Tấn Thảm Kịch Của Tàu Korosko - Chương 01 Part 2
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
104


Tấn Thảm Kịch Của Tàu Korosko


Chương 01 Part 2



 Thưa các quí bà và các quí ông, ngày mai xin quí vị chớ quên thức dậy vào tiếng kẻng đầu tiên để cho cuộc du ngoạn được kết thúc vào buổi trưa. Khi chúng ta tới chỗ những con lừa đang chờ đợi chúng ta thì chúng ta sẽ cưỡi chúng để đi sâu vào sa mạc tám cây số; chúng ta sẽ đi qua trước một ngôi đền của Ammonra, đã có từ triều đại thứ mười tám, rồi chúng ta sẽ tới núi Abousir mà sự lừng danh là độc nhất vô nhị. Khi quí vị tới nơi, quí vị sẽ thấy rằng quí vị đang ở chỗ ranh giới của nền văn minh, ngoài ra, đi thêm vài cây số xa hơn nữa, quí vị sẽ thấy mình ở trong xứ sở của các tu sĩ Hồi giáo; quí vị sẽ rõ điều này khi quí vị lên tới ngọn núi cao. Từ trên đó, quí vị sẽ thấy rõ thác nước thứ hai trong một khung cảnh gồm đủ mọi vẻ đẹp hoang dại của thiên nhiên. Tất cả các danh nhân trên thế giới đều đã khắc tên tuổi họ trên đá; vậy xin quí vị đừng bỏ qua nghi lễ này…

Mansoor chờ đợi một tiếng cười nhỏ bị kìm hãm lại; anh ta nghiêng mình khi nghe thấy tiếng cười.

-…Quí vị sẽ trở lại Quadi-Hafta sau đó, ở đó quí vị sẽ trải qua hai giờ với đàn quân lạc đà; quí vị sẽ dự khán sự trải lông các con vật, quí vị sẽ đi một vòng ở hiệu tạp phẩm. Tôi kính chúc quí vị một đêm vui vẻ và tốt đẹp.

Những cái răng trắng ởn của anh ta lóng lánh trước ánh đèn; rồi cái quần dài sậm màu, cái áo vét ngắn may theo kiểu ăng-lê và cái khăn bịt đầu đỏ của anh ta nối tiếp nhau mà biến dạng ở chân cầu thang. Tiếng rì rầm nói chuyện, mà sự xuất hiện của anh ta đã làm gián đoạn, lại tiếp nối rôm rả hơn.

CÔ Sadie Adams nói:

– Ông Stephens ạ, tôi trông cậy vào ông để biết được mọi thứ ở Abousir. Tôi rất thích biết rõ vật mà tôi nhìn khi tôi đang nhìn nó, chớ không phải sáu giờ sau đó trong phòng của tôi trên tàu. Chẳng hạn, tôi đã không nhớ được bao nhiêu về Abon-simbel và những bức bích họa, mặc dù hòm qua tôi đã nhìn thấy chúng.

“Tôi thì không bao giờ hy vọng biết được chuyện gì” bà cô của nàng nói. “Khi tôi trở về bình an vô sự trong Ðại lộ Commonwealth, và khi không còn anh thông ngôn nào để xô đẩy tôi, tôi sẽ có nhiều thì giờ để đọc sách, lúc đó tôi có thể say mê và mong muốn trở lại nơi này. Nhưng ông Stephens ạ, ông thật sự rất đáng yêu khi đã cố gắng cung cấp các tài liệu cho chúng tôi”.

“Tôi nghĩ rằng bà và cô muốn có vài tin tức chính xác vì vậy tôi đã soạn thảo cho bà và cô một bản tóm tắt nhỏ” Stephens trả lời và đưa cho Sadie một tờ giấy.

Nàng liếc mắt nhìn vào tờ giấy dưới ánh sáng của ngọn đèn trên boong tàu và tiếng cười trẻ trung của nàng lan ra thành một tràng cười lớn.

Nàng đọc.

– Re Abousir! Này ông hiểu từ Re là cái gì hả ông Stephens? Ông đã viết “Re Ramses II” trên tờ giấy cuối cùng mà ông đã đưa cho tôi mà!

Stephens nói.

– Cô Sadie ạ, đó là một thói quen mà tôi mắc phải. Một tục lệ trong nghề nghiệp mà tôi làm khi người ta viết một giác thư.

– Một cái gì hở ông Stephens?

– Một giác thư… Một bị vong lục, nếu cô thích vậy. Chúng tôi viết Re này hay Re nọ, để chỉ ra vật gì mà chúng tôi nói tới. “Tôi cũng muốn tin rằng đó là một phương pháp tốt”, Sadie nói, “Nhưng đối với tôi nó có vẻ hơi lạ, khi nó được áp dụng vào các phong cảnh hay vào các vị hoàng đế Ai Cập Re Cheops… Ông không thấy như thế là buồn cười à?”

– Không, tôi không thể nói là tôi thấy nó buồn cười.

Cô thiếu nữ nói lẩm bẩm:

– Tôi tự hỏi có phải người Anh có ít tinh thần hài hước hơn người Mỹ không, hoặc có phải đó là một dạng hài hước khác chăng?

Nàng có một lối phát biểu ý kiến trầm tĩnh, trừu tượng, nàng cho người ta một cảm tưởng là nàng suy tưởng rất cao xa.

-…Tôi tin rằng họ có ít tính hài hước hơn, nhưng khi người ta suy nghĩ kỹ thì Dickens, Thackeray, Barrie và một số các nhà văn hài hước khác mà chúng ta cảm phục đều là người Anh. Hơn nữa, ở rạp hát, tôi chưa từng bao giờ nghe một công chúng cười lớn hơn là công chúng ở Luân Ðôn. Nghe đây: chúng tôi có ở đằng sau chúng tôi một khán giả mà mỗi lúc ông ta cười đã gây ra một luồng không khí mạnh đến nỗi cô tôi phải quay lại để nhìn xem có phải một cái cửa đã bị để ngỏ không. Nhưng ông đã sử dụng một vài thành ngữ buồn cười đấy, ông Stephens ạ!

– Cô Sadie, cô còn thấy cái gì buồn cười nữa?

– Này nhé, khi ông gởi cho tôi cái vé vào thăm ngôi đền và tấm thiệp nhỏ ông đã khởi đầu lá thư: “Kèm theo đây, xin vui lòng tìm ra…”. Và ở cuối lá thư, ông đã ghi giữa hai ngoặc đơn “Hai tấm vé đính liền nhau”.

– Thưa cô, đó là những công thức hiện hành trong các việc giao dịch.

“Trong các việc giao dịch!”, Sadie nhắc lại, giả bộ làm ra vẻ nghiêm trọng.

Một sư yên lặng đột ngột.

“Có một điều mà tôi mong muốn!” cô Adams dõng dạc nói với một dạng cứng cỏi và lanh lảnh để che dấu trái tim hiền dịu của cô. “Ðó là việc được gặp Quốc hội của nước này và được trình bày với họ một số sự việc. Một đạo luật bắt buộc việc sử dụng thuốc đau mắt nước sẽ là một trong các kiến nghị của tôi. Một kiến nghị nữa là hủy bỏ những thứ mạng che mặt mày, là thứ đã biến đổi các phụ nữ thành những kiện bông có dùi lỗ để làm hai mắt”

Sadie nói :

– Tôi không hiểu tại sao họ lại đeo mạng che mặt. Cho tới ngày mà tôi thấy được một người kéo mạng che mặt của cô ta lên. Lúc đó thì tôi đã hiểu!

Cô Adams bực bội kêu lên.

– Họ làm tôi mệt mỏi, những người phụ nữ này! Cũng như truyền giảng về nghĩa vụ, về phép lịch sự và về sự thanh khiết ột khúc gỗ vậy! Còn nhớ không, ông Stephens mới hôm qua thôi ở Abou-simbel, tôi đi qua trước một trong các căn nhà của họ (nếu ông có thể gọi là căn nhà cái đống bùn đó); tôi thấy hai đứa bé con trên bậc cửa với một đống ruồi thường lệ chung quanh hai mắt chúng, và những lỗ thủng lớn trên những cái áo dài nhỏ bé, nghèo nàn, màu xanh của chúng! Tôi từ trên con lừa tụt xuống; tôi xắn tay áo lên; tôi lấy khăn mùi xoa lau mặt cho chúng; tôi khâu lại áo cho chúng. Trong xứ sở này, khi lên khỏi tàu giá để tôi mang theo một hộp đồ may vá chắc còn tốt hơn là mang theo một cái dù trắng, ông Stephens ạ! Thế là tôi phấn khởi với công việc và tôi đi vào trong nhà. Cái nhà mới tệ làm sao! Tôi lùa những người ở trong đó ra ngoài và tôi dọn dẹp như một cô đầy tớ. Tôi đã không còn nhìn thấy đền Abou-Simbel như là tôi đã chưa bao giờ rời khỏi Boston. Ngược lại, tôi đã trông thấy nhiều bụi bặm và cáu bẩn trong một căn nhà lớn như một cái buồng tắm ở New York, hơn là trong bất kỳ một căn hộ nào ở Mỹ. Giữa cái khoảnh khắc mà tôi xắn tay áo lên với cái khoảnh khắc mà tôi ra đi, với bộ mặt đen như đám khói này, đã không mất hơn một giờ đồng hồ; có lẽ tối đa là một tiếng rưỡi! Nhưng tôi đã để lại cái nhà này sạch sẽ cũng như một cái hộp mới. Tôi có mang theo một tờ báo New York Herald tôi trải nó lên trên cái kệ của họ. Và này, ông Stephens, tôi đi rửa tay ở bên ngoài, và khi tôi trở vào, lũ trẻ con vẫn còn những con mắt bám đầy ruồi, và chúng không thay đổi gì cả, trừ việc mỗi đứa đội trên đầu một cái mũ nhỏ của lính sen đầm làm bằng tờ báo New York Herald của tôi. Nhưng Sadie này, sắp mười giờ rồi, và cuộc du ngoạn ngày mai khởi hành sớm đó!

“Thật là tuyệt đẹp, bầu trời đỏ tía và những ngôi sao lớn bàng bạc!” Sadie lẩm bẩm nói “Hãy nhìn bãi sa mạc im lìm, và những bóng đen của các ngọn núi. Thật là đáng sợ!” Nhưng cũng khủng khiếp nữa. Khi người ta nghĩ rằng chúng ta đang thật sự ở chỗ rìa của nền văn minh, như anh thông ngôn vừa mới nói, không có gì khác hơn là sự man rợ và máu chảy tràn trề ở nơi xa kia mà chòm sao chữ thập chiếu sáng một cách quá đẹp này; người ta có cảm tưởng là đang đứng trong thế thăng bằng trên miệng một ngọn núi lửa!”

“Suỵt, Sadie! con ơi, chớ có nói nhảm nhí!” người cô kêu lên. “Con có thể gây ra mối lo sợ cho những ai nghe thấy con nói đó”.

– Nhưng cô ơi, chính cô không cảm thấy điều đó à? Hãy nhìn bãi sa mạc lớn này, nó biến mất trong đêm tối mịt mù. Cô hãy nghe tiếng sì sào buồn bã của cơn gió đang thổi bên trén! Cháu chưa bao giờ nhìn thấy một quang cảnh thiêng liêng hơn!

– Cô lấy làm sung sướng là sau cùng chúng ta đã tìm thấy một điều gì làm cho cháu trở nên trang nghiêm, cháu thân mến ạ! Ðôi khi cô nghĩ… nhân danh những người còn sống, điều đó là gì vậy?

Từ một nơi nào đó giữa các bóng đen của những ngọn núi, ở phía bên kia mặt nước, một tiếng kêu sắc nhọn vang lên. Tiếng kêu vút lên trên bầu trời đầy sao, và chấm dứt bằng sự tắt nghẹn đi trong một thứ rên rỉ ai oán.

“Ðó chỉ là một con chó rừng, cô Adams ạ” Stephens giải thích. “Tôi đã nghe thấy một con chó rừng kêu như vậy khi chúng tôi đi xem tượng Sphinx dưới ánh trăng sáng.

Nhưng cô gái Mỹ đã đứng lên, nét mặt cô biểu lộ một sự bối rối sâu đậm.

Cô nói.

– Nếu có một chuyến du lịch nữa, cô sẽ không xuống quá phía bên kia Assouan. Cô không biết cái gì đã xui khiến cô đưa cháu đến tận nơi này, Sadie ạ, mẹ cháu sẽ nghĩ rằng cô đã hoàn toàn điên rồ, và nếu có một sự cố rắc rối nào xảy ra thì chắc không bao giờ cô còn dám nhìn thấy mặt mẹ cháu nữa. Cô đã nhìn thấy trên con sông này tất cả những gì mà cô muốn nhìn; cô muốn quay trở về Le Caire ngay.

Sadie phản đối:

– Ô kìa. cô ơi! Nhút nhát như vậy thật chẳng giống cô một chút nào!

– Sadie này, cô không biết cô có những tính gì, nếu không phải là những dây thần kinh bị căng thẳng, và cái con thú kêu meo meo ở đằng kia là quá lắm rồi. Cô tự an ủi khi nghĩ rằng ngày mai chúng ta sẽ quay về sau khi xem ngọn núi này hoặc ngôi đền này, cô không biết hơn nữa. Cô đã chán ngấy với núi non và đền đài rồi. Ông Stephens ơi! Tôi sẽ rất sung sướng nếu tôi không nhìn thấy thêm một trái núi, một ngôi đền nào nữa trong suốt đời tôi. Lại đây, Sadie! Chúc ngủ ngon!

– Chúc ngủ ngon! Chúc ngủ ngon, Cô Adams!

Bà cô và người cháu gái trở về phòng của họ.

Ông Fardet thầm thì to nhỏ nói chuyện vãn với Headingly, chàng thanh niên vừa tốt nghiệp ở Harvard giữa hai hơi thuốc lá, ông cúi khom người xuống để giải bày tâm sự với ông ta.

“Những tu sĩ Hồi giáo à, ông Headingly?” ông nói với một thứ tiếng Anh tuyệt hảo, nhưng thường tách rời các vần như phần lớn những người Pháp. “Nhưng không có các tu sĩ Hồi giáo đâu. Những tu sĩ Hồi giáo không hiện hữu mà!”.

Ông người Mũ trả lời:

– Tôi thì tôi tin rằng sa mạc đầy rẫy các tu sĩ Hồi giáo đó. Ông Fardet ném một cái nhìn xéo tới chỗ mà đóm lửa đỏ của điếu xì gà của đại tá Cochrane đang lập lòe trong bóng tối mù mịt. Ông nói lẩm bẩm.

– Ông là người Mỹ, và ông không thích người Anh. Tất cả mọi người trên lục địa đều biết rằng người Mỹ hận thù người Anh.

– “Thú thật” Headingly nói với một giọng thong thả và chín chắn.

“Tôi không chối cãi là chúng tôi đã có những xích mích nhỏ, và một số người trong các đồng bào của tôi nhất là những người gốc gác Ái Nhĩ Lan, là những người bài Anh một cách điên cuồng; tuy nhiên đại đa số người Mỹ không nghĩ một điều gì xấu về mẫu quốc. Ðôi khi những người Anh có thể làm chúng tôi tức giận, nhưng họ là người trong gia đình chúng tôi, không bao giờ chúng tôi quên điều đó.”

Ông người Pháp nói:

– Cho là thế đi! Ít nhất tôi đã có thể thổ lộ tâm tình với ông vì tôi không thể nói thế với những người khác mà không làm họ phật ý. Và tôi nhắc lại rằng không làm gì có những tu sĩ Hồi giáo. Những tu sĩ Hồi giáo đã được bịa đặt ra bởi Lord Cromer năm 1885.

Headingly kêu lên.

– Ông nói năng không nghiêm chỉnh đấy!

– Ðó là một việc ai cũng biết ở Paris; nó đã được công bố bởi tờ La Patrie và những nhật báo thạo tín khác.

– Nhưng chuyện này là quan trọng đó! ông Fardet này, có phải từ việc này ông muốn nói rằng cuộc bao vây Khartoun và cái chết của Gordon, và tất cả những chuyện còn lại đều thuộc về một sự bịp bợm lớn lao không?

– Tôi không chối cãi là một vụ bạo động đã xảy ra, nhưng vụ đó chỉ là một sự cố địa phương, ông hiểu chứ? Một sự cố đã bị quên lãng từ lâu rồi. Từ đó nước Soudan đã được hưởng một nền hòa bình thật sự.

– Nhưng, thưa ông Fardet, tôi có nghe nói về những vụ cướp bóc và tôi đã đọc những báo cáo về các trận đánh nhau nữa, khi người Ả Rập toan tính xâm chiếm Ai Cập. Ngày hôm kia chúng ta đã vượt khỏi Toski; anh thông ngôn đã nói cho chúng ta biết là một trận đánh đã diễn ra ở đó. Việc này cũng là bịp bợm?

– Hừm, ông bạn của tôi ơi, ông không biết người Anh đâu! Ông nhìn thấy họ hút ống píp và nét mặt rạng rỡ, rồi ông nói: “Ðây thật là những người dũng cảm, những con người giản dị, những người không làm thương tổn cả đến một con ruồi!” Nhưng lúc nào họ cũng đắn đo suy nghĩ, họ rình rập, họ thảo ra những kế hoạch. “Ðây là nước Ai Cập yếu kém, họ nói. Chúng ta hãy tới đó!”

và họ chồm vào nước này như một con chim âu chồm lên một miếng bánh. Cả thế giới lên tiếng phản kháng. “Các ông không có quyền gì trên nước Ai Cập. Các ông cút đi!” Nhưng nước Anh đã bắt đầu thiết lập trật tự khắp nơi, giống hệt như cô Adams tốt bụng kia khi cô ấy chiếm cứ căn nhà một người Ả Rập. “Các ông cút đi!”. mọi người trên thế giới nhắc lại câu nói “nhất định rồi, nước Anh đáp lại. Hãy đợi một phút thôi, để tôi có thì giờ làm cho tất cả đều sạch sẽ và gọn ghẽ”. Rồi thế giới chờ đợi trong một năm hay hai năm, rồi họ lại nhắc nhở “Các ông hãy cút đi!” Và nước Anh lại trả lời: “Hãy kiên nhẫn một chút: có sự lộn xộn ở Khartoum; khi nào sự yên tĩnh được vãn hồi, tôi sẽ rất hài lòng để đi khỏi”. Và thế giới kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng khi sự lộn xộn ở Khartoum đã chấm dứt, thế giới lại đòi nước Anh phải ra đi. Nước Anh hỏi: “Làm sao tôi có thể ra đi khi còn những vụ cướp bóc và những trận chiến đang diễn ra? Nếu tôi đi khỏi thì Ai Cập sẽ làm mồi cho lũ man di!” Và thế giới lấy làm kinh ngạc: “Không có những vụ cướp bóc, không có cả những trận đánh nhau!” Lúc đó nước Anh nói: “À, không có thật à?” Và trong tuần lễ sau đó báo chí của họ đã tràn đầy những bài tường thuật về các trận đột kích và các cuộc chinh phạt của các tu sĩ Hồi giáo. Không phải tất cả chúng tôi đều mù, ông Headingly ạ! Chúng tôi hiểu rất rõ cách thức người ta xếp đặt các công việc: một vài tên Bédonins, một khoản tiền thưởng nhỏ, nhưng viên đạn không đầu chì, và hãy chú ý một vụ cướp bóc!

“Ðược, được!” ông người Mỹ nói “Tôi lấy làm hân hạnh, được biết sự thật về vụ này, vì nó thường làm cho tôi quan tâm tới, nhưng trong vụ này thì nước Anh được lợi lộc gì?”

– Thưa ông, một đất nước.

– Tôi biết. Ông muốn nói là chẳng hạn là có một quan thuế biểu ưu đãi cho các hàng hóa của nước Anh phải không?

– Thưa ông, không ạ. Quan thuế biểu giống nhau cho tất cả mọi nước.

– Vậy thì hẳn là người Anh đã ký được các hợp đồng?

– Thưa ông, đúng như vậy.

– Thí dụ con đường sắt mà người ta làm dọc theo con sông và nó chảy ngang qua nước này đã là đối tượng một hợp đồng béo bở ột công ty Anh phải không?

Ông Fardet có đầu óc tưởng tượng, nhưng ông ấy là người thật thà.

– Thưa ông, đó là một công ty của người Pháp đã ký được hợp đồng làm con đường sắt.

Ông người Mỹ ngạc nhiên, ông nói:

– Người Anh không có vẻ là đã kiếm được nhiều lợi lộc so với những khó khăn mà họ phải gánh chịu. Nhưng cuối cùng họ cũng phải hưởng được một vài mối lợi gián tiếp, chẳng hạn chắc chắn là Ai Cập phải trả tiền phí tổn cho tất cả những binh lính mặc y phục màu đỏ đó ở Le Caire chứ gì?

– Thưa ông, Ai Cập à? Không, những binh lính đó do nước Anh trả lương.

– Ðược rồi, không phải nhiệm vụ của tôi để nói với người Anh rằng họ làm cách nào để điều hành các quyền lợi của họ, nhưng tôi có cảm tưởng là họ tự làm khổ mình rất nhiều cho những thứ chẳng đáng bao nhiêu ! Nếu họ thích duy trì trật tự và bảo vệ biên cương với giá một cuộc chiến liên miên chống lại các tu sĩ Hồi giáo, thì tôi không hiểu tại sao có người lại lấy việc này ra để công kích. Sự thịnh vượng của đất nước đã gia tăng một cách đáng kể từ khi họ đến đây: những bản thống kê về sự thu nhập đã chứng tỏ điều này. Người ta cũng bảo đảm với tôi rằng hiện nay những dân nghèo đã được thừa nhận quyền lợi, điều này chưa từn bao giờ đã đến với họ.

“Nhưng nếu vậy thì họ ở đây làm gì?” ông người Pháp tức tối la lên. “Họ hãy trở về hải đảo của họ đi! chúng ta không thể dung thứ được việc họ cứ lan tràn như vậy trên khắp thế giới”.

– Dĩ nhiên là người Mỹ chúng tôi, chúng tôi sống ở nước chúng tôi trên mảnh đất của riêng chúng tôi, chúng tôi thấy khó chịu phải nhìn nhận rằng các ông, những dân tộc âu châu, lúc nào các ông cũng tràn lan, vào những nước khác là những nước hoàn toàn xa lạ với các ông. Tất nhiên chúng tôi dám mạnh miệng nói như vậy, vì dân tộc chúng tôi có nhiều đất đai hơn sự cần thiết. Khi nào chúng tôi bắt đầu thặng dư dân số, chúng tôi cũng sẽ phải tiến hành các cuộc thôn tính. Nhưng hiện giờ thì chỉ riêng ở Bắc Phi thôi đã thấy nước Ý ở Abyssinie, nước Anh ở Ai Cập, nước Pháp ở Algerie…

Ông Fardet nói lớn tiếng:

– Nước Pháp! nhưng Algerie là thuộc về nước Pháp! Thưa ông, ông cười à? Tôi rất hân hạnh chúc ông một đêm ngủ ngon!

Bực bội trong lòng tự tôn ái quốc bị xúc phạm, ông đứng dậy đi về phòng mình.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN