Sizzle - Chương 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
160


Sizzle


Chương 2


BÀ NỘI LẠI ĂN CẮP NƯỚC THÁNH

Lyra Prescott không cần phải đoán vì sao Cha Henry lại gọi điện. Khi thấy tên người gọi, cô biết ngay lại chuyện về bà nội yêu quý của mình, người phụ nữ kỳ quặc đã nuôi dạy Lyra.

Cô cầm điện thoại trong tay. Cô đã tắt chuông nhưng khi nhìn xuống cô thấy tên và số điện thoại của ông hiện lên. Dù cô có muốn nói chuyện với vị linh mục – điều mà cô chẳng muốn tí nào – thì cũng không thể trả lời điện thoại ngay được. Cô đang ngồi bàn cuối trong lớp, cố gắng chú tâm khi giáo sư Mahler giao đề tài cho những bộ phim tài liệu mà sinh viên chuẩn bị làm. Ông cũng đang chia sẻ chỉ trích của mình về người dân Los Angeles.

Mahler, một người đàn ông tứ tuần đẹp trai, là vị giáo sư nổi tiếng đã xuất bản vài cuốn sách về việc làm phim tài liệu, cũng chính là người đoạt giải thưởng cho tập phim phơi bày sự thật về một gia đình phạm tội nổi danh – một thực tế ông nhai đi nhai lại trong mọi bài giảng của mình. Ông cũng là một nhà hoạt động cánh tả quá khích với những dự án và ý kiến cá nhân. Ông ta nổi tiếng với thói kiêu ngạo và khó tính, người ta còn đồn vợ ông ta đã bỏ ông ta mà đi.

Lyra có lẽ đã thấy chút thương cảm nếu ông ta không tự cao tự đại đến thế. Vị giáo sư lúc nào cũng đưa ra mấy lời nhận xét kiểu như. “Không ai trong cái cộng đồng này quan tâm tới những gì họ có. Khi con người ta thấy chán thứ gì, họ liền vứt nó đi. Các bạn có thấy bức ảnh chụp mấy cái hố chôn rác ngoài kia chưa? Thật kinh tởm”. Ông ta lẩm bẩm. “Tôi mong một trong số các bạn sẽ chọn đó làm chủ đề phim tài liệu của mình”.

Một cánh tay giơ lên. “Em sẽ làm”.

Mahler gật đầu, rót nước từ cái chai nhựa dùng một lần của mình – Lyra thấy chuyện đó đúng là đạo đức giả – rồi uống trước khi tiếp tục bài diễn văn rỗng tuếch của ông. “Thay vì sửa một cái xe đẹp hay xe hơi, người ta lại mua một cái mới. Chuyện không phải chỉ là vấn đề sở hữu,” ông ta nói tiếp, vung vẩy một ngón tay với họ. “Người ta phá những căn nhà rồi từ bỏ chúng”.

“Giáo sư muốn bao lâu thì báo cáo một lần trong lúc làm phim ạ?” Một sinh viên hỏi.

“Không phải lần này”. Ông ta trả lời. “Tôi sẽ không chiều chuộng gì sất”.

Vài sinh viên trong lớp nhìn nhau. Có người thậm chí sắp phá lên cười. Có khi nào Mahler chiều họ sao?

“Tôi không muốn thấy thứ các bạn đang làm dở dang, và tôi không muốn nghe thấy bất kỳ rắc rối nào. Tôi muốn xem những thước phim hoàn chỉnh, và tôi muốn được ngạc nhiên, được thỏa mãn, và – tôi có nên nghĩ tới không đây? – bị làm cho lóa mắt. Đúng thế đấy, bị lóa mắt. Bây giờ ai muốn nhận đề tài về ngành cầm đồ thối nát nào?” Ông ta hỏi.

Một cánh tay khác giơ lên.

“Được rồi, Peter”. Mahler nói. “Viết tên đề tài và tên cậu lên tờ giấy đăng ký trên bàn tôi. Cậu cũng thế, Phillip”. Ông ta nói với cậu sinh viên chọn đề tài hố chôn rác.

Vị giáo sư chỉ vào văn phòng làm việc phía sau lưng. Văn phòng ông ta nối với phòng học bởi một cánh cửa luôn mở khi ông ta giảng bài.

Vẫn tiếp tục nhịp độ của mình, ông ta nói “Và những trung tâm thương mại. Đừng có bắt tôi kể về mấy tòa nhà đấy. Người ta cứ xây hết tòa này đến tòa khác, để cho những tòa nhà cũ trống không ra đấy đợi người ta đến phá hay thiêu trụi chúng”.

“Em sẽ nhận đề tài này”. Một sinh viên khác nói to.

Vị giáo sư gật đầu rồi đưa ra gợi ý tiến hành dự án.

Lyra không để tâm tới chỉ dẫn của ông ta. Cô đang chăm chăm nhìn vào tấm áp phích rực rỡ treo trên tường sau bàn làm việc trong phòng giáo sư. Trên áp phích viết “Công viên Paraiso. Lễ hội thường niên đầu tiên”. Nó miêu tả một nơi đáng yêu với khung cảnh sạch sẽ và xinh đẹp. Bên cạnh là một áp phích ảm đạm, đen trắng về mấy ống khói công nghiệp. Trên tấm này không có chữ, cô cũng không đoán ra nó được chụp ở đâu. Hai chủ đề mới đối ngược làm sao, cô nghĩ.

Cô thích ngắm những sắc màu sống động của công viên Paraiso hơn.

Cô giơ tay lên.

“Gì thế Lyra?” Giáo sư Mahler hỏi.

“Thế còn những công viên cho khu dân cư thì sao ạ? Em muốn nhận đề tài đó ạ”.

“Rất tuyệt” Ông ta đáp. “Em có biết đa số công viên đều có tuổi thọ là 10 năm không?’

Cô nghĩ nhận xét đó thật lố bịch nhưng cũng chẳng muốn gây thù chuốc oán làm gì, thế nên cô không cãi lại.

Moi sinh viên đều rút ra bài học từ ngay đầu học kỳ rằng đừng bao giờ bất đồng ý kiến. Vài sinh viên lúc đầu đã thử tranh luận, mỗi lần họ giải thích quan điểm của mình, giáo sư đều xoa cằm, ra vẻ lắng nghe và ậm ừ sau đó tuyên bố họ đã sai hoàn toàn. Ông ta không bao giờ quên kẻ đã tranh cãi với mình và luôn luôn trả đũa họ với những bài tập kinh hoàng. Lyra đang suýt soát vạch đích trở thành kẻ thù của ông ta.

“Không thưa giáo sư, em không biết ạ”. Bởi vì nó có thật đâu, cô nghĩ bụng.

“Tới lúc đó các thiết bị đều đã hỏng. Thậm chí mấy sợi dây xích nối vào xích đu cũng đứt hoặc gỉ, mấy cái bàn picnic cũng bị phá hoại. Bọn phá hoại và mấy băng đảng chuyển vào đấy và độc chiếm chúng”.

Lyra quyết tâm chứng minh ông ta đã sai. Cô chọn Công viên Paraiso làm đề tài của mình.

Hai tuần sau cô hối hận sâu sắc vì lựa chọn đó.

Đó là một buổi chiều nóng nực và oi ả khác thường ở Los Angeles, Lyra đang ngập gối trong đống rác cao chọc chời. Cô vừa mới quàng khăn che mũi và cổ thì điện thoại reo. Cô liếc nhìn màn hình, tên Cha Henry hiện lên, cô chuyển nó vào hòm thư thoại. Đây không phải lúc có một cuộc nói chuyện dông dài khác với vị linh mục. Họ nói chuyện lần cuối cách đây 2 tuần, cô đinh ninh vấn đề của bà đã được giải quyết. Nhưng nếu là thế thì cha ấy gọi điện làm gì? Cô biết mình rồi cũng phải nói chuyện với ông, nhưng mấy lời phàn nàn của Cha Henry sẽ phải để sau. Một khi Lyra trở về căn hộ có máy điều hòa của mình, tắm rửa, thay quần áo đâu vào đấy, cô mới có sức mà đối phó với vị linh mục.

Bản đề án của cô hóa ra lại không như cô mong đợi. Kế hoạch ban đầu của cô là làm một bộ phim về một nơi hạnh phúc, nơi mà các gia đình tụ tập vào lúc chiều nhàn rỗi. Cô lấy cảm hứng đó từ tấm áp phích trong phòng giáo sư Mahler.

Theo tìm kiếm ban đầu, cô thấy một bức ảnh chụp cây cầu trượt được xây trên đồi dốc ở giữa công viên. Bức ảnh cho thấy bọn trẻ đang xếp hàng để trèo lên những bậc thang phía trên cùng. Chúng trông rất háo hức và vui vẻ tới mức người xem có thể nghe thấy tiếng cười của chúng. Bức ảnh được chụp cách đây 6 năm.

Lúc đầu, Lyra không có một ý tưởng chắc chắn nào cho chủ đề bộ phim của mình, nhưng cô nghĩ nếu mình đi quanh khu đấy, biết đâu lại có vài ý tưởng. Một nhóm người cùng đi chơi chẳng hạn? Hoặc là niềm vui từ những điều giản dị? Cô biết mình muốn một yếu tố thúc đẩy. Chính nó, nhẹ nhàng và nâng đỡ tinh thần. Có lẽ kèm theo ít hài hước hước nữa.

Mặc dù dùng GPS, cô cũng phải chật vật tìm đường. Công viên cách nhà cô hơn một tiếng đi xe, khi cuối cùng cũng tới một con đường đầy đá sỏi, cô tưởng mình đã rẽ nhầm. Cô phát hiện ra chiếc cầu trượt và thất vọng toàn tập.

Cỏ dại đã bao phủ gần hết nó, những gì cô còn thấy được nếu không vỡ thì cũng bị gỉ sét. Rác rưởi vương vãi khắp nơi… chất thành đống. Cô thấy kim tiêm dùng rồi nhiều chẳng kém báo cũ và giấy vệ sinh vứt đi. Công viên đã bị rác rưởi hủy hoại, trèo lên đồi bây giờ cũng quá mạo hiểm. Thật hãi hùng khi chỉ trong một thời gian ngắn, nơi xinh đẹp nhường ấy lại trở nên kinh tởm thế này.

Chuyện gì đã xảy ra? Có phải giáo sư Mahler đã đúng? Bản chất của con người ta là phá hoại? Lyra vẫn chưa tiêu hóa được triết lý tiêu cực của giáo sư. Cô đã lái xe qua nhiều khu dân cư với những công viên lâu đời và khu vực chung được bảo quản rất cẩn thận, vì thế cô biết chúng có tồn tại. Công viên này lại khác hẳn. Điều gì đã hủy hoại nó chỉ trong vài năm? Cô phải tìm ra nguyên do.

Cô bắt đầu với các quan chức của thành phố. Một ủy viên đã trả lời cô rằng các băng đảng đã chuyển đến khu vực đó, công viên giờ trở thành bãi chiến trường của chúng. Đó là cuộc chiến giành địa bàn, và các gia đình đều chuyển đi. Một chính trị gia bảo cô rằng đường cao tốc cắt ngang qua hai khu, các hộ dân đều chuyển đi nên công viên bị bỏ trống. Cả hai chính trị gia đều im tiếng khi cô hỏi họ có biết bây giờ công viên đã trở thành một bãi đất hoang độc hại hay không. Rõ ràng đó không phải là vấn đề của họ.

Lyra đi tới phòng lưu trữ hồ sơ và các bài báo cũ để tìm thêm tư liệu về công viên. Cô tìm thấy những bức ảnh chụp các gia đình hạnh phúc đang đi dạo dọc con đường đầy hoa hai bên với những giỏ đồ đi picnic trên tay. Bọn trẻ đang chơi đuổi bắt trên sườn đồi. Nếu không biết cô còn tưởng chúng được chụp ở một nơi hoàn toàn khác.

Cô quyết định phim tài liệu của mình không chỉ cho thấy công viên bị tàn phá mà còn phô bày những người không có ý thức đã gây nên cảnh hoang tàn kia. Cô sẽ xen kẽ những bức ảnh cũ với những bức ảnh mới về những người thường lui tới đây để xả rác và đôi khi còn là chất thải độc hại.

Vì những người xả rác này đã phạm luật, cô không ngại trưng mặt họ ra. Chiếc SUV của Lyra đang ngăn người ta đi vứt rác, vì thế cô quyết định bí mật chụp những ai vi phạm. Một chiếc máy ảnh kỹ thuật số hỗ trợ chụp time – lapse và intervalometer sẽ cho ra những bức hình liên tiếp. Cô đặt chế độ chụp 5 giây một hình và cắm thêm một cuc pin dự trữ để đảm bảo thu được hình ảnh suốt 24 giờ. Cô giấu máy ảnh vào một cái hộp bảo quản chống thời tiết và cố định nó bằng mấy tảng đá. Cô chắc sẽ không ai thấy khi đặt nó tít trên đồi, phủ lên một mớ rác bẩn.

Mỗi chiều sau khi tan học cô đều lái xe đến bãi rác để kiểm tra thẻ nhớ, cài đặt lại máy ảnh để nó chụp ảnh ngày kế tiếp. Cô ước có cách nào đó để công chúng thấy được lũ người xả rác này đang làm gì, một gã trai trẻ mặc áo sơ mi nhăn nhúm, thắt cà vạt kẻ sọc, mặc một cái áo khoác trong phòng thí nghiệm màu trắng phau đang vứt một đống chai nhựa đựng đầy kim tiêm dùng rồi mà hắn lôi ra từ cốp xe Saab của mình, hay mấy đứa mới lớn trong mấy cái quần bò te tua và áo sơ mi bẩn thỉu đang ném những bình ắc quy cũ từ đằng sau cái xe bán tải của chúng, nhưng thực tế chỉ có giáo sư và vài sinh viên trong lớp làm phim mới xem bộ phim của cô.

Sau hai tuần, cô đã có đủ ảnh. Cô lái xe đến bãi rác lấy máy ảnh và không bao giờ có ý quay lại. Cô mong chờ khoảng khắc 24 tiếng đồng hồ hoàn toàn không phải hít cái mùi hôi kinh tởm của hoa quả thối.

Nhưng kế hoạch của cô có thay đổi. Cô chỉ vừa mới tháo máy ảnh và đặt nó vào hộp để mang về nhà thì phát hiện một chiếc xe màu đen lao nhanh xuống con đường hẹp vòng quanh đồi chạy xuyên qua công viên. Hẳn người lái xe phải rất vội.

Chiếc xe cua gấp khiến sỏi bắn tứ tung, bụi mù cả đường.

Nó biến mất ở chân đồi. Lyra nhìn về hướng chiếc xe xuất hiện, bản tính tò mò của cô trỗi dậy. Con đường hẹp dần, gần như bị cây cỏ lấp hết khi nó hướng lên trên đồi. Vì nghĩ chẳng có gì để xem nên cô chưa thực sự đi khám phá phía bên kia đồi. Cô quyết định trèo nốt quãng đường còn lại để ngó qua một cái.

May mà cô đi giày. Trèo lên quả thực rất khó. Tình hình tệ hơn cũng bởi cái nóng và mùi hôi bốc lên từ mấy bãi rác. Cuối cùng cô cũng leo lên tới đỉnh, cô gạt mấy bụị cây đã chết khô và đi vòng qua một cái cây đã bật rễ để nhìn rõ hơn. Cô kinh ngạc với những điều mình thấy.

Bên dưới ngọn đồi là một khu đất bằng phẳng cỡ một sân bóng chày. Bản thân nó cũng là nạn nhân của mấy kẻ phá hoại. Rác thải vương khắp nơi. Nhưng có một thứ kì lạ đã thu hút sự chú ý của Lyra. Nó hoàn toàn tách biệt. Ở giữa đống đất đá, rác thải kia là một khu vườn nhỏ xinh. Một thảm cỏ tí hon, nhìn như vừa mới được cắt, tươi xanh và được bao quanh bởi những luống hoa. Rác thải không hề chạm tới cỏ, như thể nó biết làm thế sẽ vấy bẩn khung cảnh tinh tế tuyệt đẹp này.

Lyra không rời mắt khỏi khung cảnh kinh ngạc kia. Làm sao chuyện này có thể xảy ra? Một khu đất đáng yêu nhường này ngay giữa vùng đất ô uế.

Ai đó hẳn đã chăm sóc cho khu vườn và cắt cỏ, cô muốn biết lí do. Cô trèo xuống đồi tới chỗ xe hơi của mình để lấy máy ảnh. Sau nửa tiếng, cô đã tìm được nơi lí tưởng sau mấy bụi cây khô để giấu cái máy ảnh. Cô đảm bảo ống kính sẽ tập trung vào con đường và khu vườn để thu lấy hình ảnh của bất kỳ ai đến hoặc đi. Sau khi đút thẻ nhớ mới vào, cô cài đặt thời gian.

Điều này đồng nghĩa với việc phải leo lên leo xuống thêm vài tuần nữa. Có khi nó chẳng thu được lợi lộc gì nhưng biết đâu đấy. Cô tưởng tượng ra mọi tình huống có thể xảy ra. Có lẽ là một ông cụ đã trồng hoa để tưởng nhớ người vợ đã khuất. Hay đây chính là nơi ông đã gặp bà, hoặc là nơi họ đến trong lần hẹn hò đầu tiên của mình.

Tâm trí cô quay sang một viễn cảnh đen tối hơn. Có khả năng ông ta đã giết vợ và chôn xác ở đây. Hối hận vì tội lỗi, ông ta đã trồng những khóm hoa này. Có rất nhiều khả năng nữa.

Đi bộ về xe hơi với ánh nắng chói chang trên đầu, mặt cô vã cả mồ hôi, gáy thì ướt nhẹp, áo cô ướt đẫm dính chặt vào người, tuy thế cô vẫn mỉm cười. Bố mẹ cô sẽ nghĩ sao nếu họ thấy cô con gái của mình lúc này, mặc quần bò cũ, đi giày leo núi nặng trịch để bảo vệ chân khỏi những ống kim tiêm trên đất? Họ có thể hét toáng lên vì kinh ngạc ấy chứ. Mà lúc nào bố mẹ cô chẳng kinh ngạc với những việc cô làm.

Cuối cùng cũng tới được chỗ chiếc SUV, cô khởi động máy, bật máy điều hòa ngay lập tức rồi tháo đôi giày ra để mấy ngón chân được tự do co duỗi.

Khi đã mát mẻ trờ lại, cô quyết định gọi cho cha Henry. Làm nhanh cho xong chuyện, cô nghĩ.

Cực hình đã được hoãn lại. Mục sư không có nhà. Thư ký báo với cô Cha Henry tối bữa kia mới về. Lyra cố không tỏ ra vui sướng khi để lại một tin nhắn trong hòm thứ thoại của Cha, bảo rằng cô rất xin lỗi vì đã lỡ mất cuộc gọi của ông và cô mong được nói chuyện với ông khi nào ông rảnh.

Nó dối vói một linh mục có thể khiến cô mất thêm thời gian đi xưng tội. Nhưng giờ cô hơi đâu mà lo đến nó. Cô có nhiều việc cần hoàn thành trước ngày mai và cô đang háo hức được bắt đầu với những bức ảnh mới nhất.

Xe cộ đi lại đông đúc, cô mất chính xác 1 giờ 45 phút mới về được tới nhà. Cô lái xe vào bãi đỗ, ngay khi bấm xong mã bảo vệ, cánh cổng sắt mở toang, cô lái vào nới đỗ xe của mình. Tóm lấy chiếc balô ở ghế phụ, cô bước ra rồi khóa xe lại.

Cô leo lên bậc thang dẫn tới nhà mình rồi lục túi lấy chìa khóa.

Không tìm thấy, cô nhấn chuông cửa.

Ngay lập tức, giọng một phụ nữ vang lên sau cánh cửa. “Vâng?”

“Mình đây, Sydney”. Lyra nói. “Mình để chìa khóa đâu đó trong túi nhưng mình mệt quá, chẳng buồn tìm nữa. Cậu mở cửa mình vào với?”

Khóa cửa kêu lách cách.

Bạn cùng phòng của Lyra, Sydney Buchanan, mở toang cửa cho cô. Cô nàng mặc một cái quần thể thao xám đã bạc màu, cột chun ở eo, một chiếc áo hai dây màu trắng, chân đi dép trong nhà màu hồng. Sydney ngậm ngang miệng một cái bút chì, một cái khác nhô lên từ búi tóc sau đầu.

Cô đỡ ba lô cho Lyra trước khi lấy bút chì ra khỏi miệng để nói. “Trông cậu như mới chui từ chỗ rửa xe ô tô ra ấy”. Cô nói đầy cảm thông.

Lyra ngồi sụp xuống chiếc ghế thoải mái duy nhất của họ và thở dài não nề. “Một ngày mệt nhừ. Cậu thì sao?”

“À, cũng như mọi ngày thôi”. Sydney líu lo. “Mình ăn sáng muộn với Leonardo DiCaprio. Anh ấy cố rủ mình bay tới Cabo với anh ấy chiều nay, nhưng mình đã lên lịch hẹn

Spielberg và Lucas mất rồi. Họ cứ nói mãi về bộ phim muốn mình làm đạo diễn, nhưng mình bảo mình cần suy nghĩ thêm. Rồi mình đi uống nước với Robert Pattinson, ăn tối với Chase Crawford. Mà này, Zac Efron cứ gọi mãi không thôi. Mình nói cậu nghe, nếu họ không thôi đánh nhau vì mình, mình sẽ chẳng thèm gặp ai trong số họ nữa”.

Lyra cưỡi ngặt nghẽo, Sydney ngồi bệt xuống sàn, vây quanh cô là một loạt các cuộn phim và hàng chồng giấy tờ. Rồi cô nói “Thật ra cả này nay mình mình chẳng bước ra ngoài. Có khi là cả tuần nay rồi ấy”. Cô liếc ra ngoài cửa sổ. “Đã tối rồi cơ à?” Cô rên rỉ. “Nếu mình không hoàn thành dự án để mai nộp, mình sẽ gặp rắc rối lớn”.

Cô nhặt một vài tờ giấy lên đặt chúng vào chồng giấy. Cô hít một hơi thật sâu rồi nói “Mình có thể làm được. Mình có thể làm được”.

Lyra nhấc cơ thể rã rời của mình ra khỏi ghế. “Mình đi tắm đây, nếu cậu cần, mình sẽ là của cậu”.

Sydney trao cho cô nụ cười cảm kích. “Cảm ơn cậu, nhưng mình có thể lo được, chỉ tốn ít thời gian thôi”.

Lyra và Sydney giống chị em gái hơn là bạn cùng phòng. Họ gặp nhau hè cuối năm nhất tại một liên hoan phim, nơi cả hai đều làm trợ lý tình nguyện cho những bên tham gia. Bạn cùng phòng của Lyra vừa tốt nghiệp và chuyển về Fargo, hợp đồng nhà của Sydney lại sắp hết. Căn hộ của cô lớn gấp ba của Lyra nhưng nó đã cũ, an ninh lại không tốt. Thế nên cô đề nghị chuyển vào ở cùng với Lyra.

Căn hộ tuy nhỏ nhưng cả hai đều có thể đi bộ tới trường nếu muốn.

Sự thay đổi này khá thuận lợi vì cả hai giống nhau ở nhiều điểm. Cùng tuổi, đều đến từ gia đình đông anh em đôi khi có hơi bao bọc quá mức. Họ đều yêu nhạc Rock cổ điển và sô cô la đắng. Tuy nhiên tham vọng của mỗi người có hơi khác. Sydney thì muốn tạo ra những bộ phim hâm nóng ngành điện ảnh thế giới. Lyra lại muốn viết kịch bản và sản xuất phim tài liệu.

Sau 4 năm học đại học, Lyra đã tốt nghiệp loại giỏi. Khi cô và Sydney có cơ hội học tại trường làm phim danh tiếng California, cả hai đều tóm lấy nó.

Khóa học sắp kết thúc, Lyra đang nghĩ sẽ làm gì sau khi học xong. Cô được một số nơi mời đấy nhưng nó không hợp với cô, và cô có đôi chút sợ hãi. Nhưng mà thôi, hôm nay cô không lo đến nó nữa.

Cô có nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết.

Cô vừa mới bước ra khỏi buồng tắm thì nghe thấy chuông điện thoại.

“Muốn mình nghe hộ không?” Sydney gọi to.

“Không cần đâu, để mình nghe”. Lyra trả lời. Cô vội quấn khăn tắm vào người, nước từ tóc cô nhỏ giọt xuống lưng lúc cô đi nghe máy và thở dài khi thấy tên người gọi.

“Con chào cha Henry. Gặp cha thật vui ạ”.

Lại tốn thêm một tháng để xưng tội.

“Cha có khỏe không ạ?’

Linh mục không tốn thòi gian tán dóc. “Lyra, bà ấy lại làm thế rồi”.

Chẳng cần hỏi cũng biết “bà ấy” là ai: bà của Lyra, hay Gigi, như Lyra vẫn gọi từ lúc nhỏ. Lyra cau mày. “Có phải là nước thánh phía sau nhà thờ không ạ?”

Tất nhiên đó là nước thánh phía sau nhà thờ rồi. Bà cô đâu có hứng thú với nước thánh ở chỗ nào ngoài chỗ đó.

Điều buồn cười là, dù rất sợ phải nói chuyện với linh mục, Lyra thực sự rất quý ông ấy.

Ông là người tốt bụng, lúc nào cũng ung dung, lại có khiếu hài hước. Ông nhìn cũng khá ổn nữa, nhưng mà khen linh mục đẹp trai sẽ khiến mọi người ở nhà thờ cau có với cô thôi.

“Nào, Lyra, con biết lúc nào cũng là nước trong bình nước thánh mà”.

Cô bước vào phòng ngủ nhỏ khác thường của mình và vấp chân vào hộp đựng giày. Cô nhảy lò cò tới chỗ cái giường và ngả người xuống.

“Thưa cha, con rất xin lỗi vì sự bất tiện này”, cô vừa nói vừa xoa chân. “Cha cũng biết bà ấy…” Giọng nàng trượt đi. Làm sao có thể miêu tả chính xác được bà cô đây?

“Cứng đầu”, ông gợi ý.

“Vâng, nhưng bà là một phụ nữ ngọt ngào,dễ mến, trái tim bà thì-“

Ông tiếp tục, bỏ ngoài tai mấy lời tán tụng của cô. “Quá mê tín?”

“Vâng, nhưng mà-“

“Con phải nói chuyện với bà ấy lần nữa”.

“Vâng, được ạ”.

“Khi nào?”

“Sớm thôi ạ”.

“Sớm thế nào?”

Ông không muốn để cô thoát. “Cuối tuần này ạ. Con sẽ đi sau khi học xong buổi cuối vào thứ 6 ạ”. Cô hứa hẹn. “Cha có thể ghé qua lúc con đến không ạ? Có lẽ một trong hai chúng ta có thể nói cho bà hiểu”. Còn lâu nhé, nàng nghĩ bụng nhưng không dám nói ra.

Cha Henry có vẻ đã nguôi ngoai… lúc này thôi.

Lyra cố gạt lo lắng về Gigi sang một bên và tập trung vào công việc cô cần hoàn thành trước khi đi ngủ. Cô đảm bảo cuối tuần mình sẽ tìm ra giải pháp đôi bên đều có lợi cho bà và mục sư. Cho đến lúc đó, cô quyết tâm không nghĩ về nó.

Cô mặc một bộ đồ ngủ lỗi mốt, rồi vào phòng tắm để bôi kem dưỡng ẩm. Mặt cô đang bị cháy nắng. Cô cho đó là vì trèo lên đồi cả buổi chiều.

Cô cũng cho đó là tại tiến sĩ Keaton, giáo sư dạy cô chiều nay. Ông kiên quyết giảng bài bên ngoài khu vực chung, nơi chẳng có lấy một bóng cây. Trong khi giáo sư nằm ườn dưới một cái ô đen khổng lồ thì sinh viên của ông ta phải ngồi tắm nắng. Được thiên nhiên đụng chạm, ông ta bảo thế. Thứ duy nhất đụng chạm với Lyra là ánh nắng mặt trời. Cô tất nhiên đã thoa kem chống nắng, nhưng tới giờ giảng thứ hai của ông ta, cô đã phẩy nước trong chai lên mặt, lớp bảo vệ cũng theo nó mà trôi đi.

Sydney mỉm cười khi thấy đồ Lyra đang mặc trên người. “Đồ ngủ mới hả?”

Lyra gật đầu. Cô bước vào bếp rồi quay trở ra với một chai nước.

Syney nghiêng đầu quan sát bạn mình vài giây.

Lyra để ý thấy. “Sao thế?”

“Làm thế nào mà trông cậu vẫn tuyệt kể cả khi bị cháy nắng và khoác lên người bộ đồ ngủ thập niên 50 thế nhỉ?”

“Được rồi, cậu muốn mượn cái gì?”

“Chẳng gì cả”.

“Thế sao lại khen mình”.

“Mình chỉ nghĩ nó thật kinh khủng”. Cô toe toét giải thích. “Mình cứ có cảm giác mẹ ghẻ con chồng khi ra ngoài cùng cậu ấy”.

Lyra không tim. “Ôi, thôi đi. Mình bình thường mà. Cậu mới là người có mái tóc vàng dâu và đôi mắt tuyệt với”.

“Mình là cô bạn nhà bên thôi. Cậu mới là cô nàng bốc lửa. Mình khiến đàn ông cười. Còn cậu khiến bọn họ thở không ra hơi”.

Lyra phá lên cười. “Cậu điên đấy à. Đàn ông ngưỡng mộ cậu”.

Sydney nhún vai. “Vài người thôi”, cô nói. “Mình đoán là do mình biết cách tán tỉnh”.

“Đúng thế đấy. Cậu đã biến nó thành một loại nghệ thuật rồi”.

“Đúng là mình giỏi chuyện đó”. Cô thừa nhận. Cô kéo cao áo mình lên rồi nói. “Mình định đi bơm ngực”.

Lyra mới uống được một ngụm nước và suýt sặc. “Cậu định làm gì?”

“Bơm ngực”. Cô thản nhiên nhắc lại. “Nếu làm mình sẽ chọn loại lớn như giáo sư Pierson ấy. Perky Pierson”.

“Cái đó không phải là thật à?”

“Nó nẩy lên tới tận cổ cô ấy. Không đời nào chúng là đồ thật”.

“Cậu không có ý định đi bơm thật đấy chứ?”

“Dĩ nhiên là không rồi. cậu dễ bị gạt thật đấy”. Cô quay ngoắt sang đề tài khác. “Bà cậu gửi mấy bộ đồ ngủ đó cho cậu à?”

“Ừ”. Cô vừa trả lời vừa ngồi xuống đối diện với bạn mình, cầm máy tính xách tay lên.

“Nhân dịp gì thế?”

“Quà sinh nhật sớm”.

“Bà chẳng bao giờ tặng thứ gì khác đúng không?’

“Từ lâu lắm rồi”.

“Thế mấy anh cậu thì sao? Bà cũng tặng đồ ngủ luôn à?” Cô hỏi, thử tưởng tượng cảnh anh trai Lyra mặc chúng và mỉm cười.

“Đồng hồ đeo tay”. Cô đáp. “Dịp nào cũng là đồng hồ đeo tay hoặc đồng hồ báo thức”.

“Mình nghĩ bà cậu đúng là thiên tài. Nghĩ mà xem. Bà không phải đau đầu nghĩ xem họ muốn gì, cũng chẳng phải chiến đấu với đám đông và lo lắng về giá cả. Đi mua sắm vào Giáng sinh dễ như bỡn”.

“Cậu nói đúng rồi đấy” Lyra đồng tình. “Cậu thực sự nên gặp bà. Bà là người duy nhất trong gia đình bất thường của mình cậu chưa được gặp, cậu sẽ thích bà ấy cho xem. Sao cuối tuần này cậu không đi San Diego với mình nhỉ? Mình đã hứa với cha Henry nói chuyện với bà. Mình định đi sau khi học xong chiều thứ 6. Đi đi mà. Sẽ tuyệt lắm đấy”.

“Mình cũng muốn lắm nhưng không được. Mình còn hai dự án đến cuối tuần sau là hết hạn, cả hai đều cần làm thêm vài việc. Mình sẽ ở phòng dựng phim suốt mấy ngày cuối tuần”.

“Mình giúp được gì không?”

“Cậu còn phải hoàn thành dự án của cậu mà. Nó thế nào rồi?”

“Sắp xong rồi. Mình muốn thêm vào vài bức ảnh về mấy người ồ-dễ thương-quá đang xả rác, nhưng mình đã có số ảnh cần thiết rồi”.

“Tuyệt rồi. Cậu hẳn vui lắm, không phải đi đi về về bãi rác mấy tiếng đồng hồ trong lúc đường đông như thế”.

“Không, mình vẫn phải làm thế”.

“Cậu vừa bảo không cần thêm hình…”

“Giờ mình có thêm một dự án mới. Nó không thực sự là một dự án, chỉ là mình tò mò thôi”.

Cô kể cho Sydney nghe về bãi cỏ và những khóm hoa cô phát hiện bên kia đồi. “Mình đã quá…ngạc nhiên, phải thừa nhận là mình bị ấn tượng”.

“Cậu đặt máy ảnh để chụp cái gì? Quá trình cỏ mọc à?’

“Không, mình muốn biết ai là người cắt cỏ và chăm sóc hoa. Quan trọng hơn là lí do kìa. Mình có vài giả thuyết, nhưng mình thích nhất là giả thuyết bị mất người yêu. Có thể đó là

nơi họ từng đi picnic hay là-”

“Cậu ãng mạn hết thuốc chữa rồi, Lyra. Cậu định cứ đi đi về về như thế chỉ để thỏa mãn tính tò mò thôi à”.

“Nó nghe không điên rồ thế đâu”. Cô bao biện. “Và mình chỉ định để máy ảnh ở đó 1 tuần…Được rồi, có thể cùng lắm là hai tuần. Có còn sô cô la không?” Cô hỏi.

Việc đổi đề tài nhanh chóng không khiến Sydney khó chịu, cô cũng hay làm thế mà.

Vì họ đã làm bạn cùng phòng được khá lâu rồi nên họ có thể đoán xem người kia đang nghĩ gì.

“Không, cậu đã ăn miếng cuối cùng đêm qua rồi, và đúng, việc này nghe rất điên khùng. Lái xe qua lại ở Los Angeles vì tập phim tài liệu là cần thiết nhưng chiến đấu với dòng xe cộ hằng giờ vì một lí do chẳng đâu với đâu…thì hoàn hoàn điên rồ”.

“Có thể thế nhưng mình vẫn sẽ làm. Đợi đã, đêm qua mình đâu có ăn sô cô la”.

Sydney cười nhăn nhở. “Được rồi, mình ăn đấy”.

Cô đứng dậy và đi vào bếp, vài phút sau cô quay ra với một hộp ngũ cốc Cocoa Puffs và một chai nước hương hoa quả”.

Cô ngồi xuống, bốc một nắm ngũ cốc và đưa cái hộp cho Lyra.

“Cậu không thấy sao, Sydney”. Cô nói, bốc một ít ngũ cốc ra tay.

“Thấy gì cơ?” Cô hỏi, lấy lại cái hộp.

“Ốc đảo nhỏ này có kích cỡ đúng bằng bãi đỗ xe khu nhà mình, được bao phủ bởi cỏ xanh mon mởn và những khóm hoa xinh đep”. Cô nói thêm. “Và nó nằm ở một nơi kỳ lạ nhât, xung quanh toàn là giác thối. Cậu phải đi đến đó xem cùng với mình”.

Sydney đồng ý khiến Lyra ngạc nhiên. “Cậu nói đúng. Mình nên đi xem. Có lẽ mình sẽ thấy hứng thú như cậu. Mình sẽ lái xe cùng cậu chiều hôm nào đó tuần sau. Cậu biết mình đang nghĩ gì không? Đám cỏ đó có lẽ đang phủ lên một ngôi mộ”.

“Mình cũng từng nghĩ đến khả năng ấy”.

“Sẽ là sao nhỉ? Một người vợ giết chồng, hoặc chồng giết vợ rồi đào hố chôn xác ở đó”.

“Và ông ta trồng hoa và cắt cỏ vì tội lỗi sao?”

Sydney cười. “Mình đoán một ông chồng sát nhân sẽ không để tâm tới việc cắt cỏ đâu”. Rồi cô đưa ra vài giả thuyết nữa, cũng đều liên quan đến giết người và tội ác. Sau khi nói tới một khả năng khá khủng khiếp, cô sẵn sàng mua một cái xẻng và bắt đầu đào bới xem có phát hiện thi thể hay không.

“Tại sao cậu chỉ nghĩ đến mấy cái tội ác man rợ thế?” Lyra hỏi.

Sydney nhún vai. “Có lẽ tại mấy ông anh mình đều trong ban hành pháp. Mình từng nghe nhiều vụ quanh bàn ăn tối, mình đoán thế nên mình mới có tính đa nghi”.

Lyra không đồng tình. Cô không hề nghĩ Sydney là người đa nghi; cô ấy chỉ có một trí tưởng tượng quá phong phú thôi, đó là lí do vì sao cô lại xuất sắc trong lĩnh vực của mình như vậy.

“Chúng ta nên làm việc đi thôi” Lyra đề nghị “Nếu không chẳng đứa nào được ngủ đêm nay đâu”.

Sydney tán thành, trong mấy giờ tiếp theo, cả hai đều im lặng làm việc. Lyra xong việc lúc nửa đêm và đi vào phòng ngủ.

“Mấy giờ thì cậu tới chỗ bà?”

“Khoảng 3 giờ. Mình muốn đi trước giờ mọi người tan làm nếu được. Sao thế?”

“Cậu lấy mấy cuộn phim kia về cho mình được không? Mình phải nộp trước 5 giờ chiều thứ 6, mà mình lại ở bên kia trường cả ngày. Sẽ giúp được mình nhiều lắm…”

“Mình sẽ lo vụ đó. Mình thuận đường mà”.

Sau buổi học thứ 3, Lyra vào văn phòng giáo sư Mahler để thảo luận về dự án phụ phát sinh thêm của cô. Cô nói với giáo sư về khu vườn đằng sau bãi rác và giải thích mong muốn được làm một thước phim ngắn về nó”.

“Em đã làm xong tập phim về…đề tài em chọn là gì ấy nhỉ?”

“Công viên ạ”. Cô trả lời. “Em định làm về công viên Paraiso, và em đã thấy một khu vườn nhỏ xinh ở đó”.

Ông ta có vẻ sửng sốt. Ông ta khoanh tay lên màn hình máy tính. “Em bị ám ảnh điều gì ở công viên Paraiso? Nó đã cũ lắm rồi. Làm sao mà em biết đến nó?”

Cô nghiêng đầu về phía tấm áp phích trên tường. “Em lấy ý tưởng đó từ thầy, thưa giáo sư. Thầy và tấm áp phích của thầy”.

Ông ta quay cái ghế xoay lại để liếc nhìn bức tường. “Tôi đã treo nó ở đó lâu đến mức quên cả sự tồn tại của nó rồi. Tôi lớn lên gần công viên đó”. Ông ta giải thích. “Tôi có tấm áp phích này vào lễ hội thường niên lần thứ nhất. Mấy năm sau thì tôi chuyển đi”. Ông nhìn vào Lyra.

“Nó đã bị tàn phá chưa? Rồi đúng không?”

“Vâng ạ”.

Cô kể cho giáo sư nghe cô đã chụp hình những chiếc xe đi xả rác.

“Giờ em muốn bắt đầu làm phim về khu vườn phía bên kia đồi?”

“Thật ra em đã bắt đầu thực hiện rồi ạ. Em thay thẻ nhớ hằng ngày. Em chưa có có thời gian xem lại nó nhưng em nghĩ mình sẽ được thầy đồng ý phần thêm vào-“

“Ừ hứ, ừ hứ…”

Ôi, ông ta đang xoa cằm. Ông ta sẽ gạt phăng dự án của cô mất.

“Thú vị đấy”. Ông ta thừa nhận. “Em biết đấy, điểm số của em phụ thuộc vào bộ phim tài liệu. Em nộp nó đi rồi hẵng làm phim về khu vườn. Tôi chỉ sợ nó quá giống phim tài liệu của em thôi. Nó có cùng ý tưởng, cùng bố cục…nhưng tùy em. Chỉ cần làm xong cái này rồi mới chuyển sang cái khác là được”.

Lyra nghĩ về lời khuyên của Mahler khi cô rời văn phòng. Ông ta nói đúng. Cô cần hoàn thành dự án quan trong trước, nhưng đồng thời cô sẽ để máy ảnh ở công viên để nó tiếp tục chụp.

Chiều thứ 6, Lyra nghĩ cô có thể thoát được giờ cao điểm ở L.A, ít nhất là tới đường ranh giới hai bang, nhưng có 4 chiếc xe va nhau đồng nghĩa với việc cô phải đi đường vòng.

Trước đây cô đã đi con đường này, nó đi qua những khu dân cư đẹp nhất. Tốc độ cho phép ở đây thấp hơn nhưng cô không quan tâm. Hôm nay là một ngày đẹp trời và cô tận hưởng việc ngắm nhìn những bãi cỏ và sân vườn được cắt tỉa cẩn thận.

Cô đang lái tới Walnut thì thấy một tấm biển “Bán Đồ Cũ”.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN