Tao Loạn - Chương 2: Anh Vũ quán
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
166


Tao Loạn


Chương 2: Anh Vũ quán


Từ cửa Tướng Phủ phía Ðông kinh
thành Thăng Long, đi ngợc về hướng Ðông Bắc chừng ba dậm, khách bộ hành
sẽ tới bến đò Anh Vũ trên cửa sông Tô Lịch, nơi con sông này tiếp giáp
sông Nhị.

Ðây cũng là giang cảng duy nhất mà các thương thuyền ở khắp nơi chở hàng hóa và hành khách về kinh đô. Vì thế mà bến Anh Vũ đã từ lâu trở thành
một nơi rất sầm uất.

Khách thương hồ sau một chuyến đi dài đã lấy đây làm nơi nghỉ ngơi, chè
chén trước khi bốc rỡ hàng hóa và chuyển vào kinh thành. Dọc bờ sông Tô
Lịch, một dãy phố phần lớn là lữ quán và tửu quán đã là nơi hò hẹn của
khách thập phương. Việc làm ăn buôn bán ở đây rất náo nhiệt, nhất là về
đêm.

Anh Vũ quán là quán ăn nổi tiếng nhất ở đây. Khách giang hồ thường
truyền tụng là ai có dịp về thăm kinh thành Thăng Long mà chưa hưởng một đêm ở Anh Vũ quán thì coi như người đó chưa tới kinh đô. Vị chủ nhân
đầu tiên của Anh Vũ là một Hỏa đầu quân trong cung, khi về hưu, đã mở
quán này, nên các món ăn ở đây có hương vị đặc biệt và ngon không kém
các món sơn hào hải vị trong cung. Cứ mỗi đêm, vào đầu canh hai, tất cả
mọi thực khách lại được mời dự một buổi trình diễn vũ khúc và ca hát do
một ban vũ công và nhạc công điêu luyện dưới quyền điều khiển của một vũ nữ lớn tuổi, một thời đã được ngưỡng mộ trong cung. Món ăn ngon không
đâu bằng, giải trí lại đặc biệt, tiếp đón hết sức ân cần lịch sự, cho
nên Anh Vũ quán nổi tiếng như cồn và làm ăn rất phát đạt.

Từ khi vua nhà Hồ rời kinh đô về Tây Ðô, khách thương hồ qua lại cố đô
cũng giảm đi nhiều. Tuy nhiên, vì chủ nhân đời thứ hai của Anh Vũ quán
là một trang hào phóng, tuấn tú, nối nghiệp cha sau ngày thân phụ chàng
qua đời vì đau buồn trước cảnh thoán đoạt của Hồ Quý Ly, sự giao thiệp
rất rộng rãi nên thay vào số khách phú thương ngày một giảm sút thì lại
có một lớp người mới thường lui tới Anh Vũ quán. Họ là những trang thanh niên trí thức trong thành. Lê thiếu chủ, chủ nhân Anh Vũ quán, đã tiếp
đãi họ như những thân hữu. Thay vào những màn vũ, những buổi ca hát
trước kia chỉ thích hợp cho các phú thương hay các vị quan lại xuôi
kinh, nay được sửa đổi thành những buổi bình văn, ngâm vịnh của lớp
thanh niên .

Tiền bạc đã không thành vấn đề đối với chủ nhân, trái lại đã từ lâu quán trở thành một nơi tiếp đón những kẻ lỡ bước đường đời. Dưới ảnh hưởng
của chủ nhân, các khách tới đây không biết từ lúc nào đã trở thành thân
cận như anh em kết nghĩa với những chí hướng cao cả của những trang
thanh niên có ý thức trách nhiệm trước thức quốc cảnh gia vong

Ðã từ nửa tháng nay, sau khi quân Minh chiếm đoạt Thăng Long, thì Anh Vũ quán đã đột nhiên đóng cửa.

Khách qua đường nhìn lên khung cửa đóng im ỉm của tòa nhà hai tầng lầu
mà không hề hay biết những sự gì đã xảy ra bên trong cũng như số phận
của chủ nhân.

Cạnh Anh Vũ quán , một khu vườn sau là nhà riêng của Lê Thiếu chủ. Lúc
đó, bốn người thanh niên đang ngồi chờ đợi trong một căn gác nhỏ ở phía
sau nhà.

Trời đã khuya. Từ khung cửa sổ sau, ta có thể nhìn xuống bao quát cửa sông Tô Lịch.

Giờ này, những ánh đèn cuối cùng của những thương thuyền cắm sào bên sông đã tắt từ lâu.

Ở chiếc bàn nhỏ kê giữa nhà, Trần Thanh, chàng thanh niên có dáng dấp
nho sinh, mình vận áo the chùng, đầu quấn khăn nhiễu nâu, đang nhỏ to
bàn truyện chiến sự với Lý Bảo, một thanh niên mới thi đậu cử nhân dưới
đời Hồ Hán Thương. Nhà chàng ở huyện Thọ Xương, phía Nam Kinh Thành.
Chàng là bạn thân của Lê chủ nhân từ nhiều năm qua. Hai người đang lấy
ngón tay chấm vào ly nước vẽ những đường tiến thoái của quân hai bên,
quân nhà Hồ và quân Minh .

Nhìn qua những đường vẽ trên bàn, Lý šý Bảo lo lắng sẻ hỏi

– Anh thấy bên ta còn chút hy vọng gì không ?

Trần Thanh lắc đầu :

– Nếu như trước khi thành Ða Mang thất thủ mà toàn dân ta cùng dốc lòng
đoàn kết đánh giặc thì tình thế có lẽ đã đổi khác. Nhưng tiếc thay, họ
Hồ đã làm mất chính nghĩa, nhân tâm ly tán, trước chiêu bài “Phù Trần
diệt Hồ” của giặc đã khiến cho rất nhiều người nhẹ dạ theo giặc, hay ít
nhất bất động khi thấy quân giặc tràn tới , hoặc bất hợp tác với đương
triều để chống giặc.

Ngẫm nghĩ một lát, chàng nhẹ thở dài tiếp :

– Phần chúng ta thì thật là mâu thuẫn : chúng ta là nhóm người quyết
diệt trừ kẻ gian thần phản nghịch, lại cũng đã biết rõ mưu đồ đen tối
của giặc Minh xâm lăng. Chúng ta ý thức được rằng, chúng ta không thể
nào nhận kẻ thù của kẻ thù chúng ta là bạn được. Nhưng trước cảnh diệt
vong của Dân Tộc không làm được gì để cứu nguy giang sơn thì đó cũng là
có tội đối với Ðất Nước.

Trong khi hai chàng nho sĩ đang bàn luận thế sự, thì ở bàn bên Lê Ban
đang biểu diển võ công. Chàng xuống đinh tấn, ngưng tụ chân khí vào
chưởng mặt, đẩy nhẹ. Một luồng chưởng phong phát nhanh khiến chiếc bình
sành ở góc nhà vỡ tan.

Lê Ban hơi quay lại phía bạn, Vũ Thắng, một anh chàng nhỏ bé đang lim dim cặp mắt quan sát, nói :

– Tôi mới theo Thiếu Lâm chưa đầy sáu năm, uy thế của phái võ này không
thể phủ nhận được. Vừa rồi là Kim Cương chưởng, một tuyệt kỹ nổi tiếng
của phái này. Thầy tôi trụ trì ở chùa Long Ðọi tỉnh Hà Nam, nếu anh em
nào muốn thọ giáo, tôi có thể tiến cử với người.

Vũ Thắng lấy lại thế ngồi ngay ngắn thong thả nói :

– Muốn việc lớn thành, dĩ nhiên mọi người phải đóng góp một tay. Tôi rất hoan nghênh kiến của anh Ban. Nhưng nếu luận về võ công thì Thiếu Lâm
chưa phải là môn phái Bắc Ðẩu ở nưẩnh ta .

Như để chứng minh lời mình, tay trái Vũ Thắng đưa cao chiếc ly sành
ngang mặt, tay phải nhẹ nhàng điểm, phút chốc hai ba lỗ tròn xoáy xuất
hiện trên thành ly, hành động mau lẹ và êm nhẹ, khác hẳn với thế võ mất
nhiều chân lực của Lê Ban , Vũ Thắng đặt nhẹ cái ly xuống bàn trước cặp
mắt ngạc nhiên của Ban, chàng nói :

– Nếu phát huy một cách cẩn trọng thì ta không khó nhọc khi muốn lấy
mạng địch nhân, dù cho cách xa hàng trượng. Trong khi tập quyền, võ sinh chúng tôi thường dùng trái dừa để luyện chỉ lực. Ðây là một môn võ của
Ðại Việt chúng ta.

Vũ Thắng vẫn dùng Quốc hiệu Ðại Việt thay vì Ðại Ngu của nhà Hồ.

Lê Ban coi bộ vẫn chưa phục, như để chứng tỏ uy lực của môn phái, chàng
phát một chưởng thần tốc phá tan chiếc bình sứ cắm hoa cạnh cửa sổ, gây
một tiếng động lớn, khiến cho cả ba bàn đều băn khoăn. Họ băn khoăn vì
sợ tiếng động gây sự chú ý của tai mắt giặc Minh đầy dẩy ở chung quanh .

Sau tiếng đổ vỡ là một bầu không khí nặng nề . Lê Ban cũng cảm thấy cái
quấy của mình. Chàng ngồi thu mình ở một góc nhà, uống liền hai ba hớp
nước.

Sự căng thẳng và im lặng càng làm cho cái không khí chờ đợi trở nên ngột ngạt.

Cuối cùng rồi nàng cũng có mặt. Tiếng nàng nhẹ, nhưng nghiêm lạnh :

– Anh Ban rồi cũng vẫn thế !

Nàng đã ở đó từ bao giờ. Tiếng nàng trách Lê Ban làm cả bọn anh hào giật mình. Lúc đó, có tiếng chân người lên cầu thang rồi hai cô thể nữ Cúc,
Hồng xuất hiện sau lưng nàng.

Nàng mang một cái áo dài lụa bạch. Cổ áo còn hơi cao, nhưng cửa tay
thụng đài các đã được thu hẹp lại, tóc nàng bới cao, bông cúc vàng xinh
xắn cài trên mái tóc trái.

Công chúa Mai Lan, nàng xuất hiện như một tiên nữ.

Cả bọn thanh niên đều đứng dậy, hơi nghiêng mình chào đón.

Công Chúa khoan thai tiến về phía chiếc bàn kê gần cửa sổ, nhìn ra dòng Tô Lịch mịt mùng khói nước.

Nàng ngồi xuống, khẽ ra hiệu :

– Mời các anh ngồi.

Cả bọn trang trọng thưa :

– Xin đa tạ Công Chúa.

Mai Lan mỉm cười dịu dàng :

– Từ nay xin các anh đừng gọi tôi như thế nữa. Các anh gọi tôi là cô thì tiện hơn.

Giọng nàng giờ đây trở nên ấm áp và truyền cảm vô cùng.

Trần Thanh khẽ nói :

– Thưa, Cô đã gặp Hoàng Tử Dương ?

Mai Lan hơi ngượng :

– Dạ, anh ấy thật là mê muội … Nay mai tôi phải rời nơi đây, các anh ở lại phải theo dõi thật sát hoạt động của bọn họ rồi xin cho tôi hay.

Trần Thanh hăng hái :

– Chúng tôi xin tuân lệnh.

Mai Lan đổi sang vấn đề khác, hỏi :

– Bọn họ đi lúc nào mà giờ này lại chưa thấy động tĩnh gì vậy ?

Trần Thanh giọng đầy tin tưởng :

– Thưa cô, họ đi từ chập tối. Nhưng tôi biết tên giặc đó sau khi dâng
Ðông Ðô (cố đô Thăng Long) cho giặc, chắc sợ lòng dân oán thán, hào kiệt hỏi tội, nên chỗ hắn ở được canh phòng rất cẩn mật … Tuy nhiên, tôi
chắc là anh em mình cũng sẽ thành công.

Mai Lan như yên lòng. Nàng không hỏi thêm gì nữa, yên lặng nhìn ra ngoài cửa sổ, kiên tâm chờ đợi. Trong đêm tối tăm, bỗng nàng mường tượng tới
một hình bóng làm nàng bồi hồi ….

Thời gian chờ đợi thực nặng nề . Tiếng nước nhỏ giọt từ chiếc đồng hồ
đặt trên chiếc kệ bên tủ chà rơi đều đều nghe càng sốt ruột. Ðã hết canh hai từ lâu, nhưng từ ngày thành bị quân Minh chiếm, tiếng trống cầm
canh cũng không còn. Xa xa, một vài tiếng chó sủa vu vơ .

Bỗng Mai Lan công chúa đứng bật dậy, khẽ ra hiệu cho Vũ Thắng :

– Có tiếng chân ngời từ hớng Tây đi lại.

Mọi người ngưng trọng nghe ngóng. Vũ Thắng thoáng mừng :

– Hai người, thưa cô, có lẽ bọn họ đã về .

Mai Lan công chúa gật đầu :

– Họ đi rất khoan thai, không có vẻ bị thương hay đang chạy trốn.

Từ lúc đến, hai cô thể nữ Cúc, Hồng vẫn đứng chặn lối cửa ra vào. Bấy
giờ cánh cửa vụt mở, hai cô liền tay giữ thế chuẩn bị tấn công. Nhưng
những người vào còn mau hơn phản ứng của hai cô. Họ đã vào tới giữa nhà
với sự vui mừng của mọi người.

Lê Hoàng Quân, tức chủ nhân Anh Vũ Quán, với bộ dạ hành ôm sát thân hình vạm vỡ, từ chàng toát ra một sức thu hút, dễ gây được sự tin tưởng của
mọi người …

Hướng về phía Mai Lan, Lê Quân lễ phép thưa :

– Ðể cô chờ lâu, Quân này thật đáng tội.

Mai Lan công chúa vui vẻ :

– Cũng không lâu. Công việc ra sao ?

Lê Quân quay lại giới thiệu bạn đồng hành :

– Thưa đây là anh Hoàng, một bạn ở trấn Sơn Nam.

Hai chúng tôi đã không đến nổi thất bại.

Chàng vừa nói vừa đưa tay đỡ cái bọc vải trên tay Hoàng, mở ra và chìa về phía Mai Lan cùng mọi người.

Mai Lan liếc nhanh qua cái đầu còn đẫm máu tươi, hơi quay mặt đi, khẽ nói :

– Thôi thế là hết kiếp quân đê hèn.

Rất ý tứ, Lê Quân vội thu thủ cấp đặt ở góc nhà, rồi ra hiệu cho Hoàng theo vào nhà trong thay đồ, rửa tay chân .

Khi Lê Quân trở ra thì Mai Lan đã sửa soạn ra đi.

Bên nàng, Trần Thanh đang lắng nghe lời dặn dò.

Lê Quân dừng lại cách xa nàng không một trượng, đợi cho câu chuyện giữa hai người chấm dứt.

Mai Lan hướng về phía Lê Quân, giọng tin tưởng :

– Thôi, mọi sự ở đây xin anh Quân lo giùm Trần Thanh, Vũ Thắng, Lê Ban, Lý Bảo hãy giúp anh Quân lo việc chung.

Bỗng Lê Quân sực nhớ ra điều gì muốn nói với Mai Lan, nhưng lại thôi.
Song cử chỉ ấy không qua khỏi mắt cô Công Chúa khôn ngoan. Nàng tiến về
phía chàng khẽ nói :

– Gì vậy Quân ?

Tiếng nàng thực thân mật và cởi mở. Lê Quân ái ngại nhìn Mai Lan, một lúc sau như đã quyết tâm, chàng xuống giọng :

– Tôi có một tin mật muốn thưa với Công Chúa.

Thấy giọng chàng, Mai Lan biết là một vấn đề quan trọng, vội đi về phía
góc phòng chờ Quân. Chàng thanh niên trở nên lúng túng, sau cùng cũng
nói được những gì chàng muốn nói .

Mặt Mai Lan biến sắc. Một lúc lâu cố trấn tĩnh, nàng hỏi :

– Thế người anh cả của các anh tính sao ?

– Thực tôi cũng không biết. Khi được hung tin, anh ấy vội trở về quê nhà xem công chuyện ra sao. Ðược tin gì mới tôi sẽ xin trình cô ngay.

Mai Lan ra hiệu cho hai cô thệ nữ, rồi nói :

– Thôi, các anh ở lại. Tôi đi đây.

Lê Quân khẻ nói :

– Ðêm đã khuya lắm rồi, cô định về đâu ?

Mai Lan buồn bã :

– Tôi về bên Thầy tôi mà, anh đừng ngại.

Lê Quân biết nàng là một thiếu nữ, hơn nữa lại là một vị Công Chúa mà ít ai bì kịp về mọi phương diện nên yên tâm thưa :

– Nếu vậy rất hay. Có tin gì, tôi sẽ xin sang Báo Thiên trình cô.

Trước khi rời khỏi căn gác, Mai Lan còn ân cần dặn dò :

– Anh Vũ Quán rồi cũng không còn là nơi an toàn.

Lê Quân hãy lo trước đi.

Lê Quân và mọi người đều cảm động :

– Xin Công Chúa an tâm. Chúc cô về bình yên.

Mai Lan sẻ gật đầu. Nàng đã ra khỏi phòng từ lâu mà bọn Lê Quân còn xúc
động. Bên ngoài mảnh trăng lưỡi liềm lạnh lẽo lả lơi đang treo lơ lửng
trên vòm trời âm u.

Bất giác Lê Quân thở dài khi nghĩ đến thân phận anh em, nhất là Công Chúa Mai Lan, người mà chàng vừa thương mến vừa kính phục.

Ðồng bào chạy giặc từ khắp nơi, đổ về Ðồng Quan càng ngày càng đông.
Trận giặc không có biên giới nhất định. Quân nhà Hồ và giặc Minh mở
những trận đánh ở mọi nơi, kéo dài trận tuyến từ Chi Lăng tới Nghệ An
khiến dân tình thực thê thảm. Họ kéo nhau chạy lẩn quẩn giữa những cánh
quân đang giao chiến với nhau.

Tên bay vạ gió đã giết chết hàng ngàn, hàng vạn lương dân. Cuối cùng họ
rủ nhau đổ về chốn Ðế Ðô, với hy vọng mong manh là ở đây là nơi an toàn
cuối cùng của họ.

Quanh chùa Sùng Khánh Báo Thiên ở Ðông Nam Ðông Quan (cố đô Thăng Long)
có rất đông đồng bào chạy loạn cắm lều cư ngụ. Từ chân đồi nhìn lên, mỗi gốc thông là một nhóm người chiếm cứ. Ðồng bào căng màn, trải chiếu
ngồi hoặc nằm bên nhau, tụm năm tụm ba tán chuyện tình hình đất nước. Có những người vợ lạc chồng, con lạc mẹ, gia đình tan nát trong cảnh chiến tranh tàn khốc. Ðâu đâu cũng vang lên tiếng than thở, tiếng nguyền rủa
kẻ đã gây ra cảnh nước mất nhà tan.

Bình minh vừa ló dạng bên kia đồi thông, ngọn tháp Báo Thiên sừng sững,
cao vút như đâm thủng trời xanh, khiến mọi người đều liên tưởng tới ba
chữ Ðạo Lý Thiên (đại ý đạo lý xông lên tận trời xanh), được vua Lê
Thánh Tông truyền khắc lên trên chỏm tháp bằng đồng, một Tứ đại khí
đương thời. Nhìn cái vẻ uy nghi của Báo Thiên Tự ai cũng phải ngậm ngùi
nghĩ tới những ngày xưa oai hùng của dân tộc Ðại Việt, mà nay, giang sơn gấm vóc của Tổ Tiên, đồng bào máu mủ đang trong cảnh tan tác rên xiết
giữa những trận chiến của giặc Minh và nhà Hồ đang xâu xé nhau. Tới tỵ
nạn nơi đây, ai cũng có cảm tưởng như đang được núp dưới bóng từ bi của
Ðức Phật .

Họ tin tưởng rằng ít nhất, nếu quân giặc có đi càn quét, thì đến nơi
đây, chúng cũng không dám dở trò cướp bóc hãm hiếp như ở những nơi khác. Ngoài ra, từ ngày có đồng bào tới núp bóng, vị Sư Nữ phương trượng của
chùa, đã cố gắng dùng phương tiện của chùa, cũng như đi quyên tiền của
nơi các gia đình giầu có chốn Cố Ðô để ngày ngày có chút thực phẩm phát
chẩn cho đồng bào.

Chính nhờ thế mà dân chạy loạn cũng có bữa no sống tạm qua ngày. Từ sáng sớm hôm nay, cái tin tên phản quốc dâng Cố Ðố Thăng Long cho giặc Minh
mấy hôm trước bị lấy đầu làm xôn xao mọi người. Tuy nhiều người sỉ vả ,
nguyền rủa họ Hồ làm việc thoán nghịch, nhưng người ta cũng thống hận
đám con cháu nhà Trần đưa đường cho giặc Minh xâm chiếm đất nước. Trước
cảnh nguy vong của tổ quốc, đồng bào không thể tha thứ cho những kẻ đầu
hàng quân giặc. Trước đây mười hôm, ai cũng hy vọng trở về kịp Ðông Quan là nơi có thành quách kiên cố, để cùng nhau hợp lực giữ thành, cứu
nước. Nhưng thực đau đớn, khi đồng bào lũ lượt về đến nơi thì Thăng Long đã bị tên quan Trấn Thủ Trần Văn dâng cho giặc rồi. Vì thế sáng nay
nghe được tin tên này bị hạ sát, ai cũng lấy làm thỏa mãn. Người ta đồn
rằng thủ cấp của tên này đang bêu trước Nam Môn.

Từ trên từng thứ mười hai của tháp Báo Thiên, Công Chúa Mai Lan đã qua
hàng giờ đứng nhìn xuống khắp nơi trong vùng. Từ bến Anh Vũ trên sông Tô Lịch, thuyền chạy loạn nhiều như lá tre từ miền Bắc lẩn miền Nam về đậu kín hai bên bờ cho đến các con đường ngang dọc quanh Ðông Quan đâu đâu
cũng thấy đồng bào bồng bế nhau, lếch thếch ở các nơi đổ về . Và xa xa
kia, ở phía Ðông Bắc, cảnh Hoàng Thành vắng lặng hoang phế khiến cho
lòng nàng đau như cắt. Chính ở nơi đó, dưới những mái nhà cong ngói đỏ
kia là nơi nàng đã qua thời niên thiếu thơ mộng. Chếch về phía Tây nội
thành, nàng còn nhìn thấy cung Thái Thanh tráng lệ nổi bật giữa khu vườn xanh um … mà đêm qua nàng hội kiến với con người tham quyền cố vị đến ngu muội. Sáng nay, khi theo chân Sư Bà Diệu Thanh ra ngoài đồi thông
phát thực phẩm cho đồng bào chạy loạn, tới đâu người ta cũng than thở,
nguyền rủa không những chỉ giặc Minh, nhà Hồ mà cả người trong họ nhà
Trần nữa khiến nàng cảm thấy vô cùng nhục nhã.

Nàng đã bỏ về ngang, và lên đỉnh tháp để tìm một vài giây phút tịnh
không để tinh thần đỡ căng thẳng. Tiếng mõ dưới sân vang vọng lên khiến
Mai Lan đưa mắt về cảnh chùa phía dưới. Nhìn những mái ngói cong vút
nguy nga như một cung điện, Mai Lan nhớ tới nàng Ðộng Thiên Công Chúa
con vua Lý Anh Tông. Nàng rất được Ðức Vua thương mến. Lớn lên, Ðộng
Thiên Công Chúa có muốn xuất gia, nhà vua đã cho xây dựng khu Trùng
Khánh Báo Thiên Tự này để Công Chúa có nơi tu hành .

Nghĩ đến nàng Ðộng Thiên xưa được chiều chuộng đến thế , còn thân phận
mình thì lênh đênh vô định, bất giác Mai Lan đầm đìa lệ rơi.

Có tiếng chân lên cầu thang, Mai Lan lau nhanh nước mắt, nhìn xuống. Cô thể nữ Cúc đang nhanh nhẹn đi lên :

– Sư Bà mời Cô về xơi cơm.

Mai Lan khẽ gật đầu, cô thể nữ tránh lối để chủ xuống trước.

Sư Bà Diệu Thanh là sư phụ của Mai Lan Công Chúa từ thời nàng còn trong
cung. Bà đã bí mật truyền võ nghệ cho nàng thấm thoát được hơn mười năm
thì Hồ Quý Ly cướp ngôi. Trần Hoàng Gia phải ly tán trốn chui trốn nhủi .

Tuy nhiên sự liên lạc giữa hai thầy trò vẫn còn. Cách đây ít năm, Sư Bà
Diệu Thanh khuyên Mai Lan nên về núi Yên Tử, nơi đây Ðức Nhân Tông nhà
Trần sau khi nhường ngôi cho Ðức Thánh Tông, đã về đây trụ trì, sáng lập ra phái Trúc Lâm. Vùng Yên Tử có tới hơn hai mươi ngôi chùa với những
nhà Sư phần lớn là các bậc vua chúa khanh tướng nhà Trần, văn võ toàn
tài. Tại đây, Mai Lan Công Chúa đã học thêm nghề võ, và được quen với
một số đệ tử tục gia của các vị sư phụ ở Yên Tử Sơn, trong số đó có
người anh Cả của nhóm Anh Vũ Quán.

Ðêm nay, trời đã về khuya, nhưng vì lâu ngày không gặp nhau, hai thầy trò Sư Bà Diệu Thanh còn trò truyện tại hậu phòng .

Bên ngọn đèn khuya leo lét. Mai Lan Công Chúa như bé bỏng bên người mẹ
hiền. Cái vẻ nghiêm trang, kẻ cả của nàng trước đám anh hùng Anh Vũ Quán đêm trước như biến đi đâu mất.

Hai người đang qua những giây phút yên lặng nặng nề … Ðôi mày liễu của Công Chúa cau lại một cách đau khổ.

Sư Bà ái ngại nhìn nàng. Bà với tích trà nóng vừa pha, chậm chạp rót ra
hai chén sứ nhỏ, trao một chén cho Công Chúa thương mến :

– Con dùng một chút trà nóng …

Công Chúa trịnh trọng đỡ lấy nhắp từng ngụm nhỏ.

Sư Bà khẽ hỏi :

– Con có chắc tin đó có thật không ?

Không nhìn lên, Mai Lan quả quyết :

– Bạch thầy, con nghe rõ từng tiếng Lê Quân nói với con “Ngài Ðặng Tất đã hàng giặc Minh”.

Sư Bà mơ hồ nhắc lại :

– Ðặng Tất hàng giặc . . . Ðặng Tất hàng giặc !!!

Mai Lan Công Chúa khẽ rít lên :

– Và ông ta còn nhận chức Hoa Châu Ðại Tri Châu nữa chứ !!!

Sau tiếng than thống khổ, có tiếng vật gì, như vỡ ra ở đâu đây Sư Bà nhìn nhanh bàn tay phải Công Chúa. Mặt

Bà vụt sáng lên khi nhìn thấy những mảnh sứ vụn rơi lả chả qua khe năm ngón tay búp măng trắng nõn của Công Chúa, và vụt hỏi :

– Phật Thủ công của Ngài Pháp Loa Sư Tổ đấy hả con ?

Công Chúa bẻn lẻn :

– Bạch Thầy vâng . . . nhng

Sư Bà Diệu Thanh mắt lim dim, khẽ gật gật đầu :

– Thầy nghe các vị trưởng thượng nói, môn công phu này, nếu luyện tới
tuyệt đỉnh thì khi phát công, sẽ không có tiếng động vang lên … Với
lại con xuất công trong lúc tức giận, thành ra nguyên khí không điều
hòa, công lực thu nạp không tương hợp, nên chỉ không đạt được tới mức
tuyệt hảo.

Sau một lúc yên lặng, Sư Bà an ủi :

– Thôi con cũng bình tâm, để hắn về nhà xem sự việc hư thực ra sao rồi mình sẽ liệu.

Công Chúa Mai Lan lưỡng lự :

– Tuy con tin anh ấy, nhưng chỉ sợ cha nào con nấy thì thực là phiền cho Ðại Cuộc.

Nàng khẽ thở dài :

– Con chỉ tiếc rằng võ học của con còn sơ cạn, mà tình thế nước nhà thì
cấp bách, không biết rồi đây có rửa được thù nhà, trả được nợ nước cũng
như gột được cái nhơ nhuốc của dòng họ đã bị mấy tên tham quyền ngu muội làm hoen ố không ?

Nàng ngước mắt nhìn lên nghẹn ngào :

– Rồi mai đây, con xuôi Nam, không biết có còn ngày được trở lại thăm Thầy nữa không …. Biết đâu lần này lại là lần vĩnh biệt.

Sư Bà thoáng vẻ buồn :

– Thầy cũng không biết mai sau thế nào. Vận nước mỗi ngày một u tối. Họa diệt vong của dân tộc cũng thực cận kề .

Bà hơi ngừng lại, rồi tiếp :

– Nước ta từ Ngô, Ðinh, Lê, Lý, Trần, mỗi một thời đều có lúc hưng, lúc
suy, anh hùng cũng lắm mà kẻ tiểu nhân cũng nhiều. Giang Sơn Tổ Quốc
đừng nên nghĩ là của riêng một nhà. Sự thay đổi một dòng họ không quan
trọng bằng sự hưng thịnh của đất nước. Sự phế lập nhiều khi có tính cách bá đạo, nhưng không phải vì thế mà quyết chí trả thù bằng sự hy sinh cả nền tự chủ của dân tộc. Như xưa kia, sự việc dứt nhà Lý , tìm cách tận
diệt Lý Gia của Trần Thủ Ðộ, tuy có tàn bạo, nhưng sự hiện diện của nhà
Lý với một vị Nữ Hoàng còn thơ , quả thực cũng không còn hợp lý nữa. Nhà Trần đã vươn lên trong hào quang của những bậc Minh Quân như Ðức Anh
Tông, Ðức Nhân Tông, và những bậc Anh Hùng như Hưng Ðạo Ðại Vương Trần
Quốc Tuấn, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Thượng Tướng Trần Quang Khải
… cũng đã khiến cho người trong Lý Gia không còn lý do để khôi phục
lại ngai vàng cho mình nữa. Thế cho nên Thầy rất cảm phục con đã biết
phân biệt điều ngay lẽ phải trong việc đứng ngoài mưu đồ mượn tay giặc
Minh đễ tranh giành ngai vàng của đám xú nhân nhà Trần đang thực hiện
ngày nay, khiến đất nước điêu linh, họa nô lệ hầu như trong gang tất .

Sau mấy phút im lặng, Sư Bà giọng xa vắng :

– Cái ngày mà Lý Gia bị tiêu diệt còn thê thảm gấp trăm lần cảnh Trần
Gia ngày nay … Còn ai là họ Lý mà thoát khỏi cuộc tàn sát của Trần Thủ Ðộ năm Nhâm Thìn tại thôn Thái Ðường, làng Hòa Lâm trong ngày mà tất cả người nhà họ Lý tụ tập làm lễ Tiên Hậu. Ôi cả một dòng họ bị chôn sống
ngay tại quê nhà ….

Công Chúa Mai Lan thấy và khác lạ của Sư Bà, nàng khẽ nói :

Bạch Thầy, con nghĩ là Lý Gia chưa bi tiêu diệt…

Sư Bà hơi biến sắc :

– Con nói sao ?

Mai Lan đổi thế ngồi, xích lại gần Sư Bà hơn, nàng nhìn thẳng vào mắt Sư Phụ, chậm rãi nói :

– Thực sự con không biết hiện nay bao nhiêu người của Lý Gia còn tại thế , nhưng con biết chắc có một người…

Sư Bà nhìn ra xa :

– Lạ thế con, nhưng ai vậy ?

– Bạch Thầy, ngày Phụ Hoàng con còn tại thế , một hôm người đã tình cờ cho con biết tên và nơi trú ngụ của người ấy.

– Thế ư . Và Phụ Vương con đã đối xử thế nào với người họ Lý này ?

– Bạch Thầy, Phụ Vương con nói Ngài rất xấu hổ khi đọc đến những trang
sử khai sáng Trần Gia. Vì thế , đối với người này, không những Phụ Vương con không hề đụng tới mà ngài còn rất kính trọng nữa … Và Bạch Thầy,
ngày nay Trần Gia cũng đã mất, việc nói tên vị này thực cũng không còn
gì để kiêng kỵ nữa …

Nàng hơi mỉm cười, nói tiếp :

– Bạch Thầy. Vị họ Lý mà Phụ Hoàng con đã nói, chính là … Thầy đó …

Sư Bà Diệu Thanh thoáng vẻ khiếp sợ. Bà khẽ thở dài, cảm động :

– Thực già này đội ơn Phụ Hoàng con …

Sư Bà yên lặng, mắt chăm chú vào đỉa đèn dầu đang tàn lụi dần, Bà khẽ thở đài :

– Thầy cảm thấy rất hạnh phúc trong suốt hai mươi năm trụ trì Báo Thiện
Tự này, một ngôi chùa tượng trưng một cách đặc biệt cho Lý Gia. Thầy với con thực cũng có cơ duyên .

Ngọn đèn lập lòe như muốn tắt, Sư Bà vội khêu ngọn bấc lên, giọng xa vắng :

– Như con đã nói, mai đây thầy trò ta không biết đến ngày nào mới gặp
lại nhau … Con rồi sẽ ra đi trong gió sương vì đại nghĩa, nếu một ngày nào đó trở lại được để thăm thầy, không biết thầy có còn sống hay không ? Tất cả sở học hầu như thầy đã truyền dậy cả cho con. Tuy nhiên, may
mắn gần đây, thầy có nghiên cứu được một vài thứ võ mới, để ngày mai
thầy sẽ chỉ dạy lại cho con. Ðây có lẽ là một bài học cuối cùng mà thầy
dậy con, và cũng là một kỷ niệm để thầy trò ta nhớ nhau mãi mãi.

Công Chúa cảm động sa đôi hàng lệ. Nàng nghẹn ngào đứng lên vái thầy :

– Con xin đa tạ thầy.

Mai Lan vừa dứt câu, thì văng vẳng từ phía cuối thôn đã vọng lại tiếng gà gáy sáng. Sư Bà đứng dậy khẽ nói :

– Thôi trời sắp sáng … ta nên đi nghỉ.

Ngọn đèn lu dần rồi tắt hẳn, hai thầy trò chia tay nhau trở về phòng mình, lòng ngổn ngang trăm mối.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN