Sao Đen - Chương 2: CẶP VỢ CHỒNG KHÔNG HÔN THÚ
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
160


Sao Đen


Chương 2: CẶP VỢ CHỒNG KHÔNG HÔN THÚ



Tôi nhớ đó là buổi sáng đầu thu rất đẹp. Không khí dịu mát. Những đợt gió may xào xạc làm lay động những đám bông lau trắng bạc bên bờ suối. Chương trình học tập của tôi đã kết thúc. Tôi mong mỏi đến cháy ruột công việc cụ thể mà cậu tôi sắp giao cho. Nhưng để chấp hành nguyên tắc và để cậu thấy tôi đã rèn luyện cho mình đức tình kiên nhẫn, khả năng chế ngự tình cảm, tôi đã cố giữ bộ mặt bình thản đến lạnh lùng. Và sự việc sẽ đến nó đã đến. Cậu tôi nhìn thẳng vào cặp mắt tôi hỏi:

– Cháu có chờ đón nhiệm vụ không?

– Thưa cậu có, cháu chờ mong từng giờ từng phút.

– Rất tốt. Hôm nay cậu có thể nói cho cháu công việc cụ thể. Cháu phải nhớ lấy từng chi tiết vì không có cái gì được ghi chép để đem theo đâu. Cháu sẽ là:

+ Một thanh niên yêu nước, chống chế độ thuộc địa của thực dân Pháp, nhưng vì là con em nhà địa chủ quan lại nên cộng sản chẳng những kỳ thị giai cấp trong quân ngũ mà còn có nguy cơ bị gọi về nông thôn để chịu sự trừng phạt bằng hình thức đấu tố như đã diễn ra ở các vùng đang tiến hành cải cách ruộng đất. Vì vậy cháu đã đào ngũ.

+ Cháu đã yêu một cô gái xinh đẹp, con một nhà buôn vàng ở Thanh Hóa. Cả hai rủ nhau trốn vào khu tập kết ba trăm ngày để di cư vào Nam.

+ Cháu đi tìm anh là luật sư Phan Quang Ân để nương tựa vào anh. Cháu nhờ anh chị giúp đỡ để tiếp tục học hành, sau này có cơ hội lập thân.

Như vậy cháu không đi một mình mà cùng đi với một người vợ giả (sự việc vừa ly kỳ vừa mắc cỡ làm cho mặt tôi nóng bừng lên). Người vợ này vừa là đồng chí, vừa là bạn và cũng là cấp chỉ huy trực tiếp của cháu. Đó là một đồng chí hoạt động có kinh nghiệm. Cô ấy sẽ giúp cháu trong mọi tình huống khó khăn và giữ vững dây liên lạc giữa cháu và tổ chức. Cháu cũng có nhiệm vụ giúp đỡ cô ấy trong mọi việc, đặc biệt là nơi trú ngụ để hoạt động.

Cháu mới lên sân khấu mà cậu đã bắt cháu nhập vai vợ chồng thì khó quá. Có thể là chị, là em được không cậu?

– Cậu đã suy tính tới mọi mối quan hệ. Chỉ có là vợ chồng thì mới thuận lợi. Nếu cháu nhận là em thì bịt mắt thế nào được chính anh ruột cháu. Nếu cháu nhận là bạn thì cô ta không thể đến ở trong nhà của cháu được. Còn mỗi người một nơi thì không tiện. Cậu không muốn cô ấy đến luộc cơ sở khác vì cậu coi mũi của cháu là độc lập, là nguyên thủy, là lâu dài nên cần tuyệt mật.

– Vâng.

– Đây không phải là chuyện ép duyên đâu – Cậu cười – Cô ấy có chồng có con rồi mà vẫn phải đóng vai ấy thì cháu, con trai, cháu lo gì! Cô ấy hơn cháu một tuổi.

Cậu căn dặn tôi tất cả những nguyên tắc trong mối quan hệ công tác. Hai người chỉ có một mối quan hệ. Ba người ba mối quan hệ. Bốn người có sáu mối quan hệ. Mười người biết nhau thì lên tới bốn mươi lăm mối quan hệ sóng đôi, do đó rất dễ lộ. Chỉ cần một kẻ bội phản hoặc một anh yếu chịu đòn là chúng có thể lần ra cả cụm. Do đó càng ít biết nhau càng an toàn. Nhưng tất nhiên là muốn thông tin được nhanh chóng thì lại cần đến nhiều mối liên hệ. Vì vậy người ta phải tìm ra nhiều hình thức liên hệ. Liên hệ bằng hòm thư mật liên hệ một chiều, liên hệ qua trung gian, qua tín hiệu, ám hiệu, v.v… và hàng loạt kỹ thuật được đặt ra cho từng trường hợp. Cô bạn cháu là người có nhiều kinh nghiệm trong chuyện này sẽ lo cho cháu. Được một người chỉ huy nhlưr vậy cháu còn kén chọn gì hơn?

– Cháu đâu dám kén chọn. Cháu hỏi là mong cậu giải thích cho thêm được chừng nào hay chừng đó. Mai đây xa cậu chúng cháu biết hỏi ai.

– Cháu cẩn thận thế là tốt. Chiều nay cháu sẽ được gặp và làm quen với cô vợ mới của cháu.

Khi cậu tôi về rồi, ngồi một mình tôi mới thấy bồi hồi. Lúc đó tôi hai mươi mốt tuổi. Ngay chuyện yêu đương tôi cũng chưa kinh qua chứ nói chi đến chuyện vợ chồng. Thời học sinh, một vài nụ cười, vài cặp mắt đã làm tôi xúc động, tôi đau buồn, thương nhớ, tôi mơ ước, hy vọng. Có thể nói là tôi đã yêu. Nhưng đó chi là những mối tình một phía, mối tình thầm lặng, những “Phương trình vô nghiệm”. Chưa bao giờ tôi dám ngỏ lời yêu đương với một cô gái. Ngay chuyện bạn bè trêu cợt cũng đã làm tôi xấll hổ bỏ chạy, nói chi đến chuyện tỏ tình. Tôi cứ cảm thấy mình lúng túng, vô duyên, nên việc kết bạn với các cô gái cùng lớp thôi cũng thật khó khăn. Đến nay bỗng nhiên tôi phải đóng vai một người chồng (đóng như thật mới chết chứ), không biết tôi sẽ xoay xở ra sao, sẽ đạt được ở mức độ nào?

Tôi ngồi tưởng tượng ra người “vợ hờ” đó… cậu tôi nói “Cháu yêu một cô gái xinh đẹp…”. Như vậy chắc chị ấy có đôi mắt huyền mơ mộng, cặp môi trái tiện, mái tóc đen dài tết thành đuôi sam. Còn mình thì thế này… thật chẳng ra thế nào. Bất giác tôi muốn chải đầu, muốn cạo mặt, muốn soi gương để tu sửa cái dung nhan một chút, nhưng ở đây lại không có gương lược… và đúng là sau đó tôi đã xuống suối soi mình trên một vùng nước đứng, để cố vuốt cho lái tóc khỏi dâng lên như “Hoàng tử có bờm”!

Ăn cơm xong, tôi không đi nằm như mọi khi. Tôi ngồi thẫn thờ bên cửa sổ, thỉnh thoảng lại nhìn xuống con đường mòn ven suối. Tôi mong cậu tôi. Nói đúng ra tôi mong đến phút mở màn của một vở kịch. Vở kịch kéo dài theo suốt tuổi thanh xuân của tôi.

Đúng hai giờ có hai bóng người thấp thoáng trên đường mòn ven suối. Cậu tôi đến chính xác như một cải đồng hồ. Người con gái đội một chiếc nón lá có buộc những nơ dù ngụy trang, vai đeo một chiếc ba lô nhỏ. Tôi lui vào trong, tim đập mạnh, vờ như không chú ý gì đến họ. Khi nghe tiếng cậu Đức gọi, tôi mới bước ra. Khuôn mặt cô gái xuất hiện khác hẳn với những mẫu người tôi vừa tưởng tượng.

– Đây là Nghĩa – Cậu tôi giới thiệu – “chồng” của em đấy, bằng lòng không?

Mặt cô gái đỏ bừng, hai tay che miệng cười khúc khích.

– Còn đây là Dung, cấp trên trực tiếp của cháu đấy.

Chúng tôi chào nhau rồi cùng vào nhà. Tôi đỡ giúp chị Dung cái ba lô đặt xuống bàn.

– Từ bữa nay Dung sẽ ở đây – Cậu tôi chỉ vào cán buồng bỏ không phía đối diện – Hai ngày thuộc vai vợ chồng, các đồng chí sẽ chuyển địa điểm mới.

Gọi là gian buồng cho sang chứ nó cũng chỉ ngăn cách với hai gian còn lại một cái vách nứa lửng lơ. Một tấm liếp làm cửa nhấc ra nhấc vào rất cơ động. Phía trong có một cái sạp nứa, lâu ngày không ai nằm, đầy bụi và mọt. Tôi định đi thu dọn chỗ cho chị Dung, nhưng cậu tôi ngăn lại:

– Việc đó làm sau. Bây giờ các đồng chi nghe tôi phổ biến công việc chiều nay và ngày mai.

Chúng tôi ngồi quanh cái bàn nứa, nghiêm túc nghe lời cậu.

– Từ giờ phút này hai đồng chí phải đóng vai vợ chồng. Không phải biểu diễn cho những khán giả thân yêu của mình mà là công diễn trước mặt kẻ thù, không phải một vài giờ mà kéo dài trong nhiều năm tháng. Vì vậy sự thành bại có ý nghĩa sinh tử. Đã gọi là vợ chồng thì phải hiểu nhau rất sâu sắc và tỉ mỉ. Vì vậy hai người phải kể cho nhau đầy đủ hoàn cảnh gia đình mình, toàn bộ cuộc đời riêng tư. Đặc biệt phía gia đình Nghĩa có Phan Quang Ân là người trong nhà. Dung không được phép lầm lẫn sơ suất. Còn đời riêng của Dung thì Nghĩa chỉ cần biết những điều tôi nói là tạm đủ. Mối tình của hai người sẽ dựa vào những nét chủ yếu sau đây:

Năm 1949 Phan Quang Nghĩa phiêu bạt vào Thanh Hóa, theo học lớp đệ tam ở trường Nguyễn Thượng Hiền (có thật). Trong thời gian đó quen cô Lê Phương Dung (bịa). Dung là con ông Lê Mạnh Hảo và bà Nguyễn Thị Tâm quê ở Thái Bình (có thật). Nhà ông Hảo có nghề kim hoàn, từng mở cửa hiệu ở Hải Dương. Hồi chiến tranh về Đống Năm vẫn buôn bán vàng bạc. Nam 1948 tản cư vào Hậu Hiền – Thanh Hóa, mở cửa hàng giải khát sống qua ngày (có thật), Nghĩa và Dung yêu nhau tha thiết (bịa), nhưng khi Nghĩa đi bộ đội (có thật) thì gia đình Dung không muốn cho hai người quan hệ với nhau nữa (bịa). Nhưng ý định của cha mẹ không ngàn cản được họ. Vì đóng quân gần nên bọn trẻ vẫn lén lút gặp nhau. Giữa năm 1953 nghe tin sắp phải chuyển quân xa, Nghĩa đến chia tay với Dung và trong lần ấy họ đã sống với nhau như một cặp vợ chồng (bịa). Nghĩa lên Diện Biên Phủ, Dung có mang, cô cố giấu mọi người bằng cách thắt bụng, nhưng cuối cùng sự việc cũng bại lộ. Cô bị gia đình dày vò, hắt hủi. Cả nhà phải lên Cẩm Thủy làm ăn để cách biệt với những người thân quen (bịa). Cô sinh con gái. Khi Nghĩa ở Điện Biên về đến Nho Quan, anh nhận được thư Dung (bịa). Trong thời gian này, Nghĩa bị cán bộ chỉ huy thành kiến, kỳ thị thành phần giai cấp địa chủ nên anh quyết định đào ngũ về Cẩm Thủy bí mật tìm gặp Dung và thăm con. Hai người gửi con lại cho ông bà ngoại, vào Hà Nội xin di cư vào Nam (bịa).

Dó là những nét chủ yếu của một mối tình say đắm, ly kỳ. Các đồng chí sẽ thêm vào những tình tiết để thuyết phục được người nghe. Hai người phải hiểu thống nhất, kẻo nếu không may rơi vào tay địch, ông khai gà, bà khai vịt, nó sẽ tìm ra vấn đề ngay. Đừng bao giờ dùng cách mô tả hình ảnh, chúng lần theo đường dây tưởng tượng để lựa ra những điều trái ngược nhau. Tốt nhất là cứ nói sự kiện tròn trùng trục, kẻ hỏi cung sẽ rất khó xoay xở.

– Cậu ạ, cháu thấy tình tiết có con không cần thiết, đưa vào thêm rắc rối ra . Cứ để đôi vợ chồng son có hơn không ạ?

– Cô Dung đã sinh một lần. Trừ phi bây giờ lại sinh tiếp, nếu không pháp y sẽ tìm ra dấu vết này dễ dàng. Nếu không thống nhất trước, địch hỏi riêng từng người cháu trả lời sao? Sự thật là khi đi, Dung đã để cháu bé ở lại với ông bà Lê Mạnh Hảo. Và nếu địch có một cuộc thẩm tra, dĩ nhiên là phức tạp, thì tình hình cũng không đáng ngại.

Sau khi đã bài trí các lớp lang của vở kịch cho chúng tôi học, cậu Đức tạm biệt, về cơ quan. Hai chúng tôi tiễn cậu ra cửa.

– Anh về ạ .

– Cậu về ạ.

Tôi thấy cậu quay lại nhìn Dung với cặp mắt vui vẻ:

– Chào lại đi! Lấy cháu tôi phải chào tôi bằng cậu.

Dung đỏ mặt và chị vui vẻ chào lại:

– Cháu chào cậu ạ!

Khi cậu đi rồi, chỉ còn hai đứa chúng tôi mới thấy lúng túng. Nhưng chỉ vài phút sau, chị Dung đã lấy được tự chủ.

– Bây giờ ta quy ước cách xưng hô cho thống nhất, kẻo sau này tập lại khó, anh Nghĩa ạ.

– Vâng, chị hơn tôi một tuổi. Lẽ ra tôi phải gọi chị bằng chị. Nhưng chúng ta đóng vai vợ chồng nên chị cho phép chúng ta gọi tên và xưng tên.

– Bây giờ hãy bỏ qua chuyện tuổi tác. Trong quan hệ vợ chồng, chuyện đó không đáng gì phải nề hà. Gái hơn hai, trai hơn một mà. Em sẽ gọi anh bằng anh và xưng em, anh bộ đội nhé. Còn anh gọi và xưng với em như anh muốn. Tuỳ anh. Nhưng không bao giờ được lầm lẫn.

– Nghĩa xin chấp hành mệnh lệnh của đồng chí chỉ huy.

– Anh đùa thế là cậu Đức phê bình cho đấy – Chị cười – Em làm việc dưới quyền cậu gần hai năm em biết, cậu rất nghiêm khắc trong công tác.

Tôi vội vàng xin lỗi chị. Bây giờ tôi mới có dịp ngắm kỹ người con gái đó. Chị có mái tóc dài đen mềm mại như suối nước chảy trên đôi vai tròn lẳn. Khuôn mặt trái xoan trắng xanh lên trong bóng lá rừng già. Đôi gò má hồng và cặp môi đỏ thắm như tô son. Đôi mắt chị to đen, sâu thẳm dưới cặp lông mày xanh và đuôi này hơi uốn xuống làm cho vẻ mặt chị hơi tư lự thoáng một nét buồn man mác. Mỗi lần chị mỉm cười hai lúm đồng tiền hiện lên, cặp mắt long lanh bất chợt ánh lên một vẻ giễu cợt hóm hỉnh. Khi chị chăm chú vào một vấn đề gì, đôi lông mày hơi nhíu lại, cặp môi mím, mỏng đi như một lá liễn bộ mạt chị trở nên lạnh lùng, nghiêm khắc, bướng bỉnh và… khó hiểu.

Tôi kể lại cho chị nghe chi tiết lai lịch gia đình nhà tôi và cuộc đời riêng từ lúc xa nhà. Những đoạn nào thú vị chị bắt tôi kể lại. Chị có biệt tài khuyến khích người kể bằng cặp mắt nhiệt tình và chăm chú. Chị biết đật những câu hỏi đúng lúc và rất có duyên. Chỉ sau vài giờ ngắn ngủi chúng tôi đã tự nhiên hơn, như một đôi bạn tâm đầu ý hợp.

Chúng tôi phải buộc lòng tạm ngừng câu chuyện để chuẩn bị chỗ nghỉ cho chị. Tôi hăng hái quét dọn căn buồng, quơ mạng nhện, giũ chiếu cho sạch sẽ. Chị xếp gọn cái ba lô lên giá và buộc sơ lại cái phên che của. Tôi xuống bờ suối chặt cây tạm dựng lên một buồng tắm và những công trình vệ sinh riêng cho chị. Chúng tôi cùng làm, vừa làm vừa chuyện trò nu rít. Đôi lúc tôi buột miệng gọi chị xưng tôi liền bị chị phản đối:

– Anh gọi lại đi cho em nhờ!

Tôi vui sướng sửa lại và nhận được ở chị một nụ cười cổ vũ. Sau khi công việc hoàn thành, chị khen tôi:

– Anh đúng là một ông chồng tận tụy và ngoan ngoãn! –

– Liệu có được như “anh của chị” ở nhà không?

– Lại “chị” rồi! – Chị uốn nắn tôi, nhưng rồi chị cũng thông cảm vì câu nói đó thật khó đặt – Chồng em rất ngoan. Chúng em ít có dịp sống gần nhau nên nỗi lần sum họp anh rất chiều em.

Sau khi chúng tôi tắm giặt xong thì đồng chí phục vụ mang cơm ra. Anh chào chúng tôi bằng một nụ cười. Sau khi sắp đặt các thức ra bàn, anh gọi.

– Mời anh chị vào xơi cơm!

Chúng tôi vui vẻ cảm ơn anh. Khi chúng tôi ăn, anh lảng ra bờ suối cho chúng tôi tự nhiên. Bữa ăn chung đầu tiên có một món màng xào thịt, một bát, canh rau muống nấu khoai sọ, một nhúm muối ớt. Hai người đều nhường nhau thành ra món măng và mấy miếng thịt vẫn còn nguyên.

– Ăn đi anh! Anh có ăn em mới ăn.

Chị mạnh dạn gắp thức ăn cho tôi, chăm chút tôi như đối với trẻ nhỏ. Thỉnh thoảng chị lại thúc giục:

– Ăn đi để lấy sức anh ạ. Chúng ta còn nhiều công việc phải đương đầu. Một người lăn ra ốm là chết dở.

Chúng tôi ăn hết hai suất cơm. Chị Dung thu các thứ định mang đi rửa thì đồng chí phục vụ xuất hiện.

Anh ngăn chị Dung:

– Các đồng chí uống nước đi – Anh đổi cho chúng tôi bi đông nước mới rồi đón lấy bát đĩa – Đây là nhiệm vụ của tôi.

Tôi đốt lên cây đèn. Chị Dung lấy trong ba lô ra một gói kẹo, chị mời đồng chí phục vụ nhưng anh nhất định từ chối. Anh chào chúng tôi và xách mọi thứ đi luôn không sao giữ được.

– Các anh ở cơ quan này rất “nguyên tắc”. Chúng mình phải mời nhau vậy!

Chúng tôi ngồi chuyện trò mãi đến khuya mới đi nằm. Tôi không bao giờ quên cái đêm kỳ diện đó. Trong càn nhà vắng vẻ giữa rừng, nằm đây tôi nghe rõ cả hơi thở của Dung, tiếng cọt kẹt của sạp nứa mỗi lần chị trở mình, nghe tiếng lá rừng xào xạc, tiếng suối nước rì rào xa vắng, tiếng côn trùng rân ran, tiếng con hoẵng giác lên những âm thanh cô đơn đến cháy lòng trong đêm đần thần… Tâm hồn tôi đôi lúc trào lên một nỗi buồn dịu ngọt, một nỗi trống trải mênh mông, nhưng mạnh mẽ hơn, áp đảo hơn vẫn là một niềm hạnh phúc, một niềm yêu thương trong trắng tràn ngập con tim vì từ nay bên tôi, trên một đoạn đường dài, tôi đã có một người bạn dịu dàng, thanh cao, xinh đẹp và tin cậy. Chúng tôi, một trai, một gái sẽ luôn luôn bên nhau mà vẫn phải giữ một khoảng cách ngắn ngủi, khoảng cách danh dự và đạo lý. Sự thách thức đó kích thích lý trí tôi. Tôi cảm thấy một niềm tự hào thiêng liêng tới mức thần thánh, không vấn vương nhột chút gì trần tục. Tôi thấy mình chứa đựng một sức mạnh, một niềm tin lớn lao mà chưa bao giờ tôi có được. Tôi mỉm cười trong bóng đêm, để cho những cảm xúc trong sáng đó tỏa hương vào giấc ngủ.

Sáng hôm sau vừa bừng tỉnh tôi đã thấy bóng Dung nhẹ nhàng quét căn nhà của chúng tôi. Tôi vùng dậy và đã nhận được ở chị một nụ cười và lời thăm hỏi.

– Anh Nghĩa ngủ ngon chứ ạ?

– Dạ. Một giấc ngủ thần tiên! – Tôi đã giấu đi cái phần trăn trở của mình – Còn Dung?

– Em… em cũng thao thức mất vài giờ. Phần vì lạ nhà, phần vì nhớ con – Dung cười nhưng tôi thấy mắt chị long lanh nhưng giọt nước.

Ngày hôm đó Dung đã kể cho tôi nghe những nét chính về cuộc đời của chị. Quê em ở Thái Bình bên bờ sông Luộc, nhưng em sinh ra ở đất Hải Dương. Bố em làm thợ kim hoàn nên đã đi tìm chốn thị thành để kiếm đường sinh sống. Từ một người thợ khéo tay, cha mẹ em đã dành dụm mở được một cửa hiệu nhỏ, vừa làm vừa buôn bán thêm đôi chút thành ra cuộc sống cũng bấm khá, có của ăn, của để. Em là con gái lớn, sau em còn ba đứa nửa, hai trai một gái. Em được đi học từ nhỏ và thỉnh thoảng cũng được cha em dạy cho nghề nghiệp của gia đình. Cha em cứ khen em là sáng ý. Chẳng mấy chốc em phân biệt được tuổi vàng, hiểu được hạt kim cương nào đáng giá. Cha mẹ rất thương em, bàn nhau là nếu em theo đuổi được nghề nghiệp của ông cha thì sẽ gây dựng cho một cửa hiệu riêng. Nhưng cuộc chiến tranh bùng nổ đã cắt đứt dự định đó. Tản cư về Đống Năm, cha em vẫn làm nghề vàng bạc. Em tiếp tục theo học trung học. Năm 1949 Pháp chiếm Tả Ngạn, có nhiều người cùng nghề quay về Hà Nội, Hải Phòng sinh sống, nhưng gia đình em vẫn đi theo kháng chiến. Tất cả lại kéo nhau vào Thanh Hóa. Ở đây nghề kim hoàn ế ẩm, gia đình em vừa tăng gia vừa mở một quán nước. Em học trường Nguyễn Thượng Hiền và ở đây em đã lấy chồng rồi bước vào con đường hoạt động.

– Dung lấy chồng năm nào?

– Năm năm mươi hai, lúc em vừa tròn hai mươi tuổi.

– Sớm thế?

Chị cười ngượng nghịu:

– Không sớm đâu. Hồi mười sáu, mười bảy đã có nhiều người nhắm nhe. Nếu em bằng lòng thì cha mẹ đã gả rồi. Nhưng năm hai mươi em đã gặp một người con trai mà em không sao từ chối được. Chúng em yêu nhau và lấy nhau. Cùng năm đó anh xin cho em vào công tác. Hoàn cảnh hoạt động không cho phép vợ chồng được gần nhau nhiều. Hai đứa cứ sống như Ngưu Lang Chức Nữ ấy.

– Bây giờ anh công tác ở đâu?

– Cũng như chúng ta thôi – Nét mặt chị trở nên buồn bã – Không có địa chỉ?

– Thế tên anh là gì?

Chị nhìn thẳng vào tôi, cặp mắt long lanh và một nụ cười tinh nghịch:

– Tên chồng em là Nghĩa.

– Cũng tên là Nghĩa?

– Vâng, Phan Quang Nghĩa. Từ nay em chỉ có một người chồng duy nhất là Phan Quang Nghĩa thôi!

Câu nói này làm tôi nóng bừng mặt vì xấu hổ. Điều đó nhắc cho tôi một nguyên tắc: không nên tò mò vào nhưng lĩnh vực không cần thiết. Mặt khác tôi cũng rất sung sướng vì chị đã đặt tên tôi vào một vị trí thật đáng mơ ước, thật đáng tự hào, dù nó chỉ là một ảo ảnh.

Tuyệt nhiên Dung không hề đả động đến bất cứ một công việc gì về tình báo mà chị đã làm hoặc cùng làm với ai. Chị cũng không kể về bất cứ chiến công nào. Những chuyện đó có thể báo chí đã đăng vào một ngày nào đó. Bản thân tác giả của những chiến công ấy cũng phải mai danh ẩn tích cho đến khi ngã xuống. Họ là những chiến sĩ vô danh đầy lãng mạn.

Ngày hôm đó chúng tôi cùng ngồi thêu dệt cho mối tình tưởng tượng của mình những chi tiết thật hợp lý và đẹp đẽ theo đúng đường dây kịch bản của cậu tôi đã chỉ thị. Sau đó chúng tôi thay nhau đóng vai thẩm vấn và bị cáo để kiểm tra lại trình độ ứng đối của nhau ra sao. Một sơ suất nào về lô-gích, về pháp lý dù nhỏ đều được phân tích để sửa chữa cho thật chặt chẽ, thật thống nhất.

Đến chiều cậu Đức ra, chúng tôi trình bày lại toàn bộ nội dung đã làm trong ngày. Cậu cũng phải ngạc nhiên và khen chúng tôi có nhiều sáng tạo đã làm cả những điều cậu chưa chỉ bảo. Cậu bổ sung cho một số tình hình đất nước lúc đó.

– Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết nhưng Mỹ đã không ký vào bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị. Đa-lét, ngoại trưởng Mỹ tuyên bố lấy làm tiếc về một vài yếu tố của thỏa ước ngừng bắn. Còn Trần Văn Đỗ, đại diện của chính quyền tay sai thì khóc và cũng không chịu ký. Xem thế đủ thấy đường lối của Mỹ đã thất bại. Nhưng liệu chúng có cam tâm chấp nhận hay không. Diệm là con bài của Mỹ đang củng cố quyền lực. Mỹ đang lôi kéo đồng minh và chư hầu thành lập Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) tạo chỗ dựa cho những tên bù nhìn trên bán đảo Đông Dương. Những hành động đó buộc chúng ta phải hết sức cảnh giác với âm mưu phá hoại hiệp định hòa bình của chúng. Ngày mai mồng 1 tháng 8, Hiệp định ngừng bắn sẽ có hiệu lực trên toàn cõi Đông Dương. Nhưng bọn Việt gian ở Hà Nội đang gào thét thành lập Trung đoàn tử thủ Cố đô! Trong bản danh sách những tên đầu sỏ ký vào lời kêu gọi, ta thấy có Nghiêm Xuân Hảo, Nguyễn Đăng Thạc, Phan Quang Ân, Hoàng Cơ Bảo rồi Đỗ Thúc Vượng… Chúng sẽ tử thủ ra sao khi quân Pháp rút đi thì ta chưa tưởng tượng nổi. Nhưng hiển nhiên là bọn này đang cố kiếm một cái vốn chính trị nhân buổi tranh tối tranh sáng này để đặt giá cho cái thân tôi đòi của chúng trước vị chủ mới là người Mỹ. Ta chưa lường hết được sự phát triển phức tạp của tình hình. Nhưng ta phải tiên liệu, phải chuẩn bị để đánh bại mọi âm mưu của chúng. Cuộc hành quân “ngược chiều” của hai cháu sắp diễn ra là để đáp ứng cho những mục tiên đó. Các cháu sẽ xuất phát vào ngày hòa bình đầu tiên và tiến vào cuộc chiến đấu trầm lặng. Cậu hiểu được sự dũng cảm của các cháu. Sau tám năm kháng chiến, nhân dân ta tha thiết mong muốn độc lập thống nhất Tổ Quốc theo tinh thần của Hiệp định hòa bình đã ký kết. Cậu cháu mình đều không muốn lòng dũng cảm bị thách thức, không muốn một lần nữa phải “tuốt kiếm ra khỏi vỏ”. Nhưng ước vọng thiêng liêng của chúng ta không hoàn toàn tùy thuộc ở nơi mình, nó còn lệ thuộc vào cả sự khôn ngoan hay ngu ngốc của kẻ thù. Trong mọi tình huống cậu đều mong mỏi các cháu phải tỏ ra là người chiến sĩ đáng tin cậy của cách mạng.

Những lời giản dị và thân tình của cậu tôi đã in sâu vào trí nhớ chúng tôi. Nó cổ vũ chúng tôi cả những khi hiểm nguy đe doạ hay những lúc bị dục vọng cám dỗ.

Hôm sau, một chiếc com-măng-ca của cơ quan đưa ba cậu cháu tôi về trạm 42 ở Trại Cờ. Đây là đầu mối giao thông thường xuyên đưa đón cán bộ ta ra vào vùng địch hậu. Phần lớn trạm bố trí khách trong nhà dân. Riêng chúng tôi được ở nhà cơ quan. Ở đây chúng tôi tiếp nhận một số quần áo và một số giấy tờ cần thiết. Đặc biệt cậu Đức còn chụp cho chúng tôi rất nhiều kiểu ảnh. Phần nhiều là những khung cảnh của một cuộc tình duyên thơ mộng. Người “đạo diễn” đã cố tìm nhưng góc độ, những bối cảnh sao cho có nhiều nét giống xứ Thanh.

Lịch hoạt động cụ thể của chúng tôi như sau:

Ngày 2 tháng 8, chúng tôi về Hà Nội, nhanh chóng tìm tới nhà anh ruột tôi thăm dò tình hình. Nếu họ di cư thì xin cuốn gói theo họ. Trước khi đi vợ chồng tôi sẽ về quê thăm mẹ và thăm chị tôi.

Ngày 15 tháng 8 cậu tôi cũng sẽ có mặt ở quê tôi để sơ bộ nắm tình hình và chỉ đạo những bước tiếp. Nếu do một hoàn cảnh cấp bách không thể về được quê thì chị Dung sẽ phải để lại báo cáo bằng mật mã ở Z.01.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN