Sao Đen - Chương 21: CHẠY TRỐN
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
124


Sao Đen


Chương 21: CHẠY TRỐN



Những trận mưa dữ dội đần mùa đã cuốn đi lớp bụi của mùa khô làm cho thành phố sạch bóng. Nhìn xa mặt đường láng như gương. Màu xanh non của những chùm lá mới bừng nở trên tán cây hai bên đường. Mùa xuân vượt qua ranh giới lịch thời gian tràn sang mùa hạ. Điều mong ước sánh vai nhau đi trên đường phố Sài Gòn giải phóng của chúng tôi không được thực hiện. Không được phép để cho ai “hiểu lầm” chúng tôi là một cặp vợ chồng. Chỉ có Bạch Kim thỉnh thoảng đưa cháu Trung đi thăm thú nơi này nơi khác. Chẳng bao lâu nữa cháu sẽ phải xa Tổ Quốc một thời gian không hạn định nên cô cũng muốn cháu ghi sâu vào tâm hồn thơ bé của nó hình ảnh thân yêu của quê hương xứ sở. Còn tôi thì không dám đến thăm ai, dù là những người đồng chí cùng hoạt động trước đây hay những người quen trong giới chức ngụy quyền cũ.

Tất cả là chờ đón nhiệm vụ.

Rồi một bữa tôi nhận được giấy gọi đi cải tạo tập trung.

– Pháo hiệu đã nổ rồi! Các chiến binh hãy xốc lê lao vào trận đánh? – Tôi nói vui với Bạch Kim.

– Đấy mới là tín hiệu của riêng anh. Má con em vẫn đang còn nằm ở tuyến đợi.

Đêm hôm đó chúng tôi thao thức không sao ngủ nổi. Có thể còn lâu chúng tôi mới lại gặp nhau. Điểm hẹn ở tận bên kia quả đất. Con đường trước mắt sẽ vô cùng lạ lẫm. Tôi chưa hình dung nổi phương thức hoạt động trong môi trường mới… Chúng tôi thống nhất với nhau là trong thời gian tôi ở trại cải tạo hai mẹ con không phải lên thăm. Có gì cần tôi sẽ viết thư về. Tôi tin cậu Đức sẽ là đường dây liên lạc cho chúng tôi.

Cuối tháng 8 năm 1975 tôi đến tập trung ở Quận. Chỉ có một số ít sĩ quan hiện dịch. Không ai quen biết tôi. Xe tải đưa chúng tôi đi Bình Dương. Ở dây chúng tôi viết lý lịch và tường thuật lại con đường binh nghiệp của mình. Sau bảy ngày học chính trị chúng tôi được biết sẽ phải ở lại trại một thời gian không hạn định. Tuỳ tình hình cụ thể, người nào tỏ ra tiến bộ sẽ được xét cho về với gia đình.

Một bữa tôi được gọi lên Ban quản trị Trại cùng hai sĩ quan khác. Người phụ trách cải huấn hỏi tôi:

– Anh là sĩ quan điện toán. Chúng tôi cần trưng dụng anh ít ngày để phối hợp với chuyên gia của chúng tôi cho vận hành tổ hợp máy ở Bộ Tổng tham mưu. Anh làm được chứ?

– Dạ thưa cán bộ, đó là hệ thống máy quen thuộc đối với tôi.

Hai sĩ quan thông tin cùng đi với tôi được gọi đến giúp việc ở trung tâm tuyền tin Phú Lâm.

Xe đến Sài Gòn, một người đưa tôi vào cổng Phi Long trình giấy tờ. Năm phút sau tôi đã gặp đại tá Nguyễn Hữu Đức trong một căn phòng riêng kín đáo.

– Thế nào, cải tạo tiến bộ đến đâu rồi? – Đại tá cười, vỗ vai tôi.

– Thưa cậu nhất định là phải tiến bộ hơn chứ ạ?

– Cậu báo cáo toàn bộ kế hoạch “hậu chiến” của chúng ta lên cấp trên. Về cơ bản đã được xét duyệt, nhưng cậu cháu mình cũng phải bàn bạc thêm nhiều chi tiết cụ thể. Vì vậy cậu phải gọi cháu lên đây ít nhất một tuần. Với Bạch Kim thì sẽ bàn riêng sau.

– Vâng, cháu sẵn sàng nghe cậu nói. Suốt nửa tháng “học tập cải tạo” cháu tiếp thụ được ít quá. Tâm tư cháu cứ cuốn hút vào nhiệm vụ sắp tới. Cháu mong được gặp cậu để nghe cậu chỉ bảo thêm.

– Cách đây hai mươi năm, giao nhiệm vụ cho cháu cậu thấy dễ dàng hơn bây giờ nhiều. Lúc đó kẻ thù trực tiếp hiệp rõ nguyên hình, sào huyệt của chúng công khai trước mặt mọi người. Địa bàn tập trung, phương tiện thông tin liên lạc đơn tuyến, đa tuyến đều có thể thiết lập. Nay thì khác hẳn. Đế quốc Mỹ, đã bại trận, tất nhiên mối hận thù còn nóng bỏng, nó sẽ không để ta yên ổn. Bọn tay sai từng đem quân đến nước ta, cho Mỹ sử dụng đất đai, làm căn cứ xuất phát gây biết bao tội ác với nhân dân ta nay chắc chắn không thể vui mừng nhìn ta thống nhất vững mạnh. Bọn ngụy quân ngụy quyền, các tổ chức phản động lượt vong còn nuối tiếc thiên đường đã mất. Khi hồi tỉnh biết đâu chúng chẳng tập trung lại lực lượng lo tính phục thù. Nếu có điều kiện phá hoại ta, hạn chế ta là chúng không từ. Chưa nói đến những người trước đây giúp ta định dùng ta như một con bài, nay mất cả chì lẫn chài, họ sẽ thay đối sách, gây cho ta những khó khăn mới. Tất cả những phân lực đó liên hệ với nhau thế nào, tâm lực hướng vào đâu… ta cần phải biết.

– Thưa cậu cháu cũng đã nhiều đêm trăn trở cho nhiệm vụ nhưng vẫn chưa hình dung nổi được một đường dây chiến thuật rõ ràng, đáng tin cậy để khi hành động là có hiệu quả thực sự.

– Ta có thể vạch ra những con đường trong tưởng tượng. Nhưng cũng có thể cứ phải đi trên thực địa, vết chân sẽ tạo nên một con đường. Những lối mòn đầu tiên đó được gọi là đường khai phá. Chắc chắn nó còn gập ghềnh khúc khuỷu nhưng ta sẽ dần dần uốn nắn lại. Nếu có phải quay một trăm tám mươi độ thì ta cũng chẳng nản lòng. Chí ít ta cũng làm được cái việc treo lên tấm biển cấm để đồng đội khỏi phải lặp lại. Trong toán học chứng minh được đầu bài sai thì cũng có thể coi như giải được bài toán đó. Cho nên nếu cháu chưa hình dung ra thì cũng không được phép lo sợ. Cậu nghĩ muốn có được một kế hoạch chính xác vẫn phải kết hợp giữa sự phân tích và suy lý của bộ óc với những phát hiện trên con đường thực hành. Vì vậy cậu cứ tung cháu vào trong lòng địch, ở đấy cháu sẽ tìm ra những hướng đi cụ thể, mục tiêu cụ thể.

– Dạ nhưng “lòng địch” lúc này rộng quá. Bọn chiến bại tan nát ra khắp thế giới tư bản. Chúng sẽ hội tụ ở đâu, trung tâm chỉ huy ở đâu?

– Dù ở đâu thì cuống nhau của chúng cũng phải nối với Washington. Không có đồng đô-la chúng sẽ không hoạt động nổi.

– Có thể do một trung tâm khác đài thọ thì sao ạ?

– Cậu cũng không loại trừ, nhưng muốn gì nó cũng phải căn cứ vào thái độ của Washington.

Sau một hồi suy nghĩ tôi đề xuất ý kiến:

– Trước tiên ta có thể mở một chiến dịch thăm dò rộng lớn.

– Đúng thế. Cháu có thể làm một chuyến đi thăm quan ba châu lục. Khoác bộ áo nhà báo sẽ ngụy trang tốt cho hành vi quan sát, phỏng vấn, săn tin, chụp ảnh. Vai trò đó thích lợp với cháu đấy.

– Nhà báo! Trời, từ nhỏ cháu chưa bao giờ viết báo.

– Phải tập thôi. Lúc đầu có thể viết còn dở, sau tiến bộ dần…

– Thưa cậu có tờ báo nào dám nhận một ký giả như cháu vào làm rồi chi cho một khoản phí tổn giao thông khổng lồ để đi vòng quanh thế giới.

– Ngay từ đầu thì không thể là phóng viên thực thụ của một tờ báo nào. Nhưng cháu cứ mạnh dạn gửi bài cho vài tờ báo tiếng Việt nào đó. Hãy chọn những đề tài ngắn về Việt Nam. Hiện nay đang có những cuộc tranh luận khá sôi động về nguyên nhân bại trận. Cháu hãy nhảy vào cuộc bút chiến một cách cuồng nhiệt sao cho dư luận chú ý. Từ đó cháu tập viết bằng tiếng nước ngoài. Đích đầu tiên là kiếm cho được cái “các” ký giả. Nếu tòa báo chưa cử cháu tới những mục tiêu cần tiếp cận thì tự bỏ tiền ra mà đi. Bạch Kim sẽ lo cho cháu vấn đề tài chính.

– Vâng cháu sẽ cố gắng theo phương hướng đó.

– Hai địa điểm Paris và Québec của các anh các chị cháu ở hiện nay không thích hợp với hoạt động của cháu. Cậu thấy Washington hoặc New York thuận tiện hơn.

– Chúng cháu sẽ thu xếp. Phải có một cuộc vận động anh chị cháu chuyển chỗ ở.

Vấn đề thông tin liên lạc trở nên gay cấn nhất. Với cự ly như thế không thể có chiếc máy xách tay nào có đủ công suất thu phát nổi. Nếu dùng phương tiện điện thoại và điện báo quốc tế thì không sao giữ được bí mật. Cũng không thể có mạng giao liên như hồi chiến tranh. Làm thế nào để có được mối liên hệ báo cáo chỉ huy kịp thời được?

Cuối cùng cũng đành bằng lòng với những cách thức cổ điển như viết thư bằng mực không màu, giấu mật mã vào trong hàng hóa theo đường quà biếu v.v… Tuy nó đảm bảo được bí mật ở mức độ nhất định nhưng điểm không khắc phục nổi là tính thời gian.

Có điều dáng mừng là nếu tôi có mặt ở vùng Đông Nam Á thì được phép bắt liên lạc với ba cơ sở của ta. Tôi sẽ nhận chỉ thị của Trung tâm và báo cáo tình hình qua họ.

Như đoán ra nỗi băn khoăn của tôi cậu Đức nhấn đi nhấn lại vấn đề chủ động linh hoạt.

– Lần trước cháu là người mới vào nghề, phải có sự chỉ dẫn từng bước của cấp trên. Kèm bên cháu có Phương Dung là người biết việc. Giờ đây sau hai mươi năm lăn lộn với công tác tình báo chán đã trở thành một cán bộ chỉ huy vững vàng rồi. Cháu phải dìu dắt Bạch Kim. Sau này tổ chức phát triển cậu sẽ giao cho cháu chỉ đạo những phân vụ rộng lớn hơn. Do đó cháu phải biết điều khiển bộ máy của mình có sức sống, sức chiến đất tốt trồi có khi chính cháu lại trang bị cho tổ chức những phương tiện thông tin cự li xa hiện đại hơn nhiều so với khả năng của chúng ta hiện nay.

– Thưa cậu, bất cứ một việc gì cậu giao cho, chát cũng xin chấp nhận và cố gắng hết sức để hoàn thành. Nhưng cháu cũng xin trình bày để cậu nắm rõ trình độ của cháu. Suốt hơn hai chục năm công tác cháu mới chuyên hoạt động chiều sâu chứ chưa quen chiền rộng. Dĩ nhiên là những kinh nghiệm hoạt động chiều sâu cũng có ích rất nhiều cho hoạt động chiều rộng, cho trình độ tổ chức chỉ huy. Nhưng phải nói rằng đây vẫn còn là lĩnh vực mới mẻ đối với cháu. Nay thì chiều rộng của chiến trường không bó hẹp trong một thành phố hay một miền nữa mà nó tan loãng trên nửa phần Tây bán cầu cùng gần nửa phần Đông bán cầu. Dĩ nhiên là không phải chỉ có riêng mũi của cháu. Thế nào rồi cũng sẽ gặp phải những khó khăn, bỡ ngỡ chưa hề lường trước. Lúc đó cháu sẽ rất cần đến sự chỉ giáo của cậu. Xin cậu hãy quan tâm đến bọn cháu như trong thời kỳ chiến tranh trước đây.

– Cái đó thì cậu không từ chối. Nhưng chính cháu mới là người tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề. Vì vậy một lần nữa cậu lại nhắc cháu phải luôn luôn tự tin, chủ động linh hoạt để nhanh chóng đạt mục đích của mình.

Những đêm đó hai cậu cháu tôi thường nằm chung với nhau trong căn buồng có máy điều hòa nhiệt độ cùng nhiều tiện nghi sinh hoạt sang trọng khác. Nhưng chúng tôi cũng không thể quên được cái lán nhỏ trong khu rừng Đại Từ cách đây mấy chục năm. Bên tai tôi như vẫn văng vẳng tiếng nai tác buồn buồn trong đêm mùa thu. Hoàn cảnh đã thay đổi nhưng những cảm xúc về ngày lên đường vẫn lặp lại gần như nguyên vẹn trong tôi. Mặc dù đã ở độ tuổi mọi tình cảm đều như đã sơ cứng mà sao tôi vẫn thấy tâm hồn mình mềm lại…

Ngày cuối cùng tôi được về nhà thăm vợ con. Bạch Kim đã chuẩn bị cho tôi đầy đủ đô-la và vàng chỉ đợi tôi về để mang đi. Nhưng theo kế hoạch hành quân thì chúng tôi vẫn còn dịp gặp nhau một lần nữa. Tôi mang những thứ này vào trại đâu có tiện.

Cháu Trung hỏi tôi:

– Bao giờ ba lại phải đi cải tạo ba?

– Mai con ạ. Con có nhớ ba không?

– Con mong ba lắm. Cả má cũng mong. Bao giờ ba lại về?

– Chưa biết được, nhưng con phải vâng lời má. Má đi đâu con đi đấy nghe. Thế nào ba con mình cũng lại gặp nhau thôi.

Mắt con tôi long lanh những giọt nước. Cháu không nói chỉ ôm chặt lấy tôi như thông hiểu những ý nghĩ của bố. Khi cháu đi ngủ rồi Bạch Kim mới lo lắng nói với tôi:

– Em sợ nhất là hôm ra đi Quang Trung phá bĩnh không chịu theo em thì nguy hiểm quá. Nó là một chàng trai thực sự rồi, đâu phải con nít mà chúng ta cứ đóng kịch với nó mãi.

– Có thể nó cũng đã đoán ra được một phần sự thật. Việc này để anh nhờ cậu Đức nói với nó. Cần đến đâu ông sẽ nói cho cháu đến đó tiện hơn.

Về Bình Dương năm ngày tôi được chuyển đi T75 cùng với một sĩ quan khác. Đó là một trại lao động lâm nghiệp nằm trên cao nguyên Lâm Viên. Mười hai dãy lán dựng bên bờ sông Đắc Két. Tôi được chuyển về C5. Người “chiến hữu” gặp lại đầu tiên là tướng Tùng Lâm.

– Anh ôm chầm lấy tôi, nhưng lần này không có mùi rượu, mùi son phấn đàn bà, chỉ có mùi mồ hôi tỏa ra từ chiếc áo lính dày cộp. Cặp mắt anh ứa lệ.

– Moa tưởng toa đã được tự do!

– Tôi có đặc ân gì khác anh đâu! Đã là sĩ quan hiện dịch thì đều đi cải tạo thôi.

– Toa khác chớ, toa được dẫn đường cho Quân giải phóng uýnh vô Sài Gòn. Họ phải tưởng lệ công lao của toa chớ!

Tôi nhún vai không trả lời vào câu hỏi của anh. Đám sĩ quan đứng xung quanh nhìn tôi với cặp mắt khó hiểu. Kẻ còn lưu luyến chế độ cũ tỏ ra khinh bỉ cái thái độ quay quắt của tôi. Người lại them muốn cái dịp may hiếm có như tôi để sớm được trở về đoàn tụ gia đình.

– Anh dẫn dường cho cánh quân nào? – Viên trung tá tham mưu phó sư đoàn 42 tò mò hỏi tôi.

– Tôi đi theo cánh quân hướng Bắc. Thực ra họ dẫn đường tôi chứ đâu cần tôi dẫn đường họ. Mọi ngõ ngách họ dầu thông thạo. Sau khi Sư 5 tan rã, Bình Dương thất thủ, tướng Vĩ tự sát thì hướng Bắc hầu như bỏ trống. Quân xa của họ cứ việc mở lết tốc lực thẳng xa lộ 13 tiến vào cầu Bình Triệu. Dân dừng đón kín hai bên đường, họ hỏi ai mà chẳng được.

– Sau đó họ cho anh về nhà chứ?

– Đâu có. Tôi bị giam với những sĩ quan khác. Tôi khai là sĩ quan điện toán nên họ gọi tôi về vận hành tổ máy ở Bộ Tổng tham mưu.

– Nay họ không them dung anh nữa sao?

– Thực ra họ đã tự vận hành được. Tổ hợp Apple system thế hệ hai chẳng có gì là mới lạ nữa. Trong lĩnh vực này họ cũng có những chuyên viên giỏi.

Tất cả đảm sĩ quan cười ồ.

– Thế mà bọn tôi tưởng anh đã đeo lon trung tá cách mạng rồi đó!

Tôi nghiêm mặt nhìn thẳng vào mắt từng người:

– Quý vị định sỉ nhục tôi đó sao. Ở hoàn cảnh này liệu quý vị có thể làm gì được hơn?

Thấy thái độ nổi khùng của tôi họ không dám làm rách chuyện ra nữa. Tình hình này đến tai Ban cải huấn có thể bất lợi cho họ.

Ba hôm sau tôi được lên gặp trại trung. Một người tóc đã điểm bạc vẻ mặt nghiêm nghị và bình thản. Ông bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện ở phòng làm việc. Ngoài sân một toán tù binh đang sửa sang lại các luống hoa.

– Anh là Phan Quang Nghĩa nguyên là tham mưu trưởng Sư 97?

– Dạ.

– Anh bị bắt ngày nào?

– Dạ tôi ra trình diện ở thành phố ngày 28 tháng 6.

– Tôi hỏi anh bị bắt ngày nào? – ông quát giọng giận dữ.

– Dạ… tôi chưa bị bắt.

– Anh nói dối. Anh có tên trong danh sách tù binh từ ngày 14 tháng 4 ở Nam sông Đan Li cùng với chuẩn tướng Tùng Lâm, trung tá Vũ Trọng Hiến và trung tá Bình Nhật Nam.

– Dạ tôi đã đầu hàng ở quốc lộ 1 và được Quân giải phóng giao cho công vụ dẫn đường đại quân tiến vào Sài Gòn.

– Rồi sau đó anh bỏ trốn?

– Dạ không.

– Anh giải thích tại sao mãi 28 tháng 6 anh mới ra trình diện?

– Dạ thưa quý ông, khi tôi theo bộ phận tiên phong của Quân Giải phóng qua cầu Bình Triệu thì dân chúng đổ ra hai bên đường hoan nghênh bộ đội. Tôi thấy mình không xứng đáng đứng trong đội ngũ đó nên đứng tách ra. Quần chúng vây kín xe. Khi xe chạy tôi không thấy ai gọi nữa. Tôi tin là thành phố đã quy hàng trong trật tự nên đã về nhà để chờ ngày quý ông gọi lại.

– Nhưng sư đoàn dùng anh dẫn đường ấy báo về là anh bỏ trốn ngay trong rừng từ ngày 22 tháng 4 – Ông đưa tôi tờ giấy truy nã – Anh có thể cải chính được điều này không?

Tôi im lặng cúi đầu. Ông trại trưởng dằn từng tiếng.

– Thực sự là anh đã chạy trốn về Sài Gòn để báo cho Bộ chỉ huy ngụy về tình hình tiến quân của Quân Giải phóng, giúp bọn ngụy có cơ chống lại. Nhưng chúng đã không còn khả năng cưỡng nổi sự sụp đổ. Đến bước không còn đường tẩu thoát anh mới chịu ra trình diện lần thứ hai. Tôi buộc phải coi anh là phần tử ngoan cố. Anh sẽ không được đi lao động ngoài trại như anh em khác. Tương lai của anh hoàn toàn tuỳ thuộc vào thái độ tiếp thụ cải tạo của anh. Anh nghe rõ chưa?

– Dạ. Tôi xin chấp hành kỷ luật – Tôi đứng nghiêm vẻ mặt không có chút gì là hối lỗi.

Tôi về lán im lặng không nói một câu, nhưng cuộc thẩm vấn được lan truyền ra cả trại. Nhiều tù binh nhìn tôi với vẻ mặt lảng tránh. Vì kẻ ngoan cố tỏ ra thán phục tôi. Mấy người khiêu khích bữa qua bí mật chào tôi với nụ cười nhận lỗi. Riêng Tùng Lâm không dám vồ vập tôi như bữa qua nữa. Giữa tôi và anh vốn đã có nhiều “duyên nợ”. Lúc này gần tôi anh sợ vạ lây.

Hàng ngày mọi người đi rừng, tôi làm công vụ trong trại như dọn vệ sinh, sửa nhà tắm, khiêng nước, vác gạo, chăn lợn. Có một bữa vắng vẻ tôi lân la đến bên viên chuẩn tướng.

– Anh Tư à, số tôi hẩm hiu quá. Quả tình là tôi đã bỏ trốn ngay bữa 22 tháng 4. Về Sài Gòn tôi định đem con xuất dương luôn, nhưng không sao thoát. Quân luật không cho phép tôi lấy hộ chiếu xuất cảnh. Trong những ngày khủng khiếp đó tâm trí tôi bất định, tôi không tìm ra kế sách nào dứt khoát. Tôi sống ẩn náu loanh quanh. Đến 28 tháng 6 tôi đành phải ra trình diện. Chuyện vỡ lở thế này chắc tôi bị lưu đày suốt đời thôi.

– Biết làm sao được! – Tùng Lâm nhìn tôi vẻ mặt áy náy – Chúng ta cùng chung số phận với nhan thôi. Chẳng ai có tương lai sáng sủa hơn ai.

– Chẳng lẽ bó tay chịu chết sao?

– Phải chờ đợi thôi.

– Mối hận thù quá lớn. Ta đã giết quá nhiều người của họ. Họ cho ta sống là may rồi. Nhưng sống không tự do thì cũng như chết.

– Đúng thế.

Sau vài phút suy tư tôi nói nhỏ với anh.

– Tôi định thử lại một lần nữa. Kỳ này đành đi một mình bỏ thằng bé lại. Cứ lấn bấn hai cha con thì đến chết cả.

– Vợ con mình đi cả rồi.

– Trời, sao anh Tư biết. Mình viết thư về không có người nhận, họ chuyển trả lại. Mình đành viết cho cô em gái. Nó lên thăm và cho hay cả nhà đã vượt biên rồi. Không biết họ đi đâu.

– Anh không có bà con ở ngoại quốc sao?

– Có đó nhưng là bà con xa thôi.

– Có tiền bạc gửi ngân hàng ngoại quốc không?

– Đâu có. Mình đông sắp nhỏ, xài hết trọi, chẳng có dư thừa gởi ngân hàng.

Tôi thở dài:

– Anh chị tôi ra đi cả. Họ chuyển tài sản sang Pháp sang Thụy Sĩ từ nhiều năm nay. Có cô em coi thằng cháu cứ nấn ná chờ tôi nên kẹt lại. Tai hại quá. Tôi mà một mình như anh Tư, tôi đi dễ ợt.

Tùng Lâm nhìn tôi vẻ thăm dò:

– Tất cả đều muộn rồi. Đi sao thoát.

– Vẫn còn thời cơ. Mỗi người chỉ cần ba “cây” là đủ.

– Bây giờ chỉ còn hai bàn tay trắng. – Tùng Lâm nhún vai.

– Đi với đệ? Đệ sẽ giúp anh Tư, cốt cứu lấy mạng người, vàng bạc giờ đây còn có ý nghĩa gì.

– Ngay cái chuyện ra khỏi hàng rào này đã khó khăn rồi nói chi vượt biển.

– Khó khàn nhất là cái hàng rào mỏng manh này thôi. Hàng ngàn kilômét bờ biển ta sẽ tìm được một khe hở.

– Cảm ơn chiến hữu, để mình suy nghĩ thêm. Biết vậy, chớ nói với ai nữa, nghe.

– Dạ.

Ba ngày sau Tùng Lâm nháy mắt rủ tôi đi tắm. Khi vắng người anh hỏi nhỏ:

– Toa thử phác qua cái lặng nghe chơi.

– Thứ nhất phải xong hai bộ đồ bộ đội. Ta sẽ nhằm lúc vệ binh hay tập trung họp hành, quãng mười chín đến hai mươi giờ. Ta lẻn vào lấy hai bộ đồ rồi vượt rào đi luôn. Ta đi suốt đêm theo hướng Đông. Đến lúc trời sáng ta đã ở khá xa trại rồi. Men theo bờ sông Đắc Két gặp đoạn nông ta sẽ vượt. Gặp đường 16 ta vẫy xe đi nhờ. Cần thì cướp xe mà đi. Thứ hai: về đến Sài Gòn ta đến ở nhờ người bà con thân nào đó ít ngày. Đệ sẽ đi tìm mối thuê thuyền nhập bọn với những người tị nạn khác. Gặp tình huống trái với dự tính ta sẽ tuỳ cơ ứng biến.

Nghe tôi nói, mặt Tùng Lâm vẫn đượm vẻ nghi ngại.

– Kế hoạch của toa nghe ngon quá khiến mình không an tâm.

– Phải liều thôi anh Tư ạ. Thà chết liều còn hơn sống mòn sống mỏi. Nếu anh Tư còn e ngại xin cứ suy nghĩ tiếp. Một khi đã quyết định hành động thì không còn đường lui đâu.

Từ phút đó chúng tôi không nói gì với nhau nữa. Khi tắm xong Tùng Lâm mới đưa bàn tay hộ pháp của anh ngầm nắm chặt bàn tay tôi dưới nước.

– Xét cho cùng thì cũng chẳng còn phương sách nào hay hơn. Ta thề sanh tử có nhau!

– Xin thề!

Tôi phác thảo lại kế hoạch “Chim biển” của tôi gửi lên cậu Đức để cậu xét duyệt và hỗ trợ. Hai hôm sau tôi nhận được một kế hoạch tỉ mỉ và hợp lý hơn.

Tôi đã báo cho Tùng Lâm ngày J. Nếu Tùng Lâm do dự rút lui thì tôi cũng phải hoãn lại. Khi ấy tôi sẽ có mật hiệu với người của cậu Đức. May sao ý chí của anh vẫn được giữ vững.

Đó là một đêm trăng sáng.

Sau một ngày làm việc mệt mỏi những người cải tạo ngồi chuyện trò khắp trên sân trại. Tùng Lâm buông màn đi nằm sớm. Đúng hai mươi giờ kém lười lăm anh lẻn ra phía sau nhà ăn. Tôi đã chờ anh ở đấy. Tôi chỉ cho anh lối vượt rào. Ban ngày làm bếp tôi đã lựa được một vị trí thuận lợi. Tôi yêu cầu anh đứng cảnh giới. Tôi mặc bộ đồ lót đi theo bóng hàng cây, bình thản thẳng tiến về ngôi nhà của bộ đội cảnh vệ…

Năm phút sau tôi đã gọn gàng trong bộ đồ bộ đội lẻn ra sau nhà ăn. Tôi ra hiệu cho Tùng Lâm theo tôi. Khổ người to lớn lại dễ xúc động nên Tùng Lâm lúng túng mãi mới vượt qua được cái hàng rào nứa. Khi ra thoát anh mới vội vàng thay quần áo. Chúng tôi mang bộ đồ ngụy đi một đoạn xa mới quăng vào bụi rậm. Bỗng nhiên phía trại ré lên những hồi còi, rồi bóng đèn pin lấp loáng, tiếng chó sủa inh ỏi.

– Lộ rồi chăng? – Tùng Lâm hỏi với giọng lo lắng nặng nề.

– Cũng có thể. Ta không theo lộ chính nữa. Chạy theo tôi anh Tư.

– Chết mất! Bình tĩnh anh Tư.

Tùng Lâm thở dốc. Tuổi năm mươi hơi mập lại ít chịu vận động luồn lách nên anh chóng xuống sức.

Mười phút sau chúng tôi xuống đến bờ sông.

– Ta vượt thôi anh Tư. Ở bên này nguy hiểm lắm. Nếu họ thả chó ra để lần theo vết thì không thoát nổi.

– Trời, chắc chi qua nổi, nưởc chảy dữ quá!

– Nước chảy bơi càng nhẹ, tôi sẽ dìu anh.

Đâm lao phải theo lao. Chúng tôi gói quần áo vào tấm vải nhựa.

– Anh ôm chắc lấy cái phao này, tôi bơi theo.

Cái phương tiện ứng dụng thô sơ này làm cho Tùng Lâm yên tâm hơn. Chúng tôi tạo một đường vát khá xa để cập bờ bên kia.

– Mặc quần áo vào rồi đi luôn, không nghỉ được đâu anh Tư à.

– Có thể họ không ngờ mình qua ngả này.

– Nhưng chó nó thính mũi lắm.

– Đàn chó còn phải lúng túng với bộ đồ ta quăng trong lùm cây – Tùng Lâm hi vọng.

– Cũng có thể, nhưng tốt nhất là ta đi ngay. Ta cần giành lấy một khoảng an toàn tối thiểu.

Chúng tôi theo con đường mòn ven sông. Đôi chỗ gặp một xóm nhỏ thưa thớt chúng tôi tìm đường tránh. Một giờ sau tôi quyết định bỏ sông Đắc Két rẽ về hướng Nam tìm đường 16. Tùng Lâm cắn răng vừa đi vừa thở, bước thấp bước cao.

– Mai về Sài Gòn ta kiếm chai Whisky bồi bổ lại sức lực.

Nghe đến rượu đôi chân Tùng Lâm cũng lẹ lên đồi chút. Khi đến đường 16 tôi kéo anh đến một tảng đá bên bờ suối ngồi nghỉ để tôi đi quan sát đường.

– Lạc nhau thì sao? – Tùng Lâm lo lắng hỏi tôi.

– Anh Tư cứ nghỉ, đệ đi quan sát đường đi cho chắc chắn, kéo anh đi càng thêm mệt. Chút xíu đệ quay lại thôi. Sinh tử có nhau, anh Tư yên tâm.

Tùng Lâm bằng lòng ngồi chờ. Tôi đánh dấu lối rẽ rồi theo lộ đi tìm điểm hẹn theo chỉ dẫn của cậu Đức. Chỉ vài phút sau tôi gặp cây cầu và tiếp đó một ngã ba. Tôi tìm được ba hòn đá ở vệ đường bên trái. Tôi yên tâm quay lại chỗ Tùng Lâm. Thấy tôi về anh mừng lắm.

– Đi tiếp chứ?

– Dạ. Đến quá ngã ba ta nghỉ lại chờ đi nhờ xe. Tùng Lâm đứng dậy. Không đi bộ quen, bàn chân chúng tôi đều rát bỏng. Cực quá trời, đau muốn chết luôn.

– Ráng lên anh, con đường đến tự do đâu có dễ dàng.

Anh cố lết đến ngã ba cơ hồ như không còn đi nổi nữa. Cũng may là đã đến điểm chờ. Tôi dìu anh xuống bờ suối, trải tấm ni lông lên mặt cát và cả hai nằm xuống. Đồng hồ chỉ người hai giờ, trăng thượng tuần đã lặn, cao nguyên se lạnh, tiếng chim tử quy vẫn đều đều gọi bạn trong rừng khuya. Vài phút sau Tùng Lâm đã cất tiếng ngáy nặng nề…

Sáng hôm sau tôi dậy sớm. Qua một đêm mà đầu tóc Tùng Lâm như bạc thêm ra, râu mọc lởm chởm, da mặt tái xanh trông thật thảm hại. Tôi kêu anh dậy rửa mặt để lên mặt đường chờ xe. Nỗi lo sợ đè nặng lên tâm hồn viên tướng thất thế.

– Bộ dạng thế này tránh sao khỏi sự nghi ngờ.

– Anh Tư an tâm. Trời Phật sẽ cứu ta. Còn nếu như mệnh ta đã hết thì dù không chạy trốn cũng sẽ chết thôi anh Tư ạ.

Nghe có tiếng xe rú xa xa, tôi nói nhỏ với Tùng Lâm:

– Ta lên đường đi. Anh Tư phải đóng vai người ốm.

Có vậy nhờ xe mới dễ.

Tùng Lâm ngồi dựa vào gốc cây vệ đường. Bộ mặt của anh lúc này rất thích hợp với vai sốt rét. Một chiếc xe Gát từ cao nguyên đi về phía Đà Lạt mang biển số QS 5407. Tôi đứng ra giữa đường chặn lại.

– Làm ơn cho chúng tôi đưa nhờ một đồng chí về Đà Lạt. Bọn tôi đang khai thác gỗ, anh bị sốt rét ác tính. Người lái xe ngần ngừ một lát rồi nói:

– Được thôi nhưng ca-bin hẹp chỉ ngồi được một người…

– Tôi ngồi đằng sau cũng được. Nhờ anh giúp một tay dìu đồng chí ốm lên ca-bin.

Anh lái xe tắt máy, gài phanh nhảy xuống định dìu Tùng Lâm thì tôi liền cho anh một cú vào mạng sườn. Anh ta lảo đảo và nhận tiếp thêm cú thứ hai.

– Anh Tư lên xe nổ máy đi.

Tôi kéo người lái xe trẻ xuống bờ suối, thì thầm vào tai anh. Chịu được chứ?

– Yên tâm – Anh trả lời tôi – Giấy tờ tiền bạc trong túi áo đó.

Tôi quăng anh xuống đoạn suối sâu nhất rồi chạy lên, đẩy Tùng Lâm sang phải và ngồi vào vòng lái. Tôi chụp chiếc mũ cối lên đầu Tùng Lâm và đưa anh chiếc vi. Tôi rú ga, xe lao xuống dốc. Tùng Lâm gí mãi cặp mắt già vào mấy tờ giấy lôi ra từ trong ví.

– Anh đọc to lên xem những giấy gì.

– Giấy công tác: Chuẩn úy Nguyễn Văn Niên đơn vị 4602. Giấy giới thiệu Niên về Trạm 17B Tân Sơn Nhất nhận hàng. Một phiếu lĩnh hai máy phát điện 1,5 KVA.

– Từ giờ phút này tôi là chuẩn úy Nguyễn Văn Niên, còn anh Tư là thượng úy Lâm tranh thủ theo xe về thăm thành phố nghe.

– Liệu chuẩn úy Nguyễn Văn Niên có thể hồi tỉnh lần tới trạm điện thoại gần nhất gọi về Đà Lạt chặn đường chúng ta không?

– Tiêu rồi. Nó sẽ sang bên kia thế giới để gọi điện thoại.

Chúng tôi đến Sài Gòn êm thấm. Quẳng xe trước cổng sân bay Tân Sơn Nhất tôi đi theo Tùng Lâm đến nhà em gái anh ở đường Lê Văn Duyệt. Anh bấm chuông, cửa mở, hai chúng tôi lẻn vào rất nhanh.

Người em gái lúc đầu còn ngỡ ngàng tròn xoe mắt… rồi bỗng reo lên:

– Trời! Anh Tư, anh Tư đã về!

Tùng Lâm đặt tay lên miệng ra hiệu cho chị ta im lặng. Khi cả nhà xúm quanh phòng khách, Tùng Lâm mới giới thiệu tôi với mọi người.

– Đây là trung tá Nghĩa, chiến hữu của anh. Bọn anh vượt ngục về đây lánh tạm ít ngày, nhờ cô chú che chở cho. Sau đó anh sê ra đi.

Hai vợ chồng người em và lũ trẻ đến sáu bảy đứa đều im lặng. Vẻ lo lắng căng thẳng trùm lên căn phòng.

– Cô chú lo lắng là phải. Bọn tôi không còn con đường nào khác. Chỉ phiền cô chú giữ kín cho vài bữa. Nếu chẳng may họ phát hiện ra thì chúng tôi cũng không khai gì để liên lụy đến cô chú.

Hồi lâu người em rể mới nói:

– Anh Tư và ông bạn đây đã về với bọn em thì sống chết cũng phải cư mang nhau thôi, biết làm sao được.

– Sao mà anh phải trốn? – Người em gái thắc mắc – Em nghe nói nếu học tập cải tạo tốt thì sớm muộn cũng được chánh phủ khoan hồng cho về thôi mà.

– Không có hạn định nào được công bố. Còn bọn anh thì đã nhúng tay vào quá nhiều vụ bắn giết – Tùng Lâm thở dài – Chờ đến một tòa án kiểu Nuremberg thì quá muộn.

Nhìn bộ đồ bộ đội của chúng tôi gia đình này càng lo lắng, không yên long. Có lẽ bọn tôi vừa gây ra một tội lỗi gì cũng nên.

– Thôi hai anh đi tắm đi – Người chồng quay lại nói với vợ – Em lựa hai bộ đồ cho hai anh xài tạm, mặc thứ này đâu có được.

Sau mươi lăm phút tắm rửa, cạo râu, hình hài bọn tối cũng đỡ khủng khiếp hơn. Gia đình dọn cơm cho bọn tôi ăn uống trên lầu thượng. Sau nhiều tháng Tùng Lâm mới nhìn thấy chai rượu. Nâng chiếc li tay anh run run cảm động:

– Xài đại đi rồi chết cũng đã, chú em!

– Không chết được đâu! Tối nay tôi đi lấy tền, kiếm người manh mối để thuê thuyền. Phật tổ phù trợ thì vài bữa thôi ta sẽ ra biển.

– Toa về nhà không nổi đâu. Có thể an ninh đã phục sẵu để bắt toa. Toa sa lưới thì moa đâu có thoát. Nên nhờ con nhỏ đến gọi giúp người thân ra gặp ở một nơi nào đó.

– Dạ anh Tư nói chí phải.

Tối đó tôi kèm đứa cháu con người em về gần nhà. Tôi lảng vảng ở đầu phố chờ cháu vào gọi giúp Bạch Kim.

Mươi phút sau chúng tôi gặp nhau. Tôi cảm ơn và để cháu về trước. Khi cháu bé đi khuất chúng tôi lỉnh về nhà rất nhanh. Cháu Trung đã đón tôi ở cửa. Cháu rất vui mừng vì đã được ông Đức báo cho biết trước tin này.

– Ba khỏe chứ ba? Con trông ba ốm đi chút ít đó.

– Có thể gầy đi nhưng ba rất khỏe.

– Bữa nay ba về tạm biệt má con đó ba.

– Sao con biết?

– Ông Đức nói cho con biết rồi!

– Con có hiểu ý nghĩa công việc của chúng ta không?

– Con hiểu. Xin ba tin con.

– Ngoan lắm. Chúng ta chỉ xa nhau ít ngày. Vài tháng nữa chúng ta sẽ gặp nhau. Từ nay con đừng gọi là má Kim nửa nhé.

– Dạ, con gọi là cô như mọi lần. Nhưng bên trong cô vẫn là má của con.

– Ngoan lắm! – Bạch Kim ôm chặt lấy cháu, xoa xoa khuôn mặt thanh tú của con – Con phải biết nhập vai cho chính xác. Nhiệm vụ của con lúc này vẫn chỉ là giữ bí mật, chịu khó học tập và vâng lời ba má thôi.

– Dạ.

Sau mấy phút hàn huyên cháu biết ý lảng về buồng riêng cho chúng tôi bàn công việc.

– Cậu Đức nhắn anh cứ đến liên lạc với người mối thuyền theo địa chỉ đã dặn. Chiếc thuyền chở theo bốn gia đình. Họ định xuất phát cuối tuần. Họ không muốn chở thêm ai, nhưng do sức ép của người mối, họ nể nên đồng ý để hai anh đi. Nhưng họ rất lo không biết hai anh là người thế nào.

– Cậu có nói ai là người lái hay chỉ huy chiếc thuyền này không?

– Một đại úy hải quân. Người môi giới cũng là người bán thuyền.

– Người bán thuyền là ai? Là người của ta. Anh ta sẽ theo thuyền ra đến Cáp, thu nốt khoản tiền cuối cùng rồi quay lại.

Mọi chuyện trên chỉ là một màn kịch lớn nên nó đã trôi đi đúng theo ý định của người đạo diễn. Tôi chưa phải đối phó thực sự với bất cứ vấn đề gì. Tâm lực của tôi dành cho đoạn đường phía ngoài phao số không.

Hai mươi ba giờ ba mươi tôi trở về chỗ Tùng Lâm. Anh rất vui mừng khi thấy tôi mang về một số vàng và đô-la khá lớn.

– Có tiền rồi, còn chuyện thuyền ghe ra sao?

– Tôi đã đi hỏi. Khó đấy, sáng mai tôi lại đi nữa. Tình thế này không liều không được.

– Mình cũng đã dò hỏi mối manh con đường di tản qua cô em mình nhưng cô chẳng biết gì. Cô còn khuyên mình quay lại nhận lỗi với trại vì thèm rượu nên đi liều vài bữa. Cô nói ngon ợt. Cô có biết đâu bọn mình đã giết người cướp xe. Riêng tội đó cũng đủ lãnh án tử hình rồi.

– Ở đây có lẽ cũng không tiện đâu anh Tư ạ. Tôi thấy anh chị Nhơn (em anh) quá lo lắng vì chúng ta. Mai tôi tìm một nơi khác.

– Đổi chỗ ở luôn cũng là một biện pháp chống truy nã – Tùng Lâm đồng ý theo tôi nếu như tôi có nơi nào tin cậy, an toàn hơn.

Sáng hôm sau tôi tới nhà người mối. Một người chừng sáu chục tuổi tiếp tôi. Ông được báo trước nên tin nhau ngay. Ông lấy hon-đa kèm tôi đến gặp viên đại úy hải quân ở khu Khánh Hội. Một người cao, to, da bánh mật, mày râu nhẵn nhụi ra tiếp. Anh ta nhìn tôi với vẻ mặt thăm dò liễn cưỡng.

– Tôi là Phan Quaưg Nghĩa, trung tá phụ tá giám đốc Trung tâm điện toán Bộ Tổng tham mưu.

– Tôi, Trương Tấn Hào, đại úy, thuyền trưởng thuộc Hải đoàn 11.

Hai bên bắt tay nhau. Tôi nhìn thẳng vào cặp mắt người đối thoại. Sau khi chủ khách ngồi xuống ghế, tôi mở đầu cuộc nói chuyện.

– Cùng đi với tôi còn có chuẩn tướng Tùng Lâm, nguyên Trưởng phòng Hành quân tác chiến Bộ Tổng tham mưu. Để đảm bảo bí mật cho chuyến đi hôm nay ông không có mật nhưng đã ủy nhiệm tôi đại diện cho ông đến thưa chuyện cùng đại úy: Hai chúng tôi muốn được là bạn đồng hành với đại úy trong chuyến viễn du này.

– Rất hân hạnh. Ông San (người bán thuyền) cũng đã nói trước với tôi. Nay gặp nhau, biết danh tính, cấp bậc tôi mới bớt lo vì chúng ta nguyên là chiến hữu của nhau, cùng chung số phận. Cuộc hàuh trình sẽ rất nguy hiểm, nhưng chúng ta không còn cách lựa chọn khác. Xin quý anh đóng góp cho mỗi người ba lượng, khoản tiền phí tổn mua thuyền và dầu, nhớt.

– Tôi xin nộp trước anh một nửa. Số còn lại sẽ đưa ngay khi nhập cuộc. Xin đại úy cho biết chương trình hành quân.

– Hành khách lựa chọn phương tiện riêng để có đủ mặt ở Cáp vào mười hai giờ ngày mười lăm. Sẽ có người đón ở Khách sạn Thiên Hương đến điểm hẹn chờ thuyền. Tôi, ông San và một trong hai ông xuống thuyền ngay từ địa điểm X gần cảng Sài Gòn, mười bốn giờ xuất phát. Đến Cáp ta sẽ đón mọi người ra khơi.

Một kế hoạch chưa có gì cụ thể nhưng tôi thấy không cần hỏi thêm. Cẩn thận quá sẽ làm cho viên đại úy nghi ngờ.

– Anh cho phép tôi gặp lại lần thứ hai để nhận kế hoạch cuối cùng vào lúc nào?

– Hai mươi giờ ngày mười bốn tức là tối mai.

– Để tránh nhưng trục trặc, tốt nhất là hai ông nên có mặt ở nhà ông San từ đêm nay. Liên lạc giữa chúng tôi bao giờ cũng chặt chẽ.

– Được chứ ông San? – Tôi hỏi.

– Dạ được.

Xong việc tôi tranh thủ về nhà, cho Bạch Kim rõ tình hình. Kim sẽ báo lại với cậu Đức vào chiều nay để cậu có kế hoạch hỗ trợ. Nếu không có gì thay đổi thì đây sẽ là báo cáo cuối cùng của tôi để chia tay nhau.

Cuộc hành quân của hai chúng tôi theo kế hoạch chỉ so le có ít ngày thôi mà sao cũng thấy bịn rịn, nhớ thương… Khi chỉ có hai đứa trong phòng, Kim ôm lấy tôi nước mắt đầm đìa.

– Mọi việc đã được cậu Đức chuẩn bị chu đáo mà em vẫn thấy lo lắng cho anh. Một chiếc thuyền con lênh đênh trên biển cả, sóng gió bất kỳ làm sao lường hết. Đó là chưa kể đến chuyện hải tặc ngày càng hoành hành dữ dội trên vịnh Thái Lan.

– Tất nhiên là có nguy hiểm, nhưng còn an toàn gấp trăm lần người lính xung kích ra trận. Phải đánh giặc mà đi, mở đường mà tiến, đó là phương châm truyền thống của chúng ta.

– Anh lấy hai bàn tay không để mở đường sao?

– Bàn tay và bộ óc! Tất nhiên anh sẽ mang theo khẩu súng ngắn.

– Một khẩu súng ngắn có ý nghĩa gì?

– Nó làm tăng tư thế của mình lên nhiều chứ! – Tôi nói mạnh cho Bạch Kim yên tâm.

Chiều hôm đó tôi về tin cho Tùng Lâm hay: sẽ di chuyển ngay trong đêm. Anh răm rắp làm theo ý tôi. Chúng tôi cảm ơn và từ biệt anh chị Nhơn. Vẻ mặt ông bà chủ cũng ái ngại cho số phận của chúng tôi. Người em gái nước mắt lưng tròng nắm chặt đôi bàn tay Tùng Lâm không biết nói gì. Nhưng sự ra đi của hai tên tội phạm cũng trút cho họ được gánh nặng quá lớn.

Chúng tôi đến nhà ông San ở đường Bạch Đằng trước hai mươi giờ. Ông nhường cho chúng tôi căn buồng trên lầu. Nhìn ánh đèn lấp lánh trên bờ sông Sài Gòn, Tùng Lâm bỗng động lòng trắc ẩn.

– Suốt cuộc đời binh nghiệp mấy chục năm, mình gắn liền với thành phố này. Chưa bao giờ mình ra ngoại quốc dù chỉ là một cuộc du lịch. Đến lúc ra đi thì lại phải chui lẩn như một con chuột với những cái túi rỗng. Vợ con không biết lưu lạc nơi đâu. Chẳng có xu nào gởi ngân hàng ngoại quốc! Khó khăn nan giải, triển vọng mịt mờ làm tôi đau khổ.

– Không nên buồn anh Tư à. Tôi sẽ chia sẻ với anh những khó khàn trước mắt. Trong tương lai nếu gặp may tôi sẽ không quên anh.

Hôm sau ông San cho biết, kế hoạch hành quân không có gì thay đổi. ông gửi Tùng Lâm theo xe của gia đình Hào đi Vũng Tàu trước. Ông cũng yêu cầu tôi đưa nốt số vàng còn thiếu cho chủ tàu.

Mười ba giờ tôi theo ông San đến bến. Một chiếc thuyền cỡ ba chục tấn buông neo bên một vườn cây vắng vẻ. Ông San bắc cầu mở khóa ca- bin và mời tôi và Hào xuống thuyền.

– Từ giờ phút này hai ông là người làm thuê cho tôi. Chúng ta ra Vũng Tàu lấy hàng. Tôi sẽ trình giấy tờ nếu có người xét hỏi. Các ông cứ ngồi trong khoang máy. Hiện giờ trên tàu không có thứ gì bất hợp pháp. Với một trăm hai mươi cân dầu cặn không thể là thuyền vượt biển được. Quý vị cứ yên tâm.

– Dạ.

Ông San cho nổ máy. Vài phút sau chúng tôi tháo dây rút cầu cho thuyền rời bến. Thuyền lướt nhẹ trên mặt sông Sài Gòn. Ba mươi sức ngựa, không tải nên thuyền ghếch cao mũi như sắp bay lên khỏi mặt nước.

Khi con thuyền đã xa thành phố tôi mới quay sang hỏi chuyện người bạn đồng hành mới quen biết.

– Tôi chưa được đại uý phổ biến kế hoạch đối phó bằng sức mạnh với kẻ ngăn chặn hay đuổi bắt.

– Trên mặt sông này ta phải sống hợp pháp. Ông San sẽ đối phó với nhà cầm quyền bằng sự dối trá. Khi tôi bắt đầu lái con thuyền thì tất cả chúng ta sẽ là bất hợp pháp. Ở thời điểm đó tôi sẽ trình quý vị kế hoạch tác chiến của tôi.

Nhìn vẻ lặt bình thản của viên sĩ quan hải quân tôi thần nghĩ: Y là một tay có tài tổ chức. Chỉ có điều lạ là tại sao có phương tiện thuyền bè trong tay mà y lại quyết định ra đi quá chậm như vậy? Tôi hỏi lảng sang chuyện khác:

– Là chỉ huy hải quân chắc anh thông thạo sông nước vùng này?

Viên đại úy mỉm cười, có một chút kiêu hãnh:

– Tôi là con đẻ của sông nước, của biển khơi – Như sợ tôi không hiểu nổi câu nói mơ hồ và hơi văn vẻ đó, anh ta giải thích thêm – ông già tôi xưa là hoa tiêu phụ cho tàu buôn Crussot của hãng Dauphin. Anh hai tôi là thuyền trưởng pháo hạm Hàm Tử của Hải quân Việt Nam Cộng hòa. Còn anh Ba tôi lại là thiếu tá Hải quân Bắc Việt.

– Trời, câu chuyện kỳ cục quá nhỉ?

– Ông già tôi theo kháng chiến ngay từ khỉ Pháp quay lại Sài Gòn. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc. Anh Hai tôi lúc đó đã học nghề lái tàu ở Sài Gòn. Tôi còn nhỏ nên ông già mang anh Ba đi theo. Má con tôi trở về thành phố với anh Hai. Chúng tôi chờ hoài không thấy ngày thống nhất Tôi lớn lên được gọi vô lính. Anh Hai lúc đó là đại úy hải quân, xin cho tôi đi học trường hàng hải. Anh nói, dù sao hải quân cũng đỡ chết hơn lục quân. Học xong tôi về giang đoàn 12. Hồi chiến tranh tôi lãnh nhiệm vụ tuần tra vùng ven biển và các kinh rạch vùng Ba rồi vùng Bốn. Thủy vực này tôi thuộc trơn trọi như lòng bàn tay. Có thời kỳ phải tuần thám suốt đêm. Bắc Việt dung các loại tàu nhỏ cỡ một đến hai trăm tấn thâm nhập vào vùng đồng bằng sông Cửu Long. Họ đổ vũ khí vào Bến Tre, Trà Vinh, Gò Công. Anh Ba tôi đã nhiều lần chở hàng trăm tấn hàng từ Hải Phòng vô. Họ đổ lên rừng Sát, từ đấy họ chuyển bộ, vượt sông Soài Rạp, qua Hát Dịch rồi dùng xe bò chuyển vào các Cánh rừng miền Đông. Giang đoàn tôi nhận nhiệm vụ phong tỏa suốt ngày đêm nhưng đâu có nổi. Hồi đó nếu chẳng may anh em đụng nhau là nổ súng liền chứ tài gì nhận ra nhau được!

– Anh có người nhà là cộng sản thì việc gì phải ra đi?

– Cộng sản khác đằng mình. Một người làm quan cả họ đâu có được nhờ. Hồi về gặp lại gia đình ảnh cũng thương tôi lắm. Ông già tôi bị chết vì B52 oanh tạc Hải Phòng. Bà già cũng mất từ năm 1968. Anh Hai tôi ra đi ngay hồi tháng tư. Chỉ còn hai anh em ruột thịt thôi chi mà không thương nhau. Anh làm giấy xin bảo lãnh cho tôi không phải đi cải tạo đợt đầu. Anh cũng chạy đi kiếm chỗ xin việc cho tôi, nhưng chẳng nơi nào nhận. Lái tàu cho Nhà nước rồi đi luôn thì sao? Ai hiểu được bụng mình. Thế là tôi thất nghiệp. Nhà đông cháu nhỏ. Má nó lại đau luôn, chẳng biết làm chi kiếm tiền. Mọi thứ ngày càng mắc, cực quá. Anh Ba tôi cũng nghèo, nghèo hơn tôi nữa, làm sao anh cưu mang nổi mình. May mà có thằng bạn tốt. Hồi chiến tranh chí cốt với nhau. Nó biết cách kiếm tiền. Tôi giúp nó chở hàng đi khắp nơi. Nhưng thứ đó chở xe đâu có được. Nó phát đạt nó cũng nhớ đến mình. Mấy tháng qua vợ con đau nó bao hết… Gần đây thấy người ta nói: Sĩ quan hải quân sẽ đi cải tạo vô thời hạn vì tất cả các vụ di tản bất hợp pháp đều do sĩ quan hải quân điều khiển nên không thể cho loại này tự do ngoài vòng pháp luật được. Thằng bạn rủ tôi đi. Nó nhờ tôi mua thuyền, tôi lái và đưa cả hai gia đình đi. Phí tổn nó chịu cả. Lúc đầu tôi cũng ngần ngại, chưa dám nhận ngay. Nó nói nếu tôi không đi nó cũng sẽ đi. Nó nhờ người khác lái. Nó đi rồi tôi biết nhờ vào ai? Tôi quyết định nhận lời. Tôi không dám nói cho anh Ba tôi hay. Tôi đợi ra được nước ngoài, sẽ viết thư về tạ tội với anh sau.

Nét mặt của viên đại úy chứa đựng một nỗi day dứt nội tâm mạnh mẽ. Hai chúng tôi im lặng nhìn ra ngoài. Đồng bằng bát ngát trải ra tận chân trời. Những xóm ấp trù phú rợp bóng cây trái ven sông. Vẻ đẹp thanh bình của đất nước xao xuyến lòng tôi. Một nỗi buồn tha phương choán ngập.

Mười chín giờ ông San cho thuyền ghé vào neo trước một vườn dừa, cách đó chục mét có một ngôi nhà lợp tôn thấp tè, nép mình trong tán lá. Ông San nói với bọn tôi:

– Địa điềm một. Lấy dần cặn, dầu nhớt, nước ngọt và lương thực.

Chúng tôi lên bờ. Đã có hai người giúp sức khuân hàng xuống khoang. Họ xếp lên trên cùng một loạt can nước mắm để nghi trang.

– Thế bao giờ hành khách đến đủ? – Tôi hỏi.

– Chỉ chờ thằng bạn mình lên thuyền ở đây thôi. Đó là người chủ của chuyến đi. Ta sẽ đón khách ở Mũi Cát.

Sau khi thuyền nhận đủ mọi thứ, ông San thanh toán tiền rồi từ biệt chúng tôi.

– Trách nhiệm của tôi đã hết. Chúc quý vị thượng lộ bình an.

– Cảm ơn ông. Hy vọng có ngày gặp lại.

Chúng tôi bắt tay ông.

Chờ đến hai mươi mốt giờ vẫn chưa thấy “người bạn”. Vẻ mặt Hào trở nên lo lắng. Có sự cố gì chăng? Tôi cũng không thể yên tâm được. Tùng Lâm và tôi mỗi người một hướng, kẻ ở người đi là lỡ hết, kế hoạch. Mãi hai mươi hai giờ tôi mới thấy ánh đèn pin lấp loáng trong vườn cây. Có tiếng gọi nhè nhẹ.

– Hào đâu?

– Hào đây! – Viên đại úy đi vội về phía anh đèn… Tôi nhìn thấy bóng hai người đàn ông xách những chiếc va-li nặng nề tiến lại gần.

– Thế nào có gì trục trặc không mà giờ mới tới? Hào hỏi. Xuống thuyền sẽ nói chuyện sau – Tiếng người khách lạ.

– Nghĩa đâu?

Nghe tiếng Tùng Lâm tôi mừng quá.

– Nghĩa đây, anh Tư đấy ạ?

Ba người theo cầu xuống thuyền. Sau khi những chiếc va-li xếp gọn vào khoang, người chủ thuyền ra lệnh:

– Nổ máy, rút cầu lẹ lên!

Hào nổ máy. Tôi tháo dây và rút cầu. Ánh đèn trong khoang bật sáng tôi mới nhìn rõ người chỉ huy chuyến đi. Y trạc bốn mươi, thấp mập, chắc khỏe. Mặt vuông, lông mày, râu tóc đều rậm. Cặp mắt u tối…

– Khởi hành.

Hào tăng lực đẩy, chiếc thuyền từ từ rẽ nước lao ra giữa sông. Hào làm việc thành thạo, nhẹ nhàng. Khuôn mặt anh vẫn đượm vẻ lo âu nhưng không dám hỏi.

– Chờ anh Tư lâu qúa, đệ rất lo! – Tôi nói nhỏ với Tùng Lâm.

– Có trục trặc – Anh nhìn tôi rồi liếc mắt sang phía tay chủ thuyền một cách bí hiểm. Có lẽ họ đã thống nhất với nhau không tiết lộ mối hiểm nguy trong lúc này. Còn tôi thì lại rất yên tâm đã gặp được Tùng Lâm. Mọi chuyện nằm trong phao số không đều đã có cậu Đức lo.

Chạy được nửa tiếng, Hào quay lại hỏi:

– Sắp đến Mũi Cát rồi. Liệu khách đến đủ chưa hay lại phải chờ?

– Đi thẳng, không ai đến Mũi Cát đâu mà chờ?

– Sao!? – Hào sửng sốt, da mặt tái nhợt dưới ánh đèn.

– Đổ bể hết! Bọn tôi bị vây ngay từ Vũng Tàu. Tôi và tướng Tùng Lâm phải khôn khéo lắm mới lọt nổi tới điểm hẹn.

– Còn vợ con tôi?

– Cả vợ con tôi nữa, tất cả đều phải quay trở lại.

– Thế thì tôi cũng không đi nữa. Tôi quay lại.

– Muộn rồi bạn thân yêu ạ! – Tay chủ thuyền nhún vai – Tôi chỉ là thường dân, tôi chẳng lo. Nhưng anh là đại úy hải quân; là thuyền trưởng di tản, họ sẽ chặt đầu anh thôi.

– Ai sẽ nuôi vợ con tôi?

– Anh quá lo xa đấy. Đâu chỉ mình anh có vợ con.

– Nhưng anh biết đấy. Vợ tôi đau luôn, nuôi sao nổi bốn cháu. Anh cho tôi ở lại.

– Có ở lại cũng không ai để anh sống mà nuôi con kia mà. Tôi đã lo điều đó giúp anh. Biết được tình hình đổ bể, tôi liền phân tán số vàng mang theo cho mọi người. Cũng đã có phần cho chị Tư. Số vàng đủ để chị góp cho một chuyến đi khác. Nếu chị chưa muốn đi thì số đó cũng đủ cho chị và các cháu sống trong mười năm. Mười năm nữa sẽ có biết bao nhiêu biến đổi. Chúng ta đã có thời gian chuẩn bị một cái tổ ấm ở quốc ngoại để đón vợ con ra. Anh lo gì? Anh nên nhớ rằng quay lại lúc này là chết. Sau gáy ta là lưỡi hái của tử thần. Anh quay lại bây giờ là anh nộp cả ba chúng tôi cho Cộng sản đó!… Anh phải nghĩ đến tình chiến hữu chí cốt của chúng ta chứ? Thôi tăng tốc lên. Hai giờ nữa chúng ta sẽ đến vùng biển quốc tế, chúng ta sẽ được tắm mình trong tự do. Đại úy hải quân Trương Tấn Hào hãy kiêu hùng tiến lên!

Hào đã hơi xuôi xuôi khi biết vợ đã có một số vàng để tạm sống. Tùng Lâm cũng nói thêm vào:

– Tôi và anh Bảy Dĩ không khôn ngoan thì sa lưới rồi. Tiền bạc ghe thuyền bị tịch thâu ráo trọi, chưa nói đến chuyện vô tù đâu. Nếu anh muốn quay lại cũng được, nhưng xin anh hãy đưa ba anh em tôi đến Thái Lan hoặc Mã Lai Á. Chúng tôi sẽ kiếm dầu để anh về. Anh vắng mặt vài ba ngày với một con thuyền là chuyện làm ăn bình thường, ai để ý đến. Nếu cùng quẫn anh cứ khai bị bọn tôi cưỡng bức bằng vũ lực buộc anh phải di tản. Ai bắt tội anh? Thậm chí hành động trở về của anh còn nổi tiếng, còn được Cộng sản viết tên anh lên báo để tuyên dương. Chưa chừng họ còn nhận anh vào làm việc ở những con tàu vượt đại dương là khác?

– Đường cùng rồi tôi nghĩ chẳng thể nào làm khác được. Tôi xin trung thành với tình bạn, với lời cam kết lúc ra đi. Việc vợ con tôi đành để tính sau.

– O.K.! – Bảy Dĩ vui vẻ, thân mật vỗ vai Hào – “Chàng từ dứt áo ra đi. Cánh chim bằng tiện đã lìa dặm khơi?” Ha! Ha! Người anh hùng đâu có để tình nhi nữ tầm thường cản gót, phải không anh Tư? Bây giờ anh có thể cho chúng tôi xem bản đồ hải trình của chúng ta.

– Không có bản đồ nào. Bản đồ nằm trên bầu trời sao, nằm trong óc tôi.

– Giỏi đa! Có được một thuyền trưởng như anh bọn tôi an tâm quá đó. Vậy anh nói qua cho bọn tôi biết chúng mình đang ở đâu và bao giờ thì chúng ta tới đích?

– Hiện giờ chúng ta đang ở trong cửa Lạch Nhì, nam cồn Cát Đen bốn kilômét. Biển Đông ở phía trước mười hải lý. Chúng ta còn đi trong vòng nguy hiểm chừng một giờ hai mươi phút nữa. Tôi đoán đó là vùng tuần thám của khinh hạm Cộng sản. Ngoài vùng nước sâu một trăm tám mươi bộ có thể gặp những pháo hạm lớp Komar có ra-đa kiểm soát bề mặt nhưng loại này họ có ít nên mối hiểm nguy cũng giảm đi. Trong vùng ven này ta phải tắt đèn pha, quan sát tàu tuần tiễu bằng mắt thường để tránh họ. Nếu bị đuổi, ta sẽ tăng lực chạy với tốc độ hai mươi hải lý một giờ. Tàu ta nhẹ, máy khỏe, họ dễ bị mất mục tiêu. Ra vùng biển quốc tế ta an tâm hơn.

– Thôi được, bây giờ ta cứ phải chuẩn bị đối phó với những trạng huống xấu nhất!

Bảy Dĩ xách chiếc va-li to đại ra đặt giữa ca-bin.

– Của cải chi mà nặng dữ thế anh Bảy? – Hào hỏi.

– Vàng đó! Xài hết mấy thứ này là vừa đến lúc về bên Chúa? Ha! Ha! Ta phải mở sẵn ra để hối lộ cán binh Cộng sản nếu có cuộc đụng độ không mong đợi xảy ra? Quý anh em đồng tình chớ!

Bảy Dĩ hì hục mở khoá rồi bật nạp va-li ra. Bọn tôi trố quắt nhìn. Y nhẹ nhàng tháo một lớp vải bạt: hai cây M.79, một cây AR.15 và những băng đạn sáng chói.

– Trời, anh Bảy nói vàng, bọn tôi mừng quá, té ra mấy thứ này.

– Vàng đó chớ. Tôi phải bỏ ra cả chục lượng vàng mới mua nổi mấy thứ quốc cấm này. Với chúng ta nhiều lúc quý hơn vàng – Mặt Bảy Dĩ trở nên nghiêm trang – Tôi đã phải lo tính kỹ cho chuyến đi sanh tử này. Nếu gặp cộng quân thì chỉ có thể xảy ra hai điều. Một là ta phải đạp lên xác chúng mà chạy thoát. Hai là nộp mình cho chúng để rồi nhận những viên đạn vào sọ. Thưa tướng quân – Y quay lại nói với Tùng Lâm – Tướng quân là người cao cấp nhứt ở đây. Nhưng hôm nay tôi là người vạch kế hoạch cuộc hành quân, xin cho phép được chỉ huy.

– Tôi sẽ chấp hành mệnh lệnh của ông. Trong trường hợp này vị trí thích hợp của tôi là một chiến binh – Tùng Lâm khiêm tốn nói.

– Xin cảm ơn tướng quân. Thứ này tướng quân xài được chớ? – Y chỉ hai cây rốc-két chống tăng làm cho Tùng Lâm lúng túng. Là tướng lục quân anh đâu có chú ý đến những thú vũ khí mà anh coi là lặt vặt đó. Tôi vội vàng đỡ lời anh.

– Để tôi xài cho. Thứ này đối với lục quân cũng khoái như sâm-banh trong bữa tiệc vậy. Để anh Tùng Lâm dùng cây AR.15.

Tôi muốn giữ lấy thứ hỏa lực mạnh này để chủ động trong trường hợp có đụng độ. Lỡ đâu gặp tàu hải quân, do một sự hợp đồng thiếu chặt chẽ giữa tình báo với hạm đội có thể gây ra những hiểm nguy không cần thiết.

Trao súng cho chúng tôi xong, Bảy Dĩ phân công nhiệm vụ.

– Tôi cảnh giới phía sau. Anh Hào vừa lái vừa quan sát phía trước. Tướng Tùng Lâm bên phải, trung tá Nghĩa bên trái… Có tàu thuyền nào xuất hiện từ xa cũng phải thông báo cho nhau nghe!

– Tuân lệnh!

Tôi ngạc nhiên về cách thức tổ chức của cái tay “dân sự” này. Nó biết chỉ huy như một sĩ quan thực thụ…

Biển sáng lấp lánh dưới trăng. Những con sóng bạc đầu đuổi nhau, đập vào mạn thuyền tung bọt trắng xoá. Con thuyền chồm lên, lao xuống như ngựa phi. Mênh mông trời nước. Mặt biển vắng vẻ, đất liền biến mất. Đèn Vũng Tàu ánh lên nền mây xa xa như một dải ngân nhũ nổi trên màu sẫm của một bức tranh sơn mài.

Mọi việc gần như trót lọt. Trương Tấn Hào quay lại thông báo với mói người:

– Chúng ta đã ra đến hải phận quốc tế, cách đất liền mười hai hải lý. Thuyền sẽ quay mũi về hướng đông nam tạo một góc một trăm chín mươi hai độ với bắc địa cực.

– Liệu có thể nâng cốc chúc mừng tự do được chưa? – Bảy Dĩ hỏi.

– Kể thì hơi sớm nhưng không sao! – Tùng Lâm tươi tỉnh và nhiệt tình khi nói đến chuyện nâng li.

Bảy Dĩ mở chai sâm-banh. Bọt trắng trào ra cổ chai. Y giờ lên cao:

– Tự do vạn tuế! Vie la libertél! À notre victoire1 (Tự do muôn năm! Chúc mừng thắng lợi của chúng ta!):

– Bravo! Bravo! – Tôi và Tùng Lâm vỗ tay.

Bảy Dĩ lịch sự đưa chai rượu cho Tùng Lâm.

– Xin mời tướng quân dùng trước?

– Cảm ơn, xin mời ông chỉ huy. – Tùng Lâm cũng đáp lại một cách khiêm nhường mặc dù đôi mắt anh nhìn vào bọt rượu NHƯ thôi miên.

Dĩ ngửa miệng rót rượu ồng ộc. Y chuyển chai cho Tùng Lâm. Tùng Lâm đưa cho tôi, tôi không uống mà mang lên cho Hào. Hào từ chối:

– Người say không thể điều khiển con tàu chính xác.

– Một chút tượng trưng thôi! Nghe nói mỗi khi qua xích đạo, những người lính thủy đều nâng cốc tạ ơn Hải Vương Tinh?

– Nhưng thuyền trưởng và hoa tiêu đang thực thi nghiệp vụ thì không được phép.

Hào từ chối, tôi hiểu không phải vì lý do an toàn. Một nỗi buồn tha hương, thương vợ, nhớ con đang đè nặng lên tâm hồn anh ta. Hào không thể hòa vào cuộc vui chung được.

Bảy Dĩ phân công người thức người ngủ. Riêng Trương Tấn Hào thì không ai thay thế được. Aanh ta sẽ phải thức suốt cuộc đi. Bảy Dĩ đặt trước mặt anh một chai Nestcafé pha sẵn để anh chống chọi với cơn buồn ngủ.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN