toang kia. Victory có thể thấy một cái chân đi bít tất dài đen bó sát trong một cái giày cao gót mũi nhọn đen thanh lịch. Myrna là người phụ nữ có sự nghiệp tử tế đầu tiên mà Victory từng gặp. Và hồi đó, những phụ nữ có sự nghiệp không bị buộc phải tỏ ra hòa nhã. Myrna ra khỏi văn phòng và nhìn Victory từ đầu đến chân. “Vậy là cô có đến,” bà ta nói, bằng một giọng the thé. “Xem cô có gì cho tôi nào.”

Năm đêm liên tục không ngủ đột nhiên phát huy tác dụng, và Victory suýt òa khóc. Lần đầu tiên, cô nhận ra rằng Myrna có thể không thích bộ sưu tập của cô. Và ý nghĩ thất bại mới đau đớn làm sao. Sự tủi hổ có thể làm cô tê liệt. Nó có thể giam hãm toàn bộ cuộc đời cô. Nếu cô cứ tiếp tục và thất bại mãi thì sao? Cô sẽ phải quay về nhà và làm việc tại một tiệm photocopy Xerox, như cô bạn thân thời trung học không đủ khả năng đi khỏi thị trấn nhỏ bé của họ…

“Những cái này xinh đấy,” Myrna nói, xem xét bộ sưu tập. Cách bà ta nhìn những mẫu quần áo, giơ chúng lên và lật lên lật xuống xem xét vải, khiến Victory cảm thấy như thể chính cô đang bị xem xét. Dưới ánh đèn huỳnh quang sáng rõ, cô thấy da mặt Myrna đầy tàn nhang và bà ta đang cố che đi bằng cách trang điểm thật đậm. “Dĩ nhiên là cô chưa bán hàng cho nơi nào phải không? Hay có thứ gì đó tôi nên biết mà cô chưa kể với tôi?” Myrna nói, ngờ vực nhìn cô.

Victory không hiểu Myrna đang nói gì. “Không…” cô ngập ngừng. “Tôi chỉ…”

“Cô đã bán hàng cho một cửa hàng bao giờ chưa?” Myrna sốt ruột hỏi gặng.

“Chưa,” Victory trả lời. “Đây là bộ sưu tập đầu tiên của tôi. Đó không phải là vấn đề gì chứ?” cô hỏi, căng thẳng tăng lên.

Myrna nhún vai. “Ai cũng phải khởi đầu từ đâu đó, nhỉ? Thế chỉ nghĩa là tôi không thể đặt một đơn đặt hàng lớn được. Tôi sẽ đầu tư cho cô một khoản nhỏ và nếu hàng của cô bán được, mùa tới chúng tôi sẽ mua thêm.”

Victory gật đầu, sững sờ.

Sau đó, cô chạy vụt ra phố, choáng váng vì chiến thắng. Cô sẽ lại trải nghiệm kiểu giây phút thành công thay đổi cuộc đời này, nhưng không có gì bằng được lần đầu tiên. Cô sải bước trên Phố 37 tới Đại lộ 5, không biết mình đi đâu, nhưng chỉ biết mình muốn ở giữa mọi thứ. Cô đi bộ trên Đại lộ 5, sung sướng vẫy tay với người qua đường, và dừng lại ở Rockefeller Center để xem trượt băng. Thành phố như một xứ Oz dát bạc, đầy những cơ hội nhiệm màu, và chỉ đến khi đến công viên và hết sạch sức lực cô mới lại một bốt điện thoại và gọi cô bạn thân ở F.I.T., Kit Callendar.

“Bà ấy bảo muốn đầu tư khoản nhỏ cho tớ, nhưng bà ấy mua mười tám bộ!” Victory kêu lên.

Đơn đặt hàng có vẻ là khổng lồ với cả hai đứa. Và vào giây phút đó, cô không thể tưởng tượng nổi có lúc mình sẽ được đơn đặt hàng mười nghìn bộ…

Thêm ba tuần may vá cho đến tận khuya cô đã hoàn thành xong đơn hàng đầu tiên. Và cô xuất hiện ở văn phòng của Myrna với những bộ quần áo trong ba cái túi đựng hàng ở siêu thị. “Cô làm gì ở đây?” Myrna hỏi.

“Tôi giao hàng cho bà,” Victory tự hào nói.

“Cô không có người vận chuyển à?” Myrna kinh hãi hỏi. “Tôi phải làm gì với mấy cái túi này đây?”

Victory mỉm cười với ký ức đó. Hồi đó cô không biết chút gì về những khía cạnh kỹ thuật của việc làm một nhà thiết kế. Cô không hề biết có phòng cắt và phòng may nơi những nhà thiết kế thực thụ đưa mẫu để người ta may đồ cho họ. Nhưng tham vọng và ham muốn cháy bỏng (loại ham muốn, cô hình dung, mà hầu hết phụ nữ có với đàn ông) đã đưa cô tiến tới trước. Và rồi cô nhận được tờ séc theo đường bưu điện mệnh giá năm trăm đô la. Tất cả quần áo đã được bán. Cô mười tám tuổi, và cô đang kinh doanh.

Trong suốt những năm tuổi đôi mươi, cô cứ tiếp tục tiến. Cô và Kit đã chuyển vào một căn hộ hai phòng ngủ nhỏ xíu ở Lower East Side, trên một con phố đầy những nhà hàng Ấn Độ và tầng hầm “cửa hàng kẹo” bán ma túy. Họ cắt và may cho đến khi không thể nhìn nổi nữa. Rồi họ tới những triển lãm hội họa và câu lạc bộ đêm bẩn thỉu nơi họ nhảy tới tận ba giờ sáng. Cô hầu như chỉ kiếm đủ tiền trang trải các chi phí cho cuộc sống, nhưng không quan trọng. Cô biết mình sắp thành công lớn rồi. Còn trong lúc này, được sống ở thành phố và làm việc cô luôn mơ ước là đủ rồi.

Và rồi cô nhận được đơn đặt hàng lớn đầu tiên từ Bendel’s, một cửa hàng mua sắm nổi tiếng chuyên hỗ trợ những nhà thiết kế trẻ gặp khó khăn. Đó là một khúc ngoặt nữa – đơn đặt hàng đủ lớn để đảm bảo cho cô có được một khu vực đặc biệt trên tầng ba với tên cô và logo trên tường – nhưng có một vấn đề. Chi phí thực sự để sản xuất quần áo sẽ cần một khoản tiền mặt khổng lồ, hơn 20.000 đô, mà cô thì không có. Cô đến ba ngân hàng cố vay tiền. Nhưng ở ngân hàng nào quản lý cũng kiên nhẫn giải thích rằng để có thể vay vốn, ta phải có đồ ký quỹ, thứ gì đó cụ thể như nhà hay xe để họ có thể lấy của ta nếu ta không trả được nợ.

Cô không tìm được giải pháp cho khó khăn này, nhưng một ngày điện thoại của cô đổ chuông và đó là Myrna Jameson. Bà ta gợi ý Victory gọi cho một người đàn ông tên là Howard Fripplemeyer. Ông này là gã đê tiện, Myrna giải thích, một tay bán buôn vải đích thực. Nhưng ông ta đã làm trong ngành này ba mươi năm rồi và ông ta có thể giúp cô.

Howard Fripplemeyer là tất cả những gì Myrna đã hứa hẹn và còn tệ hơn. Cuộc gặp đầu tiên của họ diễn ra ở một quán cà phê, nơi Howard ngấu nghiến một cái sandwich thịt hun khói tẩm gia vị mà không buồn chùi vết mù tạt đọng lại hai bên khóe miệng. Quần áo ông ta màu nâu, và tóc thì thật kinh dị – ông đội mái tóc giả chòi ra từ trên trán như một tấm mái lợp. Khi ăn xong, ông ta cầm tờ Daily Newslên và mất tăm trong phòng vệ sinh năm đến mười lăm phút. Linh tính của Victory mách bảo cô nên trả tiền phần của mình rồi chạy đi, nhưng lúc đó cô quẫn bách quá.

Khi trở lại bàn, ông ta bảo ông quyết định cô là một khoản đầu tư tốt – cô có tiềm năng. Ông sẽ đầu tư 80.000 đô vào công ty cô trong năm tới. Ngược lại, ông muốn ba mươi phần trăm lợi nhuận. Với cô, có vẻ là một thỏa thuận tốt lành. Howard thật kinh dị. Và ngoài tính cách thô lỗ ra, ông ta còn có một mùi rất nặng và lạ, nhưng cô tự nhủ mình sẽ không phải ngủ với ông này. Hơn nữa, cô cần ông ta. “Để tôi lo chuyện tiền nong, cô bé,” ông ta vừa nói vừa rít điếu thuốc lá Newport thứ mười. “Cô lo chuyện thời trang. Tôi đã làm nghề này ba mươi năm. Và tôi hiểu những người làm công việc sáng tạo. Khi phải nghĩ đến tiền, cô sẽ rối tung hết cả lên.” Và cô gật đầu, nghĩ đúng vậy, đó chính xác là điều đã xảy ra.

Cô tin Howard, nhưng chỉ bởi vì cô không có đủ kinh nghiệm để mà không tin. Howard chuyển đội “hoạt động sản xuất” của cô vào một phòng lớn trong một tòa nhà trên Đại lộ 7, nơi âm thanh vọng qua các bức tường hành lang sơn màu xám công nghiệp, và phòng vệ sinh nữ cần có chìa khóa mới vào được. Đó là một tòa nhà đầy những nỗi tuyệt vọng, sự hứa hẹn và giấc mơ sẽ không bao giờ được toại nguyện. Nhưng sau khi làm việc trong căn hộ nhỏ xíu của mình, cô có cảm giác như đây là một bước tiến khổng lồ.

Và quần áo của cô bán được. Howard bảo cô công ty sẽ kiếm được 200.000 đô năm đó, một con số khiến cô choáng váng. “Dĩ nhiên đó là trước khi cô trừ đi tám mươi ngàn cộng với ba mươi phần trăm của tôi. Vậy là sáu mươi ngàn cộng tám mươi ngàn – một trăm bốn mươi ngàn.” Chuyện này nghe có vẻ không hợp lý lắm, nhưng cô nhát quá không dám cãi lại.

“Ông ta đang lừa cậu!” Kit nói. Có một phụ nữ sống kế bên nhà họ là giám đốc ngân hàng, và một tối Victory giải thích tình huống với bà. “Không ai làm ăn như thế cả,” bà này vừa nói vừa lắc đầu. “Hơn nữa, cô không cần ông ta. Chuyện này đơn giản thôi – chỉ là cung với cầu. Cô có thể tự mình làm được.”

Chỉ có một vấn đề duy nhất: Không thể vứt bỏ Howard được, ít nhất là về mặt pháp luật. Vì quá phấn khích khi giải quyết được vấn đề tiền nong, cô đã ký một hợp đồng với Howard, trao cho ông ta ba mươi phần trăm lợi nhuận cho đến cuối đời.

Cô sẽ kẹt với Howard và cái mùi hôi thối của ông ta vĩnh viễn. Cô không thể tin nổi mình lại ngu đến thế. Và nằm mắt mở thao láo giữa đêm, cô tự hỏi có cách nào tống khứ Howard đi ngoại trừ việc thuê ai đó giết ông ta. Nếu cô thoát được ra khỏi tình huống này, cô thề sẽ không bao giờ làm ăn chung nữa…

Và rồi Howard làm một việc kỳ quặc. Ông ta mở thêm một công ty thời trang ở tòa nhà đối diện.

Thế hơi kỳ, nhưng Victory không để tâm lắm vì thế nghĩa là Howard sẽ khuất mắt cô. Mỗi sáng ông ta đến văn phòng từ Five Towns ở Long Island, mặc chiếc áo khoác rẻ tiền và mang một hộp các tông và tờ Daily News. Chiếc hộp luôn đựng ba cốc cà phê và một chiếc bánh ngọt. Việc đầu tiên ông ta làm là gọi điện thoại, mà ông ta sẽ buôn ba tiếng đồng hồ. Rồi ông ta ra tiệm cà phê ăn bữa trưa. Howard dường như có cả một mạng lưới vô tận bạn bè buôn bán vải mà ông ta nói chuyện liên tục. Và Victory tự hỏi trong số đó có người nào làm xong được việc gì không. Cô không bận tâm về nguyên tắc lắm. Nhưng văn phòng chỉ là một phòng lớn, vì thế không có cách nào thoát khỏi Howard và những cuộc nói chuyện của ông ta. Và khi cuối cùng ông ta bỏ máy điện thoại xuống, ông xem xét các mẫu thiết kế của cô.

“Cái này không được,” ông nói. “Ai sẽ mặc nó ở Minnesota cơ chứ?”

“Howard, tôi là người ở Minnesota. Tôi đang cố thoát khỏi miền Trung Tây…”

“Để làm gì? Để cô có thể có vài bức ảnh đẹp trên Vogue? Ảnh đẹp không giúp bán quần áo, cô biết đấy. Cần thứ gì đó để mặc vào tối thứ Bảy với người yêu của cô. Đấy mới là thứ giúp bán được quần áo. Mà cũng không được hở hang quá. Đàn ông muốn thấy bạn gái mặc đồ vừa đẹp vừa kín đáo…”

“Tôi thực sự muốn thấy quần áo của tôi trên Vogue,” cô dữ dội rít lên. “Và tôi sẽ làm thế, tôi hứa với ông…”

Rồi Howard nhoài tới, bao phủ cả hai bằng cái mùi đặc trưng của ông, và mỉm cười. Răng ông ta xám xịt với lợi trắng nhởn, như thể ông ta chẳng buồn đánh răng. “Cô đã bao giờ nhìn thật kỹ những nhà thiết kế trên Vogue chưa?” ông hỏi. “Halston, Klein… ngay cả Scaasi, từng là Isaacs nhưng quyết định đánh vần tên mình ngược lại… dân Do Thái cả đấy. Cô đã bao giờ thấy một nữ thiết kế ở đó chưa? Không có đâu. Đó là bởi vì khi liên quan tới ngành thời trang, hay bất cứ cái gì quan trọng… điện ảnh, kiến trúc, hội họa – tất cả những người giỏi nhất đều là đàn ông. Và còn có một lý do cho chuyện đó…”

Howard không bao giờ nói cho cô biết lý do này là gì, một cách rõ ràng, và cô cũng chả bao giờ hỏi. Cô không muốn nghe câu trả lời của ông ta.

Thay vào đó, cô thầm nguyền rủa ông ta và quay lại tiếp tục vẽ. Một ngày nào đó… cô nghĩ. Và cô tự nhủ rằng nếu cô giúp cho Howard kiếm đủ tiền, có lẽ ông ta sẽ đi và để cô yên.

Rồi một ngày ông ta làm thế thật. Buổi sáng hôm đó ông không xuất hiện, và cuối cùng có mặt vào lúc bốn giờ chiều. Việc này tiếp tục trong vài tuần, và Victory vô cùng biết ơn không phải gặp gỡ ông ta hàng ngày đến nỗi cô không buồn hỏi tại sao. Nhưng cô nhận thấy dù cô làm việc muộn thế nào, Howard cũng luôn có mặt ở văn phòng khi cô về.

Vài tuần sau cô tình cờ gặp Myrna Jameson trên phố. “Vậy là tôi thấy Howard đã đưa đồ của cô vào Dress Barn,” bà ta nói.

Victory ngạc nhiên nhìn bà ta, lắc đầu và nghĩ chắc hẳn Myrna nhầm.

“Chắc phải là cửa hàng mua sắm nào đó. Có lẽ là Bloomingdale’s…”

“Cưng ơi,” Myrna cười hô hố, cầm lấy cổ tay Victory. “Tôi biết đồ của cô. Dù ở đâu tôi cũng nhận ra mẫu thiết kế của cô. Đó là nghề của tôi mà, không nhớ sao?”

“Nhưng không thể thế được,” Victory phản đối.

Myrna giơ tay lên ngăn lại. “Tôi biết mình thấy gì. Tôi đến Dress Barn ở Five Town hôm Chủ nhật rồi và họ có cả một giá treo toàn váy giống hệt đồ của cô. Thậm chí họ còn có cả găng tay đăng ten với nơ bằng nhung… Thế cái công ty mới mà Howard khởi sự ở số 1411 đối diện là sao đấy?”

Victory đờ đẫn lắc đầu. Ở Garmen District, mọi người chỉ dùng số khi nhắc đến các tòa nhà, và số 1411 Broadway là tòa nhà bình dân nhất trong khu vực. Rất nhiều vải vóc quần áo được bán đấu giá cho các nhà bán lẻ dây chuyền thương mại như nô lệ. Tòa nhà này là đứa con ghẻ xấu xí của ngành đến nỗi không ai muốn nói về nó. Lòng cô tràn ngập cảm giác sợ hãi. Cám ơn Myrna xong, cô chạy băng qua đường, tránh xe cộ. Không thể thế được, cô nghĩ. Ngay cả Howard cũng không ngu đến nỗi lén bán đồ của cô ở 1411. Như thế sẽ hủy hoại tên tuổi của cô và đầu tư của ông ta, và không hợp lý chút nào. Cô đã kiểm tra bảng kiểm kê hàng trong kho tháng trước, và không có gì có vẻ sai cả…

Không thể thế được, cô nghĩ, cố gắng trấn an mình.

Sảnh tòa nhà 1411 ngập ngụa dầu mỡ từ hàng nghìn túi đồ mua mang về được chuyển vào hành lang từ bảy mươi năm qua. Trên tường là danh sách các công ty trong tòa nhà, nhưng Victory không biết mình đang tìm cái gì. Howard có thể đặt bất cứ cái tên nào cho công ty mới của ông ta. Và ông ta chắc là đủ thông minh để không dùng chính tên mình. Cô quyết định đi thẳng lên tầng hai nơi diễn ra đấu giá. Và quả đúng như cô đã sợ, giữa căn phòng thênh thang đầy những giá quần áo đang đợi đến lượt đem ra bán, cô tìm thấy hai giá đồ nhái y hệt thiết kế của cô. Cô vừa sờ chất vải vừa run lẩy bẩy – sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ những bộ quần áo này được may bằng chất liệu rẻ tiền sẽ tung hết cả ra sau ba bốn lần mặc và sẽ co lại khi là khô. Cô lật đường viền lên và thấy mũi may không đều và còn chưa may xong. Rồi cô xem nhãn hiệu. Trademark của cô là một hình vuông màu hồng có chữ “Victory Ford” khâu bằng mấy chữ cái lởm chởm không đều. Nhãn hiệu trên đám đồ nhái rẻ tiền này cũng gần giống như vậy, khác biệt duy nhất là ở tên thật, viết là “Viceroy Fjord.”

Cô thả bộ váy xuống như thể nó bị nhiễm bệnh, và lùi lại, kinh hoàng lấy tay che miệng.

Cô cúi gập người đau đớn. Ông ta thậm chí còn không buồn đổi cái tên. Hẳn ông ta nghĩ cô là một con ngốc. Ông ta thực sự nghĩ cô sẽ để cho ông ta thoát vụ này à? Rõ ràng là ông ta nghĩ thế. Ông ta chắc hẳn nghĩ cô là một con nhóc ngu xuẩn làm bất cứ điều gì ông ta muốn, một người ông ta lợi dụng và tước đoạt và rồi vứt bỏ mà không gặp bất cứ hậu quả gì.

Ông ta hơi bị nhầm đấy.

Đột nhiên cô giận điên lên. Ông ta đã cướp đứa con của cô, và cô sẽ giết ông ta. Không. Cô sẽ nghiền nát ông ta trước, rồi giết. Chơi cô một vố là một chuyện, cô quyết định, nhưng chơi việc làm ăn kinh doanh của cô là việc khác.

Những cảm xúc này hoàn toàn mới vẻ với cô. Cô không hề biết mình có thể nổi giận đến thế. Như thể được hoa tiêu dẫn đường tự động, cô quay lại sảnh, tìm thấy tên “công ty mới” của ông ta, và tiến thẳng đến cửa. Howard đang ngồi gác chân lên cái bàn sắt, nhét gì đó có vẻ toàn là vụn bánh vào miệng, và nói chuyện điện thoại. “Cái gììì?” ông ta nói, như thể phát cáu vì bị cô làm gián đoạn.

“Đồ chó đẻ!” cô hét lên từ tận lồng ngực mình, vơ tờ báo trên bàn của ông ta và ném xuống sàn.

“Cái quái gì,” ông ta gào lên, và nói vào ông nghe, “tôi gọi lại sau.”

“Sao ông dám?” cô hét lên, tiến thẳng về phía ông ta như thể chuẩn bị đánh ông ta đến nơi, và ước gì mình là đàn ông để có thể đánh được. “Tôi thấy đống quần áo kia rồi. Ở tầng hai…” Nhưng trước khi cô kịp nói tiếp, ông ta nhảy dựng lên và cắt lời cô. “Sao cô dám?” ông quát lại, chỉ vào cô như thể ông ta là bên bị hại. “Cô đừng có mà bước chân đến văn phòng tôi mà hét lên một lần nữa.”

Việc ông ta tự bênh vực chính mình khiến cô bị sốc. Và cô há rồi ngậm miệng lại, đột nhiên không biết phải nói gì.

“Tôi thấy mấy bộ đồ đó…”

“Ừ? Rồi sao?” ông nói, cúi xuống nhặt tờ báo. “Cô thấy vài bộ đồ. Rồi cô đến đây, hét lên như một con điên…”

Cơn giận của cô lại bùng lên. “Ông ăn cắp thiết kế của tôi,” cô hét. “Ông không được phép làm thế. Ông đừng có mà lừa tôi.”

Ông ta nhăn mặt vẻ ghê tởm. “Cô điên rồi. Ra khỏi đây.”

“Ông không thể làm thế!”

“Không thể làm gì?” Ông ta nhún vai khinh miệt. “Ngành này tất cả chỉ là sao chép – ai chả biết điều đó.”

“Để tôi giải thích cho ông điều này, Howard,” cô đe dọa. “Ông đừng có giỡn mặt với tôi. Và ông đừng có nghĩ sẽ có thêm một xu nào từ những đồng lợi nhuận khó nhọc lắm mới kiếm được của tôi…”

“Ồ vậy sao?” ông ta nói, mặt đỏ bừng. Ông bước lại chỗ cô và nắm tay cô, kéo ra cửa. “Tôi có tờ giấy cô đã ký viết khác đấy. Vì thế đừng có mà nghĩ đến chuyện đó.” Và giây tiếp theo, cô đột nhiên thấy mình đứng ngoài hành lang còn Howard đóng sầm cửa vào mặt cô.

Mọi mạch máu trong đầu cô đập phập phồng vì tức giận và nhục nhã. Trong vài giây cô choáng váng đứng ở hành lang, không hiểu nổi chuyện gì vừa mới xảy ra. Lẽ ra Howard phải sợ cô. Ông ta làm sai, và lẽ ra ông ta ít nhất cũng phải có được sự tử tế để mà trông có vẻ sợ hãi. Nhưng thay vào đó, ông ta xoay chuyển tình thế biến cô thành con yêu tinh, một mụ điên. Và đột nhiên cô nhận ra mình mất tất cả quyền lực đúng vào giây phút bắt đầu hét lên.

Và mẹ nó chứ, giờ ông ta biết là cô biết. Bước lại chỗ thang máy, cô nhấn nút vài lần, hoảng loạn muốn biến khỏi tòa nhà này. Cô không muốn Howard ra khỏi văn phòng của ông ta và thấy cô ở đó – cô chưa sẵn sàng cho một trận đối đầu nữa. Lẽ ra cô nên giữ im lặng về việc ông ta đang lừa cô cho đến khi cô có được vài thông tin để biết phải làm gì. Cửa thang máy cuối cùng mở ra. Và cô bước vào, dựa lưng vào tường, mắt ngân ngấn ngước. Thế là không công bằng. Cô đã dành cả đời mình làm việc như điên để cố tạo tên tuổi và công ty, nghĩ rằng mình sẽ được tưởng thưởng vì đã làm việc tốt. Và tất cả những gì xảy ra là một thằng tởm lợm nào đó đã đến và lừa đảo cướp sạch của cô. Cô không thể để cho lão ta thoát được.

“Cô phải thôi cư xử như một bé gái và trưởng thành lên đi,” bà bạn chủ ngân hàng của cô khuyên. “Cô là một nữ doanh nghiệp. Cô không đối đầu một cách cá nhân với thằng chó này. Cô đặt tiền vào miệng cô. Cô kiện đi. Đưa lão ta ra tòa và kiện cái thằng chó đẻ đó.”

“Tôi không thể thuê luật sư được,” cô nói. “Thế rẻ tiền quá.” Nhưng rồi cô nghĩ đến chuyện đó. Nếu muốn sống sót trong ngành này, cô cần phải gửi một thông điệp cho ngành thời trang: Nếu bạn giỡn mặt với Victory Ford, cô ấy sẽ trả thù. Sẽ có hậu quả.

Cô nhờ Kit giả làm người nhập hàng cho một cửa hàng bán lẻ, và cử cô đến gặp Howard ở Viceroy Fjord. Kit giả vờ rất thích đồ và chụp vài tấm ảnh bằng máy ảnh Polaroid. Rồi Victory chụp ảnh những mẫu thiết kế của cô. Cô tìm một luật sư thông qua Myrna, bà này cảm thấy rất tệ với chuyện đã xảy đến với cô.

Ba tháng sau cô gặp lại Howard ở tòa. Ông ta vẫn bốc mùi và ăn mặc xấu xí như trước, và tuyệt đối thản nhiên, như thể chuyện kiểu này xảy ra với ông ta suốt. Cô đặt những tấm ảnh chụp đồ của Howard cạnh những ảnh chụp mẫu thiết kế của cô. Và khi thẩm phán nghỉ giải lao để đưa ra phán quyết, luật sư của Howard đã đồng ý dàn xếp. Nếu cô trả lại cho Howard 80.000 đô của ông ta, họ sẽ từ bỏ ba mươi phần trăm, và cô được tự do.

Cô nhẹ nhõm hết cả người. Đó là một cái giá nhỏ phải trả cho một sai lầm ngu xuẩn trong làm ăn. Nhưng cô đã học được bài học quan trọng: Người mà mình làm ăn cùng cũng quan trọng không kém chính công việc làm ăn. Đó là bài học mà nhà thiết kế nào cũng phải học một cách rất nghiệt ngã, bởi chắc chắn người ta không dạy điều đó ở trường thiết kế thời trang…

Điện thoại bắt đầu đổ chuông và làm gián đoạn sự mơ màng của cô. Victory ngay lập tức thấy sợ hãi. Có lẽ là tin xấu. Tất cả những gì xảy đến với cô trong ba tuần qua là hết tin xấu này đến tin xấu khác, hợp lại thành thảm họa. Cô nghĩ đến việc không trả lời điện thoại, nhưng quyết định thế là hèn nhát. Một trong những trợ lý của cô, Trish, gọi từ xưởng thiết kế.

“Ông Ikito gọi ba lần. Ông ấy nói việc khẩn. Tôi nghĩ có lẽ chị muốn biết.”

“Cám ơn cô. Tôi sẽ gọi lại cho ông ấy luôn.” Cô đặt điện thoại xuống và khoanh tay quanh ngực như thể bị lạnh. Cô sẽ nói gì với ông Ikito đây? Cô đã cố tránh mặt ông hơn một tuần rồi, viện cớ là cô đi du lịch. Nhưng khi đụng đến chuyện làm ăn, người Nhật cực kỳ dai dẳng muốn làm cho bằng được. “Tôi thích cô – cô quyết định nhanh chóng,” ông Ikito đã nói với cô năm năm trước khi họ mới bắt đầu làm việc với nhau. Tuy nhiên, ông Ikito muốn kiếm tiền. Và ông sẽ bỏ cô ngay lập tức nếu cảm thấy đồ của cô không bán được. Nhưng giải pháp ông ta đưa ra để khắc phục khó khăn thì cô lại không thể chịu đựng nổi.

Thời trang Victory Ford không phải là một công ty lớn so với những dòng sản phẩm của Ralph Lauren hay Calvin Klein. Nhưng trong năm năm kể từ khi cô bắt đầu làm ăn với người Nhật, nó đã phát triển thành một tập đoàn nhỏ, mở rộng hơn rất nhiều cái doanh nghiệp một người bé tí mà cô điều hành ở căn hộ của mình. Cô có tám mươi ba cửa hàng ở Nhật. Và năm nay, cô và ông Ikito sẽ mở rộng sang Trung Quốc, một mặt trận lớn với những khách hàng tiềm năng. Ông Ikito được phép sử dụng các thiết kế của cô – bao gồm không chỉ quần áo, mà còn túi xách, giày, kính râm, và những đồ phụ kiện khác – và đích thân sản xuất chúng ở Nhật, trả chi phí sản xuất và cho cô một phần trăm lợi nhuận. Làm ăn cùng với ông Ikito, hiện giờ công ty cô có tổng thu nhập một năm gần năm triệu đô.

Ông Ikito không thích dòng sản phẩm mùa xuân – thực ra ông ghét nó. Và vì vậy, hai ngày sau show diễn, cô đã bay tới tận Tokyo để gặp mặt, để rồi hóa ra là một vụ nhục nhã lớn. Ông Ikito mặc đồ tây, nhưng vẫn dùng cách làm ăn của người Nhật – ngồi trước một cái bàn gỗ thấp trên đó họ được mời dùng trà theo nghi lễ truyền thống – trong khi ông lật xem tập thiết kế cho mùa xuân. Ông có dáng người nhỏ nhắn, lùn, tóc xám với một cái miệng như miệng cá trê. “Cô Victory. Chuyện gì xảy ra với cô vậy?” ông hỏi, lật các trang với vẻ ghê tởm. “Cô lấy những ý tưởng này ở đâu ra? Thế này không giống cô. Và ai sẽ mặc những bộ đồ này? Không phụ nữ nào lại mặc váy dài vào mùa xuân cả. Không phải là quần áo vui vẻ, phóng túng. Phụ nữ muốn khoe chân.”

“Ông Ikito,” cô nói, cúi đầu biểu thị sự kính trọng (cô ghét phải làm thế này, nhưng việc tôn trọng phong tục làm ăn nước ngoài rất quan trọng), “tôi đang cố làm cái gì đó mới mẻ. Tôi cố phát triển. Mở rộng. Là một nhà thiết kế…”

“Sao cô lại muốn làm thế?” Ông Ikito kinh hãi hỏi. “Cô thành công lớn. Cô biết câu người ta nói ở Mỹ – nếu không vỡ, thì đừng sửa chữa.”

“Nhưng tôi đang cố trở nên tốt hơn. Trở thành nhà thiết kế xuất sắc nhất.”

“Ồi!” Ông Ikito nói, vẫy tay trước mặt như thể đuổi một con côn trùng. “Ở New York các người lúc nào cũng nghĩ đến cái tôi. Ở đây, Nhật Bản, chúng tôi nghĩ đến việc kinh doanh.”

“Tôi đang nghĩ đến việc kinh doanh,” Victory phản đối quyết liệt nhưng nhã nhặn. “Nếu tôi tồn tại được với tư cách nhà thiết kế trong một khoảng thời gian dài, tôi cần phải mở rộng các mẫu thiết kế của mình. Để cho thấy rằng tôi có thể làm y phục sang trọng…”

“Cô muốn làm thế để làm gì?” Ông Ikito hỏi. “Y phục sang trọng không bán được nhiều. Mọi người đều biết điều đó. Năm năm trước, cô bảo muốn kiếm hàng triệu đô la…”

“Giờ tôi vẫn muốn…”

“Nhưng giờ cô đang cố là Oscar de la Renta. Hay có lẽ là Ngài St. Laurent,” ông Ikito tiếp tục, cắt lời cô. “Thế giới không cần St. Laurent. Thế giới cần Victory Ford.”

Thật thế không? Victory nghĩ, nhìn xuống ly trà.

“Ở đây chúng tôi không có cửa hàng Oscar nào cả. Được rồi, ở Tokyo chúng tôi có một cửa hàng. Nhưng Victory Ford, ở riêng Nhật mà thôi, cô đã có tới tám mươi ba cửa hàng. Cô hiểu tôi đang nói gì chứ?” Ông Ikito hỏi.

“Vâng, nhưng ông Ikito…”

“Tôi đã có câu trả lời,” ông Ikito nói. Ông vỗ tay, và thư ký của ông (Victory ngờ rằng mọi người đều coi cô ta là trợ lý) kéo cánh cửa và chắp hai tay lại cúi đầu, hỏi bằng tiếng Nhật, “Vâng, thưa ngài Ikito?”

Ông Ikito nói gì đó với cô ta bằng tiếng Nhật. Cô ta gật đầu và khẽ kéo cửa lại. Ông Ikito quay lại với Victory. “Cô sẽ cảm ơn tôi. Cô sẽ nói, ‘Ông Ikito, ông ấy là một thiên tài!’”

Victory gượng gạo cười. Cô cảm thấy tội lỗi ghê gớm, như thể cô là đứa trẻ đã làm gì đó cực kỳ sai trái. Ừ, mà đúng thế thật. Cô đã làm ông Ikito thất vọng. Cô không bao giờ muốn làm ai thất vọng cả. Cô muốn ai cũng yêu cô, ca ngợi cô và xoa đầu cô như cô là một đứa bé ngoan. Tại sao, cô tự hỏi, dù cô có thành công đến mức nào, cô cũng không thoát khỏi cái bản năng khúm núm trước quyền lực của đàn ông? Cô là một phụ nữ trưởng thành có công ty riêng mà cô khởi sự từ không gì cả ngoài sự sáng tạo của riêng mình. Cô thậm chí đã có một thẻ American Express đen. Nhưng giờ cô ở đây, ngồi tê cả chân với ông Ikito, đợi giải pháp của ông ta. Trong khi lẽ ra cô phải bảo ông ta rằng cô muốn làm gì. Nhưng cô không dám xúc phạm ông. Sao cô không thể giống như Nico? cô tự hỏi. Nico sẽ nói, “Ông Ikito, bản chất vấn đề chỉ có vậy. Chấp nhận hoặc bỏ…”

Và rồi ông Ikito làm một việc khiến bụng cô nhói lên. Ông cầm ấm trà lên, và giơ tay lên trên, rót thêm trà cho cô.

Victory căng thẳng nuốt nước bọt. Vào giây phút đó, cô biết rằng mình sẽ không thích “giải pháp” của ông Ikito. Ở Nhật, rót trà cho ai đó có rất nhiều ẩn ý. Nhưng trong trường hợp này, đó là hành động hòa giải, một sự chuẩn bị cho tin không dễ chịu.

Ông Ikito cầm ly trà lên và nhấp một ngụm, nhìn cô với vẻ bảo rằng ông muốn cô cũng làm tương tự.

Trà nóng và miệng cô hơi bị bỏng, nhưng trông ông Ikito hài lòng vì cô đã làm theo. Rồi cửa lại kéo ra và một phụ nữ Nhật trẻ mặc bộ vest màu xanh nước biển bước vào.

“A! Cô Matsuda!” Ông Ikito kêu lên.

“Chào buổi sáng, ông Ikito,” phụ nữ trẻ đó nói, cúi đầu chào ông. Giọng cô hơi có kiểu tiếng Anh của người Anh, và Victory đoán cô ta đã đi học ở Anh, có lẽ là Oxford.

“Cô Victory Ford,” ông Ikito nói. “Gặp nhà thiết kế mới của cô. Cô Matsuda.”

Victory nhìn từ cô Matsuda tới ông Ikito, ông này đang mỉm cười rạng rỡ. Đột nhiên cô thấy nôn nao, nhưng cô lịch sự giơ tay ra.

Sẽ không có chuyện cô đồng ý làm theo việc này.

“Tôi rất thích quần áo chị thiết kế,” cô Matsuda nói, ngồi xuống chỗ giữa sàn và cái bàn cạnh cô. “Được làm việc với chị thật là một vinh dự.”

Chúng ta vẫn chưa khẳng định là sẽ làm việc cùng nhau, Victory muốn nói, nhưng cổ họng cô tự dưng khô cứng và cô không nói nổi. Cô nhấp một ngụm trà, và bình tĩnh trở lại.

“Cô Matsuda là một nhà thiết kế rất giỏi,” ông Ikito nói, nhìn từ người phụ nữ này sang người kia. “Cô ấy vẽ những mẫu thiết kế mới giống như những mẫu thiết kế cũ của Victory Ford. Dĩ nhiên là chỉ khi cô đồng ý những mẫu đó. Chúng ta tiếp tục làm ăn và mọi người vui vẻ cả.”

Victory ho vào tay. “Tôi chắc là cô Matsuda là một nhà thiết kế rất giỏi,” cô thận trọng nói, không muốn bác bỏ lời đề nghị này ngay lập tức. “Nhưng tôi phải xem bản vẽ của cô ấy đã. Trước khi chúng ta quyết định bất cứ điều gì,” cô nói thêm.

“Cô sẽ được xem tất cả bản vẽ cô muốn,” ông Ikito nói, xòe rộng hai tay ra. “Cô ấy giỏi, cô sẽ thấy. Cô ấy sao chép tất cả mọi người. Cô ấy vẽ đồ Ralph Lauren còn giỏi hơn cả chính Ralph Lauren.”

Victory chỉ nghĩ duy nhất một việc là cô phải ra khỏi đây. Cô tức giận và cảm thấy nhục nhã, nhưng có lẽ đây chỉ là cái tôi. Và khi liên quan đến chuyện làm ăn, đôi lúc ta thấy mình sống được với những ý tưởng thoạt đầu nghe có vẻ đáng khinh – nếu ta cho mình đủ thời gian để ngẫm ngợi về chúng và quên đi sự sỉ nhục ban đầu. Vấn đề quan trọng ngay bây giờ là không phản ứng lại và gây ra mối bất hòa không thể hàn gắn được.

Cô đứng dậy.

“Cảm ơn ông, ông Ikito, vì giải pháp tử tế của ông,” cô nói. “Tôi có một cuộc gặp khác. Sau bữa trưa tôi sẽ gọi cho ông.”

Việc này rất mạo hiểm, bởi ông Ikito mong đợi cô ở lại chừng nào ông ta thấy cần thiết. Ông cau mày. “Cô không thích giải pháp này?”

“Ồ không, nó là một giải pháp rất tốt,” cô nói, tiến ra cửa đầu vẫn cúi liên tục như một con rối. Nếu cô cứ cúi đầu mãi, có lẽ ông Ikito sẽ không nhận thấy cô vội vã ra về. Hay ít ra không coi đó là một sự sỉ nhục hoàn toàn.

“Cô phải quyết định,” ông ta nói. “Đó là một lời đề nghị rất tốt.”

“Vâng, ông Ikito. Rất tốt,” cô nói. Cô với tay kéo cánh cửa qua một bên, rồi vẫn cúi đầu, bước lùi ra ngoài.

“Tạm biệt,” cô Matsuda nói, khẽ vẫy tay với cô.

Thực sự tạm biệt, Victory nghĩ, mỉm cười.

Không may là, chuyện này làm mọi chuyện càng thêm tệ.

Cô không thể chấp nhận để tên mình lên những mẫu thiết kế không phải của cô – hay là được nhỉ, cô nghĩ, bước ra vỉa hè đông người qua lại. Cô bắt đầu bước về phía khách sạn của mình, nghĩ rằng đi bộ sẽ giúp cô thoát khỏi cảm giác ngột ngạt này. Nhưng tiếng ồn và con người và xe cộ và những tòa nhà cao vút lên bầu trời chỉ khiến cô thấy tệ hơn. Và cuối cùng cô gọi một chiếc taxi. Cửa mở ra và cô ngả người ra băng ghế sau. “Khách sạn Hyatt Tokyo,” cô yếu ớt nói.

Trong phòng cô, tình hình còn tệ hại hơn. Phòng khách sạn ở Tokyo khét tiếng là nhỏ, và bình thường cô đăng ký phòng suite nhỏ ở khách sạn Four Seasons, không bận tâm đến phụ phí. Nhưng lần này, như để tự trừng phạt, cô vào một phòng nhỏ xíu ở khách sạn Hyatt với giường đôi cứng (người Nhật có những ý tưởng hoàn toàn khác về sự dễ chịu) choán chỗ cả căn phòng. Cô vào phòng tắm (lại một không gian nhỏ tin hin cỡ bằng tủ quần áo ở thành phố New York), và thấm ướt khăn mặt bằng nước lạnh rồi phủ lên mặt mình. Chiếc khăn khô cứng và không thực sự thấm nước lắm. Cô bỏ xuống và nhìn nó bật khóc.

Mọi chuyện luôn có vẻ là vậy, cô tự nhắc mình. Lúc khởi nghiệp, có vẻ như lúc nào cô cũng khóc rồi quay lại làm việc. Làm việc, khóc, làm việc, khóc, làm việc, khóc, cô nghĩ.

Vẫn nức nở, cô vào phòng chính và ngồi xuống cái giường cứng ngắc. Cô tưởng tượng hầu hết mọi người sẽ rất sốc khi biết cô đã tốn bao nhiêu thời gian vào việc khóc lóc. Vì con người cô trước đám đông rất điềm tĩnh, và vui vẻ, cực kỳ lạc quan, luôn tin rằng rồi mọi thứ sẽ ổn thỏa và rằng một cơ hội mới đầy phấn khích lấp ló ngay kia thôi. Cô chưa bao giờ khóc trước mặt bất cứ ai (mặc dù trợ lý từng bắt gặp khuôn mặt sưng húp lên của cô. Cô luôn giả vờ rằng chẳng có chuyện gì cả). Vậy mà cô không kiểm soát nổi chính mình. Việc giải tỏa cảm xúc rất quan trọng – nếu không cuối cùng ta cũng thành loại nghiện ngập…

Rồi cô nằm ngửa ra giường, đờ đẫn nhìn lên sàn nhà, chỉ cao chừng bảy feet. Cô muốn gọi cho ai đó – Nico hoặc Wendy, hoặc bạn trai hay người yêu, mà lúc này cô không có – hay bất cứ ai nghe nỗi đau của cô và bảo cô rằng cô rất tuyệt vời và khiến cô thấy dễ chịu hơn – nhưng chẳng có ai để gọi cả. Vì vậy cô nghĩ sẽ tự mình giải quyết việc này ra sao. Và cô đã luôn tự lo liệu mọi việc và vượt qua được tất cả.

Chiều hôm đó cô không gọi cho ông Ikito. Cô đợi đến sáng hôm sau, rồi cô đón một chuyến bay về Los Angeles. Cô bảo ông rằng cô cần vài ngày để nghĩ về giải pháp của ông. Rồi cô cứ nấn ná không chịu quyết định, tập trung vào việc đang xảy ra ở các cửa hàng bán sản phẩm của cô ở Los Angeles, Dallas, Miami và Chicago. Và ở mọi nơi cô đều nhận một phản ứng giống hệt nhau: Dòng sản phẩm mùa xuân rất “thú vị.” Nhưng cô đã thiết kế vài mẫu khác, vài mẫu bình thường cho các cửa hàng, phải không nhỉ? Không, cô không thiết kế. Vậy ở New York, mọi người phản ứng thế nào? Bergdorf có nhận dòng sản phẩm này không?

Họ có, cô đảm bảo với mọi người, và Barney cũng nhận. Nhưng điều cô không đề cập là họ chỉ lấy có vài mẫu. Những mẫu truyền thống nhất. Theo lời những người mua thì chúng “lạc quan đầy hy vọng.” Nhưng sẽ chẳng ích gì nếu họ mua hàng rồi cuối cùng lại phải bán giảm giá tám mươi phần trăm.

Mẹ kiếp chứ, lúc này cô nghĩ, nhìn cái điện thoại khi đặt lên lại bệ lò sưởi. Mọi người bị làm sao thế? Sao họ lại sợ hãi đến thế? Cô không quan tâm mọi người nói gì. Cô biết dòng sản phẩm mùa xuân là thứ đẹp nhất cô từng thiết kế. Nó lệch hướng hoàn toàn. Nhưng nó chính xác là thứ cô đã tưởng tượng, kể từ khi cô bắt đầu nghĩ đến nó một năm trước. Và sự thật là, cô đã mong đợi những bài phê bình hoành tráng. Cô đã mong đợi được ca ngợi và được mọi người nhắc đến. Cô không bao giờ thú nhận với bất kỳ ai. Nhưng có những giây phút cô đã tưởng tượng rằng bộ sưu tập này sẽ đưa cô lên một vị thế mới và có lẽ đảm bảo vị trí của cô trong lịch sử thời trang. Khi chết, cô muốn mọi người nói về cô: “Cô ấy là một trong những nhà thiết kế người Mỹ vĩ đại nhất.”

Được rồi, cô sẵn lòng sống không có được điều đó. Nhưng thế không có nghĩa là cô không nên cố thử. Nhưng thành công là vậy đó: Một khi bạn đã nếm trải nó, bạn muốn được hơn nữa, hơn nữa. Và không có gì giống với thành công ở thành phố New York. Bạn được ngưỡng mộ, được yêu quý, và mọi người có phần kính sợ. Thành công đi liền với sự an toàn và được đảm bảo. Trong khi thất bại thì…

Cô lắc đầu. Cô sẽ không nghĩ đến chuyện đó. Không ai đến thành phố New York để thất bại cả. Họ đến để thành công. Trước đây cô đã như thế này rất nhiều lần rồi, trên bờ vực thất bại. Và mỗi lần như thế, sự sợ hãi đều khiến cô cố gắng dữ dội hơn nữa. Nhưng trong quá khứ, nó không quan trọng nhiều đến thế: cô không có nhiều để mất. Giờ thì giữ bình tĩnh là việc sống còn. Cô không được nổi đóa. Cô phải bình tĩnh và tiếp tục như không có chuyện gì xảy ra và cô không bị tổn thương và mọi thứ rồi sẽ ổn.

Cô sẽ phải gọi cho ông Ikito. Nhưng cô sẽ nói gì đây?

Cô sẽ không để cho tác phẩm của mình bị kẻ khác tước đi và làm lại như thể cô là một kịch bản gia Hollywood nào đó. Cô sẽ không để bị đùa bỡn như thế. Và nếu tin này lọt ra ngoài rằng cô đã không thiết kế dòng sản phẩm ở Nhật, nó sẽ phá hủy chữ tín mà cô đã phải nỗ lực rất ghê gớm để đạt được. Đây là giới hạn, và cô sẽ không bước qua. Đây là vấn đề của lòng danh dự. Và trong một thế giới nơi còn rất ít lòng danh dự trong bất cứ nghề nghiệp nào, ta phải bảo vệ vài thứ ít ỏi đích thực và đúng đắn còn lại.

Mất đi nguồn thu nhập từ nước ngoài sẽ làm tổn hại thật sự tới công ty, nhưng cô sẽ không cứ thế mà chấp nhận. Sẽ có giải pháp. Ông Ikito sẽ phải chấp nhận mẫu thiết kế của cô hoặc thôi luôn, và lẽ ra cô phải nói với ông ta như thế ngay từ lúc đầu.

Cô cầm điện thoại lên gọi cho ông ta. Và đúng lúc đó, cô nhìn thấy Giải thưởng CFDA Perry Ellis, được đặt một cách tự hào trên giữa bệ lò sưởi. Giải thưởng này đột nhiên khiến cô nghĩ thêm một lần nữa. Đó là lời nguyền, cô điên cuồng nghĩ. Lời nguyền cuối cùng đã tìm được cô. Giải thưởng Perry Ellis là giải thưởng đáng ham muốn nhất trong ngành thời trang, được trao hai năm một lần cho nhà thiết kế trẻ triển vọng nhất để vinh danh Perry Ellis, người đã chết vì bệnh AIDS vào cuối những năm 1980. Đạt được giải thưởng này tạo nên sự nghiệp cho nhà thiết kế trẻ, đưa anh ta hay cô ta vào tâm điểm chú ý. Nhưng cũng có tin đồn về mặt trái của nó: Vài nhà thiết kế giành được giải thưởng này đã bị sập tiệm. Là một trong rất ít phụ nữ từng đạt giải thường này, cô đã đùa rằng là một phụ nữ cho phép cô thoát khỏi lời nguyền đó. Nhưng cuối cùng có lẽ điều đó không đúng – và đột nhiên cô thấy cuộc đời trải ra phía trước mặt mình. Cô trên đà xuống dốc. Hai mùa tiếp theo phản ứng của công chúng sẽ y hệt như mùa xuân. Những đơn đặt hàng của các cửa hàng sẽ giảm dần. Mọi người sẽ thôi không mua quần áo của cô nữa. Trong một năm rưỡi cô sẽ phá sản và ra ngoài đường. Và cô sẽ phải quay về quê, độc thân, và thất bại ở tuổi bốn mươi ba…

Điện thoại trong tay cô đột ngột đổ chuông và cô giật bắn cả mình, vội vàng nhấn nút nghe. Giọng phụ nữ ở đầu dây bên kia nghe rất lạ. “Cô Victory Ford à?” cô ta hỏi.

“Vâng tôi đây,” Victory thận trọng nói, nghĩ chắc là người mua bán hàng qua điện thoại.

“Xin chào, tôi là Ellen từ văn phòng của Lyne Bennett.” Cô ta dừng lại, như thể để người nghe tiếp nhận được thông tin rằng nhà đại tỷ phú Lyne Bennet đang gọi, và Victory suýt phá lên cười. Vì lý do quái quỷ gì mà Lyne Bennett lại gọi cho cô nhỉ? Cô băn khoăn. “Tôi biết chuyện này khá bất ngờ, nhưng ông Bennett tự hỏi liệu cô có thể gặp ông vào tối thứ Năm tuần này vào lúc sáu giờ được không?”

Lần này thì Victory cười thật. Loại đàn ông gì mà lại sai thư ký mời người khác đi hẹn hò hộ mình? Nhưng cô không được đi đến kết luận vội vàng. Có lẽ không phải là một cuộc hẹn hò – cô đã gặp Lyne Bennett vài lần mấy năm qua và ông ta chưa bao giờ để ý tới cô. “Cô có phiền nếu tôi hỏi tại sao không?” cô nói.

Ellen nghe có vẻ xấu hổ và ngay lập tức Victory thấy tội nghiệp cho cô ta. Làm cái nghề khổ thật. “Tôi nghĩ ông ấy… muốn biết thêm về cô. Tôi chỉ biết là ông ấy bảo tôi gọi cho cô và xem cô có gặp ông ấy không.”

Victory nghĩ trong một giây. Những người đàn ông giàu như Lyne Bennett chưa bao giờ quan tâm tới cô cho lắm. Nhưng mặt khác, cô cũng không phải là loại bị họ cuốn hút. Cô quá hoang dã và thẳng thắn để mà chơi trò săn một chú giàu có. Và cô chưa bao giờ tin cái ý tưởng rằng tiền của một người đàn ông giàu có là giải pháp cho những khó khăn của một phụ nữ. Bằng việc Lyne Bennett đã bận tâm tìm cô, nghĩa là ông ta có thể khác biệt. Và căn cứ vào tình huống hiện tại của mình thì tỏ ra thân thiện cũng chả mất mát gì.

“Tôi sẽ rất vui được gặp ông ấy, nhưng tôi phải đến buổi khai mạc của Whitney Biennial thứ Năm này,” cô nói. “Tôi không biết liệu ông Lyne Bennett có thích hội họa không…”

“Ông ấy rất thích,” Ellen nói, nghe có vẻ nhẹ nhõm. “Ông ấy có một trong những bộ sưu tập quan trọng nhất trên thế giới…”

Victory mỉm cười, tự hỏi mình đang nghĩ gì. Đương nhiên là Lyne Bennett “thích” hội họa. Ông ta là tỷ phú mà, đúng không? Và điều đầu tiên mà đàn ông làm khi họ có tiền (dĩ nhiên là sau khi hẹn hò với siêu mẫu) là đánh bóng những rìa ngoài thô ráp về nghệ thuật và văn hóa của mình .

Victory gác máy, đột nhiên thấy hưng phấn. Cô nghĩ cú điện thoại của Lyne Bennett là một tín hiệu cho thấy có gì đó sắp sửa đổi thay. Thứ gì đó mới mẻ và thú vị sắp sửa xảy ra – cô có thể cảm nhận được nó. Cô tự tin nhìn chiếc điện thoại và nhấn số gọi sang Nhật.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN