Sao Đen - Chương 59: TÀO MẠNH ĐỨC HAI - NGƯỜI KẾ VỊ
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
33


Sao Đen


Chương 59: TÀO MẠNH ĐỨC HAI - NGƯỜI KẾ VỊ



Tất cả mọi hành động của cha Trình đều bị cơ quan an ninh giám sát và đánh dấu. Công việc đào bới kho qúy trong khuôn viên biệt thự Vie du Château chẳng những không bị bắt mà còn được một nhóm trinh sát của Hai Bền bí mật bảo vệ vòng ngoài sao cho vụ làm ăn trót lọt êm thấm. Ngay cả cơ quan có bãi cho thuê đậu xe cũng không hay biết gì. Tướng Đức muốn đối phương nuốt gọn miếng mồi “béo bở” của ông.

Từ sau khi mặc cả với Bảy Dĩ về khoản tiền thưởng cho phi vụ này cha Trinh đã nắm chắc chủ bài trong tay. Suốt một tuần vị linh mục kiểm kê lại bộ sưu tập. Thực ra đấy chỉ là một phần di sản của Hoàng Quý Nhân. Nó đã bị “rút ruột” cắt xén những phần cốt tử, thêm vào những thông tin giả. Tuy nhiên nhìn qua danh mục của các hồ sơ thì bất cứ cơ quan tình báo nào cũng thèm khát đến phát điên lên được! Cha Trinh không đọc nổi những thứ đó, nhưng ông ý thức được – giá trị đống bảo vật nằm trong tay mình.

Suốt một tháng trời ông không xin gặp Bảy Dĩ. Ông muốn thượng cấp phải hiểu rằng việc ông làm được không phải dễ dàng và giá thành của nó có cao cũng là điều không cần bàn cãi. Nhưng Dĩ thì lại rất sốt ruột trong chuyện này. Tạm ứng cho cấp dưới hàng chục ngàn đô-la mà chẳng thấy tăm hơi gì cũng lo. Vì vậy Dĩ đã quyết định đến gặp cha Trinh không báo trước.

– Công việc làm ăn Cha tiến hành đến đâu rồi?

– Thưa ông Bảy, tôi đã làm hết sức mình. Dù sao cũng có đôi tia hy vọng.

– Ông hãy tường trình cho tôi nghe những tia hy vọng đó.

– Tôi vừa tìm thấy một cuốn Kinh thánh in bằng tiếng La-tinh ở nhà bà Lili.

– Hay thật! Cái đó cần cho Cha chứ ích gì cho công việc.

– Thưa ông, đây là di sản của ông Hoàng Quý Nhân.

– Chúng ta không phải nhà sưu tập đồ lưu niệm những vĩ nhân. Tôi cần tài liệu tình báo chứ đâu có thiếu Kinh thánh?

– Thưa ngài, nhưng nếu cuốn Kinh thánh lại chứa đựng những mật mã, những lời bí truyền thì ngài có thích không?

– Chứa đựng mật mã, những lời bí truyền? – Bảy Dĩ ngạc nhiên, cặp mắt sáng lên – Trời ơi thế thì Cha phải nói rõ là đã tìm ra những mật mã chứ sao lại vòng vèo mất thì giờ như vậy?

– Thưa ông, đấy mới là niềm hy vọng. Trong nghề của chúng ta có nhiều cái sờ sờ trước mặt mà tìm suốt đời không thấy. Ngược lại có những điều bí mật tưởng chẳng bao giờ bị khám phá, lại bại lộ trong khoảnh khắc. Ngoài tài năng và nỗ lực, chúng ta cũng còn trông đợi những cơ may.

– Tóm lại là mới có quyển Kinh thánh và niềm hy vọng vào những cơ may?

– Dạ.

Bảy Dĩ nhún vai tỏ vẻ thất vọng. Còn Vũ Xuân Trinh thì lặng lẽ lấy quyển Kinh thánh cũ nát đặt trước mặt Dĩ.

– Ông xem, Hoàng Quý Nhân không phải tín đồ Thiên chúa giáo, ông ta giữ thứ này làm gì? Trong cuộc sống trốn lủi gian truân sau ngày quốc hận Ba Mươi tháng Tư, mọi thứ quý giá kể cả bạc vàng châu báu đều bỏ chạy tháo thân, ông ta vẫn cặp kè cuốn Kinh thánh trong tay, ắt phải có lý do bí ẩn nào chứ?

Dĩ gật gù mở cuốn sách cũ nát, nhưng y đâu có biết tiếng La-tinh nên tất cả chỉ tối mò vô nghĩa.

– Cha hãy cố đọc xem có thấy được điều gì kỳ diệu không? Nhưng tôi khuyên Cha nên tổ chức những cuộc lùng kiếm chứ không nên bỏ quá nhiều thì giờ ôm lấy quyển Kinh thánh làm cái việc tầm chương trích cú để mà kỳ vọng một cơ may không tiền khoáng hậu.

– Xin ông hiểu cho tôi, Vũ Xuân Trinh này là một con người hành động, chứ không phải tên thư lại cạo giấy. Nếu thượng cấp không tin, tôi xin hoàn lại khoản tài trợ để ngài chi cho những thám tử tài năng khác, giàu kinh nghiệm hơn.

Thái độ kiêu căng làm phách của cha Trinh làm cho Dĩ hơi lúng túng.

– Cha phải bình tĩnh. Công việc của chúng ta vô cùng khẩn thiết. Cấp trên hối thúc tôi và tôi cũng phải đôn đốc các chiến hữu thực thi nhanh chóng công vụ. Chẳng lẽ tôi chỉ có việc cung cấp mọi nhu cầu mà không kiểm tra xem sự vụ tiến hành ra sao. Hỏi thế không phải để đòi tiền lại mà là để khuyến khích tiến nhanh để sớm đạt kết quả thực sự.

– Thưa ông Bảy, tôi chưa dám trình ông những ý đồ mới bởi lẽ không muốn làm ông lạc quan quá sớm mà lơ là những hướng săn lùng khác. Sự thực thì tôi đang cố đẩy mạnh nhịp độ cuộc tìm kiếm lên gấp bội, và việc chi tiêu cũng tăng theo tỷ lệ thích hợp. Một nửa tháng nữa tôi sẽ có bản tường trình đầy đủ về cuộc hành quân.

– Một nửa tháng? Cám ơn Cha đã cho tôi một thời biểu chặt chẽ như vậy.

– Nhưng xin ông nhớ cho cái “giải thưởng Warrens” ông đã hứa.

– Tôi đề đạt với thượng cấp và lời thỉnh cầu đã được chuẩn y. Một nửa triệu đô-la cho người thắng cuộc. Đương sự có thể lĩnh tại chỗ hoặc ký gửi vào ngân hàng nào tùy ý. CIA sẽ bảo trợ vững chắc quyền lợi lâu dài cho họ và kể cả những người thừa kế. Cha là nhà tu hành, không vợ không con, Cha có thể tặng cho một qũy từ thiện nào đó cũng được.

Cha Trinh giãy nảy:

– Thưa ông tôi chỉ là một nhà tu hành tài tử. Vì sự nghiệp tình báo mà tôi phải mang lốt áo chùng đen thôi. Thật tình tôi không đủ tư cách làm kẻ chăn chiên. Nếu lập được chiến tích này xin ông cho tôi chuyên địa bàn công tác giải giới luôn để còn lấy vợ chứ. Năm nay gần bốn chục tuổi rồi.

– Há há há! Trước mắt thì chưa chuyển được đâu. Có tiền trong tay tôi sẽ tìm cho Cha những chỗ giải trí siêu hạng để Cha yên tâm giảng đạo một thời gian nữa.

– Dạ, đây là nguyện vọng tha thiết. Tuy nhiên nếu phải chấp nhận một thời gian tiếp thì kẻ tu hành này cũng không dám phàn nàn.

Đúng nửa tháng như đã hứa, Vũ Xuân Trinh công bố toàn bộ thành quả tìm kiếm của mình. Mặc dù có dự cảm trước, Bảy Dĩ vẫn bàng hoàng khi chiêm ngưỡng đống tài liệu đồ sộ bày ra trước mặt. Hàng trăm cuốn vi phim, băng từ, đĩa nhựa, hàng ngàn hồ sơ tư liệu, đánh máy, chép tay, sao chụp mang dấu tích tình báo, phản gián, cảnh sát quốc gia, mật vụ đủ loại. Những cuốn nhật ký mang bút tích Hoàng Quý Nhân ghi suốt mấy chục năm như một bộ tập sử đồ sộ chứa đựng những sự kiện chưa bao giờ công bố suốt mấy nền Cộng hòa. Cả những chương trình hoạt động phiến loạn sau ngày Ba Mươi tháng Tư năm một chín bảy lăm cũng được lưu giữ rất khoa học. Hàng trăm chuyên luận về khai thác hình sự, tra tấn thể xác, tác động tâm lý… những quy trình điều chế nhiều loại biệt dược, độc dược về thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, giác quan, tình dục… được niêm cất chu đáo. Có cả những sơ đồ hệ thống tổ chức các chính đảng, các phường hội, lý lịch các nhân vật danh tiếng, chính khách, tướng lĩnh bao gồm cả học vấn, sở thích cá tính đến những tội đồ, bệnh lý, khuyết tật thể xác của từng cá nhân đều được ghi chép tỉ mỉ. Đặc biệt là những bản danh sách tới hàng trăm trang, có đầy đủ mật danh, mật mã quy ước liên lạc cùng những hệ thống mật mã phức tạp của nhiều cơ quan tình báo, có loại đã “chết” nhưng vẫn dùng để mở những lưu trữ cũ; có loại còn sống, còn được duy trì trong các buổi phát sóng liên lạc bí mật trong không gian… Mới lướt qua các tập đề mục hồ sơ mà Bảy Dĩ đã choáng ngợp niềm vui.

Dĩ thử lại hiệu lực của bộ lưu trừ bằng cách tra cứu tên mình. Y hoảng hồn đến toát mồ hôi hột vì tất cả mọi mưu ma chước qủy lẫn những mối liên hệ vô luân bất chính, biệt số mã số cá nhân trong quá khứ của y đều được ghi trong sổ “Thiên tào” ẩy là chưa nói nhiều thứ cần phải công phu nghiên cứu lâu dài mới đọc nổi.

– Thưa ông Bảy, ông có thể ký nhận cho tôi số chiến lợi phẩm này được chứ?

– Cảm ơn Cha đã làm được một việc vượt ra ngoài sức tưởng tượng của tôi. Kho tư liệu qúy giá này cần phải được chuyển tới nơi an toàn nhất, nhưng phải chuẩn bị chu đáo bảo toàn tuyệt đối. Tôi thừa nhận công tích của Cha, nhưng cần có thời gian để thống kê đầy đủ danh mục đã.

– Tôi đã làm đầy đủ trước khi trình ông.

– Tốt lắm. Tạm thời Cha hãy cất vào một nơi an toàn nhất. Tôi sẽ lập kế hoạch chuyển nó ra nước ngoài để có đủ phương tiện nghiên cứu, bảo tồn lâu dài.

– Nếu có thể cho tôi được tháp tùng bộ sưu tập. Sau những ngày phục vụ vất vả, tôi cũng muốn có một chuyến du lịch ngoại quốc để được nghỉ ngơi thoải mái.

Ngần ngừ một lúc, Bảy Dĩ nói:

– Tôi chưa dám hứa vì việc này còn tùy thuộc thượng cấp. Nhưng tôi sẽ cố gắng để đạt sao cho nguyện vọng của Cha được toại nguyện.

Chờ cho cơn mưa đổ xuống dữ dội, Dĩ mới cáo từ cha Trinh ra về. Qua cửa nhà thờ một ánh chớp làm y loé mắt. Chiếc Honđa lao vào làn mưa và mất hút trong hẻm vắng.

Hai Bền đã cho trinh sát chụp được ảnh kẻ lạ mặt bí mật đến liên hệ với cha Vũ Xuân Trinh! Đêm mưa, ảnh không rõ nét nhưng cũng đủ cho Lili nhận ra hắn là Sáu Bình, người được Chu Bội Ngọc giới thiệu là ông bạn buôn đồ cổ từ ngoại quốc về làm ăn.

Chắc chắn có mối liên hệ giữa Sáu Bình và bộ sưu tập của Hoàng Quý Nhân. Liệu Chu Bội Ngọc và Vũ Xuân Trinh có cùng một băng không? Bộ chỉ huy cơ quan phản gián phía Nam đặt một dấu hỏi lớn vào tên lạ mặt này. Nếu biết y là người của ai thì bài toán lớn sẽ được giải. Ý kiến cho bắt hắn không được số đông chấp nhận. Động đến y có thể làm sụp đổ toàn bộ chiến thuật “nhử mồi” ta theo đuổi nhất quán mấy năm nay. Trung tướng Nguyễn Hữu Đức cho in tấm ảnh Sáu Bình chuyển ra nhiều ăng ten hải ngoại để xác định giúp. Thứ này không thể dùng đường bưu điện nên phải theo một con đường ngoằn ngoèo phức tạp. Thời gian đi về cộng với công tra cứu sớm ra cũng phải ba tháng mới có kết quả. Đến lúc đó mọi sự kiện hôm nay đủ trở thành lịch sử! Nhưng biết làm thế nào khi chưa tìm ra một giải pháp tốt đẹp hơn.

Mấy tháng gần đây Hải cứ Gam-ma đã hoạt động trở lại theo một nhịp độ khác thường. Tháng trước Hào đi nhận hàng nhận người, nay lại có lệnh đi chuyến mới. Đi nhiều thì vất vả nguy hiểm càng nhiều nhưng thủy thu được kích thích bằng đô-la hậu thưởng nên họ cũng phấn chấn. Hàng mấy chục chuyến đi cũng đã có vài thuyền bị giữ lại xét hỏi, có khi vài phút, có lần vài ngày nhưng chưa có ai bị bắt, bị giết nên họ cũng dạn dày vững tâm hơn.

Mấy năm rồi Trương Tấn Hào chưa được gặp lại vợ con. Anh mong có chuyến vào Sài Gòn để tìm cách qua thăm nhà. Thỉnh thoảng anh cũng nhận được thư của đứa con gái lớn. Thu Thủy đã trở thành cô giáo và đến tuổi lấy chồng được rồi. Đôi lần Hào viết thư gặng hỏi chuyện riêng tư của con, nhưng Thu Thủy chỉ nhất mực hẹn khi nào gặp ba mới thưa rõ điều này. Nhưng chuyện qua nhà đâu phải do anh chủ động nổi. Nghĩ vậy anh càng thương con.

Lần này được Albert thông báo hành trình qua Sài Gòn nên Hào mừng làm. Anh có một khoản tiền khá lớn nhưng chẳng dám mua đồ gửi về vì chủ trương của Dĩ là sẽ cho đón gia đình anh ra. Anh quyết định sẽ mang tất cả tài sản đi theo, nếu cần thì bỏ ngũ ở lại. Vợ anh ốm đau luôn rất cần anh ở bên để giúp đỡ.

Chuyến đi khởi sự sớm hơn trù liệu. Thuyền được khinh hạm Polard hộ tống qua vùng biển có nhiều hải tặc. Khi đến ngoài khơi Vũng Tàu – Côn Đảo thì Hào tách khỏi hải trình quốc tế cắt một đường thẳng mũi Cát Đen. Sau đó nó hòa nhập vào những ngư thuyền ven biển bơi vào cửa sông Lòng Tàu. Mặc dù lâu lắm mới quay lại đây, nhưng Hào vẫn thông thạo luồng lạch, nhớ từng xóm làng, bến nước, miệt vườn, rừng cây suốt lưu vực. Thuyền đi ban ngày nên cảnh quan đôi bờ gây cho anh cảm xúc mạnh mẽ. Chẳng bao lâu nữa anh đã có mặt ở Sài Gòn, thành phố quê hương, anh sẽ bước vào ngôi nhà quen thuộc của mình ôm chầm lấy vợ con trong nỗi mong chờ tưởng đến héo hon, mòn mỏi.

Theo mệnh lệnh Hào phải bắt liên lạc với người có mật danh Sáu Mốt mặc bộ đồ xanh, mũ trắng có in chữ “Carrier’s 88” màu đỏ, ngồi ở dãy bàn thứ ba cửa hàng Mỹ Cảnh vào các buổi sáng: tám giờ mười lăm phút, chiều: hai giờ ba mươi hoặc tối: bảy giờ bốn lăm phút. Trao đổi mật khẩu xong, người đó sẽ giao hàng.

Hào cho neo thuyền ở gần cầu Rạch ông, phân công thuỷ thủ xem lại máy móc, túi trực tại chỗ. Mình anh vào thành phố bắt liên lạc.

Đi bộ qua cầu chữ Y, Hào thuê xích lô đưa thẳng về nhà mình. Vợ anh nhận ra chồng ngay. Chị mừng vui tíu tít nhưng không dám reo lên sợ hàng xóm biết. Chờ anh vào hẳn trong nhà, khép cửa lại, chị mới dám hoi:

– Trời ơi, lâu quá mới lại được nhìn thấy anh. Anh về được lâu không?

– Các con đâu rồi? Anh chỉ ghé qua ít phút rồi lại phải đi ngay.

– Bọn trẻ đi làm, đi học cả. Các con mong ba suốt. Con Thủy đã có người thương, cứ chờ ba về để tính chuyện cưới.

– Má thay mặt ba cũng được, ba cho phép mà. Chờ anh thì biết đến bao giờ. Tình thế của anh còn kẹt lắm chưa thể gỡ ra.

– Công việc có nguy hiểm lắm không anh? Chỉ thấy anh đi biền biệt. Lúc nào về cũng lén lút như một tội phạm, em lo lắm.

– Anh Ba có lại thăm nhà mình luôn không?

– Dạ có. Anh được phân nhà mới ở quận Năm gần nhà mình hơn nên ngày nghỉ anh cũng hay lại thăm?

– Anh không dám mua quà nhưng có tiền dành cho má con đây. Anh phải đi ngay vì đã hẹn gặp khách hàng – Hào đặt gói đô-la vào tay vợ – Em hôn các con cho anh nhé. Nếu được phép thì đêm nay anh quay lại. Nhưng nếu không thấy thì đừng mong.

– Sao vội thế anh? Chẳng lẽ khách hàng còn qúy hơn vợ con? Hai năm rồi anh mới về mà không cố nán lại gập các con ít phút – Chị òa lên khóc.

Hào ôm lấy vợ hôn hít dỗ dành:

– Anh chưa thể giải thích cho em hiểu nổi. Anh thương vợ thương con lắm chứ, nhưng làm sao cưỡng được số mệnh – Hào nhìn đồng hồ và thì thầm với vợ – Anh chỉ còn đúng mười lăm phút nữa dành cho em. Hãy nín đi và vui lên em!

Đúng tám giờ mười lăm phút, Hào đến cửa hàng Mỹ Cảnh. Bước vào cửa, anh đưa mắt tìm hàng ghế thứ ba phía tay trái. Hào nhận ra chiếc mũ trắng có in chữ “Carrierr’s 88”. Anh rảo bước đến gần, nhìn chính diện kẻ đội mũ thì anh nhận ngay ra Bảy Dĩ.

– Anh Bảy!

Dĩ đưa tay ra bắt và lừ mắt ra hiệu cho Hào ngồi xuống ghế bên và nói nhỏ:

– Quên mật khẩu thì thôi chứ anh Năm gọi thành anh Bay thì bậy bạ quá xá.

– Xin lỗi, tưởng ai xa lạ chứ gặp anh thì kêu tới thôi, thủ tục dài dòng chi cho mệt.

– Anh em mạnh giỏi cả chứ?

– Dạ.

– Thuyền neo ở đâu?

– Gần cầu Rạch ông.

– Tám giờ tối tôi đến quan sát và cho ăn hàng liền. Nửa đêm khởi hành.

– Khẩn cấp vậy anh Bảy? Nhân chuyến qua Sài Gòn, xin phép anh cho tôi thăm nhà chút xíu.

– Không được! Lần này công vụ quan trọng phải làm lẹ. Về nhà thê nhi quyến luyến lỡ bả và xắp nhỏ đòi theo thì hỏng việc. Tôi hứa với anh, chuyến tới sẽ thu xếp để đưa cả nhà đi luôn.

Hào rất buồn nhưng không dám kì kèo nữa. ăn nhậu xong họ chia tay nhau. Dĩ phóng Honđa chuồn trước, Hào gọi xích lô đưa về cầu chứ Y. Nhưng qua đường Phan Văn Trị, Hào nhận ra số nhà mới của Ba Hùng mới dọn đến. Anh quyết định xuống xe vào thăm anh Ba sau nhiều năm không gặp.

Hào bấm chuông. Vợ Hùng ra mở cửa. Thấy Hào, chị vô cùng ngạc nhiên:

– Ủa chú Hào! Trời ơi chú mới về!

– Dạ… Anh Ba có nhà không chị?

– May quá ảnh vừa về bữa qua. Chú vào nhà đi, tôi lên lầu gọi ảnh.

Ba Hùng thấy em về thì mừng quá.

– Chú Tư! Sao biết tôi ở đây mà tìm đến?

– Em về qua nhà má cháu nói anh mới chuyển về nhà mới.

– Vẫn khoẻ chứ em?

– Dạ cũng thường thôi. Em về vội qua nhà được nửa giờ phải đi ngay. Lại thăm anh chị và các cháu chút xíu thôi.

– Má nó xem có cái gì nhậu đem ra đây cho anh em tôi.

– Dạ có đây.

– Khỏi cần chị ơi, em vừa ăn uống ngoài Mỹ Cảnh. Năm phút nữa em đi rồi.

– Sao vội thế? Tôi có việc cho chú đây.

– Em lén vào thăm chứ bọn chủ không cho phép đâu.

– Lên đây ta nói với nhau mấy phút.

Ba Hùng đưa Hào lên lầu mở tủ lấy ra một phong bì:

– Lâu quá không thấy chú về. Hai Bền nhờ chuyển chú cái ảnh này để đưa cho cậu Tám nào đó giao tận tay cho N5 điều tra xem con người này là ai?

Hào nhìn qua và cười:

– Việc gì phải nhờ ai mất thời gian. Hắn là Lê Văn Dĩ phụ tá của Warrens và là sếp của em. Chính Dĩ đã chỉ huy con thuyền vượt biển do em lái Bắt liên lạc được với CIA, Dĩ kéo em vào làm việc cho hắn. Và em cũng đưa y về Việt Nam hồi tháng ba. Hắn vừa nhậu với em ở Mỹ Cảnh và hẹn tám giờ đến cầu Rạch ông kiêm tra thuyền, chín giờ giao hàng để nửa đêm có thể khởi hành. Anh điện ngay cho Hai Bền muốn bắt hắn thì nắm chắc thời biểu trên mà hành động.

Ba Hùng ghi đầy đủ rồi bắt tay em.

– Tin này rất quan trọng, anh sẽ chuyển ngay. Bây giờ anh lấy Honđa đưa chú đi một đoạn.

– Khỏi cần, em gọi xích lô tiện hơn. Em đi nhé, mong ngày gặp lại.

Hào xuống nhà đã thấy bà chị dâu bày thức nhậu ra bàn. Anh cảm ơn và nói:

– Em xin phép chị đi ngay. Chị đừng cho ai hay là em về.

– Có chuyện chi mà vội vàng bí mật vậy chú Tư?

Hùng vỗ vai vợ:

– Để chú Hào đi, anh sẽ giải thích cho em sau.

Bảy giờ Dĩ đã đến gần cầu Rạch Ông, kiểm tra thuyền xong y quyết định cho nhổ neo ngay. Thuyền đi ra hướng biển, sau một giờ thì dừng lại ở một điểm hẹn. Có một con xuồng nhỏ kẹp mạn. Dưới ánh sao, những bóng người đen thẫm chuyển nhiều két nhỏ sang thuyền của Hào. Lúc đó anh mới biết có hai khách tháp tùng hàng là Bảy Dĩ và Vũ Xuân Trinh.

Con thuyền đã ra gặp biển êm, gọn.

Tám giờ hôm sau khách và hàng được khinh hạm Polard chờ sẵn ngoài hải phận quốc tế. Hào và thủy thủ đoàn tạm biệt hai vị khách và những hành lý quý giá của họ để đi về Hải cứ Gam-ma. Cha Trinh và Bảy Dĩ được chở đến căn cứ hải quân Portsat. Một đoàn xe đặc biệt đưa họ về Sở chỉ huy của Viễn Đông vụ ở gần Banville.

Những người từ mặt trận chiến thắng trở về được đón tiếp rất trọng thể, hoan hỉ. Trong bữa tiệc khoản đãi, Warrens đã nâng cốc chúc mừng Lê Văn Dĩ và Vũ Xuân Trinh. Ông Phân vụ trưởng đánh giá cao công việc của họ. Ngay khi chưa ước đoán được giá trị thực của bộ sưu tập, Warrens cũng vẫn coi thành quả của họ là một kỳ tích độc nhất vô song của lịch sử tình báo hiện đại. Ông tuyên bố sẽ trọng thưởng xứng đáng công lao của họ như đã hứa. Tuy nhiên ông cũng cảnh cáo rằng cần phải thận trọng với những tài liệu này trước khi đem vào sử dụng. Trong niên giám tình báo quốc tế đã ghi lại nhiều vụ đánh lừa bằng những tài hếu giả gây cho đối phương những hậu quả khốc liệt.

Cú điện thoại của Ba Hùng gọi cho Hai Bền đã mang lại cho Sở chỉ huy phản gián những thông tin rất quan trọng. Tất cả các trạm kiểm soát đường sông được lệnh “thả lõng” con thuyền máy mang số hiệu NT 195A. Hãy để cho miếng mồi chui sâu vào dạ dày đối phương một cách êm dịu.

Bộ chỉ huy cũng đi đến một nhận định chắc chắn là Bảy Dĩ trở về Việt Nam với vai trò thủ lĩnh như Hoàng Quý Nhân trước đây. Y có nhiệm vụ săn lùng bộ sưu tập và thu phục tổ chức Hồi Phong của Chu Bội Ngọc. Nay có thể hai nhiệm vụ đó đều hoàn tất nên Dĩ được gọi về báo cáo.

Nếu chuyện mua bán với Chu Bội Ngọc đã ngã ngũ thì ta phải có hành động nhanh chóng để xen vào công việc trước khi chúng thay đổi quy tắc chỉ huy và mật mã thông tin liên lạc. Bộ chỉ huy đã quyết định chuyển sang đợt ba của chiến dịch tiến công.

Chu Bội Ngọc được đặc phái viên của Vương đại nhân mời đi dự cuộc họp đặc biệt: Chiếc Volga hẹn đón Chu ở trước cửa Khách sạn Palace. Xe chạy ban ngày không phải bịt mắt hoặc uống thuốc ngủ lôi thôi phiền toái gì. Ông ngồi một mình ở hàng ghế sau trông bệ vệ như một vị bộ trưởng. Khi đến trước toà biệt thự 642-D5/2 đường Điện Biên Phủ thì xe quẹo vào. Cánh cửa sắt nặng nề từ từ mở rộng cho xe chui vào trong chạy thẳng đến tiền sảnh của toà lầu bốn tầng thì dừng lại. Quang cảnh nơi đây thật vắng vẻ, không có gì giống với một công sở. Khuôn viên rộng lớn bao bọc bởi một bức tường cao như cố ngăn cách âm thanh ánh sáng với cuộc sống tấp nập ngoài phố. Vườn cây um tùm, hoa lá xanh tươi, bồn nước có vòi phun, tượng đá. Lối đi trải sỏi nhưng hoang vắng khiến Chu hơi chột dạ.

Người lái xe đưa Chu Bội Ngọc lên lầu một theo một cầu thang rộng có trải thảm. Ông Hai Đức ra đón Chu ở hành lang.

– Chào ông đặc phái viên, tôi có mặt theo lệnh thượng cấp.

– Chào cụ, mời cụ vào trong này ta làm việc.

Vẻ mặt ông Hai lạnh tanh, lời chào khô khốc với cái bắt tay hờ hững. Nơi tiếp đón chẳng phải sa lon mà thực ra là một bureau với đầy đủ các thiết bị văn phòng hiện đại.

– Mời tiên sinh ngồi.

Ông Hai chỉ cho Chu chiếc ghế tựa đối diện.

– Nhà của ngài sang trọng quá!

– Nơi đây nguyên là tư thất của tướng Lâm Quang Thới. Ông ấy vừa đi đoàn tụ với gia đình ở Pháp và gửi lại tòa biệt thự cho chánh quyền. Thành phố giữ hộ, và sử dụng trong thời gian ông ta vắng nhà. Sau ba năm nếu ông ấy quay lại thì bất động sản vẫn thuộc quyền chủ nhân. Còn nếu ông không có ý định hồi hương thì sẽ có giấy báo cho mượn thêm hoặc hiến cho một tổ chức từ thiện nào đó. Khi chưa sử dụng vào mục đích nào, tôi mượn tạm để tiếp riêng những vị khách như cụ.

Chu Bội Ngọc vừa ngạc nhiên vừa thán phục.

– Tôi không ngờ ngài lại có thế lực lớn như vậy đối với chánh quyền đương đại.

– Uy tín đó phải tu luyện gần hết cuộc đời. Tôi đã chiến đấu suốt bốn mươi năm dưới ngọn cờ của họ. Thưa ông Hai, chẳng hay bữa nay có công chuyện chi cần bàn mà thượng cấp cho triệu tôi tới đây?

– Mời ông uống nước rồi tôi thưa chuyện.

Ông Hai bấm chuông, một cô gái bưng khay nước quả đặt lên bàn, cúi đầu chào lễ phép rồi lui ra, khép cửa lại.

Ông Hai Đức bật máy vidéo, cuốn phim tư liệu màu hiện trên màn hình ghi lại một tiệc rượu trong một cung điện sang trọng tràn ngập ánh đèn. Chu Bội Ngọc hoàn toàn không hiểu ẩn ý trong hành động lạ lùng của ông đặc phái viên.

– Thưa ông Hai, ngài đang cho tôi xem phim gì vậy? Không âm nhạc, không đối thoại, cũng chẳng giới thiệu, thuyết minh. Chữ nghĩa phụ đề cũng không có nốt.

– Cứ xem đi, đây không phải là trò giải trí. Tôi muốn tiên sinh nhận giúp một bộ mặt rất quan trọng. Hắn sắp xuất hiện rồi đấy.

Chu chăm chú nhìn lên màn hình…

– Hắn đây rồi – Hai Đức chỉ vào một khuôn mặt bự quay cận cảnh chiếm hết màn ảnh – Cụ nhận ra người này chứ?

– Chu Bội Ngọc sửa lại gọng kính, nheo mắt, lão giật mình nhận ra Bảy Dĩ.

– Chính hắn đấy – Hai Đức nhắc lại – Tên mặt bự đó?

Chu ậm ừ…

– Trông hắn cũng quen quen nhưng tôi không sao nhớ nổi… Mắt tôi bây giờ kém lắm, màn hình lao xao lấp loáng khó nhìn quá.

Ông Hai cho “tua” lại đoạn phim đó nhưng Chu vẫn lắc đầu.

– Chịu? Nhận dạng con người sai một li đi một dặm, oan gia cho người ta có ngày.

– Có lẽ cái ảnh này thì rõ hơn.

Ông mở cặp hồ sơ đưa cho Chu một tấm ảnh cỡ 18 x 24. Chụp đêm, ánh sáng kém lại phóng to nên hình không nét lắm. Tuy nhiên với cái kính lúp soi đi soi lại, Chu thừa sức nhận ra bức chân dung vị đặc sứ của ngài Warrens. Biết không thể lảng tránh được hoàn toàn vì lão đã dại dột rủ Dĩ đến tiếp kiến bà Lưu Li, Chu đành trả lời lưỡng lự:

– Trông quen lắm. Nếu trí nhớ tôi không tồi thì có lẽ hắn tên là Sáu Bình.

– Cụ biết hắn làm nghề gì không?

– Ồ đến với tôi thì toàn là khách buôn bán. Có thể hắn là một thương lái đồ cổ.

– Hắn chẳng phải Sáu Bình, Năm Lọ gì đâu. Tên thực hắn là Lê Văn Dĩ, còn gọi là Bảy Dĩ. Đây là toàn bộ lý lịch của hắn.

Ông Hai đặt đĩa từ vào máy điện toán rồi bấm phím danh mục lưu trữ. Màn hình hiện lên ba cái đầu bằng nhưng đường đơn tuyến đặc trưng của khoa nhận dạng pháp lý hình sự. Nhìn thẳng, nhìn nghiêng và chếch bốn mươi lăm độ.

Sau đó là những thông tin chủ yếu về lai lịch của con người này.

Chu Bội Ngọc sởn tóc gáy khi máy điện toán phô bày toàn bộ quá khứ tội ác của người anh em Xenluyn kết ngãi của lão.

– Bây giờ thì hẳn là cụ nhận ra vị sứ giả của ngài Warrens Phân vụ trưởng Viễn Đông CIA rồi chứ?

– Sứ giả của ngài Warrens? – Chu vờ ngạc nhiên – Nghe ông nói tôi mới biết đấy. Ông biết tường tận thế mà ông còn hỏi tôi.

– Thưa cụ, rất đơn giản. Dĩ được Warrens cử đến gặp cụ bằng chiếc nhẫn tín vật của Hứa Vĩnh Thanh. Ông Hứa phản bội lời thề bắt cá hai tay. Sau khi ký kết chuyển nhượng quyền chỉ huy sang Vương đại nhân và Lee phu nhân, ông ta lại mồi chài nhượng Hồi Phong cho Warrens để thu tiền lần thứ hai. Nhưng Hứa đã không lừa nổi thượng cấp. Tổ chức buộc Hứa muốn toàn vẹn thể xác thì phải uống thuốc độc tự vẫn. Không có con đường nào khác cho bất cứ kẻ phản bội nào. Đó là kỷ luật sắt của chúng ta. Khi Bảy Dĩ đến Hồng Kông thì Hứa đang cơn hấp hối. Việc duy nhất hắn giao lại được cho CIA là chiếc nhẫn tín vật thực. Trước đấy, một chiếc giả Hứa trao cho cô gái lai Mỹ mang vào Việt Nam cùng với một số tài liệu mật để móc nối với cụ. Điều đó chứng tỏ Hứa đã cố tình phản bội Tổ Quốc.

Hai Đức quăng cho Chu nhìn bức mật điện của Vương Phúc Đạt.

– Tổ chức đã theo dõi vấn đề này và biết chắc hắn đã lần vào Việt Nam móc nối với cụ, lôi kéo Hồi Phong đi theo con đường phản bội của Hứa Vĩnh Thanh. Vương đại nhân chỉ thị cho tôi lần theo dấu tích của tên này để có hành động ngăn chặn kịp thời. Cụ xem bức điện sẽ rõ.

– Thưa ông, có thể là chúng toan tính làm việc đó, nhưng nó chưa dám đề đạt thẳng thừng vấn đề ra với tôi.

– Vâng, quả là hắn đang mon men làm quen, vờ buôn đồ cổ… trông hắn có vẻ gian lắm!

Hai Đức cười nhạt:

– Mới làm quen thì không bao giờ hắn vội tung đô la ra với số lượng lớn như vậy. Vương đại nhân muốn cụ thành thật kiểm điểm lại mình xem có bị ma qủy quyến rũ không. Thượng cấp bao giờ cũng đại lượng khoan dung đồi với các đồng chí của mình có khuyết điểm mà biết hối cải. Song, nếu họ cứ ngoan cố giấu giếm thì từ lỗi nhỏ có thể thành tội lớn và dĩ nhiên sự khoan dung độ lượng cũng phải trở thành nghiêm khắc kiên quyết. Tôi mời cụ đến đây để thực thi chỉ thị của Vương đại nhân. Cụ phải ở đây cho đến khi kiểm thảo xong. Trong suốt quá trình tu dưỡng phân tinh, cụ không được phép dùng điện thoại, nhưng có thể viết thư hoặc nói qua băng từ để báo cho gia đình yên tâm là cụ đang mắc việc.

Chu Bội Ngọc bàng hoàng trước một hoàn cảnh chưa từng gặp. Suốt bốn mươi năm hoạt động gián điệp mật vụ, Chu luôn luôn được thượng cấp sủng ái. Lần này rõ ràng là ông ta đã phản bội. Cấp trên chỉ mới biết lơ mơ chứ chưa có chứng cớ nào đủ mạnh đề buộc tội ông. Có thể đây chỉ là đòn gió, một trò bắt nọn. Một phương pháp răn đe tâm lý kiểu cộng sản để giữ vững sức mạnh tổ chức. Tất cả những điều Hai Đức nói chưa đủ sức thuyết phục ông thú tội. Vì vậy Chu chỉ viết vài dòng rồi quăng bút ngồi hút thuốc lá.

Trong căn phòng lớn, vắng vẻ cô tịch như xà lim tử tù tâm hồn Chu nặng trĩu một nỗi buồn. Tuổi đã cao mà vẫn luẩn quẩn trong những tham vọng điên rồ. Tiền tài dư thừa, mục tiêu mù mờ còn lý tưởng thì bát nháo, hỗn loạn… Cái vòng luẩn quẩn cứ quay, con chuột bạch cứ nhảy một cách vô thức. Nếu biết kiềm chế những ham muốn phi lý thì giờ đây ông đã có thể sống an nhàn thanh thản trong một biệt thự sang trọng đầy đồ cổ, tranh tượng quý giá. Không kể những tài khoản ở ngân hàng ngoại quốc, riêng số tiền trong tay cũng đủ cho Chu mua được mọi lạc thú trên đời rồi. Ông cứ ngồi nghĩ miên man về số phận cho tới lúc mệt mỏi gục xuống bàn ngủ thiếp đi…

Hết buổi chiều, một người phục vụ mời ông đến phòng ăn cạnh đấy. Món ăn cũng chẳng thua kém gì ở nhà, nhưng nỗi buồn cứ nghẹn lên cổ không sao nuốt nổi.

Tám giờ tối ông Hai Đức đẩy cửa bước vào. Mặt ông vẫn lạnh tanh.

– Chào ông đặc phái viên – Chu đứng dậy cúi mình vẻ lễ độ.

– Chào tiên sinh. Công việc tiến hành đến đâu rồi?

– Tôi chẳng có gì để viết nhiều.

Chu quăng ra một tờ giấy với những dòng chữ loằng ngoằng to như con gà mái bới ra chưa đầy nửa trang.

Hai Đức liếc qua, cặp lông mày nhíu lại:

– Cụ chẳng thành thật chút nào. Tôi thông cảm tình đồng nghiệp và hiểu rõ công lao to lớn của cụ xây dựng nên Hồi Phong. Khi người ta trao đổi chuyển nhượng chủ quyền cũng chẳng cần hỏi ý kiến cụ coi cụ như một vật phẩm thương mại. Tuy nhiên, kẻ nô lệ bị bán cho ai nó phải có bổn phận trung thành với chủ mới. Bản thân nô lệ không có quyền tự bán mình. Và việc mua bán giữa cụ với Warrnes được coi như một vụ phản bội. Khi thông báo tình hình với cụ, tôi không muốn vạch rõ những chứng cớ ra vì muốn tìm kiếm cho cụ một tư thế tốt hơn. Nhưng bà tỉ phú đỏ Lee Chou Yan đâu có làm ngơ trước chuyện Ngân hàng EN NỜ Y BÊ mở tài khoản mật hai mươi triệu đô-la mang tên cụ mà lại không có những lý do giải thích thỏa đáng.

– Trời ơi, EN NỜ Y BÊ là ngân hàng nào? Làm gì có tên tôi ở đấy, ông Hai ơi! – Mặt Chu tái nhợt, giọng nói đầy xúc động.

– Thưa không có tên Chu Bội Ngọc, nhưng nó mang mật số Bốn Không Bảy Một và người thừa kế pháp lý là Chu Thế Phiệt. Chẳng lẽ một tên cha căng chút kiết nào lại hóa rồ chuyên cho trưởng nam của cụ khoản tiền khổng lồ đó?

Tôi xin nhắc để cụ suy nghĩ lại: toàn bộ số tiền ký quỹ thế chấp của cụ được Hứa Vĩnh Thanh chuyển quyền bảo lưu cho bà Lee Chou Yan quản lý trong các ngân hàng ở Banville, Singapor, Hồng Kông cũng chẳng thua khoản tiền EN NỜ Y BÊ giữ. Nếu cụ phản bội thì thứ nhất tổ chức sẽ cho thi hành câu lưu tài sản. Thứ hai, xét kỷ luật nghiêm khắc hệt như đối với Hứa Vĩnh Thanh.

– Trời ơi, thế này thì oan ức cho tôi vô cùng. Xin ông tâu trình với Vương đại nhân soi xét cho tên gia nhân rất mực trung thành này. Ôi Tổ Quốc vĩ đại sao nỡ hại đứa con suốt đời chiến đấu cho sự hùng mạnh của Người.

– Nếu Bảy Dĩ chịu làm nhân chứng minh oan cho cụ thì tôi hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

– Hắn biết gì mà minh oan cho tôi? Nếu hắn vu cáo thì sao?

– Hắn vu cáo thì ai tin. Ít nhất cũng phải có cuốn băng ghi âm những cuộc mật đàm mua bán của hai người thì Vương đại nhân mới dám hạ bút tuyên án một thủ lĩnh cao cấp như cụ. Điều đáng sợ hơn là chẳng may hắn sa lưới an minh cộng sản.

– Hắn sa lưới thật à? – Chu hoảng hồn.

– Hắn mất tích ba tuần nay. Tôi đang cho lùng kiếm. Nếu cần phải giải cứu cho hắn và những tài liệu hắn mang theo thì mới giúp Vương đại nhân có nhân chứng để quyết định xử lý vụ bê bối này cho công minh chính xác.

Lời nói của Hai Đức gây một tác động tâm lý nặng nề. Tại sao ông ta biết được mật số Bốn Không Bảy Một lẫn Chu Thế Phiệt là người được ủy quyền bảo chứng tài sản? Ông ta lại còn định giải cứu Bảy Di thu tước tài liệu để truy cứu tội phản bội của Chu? Mồ hôi lão toát ra, mặt mũi tái nhợt, chân tay run lẩy bẩy. Tuổi ngoài bảy chục, thần kinh yếu khiến lão không còn chủ động điều khiển được tính cách nữa. Chu Bội Ngọc ngả người ra ghế tựa như một cái bao tải rỗng. Ông già xón nước đái ướt đầm chiếc quần lót, run rẩy.

– Trong hoàn cảnh này, ông đặc phái viên hãy nhân danh đồng nghiệp cho tôi một lời khuyên hữu hảo.

– Nếu quả là cụ vô tội thì hãy yên tâm chờ đợi sự minh oan. Cây ngay chẳng chịu chết đứng. Còn nếu đúng là có tội thì nên lựa đường thoát thân hoặc tìm cách khinh giảm.

– Cái khó không phải ở sự kiên trì mà là… tìm đường lựa cách…

Hai Đức mỉm cười:

– Cụ nói thế thì tôi mới có thể tìm lối giúp cụ. Cuộc vật lộn trên lĩnh vực này không phải dành cho những người tuổi tác. Thần kinh của cụ yếu lắm rồi không đương đầu nổi với những thủ đoạn sắc sảo của Vương đại nhân đâu. Thi hành án lệnh với cụ là điều cực chẳng đã. Vương Phúc Đạt đang cần tình đoàn kết, cần sự ổn định tổ chức. Vì vậy tốt nhất cụ hãy rút chân khỏi cái vòng quay chóng mặt này, vĩnh biệt đấu trường về ở ẩn. Hãy cam phận một danh ca mất giọng, một võ sĩ hết hơi, một cầu thủ gầy gối.

– Nhưng làm sao rút nổi? Trót vì tay đã nhúng chàm. Nghề này cái “nhân quả” nó theo mình đến chết. Trước mắt ông có cách gì lôi tôi ra khỏi vụ bê bối này không?

– Có đấy! Trong khi sự vụ đang điều tra, cụ nên mượn cớ tuổi già mà từ chức sớm, trao lại quyền bính cho người kế vị. Người đó sẽ phải đối phó với mọi hậu quả của quá khứ. Khi cấp trên không còn tín nhiệm thì sự rút lui khỏi vũ đài là thức thời. Đó là ra đi trong danh dự, là cách trốn tội hiệu quả nhất.

– Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện tìm người thừa kế sao cho Vương đại nhân thoả mãn.

– Cụ chẳng cần tìm mà cấp trên đã chọn sẵn rồi.

– Người đó là ai?

– Tào Mạnh Đức?

– Chẳng lẽ Tào Mạnh Đức tái thế để đỡ đòn cho Chu Bội Ngọc này?

– Không có chuyện tái thế nhưng trùng họ trùng tên xưa nay thiếu gì. Có Giáo hoàng Paul Một thì cũng có Paul Hai. Có Dumas pere lại có Dumas fils. Từ Henri Một đến Henri Năm… Ta có thể gọi người kế vị của cụ là Tào Mạnh Đức Hai. Trong nghề chúng ta, tên tuổi luôn luôn lạm phát, bát nháo hỗn loạn… Chu Bội Ngọc là cụ Lỗ Đại Sơn, Tôn Nguyên Bảo đều là cụ, Tê Sáu Bốn Một cũng là cụ nốt.

Bị lôi ra một… tá mật danh, Chu Bội Ngọc hoảng sợ.

– Thôi xin đứng hò tên cúng cơm tôi ra nữa. Ông hãy chỉ mặt cái tên Tào Mạnh Đức đó ra để tôi đàm phán với nó.

– Con người ấy chưa thể xuất đầu lộ diện. Cụ có thể là in đơn từ chức đưa cho tôi. Nếu Vương đại nhân chấp thuận, sẽ có điện báo cho cụ. Lúc đó cụ bàn giao công việc qua tay tôi cũng được.

Chu Bội Ngọc cười nhạt, nhìn Hai Đức với cặp mắt cú mèo.

– Có nghĩa Tào Mạnh Đức chính là ông? Mạnh Đức Hai với Hai Đức là đồng nhất?

– Cái đó chẳng có gì quan trọng mà cụ phải tò mò, miễn sao cụ thoát khỏi vụ scandale tệ hại này.

– Ông hứa là đảm bảo mạng sống và quyền lợi lâu dài cho tôi chứ?

– Dĩ nhiên là phải có điều kiện kèm theo – Hai Đức cười.

– Tôi sẽ truyền ngôi báu cho ông, giao vương quốc của tôi cho ông. Tôi cũng sẽ chuyển nửa tài khoản Bốn Không Bảy Một ở Ngân hàng EN NỜ Y BÊ cho ông nếu ông giữ đúng lời hứa.

Những điều kiện trên là dành cho Tào Mạnh Đức Hai chứ không phải cho tôi. Tuy nhiên Hai Đức này có thể bảo lãnh sự an toàn vững chắc cho cụ sống suốt đời, nếu cụ vẫn sống trên lãnh địa này.

Ngần ngừ mấy phút, Chu ngượng ngùng hỏi thêm:

– Thưa ông Tào Mạnh Đức Hai… Tôi cũng phải bàn giao nốt ông cho Warrens chứ?

– Không, với Warrens thì người kế vị của cụ là bà Dương Thị Lưu li, Warrens chưa tin vào Tào Mạnh Đức Hai và không bao giờ chấp nhận một kẻ vô danh như vậy. Điều đó sẽ bất lợi cho cụ. Vương đại nhân đang muốn thông qua Lưu Li để nhìn vào ruột gan Warrens. Tôi lại là phụ tá của Lưu Li nên không cần kéo bà ta về phía chúng ta mà dễ hỏng việc. Tôi sẽ là sợi dây bán dẫn nối Lưu Li với Tào Mạnh Đức Hai. Cụ nên nhớ ràng Lưu Li là người của Warrnes. Nếu có mối liên hệ bí mật nào đó giữa bà ta và Tào Mạnh Đức Hai thì đó là mối liên hệ khai thác chứ không phải liên hệ hỗ trợ. Cụ hiểu ý Vương đại nhân rồi chứ.

– Dạ tôi hiểu.

Ngày hôm sau Hai đức giúp Chu dự thảo đơn từ chức thống thiết như một “tuyên ngôn thoái vị”. Kèm theo đó là những mật ước quy định quá trình bàn giao, những cam kết đảm bảo an ninh song phương, duy trì quyền lợi cho người rút lui trong danh dự. Hai Đức, nhân danh đặc phái viên của thượng cấp ký kết với Chu Bội Ngọc những văn bản thiết yếu. Tài liệu được thu vào vi phim và bản nháp được đốt hết.

Hai Đức mở tiệc chiêu đãi Chu Bội Ngọc. Họ nâng li chúc mừng nhau đã thành đạt được một mật ước có tính chất quốc tế, ảnh hưởng của nổ liên quan tới an ninh của toàn vùng Đông Nam Á! Mỗi người hiểu lời tâng bốc xã giao đó theo một kiểu riêng nhưng cả hai đều có lý. Trong lúc thân tình, Hai Đức nói với Chu:

– Sau khi hai lá đơn từ chức và những tuyên cáo truyền ngôi của cụ được Vương Phúc Đạt và Warrens chấp nhận, tôi tin là cụ hạnh phúc hơn bây giờ nhiều. Cụ sẽ có thời gian sưu tầm đồ cổ, ngắm những bức tranh vô giá và tắm mình trong mọi cuộc đàm đạo nghệ thuật. Có thể phần đời còn lại của cụ mới thực sự được nhiều người quý trọng.

– Cảm ơn ông nhiều lắm. Thực ra tôi ngán nghề này đã lâu nhưng không tìm ra lối thoát. Giống như người cưỡi hổ, xuống thì chết mà ngồi cũng sợ. Nay thì liều mạng nhảy ra nhưng chưa hết lo. Sống trong chế độ cộng sản quá khứ vẫn là một gánh nặng. Lý lịch ba đời vẫn là khuôn thước để đánh giá hiện tại thì việc từ bỏ vũ khí đâu dễ được họ tha thứ.

– Cụ không nên lo điều đó. Về danh nghĩa bề ngoài tôi có đủ thế lực để chạy chọt ô dù bảo đảm an ninh cho cụ. Chỉ cần cụ đoạn tuyệt với quá khứ.

Trưa hôm đó Hai Đức cho xe đưa Chu về tận nhà.

Đây là cú nốc ao đầu tiên và cũng là trận đấu cuối cùng của Chu Bội Ngọc trên võ đài. Vinh quang lẫn thảm bại đã đi vào quá khứ và Chu hy vọng sẽ chẳng bao giờ phải ăn đòn nữa.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN