Sông Đông Êm Đềm - Chương 24
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
131


Sông Đông Êm Đềm


Chương 24


Gia phả nhà Sergey Platonovich còn ghi được những ông tổ xa xưa. Dưới triều hoàng đế Petr đệ nhất 1, có lần một chiếc thuyền chở lương khô và thuốc súng của Nga hoàng xuôi theo sông Đông ra biển Azop. Trên thượng lưu sông Đông, gần cửa nhánh Khop, có thị trấn Trigonac, dân ở đây chuyên đầu trộm đuôi cướp. Bọn Cô- dắc trong thị trấn đã lợi dụng đêm tối đánh úp chiếc thuyền, chém cổ tên lính gác đang ngủ gà ngủ gật, cướp hết lương khô và thuốc súng, còn thuyền thì họ đánh chìm xuống sông.

Theo lệnh Nga hoàng, quân đội ở Voronez đã kéo đến đốt trụi thị trấn “cường đạo” Trigonac ấy, và trong khi chiến đấu đã giết không chùn tay những tên Cô- dắc tham gia đánh cướp chiếc thuyền.

Đại uý Yakirka cùng bốn mươi gã Cô- dắc bị bắt. Quan quân đã đóng những chiếc giá trên bè, treo cổ tất cả, rồi thả cho trôi xuống hạ lưu, hòng dùng những chiếc đu ấy để răn đe các trấn đang sôi sục muốn làm loạn ở miền dưới.

Mười năm sau, một số người Cô- dắc mới di cư đến và cả những người sống sót sau vụ tàn sát, lại đến sinh cơ lập nghiệp ở ngay chỗ xưa kia những ngôi nhà của thị trấn Trigonac đã chìm trong khói lửa.

Trấn nầy lại mỗi ngày một lớn mạnh và đã đắp được một dãy luỹ chiến đấu vây quanh thị trấn. Cũng từ hồi ấy, một tên thám tử là lão mu- gích Mokhov Nhikiska nhận sắc lệnh của chính quỷền Nga hoàng từ Voronez đến đây làm tai mắt cho hoàng triều. Lão buôn bán trăm thứ đồ lặt vặt cần dùng trong đời sống hàng ngày của người Cô- dắc như cán dao, thuốc lá, đá lửa. Lão mua bán cả những đồ ăn cắp và mỗi năm lão lại đi Voronez hai lần, ngoài miệng thì nói là để cất hàng, nhưng thật ra chỉ để báo cáo, chẳng hạn tình hình trong trấn tạm thời vẫn yên tĩnh, dân Cô- dắc chưa âm mưu phạm thêm một tội ác nào.

Dòng họ những tên lái buôn Mokhov chính là bắt nguồn từ lão Mokhov Nhikiska nầy. Họ đã sinh cơ lập nghiệp vững vàng trên mảnh đất Cô- dắc nầy. Hạt giống của họ đã bay đến trấn nầy, đã bám rễ ở đây như loài cỏ dại “móng ngựa”, rồi không ai có tài nào nhổ hết. Con cháu nhà Mokhov đã gìn giữ như một vật thiêng liêng tờ chứng chỉ gần mục nát mà tỉnh trưởng Voronez đã trao cho ông tổ của họ, khi lão được phái đến cái trấn làm loạn nầy. Tờ chứng chỉ ấy đã được cất trong một cái tráp gỗ đặt trên ổ tượng thánh. Chưa biết chừng nó còn giữ được đến ngày nay, nếu mồ ma ông nội Sergey Platonovich, nó không bị đốt ra tro cùng với cái tráp trong một đám cháy lớn. Lão già nầy máu mê cờ bạc, của chìm của nổi có bao nhiêu nướng sạch rồi bị phá sản. Sau đó lão cũng xây đựng lại được cơ nghiệp, nhưng thần lửa đã thiêu hết, thành thử đến đời Sergey Platonovich, tay nầy đã phải làm lại từ đầu. Sau khi chôn xong thằng bố bán thân bất toại, lão đã bắt tay vào kinh doanh với độc một đồng rúp cóc gặm. Đầu tiên lão lang thang qua các thôn mua lông lợn và lông gà vịt. Sau năm năm sống cơ cực, năm năm lừa gạt, bòn mót từng đồng xu nhỏ của bà con Cô- dắc các thôn lân cận, gã buôn lông lợn Seriogia 2 đã nghiễm nhiên biến thành “ông”

Sergey Platonovich, hầu như chỉ một sớm một chiều. Lão mở ngay ở trấn một quán hàng tạp hoá nhỏ, lấy con gái lão cố đạo dở điên dở dại, đào mỏ được một món hồi môn không phải là nhỏ, rồi khai trương một cửa hàng vải, Sergey Platonovich bước vào nghề buôn vải thật là đúng lúc. Vùng tả ngạn sông Đông toàn là đất khô cằn, nếu không là cát thì cũng là đất sét rắn như đá. Vì thế, theo lệnh chính quyền quân khu, người Cô- dắc các trấn bên ấy đã phải di cư sang hữu ngạn từng thôn một. Trấn Kratnokuskaia mới thành lập đã lớn lên vùn vụt, nhà cửa mọc như nấm. Sát bên những khu đất cũ của bọn địa chủ, hai bên các sông Tria, Chernaia và Florovka, những thôn mới thi nhau mọc lên ở những khe, những khoảng đất trũng trên đồng cỏ, cho mãi tới rìa các làng của người Ukraina: Bà con các nơi ấy thường phải đi hàng năm chục vec- xta hoặc xa hơn nữa mới mua được hàng, thế mà nay lại thấy ngay một cửa hiệu với những cái giá bằng gỗ thông mới tinh, xếp đầy các thứ vải vóc tơ lụa thơm phức. Vì thế nên việc buôn bán của Sergey Platonovich mỗi ngày một kéo rộng ra như một chiếc accordeon. Ngoài các thứ hàng vải vóc lão còn buôn tất cả các thứ cần thiết cho cuộc sống đơn giản ở nông thôn: đồ da, muối, dầu hoả, hàng tạp hoá. Thời gian gần đây, lão còn cung cấp cả máy móc nông nghiệp. Những chiếc máy gặt, máy cày, máy quạt thóc, máy sàng thóc đã từ nhà máy Arsaisky đến xếp hàng ngay ngắn bên cửa hiệu hai cánh màu xanh lá cây, mùa hè rất mát. Làm thế nào mà đếm được xem trong hầu bao người ta có bao nhiêu tiền, nhưng chắc chắn là công việc buôn bán đã đem lại cho con người thừa tài xoay xở Sergey Platonovich những món lời không phải nhỏ. Ba năm sau, lão mở thêm một nơi thu mua và chứa lúa mì, rồi một năm sau, khi mụ vợ thứ nhất của lão qua đời, lão lại bắt tay vào xây một nhà máy xay chạy bằng hơi nước.

Trong bàn tay ngăm ngăm, đầy những lóng thưa nhưng đen bóng, Sergey Platonovich đã nắm rất chặt thôn Tatarsky cùng các thôn lân cận. Chẳng có nhà nào không phải ký tên trên mảnh giấy màu xanh lá cây, viền hoa màu da cam nhận thực còn chịu của Sergey Platonovich một món tiền mua máy gặt hoặc tư trang cho con gái về nhà chồng (sắp đến ngày con gái mình phải về nhà người ta rồi mà kho thu mua Paramonovsky lại dìm giá lúa mì quá hạ, thành thử cũng đành tặc lưỡi: “Ông Sergey Platonovich, ông cho tôi mua chịu vậy!”. Nhưng thiếu gì những chuyện khác nữa… Nhà máy xay có chín công nhân, cửa hiệu thuê bảy người, thêm kẻ hầu người hạ trong nhà bốn người nữa, hai chục miệng ăn ấy đều trông mong vào sự ban ơn của lão lái buôn. Mụ vợ trước để lại cho lão hai đứa con: đứa con gái tên là Lida và thằng con trai tên là Vladimir, kém chị nó hai tuổi, bị bệnh tràng nhạc, người héo hon phờ phạc. Anna Ivanovna, người vợ kế mũi hỉn, khô quắt, chẳng đẻ đái gì cả. Tâm trạng một người đàn bà mãi không có đứa con nào để có chỗ dốc hết lòng yêu thương của mình, cùng cái tính cáu kỉnh bực bội mà mụ tích luỹ đã lâu năm (sắp ba mươi tư tuổi mụ mới về làm vợ Sergey Platonovich), tất cả những cái ấy hai đứa con chồng đã phải chịu đựng hết. Tính tình nóng nảy của mẹ kế đã ảnh hưởng không tốt đến việc giáo dục hai đứa trẻ. Còn người bố thì quan tâm đến con cũng chẳng hơn gì mức lão để ý tới hai anh coi ngựa Nikita hay chị nấu bếp.

Công việc làm ăn và các chuyến đi nơi nầy nơi nọ đã choán hết thời gian nhàn rỗi của lão: khi thì Moskva, khi thì Nhitnhi, khi thì Uriupinskaia, khi thì chợ phiên ở các trấn. Thế là hai đứa trẻ cứ lớn lên chẳng có ai chăm nom dạy dỗ. Mụ Anna Ivanovna vốn thờ ơ ghẻ lạnh, nên cũng chẳng tìm cách đi sâu vào những điều thầm kín trong tâm hồn con trẻ, hơn nữa công việc trong nhà lại bề bộn, nên mụ càng không có tâm trí nào làm việc ấy. Vì thế hai chị em Lida chẳng giống nhau chút nào cả, tính tình mỗi đứa một khác, chẳng có vẻ gì là cùng một bố mẹ sinh ra. Vladimir càng lớn lên càng cô độc, ủ rũ, mắt nhìn quằm quặm, vẻ mặt nghiêm nghị như ông cụ non, Lida thì luôn luôn lởn vởn chỗ bọn hầu phòng, nấu bếp, mấy ả phóng đãng, nếm đủ mùi đời, vì thế đã sớm để ý tới mặt trái của cuộc sống. Mấy ả đàn bà ấy đã gây cho Lida một tính tò mò không lành mạnh, ngay từ khi nó còn là một cô bé rụt rè và ngượng nghịu. Thế là Lida đã lớn lên tự do, chẳng bị ai ngăn giữ, cứ như một bụi sao hoa mọc hoang trong rừng.

Năm tháng thủng thẳng trôi qua.

Như bao giờ cũng vậy, người già thì ngày càng già, con con trẻ thì cứ lớn lên mơn mởn như cỏ xanh.

Rồi một hôm trong khi uống trà buổi tối, Sergey Platonovich đã vô cùng ngạc nhiên khi lão để ý nhìn con gái lão. (Hồi ấy, Lida đã tốt nghiệp trung học, và đã kịp trở thành một cô gái khá xinh). Lão nhìn con, cái tách đựng nước trà màu hổ phách cứ nảy bần bật trong tay: “Sao nó giống mồ ma mẹ nó thế. Lạy Chúa tôi, giống như lột ấy!”

– Lida, nào, quay lại cho bố ngắm cái!

Lão đâu có biết rằng ngay từ nhỏ, con gái lão đã giống mẹ nó như đúc. Vladimir Mokhov là một học sinh lớp năm, gầy gò, có khuôn mặt vàng ệch của một đứa bé bệnh hoạn. Nó đang đi trong sân nhà máy xay. Nó mới cùng chị nó về đây nghỉ hè chưa được mấy ngày.

Cũng như mọi lần, Vladimir vừa về nhà là tới thăm ngay nhà máy xay để nhìn ngang nhìn dọc, láng cháng giữa những người bê bết bột mì, nghe tiếng những cái trục cán, những bánh răng quay ầm ầm đều đặn, những cu- roa chạy loạt xoạt. Nó phổng mũi trước những lời xì xào cung kính của mấy người Cô- dắc đến làm phu khuân vác:

– Cậu chủ, sẽ hưởng thừa tự của ông chủ đấy… Nó đi rón rén, tránh những đống phân bò và những cái xe tải để rải rác khắp sân. Vladimir đã ra tới cửa hàng rào mới nhớ rằng nó còn chưa xem phòng máy. Nó bèn quay trở lại.

Gần một cái phuy đỏ đựng dầu hoả đặt cạnh cửa phòng máy, ba người đang xắn quần móng lợn lên đến đầu gối, nhào một bãi đất sét tròn rất to: anh thợ máy cán Timofey, anh thợ cân biệt hiệu là “Bồi” 3 và anh phụ thợ cán Davydka, một anh chàng còn trẻ có hàm răng trãng loá.

– A- a- a, cậu chủ? – “Bồi” chào Vladimir bằng giọng chế nhạo.

– Chào các anh.

– Chào cậu cậu Vladimir Sergeevich!

– Các anh làm gì đấy?

– Nhào bùn chứ còn làm gì nữa. – Davydka cười nhạt bực bội cố rút chân ra khỏi chất bùn đặc sệt nhớp nháp, sặc mùi phân bò – Ông cự nhà cậu tiếc một đồng rúp, không chịu thuê vài mụ đàn bà, lại bắt chúng tôi phải làm. Thật là thần giữ của! – Davydka nói thêm, hai chân vẫn dẫm ộp oạp.

Vladimir đỏ mặt. Nó cảm thấy ghét cay ghét đắng cái gã Davydka lúc nào cũng nhăn nhăn nhở nhở, ghét cái giọng khinh bạc, ghét cả hai hàm răng trắng nhởn của gã.

– Sao lại thần giữ của?

Còn gì nữa? Hà tiện vắt cổ chày ra nước. Iả ra rồi lại ăn vào được, – Davydka giải thích gọn lỏn rồi lại mỉm cười.

“Bồi” và Timofey cũng cười đồng tình. Vladimir cảm thấy bị xúc phạm đau nhói như kim châm. Nó nhìn Davydka bằng cặp mắt lạnh như tiền.

– Sao vậy, như thế là anh không vừa ý có phải không?

– Cậu đứng vào đây, nhào một lát rồi sẽ biết. Có thằng ngu xuẩn nào mà lại vừa ý được? Phải đưa ông cụ nhà cậu tới đây, lắc cho cái bụng của ông ấy nhỏ bớt đi mới được!

Davydka nặng nề đi vòng tròn, người lắc lư, chân nhấc lên rất cao. Lúc nầy nụ cười của anh ta đã vui vẻ và chẳng còn chút gì ác ý nữa.

Vladimir khoan khoái cảm thấy trước sự thích thú sau khi tìm ra câu trả lời cần thiết. Nó đảo đi đảo lại các ý nảy ra trong óc và cuối cùng đã lựa chọn xong.

– Được – Nó nói tách bạch từng tiếng, – Tôi sẽ nói lại với cha tôi rằng các anh bất mãn với công việc.

Nó liếc nhìn vào mặt Davydka và, bất giác kinh ngạc trước tác động của lời mình vừa nói: Davydka dành môi ra cười gượng gạo nom đến là thảm hại, còn mặt hai người kia thì nhăn như bị. Cả ba lầm lì nhào đống đất sét nhão trong một lát, chẳng ai nói gì thêm.

Cuối cùng Davydka không dán mắt xuống hai bàn chân nhớp nhúa của mình nữa, anh ta ngước nhìn lên và nói bằng một giọng van lơn, nhưng đầy vẻ bực bội.

– Tôi chỉ nói đùa một câu thôi mà, cậu Vladimir ạ… Thật đấy, chỉ nói cho vui thôi…

– Tôi sẽ thưa lại với cha tôi những lời anh vừa nói.

Vladimir cảm thấy nước mắt nó trào ra vì nhục cho mình, cho bố, cho cả cái mỉm cười thảm hại của Davydka. Nó bước khỏi chỗ cái phuy dầu.

– Cậu Vladimir! Cậu Vladimir Sergeevich! – Davydka hốt hoảng kêu lên rồi nhảy ra khỏi đống bùn, làm cho ống quần tụt cả xuống hai cẳng chân lấm bê bết đến đầu gối.

Vladimir đứng lại. Davydka hổn hển chạy tới trước mặt nó.

– Cậu đừng nói với ông chủ nhà nhé. Tôi chỉ nói đùa thôi mà… Tôi ngu xuẩn quá, xin cậu thứ lỗi cho tôi… Thật đấy, tôi chẳng có ý bậy bạ gì đâu? Chỉ nói đùa thôi mà…

– Thôi được Tôi sẽ không nói nữa! – Vladimir cau mày quát lên rồi đi về phía cửa hàng rào.

Thế là ý nghĩ thương hại Davydka đã chiếm phần thắng. Vladimir đi bên dãy hàng rào sơn trắng, trong lòng nhẹ nhõm hẳn đi. Từ trong căn lò rèn dựng ở góc sân nhà máy xay vang ra những tiếng búa đập rộn rã: một nhát trên sắt, trầm và chắc hai nhát trên cái đe dội tiếng, kèm theo tiếng búa nảy.

– Cậu dây vào nó làm gì hử? – Vladimir đi đã khá xa còn nghe thấy cái giọng trầm cố nén thấp của “Bồi”. – Không dây vào thì việc gì phải ngửi thối.

“Thằng chó chết nầy, nó lại dám cắn càn, – Vladimir tức sôi lên, nghĩ thầm. – Mình sẽ nói hay không nói bây giờ.

Nó ngoái cổ lại, thấy Davydka vẫn nhe hai hàm răng trắng nhởn ra cười như mọi khi, bèn quyết định: “Mình sẽ nói!”.

Trên cái bãi bên cạnh cửa hiệu có chiếc xe tải thắng một con ngựa, con ngựa bị buộc vào một cái cột. Một bầy trẻ đang đuổi đàn chim sẻ lông xám xám ríu rít trên mái nhà kho để các đồ chữa cháy.

Từ trên sân thượng vẳng xuống cái giọng nam trung sang sảng của gã sinh viên Boiarykin. Ngoài ra còn có một giọng rè rè, khàn khàn, không biết của ai.

Vladimir bước lên thềm nhà. Giàn nho dại đung đưa rung rinh trên đầu nó, những đám cành lá xum xuê đan vào nhau trên thềm và trên sân thượng, rủ lủng lẳng từ những hình chạm xanh trên đường gờ của hàng hiên, nom như những cái mũ lồm xồm màu xanh da trời.

Boiarykin lắc lắc cái đầu cạo nhẵn thín, xám ngoét, nói với gã giáo viên Balanda ngồi bên cạnh hắn, gã nầy còn trẻ mà đã râu ria xồm xoàm:

– Tôi vốn là con một gia đình nông dân Cô- dắc do đó đã có sẵn một lòng căm ghét hoàn toàn tự nhiên đối với tất cả các giai cấp được hưởng đặc quyền đặc lợi, nhưng trong khi đọc cuốn sách của ông ta, thì ông thử tưởng tượng xem, tôi đã thương hại một cách lạ lùng các tầng lớp đang chết dần chết mòn nầy. Bản thân tôi đã hầu như biến thành một anh chàng quý tốc và địa chủ, tôi hân hoan đi sâu nghiên cứu lý tưởng của người phụ nữ thuộc tầng lớp ấy, tôi ủng hộ các quyền lợi của họ. Tóm lại là chẳng làm thế quái nào hiểu được nữa! Đấy, ông bạn thân mến ạ, thiên tài là như thế đấy! Ngay đến niềm tin cũng có thể thay đổi được.

Balanda mân mê cái ngù của chiếc dây lưng lụa, chỉ mỉm một nụ cười nhạo báng, mắt gã cứ đăm đăm nhìn những đường hoa đỏ thêu bằng sợi len dưới gấu áo sơ- mi của gã. Linda ngả người nằm thuồn thuỗn trên chiếc ghế bành. Xem ra cô nàng không cảm thấy chút hứng thú gì đối với câu chuyện giữa hai gã. Vẫn với cặp mắt lúc nào cũng như đang mất một vật gì, đang tìm kiếm một vật gì, Lida chán ngán nhìn cái đầu xám ngoét, sẹo ngang sẹo dọc của Boiarykin.

Vladimir cúi chào, bước qua, rồi tới gõ cửa phòng làm việc của bố. Sergey Platonovich đang ngồi trên chiếc ghế bành bọc da dùng khi hóng mát, giở xem tập “Của cải của nước Nga” 4 số tháng sáu. Một con dao bằng xương vàng khè bị rơi nằm trên sàn.

– Con có việc gì đấy?

Vladimir rụt cổ, xốc lại một cách bực bội cái áo sơ- mi đang mặc.

– Con vừa ở nhà máy xay về… – Nó bắt đầu nói, giọng hơi ngần ngại, nhưng chợt nhớ tới nụ cười nhạo báng với hàm răng trắng nhởn của Davydka, bèn vừa nhìn cái bụng căng tròn của bố dưới chiếc ghi- lê bằng tusso, vừa kiên quyết nói tiếp – Con nghe thấy thằng Davydka nói rằng…

Sergey Platonovich chăm chú nghe rồi nói:

– Ta sẽ đuổi cổ nó. Thôi con ra ngoài đi. – Rồi lão è è trong họng, cúi xuống nhặt con dao.

Tối tối, giới trí thức trong thôn thường tụ tập ở nhà Sergey Platonovich: Boiarykin, một sinh viên trường Đại học kỹ thuật Moskva; gã giáo viên ho lao Balanda, một anh chàng gầy nhom, luôn luôn bị cái thói tự ái làm tình làm tội, ả nhân tình cùng ở với gã là nữ giáo viên Marfa Gerasimovna, người tròn xoay, tuổi không còn ít nữa nhưng chẳng có vẻ gì là già, cái váy lót bao giờ cũng mặt thòi ra ngoài, nom hết sức khó coi; chủ sự nhà dây thép, một thằng cha cổ quái, vợ chẳng có, con thì không, người hôi như tổ cú luôn luôn nặc mùi xi đóng dấu và mùi nước hoa rẻ tiền. Viên trung uý kỵ binh trẻ tuổi Epghênhi Litnhitki ở cái trại gần đây với bố là một địa chủ quý tộc, năm thì mười hoạ cũng có tạt vào chơi.

Chiều chiều họ lên sân thượng uống trà và kéo dài những câu chuyện vô vị. Mỗi khi cái chuỗi những lời tán gẫu thẫn thờ đứt quãng, một người nào đó trong đám khách khứa lại ra lên dây cót cái máy hát đắt tiền nạm đá quý của chủ nhà.

Hoạ hoằn lắm, nhân những ngày lễ lớn, Sergey Platonovich cũng muốn làm ra vẻ một chút để che mắt thế gian: lão mời khách đến ăn, cho họ uống những thứ rượu quý, cho ăn trứng cá chiên tươi đặc biệt đặt mua trong dịp nầy ở Bataisk cùng những đồ nhắm ngon nhất.

Ngày thường thì lão sống rất bủn xỉn. Chỉ có một thứ duy nhất mà Sergey Platonovich không tiếc đối với lão là sách. Lão thích đọc sách và điều gì lão cũng muốn tìm hiểu bằng bộ óc bám dai như cỏ dại của lão.

Người chung vốn buôn bán với Sergey Platonovich là Emelian Konstatinovich Atepin, một người tóc vàng, có chòm râu nhọn hoắt và cặp mắt lươn ti hí. Ít khi Atepin đến nhà Mokhov. Hắn lấy một mụ nữ tu đã bỏ nhà tu kín Ust- Medvedisk. Hai vợ chồng ăn ở với nhau mười lăm năm trời, đẻ được tám đứa con. Phần nhiều hắn chỉ ru rú xó nhà. Atepin đã từ một tên thư ký trung đoàn leo lên một địa vị nào đó trong xã hội, vì thế hắn đã đem về gia đình cả một lối sống mốc meo, khúm núm, xu nịnh. Có mặt bố, những đứa con chỉ dám đi rón rén, nói thầm thì. Sáng sáng, lau rửa xong, chúng nó lại vào đứng xếp hàng trong phòng ăn, bên dưới chiếc đồng hồ treo tường đen sì, to lù lù như một cái quan tài. Người mẹ đứng sau đàn eon. Từ trong phòng ngủ vừa vẳng ra tiếng húng hoắng ho là tất cả đêu bắt đầu lao nhao nguyện kinh bằng đủ mọi giọng, nhưng giọng nào cũng giả dối: “Lạy Chúa, cầu Chúa cứu vớt con chiên của Chúa…”, rồi “Lạy cha”.

Vợ con Atepin vừa nguyện kinh xong thì hắn cũng vừa kịp mặc xong quần áo. Hắn nheo cặp mắt lá răm bước ra phòng ăn, rồi giơ bàn tay mũm mĩm không đeo găng, làm cứ như một ông tổng giám mục. Bầy trẻ lần lượt tới hôn tay bố. Atepin hôn qua má vợ, rồi nói với âm “tr” phát âm rất sai.

– Bà Polotka, đã pha chà chưa?

– Tôi pha rồi đấy, ông Emelian Konstatinovich ạ.

– Cho đặc đặc vào nhé!

Hắn giữ sổ sách kế toán của cửa hiệu. Dưới những chữ “Thu” và “Chi” viết đậm nét, trong sổ nào cũng đầy những chữ và con số viết rất bay bướm, những chữ và con số của một viên thư ký. Lão đọc tờ “Tin tức thị trường”, mắt chẳng sao mà cũng kẹp vào cái mũi sần sùi một cặp kính không gọng. Đối với người làm hắn nói năng rất lịch sự

– Bác Ivan Petrovich, bác để giúp cho cái ông người Tavria 5 nầy ít vải chúc bâu nhé.

Vợ hắn gọi hắn là ông Emelian Konstatinovich, các con hắn gọi hắn là cha yêu, còn người làm trong cửa hiệu thì gọi hắn là Chacha 6

Hai lão cố đạo là cha Visarion và trưởng giáo Pankrati thì có thù cũ nên không đi lại chơi bời với Sergey Platonovich. Nhưng trong cuộc sống hai người cũng chẳng ăn ý gì với nhau. Cha Pankrati vốn tính ngang ngạnh, hay thưa kiện và hay xúi nguyên giục bị, chia rẽ những người sống gần mình. Cha Visarion tính tình lại hồ hởi nên không thích và lảng tránh trưởng giáo vì lão thấy trưởng giáo quá kiêu ngạo và chỉ hay kiếm chuyện. Cha Visarion goá vợ, sống với một mụ quản gia người Ukraina. Lão bị giang mai nên nói cứ ồm ồm giọng mũi.

Trừ gã giáo viên Balanda, tất cả mọi người đều có nhà riêng trong thôn. Ngay trên bãi, ngôi nhà to lù lù sơn xanh da trời của Mokhov đứng vênh vang với cái mái tôn bóng nhoáng. Trước mặt, ngay giữa bãi, cửa hiệu của lão nằm dài ngang ngạnh với cái cửa thông suốt và tấm biển treo đã bạc màu: “HÃNG BUÔN MOKHOV S.P VÀ ATEPIN E.C”

Sát cạnh cửa hiệu là dãy nhà kho có hầm vừa dài vừa thấp. Cách đó chừng hai mươi xa- gien là bức tường bao bằng gạch ôm quanh nhà thờ như một cái nhẫn, cùng ngôi nhà thờ có cái mái hình cầu nom chẳng khác gì một củ hành khổng lồ màu xanh lá cây đã quá già.

Bên kia nhà thờ là ngôi nhà trường quét vôi trắng, trang nghiêm với cái dáng của một công thự. Ngoài ra còn có hai ngôi nhà đẹp: ngôi nhà màu xanh da trời có dãy hàng rào sơn cùng màu của cha Pankrati, còn ngôi nhà màu nâu (cho khỏi giống) có dãy tường bao chạm trổi và một cái ban- công rất rộng là của cha Visarion. Ngôi nhà nhỏ của Atepin, xây hai tầng, cầu kỳ nhưng dơ dáng, nằm từ góc phố nầy đến góc phố kia. Sau ngôi nhà nầy là nhà bưu điện, những cái mái rơm hay mái tôn trên những căn nhà của bà con Cô- dắc, cái lưng xuôi xuôi của nhà máy xay với những con gà trống bằng sắt tây gỉ trên mái.

Mọi người sống tự cách biệt với toàn thế giới bên ngoài, cửa ngoài cửa trong đều cài then đóng kín. Tối tối, nếu không đi thăm ai, người ta lại chốt cửa, thả những con chó xích, và trong cái thôn chết lặng chỉ còn nghe thấy tiếng mõ cầm canh của tuần phiên.

— —— —— —— ——-

1 Petr (đọc là Pi- ốt, 1672 – 1725) Hoàng đế nước Nga, đã đánh bại quân Thụy- Điển ở Poltava, xây dựng thủ đô mới Peterburg, áp dụng văn minh phương Tây vào nước Nga, và làm cho nước Nga trở thành một cường quốc lớn ở châu Âu (ND).

2 Tên dùng để gọi Sergey một cách thân mật.

3 Một cây trong bộ bài tây, còn gọi là “Trếch” hay “Ach” (ND).

4 Tạp chí xuất bản Peterburg từ khoảng 1890 rồi trở thành cơ quan của đảng Dân tuý, phản đối chủ nghĩa Mác (ND).

5 Tavria xưa nay là Krym (ND).

6 Biệt hiệu nầy chế giễu cái tật của Atepin nói trệch âm “tr” thành âm “ch” (ND).

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN