Sau Này Của Chúng Ta
Phần 14
Tôi quay đầu về hướng phát ra giọng nói kia, phát hiện ra Phương đang đứng cách mình một đoạn. Tôi không nghĩ cô ấy nhận ra mình nên hơi ngạc nhiên:
– Ơ… chào chị.
– Chắc em ít tuổi hơn chị đấy. Chị có nhận ra em không?
– Hình như lần trước có gặp chị ở phòng giám đốc thì phải.
– Đúng rồi, em là vợ chưa cưới của anh Hoàng. Lần trước đến đó có gặp chị đấy.
– Vâng. Tôi nhớ ra rồi.
Phương mỉm cười nhẹ nhàng, cô ấy là con nhà giàu nhưng có vẻ rất lịch sự nhã nhặn, không hề kênh kiệu hay tỏ vẻ coi thường người khác như mấy cô tiểu thư tôi vẫn hay gặp. Phương cầm chai nước hoa mẫu lên, mở nắp rồi giơ về phía tôi:
– Nước hoa này mùi thơm lắm, em cũng chỉ thích mỗi mùi này. Hình như lô này có mùi nhẹ hơn thì phải, chị ngửi xem.
– Tôi cũng không rõ mùi lắm. Tại thấy cái chai này đẹp nên đứng lại xem thử thôi. Chị cũng đến đây mua đồ à?
– Vâng, em đi xem có gì hay ho không để mua. Mà chị gọi em là em thôi, năm nay em mới hai tư.
Tôi không nhịn được, âm thầm đánh giá cô ấy. Vợ chưa cưới của anh năm nay hai mươi tư, tức là kém tôi bốn tuổi, kém anh bảy tuổi. Ở độ tuổi này là thời gian thanh xuân rực rỡ nhất, một cô gái có gia thế, có tiền, biết cư xử lại có nhan sắc của tuổi trẻ như vậy, đúng là rất tương xứng với anh. Tôi muốn so cũng không so nổi.
Tôi gượng gạo nở ra một nụ cười:
– Ừ, tôi hai mươi tám.
– Chị làm ở công ty mình lâu chưa? Chắc là vào làm trước anh Hoàng nhỉ?
– Ừ, tôi làm hơn hai năm rồi. Sếp Hoàng mới về nhậm chức nên vào sau.
– Vâng. Em thấy anh ấy từ khi về làm giám đốc chi nhánh chỗ chị, ngày nào cũng ở lì ở công ty. Công việc chắc bận lắm hả chị?
– À… dạo gần đây đang có nhiều dự án lớn nên cũng hơi bận…
– Vâng. Thế thì không những sếp mà mọi người cũng phải vất vả rồi.
– Nhân viên như tôi không áp lực như cấp trên đâu. Công việc của giám đốc vẫn nặng hơn.
Dù không hẳn gọi là quen biết nhưng Phương nói chuyện rất tự nhiên, cô ấy hỏi thăm tôi dăm ba câu về công việc, nói về mùi nước hoa kia, sau cùng trước khi ra về còn hẹn tôi có thời gian rỗi thì đi uống café.
Tôi không biết Phương chỉ mời xã giao hay là mời thật, nhưng vì phép lịch sự nên vẫn đồng ý với cô ấy. Lúc chúng tôi đi ra khỏi trung tâm thương mại rồi, Mai mới giật tay áo tôi hỏi:
– Con bé đó là vợ chưa cưới của anh Hoàng thật à?
– Ừ. Sao thế?
– Thế mà mày vẫn có thể đứng nói chuyện bình thường như thế được? Mày không có cảm giác gì à?
Thực ra tôi có cảm giác đấy chứ, cảm giác xấu hổ vì những chuyện tôi làm và cảm giác tự ti trước cô ấy. Nhưng tôi lại không thể nói ra khỏi miệng được, cho nên chỉ bảo:
– Không thì biết sao được hả mày? Em ấy không biết chuyện tao với anh Hoàng mà. Với cả đã qua rồi còn nhắc lại làm gì?
– Làm sao biết được nó không biết chuyện mày với ông Hoàng? Lỡ nó đang thăm dò mày thì sao?
– Không đâu, nhìn em ấy hiền lành thế cơ mà. Nói năng cũng tử tế lịch sự nữa.
Mai bĩu môi lườm tôi:
– Mày chỉ được cái tin người. Nhìn nó từ đầu đến chân mặc toàn đồ hiệu kia kìa, riêng cái túi nó xách đã mấy trăm triệu rồi ấy. Người có tiền thế thì việc gì phải dùng chai nước hoa hơn một triệu đó? Với cả con nhà giàu làm gì có đứa nào hiền lành, toàn cáo cả lũ ấy. Đã giàu thì nó va vấp đời nhiều rồi, không như mấy đứa ngơ ngơ bọn mình đâu.
– Mày chỉ được cái đa nghi thôi, không có chuyện gì đâu, đừng lo.
– Tao nói thật mà mày cứ không tin. Đứa nào chả ghét người yêu cũ của chồng. Nó mà biết mày với ông Hoàng ngày xưa yêu nhau chết đi sống lại thế, còn lâu mới để yên cho mày.
– Ừ, tao biết rồi, thôi kệ đi. Giờ mày muốn đi uống trà sữa không, tao bao.
– Hai cốc.
– Được luôn.
Mai chở tôi đến một quán trà nhỏ ở gần trường ngày xưa, gọi ra hai cốc trà sữa, vừa uống vừa xuýt xoa vì lạnh. Nhớ ngày trước có một lần tôi với Hoàng đến đây thì gặp Mai đang mặt nhăn mày nhó đứng ở quầy tính tiền, nó quên mang ví nên đang loay hoay không biết làm sao, may sao hôm ấy gặp bọn tôi nên được Hoàng trả giúp.
Thấm thoắt cái cũng đã gần sáu năm rồi, người giàu như anh chắc chẳng bao giờ đến một nơi như này nữa, chỉ còn tôi và Mai thôi.
Đang ngồi ngẩn ra thì nó nói:
– Mẹ mày đỡ chưa? Lúc nào mới mổ não?
– Đỡ rồi, chắc sang tuần là mổ thôi. Mấy hôm nay tao đang tích cực mua đồ cho mẹ tao ăn uống tẩm bổ, bác sĩ bảo có sức khỏe thì mới mổ được. Nhưng mà mẹ tao bị giãn hết động mạch rồi, mổ là mổ thế thôi chứ sau này vẫn có khả năng bị tụ máu lại.
– Thế thì cũng nan giải nhỉ, già rồi mà lắm bệnh thế cũng thương. Mà còn mày nữa, ngày nào cũng làm từ sáng đến đêm, vất vả bỏ xừ mà chả để ra được đồng nào.
– Ừ, biết sao được, toàn bệnh của người già mà. Giờ còn mỗi hai mẹ con, vất vả kiểu gì cũng phải cố lo cho mẹ thôi, cái ông bác sĩ điều trị cho mẹ tao chứ động viên, bảo là “còn người là còn của”, tao cũng thấy thế. Chỉ sợ không còn mẹ mà chăm thôi.
– Ừ. Nghe nói bệnh đó thì không chịu được kích động, đúng không?
– Ừ, kích động là tăng huyết áp, đứt mạch máu não. Mạch máu não đang xơ vữa sẵn rồi mà.
– Khổ. Thôi giờ dù sao cũng có nhà cửa ổn định rồi, chờ mẹ mày mổ ổn nữa là xong. Tao thấy năm nay mày có nhà là may mắn nhất rồi đấy, tự nhiên được cái nhà thế là sướng rồi. Hôm bữa con bé Hoa bạn mày đấy, nó cũng bảo “không phải ai làm kế hoạch cũng được đâu”.
– Ừ, may mắn người ta chấm cho được thôi.
– Đấy, thế mới bảo không phải ai cũng được như mày đâu.
Tôi không biết nói sao, cuối cùng chỉ khẽ cười. Hôm ấy hai chúng tôi ngồi trong quán trà sữa đó kể bao nhiêu chuyện trên trời dưới biển, từ chuyện hồi còn sinh viên cho đến khi tôi sang Anh, từ khi tôi trở về cho đến tận bây giờ, thấm thoắt cái cũng đã tám năm rồi. Cả tôi và nó đều đã không còn trẻ nữa, thế mà vẫn chưa đứa nào có nổi một mái ấm, đứa nào cũng vẫn lẻ bóng đi đi về về thế thôi…
Chúng tôi sắp hết thanh xuân rồi…
Sang tuần tiếp theo thì đến lịch mổ não của mẹ tôi, bình thường những lúc như thế chỉ có mình tôi ở bệnh viện với mẹ, việc gì cũng một mình chạy đi chạy lại. Thế mà sáng hôm đó trước khi mẹ vào phẫu thuật, bỗng nhiên anh Lâm lại đến, còn xách theo cả một túi đựng rất nhiều đồ bổ cho mẹ tôi.
Tôi không nghĩ đang trong giờ làm việc mà anh ấy vẫn có thể đến thăm nên có hơi ngạc nhiên:
– Anh không phải đi làm ạ?
– Sáng nay anh được nghỉ mấy tiếng buổi sáng nên đến, mẹ mổ chưa em?
– Chưa ạ. Gần một tiếng nữa mới đến giờ mổ. Sao anh biết phòng bệnh của mẹ em thế?
– Hôm trước anh chở em đến đây, em bảo mẹ em nằm khoa Thần kinh còn gì. Anh định lên đây tìm, nhưng mà mới đi đến đây thì gặp em.
– À vâng.
Thực ra tối qua anh Lâm nhắn tin cho tôi, có hỏi thăm tình hình sức khỏe của mẹ nên tôi cũng thật thà nói ngày mai mẹ tôi mổ, không ngờ anh ấy nhiệt tình đến thăm thế, còn mua quà cho mẹ tôi nữa. Lúc tôi dẫn anh ấy vào phòng, mẹ tôi vừa nhìn thấy thì đã niềm nở cười:
– Cháu là bạn của Như à?
– Vâng, cháu là bạn của Như ạ. Cháu tên Lâm. Bác hôm nay thấy thế nào, có khỏe không?
– Bác khỏe. À ra cháu là Lâm à? Là thầy hướng dẫn của Như nhà bác đúng không? Bác có nghe Như kể về cháu rồi.
– Thế ạ?
– Ừ. Cháu ngồi đi.
Anh Lâm với mẹ tôi ngồi nói chuyện một lúc thì đến giờ mẹ phải vào phòng chuẩn bị mổ. Sau khi mẹ tôi vào trong, anh ấy cũng không về mà vẫn ngồi chờ với tôi ngoài hành lang, thấy tôi lo lắng không yên, anh Lâm đành lên tiếng an ủi:
– Em đừng lo, mẹ không sao đâu. Các bác sĩ ở đây đều giỏi cả mà.
– Vâng, em biết nhưng vẫn cứ sốt ruột ấy anh ạ. Cứ sợ có vấn đề gì thôi.
– Không có vấn đề gì đâu. Phẫu thuật nội soi là phương pháp an toàn cao mà. Giờ còn mấy tiếng nữa thì mẹ mới được ra, em ăn gì không, anh đi mua cho em nhé.
Tôi lắc đầu:
– Không, em không ăn đâu. Anh cứ về làm việc đi, ngồi đây chờ với em đến bao giờ.
– Anh xin nghỉ cả ngày rồi, hôm nay anh ở đây.
– Anh làm thế em ngại đấy, việc của nhà em mà anh phải mất công nghỉ thế thì em ngại lắm. Anh cứ kệ em thôi.
– Kệ là kệ làm sao, em có mỗi một thân một mình lo cho mẹ, đến lúc cần gì lại không có ai chạy đi giúp được. Trước anh đưa bố anh đi viện suốt, thấm cảnh không có người rồi. Bác sĩ bảo khiêng bố từ cáng xuống giường mà chỉ có mỗi mình anh, vác không vác được, bế cũng không bế được, lúc ấy mới thấy chẳng có gì bằng có người ở cạnh.
– Bố anh bị sao mà phải đi viện ạ?
– Bị ung thư, nhưng mất được sáu năm rồi.
– À… em xin lỗi.
– Có gì đâu mà xin lỗi. Sinh lão bệnh tử là quy luật của đời người mà. Em cứ kệ anh ở lại đây đi, tý có việc gì thì anh đỡ cho em. Sau mẹ em khỏe thì mời anh đi uống café một bữa là được.
– Em vẫn còn nợ anh một buổi xem phim đây, hẹn hôm nào đi uống café rồi xem phim luôn cả thể nhé.
– Ừ, ok luôn.
Ngồi chờ mổ suốt bốn tiếng, cuối cùng đến hai giờ chiều thì các bác sĩ mới đi ra. Còn chưa kịp mở miệng ra hỏi thì một bác sĩ có mái tóc gần như đã bạc trắng tươi cười bảo tôi:
– Mổ thành công rồi nhé, chúc mừng gia đình.
– May quá, cháu cảm ơn bác sĩ. Mẹ cháu khỏe chứ ạ? Đã được ra chưa ạ?
– Mẹ cháu đang phải nằm hồi sức tích cực đã, đợi khoảng mười hai tiếng nữa mà không có vấn đề gì thì sẽ được chuyển ra phòng bệnh nhé.
– Vâng ạ, cháu cảm ơn bác, cảm ơn bác.
Vị bác sĩ kia nhìn tôi từ đầu đến chân một lượt, ánh mắt ông ấy rất hiền từ, mà lại như đang âm thầm đánh giá tôi. Bác ấy nhìn một lát, khẽ mỉm cười rồi mới quay người bỏ đi.
Khi đó tôi đang mải lo cho tình hình sức khỏe của mẹ nên không để ý đến vị bác sĩ đó lắm, mãi đến khi mẹ tôi được chuyển sang phòng bệnh khác, chị y tá vào thay bình truyền mới hỏi tôi:
– Thế nhà chị quen với nhà chú phó giám đốc à?
– Dạ? Ai cơ ạ?
– Phó giám đốc bệnh viện ấy. Hôm qua chú ấy là bác sĩ mổ chính cho mẹ chị mà.
– Cái chú mà tóc bạc bạc ấy hả chị?
– Ừ, chú ấy đấy. Thế hóa ra nhà chị không quen à? Hay có nhờ ai giúp không mà đích thân chú ấy xuống mổ?
– Em không, em có nhờ ai đâu. Em chẳng quen ai để nhờ cả. Chú ấy mổ thì sao hả chị?
– Chú ấy lâu rồi không mổ nữa, những ca quá phức tạp thì chú ấy mới xuống thôi. Thế tôi mới tưởng nhà chị quen chú ấy chứ.
– À không… không ạ. Em không quen.
– Thế quái nhỉ?
Lúc này tôi mới nhớ đến khi tôi bỏ phong bì cho kíp mổ, không một ai nhận tiền của tôi, họ chỉ dặn tôi cứ yên tâm chăm sóc cho mẹ, các bác sĩ sẽ cố hết sức để làm phẫu thuật thành công. Sau đó khi mẹ tôi mổ xong rồi, bệnh viện cũng chuyển mẹ tôi từ phòng thường sang phòng VIP, có chế độ chăm sóc đặc biệt, còn có cả một điều dưỡng trực riêng nữa.
Bình thường ở những bệnh viện tuyến đầu người đông như kiến thế này, sẽ không bao giờ có chuyện tốt một cách tự nhiên như thế cả, lúc ấy tôi đã thấy khó hiểu rồi, giờ nghe chị y tá nói đích thân phó giám đốc bệnh viện mổ cho mẹ tôi, tôi lại càng cảm thấy khó hiểu hơn.
Tôi nghĩ mãi, nghĩ mãi, xâu chuỗi lại việc anh Lâm đến đúng hôm mẹ tôi mổ, ngồi ở hành lang chờ cùng tôi, sau khi mẹ tôi làm phẫu thuật xong thì còn chạy đi chạy lại lo việc giúp tôi nữa, cho nên tôi đoán chỉ có anh ấy làm những chuyện này giúp mình thôi.
Mẹ tôi nghe xong cũng bảo:
– Hay là cái anh Lâm kia nhờ giúp mình hả con?
– Con cũng không biết nữa. Con không thấy anh ấy nói gì.
– Người ta giúp chẳng lẽ người ta phải kể ra. Mẹ thấy anh Lâm đấy tốt đấy, lễ phép mà biết điều, nói năng cũng lịch sự tử tế nữa. Đến thăm mẹ mà còn mua bao nhiêu đồ. Họ đàng hoàng đấy con ạ. Cảm ơn họ một câu.
– Vâng.
– Mẹ ưng đấy, hay là mày thử tìm hiểu người ta xem sao.
– Mẹ mới mổ xong, đừng nói nhiều nữa, tranh thủ ngủ đi nhé. Bác sĩ bảo nghỉ ngơi nhiều mới khỏe đấy.
– Cái con này…
Tôi cũng nghĩ anh Lâm đã giúp mình nhiều như thế, không cảm ơn thì cũng thấy áy náy, cho nên tối hôm đó đợi mẹ ngủ rồi, tôi mới lấy điện thoại ra nhắn cho anh ấy một tin:
– Cảm ơn anh nhé.
Rất nhanh, chỉ chưa đầy một phút sau anh Lâm đã nhắn lại:
– Cảm ơn vì cái gì thế bé?
– Vì giúp mẹ con em ấy.
– Có gì đâu mà giúp với đỡ, anh thấy em một mình lo mọi thứ nên thương thôi. Không cần phải khách sáo với anh nhé.
– Nhưng vẫn phải cảm ơn và mời anh đi café mà.
– Ừ ừ, đợi mẹ em khỏe rồi mình đi. Mẹ đỡ chưa em? Ăn uống bình thường được chưa?
– Cũng ổn ổn rồi anh ạ.
– Ừ, chịu khó chăm mẹ nhé, lúc nào có thời gian anh đến thăm.
– Vâng.
Chúng tôi nhắn tin qua lại thêm vài câu nữa, sau đó tôi chủ động dừng trước. Tôi nhìn màn hình điện thoại, thấy không có cuộc gọi nhỡ, ngoài tin nhắn của Mai, Hoa và anh Lâm ra thì cũng không còn ai hỏi thăm tôi nữa.
Thực ra ba người là đủ rồi, nhưng vì trong lòng kỳ vọng có một người nữa nhớ đến tôi, cho nên mới có cảm giác hụt hẫng như vậy.
Tôi không mong anh giúp mình hay cho mình cái gì, chỉ mong anh hỏi han tôi một câu thôi, dù quan hệ giữa chúng tôi chỉ là giao dịch – trả tiền, ngoài việc trên giường ra thì cũng chẳng liên quan gì nhau cả, nhưng không hiểu sao tôi vẫn cứ chờ đợi một câu hỏi han từ anh.
Có lẽ anh chỉ dành sự dịu dàng và quan tâm đó cho Phương, còn một kẻ được bao nuôi như tôi thì chẳng xứng đáng được anh liếc mắt đến nhỉ?
Vì mẹ tôi được nằm phòng bệnh có người chăm sóc cẩn thận nên tôi chỉ nghỉ đúng hai hôm, đến hôm thứ ba thì đi làm bình thường. Dồn việc mấy ngày nên vừa đến công ty là bù đầu bù óc làm việc, ngay cả đến giờ ăn cơm, con bé Hoa gọi tôi năm lần bảy lượt mà tôi không thể nhấc mông dậy đi ăn được, mãi đến hơn một giờ làm xong việc thì mọi người đã ngủ rồi, bụng thì đói meo.
Tôi định đến phòng bếp pha gói mì ăn tạm, thế nhưng vừa mới ra đến đó thì lại gặp anh Toàn đang đứng uống café.
Anh Toàn vừa thấy tôi thì giật mình, sau đó ngay lập tức cười toe toét:
– Như à?
– Vâng. Anh không ngủ trưa hả? Sao giờ này còn ra đây uống café.
– À, tự nhiên thèm café thôi. Em làm gì đấy?
– Em định pha mì ăn. Anh ăn cơm chưa?
– Anh ăn rồi. Nãy anh ăn rồi mà bạn anh không biết, lại mua thêm một suất nữa. Hay là em ăn suất đó hộ anh với.
– Có dư hả anh?
– Ừ. Dư, đổ đi thì phí. Mà anh no rồi, không ăn được nữa. Em ăn đi, ăn mì làm gì.
– Vâng, thế anh cho em đi. Em ăn hộ cho.
– Đây đây. Toàn đồ ngon thôi nhé. Anh để trong hộp giữ nhiệt, vẫn đang còn nóng nguyên.
– May thế, đang đói. Cảm ơn anh nhé.
– Cảm ơn anh làm gì, ăn đi.
Anh Toàn vừa đưa hộp cơm cho tôi, vừa tủm tỉm cười, tôi bảo anh ấy ngồi xuống ăn cùng cho vui mà anh Toàn lắc đầu, dặn tôi ăn hết chỗ ấy rồi cầm cốc café đi thẳng.
Vỗ về cái dạ dày xong, tinh thần tôi lập tức phấn chấn trở lại, quay về bàn làm việc tiếp tục chiến đấu với đống giấy tờ sổ sách. Đến đầu giờ chiều thì tự nhiên thấy shipper đến giao rất nhiều trà sữa cho công ty tôi.
Ban đầu mọi người cứ nghĩ cấp trên thấy nhân viên làm việc vất vả nên mới mua để động viên, thế nhưng lúc mọi người đang hồ hởi chia nhau vị trà này trà kia thì bỗng dưng Phương từ đâu xuất hiện, cười tươi rói:
– Các anh chị dạo này vất vả rồi, em thay mặt sếp Hoàng mời mọi người trà sữa, mọi người cứ uống tự nhiên nhé.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!