Sicily Miền Đất Dữ - Chương 19
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
141


Sicily Miền Đất Dữ


Chương 19


Cuộc gặp gỡ lịch sử diễn ra hai ngày sau đó. Ở thị trấn Montelepre có tin đồn ầm lên là Ông Trùm Croce – dáng điệu co ro cóm róm – đến xin yết kiến Guiliano. Bằng cách nào bí mật ấy bị lọt ra ngoài? Có lẽ do sự bố phòng rất cẩn mật của Guiliano cho cuộc hội kiến này. Không vậy, lỡ có thành phần thứ ba nhúng tay vô phá đám, Ông Trùm sẽ có cớ vin vào đó để đổ riệt cho Turi. Không lãnh đủ, thì tiếng tăm “bất tín”, “chơi bẩn” cũng chẳng thơm tho gì. Gia chủ đón khách kiểu chơi bẩn coi sao tiện. Còn sĩ diện ông thầy Adonis nữa chớ. Bởi vậy, những toán tuần tiễu của Guiliano được đặt ở những vị trí then chốt, rải suốt con đường từ Palermo đến Montelepre. Hung thần Passatempo và đám bộ hạ của hắn được phái đến trấn ngay cửa trại Bellatempo, cô lập đám cớm này, không cho phiêu lưu tuần tiễu ngoài phố. Terranova và đám bộ hạ của hắn kiểm soát con đường từ Castellammarre đến trại Trapani. Thầy cai Sylvestro cùng với năm tay súng thượng thặng thủ ngay trên nóc nhà ông Adonis. Khẩu đại liên hạng nặng được ngụy trang dưới tấm phên mà dân địa phương dùng để phơi cà chua. Một số khác ở lại thủ trại. Bố phòng như vậy là tuyệt vời. Khỏi lo đột kích bất ngờ.

Ngay từ sáng sớm. Phái đoàn của Ông Trùm đã tới trên chiếc Alfa Roméo. Tuy là kiểu xe du lịch, nhưng chiếc Alfa này khá đồ sộ, kềnh càng, máy rất mạnh, vỏ thép dày, có kính chống đạn. Đến và đậu xịch trước cửa nhà ông Adonis. Phái đoàn đi phó hội chỉ có bản thân Ông Trùm và em ruột của lão, cha Benjamino cùng với tài xế và hai vệ sĩ. Để bày tỏ thiện chí hòa hội, tài xế và vệ sĩ đều ở ngoài đường. Chỉ có Ông Trùm và cha Benjamino đi vào nhà.

Ăn vận ngày thường đã bảnh, nhưng hôm nay giáo sư còn diện bảnh hơn. Áo sơ – mi lụa trắng muốt, cà – vạt đỏ sọc đen, bộ com – lê xám nhạt đặt may tại Luân Đôn, giáo sư Adonis đứng ngay ở cửa đón khách. Thật quá trái ngược với chủ nhà, hai ông khách coi bộ ăn mặc lùi xùi hơn ngày thường, nhất là Ông Trùm. Cái quần rộng thùng thình của lão – với sự trợ lực rất tích cực của sợi dây lưng bằng da to bản – đã hết sức cố gắng để ôm lấy cái bụng trống chầu của lão. Nhưng vẫn cứ tụt ra, nếu không được hai sợi dây to bản kéo ngược lên vai. Cái áo vét màu đen, may bằng thứ hàng thô, rộng thùng thình không đóng cúc, hầu che kín cái “thùng nước lèo” của lão. Hai tà áo vét được thả lỏng, xòe ra như cặp cánh, cùng với dáng đi lạch bạch, nom lão không khác một con ngỗng đang chạy. Tà áo vét mở rộng để lộ dây đeo quần và cái áo sơ – mi nhàu nát, không cà vạt. Chân xỏ cẩu thả vào đôi dép dùng để đi trong nhà.

Cha Benjamino thì vẫn bộ đồ truyền thống hàng ngày: cái áo thụng đen tàng tàng, bạc phếch. Chiếc mũ đen dính đầy bụi chụp sát trên đầu nom như một vành khăn. Đến cửa, cha đứng lại, đưa tay làm dấu thánh giá vừa để “trừ quỉ” vừa để chúc lành cho ngôi nhà, miệng lẩm bẩm cái gì đó. Có lẽ là một bài kinh. Sau đó, cùng ông anh bước qua cổng, vào nhà.

Ngôi nhà của ông Hector Adonis là một ngôi nhà đẹp nhất Montelepre. Ông rất lấy làm hãnh diện về ngôi nhà này. Bởi vậy, tuy rất ít khi ông lưu lại đây – vì dạy đại học Palermo nên ông thường ở lại đó – nhưng ông cũng trang trí ngôi nhà một cách thanh lịch, tuyển chọn và giàu tính thẩm mỹ, sang trọng nhưng sành sỏi, chớ không như mấy anh trọc phú, nhà giàu mới phất. Đồ đạc trong nhà đều là của Pháp. Các bức tranh – tuy không phải danh họa – cũng là những bức họa của các họa sĩ có tầm cỡ của Ý. Chén đĩa, ly toàn là đồ sứ, đồ pha lê của Đức, và đặc biệt, người hầu là một mụ tuổi trung niên, đã được học nghề tại nước Anh từ trước chiến tranh. Nghĩa là, người hầu có bằng cấp quốc tế, chứ không phải chị năm, chị bảy, quê từ đầu đến chân, nhảy đại ra làm người hầu.

Trong khi chờ đợi Guiliano, mụ dọn cà – phê cho cả ba người tại phòng khách.

Ông Trùm cảm thấy hết sức an tâm, lão còn thấy “phởn” khi hình dung ra cái tiền đồ huy hoàng. Bởi vì cho đến giờ phút này mọi sự diễn ra đúng như lão dự đoán, xếp đặt và mong muốn. Nếu cứ đưa vào nguyên lý “đầu xuôi, đuôi lọt” thì sự khởi đầu đã là tốt đẹp quá rồi. Chút nữa lão được gặp và tận mắt đánh giá về ngôi sao đang lên này. Tuy vậy, lão cũng hơi giật mình, vì Guiliano thình lình và lặng lẽ xuất hiện ngay ở cửa. Không nghe thấy tiếng bước chân lạo xạo trên sỏi. Chỉ thấy – như thể do một phép mầu nhiệm – Guiliano thình lình hiện ra ở cửa phòng. Vẻ đẹp trai của Guiliano làm cho ngay cả hắn cũng phải xúc động.

Cuộc sống và không khí trong lành trên núi đã làm cho ngực của hắn nở nang và khuôn mặt hắn thon thon, thanh tú. Vẫn khuôn mặt trái xoan, vẫn đôi gò má cạo nhẵn nhụi, vẫn cái cằm hơi nhọn, vẫn đôi mắt lim dim mơ màng như đôi mắt các bức tượng. Kỳ lạ nhất là cái vòng bạc quanh tròng mắt màu nâu vàng như hai hòn bi ve linh động trong hố mắt. Chiếc quần nhung bó sát, áo sơ- mi trắng tinh ủi thẳng tắp như vừa lấy ở tiệm giặt ra. Bên ngoài áo sơ – mi, chiếc ja – két màu đỏ boóc – đô. Bên trong áo, lủng lẳng chỗ thắt lưng một khẩu súng lục. Với khuôn mặt ấy – nom hắn trẻ như một cậu thiếu niên mới lớn, mặc dù lúc ấy hắn đã 24 tuổi – người ta có cảm tưởng khẩu súng lục lủng lẳng ở thắt lưng hắn chỉ là một món đồ chơi.

Ai dám tin một cậu thanh niên như vậy đã dám đánh thức chính phủ trung ương ở Rome? Đã dám vờn tổ chức “Người anh em” – mà người người ở Sicily nếu không khiếp đảm thì cũng e sợ – như mèo vờn chuột. Đã khiến cho những tên ma đầu hung thần ác sát cỡ Stefan Andolini phải tùng phục và trung thành? Đã kềm chế và sai khiến được những đồ tể khát máu và dã thú như Pasatempo? Đã nghênh ngang tung hoành trên một phần hòn đảo đầy rẫy những tay chơi, trong tay chỉ có khẩu lupara mà đã dám coi trời bằng vung? Và, trên hết, đã được toàn thể dân Sicilian – và có lẽ không ít dân lục địa yêu mến, kính nể, khâm phục?

Tuy nhiên, lịch sử Sicily có thiếu gì người hùng như vậy đã vội vã tìm nơi an nghỉ trong nghĩa địa. Bởi vì, lịch sử của Sicily đã là lịch sử của những cuộc bội phản, lừa lọc.

Guiliano đâu có ưa gì Ông Trùm Croce. Nhưng hắn vẫn có cử chỉ khiến lão quái này không thể không hài lòng. Lão cảm thấy nỗi sảng khoái của một người đắc ý và tự hào vì con mắt tinh đời của mình đã tìm thấy cục vàng trong đống than hổ lốn. Lão tự cảm phục mình vì thấy mình quá có lý khi chọn Guiliano làm đồng minh. Guiliano đi vào phòng, tiến thẳng đến chỗ Ông Trùm, đầu hơi cúi xuống và nói: “Xin được hôn tay tôn huynh”. Đó là một kiểu chào truyền thống của dân Sicilian dùng để tỏ lòng tôn kính bậc trưởng thượng hay tôn quí như cha sở, nhà quí tộc. Lời chào trân trọng ấy lại được điểm bằng nụ cười như hoa. Lời chào ấy, nụ cười ấy làm cho Ông Trùm dù không muốn, cũng không thể không hởi lòng hởi dạ. Mặc dù, lão thừa biết tại sao Guiliano lại chào như vậy. Lời chào ấy chẳng phải là cách Guiliano bày tỏ sự thần phục hay lòng tôn kính đối với tuổi tác hay phẩm cách của lão. Mà chỉ có nghĩa lão tự đặt mình vào quyền lực của hắn và tin cậy hắn. Sự tin cậy có nghĩa là lão không thể phủ nhận quyền lực của hắn.

Ông Trùm từ từ đứng dậy, ôm hôn Guiliano không phải như một nghi thức giao tế, mà còn ôm hôn hắn trong cái tâm trạng được vinh hạnh ôm hôn một chàng thanh niên quí phái, can trường mà lão vừa mến mộ, vừa cảm phục. Khi ôm hôn Guiliano Ông Trùm cũng thấy nét mặt giáo sư Adonis rạng rỡ hẳn lên với niềm kiêu hãnh: đứa con đỡ đầu của ông đúng là một con người phong lưu, mã thượng.

Pisciotta bước qua cửa, vào phòng. Nhìn hai người ôm hôn nhau, khuôn mặt thần chết của Pisciotta nở nụ cười mỉm bí hiểm. Thật ra, đâu phải Pisciotta xấu trai. Chẳng những không xấu, mà phải nói, y đẹp trai nữa là khác. Có điều cái vẻ đẹp trai của Pisciotta khác xa, nếu không phải là trái ngược hẳn với vẻ đẹp trai của Guiliano. Bệnh phổi đã khiến cho thân thể y quắt queo. Cử chỉ dường như lờ đờ. Nước da xanh mét như dán chặt vào khuôn mặt nó. Mái tóc màu đậm chải đầu láng bóng. Nom rất chải chuốt đỏm dáng, trong khi sự chải chuốt đỏm dáng của Guiliano lại dường như cố ý cẩu thả một cách nghệ sĩ.

Turi Guiliano cố ý làm Ông Trùm ngạc nhiên bằng lối chào của nó. Nhưng nó lại bị lão làm cho ngạc nhiên bằng cái vẻ thân mật, tự nhiên của lão. Nhìn cái đầu tròn và đồ sộ của cái đầu sư tử của lão, Guiliano tự nhủ: “Phải cảnh giác cao độ đối với “lão già lựu đạn” này. Lão còn hơn rắn độc”. Guiliano cảm thấy phải cảnh giác không những vì cái tiếng tăm nham hiểm, mà vì cái hào quang quyền lực bao quanh con rắn này. Thân xác kềnh càng, sồ sề – có thể nói là thô kệch của lão như thể một lò lửa nóng bỏng. Ấy vậy mà khi cất tiếng nói, giọng của Ông Trùm nghe như có sức mê hoặc của một ban nhạc nổi tiếng tài ba. Giọng nói ấy bắt buộc người ta phải hiểu nó xuất phát từ sự kết hợp của lòng thành thực với sự cởi mở.

– Đã bao năm nay tôi trông chờ một ngày như ngày hôm nay, – lão nói, – Và ngày ấy đã đến. Thật thỏa lòng tôi mong đợi.

– Tôn huynh nói quá, – Guiliano nói, trong lòng đắn đo không hiểu lão mong đợi cái gì nơi mình. – Tôi cũng luôn luôn hy vọng giữa tôi và tôn huynh có và giữ mãi được tình hữu nghị với nhau.

Ông Trùm gật nhè nhẹ cái đầu to và tròn như cái đầu sư tử của lão. Giọng rỉ rả, tỉ tê, và nhất là tỏ ra rất quan tâm lo lắng đến sự an nguy của Guiliano, tỏ ra cảm phục lòng hào hiệp lý tưởng cao đẹp của nó. Thủ thuật “bốc thơm” và “khích” của lão thật cao cường.

– Ai nấy ở Sicily này mà lại không biết và cảm phục lòng quan hoài của anh đối với người nghèo. Những kẻ thiển cận, ấu trĩ mới cho là anh ủng hộ cánh tả. Nhưng tôi, tôi biết anh là người Sicilian tinh ròng, anh tin có Chúa, anh kính yêu đức Thánh Mẫu. Và, ai ở Sicily này lại không biết và cảm phục lòng hiếu thảo của anh với ông bà cụ, nhất là với cụ bà nhà ta? Cứ như vậy thì chắc chắn không khi nào anh chịu để cho bọn cộng sản cai trị nước Ý này. Bởi vì, nếu cộng sản cai trị nước Ý thì Hội Thánh sẽ ra sao, nền tảng truyền thống gia đình kiểu Sicilian sẽ ra sao, anh biết thừa đi rồi. Trong lúc chiến tranh, mấy cái thằng thanh niên Ý và vài thằng nhãi ranh Sicilian tham chiến về, bị tuyên truyền bậy bạ, bị nhiễm ba cái lý thuyết ngoại lai lăng nhăng, ba xằng đế gì đó. Ăn không nên đọi, nói không nên lời, mà cũng bày đặt ăn nói ậm ọe, quàng xiên. Ở đâu, chớ ở cái xứ Sicily nhà mình thì mấy cái “chính trị chính em” vớ vẩn ấy là không có đất đứng. Người Sicilian có đường lối riêng để cải thiện vận mệnh của mình, để cai trị xứ sở mình. Bộ anh nghĩ mấy cái chính thể độc tài nó lại để cho người dân chống đối lại nó à. Sợ chưa há họng nó đã khớp mỏ rồi ấy chớ lị. Nói đâu xa, mấy thằng hồng, thằng đỏ mà nắm được chính quyền thì cái gì, chứ cái chiến dịch để tiễu trừ những người như tôi và anh sẽ là cái chúng nó làm trước nhất. Bởi vì, chúng nó đâu có chịu để ai chia sẻ quyền hành với chúng nó? Mà trên thực tế, người thực sự cai trị đất Sicily là anh em mình đây, chứ đâu phải bọn ở Rome? Nếu cánh tả mà nắm được chính quyền trong cuộc bầu cử tới này, chúng sẽ ới bọn Nga Xô vô đến tận từng thôn xóm, từng nhà để quyết định giùm, xem ai được đi nhà thờ. Và ở trường học thì con em mình chỉ được học ba cái thứ độc địa chẳng hạn như là tổ quốc trên hết, nhà nước có quyền hơn cả cha mẹ. Bởi vậy, không thể có chuyện một người Sicilian chính gốc lại chịu được cái cảnh mình phải nể trọng một thằng cớm hơn ông bố bà mẹ đẻ ra mình. Bởi vậy, bây giờ là lúc mọi người Sicilian có tâm huyết với truyền thống, với đất Sicily phải đoàn kết với nhau bảo vệ gia đình, danh dự của mình trước sự lấn át của thằng nhà nước chứ? Thằng nhà nước nó có nuôi mình được bữa nào không mà đòi có quyền hơn ông bố bà mẹ mình? Dù ông bố bà mẹ mình có là người ngu si, mạt hạng đi chăng nữa, thì cũng vẫn là bố mẹ mình, nghĩa là vẫn hơn thằng nhà nước. Anh đồng ý thế không nào?

Nãy giờ, Pisciotta vẫn đứng tựa lưng ở cửa. Bất thình lình nó xía ngang vô một câu châm chọc, ba bứa:

– Nhưng có lẽ bọn Nga nó sẽ miễn xá cho anh em mình.

Ông Trùm cảm thấy như có một cơn gió lạnh thổi lướt qua trong trí não. Nhưng lão tỏ ra không ngạc nhiên và nhất là không bực tức vì câu nói leo ba bứa, hỗn xược của thằng nhóc, mới một tí tuổi đầu đã bày đặt để ria mép và đỏm dáng như một thằng đĩ đực kia. Lão ngắm nghĩa kỹ thằng đó. Không phải y ngu si đần độn, bạ cái gì nói đại cái đó. Cũng không phải y hỗ xược, xấc láo. Y chỉ muốn người ta chú ý đến? Ông Trùm tự hỏi mình có thể xài thằng này vào việc gì. Như một tia chớp lóe lên trong bộ óc lõi đời và nham hiểm của lão, lão thấy ngay chỗ chết của Guiliano chính là cái thằng đĩ đực này đây. Một tay tin cẩn nhất của Guiliano cũng chính là yếu huyệt của Guiliano. Chỉ cần làm sao điểm đúng yếu huyệt này là xong.

Có thể do bệnh phổi, cũng có thể do tính đa nghi quỉ quyệt, Pisciotta không bao giờ hoàn toàn tin cậy một ai. Và cũng chẳng ai dám hoàn toàn tin tưởng vào y.

Ông Trùm suy đi tính lại những điều đó một lúc thật lâu, rồi lão mới tiếp tục nói:

– Đã khi nào anh thấy một nước khác lại chịu giúp đỡ một cách vô tư xứ Sicily của anh em mình chưa nào? Chưa nhé! Đã khi nào anh thấy một thằng ngoại quốc đối xử công bằng – hãy cứ nói ở mức công bằng thôi, chứ chưa nói đến mức nhân hậu – với bà con Sicilian của anh em mình chưa nào? Chưa nhé!

Và Ông Trùm quay ra phía Pisciotta như thể muốn nói thẳng, nói riêng với y:

– Một thanh niên Sicilian như anh – vừa can trường vừa tinh khôn, mà lại biết trọng danh dự nữa – là hy vọng độc nhất của Sicily. Từ hàng ngàn năm qua, những thanh niên như vậy đều kết nghĩa anh em với nhau mà hình thành tổ chức “Người anh em”, đặng chống lại mọi ách áp bức, và thiết lập sự công bằng cho người Sicilian. Đó là lý tưởng anh và Turi Guiliano đang theo đuổi. Cao cả thay! Hào hùng thay! Nghĩa khí thay! Đảm lược thay! Thì bây giờ – chứ bao giờ – là lúc anh em mình phải nhất tề đứng lên để bảo vệ Sicily, chống lại bọn hồng, bọn đỏ!

Guiliano trơ trơ trước những lời “bốc” và “khích” của Ông Trùm. Hắn lạ gì cái hậu ý của lão. Làm càn làm bậy, cũng lão. Ăn ngang nói ngược, cũng lão. Đi đêm, phản phúc, cũng lão. Đạo đức giả, bịp bợm, thì cũng vẫn cái lưỡi rắn độc ấy. Bởi vậy, không cần úp mở gì ráo, Guiliano nói huỵch toẹt vào mặt Ông Trùm, chẳng nể nang gì nữa:

– Thì lúc nào tụi này chẳng chống lại kẻ thù của Sicily – cụ thể ngay bây giờ là bọn Rome, chứ đâu phải cha căng chú kiết nước ngòai nào – để bảo vệ bà con Sicilian nghèo khổ của mình. Bọn Rome và tất cả những kẻ được phái tới đây để cai trị mình, đè đầu cưỡi cổ mình, không là kẻ thù của mình thì nó là cái gì? Bộ nó là ân nhân của mình chắc? Vậy mà tôn huynh lại bảo mình phải cộng tác với chúng, phải giúp chúng, phải tin cậy chúng. Nghĩa là làm sao?

Lúc này chính là lúc thuận tiện để bắt buộc lợi ích của kẻ thù phải phù hợp với lợi ích của người Sicilian mình, – Ông Trùm đáp lại một cách thận trọng. – Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo sẽ ít nguy hại và ít nguy hiểm cho anh em mình hơn là bọn hồng, bọn đỏ, nếu nó thắng cử. Trong chiến lược, chiến thuật thì bao giờ cũng phải chọn những cái ít nguy hiểm nhất trong số những cái nguy hiểm – mà vẫn được việc – thì mới là người khôn ngoan. Trong cuộc đời vốn dĩ ô trọc này, thì mình cũng phải tùy nơi tùy thời mà chọn lấy cái ít bẩn nhất trong số những cái bẩn – để mà sống còn – thì mới thoải mái sung sướng. Mục đích của anh em mình là gì nếu chẳng phải như vậy? Và nếu như thế thì còn gì đơn giản hơn?

Lão ngưng một chút, trầm ngâm nói tiếp:

– Chẳng đời nào bọn cánh tả lại chịu miễn xá cho các anh. Cứ tin thế đi. Đối với chúng, anh hùng kiểu Lương Sơn Bạc cũng chẳng hơn gì bọn lục lâm, thảo khấu, có khi còn tệ hơn, nguy hiểm hơn. Vì bọn này có cái vở cứu nhân độ thế, lừa bịp được nhiều người. Mà lừa bịp và thù dai thì bọn hồng, bọn đỏ là bậc thầy. Đời nào chúng hiểu – và chúng cũng không muốn hiểu – cái nề nếp, truyền thống Sicilian của anh em mình, ừ thì người cày có ruộng. Nhưng, người cày có thực sự giữ được ruộng của mình không? Hay lại là vào hợp tác xã? Anh cứ thử tưởng tượng, nông dân Sicilian nhà mình mà lại hợp tác với nhau được à. Chỉ nội có mỗi cái chuyện cỏn con là nên mặc áo trắng hay áo xanh cho tượng của Đức Nữ Đồng Trinh Mary trong lúc rước kiệu, mà họ còn cãi nhau như mổ bò, thì làm sao hợp tác nông nghiệp với nhau cho được. Làm gì mà bọn hồng, bọn đỏ không biết điều đó. Nó biết quá ấy chứ. Nhưng, nó vẫn cứ ra rả tuyên truyền. Bịp, đại bịp. Nói cho đúng, mẹ kiếp, đang không có một tấc đất cắm dùi mà bây giờ có thằng bảo sẽ cho năm ba công ruộng, lại chẳng mất cái gì khác ngoài lá phiếu, thì thằng nghèo nào lại không ham? Không rần rần hoan hô? Và cứ thế, chúng cưỡi lên đầu lên cổ, nhong nhong lên nắm chính quyền. Sau đó, quay lại siết họng cho le lưỡi cả đám. Lúc đó, có quỳ mọp, lạy lục, khóc lóc đến tóe máu mắt ra, nó cũng có thương. Khi biết khôn thì… đã lủng.

Lão nói ra những điều đó với một giọng mỉa mai, khinh miệt của một người đã ê hề kinh nghiệm trong chuyện hợp tác. Và lão muốn cho người nghe hiểu là lão cường điệu thật đấy. Nhưng là sự cường điệu không quá xa sự thật.

Guiliano lắng nghe và mỉm cười. Hắn biết, không sớm thì muộn, thế nào cũng phải “hóa kiếp” thằng “già lựu đạn” này. Nhưng cái vẻ dễ nể toát ra từ sự hiện diện của lão, cái uy ngầm từ cái bản lĩnh cá nhân của lão đã khiến cho Guiliano phần nào do dự trong ý nghĩ một cái gì đó ngược với ông bố đẻ ra hắn. Hắn phải quyết định. Và đó là quyết định quan trọng nhất hắn phải có, kể từ ngày hắn sống ngoài vòng pháp luật.

– Tôi đồng ý với tôn huynh về vấn đề phe tả: bọn đó không hợp với khẩu vị của người Sicilian mình.

Nói xong câu đó, hắn vừa tiếc vừa hy vọng. Và hồi hộp như vừa lật cây bài tẩy trong canh xì phé quyết định sản nghiệp và vận mạng của mình. Hắn cảm thấy đây là lúc phải khiến cho Ông Trùm chiều theo ý của hắn.

– Nhưng, nếu tôi làm cho bọn Rome cái công việc bẩn thỉu ấy, thì tất nhiên phải có đi có lại chứ? Vậy, bọn Rome sẽ đáp ứng tụi tôi như thế nào?

Chúng tôi sẽ chẳng hẹp hòi gì với anh. Trước hết, để khóa mõm mấy thằng báo chí và mấy thằng đối lập, thì những cuộc điều động quân đội và cảnh vệ vẫn có. Những cuộc hành quân tảo thanh, vẫn có. Nhưng chỉ có ông Trời là đau. Vì đạn bắn chỉ thiên cả. Đồng thời, Andonlini sẽ báo trước cho anh biết mọi cuộc hành quân, để anh kịp thời lỉnh đi chỗ khác chơi. Chúng nó sẽ không làm ráo riết để bứng các anh khỏi dãy núi ấy. Và cũng chẳng tìm mọi cách để ngăn chặn công việc làm ăn của anh. Nhưng tôi biết, bấy nhiêu đó là không đủ và không đáng với công của các anh. Bởi vậy, cho phép tôi cái hân hạnh được giúp các anh đem lại niềm vui cho các cụ nhà ta, nhất là cụ bà. Trước mặt ông bố của anh đây, trước mặt anh bạn chí thiết của anh đây, tôi long trọng hứa: dù có phải bay lên trời hay chui xuống địa ngục để giành cho bằng được sự miễn xá cho anh – và tất nhiên luôn cả tay chân bộ hạ của anh – tôi cũng không quản ngại, làm hết mình.

Guiliano quyết định rồi. Nhưng, hắn muốn “đóng đinh” lời hứa của cái “lưỡi rắn” ấy, để sau này nó khỏi ăn ngang nói ngược.

– Tôi đồng ý gần hết những gì tôn huynh nói. Tôi yêu đất Sicily, yêu người dân Sicilian. Và, dù chỉ là một thằng ăn cướp, tôi vẫn tin vào công lý. Tôi sẵn sàng làm tất cả những gì giúp tôi quay trở lại đời sống bình thường với ông bà già tôi. Nhưng tôn huynh làm thế nào để đảm bảo được là Rome sẽ không hứa cuội. Mấu chốt là ở chỗ đó, điều mà tôn huynh yêu cầu tôi làm – xin lỗi – vừa bẩn lại vừa nguy hiểm. Bởi vậy phải có sự trả công xứng đáng.

Ông Trùm trầm ngâm suy tính. Rồi, chậm rãi, đắn đo, lão nói:

– Anh cẩn thận như thế là phải. Nhưng anh đã có kế hoạch hành quân mà tôi nhờ ông giáo đâu đưa anh coi. Anh cứ giữ lấy. Coi như bằng chứng là ngài bộ trưởng Bộ tư pháp đã có liên hệ với anh. Tôi sẽ cố gắng cung cấp thêm cho anh những tài liệu khác nữa. Vừa dễ dùng, vừa dễ bắt chẹt Rome. Nếu Rome trổ mòi lật lọng thì chỉ cần hé chút xíu cho công luận thấy là đủ để cả lò đảng Dân chủ Thiên chúa giáo thắng cử, tôi đảm bảo sự miễn xá cho anh. Ngài bộ trưởng Trezza rất nể trọng tôi, không khi nào dám nuốt lời hứa với tôi. Bằng chứng đầu tiên để anh thấy ảnh hưởng của tôi đối với Rome là qua Andolini, anh sẽ có đủ mọi tin tức cần thiết, để vô hiệu hóa các cuộc hành quân của cảnh vệ.

Ông Adonis phấn khởi và mãn nguyện ra mặt. Cứ hình dung nét mặt rạng rỡ, sung sướng của bà Maria Lombardo, khi con trai khỏi trốn chui trốn nhủi nữa, thì làm bất cứ cái gì xét ra cũng đúng cả. Adonis cũng biết chẳng qua hoàn cảnh đưa đẩy, chớ bản chất thằng Turi là tốt, đâu phải nó có căn cốt dao búa. Ông cũng nghĩ rằng sự liên minh giữa Guiliano và Ông Trùm Croce chỉ là bước đầu trong quá trình của một tình hữu nghị bền chặt giữa đôi bên.

Sự kiện Ông Trùm đảm bảo sự miễn xá làm cho ngay cả thằng dịch vật Pisciotta cũng phát ham. Nhưng, Guiliano đâu có ngu gì mà không thấy cái bẫy có thể có trong đề nghị và cam kết của ông Trùm. Hắn nghĩ: biết đâu thằng già dịch này thuổng được bản kế hoạch rồi “bốc” vung vít, hứa cuội. Mai mốt, thằng cha bộ trưởng cứ cứ xua quân uýnh túi bụi. Có chìa bản kế hoạch này ra, nó sẽ tỉnh bơ nói: “Ai biết Croce là thằng cha căng chú kiết nào, ai hứa hẹn gì, hồi nào, bản kế hoạch đó bị đánh cắp…” Thế là nó cho mình vuốt đuôi luôn. Vỡ nợ là cái chắc, bởi vậy, phải gặp trực tiếp thằng cha bộ trưởng, cho chắc ăn.

– Tôn huynh lúc nào cũng tốt bụng. Tôi biết. Cũng do tốt bụng mà tôn huynh hứa, đảm bảo với tôi này nọ. Tôi không dám phủ nhận lòng tốt của tôn huynh. Dân Sicilian đặt cho tôn huynh cái biệt hiệu “ông Địa”, tôi thấy quá đúng đi. Nhưng tôn huynh cũng thừa biết bọn Rome nổi tiếng là lường gạt, lừa lọc, bịp bợm, tráo trở, lật lọng, xảo quyệt, xạo. Miệng lưỡi bọn chính khách còn tệ hơn cái trôn con đĩ. Nói láo, hứa cuội là cái nghề của bọn nó mà. Bằng chứng là mỗi ngài chính khách chỉ cần thực hiện mười phần trăm lời hứa lúc tranh cử, thì đất nước này đã trở thành chốn bồng lai từ lâu rồi. Nếu lời hứa chỉ ràng buộc giữa tôi và tôn huynh thì còn nói gì. Đằng này, nó lại liên can đến bọn Rome. Bởi vậy, tôi muốn, tôi – hoặc ít ra một người mà tôi tin cậy được nghe thấy chính miệng ngài bộ trưởng hứa, và nhận được một tài liệu nào đó mà chính tay ngài bộ trưởng đưa.

Ông Trùm sững sờ. Thế là hắn chẳng coi lão ra cái đếch gì. Vậy mà, nãy giờ ngồi nói chuyện, lão thấy khoái thằng nhỏ này quá rồi, lão mường tượng sẽ làm gì nếu thằng nhỏ này là con trai lão. Ôi, hai cha con này mà cai trị Sicily, thì phải biết. Hết sảy. Lúc hắn cúi đầu chào “xin được hôn tay tôn huynh” sao mà dễ thương đến thế. Trong đời, chẳng mấy khi Ông Trùm tỏ ra dễ thương như hôm nay. Nhưng bây giờ, lão ngớ người ra. Hắn xổ toẹt cả lời hứa lẫn sự đảm bảo của lão. Vậy mà lão cứ tưởng mình ngon. Vậy mà vội hí hửng mừng thầm. Dè đâu, lão bị cho leo cây. Thế bao nhiêu cảm tình tốt đẹp nãy giờ lão dành cho hắn bèn tan biến cái rụp. Đau! Chẳng cần nhìn vào mặt hắn, lão cũng thấy hắn đang lim dim nhìn lão, chờ đợi những bằng chứng cụ thể hơn, những bảo đảm chắc hơn. Có nghĩa là lời hứa, đảm bảo của lão chẳng có sức nặng nào hết.

Ai nấy trong phòng nín thinh. Ông Trùm đắn đo xem phải ăn nói làm sao đây. Ông Adonis có vẻ thất vọng vì sự bướng bỉnh của Guiliano và sợ Ông Trùm phản ứng bất lợi. Khuôn mặt phúng phính, trắng bóc của cha Benjamino thộn ra. Cuối cùng, Ông Trùm lên tiếng trấn an ông giáo sư. Lão nói toẹt ra, cứ như đọc được những gì Guiliano đang nghĩ trong đầu:

– Có lẽ vì quá quan tâm mong muốn anh nhận lời, nên tôi đã nói một cách nồng nhiệt, khiến anh thấy tôi có vẻ nói quá khả năng và sự thật chăng. Nhưng, để giúp anh dễ quyết định, tôi xin vắn tắt, rõ ràng như thế này: sẽ không bao giờ có chuyện ngài bộ trưởng tự tay trao cho anh một tài liệu gì. Quá nguy hiểm đã đành, mà còn vấn đề “noblesse oblige”(1), nhưng ngài sẽ nói đúng lời hứa như tôi đã nói với anh. Tôi sẽ xoay xở cho anh một cái thư của hoàng thân Ollorto – một nhân vật uy tín và đầy quyền thế của đám quý tộc – một người rất quan tâm đến lợi ích của anh. Và có lẽ còn hơn thế nữa. Tôi có một người bạn mà chắc chắn anh rất tin cậy. Đó là Hội Thánh, và Hội Thánh đảm bảo sự miễn xá cho anh. Tôi sẽ trình Hồng y giáo chủ Palermo vấn đề này. Chắc chắn ngài thuận lời ngay thôi. Sau khi anh diện kiến ngài bộ trưởng, tôi sẽ thu xếp để anh được Hồng y giáo chủ tiếp kiến. Ngài sẽ trực tiếp hứa với anh. Tóm lại, và phía thế lực chính trị thì có ngài hoàng thân. Về phía chính quyền thì có ngài bộ trưởng Bộ tư pháp. Về phía Hội Thánh thì có ngài Hồng y – biết đâu chẳng có ngày ngài lên ngôi Giáo Hoàng? – Và của chính tôi nữa. Như thế, còn chắc hơn đinh đóng cột. Chẳng còn sai chạy đi đâu được nữa.

Thật khó mà tả được cái cách Ông Trùm nói ra câu “và của chính tôi nữa”. Cái giọng ồm ồm của lão được cố kìm lại cho có vẻ khiêm nhường. Ra cái điều không dám ghép mình đứng ngang các vị kia. Nhưng chỉ có ai ngu mới không thấy Ông Trùm nhấn mạnh tầm quan trọng của mình. Đại khái cũng kiểu kín kín hở hở của mấy em chiêu đãi trong quán rượu. Nhưng, Guiliano cười thành tiếng:

– Tôi đâu có thể nào đi đến Rome được?

Ông Trùm rủa thầm trong bụng: “Chà, thằng này đểu và xấc đến thế là cùng. Bộ mày đòi các vị này đến tận cái xó kẹt này để năn nỉ mày chắc? Con ơi, già néo đứt dây đó, nghe con. Đ.m., mày sẽ phải trả giá nặng cho cái tội xấc này đó”. Còn tài tình hơn một cầu thủ thượng thặng lừa và cướp được trái banh của một danh tài cũng thượng thặng khác, Ông Trùm đã khôn khéo đưa Guiliano vào bẫy mà nó đâu có hay.

– Vậy thì anh hãy phái một người tin cẩn nhất của anh đại diện cho anh. Đích thân tôi sẽ đưa người ấy đến diện kiến các vị vừa nói.

Guiliano đăm đăm nhìn Ông Trùm. Một dấu hiệu báo động nảy trong óc Guiliano “Quái nhỉ, sao thằng cha già lựu đạn” này lại tha thiết giúp đỡ mình đến thế này nhỉ. Chắc chắn là thằng cha dư biết – cho dù có một ngàn bộ trưởng và hồng y bảo đảm cũng vậy – chắc chắn mình không thể đi Rome. (Ai ngu gì mà liều mạng ẩu vậy?). Vậy ai là người thằng già dịch này mong làm đại diện cho mình?”

– Không có ai được tôi tin cậy hơn ngài phó tướng của tôi đây. Tôn huynh hãy đưa Aspanu Pisciotta đi Palermo và đi Rome. Y cũng thích ngao du những kinh thành lớn. Và không chừng y còn được ngài Hồng y ban phép bí tích giải tội cho. Được chính ngài Hồng y giải tội cho, thì tội gì mà chẳng được miễn xá.

Guiliano cười đắc ý về câu nói dí dỏm hai nghĩa của mình. Nhưng cái hắn đắc ý chính là ở chỗ hắn tưởng là làm cho Ông Trùm hẫng giò. Hắn đinh ninh là Ông Trùm mong hắn chọn giáo sư Adonis làm đại diện cho hắn. Không dè hắn lại chọn Aspanu.

Ông Trùm ngả người ra lưng ghế, tay chìa ly cho ông Adonis rót thêm ly cà – phê. Lão làm như đó là cử chỉ kín đáo bày tỏ nỗi ngạc nhiên và thất vọng. Nhưng, không dè đó lại là một thủ thuật Ông Trùm thường dùng để che đậy sự mãn ý và thắng lợi bất ngờ và cả sự mong muốn của lão. Tuy nhiên, lão che được mắt ai, chứ làm sao che được mắt Guiliano. Bậc thầy về du kích chiến, lại được thêm cái trực giác bén nhạy “đọc” được ý nghĩ trong đầu óc người khác làm gì mà Guiliano chẳng nhìn ra sự đắc chí đó. Nhưng Guiliano cho rằng lão mãn ý, đắc chí vì đã đạt được mục tiêu mà chính hắn cho là không quan trọng. Tuy nhiên, hắn đâu có ngờ được cái mục tiêu quan trọng nhất mà lão nhằm là được một mình cặp kè với Pisciotta, cái yếu huyệt của Guiliano.

Hai ngày sau, Aspanu Pisciotta theo Ông Trùm đi Rome và Palermo. Pisciotta đã được lão già trọng vọng còn hơn ông hoàng. Thật ra, cái nét mặt của Pisciotta cũng hao hao nét mặt của Cabsare Borgia, con trai của Giáo hoàng Alexandre VI, một bậc cao thủ về âm mưu quỉ quyệt, lật lọng và tàn bạo. Cái mặt lưỡi cày, hàng ria con kiến, nước da vàng ệch, mét mét như nước da dân châu Á. Đôi mắt, vừa xấc vừa dữ tợn, vừa quyến rũ lại vừa đa nghi, lúc nào cũng láo liên như mắt thằng ăn cắp.

Tại Palermo, họ ngủ trong khách sạn Umberto do Ông Trùm làm chủ. Đó là dinh lũy thì có, chứ khách sạn gì mà kỳ cục vậy. Bồi bếp thằng nào cũng vũ trang đến tận răng. Từ ngoài vườn cho đến tận cầu thang chỗ nào cũng có vệ sĩ võ trang, canh phòng cẩn mật, đến con kiến chui vào cũng không lọt.

Nắm vững ưu, nhược điểm của Pisciotta: ham ăn, khoái diện và cái khoản kia. Dễ quá. Ăn thì cứ nhà hàng hách nhất Palermo. Còn cái khoản kia muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Chỉ sợ không đủ sức. Toàn thứ gà “đờ luých”, muốn “gin” có “gin”, không thèm sài đồ giả. Tha hồ. Chọi bằng thích. Mặc thì khỏi chê. Bề gì cũng là một “phó tướng” đi phó hội với ngài bộ trưởng, chớ đâu phải thằng cướp đường đi gặp đồng đảng mà ăn mặc nhếch nhác.

Tại Palermo, đích thân Ông Trùm dẫn Pisciotta đến yết kiến Hồng y giáo chủ.

Cũng lạ. Khi bước vào đại sảnh của tòa Hồng y giáo chủ, dù là nhân vật nào đi nữa cũng cảm thấy e dè, khép nép. Chứ sao? Nơi đây, gần như chốn thiên nhiên. Vì nó là hiện thân vật chất siêu nhiên. Chớ đâu phải cái quán nhậu mà đòi nghênh ngang, ăn tục nói phét quậy phá tầm bậy? Nhưng, với Pisciotta thì khỏi. Vẫn cứ coi trời bằng vung. Chẳng thấy ngợp, chẳng e dè, dù chỉ là một thằng nhóc mới lớn, ở một thị trấn khỉ ho cò gáy tít tắp trong cái thung lũng hẻm núi nào đó. Bản thân, từ lâu, y cũng chẳng biết Chúa, biết Mẹ là cái quái gì, mặc dù lúc lọt lòng y cũng được bà mẹ y ẵm đến nhà thời chịu phép Bap – têm đàng hoàng. Thậm chí, lúc chín mười tuổi, y còn là chú bé tiểu lễ sinh trả lễ nữa cơ đấy. Vậy mà, bước vào tòa Hồng y giáo chủ, y cứ nhơn nhơn. Khi Đức Hồng y xuất hiện, Ông Trùm cung kính quỳ gối hôn nhẫn của ngài, thì thằng dịch vật này cứ đứng kiêu hãnh và trân trân nhìn thẳng vào mặt ông hoàng của giáo hội(2).

Đức Hồng y giáo chủ vóc dáng cao lớn. Đầu đội mũ thóp đỏ. Áo thụng và áo phủ vai đỏ tía. Mặt hơi rỗ huê. Cử chỉ không bệ vệ mà còn có phần hơi chậm chạp, nặng nề. Có lẽ, để tăng cường uy tín của mình – “ngài Bộ trưởng, ngài hoàng thân, đức ngài Hồng y và… chính tôi” oai chưa? – Ông Trùm đã “bốc phét” là vị Hồng y này có nhiều cơ may vồ được cái ngai Giáo Hoàng. Nhưng, cứ bộ dạng của ngài thì còn khuya mới ngấp nghé ngôi Giáo hoàng. Tuy nhiên, nói ngài là một tay mưu mô sâu hiểm thì đúng quá. Dân Sicilian chính gốc, mà lại thuộc loại tinh ròng, thượng hảo hạng Sicilian, chứ bộ Sicilian thứ quê thứ ruộng à?

Sau nghi thức thường lệ, để tỏ lòng chiếu cố, Hồng y giáo chủ bèn giở ngay thổ ngữ Sicilian với giọng đặc sệt thổ âm để quay ra hỏi Pisciotta về phần hồn của y hiện nay ra sao. Ngài cũng nhắc nhở y rằng, trên thế gian này, dù có phạm đến tội gì đi chăng nữa, thì Chúa lòng lành và lân tuất vô cùng cũng vẫn xí xóa cho hết, nếu biết sống như một tín đồ thuần thành. Có lẽ là do không có nhiều thì giờ – chứ chẳng phải ngài tiếc công – nên ngài đã không giải thích cho nó thế nào là một tín đồ thuần thành, theo ngài. Bởi vậy, sau khi nhân danh chúa cả trên trời để đảm bảo phần miễn xá thiêng liêng cho nó. Đức Hồng y bèn trở lại cõi tục, đề cập đến hiểm họa sinh tử mà Hội Thánh đang phải đương đầu ở Sicily. Thì vẫn cái đĩa hát cũ. Có điều do chính đức ngài Hồng y phát thanh, cho nên nó không rè rè như Ông Trùm: “Sự gì sẽ xảy ra – nếu trong cuộc bầu cử sắp tới bọn xã hội và bọn cộng sản lên nắm chính quyền – thì chẳng cần phải nói thì ai cũng biết. Nhà thờ chánh tào, nếu không bị biến thành rạp hát hay viện bảo tàng thì cũng thành một nhà máy chế tạo vũ khí. Tượng Chúa Jesus, tượng đức Thánh Nữ Đồng Trinh, tượng các chư thánh sẽ bị đập phá, rồi quăng xuống biển. Các giáo sĩ bị tàn sát. Các nữ tu bị hãm hiếp…”

Nghe vậy, thằng khốn Pisciotta chẳng những không làm bộ lo toan thì chớ, nó lại còn cười tủm. Nó nghĩ trong bụng: “Chẳng đời thuở nào, một thằng Sicilian thứ thiệt – kể cả khi nó trở thành cộng sản – lại nghĩ đến chuyện đi hãm hiếp mấy con quạ cái đó”.

Làm gì mà đức ngài Hồng y chẳng thấy nụ cười tủm xỏ lá của thằng khốn đó. Nhưng, vốn rộng lượng, đức ngài tảng lờ một cách rất kẻ cả. Ngài phán tiếp, đại khái: nếu Guiliano dẹp được cái vụ tuyên truyền của cộng sản trong cuộc bầu cử sắp tới, thì chính vào ngày lễ Phục Sinh, đích thân ngài sẽ lên tòa giảng tại nhà thờ chánh tòa Palermo để ca ngợi đức hạnh và công lao của Guiliano, và đòi nhà cầm quyền ở Rome phải miễn xá cho nó. Và khi có dịp gặp ngài bộ trưởng Bộ tư pháp, đích thân Hồng y sẽ can thiệp để xúc tiến sự miễn xá đó.

Phán bấy nhiêu xong, đức ngài ra dấu chấm dứt buổi yết kiến. Ngài ban phép lành cho Pisciotta. Trước khi ra về, Pisciotta đã xin ngài Hồng y ban cho nó ít chữ làm bằng, để nó về trình lại cho Guiliano, cái bằng chứng là nó đã thực sự được yết kiến đức ngài. Đức Hồng y “ô – kê” liền và hí hoáy viết. Ông Trùm đớ người ra vì sự khờ khạo của ông này. Nhưng, lão không can ngăn.

Cuộc gặp gỡ của Pisciotta với ngài bộ trưởng Bộ tư pháp còn đặc sắc và độc đáo hơn nữa. Tất nhiên, ngài bộ trưởng đâu có thuyết giáo như vị Hồng y. Trái lại, còn xử sự “một cách rất là phương diện quốc gia”. Chứ sao? Bề gì đi nữa thì cũng đường đường là một đấng bộ trưởng, lương đống triều đình? Còn sứ giả trước sau gì cũng chỉ là thằng lục lâm.

Bởi vậy, mở màn, ngài bộ trưởng uýnh phủ đầu y một phát bằng cách đem lực lượng ra hù y. Sau đó, vẫn cứ vở cũ soạn lại, vẫn cứ đĩa hát “ò è”. Nếu kỳ này đảng Dân chủ Thiên chúa giáo bị thất cả, bọn cộng sản lên nắm chính quyền, chúng sẽ không nương tay cho bọn ăn cướp ở Sicily: tụi bay hết đường mần ăn. Đúng là sau này, dù khi đã thắng cử, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo vẫn đưa cảnh vệ đến mở các chiến dịch càn quét. Nhưng chỉ lấy lệ để báo chí và cánh tả khỏi la ó nhặng xị lên thôi.

Pisciotta ngắt ngang:

– Xin ngài bộ trưởng cho biết có phải là ngay cả trường hợp đảng của ngài thắng cử thì cũng vẫn không thể nào miễn xá cho Guiliano được sao?

– Khó đấy! Nhưng không phải là không có thể. Nếu Guiliano giúp chúng tôi thắng cuộc bầu cử này. Nếu anh ta chịu ở yên một thời gian, đừng có những cuộc bắt cóc hoặc cướp bóc ồn ào quá. Nếu anh ta đừng làm cho tên tuổi nổi bật lên quá. Có lẽ anh ta nên sang Mỹ “làm ăn” một thời gian. Đến lúc nào tình hình cánh tả bên nhà êm êm đi, tai tiếng anh ta lắng chìm đi thì hãy quay về. Lúc đó thì chắc chắn là miễn xá được. Nhưng, tôi có thể đảm bảo được điều này là nếu có thắng cử thì chính phủ của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo cũng không làm ráo riết để truy nã anh ta. Và nếu anh ta muốn sang Mỹ thì chính phủ Ý cũng không riết ráo đòi nhà cầm quyền Mỹ trả lại anh ta.

Ngài bộ trưởng ngưng nói. Như thể đợi cho lời của ngài ngấm dần vào cái đầu óc chai sạn của Pisciotta. Rồi ngài mới nhỏ nhẹ nói tiếp:

– Cá nhân tôi sẽ làm hết sức để thủ tướng, tổng thống cộng hòa Ý đặc miễn cho anh ta.

Lại một nụ cười ruồi, Pisciotta đá nhẹ một câu rất đểu:

– Sống như một thằng dân thường à? Nếu vậy, tụi này lấy cám mà ăn chắc? Rất tiếc, thưa ngài bộ trưởng, tụi này tuy vậy, chứ đâu đã làm heo được. Bởi vậy, chính phủ cũng phải có một khoản chi nào đó, nếu muốn cho tụi này làm lại cuộc đời, nhất là sau khi hoàn thành cho ngài cái công việc chẳng lấy gì làm sạch sẽ, thơm tho này.

Trong lúc ngài bộ trưởng và Pisciotta đối đáp nhau, Ông Trùm ngồi lặng thinh, nghe. Hai mắt lơ mơ, lim dim như mắt rắn đang ngủ. Nhưng, khi nghe thằng quỉ dịch vật Aspanu đặt điều kiện ngược ngạo vậy, lão mở bừng con mắt thô lố và nói chen ngay vào, để ngăn cơn lôi đình của ngài bộ trưởng. Thằng khốn Pisciotta kia ơi, bộ mày điếc hay sao mà không biết sợ súng? Thân danh là một thằng ăn cướp mà lại dám há họng bắt chẹn, tống tiền cả ông nhà nước nữa thì đúng là coi trời bằng vung rồi.

– Thưa ngài bộ trưởng, chú em đây vui miệng nói vậy mà. Anh ta còn trẻ, lần đầu tiên đặt chân đến thủ đô, nên đâu có biết gì về lễ phép thế giới bên ngòai. Ngài bộ trưởng chẳng liên can gì đến sinh nhai của họ. Để vấn đề đó cho tôi.

Lườm Pisciotta một phát, lão ra hiệu nó khép mỏ lại. Nhưng nét mặt hầm hầm tức giận của ngài bộ trưởng bỗng tan biến, nhường chỗ cho một nụ cười rất chi là “La Mã”!

– Thôi được! Tôi rất sung sướng vì thanh niên Sicilian mình coi vậy, chớ cũng không thay đổi gì nhiều, đã có thời, chính tôi cũng giống y vậy đó. Chẳng việc gì phải sợ mà không đòi cái phần chính đáng của mình. Phải không, anh bạn trẻ? có lẽ anh bạn muốn một cái gì làm bằng chứng cụ thể cho lời hứa chứ gì?

Ngài đi lại phía bàn giấy, rút từ ngăn kéo ra tấm thẻ thông hành đặc biệt có sọc đỏ, trao cho Pisciotta và nói:

– Đây là giấy thông hành tối ưu, tối đặc biệt do chính tôi ký. Với giấy thông hành này, bất kể ngày đêm, anh bạn có thể đi bất cứ nơi nào trên đảo Sicily, kể cả nước Ý mà không có một giới chức cảnh sát nào làm phiền. Trái lại, còn tích cực giúp đỡ, cung cấp phương tiện, nếu anh cần. Đáng giá còn hơn ngàn vàng. Cái gì còn có thể dùng tiền mua được, chứ cái này bạc tỷ cũng xin miễn.

Pisciotta cúi đầu cám ơn. Cẩn thận nhét tấm giấy thông hành đặc biệt và quí hóa đó vào túi áo trong. Lúc đến Rome, y đã thấy chính Ông Trùm cũng có tấm giấy thông hành tương tự. Y biết, vậy là y nhận được một cái gì đó có giá trị lớn lắm. Nhưng đầu óc quỉ quyệt của y cũng nảy ra những câu hỏi: nếu y bị bắt với tấm thông hành đặc biệt này thì sao? Rất có thể sẽ là một vụ tai tiếng làm rung chuyển cả nước Ý. Chính quyền bắt tay với kẻ cướp. Nhưng uy tín của Guiliano đối với đám khố rách cũng bị sứt mẻ nặng, đám khố rách xưa nay có bao giờ ưa nhà nước. Vì nhà nước là kẻ áp bức, bóc lột họ. Vậy mà kẻ bảo trợ đám khố rách lại đi đêm với nhà nước, thì chẳng hóa ra Guiliano cũng là cò mồi, là đối lập cuội sao? Với bằng chứng rành rành: phó tướng của Guiliano lại có tấm giấy thông hành đặc biệt. Mà chỉ những mật thám cao cấp mới có, thì còn trời đất nào nữa? Phải thông minh, xảo quyệt như Pisciotta mới tìm ra cái manh mối lắt léo trong sự đãi ngộ đặc biệt này.

Thì cứ coi tấm thông hành này như một món quà, một cái “lễ ra mắt”, đồng thời là bằng chứng cho sự tin cậy và thiện chí của ngài bộ trưởng, cùng với những đón tiếp, đãi đằng cứ như ông hoàng mà lão Croce đã dành cho Pisciotta. Nhưng bấy nhiêu cũng chưa đủ sức thuyết phục y. Trước khi cáo từ ngài bộ trưởng, y cũng lại giở cái mánh – như nó đã làm với đức Hồng y – là xin ít chữ làm bằng để nói với Guiliano. Nhưng, ngài bộ trưởng “con cái của thế gian, của bóng tối” dứt khoát là phải khôn khéo hơn đức Hồng y, “con cái của ánh sáng” chứ. Sức mấy ngài bộ trưởng bị hố như ngài Hồng y giáo chủ. Ngài bộ trưởng cười thầm: “Thằng láu cá khốn nạn. Bố mày không thèm bẫy mày thì thôi, chớ hạng mày đòi bẫy bố mày sao nổi. Mày có điếm thì điếm địa phương, còn bố mày đây, chính khứa tầm cỡ quốc gia và nếu có điếm thì cũng điếm quốc tế, chứ đâu ít”.

Ngài bộ trưởng mỉm cười rất “La Mã”!

Tại sào huyệt trên núi, Guiliano bắt Pisciotta thuật lại từng lời Đức Hồng y, ngài bộ trưởng và nó đã nói với nhau. Pisciotta chìa cái thẻ thông hành có sọc đỏ ra và nói với Guiliano là y không hiểu được cái ý đồ sâu hiểm, lắt léo trong việc cấp cho y cái thẻ, và làm thế nào để khai thác thẻ này một cách có lợi nhất. Guiliano vui vẻ vỗ vai nó:

– Mày đúng là thằng em tao. Tao đã là thằng chúa đa nghi mà mày còn hơn tao nữa. Ý đồ của chúng khi cấp cho mày cái giấy thông hành đặc biệt – theo tao – chẳng có gì đáng gọi là sâu hiểm, lắt léo. Có điều vì mày quá trung thành với tao, nên mày không thấy. Chứ nó hiển nhiên, lồ lộ ra đó. Cấp cho mày giấy thông hành đặc biệt này, tất nhiên mày sẽ có những chuyến đi Rome. Lần lần, nó sẽ dụ mày làm mật thám cho nó. Mày cứ tưởng thình lình thằng cha bộ trưởng nổi hứng bất tử, rút ngăn kéo ra đưa cho mày cái giấy đó hả. Mẹ kiếp, hai đứa chúng nó kịch với mày đó. Chúng nó đã bàn với nhau nát nước ra chứ bộ.

– Đ.m. mấy thằng điếm, – Pisciotta tức giận gầm lên. – Mẹ kiếp, tao sẽ dùng giấy này, quay lại cắt họng tụi nó.

– Ấy, chớ! Chớ nổi nóng, cứ giữ cái giấy ấy. Có chỗ xài, chứ đâu phải không. Cho mày hay, còn cái này nữa mà mày không để ý nên không biết. Cái chữ ký của thằng cha bộ trưởng. Có thể là chữ ký thật. Cũng có thể là chữ ký giả. Miệng lưỡi rắn độc mà mày. Nếu được việc cho chúng, thì chúng bảo là thật. Đếch được việc cho chúng, thì dù có thật chúng bảo là giả. Mày cãi với nó được à? Và nó bảo ấn chỉ đó bị ăn cắp, chứ nó đếch cấp phát cho thứ hạng mình. Miệng người sang có gang có thép. Cái giấy ấy bị vô hiệu hóa, mấy hồi?

Hiểu ra, Pisciotta “á” lên một tiếng. Vừa tức giận, vừa ngạc nhiên, và y lại càng phục thằng Guiliano. Coi bộ thằng Guiliano khơi khơi, vô tâm, cả tin đến độ như khờ khạo, ngốc nghếch. Thế mà Guiliano lại thấy ngay được cái y đồ lắt léo hiểm hóc của bọn kia. Một cái bẫy che giấu cực kỳ tinh vi mà bị hắn phăng ra một cái. Vậy mà cứ tưởng hắn lãng mạn, viển vông hời hợt, không thực tế đến độ hoang tưởng. Đứa nào tưởng Guiliano là ngây thơ, đứa đó chết không kịp ngáp có ngày. Pisciotta hỏi:

– Như vậy thì mình tin thế nào được lời hứa của chúng nó? Và nếu thế, giúp tụi nó thì được cái gì? Tao đã nói với mày là mình đừng có thèm dính vô mấy cái vụ “chính chị chính em” làm đếch gì. Mệt mà còn thêm rắc rối. Và cũng chẳng ăn cái giải gì.

Guiliano đã suy nghĩ về vấn đề này. Aspanu là một thằng có thói ưa mỉa mai cay độc và có chút máu tham lam nữa. Đã mấy lần, sau cuộc “ăn hàng”, y đã cằn nhằn, so bì phần hơn phần kém trong lúc phân chia “chiến lợi phẩm”. Trích ra, chia cho dân nghèo, Aspanu không ưng. Nhưng không dám phản đối ra mặt.

– Mình không có cách nào khác, Aspanu! – Guiliano nói: – Bọn cộng sản mà cầm quyền thì dứt khoát, không đời nào chúng nó để yên cho bọn mình, chứ nói gì đến miễn xá. Bọn nào chớ bọn hồng, bọn đỏ thì còn khuya mới có cái vụ miễn xá. Bởi vậy, ngay lúc này, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, đức Hồng y giáo chủ và cả cái thằng già dịch vật Croce đều cùng đứng chung trận tuyến với mình, để chơi lại bọn kia. Mục tiêu trước mắt là vô hiệu hóa thằng cộng sản, và nói chung bọn tả cái đã. Quan trọng nhất. Sinh tử đấy. Khi bọn cộng sản bị quất sụm rồi, mình tính sổ với bọn Dân chủ Thiên chúa giáo và thằng già Croce, mấy hồi? Cùng lắm thì lại “đường ta ta cứ đi” như từ trước đến giờ, bọn Dân chủ Thiên chúa giáo làm gì được mình.

– Đ.m, mình đi hốt cứt cho chúng nó, rút cục, chúng nó vẫn bắt mình ăn mày sự miễn xá của chúng nó. Mà chắc gì đã được? Tao đếch tin tụi chúng nó, chúng nó làm như chúng nó là những thằng đực, còn tụi mình như mấy con cái khờ khạo. Để dụ mấy con cái lên giường, thì lúc đó dù phải hứa đào mồ bố nó lên, thằng đực cũng “ô – kê” gấp gấp. Nhưng, xong rồi ấy hả, không đá đít đã là may cho em rồi. Tao sợ nó còn vừa đá đít vừa chọc quê nữa. “Ai bảo ngu?” Tao đã nói với mày nhiều lần là tụi mình có “đánh đấm” cũng là vì tụi mình, cho tụi mình. Kiếm chác được bao nhiêu cứ giữ lấy, đếch có san sẻ cho thằng nào con nào hết. Chúng nó nghèo, chúng nó khổ, kệ cha chúng nó. Chúng nó mới có đổ mồ hôi, còn tụi mình còn đổ cả máu. Mẹ kiếp, tao nghĩ bọn mình cứ kiếm dăm ba mối bẫm nữa, gom được món kha khá, rồi tếch sang Mỹ, sang Brazil, sống như ông hoàng. Miễn xá hay không miễn xá, tao cũng đếch cần.

– Aspanu, lúc cần thì cũng phải đánh đu với tinh chứ mày. Thắng rồi, được miễn xá rồi, mình ra ứng cử. Cái gì chớ phiếu cả dân Sicilian mình hốt chắc. Lúc mình đã là dân biểu, thượng nghị sĩ muốn gì chả được. Nếu tụi nó chơi đểu, chơi trò lật gọng, thì cả mày lẫn tao có đứa nào chết giấc vì bị đánh bất ngờ đâu. Mình vẫn chuẩn bị sẵn để chơi lại, chơi đến nơi đến chốn, nếu chúng lật gọng, không miễn xá cho mình… Chơi bọn Dân chủ Thiên chúa giáo dễ chơi hơn bọn hồng, bọn đỏ. Tóm lại, trong mọi trường hợp, mình phải đánh gục thằng cộng sản đã, cho nó tiêu tùng đã. Thôi, mày cứ nghe tao. Tao với mày đều nghĩ giống nhau. Cho mày hay, trận chiến cuối cùng của mình không phải là cộng sản mà là bè lũ ở Rome, là thằng già “lựu đạn” Croce và đám “Người anh em” của nó. Cái đích cuối cùng phải là chỉ còn lại tụi mình “độc quyền”.

Pisciotta nhún vai:

– Coi chừng, tao sợ mày sai lầm.

Mặc dù đang mỉm cười, trong bụng Guiliano đăm chiêu. Hắn biết là Pisciotta chỉ muốn sống đời giang hồ. Lối sống ấy hợp với y. Y thông minh, nhanh trí khôn, quỉ quyệt, thâm hiểm. Nhưng óc tưởng tượng của y nghèo nàn. Y không biết nhảy vào tương lai. Y cũng không thể thấy được kết cuộc không thể tránh khỏi của bất cứ thằng ăn cướp nào.

Mãi đến khuya, Pisciotta vẫn ngồi kéo khói một mình trên mỏm đá. Cơn đau ngực nhói lên. Y phải dụi điếu thuốc và cất vào túi. Y biết bệnh lao của y ngày càng nặng. Nhưng y biết chỉ cần sống vài tuần lễ liền trên núi này thì bệnh sẽ đỡ ngay. Điều làm cho y băn khoăn chính là điều mà y không tiết lộ cho Guiliano.

Trong suốt hành trình đi gặp Hồng y giáo chủ và ngài bộ trưởng Bộ tư pháp, Ông Trùm là bạn đồng hành khăng khít không rời y nửa bước. Thường xuyên, lão bàn với y và bày tỏ cho y quan điểm của lão về tương lai của Sicily, về những xáo trộn trong thời sắp tới. Y hiểu là lão muốn “ve vãn” y. Lão kín đáo, dè dặt và khôn khéo hé mở cho y thấy cái viễn tưởng và địa vị của y trong tổ chức “Người anh em”. Đi với lão, cuộc đời y sẽ “lên hương” hơn là đi với Guiliano bội phần. Pisciotta biết lão chiêu hồi y. Nhưng y vẫn làm bộ, không cho lão thấy là y đã hiểu được ngầm ý của lão. Y không tảng lờ, không trốn tránh trả lời. Mà chỉ làm bộ như ngốc nghếch không hiểu cái thâm ý của lão. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với lão, y phát hiện ra một điều mà trước đây y chưa biết. Đó là cái thế lực và cái oai ngầm của lão. Từ trước tới giờ, có lẽ ngoại trừ Guiliano, thằng Pisciotta cảm thấy sợ là thằng “già lựu đạn” này. Chẳng riêng gì y, ngay cả những sếp Mafia sừng sỏ nhất Sicily cũng phải ngán thằng già này. Một đời gian hồ vùng vẫy của lão đã gây cho Pisciotta cảm thấy rờn rợn. Cái mà cho đến lúc này – ngồi trên mỏm đá tại sào huyệt – y mới nhìn ra: đó là y sợ lão vì lão nham hiểm quá. Và lão có thể lật y. Một ngày nào đó rất có thể – với những âm mưu thâm độc của lão – y sẽ bị cớm, thậm chí bị ngay đồng đảng của y bắn chết. Như một con chó ngoài đường.

… ….

(1) Noblesse oblige: nguyên văn tiếng Pháp có nghĩa là ở cương vị đó thì phải như thế đó (N.D)

(2) Ông hoàng của giáo hội (prince of Church): mỗi khi một vị Hồng y nhân danh Hội Thánh để công du chính thức một quốc gia khác, thì tập tục ngoại giao Tây phương thường dành nghi thức đón ông hoàng của triều đại đương quyền để đón vị Hồng y này (N.D)

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN