Sông Đông Êm Đềm
Chương 33
Mãi sau khi cô dâu chú rể đã được đưa đi nhà thờ, bên nhà Korsunov mới sang. Trước khi nhà gái tới, chốc chốc ông Panteley Prokofievich lại ra khỏi cổng, nhìn dọc theo dãy phố nhưng con đường xám xám nằm giữa những bụi gai nhọn như kim, vẫn không một bóng người, cứ như bị cái gì liếm sạch. Ông lại chuyển tầm mắt sang bên kia sông Đông. Khu rừng bên đó đã vàng hẳn ra rồi. Những dải lau già lờm xờm mệt mỏi gục đầu xuống trên những mảnh hồ nhỏ và trên những đám hương bồ. Bầu trời xanh ngắt lúc sắp sang thu rầu rĩ, mơ màng, chìm trong ánh hoàng hôn đang trùm lên thôn Tatarsky, lên sông Đông, lên những trái núi đá phấn, lên những khu rừng nấp dưới màn sương tím ngắt bên kia sông Đông, lên đồng cỏ. Sau chỗ rẽ ra đường cái, ở ngã tư cái nóc nhọn hoắt của toà nhà thờ in một hình thanh thanh trên nền trời.
Chợt vẳng đến tai ông Panteley Prokofievich những tiếng bánh xe lọc cọc nghe rất gấp nhưng cũng rất khẽ và tiếng chó sủa oăng oẳng. Hai chiếc britka xông thẳng từ bãi họp vào trong thành phố.
Trên chiếc xe đầu, hai vợ chồng Miron Grigorievich và Lukinhitna ngồi lắc lư bên nhau trên cái ghế treo. Cụ Grisaka ngồi trước mặt hai người. Cụ mặc chiếc áo quân phục mới có đeo những huân chương và huy chương thánh Gioóc, Mitka ngồi cầm cương một cách thờ ơ trên ghế xà ích. Nó cũng chẳng buồn cho hai con ngựa huyền trông thấy cái roi nhét dưới chỗ ngồi, nhưng cặp ngựa được nuôi no đủ đã hăng lên sau chặng đường. Trên xe thứ hai, gã Mikhey ngửa hẳn người ra sau để ghìm cương, cố cho hai con ngựa đang phi chuyển sang nước kiệu. Khuôn mặt gầy guộc không có lông mày của Mikhey đã ửng lên một ánh tím tứn, mồ hôi đổ ra như tắm dưới cái lưỡi trai nứt đôi.
Ông Panteley Prokofievich mở rộng cổng lớn, hai chiếc britka theo nhau chạy vào trong sân. Bà Ilinhitna bước lạch bạch trên thềm xuống như một con ngỗng cái, cái váy của bà quét lệt sệt trên những rác rưởi và phân ở ngưỡng cửa.
– Xin rước cụ và ông bà thông gia yêu quý quá bước vào tromg nhà ạ! Nhà chúng tôi thanh bạch hân hạnh được đón tiếp cụ và ông bà! – Bà nói xong cố khom cái lưng cánh phản.
Ông Panteley Prokofievich nghiêng đầu, dang rộng hai tay:
– Thưa cụ và ông bà thông gia yêu quý! Xin kính mời cụ và ông bà vào nhà trong. – Ông nói rất to rồi quát người trong nhà ra tháo ngựa và bước tới trước mặt ông thông gia.
Miron Grigorievich chùi bàn tay vào quần cho hết bụi. Hai bên chào hỏi nhau xong, cùng bước lên thềm. Bị lắc mạnh quá trong một chuyến đi xe mà đã lâu cụ mất thói quen, cụ Grisaka đi chậm lại phía sau. Bà Ilinhitna thấy thế vội nói:
– Cụ thông gia yêu quý, xin rước cụ, xin rước cụ vào nhà ạ!
– Bà cứ để tự nhiên cho, xin cám ơn bà… chúng tôi sẽ vào ngay.
– Chúng tôi mong cụ và ông bà mãi, xin rước cụ vào cho. Chúng tôi sẽ lấy ngay cái chổi để cụ thông gia phủi sạch áo quân phục. Hôm nay bụi mù mịt, chẳng làm thế nào thở được nữa.
– Vâng, đúng thế đấy, trời hanh quá… Vì thế nên nhiều bụi.
– Nhưng thưa bà thông gia, bà cứ mặc tôi, tôi chỉ cần… – Thấy mẹ chồng con cháu mình quá chậm hiểu, cụ Grisaka đành cúi chào, đi giật lùi về phía nhà kho rồi lần ra sau cái máy quạt thóc vừa sơn lại.
– Bà thật là ngu khổ ngu sở, sao cứ quấn lấy chân ông lão như thế? – Ông Panteley Prokofievich chờ bà Ilinhitna lên đến trên thềm, rồi cho luôn một trận. – Ông cụ có cái việc cần riêng của người già, thế mà mụ thì cứ… Sì, trời ơi là trời, ngốc ơi là ngốc!
Nhưng tôi làm thế nào mà biết được? – Bà Ilinhitna luống cuống.
– Cũng phải biết hiểu ra chứ. Thôi, bà chẳng có việc gì ở đây cả, ra mà tiếp bà thông gia của bà đi.
Quanh những cái bàn thức ăn bày la liệt, những người khách chếnh choáng hơi men đang lè nhè chuyện trò ầm ĩ. Bên nhà gái được mời ngồi vào bàn ở phòng trong. Chẳng mấy chốc hai vợ chồng trẻ đã ở nhà thờ về. Ông Panteley Prokofievich rót rượu trong bình, nước mắt ròng ròng.
– Nào, xin mời cụ và ông bà thông gia yêu quý mừng cho hai cháu. Chúc cho chúng nó được mọi sự tốt lành, được thuận vợ thuận chồng như chúng ta vậy… Chúc cho chúng nó được sống một cuộc đời sung sướng và khỏe mạnh…
Người ta đổ cho cụ Grisaka một cái ly tròn xoe đầy rượu, một nửa lọt được vào cái miệng xồm xoàm những đám râu xanh xanh, một nửa chảy lênh láng xuống cái cổ đứng của áo quân phục. Hai họ ra sức uống, uống chạm cốc cũng có, uống tuỳ thích chẳng kể gì đến ai cũng có. Ồn ào quá là vỡ chợ, Nikifo Koloveydin, một lão cựu chiến binh trung đoàn Atamansky, có họ xa với nhà Korsunov, ngồi ở tít đầu bàn bên kia. Lão giơ tay gào lên:
– Gorka 1!
– Gorka! – Mọi người quanh bàn đều hùa theo.
– Nào, Gorka? – Những người chen chúc như nêm trong bếp cũng nhao nhao hưởng ứng.
Grigori cau mày hôn cặp môi nhạt thếch của vợ rồi lừ lừ nhìn quanh, hai con mắt cứ như mắt con thú rừng bị vây đánh.
Những khuôn mặt đỏ rừ, những cặp mắt đục ngầu vì hơi men, những cái nhìn và những nụ cười sỗ sàng thô bỉ, những cái miệng nhai khoái trá, nước rớt nước rãi sặc sụa mùi rượu chảy lòng thòng xuống những tấm khăn bàn thêu. Tóm lại là một cuộc nhậu nhẹt như điên.
Lão Nikifo Koloveydin lại giơ tay, hoác cái miệng móm gần hết răng:
– Gorka!
Trên tay chiếc áo quân phục màu xanh da trời của trung đoàn Atamansky hiện lên nhăn nheo ba gạch lon vàng: Koloveydin vốn là lính tái đăng.
– Gor…ka!
Grigori căm hờn nhìn cái miệng móm mém của Koloveydin mỗi khi lão la lên: “Gorka” thì cái lưỡi đỏ lòm và lầy nhầy của lão lại thòi lòi ra như một cái tẩu thuốc trong khoảng trống của những cái răng gãy.
– Hôn nhau đi, cô dâu chú rể… – Petro rung rung chòm ria đẫm vodka khẽ nhắc.
Trong bếp, Daria đã ngà ngà say, mặt đỏ hây hây. Chị chàng cất tiếng hát một bài. Mọi người hoà theo. Tiếng hát vang vào trong phòng:
Qua sông thì đã có cầu,
Xe phóng lên cầu,
Xe vượt qua sông…
Các giọng hát quyện lấy nhau. Tiếng Khristonhia vượt trước mọi người, gầm lên như sấm, rung cả cửa kính:
Nếu ai đem rượu ra đây,
Chúng ta sẽ uống hêt ngay tức thì.
Cánh đàn bà trong phòng ngủ đồng thanh hát the thé:
Lạc mất rồi,
Lạc mất rồi,
Lạc mất giọng tôi rồi.
Để góp thêm sức, một giọng nam già rung lên như tiếng đai thùng:
Lạc mất rồi,
Lạc mất rồi,
Lạc mất giọng tôi rồi.
Vì tôi bay lạc vườn người,
Ăn phải trái ai chua.
– Nào, xin mời quan viên hai họ cứ vui chơi cho thoả…!
– Mời bác nếm thử món thịt cừu.
– Chân với cẳng, có thu lại không nào… chồng tôi nó đang nhìn kia kìa!
– Gorka- a- a!
– Phù rể cừ lắm, đối đáp được với phù dâu đấy.
– Không, khô- ô- ông đâu, bác đừng thết tôi món thịt cừu làm gì…
– Có lẽ tôi ăn một miếng cá chiên chăng… Nhưng tôi cũng thử một miếng xem sao nào, be- e- éo ra béo.
– Ông bạn đỡ đầu Proska ạ, chúng ta cùng cạn với nhau một chén nào.
– Chà cháy cả họng…
Semion Gordeevich!
– Gì thế?
– Ông Semion Gordeevich!
– Cút mẹ ông đi!
Trong bếp, sàn nhà chao đảo, cong xuống dưới những đế giày đập chan chát. Một cái cốc rơi xuống, những tiếng loảng xoảng ấy chìm ngay trong tiếng ầm ầm chung, Grigori nghểnh nhìn vào bếp qua đầu những người ngồi quanh bàn, một nhóm phụ nữ đang vừa nhảy vòng tròn vừa rú lên, rít lên, vừa rung những cặp mông to tầy dành (mỗi người mặc năm bảy cái váy thì kiếm đâu ra người gầy). Họ vung những chiếc khăn tay đăng- ten, ngoáy ngoáy khuỷu tay.
Tiếng một chiếc accordeon ba dãy phím bỗng vang lên mạnh mẽ, giục giã. Anh chàng chơi đàn bắt đầu dạo một điệu vũ Cô- dắc bằng những nốt rung láy trầm.
– Xin đành cho một vòng tròn? Cho một vòng tròn!
– Xin mời bà con tránh ra lấy chỗ! – Petro vừa kêu gọi vừa đẩy vào bụng mấy chị đàn bà nhảy đã mệt nhoà, mồ hôi đầm đìa.
Grigori tự nhiên thấy vui. Chàng nháy mắt ra hiệu cho Natalia:
– Em xem kìa, anh Petro sắp nhảy điệu Cô- dắc đấy?
– Anh ấy nhảy với ai thế?
– Thế em không trông thấy à? Nhảy với bà cụ nhà em đấy.
Bà Lukinhitna chống nạnh hai tay vào sườn, trong tay trái có một chiếc khăn.
– Nào, anh tiến lên trước đi, nếu không tôi lên trước đấy!
Petro đi rất nhanh những bước rất ngắn, tiến tới trước mặt bà Lukinhitna, khuỵu đầu gối chào hết sức duyên dáng, rồi lại quay về chỗ cũ. Bà Lukinhitna kéo gấu váy lên như muốn lội qua vũng nước, đập mũi giầy đánh nhịp, rồi lăng chân theo kiểu đàn ông, tiến lên giữa những tiếng trầm trồ của mọi người.
Cây accordeon chơi một nốt rung thật trầm. Tiếng nhạc rung ấy đã làm cho Petro nảy bật người lên, hô to một tiếng và ngồi sụp xuống nhảy điệu pơ- ri- xi- át- ca, hai tay đập bôm bốp vào ống ủng, một đầu ria ngậm ở một bên mép. Rồi hai chân Petro rung lên, hai đầu gối đưa ra đưa vào loang loáng, mắt người xem nhìn không kịp nữa. Ngay cái bờm tóc đẫm mồ hôi nảy bán bật trên trán cũng không theo kịp nhịp chân.
Vì ngồi sau lưng những người đứng túm tụm ở cửa phòng nên Grigori không trông thấy Petro mà chỉ nghe thấy tiếng hai đế ủng đóng cá sắt đập chan chát xuống sàn, cứ như tiếng một mảnh ván gỗ thông cháy, và những tiếng hò khuyến khích của quan viên hai họ đã say mềm.
Cuối cùng Miron Grigorievich nhảy với bà Ilinhitna. Miron nhảy cần cù và nghiêm túc cũng như khi ông làm tất cả các việc khác. Mọi người đều nhảy điệu Cô- dắc, cả những tay lão luyện lẫn những anh chàng còn chưa biết co chân cho đúng. Ai cũng ra sức hò la:
– Đừng làm người ta cụt hứng?
– Ngắn bước lại? Chà, thằng cha nầy!
– Hai chân kể cũng lẹ đấy, nhưng nặng phao câu quá.
– Nhanh lên, nhanh nữa lên?
– Cứ nhất toàn khu ta đấy.
– Cho ít vư- dư- va đây, nếu không…
– Chướng bụng lên rồi phải không, đồ của nợ! Nhảy đi, nếu không ông lại cho một chai vào đầu bây giờ!
Cụ Grisaka uống đã khá say. Cụ vòng tay ôm cái lưng cánh phản của lão láng giềng cùng ghế và cứ ghé sát tai lão ta mà rì rầm như con muỗi:
– Cụ tuyên thệ 2 năm nào nhỉ?
Người ngồi bên cạnh cụ là một lão già vai u thịt bắp, nom cứ như một cây sồi cổ thụ. Lão vung tay, ồm ồm trả lời:
– Năm băm chín, con ạ.
– Năm nào? Hả? – Cụ Grisaka vểnh cái vành tai nhăn nheo.
– Năm băm chín, đã bảo rồi mà.
– Thế quý danh cụ là gì vậy? Người đâu ta?
– Chánh quản kỵ binh Maxim Bogatyrev thuộc trung đoàn Baklanov. Ta vốn quê ở thôn… thôn Kratnyi Ia.
– Thân thuộc với nhà Melekhov à?
– Cái gì hử?
– Tôi hỏi, thân thích với nhà nầy à?
– À ta là hàng ông chú rể đấy.
– Thế là cụ vốn ở trung đoàn Baklanov à?
Lão già đưa cặp mắt lờ đờ nhìn cụ Grisaka rồi gật đầu, một miếng thức ăn nhai mãi không nát đưa đi đưa lại trên cái lợi móm hết răng.
– Như thế là cụ có dự chiến dịch ở Kavkaz à 3?
– Ta đã phục vụ trực tiếp dưới quyền cựu tướng quân Baklanov đấy, cầu cho tướng quân được hưởng phúc nơi thiên đường. Trung đoàn ta đã bình định vùng Kavkaz. Trung đoàn ta gồm những tay Cô- dắc thật là hiếm có… Chọn toàn những thằng cao lớn như lính ngự lâm, tuy rằng có những đứa hơi gù… Đứa nào cũng tay dài, vai rộng, đến những thằng Cô- dắc ngày nay nằm ngang cũng vừa… Đấy, con xem, hồi ấy là những con người như thế đấy… Hồi còn quan lớn tướng quân, quan lớn tướng quân đã có lần cầm roi quật ta ở bản Trelengig đấy…
– Tôi thì đã có mặt trong chiến dịch Thổ nhĩ kỳ… Còn sao nữa?
– Tôi đã dự kiến chiến dịch ấy đấy, đúng thế đấy. – Cụ Grisaka ưỡn bộ ngựa khô gầy, làm những chiếc huân chương và huy chương thánh Gioóc kêu lách cách.
– Bọn ta đã chiếm được bản ấy lúc trời rạng, đến giữa trưa thì có kèn báo động…
– Chúng tôi đã có dịp được phục vụ Bạch hoàng đế của chúng ta 4 Trong trận Rossis, trung đoàn chúng tôi, trung đoàn Cô- dắc sông Đông số mười hai đã đánh nhau với bọn gian- ni- xe 5 của chúng nó đấy – Khi có kèn báo động…
gười lính của trung đoàn Baklanov không chú ý nghe cụ Grisaka vẫn nói tiếp.
– Bọn gian- ni- xe của chúng nó thì cũng tựa như anh em trung đoàn Atamansky của chúng ta ấy. Đúng như thế… – Cụ Grisaka đang hoa chân múa tay, nói mỗi lúc một hăng. – Chúng nó cũng phục vụ vua của chúng nó, mà đứa nào cũng đội trên đầu một cái túi trắng. Thật đấy! Thằng nào cũng đội một cái túi trắng trên đầu.
– Ta bèn nói với một thằng cùng trung đoàn: “Nầy Timosa ạ, chúng ta sắp rút lui đấy. Cậu giật tấm thảm trên tường xuống đi, chúng ta sẽ buộc vào cái đai da ở sau yên…”.
– Tôi đã được thưởng hai huân chương thánh Gióoc đấy! Tôi đã được thưởng về tinh thần chiến đấu dũng cảm? Tôi đã bắt sống được một thằng thiếu tá Thổ nhĩ kỳ…
Cụ Grisaka vừa khóc vừa nắm bàn tay khô héo đấm thùm thụp vào cái lưng kêu rất vang, bè bè như lưng gấu của ông lão lính cũ trung đoàn Baklanov. Nhưng lão nầy đang ngoáy một miếng thịt gà vào bát mứt anh đào mà cứ yên trí rằng đó là nước củ cay, hai con mắt nhìn không sức sống cứ dán xuống chiếc khăn trải bàn bê bết những mì, cặp môi chảy sệ lắp ba lắp bắp:
– Con ạ, thế là ma quỷ đã xui khiến ta làm một điều tội lỗi như thế… – Hai con mắt của lão già cứ đờ đẫn nhìn trân trân những vết nhăn trên chiếc khăn bàn trắng, tưởng chừng trước mắt lão không phải là tấm khăn bàn lênh láng vodka và mì sợi, mà là dãy núi Kavkaz tuyết phủ trắng loá. – Trước lần ấy, lão nào có tơ hào cái gì của ai bao giờ đâu… Thường mỗi lần chiếm được một bản của dân Tréc- két, trong các nhà dân địa phương thiếu gì đồ quý, nhưng ta có thèm đâu… Đúng là quỷ dữ đã làm cho ta hám của người khác… Thế là lần ấy… tấm thảm cứ hút lấy con mắt ta… với những cái viền có ngù… Ta cứ nghĩ sẽ dùng nó làm cái đệm lót yên ngựa…
– Chúng tôi đã nhìn thấy đủ điều kỳ lạ. Chúng tôi cũng đã tới những vùng đất ở hải ngoại…
Cụ Grisaka cố nhìn vào mắt ông bạn cùng bàn, nhưng hai lỗ con mắt ông lão kia cứ lẩn kín sau những đám lông mày và râu bạc rậm rì, chẳng khác gì hai cái hang mọc đầy cỏ dại. Cụ Grisaka chẳng làm thế nào mò được ra hai con mắt ấy chỗ nào cũng toàn những món râu cứng rối như bòng bong. Cụ đành phải dùng mẹo. Để thu hút sự chú ý của ông láng giềng vào phần lý thú nhất trong câu chuyện mình kể, cụ bèn bắt đầu ngay bằng đoạn giữa câu chuyện mà chẳng cần phi lộ gì cả.
– Thượng uý Tersintev bèn ra lệnh: “Các trung đội thành hàng dọc, nước đại… tiến!”.
Ông lão lính cũ trung đoàn Baklanov ngẩng cao đầu lên như con ngựa chiến khi nghe thấy tiếng kêu trận. Lão đấm nắm tay xương xẩu xuống bàn, khẽ hô:
– Hời anh em trung đoàn Baklanov! Giáo sẵn sàng chiến đấu! – Đến đây thì giọng ông lão bất thần trở nên rắn rỏi, cặp mắt đang ảm đạm bỗng long lanh, cháy rực lên cái ánh lửa xưa kia nay đã bị tuổi già dập tắt. – Hỡi các chàng trai dũng cảm trung đoàn Baklanov! – lão mở hoác cái miệng chỉ có hai cái lợi vàng ệch, không còn cái răng nào, gầm lên – Xung phong… tiến!
Rỗi lão quay sang nhìn cụ Grisaka bằng cặp mắt thông minh rất trẻ. Nước mắt chảy xuống cằm rất ngứa, nhưng lão cũng chẳng buồn đưa tay áo trermen nhem nhuốc lên lau.
Cụ Grisaka cũng hăng lên:
– Thượng uý ra lệnh cho chúng tôi như thế rồi vung gươm. Chúng tôi thúc ngựa xông tới, nhưng bọn gian- ni- xe đã xếp thành đội hình như thế nầy nầy, – Cụ đưa ngón tay vạch lên khăn bàn một hình vuông xiên xẹo, – rồi nổ súng vào chúng tôi. Chúng tôi đã xung phong hai lần, nhưng lần nào cũng bị chúng nó đẩy lui. Chợt thấy kỵ binh của chúng nó từ một khu rừng nhỏ xông ra đánh vào sườn chúng tôi. Đại đội trưởng của chúng tôi bèn ra lệnh. Chúng tôi rẽ sang phải, chỉnh đốn đội hình rồi xông thẳng vè phía chúng nó. Chúng tôi đã đánh tan chúng nó. Làm gì có kỵ binh nào chống lại được kỵ binh Cô- dắc? Đúng như thế đấy. Chúng nó kêu la inh ỏi, chuồn thẳng vào rừng. Tôi chợt thấy ngay trước mặt có một thằng sĩ quan của chúng nó đang phi trên một con ngựa nâu sẫm. Thằng sĩ quan ấy có vẻ khá can đảm, bộ ria đen của nó chảy sệ xuống: Nó cứ luôn luôn ngoái lại nhìn tôi, rồi nó rút súng ngắn trong bao ra. Nhưng bao súng lại vướng vào yên… Nó nổ súng nhưng không trúng. Tôi bèn hết sức thúc con ngựa đuổi kịp nó. Đầu tiên tôi đã định cho nó một nhát, nhưng sau lại thôi. Dù sao cũng là một mạng người… Tôi bèn đưa tay phải ra và cụ có biết không, nó đã bị kéo thốc ra khỏi yên. Nó cắn vào tay tôi, nhưng tôi vẫn bắt sống được nó…
Cụ Grisaka kiêu hãnh nhìn ông bạn cùng bàn, nhưng ông lão nọ đã gục cái đầu to tướng và xương xẩu xuống ngực, ngáy o o, đánh một giấc thoải mái từ lúc nảo lúc nào.
— —— —— —— ——-
1 Theo phong tục người Nga, nếu trong tiệc cưới có người hô: Gorka! (đắng) thì cô dâu chù rể phải hôn nhau (ND).
2 Tuyên thệ khi nhập ngũ (ND).
3 Tức là chiến dịch đàn áp cuộc nổi dậy chống chính quyền Nga hoàng của những người dân Kavkaz do Samin lãnh đạo. Cuộc vận động dân tộc nầy đã bị dập tắt năm 1859 (ND).
4 Trước cách mạng Tháng Mười, các dân tộc không phải người Đại Nga thường gọi hoàng đế Nga là Bạch hoàng đế (ND).
5 Lính cận vệ của Thổ nhĩ kỳ ngày xưa. (1329 – 1826).
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!