TẬP THỂ 09/10 - CHƯƠNG 10: ĐỨA TRẺ CHẤT ĐỘC MÀU DA CAM
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
909


TẬP THỂ 09/10


CHƯƠNG 10: ĐỨA TRẺ CHẤT ĐỘC MÀU DA CAM


Thấy hai con thỏ của mình bị như vậy, bà Oanh hoảng hồn lắm. Rõ ràng nhốt chúng nó ở trong lồng, mà sao lại bị thế này được?

Mọi người bảo rằng có khi chuột vào cắn đứt đầu hai con thỏ của bà Oanh ra mà thôi, nhiều con chuột tuy bé mà sức cắn phá của nó kinh khủng lắm. Nhưng từ bé tới giờ tôi cũng chỉ nghe chuột thích ăn bơ, pho mát, các loại hạt, gạo hay là thịt chín chứ chưa từng nghe thấy chuột đi ăn thịt sống bao giờ cả…nhất là cắn đứt đầu hai con thỏ ra một cách dã man như thế.

Bà Oanh đem mấy con thỏ đi chôn. Mọi lời bàn tán cũng chấm dứt ở đấy.

Thế nhưng một sự kì lạ lại xảy đến với gia đình ông Ngang, nhà cách phòng tôi 2 căn về phía bên tay trái. Nhà thằng Tôm ngay sát nhà tôi, sau đó sẽ đến nhà ông Ngang. Trước cửa nhà thằng Tôm, nền đất hơi cong vênh lên một chút, tạo nên hai triền dốc, chia đôi 2 dãy phòng, chúng tôi hay gọi nhà thằng Tôm là nhà cầu là thế.

Ông Ngang cũng tầm tầm tuổi ông bà ngoại tôi, năm ấy trên đầu đã hai thứ tóc rồi. Ông Ngang là bộ đội, từng ra chiến trường vào những năm tháng chiến tranh chống Mỹ khốc liệt nhất, giờ là thương binh hạng nhẹ. Có lẽ do tên ông là Ngang- ngang ngạnh là thế nên ông đã may mắn sống sót khỏi mưa bom bão đạn, trong khi rất nhiều đồng đội đã ngã xuống. Ông chỉ bị một mảnh đạn găm vào xương đùi bên trái, mỗi khi trở trời hay đau buốt, đi cà nhắc cà nhắc. Tôi vẫn còn nhớ bóng dáng của ông tập thể dục trước cửa nhà mỗi tối để rèn luyện sức khỏe.

Ông gai góc là thế nhưng hậu quả chiến tranh vẫn đeo bám gia đình ông. Cống hiến những năm tháng tuổi trẻ cho đất nước, ông về quê lấy vợ muộn rồi mới phiêu bạt lên đây sinh sống. Ông với bà sinh được 3 người con, anh trai cả, và hai chị gái. Thế nhưng tiếc thay, chị gái thứ ba lại bị di chứng của chất độc màu da cam, được đặt tên là Ba. Chị Ba bị Hội chứng Down, thiểu năng trí tuệ, sinh ra đã ngờ nghệch, chậm chạp, thế nhưng hai ông bà vẫn rất thương chị. Lớn lên, hai người con cả đi xa lập nghiệp, lập gia đình, để lại chị Ba cho hai ông bà già trông nom. Dù cũng hơn 30 tuổi rồi nhưng tâm hồn chị Ba lúc nào cũng như một đứa trẻ, mặt bao năm vẫn vậy nên lũ trẻ con chúng tôi toàn gọi bằng chị chứ không phải là cô. Hàng ngày ông bà Ngang vẫn phải bón từng thìa cơm thìa cháo cho chị. Nhiều người ác miệng bảo ông bà nhiều tuổi rồi, không đưa con vào những trung tâm thiện nguyện hay người tàn tật giờ người ta mở đầy ra đấy, nhưng khúc ruột đẻ ra ông bà không nỡ xa con, cứ ở bên con được đến khi nào hay khi ấy. Dù sao ông bà cũng nghe căn bệnh của chị Ba không thể sống thọ được. Ấy mà đến năm ấy chị vẫn sống mạnh khỏe.

Cứ hễ khi đi chợ mà ông Ngang có việc là bà Thắm- vợ ông Ngang lại dắt chị Ba đi cùng. Được bố mẹ yêu thương như thế nên chị Ba cũng mang tính cách vui vẻ và cũng hiểu kha khá sự đời. Ông Ngang bà Thắm cũng chẳng xấu hổ hay giấu diếm gì con mình, đi đâu có thể là đưa chị Ba theo cùng. Nhiều người cười cười bảo rằng già đầu rồi mà vẫn phải trông trẻ con.

Tôi không như những đứa trẻ khác, xa lánh chị Ba, tôi thi thoảng vẫn sang nhà ông Ngang chơi với chị. Mái tóc chị rất dài, thắt bím xong vẫn dài chấm thắt lưng, nên tôi thích nghịch mái tóc đó lắm, hết tháo ra tạo kiểu này rồi lại tạo kiểu khác. Nếu trên đài có bật nhạc nhảy, tôi lại dạy chị nhảy khiêu vũ như trên tivi hay chiếu: một bước lùi, hai bước tiến,…Chúng bạn bảo rằng chơi với chị Ba như dở hơi, nhạt toẹt, tôi thì không thấy thế. Chơi với chị Ba cũng giống như chơi với một đứa em gái hay cười toe toét mà thôi. Tôi còn hay mang truyện sang nhà đọc cho chị Ba nghe. Chị Ba không biết chữ nên thích tôi đọc truyện lắm, chăm chú lắng nghe và khẽ gật cái đầu. Vì thế nên trong đám trẻ trong xóm hay trêu chị, chị Ba quý tôi nhất, thi thoảng nhìn thấy tôi lại khẽ gọi: “Em Ly, em Ly…”

Nếu không có người dẫn đi thì chị Ba không biết đi ra ngoài, cả ngày chỉ ở trong nhà. Ông bà Ngang chỉ hướng dẫn chị ra ngoài, rẽ trái để đi vệ sinh hay đi tắm ở nhà vệ sinh chung cuối dãy. Ngày ấy, mỗi nhà không phải ai cũng đủ tiền của để xây công trình phụ khép kín, nên hầu hết vẫn phải sinh hoạt và tắm táp ở nhà vệ sinh chung của tầng. Ở đó sẽ có một khoảng trống rộng, một bể nước lớn đủ để mọi người giặt quần áo hay gội đầu, bên trong còn có một phòng vệ sinh và một phòng tắm có mấy dãy vòi, sử dụng thoải mái. Tuy nhiên bố mẹ tôi thấy bất tiện, quá ngán ngẩm cảnh cắt nước, xếp hàng đi tắm nên đã cơi nới thêm công trình phụ trong nhà để tự do sử dụng.

Nhà ông bà Ngang không cơi nới gì thêm nên vẫn giữ nếp sinh hoạt ở nhà vệ sinh chung cuối dãy ấy. Vì thế chị Ba chỉ nhớ mỗi con đường từ nhà tới khu vệ sinh chung rồi đi về, chứ những chỗ khác chị không hề nhớ nổi, kể cả việc đi từ nhà chị sang nhà tôi. Bao năm cũng quen nên bố mẹ chị để chị tự giác đi vệ sinh mỗi khi cần, không phải dắt đi nữa. Ông bà chủ trương rất tân tiến, cho rằng nên để những người như chị Ba tự lập nhiều sẽ dễ hòa nhập với xã hội hơn.

Chị Ba rất thích mỗi khi được bà Thắm tắm cho xong, ngồi ở ngoài mép cửa phòng vệ sinh chung, cạnh bể nước, chải mái tóc dài thơm mùi bồ kết. Hồi ấy các bà các mẹ toàn gội đầu bằng nước bồ kết chứ không hay gội dầu gội như bây giờ. Bà Thắm hay đun một nồi nước bồ kết nóng, đen đen, thơm thơm rồi pha ra gội đầu cho chị Ba. Chị Ba quý mến mái tóc của mình lắm, lúc nào cũng vuốt ve nó. Chị bảo với tôi: “Con gái quý nhất là mái tóc dài. Ly đừng cắt nhé.” Tôi vẫn nhớ như in là thế. Rồi có một đợt, tôi ngồi tết tóc cho chị Ba, chị toàn ngờ nghệch cười và kể lể: “Chị thích mái tóc của chị đó lắm. Em có thích không?”. Tôi nghe nhưng chẳng hiểu gì lại lờ đi. Chị Ba hay nói linh tinh thế lắm.

Câu chuyện êm đềm của chị Ba và của cuộc đời tôi có lẽ sẽ tiếp diễn như thế cho đến khi mọi thứ đảo chiều.

Tôi nhớ chiều ngày hôm ấy, đã vào thu nhưng trời vẫn oi bức kinh khủng, báo hiệu một cơn mưa dông trái mùa có thể sắp đến. 6 giờ chiều mà trời vẫn còn sáng bảnh, trên nền trời loang lổ những vệt mây đỏ au như máu. Tôi cùng thằng Tôm đứng ngắm bầu trời mà miệng cứ chu choa khen đẹp. Cảnh tượng kì lạ mà cũng không kém phần rờn rợn. Tôi cảm giác như bầu trời sắp sập xuống đến nơi vậy. Ở ngoài trời, trên những nóc nhà, biết bao nhiêu con chim đậu đứng. Chim muông bay tan tác khắp nơi như đang gọi bầy đi trốn điều gì đó. Tôi nhìn từng đàn chim bay qua bay lại như con thoi thì thấy lạ lắm. Mẹ tôi còm bảo đó không phải chim mà là dơi. Dơi buổi chiều ra khỏi tổ để kiếm mồi. Tôi từng xem những bộ phim kinh dị có những con dơi rồi nên tôi cảm thấy hơi sợ chúng. Những con dơi trên tivi đen thù lù, có bộ mặt hung tợn và hai chiếc răng nanh dài. Có khi chúng còn hút cả máu người ấy chứ. Nghĩ thế, sợ dơi sà về phía mình nên tôi bỏ khỏi lan can hành lang vào nhà, không dám đứng ngắm nữa.

Sau bữa tối hôm ấy, thằng Tôm đứng ở ngoài cửa ngoắc ngoắc tôi.

“Ê, chị Ly!”

“Ơi gì thế?”

“Em vừa phát hiện cái này hay cực!”

“Cái gì cơ?”

“Chị cứ đi theo em xem nào…”

Thế là tôi xỏ đôi dép lê đi theo nó. Thằng Tôm cầm cái đèn pin đỏ nhà nó đi về hướng cầu thang.

“Mày dẫn tao đi đâu đấy? Có xuống sân không? Thôi…tối rồi tao không đi xuống đâu…”

Ký ức từ lần trước vẫn khiến tôi chột dạ.

“Không không…đi xuống có một lượt thôi hà…không phải sợ đâu…gần lắm!” Thằng Tôm cứ khăng khăng.

Tôi vẫn cứ bàn lùi: “Hay..hay để chiều mai…”

“Xem luôn đi chị, để mai chắc gì còn nữa?”

“Sao không rủ thêm cả cái Miu đi cùng cho đông vui?”

“Hôm nay nó về nhà ông bà nội mà chị quên à.”

“Ừ nhỉ…” Tôi lẩm bẩm và rụt rè đi theo nó.

May sao hôm nay đèn cầu thang vẫn bật. Nó kéo tay tôi đi xuống hết một lượt thang rồi áp sát vào kiến trúc tổ ong bên tay trái, chỉ chỉ. Chẳng là khi xưa, hầu hết các khu tập thể đều được xây dựng na ná nhau, đều có những kiến trúc tổ ong (những viên gạch đỏ tròn tròn hoặc lục giác xếp cạnh nhau) trên cầu thang hoặc ngoài hành lang. Những kiến trúc đó khiến không gian quang đãng hơn mà vẫn kín đáo. Tiếc là giờ tôi không hay được nhìn những tòa nhà như vậy nữa.

Thằng Tôm khi ấy chỉ vào viên gạch ở gần sát trên cùng, ở chỗ đó 1 vách ngăn bị vỡ, tạo thành một lỗ thủng méo mó. Tôi nheo mắt nhìn kĩ mới nhận ra vật gì đen đen đang bám vào đó.

“Tổ dơi đấy chị! Hehe, mấy hôm nay em mới thấy nó làm tổ ở đây, còn thấy cả con dơi con nữa cơ…”

Tôi mới gắt lên: “Ôi tưởng gì! Ghê chết đi được! Đi về!”

Tôi đang định quay lên thì từ tầng dưới, một bóng người lao lên khiến tôi giật nảy cả mình.

“A…aa..”

Định thần lại tôi nhận ra thằng Lộc điên. Chắc nó lại vừa thò mặt từ nhà nó dưới tầng ba lên.

“Suỵtttt. Nhỏ mồm. Nó bay mất giờ…”. Thằng Lộc lại thì thầm điều gì đó mờ ám.

Thằng Tôm ghét thằng Lộc. Nó gắt: “Mày về tầng nhà mày đi. Ai cho mày léng phéng lên tầng nhà tao?”

“Tao phải lấy dãi dơi. Lui ra. Hiếm lắm mới gặp tổ dơi đấy. Đâu phải nơi nào cũng tụ đủ nghiệp chướng…”. Thằng Lộc lẩm bẩm rồi nhanh nhẹn đu lên từng khoảng trống tổ ong mà leo dần lên.

Tôi thấy kỳ quặc quá mới bảo thằng Tôm đi về.

Chúng tôi vừa đi lên tầng vừa ngoái lại nhìn thằng Lộc điên. Nó trèo lên tận tít cao, rón rén không dám sờ vào con dơi. Đúng là thằng thần kinh.

Bất chợt tôi nhìn thấy chỉ thoáng qua một giây, ở một khoảng tổ ong thâm thấp phía dưới, một đôi mắt trắng dã đang nhòm từ phía ngoài vào, nhìn chúng tôi chằm chằm.

Tôi giật mình chớp mắt thì không nhìn thấy đôi mắt đấy nữa. Tôi run run lay thằng Tôm: “Này…mày có vừa nhìn thấy gì không?”

“Thằng Lộc á…Em chẳng quan tâm đâu…”.

Tôi sợ quá bèn chạy thẳng một mạch về nhà.

Đêm hôm ấy tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được. Dù sao mai cũng là chủ nhật. Tôi cứ nghĩ mãi về ánh mắt ngoài lỗ thủng ấy mà sợ toát mồ hôi. Ai mà trèo ra ngoài đấy nhìn vào được cơ chứ….Hay lại là…Để phụ họa cho nỗi sợ của tôi, ngoài trời có vẻ như cơn dông đang dần kéo đến, sấm bắt đầu ì ùng.

Miên man trong suy nghĩ mãi tôi mới ngủ thiếp đi. Hậu quả là ngày hôm sau tôi ngủ nướng đến tận trưa.

Thế nhưng ngay trong buổi sáng hôm ấy, một sự việc kinh hoàng đã xảy ra. Khi phát hiện thì đã quá muộn.

Chị Ba đã chết.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN