Sicily Miền Đất Dữ - Chương 28
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
154


Sicily Miền Đất Dữ


Chương 28


Từ một năm qua, Pisciotta cảm thấy mầm phản bội lớn dần trong lòng mình.

Từ lúc nó cùng với Guiliano “khởi nghiệp” cho đến lúc đó y vẫn luôn luôn trung thành với Guiliano. Mà ngay từ lúc còn bé, y đã chấp nhận sự lãnh đạo của Guiliano mà chẳng cảm thấy ghen tị gì. Khi lập “băng”, Guliano vẫn luôn tuyên bố hắn và Pisciotta “đồng lãnh đạo”, chứ Pisciotta không phải là tuỳ tướng, tiểu tướng như cỡ Passatempo, Terranova, Andolini và Canio Sylvestro. Nhưng, cái nhân cách trội vượt của Guiliano đã làm cho cái danh hiệu đồng lãnh đạo của Pisciotta ta trở thành hão huyền. Guiliano chỉ huy. Và chính Pisciotta cũng chấp nhận mà không phàn nàn gì.

Guiliano đảm lược hơn người. Chiến thuật du kích của hắn chưa có tay nào qua mặt được. Kể từ thời Garibaldi đến lúc đó, chưa có ai có tài thu hút được đám nông dân khố rách bằng hắn. Vừa lý tưởng lại vừa lãng mạn. Vừa quỉ quyệt lại vừa chơi bạo, là những cái mà dân Sicilian rất mê. Nhưng hắn có một sơ hở mà Pisciotta nhìn thấy và cố gắng để sửa chữa.

Khi Guiliano nhấn mạnh là sẽ trích một nửa số tiền cướp được cho đám dân khố rách, Pisciotta đã nói:

– Mày chỉ có thể: hoặc là giàu có hoặc là được thiên hạ yêu mến. Mày tưởng là đám dân khố rách Sicilian kia sẽ bừng bừng đứng dậy đi theo ngọn cờ cách mạng của mày để chống lại bọn Rome ấy hả? Đ.m. còn khuya! Đếch bao giờ chúng dám. Mày còn tiền để cho chúng nó thì chúng nó còn yêu mày, che giấu cho mày và không phản bội mày. Nhưng, cách mạng thì khỏi. Chúng sẽ xin hai chữ bình an. Đó, Sicilian là thế đó.

Pisciotta đã phản đối khi Guiliano theo đuổi thằng già dịch Croce và bọn chính khách của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo. Y cũng phản đối sự áp đảo bọn hồng, bọn đỏ. Khi Guiliano hy vọng chính quyền của bọn Dân chủ Thiên chúa giáo miễn xá, Pisciotta nói ngay:

– Ngây thơ! Không đời nào bọn nó lại chịu miễn xá cho mày. Không đời nào thằng già “lựu đạn” Croce lại chịu để cho mày có ít quyền lực nào. Số phận của mình là: hoặc dùng tiền để thoát khỏi cuộc đời thằng ăn cướp, hoặc chết như một thằng ăn cướp. Và, nếu có chết như vậy đi chăng nữa thì cũng đếch có gì là xấu, nhất là đối với tao.

Nhưng Guiliano đâu có thèm nghe. Thế là sự phản bội bắt đầu ngấm ngầm nảy nở trong lòng Pisciotta.

Guiliano vẫn cứ lý tưởng, vẫn cứ ngây thơ, Pisciotta nhìn thấy hết, biết hết. Khi có sự kiện Luca và lực lượng đặc biệt tiễu phỉ thì Pisciotta biết ngay: ngày tàn đã tới. Chúng có thể thắng trăm trận, nhưng chỉ cần bại một trận thôi là đủ tiêu tùng rồi. Cũng như trong chuyện cổ tích hai chàng hiệp sĩ Roland và Olivier của Charlamagne đại đế. Đã ba lần Olivier hối thúc Roland nổi tù và để gọi cứu viện. Nhưng Roland cứ muốn làm anh hùng. Cuối cùng cả hai cùng chết. Guiliano cũng như Roland – cứ muốn theo đuổi giấc mộng lớn, cứ muốn đường đường chính chính, được miễn xá… Pisciotta thấy mình như Olivier, yêu cầu Guiliano “nổi tù và”. Chỉ khác Olivier ở chỗ Pisciotta không muốn chết như Olivier, mà theo Pisciotta “chết vô nghĩa, đếch ăn cái giải gì”.

Khi Guiliano mê và cưới Justina nữa, thì Pisciotta thấy rõ giữa y và Guiliano là phải “anh đường anh, tôi đường tôi”. Guiliano có thể vù sang Mỹ hú hí với vợ, con. Còn nó, Pisciotta trơ thân cụ. Cứ mãi mãi lẩn tránh, trốn chui trốn nhủi. Y biết là đời y không thọ. Không viên đạn thì cũng con vi trùng lao. Định mệnh của y là thế. Y không tài nào sống ở Mỹ được.

Điều làm cho Pisciotta buồn phiền và lo lắng hơn cả là từ khi yêu và cưới Justina, Guiliano bỗng trở nên một tên cướp tàn bạo dễ sợ. Ra lệnh giết tất cả những cảnh vệ mà hắn bắt được trước kia. Xử tử Passatempo ngay trong tuần trăng mật. Tỏ ra tàn bạo với bất cứ ai hắn nghi làm chỉ điểm. Pisciotta sợ rằng con người mà bao năm qua y đã yêu quí, bảo vệ sẽ có ngày quay ra hỏi tội chính y. Nhất là khi Guiliano biết một vài điều mà mới đây y đã làm, thì cái án tử hình của Guiliano dành cho y không sao tránh khỏi.

Trong ba năm trở lại đây. Ông Trùm Croce theo dõi thật sát và nghiên cứu kỹ mối liên hệ giữa Guiliano và Pisciotta. Chúng là mối đe dọa độc nhất trong “đế quốc” của lão, chúng là con kỳ đà cản mũi cho bước đường thống ngự của lão trên tòan cõi Sicily. Lúc đầu lão nghĩ có thể biến Guiliano thành quả đấm sắt trong tổ chức “Người anh em” của lão. Giáo sư Hector Adonis đã được phái đi làm thuyết khách. Nhưng sự không thành. Mà đề nghị đâu có gì là mập mờ, không hấp dẫn. Thì Turi nắm ngành võ, Ông Trùm nắm ngành văn. Nhưng ngành võ thì phải dưới “cờ” ngành văn. Turi phải nhún, chịu lép vế với Ông Trùm một chút. Chỉ có vậy thôi mà hắn không chịu mới ngu chứ. Cứ đường hắn, hắn đi. Toàn là giấc mộng lớn cả. Nào là giúp đỡ người nghèo. Nào là giải phóng Sicily ra khỏi ách áp bức, bóc lột của bọn nhà giàu? Nào là bẻ gãy xiềng xích của bọn chính khách ở Rome. “Để được cái gì? Cái danh hão ấy có nuôi nổi ai?”. Ông Trùm ngẫm nghĩ, và ngán ngẩm vừa tiếc cho cái tài của hắn. “Ngu ơi là ngu. Cơm không muốn ăn, mà cứ đòi ăn cứt. Làm cha thiên hạ không muốn, cứ muốn trốn chui trốn nhủi. Ăn đời ở kiếp trên núi ấy được à? Thành đạt được giấc mộng lớn à? Xóa bỏ áp bức bất công à? Thì chính Đức Chúa Jesua cũng bị đóng đinh chỉ vì các ước vọng ngông cuồng đó. Thằng Turi là cái gì mà đòi làm hơn?”. Ông Trùm càng nghĩ càng không sao hiểu được. Và càng tiếc. Giá có nó làm nắm đấm sắt thì đỡ cho lão biết mấy. Chẳng có nó, đôi lúc nói năng với bọn Rome cũng dễ dàng hơn. Và nhất là công việc làm ăn không bị ai thọc gậy bánh xe. Lão cũng tiếc cho cái cơ nghiệp của lão. Bộ lột da sống đời để ôm cái cơ nghiệp ấy? Có độc một thằng con, thì lại là một thằng bị cái bả “cứu nhân độ thế” làm mê muội đi. Lão càng nghĩ, càng tiếc. Càng tiếc lại càng tức. “Đ.m. đơm cỗ cho nó ăn, nó không ăn, nó còn chửi mình. Mà chịu lép một chút thì có gì là nhục mà nó không nghe”.

Từ năm 1943 đến năm 1947, Guiliano là ngôi sao đang lên. Trong lúc đó Ông Trùm đang mắc bận ổn định lại tổ chức, xây dựng lại lực lượng. Sau trận chu diệt của Mussolini, tổ chức “Người anh em” của lão ngắc ngư, tưởng tiêu luôn. Mấy năm trời vẫn chưa gượng lại, lấy lại sức được. Với kinh nghiệm, lão thừa biết rằng một tổ chức sống ngoài vòng pháp luật mà “đi” với chính quyền thì chỉ có hai con đường: hoặc tiêu vong, hoặc làm tôi tớ cho chính quyền. Cả hai lão đều không muốn. Mà làm tôi tớ cho chính quyền thì sớm muộn gì cũng tiêu vong. Vì bọn chính khách nào cũng chó đẻ như nhau, đểu cáng như nhau. Để có thì giờ tổ chức, xây dựng lại lực lượng riêng của mình, lão đã bấm bụng chịu “đi đêm” với bọn Dân chủ Thiên chúa giáo, mặt khác, ráng tranh thủ Guiliano. Nhưng khi thấy Guiliano quyết không đi vào quỹ đạo lão vạch ra, cái đầu óc thâm hiểm của lão đã tìm ra được một đòn, đòn này chắc chắn đưa Guiliano đến chỗ mất mạng đã đành, mà danh dự cũng tiêu ma luôn. Nghĩa là – “cơm không muốn ăn, cứ đòi ăn cứt. Dễ thôi” – dành cho Guiliano một cái chết toàn diện, cả về thể xác lẫn tinh thần. Trước hết, lão gài Guiliano vào cái thế liên minh với bọn Dân chủ Thiên chúa giáo. “Hễ đi với chính quyền thì sớm muộn gì cũng chết”. Đòn thứ hai nhằm thẳng vào danh dự của Guiliano là vụ Portella del Ginestra. Trong vụ này chính Guiliano tự tay dìm danh dự của mình xuống đất đen. Chẳng những thế, Guiliano cũng tự bít luôn con đường “miễn xá”. Vì bọn chính khách ở Rome có thừa đểu cáng để dùng vụ này làm cái cớ “phủi nợ” với Guiliano. Lão sẽ trở thành “bất chiến tự nhiên thành”. Lão mượn tay bọn Rome để diệt Guiliano – tức là bọn Rome dọn đường, làm không công cho lão – mà bọn Dân chủ Thiên chúa giáo còn phải mang ơn lão. Đồng thời, bôi tro trát trấu vào danh dự của Guiliano, được coi như một tay cự phách trong vai trò bảo vệ dân khố rách. Cho đến khi Guiliano ra tay “hóa kiếp” cho sáu sếp sòng Mafia của lão, thì giữa “băng” của Guiliano và tổ chức “Người anh em” chỉ là một mất một còn.

Bởi vậy, thằng cha già “lựu đạn” có đầu óc hiểm độc và con mắt rốt lõi đời đã chiếu cố đến Pisciotta. Theo lão, Pisciotta khôn lỏi hơn. Nhưng cho dù có lọc lõi thì – vì còn trẻ – hắn cũng không đủ bản lĩnh để đánh giá đúng mức được lòng dạ người khác, nhất là những tay tinh ma lão luyện như lão. Mà Pisciotta cũng là một tay ham hố. Mùi vị và những cám dỗ cuộc đời, Pisciotta không hề chê. Trong khi Guiliano rất coi nhẹ tiền bạc thì Pisciotta lại rất khoái. Trong khi cướp bóc, bắt cóc tống tiền, Guiliano kiếm ra hàng tỉ đồng “lire”, nhưng hắn đã không giữ lấy cho riêng mình một xu. Hắn chia cho bọn khố rách hết. Và cũng chỉ giúp đỡ gia đình gọi là.

Trong khi đó – lão Croce nhận xét – Pisciotta rất ăn diện, áo quần toàn bằng hàng thứ “de luxe”, đặt may tại Palermo, Và chơi điếm thì chọn toàn là điếm hạng sang. Gia đình của Pisciotta sống cũng thoải mái hơn gia đình Guiliano. Lão cũng biết Pisciotta gởi tiền ở nhà băng dưới những cái tên giả, có nhà riêng ở Trapani. Nghĩa là Pisciotta có những toan tính, lo xa cẩn thận, kín đáo, khôn ranh như bất cứ một tay lõi đời nào. Và lão Croce còn biết Pisciotta làm tất cả những cái đó, nhưng giấu không cho Guiliano.

Lão biết như vậy thì thế nào cũng có ngày Pisciotta tìm đến lão. Lão chờ. Pisciotta cũng biết, thằng già dịch sẵn lòng lúc nào cũng mở rộng cửa đón chờ y. Và Ông Trùm có thiếu gì khôn ngoan và kinh nghiệm để lo xa, dự phòng. Lúc nào lão cũng có cận vệ vũ trang cùng mình để bảo vệ hắn. Lão cũng cẩn thận không báo trước cho ngài đại tá Luca và ngài thanh tra Velardi để sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ này, nếu mọi chuyện suôn sẻ. Nếu mọi sự không xong, nếu lão đánh giá sai Pisciotta để đến nỗi chính Pisciotta là người được Guiliano phải đến để làm thịt lão… thì nơi đó cũng phải là nơi kết thúc cuộc đời của chính Aspanu Pisciotta.

Pisciotta đã để cho các tay em của Ông Trùm tước vũ khí trước khi dẫn nó đến gặp lão. Nó không có vẻ gì là sợ hãi. Vì mới chỉ mấy ngày trước đó, nó đã ra tay cứu tử cho lão bằng cách báo trước cho lão kế hoạch tấn công của Guiliano vào khách sạn lão đang ở.

Chỉ có hai người đối mặt. Bồi của Ông Trùm đã dọn sẵn các món ăn và bày sẵn rượu. Theo cung cách tiếp khách nhà quê, Ông Trùm rót rượu và gắp thức ăn mời khách.

– Cái thời vàng son, huy hoàng, vung vít là hết rồi, nghen, – lão già dịch khai báo – Bây giờ đã đến lúc tao với chú mày phải đàng hoàng, cẩn thận. Thời gian sắp tới có tính chất quyết định cho sinh mạng của anh em mình. Tao mong chú mày sẵn sàng để tâm đến những gì tao sắp nói đây.

– Tôi không cần biết đến nỗi lo lắng, quan tâm của ông. Có điều tôi biết là sắp tới, tôi phải hết sức cẩn thận may ra mới toàn mạng.

– Bộ chú mày không muốn di cư sang Mỹ? Chú mày có thể đi cùng Guiliano. Tất nhiên, rượu nho ở đó thì bằng thế đếch nào của mình ở đây. Dầu ôliu ở đấy ấy hả? Cứ gọi là nhạt như nước lã. Rồi, ở đấy nó có ghế điện. Và trên hết, chính quyền ở đấy nó đếch có văn minh, điệu nghệ như chính quyền của mình ở đây. Chú mày không có làm liều, làm ẩu được đâu. Tuy nhiên, sống ở đó cũng không phải là tệ lắm đâu.

Pisciotta cười:

– Tôi cần đếch gì cái nước Mỹ ấy? Mẹ kiếp, thời vận của tôi là ở đây này, ở cái xứ Sicily cùn mằn này. Một khi thằng Guiliano phớt đi rồi ấy hả, tụi nó cũng chẳng thèm mà rượt tôi lắm làm chi. Vả lại núi non coi vậy chứ cũng hiểm trở, đâu phải ít?

Ông Trùm nói giọng có vẻ ái ngại:

– Thế còn cái bệnh phổi của chú mày lúc này ra sao? Vẫn dùng thuốc dài dài đấy chứ?

– Ừ, – Pisciotta nhe răng ra cười nói với Ông Trùm, – Nhưng cái đó nhằm nhò mẹ gì. Cái đó không thành vấn đề đối với tôi. Cái may của tôi là con vi trùng lao chưa đủ sức để vật ngã tôi được.

– Thôi, anh em mình cứ nói với nhau như người Siciclian, sống chết trên cái đất Sicily này đi, – Ông Trùm nói, giọng trang nghiêm. – Khi ta còn nhỏ, khi ta còn trẻ, thì cái chuyện ta yêu quí bạn bè, ta rộng lượng, ta tha thứ lỗi lầm của bạn… là điều tự nhiên. Lúc đó, mỗi ngày là mỗi tươi mát. Ta đón nhìn tương lai với niềm hy vọng chứa chan. Với sự thú vị. Và đếch có sợ hãi. Lúc đó, thế giới này chẳng có gì là nguy hiểm cho ta. Đó là thời kỳ hạnh phúc. Nhưng, một khi ta lớn lên, phải đổ mồ hôi ra kiếm miếng ăn, thì lúc đó, tình bè bạn không có ngon ngọt như lúc còn nhỏ, còn trẻ đâu. Lúc nào mình cũng phải mắt trước mắt sau, đề phòng. Các bậc cha, anh công sức đâu mà chăm lo, săn sóc, nuôi báo cô mình hoài. Ta cũng đâu còn hứng thú để chơi mấy cái trò chơi trẻ con nữa. Ta trở nên kiêu hãnh, tự hào hơn. Ta muốn trở thành một nhân vật, có quyền thế, có tiền của, hay tệ ra thì cũng giữ gìn làm sao cho đời mình khỏi mạt. Tao biết là chú mày thương thằng Guiliano lắm. Nhưng chú mày cứ nhìn lại chú mày coi, được cái gì nào? Sau những năm tháng yêu thương như vậy, thì còn lại cái gì nào? Hay chỉ là những kỷ niệm suông?

Lão ngưng nói như thẻ chờ câu trả lời của Pisciotta. Nhưng mặt cái thằng khốn kiếp ấy trơ như đá, trắng bệch như vôi. Khuôn mặt ấy lạnh tanh, nhìn chằm chằm vào lão.

– Riêng tao, – Ông Trùm nói tiếp, – Tao không thể để cho thằng khốn kiếp Guiliano sống hoặc trốn thoát. Nếu chú mày cứ trung thành với thằng khốn ấy thì đương nhiên, chú mày là kẻ thù của tao. Cứ biết thế đi. Và khi thằng khốn kia “đi tong” rồi, thì một mình – ở cái đất Sicily – chú mày không thể sống nổi, nếu không có sự bảo trợ của tao.

– Bản chúc thư của Guiliano nằm an toàn trong tay mấy thằng bồ của nó bên Mỹ rồi, nghe cha. Cha láng cháng đụng đến nó, nó tung bản chúc thư ấy ra công luận là chính quyền đảng Dân chủ Thiên chúa giáo thân bại danh liệt với nó, chớ không phải chuyện chơi. Và, chính quyền khác lên – xin lỗi ông anh – tôi sợ đến cái mức ông anh xin đuổi gà cho vợ ở Vilaba nhà ông anh, nó cũng đếch cho.

Lúc đầu lão còn cười tủm tỉm. Sau lão cười hô hố, cười bò ra. Lão nói, giọng khinh khỉnh, giễu cợt:

– Chú mày đã được đọc cái bản chúc thư quỉ khốc thần sầu ấy chưa?

Kinh ngạc trước phản ứng của Ông Trùm, Pisciotta đáp gọn lỏn:

– Rồi.

– Tao thì chưa, – Ông Trùm nói, – Nhưng cứ việc tao, tao làm. Như tao muốn. Đếch thèm coi cái chúc thư ấy ra cái giống gì. Hoặc giả, tao cứ coi như không cóc cái chúc thư ấy, đã sao chưa?

– Ông anh bảo thằng này phản Guiliano hả? – Pisciotta nói. – Dựa vào đâu mà ông anh lại dám ăn chắc như vậy?

Ông Trùm mỉm cười:

– Chú mày đã báo trước cho ông anh mày đây cuộc tấn công của hắn vào khách sạn này. Cái đó chưa đủ để ăn chắc sao? Hành động như chú em bộ là hành động thân hữu chắc?

– Cho ông anh hay: thằng này hành động như vậy là vì lợi ích của Guiliano chớ đếch phải vì cái mạng cùi của ông anh đâu mà ham. Là vì lúc này thằng Turi nó điên rồi. Hắn định giết ông anh. Đúng. Nhưng một khi ông anh “tịch” rồi, thì tụi này đếch còn hy vọng gì, tôi biết. Vì cái tổ chức “Người anh em” cũng vẫn cứ tồn tại. Có chúc thư hay không có chúc thư, cũng vậy thôi. Hắn – thằng Turi – trong lúc này có thể trốn ra nước ngoài nấn ná ẩn thân chờ đợi ít lâu quay về để trả thù, để “đòi nợ”. Và món nợ của nó chính là cái mạng cùi của ông anh đấy, chứ chẳng phải ai xa lạ. Bởi vậy, hôm nay tôi đến đây để thu xếp với ông anh. Điều kiện trao đổi là thế này: ngày một ngày hai, Guiliano sẽ rời khỏi xứ Sicily. Hắn sẽ coi như xí xóa món nợ. Vậy hãy để cho nó ra đi êm đẹp.

Đang cúi đầu xuống đĩa thức ăn trên bàn, Ông Trùm ngửa mặt lên trời cười. Rồi, lão nhấm nháp ly rượu:

– Chú mày vậy mà trẻ con cóc chịu được. Tao với thằng Guiliano đã đến cái chỗ hết chuyện để nói rồi. Nó nguy hiểm quá, không thể để cho nó sống được. Nhưng, tao cũng không thể giết nó, vì tao còn sống mà phải sống chỉ ở Sicily này được thôi. Bởi vậy, tao không thể giết người hùng vĩ đại nhất của Sicily, mà vẫn còn sống để mà làm những điều tao muốn làm. Nhiều người thương thằng Guiliano quá. Và do đó sẽ có nhiều đứa lặn lội, tìm tòi để trả thù cho nó. Vậy thì chỉ có bọn cớm giết chết nó là ổn. Và chính là điều mà tao và chú mày có thể xếp đặt, chú mày là thằng duy nhất có thể đưa Guiliano vào cái bẫy sập đó.

Lão ngưng nói một chút. Trầm ngâm. Rồi lại tuôn ào ào:

– Ngày tàn của mấy chú mày đã tới rồi. Riêng chú mày còn được chọn lựa. Hoặc chú mày còn ở lại trong cái thế giới điêu tàn đổ nát của chú mày, hoặc chú mày bước qua cái cổng đổ nát ấy để sang thế giới bên kia. Cái đó là tùy chú mày.

– Thằng tôi có thể được Chúa che chở. Nhưng Chúa cũng chịu, nếu người ta biết là thằng này đã phản bội Guiliano.

– Chuyện đáng lo thì chú mày đếch lo, đi lo chuyện trời sập. Tao hỏi chú mày: người ta ở đây là ai mới được chứ. Chú mày chỉ cần một mình tao biết là sắp tới, chú mày sẽ gặp thằng khốn kiếp kia ở đâu. Rồi, thế là xong phần chú mày. Sẽ không có một ai khác biết. Mọi sự sau đó, tao sẽ thu xếp với lão đại tá Luca và thằng cha thanh tra Velardi. Bọn này sẽ tính gọn. Nghề của tụi nó mà.

Lão ngưng một chút, rồi chơi cú đòn chót:

– Thằng Guiliano đã thay đổi rồi. Hắn không còn là bạn chí thiết với chú mày như hồi nhỏ nữa rồi. Lúc này hắn chỉ lo cho thân hắn. Và, chú mày còn chờ gì nữa, mà không bắt chước hắn, lo cho mình?

Chiều ngày 5 tháng 7 năm 1950, khi trở về Castelvetrano, Pisciotta đã tự nạp mình cho con hồ ly tinh Croce. Y đã nói với lão nơi y sẽ gặp Guiliano. Và y cũng biết sau đó, con hồ ly tinh này sẽ báo cho mấy con sói Luca và Velardi. Y không nói rõ tại nhà Zu Peppino mà chỉ nói là ở thị trấn Castelvetrano. Và còn báo trước cho Croce biết phải cẩn thận vì cái giác quan thứ sáu của Guiliano.

Nhưng khi Pisciotta tới nhà Zu Peppino, lão già đánh xe này đã chào hỏi nó một cách lạnh nhạt khác thường, đến nỗi, Pisciotta phải tự hỏi không hiểu có phải là lão già này đã đánh hơi được cái gì, hoặc nghi ngờ gì nó chăng. Y cũng không thể không lưu ý tới những hoạt động tấp nập một cách bất thường của bọn cớm tại thị trấn này. Với cái óc hoang tưởng chính xác rất “Sicilian”, y đã chắp nối những chi tiết ấy lại.

Trong giây lát, Pisciotta cảm thấy đau nhói trong tâm can. Tiếp theo đó là những ý nghĩ giày vò, dằn vặt. Bà già của Guiliano sẽ như thế nào khi biết chính thằng cháu cưng của bà đã ám hại con bà? Bà sẽ nói gì, làm gì nếu chẳng phải là một ngày nào đó, đứng trước mặt y, bà sẽ nguyền rủa, phỉ nhổ và gọi y là đồ phản bội, quân giết người? Y và bà đã ôm nhau và khóc, và y đã thề với bà sẽ bảo vệ con bà. Thế mà y đã hôn bà theo kiểu Judas (1).

Trong giây lát, Pisciotta như điên cuồng. Y muốn giết chết lão già đánh xe, rồi tự tử.

– Nếu chú em đi tìm Turi, – Già Peppino nói, – Thì nó đã đi rồi.

Nhìn cái mặt trắng bệch – có lẽ vì nó ngộp thở – già Peppino bỗng thấy tội nghiệp cho nó:

– Em uống chút rượu cho nó ấm bụng không? – Già Peppino hỏi.

Pisciotta lắc đầu, quay ra đi. Già đánh xe nói với theo:

– Cẩn thận đấy, nghe em. Thị trấn lúc nhúc những cớm là cớm.

Pisciotta bỗng thoáng cảm thấy sợ. Và thấy mình thật điên khùng, không nghĩ đến trường hợp Guiliano đánh hơi được cạm bẫy. Nếu Guiliano cảm thấy ai là kẻ bội phản thì…

Pisciotta chạy nhanh ra khỏi nhà lão đánh xe, lần theo đường mòn đến điểm hẹn dự phòng, tức là phế tích vệ thành Selinus, đô thị Selinunte cổ xưa là đô thị ma quái.

Phế tích đô thị cổ Hy Lạp nằm chập chờn dưới ánh trăng mùa hạ. Trong đống đổ nát ấy, Guiliano đang ngồi trên bậc thềm của một trong những ngôi đền và mơ về nước Mỹ xa xôi. Hắn cảm thấy nỗi buồn mênh mang. Giấc mộng cũ nay đã tàn. Hắn đã chứa chan hy vọng về một tương lai tươi sáng cho mình, cho cả Sicily. Hắn đã hoàn toàn tin vào sự bất tử của mình. Có biết bao nhiêu người đã thương mến ngưỡng mộ, sùng bái hắn. Thế mà giờ đây, dường như Guiliano đã trở thành cái đích cho biết bao nhiêu người nguyền rủa. Dù có đưa ra những lý lẽ gì đi nữa, thì cũng rõ ràng là hiện giờ hắn đang bị bỏ rơi. Nhưng, hắn hãy còn một người. Đó là Aspanu Pisciotta. Và rất có thể sẽ có một ngày nào đó, cả hai sẽ lại làm cho cái lòng thương mến, ngưỡng mộ, sùng bái kia sống lại, cái giấc mộng, cái lý tưởng cao cả kia thành hiện thực. Nghĩa là cả hai, và chỉ có hai đứa là có thể bắt đầu lại từ đầu. Trăng khuất trong đám mây. Phế tích chìm trong bóng tối. Các phế tích bây giờ nom như những bộ xương in hình lờ mờ trên nền trời. Từ trong bóng tối mênh mông, Guiliano nghe thấy tiếng huýt gió từ đống đá phía dưới. Hắn vội nép mình vào giữa hai cây cột dá, súng cầm tay sẵn sàng. Mặt trăng lại chui ra khỏi đám mây. Guiliano thấy Aspanu Pisciotta đang đứng giữa con đường ngổn ngang mảnh đổ nát dẫn tới vệ thành.

Pisciotta từ từ bước lên theo con đường đầy gạch đá. Con mắt loang loáng tìm tòi, miệng khẽ gọi tên Turi. Guiliano ẩn mình sau cây cột đợi cho Pisciotta đi qua, mới bước ra, đứng sau lưng Pisciotta, rồi mới lên tiếng. Như khi xưa chúng chơi trốn tìm với nhau. “Xí, Aspanu, mày thua rồi”. Hắn ngạc nhiên khi thấy Pisciotta la lên, sợ hãi.

Guiliano ngồi xuống bậc thềm, để súng bên cạnh.

– Ngồi xuống bên cạnh tao nè, nghỉ chút đi, – Guiliano nói. – Chắc là mày mệt dữ lắm. Đây có lẽ là lần cuối cùng tao với mày được ngồi nói chuyện riêng với nhau.

Pisciotta nói:

– Mình sẽ nói chuyện ở Mazara del Vallo, ở đó an toàn hơn.

– Ôi, mình có chán thì giờ. Mày không nghỉ một chút đi, mệt quá lại thổ huyết bây giờ đấy. Lại đây, ngồi cạnh tao nè, nghỉ chút đi đã.

Hắn thấy Pisciotta tháo súng đang đeo ra. Hắn nghĩ là Pisciotta làm thế là để ngồi cho thoải mái, đỡ vướng. Hắn đứng lên, bước tới, đưa tay tính kéo Pisciotta lên. Đến lúc đó hắn mới thấy ông bạn nối khố đang chĩa súng vào hắn. Hắn sợ điếng người. Cả người bỗng thấy lạnh toát. Từ bảy năm nay, đây là lần đầu tiên nó bị chộp trong lúc hoàn toàn bất ngờ.

Đầu óc Pisciotta rối tinh rối mù và tràn ngập nỗi sợ, khi phải nghe Guiliano hỏi, nếu chúng nói với nhau. Chẳng hạn Guiliano có thể hỏi:

– Aspanu, trong băng của mình đứa nào là Judas phản bội? Aspanu, ai đã đi báo cho thằng già dịch Croce biết cuộc đột kích của tụi mình? Aspanu, tại sao bọn cớm đang vây trùng trùng điệp điệp tại cái thị trấn Castelvetrano tí xíu này? Aspanu tại sao mày đi gặp thằng già “lựu đạn” Croce, để làm chi vậy? – Nhưng câu Aspanu sợ nhất, nếu Guiliano không hỏi nữa, mà nói: – “Aspanu, mày là thằng em tao”. – Chính nỗi sợ hãi khủng khiếp đó đã khiến Pisciotta nhấn cò súng.

Một lằn đạn thổi bay bàn tay và xé nát thân thể Guiliano.

Kinh sợ vì chính hành động của mình. Pisciotta đã đợi cho Guiliano té vật xuống. Thay vì chính Guiliano từ từ bước xuống bậc thềm, thì máu tuôn có vòi tưới trên bậc thềm đó. Lòng đầy dị đoan về những ám ảnh chết chóc, Pisciotta quay ngoắt và chạy như bay. Y tưởng Guiliano đuổi theo y và rồi thấy Guiliano té xuống.

Nhưng Guiliano đang chết mà vẫn nghĩ mình còn đang chạy. Óc hắn bắn tung tóe thế mà hắn vẫn nghĩ hắn đang cùng với Aspanu chạy nhảy trên rặng núi suốt bảy năm qua. Những dòng nước trong vắt từ trong các hồ chứa xây từ thời người La Mã cổ. Hương hoa rừng ngào ngạt, màu sắc hoa rừng rực rỡ. Hắn còn nghĩ hai đứa cứ chạy, chay qua những miếu thờ bên lề đường, hắn la lên, lớn tiếng như đêm hôm nào năm xưa, hắn đã la lên “Aspanu, tao đã tin, tao đã tin”. Hắn tin vào vận mệnh may mắn, hạnh phúc, tin vào tình bạn chân thật. Thần chết – vậy ra thần chết – cũng có từ tâm – đã giải thoát hắn, để hắn kịp nhận ra sự phản bội và thất bại sau cùng. Guiliano chết trong lúc đang mơ.

Aspanu chạy như bay. Y chạy qua cánh đồng, y chạy trên những con lộ và dùng giấy thông hành đặc biệt để xin gặp đại tá Luca và thanh tra Velardi ngay lập tức, chính họ sẽ thêu dệt và tung ra cái tin Guiliano bị sa vào ổ phục kích và bị đại úy Perenze bắn chết.

Buổi sáng hôm 5 tháng 7 năm 1950, bà Maria Lombardo dậy sớm. Bà thức giấc vì tiếng gõ cửa. Ông chồng đã đi ra để trả lời. Ông quay lại, vào phòng ngủ và nói với bà ông phải đi và có lẽ phải vắng mặt cả ngày. Nhìn qua cửa sổ, bà thấy ông lên một chiếc xe lừa kéo sơn phết lòe loẹt tranh vẽ theo sự tích. Xe của già Zu Peppino. Chắc là ông nhận được tin của Turi. Chắc là nó đã trốn thoát sang Mỹ. Hay là có cái gì trục trặc? Bà cảm thấy nỗi lo lắng quen thuộc từ bảy năm nay. Lo lắng đến mức sợ hãi. Nó làm cho bà bồn chồn, không ăn nghỉ được. Sau khi quét dọn nhà cửa và sửa soạn bữa ăn trong ngày, bà mở cửa nhìn ra ngoài phố.

Suốt con đường Via Bella không có lấy bóng của một người hàng xóm. Trẻ nít cũng không dám chơi ngòai đường. Nhiều đàn ông trong thị xã đã bị tống giam vì bị tình nghi là đồng đảng của con bà. Các bà vợ thì quá sợ đến nỗi cho con ra đường chơi cũng không dám. Đầu phố, cuối phố chỗ nào cũng lúc nhúc cớm, cảnh vệ và lính. Súng máy đeo lủng lẳng trên vai, chúng đi từng toán hoặc từng cặp. Đi bộ. Cứ thế đi tới, đi lui như mắc cửi. Suốt ngày đêm. Lính trên mái nhà. Xe nhà binh đậu dăng dăng. Xe thiết giáp trang bị đại liên trấn ngay lối rẽ vào đường Via Bella, ngay phía trước trại Bellamp. Thị trấn Montelepre nhỏ bằng cái khăn tay mà có đến hai ngàn lính của đại tá Luca quần ngày đêm. Chịu gì thấu. Và bọn lính ấy, đã biến tất cả dân thị trấn này thành kẻ thù của chúng. Chọc ghẹo đàn bà con gái, hù dọa con nít, hành hạ đánh đập đàn ông rồi tống vô tù… Và tất cả bọn lính này ở đây chỉ để săn lùng đặng giết con bà. “Nhưng, – bà nghĩ bụng, – cho bay hay, con bà ấy hả? Tụi bay đừng hòng. Liếm cái gót giầy nó bây giờ cũng không được. Nó đã bay sang Mỹ rồi. Nó được tự do thảnh thơi rồi. Khi thời gian chín muồi thì bà và bố nó cũng sang theo sum họp với nó. Tụi bay ở đây mà làm hùm làm hổ. Nó cũng đếch sợ tụi bay”.

Bà quay trở vào trong nhà, định bắt tay vào làm việc. Bà đi lên lầu, ra ban – công, nhìn lên rặng núi trước mặt. Trước kia, từ trên những ngọn núi kia, con bà vẫn chiếu ống nhòm, nhìn xuống ngôi nhà của nó. Xa cách và không nhìn thấy nó, nhưng bà vẫn cảm thấy sự hiện diện của nó. Nhưng, giờ này bà không cảm thấy. Như vậy, đúng là lúc này nó đã ở bên Mỹ rồi.

Tiếng dập cửa rầm rầm làm bà lạnh toát. Vì sợ. Từ từ, bà đi xuống và mở cửa. Cái đầu tiên bà nhìn thấy là ông giáo sư Adonis. Thật lạ, chưa bao giờ bà nhìn thấy ông ăn mặc xập xệ như vậy. Đầu óc rối bung, bù xù. Không thắt cà – vạt. Chiếc áo sơ – mi mặc dưới chiếc jaket thì nhàu nát, dơ bẩn, cổ áo thì xốc xếch, nhăn nhúm. Nhưng cái mà bà thấy lạ nhất là trên khuôn mặt ông, không còn chút gì gọi là trang trọng, đàng hoàng. Vẻ mặt phờ phạc ảm đạm. Đôi mắt rơm rớm nước mắt, khi ông ta nhìn bà. Bà la lên, thất thanh.

Giáo sư Adonis bước vào nhà nói với bà:

– Đừng, Maria, tôi xin bà!

Một gã trung úy cảnh sát còn trẻ măng, cũng bước vào cùng với ông giáo sư. Nhìn qua hai người, bà Maria Lombardo thấy ngòai đường có ba chiếc xe đen sì đậu trước cửa nhà bà. Và có cả một toán người võ trang đứng đó nữa.

Gã trung úy cớm, trẻ măng, hai má còn đỏ au. Gã ngả mũ cầm tay, trang trọng hỏi bà:

– Thưa, có phải đây là bà Maria Lombardo không?

Âm điệu đặc giọng miền Bắc Ý, dân Tuscany.

Bà Maria Lombardo đáp:

– Phải.

Giọng nói của bà lạc đi vì tuyệt vọng. Miệng bà khô, không còn chút nước miếng.

– Tôi xin mời bà theo tôi đến Castelvetrano, – Gã trung úy nói, – Xe đang đợi. Có ông bạn chúng ta đây sẽ cùng đi theo. Dĩ nhiên, nếu bà muốn vậy.

Bà Maria Lombardo mở to mắt, nhìn. Ngạc nhiên. Rồi, giọng bà rắn đanh lại:

– Để làm gì vậy? Tôi có biết gì, có quen ai ở Castelvetrano đâu!

Giọng gã trung úy có vẻ dịu dàng, trầm ngâm:

– Có một người đàn ông ở đó mà chúng tôi muốn nhờ bà nhận diện giùm. Chúng tôi nghĩ đó là con trai bà.

– Không phải con tôi. Nó chẳng bao giờ đến Castelvetrano làm gì, – bà Maria Lombardo nói. – Bộ chết rồi hả?

– Phải.

Bà Maria Lombardo la lên một tiếng dài, rền rĩ, thảm thiết. Hai đầu gối quỵ xuống.

– Con tôi không bao giờ đến Castelvetrano.

Giáo sư Adonis bước lại gần, đặt tay lên vai bà:

– Bà nên đi, – Ông nói, – Có thể đây cũng chỉ là một mánh để đánh lừa, như trước kia nó đã từng làm

– Không! Tôi không có đi đâu hết! Tôi không có đi đâu hết!

– Vậy thì ông nhà có nhà không? – Gã trung úy hỏi. – Bà không chịu, thì để ông nhà đi thay cũng được.

Bà Maria Lombardo nhớ lại là, sáng nay lão Zu Peppino đã đến tìm ông lão. Bà nhớ lại linh cảm của bà khi nhìn thấy chiếc xe.

– Chờ chút, – Bà nói.

Bà quay vòa phòng, thay quần áo. Khi trở ra, bà mặc bộ đồ đen. Đội khăn san cũng đen. Gã trung úy mở cửa xe cho bà. Trên đường phố, chỗ nào bà cũng thấy lính, thấy cớm, thấy cảnh vệ. Lúc nhúc. Trong ánh nắng rực rỡ tháng bảy, bà nhìn thấy rõ mồn một hình ảnh hai đứa – thằng Aspanu, cháu bà và thằng Turi, con bà – đang dắt con lừa để cho “thả nọc” như bảy năm trước kia, cái ngày mà nó trở thành tên sát nhân và phải sống ngoài vòng pháp luật. Bà bắt đầu khóc rấm rứt. Ông Adonis ngồi bên cạnh bà. Chiếc xe chạy qua giữa đám ồn ào giỡn cợt của bọn lính. Bà úp mặt vào vai ông Adonis. Không khóc nữa, nhưng sợ đến chết khiếp. Vì đến lúc cuối đời, bà lại phải chứng kiến cái cảnh mà bà sắp phải chứng kiến.

Xác của Guiliano được đặt nằm ở đây đã ba tiếng đồng hồ rồi. Nom hắn như đang ngủ. Mặt nằm nghiêng về phái tay trái, chân co, chân duỗi. Thân thể soải dài ra. Cái áo sơ – mi bêt bết máu. Gần cánh tay bị gãy là khẩu súng lục của hắn. Phóng viên nhiếp ảnh và các ký giả từ Palermo, từ Rome đã có mặt. Phóng viên nhiếp ảnh của tờ Life đang chụp hình đại úy Perenza. Tấm hình sẽ xuất hiện trên báo với lời chú thích “Người hùng đã bắn hạ tên cướp khét tiếng”. Khuôn mặt ông quan ba trên tấm hình nom cũng dễ coi. Hơi buồn. Và có vẻ hơi ngỡ ngàng. Trên đầu, cái mũ làm cho ông ta có dáng một chút tiệm tạp hóa hơn là một anh cớm gộc.

Hình ảnh của Guiliano lại được in đầy trên các báo khắp thế giới. Ngón tay – vẫn còn chiếc cà rá đã cướp được của bà công tước năm xưa. Trên bụng vẫn còn sợi dây thắt lưng có khóa bằng vàng chạm nổi hình con phượng hoàng và con sư tử. Cạnh chỗ hắn nằm là một vũng máu.

Trước khi bà Maria Lombardo tới, xác của hắn đã được chở đến nhà xác thị trấn và được đặt trên một phiến đá cẩm thạch lớn, hình bầu dục. Nhà xác là một phần của nghĩa địa có những hàng cây bách đen, cao vút. Bà Maria Lombardo được đưa đến đây và ngồi chờ trên một tảng đá. Họ chờ ngài đại tá và các sĩ quan tham mưu của ngài ăn mừng chiến thắng tại nhà hàng khách sạn Selinus. Bà Maria Lombardo bắt đầu khóc khi nhìn thấy đạo binh ký giả và đám đông tò mò. Đám cảnh vệ phải vất vả để giữ cho họ có trật tự. Giáo sư Adonis cố gắng an ủi bà.

Sau cùng họ dẫn bà tới nhà xác. Các quan chức đứng quanh phiến đá cẩm thạch đang đặt các câu hỏi. Bà ngẩng lên và nhìn mặt Turi.

Chưa bao giờ nom nó lại trẻ thế. Nom y như nó mệt nhọc sau một ngày đi chơi với Aspanu, khi chúng nó còn nhỏ. Trên mặt nó, không có dấu tích gì, ngoại trừ vết bùn dính vào lúc đặt nó nằm trên sàn. Thực tế đã làm cho bà tỉnh người. Bà lặng thinh. Bà chỉ trả lời vắn tắt:

– Phải, đó là thằng Turi con tôi, tôi đứt ruột đẻ ra nó cách nay 27 năm. Phải, tôi xác nhận là nó!

Các quan chức còn cố nói này nọ với bà, đưa giấy tờ gì đó cho bà ký. Nhưng bà không nghe, không nhìn họ. Không nghe, cũng không nhìn đám đông đang xúm xít quanh bà. Các ký giả la hét, các phóng viên nhiếp ảnh phải gây lộn với cảnh vệ để chụp hình bà. Bà hôn trên trán nó. Cái trán và cả khuôn mặt trắng bệch như tờ giấy. Bà hôn trên đôi môi hơi thẫm của nó, trên bàn tay bị đạn bắn tét ra, tâm hồn bà tan ra trong nỗi đau đớn khôn cùng. “Ới con ơi, ơi giọt máu của mẹ ơi, con đã làm gì tàn ác đâu mà đến nỗi phải chết thê thảm thế này! Con ơi là con!”.

Rồi bà ngất đi. Bất tỉnh. Khi y sĩ chích thuốc cho bà tỉnh lại, bà đòi được đưa đến chỗ cái sân, nơi con bà bị bắn chết. Bà quì xuống và hôn trên vũng máu còn đọng ở đó.

Khi được xe chở về Montelepre, bà thấy ông chồng ngồi chờ ở nhà. Tại đây, bà được biết kẻ đã sát hại con bà không phải ai khác xa lạ. Mà chính là đứa cháu cưng của bà. Thằng Aspanu Pisciotta.

… …….

(1) Judas: Judas là một trong mười hai môn đệ của Đức Chúa Jesus. Tên đồ đệ này đã “bán” thầy cho kẻ thù. Hắn đã giao ước với kẻ thù khi bắt Chúa (vì bọn này không biết mặt) “Tôi hôn ai, thì đó chính là người mà các ông muốn bắt” – ND.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN