Sao Đen - Chương 16: GIEO GIÓ VÀ GẶT BÃO
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
110


Sao Đen


Chương 16: GIEO GIÓ VÀ GẶT BÃO



Đám cưới Lê Bạch Kim và Huỳnh Vĩnh Quốc được cử hành linh đình ở lâu đài Météor. Đó là đám cưới nổi tiếng nhất, đám cưới được coi là lý tưởng, là đám cưới của thập kỷ. Trưởng nam của một gia đình điền chủ giàu có bậc nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long kết duyên với ái nữ của một nhà kinh doanh lớn, nhà triệu phú người Bác Kỳ. Chú rể là một chàng trai tuấn tú, mã thượng, một phi công siêu hạng, một sĩ quan ưu tú mang tư tưởng tự do đã dũng cảm chống lại nền độc tài của ông Diệm. Cô dâu là một hoa khôi học thức, giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh, giao thiệp rộng, đã sống và tiếp xúc nhiều với giới học thức Châu Âu. Họ sống tuần trăng mật ở Sài Gòn, tiếp theo là một cuộc voyage de noce qua Tân Gia Ba, Ma-ni và Hương Cảng.

Mọi người đều tin rằng một mối tình như thế hẳn phải đẹp lắm, hạnh phúc lắm. Chiều chiều từ trên khuôn cửa sổ táng ba của lâu đài Météor loang ra đường phố những âm thanh vui tươi của chiếc đàn dương cầm. Năm giờ khi viên trung tá lái chiếc Toyota de Luxe đen bóng từ phi trường trở về, đã thấy người vợ đẹp xuất nện trên bao lơn trong bộ quần áo hợp thời trang nhất. Cô chạy xuống đón chồng, họ hôn nhau và đi vào nhà. Mấy con chó Nhật xinh xinh chạy quanh đôi uyên ương sủa lên inh ỏi vui vẻ.

Trung tá không quân Huỳnh Vĩnh Quốc đã chuyển sang lái máy bay chiến đấu “Giặc nhà trời” từ mấy tháng nay. Sự kiện trên làm cho Bạch Kim không yên tâm. Đã nhiều lần cô định thổ lộ nỗi băn khoăn của mình, nhưng những niềm vui, nỗi bận rộn của hạnh phúc cứ lấn át đi, đến nỗi cô không tìm được cơ hội nói với chồng. Nỗi băn khoăn đó lớn dần lên như một bào thai trong tâm hồn cô, và đến một lúc nào đó cô không thể nào dồn nén được, không một niềm vui nào lấn át nổi.

– Anh Quốc ạ, tại sao anh lại không lái máy bay vận tải nữa?

– Anh muốn được chiến đấu, muốn tận diệt bọn cộng sản, đơn giản thế thôi.

– Em lại thấy nó chẳng đơn giản chút nào cả. Hầu như ngày nào, tuần nào anh cũng cứ giội bom xuống các làng mạc như thế, anh có nghĩ là sẽ có bao nhiêu người bị chết không?

– Ồ chiến tranh mà em! Đã là người lính là phải bắn giết. Người ta bỏ tiền của ra nuôi dạy họ, chế tạo vũ khí cho họ để họ bắn giết cho thực nhiều; thực hoàn hảo. Mục đích tối thượng của nó là bắn giết. Ngay cả lúc nó mặc những bộ đồ đẹp đẽ nhất, đội ngũ chỉnh tề, duyệt binh trên đường phố cũng chỉ để khoe mẽ cái khả năng bắn giết. Ra trận nếu anh không giết đối phương, đối phương cũng sẽ giết anh.

– Người lính mặt đất khác. Họ trông thấy rõ kẻ thù, ít ra họ cũng còn phân biệt được rõ đàn bà, trẻ con và binh lính địch chứ.

– Ồ không đâu. Đó là em hiểu theo khái niệm chiến tranh quy ước cổ điển. Cuộc chiến tranh này hoàn toàn khác xét về cả hai phía. Nếu họ chiến thắng, họ sẽ tước đoạt hết cả của chúng ta. Cha mẹ vợ con ta sẽ bị đấu tố và sau đó là một cuộc tắm máu tập thể. Họ đâu có phân biệt. Học thuyết đấu tranh giai cấp của họ là như vậy. Trong một làng do Việt cộng kiểm soát thi tất cả trẻ già lớn bé đều là Việt cộng. Những người không phải Việt cộng đã bị họ thanh toán rồi. Do đó người lính bộ binh cũng không còn phải phân biệt nửa. Nếu cần, quân đội cũng có thể cạo trọc cả một làng, một xã, một huyện… Một mất một còn mà!

– Trời ơi em sợ quá. Nếu một học thuyết như vậy được xem là tốt đẹp thì…

– Không có gì là tốt đẹp hết. Chiến tranh là một điều xấu. Nhưng ta cần đến nó để tránh một điều xấu hơn. Đó là chủ thuyết cộng sản.

– Nhưng chúng ta thường nói về chính nghĩa quốc gia, về nhân đạo, nhân quyền?

– Chiến tranh không có mục tiêu nhân đạo nào hết trọi. Bịa đặt hết. Mục tiên của nó là chiến thắng. Chiến thắng sẽ biện minh cho tất cả. Trật tự được lập lại sự bình yên lúc đó sẽ nói đến nhân đạo cũng chưa muộn. Lúc này mà khoác cái mục tiêu nhân đạo lên vai tức là làm quẩn chân người lính.

– Nhưng dù sao em cũng không muốn anh trở thành phi công chiến đấu. Đó là chiến tranh một phía. Lực lượng nổi loạn làm gì có máy bay. Đàn bà trẻ con có gì chống lại anh đâu, dù họ là Việt cộng chăng nữa.

– Em nhân đạo quá, thật đáng yêu? Nhưng em cũng ngây thơ quá. Đã gọi là chiến tranh thì đâu có kể phương tiện gì. Nếu họ có bom hạch tâm họ cũng chẳng tha gì chúng ta. Chúng ta đâu có hầm chông. Thế thà họ lại dùng cái thứ man rợ từ thời hồng hoang để chống lại chúng ta.

– Hầm chông là vũ khí phòng ngự. Chỉ khi nào quân chính phủ tiến đánh họ thì mới có thể bị thụt hầm chông. Còn những trái bom là vũ khí tấn công.

– Chiến tranh bằng không quân là loại chiến tranh sạch sẽ nhất đấy em ạ. Bàn tay anh không bao giờ vấy máu.

– Thật em không thể hiểu nổi anh nữa. Anh không nhìn thấy, nhưng anh phải tượng tưởng ra chứ? Nhận thức của con người đâu chỉ có một con đường trực giác.

– Thật đáng tiếc. Anh đâu phải là người khó hiểu. Anh là chiến sĩ của tự do. Tổng thống Diệm cưng bọn anh biết mấy. Nhưng một khi ông chà đạp tự do của mọi người thì anh cũng sẵn sàng thí mạng ta. Việt cộng mưu tìm quyền lực, muốn tước đoạt tự do của cả dân tộc anh đâu có chịu.

Bạch Kim cảm thấy không sao lay chuyển được những quan điển của chồng. Tại sao trước đây nhiều người lại nhận xét rằng anh ta là người dễ bị lôi kéo, không biết làm theo sự suy nghĩ của chính mình? Chẳng lẽ tình yêu của cô không đủ làm anh xúc động. Cô im lặng tự vấn…

Sự rạn nứt của đôi vợ chồng trẻ bắt nguồn từ những chuyện diễn ra rất xa lâu đài Météor, cách biệt với cuộc sống hàng ngày của họ. Họ vẫn dắt nhau đến phòng trà, Snachk-bar, đi xem tranh nghệ thuật, vào rạp hát, đến vũ trường, thưởng thức món thịt thú rừng, nô đùa với sóng biển trong những ngày nghỉ week-end… Nhưng trong sâu xa của tiềm thức đã xuất hiện những hạt sạn nho nhỏ. Để tránh những cái gợn đó, giữa họ đã hình thành một khoảng cách, không ai nói ra nhưng họ thực sự cảm thấy.

Bạch Kim tìm ra niềm hạnh phúc trong lúc ngồi một mình yên tĩnh, trầm tư, mơ mộng thoát tục.

Còn Vĩnh Quốc lại thích đến những chỗ ồn ào, câu lạc bộ sĩ quan, hộp đêm, rượu mạnh, những cạp mông núng anh của ba cô vũ nữ, những canh bạc cháy túi.

Cuối năm 1964 ông Cự Phách ốm nắng. Người con trai cả và cô con dâu người Pháp cũng bay về thăm bố. Ông gọi các con lại bên giường nói lời trăng trối cuối cùng.

– Năm nay ba đã bảy mươi tám tuổi. Ba ra đi cũng hợp với lẽ trời. Cuộc sống của con người là hữu hạn, không có một ngoại lệ đối với bất cứ ai. Sinh ra và chết đi là hai con số trùng hợp tuyệt đối. Trong mấy chục năm trời bố mẹ đã tạo ra một sản nghiệp không phải nhỏ. Đó là công trình duy nhát để lại cho các con. Tuổi trẻ của ba trôi đi ồn ào, hối hả, may mắn đến lạ kỳ và ba chưa bao giờ phải lo nghĩ đến thất bại. Tưởng như khát vọng không bao giờ cạn, vinh quang không bao giờ tắt, hạnh phúc không bao giờ phai. Thế rồi tuổi già ập đến lúc nào không biết, bất ngờ như một tai họa. Lúc đó mới nghĩ đến cái chết, mới mơ ước đến cái bất tử. Chẳng có người nào không chết. Nhưng vẫn có những người được gọi là bất tử. Đó là những người không bao giờ phai mờ trong ý nghĩ của những người đang sống. Thế hệ này qua thế hệ khác bồi đắp giữ gìn cho niềm thương tiếc. cho niềm tự hào. Những người không có nợ nần gì với mọi người mà những ngườl sống luôn cảm thấy thình nợ họ. Đó là những người biết dâng hiến sự sống của mình cho lịch sử quang vinh của dân tộc, cho nền văn minh của nhân loại. Nếu ba không có được những điều trên thì ba là người bình thường, họ rất đông và điều đó chẳng có gì đáng xấu hổ cả. Nhưng đáng buồn hơn ba lại ở vào một đối cực với những người bất tử. Cái tài sản lớn lao ba có được là do ba khôn ngoan, ba biết thu góp lại một cách hợp pháp của biết bao nhiêu đối thủ. Đó không phải là sự giành giật từ tay tạo hóa mà từ bàn tay khối óc của đồng loại. Thế đấy các con ạ Nobel đã có lúc ân hận vì tài năng của mình. Còn ba, ba sám hối cho những mưu mẹo của mình. Ba để lại cho các con rất nhiều của cải, nhưng ba chẳng truyền lại cho các con một chút đi sản tinh thần nào. Về mặt này ba cũng giống vua Lia thôi, ba là một kẻ nghèo khó… Các con còn trẻ. Ba chỉ có một lời khuyên. Một nhà tỉ phú cũng không thể ngốn quá nửa cân thịt bò mỗi ngày, không thể tu hết vài lít sâm-banh một lúc, không ngồi đồng thời trên hai chiếc ô tô và cũng không thể ngủ trong căn buồng lớn như hí trường Phuốc-ten-ba-khơ được. Những cái đó đều hữu hạn, nó cũng hữu hạn như cuộc sống vậy. Các con phải lo lắng cho sự giàu có của tâm hồn nữa. Hãy dành một ít thời gian để mơ mộng cho một cái chết thanh thản. Người nào biết mơ mộng cho một cái chết thanh cao, người đó mới có cuộc sống tốt đẹp được!

Nói xong, mắt ông già ứa ra hai giọt lệ. Ông lần lượt cầm tay các con, ai cũng khóc thương. Đến Bạch Kim cô ôm chầm lấy cha không muốn buông ra. Ông quờ cánh tay gầy guộc khô khẳng lên lưng con gái mình, nhè nhẹ vỗ. Có lẽ sau người vợ quá cố của mình, đây là con người thứ hai ông yêu quý nhất trên đời.

Không phải ai cũng hiểu được câu nói của ông. Có khi người ta còn coi đó là biểu hiện cái tính lẩn thẩn của những người già trong cơn hấp hối.

Mấy ngày sau ông qua đời.

Bạch Kim đau buồn, cô ốm thực sự, mặt hốc hác, chỉ có cặp mắt lúc nào cũng long lanh đăm chiêu. Cô trở về căn buồng cũ của mình và như không còn muốn gần bó với lâu đài Météor lộng lẫy nữa. Vĩnh Quốc an ủi vợ:

– Thương ba, thiệt, nhưng đâu có giữ được ổng lại. Cuộc sống thật ngắn ngủi do đó ta phải tận hưởng nó. Vui lên em. Đau khổ mà làm chi cho mệt.

Ồn ào chốc lát anh ta lại ra đi. Con người hiếu động đó không sao ngồi yên lấy nổi một giờ.

Chúng tôi đưa cháu Trung lên thăm cô. Cháu đã biết bi bô trò chuyện cũng làm cho Kim khuây khỏa đổi phần. Kim nói với chúng tôi:

– Anh chị thật hạnh phúc. Ôi sao em chỉ ước ao một cuộc sống như thế thôi mà không được.

– Em sẽ chóng có con thôi, lúc đó sẽ vui như anh chị.

– Em chưa so sánh về đường con cái. Em mới bắt đầu cuộc sống gia đình chưa được bao lâu mà sao em đã có cảm giác mình đang đi vào cõi chết! Em cô đơn hơn cả khi sống một mình.

– Cuộc sống gia đình là niềm hạnh phúc có chia sẻ. Buồn vui lo lắng cùng chung chịu. Có lẽ vì Bạch Kim quen sống tự do rồi nên cảm thấy vướng víu. Phải biết hy sinh vì nhau và sẽ tìm thấy hạnh phúc ngay trong sự hy sinh.

– Em không phải là con bé được nuông chiều nhiều nên chỉ muốn sống ích kỷ. Em mong ước lược trở thành người vợ tốt. Em muốn bàn tay em, trái tim em tạo ra hạnh phúc gia đình. Nhưng em vẫn không sao tìm được một sự đồng cảm, một sự hòa nhập.

– Kim nóng vội quá đấy. – Dung cười – Trời không sinh ra một người chồng sẵn cho mỗi chúng ta. Muốn có được sự hòa nhập trọn vẹn thì phải có sự cảm hóa, sự vun đắp lân dài. Khi yêu ta có thể làm được mọi chuyện.

– Thế anh chị đi đến sự hòa nhập tuyệt đối đó từ bao giờ?

– Ngay từ đầu! – Tôi khẳng định – Và Kim thấy đấy, chúng mình sống rất hạnh phúc.

– Không phải ngay từ đầu đâu? – Dung nháy tôi che miệng cười – Cũng phải mấy năm anh nhỉ? – Lúc đầu anh cũng chưa thực vừa ý, chị phải cảm hóa, phải cố gắng, anh cũng vậy và phải sáu năm mới có sự hòa nhập tuyệt đối!

– Trời ơi, năm sát năm kia ạ. Sao lâu thế!

– Chị nói dùa cho vui thôi chứ anh chị rất thương yêu nhau. Sáu năm mới có con thì cũng có thể nói sáu năm mới hòa nhập tuyệt đối.

Một kế hoạch ném bom miền Bắc Việt Nam đã được Uốn Rốt-xtâu vạch ra từ trước khi có tổng tuyển cử tháng 11 năm 1964 ở Mỹ. Johnson chưa muốn thực thi ngay vì sợ làm xáo động dư luận Mỹ trước ngày bầu cử có thể bất lợi cho ông ta.

Sau khi đã chắc chắn ngồi trong Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ. Tổng thống Mỹ quyết định giành thắng lợi bằng cuộc chiến tranh không quân.

Để giữ bí mật, gần đến phút chót Khánh mới được báo cho biết cụ thể về kế hoạch này. Không lực Việt Nam cộng hòa sẽ tham gia với tính chất tượng trưng, nhưng rất quan trọng về mặt chính trị. Phi đoàn cường kích AD.6 được điều ra các sân bay gần giới tuyến để tăng thêm cự ly hoạt động.

Những bí mật của cuộc ném bom không giữ được lâu. Các phi công Sài Gòn đã biết được những gì sắp xảy ra với họ. Cơ quan tình báo đã cho họ biết về khả năng chống trả của đối phương. Lực lượng không quân Bắc Việt coi như không đáng kể. Họ mới có một trung đoàn vận tải trang bị các máy bay hai động cơ của Nga. Một số máy bay huấn luyện không vũ trang. Lực lượng cao xạ mặt đất thì có chút ít kinh nghiệm chiến đấu, nhưng trang bị vẫn rất cổ lỗ và không đồng bộ. Đó là những cỗ pháo cao xạ 88 và 90 của Đức, của Nhật cũ Một số tiểu pháo 37 của Nga và Trung cộng. Có thể có cả một số ít pháo 57 tự động có ra-đa ngắm bắn. Nhưng thứ này thường tập trung phòng thủ quanh Hà Nội, Hải Phòng. Còn ở miền Trung, lực lượng đối không chủ yếu là súng máy cao xạ 12 ly 7.

Không lực và Hải quân Hoa Kỳ sẽ tung ra những phản lực cơ siêu thanh hiện đại. Máy bay tiên kích chặn đánh F.8U của hải quân sẽ bảo vệ tầng cao. Tầng thấp là A.4, F.100, A6. Như vậy, dưới cái ô này, không lực Việt Nam cộng hòa xen chiến tranh chỉ giống như cuộc dạo mát. Huỳnh Vĩnh Quốc rất hào hứng và mong đợi những phi vụ sắp tới Anh ta chia sẻ niềm vui đó với vợ.

– Công vụ này gắn với ngôi sao cấp tướng em ạ!

– Anh mong mỏi những ngôi sao cấp tướng lắm à?

– Tất nhiên. Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông. Anh đâu có thiếu tiền, thiếu tài. Anh chỉ thiếu danh thôi. Mấy thằng bạn anh đó, có hơn gì anh đâu, thế mà tướng ráo trọi. Nguyễn Cao Kỳ cùng đến Avorce với anh một ngày, cùng ở Marrakech về một ngày, thế mà…

– Họ làm đảo chính nên phát đạt hơn.

– Anh còn đảo chính trước bọn nó. Chỉ có điều mình xui xẻo quá xá.

– Anh làm đảo chính nữa đi – Bạch Kim cười lạnh lùng – Em muốn anh làm đảo chính thì em mới chóng nhìn thấy ngôi sao cấp tướng được. Bây giờ anh mới trung tá, biết bao giờ sờ được ngôi sao cấp tướng.

– Hết thời đảo chính rồi. Người Mỹ không ưng đảo chính nữa. Tướng Taylor đã bảo thẳng Kỳ, Thiệu, Thi, Cang hôm 20 tháng 12 là: “Nước Mỹ không còn muốn tha thứ cho bất kỳ ý đồ nào làm cho tình hình mất ổn định”. Bây giờ chỉ còn thấy ngôi sao cấp tưởng ở con đường binh nghiệp, trên cánh bay, trong cuộc chiến.

– Còn em thì muốn khác. Em muốn anh chuyển sang phi công dân sự. Anh làm thuê cho một hãng nào đó. Chúng ta sống yên tĩnh, xa những tham vọng điên rồ xa những cuộc bắn giết, xa những âm mưn những nỗi sợ hãi. Em chỉ muốn bên anh. Trước kia anh hát cho em nghe những bản tình ca, anh đọc cho em nghe những bài thơ của Valéry. của Charles Badudelaire. Còn bây giờ em chỉ nghe thấy tiếng khua của binh đao, tiếng nổ của bom đạn.

– Anh là một con người của những tham vọng. Anh ham mê sự chinh phục. Trước đây anh muốn được em, anh phải hát, phải ngâm thơ, thậm chí phải quỳ dưới chân em anh vẫn cứ làm. Bây giờ anh đã giành được em, anh lại muốn chinh phục một cái gì khác nữa. Xin em đừng ghen vì mảnh đất mới anh muốn giành cũng là để cho cả hai ta. Nếu như phải hát Santa Lucia, phải đọc thơ của Remy Belleau để có được ngôi sao cấp tướng anh cũng sẽ làm. Nhưng tiếc rằng bản tình ca của quyền lực lại là chiến tranh còn thi hứng của chiến tranh lại là bom đạn. Muốn đạt được mục đích thì đừng nên từ bỏ một phương tiện gì.

Câu chuyện của hai người kết thúc. Họ không có điểm chung.

Bạch Kim tiễn chồng bay ra giới tuyến trong một tâm trạng chua xót… Khi nỗi đau đã vượt lên sự cảm thụ nó sẽ không còn đau nữa.

Ngày 7 tháng 2 bắt đầu như mọi ngày bình thường. Một lớp mây ẩm của mùa xuân phủ nhẹ lên bầu trời ven biển miền Trung. Cái không khí tết nhất cổ truyền vẫn chưa tan hết trong sinh hoạt của mọi người. Nhưng tất cả đang đứng trước sự bắt đầu của một tai họa khủng khiếp kéo dài trong nhiều năm sau đó.

Chiến dịch “Mũi Lao lửa 1” bắt đầu.

Khi Huỳnh Vĩnh Quốc bay vào đất miền của miền Bắc thì quanh y đã thấy hàng đàn A.4D của Navy mang đầy bom đạn dàn theo đội hình bốn chiếc một. Từ tư thế bay thấp tránh cánh sóng ra-đa, các tốp máy bay bắt đầu vọt lên lấy độ cao, chúng thổi lại phía sau những luồng khói đen đặc sánh. Mây đã quang, mặt đất rực rỡ ánh nắng. Một cảnh thanh bình bao trùm những xóm làng xinh xinh như đồ chơi trẻ con bày trên mặt đất. Ở đất nước nghèo này vẫn còn mang đầy sinh thái của buổi nguyên sơ. Không có những điểm dân cư lớn, không thành phố, không khu công nghiệp. Những ngôi nhà lộng lẫy khang trang nhất thường là những mái tường của trẻ nhỏ. Ở độ cao trên ngàn mét nhìn xuống nó cũng chẳng có tầm vóc gì. Sự nổi bật của nó là nhưng tường quét vôi trắng.

Trong tổ hợp máy vô tuyến điện đã nghe thấy tiếng léo nhéo của bọn Mỹ điều khiển đội hình.

Vĩnh Quốc chỉ huy trưởng của phi đội B, quan sát địa hình trên mặt đất để hướng đồng bọn vào mục tiêu công kích.

– Hướng Tây Bắc, 3542 độ cao 1500.

Viên trung tá đối chiếu bức không ảnh (do máy bay thám sát U2 chụp ở độ cao mười tám ki-lô-mét được phóng to ra) với thực địa. Người ta chú thích: Kho vũ khí của Bắc Việt. Trong ảnh có nhiều xe vận tải đỗ. Nhưng xe không cố định nên hôm nay nó chạy đi đâu hết. Mặt đất chỉ hiện ra một cụm nhà tập trung ngay bên quốc lộ 1.

– Mục tiêu oanh kích. Tọa độ 3542. Kho vũ khí bên đường cự ly 2000.

Bốn chiếc AD.6 lượn vòng quanh mục tiêu. Theo phương án tác chiến, hướng bổ nhào Tây Bắc – Đông Nam, ném bom xong là lao về hướng biển. Vĩnh Quốc tách khỏi đội hình đẩy cần lái cắm xuống khu nhà. Mục tiêu nằm trong kính ngắm. Y bấm nút, máy bay khẽ rung vì khối lượng giảm đột ngột. Bốn trái bom tách ra khỏi cánh, y kéo cần lái ngóc đầu lên. Y nghiêng đầu nhìn lại, đã thấy những cụm khói che lấp nhiều ngôi nhà. Những chiếc sau lặp lại tương tự và Vĩnh Quốc bỗng nhận ra có những loạt súng nhỏ bắn lên từ mặt đất. Những dám cháy đã lan rộng ra những khu nhà tranh xung quanh. Y quan sát thấy những bóng người li ti chạy loạn xạ như đàn kiến. Y sẽ bắn nốt hai thùng rốc két còn lại vào những con kiến đó. Từ cự ly 3000, y cắm xuống với góc độ nhỏ hơn. Y phóng từng loạt đạn đỏ lừ. Y mỉm cười thích thú vì cảnh thấy đối phương bị đè bẹp hoàn toàn. Không có ai bắn lại. Vĩnh Xuống cho máy bay bay là trên mục tiêu một cách kiêu hãnh như để chào tạm biệt. Y bỗng thấy một loạt đạn sáng chói vọt lên từ trái đồi phía đông, rất gần. Nguy hiểm… nhưng không còn thời gian để cơ động né tránh nữa, y đón nhận sự thay rủi… Một va chạm và lưỡi lửa lóe lên từ đầu máy… Vĩnh Quốc cảm thấy sự trục trặc rõ rệt. Y kéo cần lái lấy độ cao hướng ra biển.

– 303 – 452 trúng đạn, nhảy dù, xin tiếp cứu!

Y hét đi hét lại nhưng không thấy tiếng ai trả lời. Một nỗi kinh hoàng choán ngợp thần kinh viên phi công. Y không còn nhìn thấy đồng bọn vì khói trùm khoang lái. Tiếng lục cục giảm đi và máy bay hầu như chỉ lao theo quán tính. Y đã nhìn thấy cái ngấn xanh của biển Đông. Lạy Trời Phật, chỉ cần ra tới biển, máy bay trực thăng sẽ đến cứu… Cái ngấn xanh đầy mơ ước đó vẫn chập chờn ẩn hiện sau làn khói. Y bỗng nhận thấy độ cao giảm nhanh tới mức không nhảy dù sẽ chết tan xác. Vĩnh Quốc bấu vào chiếc nút khẩn cấp. Một tiếng nổ. Y bật ra khỏi khoang lái. Gió thổi ù ù và những ngọn cây chuyển động dưới chân y. Khi những tham vọng tụt xuống, cái vẻ đẹp thiên thần của Bạch Kim hiện ra lạnh lùng như buổi tiễn đưa. Vĩnh Quốc cố tưởng tượng ra nụ cười của nàng nhưng không sao y làm nổi. Dù vừa mở thì y đã bị giáng xuống mặt đất và ý nghĩ của y cũng vụt tắt đi từ phút đó. Cách đấy vài chục mét chiếc “Giặc nhà trời” đã tạo nên một cột khói hình nấm.

Ba hôm sau Bộ Quốc phòng Sài Gòn chuyển tấm giấy báo tử đến “bà quả phụ Huỳnh Vĩnh Quốc”. Bạch Kim đón nhận tin này không chút xúc động. Hàng trăm cú điện thoại chia buồn, hàng chục bài báo phân ưu hoặc ca ngợi phi công siêu hạng Huỳnh Vĩnh Quốc đã oanh liệt hy sinh sau khi oanh kích nhiều kho tàng và vị trí quân sự của Bắc Việt trên vĩ tuyến 17 cũng không làm cho bạch Kim quan tâm. Hôm không lực làm lễ truy điệu cho “người anh hùng” ở sân bay Tân Sơn Nhất, họ đón Bạch Kim đến. Cô chờ hết bài điếu, thắp cho người chết một tuần hương nhưng tuyệt đối kháng nhỏ lệ, không nói một lời.

Mãi sau này Kim mới nói với tôi:

– Em đã linh cảm thấy điều đó sẽ xảy ra. Em đã hết sức can ngăn nhưng vô hiện. Anh ấy thèm khát một ngôi sao cấp tướng, chứ chẳng còn yêu em nữa. Em nghĩ đến tuần trăng mật ở lâu đài Météor và em cảm thấy nó báo hiệu điềm gở. Météor, ngôi sao băng, cái mong manh trong khoảnh khắc, cái “vang bóng một thời”. Hạnh phúc của em xây dựng trên lâu đài Météor trước sau cũng tàn lụi. Em không luyến tiếc một chút nào… Còn anh nữa đấy, anh Nghĩa ạ. Em chẳng thích thú gì những bông mai trên ve áo anh đâu. Anh chị nên tìm đến một nơi nào yên tĩnh trên trái đất mà sống. Anh chị thiếu gì em sẽ giúp. Em không muốn một người tốt đẹp như anh phải chết cho nhưng trò điên rồ.

– Cảnh ơn Bạch Kim. Anh sẽ không bao giờ chết cho một mục đích điên rồ. Anh nhớ lời ông cụ trăng trối trước khi mất: Phải biết mơ mộng cho một cái chết thanh thản.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN