Sứ Giả Của Thần Chết - Chương 18
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
150


Sứ Giả Của Thần Chết


Chương 18


– Chúng tôi vừa nhận được lời thông báo chính thức – Stanton Rogers nói. – Chính phủ Rumani đã chấp thuận cho bà làm tân Đại sứ của Hoa Kỳ!

Đây là một trong những lúc hồi hộp nhất trong cuộc đời của Mary Ashley. Có lẽ ông nội mình sẽ rất tự hào đấy.

– Tôi muốn đích thân mang cho bà tin tức tốt đẹp Mary ạ. Tổng thống muốn gặp bà. Tôi sẽ đưa bà đến Toà Bạch Ốc.

– Tôi không biết phải cám ơn ông như thế nào về mọi việc ông đã làm, Stan ạ.

– Tôi chưa làm gì cả, – Rogers phản đối. – Chính Tổng thống đã chọn bà. – Ông cười. – Và tôi phải nói rằng ông ấy đã chọn lựa thật tuyệt đấy.

Mary nghĩ đến Mike Slade.

– Có một số người không đồng ý.

– Họ nhầm đấy. Bà có thể làm nhiều hơn ở đấy cho quốc gia chúng ta hơn bất cứ người nào mà tôi có thể nghĩ đến.

– Cám ơn ông – nàng khiêm tốn nói. – Tôi sẽ cố gắng sống cho điều ấy.

Nàng định nói về chuyện của Mike Slade.

Stanton Rogers có nhiều quyền lực. Có lẽ ông có thể thu xếp cho Slade ở lại Washington.

Không, Mary nghĩ thế, mình không nên đặt lên người Stan. Ông ấy đã làm đủ rồi.

– Tôi có một đề nghị. Thay vì bay thẳng sang Bucarest, tại sao bà và các cháu không dừng chân trước tiên tại Paris và Rome ít ngày. Các chuyến bay của Hàng không Tarom sẽ bay trực tiếp từ Rome đến Bucarest đấy.

Nàng nhìn ông nói:

– Ồ, Stan, sẽ là thiên đường đấy? Nhưng tôi có thì giờ không?

– Ông nháy mắt. – Tôi có bạn bè ở địa vị cao. Để tôi thu xếp cho bà!

Nàng cao hứng ôm chầm lấy ông. Ông đã trở nên một người bạn thực thân thiết. Những giấc mơ mà nàng và Edward thường đề cập đến sắp biến thành sự thật. Nhưng không có Edward. Đấy là một ý nghĩ vừa ngọt ngào, vừa cay đắng.

***

Mary và Stanton Rogers được đưa vào Phòng Xanh bởi Tổng thống Elhson đang đợi họ.

– Tôi muốn xin lỗi bà về sự chậm trễ trong vấn đề tiến hành công việc, Mary ạ. Stanton đã bảo cho bà biết rằng bà đã được chính phủ Rumani chấp thuận. Đây là uỷ nhiệm thư của bà. Ông trao cho nàng một bức thư. Nàng chậm rãi đọc:

“Bà Mary Ashley theo đây được bổ nhiệm làm Trưởng Đại diện cho Tổng thống Hoa Kỳ tại Rumani và mọi nhân viên của chính phủ Hoa Kỳ đi theo đều thuộc thẩm quyền của bà”.

– Cái này kèm theo nó, – Tổng thống trao cho Mary một hộ chiếu. Nó mang bìa đen thay vì bìa xanh thường lệ. Mặt trước in bằng chữ mạ vàng: “Hộ chiếu ngoại giao!

Mary đã tiên liệu điều này hàng tuần trước, nhưng bây giờ, khi việc ấy đã đến, nàng hầu như không thể tin được điều gì đã xảy ra.

Paris!

Rome!

Bucarest!

Hình như nó có vẻ quá đẹp để thành sự thật, và không biết từ đâu, một điều mà mẹ của Mary thường bảo nàng chợt thoáng hiện trong óc nàng: “Nếu có điều gì có vẻ như quá đẹp để trở thành sự thật, Mary ạ, có lẽ có đấy”.

***

Có một mục ngắn ngủi trong báo buổi chiều rằng phóng viên Ben Cohn của tờ Washington Post đã bị giết bằng hơi nổ trong phòng của chàng. Vụ nổ được xem như do một cái bếp ga bị hở.

Mary không nhìn thấy bản tin. Khi Ben Cohn không tới chỗ hẹn của họ, Mary khẳng định rằng hoặc là chàng phóng viên đã quên hoặc không còn quan tâm nữa. Nàng trở lại văn phòng với công việc của nàng.

Sự liên hệ giữa Mary và Mike Slade càng lúc càng khiến nàng giận dữ hơn.

– Hắn là người đàn ông ngạo mạn nhất mà mình chưa hề gặp – Mary nghĩ thế. – Mình sẽ phải nói chuyện với Stan về hắn.

Stanton Rogers đi theo Mary và bọn trẻ đến sân bay Dulles trong một chiếc xe hòm của Bộ Ngoại giao. Trong chuyến đi, Stanton bảo rằng:

– Các Toà đại sứ tại Paris và Rome đã được báo trước về việc bà đến đấy. Họ sẽ lo săn sóc chu đáo cho ba người.

– Cám ơn Stan. Ông rất tuyệt.

Ông mỉm cười.

– Tôi không thể cho bà biết tôi hài lòng như thế nào.

– Con có thể đi thăm khu hầm mộ ở Rome không?

Stanton cảnh cáo:

– Dưới đấy khá dễ sợ đấy! Tim!

– Đấy là điều khiến cháu muốn đi thăm đấy.

***

Tại sân bay, Ian Villers đang đợi với hàng chục nhiếp ảnh viên và phóng viên. Họ vây quanh Mary, Beth và Tim và gọi to các câu hỏi thông thường.

Cuối cùng, Stanton Rogers nói:

– Đủ rồi đấy.

Hai người thuộc Bộ Ngoại giao và một đại diện của hãng hàng không đưa phái đoàn vào trong một phòng riêng. Hai đứa bé đi tới giá để tạp chí.

Mary nói:

– Stan, tôi không thích trút gánh nặng này cho ông, nhưng James Stickley bảo tôi rằng Mike Slade sẽ là phó trưởng phái đoàn của tôi. Có cách nào để thay đổi việc ấy không?

Ông nhìn nàng ngạc nhiên.

– Bà đang có vấn đề gì với Slade à?

– Nói thật nghiêm chỉnh, tôi không thích ông ta tôi không thể cho ông biết lý do. Có ai có thể thay ông ta không?

Stanton Rogers nói với vẻ suy tư:

– Tôi không rõ Mike Slade mấy nhưng tôi biết ông ta có một hồ sơ thật tuyệt vời. Ông ta đã phục vụ xuất sắc trong các nhiệm sở tại Trung Đông và châu Âu. Ông ta có thể cho bà biết chính xác loại nghiệp vụ nào bà sẽ cần đến.

Nàng thở dài:

– Ông Stickley cũng đã nói như thế!

– Tôi e rằng tôi phải đồng ý với ông ấy, Mary ạ. Slade có tài giải quyết những việc rắc rối đấy!

– Không phải. Slade chính là rắc rối đấy. Chấm hết!

– Nếu bà có vấn đề gì với ông ta, tôi muốn bà hãy cho tôi biết. Thực sự nếu bà có vấn đề gì với ai, – tôi muốn bà hãy cho tôi biết. Tôi muốn biết chắc chắn rằng bà có được tất cả mọi sự giúp đỡ mà tôi có thể cho bà được!

– Tôi xin cám ơn về điều ấy.

– Một việc cuối cùng. Bà biết rằng tất cả những sự giao thiệp của bà sẽ được ghi lại và gởi đến các bộ tại Washington chứ?

– Vâng!

– À, nếu bà có bất cứ công điện nào muốn gửi cho tôi mà không có ai khác được đọc, mật mã ở đầu công điện là ba chữ x. Tôi sẽ là người duy nhất nhận công điện ấy!

– Tôi sẽ nhớ!

***

Sân bay Charles De Gaulle là một điều ngoài sự tưởng tượng của khoa học, một chiếc kính vạn hoa, những hàng cột bằng đá và điều đáng chú ý đối với Mary hình như là hàng trăm chiếc cầu thang tự động chạy loạn xạ. Sân bay đông nghẹt hành khách.

– Hãy đứng gần mẹ nhé, các con, – Mary thúc giục.

Khi họ ra khỏi cầu thang tự động, nàng nhìn quanh tuyệt vọng. Nàng chặn một người Pháp đang đi qua và tập trung nhớ lại vài câu tiếng Pháp mà nàng biết. Nàng hỏi một cách ngập ngừng.

– Xin lỗi, thưa ông, hành lý ở đâu?

Bằng một âm Pháp nặng, ông ta buồn bã nói, – Rất tiếc, thưa bà. Tôi không nói được tiếng Anh.

Ông ta bỏ đi để lại Mary trố mắt nhìn theo.

Vừa lúc ấy, một thanh niên Mỹ ăn mặc lịch sự vội vàng đến với Mary và con nàng.

– Thưa bà Đại sứ, hãy thứ lỗi cho tôi? Tôi được chỉ thị gặp bà ở phi cơ, nhưng tôi bị chậm trễ vì một tai nạn lưu thông. Tên tôi là Peter Callas. Tôi là việc tại Toà đại sứ Mỹ.

– Tôi thực sự hân hạnh được gặp ông, – Mary nói. – Tôi nghĩ rằng tôi đã bị lạc. – Nàng giới thiệu con nàng. – Chúng tôi tìm hành lý chúng tôi ở đâu?

– Chẳng có gì đáng lo cả, – Peter Callas quả quyết với nàng. – Mọi việc sẽ được chu tất cho bà.

Chàng nói đúng. 15 phút sau, trong lúc các hành khách khác bắt đầu đi qua quầy kiểm tra hộ chiếu và quan thuế, Mary, Beth và Tim hướng về cổng ra của sân bay.

Thanh tra Henri Durand thuộc ban Tổng giám đốc an ninh ngoại giao, Cơ quan tình báo Pháp, quan sát họ bước vào một chiếc xe hòm đang đợi sẵn. Khi chiếc xe chuyển bánh, viên thanh tra bước đến một dãy phòng điện thoại và đi vào một phòng. Ông đóng cửa, cài then và quay số.

Khi có người trả lời, ông nói:

– Xin vui lòng nói với Thor rằng kiện hàng của ông ấy đã đến Paris.

Khi chiếc xe hòm đậu trước Toà đại sứ Mỹ, báo chí Pháp đang đợi đông nghẹt.

Peter Callas nhìn ra cửa xe.

Chúa ơi. Giống như một đám biểu tình.

Đợi họ bên trong là Hugh Simon, Đại sứ Mỹ ở Pháp. Ông là người Texas, đứng tuổi, với đôi mắt tò mò trên một khuôn mặt tròn, trên đó là mái tóc đỏ nhạt dợn sóng.

– Chắc là mọi người rất nôn nóng được gặp bà, bà Đại sứ ạ. Báo chí đã lẩn quẩn bên chân tôi suốt buổi sáng!

Cuộc họp báo của Mary kéo dài suốt hơn một giờ. Khi xong xuôi, nàng mệt lử. Mary và lũ con được đưa đến văn phòng của Đại sứ Simon.

– À, – ông nói – Tôi hài lòng vì việc ấy đã xong. Khi tôi đến đây để nhận việc này, tôi nghĩ rằng nó chiếm cả một đoạn trong trang cuối của tờ Le Monde đấy. – Ông mỉm cười, – Dĩ nhiên, tôi không xinh như bà. – Ông ta nhớ lại một việc. – Tôi đã nhận được điện thoại của Stanton Rogers. Tôi nhận những chỉ thị vô cùng quan trọng của Toà Bạch Ốc để lo cho bà, Beth và Tim được vui vẻ trong tất cả thời gian gia đình bà còn ở tại Paris.

– Thực sự vô cùng quan trọng à? – Tim hỏi.

Đại sứ Simon gật đầu.

– Lời ông ấy đấy. Ông ấy rất mến tất cả mọi người trong gia đình bà!

– Chúng tôi rất mến ông ấy, – Mary quả quyết với ông.

– Tôi đã thu xếp cho bà một dãy phòng tại Ritz. Đấy là một khách sạn đáng yêu cách xa quảng trường Concorde. Tôi chắc rằng bà sẽ hoàn toàn thoải mái ở đấy!

– Cám ơn ông. – Rồi nàng lo âu hỏi, – Có đắt lắm không?

– Vâng – nhưng bà không phải lo. Stanton Rogers đã thu xếp cho Bộ Ngoại giao chịu tất cả chi phí của bà.

Mary nói:

– Ông ấy tuyệt vời không thể tưởng tượng được!

– Theo ông ấy, bà cũng vậy đấy.

Các tờ báo chiều và tối đăng tải những câu chuyện rực rỡ về chuyến đến của vị đệ nhất Đại sứ Tổng thống trong chương trình giữa các dân tộc của ngài. Sự kiện chiếm toàn bộ chương trình tin tức truyền hình tối và báo chí buổi sáng ngày hôm sau.

Thanh tra Durand nhìn chồng báo và mỉm cười.

Mọi việc đều tiến triển theo kế hoạch. Cuộc quảng cáo này còn tốt hơn cả điều mong đợi. Ông có lẽ sẽ tiên đoán được lộ trình của gia đình Asley trong ba ngày nữa. – Họ sẽ đi đến tất cả các địa điêm du lịch không đáng lưu tâm để thăm viếng đối với người Mỹ, – Ông nghĩ thế.

Mary và con ăn trưa tại nhà hàng Jules Verne ở tháp Eiffel và sau đấy lên đỉnh cung Chiến thắng.

Sáng hôm sau họ đi xem bảo vật ở điện Louvres, ăn trưa gần Versailles và ăn chiều tại tháp D Argent.

Tim nhìn ra cửa sổ nhà hàng xem nhà thờ Notre-Dame và hỏi:

– Họ giữ “Thằng Gù” ở đâu thế?

Mỗi giây phút tại Paris đều là một niềm vui thú. Mary vẫn cứ nghĩ rằng nàng mong có Edward

Ngày tiếp theo sau khi ăn trưa, họ được đưa đến sân bay. Thanh tra Durand nhìn họ ghi tên vào chuyến bay đến Rome.

– Người phụ nữ trông hấp dẫn, quả thật đáng yêu. Một khuôn mặt thông minh. Hình dáng đẹp, chân và mông lớn. Mình không biết nàng ta sẽ trông như thế nào trên giường nhỉ? Lũ trẻ, thật là một điều kinh ngạc. Chúng rất đúng đắn so với người Mỹ.

Khi phi cơ cất cánh, Thanh tra Durand đến một phòng điện thoại:

– Xin vui lòng nói với Thor rằng kiện hàng của ông ấy đang trên đường đi Rome.

Tại Rome, báo chí đang đợi tại sân bay Michel-Angele. Lúc Mary và con nàng xuống phi cơ, Tim nói:

– Trông kìa, mẹ, họ theo chúng ta kìa!

Quả thực, đối với Mary hình như sự khác biệt duy nhất là âm điệu Ý.

Câu hỏi đầu tiên của các phóng viên là:

– Bà thích Ý như thế nào?

Đại sứ Oscar Viner cũng bối rối như Đại sứ Simon.

– Frank Sinatra không được tiếp đón lớn như thế này. Có điều gì đấy ở bà mà tôi không được biết chăng, bà Đại sứ?

– Tôi nghĩ rằng tôi có thể giải thích, – Mary đáp – Không phải tôi là người báo chí quan tâm đến. Họ quan tâm đến chương trình giữa các dân tộc của Tổng thống đấy. Chẳng bao lâu, chúng ta sẽ có đại diện tại mỗi quốc gia khối XHCN. Đấy sẽ là một bước vĩ đại hướng đến hoà bình. Tôi nghĩ rằng đấy là điều đã kích thích giới báo chí.

Sau một lúc, Đại sứ Viner nói:

– Nhiều việc đặt lên người bà, phải không?

Đại tá Caesar Barzini, trưởng ngành cảnh sát mật Ý, cũng có thể tiên đoán chính xác những địa điểm mà Mary và con nàng sẽ thăm viếng trong những ngày ở lại ngắn ngủi của họ.

Vị đại tá cho hai người canh chừng gia đình Ashley và mỗi ngày khi họ báo cáo lại, hầu như đúng những điều ông đã liệu trước.

– Họ uống sôđa pha kem lạnh tại Doney, đi bộ dọc theo đường Veneto và đi thăm điện Colossée!

– Họ đến thăm suối Trevi. Bỏ vào đấy những đồng tiền.

– Thăm Terme đi Caracalla và rồi Hầm mộ. Cậu bé đau và được đưa về lại khách sạn.

– Các đối tượng đi xe ngựa trong công viên Borghese và đi bộ dọc theo Piazza Navona!

– Cứ vui chơi đi – Đại tá Barzini nghĩ một cách mỉa mai.

Đại sứ Viner hộ tống Mary và con nàng đến sân bay.

– Tôi có một túi ngoại giao gửi đến Toà đại sứ ở Rumani. Bà có phiền khi mang nó theo với hành lý của bà không?

– Dĩ nhiên là không. – Mary nói.

***

Đại tá Barzini đến sân bay để quan sát gia đình Ashley lên chiếc phi cơ Hãng hàng không Tarom đi Bucarest. Ông ở lại đến lúc phi cơ cất cánh, rồi gọi điện thoại.

– Tôi có một công điện cho Balder. Mọi sự đều hoàn hảo. Báo chí vây kinh khủng thật.

***

Chỉ sau khi họ đã ở trên không, sự lớn lao của điều sắp xảy ra mới thực sự làm Mary xúc động.

Thật khó tin đến nỗi Mary đã phải nói lớn.

– Chúng ta đang trên đường đi Rumani, nơi mà mình sẽ nhận chức vụ Đại sứ của Hoa Kỳ.

Beth trố mắt nhìn nàng kỳ lạ.

– Vâng, thưa mẹ. Chúng con biết. Đấy là lý do tại sao chúng ta có mặt ở đây!

Nhưng làm sao Mary giải thích cho chúng được sự phấn khởi của nàng?

Phi cơ càng đến gần Bucarest, sự phấn khởi của nàng càng tăng.

– Mình sẽ là vị Đại sứ giỏi nhất mà họ chưa từng thấy. – Nàng nghĩ thế. – Trước khi mình thôi việc, Hoa Kỳ và Rumani sẽ là đồng minh thân thiết!

Dấu hiệu CẤM HÚT THUỐC sáng lên và những giấc mơ thần tiên làm nhà đại chính khách tan biến đi.

Chúng ta không thể đáp xuống được – Mary nghĩ trong một cơn kinh hoàng.

“Chúng ta vừa mới cất cánh mà. Tại sao chuyến bay ngắn thế nhỉ?”

Nàng cảm thấy áp lực trong tai lúc phi cơ bắt đầu hạ thấp dần, và ít lâu sau bánh phi cơ chạm đất. Điều ấy đã thực sự xảy ra, Mary phân vân.

“Mình không phải là Đại sứ. Mình là giả hiệu. Mình sẽ không đưa nước mình vào một cuộc chiến. Xin Chúa phù hộ tất cả. Có lẽ Dorothy và mình không nên rời Kansas”.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN