Tam Thế - Quyển 2 - Chương 7: Đâu là chốn bình yên?
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
138


Tam Thế


Quyển 2 - Chương 7: Đâu là chốn bình yên?


Sau khi A Nghi rời đi, tôi một mình lang thang trong rừng, mò mẫm trong đêm. Bây giờ tôi không thể trở về làng, Lục Lục cũng chẳng còn sống trong cái hang đó nữa, tôi lại trở thành một kẻ tứ cố vô thân, không có nhà để về, cũng chẳng có nơi nào để đến.

Ông trời đúng là không tuyệt đường sống của con người. Ông khiến tôi không thể tiếp tục sống trong làng cùng dưỡng mẫu và A Nghi, nhưng lại cho tôi cuộc sống mới, gặp một “người” khác.

Tận cùng bóng tối luôn là ánh sáng. Một khắc trước bình minh luôn là bóng đêm. Tôi quẩn quanh trong bóng tối một hồi, cuối cùng cũng tìm thấy ánh sáng mà mình luôn khát khao. Tất cả đều thay đổi khi tôi bước vào kết giới, khi tôi gặp được Ngữ Yên.

Lúc đó tôi chưa biết kết giới là gì, cũng chẳng thể nhìn thấy nó, chỉ có cảm giác như xuyên qua một vật thể vô hình. Bên ngoài thì trời tối đen như mực, quanh đi quẩn lại chỉ thấy duy nhất một màu đen; bên trong kết giới lại là một không gian rộng lớn được ánh trăng nhu hoà bao phủ, còn có một ngôi nhà to và đẹp hơn bất kỳ ngôi nhà nào mà ta từng thấy, hoa hải đường nở rộ trong đêm đen tĩnh mịch, trên cánh hoa phủ một lớp mỏng màu bạc của ánh trăng khiến chúng càng trở nên cao quý, diễm lệ. Tôi còn đang đắm chìm trong chốn bồng lai đó thì một giọng nói lảnh lót như tiếng chim ca, ngân như chuông vàng mới đúc vang lên, kéo tôi trở về thực tại: “Ngươi là ai?”.

Tôi đưa mắt nhìn về phía phát ra tiếng nói, thấy nơi đó chẳng biết tự bao giờ đã xuất hiện một làn sương màu hồng. Sương mù tan ra, để lộ một con rắn rất lớn rất dài, toàn thân phủ một lớp vảy màu đỏ lấp lánh dưới trăng. Lục Lục đã được coi là lớn hơn những con rắn bình thường rất nhiều, vậy mà so với con rắn trước mắt tôi đây lại mới chỉ như một con rắn con, nói vậy cũng đủ hiểu con rắn kia lớn đến mức nào rồi.

Con rắn đỏ nhìn tôi kinh ngạc đến nỗi không nói lên lời, ánh mắt tỏ vẻ đắc ý. Sương mù một lần nữa bao trùm cả thân mình nó rồi lại nhanh chóng tản ra, nhưng lần này xuất hiện không phải con rắn kia nữa mà là một nữ nhân mặc y phục màu đỏ, đầu cài trâm vàng, nhan sắc tuyệt đối xứng với bốn chữ “khuynh quốc khuynh thành”. Nữ tử áo đỏ cúi đầu nhìn tôi, đôi mắt tuyệt đẹp nheo lại tỏ vẻ nghi hoặc: “Ngươi chỉ là người, hơn nữa còn là một đứa trẻ, vậy tại sao lại có thể dễ dàng bước vào kết giới của ta?”. Tỷ ấy nhìn thẳng vào mắt tôi, vẻ mặt bỗng trở nên kinh ngạc, đôi mắt sáng ngời trong đêm đen: “Chẳng lẽ… ngươi là kẻ mang cặp mắt La Sát? Tốt quá! Cuối cùng ta cũng tìm ra người có đủ tử khí để che giấu nội đan của dưỡng phụ rồi!”.

Lúc đó tôi không hề để tâm đến ẩn ý trong lời nói của tỷ ấy, bởi tôi vẫn còn choáng váng vì chuyện vừa xảy ra trước mặt: Thì ra là một con rắn thành tinh, thảo nào thân mình nó lại lớn và dài đến vậy, có khi nó đã sống được mấy trăm năm rồi cũng nên. Hơn nữa, nghe nói loài rắn khi tu luyện thành hình người, nhất là nữ nhân thường không được xinh đẹp như bao loài khác. Nhưng con rắn màu đỏ này lại là một ngoại lệ, nó không chỉ xinh đẹp thôi đâu, mà còn tuyệt sắc tuyệt trần, là người, à không, là yêu quái xinh đẹp nhất mà tôi từng được gặp.

Nữ tử áo đỏ thấy tôi hồi lâu không có phản ứng gì thì cau mày bất mãn: “Ta đâu phải loại yêu quái bạ đâu ăn đấy, ngươi sợ hãi đến ngây ngốc như vậy để làm gì?”.

Nghe tỷ ấy nói vậy, hồn tôi mới từ trên mây trở về, không cam lòng chịu yếu thế mà hùng hồn phản bác: “Muội đâu có sợ, chỉ là quá đỗi kinh ngạc nên mới không kịp phản ứng thôi”. Tôi vốn luôn có hảo cảm với loài rắn, huống hồ tỷ ấy lại xinh đẹp như vậy, lại không có ý làm hại tôi, vậy tại sao tôi lại phải sợ tỷ ấy?

Tỷ ấy bật cười nhìn tôi, giọng nói lanh lảnh lại một lần nữa vang vọng trong đêm đen tĩnh mịch: “Lâu lắm rồi mới có người nhìn thẳng vào mắt ta mà nói những lời như vậy đấy. Ngươi tuy tuổi vẫn còn nhỏ nhưng gan lại chẳng nhỏ chút nào, không hề giống với lũ người nhát gan mà lại vô cùng độc ác kia. Đúng là người mang cặp mắt La Sát mà ta vẫn luôn kiếm tìm”.

Nghe đến hai chữ “La Sát”, lòng tôi bất giác chùng lại. Những chuyện xảy ra trong quá khứ và chuyện bệnh dịch lại ùa về trong tâm trí, khiến nước mắt tôi lại một lần nữa trào ra, lăn dài trên má.

Tỷ ấy thấy tôi như vậy thì khẽ buông tiếng thở dài, nhẹ nhàng lau nước mắt cho tôi, giọng cũng trở nên dịu dàng hơn nhiều: “Ài, nói lâu như vậy rồi mà vẫn chưa biết tên nhau. Ta tên Ngữ Yên, là một con rắn vừa tròn năm trăm tuổi. Còn muội thì sao?”.

Tôi hít một hơi thật sâu, cố gắng để nước mắt không chảy ra lần nữa, môi nở nụ cười gượng gạo: “Muội tên Dung Tĩnh, tư dung hơn người, đoan trang thục tĩnh. Đó là cái tên dưỡng mẫu đặt cho muội”.

Cặp mày thanh mảnh của tỷ ấy nhướng cao, môi nở nụ cười mê hồn: “Đúng là một cái tên hay, chứa đựng tâm tư tình cảm của người đặt dành cho muội”. Tỷ ấy khẽ phất tay áo, một luồng sáng màu đỏ xuất hiện xung quanh chúng tôi. Chỉ trong chốc lát, chúng tôi đã di chuyển từ bên ngoài vào trong ngôi nhà. Tỷ ấy kéo tôi ngồi xuống chiếc ghế gỗ, rót cho tôi một cốc trà vẫn còn âm ấm, giọng nói rất đỗi dịu dàng: “Có thể kể cho ta nghe lý do muội xuất hiện ở đây không, A Tĩnh?”.

Giấu giếm mọi chuyện với người quen, nhưng lại dễ dàng nói ra với người lạ. Con người đôi khi mâu thuẫn như vậy đấy, và tôi cũng không ngoại lệ. Sau một hồi do dự, cuối cùng tôi vẫn nói cho Ngữ Yên mọi chuyện, từ những chuyện đã chôn sâu trong quá khứ cho đến những chuyện vừa xảy ra cách đây chưa đầy một canh giờ. Trong suốt thời gian đó, tỷ ấy chỉ chăm chú lắng nghe chứ không hề nói một câu nào, nhưng tôi cũng không tức giận, bởi lắng nghe đôi khi chính là sự đáp lại tuyệt vời nhất.

Sau khi nghe xong toàn bộ câu chuyện, khoé môi Ngữ Yên khẽ cong nhưng ánh mắt tuyệt nhiên không có ý cười, giọng nói lạnh lùng pha chút chế nhạo: “Đúng là lũ người ngu xuẩn. Năng lực của muội có thể giúp chúng dự báo vận hạn để biết đường mà tránh, là năng lực nhiều người cầu còn không được, vậy mà chúng lại xem nó như một lời nguyền”. Tỷ ấy khẽ xoa đầu tôi, ánh mắt trở nên dịu dàng: “Bây giờ muội không còn chốn nào để nương thân, đúng không? Vậy thì ở lại đây đi, ta sẽ không đối xử với muội như lũ người ngu xuẩn kia đâu”.

Nghe tỷ ấy nói vậy, ký ức lại một lần nữa tái hiện trong đầu, nỗi sợ lại tràn ngập trong tim: “Nhưng…”.

Lại bị tỷ ấy thản nhiên ngắt lời: “Không nhưng nhị gì hết. Ngữ Yên ta đã nói là làm, ta sẽ không để một đứa trẻ như muội lang thang ngoài kia. Dù sao thì ta cũng đâu có sợ chết, vậy muội còn do dự cái gì?”.

Mặc dù trong lòng có dự cảm chẳng lành, mặc dù sự xuất hiện của tôi sẽ mang đến tai hoạ cho tỷ ấy nhưng tôi vẫn không kìm được mà tham luyến sự dịu dàng này. Vậy nên trước sự kiên quyết đến cố chấp của tỷ ấy, cuối cùng tôi cũng gật đầu thuận theo.

Sau đó là những tháng ngày một người một rắn chúng tôi sống chung. Ngữ Yên hằng ngày ra ngoài kiếm ăn, tiện thể mang về mấy bộ y phục màu lục để tôi tiện thay đổi; còn tôi thì ở trong kết giới lo liệu việc nhà, nhất là chuyện bếp núc. Tỷ ấy tuy là rắn thành tinh nhưng lại ăn đồ ăn hệt như của con người, lại còn rất thích ăn cay, mỗi món tỷ ấy ăn đều cay đến mức khiến người khác nếm thử đều phải lè lưỡi. Còn nhớ lần đầu nấu cho tỷ ấy ăn, tôi đã hỏi tỷ ấy rằng: “Muội nghe người ta nói yêu tinh thường ăn thịt người để gia tăng sức mạnh, vậy sao muội lại thấy tỷ ăn đồ ăn giống hệt con người?”.

Ngữ Yên cầm vài quả dại hái về cho tôi để làm gia vị, nghe tôi hỏi vậy thì mở miệng giải thích: “Thực ra đó cũng chỉ là nhu cầu thiết yếu, là bản năng của mỗi loài và cũng là quy luật tự nhiên mà thôi. Con người ăn gà, vịt thì sau khi thành tinh chúng sẽ lại lấy con người làm thức ăn”. Ngừng một lát, ánh mắt tỷ ấy bỗng trở nên xa xăm như đang nhớ về chuyện gì đó trong quá khứ: “Trước kia ta cũng lấy con người làm thức ăn, chỉ là sau khi gặp huynh ấy thì mới thôi không ăn nữa. Cho dù sức mạnh vì thế mà không thể gia tăng, ta cũng muốn làm vậy để huynh ấy thấy không phải yêu tinh nào cũng độc ác xấu xa như huynh ấy tưởng; ít ra là còn thiện lương hơn Khắc Lãnh”. Nói đến đây, tỷ ấy nở nụ cười giễu cợt, giọng nói phảng phất nỗi buồn chẳng thể nào gọi tên: “Nhưng điều đó bây giờ còn ý nghĩa gì nữa? Cho dù ta có cố gắng bao nhiêu, huynh ấy cũng chẳng thể nào thấy được”.

Thấy Ngữ Yên như vậy, lòng tôi cũng chùng xuống. Trong những ngày sống chung với nhau, tôi luôn thấy tỷ ấy rất giống A Nghi, cả hai đều có chút ngông cuồng tự đại, vô tâm vô phế, không quan tâm người khác nghĩ gì, nói gì, chỉ cần bản thân cảm thấy vui vẻ thoải mái là được. Nhưng bây giờ tôi lại nhìn thấy một Ngữ Yên khác, một Ngữ Yên biết buồn biết đau, một yêu quái có tình cảm như con người. Đối với tôi bây giờ mà nói, Ngữ Yên cũng giống như A Nghi, đều là tỷ tỷ tôi yêu và thương tôi. Tỷ tỷ cảm thấy buồn, người làm muội muội như tôi cũng chẳng thể thấy vui. Tôi muốn nói vài câu an ủi tỷ ấy, nhưng lời còn chưa ra khỏi miệng thì tỷ ấy đã bình thường trở lại, hệt như vẻ yếu đuối bi luỵ vừa rồi chỉ là ảo giác của tôi mà thôi: “Nói chuyện nãy giờ làm tôi đói bụng quá, muội mau mau nấu gì đó cho ta ăn đi. À, đừng quên cho thêm mấy quả dại mà ta vừa hái về để thêm vị cay nhé”.

Mặc dù sống trong bình yên, lòng tôi vẫn chẳng thể cảm thấy thanh thản, vẫn không thể ngừng suy nghĩ về chuyện của dưỡng mẫu và A Nghi. Tôi đã rời khỏi thôn làng, vậy mọi người ở đó đã có thể thoát khỏi dịch bệnh chưa? Dưỡng mẫu và A Nghi bây giờ sống thế nào? Không có tôi ở đó, phải chăng họ sẽ sống tốt hơn, sẽ được dân làng tha thứ vì đã chứa chấp kẻ mang tai hoạ và xui xẻo đến với tất cả mọi người? Những câu hỏi đó cứ vọng đi vọng lại trong tâm trí, giày vò tôi không ngừng. Nhiều khi tôi chỉ muốn lén trở về thôn làng để xem họ sống ra sao, nhưng nghĩ đến lời cảnh cáo của trưởng làng, ý định đó lập tức biến mất. Họ đã làm quá nhiều cho tôi rồi, tôi không thể tiếp tục gây phiền phức cho họ nữa.

Bởi vậy, hằng ngày tôi đều cố gắng làm nhiều việc để không có thời gian suy nghĩ linh tinh nữa, nhưng mỗi khi màn đêm buông xuống, khi tôi trằn trọc không thể nào ngủ được, tôi vẫn không thể kìm được mà nhớ đến những tháng ngày dưỡng mẫu, A Nghi và tôi sống vui vẻ bên nhau, để rồi nước mắt lại lăn dài trên má. Những lúc như vậy tôi chỉ biết siết chặt chiếc túi hương mà tỷ ấy làm, khẽ lặp lại lời tỷ ấy nói trước lúc chia tay như để khích lệ chính mình: “Nếu có duyên, nhất định sẽ có một ngày chúng ta gặp lại”.

Quá khứ dù có đẹp đẽ nhường nào, đau đớn ra sao, con người vẫn phải sống cho hiện tại, tiến về phía trước. Bởi không biết tương lai sẽ xảy ra chuyện gì nên tôi càng thêm quý trọng khoảng thời gian bình yên hiếm có này, bởi gặp gỡ cũng là duyên phận nên tôi càng thêm trân trọng “người” trước mắt. Không biết có phải vì Ngữ Yên nói là rắn hay không mà tôi luôn cảm thấy thoải mái, thân thuộc khi ở bên tỷ ấy. Tuy người ta thường nói rắn là động vật máu lạnh, tuy tỷ ấy luôn tỏ vẻ ngông cuồng ngạo mạn nhưng bản chất lại rất tốt, rất giống Lục Lục, đối xử ân cần với cả dị loại là tôi. Có lẽ cũng bởi vì thế mà cứ nhìn Ngữ Yên tôi lại nhớ đến Lục Lục, nhớ đến những tháng ngày một người một rắn nương tựa vào nhau, cổ lại nghèn nghẹn, chua xót. Thấy tôi như vậy, tỷ ấy lại hỏi: “Sao tự dưng lại ngẩn ngơ nữa rồi? Lại nhớ nhà sao?”.

Tôi thành thật trả lời: “Muội nhớ dưỡng mẫu, A Nghi và cả Lục Lục nữa”.

Ngữ Yên để xấp thư và giấy Tuyên Thành sang một bên rồi chống cằm nhìn tôi, hỏi: “Lần trước muội đã kể cho ta nghe về hai người kia rồi, còn Lục Lục thì sao? Đó là ai vậy?”.

Nghe tỷ ấy nhắc đến hai chữ “Lục Lục”, trong đầu tôi lại hiện ra một bóng hình quen thuộc, giọng nói không khỏi cao lên vài phần, chất chứa niềm vui mà chính tôi cũng chẳng thể gọi tên: “Lục Lục chính là con rắn sống cùng muội trước đây. Nó lớn hơn những con rắn bình thường rất nhiều, vảy cũng sáng lấp lánh một cách kỳ lạ, lại rất hiểu tính người, đối xử với muội rất tốt, tốt đến nỗi muội luôn cảm thấy nó không phải là rắn mà là một con người thật sự”.

Ngữ Yên trầm tư hồi lâu, lát sau mới nói suy nghĩ của mình: “Có lẽ Lục Lục của muội cũng giống ta, cũng là rắn thành tinh”.

Những lời này của tỷ ấy hết sức bất ngờ, khiến tôi phải mất một lúc lâu mới phản ứng lại: “Sao có thể? Muội chưa bao giờ thấy nó biến thành hình người cả”.

Trước sự kinh ngạc tột độ của tôi, tỷ ấy vẫn điềm nhiên như không, thản nhiên trả lời: “Nó chưa biến thành hình người trước mặt muội có thể là vì nó không muốn muội cảm thấy sợ hãi, hoặc là chưa đến lúc nó tu luyện thành công”. Ngừng một lát, tỷ ấy quay sang nhìn tôi, trong mắt lấp lánh ý cười: “Nhưng theo ta thấy thì muội chẳng có gì là sợ hãi cả, ngược lại còn có chút chờ mong”.

Đúng vậy. Ngay cả khi tận mắt nhìn thấy Ngữ Yên từ một con rắn màu đỏ biến thành một nữ nhân xinh đẹp tôi còn không sợ, vậy sao tôi lại sợ hãi khi đối phương là Lục Lục chứ, huống hồ tôi lại luôn mong nó trở thành người để chúng tôi có thể sống bên nhau trọn đời. Bây giờ điều tôi mong muốn bấy lâu có khả năng trở thành sự thực, sao tôi có thể không vui mừng, không chờ mong được chứ? Có khi sau này gặp lại, Lục Lục đã trở thành một cô nương xinh đẹp khả ái cũng nên.

Ngữ Yên vỗ nhẹ vai tôi giống như A Nghi vẫn thường làm trong quá khứ: “Được rồi, giúp ta sắp xếp lại xấp giấy Tuyên Thành trên án thư kia đi, làm xong ta sẽ dẫn muội đi bắt gà rừng”.

Nghe đến hai chữ “gà rừng” hai mắt tôi sáng lên, đầu óc chưa kịp phản ứng hai tay đã bắt đầu dọn dẹp, nhưng tay vừa mới chạm vào xấp giấy mắt đã trông thấy một lá thư màu hồng vô cùng bắt mắt lấp dưới bức tranh Ngữ Yên vừa vẽ. Tôi bèn đặt xấp giấy xuống, cầm bức thư ngắm nghía một hồi, hiếu kỳ mở ra xem, thấy nét chữ bên trong mềm mại thanh thoát, xen chút phóng túng ngông cuồng, quả là rất hợp với cá tính mạnh mẽ của Ngữ Yên. Suy đi nghĩ lại một hồi, cuối cùng quanh sang hỏi tỷ ấy: “Đây là thư gì?”.

Ngữ Yên nhìn lá thư trong tay tôi, sóng mắt khẽ dao động: “Thư tình”.

Tôi hiếu kỳ hỏi tiếp: “Yêu quái cũng viết thư tình như con người sao?”.

Cặp mày thanh mảnh của tỷ ấy nhướng cao, ngạo nghễ hỏi lại: “Con người có thể viết thư tình, sao yêu quái lại không? Ta còn nhớ hai trăm năm trước, ở Thiên giới còn rộ lên phong trào viết thư tình rồi gửi cho nhau kìa”.

Tôi kinh ngạc đến nỗi miệng không khép lại được: “Chẳng phải thần tiên trên đời đều không màng thế sự, không vướng bụi trần, lòng không tạp niệm, cũng chẳng vướng vào khói lửa nhân gian, quanh năm suốt tháng chỉ một lòng tu luyện, ban phát phước lành cho vạn vật hay sao?”.

Ngữ Yên lắc đầu trả lời: “Ngoại trừ có thêm sức mạnh nhờ tu luyện và sinh mệnh dài lâu, ta thấy thần tiên cũng chẳng khác gì người phàm trần, chỉ là con người thần thánh hóa lên thôi”.

Lúc đó tôi vẫn ngây thơ cho rằng: mọi thần tiên trân đời đều vứt bỏ thất tình lục dục, không vướng bụi trần, lòng không tạp niệm; không hề hay biết thần tiên cũng biết yêu biết hận như người, và đã không có ít thần tiên vì vướng vào tình kiếp mà sẵn sàng từ bỏ cả tiên tịch, tu vi của mình, trong đó có cả Vô Tuyết là tôi.

Hai năm sống cùng Ngữ Yên là hai năm tôi chỉ quanh quẩn trong kết giới, Là hai năm tôi sống tách biệt với con người. Cuộc sống lúc đó của tôi bình yên đến độ khiến tôi lầm tưởng chỉ cần cách xa con người là mọi chuyện rồi sẽ ổn cả, lại quên mất rằng cuộc sống bình yên bên Lục Lục và A Nghi cũng chỉ kéo dài được hai năm, lại quên mất rằng đó có thể chỉ là sự bình yên trước khi tai hòa bất ngờ ập xuống.

Hôm đó tôi dậy sớm hơn bình thường rất nhiều, bởi vì năng lực dị thường gần như đã hoàn toàn biến mất của tôi có dấu hiệu trở lại, suốt mấy đêm liền tôi đều mơ thấy ngữ yên bị một sĩ dùng kiếm giết chết. Tôi đã kể cho tỷ ấy nghe chuyện này rất nhiều lần, nhưng lần nào tỷ ấy cũng chỉ cười cho qua: “Chỉ là ác mộng thôi mà, cần gì phải lo lắng đến mất ăn mất ngủ như muội chứ? Với sức mạnh hiện tại của ta và nội đan của dưỡng phụ, trên đời này không có đạo sĩ nào có thể giết được ta đâu. Ngay cả Bá Khiêm cũng vậy, cùng lắm là chúng ta lại đánh một trận bất phân thắng bại như hai trăm năm trước thôi”.

Ngữ Yên đã nhắc đến cái tên này không chỉ một lần, và lần nào cũng nhắc bằng giọng điệu coi khinh, khiến tôi không kìm được mà hỏi: “Bá Khiêm là ai?”.

Quả nhiên vừa nhắc tên hắn là gương mặt xinh đẹp như hoa của tỷ ấy lập tức sa sầm, giọng nói lạnh nhạt tràn ngập khinh thường: “Đó là một tên đạo sĩ lòng dạ hiểm độc, lấy danh nghĩa trừ gian diệt ácđể lạm sát yêu quái vô tội, lợi dụng yêu ma để tăng sức mạnh cho bản thân. Một thứ nhân tâm đầy ác độc, còn không bằng cả súc sinh”.

Một ngày đầu hạ năm tôi mười bốn tuổi, Ngữ Yên quyết đinh vào kinh thành mua một số đồ dùng vật dụng cần thiết, nhân tiện chơi đùa thỏa thích một phen. Trước khi đi, tỷ ấy có hỏi: “Thật sự không muốn đi vào thành cùng ta sao? Quanh năm suốt tháng chỉ luôn quanh quẩn trong phạm vi nhỏ hẹp của kết giói, muội không cảm thấy buồn chán ngột ngạt à?”.

Tôi khẽ lắc đầu đáp lại: “Đương nhiên muội muốn. Nhưng trong kinh thành hẳn là sẽ có rất nhiều người, muộn không muốn lại gây ra họa đâu”. Tôi sợ phải nhìn thấy thứ không nên thấy, mang đến tai họa xui xẻo cho người vô tội.

Ngữ Yên cũng không hề có ý ép buộc tôi, thấy tôi nói vậy thì chỉ dịu giọng an ủi: “Vậy thì cứ ngoan ngoãn ở trong kết giới đợi ta về. Phải rồi, muội có thích gì không để ta nhân tiện mua luôn?”.

Tôi lại tiếp tục lắc đầu: “Muội không cần thứ gì đâu”. Nhìn tử khí cứ như làn sương mỏng tối màu quẩn quanh tỷ ấy, lòng lại có dự cảm chẳng lành, tay tôi siết chặt túi hương trong vô thức: “Chỉ cần tỷ bình an trở về là được rồi”.

Ngữ Yên giơ tay gõ nhẹ lên trán tôi, dịu dàng trách cứ: “A đầu ngốc nghếch này, ta chỉ là vào thành trong vài canh giờ thôi, vậy mà muội cứ làm như sinh ly tử biệt không bằng. Được rồi, ta đi đây, muội ở nhà nhớ phải làm nhiều món ngon chờ ta về”.

Nụ cười của tỷ ấy càng rạng rỡ, tử khí vây quanh càng đậm dần, nỗi bất an trong lòng tôi lại càng lớn. Cả ngày hôm đó tôi cứ đứng ngồi không yên, chẳng làm được việc gì ra hồn, làm cả một bàn đầy đồ ăn nhưng lại chẳng có món nào nếm ra mùi vị. Tôi cứ ngồi trước hiên nhà chờ, chờ đến khi trời tối mịt vẫn chẳng thấy bóng dáng tỷ ấy đâu, lòng lại thấp thỏm lo âu, hai mắt nhức nhối như muốn dự báo trước điều gì.

Sự thật chứng minh lo lắng của tôi là đúng.

Không bao lâu sau đó Ngữ Yên đã trở về nhưng hoàn toàn khác với lúc đi, bây giờ tỷ ấy chật vật vô cùng, một vết thương vừa dài vừa sâu kéo dài từ vai xuống bụng, máu chảy ồ ạt, khiến y phục màu đỏ diễm lệ nay càng sẫm lại, dường như vũ khí gây ra vết thương này lợi hại đến nỗi cho dù tỷ ấy có dùng toàn bộ sức mạnh cũng chẳng thể cầm được máu. Tỷ ấy dùng toàn bộ sức lực để về trở về đây như để thoát khỏi thứ gì, vừa đặt chân vào kết giới là đã hét với tôi: “Bá Khiêm tới rồi!”. Nhanh chóng đặt viên ngọc sáng chói nhưng lạnh ngắt vào tay tôi, tỷ ấy thở cũng chẳng kịp, vội vàng nói: “Mau mang nội đan của dưỡng phụ rời khỏi đây! Càng nhanh càng tốt! Mau lên!”.

Hơi lạnh từ viên ngọc thấm vào tay tôi truyền vào tận tim, tôi hoảng sợ hỏi lại: “Còn tỷ thì sao?”.

Gương mặt vốn trắng như tuyết của Ngữ Yên nay lại càng trắng đến rợn người, áo đỏ càng loang lổ máu: “Thanh kiếm trong tay Bá Khiêm rất lợi hại, có khi thần tiên trên trời cũng chẳng phải đối thủ cửa hắn đâu. Ta dù chết cũng không để hắn đoạt được nội đan, còn muội hãy mau chóng mang viên ngọc này chạy càng xa càng tốt. Ta định đợi đến khi muội trưởng thành mới giao nó cho muội, thế nhưng mọi chuyện đã khác, chúng ta không thể tiếp tục chậm trễ nữa! Mau đi!”.

Trước thái độ kiên quyết của tỷ ấy, dù không muốn nhưng tôi vẫn phải rời đi. Đúng lúc tôi ra khỏi kết giới, hoà mình vào trong bóng đêm đen đặc, Ngữ Yên lại cất tiếng: “Bằng mọi giá phải bảo vệ nội đan, không được để nó rơi vào tay kẻ ác như Bá Khiêm, nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự an nguy của vạn vật!”.

Ngữ Yên vừa dứt lời, một tiếng nổ ầm trời đã vang lên, lấn át âm thanh của tất cả, kết giới cũng bị một kẻ dùng kiếm chém tan. Từ trong một bụi cây rậm rạp nhìn ra ngoài, tôi thấy kẻ vừa xuất hiện là một nam tử trẻ tuổi vận trường bào màu xám. Gương mặt vô cùng bình thường, ngữ khí hết sức ôn hòa, nhưng không hiểu tại sao lại khiến người nghe không rét mà run: “Lâu rồi không gặp, không ngờ sư muội lại sống ở sâu trong rừng, ẩn trong tầng tầng kết giới thế này, báo hại sư huynh cứ tìm kiếm tung tích sư muội mãi”.

Vẻ ngông cuồng kiêu ngạo trên gương mặt Ngữ Yên đã sớm biến mất không còn dấu vết, thay vào đó là sự lạnh lùng khinh miệt: “Câm miệng! Ai là sư muội của kẻ giết hại sư phụ, phản bội sư môn như ngươi? Lần này người truy sát ta lại là vì muốn đoạt được nội đan của dưỡng phụ đúng không?”.

Nam tử vận trường bào màu xám khẽ cười, nhưng ý cười lại chẳng hiển hiện trong đôi mắt: “Nếu đã biết vậy thì đừng nhiều lời. Mau giao nội đan của sư phụ cho ta!”.

Dẫu trên người có vết thương rất sâu rất dài, dù đã rơi vào thế hạ phong nhưng vẫn chẳng hề tỏ ra yếu thế: “Đừng hòng! Dù chết ta cũng sẽ không để nội đan của dưỡng phụ rơi vào tay một kẻ hiểm độc như ngươi!”.

Ý cười trên gương mặt Bá Khiêm dần dần biến mất, ánh mắt vốn ôn hòa nay lại trở nên lạnh lẽo vô cùng: “Vậy thì đừng trách đại sư huynh vô tình!”.

Lời vừa mới dứt, mày kiếm đã dựng ngược, hắn đã cầm thanh quỷ kiếm lao như xé gió về phía Ngữ Yên, luồng khí đen từ thanh quỷ kiếm tỏa ra bốn phía. Ngữ Yên cũng không tiếp tục nhiều lời, lập tức dùng thanh kiếm làm từ xương rồng bay lên tiếp chiêu. Tôi không am trường kiếm thuật, cũng không hiểu rõ sức mạnh cùng phép thuật của kẻ đã tu luyện lâu năm, chỉ nghe tiếng va chạm chúa chát của hai thanh kiếm bậc nhất thiên hạ, chỉ thấy cả hai đều bị luồng khí màu đen khổng lồ bao vây. Người bình thường nhìn vào chỉ thấy bụi bay mù mịt, còn kẻ mang cặp mắt La Sát như tôi lại có thể thấy rõ luồng khí đen đó chính là oán khí, nỗi uất hận của những người bị chết oan, của những linh hồn chẳng thể nào siêu thoát. Xương rồng dù có thể chứa đựng nhiều sức mạnh của con rồng đã tu luyện ngàn năm đến đâu cũng không thể địch lại thanh quỷ kiếm tà ác đã nhuốm máu hàng ngàn người. Thanh kiếm làm từ xương rồng trong tay Ngữ Yên bị hất văng ra xa, những quả cầu lửa mà tỷ ấy phóng tới đều bị những ác linh bị giam cầm trong quỷ kiếm cắn nuốt, vô tình gia tăng thêm sức mạnh cho kẻ thù. Bá Khiêm từ trên cao nhìn xuống nữ nhân chật vật dưới đất, trên mặt đã không còn ý cười: “Giao nội đan của sư phụ cho ta, ta sẽ tha cho muội một mạng”.

Ngữ Yên nằm rạp xuống dưới đất ho ra một ngụm máu, ánh mắt và giọng nói vẫn tràn ngập vẻ khinh thường: “Súc sinh như ngươi cũng mơ tưởng đến nội đan của dưỡng phụ? Đừng hòng! Người đó bằng mọi giá sẽ không để nội đan rơi vào tay ngươi! Không bao giờ!”

Tôi biết câu nói đó của tỷ ấy không phải chỉ nói cho hắn nghe, mà còn là lời nhắc nhở dành cho tôi: Bằng mọi giá cũng không được để nội đan rơi vào tay một kẻ súc sinh như hắn, nếu không sẽ gây ra đại họa!

Bá Khiêm nghe vậy thì khẽ nheo đuôi mắt, lạnh lùng hỏi lại: “Người đó? Muội đã giao nội đan của sư phụ cho người khác nắm giữ?”. Tay phải lại một lần nữa nâng quỷ kiếm lên, oán khí lại tràn ra cuồn cuộn: “Vậy thì muội cũng không cần tiếp tục tồn tại trên cõi đời này nữa”.

Trong khoảnh khắc thanh quỷ kiếm đâm xuyên qua ngực Ngữ Yên, tim tôi như ngừng đập.

Oán khí từ thanh quỷ kiếm tràn ra như đại hồng thủy, cuồn cuộn chảy vào vết thương trước ngực Ngữ Yên, bao quanh cơ thể mảnh mai của tỷ ấy, rút cạn sức mạnh mà tỷ ấy có được nhờ tu luyện suốt năm trăm năm qua. Tỷ ấy nhanh chóng trở về nguyên hình, nằm yên bất động trên mặt đất lạnh lẽo.

Còn kẻ gây ra cái chết của tỷ ấy lại chỉ thản nhiên đứng cạnh, thần sắc ôn hoà, dịu dàng vuốt ve quỷ kiếm, khẽ nói tựa như thì thầm: “Không sao. Ta sẽ không từ bỏ”.

Tận mắt chứng kiến cảnh tượng chết chóc, thấm đẫm máu me như vậy, tim tôi như ngừng đập, hai chân như nhũn cả ra, hai má ướt đẫm nước mắt. Nhưng tôi cũng hiểu bây giờ không phải lúc để sợ hãi, cũng chẳng phải là lúc để khóc lóc và tự dằn vặt mình, bởi nếu để Bá Khiêm phát hiện ra người nắm giữ viên ngọc đang trốn ở đây thì mọi chuyện coi như hỏng bét. Bởi vậy, tôi dùng ống tay áo lau nước mắt đọng trên hai má, nhét viên ngọc vào trong túi hương đeo bên hông rồi dốc hết sức mà chạy khỏi nơi này, trốn đi thật xa khỏi Bá Khiêm. Tôi cứ cắm đầu chạy mà không hề quay đầu lại, như thế tử thần đang theo sát phía sau. Tôi cứ mải miết chạy cho đến khi rời khỏi khu rừng này, đặt chân lên một khu rừng khác mà tôi chưa từng biết đến mới dừng lại thở dốc, mới hoảng sợ nhìn bóng tối xung quanh. Hai năm sống yên bình trong kết giới khiến tôi quên mất rừng vốn là một nơi vô cùng nguy hiểm, nhất là vào những đêm mùa hạ đã có rất nhiều người bị rắn độc cắn chết. Và tôi cũng không ngoại lệ. Mãi đến khi cảm thấy buốt nhói nơi bàn chân, mãi đến khi đầu óc cảm thấy choáng váng rồi cả người đổ ập xuống, câu hỏi đó vẫn cứ văng vẳng bên tai tôi: Tại sao thiên hạ rộng lớn như vậy vẫn chẳng có nơi nào để tôi dung thân? Rốt cuộc, đâu… mới là chốn bình yên?

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN