Sói Thảo Nguyên
Chương 13
“Phải Pablo không?” tôi hỏi.
“Tôi chẳng là ai cả,” ông thân mật giải thích. “Ở đây chúng ta không mang tên, ở đây chúng ta chẳng là ai hết thảy. tôi là người chơi cờ vua. Ông muốn học về sự tạo dựng nhân cách à?”
“Vâng, thưa ông.”
“Vậy ông hãy vui lòng cho tôi sử dụng vài chục hình ảnh của ông đi.”
“Hình ảnh của tôi ư…?”
“Những hình ảnh mà ông đã thấy, cái gọi là nhân cách của mình tan thành ấy. Không có hình ảnh thì tôi không thể nào chơi được.”
Ông chìa ra trước mặt tôi một cái gương, tôi lại thấy trong đó cái cá nhân thống nhất của tôi vỡ tan thành nhiều Cái Tôi, dường như còn tăng hơn so với mới đây. Những hình ảnh này giờ đây nhỏ lắm, chỉ bé tựa quân cờ vua thông thường thôi. Với những ngón tay vững vàng và lặng lẽ người chơi cờ kia nhặt vài chục cái, đặt xuống sàn bên cạnh bàn cờ. Cùng lúc, ông ta nói đều đều như một người quen lặp lại một bài thuyết trình hay bài giảng:
“Ông không lạ gì cái quan niệm sai lầm, đưa đến bất hạnh rằng con người là một khối thống nhất trường tồn. Ông cũng biết rằng con người được cấu tạo từ một số linh hồn, từ rất nhiều bản ngã. Quan niệm về sự thống nhất bề ngoài của cá nhân phân tán ra thành nhiều hình dạng này bị coi là điên rồ; khoa học đặt cho nó cái tên ‘chứng tâm thần phân liệt’. Tất nhiên khoa học có lý, bao lâu nó cho rằng không thể kiềm chế một đám đông không được lãnh đạo, không có một trật tự và phân nhóm nhất định. Ngược lại nó sai lầm khi quan niệm chỉ có thể có một trật tự duy nhất, liên kết vĩnh viễn cho nhiều Cái Tôi bị phân tán nhỏ. Nhầm lẫn này của khoa học đã gây ra một số hậu quả đáng tiếc; nó chỉ được mỗi một việc là giúp cho các thầy cô và các nhà giáo dục của Nhà nước thấy công việc của họ đon giản đi và khỏi cần suy nghĩ cùng thử nghiệm. Do sai lầm này mà nhiều người điên khùng bất trị được xem là ‘bình thường’, thậm chí là thành phần cao quý trong xã hội, và ngược lại những thiên tài bị coi là điên rồ. Vì thế chúng tôi bổ khuyết môn tâm hồn học thiếu sót của khoa học bằng khái niệm mà chúng tôi gọi là nghệ thuật tạo dựng. Chúng tôi sẽ chỉ vẽ cho người đã trải nghiệm sự phân tán Cái Tôi của họ rằng bất kỳ lúc nào họ cũng có thể sắp xếp lại những mảnh của Cái Tôi này theo bất kỳ trật tự nào và bằng cách như thế đạt được tính muôn hình vạn trạng của trò đời. Giống như nhà thơ sáng tạo nên vở kịch từ một nhúm nhân vật, chúng tôi không ngừng dựng nên từ các hình thù bị tách ra của Cái Tôi những nhóm mới, với những trò chơi và những căng thẳng mới, với những hoàn cảnh luôn luôn mới. Ông xem này!”
Bằng những ngón tay khôn ngoan và lặng lẽ, ông nhặt những hình ảnh của tôi, tất cả những hình ảnh già lão, thanh niên, trẻ con, đàn bà, tất cả những hình ảnh vui tươi và rầu rĩ, khỏe mạnh và mảnh mai, linh lợi và vụng về, nhanh chóng xếp chúng trên bàn cờ thành ván cờ, trong dó chúng lập tức hình thành những phe nhóm, những gia đình, thành những trò chơi và những ẩu đả, thành những thân hữu và những kình địch, thành một thế giới nhỏ. Trước đôi mắt hân hoan của tôi, ông cho cái thế giới tí hon sinh động và rất thứ tự ấy hoạt động, chơi đùa và ẩu đả, thành lập liên minh và giao chiến, ve vãn, cưới hỏi, sinh con đẻ cái; đó quả thật là một vở kịch với đông đảo nhân vật, cảm động và hồi hộp.
Rồi ông, một nghệ sĩ cầu toàn, với dáng điệu vui vẻ, nhẹ nhàng gạt đổ các quân cờ, gom thành đống rồi trầm ngâm xếp cũng từ những quân cờ ấy một ván mới hoàn toàn, với những phe nhóm mới, những tương quan và liên hệ chằng chịt mới. Ván thứ hai này tương tự ván đầu: cũng thế giới ấy, tạo từ cùng chất liệu ấy, nhưng không khí toát ra khác, nhịp độ thay đổi, chủ đề được nhấn mạnh khác, hoàn cảnh dựng lên khác.
Và bằng cách ấy người công trình sư thông minh đã dựng từ những hình ảnh, mỗi cái là một phần của chính tôi, hết ván cờ này đến ván cờ khác. Những bàn cờ này hao hao nhau, rõ ràng tất cả thuộc về cùng một thế giới, gắn bó với cùng một nguồn gốc, nhưng lại hoàn toàn mói.
“Đấy là nghệ thuật sống,” ông nói như giảng bài. “Từ nay ông có thể tha hồ tự tiếp tục tạo dựng và làm sinh động ván cờ của cuộc đời ông, nó phức tạp hay phong phú là do ông quyết định. Tựa như sự điên rồ, trong một ý nghĩa cao, là khởi điểm của mọi sự thông tuệ, chứng tâm thần phân liệt là khởi điểm của mọi nghệ thuật, mọi tưởng tượng. Thậm chí các học giả cũng đã phần nào nhìn nhận điều này, như ta có thể tra cứu trong quyển Của ông hoàng Wunderhom[10] chẳng hạn, một tác phẩm thú vị, ở đấy công trình gian lao và cần cù của một học giả được cao thượng hóa nhờ sự cộng tác thiên tài của một số nghệ sĩ điên rồ bị nhốt trong các bệnh viện tâm thần. Đây, ông hãy cất những hình ảnh bé nhỏ này của ông đi, ván cờ sẽ còn thường làm cho ông vui thích. Cái quân cờ hôm nay lớn ngồng thành lão ba bị trong bàn cờ khiến ông mất vui, ngày mai sẽ bị ông giáng xuống thành một quân cờ phụ vô hai. Còn quân cờ bé bỏng đáng yêu khốn khổ dường như suốt một lúc lâu chỉ toàn gặp rủi ro và bất hạnh sẽ được ông cho làm công chúa trong ván sắp tới. Thưa ông, tôi chúc ông nhiều vui thú.”
[10] Hesse chơi chữ, đặt ra cái tên Prinz Wunderhorn (Ông hoàng Sừng nhiệm mầu) để giễu cợt một quyển sách xuất bản năm 1922 của nhà tâm lý học Prinzhorn (Ông hoàng Sừng!).
Tôi cúi rạp người tỏ lòng biết ơn trước bậc kỳ thủ tài ba này, rồi cất quân cờ vào túi và rút lui qua khung cửa hẹp.
Thật ra tôi định sẽ lập tức ngồi bệt xuống hành lang, chơi hàng giờ liền, chơi liên miên với những quân cờ này; nhưng vừa bước trở lại lối đi hình móng ngựa sáng choang của hí viện thì những dòng lưu chuyển mới, mạnh hơn tôi, đã kéo tôi đi. Một tấm bích chương sáng lóa trước mắt tôi:
Chuyện diệu kỳ trong việc huấn luyện sói thảo nguyên
Hàng chữ này dấy trong lòng tôi nhiều loại cảm giác; mọi sự sợ hãi và kiềm chế trở về từ cuộc đời đã qua của tôi và từ thực tại bị chối bỏ đã siết chặt trái tim tôi ghê gớm. Tôi mở cửa với bàn tay run rẩy rồi bước vào một gian hàng chợ phiên; tôi thấy ở đó dựng lên một tấm lưới sắt ngăn cách tôi với sân khấu bài trí sơ sài. Tôi thấy trên sân khấu một người dạy thú đang lớn tiếng có vẻ huênh hoang. Dù gã mang bộ ria to tướng, tay cuồn cuộn cơ bắp và y phục gánh xiếc đỏm dáng, trông gã giống tôi một cách xảo quyệt và hết sức đáng ghét. Gã đàn ông lực lưỡng này nắm dây dắt, như dắt chó, một con sói cao lớn, xinh đẹp, nhưng gầy đét, ánh mắt nô lệ nhút nhát, trông thật thảm hại! Rồi tôi coi, kinh tởm mà hồi hộp, ghét mà lại thích thú ngầm, gã dạy thú tàn bạo này trình diễn con vật dữ và quý, nhưng lại tuân phục hết sức nhục nhã, qua một loạt ngón nghề và những màn giật gân.
Dẫu sao người đàn ông này, gã song sinh khốn kiếp méo mó của tôi, đã thuần dưỡng được con sói của gã thật tuyệt vời. Con sói chăm chú tuân theo mọi mệnh lệnh, phản ứng hệt như chó trước mỗi tiếng gọi và tiếng roi vun vút; nó quỳ xuống, giả chết, ngồi bệt như người, ngoan ngoãn ngậm một ổ bánh mì, một quả trứng, một miếng thịt, một chiếc giỏi con, thậm chí dùng mõm ngậm cây roi gã kia đánh rơi, lại còn khúm núm ve vẩy đuôi trông chịu hết nổi. Đoạn người ta dẫn đến trước mặt nó một con thỏ, rồi một con cừu trắng; tuy sói ta nhe răng và nhỏ dãi run rẩy thèm khát, nhưng không hề động chạm đến con nào, mà tuân lệnh điệu nghệ phóng qua hai con vật đang khiếp đảm co rúm trên sàn, đúng thế, nó còn nằm xuống giữa thỏ và cừu quàng chân trước qua chúng, thành một hình ảnh gia đình đầy xúc động. Cùng lúc nó quỵ lụy ăn một phong sô cô la từ tay gã dạy thú. Quả là một cực hình khi chứng kiến con sói này học được cách chối bỏ bản tính của nó đến mức không tưởng tượng nổi và tôi đã kinh hoàng đến tóc tai dựng đứng.
Dẫu sao, trong phần thứ hai của buổi trình diễn, khán giả khích động đã được đền bù cho cực hình nọ, cũng như cho chính con sói. Bởi sau màn trình diễn thuần dưỡng thú vô cùng điệu nghệ kia và sau khi gã dạy thú mỉm nụ cười dễ thương, đắc thắng nghiêng người trên nhóm cừu và sói chào khán giả thì các vai diễn liền được hoán đổi. Gã dạy thú giống hệt Harry đột nhiên khom thấp, đặt roi xuống trước chân sói, rồi bắt đầu run rẩy, rúm người trông thảm hại y như con sói hồi nãy. Còn sói ta vừa cười vừa liếm mép, mọi gượng gạo và giả trá biến mất sạch. mắt nó rực sáng, thân thể nó trở nên rắn chấc và sinh động trong vẻ hoang dại vừa giành lại được.
Và bây giờ sói ta ra lệnh, con người phải vâng lời. Người quỳ gối theo mệnh lệnh, giả làm sói, thè dài lưỡi, dùng răng vàng cắn xé áo quần trên thân thể. Tùy theo con thú dạy người kia ra lệnh mà gã đi hay bò hoặc ngồi bệt xuống, giả chết, để sói cưỡi lên lưng và nhặt roi cho nó. Hệt như con chó đầy năng khiếu, gã tham gia với trí tưởng tượng phong phú mọi sự sỉ nhục và trò đồi bại. Một cô gái xinh lên sân khấu, lại gần gã người được thuần dưỡng vuốt cằm gã, cọ má vào má gã, song gã vẫn cứ đứng trên hai chân lẫn hai tay, vẫn làm con thú, lúc lắc cúi đầu, nhe răng với cô, cuối cùng đầy đe dọa hệt như sói, khiến cô gái phải bỏ chạy. Người ta để sô cô la trước mặt gã, nhưng gã chỉ khinh thị đánh hơi rồi đẩy ra. Sau cùng, hai con cừu trắng và thỏ đốm mập mạp lại được mang ra; gã người sáng dạ kia liền trổ hết tài ba đóng vai sói, với đầy hứng thú. Ngón tay gã bấu, răng gã ngoạm vào hai con thú bé bỏng đang ré lên, rứt da thịt chúng, vừa cưỡi vừa nhai sống, hăm hở uống máu nóng của chúng, mắt gã nhắm nghiền đầy khoái lạc.
Tôi kinh hoàng chạy ra ngoài. Hí viện ma thuật này, tôi đã thấy, không phải thiên đường thuần túy; ẩn dưới bộ mặt mỹ miều của nó là hết thảy địa ngục. Chúa ơi, ngay cả ở đây cũng không có giải thoát ư?
Tôi chạy tới chạy lui, đầy khiếp hãi, cảm thấy trong miệng tanh mùi máu và mùi sô cô la, mùi này kinh tởm y như mùi kia; khao khát thoát khỏi làn sóng ô trọc này nên tôi không ngớt nỗ lực để lòng mình có được những hình ảnh thân mật hơn, dễ chịu hơn. “Các bạn ơi, đừng có những giọng điệu ấy!”[11], tôi thầm nhủ và kinh hoàng nhớ lại những hình ảnh ghê tởm nơi mặt trận mà lúc chiến tranh người ta thỉnh thoảng được thấy, những xác người chồng chất quấn vào nhau, mặt nạ phòng hơi ngạt đã biến mặt họ thành những mặt quỷ cười trâng tráo. Ngày đó, tôi – một kẻ yêu thương đồng loại và có khuynh hướng phản chiến – đã ngu xuẩn và con nít biết bao, khi kinh hoàng trước những hình ảnh ấy! Nay tôi hiểu rằng không người huấn luyện thú nào, không viên bộ trưởng nào, không viên tướng nào, không kẻ điên rồ nào lại có thể ấp ủ trong đầu óc y những ý tưởng và hình ảnh kinh tởm, điên rồ và độc ác, thô bạo và ngu xuẩn mà bản thân tôi chưa từng có.
[11] Trước sự kiện không ít văn nghẹ sĩ và trí thức Đức (và Áo) đã hân hoan khi Thế chiến I bùng nổ vào tháng Tám năm 1914, tháng Mười một cùng năm Hesse đã gửi đăng trên một tờ báo Thụy Sĩ bài luận văn “Các bạn ơi, đừng nói những giọng điệu ấy” (O Freunde, nicht diese Töne!” kêu gọi giới trí thức Đức hãy vượt ra khỏi chủ nghĩa dân tộc và yêu nước hẹp hòi, vì “Tình thương cao cả hơn thù hận, cảm thông cao cả hơn giận dữ, hòa bình cao quý hơn chiến tranh.” Hesse liền bị báo chí Đức mạt sát, thậm chí chụp mũ “phản quốc” và không ít bạn bè xa lánh, khiến phải lấy bút hiệu Emil Sinclair cho quyển Demian (1919) nổi tiếng của mình. Thời Quốc xã, nhiều tác phẩm của ông bị cấm ở Đức và Áo (sau khi nước này bị sáp nhập vào Đức).
Thở dài nhẹ nhõm, tôi nhớ lại hàng chữ mà lúc mới bước chân vào hí viện đã trông thấy gã thiếu niên bảnh bao nọ cắm đầu cắm cổ chạy theo:
Mọi đàn bà, con gái đều là của bạn
và thấy rằng thật ra rốt cuộc chẳng có gì đáng ham muốn bằng điều ấy. Vui mừng vì đã lại thoát khỏi cái thế giới sói đáng nguyền rủa, tôi bước vào ngăn lô ấy.
Nơi đây, lạ kỳ thay – thật hoang đường đồng thời lại quá thân quen, khiến tôì rùng mình – mùi hương thuở thanh xuân, bầu không khí thời thơ ấu và trai trẻ của tôi, hắt ngược vào tôi và trong tim tôi lại cuồn cuộn dòng máu ngày xa xưa ấy. Nhưng điều tôi vừa mới làm, vừa mới suy nghĩ, và tôi vừa mới là gì, tất cả những điều ấy đều chìm lắng sau lưng tôi và tôi trẻ trung trở lại. Mới một giờ trước đây, mới khoảnh khắc trước đây tôi ngỡ mình biết khá rõ tình yêu, ham muốn, kháo khát là gì, nhưng đó là thứ tình yêu và kháo khát của một người đàn ông già. Giờ đây tôi đã trẻ trung trở lại và những gì tôi cảm thấy trong lòng mình – dòng lửa sôi sục đang cuồn cuộn chảy, nỗi nhớ nhung cuồng nhiệt đang lôi kéo, nỗi đam mê được thả lỏng như làn gió ấm tháng Ba – tất cả đều trẻ trung, mới mẻ và chân thật. Ôi, giờ đây ngọn lửa ngày trước bị lãng quên nay lại bùng cháy, những thanh âm ngày trước lại nghe mơ hồ rồi to dần, máu tôi đang bừng bừng nở hoa, tâm hồn tôi đang la hét và hát ca! Tôi là một thiếu niên, đâu chừng mười lăm hay mười sáu tuổi, đầu óc chỉ toàn những tiếng Latin với Hy Lạp cùng những câu thơ diễm tuyệt, tâm trí đầy những nỗ lực và tham vọng, toàn mơ những giấc mơ nghệ sĩ; nhưng sâu xa hơn, mãnh liệt hơn và đáng sợ hơn tất cả những ngọn lửa đang bừng cháy này là ngọn lửa của tình yêu, sự đói khát tình dục, sự dự cảm mỏi mòn của khoái lạc đang thiêu đốt và giày vò tôi.
Tôi đang đứng trên một trong những ngọn đồi cao nơi thành phố quê hương bé nhỏ của tôi. Trời thơm mùi gió ấm tháng Ba và những bông đổng thảo đầu mùa; dòng sông và các cửa sổ ngôi nhà của cha mẹ tôi dưới thành phố hắt nắng lên lấp loáng; màu sắc, thanh âm và hương thơm của tất cả mọi vật sao nồng nàn ngất ngây đến thế, mới mẻ và thấm đẫm sự tạo dựng đến thế, sâu đậm và rực rỡ đến thế, phấp phới trong nắng xuân siêu thực và rạng rỡ đến thế, giống như tôi đã nhìn thế giới trong những giờ phút viên mãn, đầy thi hứng thời mới lớn xa xưa. Tôi đứng trên đồi, gió lùa qua mái tóc dài, chìm đắm trong khao khát yêu đương mơ mộng; tay lơ đễnh ngắt một lá non nhú trên bụi cây vừa chớm trở lại xanh tươi, đưa lên nhìn và ngửi (chỉ mới ngửi mùi này thôi mà mọi chuyện ngày xưa đã lại ập về nóng bỏng trong tôi), rồi nghịch ngợm ngậm và nhấm chiếc lá non xanh lục ấy bằng đôi môi vẫn chưa từng hôn người con gái nào. Vị thơm nồng đắng khiến tôi đột nhiên thấu rõ điều mình đang trải nghiệm, rằng mọi chuyện đang trở lại đây rồi. Tôi sống lại một giờ của năm cuối cùng thời niên thiếu; vào một xế trưa Chủ nhật đầu xuân tôi gặp Rosa Kreisler trên con đường đi dạo đơn độc của tôi; tôi đã nhút nhát biết bao khi chào nàng và say đắm yêu nàng.
Ngày đó người con gái xinh xinh ấy một mình mơ mộng lên đồi nhưng chưa nhận ra tôi; lòng đầy thấp thỏm tôi thấy nàng tới gần, thấy mái tóc nàng tết thành bím dày, song hai bên má vẫn còn những lọn tóc xõa đùa trong gió. Tôi thấy, lần đầu tiên trong đời, cô bé mới xinh làm sao, gió vờn mái tóc mềm mại của nàng đẹp cứ như mơ, chiếc áo xanh mỏng thả chùng trên đôi chân trẻ trung của nàng mới duyên dáng và gợi khao khát làm sao; khi tôi trông thấy người con gái ấy, toàn thể mối linh cảm chết người về tình yêu đã tràn ngập tôi, mối linh cảm về đàn bà, mối linh cảm gây bàng hoàng về nhưng khả năng to lớn và những hứa hẹn, những vui suớng không tên, những bối rối, âu lo và đau khổ, sự giải thoát sâu sắc và tội lỗi thâm sâu, giống như vị đắng thơm tho của chiếc lá non nhai nát đã tẩm đẫm tôi hết thảy hân hoan ngọt ngào thấp thỏm và nỗi xao xuyến của mùa xuân. Ôi, vị đắng mùa xuân mới rát bỏng trên lưỡi tôi làm sao! Ôi, làn gió lùa qua những lọn tóc mơn man đôi má tươi hồng của nàng! Rồi khi đã đến gần tôi, nàng ngước lên, nhận ra tôi, nàng thoáng đỏ mặt một lúc và quay nhìn chỗ khác; rồi tôi ngả chiếc mũ đội vào buổi lễ kiên tín chào, Rosa trấn tĩnh lại ngay, mỉm nụ cười hơi có vẻ mệnh phụ chào lại, rồi ngẩng cao đầu, chậm rãi bước tiếp tự tin và kiêu hãnh, trong lúc tôi thầm gửi theo cả nghìn ước mơ, lời thỉnh cầu và lòng ngưỡng mộ quấn quýt quanh nàng.
Chuyện ngày ấy như thế đấy, vào một Chủ nhật cách đây ba mươi lăm năm và trong khoảnh khắc này tất cả mọi cảnh tượng ngày đó đã lại quay về: ngọn đồi và thành phố, gió tháng Ba và mùi chồi lá, Rosa và mái tóc nâu của nàng, niềm khao khát như ngọn triều dâng và nỗi lo âu nghẹt thở nhưng ngọt ngào. Tất cả vẫn như ngày xưa và dường như trong đời tôi không còn yêu ai như đã yêu Rosa ngày ấy. Nhưng lần này, tôi được dịp đón chào nàng khác lần trước. Thấy nàng đỏ mặt, cố che giấu thẹn thùng khi nhận ra tôi, tôi biết ngay nàng mến thương tôi và đối với nàng lần gặp gỡ này có tầm quan trọng giống như đối với tôi. Nên thay vì lại trịnh trọng ngả mũ đứng chờ nàng đi qua, lần này bất chấp sợ hãi và ngại ngùng, tôi đã làm điều mà dòng máu của tôi đòi hỏi, tôi gọi: “Rosa! May quá, em đã đến, cô bé đẹp xinh của anh ơi. Anh yêu em quá chừng.” Có lẽ như vậy là không thật văn hoa trong những điều có thể nói ra lúc ấy, nhưng cần gì văn hoa ở đây, thế là đủ lắm rồi. Rosa không làm ra vẻ mệnh phụ và cũng không đi tiếp, mà dừng lại đăm đăm nhìn tôi, mặt đỏ bừng hơn và nói: “Chào anh Harry, có thật anh thương em không?” Rồi đôi mắt nâu của nàng rạng rỡ trên khuôn mặt rắn rỏi và tôi cảm thảy cả quãng đời cùng những mối tình đã qua của tôi đều sai lầm, rắc rối và đầy những bất hạnh đáng tiếc kể từ giây phút tôi để vuột mất Rosa vào Chủ nhật ấy. Nhưng giờ đây lỗi lầm nọ đã chuộc xong, mọi chuyện đã trở nên khác hẳn, mọi chuyện đã trở nên tốt đẹp.
Chúng tôi nắm tay nhau, sóng vai chậm rãi bước tiếp, hạnh phúc khôn tả, cực kỳ bối rối, không biết nói gì, làm gì; để bớt lúng túng chúng tôi liền rảo bước và chạy nhanh hơn, cho đến lúc thở không ra hơi phải dừng lại, tay vẫn trong tay. Chúng tôi vẫn còn trẻ con, không biết rõ nên làm gì với nhau; Chủ nhật ấy tuy chưa dám trao nhau nụ hôn đầu, nhưng chúng tôi vô cùng hạnh phúc. Chúng tôi đứng thở, chúng tôi ngồi xuống cỏ và tôi vuốt ve bàn tay nàng, còn bàn tay kia của nàng thẹn thùng vuốt tóc tôi; rồi chúng tôi lại đứng lên, đo xem ai cao ai thấp; thật ra tôi cao hơn nàng quãng một đốt ngón tay, nhưng tôi không nhận, mà cả quyết hai đứa cao bằng nhau, rằng Chúa Trời yêu quý đã dành hai đứa cho nhau và sau này chúng tôi sẽ nên vợ nên chồng. Chợt Rosa bảo nàng ngửi thấy mùi hoa đổng thảo và chúng tôi quỳ trên lớp cỏ mùa xuân lúp xúp, tìm được vài bông cuống ngắn, tặng nhau; khi trời trở lạnh và nắng chếch trên sườn đá, Rosa bảo nàng phải về, hai đứa buồn não nuột, vì tôi không dám đi cùng với nàng, nhưng nay chúng tôi đã có chung một bí mật và đó là điều quý báu nhất. Tôi nán lại trên núi, ngửi bông đổng thảo của Rosa, rồi nằm sấp trên một khe đá, nhìn xuống thành phố dưới thung 1ũng sốt ruột ngóng chờ bóng dáng nhỏ bé thân yêu hiện ra ở đấy, đi ngang bờ giếng và chạy qua cầu. Lúc ấy tôi biết nàng đã về tới nhà và đi qua hết phòng này sang phòng khác, còn tôi nằm tận trên này, xa nàng, nhưng từ tôi đến với nàng có một sợi dây gắn bó, một dòng lưu chuyển và lất phất một bí mật nhỏ nhoi.
Suốt mùa xuân ấy chúng tôi đã gặp lại nhau, lúc chỗ này, khi chỗ nọ, trên sườn núi đá, bên những hàng giậu và khi hoa tử đinh hương chớm nở, chúng tôi rụt rè trao nhau nụ hôn đầu. Lũ trẻ chúng tôi chỉ có thể cho nhau rất ít thôi và nụ hôn ấy chưa cuồng nhiệt và trọn vẹn; tôi chỉ dám nhẹ nhàng vuốt ve những lọn tóc lòa xòa quanh tai nàng. Nhưng tất cả tình yêu và hạnh phúc mà chúng tôi có thể có được của chúng tôi; và với mỗi ve vuốt thẹn thùng, với mỗi lời yêu đương non nớt, với mỗi đợi chờ khắc khoải chúng tôi đều học được một hạnh phúc mới, chúng tôi đều leo được một nấc nho nhỏ trên chiếc thang tình yêu.
Tôi đã sống lại, bắt đầu với Rosa và những bông hoa đổng thảo, suốt cả cuộc đời tình ái của mình một lần nữa như thế, dưới những vì sao may mắn hơn. Rosa khuất dạng thì Irmgard xuất hiện và vầng dương trở nên nóng bỏng hơn, sao trời ngất ngây hơn, nhưng cả Rosa lẫn Irmgard đều không trở thành của tôi; tôi phải leo từng bậc, phải nếm trải nhiều, học hỏi nhiều, phải mất Irmgard lẫn cả Anna nữa. Tôi lại yêu từng cô gái tôi đã yêu thuở thanh xuân, nhưng nay tôi đủ khả năng truyền cảm hứng tình yêu cho từng người, tặng gì đấy cho từng người và nhận gì đấy của từng người, Những khao khát, những ước mơ và những khả năng trước kia chỉ sống trong tưởng tượng của tôi nay thành hiện thực và được trải nghiệm. Ôi, hết thảy những bông hoa xinh đẹp của ta, Ida và Lore, hết thảy những người ngày trước ta đã từng yêu suốt một mùa hè. một tháng, một ngày!
Tôi hiểu rằng giờ đây tôi là gã trai xinh tươi sôi nổi kia, cái gã hồi nãy tôi thấy hăm hở lao mình vào cánh cửa tình yêu, giờ đây tôi đang tận hưởng cái phần ấy của mình – cái phần chỉ đáng một phần mười, một phần nghìn bản chất và cuộc đời tôi – và để nó phát triển, vô tư lự trước mọi hình ảnh khác của Cái Tôi bản ngã, thanh thản trước nhà tư tưởng, không bị Sói Thảo Nguyên dằn vặt, kbị các nhà thơ, những kẻ huyễn tưởng và các bậc đạo đức gièm xiểm. Không, giờ đây tôi không là gì khác hơn một kẻ đang yêu, không thở hít hạnh phúc và đau khổ nào khác hơn hạnh phúc và đau khổ của ái tình. Irmgard đã dạy tôi khiêu vũ, Ida đã dạy tôi hôn và cô nàng xinh đẹp nhất, Emma, là người đầu tiên đã cho tôi hôn đôi vú nâu nâu của nàng và nhấp chén hoan lạc trong một buổi chiều thu, dưới tán lá cây dư lất phất.
Tôi đã trải nghiệm nhiều thứ trong h1i viện con con của Pablo và không thể diễn tả nổi lấy một phần nghìn. Tất cả những thiếu nữ tôi từng yêu nay đều là của tôi; mỗi người ban phát cho tôi điều chỉ riêng họ có để ban phát, còn tôi ban phát cho mỗi người điều chỉ riêng họ biết đón nhận từ tôi. Tôi đã được nếm nhiều tình yêu, nhiều hạnh phúc, nhiều hoan lạc, lẫn nhiều rối rắm và đau khổ; vào giờ phút mơ mộng này mọi mối tình dang dở của đời tôi đều bừng nở tuyệt diệu trong khu vườn tôi, những đóa hoa mảnh dẻ trinh bạch, những đóa hoa màu lửa sặc sỡ, những bông hoa thẫm mau tàn, hoan lạc bừng bừng, mộng mơ thầm kín, sầu muộn cháy bỏng, chết chóc kinh hoàng, tái sinh rạng rỡ. Tôi gặp những người đàn bà ta chỉ có thể chinh phục chớp nhoáng và ào ạt, ở những người khác ta được diễm phúc đeo đuổi lâu dài và thận trọng; mỗi góc tối nhập nhoạng của đời tôi – nơi xưa kia, dẫu chỉ trong một phút thôi, giọng nói của giới tính đã kêu gọi tôi, một ánh mắt đàn bà đã thiêu đốt tôi, một thoáng da con gái nõn nà đã khêu gợi tôi – lại hiện ra và tôi bắt lại được mọi điều từng bỏ lỡ. Người đàn bà nào cũng đều đã trở thành của tôi, mỗi nàng theo cách riêng của mình. Ở đấy có mặt người đàn bà với đôi mắt nâu sẫm lạ thường dưới mái tóc màu vàng sáng mà ngày trước tôi từng đứng cạnh suốt mười lăm phút bên cửa sổ trong hành lang một chuyến tàu tốc hành và sau đó nàng đã nhiều lần hiện ra trong những giấc mơ của tôi; nàng không nói một lời, nhưng đã dạy tôi những ngón yêu đương đáng sợ, chết người, không lường nổi. Và cô gái Trung Hoa mỡ màng, lặng lẽ, nụ cười đờ đẫn ở cảng Marseilles, với mái tóc mượt đen nhánh và đôi mắt ướt rượt, cả nàng cũng biết những điều kỳ lạ. Mỗi nàng đều có bí mật riêng, thơm mùi mảnh đất quê hương riêng; họ hôn, cười kiểu riêng, bẽn lẽn kiểu riêng, sỗ sàng kiểu riếng. Họ đến rồi đi, dòng đời đưa họ đến với tôi, cuốn tôi lại với họ, kéo tôi xa họ, như trẻ con bơi đùa trong dòng chảy của giới tính, đầy quyến rũ. đầy hỉểm nguy, đầy bất ngờ. Và tôi kinh ngạc thấy đời mình – đời sói thảo nguyên có vẻ khốn khổ và khô khan của tôi – lại giàu yêu đương say đắm, giàu cơ hội và giàu sự hấp dẫn biết bao. Tôi đã bỏ lỡ và trốn chạy hầu như tất cả, đã sa sầy vì chúng, đã vội vã quên chúng, nhưng chúng được tồn trữ hết cả nơi đây, đẩy đủ, hàng trăm cái. Và giờ đây tôi trông thấy chúng, đắm mình với chúng, đề chúng tha hồ muốn làm gì tùy ý, tôi chìm vào địa ngục chạng vạng tươi vui của chúng. Cả sự cám dỗ mà Pablo đã đề nghị với tôi ngày nọ cũng đã trở lại cùng những cám dỗ khác, trước nữa, mà mà bấy giờ tôi không thật hiểu được lấy một lần, những trò chơi kỳ quái tay ba. tay tư, chúng mỉm cười kéo tôi vào màn luân vũ của chúng. Nhiều chuyện đã xảy ra, nhiều trò đã được chơi, không diễn tả nổi bằng lời.
Từ trong cái dòng vô tận của những cám dỗ, tật xấu, vướng mắc ấy tôi lại trồi lên, kín đáo, lặng lẽ, sẵn sàng, hiểu biết đầy đủ, sáng suốt, từng trải, đủ chín chắn cho Hermine. Nàng – khuôn mặt cuối cùng trong truyện thần thoại với cả nghìn nhân vật của tôi, cái tên cuối cùng trong loạt tên dài vô tận – xuất hiện, cùng lúc tôi sực tỉnh và chấm dứt chuyện tình ái hoang đường của mình, vì tôi không muốn gặp lại nàng ở đây trong cảnh tranh tối, tranh sáng của một tấm gương ảo thuật; không chỉ quân cờ nọ trên bàn cờ của tôi mới thuộc về nàng, mà toàn bộ gã Harry. A, bây giờ tôi sẽ biến đổi ván cờ của mình để tất cả đều tập trung vào nàng và trở thành hiện thực.
Dòng lưu chuyển đã đẩy tôi dạt vào đất liền, tôi lại đứng trong hành lang im ắng trước các ngăn lô của hí viện. Làm gì bây giờ đây? Tôi đưa tay nắn các quân cờ trong túi, nhưng lại bỏ ngay ý định này. Quanh tôi là thế giới vô tận của các cánh cửa, của các hàng chữ, của những tấm gương ma thuật. Tôi thờ ơ đọc hàng chữ gần nhất:
Làm cách nào giết người bằng tình yêu
mà rùng mình. Một hình ảnh vụt lóe lên gợi tôi nhớ lại trong tích tắc: chúng tôi đang ngồi trong nhà hàng, đột nhiên Hermine ngừng ăn uống, đắm chìm vào một cuộc trò chuyện bì hiểm; ánh mắt nàng cực kỳ nghiêm trang, khi bảo rằng nàng sẽ chỉ làm cho tôi sya mê để được giết bởi tay tôi. Một con sóng dữ của lo sợ và bóng tối tràn ngập hồn tôi, đột nhiên mọi sự lại thể hiện trước mặt tôi, đột nhiên tôi lại cảm thấy trong thâm tâm sự khổn quẫn và định mệnh. Tôi tuyệt vọng thọc tay vào túi áo móc quân cờ, để làm chút trò ảo thuật và sắp xếp lại trật tự trên bàn cờ của mình. Nhưng trong túi không còn quân cờ nào nữa. Thay vì quân cờ, tôi rút ra một con dao. Sợ hết vía, tôi chạy xuyên hành lang, qua các cánh cửa, rồi đột nhiên đứng trước tấm gương khổng lồ nọ, nhìn vào đấy. Trong gương có một con sói khổng lồ xinh đẹp, cao cỡ tôi, nó đứng im, đôi mắt lo lắng ánh lên vẻ rụt rè. Nó bừng bừng, nhấp nháy nhìn tôi, khẽ cười khiến hai mép hơi hở ra một lúc, lộ cái lưỡi đỏ lòm.
Pablo đâu rồi? Hermine đâu rồi? Cái gã thông thái giỏi tán huyên thuyên về tạo dựng nhân cách đâu rồi?
Tôi nhìn vào gương lần nữa. Hóa ra tôi vừa mới điên. Bây giờ chẳng thấy con sói nào đứng sau tấm gương cao, đảo lưỡi trong mõm cả. Trong gương chỉ có tôi, chỉ có Harry đang đứng, mặt mũi thê lương, bị mọi trò chơi bỏ rơi, mệt mỏi vì những thói hư tật xấu, nhợt nhạt một cách gớm ghiếc, nhưng dẫu sao vẫn là một con người, dẫu sao vẫn là ai đấy mà ta có thể trò chuyện được.
“Harry,” tôi nói, “mi làm gì trong đấy thế?”
“Chẳng làm gì hết,” gã trong gương đáp, “ta chờ đợi thôi. Ta chờ cái chết.”
“Thế thì cái chết đang ở đâu?” tôi hỏi.
“Nó đang đến kìa,” gã đáp. Và tôi nghe thấy từ những căn phòng trống trơ bên trong hí viện vang lên một điệu nhạc, tuyệt vời nhưng khủng khiếp, từ vở Don Juan[12], một điệu nhạc đệm cho sự xuất hiện của người khách nhẫn tâm. Những thanh âm lạnh như băng vang dội qua ngôi nhà ma quái; chúng đến từ cõi bên kia, cõi của những người bất tử.
[12] Don Juan (hay Don Giovanni): vở nhạc kịch nổi tiếng của Mozart
“Mozart!” tôi thầm nghĩ và bằng cách đó thành kính khẩn cầu những hình ảnh thân yêu nhất và cáo quý nhất trong đời sống nội tâm của tôi.
Sau lưng tôi liền vang lêm một tiếng cười rộ, trong trẻo và lạnh giá, đến từ thế giới bên kia, một thế giới mà nhân gian chưa hề nghe nói tới, được những người từng hứng chịu khổ đau và tính hài hước của thần thánh tạo nên. Tôi quay ngoắt lại, toàn thân thể đông cứng và lâng lâng hạnh phúc bởi tiếng cười này. Mozart đang đi tới, ông vừa cười vừa đi qua trước mặt tôi, thản nhiên thong thả tiến lại một trong những cửa ngăn lộ, mở ra, bước vào và tôi hau háu đi theo ông, vị thần thời thanh xuân của tôi, đối tượng trọn đời của tình yêu và lòng ngưỡng mộ của tôi. Điệu nhạc vẫn tiếp tục ngân vang. Mozart đứng lại bao lơn ngăn lô; chẳng thấy chút gí của hí viện, bóng tối đã ngập tràn không gian mênh mông.
“Ông thấy đấy,” Mozart nói, “không có kèn saxophone bản nhạc này nghe cũng vẫn được. Tôi không có ý chê thứ nhạc cụ tuyệt vời ấy đâu nhé.”
“Chúng ta đang ở đâu vậy ạ?” tôi hỏi.
“Chúng ta đang ở hồi cuối của vở Don Giovanni, Leporello đã quỳ xuống rồi. Một màn tuyệt diệu, cả âm nhạc nghe cũng hay ho, thế đấy. Tuy nó vẫn còn chứa đựng bao thứ rất con người, nhưng từ đó người ta vẫn cảm nhận được cõi bên kia, cái tiếng cười ấy mà-nhỉ?”
“Đó là thứ âm nhạc vĩ đại cuối cùng đã được sáng tác,” tôi trịnh trọng nói như một nhà giáo. “Tất nhiên, còn có Schubert, còn có Hugo Wolf và tôi cũng không được phép quên Chopin[13] xuất sắc đáng thương. Cụ nhăn mặt, à vâng, thưa Maestro[14], có cả Beethoven nữa, ông ấy cũng tuyệt vời chứ. Nhưng tất cả những âm nhạc này, dù hay đến mấy, cũng hàm chứa gì đấy chưa thật hoàn hảo, hàm chứa sự bắt đầu tàn lụi. Sau vở Don Giovanni, chẳng còn ai tạo ra nổi một tác phẩm hoàn hảo như khuôn đúc nữa.”
[13] Schubert, Wolf, Chopin, Brahms, Wagner: một số nhạc sĩ cổ điển Đức, Áo, Ba Lan.
[14] Maestro (tiếng Ý trong nguyên bản): Thầy – thường được dùng khi tỏ ý kính trọng hoặc đùa vui.
“Ông chẳng nên quá nhọc công khen ngợi,” Mozart cười đầy giễu cợt. “Hẳn ông cũng là nhạc sĩ? Chà, tôi đã giải nghệ, đã về vườn rồi. Chỉ thỉnh thoảng xem họ sinh hoạt cho vui thôi.”
Ông giơ cao hai tay như đang điều khiển dàn nhạc; đâu đấy trên bầu trời có mặt trăng hay một vì sao mờ xuất hiện; tôi nhìn qua bao lơn xuống không gian thăm thẳm, giăng bủa mây mù, mờ mờ núi non sông biển, bên dưới chúng tôi mênh mông một đồng bằng tựa sa mạc. Chúng tôi thấy trong đồng bằng ấy một ông già dáng dấp khả kính, râu dài, mặt mũi u sầu dẫn đầu một đoàn khổng lồ độ vài vạn dặm đàn ông y phục màu đen. Ông ta trông ủ đột và tuyệt vọng. Mozart bảo tôi:
“Ông nhìn kìa, Brashms đấy. Ông ta cố tìm kiếm sự giải thoát, nhưng còn phải chờ khá lâu nữa.”
Mozart cho tôi biết rằng hết thảy hàng nghìn kẻ vận đồ đen kia, theo phán quyết của thần thánh, đều là những người đã chơi những nốt nhạc thừa trong các nhạc phổ liên hiệp của Brahms.
“Quá nhiều hòa âm, qua phung phí chất liệu,” Mozart gật đầu.
Ngay sau đó chúng tôi thấy Richard Wagner dẫn đầu một đạo quân đông không kém và cảm thấy ông đã bị họ trì kéo ra sao, vì chính ông cũng mệt nhọc lê những bược chân của kẻ đầy cam chịu.
“Thời tôi còn trẻ,” tôi buồn bã nhận xét, “hai nhạc sĩ này được xem là tương phản nhất.”
Mozart cười.
“Phải, xưa nay đều thế cả. Nhìn từ một khoảng cách nào đấy, sẽ thấy rằng những tương phản này luôn trở nên giống nhau hơn. Vả chăng, việc hòa âm thừa thãi này không phải là lỗi của cá nhân Wagner hay Brahms, mà một nhầm lẫn của thời đại họ.”
“Sao ạ? Và vì vậy mà nay họa phải chuộc tội nặng đến thế ư?” tôi lớn tiếng kết án.
“Tất nhiên. Đó là thứ tự theo đúng thủ tục mà. Chỉ sau khi họ trả hết món nợ của thời đại họ rồi thì mới biết cá nhân họ còn nợ bao nhiều và có đáng phải trả hay không.”
“Nhưng cả hai người này đâu thể chịu trách nhiệm về chuyện đó được!”
“Tất nhiên là không. Họ cũng đâu chịu trách nhiệm về chuyện ông Adam ăn quả táo, thế nhưng họ vẫn cứ phải chuộc tội[15].”
[15] Trong Cựu ước: theo sách Sáng thế thì tổ tiên loài người là Adam và Eva bị quỷ dụ dỗ, đã cãi lời căn dặn của Chúa Trời, ăn trái cấm nên con cháu đời đời mang tội tổ tông ngay từ lúc lọt lòng và bị liên đới trừng phạt.
“Khủng khiếp quá.”
“Đương nhiên, cuộc đời luôn khủng khiếp mà. Chúng ta không thể làm gì khác, nhưng vẫn cứ phải chịu trách nhiệm. Người ta sinh ra là đã mang sẵn tội lỗi rồi. Nếu ông không biết điều này thì hẳn ông đã được học thứ giáo lý kỳ quái.”
Tôi chán chường quá. Tôi nhìn thấy chính tôi, một kẻ hành hương mệt lả, lê lết qua sa mạc của thế giới bên kia, vác đầy những quyển sách vô dụng mình đã viết, những bài luận thuyết, những chuyện đăng báo nhiều ký, theo sau là đội quân sắp chữ đã lên khuôn những thứ ấy và đội quân độc giả, những người đã phải nuốt hết thảy mọi thứ này. Chúa ơi! Ngoài ra còn Adam với quả táo và đủ mọi tội tổ tông khác nữa. Phải chuộc tội hết, nghĩa là tôi sẽ phải ở trong luyện ngục đời đời kiếp kiếp; chỉ sau đó mới nảy sinh câu hỏi không biết phía sau tất cả những điều này có còn chút gì cá nhân, chút gì riêng tư chăng, hay mọi việc tôi làm cùng các hậu quả của chúng chỉ như bọt nước rỗng tuếch trên biển cả, là trò đùa vô nghĩa trong dòng sự kiện.
Thấy tôi đờ mặt, Mozart cười ồ. Rồi ông vừa nhảy cẫng lên, hai chân đập vào nhau như một nốt nhạc láy, vừa quát: “Ê, nhóc con, á khẩu rồi a, nghẹt thở rồi à? Chú mày đang nghĩ đến độc giả, đến lũ xỏ lá, đến đám giả trá? đến bọn sắp chữ, đến bọn dị giáo thú dữ, đến bọn xúc xiểm khốn nạn, đến bọn mài gươm hại bạn? Thật khôi hài, chú mày cóc có tài, chỉ bốc phét, miệng cứ luôn quang quác! Chú mày đùa nhảm nhí, chú mày châm chọc, nhưng chú mày chỉ là thằng ngốc. Chúa đã ban lệnh, chú mày sẽ bị quỷ trừng phạt, vì chú mày viết lách dở òm, toàn ba đía, ba sám, chỉ ‘đạo văn’ là nhất!”
Thật quá đáng! Cơn giận dữ khiến tôi quên phắt u sầu. Tôi chụp bím tóc của Mozart, ông ta bắn tung lên trời, bím tóc cứ dài thêm, dài thêm, tựa đuôi sao chổi và tôi bị xoay tít trong vũ trụ. Mẹ kiếp, thế giới này lạnh khiếp! Những người bất tử này chịu nổi một bầu không khí giá lạnh và loãng ghê gớm. Nhưng bầu không khí lạnh giá này thật thú vị, tôi còn cảm thấy như thế trong khoảnh khắc ngắn ngủi nọ, trước khi bất tỉnh. Một niềm hân hoan, một ham muốn giá băng, sắc buốt, ngời như thép xuyên qua tôi, tôi khao khát cười, cũng trong trẻo, dữ dội và siêu phàm như Mozart đã cười. Nhưng rồi tôi ngộp thở và ngất đi.
Tôi hồi tỉnh, hoang mang và mệt lả. Làn ánh sáng trắng nơi hành lang phản chiếu trên mặt sàn bóng láng. Tôi không, tôi chưa ở giữa những người bất tử. Tôi vẫn còn ở thế giới bên này, thế giời của những điều bí ẩn, khổ đau, những sói thảo nguyên, những rối rắm đầy dằn vặt. Đây không phải là nơi đất lành, là chốn dung thân được. Phải chấm dứt! Harry đang đứng đối diện tôi trong tấm gương lớn sát tường. Hắn trông không được vui, chẳng khác buổi tối nọ bao nhiêu, sau chuyến viếng thăm ông giáo sư và ghé quán Đại Bàng Đen nhìn người ta khiêu vũ. Nhưng chuyện này qua lâu lắm rồi, đã nhiều năm, nhiều thế kỷ. Harry đã già đi; hắn đã học khiêu vũ, đã đến coi Hí viện ma thuật, đã nghe Mozart cười, đã không còn sợ những buổi khiêu vũ, những người đàn bà, những con dao nữa. Được trải đời đôi ba thế kỷ thì một kẻ tầm thường cũng thành chín chắn. Tôi ngắm nhìn Harry trong gương thật lâu: tôi vẫn còn biết rõ hắn mà, hắn vẫn hao hao giống gã Harry mười lăm tuổi đã gặp Rosa trên sườn núi đá vào ngày Chủ Nhật tháng Ba và đã ngả chiếc mũi đội nhân dịp lễ kiên tín để chào nàng. Thế nhưng từ đó hắn đã già đi vài trăm tuổi, đã theo đòi âm nhạc cùng triết lý rồi chán ngấy, đã nhậu vang Alsace trong quán Mũ Sắt và bàn luận với những học giả hồn hậu về Krishna, đã yêu Erika và Maria, đã thành bạn trai của Hermine, đã nã đạn vào ô tô và đã ngủ với cô gái Trung Hoa mỡ màng, đã gặp được Goethe với Mozart, đã xé toạc nhiều lỗ hổng trong tấm lưới thời gian và thực tại ảo mà hắn còn bị giam hãm trong đó. Dù đã mất những quân cờ xinh xinh, nhưng hắn vẫn còn một con dao sắc trong túi áo. Tiến lên, hỡi Harry già nua, hỡi lão già mệt mỏi!
Mẹ kiếp! Cuộc đời mới cay đắng làm sao! Tôi nhổ nước bọt vào Harry trong gương, tôi đạp vào hắn và giẫm nát hắn. Tôi chậm chạp bước qua hành lang vang vọng âm thanh, chăm chú nhìn những cánh cửa đã hứa hẹn biết bao điều thú vị: không cánh cửa nào còn mang một hàng chữ! Tôi chậm rãi bước qua cả trăm cánh cửa của Hí viện ma thuật. Không phải tối nay tôi đã dự một dạ vũ hóa trang sao? Từ đó đến nay đã trăm năm trôi qua rồi. Chẳng bao lâu sẽ chẳng còn năm với tháng nữa. Nhưng hãy còn chút việc cần làm. Hermine vẫn đang đợi. Sẽ là một đám cưới kỳ quái. Tôi bơi bừa đi trong một làn sóng u sầu, bị cuốn trong cơn sóng buồn thảm, tôi, một kẻ nô lệ, một con sói thảo nguyên. Bố khỉ!
Tôi dừng lại trước cánh cửa cuối cùng. Cơn sóng u sầu đã lôi tôi đến đấy. Ôi Rosa, ôi thời thanh xuân xa hút, ôi Goethe và Mozart!
Tôi mở cửa. Cảnh tượng phía sau đơn giản mà đẹp đẽ. Tôi thấy hai người lõa lồ nằm trên thảm, Hermine đẹp gái và Pablo điển trai, kề bên nhau, mê mệt ngủ, kiệt sức sau trò ân ái, thứ trò chơi dường như không thể làm thỏa mãn nhưng lại khiến nhanh chóng chán chê. Đẹp, những con người rất đẹp, hình ảnh thật đẹp, những thân thể tuyệt vời. Dưới ngực trái Hermine có một vệt tròn, mới rành rành, bầm tím, dấu Pablo cắn yêu với hàm răng đẹp lóng lánh. Tôi thọc dao vào ngay vết cắn, lút tới cán. Máu tuôn trên làn da trắng mịn của Hermine. Lẽ ra tôi đã hôn sạch vệt máu ấy, nếu mọi sự trước đó khác đôi chút. Giờ đây tôi đã không làm như thế; tôi chỉ nhìn máu chảy, nhìn mắt nàng mở ea một lúc, đầy đau đớn, đá đỗi kinh ngạc. Sao nàng kinh ngạc nhỉ?” tôi tự hỏi. Rồi tôi nghĩ phải vuốt mắt cho nàng. Nhưng chúng đã tự khép lại rồi. Thế là xong. Nàng chỉ hơi nghiêng người qua một bên; tôi thấy từ nách đến ngực nàng chập chờn một vệt tối mềm mại như muốn nhắc tôi nhớ lại chuyện gì đấy. Quên mất rồi! Rồi nàng nằm im lìm.
Tôi ngắm nhìn nàng thật lâu. Cuối cùng tôi rùng mình như vừa thức giấc và dợm bỏ đi. Đún lúc ấy tôi thấy Pablo ưỡn người, mở mắt, duỗi chân tay, thấy anh cúi xuống cô gái xinh đẹp đã chết và mỉm cười. Anh chàng này chẳng bao giờ nghiêm trang nổi, tôi nghĩ, chuyện gì cũng khiến anh cười được. Pablo khẽ khàng lật một góc thảm, phủ kín ngực Hermine, để không còn thấy vết thương nữa, rồi đi êm như ru ra khỏi ngăn lô. Anh ta đi đâu? Hết cả bọn họ đã bỏ rơi tôi ư? Tôi nán lại, một mình với người chết được che đậy sơ sài, người tôi từng yêu và ganh tị. Lọn tóc xoăn kiểu con trai lòa xòa trên vầng trán tái nhợt của nàng, đôi môi đỏ chót hé mở trên khuôn mặt trắng bệch, tóc nàng thoang thoảng thơm và hơi để lộ vành tai nho nhỏ, xinh xinh, óng ánh.
Giờ đây nàng đã toại nguyện. Tôi đã giết người mình yêu, trước khi nàng hoàn toàn là của tôi. Tôi đã làm điều không tưởng tượng nổi và giờ đây tôi quỳ, mắt trừng trừng nhìn và không rõ điều mình đã làm ấy có ý nghĩ gì, không hề biết nó tốt và đúng đắn hay ngược lại. Gã chơi cờ khôn ngoan nọ sẽ nói gì về chuyện này, Pablo sẽ nói gì về chuyện này? Tôi hoàn toàn không biết, tôi không thể nghĩ ngợi gì. Đôi môi tô son càng lúc càng rực đỏ trên khuôn mặt đã tàn sinh khí. Cả cuộc đời tôi giống như thế, chút hạnh phúc cỏn con và tình yêu của tôi cũng giống đôi môi khô cứng này: một chút màu hồng tô trên mặt người chết.
Và từ khuôn mặt chết chóc ấy, từ đôi bờ vai chết chóc ấy, từ đôi cánh tay nõn nà chết chóc tỏa ra, len lén, một cơn rùng mình, một sự hoang vu và quạnh quẽ của mùa đông, một cơn giá buốt dần dần, khiến hai bàn tay và môi tôi từ từ cứng đời. Tôi đã dập tắt mặt trời rồi ư? Tôi đã giết chết trái tim của mọi cuộc sống rồi ư? Khí lạnh chết người của vũ trụ đã ập vào rồi ư?
Tôi rùng mình nhìn trân trối vầng trán đã lạnh như băng, nhìn lọn tóc cứng đờ, nhìn sắc lóng lánh lạnh lẽo nhợt nhạt của vành tai. Giá lạnh từ chúng tỏa ra làm chết người được nhưng vẫn đẹp: nó ngân vang, nó rung động tuyệt vời, nó là âm nhạc!
Há không phải ngày trước, thuở xa xôi, tôi từng có lần cảm thấy sự ớn lạnh đồng thời có gì đấy như thể hạnh phúc này ư? Há không phải tôi đã từng có lần nghe thấy điệu nhạc này ư? Đúng, ở Mozart, nơi những người bất tử.
Tôi sực nhớ những vần thơ đã tìm thấy ở đâu đấy, thuở xa xôi ngày trước:
Chúng ta, ngược lại, đã ngự
Trong giá băng rực rỡ sao trời trên Thượng giới,
Chúng ta không cần biết đến tháng ngày, giờ giấc
Không phân chia nam nữ, trẻ già…
Kiếp trường sinh của chúng ta lạnh lẽo và bất biến,
Tiếng cười vĩnh cửu của chúng ta lạnh lẽo và sáng rực ánh sao…
Đúng lúc ấy cửa ngăn lô vụt mở và Mozart – nhìn mãi tôi mới nhận ra ông – bước vào, không bím tóc, không quần ống lửng với giày cài móc khoen, mà ăn vận tân thời[16]. Ông ngồi xuống sát cạnh tôi, suýt nữa tôi đã đưa tay cản, để ông khỏi bị vấy máu đang từ ngực Hermine rỉ xuống sàn. Ông ngồi xuống, chăm chú mầy mò vài thứ mày móc cùng dụng cụ nhỏ nhỏ lăn lóc ở đấy. Rất nghiêm túc, ông chỉnh chỗ này, vặn ốc chỗ nọ và tôi thán phục nhìn những ngón tay nhanh nhẹn, khéo léo của ông, những ngón tay mà tôi ao ước được một lần nhìn thấy lướt trên phím dương cầm. Tôi tư lự nhìn ông làm việc, đúng ra không phải tư lự, mà mơ màng và đắm chìm khi nhìn đôi bàn tay thon thả, khôn khéo của ông, cảm thấy lòng ấm lại do sự gần gủi của ông, song cũng lo lo thế nào đấy. Còn thật sự ông đang làm gì, đang vặn ốc cho cái gì và thao tác gì tôi chẳng hề để ý tới.
[16] Vào thế kỷ 18, 19 đàn ông quý tộc, thượng lưu châu Âu có mốt đội tóc giả tết bím như đuôi sam, ống quần chỉ dài qua đầu gối khoảng mười phân, thắt chẽn, vớ dài và đi giày cài móc khoen (chỉ đàn ông bình dân mới mặc quần ống dài như ngày nay).
Nhưng rồi tôi thấy đó là một cái radio mà ông đã lắp ráp và cho chạy. Ông gắn loa vào rồi nói: “Quý vị đang nghe đài Munich, bản Converto grosso in F-Dur[17] của Händel.”
[17] Bản concerto âm Fa trưởng cho nhiều nhạc cụ độc tấu và cho cả dàn nhạc.
Quả thật, trước sự sửng sốt và kinh hoàng khôn tả của tôi, cái loa bằng thiếc liền ọe ngay ra thứ hổ lốn dãi với bã kẹo cao su, mà những sở hữu chủ máy hát cùng những người thuê dài hạn[18] radio đồng lòng gọi đó là âm nhạc – và quả thật ta nhận ra đằng sau đống bầy nhầy bẩn thỉu và khọt khẹt đó, tựa như đằng sau lớp bụi dày cộm, ẩn tàng một bức tranh cổ quý giá, cái cấu trúc cao nhã của âm nhạc thần thánh, cái kết cấu có vương giả, cái hơi thở bao la mát mẻ, cái âm thanh tròn đầy của tiếng đàn dây.
[18] Có lẽ ngay từ thời đó người dân phương Tây đã phải trả tiền cho Đài phát thanh mới được nghe radio.
“Chúa ơi,” tôi hốt hoảng kêu lớn, “cụ làm gì thế, hở cụ Mozart?” Chẳng lẽ cụ thật sự bắt chính cụ và tôi phải chịu đựng thứ tồi tệ này ư? Chẳng lẽ cụ thật sự định tống cho chúng tôi cái máy ghê tởm này, thứ thành công rực rỡ, thứ vũ khí mới nhất đầy chiến thắng của thời đại chúng tôi trong cuộc chiến đấu hủy diệt nghệ thuật? Tới mức ấy rồi sao, thưa cụ Mozart?”
Ôi chao, con người kỳ dị ấy cười, tiếng cười lạnh lẽo và ma quái làm sao, nó câm lặng nhưng hủy hoại tất cả! Ông vừa siết con ốc chết bầm, chỉnh lại loa thiếc, vừa thú vị quan sát nỗi thống khổ của tôi. Ông vừa cười vừa để thứ âm nhạc quái đản, không hồn và nhiễm độc ấy tiếp tục tuôn chảy vào phòng, vừa cười vừa trả lời tôi.
“Ông hàng xóm ơi, đừng thống thiết thế! Nhân tiện xin hỏi ông có để ý đến nhịp điệu chậm dần của khúc nhạc này không? Một ngẫu hứng, nhỉ? Đúng thế, và bây giờ ông, một người nôn nóng, hãy cứ để những ý tưởng của nhịp điệu chậm dần này thấm vào mình xem – ông nghe những âm trầm chứ? chúng gầm gào như thần thánh – và ông hãy để ngẫu hứng này của lão già Händel thấm vào trái tim bất ổn của ông, cho nó bình thản lại! Đừng thống thiết và giễu cợt, mà hãy nghe đi, ông bạn đáng thương ơi; phía sau tấm màn quả thật ngu xuẩn hết chỗ nói của cái máy lố lăng này có bóng dáng xa xôi của thứ âm nhạc thần thánh ấy thấp thoáng bước dạo qua! Hãy lắng nghe và ông sẽ học được chút gì đấy. Hãy lưu ý xem cái ống điên rồ phát ra thứ âm thanh này dường như đang làm cái việc ngu xuẩn nhất, vô dụng nhất và không thể chấp nhận nhất thế gian như thế nào; nó ngu xuẩn và thô lỗ phóng bừa thứ âm nhạc được chơi ở đâu đây, lại còn bị bóp méo thảm hại nữa chứ, vào một gian phòng chẳng liên quan gì với nó – tuy thế nó vẫn không hủy diệt nổi cái hồn nguyên thủy của âm nhạc, mà chỉ càng lộ rõ nó đã được nặn ra vô duyên nhạt nhẽo với kỹ thuật nghèo nàn! Hãy lắng nghe này, ông bạn, nó có ích cho ông đấy! Dỏng tai lên nào! Thế. Và bây giờ ông không chỉ nghe một Händel, tuy bị bóp méo thô bạo qua radio mà vẫn rất thần thánh. Thưa ông bạn qúy, ông đồng thời nghe và thấy một biểu tượng tuyệt vời của toàn thể sự tồn tại. Khi lắng nghe radio, ông nghe và thấy cuộc chiến đấu không ngừng từ nguyên thủy cho đến nay giữa ý tưởng và hiện tuợng, giữa vĩnh cửu và thời gian, giữa thần thánh và con người. Hệt như thế, thưa ông bạn, chiếc radio truyền tùy tiện thứ âm nhạc tuyệt diệu của thế gian suốt mười phút vào những không gian rất không thích hợp, vào những phòng trưởng giả và những gác xép, vào giữa những người đặt mua dài hạn đang tán gẫu, ăn nhậu, ngáp dài và đang ngủ, cũng giống như radio tước mất của âm nhạc vẻ đẹp nhục cảm; nó làm hồng, làm trầy trụa và làm nhơ bẩn âm nhạc, nhưng vẫn không giết nổi hoàn toàn cái hồn của âm nhạc – hệt như cuộc đời, cái gọi là thực tại, phung phí trò chơi hình ảnh tuyệt vời của thế giới ảnh đảo điên hỗn loạn, nó để cho bản nhạc của Händel được tiếp nối bằng một bài thuyết trình về cách thức lập bản kết toán mập mờ trong một xí nghiệp bậc trung, nó biến thành âm thanh tuyệt vời của dàn nhạc thành một đống tạp âm bầy nhầy; nó nhét kỹ thuật của nó, sự năng nổ của nó, nhu cầu tự nhiên đáng tởm cùng sự hợm hĩnh của nó vào mọi nơi mọi chỗ giữa ý tưởng và thực tại, giữa dàn nhạc và cái tai. Cả cuộc đời là như thế đấy, chú bé ơi, hãy mặc xác nó và nếu chúng ta không phải là lũ lừa thì nên cười thêm vào. Những người thuộc loại ông hoàn toàn không có quyền phê phán radio hay cuộc sống. Tốt hơn ông hãy học lắng nghe trước đã! Hãy học có thái độ nghiêm trang với những gì đáng nghiêm trang và cười vào những thứ còn lại! Hay ông bạn đã hành xử tốt hơn, khôn ngoan hơn, ý vị hơn? Không đâu, Monsieur Harry, ông đã không làm thế. Ông đã biến từ cuộc đời ông thành một chuyện bệnh hoạn kinh tởm, biến năng khiếu của ông thành nỗi bát hạnh. Và theo tôi thấy, ông chẳng biết làm gì khác với một cô gái xinh đẹp như thế kia, mê hồn như thế kia hơn là đâm vào thân thể nàng và hủy diệt nàng! Ông cho như thế là đúng sao?”
“Đúng à?” Ồ, không!” tôi tuyệt vọng kêu lên. “Lạy Chúa, mọi chuyện đều sai, đều quá ngu xuẩn và tồi tệ! Tôi là đồ súc sinh, thưa cụ Mozart, một con vật ngu xuẩn ác độc, bệnh hoạn và băng hoại; cụ nghìn lần có lý. Nhưng về chuyện xảy đến với cô này thì chính nàng đã muốn thế mà, tôi chỉ hoàn thành ý nguyện của nàng thôi.”
Mozart cười không thành tiếng, những đã bày tỏ hảo ý qua việc tắt chiếc radio.
Bỗng dưng chính tôi cũng thấy lời biện hộ của mình, mà mới đây tôi còn tin tưởng hết lòng, là quá đỗi ngu xuẩn. Lần ấy – tôi sực nhớ lại – khi Hermine nói về thời gian và sự vĩnh cửu, tôi đã tức khắc sẵn sàng coi những suy nghĩ của nàng là phản ánh những suy nghĩ của chính tôi. Nhưng tôi lại đương nhiên chấp nhận ý tưởng Hermine để tôi giết là ngẫu hứng và ước nguyện độc đáo của nàng, chứ chẳng mảy may do ảnh hưởng của tôi. Nhưng tại sao ngày ấy không những tôi chỉ chấp nhận và tin cái ý tưởng kinh khủng và kỳ quặc này mà thậm chí còn đoán trước? Phải chăng vì nó đúng là ý tưởng của chính tôi? Và tại sao tôi lại giết Hermine đúng lúc bắt gặp nàng nằm lõa lồ trong tay kẻ khác? Tiếng cười lặng lẽ của Mozart vang lên nghe toàn trí và đầy giễu cợt.
“Ông Harry ơi,” Mozart nói, “ông quả là thích bông đùa. Chẳng lẽ cô gái xinh đẹp này thật sự không mong muốn gì khác ở ông ngoài một nhát dao? Ông thử thuyết phục người khác tin xem nào! Ấy, ít ra thì ông cũng đã đâm đích đáng, cô bé đáng thương ấy chết đứ đừ rồi. Có lẽ đã đến lúc ông nên làm cho chính mình được rõ về những hậu quả từ việc nịnh đầm của ông đối với cô gái này. Hay ông muốn tránh né?”
“Không,” tôi kêu lớn. “Cụ chẳng hiểu gì hết ư? Tôi mà lại thèm tránh né hậu quả à! Tôi không khao khát gì hơn là được chuộc tội, chuộc tội, chuộc tội, được kê đầu dưới máy chém để bị trừng phát và hủy diệt.”
Mozart nhìn tôi với vẻ giễu cợt không chịu nổi.
“Ông lúc nào cũng thống thiết! Nhưng Harry ơi, hông sẽ học được hài hước ngay thôi mà. Chỉ thức hài hước lúc cùng quẫn mới đáng gọi là hài hước và trong trường hợp cần thiết ông sẽ được chọc nó ngay dưới máy chém. Ông sẵn sàng chưa? Rồi à? Tốt, vậy ông hãy tới gặp công tố viên va2hu71ng chịu hết thảy bộ máy khô khan của các pháp quan, cho tới lúc đầu ông bị chặt một cách lạnh lùng vào buổi sáng sớm trong nhà giam. Ông sẵn sàng chấp nhận chứ?”
Một hàng chữ đột nhiên lóe lên trước mắt tôi:
Cuộc hành quyết Harry
và tôi gật đầu đồng ý. Một cái sân trơ trụi giữa bốn bức tường với những khung cửa sổ nhỏ rào lưới, một cỗ máy chém dựng nghiêm chỉnh, khoảng chục ông mặc áo pháp quan và áo khoác, còn tôi lại run đứng chính giữa, trong bầu không khí ảm đạm của buổi sáng tinh mơ, tim thắt lại vì nỗi kinh hoàng thảm hại, nhưng sẵn sàng và chấp nhận. Tôi bước tới trược theo lệnh, quỳ xuống theo lệnh. Công tố viên ngả mũ, hắng giọng, mọi người kia hắng giọng theo. Ông ta giở một tờ giấy, loại dành cho những dịp trang trọng, giơ lên đọc:
“Thưa quý vị, đứng trước quý vị là bị cáo Harry Haller, can tội cố ý lạm dụng Hí viện ma thuật của chúng ta. Haller không những chỉ xúc phạm nghệ thuật cao quý qua việc lẫn lộn phòng trưng bày tranh ảnh đẹp đẽ của chúng ta với cái gọi là thực tại và đã đâm chết hình ảnh phản chiếu của một thiếu nữ bằng hình ảnh phản chiếu của mọt con dao, mà hắn còn không chút khôi hài định dùng hí viện của chúng ta làm một thứ máy móc để tự sát. Căn cứ theo đó chúng ta kết án Haller hình phạt phải sống đời đời và bị tước quyền vào hí viện của chúng ta trong thời hạn mười hai giờ. Bị cáo cũng không được miễn trừ hình phạt bị một lần cười nhạo. Xin mời quý vị bắt giọng: một – hai – ba!”
Tiếng “ba” vừa dứt, mọi kẻ hiện diện đều đồng thanh rống lên một tràng cười hoàn mỹ, một điệp khúc cười oang oang, một tràng cười khủng khiếp của thế giới bên kia, mà con người ta không thể chịu đựng nổi.
Khi tôi hồi tỉnh, Mozart vẫn đang ngồi cạnh tôi như trước; ông vỗ vai tôi và bảo: “Ông đã nghe bản án của ông rồi đấy. Thành ra ông sẽ phải quen dẫn với việc tiếp tục nghe âm nhạc phát từ radio của đời sống. Sẽ tốt cho ông thôi. Ông bạn ngốc nghếch thân mến ơi, ông kém cỏi khác thường, nhưng dần dà ông bạn cũng sẽ phải hiểu ra người ta đòi hỏi gì từ ông bạn. Ông cần học cười, người ta đòi hỏi ở ông bạn điều đó. Ông bạn cần hiểu được tính hài hước của cuộc đời, tính hài hước giả tạo của cuộc đời này. Tất nhiên ông bạn đã sẵn sàng với mọi thứ trên thế gian này nhưng riêng với điều người ta đòi hòi ở ông bạn thì ông bạn chưa sẵn sàng! Ông bạn sẵn sàng đâm chết đàn bà con gái, ông bạn sẵn sàng trang trọng chịu hành quyết, hẳn ông bạn cũng sẵn sàng chịu sống khổ hạnh và tự hành xác suốt trăm năm. Hay là không?”
“Có chứ ạ, sẵn sàng với tất cả lòng thành,” tôi kêu lên thống khổ.
“Hẳn rồi! Ông đúng là người hào hiệp, sẵn sàng tham gia mọi trò ngốc nghếch, khô khan như trấu, mọi trò thống thiết và vô duyên! Không có tôi rồi đấy, tôi chẳng chút động lòng trước cái trò hối lỗi lãng mạn của ông. Ông muốn bị xử tử hình mà, muốn bị chặt đầu mà; ông đúng là mất trí! Vì cái lý tưởng ngu ngốc này mà ông sẽ còn phạm thêm mười lần ngộ sát nữa đấy. Ông muốn chết, chứ không muốn sống, ông thật hèn nhát. Bố khỉ, nhưng ông phải sống cơ! Nếu ông bị kết án hình phạt nặng nhất hẳn cũng đáng đời thôi.”
“Thưa, hình phạt gì vậy ạ?”
“Chẳng hạn chúng tôi có thể làm cô gái này sống lại rồi gả cho ông.”
“Không được, tôi không chịu đâu. Như thế sẽ gây ra tai họa.”
“Cứ như thể những gì ông đã gây ra chưa đủ là tai họa! Nhưng bây giờ cần chấm dứt sự thống thiết và những vụ ngộ sát. Đã đến lúc ông cần tỉnh táo rồi đấy! Ông cần phải sống và cần học cười. Ông cần tập lắng nghe thứ âm nhạc khốn kiếp từ radio, trân trọng cái hồn ẩn sau âm nhạc ấy, tập cười cái điều ngớ ngẩn trong đó. Chỉ thế thôi, không đòi hỏi nhiều hơn ở ông.”
Tôi khẽ hỏi qua hàn răng nghiến chặt: “Còn nếu tôi từ chối? Nếu tôi không cho cụ, thưa cụ Mozart, quyền quyết định về Sói Thảo Nguyên và can thiệp vào số phận của nó?”
“Thế thì,” Mozart bình thản đáp, “tôi sẽ đề nghị ông bạn hút thêm một trong các điếu thuốc xinh xắn của tôi.” Lúc ông nói và phù phép từ túi áo ra một điếu thuốc mời tôi, đột nhiên ông không còn là Mozart nữa, mà là anh bạn Pablo đang nồng nàn nhìn tôi với đôi mắt sẫm đẹp kỳ lạ; anh giống người đã dạy tôi chơi cờ vua như anh em sinh đôi.
“Pablo!” tôi giật mình kêu lên. “Pablo, chúng mình đang ở đâu đây?”
Pablo đưa điếu thuốc và mồi lửa cho tôi.
“Chúng mình,” anh mỉm cười, “đang ở trong Hí viện ma thuật của tôi và nếu bạn muốn học nhảy điệu Tango hay trở thành tướng soái hoặc trò chuyện với Đại dế Alexandre thì lần tới xin để bạn mặc tình sử dụng. Nhưng Harry ơi, tôi phải nói điều này: bạn đã làm tôi hơi thất vọng. Trong chuyện này bạn đã không kiểm soát nổi mình một cách quá đáng, bạn đã xâm phạm tính hài hước của hí viện nhỏ bé của tôi, đã gây nên chuyện tệ hại, đã đâm loạn xạ, vấy bẩn thế giới hình ảnh xinh đẹp của chúng tôi với những vết nhơ thực tại. Vậy là không tốt. Hy vọng ít ra bạn đã làm thế vì ghen tuông, khi thấy Hermine và tôi nằm kia. Đáng tiếc bạn đã không biết cách sử dụng quân cờ này – tôi cứ đinh ninh bạn đã học trò chơi này kha khá rồi chứ. Thôi được, lần tới sẽ khá hơn.”
Anh nắm lấy Hermine – trong những ngón tay anh, nàng tức thì biến thành nhỏ xíu như một quân cờ – và bỏ vào chính cái túi áo mà hồi nãy anh vừa mới rút thuốc là mời tôi.
Làn khói thuốc nặng và ngọt tỏa mùi thơm dễ chịu. Tôi cảm thấy như bị xói mòn và sẵn sàng ngủ vùi suốt cả năm dài.
Ô, tôi thấu hiểu tất cả, thấu hiểu Pablo, thấu hiểu Mozart, tôi nghe tiếng cười khủng khiếp của ông đâu đó phía sau, tôi biết hết thảy trăm nghìn quân của ván cờ đời trong túi áo mình, băn khoăn phỏng đoán ý nghĩa của nó, sẵn sàng bắt đầu ván cờ lần nữa, nếm những thống khổ của nó lần nữa, rùng mình trước sự phi lý của nó lần nữa, trải qua địa ngục trong nội tâm mình lần nữa và thường nữa.
Sẽ có lần tôi chơi ván cờ thành thạo hơn. Sẽ có lần tôi học được cười. Pablo đang chờ đợi tôi. Mozart đang chờ đợi tôi.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!