Sông Đông Êm Đềm - Chương 221
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
51


Sông Đông Êm Đềm


Chương 221


Dunhiaska dậy sớm vì còn phải vắt sữa bò. Grigori húng hắng ho, rón rén đi đi lại lại trong bếp. Dunhiaska đắp lại chăn cho hai đứa bé rồi mặc nhanh áo xống, bước vào bếp, Grigori đang cài khuy áo ca- pốt.

– Mới tinh mơ thế nầy anh đã sắp sửa đi đâu đấy, anh yêu của em.

– Anh đi một vòng trong thôn, nhìn ngó một chút.

– Có lẽ anh ăn sáng đã, rồi hẵng…

– Anh nhức đầu, không muốn ăn đâu.

– Anh sẽ về ăn sáng nhé! Em nhóm lò ngay đây.

– Đừng chờ anh làm gì, anh không chóng về đâu.

Grigori bước ra phố. Lúc trời sắp sáng tuyết có tan một chút. Gió nồm thổi ẩm ướt, ấm áp. Tuyết trộn lẫn với đất dính bết vào gót ủng.

Grigori nhìn chăm chú những căn nhà và những nhà kho mà chàng đã quen thuộc từ thời thơ ấu. Chung quanh bãi thôn vẫn còn hiện lên đen sì những đống hoang tàn của các nhà lái buôn và cửa hiệu mà Miska đã đốt năm ngoái. Dãy tường bao gần đổ dụi của toà nhà thờ đầy những vết thủng lỗ chỗ. “Cần phải có gạch để làm bếp lò”. – Grigori thẫn thờ nghĩ bụng. Toà nhà thờ vẫn nhỏ bé như xưa và nom cứ như cắm xuống đất. Cái mái đã lâu không sơn lại bị rỉ nom vàng khè. Các bức tường loang lổ những đám nước thấm nâu nâu, và ở những chỗ vừa lở vữa những viên gạch bị bóc trần có một màu đỏ rất tươi.

Các dãy phố đều vắng tanh. Hai ba người đàn bà, còn ngái ngủ gặp Grigori ở gần giếng. Họ lặng lẽ cúi chào Grigori như khi gặp một người lạ, và mãi khi chàng đã đi qua họ mới đứng lại và nhìn theo rất lâu.

“Phải ra mộ thăm mẹ và Natalia mới được”, – Grigori nghĩ vậy rồi rẽ vào cái ngõ thông tới con đường đi ra nghĩa địa, nhưng vừa đi được một lát chàng đã đứng lại. Chàng cảm thấy trong lòng nặng chình chịch và rối như tơ vò. “Thôi hôm khác mình sẽ đi, – chàng quyết định như thế rồi đi về phía nhà Prokho. – Bây giờ đối với mẹ và Natalia, mình đến hay không đến cũng thế thôi. Cả hai đều đã yên nghỉ ở ngoài ấy. Tất cả thế là hết. Tuyết đã phủ đầy mộ. Nhưng ở sâu dưới ấy, có lẽ đất lạnh lắm… Thế là mọi người đã sống đủ tuổi đời cả rồi nhanh thật, cứ như trong mộng ấy. Mọi người đều nằm ở một chỗ, bên cạnh nhau cả vợ mình, cả mẹ, lẫn Petro và Daria… Cả nhà đều ngoài ấy và nằm bên cạnh nhau. Mọi người đều sung sướng, chỉ một mình cha thui thủi nơi đất khách quê người. Ông cụ nằm ở đấy giữa những người lạ có lẽ cũng buồn…” Grigori không nhìn ngang nhìn ngửa nữa, cứ cắm cúi đi, mắt dán xuống chân, nhìn lớp tuyết mỏng trắng loá đang tan dở và hơi lõm bõm nước. Tuyết rất mềm, mềm đến nỗi chàng không cảm thấy có gì dưới chân, thậm chí gần như không nghe thấy tiếng lạo xạo.

Rồi Grigori bắt đầu nghĩ tới hai đứa con. Không hiểu sao hai đứa đã trở nên rụt rè, trầm lặng, không hợp với tuổi chúng nó chút nào và khác hẳn hồi còn có mẹ. Thần chết đã cướp mất của chúng nó nhiều thứ quá. Những chuyện chẳng có gì cũng làm chúng nó sợ. Tại sao hôm qua con Poliuska lại khóc khi nó trông thấy chàng? Khi gặp lại người thân thuộc, trẻ con thường có khóc đâu, hình như chúng nó có như thế đâu? Không biết lúc ấy trong bụng nó nghĩ gì nhỉ? Mà tại sao khi chàng nắm lấy tay nó thì trong con mắt nó lại thoáng có vẻ hoảng hốt? Chưa biết chừng nó cũng nghĩ rằng bố nó không còn sống nữa, không bao giờ trở lại nữa, vì thế khi nhìn thấy chàng thì nó sợ. Nhưng dù sao chàng Grigori nầy, cũng chẳng có lỗi về điều gì đối với hai đứa. Chỉ cần dặn Acxinhia để nàng thương chúng nó và cố tìm mọi cách để thay được mẹ chúng nó… Có lẽ rồi chúng nó cũng sẽ xoắn xuýt lấy mẹ kếthôi. Nàng là một người đàn bà âu yếm tốt bụng. Vì yêu chàng nên nàng cũng sẽ yêu cả hai đứa trẻ.

Nghĩ tới những chuyện ấy thì cũng nặng nề và đau lòng. Tất cả không phải đều sẽ đơn giản như thế đâu. Tỏàn bộ cuộc đời đã tỏ ra hoàn toàn không đơn giản như chàng mới gần đây còn tưởng. Với một lòng ngây thơ ngu xuẩn như của con nít, chàng đã ngỡ rằng chỉ cần trở về nhà, thay cái áo ca- pốt bằng chiếc áo choàng bằng dạ thô của nông dân, thế là tất cả sẽ đẹp như trong tranh: sẽ không ai hé răng nói chàng một lời nào, không ai trách cứ chàng, tự nhiên tất cả mọi việc sẽ được thu xếp ổn thoả, rồi chàng sẽ sinh sống làm ăn như một nhà nông hiền lành và một người chủ gia dình gương mẫu. Không thật ra tình hình đâu có đơn giản như thế.

Grigori mở rất cẩn thận cái cửa xép bám lắt lẻo vào độc một chiếc bản lề của sân nuôi gia súc nhà Prokho. Với đôi ủng da tròn đã trẹo cả đế và cái mũ ba tai chụp xuống tới lông mày, Prokho đang đi về phía thềm nhà, cái thùng vắt sữa bò rỗng lủng lẳng trong tay một cách vô tư lự, những giọt sữa trắng trắng rơi vãi lả tả xuống tuyết.

– Đồng chí ngủ có ngon không, đồng chí chỉ huy?

– Ơn Chúa.

– Chúng mình phải có tí tỉ cho giã chầu rượu tối qua mới được, nếu không đầu óc cứ trống rỗng, y như cái thùng nầy ấy.

– Uống thêm cho giã rượu cũng là một việc đáng nghĩ tới đấy, nhưng tại sao trong thùng lại chẳng có gì thế nầy? Cậu tự tay ra vắt sữa đấy à?

Prokho gật mạnh đầu cho cái mũ ba tai chạy ra sau gáy và mãi lúc nầy Grigori mới nhận thấy rằng người bạn của chàng có bộ mặt rầu rĩ một cách rất là bất thường.

– Nếu không thì quỉ dữ vắt sữa con bò thay cho tôi hay sao? Phải, tôi phải vắt sữa bò thay nó, con mụ đáng nguyền rủa ấy. Uống sữa do tay tôi vắt thì nó cũng đến sôi bụng lên thôi! – Prokho phát khùng quẳng cái thùng đi rồi nói gọn lỏn – Chúng ta vào trong nhà thôi.

– Thế còn vợ cậu? – Grigori ngập ngừng hỏi.

– Quỉ dữ lôi nó ra mà nhắm với nước kvas? Trời còn chưa rạng nó đã dậy sửa soạn rồi bỏ đi đến thôn Krugilinsky để hái mận dại.

– Tôi vừa ở đằng anh về là nó gây sự với tôi ngay? Nó lải nhải đọc đủ các bài kinh rồi nhảy chồm lên và bảo: “Tôi đi hái mận dại đây! Hôm nay hai đưa con dâu nhà Marsaev đi, tôi cũng đi!” Tôi nghĩ thầm: “Mày cứ xéo đi, đi hái lê tao cũng mặc xác, cầu cho con đường mày đi êm như trải thảm?” Rồi tôi trở dậy, nhóm lò và ra vắt sữa bò. Phải, chỉ có độc một tay thì có thể làm nổi những việc như thế hay không?

– Gọi một mụ nào đến giúp có hơn không? Cậu thật là một thằng kỳ quặc?

– Chỉ con cừu đực mới kỳ quặc thôi, vì đến lễ Đức Mẹ nó vẫn còn bú, chứ tôi thì vốn dĩ không phải là một thằng kỳ quặc bao giờ.

– Tôi cứ nghĩ thầm: rồi mình xoay xở cũng xong! Đấy, tôi đã xoay xở được như thế đấy. Tôi bò lổm ngổm như con tôm dưới bụng nó, còn nó, cái con bò ba lần đáng nguyền rủa ấy, nó đâu chịu đứng yên, bốn chân cứ đạp lung tung. Tôi đã phải bỏ cả cái mũ ba tai ra cho nó khỏi sợ, nhưng nó vẫn cứ thế. Trong khi tôi vắt sữa, cái áo sơ- mi tôi mặc ướt đẫm cả. Hễ tôi giơ tay với lấy cái thùng đặt dưới bụng nó là nó đưa chân đá luôn! Cái thùng văng sang một đằng còn tôi thì văng sang một nẻo. Tôi đã vắt xong theo cái kiểu như thế đấy. Nó không phải là một con bò cái mà là một con quỉ có sừng? Tôi bèn nhổ toẹt vào mặt nó một cái rồi bỏ đi. Chẳng có sữa tôi vẫn sống được như thường. Nhưng chúng ta uống cho giã rượu chứ?

– Nhưng có còn không?

– Độc một chai. Ngon ghê lắm đấy.

– Được, ngần ấy cũng đủ rồi.

– Anh vào đi, anh sẽ là khách của tôi. Tôi rán trứng nhé! Làm chỉ loáng cái là xong.

Grigori thái mỡ chài, giúp chủ nhà nhóm lửa trên đống tro ở miệng lò. Hai người lặng lẽ nhìn những miếng mỡ hồng hồng lách tách chảy ra nước và trườn đi trườn lại trong cái chảo. Rồi Prokho lôi ra một cái chai đầy bụi từ sau cái ổ để các hình thánh.

– Đây là chỗ tốt để giấu các tài liệu bí mật không cho vợ tôi biết đấy – Hắn giải thích ngắn gọn.

Hai người nhắm rượu trong căn phòng nhà trong nhỏ bé, đốt lửa rất ấm và thì thầm nói chuyện với nhau.

Grigori không đem những nỗi tâm sự thầm kín nhất của mình ra nói với Prokho thì còn nói với ai? Chàng dạng rộng hai chân gân guốc rất dài ngồi cạnh chiếc bàn, cái giọng trầm khàn khàn của chàng vang lên trầm trầm:

– Cả thời kỳ còn ở bộ đội lẫn trên đường về, mình cứ nghĩ tới chuyện mình sẽ về sống như thế nào với ruộng đất, sẽ được nghỉ ngơi trong gia đình, xa tất cả các chuyện quỉ quái ấy như thế nào. Tám năm liền không xuống ngựa đâu phải trò đùa? Ngay trong giấc ngủ, hầu như đêm nào mình cũng nằm mê thấy cái cảnh đẹp mắt ấy: mình không giết người thì người cũng giết mình… Nhưng Prokho ạ, xem ra muốn làm như ý mình thì không được đâu… Xem ra đối với những người khác mình sẽ không thể cày ruộng đất, chăm nom ruộng đất được đâu…

– Hôm qua anh đã nói chuyện với Miska rồi chứ?

– Cứ như được uống mật ong ấy.

Grigori bắt tréo hai ngón tay.

– Tình bạn giữa hai chúng mình bây giờ là như thế nầy. Nó trách mắng mình về chuyện đã đi lính cho bọn Trắng, nó nghĩ rằng mình đang ngấm ngầm muốn làm hại chính quyền mới, đang giấu một con dao trong bụng chờ thời cơ chống lại. Nó sợ mình sẽ dấy lên một cuộc bạo động, nhưng mình cần quái gì phải làm cái trò ấy. Thằng ngu xuẩn, nó không hiểu được như thế.

– Nó cũng nói với tôi như thế đấy.

Grigori cười nhạt, nụ cười chẳng có gì vui vẻ.

– Hồi chúng mình tiến quân vào Ba Lan, có một thằng khô- khon ở Ukraina đến xin chúng mình cấp cho vũ khí để bảo vệ thôn xóm. Vốn là chúng nó bị những nhóm thổ phỉ làm tình làm tội, cướp phá, giết gia súc. Lúc ấy mình cũng có mặt. Thằng trung đoàn trưởng bảo: “Nếu cấp vũ khí cho các anh thì chính các anh cũng đi làm thổ phỉ thôi”. Những thằng khô- khon cười và nói: “Đồng chí ạ, đồng chí cấp vũ khí cho chúng tôi thì chúng tôi không những không để những thằng thổ phỉ vào làng mà còn không cho cả các đồng chí vào nữa”. Trong lúc nầy, chính mình đại loại cũng đang nghĩ như thằng khô- khon ấy: nếu làm thế nào cho thôn Tatarsky có thể không cho cả bọn Trắng lẫn bọn Đỏ vào thì tốt nhất. Theo mình thì dù có là thằng Mitka Korsunov anh vợ mình hay thằng Miska Kosevoi, chúng nó cũng chỉ đáng giá như nhau thôi. Nó nghĩ rằng mình là một thằng trung thành với bọn Trắng, không có bọn Trắng mình không thể sống được. Thật là một thằng hạng bét! Mình mà lại trung thành với chúng nó? Mới gần đây thôi, hồi tiến vào Krym, trong một trận chiến đấu mình đã có dịp chạm trán với một thằng sĩ quan của Kornilov, một thằng đại tá oắt con nbanh như con cắt. Nó có bộ ria để theo kiểu Anh với hai mảnh ngay dưới lỗ mũi, nom cứ như hai đám nước mũi ấy. Mình ra sức xả được nó một nhát mà trong lòng như mở cờ? Cái thằng đại tá khốn nạn ấy chỉ còn giữ được nửa cái sọ cùng với nửa cái mũ cát- két… Tất cả lòng trung thành của mình là như thế đấy? Chúng nó làm tình làm tội mình cũng đủ nhiều rồi. Mình đổ máu ra kiếm được cái hàm sĩ quan khốn kiếp nầy mà trong bọn sĩ quan mình vẫn cứ như một con quạ trắng. Bọn chó đẻ ấy, chúng nó vốn dĩ có coi mình là một con người đâu, chúng nó không thèm chìa tay cho mình bắt, đã thế mà còn muốn mình… Mẹ chúng nó chứ? Cái chuyện ấy nói đến cũng đủ buồn nôn rồi? Thế mà mình còn lập lại cái chính quyền của chúng rló hay sao? Còn rước những thằng tướng như Fitkhelaurov về nữa hay sao? Cái trò ấy sau khi thử làm một lần mình đã phải nấc suốt một năm trời, nhưng thôi đủ rồi, mình đã khôn ngoan ra rồi, thử làm tất cả những cái trò ấy mình đã mang vạ vào thân rồi?

Prokho vừa nhúng bánh mì vào mỡ nóng vừa nói:

– Sẽ chẳng có bạo động bạo điếc gì đâu. Thứ nhất là bọn Cô- dắc chỉ còn lại quá ít, mà những thằng sống sót thì đã rút kinh nghiệm. Sau khi làm những thằng anh em của mình đổ máu khá nhiều, chúng nó đã trở nên hiền lành và thông minh hơn. Bây giờ thì đem vòng thòng lọng lồng vào cổ cũng không thể lôi chúng nó đi bạo động được nữa đâu. Mà lại còn một điều nữa là ở đây dân chúng chỉ đang khao khát một cuộc sống yên ồn. Anh hãy xem mùa hè năm nay mọi người làm ăn như thế nào: cổ khô cắt về đánh đống cao ngất, thóc lúa gặt về kỳ hết chẳng để sót một hạt nào, mệt đến thở không ra hơi mà vẫn cứ cày, vẫn cứ gieo hạt, cứ như người nào cũng định sống một trăm năm nữa ấy? Không, cái chuyện bạo động thì chẳng có gì đáng nói đâu. Đó là một câu chuyện ngu xuẩn. Nhưng ôn dịch nào biết được là trong đầu óc bọn Cô- dắc chúng nó có thể nghĩ ngợi những gì…

– Thế chúng nó có thể nghĩ ngợi những gì? Cậu định nói đến chuyện gì thế?

– Những thằng láng giềng của chúng ta đã nghĩ ra cái trò…

– Thế nào?

– Anh lại còn thế nào nữa à? Chúng nó đã bạo động ở tỉnh Voronezskaia, tại một nơi nào đó gần Bogutra rồi.

– Đó chỉ là chuyện bịa?

– Chuyện nầy thì có gì mà bịa. Hôm qua có một thằng dân cảnh quen với tôi đã nói thế. Hình như chúng nó đang sắp sửa bị điều tới đấy thì phải.

– Nhưng đích xác là ở những chỗ nào?

– Ở Monaxtiasina, ở Thượng Dones, ở Pasek ở Cựu Kalitva, Tân Kalitva, và cũng còn vài nơi nữa. Nghe nói bạo động lớn lắm.

– Tại sao hôm qua cậu không cho biết chuyện nầy, con ngỗng trụi lông nầy?

– Tôi không muốn nói trước mặt thằng Miska, hơn nữa nói về những chuyện nầy chẳng có gì thú vị. Chỉ mong sao suốt đời không phải nghe nói về những trò như thế. – Prokho trả lời bằng một giọng bực bội.

Grigori sầm mặt lại. Chàng ngẫm nghĩ giờ lâu rồi nói:

– Cái tin ấy rất là không hay.

– Nhưng nó có liên can gì đến anh đâu. Cứ mặc cho bọn khô- khon có dịp suy nghĩ. Chúng nó bị nện vào đít thật đau sẽ biết thế nào là bạo động. Còn tôi với anh thì dứt khoát không dính dáng đến chuyện ấy làm gì. Tôi chẳng thương hại chúng nó chút nào đâu.

– Bây giờ sẽ có những chuyện khá khó khăn cho mình.

– Sao thế?

– Lại còn sao thế? Nếu đối với mình, cả chính quyền khu cũng có những ý nghĩ như thằng Miska thì mình sẽ không thoát khỏi ngồi tù ở ngay cạnh một nơi có bạo động, mình lại là một sĩ quan cũ, hơn nữa đã từng bạo động… Cậu hiểu chưa?

Prokho thôi không nhai nữa, mặt có vẻ đăm chiêu. Đầu óc hắn vẫn chưa nghĩ ra được những điều như thế. Hơi men đã làm hắn trở nên đờ đẫn, suy nghĩ rất chậm chạp, khó khăn.

– Nhưng việc ấy thì có liên can gì đến anh, anh Pantelevich? – Hắn thắc mắc hỏi.

Grigori cau mày bực bội và không nói gì cả. Rõ ràng tin nầy đã làm chàng lo lắng. Prokho muốn đẩy tới cho chàng một cốc rượu, nhưng chàng ngăn tay chủ nhà lại, kiên quyết nói:

– Mình không uống nữa đâu.

– Nhưng có lẽ chúng mình cứ uống thêm một cốc nữa đi. Uống đi, anh Grigori Pantelevich, trong lúc chưa say thì cứ uống đi. Trong cuộc sống quá vui vẻ như thế nầy chỉ có rượu làm cho mình quên hết được.

– Cậu cứ say một mình đi. Đầu óc cậu ngu xuẩn như thế thì nó đến làm cho cậu mất mạng thôi. Hôm nay mình còn phải lên Vosenskaia để đăng ký.

Prokho nhìn chàng chằm chằm. Khuôn mặt dãi dầu nắng gió của Grigori ửng lên một màu đỏ tía, gần như nâu, chỉ ở sát chân bộ tóc chải lật ra sau là da còn có màu trắng bệch. Vẻ mặt chàng rất bình thản, cái bình thản của người lính đã biết mọi sự đời mà chiến tranh và mưa nắng đã làm cho gần gụi thân thuộc với Prokho. Hai con mắt hơi hum húp của chàng nom âm thầm, đầy vẻ mệt mỏi khắc nghiệt.

– Anh có sợ rằng chính cái chuyện ấy… anh có sợ chúng nó bỏ tù anh không? – Prokho hỏi.

Grigori sôi nổi hẳn lên.

– Người anh em ạ, chính là mình đang sợ cái trò ấy đấy! Cha sinh mẹ đẻ chưa ngồi tù bao giờ, vì thế mà mình sợ ngồi tù hơn sợ chết.

– Nhưng xem ra cũng phải nếm cái mùi ngon ngọt ấy thôi.

– Anh chọn con đường về nhà thật là không đúng. – Prokho nói bằng một giọng thương hại.

– Thế thì cậu bảo mình đi đâu mới đúng?

– Có lẽ anh nên tìm một nơi nào đó ở thành phố mà tránh đi, chờ cho cái chuyện lộn xộn ấy lắng xuống một chút rồi hãy trở về thì hơn.

Grigori xua tay, bật cười.

– Làm như thế không hợp với mình đâu? Chờ đợi và theo đuôi là điều đáng ghét nhất trên đời. Mình có thể bỏ hai đứa trẻ để đi đâu bây giờ?

Anh nói thế mà nghe được à? Không có anh ở nhà chúng nó không sống được đấy chắc? Sau đó sẽ về đón chúng nó và cô người yêu cũng được chứ sao? À mà quên không nói cho anh biết: Mấy thằng chủ của anh, chỗ anh và Acxinhia đi ở từ trước chiến tranh ấy mà, cả hai đứa đều ngỏm cả rồi.

– Nhà Litnhitki ấy à?

– Chính chúng nó đấy. Anh chàng Dakha, bạn đỡ đầu của tôi, có làm lính hầu cho thằng Litnhitki con trong thời kỳ rút lui. Hắn ta kể rằng lão địa chủ già mắc bệnh thương hàn đã chết ở Morozovskaia, còn thằng con mò được tới Ekaterinoda. Nhưng đến đấy thì con vợ nó tằng tịu với thằng tướng Pokrovsky vì thế nó bất mãn, không chịu được, đã tử tự bằng súng ngắn.

– Hừ, mặc cho quỉ dữ bắt chúng nó đi. – Grigori nói bằng một giọng lạnh nhạt. – Những người tốt mà chết còn thương, chứ cái hạng như chúng nó thì chẳng ai đau lòng đâu.

Rồi chàng đứng dậy, mặc áo ca- pốt và đến lúc cầm lấy nắm đấm trên cánh cửa mới trầm ngâm nói tiếp:

– Quỉ quái nào biết được vì sao bao giờ mình cũng thèm được như thằng Litnhitki con hay thằng Miska nhà mình… Đối với chúng nó thì ngay từ đầu tất cả đều rõ rành rành, còn đối với mình thì ngay đến bây giờ mọi mặt đều vẫn còn mù mịt. Chúng nó, cả hai đứa, đều có con đường riêng, một con đường thẳng mà đi, một mục đích mà theo, còn như mình cứ đi quanh đi quẩn, ngả ngả nghiêng nghiêng như thằng say rượu… Mình đã bỏ bọn Trắng nhưng lại không nhập được vào bọn Đỏ, cứ lềnh bềnh như đống phân giữa hố nước trên băng. Cậu thấy đấy, Prokho ạ, dic nhiên đáng là mình phải ở bên Hồng quân đến cùng, và nếu thế thì chưa biết chừng mọi việc của mình sẽ qua khỏi trơn tru. Và ngay từ đầu, chuyện nầy thì cậu cũng biết, mình đã rất hăng hái phục vụ Chính quyền Xô viết, nhưng sau đó tất cả đều tan vỡ… ở bên bọn Trắng, trong bộ tư lệnh của chúng nó, mình đã là một thằng xa lạ, bao giờ cũng bị chúng nó nghi ngờ. Nhưng làm thế nào để có thể khác được? Một thằng con nhà làm ruộng, một thằng Cô- dắc không có chữ nghĩa như mình thì họ hàng thân thuộc gì với chúng nó? Chúng nó có tin mình đâu? Rồi sau ở bên bọn Đỏ tình hình cũng vẫn như thế. Mình không phải là một thằng mù, vì thế cũng thấy được rằng thằng chính trị viên và những thằng Đảng viên cộng sản khác trong đại đội theo dõi mình thế nào… Trong các trận chiến đấu, chúng nó nhìn mình không ngơi mắt, rình từng bước đi của mình và có lẽ chúng nó nghĩ bụng: “Chà- à- à, cái thằng chó đẻ, thằng Trắng, thằng sĩ quan Cô- dắc nầy, đừng để nó chơi xỏ mình mới được”. Mình nhận thấy tình hình như thế mà tim mình lập tức lạnh hẳn đi. Trong thời gian gần đây mình đã không chịu nổi cái thái độ nghi nghi ngờ ngờ như thế nữa. Bị hun nóng quá thì đá cũng phải nứt vỡ. Thôi tốt nhất là chúng nó cho mình giải ngũ. Mọi mặt sẽ càng gần đến chỗ kết thúc hơn. – Chàng húng hắng ho những tiếng khàn khàn, nín lặng một lát rồi không nhìn Prokho, nói giọng khác hẳn – Cám ơn cậu đã thết mình. Thôi mình đi đây. Chúc cậu mạnh khoẻ. Đến tối, nếu còn trở về mình lại sẽ sang. Nhưng cất cái chai đi kẻo vợ cậu về nó lại đập gãy cái cán xoong trên lưng cậu đấy.

Prokho tiễn chàng ra tới thềm và khẽ nói trong phòng ngoài:

– Chao ôi, anh Pantelevich, làm thế nào cho ở trên ấy chúng nó đừng tóm cổ anh đấy.

– Mình sẽ xem như thế nào. – Grigori trả lời dè dặt.

Chàng không tạt qua nhà mà xuống thẳng bờ sông Đông, tháo chiếc thuyền buộc ở bến đò, không biết của nhà ai, khum bàn tay tát nước trong thuyền ra rồi bẻ một cái cọc trên dãy hàng rào, đập vỡ một khoảng băng ven bờ và bơi sang bờ bên kia.

Trên mặt sông, những làn sóng xanh lá cây sẫm bị gió thổi sủi bọt, cuồn cuộn trôi về phía tây. Trên dải nước tĩnh ở hai bên bờ, các đợt sóng xô đến, đập vỡ váng băng mỏng ròn, làm rung rinh những đám rong rêu xanh rờn mượt như tơ. Bờ sông không ngớt những tiếng băng nhỏ đập vào nhau kêu lanh canh như pha- lê, tiếng những hòn đá củ đậu ven bờ bị nước tràn qua ràn rạt nhè nhẹ. Nhưng khi tới giữa dòng, nơi nước lao rất mạnh, rất đều, Grigori chỉ nghe thấy tiếng đập trầm trầm của những đợt sóng ập tới mạn thuyền bên trái và tiếng gió rú không lúc nào ngớt, rất thấp, rất trầm, trong khu rừng ven sông.

Grigori kéo thuyền lên bờ, nhưng vẫn để một nửa còn ngâm dưới nước, rồi tháo ủng, cuốn lại rất cẩn thận vải bọc chân để đi đường dễ chịu hơn.

Đến giữa trưa thì chàng đến Vosenskaia.

° ° °

Trong Uỷ ban quân sự khu rất đông người và rất ồn ào. Những tiếng chuông điện thoại réo gay gắt, các cánh cửa phòng đập rầm rầm, những người mang vũ khí ra vào tấp nập, từ trong các phòng vẳng ra tiếng máy chữ đập khô khan. Ngoài hành lang có chừng hai chục chiến sĩ Hồng quân đứng vây quanh một người nhỏ bé mặc chiếc áo da chếp nếp kiểu Romanov. Họ cướp lời nhau nói không biết những gì trong những tiếng cười rộ. Khi Grigori bước theo dãy hành lang, từ căn phòng đằng xa có hai chiến sĩ Hồng quân kéo ra một khẩu trọng liên. Hai cái bánh nho nhỏ của khẩu súng khẽ kêu lên lọc cọc trên mặt sàn gỗ sây sứt. Một anh chàng súng máy béo tốt cao lớn, pha trò kêu to: “Nầy các cậu đại đội nhà pha, tránh ra không đây chẹt chết bây giờ!”.

“Xem ra thì chúng nó sắp sửa lên đường đi dẹp bạo động đấy?” – Grigori nghĩ thầm.

Lúc vào đăng ký, chàng bị giữ lại cũng không lâu. Người thư ký của Uỷ ban quân sự vội vã xem qua giấy chứng minh của chàng rồi nói:

– Đồng chí hãy qua phòng chính trị 1 của Uỷ ban Treka sông Đông. Đồng chí là sĩ quan cũ, vì thế phải sang bên ấy mà ghi sổ đăng ký.

– Rõ. – Grigori đưa tay lên vành mũ chào và không để lộ chút nào nỗi xao xuyến tràn ngập trong lòng mình.

Ra đến quảng trường chàng dừng lại, đăm chiêu suy nghĩ Đáng là phải đến phòng chính trị, nhưng phần xác cũng như phần hồn của chàng cưỡng lại một cách đau khổ, không để cho chàng đi. “Sẽ bị chúng nó bỏ tù mất?” Một giọng nói bên trong bảo Grigori, và chàng run bắn người lên vì sợ hãi và kinh tởm. Chàng đứng lại bên dãy hàng rào của trường trung học, đưa cặp mắt không trông thấy gì nhìn xuống khoảng đất đầy phân gia súc và đã tưởng tượng thấy mình đang đi trên những bậc thang bẩn thỉu xuống một chỗ hầm nhà với hai tay bị trói, và sau lưng chàng có một kẻ nắm chặt cái cán sần sùi của khẩu Nagan. Grigori nắm hai tay lại và nhìn đường gân xanh nổi phồng lên. Cả hai bàn tay nầy cũng sẽ bị chúng nó trói hay sao? Máu trong người chàng dồn cả lên mặt. Không, hôm nay chàng sẽ không tới đó? Ngày mai muốn đi thì sẽ đi, chứ hôm nay chàng còn về thôn, sống nốt ngày hôm nay với hai con, gặp Acxinhia và sáng mai sẽ lại tới Vosenskaia. Mẹ khỉ, mẹ cái bên chân đau đi chốc chốc lại nhói một cái. Chàng sẽ chỉ về nhà một ngày rồi quay lại đây, nhất *** h sẽ quay lại. Ngày mai muốn ra sao thì ra, còn hôm nay thì không!

– Á… à anh Melekhov! Bao năm nay không gặp nhau rồi…

Grigori quay lại Yakov Fomin, bạn đồng đội cũ của Petro, trước kia là trung đoàn trưởng trung đoàn 28 đã nổi loạn chống lại Quân đội sông Đông đi tới gần chàng.

Đây không còn là tên Fomin vụng về, ăn vận cẩu thả của trung đoàn Atamansky như xưa kia Grigori thường biết. Chỉ hai năm mà hắn đã thay đổi hẳn; hãn mặc chiếc áo ca- pốt của kỵ binh rất diện, may rất vừa người, hàng ria đỏ chăm sóc cẩn thận xoắn vểnh lên nom rất ngang tàng. Trong toàn bộ thân hình, cũng như dáng đi cố ra vẻ hùng dũng và nụ cười tự mãn của hắn đều có thể thấy rõ tính chất của một kẻ tự coi mình hơn người.

– Run rủi thế nào anh lại gặp chúng tôi thế nầy? – Hắn vừa hỏi vừa bắt tay Grigori và cứ nhìn vào mắt chàng bằng hai con mắt màu xanh lơ nằm rất xa nhau.

– Tôi phục viên rồi. Vừa tới Uỷ ban quân sự.

– Anh về đã lâu chưa?

– Hôm qua.

– Tôi vẫn nhớ tới anh Petro Pantelevich của anh luôn. Một tay Cô- dắc cừ như thế mà chết uổng. Tôi và Petro vốn là bạn chí thân chí thiết với nhau đấy. Anh Melekhov ạ, đáng là năm ngoái các anh không nên bạo động mới phải. Các anh quả đã phạm sai lầm?

– Xem ra cũng phải nói một câu gì đó, vì thế Grigori trả lời:

– Đúng đấy. Anh em Cô- dắc đã sai lầm…

– Vừa rồi anh ở đơn vị nào.

– Tập đoàn quân kỵ binh số một.

– Làm gì?

– Đại đội trưởng.

Té ra vậy? Hiện nay tôi cũng đang chỉ huy một đại đội kỵ binh. Ở ngay đây, ở Vosenskaia, chúng ta đang có một đại đội kỵ binh cảnh vệ. – Hắn đưa mắt nhìn quanh rồi hạ thấp giọng rủ Grigori: – Thế nầy nầy, chúng ta hãy đi chơi một lát, anh cùng đi với tôi một đoạn, kẻo ở đây có nhiều người qua lại, họ không để cho chúng mình có thể nói chuyện với nhau được.

Hai người đi dọc theo dãy phố, Fomin liếc nhìn Grigori và hỏi:

– Anh định về nhà sinh sống à?

– Nếu không thì còn chỗ nào mà ở nữa? Phải về nhà thôi.

– Làm ăn à?

– Phải.

Fomin lắc đầu tỏ vẻ thương hại rồi thở dài:

– Anh Melekhov ạ, anh chọn thật không đúng lúc, chao ôi, thật không đúng lúc… Trong một hay hai năm anh không nên về nhà thì hơn.

– Tại sao thế ạ?

Fomin nắm lấy khuỷu tay Grigori, hơi ngả người về phía chàng và khẽ nói:

– Tình hình trong khu đang nhốn nháo lắm. Bà con Cô- dắc hết sức bất mãn đối với chế độ trưng thu lương thực. Ở huyện Bogutra đang có bạo động. Hôm nay chúng tôi lên đường đi trấn áp đây. Người anh em ạ, tốt nhất anh hãy chuồn khỏi nơi nầy đi, mà phải quàng quàng lên mới được. Tôi là bạn thân của Petro, vì thế mới nói với anh lời khuyên nầy: anh hãy đi đi!

– Tôi chẳng còn nơi nào mà đi nữa.

– Hừ, anh phải cẩn thận? Tôi muốn nói rằng phòng chính trị bắt đầu bắt giữ các sĩ quan rồi đấy. Trong tuần nầy đã có hai cậu chuẩn uý bị giải từ Dudarevca về đây, một cậu nữa thì từ Resetovka, còn từ bên kia sông Đông thì hàng lô bị giải về, cả những thằng Cô- dắc thường, chẳng có chức tước gì, cũng bắt đầu bị hỏi đến. Anh tự suy nghĩ xem, anh Grigori Pantelevich ạ.

– Xin cám ơn anh về lời khuyên, nhưng tôi sẽ không đi đâu cả. – Grigori vẫn khăng khăng.

– Dù sao cũng là việc của anh thôi.

Rồi Fomin bắt đầu nói về tình hiình trong khu, về quan hệ của hắn với các thủ trưởng khu và với uỷ viên quân sự khu Sakhaev. Vì đầu óc còn đang bận với những ý nghĩ của mình, cho nên Grigori chỉ nghe hắn nói một cách thẫn thờ. Hai người cùng đi qua ba đoạn đường phố, rồi Fomin đứng lại.

– Tôi có việc cần phải đi đằng nầy. Thôi nhé. – Hắn đưa tay lên vành chiếc mũ lông kiểu Kuban, chia tay với Grigori một cách lạnh nhạt rồi rẽ vào một cái ngõ, cái dây đeo súng qua vai còn mới toanh kêu kèn kẹt, người dướn thẳng, nom oai vệ một cách rất buồn cười.

Grigori đưa mắt nhìn theo hắn rồi quay trở lại. Chàng vừa bước lên những bậc thềm bằng đá trước ngôi nhà hai tầng của phòng chính trị vừa nghĩ thầm: “Chấm dứt cho mau cho chóng thôi, chẳng kéo dài làm gì nữa! Grigori ạ, mày đã có gan ăn cướp thì cũng phải có gan chịu đòn?”

— —— —— —— ——-

1 Phòng chính trịi. Ở đây là tên gọi những tổ chức Treka cấp khu hoặc cấp huyện trong hai năm 1920 – 1921 (Lời chú bản tiếng Nga)

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN