TẬP THỂ 09/10 - CHƯƠNG 14: TIẾP CẬN
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
816


TẬP THỂ 09/10


CHƯƠNG 14: TIẾP CẬN


Bà Xoan bà Lê chứng kiến hành động khó hiểu của thầy pháp thì băn khoăn lắm, chỉ biết hỏi lại: “Tức là giờ sao hả thầy?”

Thầy đặt con bài xuống, ngẩng lên nói: “Không có gì. Rồi sớm muộn cũng rõ thôi. Lần này may ra có cứu tinh giúp sức thì thành, không thì sẽ bại. Trước hết để nắm rõ tình hình, tôi phải tới đó đã.”

Hai người phụ nữ mừng rỡ, liên tục cảm ơn thầy. Hai bà đề nghị sẽ góp tiền hỗ trợ thầy đi lại. Thầy pháp khoát tay.

“Khỏi cần, tôi đi tỉnh cũng quen rồi. Làm lễ là làm phúc, chỉ cần mọi người chuẩn bị lễ lạt chu đáo là được.”

Vậy là sau hai ngày để thầy thu xếp công việc, cả 3 người cùng bắt xe về Hà Nội. Chuyến xe chòng chành đi mất gần 4 tiếng mới tới bến xe Nước ngầm. 3 người lại bắt xe ôm về cho rẻ. Hai bà ngồi chung 1 xe, thầy đi riêng 1 xe nữa. Tất cả cùng tới địa chỉ khu tập thể 09/10. Người dân xung quanh hầu hết đều biết khu tập thể cổ đó nên không cần phải chỉ đường nhiều, xe cứ bon bon chạy. Thế nhưng chẳng may giữa đường, xe chở bà Xoan bà Lê bị non lốp nên tụt lại phía sau, phải tìm hàng bơm gấp. Thấy xe chở thầy pháp đang đi là là để chờ, bà Xoan khoát tay:

“Cứ đi trước đi, không phải chờ chúng tôi đâu. Anh chở thầy đến nơi cho tôi nhé!”

Nghe thế anh xe ôm yên tâm đi tiếp.

Người chạy xe ôm bảo hai người phụ nữ cứ bắt xe khác mà đi, không lại nhỡ việc. Bà Lê nghĩ cũng tội, chạy được nửa đường rồi, giờ bắt xe khác cũng dở dang.

“Nếu đợi không lâu thì chúng tôi chờ được. Cũng chẳng mấy ai dám chở cả hai chúng tôi cùng lúc thế này, mà có khi do chúng tôi mà xe bác mới non lốp ấy chứ, haha.” Bà Lê nói nói cười cười.

Đột nhiên bà Xoan giật mình lay bà Lê: “Thôi chết rồi chị ơi, nãy quên chưa nói tòa nhà mình cho thầy! Không biết thầy có biết chỗ mà vào không hay lại đợi ở ngoài, tắc trách quá! Thầy giận chết mất!”

“Ừ nhỉ! Chết dở! Giờ làm thế nào? Xem có buồng điện thoại công cộng nào không? Gọi ông Tình ra đón thầy.” Ông Tình là chồng bà Xoan, giờ đang ở nhà lo việc bán hàng cho vợ.

Hai người tìm quanh chỗ bơm xe vẫn không thấy buồng điện thoại nào, đành phải giục người xe ôm kia nhanh chóng chạy về.

Về tới đầu con đường dẫn sâu vào trong khu tập thể 09/10, hai người phụ nữ đưa mắt nhìn dọc hai bên đường để tìm bóng dáng của ông thầy pháp, đề phòng thầy tới chân khu tập thể rồi mà không rõ lối vào, thế nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy ai cả. Hai người hết sức lo lắng. Bác xe ôm vừa đậu xe xuống sân nhà C5, C6 thì hai người nhìn thấy bóng dáng thầy pháp đã đứng đó từ lúc nào, chắp tay sau lưng, quay mặt vào trong như đang tập trung nhìn ngó một cái gì đó.

Hai người phụ nữ hớt hơ hớt hải chạy tới rối rít xin lỗi thầy vì đã không chu đáo.

“Sao thầy vào tới đây được ạ?”

Người thầy điềm đạm nói: “Các cô không nói cho tôi biết, tôi tự khắc phải biết thôi. Nhìn này, mới vào đầu đường, chỗ bờ sông, tòa nhà này đã hút tôi vào như một hố đen vậy, chẳng cần biết địa chỉ cũng tự tới được.”

Nói rồi thầy chỉ lên trên khoảng không giữa hai tòa nhà C5 C6, rồi hỏi:

“Hiện tượng thế này lâu chưa nhỉ?”

“Ý thầy là đàn chim bay qua lại ấy ạ? Tôi ở đây gần hai chục năm rồi, chiều nào cũng thế, nhất là cuối hạ, chim bay nhiều lắm thầy.”

Lúc đó mới có giữa tầm chiều. Thầy pháp lắc lắc đầu.

“Không, các cô nhìn nhầm rồi. Đó là dơi, không phải chim bay đâu. Từ khi nào mà lại thế này?”

Bà Lê lắp bắp: “Quả thật đợt dạo gần đây có nhiều tổ dơi trên mái nhà lắm thầy ạ…”

Ba người tiến sâu vào sân khu tập thể hơn. Bà Xoan bà Lê tính đưa thầy lên trên tầng nhà mình để xem xét kĩ hơn, tuy nhiên vừa tới chân cầu thang, thầy pháp đã vội lùi lại.

“Ây..từ từ nào, đừng nóng thế…”

“Sao thế thầy?”

“Tôi chưa vào ngay được…Oán khí nặng quá. Vong chắn ngay ở cửa. Họ không cho tôi vào, sợ tôi đuổi họ đi. Rốt cuộc ở đây từng có chuyện gì vậy?”

Hai người phụ nữ nhìn nhau. Bà Xoan đáp

“Chuyện gì là sao thầy?”

“Ở đây từng xảy ra chuyện gì đó rất khủng khiếp. Nhìn xem, vong đứng trên các tầng nhìn xuống tôi chằm chằm, ai nấy đều giận dữ. Nếu các cô không biết, liệu có thể dẫn tôi tới gặp ai đó rõ hơn được không?”

Mồ hôi bất chợt chảy dọc thái dương bà Lê. Bà bấm bấm tay bà Xoan muốn ra hiệu gì đó.

Bà Xoan hiểu ý, mới vội đáp lại:

“À…à có ông tổ trưởng tổ dân phố…có lẽ sẽ rõ nhiều việc hơn. Nhưng hôm nay ông ấy vắng nhà. Thầy cứ đi xem quanh khu này đi. Mai chúng tôi sẽ dẫn thầy tới gặp ông ấy…”

Ông thầy gật gù không nói gì nữa rồi đi ra xung quanh sân và tòa nhà để xem xét.

Bà Lê bắt đầu thì thầm với bà Xoan: “Có nhất thiết phải nói thật không? Ngộ nhỡ vỡ lở ra gia đình tôi…”

Bà Xoan ngẫm nghĩ: “Ông tổ trưởng chắc cũng hiểu cái gì cần nói cái gì không…không nhất thiết phải nói hết đâu. Cứ xong việc là ổn. Hoá ra là đúng do vụ việc đó…”

Bà Lê thở dài: “Không từ đó thì đâu. Từ sau vụ chồng tôi..Tôi cứ nghĩ được yên rồi, hóa ra vẫn còn dai dẳng thế này.”

“Ừ..em cũng nghĩ xong xuôi hết rồi…Cứ để yên kệ nó làm gì nó muốn là được. Thế mà cũng không yên…”

Họ nhìn ra xa, bất chợt thấy ông thầy đang đào bới gì đó ở gốc cây bàng mới xây lại thì hiếu kỳ lắm, vội vàng chạy lại xem.

“Thầy…thầy làm gì thế?”

Thầy pháp vẫn hì hục đào bới gốc cây, cố bửa một viên đá ra, vừa làm vừa ngước lên phía trên, bên cạnh như nhìn ai đó. Có vẻ như gốc cây mới được lèn đất chặt chứ chưa cố định bằng bê tông, nên dùng sức vẫn có thể cậy những viên đá viền gốc cây ra.

Cuối cùng viên đá cũng bung ra dưới sức lực của thầy pháp.

Thấy nâng viên đá lên, xoay xoay trong lòng bàn tay, nheo nheo mắt nhìn khi có ảnh nắng chiếu vào. Trên một bề mặt phiến đá có khắc một bài thơ.

“Vụ mùa anh gieo đã thất bại

Tình cháy trong em mãi lụi tàn

Còn nỗi đau xé lòng ai thấu

Chỉ trách trót thương em đậm sâu”

Kí tên: 1-2-3-4

Bà Xoan đứng bên cạnh cười cười: “Sao thầy biết cái này? Chỉ là bài thơ ai đó để lại vui vui thôi mà”

Thầy pháp vẫn im lặng, tay lần sờ lên phiến đá, mắt nhắm nghiền. Lúc sau thầy mở mắt ra, chỉ lẩm bẩm nói: “Tôi cảm thấy có một sự đau khổ cùng cực ở đây.”

“Vâng, thì chắc là tâm trạng của một thanh niên thất tình nào đó mà. Thầy thấy có gì đặc biệt ư?”

“Không chỉ đơn giản là đau khổ mà còn là oán hận, bất lực…nhiều hơn một mối tình đấy. Họ đều chỉ cho tôi về phiến đá này.”

“Ai cơ?”

“Họ ấy…những người đang đứng trên hành lang kìa.” Thầy cười cười, tay chỉ lên trên khoảng không bên cạnh.

Bà Lê bà Xoan nghe thế, nhìn lên hành lang các tầng của khu tập thể vắng tanh mà không khỏi rùng mình.

“Mà sao lại là 1-2-3-4? Sao không đề tên? Nếu không muốn đề tên thì cũng không nhất thiết phải ghi ra thế này…”. Thầy pháp tiếp tục độc thoại.

Bà Xoan nháy nháy bà Lê: “Ông thầy này sao ấy chị ạ. Cứ nói gì em chẳng hiểu. Liệu có giỏi đúng như lời đồn không? Lúc ông ấy bảo em là chưa chắc đã đủ sức là em đã chán chán rồi. “

Bà Lê chép miệng: “Chị cũng không biết nữa…Tốn bao công sức mới mời được thầy về đấy.”

Bất chợt thầy pháp đặt viên gạch xuống đất, đứng bật dậy, miệng nói: “Ra là thế!”

Nói rồi thầy quay sang bảo với hai người phụ nữ: “Mai khi nào có thể gặp được ông tổ trưởng tổ dân phố thì cứ điện qua số này cho tôi. Đây là nhà người quen của tôi, tôi sẽ tá túc tạm. Giờ tôi xin phép về trước!”

Thầy pháp đưa một tờ giấy gấp tư cho bà Lê, chào hai người rồi quay lưng đi ra phía đường, hai tay chắp sau lưng ung dung, bóng đổ dài dưới ánh nắng cuối ngày.

Sáng ngày hôm sau, 9 giờ, bà Xoan gọi điện mời thầy pháp qua khu tập thể, tới nhà ông tổ trưởng tổ dân phố ở trong tòa nhà C9.

Ông tổ trưởng có độ tuổi già dặn hơn nhiều so với tưởng tượng của người thầy pháp. Người đàn ông đó có mái tóc đã điểm bạc nhiều, khuôn mặt nhăn nheo, cũng tầm 70 tuổi rồi. Người vợ của ông vẫn còn nhanh nhẹn mau mắn, pha một ấm nước chè mời thầy và mời bà Xoan cùng uống.

Trò chuyện hỏi han vài câu, người thầy hỏi thẳng vào vấn đề:

“Bác! Chắc bác cũng gắn bó với khu tập thể này lâu lẳm rồi ấy nhỉ? Cháu nghe nói là ở đây đông dân nên chia làm hai ạ?”

“Ừ thầy ạ, tôi làm tổ trưởng các hộ dân cư ở khu C6-C12 tập thể này, còn các tòa nhà phía trước là bác Mùi cơ. Cũng ngót nghét hơn 20 năm rồi. Tôi cũng muốn xuống lắm, nhưng người dân cứ tín nhiệm thì biết làm thế nào. Còn sức thì còn cống hiến cho bà con thôi.”

“Cháu được chị Xoan đây mời về, cũng coi như là có duyên, thấy tinh khí khu nhà này không ổn, đặc biệt là ở mấy tòa giữa như C5 C6 đấy. Mà oán khí nặng nề như thế cũng phải có lí do. Cho cháu hỏi có sự kiện gì đặc biệt ở tòa nhà C6 đó không?”

Ông tổ trưởng ngập ngừng vài giây, với lấy cốc chè trên bàn nhấp một ngụm rồi mới trả lời:

“Cậu cũng biết đấy, khu tập thể chúng tôi ngày xưa cũng là đất chiến tranh. Nếu mà xây lên còn vong linh vất vưởng cũng là chuyện thường, lại nằm ở vị trí địa lý bí bách như cậu nói, thì đến lúc cần tẩy uế thôi…”

Ánh mắt người thầy pháp đăm đăm nhìn thẳng vào khuôn mặt của ông tổ trưởng dò xét:

“Nếu muốn giải quyết tận gốc của vấn đề, xin đừng giấu cháu điều gì. Có người đã lưu lại vết tích của vụ việc đó rồi đấy.”

“Vụ..vụ gì cơ?” Ông tổ trưởng lắp bắp.

“Có một viên gạch dưới sân nhà C6 hôm qua cháu đào được. Ở trên ấy có khắc một bài thơ. Ban đầu đọc rất bình thường như không có gì, nhưng họ đã để lại chỉ dẫn. Cháu đã cố nhớ lại và chép lại bài thơ…”

Thầy pháp lôi trong túi áo ra một tờ giấy nhàu nhĩ, ở trong có ghi lại bài thơ trên viên gạch hôm qua. Thầy nói tiếp, tay gạch gạch vào trong tở giấy như một chiến sĩ công an đang dồn tội phạm vào chân tường:

” Bài thơ có bốn câu, được đề chú thích là 1-2-3-4, tưởng như vu vơ, nhưng cháu đã thử ghép theo thứ tự: từ số 1 của câu 1, số 2 của câu 2, số 3 của câu 3 và số 4 của câu 4. Kết quả là…”

Bà Xoan toát mồ hôi nhìn theo nét gạch bút của thầy pháp, miệng lẩm nhẩm theo:

“Vụ…”

“Vụ-cháy-đau-thương! Chính xác là như thế! Có một người nào đó trong lúc oán hận đã khắc bài thơ này rồi bỏ đi, vì lí do nào đó, để lại ẩn ý về vụ việc này. Ở khu nhà C6 đấy, từng xảy ra một vụ cháy ư?”

Ông tổ trưởng nhăn lông mày lại, chưa nói được tiếng nào.

Bà Xoan xoa hai tay vào nhau, lắp bắp.

“Thôi..thôi bác ạ. Cháu nghĩ cứ nói thật cho thầy biết vậy…”

“Đến chị cũng giấu tôi ư? Vậy thì làm sao mà tôi làm việc được đây!” Thầy pháp giận dữ đập tay xuống cạnh ghế cái Bộp.

“Mong thầy bớt giận. Cũng vì nhiều lí do bất đắc dĩ…còn ảnh hưởng tới gia đình nhiều người khác nên…chúng tôi không dám nói. Ai ngờ sự việc lại nghiêm trọng đến thế. Đúng…đúng là cách đây hơn 10 năm, từng xảy ra một vụ cháy lớn tại nhà C6 bây giờ…”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN