Sắc Xuân Gửi Người Tình - Chương 5: Bà chú
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
29


Sắc Xuân Gửi Người Tình


Chương 5: Bà chú


Đến hôm thứ ba của kỳ nghỉ Quốc khánh, Trang Khiết dẫn hai em lên Bắc Kinh chơi. Trên chuyến tàu cao tốc về quê lúc chạng vạng, em gái tựa đầu vào vai cô ngủ say, còn em trai khe khẽ kể cô nghe về cuộc sống, chuyện học hành và suy nghĩ riêng của mình.

Liêu Đào rất lo lắng về Trang Nghiên. Bà thấy cậu không có chút khí khái đàn ông nào, lúc nào cũng yếu đuối đa sầu đa cảm, hễ rảnh là lại trốn tiệt trong phòng vẽ tranh, chẳng chịu ra ngoài chơi. Hơn nữa, cậu luôn muốn thi vào Đại học Mỹ thuật, chuyện này khiến Liêu Đào não hết cả ruột.

Bà không trông mong con trai thành ông nọ bà kia, chỉ muốn cậu đăng ký chuyên ngành nào thực tế một chút để sau này đủ sức nuôi thân. Nhưng cậu cứ khăng khăng đòi học Mỹ thuật, còn nhịn ăn lấy tiền mua dụng cụ vẽ và dành dụm tiền tiêu vặt đăng ký lớp học vẽ chuyên nghiệp. Khi bị Liêu Đào cắt tiền, cậu quay sang mượn lén Trang Khiết.

Liêu Đào khuyên hết nước hết cái, nói cậu là đứa con trai duy nhất trong nhà, đáng lý phải làm chỗ dựa cho chị em gái thay vì bắt chị lo cho mình, hơn nữa Trang Khiết còn là người tàn tật.

Trang Nghiên thấy mẹ nói phải, cậu vốn nên gánh vác trách nhiệm gia đình. Nhưng cố học văn hóa nửa năm, cậu chỉ thấy người mụ đi mất sạch sức sống, còn bảng điểm vốn chẳng đẹp đẽ gì cứ tụt dốc không phanh.

Trang Khiết cố ý về quê nói chuyện với em trai và bàn bạc với Liêu Đào, tính để cậu thi thử xem có đỗ trường Trung học phụ thuộc Đại học Mỹ thuật hay không, năm đó chẳng biết Trang Nghiên ăn may thế nào mà lại được nhận vào học thật.

Trang Nghiên hỏi:

– Chị ơi, tối đến chị có soi gương không?

– Có chứ, lúc nào rửa mặt chị chẳng soi.

– Ý em là soi nghiêm túc, ngắm nghía mình trong gương ấy.

– Ngắm mình làm gì?

– Hôm trước em tính vẽ một bức chân dung tự họa bèn soi gương, nhưng càng nhìn kỹ em càng thấy sợ, thế là em vứt cọ leo lên giường ngủ luôn.

– Chị à, chị thử soi gương năm phút, tập trung nhìn chằm chằm thử đi, chị sẽ phát hoảng và thấy người trong gương lạ hoắc cho mà xem.

Trang Khiết bật cười, đập nhẹ em một cái:

– Em nghĩ gì vậy hả? Không dưng lại thần hồn nát thần tính, sau này đừng có soi nữa, soi nhiều bị rối loạn thần kinh bây giờ.

Trang Nghiên cũng cười theo.

Trang Khiết nghiêm mặt bảo:

– 12 giờ đêm đừng có soi gương.

– Vì sao ạ?

– Sẽ thấy ma đó.

Trang Nghiên vội nhấc chân lên, cậu sợ ma nhất trần đời. Cậu sợ tất cả những thứ vô hình và cũng không coi phim kinh dị hay trinh thám. Thi thoảng ngồi trên bồn cầu, cậu còn sợ có bàn tay thình lình thò ra từ trong ấy nữa.

Thấy hành động của cậu, Trang Khiết cười phá lên, chê cậu nhát gan.

Trang Nghiên có tướng tá nho nhã, ăn nói lại nhã nhặn, là một cậu nhóc rất dễ mến.

Ra khỏi ga tàu cao tốc, Trang Khiết có điện thoại, là Vương Tây Hạ gọi tới bảo tối nay homestay của anh họ cô nàng có tổ chức tiệc, hỏi cô có muốn tới không.

Trang Khiết chẳng hào hứng gì, tối nay cô muốn giúp Liêu Đào đóng gà rán vào bịch hút chân không. Hà Chương Dược đã dẫn người đi sửa sang nhà xưởng và mua sắm thiết bị. Họ đã ký hợp đồng thuê nhà xưởng nên muốn tranh thủ thời gian chuyển qua đó càng sớm càng tốt.

Vương Tây Hạ bảo người mà anh họ làm mai cho mình cũng tới, nhờ Trang Khiết duyệt giúp. Trang Khiết trêu:

– Nhỡ tao thích lão kia thì sao?

– Sao là sao? Mày thích thì cứ việc nhích.

Vương Tây Hạ đáp.

– Ờ, thế mày chờ tao.

Trang Khiết nhận lời.

Vương Tây Hạ và Trang Khiết làm cùng công ty nhưng một người thuộc chi nhánh Thượng Hải, người kia thuộc chi nhánh Bắc Kinh. Đây là công ty cung cấp thiết bị y tế thuộc top 10 toàn cầu. Tuy hai người thuộc phòng ban khác nhau, nghiệp vụ phụ trách cũng khác nhưng đều là chuyên viên sales cao cấp.

Tối đến, lúc Trang Khiết sang tìm Vương Tây Hạ, đám trai gái trong homestay đang túm tụm nướng BBQ. Vương Tây Hạ lia mắt về phía một anh chàng đứng cạnh lò nướng thịt. Trang Khiết nhìn sơ rồi kéo ghế ngồi xuống kể:

– Tháng trước có người liên hệ tao bảo đồng ý trả tao lương cứng 18,000 tệ, hoa hồng thì tùy năng lực nếu tao sang làm cho họ.

– Công ty nào vậy?

Vương Tây Hạ hỏi.

– Pully.

– Ơ khéo thế, tháng trước cũng có người liên hệ tao đề nghị mức lương cứng là 20,000 tệ, cũng là Pully nốt.

Trang Khiết ấm ức hỏi:

– Ủa mắc gì tao thua mày 2,000 tệ?

Vương Tây Hạ cười nắc nẻ.

Bấy giờ anh chàng ban nãy qua đưa mấy xiên thịt vừa nướng xong cho hai người họ, nói đôi câu ngắn gọn rồi quay lại nướng thịt tiếp. Trang Khiết vừa ăn xiên nướng vừa hỏi:

– Mày có tính nhảy sang Pully không?

Vương Tây Hạ lắc đầu:

– Không.

– Tao cũng thế.

Trang Khiết quan sát người kia rồi bảo bạn:

– Tâm lý phết nha!

Xiên nướng mà anh chàng kia đưa cho hai người có quấn thêm một lớp khăn giấy ở ngoài, anh ta còn tiện thể rót nước chanh cho họ nữa.

– Thì cũng được.

Vương Tây Hạ nói.

– Lão làm nghề gì thế?

– Lính cầm cờ…

– Gì? 

Trang Khiết kinh ngạc, bất giác nhìn người nọ thêm mấy lần rồi quay sang nói:

– Xin thứ lỗi cho loại dân quê cả đời chưa được gặp nhân vật nào cộm cán cỡ này như tao, lát nữa tao phải ra xin chụp chung tấm ảnh mới được…

– Tao chưa nói xong, lính cầm cờ là em trai lão, còn lão chỉ là bộ đội xuất ngũ bình thường thôi.

Vương Tây Hạ nói.

Sẵn nhắc chuyện lính lác, Trang Khiết tiếp lời ngay:

– Hôm qua anh họ mày tới tiệm tao mua gà rán với cô vợ tên Bảo gì ấy.

Tên cô ta khó đọc quá nên cô nhất thời không nhớ đầy đủ.

– Vương Bảo Trứu hả?

– Đúng đúng, chính cô ta. Tí mày gửi Wechat cô ta cho tao với, tao có việc cần hỏi.

Trang Khiết nói.

– Ừ.

– À này, bên Ủy ban hẹn bọn mình mùng 7 ăn cơm, sao tự dưng lại đãi cơm nhỉ?

Trang Khiết gặm xiên thịt hỏi.

– Tao không biết, họ không hẹn tao.

Vương Tây Hạ thờ ơ nói:

– Anh họ chở thẳng tao về homestay, tao chưa mò ra đường nữa.

Trang Khiết gật đầu, không nói gì nữa. Chuyện của Vương Tây Hạ và Trần Chính Đông bi thảm đến mức đây là lần đầu tiên cô ấy về quê sau một năm.

Hai người đang buôn hăng say thì anh chàng được làm mai tới rủ Vương Tây Hạ ra ngoài đi dạo một lát. Anh họ hỏi cô ta:

– Em có muốn đi dạo với Thanh Hà không?

– Có ạ.

Vừa đáp xong, Vương Tây Hạ được dúi cho chiếc đèn lồng hình thỏ ngọc luôn.

Chị dâu họ bảo:

– Em đi đi, dọc sườn núi có quýt đỏ đấy, tiện thì hái mấy trái về nhé.

Lúc Vương Tây Hạ cùng người nọ đi tới cổng, Trang Khiết cũng chào ra về. Đi được mấy bước, cô ngoái lại nhìn, thấy Vương Tây Hạ xách chiếc đèn lồng trắng toát thủng thẳng đi với người kia.

Dùng giấy trắng làm đèn lồng không ổn lắm, thoạt trông cứ như đèn tang.

Nhắc đến đèn tang, cô chợt nhớ tới Trần Mạch Đông rồi bất cẩn thế nào mà bị hụt chân, suýt thì ngã chổng vó. Tuy không bị ngã nhưng cô có cảm giác phần mỏm cụt bên chân trái nhói lên.

Cô mới thay ổ cắm nửa năm trước, lúc lắp thử thấy vừa như in, nhưng mấy hôm nay lại thấy khó chịu, không được khít nữa.

Cô dựa vào gốc đại thụ ngồi xuống, đầu tiên tháo chi giả ra, sau đó gỡ lớp lót làm bằng gel silicone. Bên trong lớp lót có dính ít mồ hôi, cô không dám lau bừa, chỉ vẩy trước gió cho ráo. Sau đó, cô kiểm tra mỏm cụt, may là không bị thương gì.

Cô gắn lại lớp lót gel silicone quanh mỏm cụt, lắp chi giả vào rồi đứng dậy đi thử mấy bước. Mẹ kiếp, rõ ràng cái ổ cắm này có vấn đề!

Cô bèn gọi ngay cho kỹ thuật viên làm ổ cắm mắng vốn cái ổ cắm làm bằng chất liệu mới mà anh ta đề cử cho cô mới hơn nửa năm đã bị mòn và biến dạng, trong khi bình thường tầm một năm rưỡi cô mới phải đổi ổ cắm mới. Công dụng của ổ cắm là liên kết chi giả với phần đoạn chi, được lắp ngay dưới mỏm cụt, nối nó với các khớp và bàn chân. Nếu ổ cắm không thoải mái thì có dùng khớp và bàn chân tốt đến đâu cũng vô dụng.

Kỹ thuật viên hỏi xài cô cái ổ cắm này thoải mái không, Trang Khiết không thể phủ nhận rằng nó mang đến cho cô trải nghiệm tốt nhất từ trước đến nay. Kỹ thuật viên bảo thế là được rồi, đã tốt nhất thì hỏng chỉ việc thay mới là xong, một cái ổ cắm khoảng vài nghìn tệ chứ mấy.

Trang Khiết bực anh ta đứng ngoài nói dễ như chơi, mấy nghìn tệ thì cũng là tiền vậy. Kỹ thuật viên bảo chất liệu này có tuổi thọ ít nhất cũng một hai năm, do cô đi đứng mạnh bạo quá làm tuổi thọ của nó rút ngắn đi nhiều. Một cái ổ cắm người khác dùng ba năm, đến lượt cô cùng lắm được năm rưỡi.

Trang Khiết thấy lý lẽ của anh ta thật vớ vẩn, với cái logic đó thì chẳng lẽ ai thường xuyên chạy bộ phải đổi hai tháng một lần à? Kỹ thuật viên nói đãi bôi đôi ba câu với cô rồi kiếm cớ cúp máy, sau đó nhắn tin Wechat bảo cô cứ tròng vớ cố định tạm mấy bữa, bao giờ về Thượng Hải anh ta sẽ đổi cái khác cho.

Anh ta rành tính Trang Khiết ưa bắt bẻ, không chấp nhận chút khó chịu nào. Chắc chắn là ổ cắm hơi mòn một xíu vẫn xài được, nhưng đến phiên cô lại không chịu nổi. Cô có thể phóng đại một chút khó chịu lên mười lần. Kỹ thuật viên cảm khái cô đúng là giỏi đốt tiền, chứ người nghèo phải dùng được những ba bốn năm.

Anh ta chơi rất thân với Trang Khiết, lưu tên cô trong danh bạ Wechat là: “Gái quê mới phất” bởi câu cửa miệng của cô là: Lấy cái tốt nhất. Nếu hai người không phải bạn thân thì chắc anh ta đã gài đểu cô tám trăm lần, ai bảo mặt cô trông dễ lừa thế.

Quy trình sản xuất ổ cắm rất phức tạp, rất thách thức kinh nghiệm và trình độ của kỹ thuật viên. Sau khi tạo hình, căn cứ vào điểm ứng suất của từng bộ phận, người ta sẽ lắp ổ cắm tạm trước, bao giờ ổ cắm tạm vừa khít mới làm ổ cắm chính thức. Cả quá trình vô cùng rườm rà, Trang Khiết đã lắp thử bốn ổ cắm tạm trước khi làm ổ cắm chính thức.

Chiếc chi giả của cô là loại chịu được cường độ vận động cao, có chức năng hấp thụ chấn động theo chiều dọc và mô-men quay nên rất linh hoạt, nếu được huấn luyện chuyên nghiệp thì hoàn toàn có thể chạy nhảy bình thường. Một bộ chi giả giá tầm 70,000 tệ kiểu ấy có thể khôi phục gần như toàn bộ chức năng của phần chân trước khi bị đoạn chi. Có nó, cuộc sống bình thường của Trang Khiết không gặp trở ngại gì, mà người ngoài cũng không biết cô là người tàn tật.

Vụ tai nạn xe năm ấy đã nghiền nát chân trái của cô, khiến toàn bộ phần chi dưới đầu gối 5cm đều bị cắt cụt. Lúc đó cô vẫn còn nhỏ nên bác sĩ khuyên không nên dùng chi giả loại tốt quá vì sau này sẽ phải đổi thường xuyên dựa theo tình hình phát triển của cơ thể, mà chi giả sản xuất thời ấy cũng không tốt lắm, chỉ cần bước đi là biết bị tàn tật ngay. Hơn nữa lúc lắp ổ cắm, cô không có điều kiện lắp ổ cắm tạm mà cứ thế lắp luôn ổ cắm chính thức khiến phần mỏm cụt bị cọ rách da và nhiễm trùng, dù thế cô cũng không than tiếng nào bởi khi ấy nhà cô loạn như mớ bòng bong: Bố cô mới mất ba tháng còn Liêu Đào đang ở cữ sau khi sinh Trang Nghiên.

Liêu Đào luôn nghĩ sở dĩ Trang Nghiên đa sầu đa cảm như vậy là vì cậu phải chịu thiệt thòi từ trong bụng mẹ, bởi lúc ông Trang qua đời Liêu Đào đang mang thai bảy tháng.

Chân giả không thoải mái làm Trang Khiết hết thiết tha chuyện đi đứng, bèn gọi cho Trang Nghiên bảo cậu chạy xe đạp điện tới đón mình. Người nghe máy là Niễu Niễu, con bé bảo Trang Nghiên đang bận nói chuyện với bạn trước cổng.

Trang Khiết dặn lát nó bảo Trang Nghiên tới làng Hạ Khê đón cô. Hà Niễu Niễu nói nó biết chạy xe đạp điện, cứ để nó đi đón.

– Thôi thôi thôi, em đừng có đi.

Làng Hạ Khê đông khách du lịch, đường lại dốc, cô lo Hà Niễu Niễu sẽ lao xe xuống mương.

Cúp máy xong, tự dưng tia thấy Trần Mạch Đông đang ngồi ăn với một bàn người bên khu nướng BBQ đằng xa, Trang Khiết nảy ra một ý bèn gọi anh:

– Bạn cũ, bạn cũ ơi.

Vì cách khá xa mà bên khu nướng BBQ lại ồn ào nên những người ngồi kia không nghe thấy gì cả. Trang Khiết bèn ới một đứa bé gần đó lại, chỉ Trần Mạch Đông dưới ánh đèn, nhờ nó:

– Em gọi giúp chị cái chú mặc áo thun màu xanh da trời kia với.

Thằng bé đang định đi thì Trang Khiết gọi nó lại, dặn thêm:

– Nếu chú ấy hỏi thì em cứ bảo là bà chú ấy tìm nhé.

Trần Mạch Đông đang ăn liên hoan với đồng nghiệp thì bị một đứa bé túm lấy, chỉ về phía cây liễu phía dưới con dốc nói: 

– Chú ơi, bên đó có người tìm chú.

– Ai tìm chú vậy?

– Người đó bảo là bà chú.

Trần Mạch Đông gác đũa xuống đi sang đó, chủ yếu vì anh tò mò muốn biết ai mạo danh bà nội mình. Đến khi anh lại gần, Trang Khiết mới ló đầu ra từ sau cái cây nói:

– Chào bạn cũ.

Vừa thấy cô, Trần Mạch Đông quay lưng đi luôn.

– Này bạn cũ, nhờ cậu tí.

Trang Khiết nghiêm túc nói.

Trần Mạch Đông ngoái lại nhìn cô.

Trang Khiết vịn cây vòng ra phía trước hỏi:

– Tôi mới bị ngã, cậu chở tôi về với được không?

Rồi nói tiếp:

– Nếu cậu không rảnh thì nhờ bạn hoặc ai trong trấn cũng được.

Trần Mạch Đông thắc mắc:

– Bạn tôi có quen cô đâu.

– Gặp một lần là quen liền chứ gì? Tụi mình đều là dân thị trấn cả mà, nói mấy câu là thành bạn ngay. Nhà tôi bận hết rồi, chứ không cũng chẳng nhờ cậu.

Thấy cô đứng khuỵu chân, Trần Mạch Đông đoán cô ngã khá nghiêm trọng, do dự mãi mới nói:

– Bọn tôi lái xe cơ quan tới đây, đậu phía trên dốc.

Trang Khiết im lặng chờ anh nói hết câu.

Trần Mạch Đông nói tiếp:

– Bọn tôi lái xe chở xác đến.

– Cảm ơn, làm phiền cậu rồi.

Trang Khiết khuỵu chân ngồi xuống nói:

– Thôi để tôi đợi em tới đón vậy.

Trần Mạch Đông quay lại khu nướng BBQ, nhìn người ngồi dưới cây liễu đằng xa, tự dưng động lòng trắc ẩn bèn hỏi mượn người gần đó chiếc xe máy chạy tới đón cô.

Trang Khiết leo lên xe nói:

– Cảm ơn cậu nhiều lắm luôn.

Trần Mạch Đông không đáp.

Trang Khiết nắm hờ eo anh, tấm tắc khen:

– Săn phết đấy!

Thấy phần da bị cô chạm vào nóng cháy, Trần Mạch Đông bèn bảo cô nắm áo thôi. Trang Khiết túm lấy áo anh, hỏi như thân lắm:

– Cậu từng làm việc ở Bắc Kinh mấy năm?

– 4-5 năm.

Trần Mạch Đông trả lời.

– Ôi giỏi thế, ai làm được 4-5 năm trong ngành các cậu đều giỏi kinh khủng.

Trang Khiết tò mò hỏi:

– Sao cậu không đổi nghề?

Vòng giao tế của cô rất rộng nên có quen hai người làm việc ở nhà tang lễ. Ngành họ rất khó giữ người, ai có cơ hội đều đổi nghề ngay, nhất là những người đến tuổi kết hôn, dù không đổi thì người yêu cũng bắt đổi.

– Tôi không định đổi nghề.

– Thế thì cậu giỏi thật.

Trang Khiết khen rất chân thành. Cô thực sự thấy Trần Mạch Đông rất được, chỉ riêng việc anh chịu về quê làm việc để chăm bà đã đủ chứng minh điều này.

Chứ cô thì chịu, mục tiêu của cô là bám trụ đất Thượng Hải, sau này nếu có khả năng kéo cả hai đứa em tới đó định cư luôn thì càng tốt, còn Liêu Đào và chú Hà thì thôi, bọn họ không thích sống ở thành phố lớn lạnh lẽo tình người.

Trần Mạch Đông thấy cô thật ồn ào, đã thế còn nói oang oang phả hết hơi ấm lên cổ làm anh nóng phát hoảng. Thế nhưng Trang Khiết không ý thức được chuyện này, cứ liến thoắng mãi. Cô bảo mình thấy thị trấn thay đổi rất nhiều, không thích hợp định cư vì ở lâu dễ mài mòn ý chí chiến đấu của con người ta.

Khi chịu hết nổi, Trần Mạch Đông ngoái đầu hỏi:

– Bình thường cô đều nói lắm thế à?

Thật ra Trang Khiết không phải người nhiều chuyện, chỉ khi thoải mái cô mới có hứng nói. Cô vốn làm sales nên chỉ cần bước ra khỏi cánh cổng bệnh viện là chẳng còn muốn nói câu nào nữa, bởi cứ vào bệnh viện là sẽ phải nói khô cả miệng.

– Với thằng nào cô cũng thế này à?

Trần Mạch Đông hỏi.

– Thế này là thế nào?

– Vừa gặp đã thân.

– Cậu có ý gì?

Trang Khiết toan trở mặt.

Trần Mạch Đông không nói tiếp.

– Dừng xe dừng xe.

Trang Khiết bắt anh dừng xe.

– Đừng nói là cậu tưởng bở rằng tôi chấm cậu nhé?

– Bớt nhảm giùm cái! Cậu có điểm nào khiến tôi mê hả?

– Chẳng qua tôi thấy cậu không tệ, lại là bạn cũ… Thôi được rồi, tôi thừa nhận là lúc gặp cậu trên tàu cao tốc, tôi cũng thinh thích thật vì trông cậu sáng sủa ưa nhìn.

Trang Khiết đang nói dở thì Trần Mạch Đông phóng xe vào rừng đào.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN