Sao Đen
Chương 51: BỨC TRANH CHIẾU BẠC
Mùa hè năm 1984, ông Warrens được triệu về Washington để tường trình về tình hình Đông Nam Á trước Uỷ ban Đối ngoại thượng viện. Là người điều hành chiến lược toàn vùng nhưng Warrens vẫn coi Việt Nam là mục tiêu chủ yếu, vì nơi đây đang tập trung nhiều mâu thuẫn nóng bỏng và tế nhị. Mối quan hệ giữa những nước Đông Dương và ASEAN, giữa Việt Nam và Trung Quốc, giữa Cam-pu-chia và Thái Lan… Tất cả đều cần thiết cho những nhà cấu trúc chiến lược Hoa Kỳ, tìm ra con đường tối ưu phục vụ lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ ở vùng này.
Warrens cũng trả lời những ý kiến chất vấn của nhiều nghị sĩ. Họ chú tâm đến những đường dây bạch phiến từ vùng “tam giác vàng” chạy vào Hoa Kỳ. Warrens đã đưa ra những dự báo lạc quan và ba hoa rằng CIA đã góp phần phát hiện, tiến công, ngăn chặn và băm nát nhiều đường đây của những tên trùm buôn lậu trên địa bàn ông ta đảm nhiệm. Tuy nhiên ông Phân vụ trưởng cũng không trấn an nổi sự lo lắng của nhiều nghị sĩ. Trên thực tế, họ đã nhận được những số liệu hoàn toàn trái ngược với những điều Warrens đến Langley để báo cáo tình hình và nhận chỉ thị mới. Mọi việc đề nghị ưu tiên cho chương trình hành động của Viễn Đông vụ đều được chấp nhận. Chỉ có vấn đề thu phục và tài trợ cho tổ chức Hồi Phong của Chu Bội Ngọc là bị gạt lại. Ông giám đốc cơ quan tình báo lớn nhất thế giới tỏ ra nghi ngờ hiệu lực của cái tổ chức gián điệp có màu sắc kinh tế đơn điệu của người Hoa hải ngoại này.
– Chúng ta không tiếc tiền của. Song bất cứ khoản tài trợ nào cũng phải chứng minh được hiệu quả thực tế của nó.
– Thưa ngài Giám đốc, có những khoản đầu tư tính trước được lợi tức. Nhưng cũng có những khoản chi mạo hiểm như quăng tiền vào canh bạc cũng vẫn phải làm. Tất nhiên người lãnh đạo phải nắm được một xác suất đáng tin cậy nào đó. Có khi mất trắng, nhưng cũng có thể nhân ngay số vốn lên nhiều lần trong khoảnh khắc chứ không nhặt nhạnh từng phần trăm với cả năm trời chờ đợi. Huống hồ trong ván bày này ta cầm chắc được cái thế không thua. Vấn đề chỉ còn là thắng to hay thắng nhỏ mà thôi.
– Ông là một người lạc quan quá đấy Warrens ạ.
– Thưa ngài giám đốc, cả một tổ chức tình báo với gần ba ngàn điệp viên được xây dựng công phu ba chục năm trời nằm sâu, cắm rễ trong một quốc gia cộng sản hiếu chiến nhất ở vùng Đông Nam Á. Lại cũng là nơi có căn cứ hải lực quan trọng vào bậc nhất của Nga Xô trên vùng Thái Bình Dương, cộng với hàng chục ăng ten vừa thiết lập của tình báo Trung Cộng! Theo tôi, cái giá mười triệu đô-la là quá rẻ. Nó chỉ ngang với hợp đồng ngũ niên cho một siêu tinh túc cầu.
Warrens dùng một hình tượng thể thao của Bảy Dĩ để thuyết phục thượng cấp.
– Trong đội bóng có siêu tinh túc cầu thì sức thu hút khán giả mạnh hơn nhiều lần. Chính khán giả đã trả cái giá đó cho ông bầu câu lạc bộ. Còn chúng ta lại mua một cầu thủ quá già. Ông Chu Bội Ngọc đã ở tuổi bảy mươi lăm, không những ít sức hấp dẫn mà chưa chừng còn chết trước hợp đồng mãn hạn. Cần có một thử thách nào đó với ông ta. Chí ít cũng phải nắm chắc được người kế vị.
– Thưa ngài, dù ta chưa tìm được lợi ích tình báo thì cũng tạo dựng sơ khởi được lợi ích chánh trị.
Vị giám đốc CIA cười lớn:
– Thật đáng mừng là ông Phân vụ trưởng đã lưu tâm đến chánh trị. Một nhân vật như Mr Hoàng Quý Nhân thì có thể coi như hai bộ mặt. Còn ông Chu thì là dân Trung Hoa hải ngoại, chẳng những thiếu diện mạo chính trị mà còn tượng trưng cho cái gì ngược lại. Tôi cần một người Việt kế vị thưa ông Warrens .
Ý kiến của vị giám đốc làm cho ông Phân vụ trưởng lúng túng. Kể ra Boss thận trọng cũng phải lẽ. Mạnh mồm quảng cáo cho Chu Bội Ngọc vì Warrens coi vụ mật đàm của Bảy Dĩ là một chiến tích lớn chưa từng có của Viễn Đông vụ. Nắm được Chu không những để kiểm soát nội tình Việt Nam mà còn nhìn nhận được ý đồ bành trướng của ông bạn đồng minh chiến lược khổng lồ Á châu. Có thể gọi đây là một thành quả kép, mua một được hai, bán một biếu một. Nhưng dù đã trổ hết tài thuyết khách, Warrens vẫn không sao lay chuyển được điều kiện tiên quyết của vị giám đốc. Cuối cùng khả năng duyệt chi mười triệu đô-la cho áp phe tuyệt mật này phải tạm gác lại. Nhưng Boss cũng bỏ ngỏ cho một hướng đi để mà hy vọng. Chừng nào Viễn Đông vụ chứng minh được tính hiệu lực liên tục của Chu thì Langley sẽ cho mở tài khoản ngay tức khắc.
Thực ra tiến cử Chu, Warrens cũng không vô tư lắm. Ông ta biết rõ vụ áp phe tình báo này Bảy Dĩ cũng có chút lợi ích. Dĩ lại là tay chân, là phụ tá quan trọng bậc nhất của ông trong các vụ chuyển lậu Heroine. Đó là “Hoàng Quý Nhân đệ nhị”. Nhưng Dĩ chỉ thay Nhân được hai phương diện: gián điệp và bạch phiến chứ không thể kế vị Nhân trong vai trò chính trị được. Đây vẫn là một chỗ trống, một điểm khủng hoảng về tổ chức mà Langley luôn luôn hối thúc Warrens phải tìm được người thay thế. Một bộ mặt thuần chủng Việt Nam vừa là gián điệp vừa là chính khách sẽ nhanh chóng được Langley chấp nhận.
Từ ngày làm lễ Xen-luyn kết ngãi. Chu Bội Ngọc không thấy mặt Dĩ. Thám tử của lão báo cáo là Dĩ đã chuyển điện đài khỏi nông trường và cũng không thấy trú ngụ ở ngôi nhà tồi tàn trên bờ sông Bến Nghé nữa.
Sự lạnh nhạt này khiến Chu phải đề phòng. Nếu đây chỉ là một thủ đoạn thăm dò có tính chất khiêu khích thì cần phải nhanh chóng loại trừ ngay cái mầm mống hậu hoạ.
Có tiếng chuông điện thoại reo. Chu nhấc ống nghe:
– Alô! Chu Bội Ngọc đây. Tôi hân hạnh được tiếp chuyện ai đấy?… A! Xin chào giáo sư, lâu lắm không gặp nhau rồi tôi rất nhớ… Vâng… vâng… Từ ngày có bà Lili ở bên, giáo sư quên hết bạn bè… Ha ha ha! Không phải trách đâu mà hoàn toàn thông cảm… Tuổi trẻ mà!… Vâng xin lỗi tuổi hồi xuân thì cũng coi như tuổi xuân… vâng, vâng… có thể còn đậm đà dữ dội hơn tuổi xuân! Ha ha ha!
Bỗng nét mặt Chu trở nên nghiêm trang chăm chú:
– Xin mời giáo sư lại chỗ tôi được không?… Dạ… dạ… Tôi sẽ đến thăm giáo sư ngay… Có cả bà Lili ở nhà chứ ạ?… Thế thì vui quá. Tôi sẽ đi ngay đây.
Bỏ máy xuống Chu vẫn còn hồi hộp. Không hiểu Đỗ Thúc Vượng đã tìm ra điều gì trên Bức tranh chiếu bạc của ông. Chu đã trả cho Lili ba cây vàng nhưng vẫn gửi lại bức tranh ở nhà Vượng. Ông coi giáo sư như một nhà nghiên cứu, một cố vấn mỹ học chuyên thẩm định giá trị những bức tranh. Mặt khác ông cũng muốn phân tán những báu vật đó ra nhiều nơi tin cẩn để tránh sự nhòm ngó của nhà chức trách. Lão nghĩ, trong chế độ này mà dồn tất cả những của quý vào một đống thì có bữa chết vì tai vạ.
Mười phút sau Chu đã bấm chuông nhà Vượng, Lili vui vẻ mở cửa đón khách.
– Chào cụ! Xin mời cụ vào chơi, nhà tôi đang chờ.
– Chào bà Lili xinh đẹp. Nghe giáo sư gọi tôi phải đến ngay. Chẳng biết có chuyện gì hay dở ra sao mà giáo sư cần chỉ bảo gấp?
– Nhưng chuyện của các vị thì tôi làm sao biết được. Có cái các ông cứ khen nức khen nở, còn bọn đàn bà chúng tôi lại cảm thấy xấu xí!
– Thưa bà, bà thật là người sâu sắc và tế nhị. Tôi hy vọng cái hay của chúng tôi bữa nay cũng làm hài lòng bà.
Chu Bội Ngọc vào phòng khách đã thấy Đỗ Thúc Vượng nâng tấm ván hậu của Bức tranh chiếu bạc đặt trên bàn cùng với bộ kính lúp nhiều cỡ, nhiều số bày ngổn ngang.
Hai người bắt tay nhau vui vẻ. Khi chủ và khách đã an toạ thì Lili bưng cà phê ra.
– Xin mời cụ. Cà phê Ban Mê Thuật hảo hạng đấy.
– Cảm ơn ông bà.
Lili cười gật đầu rất điệu bộ rồi ý tứ lui vào buồng trong cho hai người đàn ông trò chuyện. Nhấp một ngụm cà phê, Đỗ Thúc Vượng đi ngay vào công việc.
– Sau hơn một năm trời nhận làm bài thi concour để được gia nhập đội ngũ những người nghiên cứu mỹ học, tôi đã hoàn thành công việc giám định Bức tranh chiếu bạc của tiên sinh giao cho. Hôm nay mời cụ đến để tôi trình bày luận văn. Cảm ơn giáo sư nhiều. Qua điện thoại tôi giật mình tưởng có chuyện gì khẩn cấp lắm.
– Không khẩn cấp, nhưng là một phát hiện mới rất hấp dẫn. Suốt nửa năm đầu nghiên cứu chủ đề, xuất xứ bức tranh, qua lớp sơn tôi cố gắng khẳng định xem đây là bản chính hay phiên bản, xem tranh thật hay tranh cóp-pi, xem tuổi tác các ốc xít trên nền bố, gỗ khung và cả lớp keo làm nền nghệ thuật tạo hình lẫn các tạp chí có uy tín về mỹ học, họ đều nói Bức tranh chiếu bạc bị mất tích từ gần nửa thế kỷ nay và chưa ai thấy loại tranh gia này xuất hiện. Không phải vì nó ít giá trị mà vì chưa có tên cóp-pi chuyên nghiệp nào được chiêm ngưỡng bức tranh thật nên chúng chẳng biết căn cứ vào đâu để sao chép. Vì vậy thưa ông chủ Gallery, ông có thể yên tâm về báu vật này. Và đây là mười hai bản phụ lục chuyên đề ghi rõ những số liệu kỹ thuật đã được khảo sát.
– Thưa giáo sư tôi rất tự hào vì bộ sưu tập của tôi có được bức tranh này. Tôi xin cảm ơn giáo sư về bản luận văn xuất sắc đó. Tôi sẽ đền đáp công lao của giáo sư thật xứng đáng.
– Những điều vừa nói chưa phải là phát hiện chính của tập luận văn. Vấn đề tôi sắp trình bày mới đáng để tiên sinh khen ngợi.
Mắt lão già bừng sáng, vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ.
– Phải chăng đây mới là lý do giáo sư gọi điện hối thúc tôi có mặt ở đây ngay tức khắc?
– Sau khi xem xét mặt trước bức tranh, tôi đã nậy tấm ván hậu ra và tình cờ tìm thấy một di cảo rất lạ lùng. Trên mặt ván hậu của bức vẽ đã được khắc họa cả một công trình độc đáo mà tôi tạm gọi đây là bức cổ thư của Tija. Tôi đã sao chép máy móc ra giấy như một anh thợ truyền thần chụp ảnh rồi phóng to ra – Vượng đưa bản chụp cho Chu xem – Kỳ lạ không tiên sinh? Chưa bao giờ tôi được nhìn thấy loại mẫu tự này. Một tháng trời tôi vùi đầu trong thư viện tra cứu cố tìm trong đống tử ngữ lẫn sinh ngữ, cổ ngừ lẫn những mẫu tự hiện đại đều không phát hiện ra mô-típ này. Ngay cả những ký hiệu đơn sơ của thời mông muội, con người tiền sử vạch trên hang động cũng chẳng thấy đường nét nào trùng lặp. Phải chăng đây là thứ chữ riêng của nhà hoạ sĩ ấn tượng tạo ra, hay ông sao chép ở một di chỉ cổ đại nào? Bức ván hậu đã cuốn hút tôi hơn cả chính bức tranh. Cứ y như nhận được bức thông điệp hòa bình từ một hành tinh xa xôi trong vũ trụ mênh mông gửi đến trái đất nhỏ bé của chúng ta vậy?
– Trời ơi, kỳ diệu quá! – Chu Bội Ngọc thốt lên mềm vui sướng – Giáo sư đã làm tôi chết mê chết liệt đi về Cái bản cổ thư lạ lùng này. Theo dự đoán của giáo sư thì đây chính là di cảo của Tija?
– Khi ta chưa tìm nổi nội dung và xuất xứ thì xin cứ tạm gọi nó là bức cổ thư vẽ của ông. Khả năng chính tác giả làm lấy tấm ván hậu cho bức tranh của mình nhiều hơn.
– Ngoài những thứ ghi trên ván hậu, giáo sư còn tìm ra điều gì mới mẻ nữa không?
– Có chứ. Trên khung tranh cũng xuất hiện những mô-típ tương tự. Chỉ có điều nó không ghi thành dòng, thành hàng. Trên những khoảng cách đều nhau của khung chữ nhật, tôi thấy có ghi mười ký hiệu khác nhau. Tôi sao ra một tờ giấy thì nó gần như khung can, ghi trên lá số tử vi. Khi so với bức cổ thư tôi thấy ngay một quy luật: Mọi kết cấu từ ngữ đều được lắp ghép bởi mười mô-đuyn đặc trưng đó. Vì vậy tôi đoán là thứ cổ ngữ này chỉ bao gồm mười mẫu tự, cả nguyên âm lẫn phụ âm. Ở những dân tộc trình độ thấp thì ngôn ngữ của họ cũng đơn giản. Các âm tiết thời tiền sử còn nghèo nàn nên mười mẫu tự cũng đủ để ghi chép mọi thông tin trong cuộc sống.
– Rất có lý! Nhưng mười mẫu tự thì quá nghèo nàn.
– Cũng còn tuỳ ở những qui tắc cấu trúc. Ngôn ngữ hiện đại phong phú nhưng đều có thể biểu hiện chỉ bằng hai ký hiệu tạch-tè (-) hoặc 0, 1 âm dương, kỹ thuật truyền số (digital) của máy điện toán. Cơ số hai có thể biểu thị mọi số tự nhiên, còn số tự nhiên lại có thừa khả năng biểu hiện ngôn ngữ.
– Ôi ý kiến giáo sư thật là thú vị. Tôi hy vọng sẽ còn được nghe nhiều phát kiến thâm thúy hơn nữa.
– Rất tiếc là đến đây tôi đã gặp bế tắc không sao vượt nổi. Luận văn của tôi tôi coi như chấm hết. Mong tiên sinh hiểu cho.
– Trời ơi, giáo sư khiêm tốn quá. Tôi hoàn toàn hài lòng với công trình nghiên cứu này.
– Tiên sinh cứ đọc kỹ xem có sai sót gì thì chỉ giáo cho kẻ mới nhập môn này.
– Ôi, tôi là kẻ vô học sao dám nhận xét một luận văn lớn lao như vậy. Tôi chỉ xin đem về nghiền ngẫm để’ cố hiểu được những điều giáo sư viết mà thôi. Là chủ nhân của bức tranh, tôi có một yêu cầu tha thiết là khi chúng ta thưa đọc được thứ cổ ngữ bí ẩn đó thì xin giáo sư đừng lộ chuyện này cho ai. Tôi cũng xin nói rõ đây là thủ pháp, đồng thời cũng là một nguyên tắc của nghề buôn bán đồ cổ. Các hiện vật càng nhiều bí ẩn thì giá trị thương mại càng cao, bởi khi vào tay người mua nó còn chứa đựng cả kho những giả thuyết thần diệu.
– Tiên sinh yên tâm. Tôi không phải là người buôn bán nhưng cũng am hiểu giá trị tinh thần của một công trình khoa học. Khi chưa công bố nó là quyền sở hữu tuyệt đối của tác giả. Chỉ riêng với tiên sinh, tôi phải tiết lộ là vì ngài là chủ nhân bức tranh quý giá này. Hơn nữa ngài còn tài trợ cho tôi trong thời gian tiến hành công việc.
– Cám ơn tấm lòng vàng ngọc của giáo sư. Chúng ta sẽ cùng giữ bí mật, đó là lời cam kết danh dự. Tôi xin đảm bảo đầy đủ quyền lợi của giáo sư đối với công trình này. Chính vì nó là bao vật nên tôi xin phép được lưu cất trong buồng chân không để tránh sự xâm thực của vi khuẩn hoặc tác động của môi trường lý, hóa. Bây giờ tôi muốn giáo sư trao lại toàn bộ luận văn kể cả những bản nháp và phim ảnh đã chụp. Tôi sẽ cho xe đến mang khung và ván hậu đi và thay vào tableau một cái khung mới.
Đỗ Thúc Vượng thu lượm toàn bộ bản thảo về Bức tranh chiếu bạc chuyển cho Chu. Lão già cất cẩn thận vào cặp rồi cáo từ. Tối hôm đó, một chiếc Peugeot 204 do Chu Bội Ngọc tự lái đến lấy khung và ván hậu.
Lili nói với lão già một cách tiếc rẻ:
– Tôi bán cho cụ bức tranh rẻ quá. Riêng cái khung có lẽ cũng vượt giá ba lượng!
Chu cười, xoa xoa đôi bàn tay:
– Cảm ơn bà Lili, quả là giá bà nhượng cho tôi có lời, nhưng chẳng đến ba lượng đâu. Tôi rất quý trọng ông bà và hứa sẽ không để bà thiệt. Nếu món hàng gặp khách, kiếm ăn được, tôi sẽ không quên bà. Chúng ta sống với nhau bằng tình nghĩa là chính, lấy chữ tín làm đầu. Biết ông bà là người đạo nghĩa, mua tranh trả tiền rồi mà cứ giữ tranh trong xa-lông của ông bà một chữ ký nhận cũng không đòi hỏi. Khi ông phát hiện ra giá trị lớn lao của bức tranh cũng sẵn sàng chỉ bảo và chẳng nói đi nói lại một lời về giá cả. Cho nên về phần mình, trước sau thế nào tôi cũng điều chỉnh lại thoả thuận cũ sao cho phù hợp với giá trị đích thực của bức tranh.
Lili cười vui vẻ:
– Nói vậy chứ tôi đâu có tiếc. Đã cầm tiền rồi thì dù cụ có bán cho người khác gấp mười giá cũ ngay trước mắt, tôi cũng không bao giờ đánh tháo.
– Cảm ơn bà. Tôi thật xúc động trước cử chỉ cao thượng của ông bà.
Những bức điện của Warrens làm Bảy Dĩ toát mồ hôi, vừa bực vừa sợ. Mặc dù Dĩ đã biểu lộ hết lòng trung thành bằng vào sinh ra từ đổi lấy sự tín nhiệm của thượng cấp để được trao quyền chỉ huy tối cao như Hoàng Quý Nhân trước đây. Nhưng rõ ràng y chưa được trung tâm Langley chấp nhận. Cái lý do Dĩ không trưởng thành từ phong trào phản loạn nội địa mà chỉ là kẻ lưu vong được phái về mà Warrens nêu ra không thuyết phục được Dĩ. Có biết bao nhà cách mạng lưu vong hoạt động nơi hải ngoại đã làm nên đại sự. Tướng Péron, Giáo chủ Khoméni, Tổng thống Ngô Đình Diệm… chăng phải là những chính khách lưu vong đó sao? Dĩ hậm hực vì trước lúc lên đường, Warrens đã cổ súy y bằng những lời đường mật nghe thật êm ái. Còn giờ đây, chính y lại phải đi tìm cho Viễn Đông vụ một con bài khác! Thật là số phận trớ trêu! Bảy Dĩ cũng không vừa lòng quan điểm của Langley đối với vấn đề Chu Bội Ngọc. Y đã phải tiến hành những cuộc mật đàm vộ cùng nguy hiểm, đem tính mạng ra ký cược cho chữ “tín” với một con người khôn ngoan, lọc lõi. Bằng ba tấc lưỡi của kẻ thuyết khách, y đã thu phục được “con sói già” với những điều kiện có thể chấp nhận. Thế mà thượng cấp lại còn keo kiệt từng đồng đô-la, buông lỏng thời cơ trước một món lời. Bảy Dĩ đã bộc lộ hết mình như một vũ nữ sexy, đã thề thốt Xenluyn kết ngãi, nay không ký nổi hợp đồng thì biết ăn nói với Chu đại nhân ra sao? Để ông ta nghi ngờ lòng thành thực, coi mọi hành động của Dĩ chỉ là trò thám sát, khiêu khích người bạn đồng minh chiến lược thì tánh mạng Dĩ liệu có được bảo toàn không? Làm nghề tình báo kiêm buôn lậu bạch phiến, Dĩ hiểu hết cái giá của chữ “tín” lẫn đòn trả thù về tội lừa dối đồng nghiệp. Rõ ràng thượng cấp đang đẩy y vào một tình thế kẹt, tiến thoái lưỡng nan.
Một chuyện nữa cũng khiến Bảy Dĩ bất bình. Khi đi Warrens coi việc điều tra tin tức về Hoàng Quý Nhân là ưu tiên hàng đầu, là mục tiêu quan trọng số một, để từ kết quả đó mà xác định chủ trương hành động cho thích hợp. Nhưng khi Dĩ báo cáo tìm ra được Hùng Thắng, khẳng định Hoàng Quý Nhân đã chết và tìm ra dấu tích và chứng cớ về tên giấu mặt lọt vào đội ngũ những người đổ bộ thì lại thấy Viễn Đông vụ tỏ ra dửng dưng, không khen thưởng cổ vũ mà chỉ nhấn mạnh tốn khía cạnh canh giác, đến trò lừa dối khiêu khích, buông mồi, giương bẫy của tình báo cộng sản. Thật chẳng còn hiểu các bộ óc gọi là “điện tử” của cơ quan tình báo trung ương suy luận theo cái lô-gích nào!
Trong mật điện phúc đáp, Bảy Dĩ đã báo cho Warrens một tin thất thiệt: Vì hiệp định thu phục Chu Bội Ngọc không thành, Dĩ buộc phải rút vào phòng ngự, di chuyển địa bàn hoạt động và có thể phải “lặn” trong một thời gian nhất định. Dĩ không đả động gì đến chuyện Nguyễn Hùng Thắng nữa.
Nhưng trên thực tế thì Dĩ vẫn xin tiếp kiến Chu. Nhưng vì Dĩ không đề ra được một điểm gì mới cho chương trình nghị sự này nên cả ba lần xin gặp, Chu đều khước từ. Trong bức thư trả lời ngắn ngủi, Chu viết:
“Buôn bán là phải có hàng, có tiền. Gặp suông với vài lời vấn an rỗng tuếch thì chỉ làm mất thời gian của nhau mà thôi. Xin hẹn hiền đệ đến một thời gian thích hợp”.
Lần thứ tư Bảy Dĩ đành thân chinh đến cửa hàng Minerva’s Treasure thì thầm trực tiếp với Chu:
– Đại ca cho đệ được trình bày vài phút thôi. Nội dung quan trọng không tiện nói ở đây.
Nhìn trước sau thấy vắng khách, Chu đành miễn cưỡng mời Dĩ vào phòng trong rồi gọi bà vợ ra trông hàng. Sau khi chủ khách yên vị, Dĩ mới nói:
– Đệ đã báo cáo tỉ mỉ những thỏa thuận đầu tiên mà hai ta đạt được. Một sự kiện quan trọng như vậy chắc thượng cấp còn phải nghiên cứu để có một quyết định chính xác.
Chu Bội Ngọc cười nhạt:
– Thông báo quan trọng của hiền đệ chỉ ngắn gọn thế thôi à? Chỉ có hai ý định: Cộng tác hoặc không có gì mà phải nghiên cứu. Trước khi cử hiền đệ đến đây làm thuyết khách, họ phải có một chiến lược nhất quán rồi chứ, đâu phải chuyện ngẫu nhiên, tùy hứng, gặp chăng hay chớ? Những quyết đoán ở lĩnh vực này thường chớp nhoáng. Có thông qua hạ viện đâu mà phải tranh cãi nhiều.
– Thưa đại huynh, đệ nghĩ là sớm muộn thì Langley cũng phải đi đến một giải pháp toàn bộ có thể còn vượt quá những giới hạn mà chúng ta trông đợi. Đại ca coi tiểu đệ là đứa em kết ngãi sinh tử thì xin hãy cùng tiểu đệ bình tâm nán chờ ít ngày.
Chu Bội Ngọc nhún vai:
– Ông Warrens chưa hiểu tôi là người như thế nào. Langley còn mù tịt hơn nên họ lo mua phải con ngựa già chứ gì? – Chu Bội Ngọc nhìn thẳng vào mắt Bảy Dĩ như thấu rõ tim người đối thoại. Người Mỹ chưa nhìn rõ mối lợi thì họ còn tính toán từng đồng xu nhỏ. Ở nhiều lĩnh vực, họ đã để cho người Nhật vượt lên trước khá xa. Không chỉ trong khoa học, trong thương mại, tài chính mà cả trong lĩnh vực tình báo chiến lược nữa.
Câu nói của Chu muốn nhắc nhở ràng có nhiều vị Mạnh Thường Quân khác cần đến ông ta chứ đâu cứ phải bán mình cho Mỹ mới kiếm được mươi triệu đô-la. Bảy Dĩ hiểu ý đồ nhưng không muốn mở rộng vấn đề cực kỳ nhạy cảm này. Y khiêm nhường nói:
– Thưa đại nhân, dù sao trên mảnh đất này thì chiến lược của hai quốc gia Trung-Mỹ vẫn là có lợi ích trực tiếp và song song. Đệ hy vọng, trước mắt, chúng ta vẫn giữ được những thoả thuận chưa chính thức đó – Dĩ cười – Có nhiều lúc đồng yên mạnh hơn đồng đô-la. Nhưng nói chung thì đô la vẫn có tầm vóc thanh toán quốc tế rộng lớn hơn. Mong đại nhân hiểu rõ sứ mệnh của tiểu đệ.
– Tôi thấu hiểu lòng thành thực của hiền đệ. Nhưng trước khi có được thoả thuận chính thức chúng ta cần chấm dứt những cuộc mật đàm vô bổ. Sự thăm viếng xã giao quá nhiều không mang lại lợi ích gì tốt đẹp mà có thể còn phương hại đến an ninh chung.
Bảy Dĩ đành vái chào từ biệt, trong lòng nặng trĩu một nỗi lo buồn.
Nhận được điện phúc đáp của Bảy Dĩ, ngài Phân vụ trưởng cũng nổi giận đùng đùng. Ông ta đập bàn xô ghế, vò đầu bứt tai quát tháo:
– Sao lại quay về phòng ngự? Mất hết nhuệ khí chiến đấu hay sao mà phải bỏ chạy khỏi trận tuyến, phải lặn một thời gian? Tình báo chỉ có một chiến lược tiến công, ngừng lại là tự sát. Hai kẻ đối thoại trong tư thế như nhau cùng chung kẻ thù, cùng bất hợp pháp, cùng bị đe doạ như nhau thì có gì đáng ngại. Phải biết giữ thế thăng bằng trên miệng hố huỷ diệt để mà cùng tồn tại!
Warrens không hiểu là Dĩ chỉ muốn nhõng nhẽo với Boss thôi chứ y vẫn đánh giá đúng tư thế của mình. Dù sao thêm bạn bớt thù cũng vẫn tốt hơn.
Sau mấy hộp bia ướp lạnh. Thần kinh ông Phân vụ trưởng đã dịu lại. Warrens bình tĩnh viết một bức điện hoàn toàn trái ngược với phong thái bốc lửa vừa diễn ra. Ông cổ vũ tuyên dương những thành đạt bước đầu của cấp dưới đồng thời cũng hối thúc trách nhiệm một cách quyết liệt.
… Nếu ông Nhân đã chết thì chúng ta chậm chân hơn kẻ thù ít nhất một năm rồi. Là người đến muộn, chúng ta phải khắc phục khoảng cách đáng sợ đó. Cái giá bộ sưu tập của ông Nhân để lại còn lớn hơn cả khế ước chúng ta định ký kết với ông Chu. Vì vậy tôi chuẩn chi ngay năm trăm ngàn đô-la cho cuộc thám hiểm này. Tiền sẽ được chuyển đến tận tay để ông có đủ sức mạnh hỗ trợ cho cuộc hành quân Z9. Với ông Chu, tôi xin nhắc lại mắc mớ không phải ở vấn đề tài chính. Chúng ta cần một giải pháp dài hạn, cả gói. Hãy yêu cầu ông Chu cho ta danh tiếng của người kế vị. Hoạt động trong điều kiện hiểm nguy khắc nghiệt, chúng ta cần một cặp bài trùng để đề phòng mọi biến động. Người thừa kế bắt buộc phải mang gốc Việt, trẻ khoẻ, năng động, có ngoại hình hấp dẫn. Đó là yêu cầu bắt buộc của Langley. Tôi nhấn mạnh điều này vì ngoài lợi ích tình báo ra, chúng ta rất cần có một con bài chính trị đủ mạnh để tung vào những cơ may của thời thế.
Một người gốc Hoa không đủ sức thu hút quần chúng bản xứ. Đây là vấn đề nguyên tắc, dù có phải biểu lộ thái độ tế nhị xã giao gì chăng nữa thì ông cũng phải truyền đạt đến ông Chu quan điểm thẳng thắn này. Có một cặp bài trùng như vậy, chúng ta sẵn sàng chấp nhận cái giá gấp đôi!
… Ông Dĩ thân mến ạ. Trước đây tôi có ý định đưa ông vào chức vụ này. Nhưng giờ đây tôi nhận thức lại rằng quyết định đó là chắp vá vội vã chẳng khác nào chặt tay phải đế nối dài cho tay trái. Tôi không thể tìm đâu ra người phụ tá đặc trách về Đông Dương tài năng như ông. Chính vì vậy giờ đây ông vẫn là người đại diện cho tôi bên cạnh một nhà lãnh đạo nội địa. Vai trò của ông tuy không có danh nhưng lại đầy quyền lực. Tôi hy vọng ông hiểu được ý tôi để thúc đấy cuộc thương thảo nhanh chóng kết thúc thắng lợi. Thời gian không đợi chúng ta!
Warrens không quên “tái bút” nhắc Dĩ chuyển gấp lô hàng còn tồn đọng sau chiến tranh. Warrens sẽ hỗ trợ cho hải vụ được thực hiện trót lọt.
Bằng cặp mắt của ông trùm gián điệp, đặc vụ lõi đời, Chu Bội Ngọc nhận ngay thấy Bức cổ thư của Tija chẳng qua chỉ là một tài liệu được mã hoá bằng một loại ký hiệu đặc biệt. Thìa khoá lại được ghi ngay trên khung tranh. Với cái sơ đồ mà Vượng sao chép ra, lão già ghi thứ tự những chữ cái A, B, C… vào các ô liên tiếp giống như trò chơi ô chữ. Chỉ vài phút thay đổi cấu trúc, Chu Bội Ngọc đã vỗ đùi khoái trá tìm được cách đọc bức cổ thư mà suốt một năm trời nghiên cứu, Đỗ Thúc Vượng chẳng hiểu nó là cái gì.
Nội dung tư liệu là bản hướng dẫn vị trí và cách thức tháo gỡ, cất giấu một kho của chôn vùi trong lòng đất. Hẳn kho này phải nhiều thứ quý nên chủ nó mới phải lập sơ đồ bí mật và cầu kỳ như thế này. Trong óc Chu Bội Ngọc hiện lên hai dấu hỏi to tướng. Ai là chủ của sơ đồ này? Ngôi nhà cất giấu kho tàng này nằm ở đâu? Và theo lô gích của sự suy luận thì người đầu tiên có thể giúp lão lần ngược sợi dây thời gian tới chủ nhân cua bản sơ đồ là Lili.
Ba ngày sau, Chu Bội Ngọc gọi điện mời ông bà Đỗ Thúc Vượng lại chơi, dự bữa cơm thân mật. Vượng nhận lời ngay. Ông đoán được ngoài việc hiếu hỷ xã giao ra, chắc ông Chu còn nhằm tới mục đích gì khác nữa.
Vượng gọi điện báo tin này cho tướng Nguyễn Hữu Đức. Trung tướng hẹn ba giờ chiều, hai người sẽ gặp nhau ở Thư viện khoa học.
Hai người kéo nhau ra ngồi ngoài ghế đá trong khu vườn cây.
– Hình như ông bạn già của chúng ta đã thấy được ý nghĩa đích thực của ban đồ cổ thư!
– Hy vọng là như vậy. Tôi đã trao cho ông ta “cái thìa khoá” đúng như ý định của tướng quân.
– Đã đến lúc cần xì mùi tử khí của cái xác chết Hoàng Quý Nhân loang ra, lôi cuốn đàn kiến bâu xung quanh bộ lưu trữ.
– Vai trò của tôi đã có thể kết thúc được rồi chứ?
– Vâng, tôi chỉ dám nhờ anh tới mức đó. Thực ra anh cũng chỉ làm những điều đúng như anh hiểu trước đây. Những thứ khác là chúng tôi thêm vào. Tuy nhiên vài trò của chị Lili thì ngày càng trở nên quan trọng. Là ông chồng đáng kính, anh còn phải tháp tùng bà vợ xinh đẹp trong nhiều buổi tiếp tân nữa. Tôi đã bàn công việc với chị Lili rồi, và còn phải nhắc vở cho chị nhiều màn tiếp sau. Mong anh thông cảm với nhiệm vụ của bọn tôi.
– Không có gì đâu, anh Đức ạ. Tuy nhiên để đỡ bỏng việc, anh cũng nên cho tôi biết vài điều tối thiểu trong giai đoạn trước mắt của chiến dịch.
– Nhất định rồi. Tuy anh không tham gia quá trình phản ứng nhưng lại có vai trò của một chất xúc tác vô cùng quan trọng đấy. Trung tướng thì thào với Vượng hồi lâu rồi họ chia tay nhau.
…
Đúng giờ hẹn, Đỗ Thúc Vượng lái xe đưa Lili đến cửa hàng Minerva’s Treasure ở phố Lê Lợi. Chiếc xe hòm Toyota của Hoàng Quý Nhân để lại đã được Lili đem dùng hàng ngày theo sự khuyến khích của an ninh. Có thể Nhân đã đổi biển số nhưng dưới con mắt của các điệp viên giàu kinh nghiệm, biết đâu chẳng có kẻ nhận ra được dấu vết của người chủ cũ.
Chu Bội Ngọc ra tận cửa đón khách với một cử chỉ thân mật và hiếu khách:
– Vinh hạnh cho chúng tôi hôm nay được đón tiếp ông bà giáo sư đến thăm tệ xá – Lão giới thiệu một bà Tàu già ở độ tuổi bay mươi nhưng vẫn còn son phấn, diêm dúa – Đây là bà nhà tôi. Xỉn giới thiệu với mình, ông bà Đỗ Thúc Vượng.
Người đàn bà Tàu cúi gục người cung kính đáp lễ.
Ông Chu đưa khách lên lầu trên. Một căn phòng trang trí kiểu cổ. Đồ gỗ chạm trổ tinh vi lau chùi bóng loáng. Những giá gương đôn sứ, chậu cảnh, bát đĩa, tranh thuỷ mạc, hoa điểu, quốc họa Trung Quốc. Tượng nhỏ bằng hồng ngọc, lam thạch, ngọc bích, đặc biệt có rất nhiều khung lồng kính chỉ toàn chữ Hán viết thảo, vừa là ghi những đoạn văn, những câu thơ cổ bất hủ, vừa là khoa trương nét bút bay bướm huyền diệu của thư pháp gây cho người xem những xúc cảm hứng lạ lùng chẳng kém gì trước y những bức tranh nghệ thuật vậy.
Bà vợ già của ông Chu cũng chỉ ngồi tiếp khách xã giao ít phút rồi xin cáo lui với lý do đôi tai nghễnh ngãng câu được câu chăng, lại biết ít tiếng Việt thành thử khó tham gia câu chuyện chung của mọi người.
Một bữa tiệc nấu theo kiểu Tàu được dọn ra ở phòng ăn bên cạnh. Hai cô hầu bàn xinh đẹp đứng túc trực để sàn sàng hành động theo sự sai khiến của ông chủ. Khách được thương thức toàn những món lạ miệng và hấp dẫn.
Tiệc tàn, họ quay về phòng khách. Khi chỉ còn có ba người, Chu Bội Ngọc mới đặt trước Đỗ Thúc Vượng một chiếc hộp nhỏ, thứ hộp đựng đồ trang sức.
– Hôm nay mời ông bà đến dự bữa cơm thân mật để tỏ lòng quý mến, tôi cũng còn có thêm mục đích thứ hai là cam tạ giáo sư đã bỏ công sức nghiên cứu rất kỹ “BỨC TRANH CHIẾU BẠC”. Công lao ấy thật to lớn không có tiền của nào so sánh được. Góp công sức cho nghệ thuật cũng chính là sự hy sinh cao cả cho cái tận thiện tận mỹ, cái bất tử, cái vĩnh hằng của chân lý. Nhưng dù sao thì con người cũng không tách rời được cái giá trị vật chất của cuộc sống. Cho phép tôi được biếu giáo sư một số tiền nhỏ, hy vọng nó cũng giúp vào sinh hoạt hàng ngày trong hoàn cảnh hạn hẹp hiện nay của chúng ta.
Nói xong ông Chu mở nắp hộp ra. Tám lá vàng sư tử đỏ au lấp lánh dưới ánh đèn.
– Trời ơi, tiền thù lao cho vài chục trang luận văn sao quá lớn như vậy, thưa tiên sinh?
– Thưa giáo sư, chỉ có hai lượng vàng thôi. Nói là lớn nhưng chưa đến một ngàn đô-la, chưa bằng lương tháng của anh phu quét rác ở Hoa Kỳ. Gía trị tinh thần ở ta rẻ mạt như thế đó. Xin giáo sư đừng trách cứ kẻ vô học này không biết người biết của.
Trong khi Đỗ Thúc Vượng chưa hết ngạc nhiên về cừ chỉ hào phóng của ông chủ Minerva’s Treasure thì Chu đã quay sang phía Lili.
– Còn câu chuyện tôi cần thưa với bà Lili thì lại chưa bắt đầu. Khoản tiền tôi gửi giáo sư đây hoàn toàn chỉ để thù lao một công trình khoa học mà thôi. Nếu quả giá trị thương mại của bức tranh tăng lên thì tôi cũng xin tăng giá mua lên theo một tỷ lệ thích hợp để bà khỏi thiệt thưa bà.
– Xin cảm ơn cụ. Nhưng như trước đây tôi đã nói chúng tôi sẽ không bao giờ bàn lại giá cả của bức tranh nữa. Cụ hãy yên tâm về chuyện này.
Chu Bội Ngọc đứng dậy lom khom bắt tay Lili:
– Xin lỗi, tôi đã làm phật ý bà. Tiện đây cũng xin hỏi bà một vài điều. Bà có nhớ là nhà ta mua “Bức tranh chiếu bạc” từ bao giờ không?
– Thưa cụ, đây là bức tranh quý nhất của chồng tôi. Đó không phải là tranh mua mà là quà biếu.
– Ôi cái con người hào hiệp nào đã biếu ông nhà món quà cao quý thế?
– Đối với ân nhân có công cải tủ hoàn sinh thì bức tranh đó đâu phải là lớn.
– Phúc đức quá. Ông nhà đã cứu sống một con người.
– Vâng. Người chủ của bức tranh đã sa lưới với tám chục cân bạch phiến trong xe. Theo pháp luật thời đó, tội này đáng lĩnh hai cái án tử hình. Nhờ chồng tôi, chẳng những ông ta thoát chết mà còn trót lọt vụ áp phe béo bở đó.
– Nếu ông nhà chẳng phải là chính khách, doanh gia, ắt cũng phải là một trang anh hùng lãng tử – Chu khéo léo tâng bốc để kích thích cơn cao hứng của Lili.
– Đại tá cảnh sát, phụ tá an ninh Tổng thống phủ Hoàng Quý Nhân. Cụ có nghe đến tên người này lần nào chưa?
– Trời ơi! Té ra bà là đại phu nhân Hoàng Quý Nhân, con người hùng của thập kỷ sáu mươi! Và hôm nay tôi còn nhận được một vinh hạnh nữa, bà là người mang chung dòng máu Đại Hán với lão Chu này.
– Hí hí hí! Ngài lầm rồi, tôi là một người Việt thuần chủng, hoàn toàn không pha trộn tí gì với huyết hệ ngoại bang.
– Ồ xin lỗi bà… Lão tỏ vẻ ngạc nhiên và nghi ngờ – Sao tôi nghe nói ông Hoàng Quý Nhân là giai tế vị phú thương người Hoa Chợ Lớn Hứa Vĩnh Thanh kia mà?
– Đúng thế thưa cụ. Nhưng tôi là bà hai!
– À ra thế! – Chu cười vỡ lẽ – Thảo nào bà còn trẻ quá.
Từ nãy Vượng ngồi im, giờ mới góp vào câu chuyện:
– Nói chính xác hơn, tôi mới là con rể chính thức của cụ Hứa Vĩnh Thanh. Năm 1962 tôi và Hứa Quế Lan ly dị thì ông Nhân mới vội thế vào chân này với cái khế ước hôn thú định kỳ năm ngày một tuần. Đến năm 1975 Hứa Quế Lan di tản Hoàng Quý Nhân ở lại kết hôn với Lili. Và bây giờ ông Nhân ra đi thì tôi lại thế vào chỗ trống đó!
– Trời ơi! Chuyện đời sao lại ly kỳ gay cấn đến thế!
– Có gì mà gay cấn hở cụ? – Lili cười vui vẻ – Tất cả đều hợp hiến, hợp lý và hợp đạo. Giả dụ cả bốn chúng tôi có nằm chung một giường thì cũng không có vấn đề vô luân hay phạm pháp nào ở đây!
– Ha ha ha! Ý kiến bà thật chí lý!
Chu Bội Ngọc bật cười sảng khoái, còn Vượng thì liếc nhìn Lili với vẻ không tán thưởng câu đùa quá suồng sã của vợ. Lợi dụng tình huống này, Chu vội khai thác thêm:
– Thế bây giờ ông Nhân lại quay về với bà Hứa Quế Lan chứ?
– Đáng tiếc là cả hai đều đã chết.
– Trời, thật đáng thương tâm. Còn trẻ cả mà sao họ đã vội từ giã cõi đời sớm thế?
– Chị Hứa Quế Lan bị ám sát ở California .
– Bị ám sát? Vì sao?
– Vụ án còn chưa bị phá. Chỉ có Chúa mới biết được chúng giết chị vì lý do gì!
– Thế còn ông Hoàng Quý Nhân?
– Cũng là bất đắc kỳ tử – Lili thở dài.
– Vì sao?
– Chỉ có Chúa mới hiểu nổi – Lili lấy khăn thấm nước mắt. Có những nỗi đau chăng bao giờ tôi muốn nhắc lại quá một lần. Để sống nổi, phải biết chôn chặt quá khứ vào quên lãng.
Chu Bội Ngọc biết ý và không gặng hỏi thêm nữa.
Không khí buổi tiếp tân trầm lắng hẳn xuống. Chuyện cũ, người kể thấy nói đến đây là quá nhiều. Người nghe biết đến đây là tạm đủ nên họ có ý tứ chuyển thể tài.
– Thế hai ông bà đã kết hôn mà vẫn cứ mỗi người sống một nhà như vậy mãi sao?
– Chúng tôi vẫn nay kéo nhau đến nhà này, mai đưa nhau đến nhà kia. Nhưng giờ đây tôi quyết định kéo anh Vượng về hẳn nhà mình. Ít người ở nhà nhỏ vừa xinh gọn, đầy đủ tiện nghi, ấm cúng tình cảm lại đỡ công quét dọn. Sáu bảy năm sống với Hoàng Quý Nhân ở căn nhà này, tôi thấy hoàn toàn thoải mái. Thế mà anh Vượng lại chê chật chội.
– Còn tôi lại cứ muốn đón Lili về nhà mình – Vượng nói – Không phải tôi ghen với những kỷ niệm cũ của vợ mà là nhà tôi có vườn cây thoáng đãng, không khí trong lành, cảnh quan ngoạn mục. Ngay đại lộ xe ra vào ga-ra dễ dàng chứ không phải lui, tới như trong hẻm Bảy hai, thế mà Lili vẫn không chịu nhượng bộ.
– Đúng là nhà bên anh Vượng to hơn, sang hơn, nhưng xây dựng từ lâu, trần mái quá cũ. Không chữa chạy mà cứ ở sợ có lúc nguy hiểm. Mà chữa thì lấy tiền của đâu?
Chu Bội Ngọc cười vui như muốn dàn hoà:
– Tôi ở giữa xin có ý kiến khách quan góp với ông bà. Dù sao sống trong biệt thự cũng sướng hơn chứ. Ngôi nhà ông Vượng nhìn bề ngoài thấy cũ nhưng thiết kế vững chắc lắm. Bê tông cốt thép như thế thì coi như vĩnh cửu. Gỗ sàn, gỗ cửa toàn loại tứ thiết, kiến trúc lại rất đẹp. Nếu ta có công tu sửa sơn quét chút ít là choáng lộn ngay. Còn ngôi nhà bên bà Lili thì xinh xắn đấy nhưng ở mãi trong hẻm vị thế rất yếu. Hơn nữa tầng lại thấp, không có vườn cây, không gian chật hẹp vì mấy cao ốc xung quanh che chắn mất ánh sáng và luồng gió. Tôi mới đến hai lần và chỉ ngồi ở phòng khách thôi, nhưng đã thấy thua xa nhà ông Vượng. Hợp lý nhất là gái theo chồng. Bà Lili nên bán ngôi nhà trong ngõ hẻm rồi bỏ ra chút ít sửa toà biệt thự bên ông Vượng. Đừng lo rộng. Sau đây có con cái là thấy ấm cúng ngay. Đến cái tuổi như tôi, có khi ông bà lại lo chật hẹp vì cảnh con đàn cháu đống đấy!
– Cụ ơi nhưng bán ngôi nhà của tôi thì được mấy tiền. Chắc gì đã đủ để sửa bên anh Vượng.
– Thừa! Thừa rất nhiều! Nếu bà ưng bán thì để tôi bán hộ hoặc có thể bán ngay cho tôi cũng được. Tham vọng lâu dài của tôi là biến ngôi nhà này thành Gallery Chu Bội Ngọc, lúc đó tôi sẽ hiến cho thành phố để hai vợ chồng già thu về một căn nhà nhỏ trong hẻm trước khi nhắm mắt xuôi tay.
– Thế cụ định trả bao nhiêu? – Lili vui vẻ ướm giá, – Trước khi định giá, xin bà cho phép tôi xem xét kỹ lưỡng căn nhà một chút. Còn về giá cả thì bà có thể yên tâm. Ít nhất thì cũng bằng giá thị trường.
– Vậy thì bừa nào tốt ngày, xin mời cụ lại xem nhà.
– Tám giờ sáng chủ nhật tôi sẽ lại. Đối với tôi, ngày nào cũng đẹp.
Vợ chồng Vượng cáo từ ra về. Chu Bội Ngọc giúi vào tay Lili thứ mà ông ta gọi là món thù lao nho nhỏ:
– Xin bà cầm giúp cho. Giáo sư của chúng ta ít quan tâm tới chuyện tiền nong. Dù sao cũng cần bù đắp được phần nào công sức của giáo sư cống hiến cho nền mỹ học, nhầm bảo tồn di sản quý báu của nền văn hóa nhân loại.
– Cảm ơn cụ nhiều. Hẹn gặp lại sáng chủ nhật ở ngôi nhà bé nhỏ hẻm Bảy hai.
…
Về đến nhà, Lili mới hỏi Vượng:
– Em tiếp chuyện ông Chu thế là được chứ?
– Kể ra không có mặt anh ở đấy cũng được.
– Sao lại thế – Lili ngạc nhiên và có chút lo lắng- Hay em đã nói điều gì làm anh không vừa lòng. Phải chăng em đã tiết lộ quá nhiều chuyện riêng tư của chúng ta khiến anh xấu hổ.
– Không. Anh muốn nói tướng Đức giao cho anh việc “nhắc vở” màn kịch do anh ấy đạo diễn. Nhưng anh cảm thấy thừa vì em đã thuộc lòng kịch bản và đôi lúc còn cương thêm vô tội vạ.
– Trời ơi, thế có nghĩa là em làm hỏng mất vai diễn?
– Em có máu nghệ sĩ đấy. Anh khen thực thế chứ không phải châm biếm em đâu. Lili ứng đối rất nhanh trí. Cái đoạn em bùi ngùi lấy khăn thấm nước mắt để kiềm chế tính tò mò của Chu tiên sinh là rất đạt, thật đáng vỗ tay.
Lili sà vào lòng Vượng ôm chặt lấy cổ anh, xúc động:
– Ôi anh Vượng, em rất hạnh phúc vì những lời khen của anh.
– Nhưng có chỗ anh cũng muốn chê.
– Chỗ nào anh?
– Khi em cười rúc rích và nói “cả bốn chúng tôi nằm chung một giường” khiến anh liên tưởng đến những hộp đêm nhảy nhụa lạc thú nhục dục – Em nói chuyện đó rất tự nhiên trước một ông già bảy nhăm tuổi thì không thích hợp chút nào.
Mặt Lili đỏ nhừ nóng hổi. Cô gục đầu vào ngực chồng như muốn che giấu nỗi hổ thẹn.
– Xin tha thứ cho em. Đấy là cái chất cô hầu phòng khách sạn Overnight còn sót lại, và nó tái hiện rất nhanh trong những câu đùa vô thức. Em đã làm xấu mặt chồng em. Một trí thức mà lấy phải một ả vô học thì còn nhiều lúc anh phải khổ tâm vì vợ đấy.
Lili ứa nước mắt, tủi thân.
– Trời ơi, sao em lại hiểu ra như vậy. Anh chỉ muốn nói là giữa một xa-lông sang trọng cùng với một ông chủ râu tóc bạc phơ, tiên phong đạo cốt mà em nói câu đó thì không thích hợp. Chứ giữa anh và em thì chẳng có gì đáng trách. Em cũng chỉ muốn mô tả một sự thực. Trước đây anh chung sống với Hứa Quế Lan và giờ đây lại chung sống với em. Còn em thì cũng đã là vợ Hoàng Quý Nhân và giờ đây lại đến với anh. Nếu thu nhỏ không gian và thời gian lại thì hình tượng khái quát nhất cho mỗi dây tình phức tạp đó là “cả bốn đứa cùng trên một cái giường”.
Lili vẫn thổn thức. Vượng cảm thấy lúng túng. Anh ôm chặt vợ vuốt ve hôn hít như nựng một đứa trẻ…
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!