Sói Thảo Nguyên
Chương 9
Sau đó, khi tôi nói với nàng những điều này, nàng bảo “Em biết, em biết rất rõ. Tuy em sẽ vẫn cứ làm cho anh phải lòng em, nhưng chuyện ấy chẳng vội gì. Trước hết mình là bạn, mình mong muốn trở thành bạn thân, vì mình đã chấp nhận nhau. Bây giờ mình muốn học hỏi lẫn nhau và cùng nhau chơi đùa. Em cho anh thấy cái sân khấu bé nhỏ của em, em dạy anh khiêu vũ, vui chơi một tí và ngớ ngẩn một tí, còn anh chỉ bảo cho em những tư tưởng và đôi chút kiến thức của anh.”
“Chà, Hermine ơi, anh đâu có gì nhiều để chỉ bảo, em biết nhiều hơn anh chứ. Em là một người thật kỳ lạ đấy, cô bé ơi! Em hiểu anh trong mọi chuyện, em vượt xa anh. Anh có đáng kể gì với em không đấy? Anh không làm em nhàm chán sao?”
Nàng sa sầm nhìn xuống đất.
“Em không thích nghe anh nói thế đâu. Hãy nhớ lại buổi tối anh kiệt sức và tuyệt vọng trốn chạy đau khổ lẫn cô đơn, tình cờ gặp em, rồi thành bạn đồng hành của em! Theo anh nghĩ thì tại sao lúc ấy em có thể nhận biết và hiểu được anh chứ?”
“Tại sao thế, Hermine? Nói anh biết đi!”
“Vì em giống như anh. Vì em cũng cô đơn y hệt anh, em cũng không mấy yêu thương và coi trọng cuộc sống, không mấy coi trọng con người ta cùng bản thân em, giống như anh vậy. Bao giờ cũng có một vài kẻ đòi hỏi cuộc đời điều tối đa, chứ không thể chấp nhận sự ngu xuẩn và thô bạo của nó.”
“Em ơi, em!” tôi kêu lên đầy kinh ngạc. “Bạn ơi, anh hiểu em, không ai hiểu em bằng anh. Thế mà em vẫn là một điều bí ẩn đối với anh. Em sẽ vượt qua cuộc đời dễ như bỡn, em biết trân trọng khác thường những điều nhỏ nhặt và những thú vui, em là một nghệ sĩ như thế đấy trong cuộc sống. Làm sao em có thể đau khổ vì nó? Làm sao em có thể tuyệt vọng được?”
“Em không tuyệt vọng, Harry ạ. Nhưng đau khổ vì cuộc sống thì có đấy, em kinh nghiệm chuyện đó mà. Anh ngạc nhiên rằng em không hạnh phúc, trong khi em biết nhảy nhót và rành rẽ những chuyện hời hợt của cuộc đời. Còn em, bạn ơi, em ngạc nhiên thấy anh thất vọng đến thế về cuộc đời, trong khi anh lại rất quen thuộc với những điều đẹp đẽ nhất, sâu xa nhất, trong tinh thần, nghệ thuật và tư tưởng! Chính vì thế mình đã thu hút lẫn nhau, chính vì thế mình là anh em. Em sẽ dạy anh khiêu vũ, vui chơi và cười đùa, nhưng vẫn không thỏa mản. Và anh sẽ dạy em suy nghĩ cùng hiểu biết, nhưng vẫn không thỏa mãn. Anh có biết rằng hai đứa mình là con của quỷ không?”
“Anh biết, đúng thế đấy. Quỷ là tinh thần, còn mình là những đứa con bất hạnh của nó. Mình rơi khỏi thiên nhiên, lơ lững giữa tầng không. Nhưng anh chợt nhớ ra điều này: trong tập Luận thuyết về Sói Thảo Nguyên mà anh đã kể với em có nói rằng việc Harry tin hắn có một hoặc hai linh hồn, hắn được tạo ra từ một hoặc hai nhân cách chỉ là tưởng tượng của hắn thôi. Mọi người đều hình thành với mười, với cả trăm, cả nghìn linh hồn.”
“Em rất thích điều này,” Hermine kêu lên. “Chẳng hạn ở anh phần tâm linh đã phát triển rất cao, thành ra bù lại anh lạc hậu trên mọi nghệ thuật sống cỏn con. Nhà tư tưởng Harry đã trăm tuổi, còn gã vũ nam Harry chưa được nửa ngày tuổi. Bây giờ mình sẽ làm cho gã vũ nam này tiến xa hơn, cùng với lũ anh em cũng nhỏ bé, ngu muội và chưa trưởng thành như hắn.”
Nàng mỉm cười nhìn tôi, rồi đổi giọng dịu dàng hỏi:
“Còn anh thích Maria thế nào?”
“Maria? Ai vậy?”
“Cô nàng anh vừa cùng nhảy đó. Một cô gái đẹp, rất đẹp. Nếu em không nhầm thì anh đã hơi phải lòng nàng rồi.”
“Em biết cô ấy à?”
“Biết chứ, chúng em rất thân nhau mà. Anh mến nàng lắm phải không?”
“Anh mến cô ấy và rất mừng vì cô ấy đã khoan dung cho trình độ khiêu vũ của anh.”
“A, nếu chỉ có thế thôi! Anh phải tán tỉnh nàng một chút, Harry ạ. Nàng rất xinh, nhảy giỏi, còn anh đã phải lòng nàng rồi. Em tin anh sẽ thành công.”
“Ái chà, anh không tham vọng thế đâu.”
“Anh hơi nói dối đấy nhé. Em được biết anh có đâu đấy trên thế gian này một người tình và xuân thu nhị kỳ mới gặp, để rồi cùng nàng cãi cọ. Anh đúng là rất đàng hoàng, nếu muốn trung thành với cô bạn lạ kỳ ấy, nhưng cho em được phép không tin lắm! Em hoàn toàn không tin rằng anh rất mực coi trọng tình yêu. Anh có thể như thế, anh có thể yêu theo kiểu lý tưởng của anh, nhiều như anh muốn; đó là chuyện của anh, em chẳng cần phải lo. Nhưng điều em phải quan tâm là giúp anh học thuần thục hơn chút ít những nghệ thuật và trò chơi nho nhỏ, nhẹ nhàng trong cuộc đời. Trong lĩnh vực này em là cô giáo của anh và sẽ giỏi hơn cô người tình lý tưởng của anh, anh cứ tin đi! Sói Thảo Nguyên ơi, lại đến lúc anh cần ngủ với một cô gái đẹp rồi đấy!”
“Hermine,” tôi khổ sở kêu lên, “nhìn anh này, anh là một lão già!”
“Anh là một cậu bé. Anh đã quá lười không chịu học nhảy như thế nào để đến nỗi suýt quá muộn thì anh cũng quá lười học yêu đương như thế. Bạn ơi, yêu đương kiểu lý tưởng và bi thảm thì chắc chắn anh xuất sắc rồi, em không hề hoài nghi, mà xin bày tỏ lòng kính trọng! Giờ đây anh sẽ học cách yêu đương hơi bình thường và con người hơn. Bước đầu đã xong, chẳng bao lâu nữa em có thể để anh đi dự vũ hội được rồi. Trước hết anh còn phải học điệu Boston nữa, mai mình bắt đầu. Em sẽ đến vào lúc ba giờ. Nhân thể hỏi luôn, anh thấy nhạc ở đây thế nào?”
“Tuyệt.”
“Anh thấy chưa, đó cũng là một tiến bộ anh học thêm được đấy. Trước đây anh không chịu nổi mọi thứ nhạc khiêu vũ và nhạc Jazz, anh thấy chúng không nghiêm trang và quá hời hợt. Bây giờ anh đã thấy ta chẳng cần phải coi trọng nó mà nó vẫn có thể rất dễ thương, rất hay. Nói thêm, nếu thiếu Pablo thì ban nhạc chẳng còn gĩ nữa. Anh ấy dẫn dắt nó, bơm nhiệt tình vào nó.”
Cái máy quay đĩa đã làm vẩn đục bầu không khí khổ hạnh trong phòng làm việc của tôi như thế nào, những điệu khiêu vũ của Mỹ đã thâm nhập một cách lạc lõng vào thế giới âm nhạc mà tôi dày công chăm chút, đã gây khó chịu, thậm chí hủy hoại như thế nào, thì những điều mới mẻ, những điều đáng sợ, những điều gây tan rã cũng đã từ mọi phía lấn vào cuộc sống của tôi, cho đến nay vẫn được phân định rạch ròi và hết sức tách biệt. Tập luận thuyết về Sói Thảo Nguyên và Hermine đã có lý với thuyết về nghìn linh hồn, vì ngày ngày lại thêm vài linh hồn mới xuất hiện trong tôi, bên cạnh hết thảy những linh hồn cũ; chúng đưa yêu sách, gây náo loạn và nay tôi thấy cái ảo giác về nhân cách của mình rõ rành rành như một tấm hình ngay trước mắt. Tôi đã chỉ chú tâm đến dăm ba khả năng và kỹ xảo mà mình ngẫu nhiên có được chút tài, đã vẽ nên hình ảnh một tay Harry và đã sống cuộc đời của hắn, kẻ thật ra chẳng là gì khác hơn một chuyên gia được đào tạo rất lơ mơ về thơ văn, âm nhạc và triết lý[9] – còn tất cả những gì sót lại nơi cá nhân mình, cái đống hỗn mang những khả năng, bản năng, khát vọng tôi đều coi là phiền nhiễu và gán cho cái nhãn Sói Thảo Nguyên.
[9] Năm 16 tuổi Hesse đã đi học nghề; kiến thức ông có được là do tự học.
Tuy nhiên, sự thay đổi cách suy nghĩ này về ảo giác của tôi, sự xóa bỏ này về nhân cách của tôi hoàn toàn không phải một việc phiêu lưu thoải mái và thú vị; ngược lại nó thường vô cùng đau đớn, thường gần như khôn kham. Cái máy quay đĩa thường vang lên thật khủng khiếp ngay giữa môi trường này, nơi mọi thứ được bố trí hòa hợp với những thanh âm khác hẳn. Và đôi lúc, khi tôi nhảy điệu Onestep giữa những kẻ chơi bời trác táng và những kẻ khoe khoang bịp bợm thanh lịch trong một nhà hàng thời thượng, tôi cảm thấy như đã phản bội lại tất cả những gì từng là đáng trọng và thiêng liêng đối với mình trong đời. Giả dụ Hermine bỏ tôi lẻ loi chỉ tám ngày thôi, hẳn tôi sẽ ngay lập tức thoát khỏi những trò thử gian lao và lố bịch nhằm trở thành một kẻ ăn chơi phóng đãng. Nhưng Hermine lại luôn có mặt; tuy không phải ngày nào tôi cũng gặp nàng, nhưng nàng luôn theo dõi, hướng dẫn, giám sát, kiểm định tôi – nàng mỉm cười, vì đọc được cả những ý tưởng phản kháng dữ dội và trốn chạy trên gương mặt tôi.
Cùng với sự hủy hoại dần dần cái mà trước đây tôi gọi là nhân cách của mình, tôi cũng bắt đầu hiểu tại sao bất chấp mọi tuyệt vọng mình lại phải sợ chết khủng khiếp đến thế và bắt đầu nhận ra rằng ngay cả sự sợ hãi đến mức kinh tởm và hèn hạ này trước cái chết cũng là một phần sự hiện hữu trưởng giả, giả dối trước kia của tôi. Cái ông Haller này, cho đến nay là nhà văn có năng khiếu, kẻ am hiểu Mozart và Goethe, tác giả của những chiêm nghiệm đáng đọc về sự siêu hình của nghệ thuật, về thiên tư và sự bi thảm, về nhân loại, nhà ẩn cư sầu muộn trong căn phòng đầy sách vở của mình, đã buộc phải tự phê bình từng điểm một và chẳng điểm nào không thiếu sót. Cái ông Haller tài hoa và lôi cuốn này tuy đã rao giảng về lý trí và lòng nhân đạo, đã phản đối sự tàn bạo của chiến tranh, nhưng trong lúc thế giới chém giết lẫn nhau ông lại không chịu để bị lôi ra xử bắn nơi pháp trường, như đúng ra đó là hệ quả tất nhiên từ những tư tưởng của ông, mà lại tìm ra một giải pháp thích nghi nào đấy, đương nhiên hết sức đúng đắn và cao cả, song dẫu sao vẫn chỉ là nửa vời thôi. Ngoài ra, ông còn là kẻ thù của quyền lực và sự bóc lột, nhưng ông lại gửi ngân hàng nhiều cổ phiếu của các hãng kỹ nghệ và ông cứ việc tiêu pha số tiền lãi từ các cổ phiếu ấy mà chẳng hề thấy lương tâm cắn rứt. Mọi chuyện khác cũng đều như thế. Tuy Harry Haller đã giả trang tuyệt vời thành kẻ có lý tưởng, kẻ khinh miệt thế gian, thành kẻ ẩn xư âu sầu và nhà tiên tri phẫn nộ, nhưng thực chất hắn là một kẻ trưởng giả, coi lối sống như của Hermine là đáng chê trách, hắn bực dọc vì những đêm uổng phí trong quán ăn, về những đồng tiền hắn đã vung vít cũng chính ở đấy, hắn bị lương tâm cắn rứt nhưng lại hoàn toàn không khao khát sự giải thoát và toàn thiện, mà ngược lại vô cùng khao khát trở về với quãng đời thoải mái trước kia, khi những trò trí thức vặt vãnh của hắn còn khiến hắn thú vị và đem lại cho hắn vinh quang. Y hệt như vậy, những độc giả nhật báo bị hắn khinh miệt và nhạo báng cũng khao khát quay về với thời kỳ lý tưởng trước chiến tranh, vì như thế thoải mái hơn là học hỏi từ nhữn điều họ đang phải hứng chịu. Trời đánh thánh vật lão Haller này, hắn làm tôi muốn nôn mửa! Tuy thế tôi vẫn bám chặt lấy hắn hay đúng hơn bám vào cái mặt nạ đã rã rời của hắn, vào thói làm duyên làm dáng của hắn với trí tuệ, vào nỗi sợ hãi kiểu trưởng giả của hắn trước sự hỗn loạn và ngẫu nhiên (cái chết cũng thuộc vào đây), và tôi so sánh một cách giễu cợt và đầy đố kỵ tay Harry mới hình thành này, cái gã vụng về hơi nhút nhát và lố bịch của các phòng khiêu vũ, với hình ảnh lý tưởng giả dối trước kia của hắn, trên đấy hắn đã phát hiện – sau lần ở nhà ông giáo sư – chính mọi đặc điểm đáng căm ghét mà ngày đó tấm hình Goethe đã khiến hắn vô cùng bực bội. Chính hắn, tay Harry trước đây, từng y hệt một ông Goethe được lý tưởng háo kiểu trưởng giả như thế, một người hùng của trí tuệ như thế với ánh mắt rất mực quý tộc, sáng ngời – như được phết dầu láng – sự cao cả, đầu óc sắc sảo, lòng nhân đạo và gần như mủi lòng trước chính tâm hồn quý phái của mình! Quỷ thần ơi, hình ảnh đẹp đẽ này chẳng may đã lỗ chỗ thảm hại, cái ông Haller lý tưởng này đã bị hạ bệ thảm thương! Trông hắn cứ như một kẻ quyền cao chức trọng bị lũ cướp đường trấn lột sạch, còn mỗi cái quần te tua; lẽ ra hắn nên khôn ngoan học đóng vai kẻ lam lũ rách rưới, nhưng hắn lại cứ khoác mớ giẻ rách ấy như thể trên đó vẫn lủng lẳng huân chương và tiếp tục nức nở đòi lại phẩm cách đã mất.
Tôi thường hay gặp lại gã nhạc công Pablo nọ; chính vì Hermine quá mến y, thiết tha bầu bạn với y, nên tôi phải xét lại đánh giá của mình về y. Ấn tượng Pablo đã để lại trong tôi là một con số không xinh xắn, một gã đẹp trai nhỏ nhắn, kiêu căng đôi chút, một đứa trẻ vui nhộn và không gây phiền toái, hớn hở thổi chiếc kèn trompet ở chợ phiên, dễ bảo nếu biết cách phỉnh phờ hoặc dùng bánh kẹo. Nhưng Pablo không quan tâm đến nhận xét của tôi; y dửng dưng về chuyện ấy cũng như đối với những lý thuyết về âm nhạc của tôi. Y lịch sự và thân mật nghe tôi nói, thường xuyên mỉm cười, nhưng không bao giờ trả lời nghiêm túc. Mặc dù vậy, chừng như tôi đã khơi được sự chú ý của y, vì rõ ràng y cố hắng làm tôi vui lòng và tỏ ra thiện cảm với tôi. Có lần, khi tôi bực mình và gần như lỗ mãng tại một trong những buổi trò chuyện chẳng tới đâu ấy, y sửng sốt và buồn bã nhìn vào mặt tôi, nắm lấy bàn tay trái của tôi vuốt ve, rồi móc gì đấy từ một chiếc hộp nhỏ mạ vàng mời tôi hít, bảo rằng nó sẽ làm tôi dễ chịu. Tôi đưa mắt hỏi Hermine, nàng gật đầu nên tôi đã nhận và hít thử. Quả thật chỉ lát sau tôi liền thấy tỉnh táo và sinh động hơn, chắc hẳn trong thứ bột ấy có cocain. Hermine kể với tôi rằng Pablo có nhiều loại thuốc như thế này, nhận qua những lối bí mật; thỉnh thoảng y đem mời bạn bè; y là bậc thầy trong việc trộn và định liều lượng: thuốc để giảm đau, để ngủ, để tạo những giấc mơ đẹp, để tinh thần vui tươi và để kích động tình yêu.
Có lần tôi gặp y ngoài đường, trên bến cảng, y nhập bọn với tôi ngay, không dùng dằng. Rốt cuộc, lần ấy tôi đã khiến y chịu nói.
“Ông Pablo này,” tôi nói trong lúc y đang nghịch với một cây ba toong mảnh dẻ màu đen ánh sắc bạc, “ông là bạn của Hermine, đấy chính là lý do khiến tôi chú ý đến ông. Nhưng phải nói rằng ông đã không tạo điều kiện dễ dàng để tôi cùng ông trò chuyện. Tôi đã nhiều lần thử nói với ông về âm nhạc – tôi muốn được nghe ý kiến, phản bác, nhận xét của ông; nhưng ông không thèm trả lời tôi dù chỉ một lời.”
Y chân thành cười và lần này không tránh né mà bình thản đáp: “Thưa ông, theo ý tôi thì trò chuyện về âm nhạc chẳng có ý nghĩa gì. Tôi không bao giờ nói về âm nhạc. Thế thì tôi nên trả lời gì đây về những lời lẽ rất thông minh và xác đáng của ông? Mọi điều ông nói ra đều rất có lý. Nhưng ông thấy đấy, tôi là một nhạc công, không phải bậc trí giả và tôi tin rằng việc có lý trong âm nhạc chẳng có chút giá trị nào. Trong âm nhạc, việc có lý hay có khiếu thẩm mỹ hoặc có học vấn và đủ mọi thứ chẳng đáng kể gì.”
“Ra thế. Nhưng như vậy cái gì mới đáng kể?”
“Phải chơi nhạc, ông Haller ạ, phải chơi thật nhiều, thật hết mình! Thế đấy, thưa Monsieur[10]. Nếu trong đầu tôi chứa toàn bộ tác phẩm của Bach và Haydn và tôi có thể nói thao thao bao điều thông thái về chúng, thì cũng chẳng giúp ích được ai. Nhưng khi lôi cây kèn của mình ra, chơi liên miên một bài Shimmy, thì dù dở hoặc hay, nó chắc chắn vẫn làm cho người ta vui, nó thấm vào máu họ, khiến chân họ rậm rật. Chỉ điều đó mới đáng kể. Ông cứ nhìn thử một lần những khuôn mặt trong phòng khiêu vũ vào lúc tiếng nhạc trỗi lại sau một lúc nghỉ khá dài mà xem – ông sẽ thấy chúng tươi cười, thấy những cặp mắt sáng lên, những đôi chân rậm rật như thế nào! Chính vì điều ấy nên người ta chơi nhạc!”
[10] Monsieur (tiếng Pháp trong nguyên tác): ông.
“Hay lắm, ông Pablo ạ. Nhưng không phải chỉ có thứ nhạc nhục cảm, còn có nhạc cho tinh thần nữa. Không chỉ có loại nhạc được chơi trong khoảnh khắc này, mà còn thứ bất tử, nó tiếp tục sống, dù hiện không được chơi. Có thể một người nào đấy nằm cô đơn trên giường và gợi lại trong tâm trí mình một giai điệu của bài Điệu sáo mê hồn hay Khổ hình của Chúa theo lời kể của thánh Matthieu thì vẫn có âm nhạc, dù chẳng có ai thổi sáo hay kéo vĩ cầm.”
“Đúng thế, thưa ông Haller. Cả bài Yearning và bài Valencia hằng đêm cũng được bao kẻ cô đơn và mơ mộng câm nín tái tạo; cả cô thư ký đánh máy đáng thương nhất trong văn phòng cũng có bài Onestep mới nhất trong đầu và gõ phím theo nhịp của bài ấy. Họ có lý, tất cả những con người cô đơn này; tôi không đố kỵ với họ về những thứ âm nhạc câm nín ấy, dù là Yearning hay Điệu sáo mê hồn hay Valencia! Nhưng những con người nọ lấy từ đâu ra thứ âm nhạc cô đơn, câm nín ấy của họ? Họ lấy từ chúng tôi, từ các nhạc công; đầu tiên nó phải được chơi, được nghe và thấm vào máu, trước khi ai đấy nằm ở nhà, ở trong phòng có thể nghĩ đến nó và mơ về nó.”
“Đồng ý,” tôi lạnh lùng nói. “Tuy nhiên không thể đặt Mozart ngang hàng với điệu Foxtrott mới nhất được. Việc ông chơi cho người ta loại nhạc siêu phàm và vĩnh cữu hoặc thứ rẻ tiền chỉ tồn tại ngày một ngày hai thật hoàn toàn không như nhau.”
Thấy giọng nói của tôi bị kích động, Pablo liền tỏ ngay cái vẻ dễ thương nhất của mình, y trìu mến vuốt ve cánh tay tôi, giọng dịu dàng không tưởng tượng nổi.
“Chà, thưa ông, có thể ông hoàn toàn đúng trong chuyện thứ bậc. Tôi chẳng có gì phản đối, khi ông đặt Mozart ngang hàng với điệu Foxtrott mới nhất được. Việc ông chơi cho người ta loại nhạc siêu phàm và vĩnh cửu hoặc thứ rẻ tiền chỉ tồn tại ngày một ngày hai thật hoàn toàn không như nhau.”
Thấy giọng nói của tôi bị kích động, Pablo liền tỏ ngay cái vẻ dễ thương nhất của mình, y trìu mến vuốt ve cánh tay tôi, giọng dịu dàng không tưởng tượng nổi.
“Chà, thưa ông, có thể ông hoàn toàn đúng trong chuyện thứ bậc. Tôi chẳng có gì phản đối, khi ông đặt Mozart, Haydn và bản Valencia vào những thứ bậc mà ông ưa thích! Với tôi điều đó hoàn toàn chẳng có gì quan trọng, tôi không có quyền quyết định về những thứ bậc ấy, tôi không được hỏi ý kiến về chuyện đó. Có lẽ một trăm năm nữa người ta vẫn chơi nhạc Mozart, còn bản Valencia có thể chỉ hai năm rồi thôi – tôi nghĩ chuyện này chúng ta có thể yên tâm phó thác cho Chúa; Người là đấng công minh, Người nắm trong tay hạn kỳ sống của hết thảy chúng ta, cả của mỗi bản Valse và mỗi bản Foxtrott nữa, chắc chắn Người sẽ có quyết định đúng. Về phần đám nhạc công chúng tôi, chúng tôi phản làm nhiệm vụ và công việc của mình: đó là phải chơi những gì hiện giờ người ta khao khát và phải chơi thật hay, thật đẹp và thật diễn cảm.”
Tôi thở dài bỏ cuộc. Không tranh luận nổi với anh chàng này.
Có những khoảnh khắc cái cũ và cái mới, đau khổ và hứng thú, sợ hãi và hân hoan trộn lẫn với nhau rất kỳ lạ. Lúc thì tôi ở trên thiên đường, lúc dưới địa ngục, nhưng phần lớn ở cả hai nơi cùng lúc. Tay Harry cũ và gã Harry mới lúc thì cãi vã kịch liệt, lúc lại sống hòa thuận với nhau. Đôi khi tay Harry cũ như thể chết đứ đừ rồi, bị chôn rồi, đột nhiên sống lại, ra lệnh và hà hiếp, cái gì cũng tỏ ra biết hơn, còn gã Harry mới, nhỏ thó, non trẻ xấu hổ, lặng thinh, chịu bị dồn ép tới chân tường. Lúc khác gã Harry trẻ túm cổ tay Harry cũ, bóp thật chặt, lúc ấy hắn tha hồ rên rỉ, tha hồ hấp hối, tha hồ nghĩ tới con dao cạo.
Nhưng khổ đau và hạnh phúc thường nhận chìm tôi trong cùng một ngọn sóng. Một trong những khoảnh khắc ấy xảy ra ít ngày sau khi tôi thử khiêu vũ lần đầu tiên trước mọi người; buổi tối đó tôi bước vào phòng ngủ của mình và vừa kinh ngạc, vừa hoảng sợ, vừa hân hoan – nghĩa là không có tên gọi để diễn tả tâm trạng tôi lúc ấy – thấy cô nàng Maria xinh đẹp đang nằm trên giường tôi.
Trong tất cả những điều ngạc nhiên Hermine đến nay đã gây ra cho tôi, đây là điều mãnh liệt nhất. Vì tôi không nghi ngờ một phút giây nào rằng chính nàng đã gửi đến cho tôi con chim thiên đường này. Trái với lệ thường, chiều hôm ấy tôi không đi chơi với Hermine mà tới đại giáo đường nghe một buổi trình diễn thành công về thánh ca cổ – đó là một chuyến du ngoạn đẹp và buồn vào đời sống ngày trước của tôi, vào những cánh đồng thuở thanh xuân của tôi, vào những vùng của gã Harry lý tưởng. Trong không gian vòi vọi kiểu gô tích của giáo đường với khung trần hình vòm đẹp như lưới giăng đung đưa sống động mà ma quái dưới ánh sáng của vài ngọn nến lung linh, tôi nghe những khúc nhạc của Buxtehude, Pachelbel[11], Bach, Haydn, tôi lại đi trên những con đường dấu yêu xưa, lại nghe giọng hát du dương của người nữ ca sĩ chuyên nhạc Bach[12] mà thuở hai chúng tôi còn là bạn, tôi đã cùng nàng dự nhiều buổi trình diễn tuyệt vời. Tiếng nhạc xưa, phẩm cách và sự thiêng liêng vô hạn của nó đã gọi tôi nhớ đến mọi cảm giác hạnh phúc, phấn khởi và hăng say của tuổi trẻ; tôi buồn bã đắm mình ngồi trên bệ cao của khu hát kinh, trong một giờ làm người khách trong cái thế giới thiêng lêng, cao cả từng là quê hương của tôi ngày trước[13]. Lúc nghe một bài song tấu của Haydn tôi đột nhiên ứa nước mắt; không chờ buổi hòa nhạc kết thúc, bỏ luôn cả ý định tái ngộ người nữ ca sĩ (ôi ngày trước, sau những buổi hòa nhạc thế này tôi đã từng sống biết bao buổi chiều rạng rỡ với các nghệ sĩ!), tôi đã len lén ra khỏi giáo đường, mệt mỏi bước đi trong đêm tối trên những con đường hẻm, mà đây đó sau những ô cửa sổ của các quán ăn có các ban nhạc Jazz chơi những giai điệu trong đời sống hiện thời của tôi. Ôi, cuộc đời tôi đã trở thành một mê lộ ảm đạm xiết bao!
[11] Buxtehude và Pachelbel: hai nhạc sĩ Đức ở thế kỷ 17.
[12] Một nữ ca sĩ Hungary.
[13] Hesse từng là chủng sinh trong tu viện Tin lành ở Maulbronn trong nửa năm, từ cuối 1891 đến đầu 1892.
Đêm ấy, tôi vừa đi vừa suy nghĩ miên man về mối quan hệ lạ lùng giữa tôi với âm nhạc và lại một lần nữa nghiệm ra rằng mối liên hệ vừa cảm động vừa tai hại với âm nhạc chính là số mệnh của toàn giới trí thức Đức. Mẫu quyền thống trị trong tinh thần người Đức, đó là sự gắn bó với thiên nhiên dưới dạng bá chủ của âm nhạc, điều chưa hề thấy ở một dân tộc nào khác. Những người trí thức chúng tôi thay vì dũng cảm chống lại điều đó và phục tình trí tuệ, Logos, thần ngôn, khiến người ta phải lắng nghe, hết thảy chúng tôi lại mơ tưởng đến một thứ ngôn ngữ không lời, nói được điều không thể nói, diễn tả được điều không thể diễn tả. Thay vì sử dụng hết lòng và trung thực phương tiện của mình, người trí thức Đức lại luôn phản kháng ngôn từ cùng lý trí, nhưng mê đắm âm nhạc. Người trí thức Đức đắm chìm trong nhạc, trong những kết cấu âm thanh thần thánh tuyệt vời, trong những cảm xúc và tâm trạng cực kỳ tao nhã – những thé không bao giờ được thú đẩy thành hiện thực – và xao lãng phần lớn bổn phận thật sự của mình. Tất cả giới trí thức chúng tôi lạc lõng, xa lạ và thù địch với thực tế, cho nên vai trò của tinh thần mới thảm hại đến thế ngay cả trong thực tại của nước Đức, trong lịch sử, trong chính trị và công luận của chúng tôi. À vâng, tôi thường suy đi ngẫm lại những ý tưởng này và đôi khi không phải không cảm thấy khát khao mãnh liệt được một lần cùng dựng xây thực tại, được một lần hành động nghiêm túc và có trách nhiệm, thay vì chỉ mãi bận rộn với tính thẩm mỹ và chuyện bán buôn thứ nghệ thuật thuộc tâm hồn. Nhưng lần nào nỗi khát khao ấy cũng đều kết thúc với ngao ngán, với sự cam chịu vận số rủi ro. Các ngài tướng tá và những nhà đại kỹ nghệ hoàn toàn có lý: đám “trí thức” chúng tôi chẳng làm nên trò trống gì, chỉ là một đám thông minh ba hoa, vô trách nhiệm, xa thực tế và không cần thiết. Quỷ thần ơi! Tôi lại nghĩ đến lưỡi dao cạo!
Cuối cùng, đầu óc đầy ắp những suy nghĩ như thế cùng dư âm của tiếng nhạc, lòng nặng trĩu u buồn cùng nỗi khát khao đến tuyệt vọng cuộc sống, thực tại, ý nghĩa và những điều đã mất không tìm lại được nữa, tôi trở về nhà, bước lên cầu thang, bật đèn phòng khách, cố đọc chút ít nhưng hoài công, nghĩ đến cuộc hò hẹn buộc tôi tối mai phải đến quán rượu Cécil uống Whisky và khiêu vũ, rồi cảm thấy oán hận và cay đắng không chỉ với bản thân mình mà cả Hermine nữa. Có thể nàng có hảo ý và chân thành, có thể nàng là một con người tuyệt vời, nhưng tốt hơn lẽ ra ngày nọ nàng cứ để mặc tôi chết quách, thay vì lôi kéo tôi vào cái thế giới ăn chơi hỗn độn, lạ lẫm, quay cuồng này và dìm tôi trong đó, nơi tôi sẽ mãi vẫn là một kẻ xa lạ và điều tốt đẹp nhất trong tôi sẽ cùng quẫn, lụi tàn!
Nên tôi đã rầu rĩ tắt đèn, rầu rĩ bước qua phòng ngủ, rầu rĩ bắt đầu cởi áo quần; chợt một mùi hương khác lạ khiến tôi ngờ vực, nó thoang thoảng mùi nước hoa; nhìn quanh tôi thấy cô nàng Maria xinh đẹp đang nằm trên giường của tôi, đôi mắt to màu xanh mỉm cười, vẻ hơi bồn chồn.
“Maria!,” tôi kêu lên. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là bà chủ nhà, nếu biết chuyện, sẽ không cho tôi tiếp tục thuê căn hộ này nữa.
“Em đến đây,” nàng nói khẽ. “Ông có giận em không?”
“Không, không. Tôi biết Hermine đã đưa cô chìa khóa. Thế đấy.”
“Ồ, ông bực mình về chuyện ấy. Em đi vậy.”
“Không đâu, Maria đẹp xinh ơi, ở lại đi! Có điều tối nay tôi rất buồn, hôm nay tôi không thể nào vui vẻ được, có thể mai chăng.”
Tôi hơi cúi về phía nàng, nàng liền ôm lấy đầu tôi bằng đôi bàn tay to khỏe, ghì xuống và hôn tôi thật lâu. Rồi tôi ngồi xuống cạnh giường, nắm tay nàng, yêu cầu nàng nõi khẽ kẻo người ta nghe thấy; tôi cúi nhìn khuôn mặt đầy đặn xinh xắn, lạ lùng và kỳ diệu tựa một bông hoa to đang nằm đấy, trên chiếc gối của tôi. Nàng từ từ kéo bàn tay tôi tới đôi môi nàng, luồn nó xuống dưới chân và áp lên bộ ngực ấm, phập phồng.
“Anh đâu cần phải vui vẻ,” nàng nói, “Hermine cho em biết rằng anh đang ưu phiền. Ai cũng hiểu mà. Anh có còn ưng em không, hở anh? Hôm trước, khi mình nhảy với nhau, anh si em lắm mà.”
Tôi hôn lên mắt, môi, cổ và ngực nàng. Mới vừa rồi tôi còn nghĩ tới Hermine, cay đắng và trách móc. Giờ đây tôi ôm trong tay món quà của nàng mà lòng thầm biết ơn. Những mơn trớn của Maria không tổn hại gì đến thứ âm nhạc tuyệt vời tôi vừa nghe tối nay, chúng xứng đáng với thứ âm nhạc ấy và là sự thể hiện của nó. Tôi chậm rãi kéo tấm chăn khỏi thân thể mỹ miều, cho đến khi những nụ hôn của tôi tới với hai bàn chân nàng. Khi tôi nằm xuống bên nàng, khuôn mặt tựa đóa hoa của nàng mỉm cười với tôi đầy vẻ hiền lành và thông hiểu.
Đêm ấy, bên cạnh Maria, tôi ngủ không nhiều, nhưng thật sâu và ngon lành như một đứa trẻ. Giữa những lúc ngủ tôi nốc tràn tuổi thanh xuân tươi đẹp của nàng và qua trò chuyện thì thầm tôi biết được nhiều điều thú vị về cuộc đời nàng và Hermine. Tôi vốn chỉ biết đại khái về loại người và cuộc sống như của hai nàng; trước kia chỉ ở nhà hát tôi mới thỉnh thoảng gặp những mẫu đời tương tự, đàn bà lẫn đàn ông, nữa nghệ sĩ, nửa ăn chơi. Mãi bây giờ tôi mới được nhìn đôi chút vào cuộc sống kỳ quặc, ngây thơ lẫn hư hỏng khác thường này. Những cô gái ấy phần lớn nhà nghèo, như lại thừa thông minh và xinh xắn nên không cam tâm suốt đời kiếm ăn bằng chỉ một nghề với đồng lương ít ỏi và chẳng có gì vui, nên tất cả đều sống lúc bằng những công việc thất thường, lúc nhờ vẻ duyên dáng và sự dễ thương của họ. Thỉnh thoảng họ làm thư ký đánh máy vài ba tháng, lúc là nhân tình của những tay chơi giàu sụ, được tiền tiêu vặt và quà tặng, đôi khi được khoác áo lông, đi ô tô, ở khách sạn lớn, lúc khác lại ở trong những căn gác xép sát mái và có thể đi tới hôn nhân nếu trúng mối, nhưng nói chung họ không ham mấy. Một số người trong bọn họ chẳng ham hố gì tình yêu, mà chỉ miễn cưỡng hiến dâng sau khi đã mặc cả được giá cao nhất. Những người khác – trong số này có Maria, khát khao và giàu năng khiếu khác thường về tình yêu – phần lớn có kinh nghiệm với cả hai phái nam và nữ; họ sống chỉ cho tình yêu và bên cạnh những người bạn chính thức có trả tiền, họ còn nuôi dưỡng những quan hệ tình ái khác. Siêng năng và bận bịu, bồn chồn và nhẹ dạ, khôn ngoan nhưng không ý thức, những con bướm ấy sống cuộc đời vừa trẻ thơ vừa sành sõi, độc lập, không phải bạ ai họ cũng bán; họ chờ thời vận, say mê cuộc sống nhưng lại ít bám víu vào nó bằng kẻ trưởng giả, luôn luôn sẵn sàng theo một hoàng tử trong chuyện thần thoại về lâu đài của chàng và đương nhiên luôn ý thức mơ hồ về một kết cục gay go và buồn thảm.
Maria đã dạy tôi – trong buổi tối đầu tiên lạ kỳ ấy và những ngày sau – nhiều thứ, không chỉ những trò chơi thú vị mới và những cách thức đem lại thích thú cho giác quan, mà cả sự thông cảm mới, nhận thức mới và tình yêu mới. Thế giới của những vũ trường và chốn ăn chơi, những rạp chiếu phim, những quán rượu và những tiền sảnh ở các khách sạn, những nơi đối với tôi, kẻ ẩn cư và nhà thẩm mỹ, vẫn luôn còn là gì đấy thấp kém, bị cấm đoán và làm mất phẩm giá thì với Maria, Hermine và các cô bạn của họ đơn thuần là thế giới thôi, không tốt cũng chẳng xấu, không đánh ham muốn cũng chẳng đáng thù ghét; cuộc sống ngắn ngủi đầy khát vọng của họ bừng nở trong thế giới ấy, ở đấy họ cảm thấy quen thuộc và sành sõi. Họ thích một ly sâm banh hay một đĩa thịt nướng đặc biệt, giống những kẻ như chúng ta yêu quý một nhạc sĩ hoặc một nhà thơ, và họ cũng hết lời tán thưởng, mủi lòng cùng cảm động về một điệu nhảy ăn khách mới hoặc một bài hát tình cảm lâm ly của một ca sĩ nhạc Jazz giống như chúng ta đối với Nietzsche hoặc Hamsun[14]. Maria kể với tôi về tay thổi kèn saxophone Pablo đẹp trai nọ và về một bài hát Mỹ thỉnh thoảng y hát cho họ nghe; nàng kể thật say sưa, đầy ngưỡng mộ và tha thiết khiến tôi xúc động và thương cảm hơn hẳn những trạng thái mê ly của một học giả cao cấp nào đấy bàn về sự thưởng thức những nghệ thuật cao quý được tuyển chọn. Tôi sẵn sàng tán thưởng theo, bất kể bài hát ấy như thế nào. Những lời trìu mến của Maria, ánh mắt khát khao bừng nở của nàng đã phá tan hoang thành trì mỹ học của tôi. Chắc chắn có vài ba nhạc phẩm hay đẹp, dăm nhạc phẩm chọn lọc hiếm hoi mà theo tôi không còn phải bàn cãi hay nghi ngờ gì nữa, đứng đầu là Mozart, nhưng đâu là giới hạn? Chẳng lẽ hết thảy chúng ta, những kẻ am hiểu và những nhà phê bình, thời trẻ không từng nồng nhiệt say mê những tác phẩm nghệ thuật cùng những nghệ sĩ mà nay dường như ta thấy là đáng hoài nghi và chướng tai, gai mắt? Chẳng lẽ chúng ta chưa từng cảm thấy như thế ở Liszt, Wagner[15] – thậm chí ở Beethoven, đối với nhiều người? Lẽ nào niềm xúc cảm bừng nở như trẻ thơ của Maria về bài hát nọ từ nước Mỹ lại không là một trải nghiệm về nghệ thuật cũng thuần khiết, hay ho, trác việt, vượt lên mọi hoài nghi giống như niềm thương cảm của một nhà giáo nào đấy về chàng Tristan[16] hoặc phút mê ly của một nhạc trưởng lúc điều khiển Bản giao hưởng số 9? Và chẳng lẽ điều này không phù hợp lạ lùng với những quan điểm của Pablo và xác nhận y có lý?
[14] Knut Hamsun (1859-1952): nhà văn Na Uy.
[15] Franz von Liszt (1811-1886): nhạc sĩ Đức – Hung. Richard Wagner (1813-1883): nhạc sĩ Đức.
[16] Tristan: nhân vật trong một chuyện tình của sử thi Đức.
Dường như Maria cũng rất yêu gã Pablo điển trai này.
“Y đẹp trai thật đấy,” tôi nói, “ngay cả anh cũng rất thích y. Nhưng Maria ơi, hãy cho anh biết làm cách nào em có thể đồng thời yêu cả anh nữa, một kẻ già nua chán ngắt, chẳng đẹp trai mà tóc đã đốm bạc, không biết thổi saxophone và hát tình ca bằng tiếng Anh?”
“Anh đừng nói vớ vẩn thế!” nàng trách. “Chuyện ấy hoàn toàn tự nhiên thôi. Em cũng thích anh vậy; anh cũng có gì đấy hay đẹp, đáng yêu và độc đáo chứ; anh chớ nên khác anh bây giờ. Đừng nói về những điều ấy và đòi được em giải thích. Thế này nhé, anh anh hôn cổ hoặc tai em, em liền cảm thấy anh thích em, rằng em làm anh hài lòng; anh có kiểu hôn hơi rụt rè, điều ấy bảo em rằng: anh ta thích cô đấy, anh ta biết ơn cô, vì cô xinh đẹp. Em rất thích, rất thích thế. Rồi với người đàn ông khác em lại ưa chính điều ngược lại, ưa kiểu hắn làm ra vẻ không thích gì em và hôn em như thể ban ân huệ.”
Chúng tôi lại thiếp đi. Rồi tôi lại tỉnh giấc, thấy vẫn ôm choàng nàng, người đẹp của tôi, đóa hoa mỹ miều của tôi.
Tôi không ngớt suy nghĩ, lạ lùng thay, rằng bông hoa mỹ miều này dẫu sao vẫn là món quà Hermine tặng tôi! Hình bóng nàng luôn ẩn sau bông hoa ấy như sau một chiếc mặt nạ! Và trong lúc ấy tôi bỗng dưng nghĩ tới Erike, người tình khó tính xa xôi, người bạn đáng thương của tôi. Nàng xinh chẳng thua Maria, dù kém mơn mởn, phóng túng và thiếu những nghệ thuật yêu đương tuyệt vời nho nhỏ. Nàng đứng trước mặt tôi một lúc lâu như một bức tranh, rõ ràng và đau xót, được yêu thương và gắn bó sâu đậm với số phận của tôi, rồi lại chìm đi, trong giấc ngủ, trong lãng quên, trong chốn xa xăm nửa phần buồn tủi.
Và cứ thế, trong cái đêm xinh đẹp êm ái này bao hình ảnh của cuộc đời đã hiện về ngay trước mắt tôi, kẻ từ lâu từng sống đầy trống trải, nghèo nàn và không hình ảnh. Nay, được thần Ái tình khai mở, nguồn suối hình ảnh dồi dào từ thuở nào bỗng bừng phun; trong một khoảnh khắc trái tim tôi ngừng đập vì hân hoan và buồn bã, khi thấy phòng trưng bày hình ảnh của cuộc đời mình mới phong phú làm sao và tâm hồn Sói Thảo Nguyên khốn khổ đầy ắp đến mức nào các tinh tú cùng những chòm sao vĩnh cữu. Thời thơ ấu và mẹ tôi dịu dàng, rạng rỡ nhìn về phía tôi, như một rặng núi xa hút trầm mặc trong màu xanh thăm thẳm; bản đồng ca về những tình bạn của tôi ngân lên trong sáng và cương quyết, bắt đầu với cậu Hermann huyền thoại, người anh em tinh thần của Hermine; chân dung nhiều người đàn bà – những người tôi đã yêu, thèm khát, ngợi ca và đã cố công nhưng chỉ giành được một số ít – ngát thơm và thoát tục như những bông hoa biển ướt đẫm nở rộ vừa mới từ nước vươn lên, bập bềnh trôi tới. Cả vợ tôi cũng hiện ra – người vợ đã cùng tôi chung sống nhiều năm, đã dạy tôi về tình bạn, sự xung đột, nỗi ngao ngán, và tôi vẫn giữ trọn lòng tin cậy sắt son bất chấp mọi thiếu thốn trong cuộc sống, cho đến ngày tôi ngã bệnh cả về tâm hồn lẫn thể xác và nàng đột nhiên kịch liệt chối từ, rời bỏ tôi – và tôi nhận ra tôi đã yêu thương nàng biết mấy, đã tin tưởng nàng sâu xa biết mấy, nên sự bội tín của nàng mới gây cho tôi một vết thương đau xót trọn đời như thế.
Hết thảy những hình ảnh này – hàng trăm cái, có tên hoặc không – đều hiện về, vươn lên tươi mát và mới mẻ từ giếng khơi của cái đêm ân ái ấy và tôi hiểu lại điều mình đã lãng quên từ lâu trong thống khổ: những hình ảnh này là tài sản và giá trị của đời tôi, là những trải nghiệm tiếp tục tồn tại không thể hủy hoại, được đúc kết thành những ngôi sao mà tôi có thể quên, nhưng quyết không thể hủy diệt; hàng hàng lớp lớp những vì sao ấy là chuyện thần thoại của đời tôi, ánh sao lấp lánh là giá trị không thể hủy diệt về sự tồn tại của tôi. Đời tôi từng nhọc nhằn, sa chân lỡ bước và bất hạnh, dẫn đến sự khước từ và phủ nhận, nó chát vị muối của số phận cả loài người, nhưng nó giàu sang, kiêu hãnh và giàu sang, kể cả trong khốn khổ vẫn cứ là một cuộc đời vương giả. Dẫu cho đoạn đường ngắn ngủi dẫn tới diệt vong, sự diệt vong tuyệt đối, bị lãng phí thảm hại đến đâu đi nữa, thì cốt lõi của cuộc sống ấy vẫn là cao quý, cuộc sống ấy vẫn có diện mạo và nét độc đáo, nó không màng đến những điều nhỏ nhặt mà quan tâm tới những vì sao.
Từ đó đến nay cũng lâu rồi, có bao điều đã xảy ra và bao chuyện đã khác đi; tôi chỉ còn nhớ được vài chi tiết ít ỏi của đêm hôm ấy, dăm ba câu hai chúng tôi đã nói với nhau, vài ba cử chỉ và hành động rời rạc của sự âu yếm thiết tha, những giây phút tỉnh như sáo khi thức dậy từ giấc ngủ nặng nề mệt mỏi yêu đương. Nhưng chính đêm hôm ấy, lần đầu tiên kể từ ngày tôi sa sút, cuộc đời của chính tôi lại đã nhìn tôi bằng đôi mắt sáng ngời không thương xót, trong đó tôi lại nhận ra sự ngẫu nhiên chính là số phận, lại nhận ra đống hoang tàn của đời mình chính là những mảnh vụn thần thánh. Tâm hồn tôi hô hấp trở lại, mắt tôi lại nhìn và có những khoảnh khắc tôi say sưa linh cảm rằng tôi chỉ cần gom lại cái thế giới hình ảnh phân tán, chỉ cần nâng cuộc đời con Sói Thảo Nguyên Harry Haller của tôi toàn vẹn thành bức ảnh, để rồi tự mình bước vào trong thế giới hình ảnh và trở thành bất tử. Chẳng lẽ đó không phải là mục tiêu mà cuộc đời mỗi người nên thử hướng tới ư?
Sáng ra, khi Maria dùng điểm tâm với tôi xong, tôi len lén đưa nàng ra khỏi nhà. Trót lọt. Ngay hôm ấy tôi thuê cho nàng và tôi một căn phòng nhỏ trong khu phố gần bên, dành riêng để hai chúng tôi gặp gỡ.
Hermine, cô giáo dạy khiêu vũ của tôi, có mặt đúng theo bổn phận và tôi phải học nhảy điệu Boston. Nàng nghiêm khắc, không khoan nhượng và không cho tôi bỏ một giờ học nào, vì nàng đã quyết định tôi sẽ cùng nàng dự buổi khiêu vũ hóa trang sắp tới. Hermine yêu cầu tôi đưa tiền để mua đồ phục trang cho nàng, nhưng từ chối không tiết lộ chút gì về chuyện ấy. Tôi vẫn còn bị cấm đến thăm, thậm chí không được biết nàng hiện đang ở đâu.
Quãng thời gian trước buổi khiêu vũ hóa trang, khoảng ba tuần, thật là tuyệt vời. Đối với tôi, Maria dường như là người tình thật sự đầu tiên tôi từng có. Tôi luôn đòi hỏi ở những người đàn bà mình yêu một chút đầu óc và học vấn, mà không nhận thấy rằng ngay cả người phụ nữ trí thức nhất và tương đối có học nhất tôi từng yêu chẳng bao giờ đáp lại được cái Logos – thần ngôn – trong tôi, mà luôn ngược lại; tôi mang những vấn đề và suy tư của mình đến với những người đàn bà và dường như tôi không thể yêu lâu hơn một giờ người con gái nào chưa hề đọc qua một quyển sách, không hề biết đọc sách là gì và không phân biệt nổi Tschaikovsky với Beethoven. Maria thất học. Nàng không cần những thứ vòng vo, những thế giới thay thế này; mọi vấn đề của nàng đều nảy sinh trực tiếp từ các giác quan. Nghệ thuật và nhiệm vụ của nàng là cố tạo thật nhiều lạc thú nhục thể và tình yêu với những giác quan được phú thác, với vóc dáng đặc biệt, màu sắc, mái tóc, giọng nói, làn da, tính khí; nghệ thuật và nhiệm vụ của nàng là tìm kiếm và khơi dậy từ người tình câu trả lời, sự cảm nhận cùng sự đáp ứng sôi nổi, hoan lạc bằng mọi khả năng, mọi đường cong và từng biến đổi trên thân thể nàng. Ngay ở lần khiêu vũ đầu tiên đầy nhút nhát với nàng tôi đã cảm thấy điều ấy, đã đánh hơi thấy cái mùi hương của thứ nhục cảm tài tình, tuyệt vời, cực kỳ tinh tế và đã mê mệt vì nó. Đương nhiên cũng không phải ngẫu nhiên mà Hermine, con người rành hết mọi sự ấy, lại đưa Maria đến với tôi. Nàng thơm ngát tựa hoa hồng và hừng hực chẳng khác mùa hè.
Tôi không diễm phúc được làm người tình độc nhất của Maria hoặc được nàng ưu ái, mà chỉ là một trong nhiều người thôi. Nàng thường không có thì giờ cho tôi, đôi khi chỉ được một giờ lúc xế trưa, còn trọn đêm thì thật họa hoằn. Nàng không chịu nhận tiền của tôi, chắc chắn vì Hermine đã nhúng tay vào. Nhưng nàng sẵn lòng nhận quà, nên khi tôi tặng nàng chẳng hạn một cái ví da nho nhỏ màu đỏ bóng, tôi có thể nhét vào đấy vài ba đồng vàng. Nhân tiện nói thêm, vì cái ví này mà tôi đã bị nàng cười giễu khôn xiết! Nó đẹp thật đấy, nhưng là thứ hàng bán ế, hết mốt từ đời nào rồi. Tôi đã học được nhiều từ Maria trong những lĩnh vực mà cho đến lúc ấy tôi hiểu biết chẳng bao nhiêu, không khác chuyện tôi ít rành rẽ về bất cứ thứ ngôn ngữ nào của người Eskimo. Trước hết tôi học được rằng những đồ chơi nho nhỏ ấy, những món hàng xa xỉ theo thời ấy không chỉ là những thứ vặt vãnh được các nhà chế tạo và kinh doanh tham tiền sáng chế ra, ngược lại có lý do thích đáng; chúng đẹp, thiên hình vạn trạng, đúng là một thế giới nho nhỏ – hay một thế giới lớn thì đúng hơn – của những vật mà tất cả chỉ có mục đích duy nhất là phục vụ tình yêu, làm tinh tế các giác quan, làm hồi sinh cái thế giới đã chết chung quanh, ban cho nó một cách thần kỳ những dụng cụ mới cần cho tình yêu: từ son phấn và nước hoa đến giày nhảy, từ chiếc nhẫn đến hộp thuốc lá, từ khóa thắt lưng đến xắc tay. Xắc tay không đơn thuần là xắc tay, ví tiền không phải là ví tiền, hoa không phải hoa, quạt không phải là quạt, mà tất cả đều là những vật chất diễn cảm tình yêu, ma thuật, sự quyến rũ, là kẻ đưa tin, người buôn lậu, khí giới, tiếng hô xung trận.
Maria yêu ai thật sự, tôi thường ngẫm nghĩ về điều này. Tôi nghĩ nàng yêu gã Pablo trẻ tuổi chơi saxophone hơn cả, với đôi mắt đen mơ màng xa vắng và đôi bàn tay dài, xanh xao, quý phái, u sầu. Tôi cứ nghĩ rằng tay Pablo này lừ đừ, không hứng thú và thụ động trong chuyện yêu đương, nhưng Maria cả quyết rằng tuy phải mất thì giờ mới làm y hào hứng được, nhưng sau đó y sẽ hăm hở, dữ dội, đàn ông và đòi hỏi hơn bất kỳ một võ sĩ hay kỵ sĩ nào. Và thế là tôi biết được điều bí ẩn về người này người nọ, của tay nhạc công chơi Jazz, của người diễn viên, của một số đàn bà, của những cô gái và những người đàn ông trong môi trường của chúng tôi, biết đủ thứ chuyện bí mật, thấy được những mối liên kết và thù địch ngấm ngầm bên trong, dần dà tôi (kẻ vốn dĩ hoàn toàn xa lạ không chút liên quan với thế giới này) được tin cậy và được coi như người trong cuộc. Cả về Hermine tôi cũng biết được khối điều. Đặc biệt lúc này tôi thường hay gặp Pablo, người mà Maria mê đắm. Thỉnh thoảng nàng cũng cần đến những thứ thuốc bí mật của y; nàng luôn không quên cung cấp cho tôi những lạc thú này và Pablo luôn sốt sắng hết lòng phục vụ tôi. Một lần y chẳng quanh co nói thẳng với tôi: “Ông bất hạnh quá lắm, thế là không tốt, không nên thế. Tôi thật ái ngại. Ông hãy hút thử một sái thuốc phiện loại nhẹ đi.” Nhận xét của tôi về con người vui vẻ, khôn ngoan, trẻ con nhưng khôn dò này thay đổi liên tục; chúng tôi trở thành bạn bè và không hiếm dịp tôi đã nhận chút ít những thứ thuốc của anh ta. Anh ta có vẻ thích thú thấy tôi mê đắm Maria. Một lần anh ta thết “tiệc” trong phòng riêng, trên gác xép một khách sạn ở ngoại ô. Phòng chỉ có một chiếc ghế, Maria và tôi phải ngồi trên giường. Anh mời chúng tôi một thứ rượu mùi tuyệt vời, đầy bí mật, pha trộn từ ba chai con. Rồi khi tôi trở nên quá mức hào hứng, anh ta long lanh ánh mắt đề nghị chúng tôi vui chơi một cuộc tình trác táng tay ba. Tôi cộc cằn từ chối vì không thể làm những chuyện như thế được, tuy nhiên tôi cũng đã liếc nhìn Maria xem thái độ nàng ra sao; tuy nàng tán thành ngay sự thoái thác của tôi, song tôi vẫn thấy đôi mắt nàng le lói và hiểu rằng nàng tiếc rẻ. Pablo thất vọng trước lời từ khước của tôi, nhưng không thấy bị xúc phạm. “Tiếc quá,” anh ta nói, “Harry đắn đo quá nhiều về đạo đức. Đành vậy. Giá được thì sẽ vui đấy, rất vui! Nhưng tôi có thứ thay thế.” Mỗi chúng tôi được hút vào hơi thuốc phiện rồi ngồi bất động, mở mắt, cả ba chúng tôi được sống cảnh tượng mà anh ta đã khêu gợi, trong lúc Maria run rẩy vì mê ly. Sau đó, khi tôi cảm thấy người hơi nôn nao, Pablo liền đặt tôi nằm lên giường, cho uống vài giọt thuốc và khi tôi nhắm mắt trong vài phút, tôi cảm thấy phớt trên mỗi mí mắt mình một cái hôn, nhẹ như hơi thở. Tôi đón nhận nó như thể đó là của Maria. Nhưng tôi biết rõ đó là của anh ta.
Một tối khác anh ta còn làm tôi kinh ngạc hơn nữa. Anh ta đến phòng tôi, bảo cần hai mươi franc và xin tôi số tiền ấy. Đổi lại, anh ta đề nghị tối ấy tôi sẽ thay anh ta vui thú với Maria.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!