Tầng Đầu Địa Ngục
Chương 23
Giáo đường Thánh Jonh
Yakanov gọi lớn tên nàng – Angiya – và, như một làn gió, những cảm giác xưa cũ đã bị lãng quên trở lại như mới hoàn toàn làm cho tấm thân đàn ông trung niên, no đủ của y xúc động.
Ngày đó y hai mươi sáu tuổi và nàng hai mươi mốt.
Người thiếu nữ ấy không phải được sinh ra từ trái đất này. Nàng bất hạnh vì nàng có một linh hồn cao thượng và nàng đòi hỏi đến một mức độ nhiều không sao chấp nhận được. Đôi khi, trong lúc nàng nói, đôi mày và hai cánh mũi nàng rung động như những cánh chim bồ câu. Chưa ai từng nói những lời nghiêm khắc đến như nàng với Yakanov, nàng xét nét với một vẻ cực kỳ nghiêm trọng những hành động của Yakanov, những hành động mà y cho là rất thường. Mà rất lạ lùng, khó hiểu làm sao, nàng coi những hành động ấy là ti tiện, hèn hạ. Và nàng càng tìm thấy nhiều tội lỗi ở Yakanov chừng nào, y lại càng bị nàng hấp dẫn, càng muốn được gần nàng chừng ấy. Mối tình của họ thật là lạ kỳ.
Người ta chỉ có thể nói chuyện với nàng một cách rất thận trọng. Nàng yếu đuối đến nỗi chỉ cần đi lên một ngọn đồi cũng đủ làm nàng kiệt sức, hoặc chỉ chạy vài bước. Ngay cả một cuộc nói chuyện hơi gay gắt cũng đủ làm nàng thở mệt. Người ta dễ dàng làm cho nàng phật lòng, buồn rầu.
Tuy vậy, nàng vẫn có đủ sức đi trong rừng hết ngày này sang ngày khác và, đây cũng là sự lạ kỳ, không bao giờ nàng đem theo quyển sách nào vào rừng. Sách ngăn cản sự thông cảm giữa nàng và rừng cây, sách làm cho nàng xao lãng sự chú ý vào rừng cây. Nàng chỉ đi lang thang trong rừng cây và ngồi nhìn ngắm những huyền bí của rừng. Những khi Yakanov cùng vào rừng chơi với nàng, y ngạc nhiên vì những nhận xét của nàng: Tại sao thân cây lau chùng xuống mặt đất? Bằng cách nào màu sắc trên những lá cỏ trong rừng đổi màu khi chiều tối? Y chưa từng bao giờ để ý đến những điều ấy. Với y, rừng cây là rừng cây, không khí trong rừng mát dịu và tất cả mọi thứ trong rừng đều có màu xanh. Nhưng nàng, nàng phê bình cả những đoạn tả cảnh thiên nhiên trong tác phẩm của Turgenev, sự nông cạn của những đoạn ấy làm nàng bất mãn.
“Suối Rừng” – đó là cái tên Yakanov gọi nàng trong mùa hè năm 1927, năm ấy họ ở gần nhà nhau. Họ đi với nhau, họ về với nhau và trước mắt tất cả mọi người, họ là hai người trẻ tuổi đã hứa hôn với nhau.
Nhưng sự thực, khác hẳn như thế.
Angiya không đẹp nhưng cũng không xấu, khuôn mặt nàng thay đổi luôn luôn: nàng có thể cười vui và đầy thiện cảm, nhưng nàng cũng có thể trình bày một bộ mặt dài thượt, mệt mỏi, thiếu hấp dẫn. Nàng cao hơn đa số đàn bà một chút, thân hình nàng mảnh mai và yếu đuối, bước đi của nàng nhẹ đến nỗi người ta tưởng như hai bàn chân nàng không hề chấm đất. Trong thời gian đó tuy rằng Yakanov đã có khá nhiều kinh nghiệm về đàn bà, tuy y đặt cao giá trị về da thịt trên thân thể đàn bà, một cái gì khác hơn nhan sắc và thân thể của Angiya vẫn hấp dẫn y tới nàng. Và bởi vì y bị nàng hấp dẫn, y tự nhủ rằng y yêu nàng vì nàng là đàn bà và rồi thân thể nàng sẽ nảy nở.
Nhưng trong khi nàng vẫn vui vẻ đi chơi những ngày mùa hạ dài với Yakanov, đi với nhiều dặm sâu vào trong rừng, nằm với y trên cỏ, nàng vẫn tỏ ra không thích để cho y nắm tay. Mỗi khi y nắm tay nàng, nàng hỏi: “Tại sao lại cứ phải nắm tay nhau mới được?”, và nàng gỡ tay nàng ra. Thái độ này của nàng không phải có nguyên nhân là nàng mắc cỡ hay sợ người khác nhìn thấy, vì sau khi Yakanov đòi hỏi nàng phải để y nắm tay cho tự ái của y khỏi bị tổn thương, nàng vui vẻ để cho y nắm tay.
Tự nghĩ rằng mình yêu nàng, Yakanov nói với nàng về tình yêu của y trong lúc y quỳ dưới chân nàng trên cỏ trong rừng. “Buồn biết chừng nào…” – nàng nói – “Em có cảm tưởng như em đang làm cho anh thất vọng. Em không thể trả lời được anh em có yêu anh hay không. Em không cảm thấy gì cả. Vì vậy em không muốn cả sống nữa. Anh thông minh, anh thật tốt, lẽ ra được anh yêu em phải thấy sung sướng mới phải chứ? Nhưng thật là em không muốn sống”.
Nàng nói như thế nhưng mỗi buổi sáng nàng vẫn hồi hộp tìm xem có sự thay đổi nào hiện lên trên nét mặt y hay trên thái độ của y hay không.
Nàng nói như thế nhưng nàng cũng nói: “Ở Mạc Tư Khoa có biết bao nhiêu là thiếu nữ đẹp. Đến mùa thu này anh sẽ gặp một cô thật đẹp và anh sẽ không còn yêu em”.
Nàng để cho y ôm nàng và hôn nàng, nhưng những khi ấy, môi nàng và tay nàng bất động, vô hồn. “Khó quá đi”, nàng than thở. “Em tưởng rằng tình yêu đến phải sôi nổi ghê gớm lắm, nhưng anh yêu em và em sẽ không bao giờ còn gặp được ai tốt hơn anh, vậy mà sao em vẫn không thấy sung sướng, em chỉ thấy em không muốn sống”.
Có một cái gì đó như rất lạc hậu ở nàng, một cái gì rất trẻ con. Nàng sợ hãi những sợi dây vô hình, bí mật buộc liền như một người đàn ông với một người đàn bà qua hôn nhân, với giọng nói tê tái, nàng thều thào hỏi: “Chúng mình có thể cưới nhau mà không làm việc ấy không?” Trong cơn khích động, Yakanov trả lời: “Vợ chồng đâu có phải chỉ lấy nhau để làm việc ấy? Đó chỉ là một cái gì phụ thuộc đi sau sự hòa hợp, cảm thông của hai tâm hồn”. Khi nghe y nói câu đó, lần thứ nhất môi nàng yếu đuối hôn y, và nàng nói: “Cám ơn anh. Nếu không có tình yêu, tại sao con người ai cũng muốn sống? Em nghĩ em đã bắt đầu yêu anh. Em sẽ cố gắng yêu anh”.
Mùa thu năm ấy, một buổi chiều gần tối họ đi bên nhau trong một con phố vắng cạnh công trường Taganka, Angiya bỗng nói bằng giọng nói trong rừng của nàng, giọng nói khó nghe trong tiếng động của thành phố:
“Anh có muốn em đưa anh tới coi một nơi đẹp nhất của Mạc Tư Khoa không?”
Nàng đưa Yakanov lên một ngọn đồi, tới một hàng rào gỗ bao quanh một giáo đường nhỏ, sơn trắng và đỏ, tòa giáo đường có hậu đường và bàn thờ chính nằm dựa vào một con phố khúc khuỷu không tên. Bên trong hàng rào chỉ có một lối đi nhỏ vòng quanh giáo đường để rước Thánh giá, lối đi vừa đủ rộng cho ông cha sở và ông trợ tế cùng đi cạnh nhau. Qua khung kiếng mờ của những ô cửa sổ người ta có thể nhìn thấy, sâu trong lòng tòa giáo đường, những ngọn lửa nên lung linh bình yên và những ánh lửa đèn màu thắp dưới những pho tượng. Ở một góc nằm trong hàng rào có một cây sồi cổ thụ, cây sồi lớn và cao hơn mái giáo đường. Cành lá nó đã ngả vàng phủ lên trên cả nóc tròn trên mái giáo đường và con phố bên cạnh, làm cho tòa giáo đường đã nhỏ còn có vẻ nhỏ hơn.
“Đây là giáo đường Jonh”. Angiya nói.
“Nhưng đây đâu có phải là nơi đẹp nhất Mạc Tư Khoa?”
“Chờ xem”.
Nàng dẫn Yakanov đi qua cổng và trong sân giáo đường. Nền sân đá có những chiếc lá sồi màu vàng và màu cam bao phủ. Trong vùng bóng tối dưới vòm cành lá sồi có một lầu chuông cổ, hình cái lều. Lầu chuông và căn nhà nhỏ dính liền vào giáo đường ngăn chặn những tia nắng của mặt trời đang lặn. Cánh cửa sắt của hành lang phía bắc mở rộng và một người đàn bà nghèo đứng ở đó cúi đầu lễ và làm dấu thánh giá một mình trong tiếng ca cầu rực rỡ từ bên trong vọng ra.
“Giáo đường này nổi tiếng vì đẹp và lộng lẫy, huy hoàng”.
Angiya nói thì thầm, nàng để cho vai nàng sát vào vai Yakanov.
“Giáo đường này được làm vào thế kỷ nào?”
“Sao anh lại cần phải biết thế kỷ nào? Anh có thấy đẹp không?”
“Đẹp lắm, nhưng mà…”
“Anh coi này…”
Angiya gỡ tay nàng ra và kéo y tới khung cổng chính của tòa giáo đường. Họ từ trong vùng bóng tối đi ra làn ánh sáng chan hòa của mặt trời hoàng hôn, và nàng ngồi xuống trên bậc đá thềm cửa.
Yakanov hít vào một hơi thở dài. Họ như những người vừa từ một khu phố đông của thị trấn bước lên một đỉnh cao và phóng tầm mắt nhìn vào một khoảng xa, rộng. Những bậc thang đá trắng chạy dài từ chân thềm của giáo đường qua lưng ngọn đồi, xuống dòng sông Mạc Tư Khoa dưới kia. Mặt sông cháy rực dưới ánh nắng chiều. Bên trái là tòa nhà Zamoskvorechye với những khung cửa kiếng phản chiếu ánh nắng vàng đến chói mắt người nhìn và bên dưới, gần như ở ngay dưới chân họ, những ống khói đen của nhà máy điện Mạc Tư Khoa tỏa khói lên nền trời chiều. Dòng sông Yauza nhỏ hơn chảy vào dòng sông Mạc Tư Khoa. Gần chỗ hai dòng sông giao nhau là Bệnh viện Foundling. Sau bệnh viện này, những ngọn tường sắc của điện Kremlin nổi lên. Xa hơn nữa, năm tòa tháp tròn mạ vàng của Giáo đường Chúa Cứu Thế sáng rực trong nắng.
Và trong ánh vàng rực rỡ ấy, Angiya, với chiếc khăn mỏng choàng trên đôi vai, toàn thân như được dát vàng, ngồi nhìn về phía mặt trời.
“Người Nga này ngày xưa chọn chỗ để xây giáo đường và tu viện thật là khéo” – Nàng nói, giọng nàng như vỡ vụn – “Em đã đi xuôi dòng Volga, em cũng từng đi xuôi dòng Oka nữa, bất cứ chỗ nào giáo đường cũng được họ xây ở những chỗ đẹp nhất, trang nghiêm nhất…”
Yakanov đáp lời nàng như một tiếng vang:
“Đúng đấy. Mạc Tư Khoa là nhất…”
“Nhưng những cảnh đẹp ấy đang mất đi” – Angiya nói – “Mạc Tư Khoa đang bị tiêu diệt”.
“Em nói bị tiêu diệt nghĩa là sao? Em nói vậy vô nghĩa”.
“Họ sắp phá giáo đường này”.
“Sao em biết là sắp phá?”
Yakanov hỏi lại. Y bắt đầu cảm thấy bực bội vì giọng nói có vẻ như kết tội của Angiya.
“Đây là một kiến trúc cổ. Họ sẽ giữ nguyên nơi đây…”
Y nhìn lên lầu chuông nhỏ xíu, nơi những cành lá sồi xuyên vào gần chạm cả tới chuông.
“Họ sắp phá đi mà…”
Angiya tiên đoán với vẻ biết chắc, nàng vẫn ngồi bất động với chiếc khăn choàng vàng trên vai, trong ánh vàng.
Không những là gia đình Angiya không dạy dỗ Angiya để nàng tin ở Chúa mà trong dĩ vãng, khi tất cả mọi người đều phải đi lễ nhà thờ, bà mẹ nàng và bà ngoại nàng đều không đi lễ, không giữ những luật cấm, không rước lễ, họ luôn luôn làm cho tôn giáo trở thành lố bịch bởi vì tôn giáo đã chấp nhận nông nô một cách quá ư dễ dãi. Bà ngoại nàng, mẹ nàng và các dì, các cô nàng đều có một tật chung: họ luôn luôn đứng về phía những người bị đàn áp, bắt bớ, săn đuổi, hành hạ bởi chính quyền. Bà ngoại nàng được những người cách mạng trong Phong trào “Dân ý” biết mặt, biết tên vì bà cho họ trốn nấp trong nhà bà và giúp đỡ họ tất cả những gì bà có thể. Những cô con gái bà nối tiếp bà giúp đỡ, che giấu những người cách mạng Xã hội và Dân chủ Xã hội. Và cô bé Angiya bao giờ cũng đứng về phía những con thỏ bị người ta đuổi bắn, những con ngựa bị người ta đánh đập. Khi nàng lớn lên, mọi người trong gia đình nàng đều ngạc nhiên khi thấy nàng bênh vực Giáo Hội Gia Tô vì nàng cho rằng Giáo Hội này đang bị đàn áp, khủng bố.
Không biết là vì nàng tự nhiên tin ở Chúa hay nàng cố làm cho nàng phải tin, Angiya nói rằng kẻ nào trốn tránh đi nhà thờ là hèn, và trước sự khó chịu của bà ngoại và mẹ nàng, Angiya đến nhà thờ rước lễ. Dần dần nàng cho chuyện đi lễ là quan trọng.
Yakanov hỏi nàng với vẻ ngạc nhiên thực sự:
“Tại sao em lại nghĩ rằng Giáo Hội Gia Tô đang bị đàn áp? Có những chuyện gì xảy ra làm cho em nghĩ thế? Các giáo dân vẫn được tự do đến nhà thờ. Không ai cấm linh mục làm lễ, kéo chuông, rước Thánh giá – họ chỉ không được quyền can thiệp vào những vấn đề công dân và giáo dục mà thôi”.
“Rõ ràng là Giáo Hội đang bị đàn áp” – Angiya cãi lại bằng giọng nói ôn hòa, nhỏ nhẹ như mọi khi của nàng – “Khi người ta nói ra những lời kết tội Giáo Hội phản động, khi người ta in ra tất cả những gì người ta muốn để bôi xấu Giáo Hội họ không cho Giáo Hội được quyền trả lời, quyền tự biện hộ, khi người ta kiểm tra tài sản của Giáo Hội và lưu đày những linh mục – những việc đó chẳng phải là đàn áp thì còn là gì nữa?”
“Em thấy những linh mục bị lưu đày ở đâu, hồi nào?”
“Tất nhiên là không thấy ở trong những thành phố đó rồi”.
“Dù cho họ có đàn áp thật đi nữa” – Yakanov nói – “họ cũng mới chỉ đàn áp có mười năm thôi. Em có biết Giáo Hội đàn áp con người đã bao lâu không? Từ 10 thế kỷ nay”.
Angiya nhún vai gầy:
“Thời đó chưa có em. Em đang sống ở thời này, em chỉ thấy những gì xảy ra trong đời em”.
“Nhưng em phải biết lịch sử chứ! Em không thể viện lý do gì để bào chữa cho sự ngu dốt. Có bao giờ em nghĩ đến chuyện Giáo Hội đã làm cách nào để sống trong suốt 250 năm tổ quốc ta bị bọn Tatar đô hộ không?”
“Giáo Hội Gia Tô sống được có thể là vì lòng tin của giáo đồ mạnh. Cũng có thể là vì tinh thần Gia Tô mạnh hơn tinh thần những tôn giáo khác”.
Nàng nói câu trên như một câu hỏi chứ không phải là một lời quả quyết.
Yakanov nở nụ cười tha thứ:
“Em tưởng tượng nhiều quá. Tổ quốc ta có bao giờ thực sự thấm nhuần tinh thần Thiên Chúa giáo trong linh hồn không? Em có thực nghĩ rằng suốt trong cả ngàn năm Thiên Chúa giáo có mặt ở đây người ta có thực sự tha thứ cho những kẻ đàn áp, bóc lột người ta không? Người ta có yêu thương được những kẻ thù của người ta không? Giáo Hội chỉ sống được là vì sau cuộc xâm lăng, trước hơn bất cứ một người dân Nga nào, Giáo chủ Cyril đã tới cúi đầu trước tên Khan của bọn Tatar xâm lăng và yêu cầu tên này bảo vệ cho hàng ngũ giáo sĩ. Với những lưỡi kiếm của bọn Tatar, giới giáo sĩ Nga đã bảo vệ được đất đai, những nông nô và những giáo đường của họ. Tuy vậy, ta cũng phải công nhận là Giáo chủ Cyril đã hành động đúng khi làm như thế, ông ta là một nhà chính trị thực tế. Lẽ ra ai khôn ngoan cũng phải làm như ổng. Chỉ có cách đó mới có thể thắng”.
Khi Angiya bị dồn vào đường cùng, nàng không cãi nữa. Nàng chỉ mở rộng đôi mắt ngạc nhiên nhìn người thanh niên vị hôn phu của nàng:
“Nhờ cách đó những giáo đường đẹp đẽ này mới được xây dựng trên những cảnh trang nghiêm, hùng vĩ này” – Yakanov nói lớn. “Trong khi những tín đồ ly khai bị đốt lửa đến chết, những giáo đồ của những tôn giáo khác bị đánh bằng roi gậy đến chết. Em thương hại những kẻ làm những việc đó ư? – Giáo Hội bị đàn áp? Giáo Hội nào bị đàn áp?”
Y ngồi xuống cạnh nàng trên thềm đá ấm vì nắng:
“Em bất công với những người Bôn-xê-vích về tất cả mọi mặt. Em không thèm cả đọc những quyển sách chính của họ. Họ rất kính trọng nền văn minh thế giới. Họ tin rằng không một ai có quyền độc đoán quyết định thay cho người khác hay bắt người khác phải nghĩ, phải làm theo mình, họ tin ở sự hợp lý, ở lẽ phải. Điều duy nhất mà họ muốn là: công bằng. Em thử tưởng tượng coi: công bằng hoàn toàn, công bằng tuyệt đối. Không ai được hưởng những đặc quyền mà người khác không được hưởng. Không ai được lợi thế hơn người khác về những điều kiện để sống. Còn có gì có thể tốt đẹp hơn một xã hội như thế? Xã hội ấy có đáng để chúng ta hy sinh hay không?
Em phải biết những phản đối vô lý của em chỉ là những trở ngại chặng đường em vào đại học. Những phản đối của em sẽ có ảnh hưởng gì? Em có thể làm được gì?”
“Một người đàn bà như em có thể làm gì được?”
Nàng vừa nói vừa đưa tay hắt những lọn tóc của nàng về sau lưng – trong lúc không một thiếu nữ nào kết tóc cả, nàng kết tóc thành lọn, khi mọi người cắt tóc ngắn, nàng để tóc dài, nàng chỉ làm thế để phản đối mặc dù kiểu tóc dài không hợp với mặt nàng. Một lọn tóc rơi trên lưng nàng, lọn kia nằm trên ngực nàng – và nàng nói tiếp:
“Một người đàn bà không làm được việc gì hết ngoài việc ngăn cản cho người đàn ông yêu mình làm những việc trọng đại, anh hùng. Ngay cả đến người đàn bà khác thường như Natasha Rostov cũng vậy. Đó là lý do vì sao em không chịu nổi được nàng”.
Một lần nữa Yakanov ngạc nhiên:
“Sao vậy?”
“Bởi vì nàng không chịu để cho Pierre gia nhập vào nhóm “Tháng Chạp”.
Giọng nói của nàng lại tan vỡ khi nàng nói câu trên.
Nàng vẫn có những ý nghĩ dị kỳ như vậy.
Chiếc khăn choàng mỏng rời khỏi đôi vai nàng rơi xuống mắc ở hai cánh tay nàng như đôi cánh vàng.
Yakanov bọc nhẹ hai bàn tay y quanh bàn tay nàng như sợ bàn tay nàng có thể vỡ:
“Nếu em là Natasha, em sẽ để cho Pierre đi?”
“Vâng”.
Angiya trả lời bình thản như đó là chuyện tất nhiên.
Yakanov không thể tưởng tượng ra một hành động quan trọng nào đó y có thể làm để cần phải có sự đồng ý của Angiya. Đời sống của y hoạt động, nhưng bình thường như mọi người. Y ham thích công việc đang làm và việc này càng ngày càng đưa y lên địa vị cao hơn.
Trước mặt họ có những tín đồ đi dâng lễ muộn đi từ dưới chân đồi lên, họ làm dấu thánh giá trước cửa vào giáo đường. Vào tới trong sân, những người đàn ông bỏ mũ xuống. Dường như trong số những người đi lễ đàn ông ít hơn đàn bà, họ toàn là người già, không thấy một người trẻ tuổi nào.
“Anh có sợ người ta thấy anh ở gần giáo đường không?”
Angiya hỏi. Nàng không có ý chế nhạo Yakanov nhưng câu hỏi tự nó đã có sự chế nhạo.
Trong những năm đó việc bị một người làm cùng sở nhìn thấy ở gần nhà thờ là một chuyện nguy hiểm. Tuy vậy ngài Yakanov tự cho là y không có sự nguy hiểm ấy.
Không trả lời câu hỏi của Angiya, Yakanov nói, y bắt đầu thấy bực bội vì thái độ của nàng:
“Cẩn thận đấy, Angiya. Ta phải biết có những gì mới xảy ra trong đời ta, biết kịp thời, biết trước khi quá muộn. Vì bất cứ ai không biết như thế nhất định sẽ lạc lõng sau lưng mọi người. Em bị Giáo Hội Gia Tô quyến rũ vì tinh thần của giáo lý này khuyến khích khuynh hướng lạnh nhạt với cuộc sống này ở trong em. Đây là lần cuối cùng khuyến cáo em: em phải tỉnh lại, em phải sống, em phải chú ý đến việc nào đó trong đời, chỉ có như thế em mới sống được”.
Angiya cúi đầu xuống, bàn tay có ngón tay đeo chiếc nhẫn hứa hôn của Yakanov buông rơi, bất động. Tấm thân giống như thân trẻ con của nàng lúc này như chỉ có toàn xương là xương và rất mỏng:
“Anh nói đúng. Đúng… Em cũng nhận thấy có nhiều lúc em không muốn sống. Cuộc đời không cần có những người như em”.
Yakanov cảm thấy tình yêu tan tành trong tim y. Nàng làm tất cả những gì giết chết tình yêu ấy. Sự can đảm thực hiện lời hứa hôn và cưới Angiya làm vợ, sống với nàng suốt đời, yếu đi trong tim Yakanov.
Nàng ngước mắt lên nhìn y, đôi mắt nàng lộ ánh tò mò, nàng không cười.
Yakanov nghĩ: “Cô ả này tinh thần nông cạn quá chừng”.
Nàng nói, vẻ mặt buồn và giọng nói buồn:
“Danh vọng và thành công đang chờ đợi anh. Chắc chắn anh sẽ thành công, anh sẽ có danh vọng. Nhưng Anton, liệu anh có được sung sướng hay không? Rồi đời anh sẽ có hạnh phúc hay không? Anh cũng nên cẩn thận. Những người chú ý đến cuộc đời như anh… sẽ… sẽ mất… Em không thể nào nói rõ với anh được…”
Những ngón tay gầy của nàng tìm lời cho môi nàng nói, sự khó khăn, khổ sở của cuộc tìm kiếm ấy hiện rõ trên nụ cười gượng trên môi nàng:
“Đó, có tiếng chuông. Tiếng kinh cầu đã ngừng, tiếng ca đã mất. Những tiếng ấy sẽ không còn trở lại nữa. Tuy vậy, âm thanh vẫn còn văng vẳng quanh đây. Anh hiểu gì không?”
Rồi nàng cố rủ y vào giáo đường. Dưới những vòm tường tròn một dãy cửa sổ nhỏ gắn kiếng mờ chạy quanh tòa giáo đường. Qua khung cửa sổ trên nóc tròn trên cao, ánh nắng chiều làm bên trong tòa giáo đường sáng lên, ánh vàng trải lên những pho tượng và những bức hình vẽ cổ.
Tín đồ thưa thớt. Angiya đốt một cây nến gầy cắm lên cây cột đồng và nàng làm thoáng dấu thánh giá, rồi nàng đứng trang nghiêm, hai tay chắp lại trước ngực, mắt nhìn thẳng, xuất thần. Ánh vàng của trời chiều, ánh đỏ cam của những ngọn nến mang lại đời sống và hơi ấm cho hai má nàng.
Chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày đản sinh Đức Mẹ. Trong nhà thờ, một bài kinh dài được cầu để ca tụng Đức Mẹ. Lời kinh thật hay, những danh từ ca ngợi Thánh Nữ Đồng Trinh nối tiếp nhau trôi đi như nước trong một dòng suối, và đây là lần đầu tiên Yakanov hiểu tính chất huyền diệu và thơ mộng của những lời cầu nguyện. Không phải là một nhà thần học vô hồn nào đó đã viết ra được lời kinh cầu này, người sáng tác phải là một thi sĩ lớn nhưng vô danh, một tù nhân trong một tu viện, và trong giây phút đó Yakanov xúc động. Y không xúc động vì sự hấp dẫn thoáng qua của những thân thể đàn bà mà là vì một cái gì đó cao thượng hơn, trong sạch hơn mà một người đàn bà có thể gợi cho đàn ông cảm thấy.
Yakanov tỉnh lại từ cơn mơ mộng. Y đang ngồi trên thềm của Giáo đường Thánh Jonh, đống đất đá vụn trên thềm làm dơ vạt áo da của y.
Đúng thật, không biết vì lý do nào, có khi không có lý do gì hết, người ta đã phá lầu chuông kia, người ta đã phá cả những bậc thang đá trắng từ đây đi xuống bờ sông. Không thể tưởng tượng được rằng ánh bình minh hôm nay cũng chiếu cùng trên khoảng đất ở Mạc Tư Khoa từng sáng ánh nắng vàng buổi chiều xa xưa, buổi chiều y và người thiếu nữ đó ngồi bên nhau. Nhưng ngọn đồi vẫn là ngọn đồi này, cảnh vật dưới chân đồi vẫn là cảnh cũ, và khúc sông quẹo được soi sáng bởi dãy đèn điện dưới kia vẫn là dòng sông ngày xưa.
Ít ngày sau buổi chiều đó Yakanov lãnh công tác xuất ngoại khi y trở về, người ta bảo y viết một bài đăng báo – thực ra bài đó đã được viết sẵn y chỉ có việc ký tên vào đấy – bài báo viết về cảnh sa đọa, trụy lạc tan rã của xã hội các nước Tây phương đều tồi tàn: dân chúng đói khổ, nghèo nàn, văn hóa đồi trụy, luân lý xuống thấp, khoa học không có điều kiện tiến bộ. Những chuyện đó không đúng hẳn sự thật nhưng cũng không hẳn là bịa đặt hoàn toàn. Những sự kiện đó có thật nhưng cũng không được bài báo nói đến. Nếu Yakanov tỏ ra do dự, y có thể bị nghi ngờ. Và một bài báo như bài này làm hại được ai?
Bài báo đó được đăng lên mặt báo.
Angiya gửi trả lại chiếc nhẫn đính hôn buộc vào một tờ giấy nhỏ trên đó nàng viết: “Gửi cho Cyril”.
Và Yakanov không buồn, y còn cảm thấy nhẹ người, dễ chịu.
Y đứng lên và nhón gót cho thật cao, nhìn qua một khung cửa sổ gắn kiếng mờ nhìn vào bên trong giáo đường. Không khí có mùi gạch vụn, lạnh và ẩm. Y không thể nhìn rõ những vật bên trong, y chỉ lờ mờ thấy đó là những đống đá nhỏ và rác rưởi.
Yakanov rời xa khung cửa sổ, nhịp đập của trái tim y chậm xuống và y dựa vai vào thành đá của khung cửa sắt han rỉ nhiều năm nay không được mở.
Một lần nữa sức nặng của khối đe dọa lạnh như đá băng do Abakumov ném ra lại đập trúng ngực y.
Lúc này Yakanov đang ở vị trí quyền hành cao nhất đời y. Y đang giữ một chức vụ quan trọng với một cấp bậc cao trong một Tổng Bộ mạnh nhất. Y thông minh, tài ba – và nổi tiếng là người thông minh, tài ba. Người vợ trẻ đẹp, khả ái của y chờ đợi y về ở nhà riêng của y. Những đứa con kháu khỉnh má đỏ hồng của y ngủ bình yên trên những chiếc giường của chúng. Y có một nơi ở đẹp trong một tòa chung cư ở Mạc Tư Khoa gồm nhiều căn phòng trần cao và một ban-công nhìn xuống đường. Lương tháng của y được tính bằng nhiều ngàn đồng. Một chiếc xe Popeda được dành riêng cho y bất cứ lúc nào y cần đi. Vậy mà trong buổi sáng lạnh này y vẫn đứng dựa vai vào thành đá chết và y không còn muốn sống lâu hơn nữa. Trong tâm hồn y chỉ còn có tuyệt vọng, tất cả đều vô vọng ở trong y đến nỗi y không còn cả sức để bước đi.
Trời đã sáng.
Không khí của buổi sáng tinh sương trong vắt. Sương đọng lại thành băng ở quanh gốc cây sồi bị chặt đổ, bám trắng những đầu mái giáo đường gần sụp đổ hoàn toàn, băng đá cũng bám trên những khung sắt cửa sổ, trên những sợi dây điện chạy ngang và trên hàng rào bao quanh khu sắp xây cất tòa nhà chọc trời dưới chân đồi.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!